Người đời đều cho rằng rắn là loài hại người, chỉ sợ không giết được hết, thậm chí còn cho rằng đánh rắn không chết sẽ để lại tai họa về sau. Thế nhưng lại không xét kỹ rằng, nếu đánh không chết sợ rắn báo oán, vậy đánh chết đi chẳng phải thù oán càng sâu nặng hơn sao? Chẳng qua là chỗ thấy biết của người đời hết sức nhỏ nhoi cạn cợt, chỉ biết chuyện đời nay, không biết chuyện đời sau, nên mới nảy sinh quan niệm đoạn diệt, cho rằng mọi việc chỉ xảy ra trong một đời này rồi chấm dứt.
Huống chi, nếu rắn làm hại ta, ắt phải có nguyên nhân từ đời trước. Nếu không có nhân đời trước, chắc chắn rắn sẽ không hại ta, cần gì phải lo liệu trước việc rắn gây hại cho ta mà giết nó? Ví như rắn có muốn hại ta, cũng không nên giết nó. Vì sao vậy? Rắn ấy hẳn là do nhân đời trước bị ta làm hại nên đời này mới đến báo oán, nếu ta giết nó thì oán thù đời trước xem như chưa trả được, lại kết thêm oán thù đời này, chẳng phải là tạo nhân để phải chịu tai họa trong hai đời nữa sao? Vì sao người đời không chịu suy xét kỹ?
Đốt hang rắn chịu quả báo diệt tộc
Phương Hiếu Nho là người đời Minh. Cha ông khi chuẩn bị chỗ đất để cải táng phần mộ tổ tiên thì nằm mộng thấy một cụ già mặc áo đỏ đến chắp tay vái lạy và nói: “Chỗ huyệt táng mà ông đã chọn đó chính là nơi ở của chúng tôi. Mong ông hoãn lại cho 3 ngày, đợi con cháu tôi kịp dời hết đi nơi khác rồi hãy làm, sau này tôi xin hết lòng báo đáp.” Nói xong lại dập đầu lạy ông ba lạy.
Người cha của Phương Hiếu Nho thức dậy không tin, cho đó chỉ là mộng mị, liền tiếp tục cho người đào huyệt. Khi đào đất lên có đến hàng trăm con rắn đỏ, liền thiêu chết hết. Đêm ấy lại mộng thấy cụ già hiện đến, vừa khóc vừa nói: “Tôi đã chí thành cầu khẩn ông, sao ông lại khiến cho con cháu tôi 800 đứa đều phải chết trong lửa dữ? Ông đã diệt hết dòng họ tôi, tôi cũng sẽ diệt hết dòng họ của ông.”
Sau ông sinh ra Phương Hiếu Nho, nhìn đầu lưỡi có hình dạng uyển chuyển như con rắn. Hiếu Nho làm quan đến chức Hàn Lâm Học sĩ, xúc phạm đến Minh Thành Tổ, vua hạ lệnh tru di mười họ. Tính hết những người bị giết vừa bằng với số rắn đã chết trước đây.
LỜI BÀN
Đức Phật có dạy rằng: “Đứa con sinh ra có ba nhân duyên: Một là cha mẹ đời trước đã từng thiếu nợ đứa con, hai là đứa con đời trước từng thiếu nợ cha mẹ, ba là do có oán thù đời trước nên sinh làm con.” Người đời chỉ biết những đứa con bê tha cờ bạc rượu chè là oan gia, không biết rằng có những đứa con thành đạt uy quyền lớn rồi gây họa lây đến cả tộc họ, đó cũng là oan gia. Người đời chỉ biết những đứa con làm cho cha mẹ mất thể diện, gia đình nhục nhã là oan gia, nhưng không biết rằng có những đứa con làm vinh dự tổ tiên, rạng rỡ dòng tộc, được thọ hưởng sự cúng tế ngàn đời, đó cũng là oan gia. Người đời tranh giành cướp đoạt tài sản, ai ai cũng vì tính toán cho con cháu sau này. Nhưng nếu nghĩ cho thật thấu đáo đến những kết cục trong tương lai, thì dù hiện nay con đàn cháu đống liệu có ích lợi gì? Cả một đời vất vả, khổ nhọc tích cóp, chỉ uổng tự làm khổ thân mình. Mưu đoạt tài sản của người này, người khác, để rồi đời sau cũng chính những người ấy lại sinh vào làm con mình, khiến cho mình hao tài phá sản. Người đời ngày nào còn thấy biết một cách điên đảo, ngày ấy vẫn còn bị trói buộc ràng rịt tiếp nối. Xưa nay chìm đắm mãi trong mê lầm mà không chịu tỉnh ngộ, thật đáng sợ biết bao!
Rắn chết được cứu độ
Ông Tào Lỗ Xuyên ở Tô Châu có đứa con gái gả về nhà họ Văn. Một hôm, có con rắn rượt đuổi theo con chim câu, gia nhân trông thấy liền đánh chết. Qua mấy hôm sau, rắn nhập hồn vào cô con gái của Tào Lỗ Xuyên, mượn xác nói rằng: “Ta vốn là Thái thú Kinh Châu, gặp lúc Hầu Cảnh làm loạn, đuổi ta đến chỗ bờ sông, ta bị té xuống sông mà chết, không biết cha mẹ, vợ con ta lúc này có được bình an hay không?”
Tào Lỗ Xuyên nghe vậy kinh hãi, nói: “Hầu Cảnh là người của thời Lục triều, nay là đời Minh, đã trải qua các đời Trần, Tùy, Đường, Tống, Nguyên.” Khi ấy, hồn ma mới biết mình chết đã quá lâu, liền nói: “Tôi đã phải sinh làm thân rắn, nay chết cũng không oán hận gì. Chỉ mong các người vì tôi thiết lễ sám hối, tụng cho một bộ Lương Hoàng Bảo Sám, tôi sẽ rời đi.”
Tào Lỗ Xuyên cho thiết lễ sám hối xong, hồn ma lại xin được cúng chay, Lỗ Xuyên liền lập đàn thí thực theo pháp Du-già diệm khẩu. Hôm sau, cô con gái liền được bình thường như trước.
LỜI BÀN
Cuộc đời con người sống chết luân chuyển như hơi thở vào ra, thoắt chốc đã nhập bào thai, thoắt chốc ra khỏi bào thai, cho đến thoắt chốc đã trải qua vô số lần xuất nhập như thế. Sinh ra chẳng biết từ đâu đến, chết đi chẳng biết về đâu, mờ mờ mịt mịt qua ngàn đời vạn kiếp mà vẫn không biết được. Thoắt chốc sinh lên cõi trời, thoắt chốc sa vào địa ngục; thoắt chốc trở thành quỷ đói, súc sinh, cho đến làm người, làm chư thiên... vượt lên rồi chìm xuống, chìm xuống lại vượt lên, qua ngàn đời vạn kiếp vẫn không biết được.
Xưa, ông Tu-đạt có lần đang ở trong tịnh thất cùng đức Phật, Phật chỉ một con kiến bò trên mặt đất mà nói với ông: “Con kiến này từ thời đức Phật Tỳ-bà-thi ra đời cho đến nay, trải qua bảy đức Phật ra đời mà vẫn còn đọa làm thân kiến.”
Thông thường, mỗi một vị Phật ra đời trải qua thời gian rất lâu xa, huống chi đến bảy vị Phật? Sau khi đức Phật Thích-ca ra đời, phải trải qua hơn 1.725.000 năm thì đức Bồ Tát Di-lặc mới từ cung trời Đâu-suất đản sinh. Chẳng biết đến lúc ấy liệu con kiến kia đã thoát được thân kiến hay chưa?
Theo đó mà xét thì con rắn trong chuyện này trải qua từ thời Lục triều đến nay đã được thoát thân rắn, kể cũng không phải chậm. Than ôi, luân hồi đáng sợ như thế mà không chịu phát tâm cầu sinh Tịnh độ để vĩnh viễn thoát ly, thì có khác gì những loài vật si mê trôi dạt trong biển lớn sinh tử?