Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Cái vô hạn trong lòng bàn tay »» Chương 2: Tồn tại và không tồn tại »»

Cái vô hạn trong lòng bàn tay
»» Chương 2: Tồn tại và không tồn tại

Donate

(Lượt xem: 14.015)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Cái vô hạn trong lòng bàn tay - Chương 2: Tồn tại và không tồn tại

Font chữ:


VŨ TRỤ CÓ HAY KHÔNG CÓ MỘT ĐIỂM KHỞI ĐẦU?

Khái niệm khởi đầu rõ ràng là mối quan tâm chính của tất cả các tôn giáo và của khoa học. Thuyết vụ nổ lớn - Big Bang, theo đó vũ trụ được sinh ra cách đây 15 tỷ năm, đổng thời với thời gian và không gian, là lý thuyết giải thích rõ ràng nhất vũ trụ quan sát được. Về phần mình, Phật Giáo lại đề cập đến vấn đề này một cách rất khác. Trên thực tế, Phật Giáo tự hỏi liệu có thực sự cần một điểm khởi đầu hay không và đặt ra câu hỏi về tính hiện thực về những gì được coi là tổn tại diễn ra sau đó. Big Bang của vật lý liệu có phải là vụ nỗ nguyên thủy, hay là điểm bắt đầu của một chu kỳ cụ thể trong một chuỗi không có điểm khởi đầu cũng chẳng có điểm kết thúc của một số không thể tính được của vũ trụ? Những khái niệm thông thường của chúng ta liệu có giúp chúng ta hiểu được khái niệm nguổn gốc, hay không có nguổn gốc? Khái niệm này phải chăng không phản ánh được xu hướng của chúng ta muốn vật chất hóa các hiện tượng, nghĩa là coi chúng như các "sự vật" có một hiện thực nội tại ?

Trịnh Xuân Thuận: Bây giờ chúng ta hãy đề cập đến sự hiểu biết về hiện thực. Trước hết, tôi muốn chúng ta nói về cái vô cùng lớn. Trong giới hạn hiểu biết của chúng ta hiện nay, lý thuyết mô tả tốt nhất nguồn gốc của vũ trụ là lý thuyết Big Bang. Người ta nghĩ rằng vũ trụ sinh ra cách đây khoảng 15 tỷ năm trong một vụ nổ cực nhanh từ một trạng thái vô cùng bé, nóng và đặc, đồng thời cũng cho ra đời cả không gian và thời gian. Kể từ đó, vũ trụ giãn nở và liên tục bị loãng ra và lạnh đi.

Người ta đã đi đến lý thuyết này sau khi, vào năm 1929, nhà thiên văn học người Mỹ Edwin Hubble quan sát thấy rằng phần lớn các thiên hà đều chạy ra xa Thiên hà của chúng ta, như thể nó đang mắc bệnh dịch hạch! Đặc biệt, khoảng cách giữa chúng với dãi Ngân hà của chúng ta càng lớn thì tốc độ rời xa càng nhanh: một thiên hà xa ở hơn 10 lần thì tốc độ chạy ra xa của nó cũng nhanh hơn 10 lần. Từ đó, người ta suy ra rằng tất cả các thiên hà đều mất chính xác một khoảng thời gian như nhau để đạt đến vị trí hiện nay của chúng. Chúng ta hãy hình dung các sự kiện được đảo ngược lại: khi đi theo quỹ đạo theo chiều ngược lại, tất cả các thiên hà sẽ gặp lại nhau ở một điểm của không gian và vào cùng một lúc. Từ đó nảy sinh ra ý tưởng về một vụ nổ lớn (Big Bang) xuất phát từ một trạng thái cực kỳ đặc, và sau đó là sự giãn nở liên tục của vũ trụ. Khái niệm về điểm khởi đầu đã được đưa vào khoa học như thế: trong một chừng mực nào đó, Big Bang đã thay thế quan niệm của tôn giáo về sự sáng thế.

Thuyết Big Bang đã gặp rất nhiều khó khăn để có thể đứng vững được. Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã xem ý tưởng về một vụ nổ đầu tiên là đúng đắn; linh mục phụ tá người Bỉ Georges Lemaitre đã từng nói về "nguyên tử nguyên thuỷ". Nhà vật lý học người Mỹ gốc Nga George Gamow đã tính rằng trong 300.000 năm đầu tiên, nhiệt độ và mật độ của Vũ trụ lớn tới mức cực hạn khiến cho không một cấu trúc hiện nay nào (thiên hà, sao, sự sống) có thể hình thành được và nó chỉ chứa các hạt cơ bản và ánh sáng. Theo Gamow, ánh sáng ban đầu nóng và có năng lượng cao này hiện nay vẫn còn đi tới chúng ta, nhưng đã bị lạnh đi đáng kể do năng lượng mà chúng phải tiêu hao trong 15 tỷ năm để đuổi kịp thiên hà của chúng ta đang bị cuốn theo sự giãn nở của vũ trụ.

Matthieu: Và người ta gọi đó là bức xạ hóa thạch?

Trịnh Xuân Thuận: Đó là nhiệt còn lại của ngọn lửa của "sáng thế”. Nhưng cho tới tận năm 1965, khi nó được phát hiện ra một cách tình cờ, thì vẫn chưa có ai cất công nghiên cứu bức xạ hóa thạch này. Sự chậm trễ này có hai lý do: thứ nhất, lý thuyết Big Bang làm cho các nhà vật lý thiên văn khó chịu vì nội hàm mang tính thần học của nó (năm 1951, Giáo hoàng Pie XII đã coi Big Bang đồng nhất với "fiat lux" của Kinh thánh).

Matthieu: Thật là buồn cười vì một người bạn Tây Tạng thông thái của tôi khi được tôi nói cho nghe về Big Bang đã thốt lên: "Vũ trụ thời gian và không gian bắt đầu trong một vụ nổ lớn, ex nihilo (từ hư vô), mà không có nguyên nhân? Nhưng điều này xem ra lại quay về thừa nhận sự tồn tại của một Đấng tạo hóa là nguyên nhân của chính mình!"

Trịnh Xuân Thuận: Lý do thứ hai của sự muộn mằn này là sự tồn tại của một lý thuyết vũ trụ lúc đó rất thịnh hành của ba nhà thiên văn học người Anh là Hemann Bondi, Thomas Gold và Fred Hoyle, một lý thuyết cho phép tránh được khái niệm sáng thế. Đó là thuyết "vũ trụ tĩnh" (Steady State) cho rằng vũ trụ không có điểm ban đầu cũng không có điểm kết thúc và nhìn chung nó không thay đổi trong không gian và thời gian.

Các quan sát đã nhanh chóng làm lý thuyết này lung lay. Đầu những năm 1960, đã chứng kiến sự phát hiện ra các quasar (các thiên thể nằm ở rìa vũ trụ và phát ra một nguồn năng lượng cực và trong một thể tích rất nhỏ gọn) và các thiên hà vô tuyến (tức là những thiên hà phát ra phần lớn năng lượng dưới dạng sóng vô tuyến). Thế nhưng số lượng các quasar và các thiên hà vô tuyến này đi,ờng như giảm xuống theo tuổi của vũ trụ. Một quá trình tiến hóa vậy hiển nhiên là mâu thuẫn với giả thuyết về một vũ trụ tĩnh. Nhưng đòn quyết định giáng vào lý thuyết này là sự phát hiện ra bức xạ hóa thạch vào năm 1965. Lý thuyết của Hoyle và các đồng nghiệp của ông thực tế đã loại bỏ khả năng về một điềm khởi đầu nóng và dày đặc và không thể giải thích được sự tồn tại của bức xạ tàn dư của nhiệt lượng nguyên thủy có mặt khắp nơi trong vũ trụ. Như vậy, lý thuyết Big Bang trở thành sự thể hiện mới của điểm khởi thủy của thế giới, vì chỉ có nó mới giải thích được các quan sát nhìn bề ngoài hết sức rời rạc như sự chạy ra xa nhau của các thiên hà, sự tồn tại của bức xạ hóa thạch và thành phần hóa học của các vì sao.

Matthieu: Lý thuyết này, mặc dù rất thuyết phục đối với những thứ có liên quan tới sự phát triển của vũ trụ, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề tính nhân quả của Big Bang. Theo Phật giáo, thời gian và không gian chỉ là những khái niệm gắn với sự tổng giác của chúng ta về thế giới các hiện tượng, chứ chúng không có tồn tại tự lập. Như vậy, không gì, kể cả điểm bắt đầu biếu kiến của thời gian và không gian đi nữa, có thể xuất hiện mà lại không có nguyên nhân và điều kiện. Nói cách khác, không gì có thể chuyển từ không tồn tại sang tồn tại và ngược lại. Như vậy, Big Bang chỉ là một phân đọan trong lòng một continuum không đầu không cuối.

Trịnh Xuân Thuận: Nghĩa là ông đã gợi đến vấn đề về những đã xảy ra "trước" Big Bang. Tôi đặt từ "trước” trong ngoặc kép nếu như thời gian xuất hiện cùng với Big Bang thì khái niệm này ông được xác định.

Matthieu: Ngay cả khi nó không được xác định thì nó cũng không thể xuất hiện mà không có nguyên nhân.

Trịnh Xuân Thuận: Khoa học liệu có giúp ích.úng ta quay ngược thời gian để trở lại thời điểm sáng thế không? Câu trả lời là không: Cho tới hiện nay, còn tồn tại một bức tường chắn đối với sự hiểu biết được gọi là bức tường Planck, tên một nhà vật lý học người Đức người đầu tiên quan tâm tới vấn đề này. Bức tường Planck xuất hiện vào thời điểm cực nhỏ: 10-43 giây, gọi là "thời gian Planck“. Con số này có nghĩa là đứng trước số 1 sau dấu phẩy có tới 43 con 0. Vũ trụ lúc đó nhỏ hơn nguyên tử hiđrô một triệu tỷ tỷ lần. Đường kính của nó lúc đó tương đương với chiều dài Planck, tức 10-33cm.

Matthieu: Tại sao kích thước đặc biệt này lại tạo thành một giới Hạn hay một điềm uốn? Những "giới hạn" như thế phải chăng có một giá trị tuyệt đối? Người ta có cảm giác như ở đây nói đến một “bức tường" bền vững có tồn tại tự thân.

Trịnh Xuân Thuận: Thời gian và chiều dài Planck không tạo thành các giới hạn nội tại, mà xuất hiện do sự thiếu hiểu biết của chúng ta. Cho tới nay, chúng ta vẫn chưa biết làm thế nào để thống nhất hai lý thuyết lớn của vật lý thế kỷ XX là cơ học lượng tử và thuyết tương đối. Cơ học lượng tử mô tả cái vô cùng bé và giải thích hành trạng của các nguyên tử và ánh sáng khi lực hấp dẫn không đóng vai trò chủ chốt. Thuyết tương đối mô tả cái vô cùng lớn và cho phép chúng ta hiểu được vũ trụ và các cấu trúc của nó ở thang vũ trụ khi hai lực hạt nhân và lực điện từ không đóng vai trò đáng kể. Và đây chính là điểm gây nhiều tranh luận. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa biết mô tả hành trạng của vật chất và của ánh sáng khi bốn lực cơ bản của Tự nhiên hoàn toàn bình đẳng với nhau - tình huống xảy ra ở thời gian Planck, tức 10-43 giây sau vụ nổ nguyên thủy

Matthieu: Tại sao ở đây lại phải có một sự khác biệt căn bản giữa bản chất cơ bản của thế giới vi mô và của thế giới vĩ mô; bởi vì cái thứ hai chỉ là sự mở rộng của cái thứ nhất? Đây chẳng qua chỉ là vấn đề quan điểm.

Trịnh Xuân Thuận: Đó chính là điều tôi đã nói. Bức tường Planck không phải là một giới hạn cơ bản của sự hiểu biết. Nó chỉ là dấu hiệu cho thấy sự bất lực của chúng ta trong việc dung hợp cơ học lượng tử và thuyết tương đối. Đằng sau bức tường Planck vẫn còn che giấu một hiện thực mà các nhà vật lý học chưa biết. Một số người cho rằng ở đó cặp không gian - thời gian, vốn gắn bó với nhau rất chặt chẽ trong thế giới của chúng ta, bị phá vỡ. Thời gian không còn tồn tại. Các khái niệm trước, bây giờ và sau này không còn ý nghĩa nữa. Bị tách khỏi người bạn đời thời gian, không gian chỉ còn là một thứ bọt lượng tử không hình dạng. Độ cong và tô pô của nó trở nên hỗn độn và chỉ có thể được mô tả bằng xác suất. Tất cả đều là ngẫu nhiên.

Một số nhà vật lý khác nghiên cứu lý thuyết siêu dây khẳng định bọt lượng tử không tồn tại. Theo lý thuyết này, các hạt cơ bản của vật chất là kết quả của dao động các "sợi dây" cực nhỏ, có kích thước cớ chiều dài Planck. Vì không gì có thể nhỏ hơn các siêu dây này nên vấn đề thăng giáng của không gian dưới chiều dài này không được đặt ra nữa. Lý thuyết này có vẽ mở ra một con đường đầy hứa hẹn cho phép thống nhất cơ học lượng tử và thuyết tương đối nhưng trên thực tế, nó vẫn còn đang bị bao bọc trong một bức màn toán học dày đặc và chưa được kiểm chứng bằng thực nghiệm.

Dù thế nào đi nữa, một trong những dạng chuyền động này trong bọt lượng tử có lẽ đã cho ra đời vũ trụ và cặp không gian - thời gian của vũ trụ cách đây khoảng 15 tỷ năm. Trước không thời gian này, người ta không thể nói rằng không gian đã trải qua bao nhiêu thời gian dưới một dạng này hay dạng khác, bởi vì đơn giản là thời gian còn chưa tồn tại. Một khoảng thời gian vô hạn có thể còn ẩn giấu tại phía sau bức tường Planck.

Matthieu: Khi nói về một không thời gian vô hạn, có phải ông muốn nói rằng "không có điểm bắt đầu” không?

Trịnh Xuân Thuận: Mọi giả thuyết đều có thể cả. Thời gian 10-43 giây chỉ là kết quả của phép ngoại suy từ những định luật vật lý của chúng ta từ thời điểm zê rô. Nhưng những định luật này sẽ mất chỗ dựa phía sau bức tường tri thức này. Như vậy, vật lý như chúng ta đã biết chỉ bắt đau từ 10-43 giây sau Big Bang . Các nhà vật lý cho chúng ta biết rằng vũ trụ được sinh ra từ chân không. Nhưng đó không phải là một chân không tĩnh lặng, hoàn toàn không có vật chất và hoạt động, như chúng ta vẫn nghĩ: chân không lượng tử chứa rất nhiều năng lượng, mặc dù ngay cả khi nó hoàn toàn không có vật chất. Không gian mà chúng ta nghĩ là trống rỗng luôn luôn có các trường năng lượng truyền qua và những trường năng lượng này có thể được mô tả dưới dạng các sóng .

Năng lượng của chân không nguyên thủy sau đó đẩy Vũ trụ vào một quá trình giãn nở cực nhanh mà các nhà vật lý thiên văn gọi là "sự lạm phát". Quá trình này kéo theo một sự gia tăng đến chóng mặt thể tích của Vũ trụ trong một khoảng thời gian cực ngấn. Từ khỏang 10-35 đến l0-32 giây sau Big Bang, từ kích thước nhỏ hơn một nguyên tử hiđro 10 triệu tỷ tỷ lần, Vũ trụ đã phình to theo kiểu hàm mũ đạt tới kích thước bằng một quá cam.

Cùng thời gian này, Vũ trụ bị lõang dần và lạnh đi đáng kể, điều này cho phép nó tăng dần độ phức tạp. Lịch sử Vũ trụ là quá trình thăng tiến dài lâu hướng tói sự phức tạp. Ban đầu, vũ trụ nóng hơn tất cả các loại hoả ngục mà nhà văn Dante người Ý đã tưởng tượng ra, khiến cho không một cấu trúc nào có thể hình thành được. Nhờ vũ trụ lạnh dần đi, nên các cấu trúc mới có thể xuất hiện. Năng lượng của chân không lại một lần nữa can thiệp vào: nó cho ra đời vật chất. Einstein đã cung cấp cho chúng ta chìa khóa của cơ chế này bằng công thức chắc chắn là nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa học: E = mc2. Một lượng năng lượng có thể được chuyển hóa thành một hạt vật chất (khối lượng m của nó bằng lượng năng lượng E chia cho bình phương của vận tốc ánh sáng c).

Các hạt cơ bản (như các quark và các electron chẳng hạn) xuất hiện từ chân không nguyên thủy và kết hợp với nhau tạo thành các nguyên tử, phân tử và cuối cùng là các vì sao. Các vì sao tập hợp với nhau tạo thành hàng trăm tỷ thiên hà, và hàng trăm tỷ thiên hà của vũ trụ quan sát được cụm lại với nhau dệt nên một tấm thảm khổng lỗ trong vũ trụ. Cái vô cùng nhỏ đã sinh ra cái vô cùng lớn. Trong ít nhất một trong số các thiên hà này, dải Ngân Hà của chúng ta, gần một ngôi sao có tên là Mặt Trời, trên hành tinh gọi là Trái Đất, các phân tử kết hợp với nhau tạo thành các chuỗi AND dẫn đến sự sống, ý thức và những con người có khả năng đặt ra những câu hỏi về thế giới xung quanh và về Vũ trụ đã sinh ra họ. Đấy là lịch sử rất ngắn gọn về Vũ trụ theo cách nhìn của một nhà vật lý thiên văn hiện nay. Còn Phật giáo có hay không một quan điểm về vũ trụ?

Matthieu: Theo quan niệm của Phật giáo, các hiện tượng không thực sự được "sinh ra” theo nghĩa chúng chuyển từ không tồn tại sang tồn tại. Chúng tồn tại theo "chân lý tương đối" của chúng ta, nhưng không có thực thể cuối cùng. Chân lý tương đối, hay ước lệ, tương ứng với kinh nghiệm thực tế của chúng ta về thế giới, theo cách thông thường mà chúng ta nhận thức nó, nghĩa là bằng cách gắn cho các sự vật một hiện thực khách quan. Theo Phật giáo, quan niệm này là sai lầm. Xét cho cùng, các hiện tượng không có tồn tại tự thân (đó là "chân lý tuyệt đối"). Trong trường hợp này, vấn đề Sáng thế là một vấn đề giả, hoặc chí ít là không được đặt ra bằng những lời lẽ gay gắt như trong trường hợp tạo ra từ ex nihilo một vũ trụ có tồn tại tự thân. Sáng thế trở thành một vấn đề khi người ta vật chất hóa các hiện tượng. Tuy nhiên, quan điểm này không loại trừ sự phát triển của thế giới các hiện tượng. Rõ ràng là không phải không tồn tại, nhưng nếu xem xét cách thức tồn tại của chúng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng không thể coi chúng như một tập hợp các thực thể độc lập tồn tại tự lập. Như vậy, các hiện tượng tồn tại theo cách của một giấc mơ, một ảo giác hay một ảo ảnh, vừa hiển hiện vừa không có tồn tại tự thân. Tất cả giống như những hình ảnh trong một chiếc gương, chúng xuất hiện một cách rõ ràng nhưng không phải là hiện thực. Triết gia lớn người Ấn Độ của thế kỉ II Nagarjuna tìm nói: "Các hiện tượng rút ra bản chất của mình từ sự phụ thuộc lẫn nhau, chứ tự bản thân chúng chẳng là gì cả". Quá trình phát triển của chúng không tùy tiện cũng không bị quyết định bởi một thế lực thần thánh nào, mà tuân theo các quy luật nhân - quả ở trong lòng một mối liên hệ tổng thể.

Như vậy vấn đề "nguồn gốc" dựa trên niềm tin vào hiện thực của các hiện tượng và của sự tồn tại thực của không gian và thời gian, trong khi dưới góc độ chân lý tuyệt đối, thì không có sáng thế cũng chẳng có không thời gian kéo dài, cũng như sự chấm dứt.

Nghịch lý này cho thấy rõ đặc tính hư ảo của thế giới các hiện tượng. Thế giới các hiện tượng có thể được biểu hiện bằng vô vàn cách bởi một lý do rất xác đáng rằng bản chất cuối cùng của nó là trống rỗng. Dưới góc độ chân lý tương đối của các vẻ bề ngoài, người ta cho rằng thế giới phụ thuộc (có điều kiện), vào "không có bắt đầu” (samsara), vì mỗi trạng thái nhất thiết phải do một trạng thái trước sinh ra. Vậy hãy nói cho tôi biết lý thuyết Big Bang có vẽ gì giống với sáng thế ex nihilo hay giống với biểu hiện của một tiềm năng? Liệu nó có thể được coi như một điểm bắt đầu thực sự, hay chẳng qua chỉ là một giai đoạn tiến hóa của Vũ trụ?

Trịnh Xuân Thuận: Như chúng ta đã nói, vật lý mà chúng biết không thể đứng vững được phía sau bức tường Planck. Như vậy, trước Big Bang hoàn toàn có thể có một thời gian vô hạn, hay đơn giản là không tồn tại thời gian. Hoặc thậm chí trong trường hợp Vũ trụ tuần hoàn, thì Big Bang cũng chỉ là một sự bắt đầu của một chu kỳ mới trong số vô hạn các chu kỳ. Trong cả hai trường hợp này, vấn đề tạo ra một vũ trụ ex nihilo xuất phát từ thời điểm zêrô sẽ không được đặt ra. Đây cũng là một cách để loại bỏ vấn đề Đấng sáng tạo. Nhưng tất cả những điều này vẫn chỉ là tư biện thuần túy chứ chưa dựa trên bất kỳ quan sát hay thực nghiệm nào.

Matthieu: Người ta có thể nhìn nhận Big Bang như sự xuất hiện của thế giới các hiện tượng nảy sinh từ một tiềm năng vô hạn nhưng không được biểu hiện ra, điều mà Phật giáo gọi một cách hình tượng là các "hạt không gian". Thuật ngữ này không phải để chỉ các thực thể cụ thể mà là một tiềm năng của "không gian", mà người ta có thể so sánh chân không của các nhà vật lý học, với điều kiện không được vật chất hóa chân không này. Nhưng ở đây không thể xảy ra tồn tại không có nguyên nhân. Vào thế kỷ VII, Shantidéva từng viết:

“Nếu tồn tại không ở thời gian của không tồn tại thì khi nào nó sẽ tồn tại ?

Vì không tồn tại sẽ không biến mất chừng nào tồn tại còn chưa sinh ra.

Và tồn tại không thể sinh ra chừng nào không tồn tại còn chưa biến mất.

Cũng vậy, tồn tại không thế chuyển sang không tồn tại, vì như thế cùng một sự vật tại có cả hai đặc tính này

Lý do theo đó "không gì" không thể trở thành "cái gì đó" là vì cái không gì này không thể tự biến đổì mà không từ bỏ trạng thái trống rỗng của mình, và nó càng không thể thực hiện được điều đó bằng cách rời bỏ trạng thái đó.

Trịnh Xuân Thuận: Vật lý nói rằng tiềm năng xuất hiện này là do năng lượng của chân không cung cấp.

Matthieu: Như vậy, đó có thể là quá trình cụ thể hóa biểu kiến của năng lượng này.

Trịnh Xuân Thuận: Vậy vấn đề đặt ra là: chân không này đã được tạo ra như thế nào? Liệu có một hư vô, rồi sau đó xảy ra một sự gián đoạn đột ngột và xuất hiện một chân không đầy năng lượng, cùng lúc với thời gian và không gian?

Matthieu: Một sự gián đoạn không có nguyên nhân xảy ra trong một cái gì đó không hề tồn tại ư? Đó là một cách bất đầu quả là kỳ lạ!

Big Bang hay một dạng "bắt đầu” hoàn toàn khác của một vũ trụ cụ thể không thể xảy ra mà không có những nguyên nhân và điều kiện. Điều này không có nghĩa là thế giới các hiện tượng phải có một nguyên nhân đầu tiên và duy nhất, nhưng nó không thể sinh ra từ hư vô được. Mặt khác, và đây mới chính là điểm cơ bản của Phật giáo, các hiện tượng và thời gian không thể "dừng" với tư cách là các thực thể khác nhau, bởi vì chúng không có một hiện thực tự thân nào. Khi chúng ta nói về một nguồn gốc, trí óc của chúng ta nghĩ ngay tới nguồn gốc của một "cái gì đó". Các khái niệm bắt đầu và kết thúc của vũ trụ thuộc về chân lý tương đối. Trên giác độ chân lý tuyệt đối chúng hoàn toàn vô nghĩa. Khi chúng ta nhìn thấy một đám cháy trong một bộ phim chẳng hạn, thì vấn đề biết ai đã thực sự châm lửa không được đặt ra. Chỉ có những người cực kỳ hoang dã không hề biết thế nào là một bộ phim thì mới muốn đổ nước lên màn ảnh để dập lửa. Tất cả các tôn giáo và triết học đều vấp phải vấn đề sáng thế này. Khoa học thoát khỏi nó bằng cách loại bỏ khái niệm Đấng sáng tạo mà nó chẳng cần đến, còn Phật giáo bằng cách loại bỏ chính khái niệm về sự bắt đầu.

Trịnh Xuân Thuận: Ông còn nhớ giai thoại nổi tiếng liên quan đến nhà toán học và vật lý học nổi tiếng của thế kỉ XVIII Piene Simon de Laplace không? Khi Laplace trao cuốn Luận về cơ học thiên thể cho Napoléon, vị hoàng đế này đã trách ông đã không hề nhắc tới Nhà kiến trúc vĩ đại dù chỉ một lần. Laplace đã đáp lại: "Tâu bệ hạ, thần không cần đến giả thiết này". Nhưng một câu hỏi vẫn còn đó: Tại sao lại có một vũ trụ? Tại sao lại có các định luật? Tại sao lại có Big Bang? Đó cũng là câu hỏi nổi tiếng của Leibniz: "Tại sao tại có cái gì đó chứ không phải tà chẳng có gì cả? Vì cái không gì cả đơn giản hơn và dễ hơn cái gì đó. Hơn nữa, giả thiết rằng các sự vật phải tồn tại thì cũng cần để người ta phải giải thích được tại sao chúng tại tồn tại như thế chứ không phải khác."

Matthieu: Có thể trả lời bằng câu nói nổi tiếng của Nagarịuna: "Bởi vì tất cả đều trống rỗng nên tất cả đều có thể tồn tại". Cuốn Bát nhã Ba la mật nêu rõ: "Khi xuất hiện các vật đều trống rỗng; vì trống rỗng nên chúng xuất hiện". Theo Phật giáo, sự trống rỗng không chỉ là bản chất cuối cùng của các hiện tượng, mà còn là tiềm năng cho phép các hiện tượng này triển khai đến vô cùng. Tôi xin đưa ra một hình ảnh đơn giản hóa: các lục địa, cây cối, rừng rú có được thể hiện ra vì không gian cho phép chúng triển khai. Nếu như trời là đá thì sẽ chẳng có gì lớn lao xảy ra. Tương tự, nếu như hiện thực là bất di bất dịch, là vĩnh cửu, và nếu các tính chất của hiện thực cũng như vậy thì sẽ không thể có một sự thay đổi nào dù là nhỏ nhất; các hiện tượng sẽ không thể xuất hiện. Chính bởi vì các sự vật không có tồn tại tự thân nên chúng có thể xuất hiện đến vô cùng. Khi hiểu rằng tất cả tự nó đều là chân không, chúng ta có thể hiểu rõ hơn quá trình vận động của chân lý tương đối hay chân lý mang tính quy ước. Quá trình này không phải là tùy tiện và các quy luật nhân quả dẫn tới một sự hài hòa về bản chất giữa nguyên nhân và kết quả. Đó chính là tính KHÔNG của Phật giáo. Không ở đây không phải là hư vô, mà là không có tồn tại vĩnh hằng và độc lập các hiện tượng.

Trịnh Xuân Thuận: Trên thực tế, nhiều người đồng nhất khái niệm không với hư vô, và vào thế kỉ XIX, người ta đã lên án Phật giáo là thuyết hư vô.

Matthieu: Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Có hai quan điểm rất cực đoan và sai lầm: thuyết hư vô và chủ nghĩa hiện thực duy vật. Chủ nghĩa hiện thực duy vật mà Phật giáo gọi là "chủ nghĩa vô cùng" là một quan điềm vật chất hóa cho rằng vật chất và các bộ phận cấu thành của nó là không thể thay đổì được. Mặt khác, khi Leibniz tự hỏi "tại sao có cái gì đó chứ không phải là không cái gì", thì câu hỏi của ông đã giả định rằng thực sự có cái gì đó. Như vậy, cần phải bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi về sự tồn tại của một hiện thực khách quan. Theo con đường trung dung của Phật giáo, thì không có cả không cái gì (thuyết hư vô) mà cũng chẳng có một cái gì đó (chủ nghĩa hiện thực duy vật). Người ta có thể hỏi lại Leibniz: "Tại sao lại không có gì, bởi vì các hiện tượng có thể xảy ra kia mà?". Bản chất của các hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau thể hiện ra bên ngoài nhưng lại không có sự tồn tại tự thân là một điều thách thức lẽ phải thông thường vì người ta không thể gọi nó là tồn tại hay không tồn tại. Trí tuệ có những giới hạn của nó và không thể bao quát bản chất của hiện thực bằng những khái niệm đơn thuần. Chỉ có hiểu biết trực tiếp vượt lên trên tư duy biện luận mói có thể tổng giác được bản chất của thế giới các hiện tượng theo kiểu không tranh biện, trong đó các khái niệm chủ thể và khách thể không còn có ý nghĩa nữa.

Trịnh Xuân Thuận: Chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề cơ bản này khi chúng ta bàn về những hệ quả triết học của cơ học lượng tử. Tôi đã trình bày cách nhìn nhận của khoa học về lịch sử của Vũ trụ, bây giờ ông có thể cho biết quan điểm của Đức Phật về Vũ trụ được không?

Matthieu: Vào thời kỳ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, Ấn Độ giáo đã đưa ra một cái nhìn huyền bí và mang tính biểu tượng về Vũ trụ. Khi Đức Phật đạt tói

Giác Ngộ vào năm 528 trước Công Nguyên, Ngài nhận thấy dưới ánh sáng của kinh nghiệm thiền định rằng thế giới này được đặc trưng bằng sự phụ thuộc lẫn nhau và rằng bản chất của thế giới là không có hiện thực tự lập và vĩnh viễn. Sự phụ thuộc lẫn nhau này dĩ nhiên bao hàm cả ý thức. Hiểu được điều này sẽ có những tác động sâu sắc đến quan niệm của chúng ta về tồn tại, về hạnh phúc và đau khổ. Coi mối tương tác thoáng qua của các hiện tượng là những thực thể vĩnh hằng chính là nguyên nhân dẫn đến niềm tin thâm căn cố đế của chúng ta vào khái niệm cái "tôi" và vào thực tế là các sự vật hiện tượng có những tính chất nội tại. Niềm tin bền chặt này đã biện minh cho vô số những thôi thúc đam mê và chối bỏ, vốn là nguồn gốc những khổ não của chúng ta. Chính vì thế đã tạo ra sự chênh lệch giữa cách thức mà các sự vật hiện ra trước mắt chúng ta và cách thức mà chúng tồn tại thực. Chẳng hạn, quan niệm về "cái tôi" chỉ là sự lệch lạc tức thời của trí óc. Nhưng nếu biết rằng các hiện tượng chỉ tồn tại thoáng qua và phụ thuộc lẫn nhau thì người ta sẽ không thể gắn bó với nó như thế nữa. Người ta sẽ được giải phóng khỏi sai lầm. Chính vì thế, tri thức là lực lượng giải phóng. Cái mà người ta gọi là "Niết bàn" không gì khác chính là rút kiệt những tư tưởng sai lầm, như trong Omement des soustras từng nói.

Trịnh Xuân Thuận: Khoa học thế kỉ XX cũng đã tìm ra khái niệm phụ thuộc lẫn nhau này. Nhưng tôi muốn quay lại câu hỏi lúc trước Phật giáo có mô tã sự hình thành của Vũ trụ chúng ta hay không?

Matthieu: Có, nhưng sự mô tả này không được trình bày như một giáo điều. Một số khía cạnh mô tả của nó hiện nay đã không còn đứng vững, nhưng chúng vẫn có một giá trị biểu trưng gắn liền với thực hành thiền định. Bên ngoài, chúng phù hợp với những ý tưởng của thời đại được Phật giáo tiếp nhận, nhưng lại không được chính Đức Phật giảng giải. Vũ trụ luận này không xem xét lại sự phân tích của Phật giáo về khái niệm "cái thực". Khái niệm hình thành của vũ trụ thuộc về chân lý tương đối, thuộc về lĩnh vực của các vẻ bề ngoài. Qua chân lý tương đối,

Phật giáo muốn nói đến các "hạt không gian", chúng không biểu đạt các vật, mà chỉ một tiềm năng bộc lộ bề ngoài. Sau đó, Phật giáo nói về sự thể hiện của "cái chân không đầy ắp" đó dưới dạng năm khí hay năng lượng - tiếng Phạn có nghĩa là prana. Cặc năng lượng này được thể hiện dưới dạng ánh sáng 5 màu được vật chất hóa dần dần thành 5 yếu tố - không khí, nước, đất, lửa và không gian. Sự kết hợp giữa chúng tạo ra một "thứ súp", một đại dương các yếu tố mà sự hòa trộn của chúng dưới tác động của năng lượng ban đầu sẽ làm nảy sinh ra bầu trời, các lục địa và các dãy núi, và cuối cùng là các sinh vật sống.

Đó chính là quá trình hình thành của một vũ trụ trong số vô hạn các vũ trụ tồn tại. Phật giáo không xét đến sự sáng thế đầu tiên, vì ý tường về một nguyên nhân duy nhất không thể đứng vững được.

Trịnh Xuân Thuận: Mặc dù sử dụng những ngôn ngữ đầy hình tượng, nhưng cách mô tả về sự bắt đầu của thế giới có những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên với những quan điểm hiện đại về sự ra đời của Vũ trụ. Chúng ta đều không quan niệm thế giới như kết quả của tình yêu và lòng hận thù của các vị thánh thần. Tôi thấy đặc biệt thích thú về sự tương tự của khái niệm "chân không đầy ắp” trong khoa học và trong Phật giáo.

Matthieu: Đúng là chúng có những nét tương đồng, nhưng phải chú ý: giữa chúng có một sự khác biệt lớn. Khoa học nói về một vũ trụ khách thể. Còn theo Phật giáo, như chúng ta sẽ thấy, vũ trụ không độc lập với ý thức, nhưng không vì thế mà chúng tôi rơi vào chủ nghĩa duy tâm (theo đó thế giới chỉ là sự phóng chiếu của ý thức) chúng tôi cho rằng chủ thể và khách thể quy định lẫn nhau. Trên bình diện mô tả, Phật giáo xét tới một vũ trụ có tính tuần hoàn (nhưng không theo vòng tròn lập đi lặp lại như vũ trụ của những kẻ khắc kỷ). Một chu kỳ cụ thể gồm 4 giai đoạn tương ứng với sự hình thành, tiếp diễn, phá hủy và trạng thái "không được thể hiện” (chân không trung gian giữa hai vũ trụ). Các hạt không gian đảm bảo sự liên tục từ vũ trụ này sang vũ trụ khác. Sự nối tiếp của các chu kỳ không có bắt đầu và cũng không có kết thúc.

Trịnh Xuân Thuận: Quan điểm này liệu có gợi cho ta về Ấn Độ giáo cho rằng vũ trụ "hít thở “, chuyển động giãn nở tương ứng với thở ra và chuyển động co lại tương ứng với hít vào?

Matthieu: Hình ảnh này rất nên thơ, nhưng một số trường phái Ấn Độ giáo cho rằng ngoài vũ trụ tuần hoàn, còn có một hoặc nhiều thực thể không thay đổi và có khả năng sáng tạo, điều mà theo Phật giáo là vô ích và phi logic.

Trịnh Xuân Thuận: Quan niệm về vũ trụ tuần hoàn cũng xuất hiện trong vũ trụ học hiện đại. Nếu như vũ trụ của chúng ta chứa đủ vật chất thì, vào một thời điểm nhất định, lực hấp dẫn của vật chất này sẽ có thể làm dừng quá trình giãn nở và đảo ngược chuyển động ra xa nhau của các thiên hà. Như thế, chúng ta sẽ có một Big Bang theo chiều ngược lại, tức là một Vụ Co lớn (Big Crunch). Dưới một nhiệt độ cực cao, các ngôi sao sẽ bị bốc hơi và vật chất sẽ phân rã thành các hạt cơ bản. Vũ trụ sẽ kết thúc sự tồn tại của mình trong sự chiến thắng chói ngời của ánh sáng, trong một trạng thái vô cùng nhỏ nóng và đặc. Thời gian và không gian sẽ lại mất hết ý nghĩa. Một vũ trụ tự suy sập như thế liệu có thể tái sinh từ đống tro tàn của chính mình, như con chim phơợng hoàng, để bắt đầu một chu kỳ mới, và có thể, với những định luật vật lý mới? Không ai biết điều đó, vì như chúng ta đã nói ở trên, vật lý hiện nay sẽ không còn đứng vững ở thời gian Planck khi nó tiếp cận với các nhiệt độ và mật độ cực cao.

Matthieu: Theo quan điểm của Phật giáo, sự kết thúc của một chu kỳ được thể hiện ra ngoài bằng một sự bùng nổ cuối cùng (người ta nói đến bảy lò lửa liên tiếp, ngày càng nóng hơn, thiêu hủy vũ trụ hữu hình), sau đó là sự tiêu tan của vũ trụ vào chân không, rồi từ chân không đó một chu kỳ mới lại xuất hiện.

Trịnh Xuân Thuận: Theo vũ trụ học hiện đại, nếu vũ trụ xuất phát lại trong một chu kỳ mới, các chu kỳ sẽ nối tiếp nhau, nhưng sẽ không giống nhau. Vũ trụ sẽ tích tụ ngày càng nhiều năng lượng hơn, điều này có thể làm cho chu kỳ sau dài hơn chu kỳ trước và kích thước cực đại của vũ trụ sẽ ngày càng lớn hơn. Điều này giống quan niệm về một vũ trụ tuần hoàn, không lặp đi lặp lại mà ông đã nói. Nhưng nếu Vũ trụ chúng ta không chứa đủ vật chất để lực hấp dẫn chặn được quá trình giãn nở của nó, thì vũ trụ sẽ bị lõang dần ra cho tới khi kết thúc thời gian và do đó sẽ không còn là tuần hoàn nữa. Lúc đầu, các vì sao sẽ tiêu thụ hết nhiên liệu hạt nhân của mình và sẽ tắt. Chúng sẽ không còn chiếu sáng bầu trời được nữa. Thế giới sẽ chìm vào một đêm đen dài và lạnh giá, nhiệt sẽ tiêu tán dần, nhiệt độ tiến dần tới không độ tuyệt đối, nhưng không bao giờ đạt đến nhiệt độ đó. Vì không có đủ năng lượng để duy trì, sự sống như chúng ta đã biết sẽ không thể tồn tại được nữa. Trong một tương lai rất xa, vũ trụ sẽ chỉ còn là một đại dương bao la của bức xạ và các hạt cơ bản. Nhà vật lý học người Mỹ gốc Anh Freeman Dyson đã cho rằng khi đó các đám mây electron và phản electron dày đặc có thể sẽ trở thành tiền đề vật chất cho một dạng ý thức. Theo những thông tin mới nhất, cần phải có một lượng vật chất lớn gấp 5 lần so với lượng vật chất mà hiện nay chúng ta biết mới có thể làm đảo ngược được chuyển động giãn nở của Vũ trụ. Nhưng việc thống kê toàn bộ vật chất trong Vũ trụ không phải là việc dễ, vì có rất nhiều "vật chất tối" (chiếm khoảng 90% hoặc hơn nữa) không phát ra bất kỳ bức xạ nào và chỉ thể hiện thông qua tác động hấp dẫn của nó đối với môi trường xung quanh. Mà không có ánh sáng thì nhà thiên văn chẳng khác gì... một người mò mẫm trong bóng tối.

Một số quan sát mới đây về các sao siêu mới (những vụ nổ của các ngôi sao) trong các thiên hà xa xôi dường như chứng tỏ rằng sự giãn nở của Vũ trụ, thay vì giảm tốc (điều này xảy ra nếu chỉ có lực hấp dẫn có tác động) lại tăng tốc, điều này đòi hỏi trong Vũ trụ còn phải có một lực "phản hấp dẫn" nữa. Nếu kết luận này là đúng thì Vũ trụ sẽ mãi mãi giãn nở, trừ phi có một Big Bang mới xảy ra nhưng theo một cách khác, chứ không phải là một Big Crunch. Nhưng cho tới nay, chúng ta vẫn còn biết rất ít về tính chất của các sao siêu mới ở xa, nên hiện thời, kết luận này vẫn gây nhiều tranh cãi.

Matthieu: Không chỉ riêng vũ trụ vật chất được coi là một dãy liên tiếp nhưng biến thái không có điểm bắt đầu. Mà ngay cả ý thức cũng không có điểm bắt đầu. Theo Phật giáo, hai mặt vật chất/ý thức là một giả đề vì cả vật chất lẫn ý thức đều không có tính hiện thực độc lập. Vấn đề không tồn tại nguồn gốc đầu tiên của các hiện tượng và ý thức xuất phát từ cái mà Phật giáo gọi là "không thể nhận thức được", điều này không phải là nói tới sự không hiểu biết câm lặng và cam chịu trước một điều huyền bí vượt qua khả năng nhận thức của chúng ta, mà là nói tới cái không thể được hiểu bằng các khái niệm thông thường của chúng ta. Khái niệm điểm khởi đầu là "không thể nhận thức được" không phải là vì sự cách xa trong thời gian hay trong không gian, mà là vì trí tinh thần của khái niệm đó thuộc về sự hiện hình của nguyên nhân lại được ló ra từ đó và quay lại nuôi dưỡng nó. Như vậy, nó không thể tự đứng "bên ngoài" chuỗi nhân quả để xác định nguồn gốc của chính nó được.

Trịnh Xuân Thuận: Điều này nghe cũng khá lạ lùng như định lý về tính không đầy đủ của Godel vậy. Theo định lý này thì không thể chứng minh được rằng một hệ thống là phi mâu thuẫn khi ta vẫn ở bên trong hệ thống ấy. Để chứng minh, cần phải ra khỏi hệ thống đó. Trong mọi trường hợp thì hiện nay khoa học vẫn chưa thể nói được gì về sự tồn tại song song từ bấy lâu của ý thức và vật chất.

Matthieu: Đặc tính không thể nhận thức được này gắn liền với bản chất cuối cùng của các hiện tượng, đó là sự trống rỗng hay sự phụ thuộc lẫn nhau. Đặc tính này xóa đi ảo tưởng "vật chất hóa” vốn khiến chúng ta cảm nhận những hiện tượng này như những thực thể tự tại. Vì ở bên ngoài mọi khái niệm, nên bản chất cuối cùng này có thể được coi là không nhận thức được mà vẫn không đồng nghĩa với vô minh. Ngược lại, loại tri thức trực tiếp này, không mang tính tranh biện và vượt lên trên các khái niệm, chính là một đặc tính của Giác ngộ.

Theo một số giáo lý của Phật giáo (tantras) cung cấp cách phân tích biểu hiện của các hiện tượng ở cấp độ suy niệm sâu kín hơn, thì bản chất nguyên thủy của các hiện tượng này là ở bên kia khái niệm chủ thể và khách thể, thời gian và không gian. Tuy nhiên, khi thế giới các hiện tượng ló ra từ bản chất nguyên thủy, thì trí óc sẽ không còn nhận thức được sự thống nhất này nữa và nó xác lập một sự phân biệt giả tạo giữa ý thức và thế giới. Sau đó, nó củng cố sự phân chia này giữa bản ngã và phi bản ngã và thế là sinh ra thế giới vô minh, gọi là luân hồi (samsara). Sự ra đời của luân hỏi không phải bắt nguồn từ một thời kỳ cụ thể nào, mà là phản ánh, tại mỗi thời điểm và mỗi ý nghĩ của chúng ta, sự thể hiện của vô minh muốn vật chất hóa thế giới.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 24 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Gõ cửa thiền


Chuyện Phật đời xưa


Phật giáo và Con người


Bức Thành Biên Giới

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.28.213 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...