A. Hai sự cực đoan: Ngay từ thời đức Phật, đã có rất nhiều người học
Phật rơi vào hai sự cực đoan.
Khi Phật dạy pháp Tứ đế, chỉ ra rằng cuộc đời này đầy dẫy những khổ đau,
một số người liền chấp chặt vào thực tại đau khổ đó. Họ cho rằng mục
đích của việc tu tập là phải làm sao trừ hết những sự đau khổ, vì chúng
là thật có, vì thế giới này là thật có. Những người này đã rơi vào phía
cực đoan gọi là “chấp có”. Do không nắm hiểu trọn vẹn giáo pháp mà Phật
giảng dạy, họ sinh tâm nhàm chán, sợ sệt những khổ đau trong cuộc sống
và xuất gia tu tập để mong tránh né sự đau khổ. Họ không hiểu rằng sự tu
tập là để dứt trừ tận gốc rễ của khổ đau chứ không phải là để tránh né
chúng. Do sự phát tâm sai lầm như thế, những người này chỉ có thể đạt
được những sự thanh thản, an vui giả tạo, nhất thời khi sống theo đời
sống xuất gia, nhưng thật sự về lâu dài thì họ vẫn quay vòng mãi trong
những khổ đau của cuộc đời, vì sự tu tập sai lầm của họ không thể giúp
họ giải thoát trọn vẹn được.
Khi Phật dạy pháp Thập nhị nhân duyên, chỉ ra rằng tất cả mọi hiện tượng
trong thế giới này đều chỉ là do các nhân duyên giả hợp mà thành, một số
người khác liền chấp chặt vào tính chất không thật có ấy. Họ cho rằng vì
tất cả chỉ là sự giả hợp tạm thời của các nhân duyên, nên không có gì là
thật có. Thế giới này là không, mọi sự đau khổ hay giải thoát cũng đều
là không. Những người này đã rơi vào phía cực đoan thứ hai gọi là “chấp
không”. Do không nắm hiểu trọn vẹn giáo pháp mà Phật giảng dạy, họ sinh
tâm giải đãi, cho rằng tất cả đều chỉ là trống rỗng, hư vô, nên không có
gì cần thiết phải nỗ lực tu tập hay thực hiện các điều lành. Khi nhìn
cuộc đời theo cách này, nhất thời họ có thể xả bỏ được rất nhiều sự tham
đắm, trói buộc, và cảm thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều vì không còn phải chạy
theo những thôi thúc của tham dục hay sân hận. Tuy nhiên, đó không phải
là chỗ giải thoát rốt ráo mà pháp Phật nhắm đến, bởi vì trải qua thời
gian thì sự sai lầm của họ sẽ bộc lộ ra khi họ nhận biết rằng mình không
có bất cứ động lực chính đáng nào để tinh tấn tu tập cả.
Dù là chấp có hay chấp không, những cách hiểu cực đoan này đều không
phải là chân lý, bởi sự thật là chúng không thể giúp người tu đạt đến sự
giải thoát. Vì chúng sinh chìm đắm trong bể khổ mà hoàn toàn không nhận
biết rằng mình đang khổ, nên đức Phật mới gióng lên hồi chuông Tứ đế,
trước hết chỉ ra cho họ thấy rằng cuộc đời này vốn đầy dẫy những khổ
đau. Vì chúng sinh chìm đắm trong sự tham lam, sân hận, nên đức Phật mới
gióng lên hồi chuông Thập nhị nhân duyên, chỉ ra cho họ thấy rằng những
thứ mà họ say mê, ôm ấp, giành giật lẫn nhau, thật ra chẳng có gì đáng
để như thế cả. Chúng chỉ là những bóng dáng hư ảo, sự giả hợp tạm thời
của các nhân duyên, và vì thế không hề thật có.
Giáo pháp Tứ đế hay Thập nhị nhân duyên đều là chân thật, đúng đắn. Chỉ
có sự sai lầm ở phía người học đạo, không nắm rõ được yếu nghĩa của giáo
pháp nên mới rơi vào sự cực đoan. Nếu nhận biết cuộc đời là đau khổ để
tiếp tục tu tập các pháp diệt khổ, thực hành Bát chánh đạo, thì đến một
lúc nào đó người tu sẽ tự mình nhận biết rằng chính những đau khổ trong
cuộc đời này tự nó cũng là không thật có. Khi đó, họ sẽ được giải thoát
khỏi tư tưởng chấp có. Nếu nhận biết rằng cuộc đời này chỉ là nhân duyên
giả hợp, hư ảo, để tiếp tục tu tập phá trừ vô minh, chặt đứt chuỗi mắt
xích 12 nhân duyên, thì lúc đó người tu sẽ nhận ra rằng tuy tất cả là hư
ảo, không thật, nhưng sự tu tập giải thoát, Niết-bàn an lạc vẫn là thật
có; bên ngoài các pháp thế gian do nhân duyên hội tụ, vẫn còn có các
pháp xuất thế gian không phải do nhân duyên hợp thành, và vì thế mà
thường hằng bất biến.
Có và không chỉ là những khái niệm tương đối do chính con người dựng lên
để mô tả thế giới này. Khi nhìn nhận được bản chất thực sự của đời sống,
của thực tại, thì cho dù chúng ta có gọi đó là có hay là không cũng vẫn
không làm thay đổi bản chất thực sự của nó. Chính vì vậy, chân lý rốt
ráo của người học đạo phải là sự vượt thoát ra khỏi cả hai khái niệm có
và không. Bởi vì cả hai sự chấp chặt đó đều là cực đoan và sai lầm.
B. Giáo lý Tam luận: Trước hết là bộ Trung luận, nói đủ là Trung quán
luận. Trung tức là khoảng giữa, trung bình, không nghiêng về hai bên;
quán là quán xét, thường là bằng phương pháp tham thiền. Như vậy, trung
quán có nghĩa là quán xét về cái mức độ trung bình, cái khoảng giữa
trong sự tu tập, để không thiên lệch về bất cứ bên nào.
Vì được viết theo thể luận, nên trọng tâm của tác phẩm này là nêu lên
những lý lẽ của những người chấp có và chấp không để chỉ rõ những chỗ
sai lầm, rồi từ đó dẫn dắt người đọc đạt đến chỗ khoảng giữa, tức là một
cách nhìn nhận đúng mức, hợp chân lý. Toàn bộ Trung luận có hai mươi bảy
phẩm. Hai mươi lăm phẩm đầu biện bác những ý tưởng sai lầm nghiêng về
chấp không của một số người học theo Trung thừa, và hai phẩm sau biện
bác những ý tưởng sai lầm nghiêng về chấp có của một số người học theo
Tiểu thừa.
Bộ Thập nhị môn luận có mười hai chương, gọi là mười hai môn, nên có tên
là “Thập nhị môn”. Về nội dung, bộ luận này hiển bày nghĩa “không” của
Đại thừa, có thể chia làm ba phẩm. Phẩm thứ nhất nói về tánh không, phẩm
thứ hai nói về lý vô tướng, phẩm thứ ba nói về lý vô tác. Tựu trung cả
bộ luận đều nhằm nói lên lý “vô sinh” của tất cả các pháp, và do đó tất
cánh đều là không. Về cấu trúc, toàn bộ luận được biên soạn dựa trên 26
bài kệ chính cùng với phần giải thích các bài kệ đó. Người đời sau phân
tích các bài kệ này, thấy có 17 bài trích từ bộ Trung luận, 2 bài trích
từ bộ Thất thập không tánh luận, có ý kiến cho rằng đây là tác phẩm của
ngài Tân-già-la (Piṅgalanetra - Thanh Mục) chứ không phải của Bồ Tát
Long Thụ. Dù sao, đây cũng chỉ là giả thuyết mà thôi, vẫn chưa xác định
chắc chắn được.
Bộ Bách luận của Đề-bà được soạn sau khi biện bác tất cả những lập luận
của các phái ngoại đạo, nên nội dung chính là ghi lại những lý lẽ đã
dùng để chỉ ra sự sai lầm của bọn họ. Bộ luận này nguyên khi mới soạn ra
có 20 phẩm, mỗi phẩm gồm có 5 bài kệ và phần luận thích, tổng cộng 100
bài kệ nên gọi là Bách luận. Tuy nhiên, hiện nay bản Phạn văn đã mất,
bản dịch Hán văn của ngài Cưu-ma-la-thập gồm lại thành mười phẩm, chia
ra 2 quyển. Ngoài việc biện bác các quan điểm của ngoại đạo, còn có
những phần chỉ ra các ý tưởng sai lầm của chính những người học Phật.
C. Học thuyết: Học thuyết của Tam luận tông nhấn mạnh vào ý nghĩa trung
đạo, phá trừ hết những ý kiến chấp có và chấp không. Đạt được nhận thức
đúng như vậy gọi là thấu triệt được tánh không của vạn pháp.
Đúng như tên gọi, Tam luận tông là một học phái đặc biệt chú trọng đến
sự biện luận, bác bỏ những kiến giải sai lầm. Người học đạo nếu trừ bỏ
hết những kiến giải sai lầm, không rơi vào tà kiến, thì trí tuệ tự nhiên
hiển lộ, nhận rõ được chân lý. Chính Bồ Tát Long Thụ khi khai sáng tông
này cũng chủ yếu là dùng tài biện bác để phá trừ mọi luận thuyết sai
lầm. Chính nhờ ngài phá trừ hết các ý tưởng sai lầm mà các đệ tử của
ngài tự nhiên nhìn rõ ra được ý nghĩa trung đạo, thấu hiểu được lý chân
không, tức là tánh không chân thật.
Học thuyết của Tam luận tông tuy nói là dựa vào ba bộ luận của các vị Tổ
sư, nhưng kỳ thật các bộ luận này cũng là y cứ nơi các kinh Đại thừa mà
lập thuyết. Giáo pháp uyên thâm rộng lớn, khó có thể nói khái quát được
hết, nhưng tựu trung có hai phần giáo lý có thể xem là đặc thù nhất so
với các tông khác:
1. Vô sở đắc: Tam luận tông chủ trương chân lý rốt ráo không có tu
chứng, không phải do dụng công mà đạt được. Về bản chất, hết thảy chúng
sinh vốn đều sẵn có tánh Phật, không có mê, không có ngộ, thật tánh các
pháp đều trạm nhiên tịch diệt, thật không hề có cái gọi là “Phật” để tu
chứng mà thành. Tất cả chỉ là những khái niệm hư dối do con người đặt ra
để gọi tên các pháp, từ đó phân ra thế này là mê, thế này là ngộ, thế
này là thành, thế này là chẳng thành... Tánh Phật tuy sẵn có, nhưng hết
thảy chúng sinh căn trí bất đồng, có kẻ lợi căn sáng trí, có người độn
căn thấp trí. Do đó mà chỗ giác ngộ có mau có chậm, thành ra khác biệt
nhau. Tất cả đều là do phiền não khách trần che lấp, khiến cho phải trôi
lăn trong sinh tử. Chỉ cần trừ sạch những bụi bặm che lấp ấy, tâm ý tự
nhiên trở về trạm nhiên tịch tĩnh, tánh giác ban sơ tự nhiên hiển lộ. Đó
gọi là thành Phật, gọi là giác ngộ, nhưng kỳ thật không có gì là thành,
không có gì là được cả. Cho nên nói là vô sở đắc.
2. Bát bất trung đạo: Tam luận tông chủ trương phá tà để hiển chánh, nên
đưa ra thuyết “bát bất trung đạo” để chỉ rõ những sự mê lầm của người
đời. Thuyết này phủ nhận tám điều là không có (bát bất) để hiển lộ ra
con đường trung đạo ở khoảng giữa. Tám điều ấy chia làm bốn cặp
đối đãi nhau, gồm có: sinh – diệt, thường – đoạn, nhất – dị, lai – xuất.
Những cặp đối đãi này xét cho cùng đều dựa vào nhau mà có. Không có sinh
ra thì không thể có diệt mất; không có thường tồn thì không thể có ngắn
ngủi, không có đồng nhất thì không thể có khác biệt; không có tìm đến
thì không thể có rời đi. Nhận biết được tánh không của các pháp thì có
thể thấy rõ được tất cả những khái niệm ấy chỉ là danh từ giả lập, không
thật có. Vì thế, Tam luận tông dạy người tu tập quán xét tám điều này là
bất sinh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất nhất, bất dị, bất lai, bất
xuất. Trong đó, quán xét các lẽ không sinh, không diệt, không thường,
không đoạn là để phá bỏ kiến chấp sai lầm về thời gian. Còn quán xét các
lẽ không đồng nhất, không khác biệt, không tìm đến, không rời đi là để
phá bỏ kiến chấp sai lầm về không gian. Người tu quán xét tám điều này
đến chỗ rốt ráo thì có thể nhận biết được lý trung đạo, hay là tánh
không chân thật của các pháp.