Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Cái vô hạn trong lòng bàn tay »» Chương 17: Những phản chiếu trong gương »»

Cái vô hạn trong lòng bàn tay
»» Chương 17: Những phản chiếu trong gương

Donate

(Lượt xem: 5.660)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Cái vô hạn trong lòng bàn tay - Chương 17: Những phản chiếu trong gương

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

NGƯỜI QUAN SÁT VÀ THẾ GIỚI

Những định kiến siêu hình ảnh hưởng đến nhãn quan của nhà khoa học tới mức độ nào? Có thực sự nắm bắt được cái "hiện thực" không? Mọi quan sát đều tất yếu dẫn đến ý thức, và ý thức giải thích nó theo cách riêng của mình. Trong những điều kiện đó, liệu có thể có một hiểu biết tuyệt đối hay không ?

Trịnh Xuân Thuận: Chúng ta đã nói rằng cái phân biệt khoa học tự nhiên với khoa học chiêm nghiệm đó là trong khoa học tự nhiên, cái nhìn của người quan sát hướng ra bên ngoài, còn trong khoa học chiêm nghiệm, ý thức tự quan sát chính nó hoặc phân tích hiện thực của các hiện tượng bằng một quá trình bên trong. Nhưng sự định hướng như thế không có nghĩa là làm cho các khoa học tự nhiên trở nên "khách quan" hơn khoa học chiêm nghiệm. Cần phân thừa nhận rằng trong các khoa học tự nhiên cũng có một phần lớn mang tính chủ quan. Với vai trò là sinh vật biết tư duy, nhà khoa học không thể quan sát Tự nhiên một cách hoàn toàn khách quan. Einstein từng nói: "Các khái niệm vật lý là những sáng tạo tự do của trí tuệ con người, ngay cả khi chúng có vẻ như được quyết định chỉ bởi thế giới bên ngoài. Những cố gắng của chúng ta nhằm nắm bắt hiện thực cũng tựa như những nỗ lực của người tìm cách hiểu cơ chế hoạt động của một chiếc đồng hồ kín mít. Anh ta chỉ nhìn thấy mặt đồng hồ và các kim chuyển động, thậm chí còn nghe thấy cả tiếng tích tắc, nhưng anh ta không có cách nào để tháo vỏ đồng hồ ra. Nếu đủ thông minh, anh ta sẽ tạo ra hình ảnh của một cơ cấu đã gây ra tất cả những gì anh ta quan sát được, nhưng anh ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng hình ảnh mà anh ta tạo ra là duy nhất có thể giải thích được những quan sát của mình. Anh ta sẽ không bao giờ có thể so sánh được mô hình của mình với cơ cấu thực, và thậm chí cũng không thể hình dung ra được liệu sự so sánh này có một ý nghĩa nào không".

Khi nhiều lý thuyết cùng được chấp nhận nhưng lại không tương thích với nhau được đưa ra để giải thích cùng một hiện tượng, thì sự lựa chọn giữa các lý thuyết này thường là bắt nguồn từ những sở thích siêu hình.

Chẳng hạn, do quá gắn kết với hiện thực luận, nên Einstein đã không bao giờ chấp nhận sự mô tả mang tính xác suất của hiện thực các nguyên tử và dưới nguyên tử của cơ học lượng tử. ông đã dành nhiều năm để cố tìm ra những khiếm khuyết trong cơ học lượng tử nhưng không bao giờ tìm được. Điều này đã khiến ông xa rời dần vật lý hạt và thể hiện sự quan tâm rất mức độ đối với những phát hiện vĩ đại tạo ra bước ngoặt trong lĩnh vực này vào những năm 1950.

Matthieu: Các lý thuyết khoa học thường bị ảnh hưởng bởi các lựa chọn siêu hình hơn là người ta tưởng. Nhà khoa học phương Tây thường có xu hướng giã định một cách tiên nghiệm rằng có tồn tại một hiện thực tuần túy và vững chắc đằng sau bức màn các vẻ bề ngoài và cố tìm một nguyên nhân đầu tiên cho vũ trụ. Còn nhà nghiên cứu đắm mình trong một nền văn hóa phương Đông thì lại dễ dàng đặt lại vấn đề về tính bền vững của hiện thực. Anh ta sẽ cởi mở hơn đối với quan niệm về sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng trong một thế giới không có điểm bắt đầu thực sự. Vì lớn lên trong một môi trường văn hóa cụ thể nên nhà khoa học có một lối tư duy đặc thù định ra cái khuôn khổ siêu hình mà trong đó anh ta sẽ xây dựng các lý thuyết của mình.

Alan Wallace, triết gia về các khoa học và là dịch giả của nhiều kinh sách Phật giáo, nhận xét: "Trước các lý thuyết rời rạc cùng giải thích một tập hợp các dữ liệu thực nghiệm và cùng dẫn đến những tiên đoán giống nhau, nhà khoa học có nguy cơ chán nản và chuyển sang nghiên cứu thứ khác. Anh ta cũng có thể đặt ra giả thiết rằng một và chỉ một trong các lý thuyết này (hoặc phái xây dựng một lý thuyết khác) là mô tả được hiện thực vật lý [...]. Niềm tin vào một hiện thực vật lý rốt cục có thể sẽ được biểu diễn bằng một và chỉ một lý thuyết cũng thuộc vào cái giả thiết siêu hình hiện đang được rất nhiều nhà khoa học bảo vệ [...]. Nếu việc gặp gỡ trong vật lý các lý thuyết không tương thích về cùng các hiện tượng không phải là một ngoại lệ, thì ngành khoa học này sẽ có gì để dạy cho chúng ta về bản chất của vũ trụ khách quan? Xét cho cùng thì dường như vật lý, như nó trên thực tế, có sứ mệnh giới thiệu một loạt các khả năng; mỗi người tự lựa chọn khả năng mà mình cho là hiện thực nhất từy theo các sở thích siêu hình của mình! [...]. Liệu người ta có thể hạn chế số lượng các lý thuyết khả dĩ có thể giải thích được cùng một tập hợp các bằng chứng? Nhưng ai có thể định ra giới hạn cho sức sáng tạo của trí tưởng tượng con người hay cho các lý thuyết còn vượt quá cả trí tưởng tượng của chúng ta? [...].

Nếu rốt cuộc vì những lý do siêu hình mà chúng ta lựa chọn giữ một cách giải thích nào đó về Vũ trụ chứ không phải một cách giải thích khác thì tại sao chúng ta lại phải giới hạn sự lựa chọn của chúng ta chỉ vào những thứ mà khoa học đề nghị chúng ta?"

Trong quá trình trao đổi, chúng ta cũng đã đặt ra cho nhau câu hỏi này nhân nói về các vũ trụ song song mà dường như là không bao giờ có thể chứng minh được sự tồn tại của chúng, và về những cái có thể xây ra trước Big Bang, hoặc chí ít là trước bức tường Plank bởi vì nó thể hiện thời điểm đầu tiên mà khoa học ở trạng thái hiện nay của nó có thể hiểu được.

Trịnh Xuân Thuận: Như vậy, người nghiên cứu khách quan nhất cũng vẫn có các định kiến và chính những định kiến này lại là động cơ của hoạt động khoa học. Thật vậy, nếu như không có quan điểm thiên kiến, không có hình mẫu, thì nhà khoa học làm sao có thể lựa chọn, trong vô số các thông tin mà Tự nhiên mang đến cho anh ta, những thông tin chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất và có nhiều khả năng làm phát lộ các quy luật và nguyên lý mới nhất? Sự lựa chọn hiện thực là một giai đoạn thiết yếu của hoạt động khoa học. Những nhà khoa học vĩ đại nhất là những người biết vận dụng tất nhất nghệ thuật này để đi đến cái cất yếu bằng cách bỏ qua những cái thứ yếu. Chúng ta đã thấy Newton chọn các hệ thống tuyến tính và không hỗn loạn như thế nào để xây dựng nên lý thuyết vạn vật hấp dán. Như vậy, hiện thực không thể tránh khỏi bị thế giới bên trong làm cho biến đổi. Và nhà khoa học chỉ thấy cái mà anh ta có thể hoặc cái mà anh ta muốn thấy.

Matthieu: Einstein còn nói: "Về nguyên tắc, sẽ là hoàn toàn sai lầm khi cố gắng xây dựng một lý thuyết chỉ dấu trên các đại lượng quan sát được Trên thực tế, những điều diễn ra lại hoàn toàn ngược lại Đó là lý thuyết quyết định những cái mà chúng ta có thể quan sát được

Trịnh Xuân Thuận: Cha đẻ của thuyết tiến hóa, Charles Darwin, có kể một giai thoại cho thấy rõ vấn đề này. Trong một chuyến du lịch, ông dành cả một ngày ở bên bờ một con suối và chỉ nhìn thấy ở đó toàn sỏi đá và nước. Mười một năm sáu, ông trở lại nơi đó để tìm kiếm những dấu vết của một sông băng. Và những bằng chứng đập ngay vào mắt ông. Một núi lửa đã tắt cũng không thể để lại nhiều dấu vết như con sông băng cổ xưa này. Darwin đã phát hiện ra cái mà ông đang tìm kiếm ngay khi ông biết phải nhìn vào đâu Người ta còn có thể đưa ra vô số các ví dụ tương tự.

Matthieu: Các nhà khoa học cũng có xu hướng một cách rất hệ thống đặt các sự kiện mới vào trong một khuôn khổ khái niệm đã được xác lập và không thích xem xét lại cái khuôn khổ siêu hình mà họ vốn đã quen làm việc trong đó.

Trịnh Xuân Thuận: Các cuộc cách mạng khoa học có thể nổ ra là nhờ sự tích tụ các sự kiện mới không còn nằm trong khuôn khổ của sơ đồ cũ nữa, chúng buộc chúng ta phải xem xét lại cái khuôn khổ khái niệm của chúng ta, và hơn thế nữa, khi những con người thiên tài thấy hé lộ một số mối liên hệ mới giữa các hiện tượng mà bề ngoài tưởng như là tách rời nhau. Theo nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Norwood Russell Hanson: "Người quan sát mẫu mực không phải là người thấy và thông báo lại cái mà những người quan sát bình thường đã thấy và thông báo lại, mà là người thấy trong các sự vật quen thuộc cái mà chưa ai thấy."

Newton đã phát hiện ra lực hấp dẫn khi ông hiểu được mối liên hệ giữa sự rơi của một quả táo và chuyển động của Mặt trăng quanh Trái đất. Einstein tìm ra thuyết tương đối khi ông nhận thấy mối liên hệ lẫn nhau giữa không gian và thời gian. Các chiến công của sáng tạo và tưởng tượng này không phải là do ngẫu nhiên mà là kết quả của một sự chín muồi bên trong. Được nuôi dưỡng bởi các khái niệm, sự chín muồi này sẽ trả lại cho các yếu tố bên ngoài tưởng như là tách biệt nhau trở nên thống nhất và có thể chuyển hóa lẫn nhau. Phương pháp thực nghiệm và sự hoàn thiện các dụng cụ đo đã cho phép con người quan sát các hiện tượng, sau đó dùng suy luận rút ra các quy luật giải thích hiện thực. Vậy liệu với một trí tuệ thức giác có đủ để Đức Phật nắm bắt hiện thực này mà không cần đến sự hỗ trợ của các dụng cụ phức tạp không?

Matthieu: Trước hết cần phải xác định rõ cách hiểu của Phật giáo về "hiện thực". Đó không phải là hiện thực của người bình thường tin vào tính bền vững của các hiện tượng, mà là sự trống không, là sự phụ thuộc lẫn nhau. Về cơ bản vô minh là sự không tương ứng giữa cách tồn tại của các sự vật và cách chúng thể hiện trước mắt chúng ta. Không cần phải nhờ đến một dụng cụ nào khác ngoài trí tuệ của mình, Đức Phật vẫn hiểu thế giới nhờ nhận thức đầy đủ thông qua phân tích và thực nghiệm chiêm nghiệm, rằng cả cái tôi lẫn các đặc tính mà chúng ta gán cho các hiện tượng đều không có một hiện thực nào khác ngoài hiện thực danh nghĩa. Người ta nói rằng Giác ngộ của Đức Phật đi liền với sự toàn thức, bởi vì sự nhận thức được bản chất tối hậu của vạn vật đương nhiên bao hàm cả sự nhân lên đến vô hạn của các hiện tượng.

Trịnh Xuân Thuận: Vậy liệu chúng ta có thể nắm bắt hiện thực ở trạng thái thô không? Tôi tạm lấy các giai đoạn khác nhau cần phải vượt qua, trong lĩnh vực nghiên cứu của tôi, để tiếp cận tới cái thực như cơ sở để chúng ta tranh luận. Trong thiên văn học, sự giao tiếp với vũ trụ được thực hiện chủ yếu nhờ ánh sáng, nó mang đến cho chúng ta những thông điệp của vũ trụ bao la. Trước khi bị các kính thiên văn của chúng ta thu và được các thiết bị đo khác chuyển thành hình ảnh, những thông điệp ánh sáng này đã phải trải qua một hành trình dài vượt qua các thiên hà. Cuối cùng, hình ảnh này tới mắt chúng ta và được chuyển đến não, ở đó nó được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Phải đợi đến giai đoạn cuối cùng này thì hiện thực mới được cảm nhận.

Matthieu: Theo Phật giáo, ý thức không bao giờ lĩnh hội được hiện thực, hay chính xác hơn là cái mà chúng ta gọi là thực, vì chưa xem xét nó một cách đúng đắn. ở khoảnh khắc đầu tiên của một tri giác, các giác quan dò bắt vật. ở khoảnh khắc thứ hai, nó tạo ra một hình ảnh tinh thần không mang tính khái niệm về một hình dạng, một âm thanh, một vị, một mùi hay một vật nào đó được sờ thấy. Từ khoảnh khắc thứ ba, các cơ cấu thần kinh nhập cuộc, hòa trộn với ký ức và các xu hướng đã tích lũy được, và vô số các khoảnh khắc liên tiếp của ý thức xây dựng nên hình ảnh về vật như thế này hoặc như thế kia; chúng diễn giải nó và biểu lộ đối với nó các tình cảm tích cực, tiêu cực hay trung ánh. Trong lúc đó, vật, vốn vô thường, đã thay đổì mất rồi. ý thức mang tính khái niệm thông thường vì thế không bao giờ tri giác được một hiện thực đổng thời với nó, nó chỉ tri giác được các hình ảnh tinh thần về các hiện tượng đã biến mất. Hơn nữa, hình ảnh tinh thần, như hình ảnh về một bông hoa chẳng hạn, là giả dối, vì khi quan sát bông hoa chúng ta thường không nghĩ rằng nó là vô thường và không có tồn tại tự thân. Vì vậy Phật giáo nói đến "tri giác sai". Tuy nhiên, vẫn có thể thay thế nó bằng một tri giác đúng đắn, tri giác này nắm bất được cách thức tồn tại đích thực của bông hoa (sự trống không) và không bị các khái niệm thông thường ảnh hưởng. Một trong những đặc tính của người đạt đến Giác ngộ, như người ta nói, là người đó có thể phân biệt được sự tri giác thuần khiết phi khái niệm với hình ảnh tinh thần.

Trịnh Xuân Thuận: Chẳng hạn, 2000 năm trước Kant và các khoa học nhận thức, Phật giáo đã hiểu được rằng thế giới mà chúng ta tri giác là sự tái tạo trong trí óc hiện thực bên ngoài, cộng với ý tưởng cho rằng "hiện thực" tự bản thân nó không bao giờ là hoàn toàn độc lập với ý thức. Hiện tượng chênh lệch về thời gian giữa hiện thực và hình ảnh trong trí óc được phóng đại đến cực điểm trong thiên văn học do các khoảng cách quá lớn giữa các thiên thể và Trái đất, và bời vì ánh sáng phát ra từ chúng phải mất thời gian mới đến được chỗ chúng ta. Mặc dù ánh sáng có thể đạt vận tốc tối đa trong vũ trụ (300.000 km/s, tức là gấp bảy lần rưỡi vận tốc quay của Trái đất, chỉ bằng một cái chớp mắt), nhưng sự lan truyền của nó cũng không phải là tức thời. ở thang vũ trụ, nó có thể xem là chậm như rùa. Hình ảnh mà chúng ta quan sát thấy hiện thời của Mặt trăng, Mặt trời hay ngôi sao gần chúng ta nhất thực ra là bộ mặt của chúng trước đó lần lượt là 1 giây, 8 phút và 4 năm ! Ánh sáng đến được chỗ chúng ta hiện nay của Andromède, thiên hà gần chúng ta nhất, thực ra đã bắt đầu cuộc hành trình của nó từ khi con người đầu tiên xuất hiện trên Trái đất, cách đây hai triệu năm. Trong thiên văn học, nhìn xa, chính là nhìn về quá khứ. Vì vậy, các kính thiên văn chính là những cỗ máy thực sự quay ngược trở lại thời gian. Những kính thiên văn lớn nhất cho phép chúng ta lần ngược trở lại khoảng 12 tỷ năm trước, tức là khoảng hai hoặc ba tỷ năm sau Big Bang. Một số vì sao mà chúng ta hiện đang thấy có thể đã tắt và biến mất từ lâu, nhưng thông tin về sự biến mất của chúng phải sau nhiều triệu, thậm chí nhiều tỷ năm nữa mói truyền đến được chúng ta. Chính sự chênh lệch này cho phép nhà thiên văn, tựa như nhà thám hiểm đi ngược tới tận nguồn sông Nil, có thể lần ngược trở lại thời gian tới tận những khoảnh khắc đầu tiên của vũ trụ và dựng lại lịch sử của nó.

Hãy xem lại ví dụ về ánh sáng của các thiên thể: trước khi tới được mắt chúng ta, các đặc ánh của nó đã bị biến đổi theo vô vàn cách trong hành trình giữa các vì sao và các thiên hà của nó. Chúng ta hãy thử lần theo hành trình của ánh sáng từ một thiên hà xa xôi. Ánh sáng này là tổng hợp các bức xạ của hàng trăm tỷ ngôi sao nằm trong thiên hà. Trước hết, ánh sáng phải thoát ra khỏi tâm nóng của các ngôi sao, ở đó nó được sinh ra từ các phân ứng hạt nhân. Khi băng qua khí quyển của các ngôi sao, nó bị các nguyên tố hóa học tạo nên lớp khí quyền này hấp thụ. Sau đó, nó lại phải băng qua không gian giữa các vì sao của thiên hà, ở đó nó gặp các đám mây bụi và bị các đám mây này hấp thụ phần ánh sáng xanh nhiều hơn ánh sáng đỏ, khiến cho ánh sáng khi thoát ra có màu đỏ. Rồi, trong vòng vài tỷ năm, khi băng qua các vùng rộng lớn giữa các thiên hà, nó lại gặp các đám mây hiđrõ hấp thụ nó thêm một chút nữa. Và khi thâm nhập vào Ngân Hà, thiên hà chúng ta, một lần nữa nó lại bị các đám bụi giữa các vì sao và giữa các hành tinh làm cho đỏ thêm. Cuối cùng, khi ánh sáng vượt qua khí quyển Trái đất và tương tác với các nguyên tử không khí, sự chuyển động của các nguyên tử này làm đổi hướng quỹ đạo của ánh sáng và do đó làm mất đi đọ rõ nét của các hình ảnh quan sát được. VÔ số các tương tác này làm cho ánh sáng khi đến được chúng ta rất khác so với nó lúc ban đầu. Bằng cách vạch lại hành trình của ánh sáng, người ta có thể tái tạo lại các tính chất ban đầu của nó, theo cách thống kê (vì người ta không biết chính xác các đám mây khí và bụi mà nó đã vượt qua) .

Matthieu: Một khi ánh sáng vũ trụ đã đến được Trái đất, nhà thiên văn phải bắt được nó, ghi nó và diễn giải nó.

Trịnh Xuân Thuận: Với đường kính con ngươi 2,5cm, mắt của chúng ta là một máy thu ánh sáng rất nhỏ, ngay cả khi hiệu suất của nó đủ cao để nhận thấy một ngôi sao có độ sáng yếu hơn trăng rằm hơn 25 triệu lần. Đối với nhà thiên văn, mắt thường chưa đủ. Các kính thiên văn xuất hiện để bổ trợ cho mắt theo hai cách: trước hết nó khuếch đại các hình ảnh, điều này cho phép nhìn được chi tiết

hơn; sau nữa, chúng thu được nhiều ánh sáng hơn, do đó cho phép chúng ta nhìn thấy các vật sáng yếu hơn và như vậy có nghĩa là nhìn được xa hơn. Kính thiên văn đầu tiên, được Galilée sử dụng năm 1609, gồm một thấu kính có đường kính chỉ cỡ mươi centimét. Vào cuối thế kỉ XX, kính thiên văn Keck, đặt trên núi lửa Mauna Kea đã tắt ở đảo Hawaii, có thấu kính với đường kính tới 10m. Đối

với tôi các kính thiên văn là những nhà thờ của thời hiện đại. Tựa như những mũi tên của nhà thờ hướng lên trời, những chiếc kính thiên văn mỗi đêm trời quang lại hướng về phía bầu trời để thu ánh sáng của vũ trụ.

Nhà thiên văn cũng sáng chế ra các kính thiên văn có thể thu được những ánh sáng mà mắt thường không nhìn thấy. Anh ta đưa lên quỹ đạo, ở bên trên bầu khí quyển Trái đất, các kính thiên văn nhạy cảm với các tia tử ngoại, tia X hay tia gam ma, cho phép quan sát trong vũ trụ các hiện tượng có một năng lượng và sự hung dữ đến mức khó tin. Chẳng hạn, kính thiên văn không gian Huble quay quanh Trái đất ở độ cao vài trăm kilômét. Chắc ông không tin là tôi trực tiếp điều chỉnh vệ tinh đó từ Trái đất, như là với một kính thiên văn trên mặt đất. Thực ra, tôi chuẩn bị chương trình quan sát của mình trên máy tính và gữi nó đi bằng Intemet đến trung tâm kính thiên văn không gian ở Baltimore nơi chịu trách nhiệm điều khiển kính thiên văn và thực hiện các quan sát. Các quan sát này được ghi lại và chuyển thành các con số. Cuối cùng, tôi nhận qua bưu điện một băng từ chứa các hình ảnh mà vệ tinh thu được. Trong sự tĩnh lặng của phòng làm việc, tôi cho hiển thị các hình ảnh được máy tính dựng lại từ các con số lên màn hình, và trước mắt tôi hiện lên các thiên hà với tất cả vẻ mỹ lệ của nó, được tô điểm bằng những màu sắc sặc sỡ.

Các máy móc càng trở nên phức tạp và tinh vi, thì nhà thiên văn càng rời xa hiện thực thô, vì nó đã được lọc qua các mạch điện tử cực kỳ phức tạp, được điều chỉnh, số hóa và tái tạo bởi các máy tính cực mạnh và các xử lý toán học tinh xảo.

Vào thời của mình, Galilée đã không tài nào thuyết phục được các đồng nghiệp của mình tin rằng những kỳ quan mà ông phát hiện được nhờ kính thiên văn là đúng thực tế. Vì họ nghĩ rằng các vệ tinh của Mộc tinh và các ngọn núi trên Mặt tràng chỉ là những ảo giác quang học do chính thấu kính của ông gây ra! Trong thiên văn học hiện đại, vấn đề tính trung thực của các hình ảnh lại còn được khuếch đại lên đáng kể. Những giai đoạn giữa các tín hiệu và hình ảnh cuối cùng nhiều và đa dạng đến mức việc đặt ra câu hỏi phần hiện thực khách quan trong các hình ảnh thu được là bao nhiêu là điều hoàn toàn có lý. Vì vậy, nhà thiên văn học hiện đại phải cẩn trọng hơn gấp bội để đảm bảo rằng các tín hiệu mà họ thu được đúng là tới từ vũ trụ chứ không phải là các tín hiệu ký sinh do chính con người hoặc các mạch điện tử của chính các máy móc quan sát của mình gây ra. Mặc dù đã rất cẩn trọng, nhưng đôi khi vẫn xảy ra chuyện một số phật hiện được công bố rầm rộ nhưng thực ra chỉ là những kết quả giả tạo !

Matthieu: Điều này tạo thêm ý vị cho công việc nghiên cứu ! Chúng ta hãy tiếp tục chuyến du hành cùng với ánh sáng, cuối cùng thì chúng ta sẽ đến được đích là cái mất...

Trịnh Xuân Thuận: Võng mạc của mắt được cấu tạo bởi hơn một trăm triệu tế bào. Các tế bào này thuộc hai loại: năm triệu tế bào hình nón nhạy cảm với các cường độ ánh sáng mạnh, tạo ra thị giác đa màu sắc vào ban ngày, và một trăm triệu tế bào hình gậy chỉ hoạt động với các cường độ ánh sáng yếu và tạo ra thị giác đơn sắc vào ban đêm. Mỗi một tế bào hình nón và một tế bào hình gậy đều có chứa các sắc tố. Các phân tử của những sắc tố này ghi lại ánh sáng bằng cách thực hiện một vũ điệu kỳ lạ. Lúc nghỉ, tức là khi không bị ánh sáng kích hoạt, phân tử của sắc tố được gắn với một protein, làm cho nó co lại. Nhưng ngay khi có một hạt ánh sáng đập vào, phân tử này lại tách ra khỏi protein và duỗi thẳng dậy. Sau một khoảng thời gian nhất định, nó lại co lại cho đến khi có hạt ánh sáng tiếp sau đập vào. Sự ngừng hoạt động tạm thời này khiến cho hình ảnh được tạo thành có chứa các vùng sáng (tương ứng với các phân tử sắc tố hoạt động) xen kẽ với các vùng tối (tương ứng với các phân tử của sắc tố không hoạt động). Thế nhưng, những hình ảnh mà chúng ta tri giác được trong trí óc lại không có các điểm tối, bởi vì các tế bào hình nón và hình gậy kết nối với nhau theo cách sao cho các tín hiệu mà chúng truyền đến não cho chúng ta cảm giác về tính liên tục của ánh sáng. Như vậy, ở cấp độ thị giác, hiện thực một lần nữa lại đã bị biến dạng. Những biến dạng mà thông điệp ánh sáng phải chịu trong hành trình của nó từ ngôi sao đến mắt người về nguyên tắc có thể giảm thiểu được, nhưng cái không thể tránh được đó là con người và bộ não của con người. Vả lại, quá trình não gắn với thị giác là cực kỳ phức tạp. Các tín hiệu ánh sáng được não xử lý tùy theo ký ức và hướng chú ý của chúng ta. Vì vậy, hình ảnh tổng hợp xuất hiện trong ý thức của chúng ta là có tính chủ quan.

Matthieu: Như vậy, kết thúc hành trình, chắc chắn là sẽ lại đi đến ý thức thôi. Dù là một hiện tượng sinh ra ngay trước mất chúng ta hay nó 'đã xảy ra trước đó tới 10 tỷ năm đi nữa thì nắm vai trò điều khiển chúng vẫn luôn luôn là ý thức. Vì vậy mà cần đặt ra câu hỏi về bản chất của ý thức và của thực tế mà nó lĩnh hội. ý thức quá khứ không tồn tại nữa, ý thức tương lai còn chưa hiện hữu, còn ý thức hiện tại, nếu chúng ta xem xét nó một cách kỹ lưỡng, thì sẽ không thể phát hiện ở đó một hiện thực vững chắc nào. Nó giống với một chức năng, một sự liên tục động của các mối quan hệ hơn là một thực thể tách biệt. Còn về hiện thực mà ý thức lĩnh hội, thì chúng ta đã thấy rằng không thể coi nó là có tồn tại đọc lập được.

Do vậy, dù các dụng cụ đo có phức tạp, các lý thuyết có tinh xảo và các phép tính được sử dụng có tinh tế đến đâu đi nữa, thì vẫn là ý thức và chỉ mình nó thôi, giải thích các quan sát. Nó thực hiện điều này tùy theo sự hiểu biết và các quan niệm của nó về sự kiện mà nó tri giác. Người ta không thể tách rời cách thức hoạt động của ý thức khỏi những kết luận mà nó rút ra từ những quan sát. Những khía cạnh khác nhau mà chúng ta phân biệt trong các hiện tượng được quyết định không chỉ bởi các phương tiện quan sát, mà còn bởi các khái niệm mà chúng ta phóng chiếu trên các hiện tượng này. Chẳng hạn, chúng ta đinh ninh rằng kích thước hay độ sáng là những tính chất nội tại của một ngôi sao, trong khi đó chỉ là những chỉ định khái niệm mà thôi.

Khi các chỉ định này ngày càng trở nên chính xác và nhiều, khi chúng có thể tái tạo được và không phụ thuộc vào kiểu phát hiện, vào địa điểm, thời gian và cá nhân, chúng ta sẽ đi đến suy nghĩ rằng tập hợp những chỉ định đó tương ứng với một hiện thực độc lập với chúng ta.

Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại với hành trình của ánh sáng mà ông đã mô tả các biến cố của nó. Cứ thừa nhận rằng ta có thể tái tạo lại được cái ánh sáng nguyên gốc đi, thì hiện thực của nó là gì? Là một pho ton, một bước sóng được đo bằng một dụng cụ, một con số kết quả của các phép tính toán học, một màu sắc mà mắt ta nhìn thấy, một hơi ấm mà làn da chúng ta cảm nhận được hay là một tiếng lách tách mà ta nghe thấy trong một máy thu? Các tính chất này chỉ được phát lộ tùy thuộc vào những nhân tố khác, chẳng hạn như các phương pháp quan sát và bản thân người quan sát. Ta không thể coi bất kỳ một tính chất nào trong số các ánh chất đó như là sự mô tả hiện thực tối hậu của ánh sáng, mà chỉ có thể coi chúng là một tri thức mà chúng ta có được về hiện tượng này, theo nhiều giao thức thực nghiệm khác nhau.

Hơn nữa, một hiện thực độc lập với các giác quan của chúng ta và với các khái niệm của chúng ta sẽ chẳng có nghĩa gì đối với chúng ta hết. Lý thuyết nào có thể đại diện cho một hiện thực tồn tại hoàn toàn xa lạ với trí tuệ chúng ta? Làm thế nào mà các đặc tính của hiện thực này có thể hiện ra trước mắt chúng ta mà lại không chịu ảnh hưởng của hành động tìm kiếm chúng? Chúng ta bắt gặp quan điểm này ở H. Poincaré, người từng viết: "Một hiện thực hoàn toàn độc tập với trí tuệ tìm hiểu nó, nhìn nó hay câm nhận nó tà không thể. Ngay cả khi nó tồn tại, thì một thế giới bên ngoài như thế chúng ta cũng sẽ không bao giờ có thểể tiếp cận được."

Allan Wallace tóm tắt chính xác vấn đề này như sau: "Để tán đồng hiện thực luận khoa học với một ý thức đầy đủ, trên thực tế, cần phải chấp nhận nhiều tiên đề, như: 1) thế giới vật chất tồn tại một cách độc lập với kinh nghiệm của con người; 2) các khái niệm của con người (khái niệm toán học hoặc các khái niệm trong các khoa học khác) có thể tiếp cận được nó; 3) trong vô số tiềm tàng các hệ thống khái niệm có khả năng giải thích được các hiện tượng được quan sát, có một và chỉ một hệ thống là đúng trên thực tế; 4) khoa học sớm muộn gì rồi cũng sẽ phát hiện ra lý thuyết duy nhất được coi là đúng này; 5) các nhà khoa học phái nhận ra nó là nó".

Những mô tả mà các khoa học tự nhiên cung cấp kết nối các quan sát đã được thực hiện, tổ chức chúng lại và tiên đoán những diễn biến của chúng, nhưng không thiết lập được sự hiện diện của một hiện thực độc lập. Vì vậy, sẽ là hoàn toàn chính đáng khi đặt ra câu hỏi : liệu có thực sự tồn tại một hiện thực tự xác định bởi chính nó hay không. Người ta không thể nói rằng "chẳng có gì hết", bởi vì các hiện tượng rõ ràng là xuất hiện và bởi vì chúng ta không thể phủ định thực tế quan sát được. Người ta cũng không thể nói rằng các hiện tượng có một hiện thực bất biến và cũng không thể nói rằng chúng chỉ tồn tại trong trí óc chúng ta.

Trịnh Xuân Thuận: Đáp lại giám mục George Berkeley người ủng hộ quan điểm cho rằng thế giới vật chất không có tồn tại thực và các vật thuộc thế giới này chẳng qua chỉ là các hình ảnh của tinh thần, Samuel Johsnon, một bác sĩ kiêm nhà từ điển học người Anh, một người kỳ cục - nhưng có lý -, vốn nổi tiếng văn hay chữ tốt, đã nói: "Chỉ cần đá mạnh chân vào tảng đá là có thể nhận ra tảng đá có tồn tại thực hay không!"

Matthieu: Nói như vậy, Johnson đã làm tiêu tan sự cực đoan của chủ nghĩa duy tâm, nhưng không vì thế mà hợp thức hóa một thái cực khác. Để đặt nền móng cho chủ nghĩa hiện thực, thì làm một cú đá thôi là chưa đủ. Cần phải phân tích hiện thực cho tới tận các bộ phận cấu thành đâu tiên của nó. Chúng ta đã thấy rằng, theo Phật giáo, các bộ phận cấu thành này không thể có sự tồn tại riêng và

sự tri giác của chúng ta về tính bền vĩmg của thế giới vĩ mô chỉ là kết quả của các xu hướng được tích lũy từ nhiều đời nay. Các hiện tượng là sự vận hành của các quan hệ thăng giáng chỉ thể hiện trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với các hiện tượng khác. Nói một cách ngắn gọn, các hiện tượng là các "quan hệ" được cụ thể hóa bởi cái nhìn của chúng ta hơn là các thực thể tự lập có một bản chất riêng. Việc các quan hệ này có một sự liên tục nhất định trong thời gian không vì thế mà tạo cho nó một sự tồn tại thực. Sự kéo dài của một ảo giác không hề làm thay đổì gì trong bản chất của nó. Khi này liệu người ta còn có thể nói đến hiện thực được nữa không?

Trịnh Xuân Thuận: Quan điểm của tôi về vấn đề này trùng với quan điểm của Platon. Hoàn toàn giống như toán học tồn tại trong thế giới các ý niệm một cách độc lập với bộ não người, tôi nghĩ rằng có một hiện thực độc lập với nhà khoa học và với các thiết bị đo của anh ta và con người không nhất thiết tiếp cận được nó. Theo câu chuyện phúng dụ về cái hang của Platon đã được kể ở trên, thì chúng ta giống như những con người bị giam cầm trong một cái hang chỉ có thể nhìn thấy bóng của các vật thuộc thế giới bên ngoài chiếu lên vách hang. Đối với họ, thế giới này là hiện thực duy nhất đúng. Tương tự, tôi nghĩ rằng có một hiện thực tối hậu, nhưng rằng hiện thực này bị "che khuất", nói theo cách của nhà vật lý người Pháp Bemard d'Espagnat. Các giác quan và các máy đo của chúng ta không thể tiếp cận nó một cách trực tiếp.

Matthieu: Hiện thực tối hậu được hiểu như là có một tồn tại độc lập này là một ảo tưởng. Hiện thực mà các giác quan và máy đo của chúng ta tiếp cận được là một hiện thực "ước lệ", nó thuộc trí tuệ của người quan sặt và gắn bó chặt chẽ với cách hoạt động của trí tuệ này. Vì vậy, người ta không thể nói rằng các tính chất mà người ta quan sát được là gắn liền với bản chất của vật. Người ta không thể tách rời chúng khỏi quá trình xây dựng khái niệm. Đây chính là điều đã được Phật giáo diễn đạt khi nói rằng những tính chất mà chúng ta gán cho các vật không có một hiện thực tối hậu. Không tồn tại các vật tự xác định mình.

Trịnh Xuân Thuận: Như vậy phải chăng là không có hiểu biết tuyệt đối?

Matthieu: Trong lĩnh vực tri giác của chúng ta về thế giới hiện tượng thì đúng là không có. Nếu một vật tự xác định chính nó, thì các đặc tính của vật đó sẽ được áp đặt cho các giác quan của chúng ta và tất cả mọi người đều phải tri giác được nó theo cùng một cách.

Khi đó sự tri giác này sẽ không phụ thuộc vào trí tuệ, sự học hỏi, ngôn ngữ cũng như lối tư duy của chúng ta. Nhưng thực tế, các tính chất của những vật mà chúng ta tri giác không hề có bất kỳ một hiện thực tối hậu nào, vì người ta có thể nhìn thấy các hiện tượng dưới muôn vàn các khuôn mặt khác nhau, và không có khuôn mặt nào thực sự là hiện thực của chúng. Dù dạng trí tuệ tri giác các hiện tượng là như thế nào đi nữa, thì nó cũng luôn dán cho các hiện tượng đó những cái nhãn khái niệm.

Tuy nhiên, có thể biết được hiện thực tuyệt đối, bản chất tối hậu của các hiện tượng, mà một trong những khía cạnh của nó là sự phụ thuộc lẫn nhau, và điều này là đồng nghĩa với sự trống không hay vắng bóng các đặc tính nội tại. Như vậy, các hiện tượng không có các yếu tố quyết định tự lập. Hiện thực tối hậu vượt ra ngoài các đặc tính như hình dạng, kích thước, khối lượng, điện tích...

Trịnh Xuân Thuận: Tôi thấy sự phân biệt này rất giống với sự phân biệt mà Platon đã xác lập giữa thế giới của các bóng và thế giới của các ý niệm. Thế giới của các bóng là thế giới có thể tri giác được của các hiện tượng. Còn thế giới các ý niệm là thế giới "bị che khuất", ở đó bản chất tối hậu của hiện thực là trống không.

Matthieu: Không! Bởi vì theo Platon, các ý niệm có một tồn tại tự lập, điều này mâu thuẫn với tính không của Phật giáo. ở trên, chúng ta đã thấy Phật giáo bác

bỏ các ý niệm của Platon như thế nào rồi. Nếu người ta hiểu "thế giới bị che khuất" là sự trống không mà trí tuệ bình thường không thể nắm bất được, thì điều đó Phật giáo còn có thể chấp nhận được, nhưng tôi không nghĩ là các ý niệm của Platon hay "hiện thực bị che khuất" của Espagnat được hiểu là có một bản chất trống không.

Phật giáo cũng nói rằng người quan sát và vật được quan sát về cơ bản là không thể tách ra khỏi nhau. Cả hai tác động lẫn nhau trong lòng tính tổng thể như hai con dao mài sắc lẫn nhau. Chúng ta được cấu trúc bởi môi trường xung quanh chúng ta cũng tựa như chúng ta tạo tác nên thế giới của chúng ta bằng những phóng chiếu, những khái niệm và những xu hướng của chúng ta. Mọi cố gắng nhằm tách chúng ra khỏi nhau và nhằm nghĩ ra hay mô tả một thế giới hoàn toàn độc lập với chúng ta đều sẽ thất bại. Người ta tìm thấy những lời dạy sau của Đức Phật trong kinh Avatamsaka soutra:

"Trí tuệ chẳng có một bức tranh nào
Bức tranh cũng chẳng có trí tuệ
Vậy thì liệu người ta có thể tìm thấy một bức tranh
ở bên ngoài trí tuệ hay không ? "

    « Xem chương trước «      « Sách này có 24 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.152.168 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...