Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lẽ sinh diệt, lý tu hành »» 72. Duy Trì Chuẩn Mực »»

Lẽ sinh diệt, lý tu hành
»» 72. Duy Trì Chuẩn Mực

Donate

(Lượt xem: 3.060)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Lẽ sinh diệt, lý tu hành - 72. Duy Trì Chuẩn Mực

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(87)Hôm nay chúng ta tề tựu ở đây như mọi năm sau khóa thi sát hạch Giáo Pháp hằng năm.(88) Lần này, tất cả chúng ta nên quán xét về tầm quan trọng của việc thực hiện những trách phận trong chùa, làm những bổn phận đối với những thầy thọ giới cho mình và những thầy dạy tu cho mình. Những việc làm đó giúp nối kết chúng ta lại với nhau thành một tập thể tu hành, giúp chúng ta sống hòa hợp và hòa đồng với nhau. Những việc làm đó cũng dẫn chúng ta đến tôn trọng lẫn nhau, điều đó dẫn đến lợi lạc cho cả tăng đoàn ở đây.

Trong tất cả tăng đoàn, từ thời Phật đến giờ, dù họ có gọi bằng hình thức nào, nhưng nếu những thành viên trong đó không tôn trọng nhau, thì tăng đoàn đó không thể thành công. Dù là cộng đồng những người thế tục hay cộng đồng những người xuất gia, nếu thiếu tôn trọng nhau thì cộng đồng đó cũng không bền chắc. Nếu không tôn trọng nhau, thay vào đó bằng sự mặc kệ, thì cuối cùng việc tu tập cũng suy thoái.

Cộng đồng chùa này là những người tu hành Giáo Pháp đã sống ở đây chừng 25 năm rồi, nó từ từ đông hơn, nhưng nó có thể bị suy thoái. Chúng ta phải hiểu rõ chỗ này. Nhưng nếu chúng ta đều biết làm cho tâm có ý thức, biết kính trọng nhau, và biết liên tục duy trì những chuẩn mực thực hành, thì tôi thấy sự hòa hợp sẽ vững chắc. Sự tu tập theo một cộng đồng (tăng đoàn) sẽ là nguồn lực lớn mạnh của Phật giáo về lâu về dài.

Giờ nói về học và hành, hai việc đó là một cặp. Phật giáo ra đời và phát triển đến ngày hôm nay là nhờ có học và hành đi song song với nhau. Nếu chúng ta chỉ biết học suông kinh kệ thì sự phóng túng lãng tâm luôn có mặt... Ví dụ, năm đầu tiên ở chùa này có bảy vị Tỳ kheo trong kỳ an cư Mùa Mưa. Lúc đó tôi tự nghĩ rằng: “Hễ khi các tăng sĩ bắt đầu học thi Sát Hạch Giáo Pháp thì sự thực hành dường như bị suy thoái.” Sau khi coi xét kỹ càng chuyện này, tôi cố tìm ra nguyên nhân, từ đó tôi bắt đầu dạy các tăng đang ở chùa trong kỳ an cư Mùa Mưa đó—chỉ có bảy người. Tôi dạy cho họ liên tục khoảng 40 ngày, từ sau khi ăn trưa cho đến 6 giờ chiều. Các tăng đó đi thi sát hạch và kết quả rất tốt, cả bảy người đều đậu.

Điều đó thì tốt thật, nhưng chuyện thi cử cũng làm rối tâm rối trí đối với những ai thiếu phòng hộ. Để học kinh điển, họ phải học thuộc, đọc, tụng rất nhiều. Những ai ít có giới hạnh và ít phòng hộ thường có xu hướng lãng quên việc thiền tập và chỉ dành tất cả thời gian vào việc học, đọc, tụng và học thuộc các kinh kệ. Điều này làm cho họ bỏ quên chỗ trú xứ thường ngày trước đó. (Tức là tâm họ trước đó thiền tập hằng ngày với những đối tượng thiền). Nhưng vào độ học thi thì thường ai cũng xao lãng việc tu tập.

Vậy đó, từ lúc họ học thi rồi sau khi thi xong, tôi thấy thái độ của họ thay đổi. Họ không còn đi thiền, chỉ ngồi thiền một ít, và bắt đầu giao tiếp giao duyên nhiều hơn với mọi người. Tính giữ giới, tính tập trung giảm sút.

Thực ra, trong sự tu tập ở đây, khi các thầy tập đi thiền các thầy phải thực sự quyết tâm đi thiền; khi ngồi thiền thì phải tập trung vào việc ngồi thiền. Dù các thầy có đang ngồi, đang đứng, đang đi, hay đang nằm, các thầy phải luôn luôn có sự tĩnh lặng, tập trung, tự chủ. Sau khi học nhiều, tâm trí người ta chỉ toàn đầy chữ nghĩa, họ cứ canh cánh trong đầu về các ngữ nghĩa, kinh hay kệ đẹp, và quên mất chính mình.

(Giống như người mới coi xong một bộ phim dài tập ly kỳ, tâm trí cứ nghĩ về bộ phim, về các nhân vật, về như vầy là anh hùng, như kia là đạo lý, vậy là oan ức, vậy là khổ, kết cục nên là vầy, là vậy. Họ quên mất cuộc đời thực hiện không phải là vậy.)

Đó là họ đang lạc mất mình theo những thứ bên ngoài mình. Đó là những người không có trí tuệ, họ không biết phòng hộ giữ giới, họ không có sự chánh niệm đều đặn. Đối với những người như vậy, kỳ học thi có thể làm cho sự thiền tập của họ xuống dốc. Khi họ đang nghiên cứu học thi, họ không còn ngồi thiền hay đi thiền gì nữa, và càng lúc càng trở nên ít kỷ luật và ít duy trì các chuẩn mực thực hành. Tâm họ càng ngày càng bị xao lãng. Họ nói đủ thứ lan man, thiếu kiêng cữ kiềm chế và giao thiệp giao duyên suốt ngày. Đây là chỗ xuống dốc của việc thực hành. Sự xuống dốc không phải là do bản thân việc dùi mài kinh sách, mà là do họ không biết cố gắng giữ tâm tĩnh lặng và tập trung, do họ quên mất chính mình.

Thực ra, kinh điển là những hướng dẫn chỉ đường cho con đường tu tập. Nếu chúng ta hiểu biết về tu tập, thì việc đọc kinh sách hay nghiên cứu kinh sách đều là hai mảng khác của thiền. Nhưng nếu đọc nhiều kinh sách, nghiên cứu nhiều kinh kệ rồi sinh ra việc nói nhiều và làm những việc vô ích thì chẳng tốt hơn gì. Nhiều ngưòi bỏ bê việc thiền tập và thậm chí thoái tâm hoàn tục. Nhiều người nghiên cứu giáo lý và rồi bỏ tu. Không phải việc học hỏi nghiên cứu kinh sách là không tốt [điều đó là rất cần thiết và rất tốt], cũng không phải bản thân việc tu tập của họ là không tốt. Nhưng chính sự lơ là, sự không còn quan sát chính mình, sự không còn thực hành để tu tập cái tâm mới là sự không tốt.

Sau khi nhìn thấy lý do này, trong kỳ an cư Mùa Mưa năm sau đó tôi không dạy kinh điển cho các tăng nữa. Nhiều năm sau đó nữa, nhiều người trẻ tuổi đã đến đây và trở thành những Tỳ kheo. Một số họ chẳng biết gì về Giáo Pháp Giới Luật và không biết gì về kinh điển, nên tôi chỉnh đốn lại tình hình, yêu cầu những sư anh sư bác dạy giáo kinh cho họ. Các vị sư anh sư bác đã từng học nhiều về giáo lý kinh điển và họ cứ nối tiếp nhau truyền dạy từ lúc đó cho đến bây giờ. Giờ ở trong chùa này việc học giáo lý diễn ra theo cách như vậy.

Tuy nhiên, mỗi năm sau kỳ thi sát hạch giáo pháp, tôi lại yêu cầu các tăng sĩ phải thiết lập lại việc tu tập hằng ngày của mình. Tất cả những kinh điển đã học là không trực tiếp liên quan đến việc tự thực hành của mỗi người, sau khi học hiểu hãy cất chúng lại trong tủ sách. Phải thiết lập lại chính mình, phải quay trở lại với những chuẩn mực và thời lượng thực tập hằng ngày của mình. Thiết lập lại những thời khóa và nghi thức tu tập chung của chùa, ví dụ như phải có mặt đầy đủ trong giờ tụng kinh chung ở trong chùa mỗi ngày. Đây là chuẩn mực của chúng ta. Phải làm, ngay cả khi nó chỉ có giá trị chống lại sự lười biếng và vượt qua sự bực bội sân si của mình. Điều này khích lệ sự siêng năng tinh tấn của mỗi người.

Đừng bỏ quên những tu tập căn bản của các thầy, đó là: ăn ít, nói ít, ngủ ít; kiềm chế và tĩnh lặng; tách ly khỏi thế tục; đều đặn đi thiền và ngồi thiền; họp mặt đều đặn với các tăng hữu trong chùa vào những thời giờ thích hợp trong ngày (như giờ ăn, giờ tụng kinh chung, giờ làm Phật sự chung...). Hãy cố gắng làm tốt những việc này, mọi người đều phải cố gắng làm tốt những việc đó. Đừng bỏ phí những cơ hội tuyệt vời này. Tu tập thực sự là ở ngay những chỗ đó. Các thầy có những cơ hội như vậy để thực tập ở đây nhờ có sự hướng dẫn của sư thầy, sư huynh. Họ đã bảo hộ cho các thầy, nên tất cả các thầy nên tận tâm tu tập hết mình. Các thầy đã thực tập đi thiền trước đây, giờ lại tiếp tục tập đi thiền. Các thầy đã ngồi thiền trước đây, giờ phải tiếp tục ngồi thiền. Trước kia, các thầy cùng nhau tụng kinh vào buổi sáng và buổi tối, giờ các thầy cũng phải cố tiếp tục duy trì như vậy. Đây là những trách phận rõ rệt của các thầy, hãy áp dụng mình vào những việc đó để tu tập.

Những ai mặc áo cà sa chỉ để ngồi “giết thời gian” thì chẳng có sức mạnh nào, quý thầy biết đó. Những người hay chao động, nhớ nhà, bối rối, các thầy có nhìn thấy họ không? Những người đó không đưa tâm mình vào tu tập. Họ không có việc gì để làm. Chúng ta không thể nằm dài ra ở đây. Là những tu sĩ và sa di tu theo Phật, các thầy sống tốt và ăn tốt, nhung đừng chỉ lo sống lo ăn thỏa thích. Việc chạy theo khoái lạc giác quan hay dục lạc (kama sukhallikanuyogo) là mối nguy hại. Hãy nỗ lực tìm đến sự tu tập của mình. Nếu có sai lầm hay sai phạm gì, hãy tu tập chỉnh đốn lại ngay, đừng để lạc tâm theo những thứ bên ngoài.

Những ai có đủ lòng nhiệt tâm thì không bao giờ bỏ quên việc đi thiền và ngồi thiền, không bao giờ quên lãng việc giữ giới hạnh và duy trì sự tự chủ tĩnh lặng của mình. Hãy nhìn các vị Tỳ kheo ở đây. Ai cũng vậy, sau khi ăn xong hay làm xong việc gì, sau khi về đến cốc (kuti), họ liền cởi y ngoài treo lên và bắt đầu đi thiền—và khi chúng ta đi ngang qua kuti của họ, chúng ta thấy rõ lối đi thiền của họ đã trở thành đường mòn, và chúng ta thấy nó luôn mòn láng như vậy—vị Tỳ kheo đó không bao giờ chán tu tập. Loại người này có nỗ lực tinh tấn, có đầy nhiệt tâm tu hành.

Nếu tất cả chúng ta đều tận tụy hết mình vào việc tu tập như vậy, thì không còn nhiều khó khăn phát sinh. Nếu các thầy không an trú vào việc tu tập, không an trú mình vào việc đi thiền và ngồi thiền, thì việc tu hành ở đây cũng chẳng khác nào đi dạo chơi hay chỉ như ghé tu thử. Không thích chỗ này, chạy đến tu chỗ khác; đến đó tu không thích thì quay lại chỗ này. Cứ nhá sàng, chạy tới chạy lui, chạy theo đằng này, nghe ngóng đằng kia. Những người như vậy không có chí tu hành, họ chưa đủ tốt để tu. Thực ra các thầy không cần phải chạy tới chạy lui chỗ này chỗ nọ, chỉ cần ở đây và triển khai việc tu tập, học hỏi từng thứ chi ly, căn bản. Muốn đi thì chờ sau này đi cũng được, đi thì không khó, chỉ khó là khó cái ngồi tu sao cho ra ngô ra khoai một chút, hãy thử coi. Hãy nỗ lực, tất cả các thầy.

Sự tu tiến hay tu lùi đều nằm ngay chỗ này—đây là chỗ bản lề (cánh cửa treo lên và mở đóng được hay không là nhờ chỗ bản lề). Nếu các thầy muốn làm một cách đúng đắn, hãy tu học và tu tập đủ hai phần; sử dụng hai thứ với nhau. Giống như thân và tâm. Nếu tâm được thư thái và thân khỏe mạnh không bệnh hoạn, thì tâm sẽ dễ dàng tập trung, tĩnh lặng. Nếu tâm bị chao động, bối rối hay ngu mờ, thì dù thân có khỏe mạnh cũng là khó khăn, huống hồ chi lúc đó thân cũng gặp khó khổ.

Môn thiền là môn học của sự tu dưỡng và sự từ bỏ. Tôi gọi chữ môn học ở đây có nghĩa là: mỗi lần tâm nếm trải một cảm nhận, chúng ta có bị dính theo cảm nhận đó không? Chúng ta có còn tạo ra những khó khổ chung quanh (do, vì) cảm nhận đó không? Chúng ta có còn khoái thích (chạy theo) theo nó hay bực bội (cố tránh) nó? Nói đơn giản hơn: Chúng ta có còn bị lạc theo những ý nghĩ của chúng ta hay không? Có, chúng ta còn. Khi chúng ta không ưa thích thứ gì, chúng ta phản ứng với sự sân (bực, ghét, né, tránh, kháng cự, không vui...); khi chúng ta thích thứ gì, chúng ta phản ứng vói sự tham (thích, sướng, khoái, vui, chạy theo, muốn giữ, muốn thêm...), tâm trở nên bị ô nhiễm và bất tịnh, (cả hai trường hợp sân chấp và tham chấp đều là ô nhiễm). Khi nhìn thấy tâm mình còn sân chấp (ghét, kháng cự...) hay tham chấp (thích, chạy theo...) một cảm nhận nào đó, điều đó nghĩa là mình vẫn còn sai sót, mình vẫn chưa tu được hoàn thiện, và do đó mình còn phải tiếp tục tu tập. Còn phải từ bỏ nhiều hơn nữa và tu dưỡng nhiều hơn nữa. Đây là điều tôi gọi là môn học, là sự học tập. Nếu chúng ta bị dính vào thứ gì, chúng ta nhận ra rằng mình đang dính. Chúng ta biết rõ mình đang ở trong trạng thái nào, và chúng ta phải làm việc để tu sửa bản thân mình.

Dù có sống chung với sư thầy sư huynh hay sống riêng thì cũng như nhau thôi. Nhiều người chỉ sợ. Họ sợ rằng nếu mình không đi thiền thì sư phụ sẽ la rầy quở trách. Điều này cũng tốt theo nghĩa đó, nhưng nếu tu tập thực sự thì bạn không nên sợ sệt ai hết, chỉ cần sợ những điều sai sót khởi sinh trong những hành động, ý nghĩ và lời nói của mình. Khi ta nhìn thấy những sai sót trong hành động, ý nghĩ và lời nói thì ta phải biết phòng hộ bản thân mình (để tránh lặp lại những sai sót đó mà dính nghiệp). Phật đã nói: Attano codayattãnam “Chỉ có ta là nơi nương tựa cho ta”, đừng nương tựa vào ai khác. Chúng ta phải nhanh chóng tu tiến bản thân mình, hiểu biết bản thân mình. Điều này gọi là sự tu học hay sự học tập, đó là sự tu dưỡng và sự từ bỏ. Cứ suy xét kỹ chỗ này cho đến khi nhìn thấy rõ.

Để sống tu như vậy, chúng ta dựa vào sự chịu khó kiên trì khi đối mặt với tất cả những ô nhiễm. Tu tập như vậy là tốt. Tu ,vậy là tốt, nhưng việc tu đó cũng chỉ là “sự đang tu tập Giáo Pháp nhưng vẫn chưa nhìn thấy Giáo Pháp.” (Dù tu đúng đắn như vậy là tốt, nhưng vẫn còn đang tu, vẫn chưa chứng ngộ Giáo Pháp). Nếu chúng ta thực tập Giáo Pháp và đã nhìn thấy Giáo Pháp, thì những điều gì sai sót coi như chúng ta đã từ bỏ, những điều gì hữu ích coi như chúng ta đã tu dưỡng xong. Khi nhìn thấy được như vậy trong tâm mình, chúng ta trải nghiệm một cảm nhận an lạc. Dù ai có nói ngả nói nghiêng, ta biết rõ tâm mình, ta không còn bị động vọng. Chúng ta có thể bình an ở bất cứ nơi nào.

Giờ các thầy trẻ và sa di trẻ mới vào tu có thể thấy vị Sư Phụ hầu như không đi thiền hay ngồi thiền gì nhiều. Đừng bắt chước theo sư phụ. Cố noi gương sư phụ chứ đừng bắt chước theo điều độ tu tập của sư phụ. Noi gương tu tập là một chuyện, bắt chước là một chuyện. Thực ra sư phụ sư ông đã tu suốt nhiều năm rồi, giờ sư phụ sư ông có thể sống trong trú xứ hài hòa riêng của mình. Ngay cả khi sư phụ sư ông bề ngoài không tu tập, nhưng thực sự họ vẫn tu tập bên trong tâm. Những gì trong tâm họ thì không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Việc tu tập đạo Phật là tu tập cái tâm. Cho dù chuyện tu tập của sư phụ sư ông không thể hiện ra bên ngoài hành động hay lời nói, nhưng tâm của họ là chuyện khác.

Vậy đó, một vị thầy đã tu tập lâu năm rồi, người đã rất thiện thạo thuần thục về tu tập, có thể đã buông bỏ được hết những hành động và lời nói bất thiện, nhưng vị thầy vẫn luôn cẩn trọng phòng hộ cái tâm của mình. Người ấy luôn tự chủ, tĩnh lặng. Cứ nhìn bề ngoài thong dong của sư thầy, các đệ tử thường hay bắt chước theo, cũng ra vẻ buông bỏ thong dong, nhưng đích thực không phải trò cũng giống như thầy đâu. Bạn không phải cùng lứa cùng lớp với sư thầy. Hãy nghĩ về điều đó. (Hãy lo tập luyện từng căn bản và bài bản như đã được chỉ dạy, điều đó là tốt nhất; đừng bắt chước hành vi bề ngoài của sư thầy).

Khác nhau là chắc rồi, bởi bạn còn đủ loại hành vi mọi lúc mọi nơi. Còn các sư thầy sư ông hầu như cứ ngồi không đâu đó trong chùa, nhưng họ không lãng tâm, không thất niệm hay thiếu phòng hộ. Họ sống với mọi thứ diễn ra, nhưng họ không còn phiền não hay ngu mờ về những thứ đó. Chúng ta không thể nhìn thấy điều đó ở trong tâm họ, những gì trong tâm các sư thầy là không thể nhìn thấy được. Đừng đoán mò từ vẻ bề ngoài của các sư thầy, tâm mới là quan trọng. Đừng nghĩ các sư thầy bề ngoài oai nghiêm trang trọng là bậc chân tu ngộ đạo. Khi chúng ta nói, tâm chúng ta chạy theo lời nói. Khi ta làm điều gì, tâm chạy theo hành động đó. Nhưng những người đã tu tập thành công có thể nói hay làm những thứ gì đó, nhưng tâm họ không còn chạy theo những thứ đó, bởi tâm họ đã thể nhập vào Giáo Pháp và Giới Luật.

Ví dụ, nhiều lúc các sư thầy sư ông có thể nghiêm khắc với các đệ tử của mình, lời nói họ có thể mạnh, quở rầy và thiếu tế nhị, hành động cử chỉ của họ thì thô thiển, thậm chí ra vẻ nóng nảy. Nhìn thấy như vậy, chúng ta chỉ nhìn thấy bề ngoài của sư thầy qua hành động và lời nói của ổng, nhưng tâm ổng thì đã thâm nhập vào Giáo Pháp và Giới Luật, điều đó thì chúng ta không nhìn thấy. Tôn chỉ theo lời của Phật: “Chú tâm (chánh niệm) là con đường đi đến Bất Tử. Xao lãng là chết.” Hãy xem xét lời dạy này. Những gì người khác làm không quan trọng với ta; chỉ cần ta đừng xao lãng tâm mình, đây mới là điều quan trọng.

Tất cả những điều tôi nói tự nãy đến giờ chỉ để cảnh báo với các thầy rằng: thời gian học thi cử xong, các thầy đã có nhiều cơ hội để đi đây đi đó và làm thứ này thứ nọ. Mong rằng các thầy thường nhớ rằng mình là người tu hành Giáo Pháp, mà người tu hành thì phải luôn tập trung, chú tâm, giữ giới và phòng hộ cẩn thận.

Hãy xem xét thêm lời dạy này của Phật: “Tỳ kheo: người khất thực.” Nếu chỉ hiểu nghĩa Tỳ kheo là khất sĩ thì chúng ta chỉ tu tập theo kiểu chỉ đi xin ăn là đủ... cách nghĩ này rất thô thiển. Nếu chúng ta hiểu theo cách Phật đã định nghĩa, Tỳ kheo là người nhìn thấy sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử (samsãra)(89), thì sự hiểu đó sâu nặng hơn, thúc giục ta nhiều hơn.

Người thấy được mối hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử là người nhìn thấy những khuyết điểm và mặt trái của thế gian này. Thế gian này đầy mối hiểm họa, nhưng người ta không nhìn thấy nó, họ chỉ nhìn thấy sự sướng và sự khổ bề ngoài của nó. Giờ Phật nói một Tỳ kheo (người xuất gia) là người nhìn thấy mối hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử. Vòng luân hồi là gì? Khổ của vòng luân hồi sinh tử có mặt khắp nơi, không thể nào chịu xiết. Sướng cũng nằm trong vòng luân hồi sinh tử. Phật đã dạy chúng ta đừng dính theo sự sướng sự khổ trên đời. Khi chúng ta chưa hiểu biết về sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử, khi có sướng ta chạy theo sướng và quên khổ. Chúng ta ngu mờ không biết thấu về sự khổ đau không cùng của vòng sinh tử, giống như đứa trẻ con chưa biết về lửa vậy.

Nếu chúng ta hiểu sự tu tập Giáo Pháp theo cách như vậy... đó là hiểu được 'Tỳ kheo là người nhìn thấy sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử.”.., nếu hiểu biết được điều căn bản này, thì khi đang đi, đang ngồi, đang đứng hay đang nằm, chúng ta đều cảm thấy buông bỏ, không còn dục vọng. Chúng ta quán sát về bản thân mình, sự chú tâm chánh niệm đã có mặt. Ngay cả khi đang ngồi chơi, chúng ta cũng cảm thấy như vậy. Khi đang làm việc gì, chúng ta cũng nhìn thấy mối hiểm nguy đó, do vậy chúng ta sẽ ở trong tâm trạng rất khác. Tu tập với cách hiểu như vậy mới được gọi là “người nhìn thấy sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử.”

Người nhìn thấy sự hiểm nguy của vòng luân hồi sinh tử đang sống trong vòng luân hồi sinh tử, nhưng... vẫn chưa thoát ra được. Nhưng người đó hiểu những khái niệm và người ấy hiểu về cách tu tập chuyển hóa để thoát ra khỏi nó. Những gì người ấy nói thì khác với người phàm thường. Những gì người ấy làm cũng khác với người phàm thường, những gì người ấy nghĩ cũng không giống người phàm thường. Hành vi của người ấy thì khôn trí hơn nhiều.

Do vậy nên mới nói: “Hãy noi gương tu tập, chứ đừng bắt chước sư thầy.” Có hai cách, đó là: nhìn theo gương tu tập của thầy mà nỗ lực tu hành hoặc nhìn sư thầy làm gì mình làm y theo vậy. Người ngu thì cứ nắm bắt đủ thứ, thấy thầy làm sao, làm y khuôn và chấp theo y vậy. Đừng làm vậy! Đừng đánh mất chính mình. (Noi gương thầy, nghe theo sự chỉ dạy của thầy để tập “nhìn vào mình”, chứ không phải để tập nhìn vào thầy!)

Đối với tôi, năm nay thân không còn khỏe cho lắm. Có một số điều như vậy tôi nhắn gửi lại cho các Tỳ kheo và sa di để họ tự mình chăm lo bản thân mình. Có lẽ giờ tôi sẽ nghỉ ngơi. Không biết tự bao giờ, cái lẽ thường tình ở đâu trên đời cũng vậy: hễ cha mẹ còn sống là các con còn sống tốt và làm ăn ngon lành. Khi cha mẹ chết, con cái chia cách nhau. Đứa giàu thành nghèo, đứa đang sống tốt trở thành cà trật cà giuộc. Như rắn mất đầu. Thường là vậy, nhất là trong cuộc sống gia đình, nhưng chúng ta cũng nhìn thấy lẽ đó ở nơi tu hành như ở đây. Ví dụ, khi sư thầy sư ông còn sống, mọi người đều sống tốt và tu tiến ngon lành. Ngay sau khi sư phụ qua đời, sự xuống dốc thường bắt đầu xảy ra ngay. Tại sao vậy? Bởi khi sư phụ còn sống mọi người đều ỷ y, tự mãn và quên mất bản thân mình; giống như con cái dù đã lớn tuổi vẫn luôn còn dựa vào cha mẹ theo thói tâm từ thuở nhỏ. Khi sư thầy còn sống các học trò không thực sự nỗ lực hết mình để tu học và tu tập. Cũng giống như trong các gia đình, con cái dù đã lớn khôn cũng cứ dựa vào cha mẹ, để cha mẹ lo hết khi cha mẹ còn sống. Con cái chỉ dựa vào cha mẹ và chẳng biết tự lo tự lập hoàn toàn. Đến khi cha mẹ chết, họ trở thành kẻ khổ, thậm chí nghèo đói. Chỗ tăng đoàn cũng vậy. Khi sư thầy sư phụ chết đi, các tăng sĩ thường lộn xộn, chia rẽ thành từng nhóm khác nhau và cùng kéo nhau tụt dốc, gần như thời nào cũng vậy.

Tại sao vậy? Bởi thời thầy còn sống họ đã quên bản thân mình. Sống dựa theo công đức của sư thầy mọi thứ đều êm xuôi. Khi sư thầy sư phụ chết đi, các đệ tử thường chia rẽ theo đường hướng của mỗi người. Những quan điểm, ý kiến của họ chỏi nhau. Kẻ nghĩ sai, người nghĩ đúng. Người nghĩ sai sống một nơi, kẻ nghĩ đúng tu một nơi. Người thấy không thích đồng đạo thì chia tay đi tìm chỗ tu mới và bắt đầu liên kết với những nhóm tu sĩ riêng của họ. Chuyện là vậy đó. Hiện tại cũng như vậy. Điều này là bởi chúng ta đang sai sót. Khi thầy còn sống, chúng ta vẫn còn sai sót khiếm khuyết, vẫn đang sống một cách thiếu tự chủ, thiếu chú tâm chánh niệm. Chúng ta vẫn chưa thực thụ nhận những chuẩn mực tu tập mà sư thầy đã dạy, chưa thực thiết lập những chuẩn mực tu hành trong tâm và trái tim mình.

Ngay cả thời Phật còn sống cũng xảy ra như vậy, nhớ kinh điển đã chép lại ra sao? Có một Tỳ kheo già, tên là gì quên mất...? À, đó là Tỳ kheo Subhaddal Khi ngài Đại Ca diếp (Mahã Kassapá) từ Pãvã trở về nơi Phật ở, chưa về tới nơi, nhưng ngài hỏi một Tỳ kheo khi còn trên đường: “Đức Phật có khỏe không?” Tỳ kheo đó trả lời: “Phật đã bát Niết bàn cách đây bảy ngày rồi.”

Nhiều tu sĩ lúc đó vẫn chưa giác ngộ nên rất sầu não, khóc lóc, than buồn. Những người đã chứng ngộ Giáo Pháp thì tự nghĩ rằng: “À, thì Phật đã qua đời. Phật đã đi hết chuyến đi.” Nhưng một số người còn dày đặc những ô nhiễm trong tâm, ví dụ như ông Subhadda lúc đó, thì nói: “Làm gì các huynh các đệ phải khóc? Phật đã qua đời. Điều đó là tốt! Giờ chúng ta có thể sống thoải mái. Khi Phật còn sống, ngài luôn kiềm chế chúng ta bằng đủ thứ nghi luật, chúng ta không thể làm gì hay nói gì. Giờ Phật đã qua đời, điều đó là tốt chứ sao! Giờ chúng ta có thể làm gì mình muốn làm, nói gì mình muốn nói... Vậy tại sao phải khóc?”

“Cái lẽ thường tình đó” cũng đã xảy ra từ thời cổ xưa đó chứ đâu phải mới đây..., và bây giờ vẫn vậy.

Tuy nhiên mọi thứ có thể vẫn còn tốt mặc dù không dễ duy trì trọn vẹn những gì Phật, tổ và sư thầy đã truyền lại... Giả sử chúng ta có một cái ly và chúng ta cẩn thận gìn giữ nó. Sau mỗi lần dùng, chúng ta chùi rửa nó sạch sẽ và đem cất lên chỗ an toàn. Nếu biết phòng hộ cẩn thận cái ly, sau thời chúng ta dùng, chúng ta vẫn có thể để lại cho người sau dùng. Giờ thấy sao, dùng ly thiếu thận trọng và làm bể ly này ly khác mỗi ngày, hay dùng giữ cẩn thận một ly để xài được mười năm— cái nào tốt hơn?

Sự tu tập của chúng ta cũng vậy. Ví dụ, trong tất cả chúng ta đang ngồi đây: tất cả đều tu tập thường thường, chỉ cần có mươi người tu giỏi, thì chùa Wat Pah Pong này cũng khá phát triển. Cũng như trong một ngôi làng có trăm nhà, thì cần có năm mươi người tốt thì làng cũng khá phát triển. Thực ra trong làng tìm ra mươi người tốt cũng khó rồi. Hoặc lấy ví dụ trong một cái chùa như ở đây: khó mà tìm ra năm hay mười thầy thực sự tận tâm tu hành, khó tìm ra những người thực sự tu tập.

Dù gì đi nữa, chúng ta cũng không có trách nhiệm gì ở đây, ngoài trách phận tu tập cho tốt. Nghĩ lại mà coi, chúng ta có gì ở đây đâu? Chúng ta không có tài sản, của cải và gia đình gì nữa. Ngay cả thức ăn chúng ta cũng chỉ ăn một lần mỗi ngày. Chúng ta đã từ bỏ rất nhiều thứ rồi, thậm chí phải từ bỏ những thứ lớn lao hơn những thứ vừa nói. Là những Tỳ kheo và sa di, chúng ta đã từ bỏ mọi thứ trên đời rồi. Chúng ta chẳng còn có gì. Những thứ người đời sướng khoái hưởng thụ chúng ta cũng từ bỏ rồi. Đã xuất gia trở thành tu sĩ Phật giáo là để tu tập. Vậy lý gì chúng ta còn muốn những thứ khác, còn muốn dính vào mấy chỗ tham, sân, si để làm gì? Còn để cho tâm mình chứa những thứ đó thì không phải, cứ làm vậy thì đi tu làm chi cho uổng đời như vậy?

Hãy suy xét lại: tại sao chúng ta xuất gia đi tu? Tại sao chúng ta đang tu ở đây? Chúng ta xuất gia đi tu là để tu. Nếu không tu thì cứ nằm chơi cho khỏe. Nếu không tu thì chúng ta còn tệ bạc hơn cả những người bình thường tại gia, không tu tới ở đây làm gì, đâu có chuyện gì khác để làm ăn ở đây đâu. Nếu ở đây mà không chấp nhận trách phận tu hành, ở đây không chịu tu thì đúng là uổng một đời tu, uổng phí một đời sa môn.(90) Điều đó là trái ngược với mục đích của một sa môn.

Nếu như vậy là chúng ta quá thiếu ý thức, thiếu chú tâm. Thiếu chú tâm thì giống như đang chết. Hãy tự hỏi mình, mình có thời gian để tu sau khi chết hay không? Cứ liên tục hỏi mình: “Khi nào ta chết?” Nếu chúng ta luôn quán xét theo cách như vậy, tâm chúng ta sẽ luôn tỉnh thức trong từng giây phút, sự chú tâm chánh niệm sẽ luôn luôn có mặt.

Khi không còn sự lãng tâm, thì sự chú tâm chánh niệm (sati) sẽ tự động có mặt. Trí tuệ hiểu biết sẽ rõ ràng, nhìn thấy mọi sự rõ ràng đúng như chúng là. Sự chánh niệm (thường nhớ) canh giữ cái tâm, nó biết rõ từng sự khởi sinh của những cảm nhận mọi lúc mọi nơi, cả ngày lẫn đêm. Đó là có chánh niệm. Có chánh niệm là có tập trung, tự chủ và tĩnh lặng. Có tập trung và tĩnh lặng là có để tâm, có chú tâm và chánh niệm. Ai có chú tâm thì người đó đang thực hành đúng. Đây là trách phận của các thầy.

Do vậy bữa nay tôi muốn nói cho tất cả các thầy. Để sau này các thầy đi đến tu ở các chi nhánh của chùa này, hoặc đến tu ở chỗ khác, thì các thầy đừng lãng quên chính mình. Sự thật là các thầy vẫn chưa hoàn thiện, vẫn chưa hoàn thành. Còn nhiều thứ phải làm, nhiều trách phận phải gánh vác. Đó là tập luyện cái tâm và tập luyện sự từ bỏ. Hãy quan tâm về hai việc này, tất cả các thầy. Dù các thầy có sống tu ở đây hay về tu ở các chi viện, phải luôn luôn duy trì những chuẩn mực tu tập. Ngày nay có nhiều người tu, có nhiều chùa chiền. Tất cả những chi viện chi nhánh của chùa Wat Pah Pong này đều bắt rễ từ đây. Chúng ta có thể nói chùa Wat Pah Pong này là 'cha mẹ', là thầy tổ của các chi viện chi nhánh gần xa. Vì lẽ đó, đặc biệt là các thầy, các tăng và sa di ở chùa Wat Pah Pong ở đây phải nỗ lực làm gương, phải nên là người hướng dẫn cho tất cả những chùa chi nhánh, liên tục nỗ lực tinh tấn trong tu hành và trong các trách phận của một sa môn.

-------------

(87) [Giảng tại chùa Wat Pah Pong sau kỳ thi sát hạch về Giáo Pháp năm 1978].

(88) [Hằng năm có rất nhiều tăng sĩ tham gia kỳ thi Sát Hạch về Giáo Pháp. Thời gian này, theo ý sư Ajahn Chah nói ở đây, ảnh hưởng xấu đến việc tu tập của các tăng, bởi ai cũng chỉ lo học kinh sách để thi chứ không chú tâm đến việc thực hành hay thiền tập].

(89) [Samsara: vòng luân hồi sinh tử, thế giới vô minh].

(90) [Sa môn là phiên âm chữ 'samana'. Sa môn là chữ dùng vào thời Phật để chỉ những người từ bỏ cuộc sống thế tục để đi tìm mục đích tâm linh hoặc tôn giáo. Sa môn là danh từ chung để chỉ những người đã bỏ đời đi tu, tạm gọi là 'ngưòi tu hành', 'thầy tu', 'tu sĩ', 'người xuất gia'].




73. Tu Đúng Đắn, Tu Đều Đặn

(91) Chùa Wat Wana Potiyahn(92) ở đây thực sự quá bình yên, nhưng điều đó là vô nghĩa nếu cái tâm chúng ta không được bình lặng. Nơi nào cũng yên bình. Một số nơi có vẻ làm lãng trí, nhung thực ra đó chỉ là do cái tâm của ta động vọng mà thôi. Tuy nhiên, một nơi yên tĩnh có thể giúp người ta tĩnh lặng, giúp tạo ra cơ hội để tu tập và hòa quyện vào sự bình lặng ở nơi đó.

Các bạn hãy nhớ trong tâm rằng việc tu tập là gian khó. Luyện tập thứ khác thì không quá khó, thậm chí là dễ, nhưng luyện tập cái tâm người là rất khó. Đức Phật đã luyện tập tâm mình. Tâm là thứ quan trọng. Mọi thứ bên trong hệ thân tâm này đều chạy về chỗ tâm. Những mắt, tai, mũi, lưỡi và thân đều tiếp nhận những cảm giác và gửi về tâm, tâm là người giám sát tất cả những cơ quan giác quan khác. Do vậy, việc luyện tập cái tâm là rất quan trọng. Nếu tâm được tu tập tốt thì mọi khó khổ sẽ đi đến chấm dứt. Khi còn những khó khổ là do cái tâm vẫn còn những nghi ngờ, nó còn chưa hiểu biết theo đúng sự thật tự nhiên. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn có những khó khổ.

Giờ biết rằng tất cả các bạn đã đến đây sẵn sàng tu tập Giáo Pháp. Dù đang ngồi, đi, đứng hay đang nằm, những công cụ bạn cần phải có để tu tập phải được cung cấp đầy đủ, dù bạn đang ở đâu. Các công cụ luôn luôn có mặt với bạn, cũng giống như Giáo Pháp vậy. Giáo Pháp là thứ có mặt khắp nơi. Ngay tại đây, trên đất, trong nước... bất cứ ở đâu... Giáo Pháp luôn luôn có mặt. Giáo Pháp là hoàn hảo và toàn thể, chỉ có sự tu tập của chúng ta là chưa hoàn thiện và hoàn thành.

Đức Phật, người Giác Ngộ, đã truyền dạy những phương tiện để chúng ta tu tập và đi đến hiểu biết Giáo Pháp này. Giáo Pháp không phải là điều gì lớn lao cao xa, nó chỉ là thứ nhỏ nhặt, nhưng là thứ đúng đắn. Ví dụ, hãy nhìn vào tóc. Nếu chúng ta hiểu biết một sợi tóc thì chúng ta hiểu biết hết về tóc, tóc của mình và của người khác. Chúng ta biết rằng tóc chỉ là “tóc.” Chỉ cần biết một sợi tóc, chúng ta biết về tất cả sợi tóc khác.

Hoặc xem xét về người. Nếu chúng ta nhìn thấy bên trong bản thân chúng ta chỉ gồm những kết hợp giả tạm, thì chúng ta cũng biết thân của những người khác cũng giống như vậy. Giáo Pháp là như vậy. Nó chỉ là chuyện nhỏ như vậy, nhưng cũng là chuyện lớn. Đó là, nhìn thấy bản chất của một trạng thái thì sẽ nhìn thấy bản chất của những trạng thái tương tự. Khi chúng ta nhìn thấy sự thật đúng thực như nó là thì mọi vấn đề khó khổ sẽ chấm dứt.

Nói thì nói vậy, chứ tu tập là chuyện khó. Tại sao khó? Khó là do ta vẫn còn tham muốn dục vọng (tanhã). Nếu ta không muốn thì ta không tu. Nhưng nếu chúng ta tu vì tham muốn (chứng đắc gì gì đó) thì ta sẽ không nhìn thấy Giáo Pháp. Hãy nghĩ về điểm này, tất cả các bạn ở đây. Nhưng bạn không muốn tu, thì bạn không thể tu. Bạn phải muốn tu trước thì mới tu được. Dù có bước tới hay bước lui, bạn cũng gặp phải tham muốn. Giống như thể gậy ông đập lưng ông vậy. Chính vì lẽ này mà những bậc thầy tổ mới nói tu là một việc cực kỳ khó làm.

Bạn không nhìn thấy Giáo Pháp là do còn tham muốn. Nhiều lúc tham muốn rất mạnh mẽ: bạn tham muốn nhìn thấy ngay Giáo Pháp, nhưng Giáo Pháp chưa phải là tâm bạn— tâm bạn vẫn chưa là Giáo Pháp. Giáo Pháp là một chuyện, tâm là một chuyện. Không phải thứ gì bạn thích hay muốn là Giáo Pháp, còn thứ gì bạn không thích thì không phải là Giáo Pháp. Đó đâu phải là cách của Giáo Pháp.

Thực ra, tâm này của chúng ta chỉ là một trạng thái của tự nhiên, giống như một cái cây trong rùng. Nếu chúng ta muốn có tấm ván hay cột gỗ thì phải làm từ cây, nhưng cây thì vẫn đang là cây. Nó chưa thành cột gỗ hay tấm ván. Chúng ta phải chặt cây, cưa, xẻ... thành ván thành cột thì nó mới thành hữu dụng với chúng ta. Cũng là cây đó, nhưng nó đã chuyển dạng thành thứ khác. Nhưng về bản chất thực sự nó là một cây, một trạng thái sống của tự nhiên. Nhưng khi cây còn thô thì nó chưa hữu dụng cho con người, nó phải nên được chuyển dạng thành gỗ, ván, cột... để làm nhiều thứ khác có ích dụng cho ta. Tâm của chúng ta cũng vậy. Nó chỉ là một trạng thái của tự nhiên. Khi nó tiếp nhận những ý nghĩ nó cứ phân biệt thành xấu thành đẹp, thành tốt thành xấu, thành này thành nọ...

Cái tâm này của chúng ta cần phải được huấn luyện nhiều nữa. Chúng ta không thể để nó như vậy. Tâm là một trạng thái của tự nhiên... vậy chúng ta huấn luyện để nó nhận biết rằng nó là một trạng thái của tự nhiên. Cải thiện tự nhiên để cho nó phù hợp có ích cho nhu cầu của chúng ta. Đó là Giáo Pháp. Giáo Pháp là thứ cần phải được tu tập và hướng vào bên trong.

Nếu bạn không tu thì bạn không biết. Thực tình mà nói, bạn không thể biết Giáo Pháp chỉ bằng việc đọc hay học từ kinh sách. Hoặc nếu như bạn có biết thì sự biết đó cũng vẫn là thiếu sót. Ví dụ có cái ly ngay đây. Ai cũng biết cái ly, nhưng chẳng ai hiểu biết hoàn toàn về cái ly. Tại sao họ không biết hoàn toàn về nó? Giả sử tôi gọi nó là cái chén, bạn nói sao? Giả sử mỗi lần tôi nhờ bạn: “Xin đưa giùm cái chén”, chắc bạn sẽ ngạc nhiên. Tại sao vậy? Bởi bạn chưa hiểu biết hết về cái ly. Nếu bạn hiểu được cái chén là cái ly thì đâu còn gì khó. Lúc đó bạn chỉ cần cầm cái chén đưa tôi, bởi vì đích thực không có cái ly nào cả: tên cái đó là 'chén'. Tôi giả dụ như vậy các bạn có hiểu không? Cái ly chỉ là do quy ước, do chúng ta gọi mà thôi. Quy ước này được công nhận khắp đất nước này, cho nên nó là cái ly. Nhưng đích thực thì chẳng có cái “ly” thực nào cả. Nếu ai đó muốn gọi đó là cái chén, thì nó lại là cái chén. (Chẳng qua chỉ là cách gọi). Đó chỉ là “khái niệm.” (Chỉ là giả danh, chỉ là danh nghĩa). Nếu chúng ta hiểu biết rõ về cái ly, thì nếu có ai gọi nó là cái chén, ta cũng chẳng sao. Dù ai có gọi nó là cái gì ta cũng không chấp, bởi ta đâu có ngu dốt hay mù mờ về bản chất đích thực của nó. Ngay đây, ta trở thành cái “người biết.”

Giờ quay lại bản thân chúng ta. Giả sử có ai nói: “Mày ngu!” hay “Mày điên.” Dù điều đó là không đúng, nhưng ta vẫn thấy khó chịu. Mọi thứ đều trở nên khó khăn bởi chúng ta cứ muốn có và muốn được. Bởi do những tham muốn có và được, do chúng ta không hiểu biết theo đúng sự thật, cho nên chúng ta không hài lòng. Nếu chúng ta biết về Giáo Pháp, chúng ta giác ngộ Giáo Pháp, thì tham sân si sẽ biến mất. (Nguyên lý là như vậy). Khi chúng ta hiểu rõ đường lối (quy luật, bản chất, lẽ tự nhiên) của mọi thứ thì đâu còn gì chúng ta phải chấp có chấp không hay chấp được chấp mất làm chi nữa. (Ví dụ, sau khi biết rõ nước tự do chảy từ cao xuống thấp thì ta đâu còn chấp hay muốn nước tự do chảy từ thấp lên cao nữa).

Tại sao việc tu hành lại khó khăn và tốn nhiều tâm huyết như vậy? Đó là do những tham muốn. Ngay khi ngồi xuống thiền, chúng ta muốn được bình an. Nếu không muốn được bình an thì ta đâu có ngồi thiền. Ngay khi vừa ngồi xuống đã muốn có ngay sự bình an, nhung cái 'sự muốn' tâm được bình an đã làm bối rối, làm phân tán và ta cảm thấy bất an. Nó như vậy đó. Nên Phật đã dạy: “Đừng nói với tham muốn, đừng ngồi với tham muốn, đừng đi với tham muốn... Khi làm bất cứ điều gì, đừng làm với tham muốn.” Tham muốn là dục vọng. Nếu bạn không muốn làm điều gì thì bạn không làm nó. Khi tu tập cho đến chỗ này, chúng thấy rất nản lòng vì thế bí, (nản lòng vì mình muốn tu để chứng đắc được tầng thiền định, muốn tu để đạt đến sự bình an mà cách tu thì là... không được muốn, là bằng cách dẹp bỏ cái muốn đó). Vậy tu làm sao? Ngay khi vừa ngồi xuống trong tâm đã khởi sự tham muốn.

Bởi do điều đó nên rất khó mà quan sát thân và tâm. Giáo lý nói thân và tâm không phải là cái 'ta' hay không thuộc về 'ta', vậy thì chúng thuộc về 'ai'? Rất khó giải tỏa vấn đề này, chúng ta phải dựa vào trí tuệ. Phật đã dạy chúng ta phải tu tập bằng sự “buông bỏ”, đúng không? Mà nếu đã buông bỏ thì cũng không tu tập gì hết, đúng không? Bởi chúng ta đã buông bỏ mà.

Giả sử chúng ta đi mua mấy trái dừa ở chợ, và khi chúng ta mang về, có người hỏi:

“Anh mua mấy trái dừa đó làm gì?”

“Tôi mua để ăn”

“Thầy có ăn vỏ dừa không?”

“Không”

“Tôi không tin. Nếu anh không ăn vỏ dừa vậy anh mua nguyên trái còn vỏ làm gì?”

Người ta nói vậy mình nói gì bây giờ? Có cách nào trả lời họ nữa không? Chúng ta tu tập với sự mong muốn. Nếu chúng ta không mong muốn, chúng ta không tu làm gì. Tu vói sự mong muốn tìm cầu là tu có dục vọng (tanhã). Suy xét kỹ theo cách như vậy mới có thể phát sinh trí tuệ, các bạn biết không. Ví dụ lại về mấy trái dừa đó. Bạn có định ăn mấy vỏ dừa đó không? Dĩ nhiên không. Vậy tại sao mang chúng về? Bởi chưa có thời gian lột bỏ chúng đi. Nó hiện thời vẫn có ích là vỏ bọc chứa phần cơm dừa và nước dừa bên trong. Sau khi ăn phần cơm dừa và nước dừa thì quăng bỏ vỏ dừa, cũng tốt thôi. Việc tu tập của chúng ta là như vậy đó. Phật đã dạy: “Đừng làm với tham muốn, đừng nói với tham muốn, đừng ăn với tham muốn.” Khi đang đi, đang đứng, đang ngồi hay đang nằm... bất cứ khi nào... đừng làm với tham muốn. Có nghĩa là làm nó với sự buông bỏ. Cũng giống như khi mua dừa ngoài chợ. Chúng ta không muốn ăn vỏ dừa, chỉ là chưa đến lúc chúng ta vất bỏ chúng đi. Trước mắt chúng ta tạm giữ nó. Đó là cách tu. Khái niệm và sự chuyển hóa(93) cùng tồn tại đồng thời, giống như cơm dừa và vỏ dừa vậy. Cơm dừa, nước dừa, xơ dừa, vỏ dừa ở cùng nhau. Khi mua chúng ta phải mua nguyên trái. Nếu có ai nói chúng ta ăn vỏ dừa thì mặc kệ họ nói, chúng ta biết rõ mình đang làm gì.

Trí tuệ là thứ mỗi chúng ta phải tự tìm thấy cho mình. Để nhìn thấy nó, chúng ta không nên đi quá nhanh hay quá chậm. Vậy chúng ta phải làm gì? Phải đi đến nơi không chậm không nhanh. Còn đi nhanh hay đi chậm đều không phải cách.

Nhưng thường chúng ta đều nôn nóng, chúng ta vội vã. Ngay khi vừa mới bắt đầu chúng ta đã muốn chạy nhanh đến đích, chúng ta không muốn bị trễ, không muốn bị bỏ rơi lại đằng sau. Chúng ta muốn thành công, muốn 'đắc đạo' nhanh. Khi đưa cái tâm vào thiền tập, người ta thường đi quá xa, canh quá xa, nghĩ quá cao xa... Họ thắp nhang, lạy lục và thề nguyện: “Đến khi nào nhang chưa tàn hết thì tôi nhất quyết không đứng dậy khỏi chỗ ngồi thiền, dù cho tôi có ngã quỵ hay chết, dù chuyện gì có xảy ra... tôi thề chết ngồi chứ không bỏ cuộc....” Sau khi khấn nguyện, họ ngồi xuống thiền. Vừa ngồi xuống, đám quân của Ma Vương (Mãra)(94) đến bu từ mọi phía. Họ mới ngồi một chút là đã nghĩ đến chuyện nhang tàn hay chưa. Họ hé hé mắt nhìn cây nhang... “Trời, cả năm nữa cũng chưa chắc tàn!”

Họ nghiến răng và ngồi tiếp, cảm thấy nóng nực, thấy nôn nao, bực bội và rối trí... Đến lúc cuối họ nghĩ rằng: “Chắc giờ nhang tàn rồi.” Lại hé mắt nhìn... “Ô không, còn chưa cháy hết nửa cây nhang.”

Canh mấy lần như vậy mà nhang vẫn chưa tàn nên họ chán, bỏ cuộc luôn, không muốn làm gì nữa, chỉ ngồi tự ghét mình. “Ta thật là ngu, ta thật vô vọng!” Họ ngồi và ghét bản thân mình, cảm thấy vô vọng. Ngay lúc này chỉ sinh thêm bất mãn và những chướng ngại. Đây được gọi là chướng ngại ác ý. Ác ý là ác cảm với chính mình, không ghét ai được nên tự ghét mình. Và tại sao lại vậy? Tất cả là do tham muốn.

Thực ra không cần phải làm những việc như thắp nhang, thệ nguyện... theo kiểu như vậy. Tập trung (tâm) có nghĩa là gom tụ (hội tụ) tâm lại bằng cách buông bỏ, chứ không phải gom tụ bản thân mình vào những nút thắt như vậy. Có lẽ là do nhiều người đọc kinh điển viết về cuộc đời tu hành của Phật, về cách Phật quyết tâm ngồi thiền dưới gốc cây Bồ đề: “Chừng nào ta chưa đạt đến Giác Ngộ Tối Thượng thì ta quyết sẽ không đứng dậy khỏi chỗ ngồi này, dù cho máu ta có khô cạn...”, nên họ bắt chước làm theo thôi.

Nhiều người đọc kinh sách thấy nói vậy nên nhiều người muốn tự mình thử, muốn làm giống như Phật. Nhưng họ không xem xét lại rằng cái cỗ xe của mình chỉ là cái xe nhỏ xíu. Cỗ xe của Phật là cỗ xe thực sự lớn, xe của Phật có thể chất tất cả mọi thứ lên một chuyến cuối cùng. Còn xe của mỗi chúng ta thì nhỏ bé tí tẹo, làm sao chúng ta có thể dồn tất cả mọi thứ lên một chuyến cuối cùng để đi đến đích như vậy? Chuyện của Phật và chuyện của chúng ta là khác nhau.

Tại sao chúng ta hay nghĩ hay thệ nguyện như vậy? Bởi vì chúng ta quá cực đoan. Nhiều lúc chúng ta quá chùn xuống, quá hạ thấp mình. Nhiều lúc chúng ta lại quá tự tin, vói tay quá cao. Do vậy chúng ta chẳng bao giờ tìm thấy điểm cân bằng.

Giờ tôi chỉ nói từ kinh nghiệm. Trước kia, việc tu tập của tôi là như vầy. Tu tập để đạt được đến cái mình muốn có, đạt đến cái hơn cả ham muốn của mình..., bởi nếu không ham muốn thì làm sao ta tu được? Tôi bị kẹt chỗ đó. Nhưng tu tập với sự tham muốn là khổ. Tôi chẳng biết phải làm gì khác, tôi cứ dằn vặt, chèo chống. Rồi sau này tôi mới nhận ra rằng sự tu tập đều đặn mới là quan trọng. Người tu phải tu tập một cách ổn định, đều đặn. Người ta hay gọi đó là “đều đặn trong mọi tư thế”. Cứ liên tục làm trong sạch sự tu tập của mình, đừng để nó trở thành một tai nạn nào. Tu là để thoát nạn khổ chứ không phải để gây ra tai nạn.(95) Hầu hết mọi người thường gây ra tai nạn. Khi họ lười biếng thì tự bỏ bê việc tu tập. Họ chỉ tu khi nào thấy có hứng, khi nào thấy thích mới tu. Tôi cũng đã từng có xu hướng như vậy.

Tất cả các bạn đang ngồi đây hãy tự hỏi chính mình: như vậy là đúng hay sai? Khi thấy thích tu thì tu, khi nào không thấy hứng thì không tu, như vậy là đúng với Giáo Pháp hay không? Như vậy là chánh trực hay không? Như vậy có đúng với giáo lý của Phật hay không? Cứ như vậy thì việc tu tập đâu được đều đặn, chuyên chú. Tu vậy là không chắc.

Dù có hứng hay không hứng mình cũng phải tu như nhau. Dù thấy thích hay không thích mình cũng phải tu như thường. Dù đang cảm thấy lười biếng hay hăng hái mình cũng tu nghiêm túc như nhau. Đó là điều Phật đã dạy. Hầu hết đều chờ đến lúc hứng tu thì mới tu, còn khi thấy không hứng thì không thèm tu. Họ lệch lạc đến mức độ như vậy. Điều này được gọi là “tai nạn” chứ không phải là tu để “thoát nạn.” Sự tu tập đích thực là gì? Đó là dù vui hay buồn ta cũng tu; dù dễ hay khó ta cũng tu; dù trời nóng hay lạnh ta cũng tu. Phải chánh trực như vậy. Tu tập thực sự là gì? Là dù đang đứng, đang ngồi, đang đi hay đang nằm ta vẫn giữ ý chí liên tục tu tập một cách đều đặn, làm cho sự chú tâm chánh niệm (sati) luôn có mặt thường trực trong mọi tư thế.

Hồi mới tập tu tồi cứ nghĩ rằng phải tu tập các tư thế thiền trong thời gian bằng đều như nhau, tức phải đứng lâu bằng đi, đi lâu bằng ngồi, ngồi lâu bằng nằm... Tôi đã cố tập thử nhưng không được. Nếu một người thiền phân đều thời gian cho bốn tư thế thiền đó thì đến bao giờ người đó mới làm được? Đứng thiền năm phút, ngồi thiền năm phút, nằm thiền năm phút, đi thiền năm phút... làm vậy tôi chẳng làm được mấy lần. Vì vậy, tôi đã ngồi lại và suy nghĩ thêm về điều đó. “Lời hướng dẫn chỗ tu này là gì? Chắc không ai trên đời có thể tu theo cách đó được!”

Rồi sau đó tôi nhận ra... “À, cách đó là sai, bởi nó không thể nào làm được. Đứng, đi, ngồi, nằm... phải tu tập đều đặn. Tu tập đều đặn không phải là phân đồng đều thời gian cho bốn tư thế, nếu hiểu kinh sách theo cách như vậy là sai, là không thể làm được.”

Nhưng có thể thực hiện như vầy: Tâm... chỉ là ngay chỗ tâm. Có sự chú tâm chánh niệm (sati), có sự rõ biết về mình (sampajanna), và có sự hiểu biết hay trí tuệ bao trùm (pannã)... thì ta mới có thể làm được. Đây mới thực sự là cách đúng để tu tập. Điều này có nghĩa là khi đang đứng ta có chánh niệm (sati), khi đang đi ta có chánh niệm, khi đang ngồi ta có chánh niệm, khi đang nằm ta có chánh niệm—một cách đều đặn, ổn định. Điều này thì có thể làm được. Chúng ta đưa sự tỉnh giác vào trong tư thế đang đứng, đi, ngồi, nằm—đưa vào trong tất cả tư thế. Luôn luôn có sự tỉnh giác trong tất cả mọi tư thế.

Khi tâm đã được tu tập như vậy thì nó luôn thường trực niệm (thường nhớ) Phật, Phật, Phật... đó là sự thấy biết. Thấy biết cái gì? Thấy biết rõ điều gì sai và điều gì đúng mọi lúc mọi nơi. Thực vậy, cách này là có thể làm được. Đây là cách đi thẳng vào sự tu tập thực thụ. Đó là, dù đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang nằm, luôn luôn có mặt sự chánh niệm liên tục.

Rồi ta sẽ hiểu những pháp (trạng thái, điều kiện, tâm tính) nào cần phải từ bỏ và những thứ nào cần phải được tu dưỡng. Khi ta biết rõ sự sướng, ta biết rõ sự khổ. Khi ta đã biết rõ về sướng và khổ thì tâm sẽ an trụ ở nơi cân bằng không có sự sướng và sự khổ. Sướng hay khoái lạc là con đường buông thả (kãmasukallikãnuyogo). Khổ là con đường hành xác (attakilamathãnuyogo).(96) Đó là hai cực đoan. Nếu chúng ta biết rõ hai cực đoan, chúng ta kìm lại để khỏi rơi vào hai cực đó. Chúng ta biết rõ khi tâm mình đang ngã theo sự sướng hay khổ, chúng ta kìm nó lại, không để nó ngã luôn theo sướng hay theo khổ. Chúng ta có được loại tỉnh giác này, chúng ta nhập vào Một Con Đường, một Giáo Pháp. Chúng ta nhập vào sự tỉnh giác, sự rõ biết và không để cho tâm mình ngã theo những thói tâm và khuynh hướng của nó.

Nhưng trong đời tu thiệt thì mọi sự thường ngược lại, có phải vậy không? Thường thì ta cứ ngã theo những thói tâm và khuynh hướng của ta. Nếu đi theo thói tâm của mình thì quá dễ, phải không? (Làm ngược với thói tâm và khuynh hướng của tâm thì mới khó, nhưng đó là tu đúng). Làm theo thói tâm thì dễ, nhưng cái dễ đó gây ra khổ đau, giống như kẻ ăn không ngồi rồi thì cũng dẫn đến khổ đau bạc nhược mà thôi. Anh ta thấy ở không thì dễ hơn đi làm, nhưng đến lúc đói khát thì không có gì để ăn, lúc đó mới khổ. Thói đời là như vậy, thói tâm của ta cũng như vậy.

Cũng do vậy, trước kia tôi hay bất đồng với nhiều giáo lý của Phật, nhưng thực sự tôi chẳng bao giờ đúng hơn Phật. Giờ thì tôi chấp nhận đủ những điều đó. Tôi chấp nhận rằng nhiều giáo lý của Phật là trực chỉ cách tu, do vậy tôi đã lấy những giáo lý đó và dùng chúng để tu tập bản thân và chỉ dạy cho người khác cùng tu.

Điều quan trọng chỗ tu tập là con đường tu, là đạo (patipadã). Patipadã nghĩa là gì? Thứ nhất, đơn giản đó là tất cả mọi sinh hoạt khác nhau, sự đứng, đi, nằm, ngồi và nhiều hoạt động khác. Đó là đạo của thân. Còn đạo của tâm nữa: bao nhiêu lần bạn cảm thấy chùn xuống trong suốt khóa học bữa nay? Bao nhiêu lần bạn thấy hứng khởi trong khóa học bữa nay? Có những cảm giác nào nổi trội đáng lưu ý? Chúng ta phải rõ biết về mình theo cách như vậy. Sau khi nhìn thấy những cảm giác đó, ta có thể buông bỏ chúng được không? Cái nào chúng ta chưa buông bỏ được thì ta còn phải tiếp tục làm việc với nó, tiếp tục tu tập buông bỏ nó. Nếu nhìn thấy mình không thể buông bỏ một số cảm giác nào đó thì phải ta phải lấy ngay chỗ đó và xem xét nó bằng sự trí tuệ (để tìm ra nguyên nhân và giải pháp để tu sửa và buông bỏ chỗ đó). Tìm coi nó là vì lẽ gì, do những nhân duyên gì. Làm việc với nó. Tu tập ngay chỗ cảm giác đó. Đây chính là tu. Ví dụ, khi chúng ta có cảm giác nhiệt tâm, ta tu. Và khi ta có cảm giác lười biếng, cứ cố tiếp tục tu. Nếu chúng ta không thể giữ tiếp 'phong độ' tu như lúc nhiệt tâm, thì tối thiểu cũng cố tu được nửa 'phong độ' đó. Lúc thường tu miên mật, lúc thấy lười biếng mệt mỏi cũng nên cố tu một nửa mức độ đó. Đừng để lãng phí một ngày nào do lười biếng mà bỏ việc tu. Nếu cứ thấy mệt là bỏ, thấy lười biếng là bỏ, thấy muốn nghỉ xả hơi là bỏ thì sẽ dẫn đến tai nạn, đó không phải là cách của người tu hành.

Thời bây giờ tôi hay nghe mấy người nói rằng: “Ồ, năm nay con thực sự bết bát.”

“Sao vậy?”

“Con bệnh cả năm nay. Con không tu được gì hết.”

À vậy hả, nếu họ không tu bây giờ, đến lúc gần chết còn tu gì được nữa? Thử nghĩ khi thấy khỏe họ có tu không? Không, họ chỉ lạc tâm vào sự sướng (chỉ lo cảm thấy mình sướng khi khỏe mạnh). Còn khi họ khổ hay đau bệnh, họ cũng không tu tập gì, tâm họ chỉ dính theo sự khổ. Tôi chẳng biết khi nào họ mới chịu tu! Họ chỉ nhìn thấy mình đang bệnh, đang đau, đang sốt gần chết... Đúng vậy, nhưng sao không lấy lúc bệnh đau đó mà tu tập, đó là chỗ tu. Khi họ cảm thấy sướng họ chỉ biết khoan khoái trong đầu, và ỷ lại tự mãn, rốt cuộc chẳng kết quả gì.

Chúng ta phải phát triển sự tu tập của mình. Điều này có nghĩa là dù đang sướng hay khổ chúng ta cũng nên tu tập như nhau. Khi thấy khỏe khoắn nhiệt thành hoặc thấy đau bệnh lười biếng thì cũng tu. Mọi người thường nói rằng: “Năm nay tôi chẳng tu được gì vì cứ bị bệnh hoài”, nói vậy thôi chứ khi họ khỏe mạnh họ cũng đi dạo mát hát vui chứ đâu chịu tu. Cách than bệnh đau không tu là cách nghĩ sai lầm. Nghĩ vậy là rất khó tu. Đây chính là lý do tại sao những thầy tổ ngày xưa đã luôn luôn duy trì sự tu tập đều đặn trong tim mình. Nếu thân có gì bất ổn, cứ mặc nó với thân; còn tâm là chuyện khác, tu tập cái tâm là chuyện khác.

Hồi tôi mới bắt đầu bước vào thực hành khoảng năm năm, tôi cảm thấy sống chung với người khác để tu là một chướng ngại. Tôi ngồi tu trong kuti (cốc) của tôi, nhưng lúc này lúc khác hay người đến ngồi chơi, nói chuyện này nọ, và điều đó làm quấy nhiễu tôi. Nên tôi bỏ đi ở một mình. Tôi nghĩ tôi khó tu nếu ở gần người khác. Tôi đến ở trong một cái chùa nhỏ vắng tanh trong rừng, gần một ngôi làng nhỏ. Tôi ở đó một mình, không nói chuyện với ai, bởi không có ai ở đó nói chuyện với tôi.

Ở được khoảng mười lăm ngày, tôi mới nghĩ: “À, phải chi có một sa di hay một pa kow(97) ở đây thì tốt. Chú ấy có thể giúp mình làm những việc lặt vặt.” Tôi nhận ra việc đó là cần thiết và đến lúc cũng phải có người đến ở chung với mình!

“Í dạ! Thầy thiệt là một cá tính! Thầy đã chán ngán với các bạn tu và sa di, giờ thầy lại nói thầy cần một sa di hay chú điệu. Vậy là sao?”

“Không”, điều đó nghĩa là, “Tôi cần một sa di tốt.”

“Đó thấy chưa! Ở đâu chỉ có toàn người tốt vậy, thầy tìm đâu ra người tốt theo ý thầy? Trong chùa này chỉ toàn người không tốt. Chắc chỉ có một mình thầy là người tốt đó, nên thầy mới bỏ đi như vậy!”

...Chúng ta cứ phải đi theo mọi sự như vậy, phải đi theo dấu vết của những ý nghĩ của mình cho đến khi ta nhìn thấy... (Tôi nghĩ ở một mình là tốt nên làm theo ý nghĩ của mình. Tôi cứ tu theo và làm theo ý nghĩ của mình, rồi lại thấy sai, rồi lại thay đổi, rồi cứ tiếp tục mày mò làm theo những ý nghĩ chủ quan của mình...).

“À đúng, chỗ này là điều quan trọng. Tìm đâu ra người tốt ở đó? Chẳng có ai là tốt hoặc tốt cho mình hết, bạn phải tự tìm thấy người tốt ngay bên trong mình. Nếu bên trong bản thân mình tốt thì dù mình đi đâu ở đâu mình cũng tốt. Dù người khác có chê hay khen, ta vẫn tốt. Nếu ta không đủ tốt, khi có ai chê bai ta nổi giận nổi khùng và khi có ai khen nịnh ta vui lòng khoái chí.

Lúc đó tôi đã suy xét nhiều về điều này và đã tìm thấy điều đó là đúng, đúng đến tận bây giờ. Sự tốt lành phải được tìm thấy ngay bên trong mình. Ngay khi tôi nhìn thấy điều này, cảm giác muốn bỏ đi khỏi những bạn tu đã biến mất hoàn toàn. Về sau đó, đôi khi những cảm giác đó lại khởi sinh thì tôi cũng lập tức buông bỏ cảm giác đó. Khi nó khởi sinh, tôi rõ biết về nó, tôi giữ chắc sự tỉnh giác về nó. Nhờ vậy tôi có được một nền tảng vững vàng. Khi tôi ở đâu, dù ai có chê bai hay nói này nói nọ, tôi sẽ quán chiếu rằng: Điều quan trọng không phải là họ tốt hay xấu. Điều quan trọng là mình tốt hay xấu bên trong trái tim mình. Tốt hay xấu cũng phải được nhìn thấy ngay bên trong mình. (Nhìn vào trong thấy mình). Tuy nhiên đại đa số người tu cứ lo để ý về người khác tốt hay xấu. (Nhìn ra ngoài thấy người ta và thứ khác chứ không thấy mình).

Đừng nghĩ kiểu như: “Bữa nay nóng quá” hay “bữa nay lạnh quá”, hoặc “bữa nay này..., bữa nay nọ....” Bữa nay có ra sao thì chỉ là cách của nó. Nhiều người thiệt vô duyên, cứ chê bai thòi tiết để viện lý cho sự lười biếng của mình! Cần phải tu để nhìn thấy Giáo Pháp ngay trong bên trong chúng ta thì ta mới có được loại bình an bền chắc hơn.

Vì vậy, đối với tất cả các bạn đang ngồi đây, các bạn đã đến đây để tu tập, dù chỉ đến tu mấy ngày, cũng có rất nhiều điều sẽ khởi sinh trong tâm. Rất nhiều điều khởi sinh nhưng các bạn không ý thức rõ biết về chúng. Có nhiều ý nghĩ đúng, nhiều ý nghĩ sai... nhiều, nhiều lắm. Bởi vậy tôi nói việc tu hành là gian khó.

Một số các bạn đã tìm thấy ít nhiều sự bình an trong khi ngồi thiền, nhưng lúc này cũng đừng vội chúc mừng bản thân mình. Tưong tự, một số bạn khác nếu có bị ngu mờ bất an trong khi ngồi thiền thì cũng đừng trách than hay tự ghét bản thân mình. Nếu mọi thứ có vẻ tốt lành, đừng mừng vui chạy theo chúng, và nếu mọi thứ xuất hiện không tốt lành, cũng đừng bực bội khó chịu với chúng. Chỉ cần nhìn vào tất cả những thứ đó, nhìn vào tất cả mọi thứ tốt và xấu mà mình có. Chỉ cần nhìn chứ đừng phán xử này nọ gì hết. Nếu nó tốt lành (sướng), đừng nắm giữ nó lâu; nếu nó xấu (khổ), đừng dính chấp nó. Tốt hay xấu, sướng hay khổ đều có thể 'cắn' ta, vậy nên đừng nắm giữ nó chút nào. (Như cách đừng nắm đầu rắn hay đuôi rắn vậy, dính đằng nào cũng bị nó cắn).

Việc tu tập chỉ đơn giản là ngồi, ngồi và quan sát tất cả. Những trạng thái tốt và trạng thái xấu cứ đến và đi theo bản chất tự nhiên của chúng. Mọi thứ đến và đi. Đừng khởi tâm khoái thích với một trạng thái tốt nào, cũng đừng ghét bực với một trạng thái xấu nào; chỉ cần biết rõ chúng ngay khi chúng khởi sinh và biến qua. Khi nào cần chúc mừng thì cứ mừng, nhưng một xíu thôi, đừng mừng vui hoan hỷ quá nhiều. Cũng giống như việc dạy dỗ một đứa trẻ, đôi lúc cũng cần phải khen nó một chút, nhưng đôi lúc cũng cần phải đánh đít nó. Trong việc tu hành, đôi lúc chúng ta hay trách phạt bản thân mình, nhưng đừng cứ lúc nào cũng trách, phạt và ác cảm với bản thân mình. Nếu cứ lo trách phạt bản thân mình thì chẳng bao lâu bạn sẽ thoái chí và bỏ tu luôn. Nhưng cũng đừng quá dễ dàng với bản thân mình, nuông chiều một đứa trẻ quá cũng không tốt. Hai xu hướng đó đều không phải là cách tu đúng đắn. Chúng ta phải tu tập theo con đường Trung Đạo. Con đường Trung Đạo là gì? Con đường Trung Đạo này khó đi, phải biết chịu khó cực mới tu theo được, để tu theo đó thì ta không thể dựa theo những trạng thái và tham muốn của ta, ta phải buông bỏ chúng.

Đừng nghĩ chỉ ngồi với hai mắt nhắm lại là tu. Nếu bạn đang nghĩ vậy thì lập tức thay đổi suy nghĩ ngay! Sự tu tập đều đặn là có thái độ tu tập trong khi đang đứng, đang đi, đang ngồi và đang nằm. Khi hết giờ ngồi thiền và đứng dậy thì hãy nghĩ rằng ta chỉ thay đổi tư thế (chứ không phải hết thiền hay xả thiền gì gì đó). Nếu quán chiếu theo cách như vậy, bạn sẽ có được sự bình an. Dù bạn đang ở đâu bạn cũng có trong mình thái độ tu tập một cách đều đặn như vậy, bạn sẽ luôn có sự tỉnh giác bên trong mình.

Mọi người thường có thói quen như vầy: sau khi hết giờ ngồi thiền buổi chiều, ai cũng giống như đã làm xong bổn phận, ai cũng quay lại thả mình vào những trạng thái khác nhau của tâm, nguyên cả ngày hôm sau cứ thả tâm đi lang thang lăng xăng theo thói thích của nó, rồi đến giờ ngồi thiền chiều hôm sau trong đầu họ chỉ toàn những ý nghĩ búa xua trong ngày, chúng “đổ ngược” lại trong đầu họ. Như vậy là không có một nền tảng để tĩnh lặng, bởi họ đã để nó nguội lạnh suốt cả một ngày. (Thái độ duy trì tĩnh lặng và chánh niệm đã không được giữ ngoài giờ ngồi thiền, họ nghĩ chỉ khi ngồi thiền mới là tu, hết giờ thiền là hết tu). Nếu các bạn cứ tu tập theo kiểu như vậy thì tâm các bạn sẽ càng lúc càng trôi xa khỏi việc tu tập. Khi tôi hỏi một số đệ tử của tôi: “Việc thiền tập ra sao?” Họ nói: “Dạ, xong rồi.” Các bạn thấy không? Họ chỉ ngồi tu được một hay hai tháng, sau đó một hai năm thì coi như xong, không tu nữa.

Bởi vì sao? Bởi họ không đưa cái điểm quan trọng này vào việc tu tập của họ, đó là sự đều đặn và liên tục. Khi họ hết ngồi thiền họ cũng dẹp bỏ luôn sự chánh định (samãdhĩ). Lần lần, họ cũng bắt đầu ngồi thiền trong những khoảng thời gian ngắn hơn. (Lúc đầu ngồi một giờ, sau đó nửa giờ, sau đó còn mười lăm phút, thậm chí mỗi lần chỉ vài phút). Rồi đến lúc nào đó, họ vừa bắt đầu ngồi xuống thì đã muốn kết thúc phiên thiền. Cuối cùng họ cũng chẳng thèm ngồi thiền gì nữa. Chuyện này cũng giống như việc lạy Phật. Trước kia họ cố gắng quỳ lạy tượng Phật một cách rất nghi lễ trước lúc đi ngủ, như dần dà sau này tâm họ bắt đầu chểnh mảng, thất niệm. Chỉ không lâu sau đó họ không còn lễ lạy gì nữa, họ chỉ gục cái đầu một cái để bái Phật. Cuối cùng họ cũng dẹp luôn nghi thức này. Họ đã vất bỏ toàn bộ việc tu hành.

Bởi vậy, các bạn phải hiểu rõ tầm quan trọng của sự chánh niệm (sati), phải tu tập một cách đều đặn, tu chắc chắn, tu không rớt. Sự tu tập đúng đắn là tu tập đều đặn, ổn định. Dù đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang nằm, sự tu tập phải liên tục. Điều này có nghĩa sự tu tập thiền tập được thực hiện trong tâm này, không phải trong thân. Nếu tâm có nhiệt huyết, tận tụy và nhiệt tình thì sẽ có được sự rõ biết về mình, tức sự tự tỉnh giác. Tâm là thứ quan trọng. Tâm là cái giám sát tất cả mọi việc mình làm.

Khi chúng ta hiểu biết đúng đắn thì chúng ta tu tập đúng đắn. Khi chúng ta tu tập đúng đắn thì chúng ta không bị xao lãng lan man. Ngay cả khi chúng ta làm điều gì ít thì điều đó cũng hoàn toàn đúng. Ví dụ, ngay khi chúng ta xong giờ ngồi thiền, hãy luôn nhắc mình rằng: “thực sự chúng ta không phải ngưng thiền”, chúng ta chỉ thay đổi tư thế của thân mà thôi. Tâm của ta vẫn còn tập trung và tĩnh lặng. Dù đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang nằm, phải luôn có chánh niệm với mình. Nếu chúng ta có loại tỉnh giác như vậy, chúng ta mới có thể duy trì sự tu tập bên trong. Đến chiều chúng ta ngồi thiền trở lại thì sự tu tập đó vẫn liên tục, không gián đoạn. Sự nỗ lực không bị gián đoạn giúp cho tâm đạt đến tĩnh lặng.

Đây được gọi là sự tu tập đều đặn. Dù chúng ta có đang nói hay đang làm những việc khác, chúng ta vẫn cố gắng giữ sự tu tập liên tục. Nếu tâm có được sự chánh niệm và sự rõ biết (tỉnh giác) về mình một cách liên tục thì sự tu của chúng ta sẽ tiến bộ theo lẽ tự nhiên, nó càng ngày càng hội tụ vào nhau, (tức mọi sự tu tập càng ngày càng đi đúng hướng và đến đúng nơi). Tâm sẽ tự nhiên tìm thấy sự bình an, bởi nó thấy biết cái gì đúng và cái gì sai. Nó sẽ nhìn thấy mọi điều đang diễn ra bên trong chúng ta và nhận thấy sự bình an.

Nếu chúng ta tu dưỡng giới hạnh (sila) hay sự chánh định (samadhi, trạng thái định tâm, sự vững chắc của tâm), thì trước tiên chúng ta phải có sự hiểu biết, tức trí tuệ (pannã). Một số người cho rằng mình phải tu tập theo các bước, chẳng hạn tu dưỡng giới hạnh một năm, tu tập sự định tâm (thiền định) năm sau, và năm sau nữa tu tập trí tuệ (thiền tuệ). Họ nghĩ đó là ba phần khác nhau. Họ nghĩ năm nay họ tu dưỡng gì gì đó, nhưng nếu tâm chưa có khả năng đạt định (samadhi) thì làm sao mà tu được cái gì? Nếu không có sự hiểu biết trí tuệ (pannã) thì biết gì mà tu sửa? Không có định tâm (samadhi) hay trí tuệ (pannã) thì giới hạnh (sila) sẽ xuống dốc.

Thực tế thì ba phần đó diễn ra với nhau ở cùng một chỗ. Khi ta có giới hạnh thì ta có khả năng định tâm, khi có khả năng định tâm thì có khởi sinh trí tuệ. Tất cả chúng là một, giống như một trái xoài. Dù nó là còn nhỏ hay đã lớn, nó vẫn là trái xoài. Khi chín muồi nó vẫn là trái xoài. Nếu chúng ta nghĩ theo cách đơn giản như vậy thì ta có thể thấy điều đó dễ dàng hơn. Chúng ta không cần phải học quá nhiều thứ nhiều chiêu, chỉ cần biết những thứ đó, chỉ cần biết rõ sự tu tập của chúng ta.

Khi mọi người đến với thiền, một số người không đạt được cái mình cầu, không chứng đắc cái mình muốn, cho nên họ bỏ cuộc, than rằng số mình chưa có đủ công đức để thiền tập. Họ có thể làm những điều xấu, họ cũng có tài đó, nhưng không phải tài làm những điều tốt. Họ quăng bỏ tọa cụ, nói rằng mình không có đủ căn cơ để tu thiền. Đó là cách phổ biến của những người tu, họ tự loại mình ra khỏi con đường, họ tự bỏ cuộc và mang theo những ô nhiễm của mình.

Bữa nay các bạn đã có cơ hội đến đây để tu tập, vậy mong các bạn hiểu rằng: việc tu thiền đạt định (samadhi) dễ hay khó là do nơi các bạn, chứ không phải do trạng thái định (samadhi) là khó hay dễ. Khi tu tập, chúng ta cần có “sự hiểu biết đúng đắn” (tức cách nhìn đúng đắn, chánh kiến, samma ditthi). Nếu cách nhìn của chúng ta là đúng đắn thì mọi việc khác cũng đúng đắn: cách nhìn đúng đắn, ý hành đúng đắn, lời nói đúng đắn, hành động đúng đắn, nghề nghiệp đúng đắn, nỗ lực đúng đắn, quán niệm đúng đắn, thiền định đúng đắn—[chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định]—đó là con đường Bát Chánh Đạo. Chánh kiến dẫn đầu, giống như con mắt nhìn khi chúng ta bước đi hay làm bất cứ điều gì. Khi có chánh kiến thì tất cả những phần khác của con đường cũng đúng đắn theo.

Dù chuyện gì xảy ra, đừng để tâm lệch lạc khỏi đường đi. Nhìn vào bên trong chính mình bạn sẽ thấy một cách rõ rệt. Để tu tập tốt nhất, theo thiển ý của tôi, các bạn không cần phải đọc quá nhiều kinh điển. Dọn tất cả sách vở đem đi cất hết thử. Chỉ cần đọc cái tâm của mình. Các bạn trước giờ đã vùi chôn mình trong đống sách vở từ thuở mới bước chân đến trường học. Giờ đã đến lúc thu dọn những đống sách vở với đống kiến thức thế gian qua một bên, thu dọn hết mớ kinh sách, đưa vô tủ và khóa tủ lại. Giờ chỉ lo đọc cái tâm mình.

Khi nào có thứ gì khởi sinh trong tâm, dù ta thích hay ghét, dù nó có vẻ đúng hay sai, cứ buông bỏ nó vói tâm niệm: “điều này không chắc chắn.” Bất cứ điều gì khởi sinh trong tâm: “không chắc, không chắc.” Chỉ cần một lưỡi rìu như vậy, bạn có thể chặt nó rớt ngay, có thể chặt bỏ tất cả mọi thứ—không còn dính líu gì đến chúng.

Từ giờ đến hết tháng sau, các bạn ở lại tu trong ngôi chùa trong rừng này, các bạn hãy cố tu tiến nhiều. Các bạn sẽ nhìn thấy sự thật. Cái rìu “không chắc chắn” này thực sự là thứ quan trọng cho các bạn. Thứ này có thể phát triển trí tuệ hiểu biết. Càng nhìn vào mọi thứ, các bạn càng nhìn thấy cái sự “không chắc chắn” này. Sau khi bạn đã chặt đứt một thứ khỏi sinh bằng cái rìu “không chắc chắn” này, có thể thứ đó vẫn khởi sinh lại, nó lòng vòng quanh quẩn trở lại trong tâm ta. Khi nó khởi lên trở lại, bạn tiếp tục phủ tấm 'bùa' này lên nó luôn... “không chắc chắn.”.. và chẳng bao lâu nó lại khởi sinh, nó lại nổi lên lại trong tâm... thì vẫn tiếp tục tâm niệm: “À, không chắc chắn.” Cứ vậy. Cứ xử gọn nó như vậy! Không chắc chắn. (Bạn sẽ thấy những thứ khởi sinh chỉ giống tựa nhau, chúng đều đến rồi đi, giả tạm, giả lừa, phù du, có rồi mất, không phải là thứ gì, chẳng là gì, như bọt nước mưa; vậy nên chúng ta đâu cần chạy theo chúng nữa; chỉ nhìn thấy chúng và nhớ, niệm rõ: nó là không chắc chắn. Vừa nhìn nó là nó đã mất rồi). Bạn sẽ thấy những thứ khởi sinh chỉ giống tựa như nhau, chỉ là một thằng cha cũ cứ đến chọc phá ta tự hồi nào đến giờ, tháng này, tháng nọ, năm này, năm nọ, kể từ ngày ta mới được sinh ra...Chỉ là một gã đó cứ đến chọc ghẹo kích thích ta. Nhìn thấy rõ điều này thì bạn có thể giác ngộ được cách mọi sự diễn ra theo bản chất tự nhiên của chúng.

Khi sự tu tập của bạn tiến bộ đến mức này rồi, thực đáng khen, thì bạn không còn dính chấp vào những cảm nhận nào nữa, bởi bạn đã biết tất cả chúng đều là không chắc chắn, không bền chắc, chẳng là cái gì thực thể, chỉ là phù du; những cảm nhận sướng khổ chỉ là những thứ đến và đi, có rồi mất. (Cũng như những con sóng biển lớn nhỏ xô vào bờ cát, chúng đi vào rồi rút ra, đến rồi đi, đó chẳng là gì cả, chỉ là tác động của gió từ ngàn ngàn khơi xa, chẳng liên quan gì đến bờ ta; chúng cứ cuộn sóng lên chạm đến bờ, rồi mất đi. Cứ nhìn chúng như vậy. Chỉ là bản chất đến đi sinh diệt của tự nhiên).

Bạn có để ý hiểu điều này không? Có thể bạn nhìn một cái đồng hồ và thấy nó đẹp. Đẹp quá, nên bạn bỏ tiền mua để sở hữu và ngắm nhìn... nhưng chỉ được vài ngày bạn bắt đầu thấy chán. Cây viết này đẹp quá, bạn lại dính chấp vào rắc rối, bạn mua nó về để có nó và ngắm nó. Chỉ được vài tháng bạn thấy chán nó, thấy nó cũng thường thôi. Đó, mọi sự của chúng ta là vậy đó. Đâu có gì là chắc chắn phải không?

Nếu chúng ta nhìn thấy 'tất cả mọi thứ trên đời đều không chắc chắn, đều là giả lập và tạm bợ' thì giá trị của chúng đối với chúng ta sẽ mờ nhạt. (Ngay cả quần áo đẹp, thức ăn ngon, mỹ nhân, anh hùng... cũng là thứ không bền lâu. Đồ ăn nào ngon nhất ta ăn vài bữa cũng phát chán. Đồ ăn chỉ là đồ ăn, ngon hay ngán chỉ là do cái tâm của ta dính chấp vào đó. Bởi vậy ý kiến “đồ ăn ngon” không phải là chắc chắn. Cái sự “ta thấy ngon” cũng không phải là chắc chắn. Chẳng có gì là chắc chắn).

Lúc này, mọi thứ đều trở thành không thực sự quan trọng đối với chúng ta, sau khi chúng ta nhìn ra bản chất thực của chúng. Vậy tại sao chúng ta còn tiếp tục nắm giữ những thứ không giá trị đó? Chúng ta giữ chúng cũng như giữ miếng giẻ rách rồi cuối cùng cũng vứt đi. (Những gì ta trân quý nắm giữ rồi cuối cùng cũng bỏ đi mà thôi). Huống hồ chi là những cảm nhận phù du có mất trong một cái tích chưa tắc. Chúng ta nhìn những cảm nhận cũng có cùng bản chất tự nhiên như mọi thứ khác: đến và đi, có và mất, không chắc chắn, vậy thì tâm chúng ta đâu cần phải dính chấp theo chúng để làm gì.

Khi chúng ta hiểu rõ những cảm nhận, chúng ta hiểu rõ thế giới. Thế giới là những cảm nhận và những cảm nhận là thế giới. (Thế giới của ta là do những cảm nhận của ta). Nếu chúng ta không bị kích dẫn bởi những cảm nhận, thì chúng ta không bị kích dẫn bởi thế giới. Nếu chúng ta không bị tác dẫn bởi thế giới, thì chúng ta không bị tác dẫn bởi những cảm nhận.

Cái tâm nhìn thấy điều đó là nó có được một nền tảng trí tuệ chắc chắn. Cái tâm như vậy sẽ không bị nhiều khó khổ. Nếu có khó khổ khởi sinh, cái tâm đó cũng tự nó xử lý được. Khi đã không còn những khó khổ thì không còn nghi ngờ. Sự bình an sẽ có mặt thay cho nghi ngờ. Đây chính là “tu.” Nếu chúng ta thực sự tu, nó phải dẫn đến như vậy. Tu thiệt sẽ thành như vậy.

---------------

(91) [Giảng tại chùa Wat Keu-an cho nhóm sinh viên đại học đang thọ giới ngắn hạn ở đây trong mùa nóng năm 1978]. (Ở Thái Lan, nhiều người vô chùa để tu một thơi gian như là một nghĩa vụ. Có nhiều trường tiểu học trung học ở Thái Lan, các học sinh cũng đến chùa ăn cơm một lân mỗi tuần).

(92) [Chùa Wat Keu-an có nghĩa là chùa Đập (gần đập nước thuộc khu bảo tồn thiên nhiên mang tên một công chúa Thái Lan là Sirindhorn). Nó còn gọi là chùa Wat Koh, có nghĩa là chùa Đảo vì nó nằm trên một bán đảo của khu bảo tồn này. Khu bảo tồn này nằm gần giáp biên giới phía đông với Lào. Đây là một trong những chi nhánh của chùa tổ Wat Pah Pong của dòng Tu Thiền Trong Rừng của Thái Lan của thiền sư Ajahn Chah].

(93) [Khái niệm là khái niệm thế gian, là thực tại do quy ước, là pháp thế gian (sammuti). Sự chuyển hóa là không còn ràng buộc với mọi thứ thế gian, đó là sự giải thoát, pháp giải thoát (vimutti). Ở đây ý nói những thứ ô nhiễm vẫn đang tồn tại cùng lúc với những nỗ lực tu tập, cũng giống như vỏ dừa cũng đang dính vói nước dừa, cơm dừa. Đến lúc nào đó buông bỏ được thì chúng ta giải thoát khỏi chúng, hoặc khi nào đạt đến giải thoát là đã buông bỏ được chúng].

(94) [Ma Vương (Mara) là cách gọi 'nhân cách hóa' những thứ gây ô nhiễm hay tội lỗi trong tâm, những thứ làm cản trở sự tu tiến tâm linh của người tu. Những thứ cản trở như là: tham, sân, si, nhục dục, sắc dục, sợ hãi, lo lắng, quan niệm về cái 'ta' (ngã chấp), tà kiến, mê tín, dị đoan...]

(95) [Đây là cách nói chơi chữ bằng tiếng Thái của thầy. “Phatibut (tu tập) không phải là wibut (tai nạn)”].

(96) [Đó là hai cực đoan cần nên tránh, Đức Phật đã nói rõ trong bài kinh đầu tiên (kinh Chuyển Pháp Luân). Chạy theo khoái lạc giác quan hoặc ngược lại hành khổ bản thân đều là hai cực đoan tiêu cực, người tu theo Phật phải tránh rơi vào hai điều này... ngay cả trong từng ý nghĩ.]

(97) [pa-kow là một Phật tử tu giữ Tám giới đến ở tu chung với các Tỳ kheo. Ngoài việc học tu và thiền tập ở đó, Phật tử đó làm những việc khác để giúp các Tỳ kheo, ví dụ như những việc mà các Tỳ kheo không thể làm được theo Giới Luật. Còn sa-di là người tu xuất gia trẻ giữ 10 giới, tức thêm hai giới (như các Tỳ kheo) là “Không ăn phi thời (quá giờ ngọ)” và “không cất giữ vàng bạc, đồ quý giá.]

    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hai Gốc Cây


Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn


Chuyện Vãng Sanh - Tập 2


Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.154.251 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...