A. Ba giai đoạn thuyết pháp: Sau khi đức Phật thành đạo, ngài quán xét
căn cơ trí tuệ của chúng sinh và quyết định không thể mang những giáo
pháp cao siêu nhất ra giảng dạy, vì như thế sẽ không ai có thể lãnh hội
được. Thay vì vậy, việc thuyết pháp của ngài được chia thành ba giai
đoạn. Trước hết, ngài giảng dạy giáo pháp Tiểu thừa, hay Thanh văn thừa,
là những điều gần gũi và dễ tiếp nhận nhất đối với đa số chúng sinh. Sau
đó, ngài giảng dạy giáo pháp Trung thừa, hay Duyên giác thừa, là những
giáo lý thuộc tầng bậc cao hơn và mang lại những kết quả tu tập cũng cao
hơn. Cuối cùng, vào khoảng thời gian trước khi nhập Niết-bàn, ngài
thuyết giảng giáo pháp Đại thừa, phần giáo pháp rốt ráo nhất dẫn đến quả
vị Phật. Chỉ những ai có được niềm tin sâu vững và trí huệ sáng suốt mới
có thể tiếp nhận được phần giáo pháp này.
Về sau, các bậc tổ sư cũng giữ theo phương cách thuyết pháp chia thành
ba giai đoạn như trên, nhưng có sự linh hoạt là tùy theo căn cơ của đệ
tử chứ không phải phân chia theo thời gian như vào thời đức Phật. Đối
với những người căn cơ thấp kém, trí huệ nông cạn, các ngài chỉ dạy cho
tu tập giáo pháp Tiểu thừa. Đối với những ai có phần sáng suốt hơn,
các ngài dạy giáo pháp Trung thừa. Và chỉ với những ai có căn cơ nhạy
bén, trí huệ sáng suốt, các ngài mới mang giáo pháp Đại thừa ra truyền
dạy.
Nhìn từ góc độ của Pháp tướng tông thì sự phân biệt thuyết pháp như trên
là dựa theo ba mức độ nhìn nhận về thực tại. Ở mức độ thấp nhất (Tiểu
thừa), người ta thừa nhận thực tại là thật có (chấp hữu), và hướng sự tu
tập đến việc hoàn thiện những điều bất như ý trong thực tại đó. Ở mức độ
thứ hai, người ta nhận rằng bản chất của thực tại là hư ảo, là không
thật có (chấp vô), và hướng sự tu tập đến chỗ tách rời ra khỏi thực tại
không thật có để đạt được sự giải thoát cho riêng mình. Ở mức độ thứ ba,
mức độ cao nhất, người ta nhận ra rằng thực tại là chẳng phải có cũng
chẳng phải không (phi hữu phi vô), và hướng sự tu tập vào việc đạt đến
giải thoát bằng chính tự tâm, bởi vì khi tự tâm mê lầm thì thực tại là
thực có và đầy dẫy khổ đau, nhưng khi tự tâm sáng suốt thì không còn bị
trói buộc bởi thực tại mà có thể nhận ra được thật tánh của vạn pháp, từ
đó mà đạt được sự giải thoát tự tại. Giáo lý về phi hữu phi vô này chính
là con đường trung đạo của Pháp tướng tông.
Học thuyết trung đạo của Pháp tướng tông là “Duy thức”, nghĩa là chỉ duy
nhất “thức” là thật có mà thôi. Các pháp đều từ trong thức sinh khởi mà
thành. Học thuyết ấy cho rằng những gì ở trong thức sẽ biểu hiện ra
ngoài thành muôn hình vạn trạng, cho nên hết thảy đều là không thật.
Công năng của thức tạo ra tất cả. Nó hiển lộ thế giới vật chất cũng
tương tự như một máy chiếu phim tạo ra hình ảnh. Cho nên, hết thảy thế
giới đều chỉ là mộng ảo, cho đến ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc
giới cũng chỉ là những biểu hiện của thức mà thôi.
Giáo lý trung đạo thuộc tầng bậc cao, không phù hợp với những ai mới
bước chân vào tìm hiểu đạo Phật. Để lãnh hội được ý nghĩa chẳng phải có
chẳng phải không, người ta phải thấu hiểu sâu xa cả nghĩa có và nghĩa
không, rồi từ đó mới có thể nhận được rằng giáo lý này bao gồm trong nó
cả nghĩa không và nghĩa có. Nó viên dung, bao hàm tất cả chứ không phải
là một kiểu “nằm ở khoảng giữa” như rất nhiều người lầm tưởng.
B. Học thuyết Pháp tướng tông: Dựa theo ý nghĩa trung đạo của Duy thức
luận, Pháp tướng tông phân quy chiếu hết thảy mọi hiện tượng trong thế
giới vật chất và tinh thần về thành 100 pháp khác nhau (bách pháp), rồi
lại chia 100 pháp ấy ra thành 5 nhóm lớn là: tâm (8 pháp), tâm sở hữu
(51 pháp), sắc (11 pháp), tâm bất tương ưng hành (24 pháp) và vô vi (6
pháp). Cộng cả thảy là 100 pháp, bao gồm tất cả mọi hiện tượng trong thế
giới, gồm cả các pháp hữu vi và vô vi.
Trong 5 nhóm trên thì nhóm đầu tiên – tâm pháp – là quan trọng hơn hết.
Nhóm này gồm 8 pháp, chính là 8 thức của mỗi chúng sinh. Đó là: nhãn
thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na thức và
a-lại-da thức.
Theo thứ tự như trên mà gọi tên, nên ý thức cũng gọi là thức thứ sáu,
mạt-na thức là thức thứ bảy, và a-lại-da thức là thức thứ tám. Chính ba
thức cuối cùng này điều hành tất cả mọi hoạt động của chúng sinh. Ý thức
kiểm soát và điều hành cả 5 thức trước nó trong hiện tại. Mạt-na thức và
a-lại-da thức là những người chỉ huy đứng ở hậu trường. Đặc biệt,
a-lại-da thức có công năng ghi nhớ và chất chứa tất cả những hạt giống
thiện hay ác mà con người đã tạo ra trong đời sống, gọi là chủng tử, rồi
đến khi có đủ điều kiện thích hợp thì những chủng tử ấy sẽ sinh khởi
thành những sự việc tốt xấu của mỗi chúng sinh. Đó là nền tảng của lý
thuyết về nhân quả. Một chủng tử xấu sẽ sinh khởi tạo thành những điều
kiện xấu, và ngược lại, những chủng tử thiện sẽ tạo nên một đời sống tốt
đẹp cho chúng sinh.
Vì tất cả những gì xảy ra và được chúng ta nhận biết đều chỉ là sự sinh
khởi của những chủng tử chất chứa trong a-lại-da thức, nên xét theo ý
nghĩa này thì có thể nói rằng chính a-lại-da thức đã tạo ra tất cả, kiểm
soát tất cả. Pháp tướng tông cho rằng tất cả các pháp đều do nơi thức,
từ nơi thức mà sinh khởi, rồi vận hành trong thức và cũng diệt mất đi
trong thức ấy. Tuy là có 8 thức, nhưng chính lý thuyết về a-lại-da thức
mới là quan trọng nhất và bao gồm trong nó tất cả.
Theo chiều suy luận ngược lại, nếu 8 thức không nhận biết thế giới này,
không vận hành và sinh diệt trong cuộc đời này, thì thế giới này sẽ
không thể hiện hữu, tương tự như khi người điều khiển không cho máy
chiếu phim hoạt động thì không thể nhìn thấy các hình ảnh.
Dựa trên luận thuyết này, chúng ta sẽ hiểu được vì sao tất cả những điều
tốt đẹp, quý báu và đáng ưa muốn của thế gian như sự giàu sang, nhà cửa
to lớn, thức ăn ngon, vợ đẹp, con ngoan... lại chẳng có ý nghĩa gì cả
đối với những bậc xuất gia tu hành chân chánh. Bởi vì trong tâm thức của
các vị không có sự hiện hữu của những thứ ấy, cũng không có sự ham muốn,
ưa thích chúng, và vì thế mà chúng phải tự nhiên mất đi.
C. Sự giải thoát: Sự phân ra ba giai đoạn thuyết pháp hay ba mức độ giáo
hóa đều là nhằm có thể mang đến sự giải thoát cho tất cả chúng sinh. Từ
những người có căn cơ thấp kém, ngu độn nhất cho đến những bậc thông
minh xuất chúng đều không ra ngoài phạm vi giáo hóa của Ba thừa.
Đối với những người có căn cơ thấp – thường là chiếm phần đa số – thì
cuộc đời này vốn là thật có, những đau khổ mà họ phải nhận chịu trong
cuộc đời là không thể phủ nhận. Vì thế, họ học theo luận thuyết Pháp
tướng tông để được giải thoát khỏi chính những sự khổ đau cụ thể đó. Nhờ
học đạo, họ sẽ giảm bớt đi sự mê đắm, lầm lạc, vì hiểu được ý nghĩa
không thật của những giá trị vật chất vốn luôn thay đổi và cuối cùng đều
sẽ phải hoại mất. Từ đó, con người không còn đau khổ bởi những cảm xúc
bất bình vì trái ý, tiếc nuối vì mất mát, đau đớn vì chia ly... Bởi vì
họ hiểu ra được rằng tất cả những điều đó đều là không thể tránh khỏi,
đều là sự vận hành tự nhiên, và bản chất của chúng đều là không thật,
chỉ từ nơi các thức biến hiện ra. Khi hiểu được như vậy, người ta có thể
giải thoát khỏi rất nhiều nỗi khổ đau thường gặp trong cuộc đời này.
Đối với những người có phần trí tuệ cao hơn, sự giáo hóa không dừng lại
ở đó mà còn đi sâu vào quán xét tính chất không thật có của thế giới vật
chất. Ngay cả những hiện tượng thành, trụ, hoại, không của vật chất cũng
chỉ là những sự biểu hiện không thật, như những con sóng nổi lên trên
mặt biển.
Người ta không thể tìm thấy cái gọi là “con sóng” ở bên ngoài mặt biển.
Khi có gió bão, con sóng xuất hiện, mặt biển nhấp nhô; khi trời yên
tĩnh, con sóng biến mất, mặt biển phẳng lặng. Nhưng thật ra thì con sóng
chưa từng “có” mà cũng chưa từng “không”. Nếu nói sóng là có, vì sao khi
mặt biển yên ta không nhìn thấy sóng? Nếu nói sóng là không, vì sao khi
biển động lại thấy có sóng? Khi biển yên thì sóng đi về đâu? Khi biển
động thì sóng từ đâu mà đến? Suy xét ý nghĩa này, chúng ta sẽ nhận ra
được cái gọi là “con sóng” thật ra chỉ là sự biểu hiện kết hợp nhiều
điều kiện khác nhau: có mặt biển, có gió mạnh thì con sóng hiện ra. Khi
những điều kiện đó không còn nữa, con sóng cũng không còn.
Tất cả mọi hiện tượng trong thế giới này đều là như vậy. Khi có đủ các
nhân duyên hợp lại, một hiện tượng khởi lên, và chúng ta nói rằng nó
đang “có”. Khi các nhân duyên tan rã, hiện tượng ấy mất đi, và chúng ta
nói rằng nó là “không”. Thật ra, chỉ có sự kết hợp của các nhân duyên mà
không có bất cứ hiện tượng nào là thật có!
Khi hiểu được như vậy, người ta không còn mê đắm đối với mọi đối tượng
vật chất. Nhờ đó, người ta có thể sống một cách giản dị, thanh đạm,
không bị lôi cuốn theo sự tham muốn, và do đó không gây ra các ác
nghiệp.
Nhưng đối với những bậc thượng căn thượng trí thì cả hai cách nhìn nhận
có và không như trên đều chưa phải là rốt ráo. Khi nói rằng thế giới vật
chất này là có, thì rõ ràng chỉ là cách nhìn ở bề mặt mà thôi, vì không
thấy được tính chất giả hợp, thay đổi và tan rã đang diễn ra liên tục
trong thế giới ấy. Nhưng nếu bảo tất cả đều là không thì cũng không thỏa
đáng, vì sự hiện hữu của chúng ta là thật có, đang song song tồn tại
cùng với mọi hiện tượng giả hợp của thế giới. Vì thế, họ quay sang nhìn
nhận rằng sự tồn tại của thế giới vật chất và tinh thần chính là biểu
hiện từ sự tồn tại của thức. Khi nhận thức như vậy, người ta không còn
quan tâm đến việc thế giới này là có hay là không, vì chúng chẳng qua
chỉ là sự biểu hiện ra bên ngoài của các thức mà thôi.
Pháp tướng tông khi truyền sang Nhật Bản cũng tạo ra rất nhiều ảnh hưởng
tích cực trong đời sống của dân tộc này. Khi nhận biết rằng những giá
trị vật chất trong cuộc sống vốn là không thật, họ không rơi vào chỗ bi
quan yếm thế hay lười nhác, trốn tránh. Trái lại, họ vận dụng được nhận
thức này để rèn luyện sự kiên tâm và một nghị lực vững vàng trước mọi
biến động trong cuộc sống. Nhờ vậy, họ có thể chịu đựng được những cơn
động đất, bão tố, nạn đao binh... Trải qua thảm họa, họ thản nhiên xây
dựng lại cuộc sống; gặp những mất mát đau thương, họ mỉm cười chấp nhận
để nỗ lực vượt qua. Họ biết rằng không có gì là trường tồn. Những điều
tốt đẹp hay xấu xa, thảy đều sẽ qua đi với thời gian. Và nhờ đó, họ
không bao giờ đánh mất đi những nỗ lực vươn lên hoàn thiện cuộc sống. Họ
tin tưởng rằng, tuy mọi cái đều không thật, đều giả tạm, nhưng chính
phần tâm thức, nghị lực của mỗi con người là thật có.