Khai tổ: Đại sư Thiện Vô Úy và Kim Cang Trí (Vajrabodhi) truyền sang
Trung Hoa, ngài Bất Không (Amoghavajra) chính thức sáng lập vào thế kỷ 8.
Hoằng
Pháp Đại sư (Kobo Daishi) truyền sang Nhật Bản vào thế kỷ 9.
Giáo lý căn bản: Kinh Đại Nhật và kinh Kim cang đảnh.
Tông chỉ: Dựa vào sự trì tụng chân ngôn và những nghi thức hành trì để
tạo ra oai lực nhiệm mầu, giúp hành giả đạt đến cảnh giới giải thoát
thông qua sự tập trung hoàn toàn vào các câu chân ngôn và những nghi
thức hành trì.
LỊCH SỬ
Chân ngôn tông là tên gọi khác của Mật tông, được khởi nguyên từ Ấn Độ
vào khoảng thế kỷ 4 với sự ra đời của một hình thức kinh điển hoàn toàn
mới trong Phật giáo là Tan-tra. Nhưng phải sang thế kỷ 6 thì tông phái
này mới được phát triển mạnh và bắt đầu truyền sang các nước khác.
Vào thế kỷ 8, có ba vị tăng Ấn Độ là Thiện Vô Úy (637-735) Kim Cang Trí
(670-741) và Bất Không (705-774) đã đưa vào Trung Hoa hệ thống kinh
Tan-tra của Chân ngôn tông và gây được ảnh hưởng rất lớn đối với triều
đình các vua Đường, thông qua những sự linh ứng nhiệm mầu mà họ tạo ra
được qua việc trì tụng các câu chân ngôn và thực hiện các nghi lễ.
Tuy nhiên, chính ngài Bất Không là người có công lớn nhất trong việc
sáng lập Chân ngôn tông, làm cho tông phái này trở thành một tông phái
độc lập. Tuy chỉ tồn tại trong khoảng một thế kỷ, nhưng Chân ngôn tông
cũng để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa.
Thời gian sau đó, Chân ngôn tông chịu ảnh hưởng nhiều của các vị Lạt-ma
đến từ Tây Tạng, biến dạng thành một kiểu Mật tông mang đậm màu sắc thần
bí, và chỉ tồn tại dưới những hình thức pha trộn trong một số tông phái
khác, không còn phát triển độc lập như trước đó.
Ngài Bất Không là người Ấn Độ, tên Phạn ngữ là Amoghavajra, Hán dịch
nghĩa là Bất Không. Ngài là người phiên dịch rất nhiều kinh điển Phật
giáo và là một trong những cao tăng có nhiều ảnh hưởng trong lịch sử
Phật giáo Trung Hoa. Ngài sinh năm 705 tai Samarkand, cha là người Ấn Độ
và mẹ là người Khang Cư (Sogdian), đến Trung Hoa từ năm 10 tuổi sau khi
cha ngài qua đời.
Năm 719, ngài xuất gia học đạo với ngài Kim Cang Trí (Vajrabodhi), cũng
là một vị tăng Ấn Độ. Năm 741, khi tất cả các tăng sĩ ngoại quốc đều bị
trục xuất khỏi Trung Hoa, ngài cùng với một số người tổ chức hành hương
để thu thập kinh điển, đi qua khắp các vùng Tích Lan, Đông Nam Á và Ấn
Độ. Trong chuyến đi này, ngài đã gặp ngài Long Trí (Nagabodhi), thầy của
ngài Kim Cang Trí, tức là sư tổ của ngài, và được học một cách chi tiết
hệ thống kinh Kim cang đảnh (Tattvasamgraha).
Ngài trở về Trung Hoa năm 746, mang theo khoảng 500 bộ kinh. Năm 754,
ngài bắt đầu dịch phần đầu bộ Kim cang đảnh sang Hán văn. Đây là một bộ
kinh điển cốt lõi của Mật tông Phật giáo, và công trình này là một trong
những thành quả đáng kể nhất của ngài. Ngài xem giáo pháp này như là
phương pháp tu tập hiệu quả nhất để đạt đến giác ngộ, và đã kết hợp
những nền tảng của giáo lý này trong một số trước tác của mình.
Ngài bị bắt trong cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn vào năm 755, nhưng sau đó
được các lực lượng của triều đình giải cứu vào năm 757, rồi được vua
Đường Túc Tông đối xử rất cung kính. Khi ngài viên tịch vào năm 774,
triều đình ban lệnh cả nước phải để tang 3 ngày, và truy tặng rất nhiều
danh hiệu.
Theo sự ghi nhận của chính bản thân ngài, thì đã có 77 bộ kinh được ngài
phiên dịch, mặc dù con số được chính thức đưa vào Hán tạng với tên ngài
vượt xa hơn nhiều, hiện trong Đại Tạng Kinh (bản Đại Chánh tân tu) còn
giữ lại được đến 166 bộ ghi tên ngài.
Mật tông bắt đầu được truyền ở Trung Hoa bởi ngài Thiện Vô Úy và sau đó
là ngài Kim Cang Trí, nhưng với những đóng góp nổi bật của ngài Bất
Không, người ta đã xem ngài như vị tổ sư sáng lập tông này.
Chân ngôn tông vào thời ngài Bất Không phát triển mạnh, môn đồ rất đông,
nhưng được truyền nối có tám vị, mà nay chỉ biết được ba vị là Hàm
Quang, Huệ Lãng và Huệ Quả. Các vị Hàm Quang và Huệ Lãng không thấy ghi
chép môn đồ nối dòng. Chỉ có ngài Huệ Quả được chân truyền làm Tổ sư
tông này, truyền pháp lại cho các vị Nghĩa Minh, Nghĩa Viên, Huệ Nhật,
Huệ Ứng, Nghĩa Tháo. Ngoài ra còn có một đệ tử người Nhật là ngài Hoằng
Pháp, chính là người đã truyền Chân ngôn tông sang Nhật Bản vào thế kỷ
9.
Ngài Hoằng Pháp là người Nhật, tên là Kobo Daishi, hay Kkai, người Trung
Hoa gọi là Không Hải, cũng tôn xưng là Hoằng Pháp Đại sư.
Ngài sinh năm 774, xuất gia tu học trở thành một vị cao tăng rất được
Nhật hoàng kính trọng. Năm 804, ngài đi đường biển sang Trung Hoa cùng
một chiếc thuyền với ngài Truyền Giáo Đại sư. Khi đến kinh đô Trường An,
ngài tham học với vị tổ sư Chân ngôn tông ở Trung Hoa lúc bấy giờ là Huệ
Quả.
Năm 806, ngài trở về Nhật Bản và thành lập Chân ngôn tông, dựa trên giáo
lý chân truyền từ ngài Huệ Quả, và lấy hai bộ kinh Đại Nhật
(Mahvairocana Stra) và kinh Kim cang đảnh (Vajrẳekharastra) làm nền
tảng.
Hoằng Pháp Đại sư viên tịch vào năm 835. Tín đồ Chân ngôn tông tin chắc
rằng ngài không mất đi mà chỉ ngồi tịnh trong tháp thờ, chờ đến lúc Phật
Di-lặc đản sinh để cùng giáo hóa chúng sinh.
Chân ngôn tông ở Nhật Bản được Nhật hoàng ủng hộ và phát triển rất mạnh.
Đến nay, ở Nhật có khoảng 6.000 ngôi chùa thuộc tông này, với khoảng
7.700 vị tăng sĩ.