Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Đường Không Biên Giới »» 8. Chuyện châu Âu: Paris, Pháp quốc »»

Đường Không Biên Giới
»» 8. Chuyện châu Âu: Paris, Pháp quốc

Donate

(Lượt xem: 3.816)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đường Không Biên Giới - 8. Chuyện châu Âu: Paris, Pháp quốc

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Có nhiều người hỏi tôi rằng: “Đường không biên giới bao giờ chấm dứt đây?”

Tôi cười và trả lời rằng: “Đã không biên giới thì làm sao chấm dứt được.”

Vì thế, hôm nay Đường Không Biên Giới vẫn tiếp tục đến với quý vị độc giả xa gần. Kỳ này không đề cập đến những vấn đề liên quan xứ Đức, mà sẽ nói đến Paris thuộc xứ Pháp.

Ôi! Paris muôn màu muôn vẻ, dưới mắt một người tu, tôi sẽ viết gì được cho quý vị đây!

Paris có dòng sông Seine hữu tình thơ mộng nằm kế bên những đại lộ trải dài với nhiều kỳ hoa dị thảo.

Paris có tháp Effel, có viện bảo tàng Louvres, có Vương cung Thánh Đường Notre Dame với gác chuông cao ngất trời xanh. Paris có nhiều thiên tài, nhiều văn nhân họa sĩ. Paris là trung tâm của Âu Châu, đường giao lưu của quốc tế. Tại Paris có nhiều người Việt Nam nhất Âu Châu. Paris cũng có rất nhiều người Việt Nam đã làm nên được danh phận.

Paris còn nhiều điều nữa, nói không thể hết, kể ra cũng không bao giờ cùng. Vì thế người Việt Nam của chúng ta đi đến Âu Châu để định cư rồi, điều trước tiên là phải đi Paris, còn những nơi khác tính sau. Như thế đủ biết Paris quyến rũ biết dường nào! Đến Paris để thấy mình được sống trong thế giới bao la với văn minh thế giới, nhưng cũng để tự thấy chính mình được sống tại Sài Gòn trong những thuở xa xưa. Paris có những con đường đẹp, những ngôi nhà nhỏ... Người Paris có cách ăn mặc giống hệt Sài Gòn, hay nói đúng hơn là Sài Gòn giống hệt Paris, vì Sài Gòn là một thành phố Paris nhỏ tại Á Châu. Người Nhật cũng thường hay gọi như thế.

Đến Paris để nhớ về Việt Nam. Đó có thể là lý do đầu tiên mà nhiều người Việt Nam tại Âu Châu đều thích đi Paris hơn bất cứ nơi nào khác như Áo, Ý, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha v.v...

Nếu ai chưa một lần đến Paris thì hãy đến để xem thử, và Paris cũng có sức quyến rũ diệu kỳ, nếu không vững tâm thì sẽ ở lại với Paris chứ không tài nào trở về quê hương cũ.

Riêng người viết bài này cũng đã nhiều lần đến Paris, nhưng mỗi lần lại thấy Paris thay hình đổi dạng. Paris lần đầu không giống Paris trong những lần sau, và Paris bây giờ hẳn không phải là Paris trong tương lai nữa, mặc dầu nhiều người đã sống, theo dõi, làm việc hay ngay cả chết cho Paris, nhưng Paris cũng lạnh lùng và kiêu sa như những cung phi được nhà vua chiều chuộng nhất.

Paris có nhiều cái hay, lắm cái đẹp, nhưng cũng có lắm cái phũ phàng, oái oăm, gay cấn. Vì lẽ trên thế gian này ở đâu cũng vậy. Có cái đẹp thì cũng không thiếu cái xấu, có người cao thượng cũng không thiếu những kẻ tầm thường. Vì thế ca dao Việt Nam mới có câu rằng:

“Ở đâu cũng có anh hùng,
Ở đâu cũng có kẻ khùng người điên.”

Là vậy đó. Paris dưới mắt một nhà văn, một nhà thơ, một kinh tế gia hay một chính tri gia lại khác. Paris dưới mắt một người tu lại càng khác hơn nữa. Hôm nay chúng tôi đưa quý vị về Paris không phải chỉ để nhìn ngắm những cảnh đẹp phù hoa, mộng ảo ấy, mà đối với một người tu sẽ đưa quý vị trở về nội tâm, với đời sống tâm linh nhiều hơn.

Paris có những nóc chuông giáo đường cao chót vót, nhưng cũng không thiếu những ngôi chùa Phật giáo làm nổi bật thêm trên bình diện tôn giáo và văn hóa của Paris. Đó là những ngôi chùa của người Pháp, Tây Tạng, Việt Nam, Nhật Bản, Tích Lan v.v... xây dựng lên trong những thế kỷ gần đây nhất, có ai một lần nào đó thả bộ vào trong rừng cây Vincine - giữa chốn phồn hoa đô hội của Paris, mọc lên một ngôi chùa thật vĩ đại mà có lẽ khách lãm du không bao giờ ngờ rằng mình đang đi vào một chốn thiên thai với ánh hào quang của chư Phật ấy. Trước cổng tam quan của chùa có các tượng đá tạc hình những tu sĩ Nhật Bản thuộc phái Thiền Tông đang hành đạo. Trong chùa ấy còn có một tượng Phật cao khoảng 6 mét. Chung quanh tượng được thếp một lớp vàng lá thật trang nghiêm mỹ lệ. Ngôi chùa này được gọi tên là chùa Quốc Tế Vincine, dưới sự bảo trợ của chính phủ Pháp và Hội Phật giáo Pháp. Ngày nay ngôi chùa được chăm sóc bởi chư Tăng Việt Nam tại Pháp - do Hòa thượng Thích Huyền Vi đảm nhiệm. Tất cả những chi tiết về chùa chiền Việt Nam tại Paris cũng như tại nước Pháp đã được đăng tải trong quyển “Lịch sử Phật giáo Việt Nam tại Hải Ngoại trước và sau 30/4/1975” xuất bản vào tháng 12 năm 1982, do chính chúng tôi biên soạn. Ở đó quý vị sẽ được nhìn tường tận hơn về cách thành lập, điều hành, sinh hoạt v.v... Trong khuôn khổ của bài này chỉ nói tổng quát hơn là chi tiết.

Một ngôi chùa khác thuộc vùng Bagneux. Đó là chùa Khánh Anh. Trước đây, chùa này được thành lập vào năm 1973 tại Arceuil, vùng nam Paris,nhưng đến năm 1977 chùa đã dời về địa điểm số 14 đường Henri Barusse thuộc Bagneux để thành một ngôi chùa vĩnh viễn cho đồng bào Phật tử tiện việc lui tới, lễ bái, nguyện cầu.

Từ trung tâm Paris đến chùa Khánh Anh không khó lắm. Quý vị có thể dùng xe hơi, xe bus hoặc xe điện v.v... một cách rất dễ dàng. Chùa có rất nhiều nét Việt Nam từ muôn thuở.

Đến Paris để thấy cảnh sinh hoạt ở Việt Nam thì nên đến khu Maubert hoặc khu Porte de Choisy, nơi có nhiều người Việt và người Hoa sinh sống nhất. Nhưng nếu muốn đến Paris để sống lại như những khung cảnh chùa tại Việt Nam thì phải đến những chùa Việt Nam tại Paris để sinh hoạt, thì mới đúng ý nghĩa của nó. Có nhiều người bảo rằng: “Tôi đạo Chúa thì đến đó để làm gì?” Nhưng quý vị hãy khoan nêu lên vấn đề đó. Cách đây khoảng một tuần, có 13 vị linh mục và nữ tu Việt Nam hiện ở Đức đã đến chùa Viên Giác tại Hannover để thăm viếng, trao đổi và đương nhiên là tìm hiểu để thông cảm nhau hơn nữa, để thắt chặt tình liên đới giữa hai tôn giáo lớn của Việt Nam. Sư Huynh Hà Đậu Đồng - người hiện đang ở Münster - trước đây có học chung với cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân ở Nhật - đã tặng cho chúng tôi 4 câu thơ đối của hai vị cùng làm, thật hay và đầy ý nghĩa. Đây những câu thơ ấy:

“Mái chùa nghiêng bóng Từ Bi,
Giáo đường mở rộng thành trì yêu thương.”

Câu trên là của Hòa thượng Thiên Ân, câu dưới là của Sư huynh Hà Đậu Đồng.

Và hai câu tiếp là:

“Công giáo, Phật giáo là đường,
Là nguồn công lý, là trường duy linh.”

Câu trên là của Sư huynh Hà Đậu Đồng, câu dưới là của Hòa thượng Thiên Ân.

Con người thực hiện sai đạo chứ đạo sẽ không bao giờ sai cả, vì:

“Đuốc sáng không soi giúp kẻ mờ,
Nước sông khó rửa sạch lòng nhơ.
Túi tham không đáy bao giờ đủ,
Tỉnh ngộ tu hành thoát giấc mơ.”

Quý vị linh mục và những vị nữ tu trao đổi nói chuyện thật là vui vẻ, cởi mở, thì tại sao những Phật tử và con chiên của Chúa lại không thể đứng gần nhau? Tôi đã làm lễ Phật ở nhà thờ Thiên Chúa Giáo hoặc Tin Lành, và cũng đã có nhiều vị linh mục cầu nguyện tại chùa là chuyện rất thường. Chúng ta nên bỏ những cái cực đoan mà trước đây thường hay gặp từ bên nhà, dầu đến từ bên nào cũng vậy.

Tại Paris có nhiều con chiên của đạo Thiên Chúa, nhưng đã đi chùa rất đều đặn, hơn cả những Phật tử không thuần thành, và ngược lại cũng thế, ở đây có nhiều người Phật tử Việt Nam, gần địa phương họ không có chùa, họ đã đi nhà thờ để niệm hồng danh Đức Phật. Đó là những tấm gương sáng để cho chúng ta noi theo. Khi một người Phật tử đã thuần thành, khi một con chiên đã ngoan đạo rồi, chúng ta thấy ít có sự cách biệt nào giữa những đấng Chí Tôn cả.

Nói như thế không có nghĩa là một lối truyền đạo để dụ dỗ đâu! Quý vị có Đạo nào cứ giữ nguyên Đạo đó để tin tưởng và phụng thờ, nhưng đi chùa thì cũng có thể đi, chứ Phật không bắt ép mà Chúa có lẽ cũng chẳng bảo mình làm điều đó.

Đến chùa Khánh Anh để thấy lòng mình được hòa đồng với mọi người, mọi giới. Ở đây có những người học cao hiểu rộng như bác sĩ, kỹ sư, học giả, dân biểu, nghị sĩ, sinh viên, trí thức... Nhưng chùa Khánh Anh hay bất cứ chùa nào trên thế giới, ngoài những thành phần trên ra còn có những người không tên không tuổi, ít ai biết đến nhưng suốt một đời họ đã phụng thờ lý tưởng, hy sinh thời giờ và tiền bạc để mong cho tâm hồn được hai chữ bình yên. Và giữa hai khung trời ấy không có một cách biệt nào, giữa người giàu với kẻ nghèo, giữa người trí thức với kẻ ít học bình dân. Đến đây mới thấy lời Phật dạy là đúng:

“Không có phân biệt giai cấp, tôn giáo trong máu người cùng đỏ và nước mắt người cùng mặn.”

Dẫu là da vàng, da đỏ, da đen, da trắng, nhưng máu ai cũng đỏ và nước mắt ai cũng mặn. Do đó, không thể vì bất cứ một lý do gì để phân chia tôn giáo và giai cấp trong những người cùng hoặc khác chủng tộc. Lời Phật dạy vẫn còn đó, chúng ta là những người Phật tử nên cố gắng làm theo.

Đi đến chùa không vì quyền cao chức trọng, không phải vì địa vị, tài cao, mà đi chùa là để hòa mình vào trong cuộc sống bình đẳng với mọi người, để thấy tâm mình và tâm của bằng hữu được hòa đồng. Có như thế, thế giới mới mong được hòa bình và nhân sinh mới được an lạc, bằng ngược lại dầu cho có gần Phật hay gần Chúa mà tâm mình không bình an, cứ lo những chuyện tranh đua danh lợi, địa vị tiền tài, thì suốt đời chúng ta vẫn còn xa Chúa với Phật.

Đến chùa để thấy nhiều thế hệ đang sống, làm việc, thực hành giáo lý của Đấng Từ Tôn một cách bình đẳng, người lớn tuổi cũng có, kẻ thiếu niên cũng có. Họ đã vui vẻ san sẻ những nỗi vui buồn trong cuộc sống tha hương, hầu chia sẻ niềm vui hay nỗi đắng cay của cuộc đời nhân thế. Sống ngoài xã hội (nói theo danh từ Phật giáo là cuộc sống thế tục) thấy bị lường gạt bao nhiêu, đau khổ bao nhiêu thì vào chùa để thấy lòng mình càng thanh thoát bấy nhiêu. Cũng có nhiều trường hợp vào chùa nghiệp còn hiện ra nhiều hơn nữa, nhưng “phiền não tức Bồ Đề” là châm ngôn của Phật tử cần thực hiện. Do đó chúng ta cần đi chùa, nên đi chùa, phải đi chùa là vậy đó. Đi chùa để rèn luyện tâm ta, thử với gió sương, với phong ba cùng tuế nguyệt. Đi chùa để học hỏi những hạnh lành, để được gần với những bậc thiện tri thức, với Đấng Chí Tôn.

Trong con người của chúng ta có hai phần: thiện và ác, hay nói đúng hơn là cao thượng và thấp hèn, yếu kém. Phần cao thượng được ví như chiếc áo trắng trinh nguyên, phần yếu kém của tâm hồn được ví như chiếc áo đã vấy màu dơ bẩn. Từ một chiếc áo dơ bẩn mà tẩy rửa để thành một chiếc áo trắng thật hết sức khó khăn, nhưng từ một chiếc áo trắng chúng ta có thể vô tình hay cố ý nhuộm bẩn đi một cách dễ dàng. Nếu nói theo tâm lý học Phật giáo thì phải bảo rằng, việc thiện cũng giống như một chiếc đèn treo trước gió và việc ác như luồng gió có thể quạt tắt chiếc đèn.

Nhiều lúc tâm ta muốn đi chùa hay đi nhà thờ, nhưng những âm thanh và sắc dục ngoài đời lôi cuốn làm ta thấy vui hơn, trong lòng ta tự bảo rằng thôi đi làm gì cho nhọc sức, đến đó cũng chẳng có gì lạ, khi nào cũng giống khi nào, tụng kinh, niệm Phật, rồi hồi hướng, dùng cơm chay, nghe thuyết pháp v.v... Thôi thì ở nhà vui hơn, hôm nay có chiếu phim Lý Tiểu Long hoặc đá banh, hoặc đua xe đạp, hoặc một vài hình ảnh nào đó hấp dẫn hơn. Thế là ta đã không làm chủ được mình rồi, để cho phần cao thượng bị đánh mất đi và phần yếu hèn của tâm lên ngự trị. Như thế biết đời nào chiếc áo dơ kia được tẩy cho thành trắng?

Vào chùa hay đi chùa có nhiều lợi thế, nên cố gắng đi chùa để lợi lạc cho chính mình hay ngay cả tha nhân. Đi chùa để cho lòng mình được hướng thượng, ví như hoa hướng dương nghiêng về hướng ánh sáng mặt trời và cũng để cho lòng khỏi chơi vơi với những cảnh phù hoa mộng ảo khác.

Gần 100 năm người Việt Nam hiện diện trên đất Pháp, nhưng chỉ có một ngôi đình trong rừng cây Vincine, lâu ngày không có ai trông nom nên đã mục gần hết. Những cánh cửa làm theo lối xưa cũng đã rệu rạo, nếu không tu bổ, chưa chắc gì ngôi đình này còn chịu nổi với gió sương.

Nếu không kể Paris ra, tại Préjus, trước đây chừng 70 năm, có một ngôi đình dùng làm chỗ thờ tự cho những người lính phục vụ cho Pháp và đã hy sinh cho nước Pháp. Ngày nay ngôi đình ấy đã biến thành chùa Hồng Hiên do Hòa Thượng Thích Tâm Châu trông nom (xin xem quyển Lịch sử Phật giáo Việt Nam tại Hải Ngoại trước và sau năm 1975, sách đã dẫn...)

Và chính từ năm 1975 đến bây giờ, nếu không có sự hiện diện của tôn giáo, thì ngày nay tại Paris, hay nói đúng hơn tại Pháp, sẽ chưa bao giờ có một cơ sở gì khác có tính cách cộng đồng cho người Việt tại đây lui tới, hàn huyên, tâm sự. Trường học cũng không, lăng miếu cũng không... Nguyên nhân chính có lẽ vì người mình chưa làm được chuyện chung với nhau, chứ chuyện riêng thì có nhiều người thành công lắm. Buồn hay vui, điều đó để lịch sử và con cháu đời sau nhìn lại bước chân của ông cha chúng để thẩm định.

Và cũng chính từ năm 1975 trở về sau này, nhờ sự lãnh đạo của các vị Cao Tăng, Đại Đức Việt Nam tại Pháp nói chung và tại Paris nói riêng, nên ngày nay riêng tại Paris đã thành lập được những ngôi chùa như chùa Khánh Anh, Chùa Quan Âm, chùa Hoa Nghiêm, chùa Linh Sơn, Chùa Tịnh Tâm, chùa Kỳ Viên v.v... là những nơi chốn của đồng bào Phật tử cũng như không Phật tử lui tới lễ bái, nguyện cầu. Nếu không có sự hiện diện của Phật giáo Việt Nam tại đất Pháp, chúng tôi đoan chắc rằng người Việt Nam chúng ta sẽ không bao giờ có một nơi nào tương xứng như thế cả. Bởi vậy nên chúng ta càng gìn giữ nó, bảo vệ nó như bảo vệ chính bản thân mình thì mới mong phát triển mạnh hơn được.

Cái gì không thuộc về ai hết người ta thường gọi là “của chùa”, nhưng cái không thuộc về ai đó mà không biết bảo vệ thì nó cũng ra “của chùa” thật. Vì chẳng ai có trách nhiệm về cái chùa chung đó. Vì thế cần phải có những bậc danh Tăng biết hy sinh cho Đời cũng như cho Đạo mới mong gánh vác được Đạo-Đời, và cũng chính vì thế mà tại Paris ngày nay mới có những cơ sở vững vàng của Phật giáo Việt Nam nói riêng và người Việt Nam tại Pháp nói chung vậy.

Tại chùa mỗi năm thường hay tổ chức những ngày lễ như Phật Đản, Vu Lan, Tết âm lịch, rằm tháng giêng, rằm tháng mười, Trung Thu v.v... Đó là cơ hội để người Việt trên đất Pháp, nhất là những người Phật tử có thể gặp gỡ, lễ bái, nguyện cầu và mỗi lần như vậy chùa thường không có đủ chỗ để dung chứa, nên phải thuê thêm những nơi công cộng để làm lễ và trình diễn văn nghệ.

Đó là những lễ lớn, còn những lễ nhỏ như cầu siêu, cầu an, đám cưới v.v... cũng hay tổ chức tại các chùa vào ngày chủ nhật hoặc những ngày lễ vía trong năm.

Tại Paris, ngoài những chùa tiêu biểu trên còn có những chùa nhỏ như Diệu Ấn Ni Viện, và ngoài ra một số Niệm Phật Đường cũng đã được mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu cho đồng bào Phật tử trong lúc hữu sự như quan, hôn, tang, tế v.v...

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì tại Paris trên dưới chỉ có khoảng 30 vị tăng sĩ Việt Nam và có hơn 100.000 Phật tử, nên công việc của chùa nào cũng khá bề bộn. Ví dụ như chùa Khánh Anh chẳng hạn, cứ mỗi chủ nhật có chừng 200 người tựu về làm lễ cầu siêu, phát tang, làm tuần thất v.v... nhiều lúc lên đến 20 đám trong một ngày. Chùa Quan Âm, chùa Linh Sơn, chùa Hoa Nghiêm có thể ít hơn một chút, nhưng cũng khá đông đảo.

Thường sau bữa ngọ trai có nhiều chùa thuyết pháp và tụng kinh Pháp Hoa, đến năm giờ chiều mới mãn. Ở Việt Nam ngày xưa thời trước năm 1930 ít có vấn đề thuyết pháp mà chuyên về lễ cúng, tụng kinh nhiều hơn.

Ngày nay tại Việt Nam cũng bị hạn chế khá nhiều, nhưng sau năm 1930 cho đến năm 1975, vấn đề thuyết pháp rất cần thiết cho đồng bào Phật tử, nhằm hiểu thêm về Đạo lý. Nối theo truyền thống đó, nên tại hải ngoại ngày nay hầu như chùa nào cũng có thuyết pháp để Phật tử thấm nhuần Đạo Giải Thoát của Đấng Chí Tôn.

Những buổi thuyết pháp thường chọn những để tài có tính cách Đại Chúng khiến ai nghe cũng có thể hiểu được, như: Cuộc đời Đức Phật, Tứ Diệu Đế, Lục Độ, Tứ Ân, Lục Hòa, ý nghĩa Kinh Di Đà, Kinh Phổ Môn. Hoặc cao hơn nữa là Kinh Pháp Hoa, Kinh Bát Đại Nhân Giác, Kinh Bát Nhã v.v... Vì trình độ của Phật tử khá khác biệt, nên chưa có chùa nào giảng Kinh Hoa Nghiêm và Duy Thức Học Phật giáo, nhưng chắc chắn trong những Tu Viện và Phật Học Viện, chư tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni có dạy phần này cho Tăng chúng.

Đó là phần lý thuyết, còn về phần thực hành thì thường hay dạy về nghi lễ như cách tụng niệm, cách lễ bái, cách thực tập chuông mõ, cách ngồi thiền, cách chào hỏi, cách lên chùa v.v... Nói chung về những oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi đối với một người Phật tử đều được chỉ bày tỉ mỉ đúng với giáo lý của Đức Phật.

Nghi lễ thì đơn giản không quá rườm rà. Ngày nay tất cả những chùa ở Paris như Khánh Anh, Linh Sơn, Tịnh Tâm đều theo nghi thức của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại quốc nội ấn định nên Phật tử chùa này qua chùa khác đều có thể tụng theo nhịp nhàng được. Chỉ có chùa Hoa Nghiêm và chùa Quan Âm là theo nghi xưa. Nghi xưa có nghĩa là những nghi thức chỉ chuyên tụng bằng âm Hán Việt, hầu như không có một bản văn chữ Việt nào thuần túy. Chữ Hán ở đây đã được dịch ra âm Hán Việt, nhưng những bản chữ Việt vẫn chưa đủ nghĩa, nên ngày nay nhiều chùa đã dùng quyển Nghi Thức Tụng Niệm để thay thế cho được thống nhất.

Có Phật tử cho rằng tụng kinh tiếng Việt không linh, hoặc giọng hơi khó tụng, nhưng thật ra linh hay không là do lòng chí thành của người Phật tử mà ra, không phải vì kinh chữ Hán hoặc chữ Việt mà có sự khác biệt đó.

Có nhiều chùa tại Paris đã tổ chức cho người Phật tử tại gia tu Bát Quan Trai. Tu Bát Quan Trai có nghĩa là thông thường người Phật tử tại gia chỉ giữ năm giới cấm, nhưng tu Bát Quan Trai, nghĩa là vào chùa tu một ngày một đêm (24 tiếng đồng hồ) học hạnh của người xuất gia và giữ tám giới, nghĩa là ngoài năm giới của người cư sĩ còn giữ thêm ba giới nữa, gọi là Bát Quan Trai Giới. Chương trình Tu Bát Quan Trai có thể thay đổi tùy theo từng chùa, nhưng tiêu biểu là như sau:

- Buổi chiều bắt đầu truyền và thọ giới Bát Quan Trai (khoảng 5 hoặc 6 giờ chiều),
- 7 giờ tiểu thực,
- 8 giờ tụng niệm,
- 9 giờ đến 11 giờ đọc sách, vấn đạo,
- 11 giờ đến 11 giờ 30 ngồi thiền, sau đó là chỉ tịnh.
- Đến sáng ngày hôm sau tất cả giới tử dậy lúc 4 giờ 30, ngồi thiền cho đến 5 giờ.
- Tụng kinh Lăng Nghiêm đến 6 giờ 30
- Từ 7 giờ đến 7 giờ 30 chấp tác,
- 8 giờ tiểu thực
- 9 giờ đến 11 giờ trưa học tập giáo lý,
- 12 giờ cúng ngọ và thọ trai,
- 1 giờ đến 2 giờ chỉ tịnh.
- Từ 2 giờ 30 đến 5 giờ là giờ học tập giáo lý,
- 6 giờ chiều xả giới.

Đó là lịch trình Tu Bát Quan Trai của những người Phật tử tại gia. Đời sống của người xuất gia không phải chỉ một ngày giữ tám giới như vậy, mà là suốt cả một cuộc đời, nếu người đó tiếp tục đường tu.

Không đơn giản như nhiều người lầm tưởng rằng: Những người tu hành không có chuyện gì làm và ngồi không ăn tiêu của tín thí. Những ai nói như vậy thì hãy vào chùa thực hành thử một ngày trong 36.000 ngày của một đời sống tu hành như thế nào rồi hãy phê bình và chỉ trích. Ở đời có nhiều điều nói được nhưng làm rất khó, ngược lại có nhiều điều rất dễ làm mà khó nói, nhưng lại ít người làm.

Riêng phần chư Tăng Ni ở những tu viện lớn như Linh Sơn, thường hay an cư cấm túc trong ba tháng hạ, từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy âm lịch, để sách tấn tu trì và vâng theo lời giáo huấn của đức Thế Tôn nghiêm trì giới luật. Những chùa khác vì ít tăng chúng mà công việc Phật sự lại nhiều nên thường tâm niệm an cư, hoặc đôi khi cũng không thể an cư được, phải đi lại nhiều nơi để thi hành Phật sự. Nhưng đối với một người tăng sĩ, ba tháng an cư gần như là ba tháng bắt buộc phải thực hành. Vì đó cũng là cơ hội để nuôi dưỡng thân tâm, thi hành Phật sự cho 9 tháng khác. Tuổi của một người tu theo Phật giáo được tính theo số lần thực hiện 3 tháng an cư kiết hạ này, gọi là tuổi hạ hay hạ lạp.

Một người tăng sĩ ngày xưa chỉ cần học kinh kệ bằng tiếng Việt và tiếng Hán là đủ, nhưng một người tăng sĩ ngày nay ở tại ngoại quốc không những chỉ học kinh điển, giáo lý bằng những ngôn ngữ trên thôi mà còn phải học hỏi những ngoại ngữ khác như Anh, Pháp, Đức v.v... về văn học cũng như chương trình giáo dục ngoài đời. Một người tăng sĩ học hai chương trình như vậy được gọi là nội điển và ngoại điển. Nội điển là học Kinh, Luật và Luận trong Tam Tạng Kinh Điển. Về việc học chương trình ngoại điển, vì quý vị Hòa thượng hoặc quý vị Thượng toạ thường chủ trương nếu học thêm kiến thức thế tục, tức là học việc đời, có thể làm người tăng sĩ dễ xao lãng việc Đạo. Theo quan niệm ngày xưa cũng có đúng phần nào, nhưng theo quan niệm tân học hiện thời, người tăng sĩ ngày nay cũng cần có những tri thức và bằng cấp thiết thực để độ đời. Đối với tăng sĩ Nhật Bản, nếu muốn làm trụ trì một ngôi chùa thì bằng cấp ít nhất phải có là Cử nhân Phật Học, trong khi đó giới tăng sĩ Việt Nam chưa đạt đến trình độ này. Nếu so sánh trường hợp của Nhật là 100% thì ở Việt Nam, theo thống kê trong nước, số tăng sĩ có bằng cấp như vậy chỉ chừng 10% đến 20% là cùng. Ở ngoại quốc ngày nay tương đối khá hơn, vì trước đó Giáo Hội có cho một số tăng sĩ Việt Nam sang Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật du học. Những vị này đã thành tài, đang phục vụ cho đồng bào Phật tử tại năm châu. Nếu kể tỷ số, có thể lên đến ít nhất là 80 phần trăm.

Đức Phật cũng dạy rằng: “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy sách.” Cho nên người tăng sĩ lại càng phải thực hành điều của mình học được nhiều hơn là để phô trương bằng cấp với người đời.

Công chuyện chùa đã khá bề bộn, nhưng việc học không được lãng xao là một vấn đề rất khó đối với người tu. Nhưng nếu quý thầy thực hiện được thì sẽ được nhiều tổ chức, nhiều Hội Đoàn Phật giáo trên thế giới cung thỉnh về trụ trì, lãnh đạo tinh thần v.v...

Ngày xưa có nhiều người tu, nhưng ngày nay ở ngoại quốc tìm người tu mỏi mắt cũng chẳng thấy đâu. Chùa Linh Sơn tại Paris cũng có đào tạo một số Tăng Ni mới xuất gia, nhưng một ít đã bị giữa đường gãy gánh, khó mà có thể tiếp tục lại được. Nếu người nào tiếp tục được mới đúng là Trưởng tử Như Lai, không hổ danh chút nào. Trước đây Việt Nam tuy khó tu nhưng cũng có điểm dễ hơn. Khó vì vật chất không đầy đủ, khiến người tăng sĩ rất cực khổ trong việc tu hành, thiếu trước hụt sau, nhưng dễ là vì có những bậc trưởng thượng luôn luôn chăm sóc dìu dắt, và bạn bè đồng tu luôn sách tấn bên nhau. Còn ngược lại ở ngoại quốc ngày nay trông thì rất dễ, nhưng mà cũng có điểm khó. Dễ vì ngày nay vật chất đầy đủ muốn cái gì cũng có thể có được. Muốn có sách vở để học tập, nghiên cứu, muốn có phương tiện để đi học v.v... việc đó không còn khó nữa, nhưng việc khó nhất là vì những phương tiện dễ dãi kia, nếu người tu không làm chủ được mình thì vật chất ấy sẽ làm chủ mình và đời sống tu hành của mình cũng sẽ bị lãng quên theo với thời gian và năm tháng. Thật đáng tiếc, đáng hổ thẹn biết bao!

Bởi thế, kinh Pháp Cú có dạy rằng: “Mùi thơm của các thứ hoa, dầu là hoa chiên đàn đi nữa... đều không thể bay ngược gió. Chỉ có hương đức hạnh của người chân chánh, dầu ngược gió vẫn bay khắp muôn phương.”

Đạo Phật Việt Nam ngày nay tại Pháp phát triển khá vững vàng hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng nhìn chung Phật giáo Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi những hình thức cổ điển để canh tân hóa Phật giáo nhằm đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt của đồng bào Phật tử. Vì sao như vậy? Một điều rất dễ hiểu và ai cũng phải nhìn nhận là người Phật tử Việt Nam lo cho người chết nhiều hơn là lúc còn sống. Mà Đạo Phật là Đạo cho lúc còn sống và ngay cả khi chết chứ không phải chỉ lo lúc chết thôi. Nếu đạo Phật chỉ lo cho người chết, không còn lo cho người sống thì đó không phải là Đạo Phật thực dụng trong đời sống hằng ngày của người Phật tử tại gia nữa.

Có nhiều người Phật tử Việt Nam suốt đời không bao giờ đi chùa, không bao giờ chịu tìm hiểu giáo lý kinh kệ, nhưng nếu trong nhà hữu sự thì thế nào cũng tìm cho được một vị thầy đến tụng kinh siêu độ.

Nếu chỉ chờ lúc chết mới tu và chỉ cần nhờ oai lực của một vị tăng sĩ nào đó tụng kinh để được siêu độ, thì chúng ta đâu có cần tu trong hiện tại cho mệt xác. Như thế, lẽ nào chỉ một bài kinh, một câu niệm Phật lại linh nghiệm đến thế ư? Đành rằng Phật giáo quan niệm rằng sự sinh và sự tử đều quan trọng như nhau, vì chết không phải là hết mà chết là bắt đầu một kiếp sống khác, nên phải nguyện cầu lúc chết, nhưng người chết kia trong lúc sống không làm gì lợi đời, lợi Đạo, chuyên làm chuyện ác thì dầu cho có một trăm thầy tụng kinh, một ngàn lần cúng giỗ, quyết rằng hương linh đó cũng sẽ không được vãng sanh. Vì lúc sống không lo tu hành, học hỏi giáo lý, sống đúng theo giáo lý của Đạo Phật, thì tất cả những việc làm cho họ sau khi chết chỉ là che mắt thế gian mà thôi. Nếu có chăng, người chết cũng chỉ được hưởng một phần nhỏ phước báo, nhưng như thế đã trễ quá rồi.

Ngày xưa chư vị Tổ Sư đã dạy rằng:

莫待老來方學道,
孤墳盡是少年人。

“Mạc đãi lão lai phương học đạo,
Cô phần tận thị thiếu niên nhân.”

Nghĩa là:

“Chớ đợi tuổi già mới học đạo,
Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh.”

Do đó chúng tôi mong rằng, lúc còn sống Phật tử chúng ta cần đi chùa nhiều hơn, làm phúc bố thí nhiều hơn nữa, thì lúc lâm chung mới nhẹ nhàng thanh thoát mà vãng sanh. Và nếu chính người Phật tử chúng ta không làm thì không ai có thể giúp chúng ta được điều đó cả.

Viết ra điều này là vì ngày nay chùa Việt Nam nào trên khắp năm châu cũng lo cho người chết nhiều hơn là kẻ sống, nên chúng tôi nêu vài ví dụ để chúng ta ý thức được việc đó, và mong rằng quý vị Phật tử nên đặt ngang hàng sự sống, tu học Phật Pháp cũng quan trọng như lúc chết phải cầu nguyện vãng sanh. Có như thế người Phật tử mới có cơ duyên tìm hiểu đạo nhiều hơn nữa. Chùa chiền Việt Nam tại ngoại quốc ngày nay phải mang một trách nhiệm nặng nề hơn, phải hiện đại hóa Phật giáo trên nhiều bình diện như văn hóa, xã hội, từ thiện như những tôn giáo khác tại Âu Châu đã và đương thực hành thì mới mong Phật giáo Việt Nam phát triển mạnh được.

Sự thật bao giờ cũng mất lòng. Nhưng nếu sợ mất lòng không nói lên sự thật, thì sự thật không còn là sự thật. Lỗi ấy do cả hai phía mà ra chứ không phải chỉ đơn phương bên người Phật tử. Có nhiều vị tăng sĩ Việt Nam chỉ chuyên về vấn đề tu hành mà quên đi phần hóa độ chúng sinh trên những bình diện khác như vừa nêu trên. Phật giáo Việt Nam ngày nay thiếu rất nhiều nhân sự trung kiên để thực hành việc truyền thông giáo lý ấy. Đành rằng việc lãnh đạo của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại không thiếu, nhưng rất rời rạc và thiếu tổ chức, cần phải củng cố nhiều hơn nữa.

Khắp cả năm châu ngày nay, quý vị tăng sĩ Việt Nam độ chừng 100 vị mà phải gánh vác 85 ngôi chùa và Niệm Phật Đường tại Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Úc. Nên có nhiều vị làm việc suốt ngày lẫn đêm nhưng công việc vẫn không xuể, và đương nhiên là người kế vị cũng không có. Sự thiếu thốn người thừa kế có nguyên do là vì đời sống trong hiện tại của người Phật tử tại gia bị vật chất và hoàn cảnh chi phối quá nhiều, không như ở Việt Nam trước đây, nên dù có người muốn xuất gia tu tập Phật pháp, nhưng không thể nào thực hành được. Vì đã bị cám dỗ, đã bị lôi kéo vào đời sống mới tại đây. Vì thế nên chúng tôi đề nghị rằng mỗi năm tại mỗi chùa nên tổ chức những khóa huấn luyện chừng 2 tuần đến một tháng cho những Phật tử nhiệt tâm với đạo theo học về những môn như nghi lễ, xã hội, văn hóa, giáo dục v.v... để đảm trách bớt những phần nhiệm của những vị Giáo phẩm đạo cao, đức trọng và có nhiều khả năng khác như phiên dịch, viết lách, ngoại giao, truyền đạo v.v... trở về làm nhiệm vụ của mình, thì Phật giáo mới mong có chiều tiến lên được.

Nếu cứ như thế này thì 30 hay 50 năm sau Phật giáo Việt Nam cũng vẫn sẽ giậm chân tại chỗ như trong hiện tại. Đành rằng trong tương lai gần Phật giáo Việt Nam sẽ có nhiều động sản và bất động sản có giá trị ở ngoại quốc, nhưng để làm gì? Bởi thế chư vị Tổ Sư ngày xưa mới dạy rằng: “Tạo Tăng khó, tạo tự không khó.” Có tăng sĩ đương nhiên sẽ có chùa, nhưng có chùa rồi chưa chắc gì đã có tăng sĩ để gieo hạt giống giác ngộ cho chúng sanh.

Cái khó khăn của Phật giáo Việt Nam trong hiện tại là thế, nhưng không và chưa thể nào thoát ra được. Trong khi đó thì Phật tử thờ ơ với niềm tin của mình và chờ cho vị tăng sĩ ấy có chuyện gì vui tai thì đem kể cho người này người kia nghe, rồi cười với nhau, hóa ra không ý thức được trách nhiệm giúp đời và hộ đạo của mình.

Mà trách nhiệm của người Phật tử tại gia cũng là trách nhiệm chung đối với ngôi nhà Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại, chứ không phải chỉ người xuất gia không mà thôi.

Chỉ nhìn những ngôi chùa Phật giáo của Trung Hoa tại San Fransico mà đau lòng. Trước đây nhân cuộc cách mạng Tân Hợi tại Trung Hoa, có một số người Hoa chạy sang tạm trú tại Hoa Kỳ. Đương nhiên, trong cuộc di tản ấy cũng có một số những vị tăng sĩ của Phật giáo đi theo. Điều đầu tiên khi đến đó là họ lập nên chùa chiền, tu viện, để cho có nơi chốn đồng bào Phật tử lui tới lễ bái, nguyện cầu, nhưng sau những năm tháng dài sống nơi đất khách quê người thế hệ của những vị Hòa Thượng, những Thượng Tọa lớn tuổi đã ra đi mà không đào tạo được một thế hệ tăng sĩ trẻ hậu lai nhằm tiếp nối con đường hoằng đạo ấy, nên những ngôi chùa của người Hoa ngày nay xem như bị đóng cửa và biến thành nhiều tiệm ăn, thấy rất ngỡ ngàng. Nếu là khách bàng quan có thể nở một nụ cười châm biếm, nhưng người Phật tử nhiệt tâm với Đạo hay những tăng sĩ luôn thao thức với tiền đồ của Đạo Pháp thì không thể không ngậm ngùi trước cảnh Đạo pháp suy vi! Thật uổng công phí sức biết chừng nào...

Ngày nay Phật giáo Việt Nam tại Pháp hay tại bất cứ nơi đâu cũng thế, chùa nào cũng hầu như chỉ có một thầy trụ trì, chúng điệu thì rất hiếm. Mọi trách nhiệm thầy trụ trì đều gánh vác cả. Nếu không may có chuyện gì xảy ra (ví dụ như thầy viên tịch hay hoàn tục chẳng hạn) thì ngôi chùa đó sẽ như thế nào, nếu không có người trông nom và tiếp tục sứ mệnh truyền bá Phật pháp. Đó là chưa kể những tài sản của chùa đó. Ngày nay Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tại ngoại quốc vẫn chưa có một quy chế nào rõ rệt về vấn đề này. Vì những tài sản là công lao của đồng bào Phật tử đóng góp, nhưng nếu Giáo hội không có một điều khoản quy định rõ ràng thì đương nhiên tất cả những chùa đó đều bị sung công vào chính quyền địa phương nếu không có người truyền thừa. Theo chỗ chúng tôi biết thì tất cả những ngôi chùa Việt Nam tại Pháp đều được mua lại và kiến tạo thành những ngôi chùa Việt Nam thuần túy. Trị giá mỗi ngôi chùa có thể trên 1.000.000 quan Pháp tiền mới. Tại nước Pháp, hiện tại chúng ta có tất cả là 8 ngôi chùa đã được điều kiện như trên, còn một số những ngôi chùa và Niệm Phật Đường khác còn thuê tạm nên không đặt thành vấn đề.

Lẽ ra vấn đề trên chúng tôi chỉ thỉnh ý riêng những bậc tôn túc trong Giáo Hội, nhưng vì muốn cho tất cả Phật tử cùng hiểu biết thêm về những khó khăn cũng như những hoàn cảnh chung quanh của Phật giáo, nên cần trình bày nơi đây để chúng ta cùng tiếp sức với nhau mà gánh vác việc Đạo. Vì chúng tôi quan niệm rằng việc Đạo là việc chung của người Phật tử tại gia cũng như những người tăng sĩ, cũng không riêng chỉ một vị nào hay một chùa nào. Dĩ nhiên chúng tôi nghĩ rằng, nêu ra như thế sẽ có một vài vị chống đối, nhưng đó là sự thật và tình trạng của tôn giáo Việt Nam trong hiện tại là như vậy đó. Chúng ta không nên chạy trốn sự thật. Trước sau gì chúng ta cũng phải đề cập đến, nên thà đề cập đến trước vẫn hay hơn là để trễ.

Người Việt Nam chúng ta hay có thói quen là khi chết mới tuyên dương công trạng và lúc chết thì mọi việc đều tốt hết. Còn khi sống thì chẳng thấy ai nói việc tốt của nhau bao giờ, mà chỉ thấy toàn chuyện chê bai, có phần đố kỵ. Vì thế chúng tôi đề nghị những phương pháp cụ thể như vậy để người Phật tử tại gia ý thức được trách nhiệm của mình và cúi xin các bậc Tôn Túc trong Giáo Hội từ bi hỷ thứ. Có như thế chúng ta mới có thể làm việc và phát triển được, nếu không chúng ta chỉ mang những cố chấp hẹp hòi thì không thể nào phát triển nhiều hơn được nữa.

Lẽ ra chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về những sự hình thành cũng như những sự sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam tại Marseille, Frejus, Nice v.v... nhưng vì chúng tôi đã viết trong quyển “Lịch sử Phật giáo Việt Nam Hải Ngoại trước và sau năm 1975” khá tỷ mỷ. Mong quý vị tìm đọc quyển ấy thì hiểu rõ ràng hơn.

Dầu sao đi nữa chúng ta cũng hãnh diện rằng: Nhờ có sự hiện diện của Phật giáo Việt Nam trên đất Pháp mà ngày nay người Phật tử Việt Nam tinh thần được sưởi ấm, ngôn ngữ được trau dồi, đạo đức và tôn giáo được thực hiện khai triển trên nhiều phương diện. Và chúng tôi cũng đoan chắc rằng: Nếu không có Phật giáo Việt Nam tại Pháp, thì chưa chắc người Việt Nam tại Pháp tạo dựng được một niềm tin, một nhịp cầu thông cảm như hiện nay.

Vì sao vậy? Điều đó cũng rất dễ hiểu, vì người Việt Nam chúng ta thực sự chưa biết đoàn kết, chưa ngồi lại với nhau làm việc chung, ngoại trừ Phật giáo hay các tôn giáo khác. Việt Nam không thiếu người tài giỏi, nhưng vì nhiều người giỏi quá nên không ai lãnh đạo được ai, dường như rắn không đầu, hay là nhiều đầu quá nên không ai dám nắm cả. Nhưng người Việt Nam chúng ta hay có khuynh hướng nghe lời người ngoại quốc, còn người bản xứ nói thì không tin hoặc thất hứa, nghi kỵ lẫn nhau. Đó là một cái khổ trong muôn ngàn cái khổ mà Phật giáo đã hiểu từ lâu, nhưng người thực hành lại chưa trung thực. Ví dụ như chúng ta hứa với người ngoại quốc, thường thường chúng ta đến đúng giờ hẹn, nhưng những lời hứa giữa người Việt Nam với nhau, chưa thấy họ đúng hẹn khi nào, ít nhất cũng trễ 5 đến 10 phút, nhiều khi lên cả tiếng đồng hồ.

Cho nên chúng tôi tạm kết luận rằng, khi nào người Việt Nam chưa biết tự trọng với nhau, thương yêu giúp đỡ nhau, hay giúp đỡ chính mình, thì sự đoàn kết với nhau để thực hiện những điều lợi ích cho dân tộc và Đạo Pháp vẫn chỉ là lời nói suông thôi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 26 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Đừng bận tâm chuyện vặt


Kinh Đại Bát Niết-bàn


Vào thiền

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.46.129 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...