Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» 76. Cái Chết Trong Đêm »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» 76. Cái Chết Trong Đêm

Donate

(Lượt xem: 3.833)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - 76. Cái Chết Trong Đêm

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(109) Hãy nhìn vào nỗi sợ hãi của chúng ta... Một ngày khi màn đêm phủ xuống, chẳng có gì hơn là cơ hội để nhìn vào nó... Nếu tôi cố lý giải này nọ hoặc cố trấn an mình thì tôi sẽ không bao giờ đi, vì vậy tôi dắt theo một chú điệu (pa-kow) và đi.

“Nếu đến lúc phải chết thì cứ để nó chết. Nếu tâm của tôi cứ cứng đầu và ngu si thì cứ để nó chết.”... Đó là cách tôi nghĩ về chính mình. Thực ra trong tim tôi chẳng muốn đi, nhưng tôi đã cố ép mình. Khi mọi sự đã đến nước đó, nếu ta cứ chờ đến lúc mọi chuyện êm xuôi thì ta sẽ chẳng bao giờ đi được. Đợi đến khi nào ta mới huấn luyện được bản thân mình? Nhờ nghĩ vậy nên tôi đi.

Tôi chưa từng ở trong nhà xác hay khu tử thi nào trước đó. Khi tôi đến đó, không thể nào tả được tôi cảm thấy ra sao. Chú điệu muốn cắm lều sát bên cạnh tôi nhưng tôi không chịu. Tôi muốn chú ở cách xa tôi. Thực ra trong tâm tôi muốn chú ở gần sát tôi nhưng tôi không làm vậy. Tôi kêu chú dời ra xa xa, nếu không tôi cứ dựa dẫm vào sự có mặt kề bên của chú.

“Nếu mình sợ hãi thì cứ chết luôn đêm nay.”

Tôi rất sợ, nhưng vẫn dám. Không có nghĩa là tôi không sợ, nhưng tôi có sự can đảm. Đằng nào thì trước sau gì cũng phải chết.

Trời tối rồi, tôi có cơ hội, có người đang khiêng xác chết vào. May mắn thiệt! Tôi không còn cảm giác bàn chân mình còn chạm mặt đất, tôi chỉ muốn chạy trốn khỏi chỗ này. Họ muốn tôi tụng kinh cho xác chết ở đó, nhưng tôi không làm. Sau vài phút họ ra về hết, tôi quay lại và thấy họ vừa mới chôn xác chết sát bên chỗ của tôi, còn lại cái vạc tre họ dùng để khiêng xác chết, tôi lấy nó làm giường để nằm.

Giờ thì tôi làm gì? Làng xóm thì cách xa đây, cách hai ba cây số.

“À, tôi sắp chết, tôi sắp chết...” Nếu ta không dám làm điều này thì ta sẽ chẳng biết nó ra sao. Đúng là một trải nghiệm.”

Trời càng lúc càng tối thêm, tôi tự hỏi mình sẽ chạy đi đâu giữa khu nghĩa địa như vầy.

“Ồ, chịu không nổi thì cứ chết. Người sinh ra trên đời này chỉ để chết chứ làm gì, trước sau gì cũng vậy.”

Khi trời sụp tối luôn, tôi tự nói mình chui vào trong mùng (glot)(110). Tôi chẳng muốn đi thiền gì hết, tôi chỉ muốn chui ngay vô mùng. Khi tôi muốn bước về phía cái huyệt mới chôn xác chết, hình như có lực nào đó phía sau kéo tôi lại, không cho tôi bước tới. Hình như trong tôi nỗi sợ hãi và lòng can đảm đang giằng kéo nhau. Nhưng tôi vẫn quyết đi. Đây là cách tôi cần huấn luyện mình.

Khi trời đã tối thui hẳn, tôi chui vào lưới mùng. Tôi cảm giác như có bức tường bảy lớp đang bao bọc tôi. Tôi ôm lấy cái bình bát của mình, ôm như ôm một người bạn cũ vừa mới gặp lại. Nếu có cái tô cái chén nào lúc này nó cũng trở thành người bạn! Sự có mặt của nó làm tôi thấy dễ chịu. Chí ít tôi cũng có cái bình bát làm bạn lúc này.

Tôi ngồi trong mùng và để ý thân mình suốt đêm. Tôi không dám nằm xuống hay ngủ tiếp đi, tôi chỉ ngồi đó im lặng. Tôi không thể buồn ngủ, dù tôi rất muốn, bởi tôi đang sợ hãi. Đúng, tôi đang sợ. Tôi cứ ngồi như vậy suốt đêm.

Giờ ai có gan tập như vậy không? Cứ đến đó ngồi thử rồi biết. Khi đã đến mức như vậy, ai dám đến nghĩa địa để ở ban đêm nữa không? Nhưng nếu bạn không thực sự làm điều đó thì bạn không thực sự tu tập. Lần này tôi thực sự tu tập.

Khi trời sáng, tôi cảm giác: “Ôi, tôi đã sống sót!” Tôi rất vui mừng, tôi chỉ muốn thấy ban ngày, không muốn có ban đêm. Tôi muốn xóa sạch ban đêm, chỉ còn lại ban ngày. Tôi cảm thấy tốt đẹp, tôi còn sống. Tôi nghĩ ra: “Ồ, rốt cuộc chẳng có gì, chỉ có nỗi sợ của chính tôi mà thôi.”

Sau khi đi khất thực và ăn bữa cơm, tôi cảm thấy tốt đẹp, nắng lên tôi cảm thấy ấm áp và dễ chịu. Tôi nằm nghỉ và bước đi. Tôi nghĩ tối nay mình sẽ có một buổi thiền tốt đẹp và tĩnh lặng, bởi tôi đã làm được nó suốt đêm qua. Chắc không còn gì để sợ hơn tối qua nữa.”

Rồi đến chiều, các bạn biết chuyện gì không? Một cái xác nữa đến, lần này là một cái xác to. [Xác chết đêm đầu là của một đưa trẻ]. Giờ họ mang xác đến và thiêu ngay sát bên chỗ của tôi, ngay trước cái mùng. Lần này ghê hơn tối qua.

“Ồ cũng tốt, đem xác đến đốt ngay đây càng giúp cho việc tu tập của tôi”, tôi nghĩ vậy.

Nhưng cũng như hôm qua, tôi không bước ra tụng niệm gì cả, tôi đợi cho họ ra về, tôi đến ngồi nhìn chỗ xác thiêu. Xác cứ cháy, còn tôi ngồi đó nhìn suốt đêm. Tôi không thể nói lúc đó ra sao. Không thể tả bằng lời. Không thể chuyển tải nỗi sợ hãi của tôi lúc đó. Trong cái chết trong đêm, bạn nhớ nghen. Ngọn lửa từ chỗ xác thiêu phóng ra màu đỏ, màu xanh và ngọn lửa cứ lốp bốp cháy nhẹ nhàng. Tôi muốn đi thiền, nhưng khó mà di chuyển được thân mình. Cuối cùng tôi chui vô mùng. Mùi tanh hắc ra từ thịt xương đang cháy cứ tỏa khắp suốt đêm. Và trước khi chuyện gì xảy ra... khi ngọn lửa vẫn lốp bốp cháy, tôi quay lưng lại với nó.

Tôi không còn nhớ phải ngủ, tôi thậm chí không thể nghĩ đến chuyện đó, mắt tôi nhắm nghiền với sự sợ hãi. Chẳng có ai để tôi hướng mặt sang, chỉ có một mình tôi. Tôi phải dựa vào chính mình. Tôi không thể nghĩ mình phải đi đến đâu, chẳng biết đi đâu giữa đêm tối mịt mùng như vậy.

“Thôi, cứ ngồi và chết ở đây cũng được. Ta sẽ không rời khỏi chỗ này.”

Ở đây đang nói về cái tâm bình thường, bạn có muốn làm điều này không? Bạn có muốn đến ở trong tình huống đó không? Nếu bạn lý giải này nọ thì chắc chắc bạn sẽ không bao giờ đến ở chỗ đó. Ai mà muốn như vậy phải không? Nếu ta không có niềm tin mạnh mẽ vào giáo lý của Đức Phật thì ta chẳng bao giờ đi.

Lúc đó đã 10 giờ tối, tôi vẫn còn ngồi quay lưng lại đống lửa xác chết. Tôi không biết chuyện gì, nhưng rõ ràng có tiếng động từ trong đống lửa sau lưng tôi. Có phải cái hòm bị cháy sập không? Hay có con chó nào đang đánh hơi đến chỗ thịt cháy? Ui da, nhưng không, tiếng giống như tiếng chân của một con trâu.

“Ồ, không sao, mặc kệ...”

Nhưng rồi tiếng bước chân gần tới chỗ tôi, giống như bước chân người!

Nó đang bước sát tới lưng tôi, nặng như tiếng chân trâu, và còn nữa... tiếng lá khô bị nghiền bên dưới bước chân, nghe như nó đang bước vòng ra phía trước mặt tôi. Rồi, tôi sắp hứng nhận chuyện tồi tệ nhất, còn biết chạy đằng nào nữa? Nhưng tiếng bước chân không bước thẳng vào tôi, nó rảo vòng quanh trước mặt tôi và bỏ đi về hướng chỗ chú điệu. Rồi tất cả im lặng. Tôi không biết đó là gì, nhưng nỗi sợ khiến tôi nghĩ đủ thứ kiểu, đoán mò đủ thứ khả năng đó là gì.

Rồi khoảng nửa tiếng sau, tôi đoán vậy, tiếng chân đó quay trở lại phía tôi từ phía chỗ chú điệu. Giống như tiếng chân người! Nó tiến thẳng đến tôi, lần này thì thẳng đến, tôi như sắp bỏ chạy! Tôi vẫn nhắm mắt lại, nhắm cứng, không để hé ra chút nào.

“Ta sẽ chết với hai mắt nhắm cứng ngắt.”

Nó tiến lại gần, lại gần đến khi nó đứng trồng trước mặt tôi và đứng yên phăng phắt ngay đó. Tôi cảm giác như nó đang đứng, đưa hai cánh tay đang bị cháy tới trước hai mắt tôi đang nhắm cứng. Ui cha ơi! Đúng là nó rồi! Tôi vất tất cả mọi thứ và bỏ chạy. Không còn Phật, Pháp, Tăng gì gì ở đây nữa. Tôi mất vía, mất tất cả, chỉ còn nỗi khiếp sợ trong tôi, từ chân đến đầu. Ý nghĩ của tôi chẳng có gì ngoài sự sợ hãi. Từ ngày cha mẹ sinh ra đến giờ tôi chưa bao giờ nếm trải sự sợ hãi khiếp đảm đến như vậy. Phật và Pháp đều biến mất hết, tôi chẳng còn biết mình đang ở đâu. Chỉ có nỗi sợ kinh hãi đang tống mạnh lên lồng ngực đến mức trống ngực tôi căng cứng đơ như mặt trống da.

“Thôi, dọt cho lẹ, bỏ của chạy lấy người, không tu không hành gì nữa”, tôi nghĩ mình phải chạy ngay.

Tôi ngồi mà thân như đang hỏng khỏi mặt đất, chỉ biết ngồi chờ coi chuyện gì sắp xảy ra. Nỗi sợ ngập cứng trong thân tôi, như nước lạnh ngắt đổ ngập đầy trong bình. Nếu đổ thêm nữa, nước sẽ trào ra ngay. Nỗi sợ của tôi cũng đang ngập đến đỉnh và bắt đầu bung tràn.

“Nhưng ngươi đang sợ cái gì?”, một giọng nói trong tôi hỏi.

“Ta sợ chết chứ sợ gì”, một giọng khác trả lời.

“Vậy à, cái 'chết' ở đâu ra vậy? Tại sao phải kinh hoàng mất vía hết vậy? Nhìn vào chỗ cái chết. Cái chết ở chỗ nào?”

“Là sao, thì cái chết đang ở trong ta chứ ở đâu!”

“Nếu cái chết đang ở trong ngươi, vậy ngươi chạy thoát sao được khỏi nó mà chạy? Nếu chạy cũng chết, nếu ngồi lại cũng chết. Dù có chạy đi đâu cái chết cũng nằm bên trong ngươi, nên có chạy đằng trời cũng vậy thôi. Dù có sợ hãi hay không thì cũng chết thôi, đâu có chỗ nào chạy thoát khỏi cái chết.”

Ngay sau khi nghĩ như vậy, sự nhận thức của tôi thay đổi ngay. Nỗi sợ tự nhiên biến mất dễ như trở bàn tay. Điều đó thật đáng ngạc nhiên. Sợ hãi ngập đến kinh hoàng như vậy mà giờ nó biến mất dễ dàng như vậy! Sự không sợ bắt đầu khởi sinh thay thế cho sự sợ hãi. Nó khởi lên cao hơn và cao hơn nữa trong tâm tôi cho đến khi tôi cảm thấy mình nhẹ nhõm như đang ở trên mây.

Ngay sau khi tôi vượt qua sự sợ hãi, mưa bắt đầu trút xuống. Tôi chẳng biết trời mưa kiểu gì lúc đó, gió thổi rất mạnh. Nhưng tôi đã không còn sợ chết nữa. Tôi cũng không sợ những cây cành ngã đè xuống tôi. Tôi chẳng để tâm gì đến nó. Mưa đổ xuống như thác, đổ xuống ào ào. Khi mưa ngưng, tất cả mọi thứ đều ướt sững, ướt nhẹp.

Tôi vẫn ngồi đó bất động.

Rồi tôi làm gì tiếp trong khi người ướt nhẹp? Tôi khóc! Nước mắt chảy dài xuống hai má. Tôi khóc và tự mình nghĩ rằng: “Tại sao tôi lại ngồi ở đây như một đứa mồ côi đơn độc, như kẻ bị bỏ rơi, ướt sũng dưới mưa như một kẻ không có gì, như một kẻ bị lưu đày như vậy?”

Tôi cũng nghĩ thêm, tất cả những người đang ngồi thoải mái ở nhà đâu nghĩ rằng có một thầy tu đang dầm mình ngồi dưới mưa bão trong đêm tối như vầy, và họ không biết ổng ngồi vậy để làm chi? Nghĩ như vậy tôi cảm thấy tủi thân cho mình, và nước mắt lại trào dâng chảy xuống.

“Nước mắt là không tốt, cứ để chúng chảy hết đi.”

Đó, tôi tập tu ở nghĩa địa như vậy đó.

Giờ tôi không biết phải tả lại mọi sự diễn ra tiếp theo ra sao. Tôi chỉ biết ngồi... và ngồi và lắng nghe. Sau khi đã vượt qua nỗi sợ hãi, giờ tôi cứ ngồi quan sát tất cả mọi thứ khởi sinh trong tôi, nhiều thứ khởi sinh tôi có thể biết rõ chúng, nhưng không thể miêu tả được chúng. Và tôi nghĩ đến lời của Phật... paccattam veãitabbo viũnũhi (111)— “Người có trí tự mình chứng ngộ.”

Đó là chuyện tôi ngồi chịu đựng suốt đêm dưới trời mưa... ước gì có ai (ngoài chú điệu kia) cũng ngồi trải nghiệm với tôi? Chỉ có tôi mới biết tình cảnh đó thiệt là ra sao. Không còn sợ gì nữa, nỗi sợ hãi đã biến mất. Ai chứng kiến như vậy? Những người ở nhà không thể biết được điều này, chỉ có người ngồi đó mới tự biết được. Đó là trải nghiệm riêng của cá nhân. Ngay cả khi tôi kể lại cho người khác nghe, họ cũng chẳng thể nào biết thực sự đó là gì. Đó là kinh nghiệm bạn phải tự mình trải nghiệm thì mới thực sự biết. Lúc đó, tôi càng quán xét và chánh niệm thì sự trải nghiệm đó càng rõ rệt hơn. Tôi càng trở thành mạnh mẽ hơn, niềm tin của tôi càng vững chắc hơn cho đến khi trời sáng.

Khi tôi mở mắt ra lúc bình minh, mọi thứ đều màu vàng. Tôi mắc tiểu cả đêm nhưng cảm giác đó bị áp chặn bởi cảm giác sợ hãi và những cảm giác sau đó. Khi tôi đứng dậy tôi nhìn xung quanh thấy toàn một màu vàng, vàng như ánh sáng đầu tiên trong một ngày mới. Và khi tôi đi tiểu, tôi thấy máu trong nước tiểu!

“Ê này, ruột tôi bị rách bên trong hay sao đó? Tôi hơi thấy ghê, có thể ruột đã bể ở bên trong nên mới có máu như vậy.”

“Sao? Nếu ruột bị bể, vậy ai còn ngồi đó được mà than trách?”, một giọng nói trong tôi nói ngay. “Nếu ruột có đổ, phải chết thì cứ chết. Ta chỉ biết ngồi đó, không làm điều gì có hại cả. Nếu ruột đổ ra thì cứ đổ”, cái giọng đó tiếp tục nói.

Tâm tôi như thể đang tranh biện với chính nó vậy. Một giọng nói khác bên cạnh lại nói: “Ê, chuyện này khá nguy hiểm đó!” Giọng nói khác thì đối lại, thách thức và phủ đầu cái giọng kia ngay.

Nước tiểu có máu, đi tiểu ra máu luôn.

“ừm, ta tìm thuốc thang ở đâu đây?”

“Ta chẳng quan tâm gì đến mấy thứ đó. Một thầy tu không thể đi chặt củi để đổi lấy thuốc. Nếu chết thì chết, có gì đâu. Có gì đâu phải lo hay phải làm gì? Nếu đang tu bị chết thì ta sẵn sàng, chết vì tu thì sẵn sàng. Nếu chết khi đang làm chuyện gì bất thiện thì mới không tốt không lành gì cả, chết khi đang tu thì ta sẵn lòng.”

Đừng chạy theo những trạng thái của mình. Hãy huấn luyện chính mình. Việc tu tập có thể làm gian nan cuộc đời của bạn... Bạn có thể khóc hai, ba, hay nhiều lần. Đúng vậy, tu tập là vậy. Nếu bạn thấy buồn ngủ và muốn nằm xuống ngủ, đừng để nó ngủ. Hãy làm cho sự buồn ngủ biến mất trước khi nằm xuống. Hãy nhìn tất cả các bạn, các bạn vẫn chưa biết cách tu kia mà.

Giờ nói với các thầy như vầy. Đôi khi các thầy trở về chùa sau một vòng đi khất thực và đang ngồi quán niệm về thức ăn trước khi ăn, nhưng ngay lúc đó các thầy không thể lắng tâm xuống, ngay lúc ăn mà tâm như con chó dại. Chảy nước miếng, các thầy đói quá. Đôi lúc không kịp chánh niệm gì về thức ăn, chỉ nhào vô ăn thôi. Đó là tai họa rồi. Nếu tâm chúng ta không chịu lắng xuống và không chịu kiên nhẫn thì đừng ăn, đẩy bình bát ra chỗ khác. Huấn luyện bản thân, rèn luyện chính mình, đó mới là tu tập. Đừng cứ chạy theo cái tâm. Đẩy bình bát ra xa, đứng dậy, đừng cho nó ăn. Nếu nó cứ muốn chụp ăn và hành vi như một kẻ cứng đầu thì đừng cho nó ăn. Cứ làm vậy, nước miếng sẽ hết chảy. Nếu tâm tính ô nhiễm biết được nếu nó 'cương' thì cũng chẳng được ăn, vậy thì nó mới 'sợ'. Từ ngày mai nó sẽ không dám 'quậy' lên như vậy nữa, nó sẽ sợ nếu quậy lên thì sẽ chẳng được ăn. Hãy thử làm thiệt như vậy, nếu giờ các thầy vẫn chưa tin tôi. Làm vậy sẽ trị được nó, rồi các thầy sẽ tin tôi.

Người ta không tin vào việc tu tập, nên họ cũng chẳng thực sự tu tập gì cả. Họ cứ sợ nếu để đói họ sẽ bị chết đói. Nếu bạn không thử tu tập như vậy thì bạn sẽ chẳng bao giờ biết kết quả. Hầu hết chúng ta đều không dám làm như vậy, không dám thử làm thiệt như vậy, chúng ta cứ ngại ngại gì đó.

Khi nói đến chuyện ăn uống và những thứ khoái cảm, tôi cũng đã chịu đựng một thời gian dài, giờ tôi đã biết chúng là như thế nào. Đó cũng chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng việc tu tập không phải là chuyện dễ tập dễ làm.

Hãy xem xét: Điều gì là quan trọng nhất? Không có gì hệ trọng hơn cái chết. Chết là điều đáng quan trọng nhất trên đời. Xem xét, suy xét, thực hành, điều tra, tìm hiểu... Nếu không có quần áo mặc ta không chết. Nếu không có kẹo ngọt để ăn, không thuốc lá ngon để hút, ta không chết. Nhưng nếu ta không có cơm và nước, có thể ta chết. Tôi thấy chỉ có hai thứ là cơm và nước là quan trọng. Bạn cần có cơm và nước để nuôi lấy thân. Do vậy, tôi không quan tâm những thứ khác nữa, tôi luôn thấy vui lòng với những gì được cho. Khi nào còn có cơm ăn và nước uống là còn tu, chỉ được vậy là tôi vui lòng.

Chỉ cơm và nước có đủ cho bạn không? Tất cả mấy thứ khác đều là phụ, dù có được chúng hay không cũng không phải vấn đề, thứ quan trọng nhất là cơm và nước.

“Ta có thể sống còn như vậy được lâu không?”, tôi tự hỏi. “Được vậy là đủ để sống lâu rồi, cơm thì đi khất thực một vòng chí ít cũng có được cơm, mỗi nhà nhường một miếng là mình có phần cơm để ăn. Còn nước thì có khắp nơi. Chỉ cần hai thứ này là đủ rồi...” Hồi nào giờ tôi có bao giờ nhắm đến sự sống dư giả sung sướng nào đâu.

Về phần tu tập, thường thì đúng và sai cùng tồn tại. Các thầy phải thực sự dám làm, dám tu tập. Nếu các thầy chưa từng đến ngồi ở nghĩa địa, vậy hãy cố luyện tập mình để đến đó tu thử. Nếu lúc đầu chưa dám đến ban đêm thì đến đó ban ngày. Cứ luyện tập rồi sau này đến đó vào lúc chạng vạng và ở đó qua đêm. Rồi các thầy sẽ nhìn thấy hiệu quả của sự tu tập đó, rồi các thầy sẽ hiểu.

Tâm này đã ngu mờ vô minh trong bao nhiêu kiếp rồi, bao nhiêu ta cũng chẳng biết. Những gì chúng ta không thích không muốn thì chúng ta né tránh, chúng ta sợ sệt. Nhưng miệng thì cứ đi nói rằng ta đang tu hành. Đó không phải gọi là “tu.” Nếu tu thiệt thì bạn có thể liều mạng sống của mình. Nếu bạn đã quyết tâm tu tập vậy tại sao còn lo nghĩ đến những thứ nhỏ nhặt?... Nào là: “Tôi chỉ được chút này, thầy được nhiều hơn tôi”, “Tôi chỉ có ba bộ y và đôi dép cũ, thầy được cúng dường nhiều y đẹp và có mấy đôi xăng đan tốt quá”, “Cốc của thầy mới tráng nền, sạch hơn cốc của tôi”, “Huynh cãi với tôi nên tôi phải cãi với huynh.”... Còn tôi, tôi chẳng hề có những ý nghĩ đó, bởi tôi không tìm kiếm những thứ đó. Ai làm chuyện gì là việc của họ. Dù tôi có đến tu ở chùa khác, tôi cũng không liên quan đến những thứ đó. Dù ai tu nhiều tu ít, tu thấp tu cao, tôi cũng không quan tâm, tôi chỉ lo tu cho bản thân mình còn chưa xong đây. Và tôi thì dám tu, và nhờ đó sự tu tập mới làm khởi sinh sự hiểu biết thâm sâu và trí tuệ minh sát.

Nếu sự tu tập của các thầy chạm đến được điểm này thì coi như các thầy đang thực sự tu. Đến lúc đó thì các thầy sẽ tự động tu ngày, tu đêm, miên mật và đều đặn. Các thầy thấy đó: đêm đến, tôi ngồi thiền, sau đó tôi đi thiền, cứ đổi tư thế thiền qua lại như vậy, ít nhất hai ba lượt như vậy trong một đêm. Đi thiền, rồi ngồi thiền, rồi lại đi thiền nữa... tôi chẳng bao giờ chán, tôi thích việc thiền tập.

Nhiều lúc trời mưa, tôi nghĩ đến thời nhỏ đi làm ruộng. Suốt ngày dầm mưa, quần của tôi vẫn còn ướt nhẹp đến sáng hôm sau thức dậy, nhưng tôi phải mặc lại nó. Rồi tôi xuống chuồng trâu lùa chúng ra khỏi chuồng để ra đồng. Chuồng trâu đầy cứt trâu ướt nhẹp, mình mẩy chúng dính toàn cứt, chúng đứng dậy quẫy đuôi, cứt trâu bay tung tóe dính đầy mặt tôi. Chân tôi dầm mưa hôm trước giờ vẫn còn đau nhức. Tôi tủi thân nghĩ rằng: “Sao cuộc đời này khổ quá vậy?” Nên bây giờ khi đi thiền... trời mưa chút xíu thì đối với tôi có gì là khổ sở đâu? Nghĩ như vậy tôi càng thấy vui lòng để tu tập.

Nếu sự tu tập đã nhập vào dòng (thánh đạo) thì lúc đó chẳng còn gì để so với nó nữa. Người tu lúc đó không còn sự khổ nào nữa, và niềm hạnh phúc lúc đó cũng không gì sánh bằng. Không còn sự nhiệt tâm nào có thể sánh được và cũng không còn sự lười biếng nào để sánh nữa. Người tu hành đang ở trên đỉnh cao của sự tu tập Giáo Pháp. Do vậy tôi mới nói rằng, nếu bạn thực sự tu thiệt thì sẽ có cảnh giới đó để bạn nhìn thấy.

Nhưng không may là hầu hết chúng ta chỉ hay nói bàn về sự tu tập, chứ chẳng mấy ai tu thành hay tu được đến kết quả. Việc tu tập của chúng ta cũng giống như một người có mái nhà bị dột một bên, ông ta nằm ngủ một bên. Khi trời nắng lên, ông ta lăn qua bên kia và nghĩ: “Biết chừng nào ta có ngôi nhà đẹp như người ta?” Khi mái dột hết các bên, ông chỉ biết đứng dậy và bỏ đi. Đây không phải là cách đúng đắn, đó chỉ là cách tạm bợ và vô trách nhiệm, nhưng hầu hết chúng ta đều tu tạm bợ, tu vá tu chắp, theo kiểu như vậy. (Chỉ tu theo kiểu chống chế, tu cho có tu rồi từ từ tính sau).

Tâm này là của chúng ta, những ô nhiễm này... nếu chúng ta cứ chạy theo chúng thì chúng sẽ gây rắc rối phiền não cho ta. Chúng ta càng chạy theo chúng, sự tu tập của chúng ta sẽ càng xuống dốc suy thoái. Nếu tu thiệt sự, nhiều lúc chúng ta sẽ thấy mình ngạc nhiên vì sự nhiệt tâm tu tập đó. Dù ai tu hay không, ta không cần để ý, chỉ cần để ý tu tập cho mình một cách đều đặn chuyên cần. Ai đến ai đi không phải là vấn đề của mình, mình cứ lo tu tập cho mình. Các thầy phải nhìn vào chính mình thì sự tu tập đó mới được gọi là “tu.” Khi các thầy tu tập thiệt sự, lúc đó sẽ không còn sự xung khắc nào trong tâm, chỉ còn lại Giáo Pháp.

Khi chúng ta còn vụng về, vẫn còn nhiều thiếu sót, đó là lúc chúng ta phải áp dụng vào tu tập bản thân. Nếu chưa tu sửa xong chỗ nào thì đừng bỏ ngang nó; nếu chưa tu sửa xong chỗ nào, thì chỗ đó vẫn còn. Nhưng sau khi tu sửa xong chỗ này, thường ta lại dính vào chỗ khác; do vậy phải kiên trì tu sửa cho đến khi ta xử lý xong nó, đừng bỏ ngang. Đừng bao giờ hài lòng trước khi nó đã được tu sửa. Đặt hết sự chú tâm vào chỗ đó. Khi đang ngồi, đang đi, đang đứng hay đang nằm, chú tâm vào chỗ tu đó.

Cũng giống như một nông dân chưa làm xong việc đồng áng của ông. Mỗi năm ông đều trồng lúa, nhưng năm nay đến giờ vẫn chưa trồng xong, vậy nên tâm trí ông cứ canh cánh về việc đó. Ông chưa thể yên tâm nghỉ ngơi. Ngay cả khi ngồi với bạn bè, ông cũng lo về công việc chưa làm xong. Cũng giống như một bà mẹ đang để con trên gác và xuống dưới nhà cho gà ăn: tâm trí lúc nào cũng canh cánh nghĩ đến đứa con nhỏ trên gác, cứ lo nó bò nó lăn rồi bị rớt xuống đất. Ngay cả khi người mẹ đang làm việc khác, đầu óc vẫn luôn nghĩ về đứa bé, vì bà không thể yên tâm. Tất cả những người mẹ khi nấu ăn hay làm nội trợ, tâm trí họ đều hướng về đứa con đang nằm ngủ trong nôi hay trên võng; tình mẹ chánh niệm về con cái một cách tuyệt vời trọn vẹn như vậy đó.

Tương tự đối với việc tu tập của chúng ta—chúng ta không thể quên việc tu. Dù có đang làm những việc khác, chúng ta vẫn nghĩ đến việc tu tập, nó đặt thường trực trong tâm trí chúng ta, cả ngày lẫn đêm. Phải như vậy mới được, nếu chúng ta thực sự muốn tu tiến.

Lúc đầu, các thầy phải nhờ các sư thầy đủ dạy và hướng dẫn. Khi các thầy đã hiểu được lời thầy thì thực tập theo lời dạy đó. Khi thầy hướng dẫn, bạn nên làm đúng theo sự hưóng dẫn của thầy. Đến khi nào ta thấy ta đã hiểu và có thể tự tu tập thì ta cứ tự tu tập. Hễ khi có sự xao lãng hay có các tâm tính bất thiện khởi lên, phải tự dạy chính mình. Tự mình thực tập cho chính mình. Tâm là cái người biết, là người chứng kiến. Tâm tự nó biết nó nếu bạn vẫn còn ngu mờ nhiều hay ngu mờ ít. Khi nào thấy bị lỗi sai chỗ nào, phải cố gắng tập trung tu tập ngay chỗ đó, dùng chính bản thân mình tu sửa ngay đó.

Tu là như vậy đó. Việc tu giống như điên khùng, thậm chí có thể nói ta giống như điên khùng. Khi ta tu, ta giống như điên khùng, ta “đảo ngược” mọi thứ trước kia. Ta phá bỏ những nhận thức trước kia, ta điều chỉnh lại những nhận thức đó của mình. Nếu ta không điều chỉnh lại nhận thức thì sẽ luôn đi đến rắc rối, nếu vậy thì ta cũng tan tác trôi lạc như trưóc đây mà thôi.

Có rất nhiều sự khó khổ trong tu tập, nhưng nếu ta không hiểu biết về sự khó khổ của mình thì ta chưa hiểu biết Sự Thật về Khổ [Khổ Đế]. Để hiểu biết về khổ, để diệt trừ khổ, trước tiên ta cần phải đối đầu với nó. Khổ, khổ... Phật đã dạy về sự khổ: sự khổ của sinh, sự khổ của già, sự khổ của bệnh... nếu ta không muốn nếm trải khổ thì chúng ta không thể nhìn thấy khổ. Nếu không nhìn thấy khổ thì chúng ta không hiểu biết về khổ. Nếu không hiểu biết về khổ, thì chúng ta không thể trừ diệt khổ.

Thời bây giờ không ai muốn nhìn thấy khổ, họ chẳng muốn nếm trải sự khổ. Nếu họ bị khổ chỗ này, họ chạy sang chỗ khác. Các bạn thấy không? Họ cứ lo trốn chạy, họ cứ kéo lê sự khó khổ của mình từ nơi này đến nơi khác, nhưng họ chẳng bao giờ trừ bỏ được khổ. Họ không biết suy xét, không biết quán xét, không biết điều tra tìm hiểu. Khi họ cảm thấy khổ ở đây, họ chạy đến chỗ khác; rồi đến đó cũng thấy khổ, họ lại chạy về đây. Họ chỉ lo trốn chạy khỏi khổ về mặt thân xác. Khi nào ta còn ngu si thì dù có đi đến đâu ta cũng gặp khó khổ. Dù bạn có bắt máy bay bay đi thật xa, khổ vẫn đi theo bạn đến đó. Dù bạn có lặn sâu đến cỡ nào, khổ cũng lặn sâu theo bạn, bởi lẽ khổ nó nằm bên trong chúng ta. Nhưng chúng ta không biết vậy. Nếu nó đã nằm bên trong ta thì làm sao ta trốn chạy khỏi nó cho được?

Người ta bị khổ một nơi, liền chạy đến nơi khác. Đến nơi đó khi thấy có khổ khởi lên, họ lại chạy đi nơi khác nữa. Họ cứ nghĩ họ chạy thoát khỏi khổ, nhưng thực ra khổ luôn theo dính họ. Họ cứ mang khổ đi chỗ này chỗ nọ mà họ không biết. Nếu chúng ta không biết nguyên nhân của khổ thì chúng ta không thể nào chấm dứt khổ được, cũng không có cách nào trốn chạy khỏi nó.

Chúng ta phải nhìn sâu vào chỗ này cho đến khi ta vượt qua nghi ngờ. Chúng ta phải dám tu tập. Đừng lơ là tu tập, dù đang ở với đông người hay đang ở một mình. Ai lười biếng tu thì kệ họ. Còn ai tu nhiều, ngôi thiền nhiều, đi thiền nhiều... tôi bảo đảm sẽ có kết quả tốt, sẽ đạt tới thánh quả. Nếu bạn thực sự tu tập một cách đều đặn, dù ai có đến có đi, dù có bất cứ điều gì xảy ra, bạn chỉ cần một kỳ an cư Mùa Mưa là đã đủ tiến bộ! Phải tu theo cách như tôi đã nói với các thầy. Lắng nghe lời sư thầy, đừng có nghĩ ngược, đừng cứng đầu. Sư thầy chỉ gì mình làm theo như vậy. Bạn không cần phải nhút nhát hay e thẹn việc tu tập, sự hiểu biết chỉ khởi sinh từ việc tu tập.

Tu là đạo, là patipadã. Patipadã là gì? Là tu đều đặn, tu chuyên cần, ổn định. Đừng tu như kiểu cho có tu. Có người quyết tâm im lặng suốt kỳ an cư, điều đó rất tốt, nhưng bù lại ổng bắt đầu lấy viết ra đủ thứ ghi chú... Biết ổng ghi gì không? “Ngày mai làm cho tôi ít cơm nắm.” Ổng muốn ăn cơm nắm! Ông ấy ngừng nói, ông ấy tập im lặng theo hướng dẫn, nhưng bù lại ổng lại viết tùm lum. Viết kiểu đó tâm còn phân tán nhiều hơn nói nữa. Cứ một phút ổng ghi chú, phút sau lại ghi nữa, thiệt là hài hước hết chỗ nói!

Tôi chẳng hiểu tại sao ổng quyết tâm không nói, nhưng... lại viết. Ổng chẳng biết tu là gì hết. (Tu là tu tại cái tâm, không phải tu cái miệng... mà có thể dùng tay. Miệng không nói, nhưng tay cứ hí hoáy viết đủ loại ý nghĩ thì thà nói cho nhanh còn hơn!)

Thực sự, sự tu tập của chúng ta là biết hài lòng với mọi thứ giản đơn, với sự thiếu ít, và cứ sống tự nhiên. Đừng lo lắng dù bạn đang thấy lười biếng hay nhiệt tâm. Cũng đừng nói “Tôi đang nhiệt tâm đây” hay “Tôi đang thấy lười biếng đây.” Hầu hết mọi người chỉ tu khi cảm thấy siêng năng hứng thú, còn khi thấy lười biếng thì họ bỏ lơ không tu. Đó là cách thường ngày của mọi người. Nhưng đã là tu sĩ thì không nên làm vậy. Nếu thấy siêng thì tu, khi thấy lười mệt cũng nên tu. Đừng bận tâm những việc khác, bỏ hết đi, dẹp hết chúng đi, chỉ lo luyện tập bản thân. Tu ổn định, dù ngày hay đêm, năm này, năm tới, bất cứ lúc nào... Đừng chú tâm đến ý nghĩ hay cảm giác siêng năng hay lười biếng, mệt hay khỏe, đừng bận tâm trời nắng hay mưa, trời nóng hay lạnh, chỉ cứ tu và tu. Đây được gọi là chánh đạo (sammã patipada) là sự tu tập đứng đắn.

Một số người thực sự thích dụng công tu tập sáu, bảy ngày liên tục, nhưng họ không thấy kết quả gì, nên họ chán và bỏ luôn; nên họ chỉ lo dạo chơi, giao lưu, tán dóc, đủ thứ. Khi nào nghĩ đến sự tu, họ lại nhảy vào tu 'căng' một đợt sáu, bảy ngày liên tục khác, rồi cũng chẳng được gì, rồi lại chán và tiếp tục bỏ luôn... Cũng giống như cách người ta làm việc. Đầu tiên họ xắn tay áo nhảy vào coi bộ quyết tâm lắm... rồi đang làm nửa chừng họ bỏ ngang, bỏ đồ nghề và đi về. Sau đó khi đất cát đã bị đóng cứng, họ quay lại làm một hơi nữa, nhưng rồi lại chán và bỏ ngang. Cứ dang dở như vậy. Cuối cùng vẫn chưa trồng được loại nào để cho quả cho trái.

Làm đất kiểu đó chẳng bao giờ bạn trồng cho ra ngô ra khoai gì hết. Việc tu tập cũng như vậy. Nếu bạn thấy đường tu này, tức đường đạo (patipada) này là không quan trọng thì bạn không tu được đến đâu hết. Chánh đạo (samma patipada) là việc quan trọng không thể nghĩ bàn. Phải tu một cách ổn định, đều đặn. Đừng chạy theo những cảm nhận này nọ. Nếu trạng thái đang xấu hay tốt, đang buồn hay vui thì sao? Phật chẳng hề bận tâm đến những điều đó. Phật trải nghiệm đủ thứ điều tốt và điều xấu, đủ thứ điều đúng và điều sai. Đó là cách tu của Phật. Cứ lo nhận lấy những thứ mình thích và kháng cự những thứ mình không thích thì không phải là tu, đó là tai nạn, đó là dính chấp. Nếu cứ như vậy thì dù đi đến đâu bạn cũng không thấy thỏa mãn, bất cứ đang ở đâu bạn cũng thấy khổ.

Tu tập kiểu đó cũng giống như mấy Bà la môn làm việc hiến tế thần linh. Tại sao họ làm như vậy? Bởi lẽ họ muốn đổi chác thứ gì đó. Một số đền chùa tu cho có tu, tu như để đổi lấy phúc đức hay gì gì đó. Họ tu vậy để làm gì? Họ tu để tìm nơi tái sinh tốt đẹp, để được tái sinh về chỗ ngon lành, để được phúc đức gì gì đó. Nếu phải vì muốn đắc đạt thứ gì đó thì họ không đi tu đâu, cũng như các Bà la môn muốn đổi chác thứ gì đó từ thần linh nên mới bỏ công bỏ của ra hiến tế như vậy. Họ làm vậy vì tham muốn, vì dục vọng.

Phật không dạy cách như vậy. Việc tu hành là từ bỏ, là buông bỏ, là dừng lại, là nhổ sạch gốc (si, tham, sân). Chứ Phật không dạy chúng ta tu để 'canh' mình được tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp nào.

Có một vị trưởng lão ban đầu đã từng gia nhập vào chi phái Phật giáo tên là Mahãnikai ở Thái Lan. Nhưng vị này nhận thấy phái đó không nghiêm trang cho lắm, nên vị ấy bỏ đi qua gia nhập và thọ giới bên chi phái tên là Dhammayuttika.(112) Rồi vị ấy bắt đầu tu tập. Nhiều lúc vị ấy nhịn ăn mười lăm ngày liền, rồi đến khi ăn lại, vị ấy chỉ ăn toàn lá và cỏ. Vị ấy nghĩ ăn thịt là ác nghiệp, tốt nhất là ăn lá ăn cỏ.

Sau một thời gian... vị ấy nghĩ rằng: Làm Tỳ kheo là không hay, rất bất tiện (vì nhiều giới luật). Điều đó gây khó cho kiêng giữ chế độ ăn chay, nếu làm Tỳ kheo thì khó làm hơn (ví dụ làm Tỳ kheo phải đi khất thực, người ta cho đồ ăn mặn cũng phải ăn). Vậy nên vị ấy bỏ y và trở thành một người giúp việc chùa (làm một pa-kow). Sau khi bỏ y, vị Tỳ kheo trở thành một chú giúp việc để có thể tự ý tự do đi đào củ, đi cắt rau về để ăn chay cho thoải mái. Vị ấy cứ làm như vậy cho đến lúc vị ấy không còn biết tu làm sao cho đúng nữa. Vậy là vị ấy bỏ cuộc, bỏ làm Tỳ kheo, bỏ làm pa-kow, bỏ cuộc tất cả. Giờ tôi chẳng biết vị ấy đang ở đâu. Có thể đã chết rồi, tôi không biết. Chuyện xảy ra như vậy là do vị ấy không thể tìm thấy kiểu gì là thích hợp với tâm mình. Vị ấy không nhận ra rằng mình đang chạy theo những ô nhiễm của mình. Những tâm tính ô nhiễm đã dẫn dắt mình, nhưng vị ấy không biết.

“Phật có bao giờ bỏ y hoàn tục để trở thành chú điệu hay chú phụ việc trong chùa (pa-kow) hay không? Phật tu cách gì? Phật đã làm những gì?” Vị ấy chẳng suy xét về điều này. Phật có đi ăn lá ăn cỏ như bò vậy không? Thì ai muốn thì cứ làm, nếu đó là điều mình muốn, nhưng đừng chỉ trích người khác. Bất cứ chuẩn mực nào mình thấy phù hợp với mình thì cứ tu theo nó. “Đừng đẽo gọt cho cố, cuối cùng bạn chẳng làm được cái cán dao nào đẹp đâu.”(113) Bạn sẽ chẳng đạt được gì và cuối cùng cũng bỏ cuộc mà thôi.

Nhiều người cứ như vậy. Khi nào đến lúc đi thiền, họ cố tập đi mười lăm ngày liền. Họ thậm chí bỏ ăn luôn, chỉ lo đi thiền. Khi đi đã xong, họ lăn ra ngủ. Họ chẳng bao giờ suy xét trước khi thực hành điều gì. Cuối cùng, kiểu tu nào cũng chẳng thích hợp. Làm tu sĩ cũng chẳng hợp, làm cư sĩ hay pa-kow cũng không hợp... rốt cuộc họ chẳng tu được gì.

Những người như vậy chẳng biết tu là gì, họ không nhìn vào những lý do tu tập, họ không hiểu lý tu hành là chỗ nào. Hãy suy xét về cách mình sắp sửa áp dụng để tu. Người xưa dạy sự tu tập là để vất bỏ. Tâm thì muốn thương muốn ghét người này người nọ... những tâm tính đó luôn khởi sinh, nhưng đừng coi chúng là thực hay là cái 'gì' cả. Vậy chúng ta tu tập để làm gì? Đơn giản là để chúng ta từ bỏ tất cả mọi thứ đó. Ngay cả khi bạn có đạt được sự bình an, cứ vất bỏ sự bình an đó, (đừng quan trọng nó là gì cả, bởi trước sau gì nó cũng thay đổi thôi mà). Nếu sự hiểu biết (tri kiến) nào có khởi sinh, ta vất bỏ sự hiểu biết đó, (đừng ôm giữ nó như cái gì quý giá). Nếu biết thì ta biết, nhưng nếu cứ lấy sự biết đó là 'của ta', thì bạn sẽ nghĩ bạn biết thứ gì đó. Rồi bạn lại nghĩ mình biết hơn người khác, mình ngon hơn họ, (ngay đây lại dính vào bẫy 'cái ta'). Rồi bạn sẽ không sống được ở đâu, ở đâu bạn sống cũng gặp khó khổ, khó chịu. Nếu bạn tu sai đường thì cũng như không tu gì cả.

Tu theo khả năng của mình. Các thầy ngủ nhiều không? Vậy hãy cố kiềm chế bớt lại. Các thầy có ăn nhiều không? Vậy hãy cố ăn ít lại. Cần tu bao nhiêu cứ tu bấy nhiêu, lấy giới, định, tuệ (sila, samadhi, panna) như đã học làm căn bản tu tập. Rồi cũng nên tu giữ 13 giới kiêng khổ đầu đà (idhutanga). Những điều kiêng cữ trong đó là để đào sâu vào các tính ô nhiễm của chúng ta. Để nhổ tận gốc những ô nhiễm, chúng ta nên tu luôn 13 giới kiêng khổ đó để triệt để tiêu diệt cái gốc tham ăn, tham ngủ, và phóng dật của mình.(114)

Việc tu giữ theo các giới cấm dhutanga là thực sự rất hữu ích. Nhiều người không tiêu diệt nỗi các ô nhiễm bằng các giới luật căn bản (sila) và định lực (samadhi) của mình, nên họ cần phải nhận thêm các điều giói kiêng khổ dhutanga này để tu tập thì mới tiêu diệt nỗi những ô nhiễm đó. Việc tu tập theo các giới kiêng khổ đó, còn gọi là giới hạnh đầu đà (HV), có thể giúp cắt bỏ nhiều thứ ô nhiễm trong tâm. Ví dụ, giới 'sống dưới gốc cây'... Sống dưới gốc cây thì không trái với giới luật chung. Nhưng nếu bạn quyết định tu tập giới kiêng khổ dhutanga thì phải tập sống trong nghĩa địa; nếu bạn không làm thì điều đó là sai. Hãy thử tu ở nghĩa địa rồi coi. Sống nơi nghĩa địa thì ra sao? Có giống như sống chung với một nhóm tu tập không?

Dhutanga: có thể được diễn dịch là: “những điều tu tập rất khó làm.” Đây là các giới tu tập của các bậc Thánh Nhân. Ai muốn tu để trở thành thánh nhân thì hãy nhận lấy những giới cấm khổ hạnh này để tu tập, để có thể cắt đứt nhanh những ô nhiễm trong tâm. Rất khó tuân giữ 13 giới kiêng khổ này, và cũng rất khó tìm thấy ai cam kết thực hành tốt những giới cấm đó, bởi những giới đó là siết chặt, là đi ngược lại những ý muốn và tham muốn của chúng ta.

Chẳng hạn như y phục, họ bắt phải giới hạn chỉ được có ba bộ y; ăn thì chỉ ăn từ trong bình bát khất thực; phải luôn luôn đi khất thực thức ăn; chỉ được ăn những thứ xin được khi đi khất thực, nếu có ai mang thức ăn đến cúng dường sau đó thì không được nhận để ăn... vân vân.

Điều thứ ba vừa nói trên mới đáng nói thêm: nếu sống tu ở miền trung Thái Lan thì dễ, vì ở đó thức ăn có đầy đủ, các thí chủ luôn dâng nhiều thứ thức ăn vào bình bát của Tỳ kheo, cho nên có thể luôn có đủ các thức ăn dinh dưỡng căn bản. Nhưng nếu bạn lên tu ở miền đông bắc Thái Lan này, việc tu theo 13 hạnh Đầu đà thì sẽ khác—bởi ở đây bạn chỉ nhận được toàn cơm trắng! (Nhận toàn cơm trắng phải ăn cơm trắng, dù ở chùa có Phật tử khác cúng nhiều thức ăn khác bạn cũng không được ăn, giới Đầu đà không cho phép điều đó). Những vùng quanh đây có truyền thống chỉ cúng dường cơm trắng cho tăng đi khất thực. Ở miền Trung gần thủ đô thì họ cho cơm trắng và nhiều loại thức ăn khác, còn ở đây chỉ có vậy. Nên việc tu theo giới khổ hạnh Đầu đà ở vùng này thì đúng thực sự khổ hạnh theo nghĩa của nó. Bạn chỉ được ăn cơm trắng, bất cứ thứ gì được mang đến sau đó bạn không được ăn. Rồi phải ăn một lần (duy nhất) trong ngày, ăn trong một lần ngồi xuống (không ngồi xuống đứng lên trong một lần ăn), ăn trực tiếp từ trong bình bát khất thực (không sang ra chén dĩa, không được lấy thêm muối, thêm tương từ chỗ khác)—khi nào ăn xong đứng dậy là coi như xong một ngày, không được ăn bất cứ thứ gì nữa trong ngày đó. Những cách thực hành đó nằm trong những giới khổ hạnh dhutanga. Giờ thì mấy ai chịu tu theo những hạnh này?

Thời bây giờ ít thấy ai chịu cam kết tu theo 13 giới kiêng khổ đó, bởi những giới cấm đó quá khó. Nhưng chính vì vậy mà chúng rất hữu ích và hiệu quả nhanh cho việc thuần trị cái tâm đầy tham dục của chúng ta.

Cái người ta gọi là tu thời bây giờ thực ra không phải là tu. Nếu tu thiệt thì việc tu không phải là dễ. Hầu hết chẳng ai dám tu thiệt, họ chẳng dám làm những điều ngược lại với thói tâm thói tính của mình. Họ không muốn làm những điều đi ngược lại với những cảm nhận của mình. Họ không muốn chống lại những ô nhiễm của mình, họ không muốn đào sâu vào chúng, họ không muốn diệt trừ chúng.

Trong việc tu tập của chúng ta ở đây, chúng ta đã được dạy là không chạy theo những trạng thái và cảm nhận của mình. Hãy nghĩ coi: chúng ta đã bị lừa đảo trong vô số kiếp để tin rằng cái tâm là tâm của chúng ta. Thực sự nó đâu phải là vậy, nó chỉ là kẻ giả danh, kẻ mạo danh. Nó lôi kéo dẫn dắt chúng ta vào tham dục, vào sân giận, vào si mê, nó lôi kéo chúng ta vào những trò trộm cắp, cướp bóc, tham lam, tranh đấu, và thù hận. Những điều đó không phải là của chúng ta. Hãy tự hỏi chính mình: ngươi có muốn sự tốt lành hay không? Mọi người đều mong muốn sự thiện lành. Ai cũng nói vậy. Nhưng nhìn coi tất cả những gì họ làm, những gì chúng ta làm, có thiện lành gì không? Vậy đó! Người ta cứ làm điều gian trá xấu ác chứ đâu muốn làm lành (như mình muốn hay như mình nói). Do vậy tôi mới nói những điều đó chỉ là kẻ giả danh, chúng làm ta chịu, tất cả những trò đó là của nó, là của cái tâm.

Phật không muốn chúng ta chạy theo cái tâm này, Phật muốn chúng ta huấn luyện nó, thuần phục nó, tu sửa nó. Nếu nó làm đường gì, ta phải bịt đường đó. Nếu nó làm đường khác, ta bịt đường đó cho nó quay lại đường này. Là sao? Nói đơn giản như vầy: Bất cứ điều gì cái tâm muốn làm, ta không cho nó cơ hội làm điều đó. Chỗ này giống như có hai người bạn lâu ngày, nhưng đến cuối cùng thấy hai người là hai kiểu nghĩ khác nhau. Họ tách ra mỗi người đi một đường, dứt khoát không nghe theo người kia nữa. Tương tự, chúng ta không nghe theo cái tâm nữa. Ai còn chạy theo cái tâm, chạy theo những điều nó thích, điều nó muốn, hay bất cứ điều gì của nó, thì người đó vẫn chưa biết cách tu.

Đây là lý do tại sao tôi hay nói: những gì ngày nay người ta gọi là tu thì không phải là tu thiệt... đó chỉ là tai họa. Nếu bạn không biết dừng lại và nhìn lại thì đừng cố tu nữa, bởi khi tu không phải, tu không đúng lý tu hành, thì bạn chẳng bao giờ nhìn thấy sự thật, chẳng bao giờ đạt đến Giáo Pháp. Nói thẳng ra, trong sự tu tập bạn phải cam kết trọn kiếp này là để tu. Không phải điều đó là dễ làm, việc tu không phải là dễ, nhưng chí ít cũng tu sao để cắt bỏ đi được ít nhiều sự khổ đau. Đặc biệt trong một, hai năm đầu tu tập, có rất nhiều sự khó khổ. Đối với những Tỳ kheo trẻ và những sa di thì đó là quãng thời gian thực sự gian khó.

Ngày trước tôi cũng từng có rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với thức ăn. Bạn muốn gì ở tuổi đó? Thành một Tỳ kheo năm hai mươi tuổi, lúc đó là tuổi ăn tuổi ngủ... nên có nhiều ngày tôi ngồi mơ về đồ ăn thức uống. Tôi thèm được ăn chuối trộn nước si rô thơm, hay đu đủ cắt miếng... nghĩ tới đó đã thấy nước miếng nhỏ dãi. Đây là một phần của sự tu tập. Tất cả mọi thứ đều không dễ dàng, tu là khó thiệt. Cái vụ thèm ăn thèm uống có thể dẫn đến rất nhiều nghiệp xấu. Thử hỏi một người mới lớn lên, ở tuổi thèm ăn thèm ngủ, và bị giam cầm trong bộ cà sa này, thử hỏi anh ta cảm giác ra sao? Chắc là loạn trí luôn. Điều này chẳng khác như xây đập ngăn một dòng sông đang chảy mạnh, không chừng tức nước bể đập luôn đó. (Những thói tính thói tâm thích ăn, thích ngủ, thích đủ thứ còn đang quá mạnh mẽ trong một con người mới lớn lên). Nếu đập ngăn (các giới luật, các thanh quy, chuẩn mực tu tập trong chùa...) có thể giữ được thì tốt; nếu không giữ nỗi thì bức luôn thôi.

Việc thiền tập của tôi trong năm đầu chẳng liên quan những điều gì to tát, chỉ quanh quẩn về... thức ăn thức uống mà thôi. Tôi cứ sục sạo, tôi rất bất an... Nhiều lúc tôi ngồi mà cứ nghĩ đến cảnh đang đút trái chuối vô miệng ăn. Tôi có thể tưởng tượng đến từng động tác bẻ trái chuối ra từng khúc và đút vô miệng. Và chuyện này cũng là một phần của sự tu tập mà chúng ta cần phải tu.

Vậy nên đừng sợ nó. Đã đến lúc huấn luyện bản thân, tu sửa bản thân, nhưng do tất cả chúng ta đều đã bị vô minh trong vô số kiếp nên việc tu sửa đó không phải dễ làm. Tu sửa là khó thiệt, nhưng điều đó là đáng làm. Sao chúng ta cứ thích bận tâm với những việc dễ dàng? Ai cũng làm được việc dễ, điều quan trọng là ai làm được việc khó kìa. Chúng ta phải tu tập cái tâm để làm được những việc khó đó.

Chắc cũng giống như Phật lúc xưa. Nếu Phật còn lo lắng đến gia đình, họ hàng, của cải và những sự xa hoa sung sướng trước đó, thì chắc hẳn Người không thể thành Phật. Đó không còn là những thứ quan trọng, đó chỉ là những thứ tiện nghi thế tục mọi ngưòi luôn tìm kiếm. Chính vì vậy, giờ ai mà bỏ đi tu lúc còn trẻ và bỏ lại mọi thứ đó thì người đó bị coi như đã chết vậy. Và có người còn đến gặp tôi và nói: “Ồ, tu như vậy là dễ dàng với Sư Ông. Sư Ông chẳng có vợ con để lo lắng, nên Sư Ông bỏ nhà đi tu dễ dàng hơn chúng con!” Tôi nói: “Đừng đứng gần tôi, coi chừng tôi ký một cái lên đầu bây giờ!”... Họ cứ nói vậy, họ làm như tôi không có trái tim hay chẳng có gì vậy!

Đối với mọi người, đó không phải là những thứ không quan trọng. Những thứ đó là như cả cuộc đời của họ. Bởi vậy, những người tu cần phải thiệt sự nhập tâm vào việc tu, phải thực sự dám tu. Đừng nghe lời ai, chỉ cần lắng nghe giáo lý của Đức Phật. Thiết lập sự bình an trong trái tim mình. Đến lúc nào đó rồi bạn sẽ hiểu biết. Tu tập, suy xét, quán xét, chánh niệm, và các kết quả tu tập sẽ có thôi. Nhân và quả tỷ lệ thuận với nhau mà, nỗ lực tu nhiều thì kết quả sẽ nhiều.

Đừng chú tâm vào những trạng thái (tâm) của mình. Ngay lúc đầu, ngay cả việc tìm kiếm một thời lượng ngủ cho hợp với mình cũng khó khăn. Lúc đầu bạn có thể ngủ trong một thời lượng nào đó, nhưng không quản lý được thời gian ngủ. Phải huấn luyện bản thân. Nêu bạn đã quyết định giờ nào thức dậy thì đến lúc đó bạn phải dứt khoát dậy. Nhiều lúc bạn thức dậy đúng giờ dễ dàng, nhưng có những lúc thức dậy bạn thấy mình ngồi dậy không nổi. Dù đã cố nhắc mình “Phải thức dậy!”, nhưng vẫn không nhúc nhích được! Bạn có thể nhắc mình lại như vầy: “Một, hai... nếu ba mà ta không dậy nỗi thì coi như ta xuống dịa ngục!” Bạn phải huấn luyện bản thân theo cách như vậy. Khi đọc tới ba là ta bật ngồi dậy luôn, vì ta sợ rớt xuống xuống địa ngục mà.

Các thầy phải tu tập chính mình, các thầy không thể bỏ quên hay lơ là việc tu tập. Các thầy phải tu tập bản thân từ tất cả mọi góc độ. Đừng dựa vào sư thầy, đừng dựa vào bạn tu hay nhóm tu, điều đó là không khôn khéo! Không cần phải lắng nghe quá nhiều lần sự chỉ dẫn từ sư phụ sư huynh, chỉ cần lắng nghe lời chỉ dạy một lần, và cứ vậy mà làm.

Một cái tâm đã được tu tập sẽ không dám gây ra rắc rối, ngay cả khi không có ai ngoài ta. Trong một cái tâm thiện khéo thì không có gì khác nhau, dù ta đang “ở riêng một mình” và lúc ta đang “ở với nhiều người.” (Không phải như kiểu: không có ai thì làm chuyện bất thiện, khi có nhiều người thì không dám làm. Dù có ai hay không có ai, tâm thiện lành vẫn luôn luôn thiện lành). Tất cả những bậc Thánh Nhân đều tự tin vào cái tâm của mình. Chúng ta cũng cố tu để được vậy.

Có một số người cạo đầu đi tu để tìm một cuộc sống dễ dàng. Dễ dàng có từ chỗ nào? Nguyên nhân nào có được sự dễ dàng? Mọi sự dễ dàng dễ chịu đều dẫn đầu bởi sự khổ. (Có khổ mới có sướng. Không có khổ thì cái gì được gọi là sướng). Tất cả mọi sự trên đời đều là như vậy: bạn phải chịu khổ chịu cực làm thì mới có lúa có gạo để ăn. Trong tất cả mọi sự, chúng ta phải chịu khó trước, phải nếm trải sự khó khổ trước. Một số ngưòi muốn thành thầy tu để được nghỉ ngơi và thoải mái, họ nói họ chỉ muốn ngồi thảnh thơi và yên thân nghỉ ngơi một thời gian. Nếu bạn không chịu khó học chữ thì làm sao bạn mong sau này có thể đọc và viết dễ dàng? Làm gì có chuyện đó, đúng không? Không chịu tu làm sao sau này có được hạnh phúc và sự dễ chịu cho được.

Nói về chỗ lý, tại sao nhiều người nghiên cứu học hành rất nhiều, nhưng khi trở thành tu sĩ thì chẳng tu được tới đâu? Cái kiến thức của họ thuộc loại khác, thuộc con đường khác. Họ học chứ không tu tập chính mình, họ không nhìn vào trong tâm mình. Họ chỉ 'quậy' tâm mình bằng sự ngu mờ, họ chỉ tìm kiếm những thứ không giúp mang lại sự tĩnh lặng và đức hạnh. Kiến thức của Phật không phải loại kiến thức thế tục, đó là loại kiến thức siêu thế gian, đó hoàn toàn là loại kiến thức khác.

Chính vì chỗ này, ai muốn xuất gia đi tu theo đạo Phật thì phải chấp nhận từ bỏ tất cả giai cấp, địa vị, danh phận của mình trước đây. Ngay cả một nhà vua muốn đi tu thiệt thì cũng phải từ bỏ ngôi vị đế vương của mình, vua cũng không mang theo những thứ thế tục vào sự tu hành. Vua không mang theo của cải, danh phận, kiến thức, hay quyền lực gì theo sự xuất gia tu hành của mình. Việc tu hành là để từ bỏ, buông bỏ, để nhổ sạch các gốc ô nhiễm, để dừng lại.

Nếu ta có bệnh nhưng không trị bệnh bằng thuốc thì bệnh có thể hết hay không? Chỗ nào mình thấy sợ thì cứ đi thẳng đến đó. Chỗ nào có nghĩa địa hay nhà xác làm ta sợ hãi, hãy đi thẳng đến đó. Khoác áo cà sa, bước đi đến đó và quán niệm: “Anicca vata sankhãrã....”(115) Đứng thiền và đi thiền ở đó, nhìn vào bên trong tâm mình để nhìn thấy nỗi sợ hãi của mình trong đó. Tất cả sẽ trở nên rõ rệt. Hiểu rõ sự thật bản chất của những thứ hữu vi, có điều kiện. Ở đó và quán sát (các tử thi) cho đến khi chạng vạng, chiều tối, cho đến tối thui, tối khuya, và cho đến khi ta có thể ở đó suốt đêm.

Phật đã nói: “Ai nhìn thấy Giáo Pháp là nhìn thấy Như Lai. Ai nhìn thấy Như Lai là nhìn thấy Niết bàn.” Nếu chúng ta không làm theo gương Phật thì làm sao chúng ta nhìn thấy Giáo Pháp? Nếu chúng ta không nhìn thấy Giáo Pháp thì làm sao thấy Phật? Nếu chúng ta không thấy biết Phật thì làm sao chúng ta biết những phẩm hạnh của một vị Phật là gì? Chỉ khi chúng ta biết tu tập theo bước đi của Phật thì chúng ta sẽ thấy biết những điều Phật đã dạy là chắc chắn đúng, thấy giáo pháp của Phật là sự thật rốt ráo, là chân lý tối thượng.

--------------------

(109) [Giảng tại chùa Wat Pah Pong vào một ngày Rằm (dịp các Phật tử đến chùa tu giữ tám giới) vào khoảng năm 1968 hay 1969].

(110) [Glot (tiếng Thái) có khung giống như khung dù, có móc treo trên cây và thả lưới ngăn muỗi xuống. Đó là mùng dùng để người tu ngủ hoặc ngồi thiền ở những nơi có nhiều muỗi].

(111) [Đó là câu cuối trong câu kinh Phật nói về 6 phẩm chất của Giáo Pháp. Nguyên câu là: '1. Svakhato Bhagavata Dhamtno, 2. Sanditthiko, 3. Akaliko, 4. Ehipassiko, 5. Opanayiko, 6. Paccattam Veditabbo Vennuhi ti.”]. (Dịch Việt: “1. Giáo pháp được Đức Thế Tôn giảng bày khéo léo, 2. dễ nhìn thấy, 3. có tác dụng tức thì, 4. mời người đến và thấy, 5. dẫn dắt hướng thượng, 6. được chứng ngộ bởi người có trí.”)

(112) [Đây là hai chi phái của Tăng đoàn Phật giáo Nguyên thủy ở Thái Lan].

(113) [Câu này trong ngạn ngữ Thái có nghĩa là đừng cố quá, đừng làm gì thái quá].

(114) (Lưu ý, 13 giới kiêng khổ được gọi là pháp tu khổ hạnh (dhutanga) này là : (a) không thuộc Giới Luật Tỳ Kheo, nhưng (b) cũng do chính Phật đưa ra để người tu có thể tự chọn thêm để tu tập và diệt trừ nhanh các ô nhiễm tham ăn, tham ngủ, và phóng dật của mình. (13 giới Đầu đà này không liên quan gì đến sự tu khổ hạnh hành xác của những người ngoài đạo Phật; Phật cũng đã từng tu hành xác như vậy trong nhiều năm và cuối cùng Phật đã chỉ trích những cách tu hành xác, ép xác đó là một cực đoan cần phải tránh).

(115) (Đây là phần trong bài kinh tụng cho người chết. “Tất cả mọi thứ đều là vô thường, là thuộc bản chất sinh và diệt. Xem bài giảng 63).

    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Kim Cang


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Nghệ thuật chết


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.110.193 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...