Susan Babbitt là giáo sư tại Đại học Queen ở thành phố Kingston, Ontario, Canada từ năm 1990. Cô tham dự khóa thiền Vipassana đầu tiên vào năm 2004 và từ đó đến nay đã phục vụ một khóa tu 10 ngày, hoàn thành một khóa tu 20 ngày. Cuộc phỏng vấn đầu tiên [dưới đây] diễn ra vào năm 2006 và lần thứ hai vào năm 2007. Susan vẫn tiếp tục giảng dạy ở Đại học Queen, thiền tập hằng ngày và đã dừng được căn bệnh ung thư từ năm 2013. Bà Virginia: Cô có thể cho biết làm thế nào cô biết đến Vipassana và khóa tu đầu tiên của cô như thế nào?
Cô Susan: Tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạng cấp tính vào tháng Tám năm 2003. Cho đến thời điểm đó, cả đời tôi chưa bao giờ bệnh tật hay phải dùng thuốc men gì. Tôi thậm chí là chưa từng bị cảm cúm. Kết quả chẩn đoán ung thư là một đòn tấn công tàn khốc vào nhận thức của tôi về chính bản thân mình: Tôi là ai? Đột nhiên, tôi trở thành một người bệnh nghiêm trọng. Tôi tìm mọi cách để vượt qua kinh nghiệm này. Ban đầu, có người giới thiệu với tôi một phương pháp gọi là “hướng tâm quán tưởng”. Đây là một dạng tưởng tượng những suy nghĩ tích cực. Tôi đã cố gắng thực hành trong nhiều tháng như một cách để trốn chạy nỗi sợ hãi về những gì đang diễn ra. Tôi đã sử dụng các băng ghi âm hướng dẫn.
Sau đó, Maureen, một người bạn tôi cũng mắc bệnh ung thư và có tiến triển tốt sau điều trị, nhưng đã qua đời. Tôi đột nhiên hiểu ra rằng, cách duy nhất để tôi có thể chung sống với ung thư là chấp nhận sự thật: sống hay chết hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của tôi. Nhiều người đã nói với tôi: “Điều này sẽ không xảy ra với cô đâu! Trường hợp của cô thì khác.” Nhưng tôi không thể thấy được khác biệt giữa tôi và Maureen như họ nói. Tôi biết rằng những gì đã xảy ra cho cô ấy cũng có thể xảy đến cho tôi. Phương pháp “suy nghĩ tích cực” làm người ta tin rằng mình có một phần khả năng kiểm soát, và tất nhiên ta quả thật có kiểm soát được một phần nào đó, nhưng kết quả cuối cùng không nằm trong sự kiểm soát của ta.
Tôi thấy rõ rằng tôi phải có khả năng nhìn thẳng vào những gì xảy ra cho tôi như nó vốn là như vậy, để chấp nhận rằng cái chết là điều thực sự có thể xảy ra. Tôi quyết định phải có khả năng chờ đón tình huống xấu nhất và chung sống với nó. Nghĩa là, tôi phải sống với ý thức rõ ràng về những gì rất có thể xảy đến với tôi. Về mặt thực tiễn, dường như đây là điều hợp lý nhất. Lúc đó, tôi chưa biết gì về thiền hay Vipassana. Tôi từng đọc đâu đó, trong những sách về ung thư, nói rằng thiền là một phương pháp tốt mà những bệnh nhân ung thư nên học. Nhưng tôi không biết cách thiền như thế nào và khi tôi thử làm thì thất bại.
Không lâu sau cái chết của Maureen, các bác sĩ đề nghị tôi tiến hành hóa trị, điều mà tôi không mong đợi. Tôi ghét cái ý tưởng hóa trị này. Tôi đã từng phải phẫu thuật chân rồi sau đó xạ trị. Những điều này tôi có thể chịu đựng được, nhưng mọi thứ về hóa trị thật khủng khiếp với tôi, cứ nghĩ đến việc tôi sẽ lâm bệnh, rằng dáng vẻ tôi trông bệnh hoạn, rằng mọi người đều sẽ thấy biết tôi bị bệnh, rằng việc này sẽ kéo dài từ tháng Ba đến tháng Tám, trong suốt mùa xuân và mùa hè năm 2004, 5 tháng dài... Tôi giận dữ và tức tối, tự nhủ: “Làm sao mình có thể qua được 5 tháng này chứ?”
Tôi thực không muốn trải qua những tháng trị liệu này với tâm trạng giận dữ và tức tối như thế, nên tôi đã đến gặp một nhân viên xã hội tại Trung tâm Ung bướu Khu vực Kingston và hỏi: “Cô có giải pháp gì cho tôi không?” Cô ta đưa tôi một quyển sách về Phật giáo và tôi bắt đầu đọc. Sách nói về lòng bi mẫn và tâm từ, nhưng sau khi đọc khoảng bốn chương tôi mang sách đến trả lại. Tôi hỏi: “Về mặt thực tiễn, những điều này làm sao giúp tôi vượt qua 5 tháng hóa trị?” Tôi thất vọng vì không có một hướng dẫn thiết thực nào.
Song tôi vẫn nghĩ về thiền và sực nhớ đến khóa thiền Vipassana mà tôi từng được nghe qua. Tôi nghĩ, đúng rồi, nếu tôi muốn học cách thiền, có lẽ tôi cũng phải học cho đến nơi đến chốn; ta chỉ có thể học thiền bằng cách thực hành thôi.
Tôi tìm được một mẫu đơn và ghi danh vào khóa tu. Tôi không biết gì về khóa tu, ngoại trừ việc đó là khóa dạy thiền. Thế rồi, tôi tự cam kết dành ra 10 ngày, từ ngày 24 tháng Ba đến ngày 4 tháng Tư năm 2004, bắt đầu chỉ vài ngày sau đợt hóa trị đầu tiên.
Khóa tu đã cực kỳ khó khăn đối với tôi, và trong 3 ngày đầu tiên, tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đây. Vào ngày thứ 4, khi Vipassana được giảng dạy, tôi bắt đầu có hứng thú hơn. Vào lúc Maureen qua đời, bằng cách nào đó tôi đã hiểu được rằng tôi cần có khả năng nhìn thẳng vào mọi sự vật đúng thật như chúng đang hiện hữu, có khả năng nhìn vào thực tiễn cái chết có thể đến và phải sống đối diện với nó. Tôi đã không còn muốn tô điểm cho mọi thứ có vẻ tốt đẹp hơn bản chất của chúng – cứ mãi hy vọng viển vông về những tin tốt lành, cứ mãi lo sợ về tin xấu. Khi ấy tôi đã quyết định rằng tôi không thể sống theo cách luôn tìm kiếm những phương cách để tách mình ra khỏi những người xấu số.
Với bệnh ung thư, ít nhất là với loại ung thư tôi mắc phải, không thể nào trở lại với cuộc sống như trước. Bạn phải đi chụp CT mỗi vài tháng và mỗi lần như vậy đều thực sự có khả năng nhận được tin xấu. Tôi không muốn đánh mất cuộc đời mình trong nỗi sợ hãi. Tôi hiểu rằng nếu tôi không đối diện và chấp nhận thực tế cái chết có thể đến, thì nỗi sợ sẽ luôn lẩn khuất quanh tôi, sẵn sàng để hạ gục và làm tôi kiệt sức bất kỳ khi nào có những chỉ dấu rằng mọi việc không diễn ra như tôi mong muốn. Tôi quyết định phải có khả năng đối diện với thực tại của mình và chấp nhận nó như vốn là như vậy, để sống chung với nó.
Vì vậy, tôi ngạc nhiên khi biết rằng Vipassana chính xác là sự thực hành quan sát thực tại của bạn như chính nó đang hiện hữu, chứ không phải theo như bạn mong muốn. Đó là sự quan sát toàn bộ kinh nghiệm thân và tâm của bạn từ giờ này sang giờ khác một cách có hệ thống. Nhờ đó bạn sẽ đạt được một hiểu biết thực nghiệm ngày càng gia tăng về bản chất đích thực sự hiện hữu của mình, xét đến cùng là không thường tồn. Không có chuyện biến xấu thành tốt như quá nhiều người dường như cố làm với bệnh tật và cái chết. Thay vào đó, bạn nhìn sự vật theo đúng cách thức chúng đang hiện hữu, chính là cách thức [vận hành] của toàn thể vũ trụ: không ngừng thay đổi. Và khi bạn đạt được sự tỉnh giác như thế, vốn nhất thiết phải được thể nghiệm, nghĩa là một sự tỉnh giác được cảm nhận, thì thật vô nghĩa khi đồng hóa bản thân mình với điều tốt hay điều xấu để rồi trở nên suy sụp bởi hy vọng quá độ hay lo sợ không cùng.
Thật kỳ lạ là bằng cách nào đó, qua trực giác, tôi nhận ra rằng tôi không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi bệnh tật và cái chết, trừ phi tôi có thể nhìn sự trải nghiệm căn bệnh ung thư của mình theo cách tồi tệ nhất có thể có và sống được với điều đó. Tôi không có ý là chỉ để chịu đựng căn bệnh, mà là để sống đối mặt với thực tại đó, với sự tỉnh giác hoàn toàn về bản chất tạm bợ trong sự hiện hữu của tôi, thậm chí nhìn thấy được vẻ đẹp của bản chất huyền bí không ngừng thay đổi đó.
Tôi học được từ khóa thiền Vipassana rằng đây là những gì đức Phật đã giảng dạy, không phải một tín ngưỡng, mà là một phương pháp thực tiễn để luyện tâm, nuôi dưỡng sự tự do thoát khỏi những mong đợi bao trùm, vốn dẫn dắt ta đến chỗ nghĩ rằng cuộc sống luôn phải diễn ra theo một cách nào đó – những mong đợi làm ta khổ đau khi không đạt được, mà sự không đạt được đó gần như là chắc chắn.
Dĩ nhiên tôi vẫn còn giận tức về căn bệnh ung thư vì lẽ ra không nên xảy đến với tôi. Thế mà nó đã xảy ra, và tôi biết rằng tôi không thể xua đuổi nó đi. Tôi cũng biết rằng tôi phải thoát ra khỏi tầm kiểm soát của những mong đợi vô căn cứ, rằng cuộc sống của tôi phải như thế nào, và dấn bước với sự tỉnh giác hoàn toàn. Tôi khám phá ra rằng, sự thực hành đơn giản chú tâm vào thực tại hiện hữu của chính cơ thể mình và ý thức rõ về bản chất của nó – một ý tưởng quá đơn giản - chính là phương tiện tôi cần đến để trải qua hóa trị và nhiều thứ khác nữa.
Một điều cụ thể tôi học được từ khóa tu đầu tiên đã thật sự lôi cuốn tôi trong thực hành Vipassana là phương pháp này hoàn toàn thiết thực. Tôi không nhất thiết phải tin vào bất kỳ thực thể hay sức mạnh vô hình nào, không phụ thuộc vào bất kỳ ai hay bất kỳ thứ điều gì bên ngoài chính tôi: không có biểu tượng, không trang phục đặc biệt, không nghi lễ hoặc nghi thức. Vipassana là một công cụ thiết thực để rèn luyện tâm. Tôi ý thức rõ mình đã phí biết bao thời gian trong đời khi buông thả tâm không kiểm soát, lang thang đi nơi khác, sống lại những hồi ức xưa hay quẩn quanh vô ích trong cùng những bất ổn và những nỗi lo sợ cũ. Vipassana dạy cách kiểm soát tâm thức để chúng ta có thể sống trọn vẹn trong thế giới này như nó đang hiện hữu, thay vì mãi mãi trốn chạy vào vọng tưởng hay bực tức.
Như thế, Vipassana đã giúp tôi vượt qua giai đoạn hóa trị khủng khiếp cùng với những hệ quả của nó. Tôi không phải cố gắng nhìn việc hóa trị như một điều tốt đẹp. Kỳ thực, tôi thấy kinh nghiệm hóa trị đó là không thể chấp nhận. Nhưng tôi cũng có thể nhìn nó một cách khách quan trong chừng mực nào đó và nói: “Đây là những gì đang xảy ra trong hiện tại.” Tôi đã chấp nhận nó như là thực tại của tôi vào lúc đó, như nó vốn là như vậy, và sẽ khởi đầu lại từ chỗ đó mà không hối tiếc hay thất vọng.
Sau khi xong đợt điều trị, tôi tham dự khóa tu Vipassana thứ hai vào cuối năm 2004. Mặc dù lúc đó không phải đối đầu với ung thư, tôi cũng có nhiều thứ khác phải lo liệu. Khóa thứ hai này hầu như khó khăn hơn khóa đầu tiên, ngoại trừ việc lần này tôi hiểu được tại sao tôi làm những gì đang làm. Khóa này có nhiều đau đớn về thể chất. Tôi không cần tham vấn với thiền sư vì tôi biết tôi cần phải làm gì và tôi cũng biết điều mà thiền sư sẽ nói với tôi. Tôi chỉ nhìn vào cơn đau hết lần này đến lần khác và thực hành sự bình tâm.
Vào cuối khóa, thiền sư gọi tôi ra nói chuyện và bảo: “Cô đã hành trì đến cùng, chấp nhận thực tại với sự tỉnh giác; đó là tất cả những gì cô có thể làm. Nhiệm vụ của cô là hãy luôn tỉnh giác, ngay cả khi phải kinh nghiệm những điều không dễ chịu.”
Khóa tu đó thật quan trọng vì tôi nhận ra mình có rất nhiều việc khác phải đương đầu bên cạnh căn bệnh ung thư. Ung thư chỉ là một chuyện trong đời tôi và thậm chí có lẽ không phải là nguyên nhân quan trọng nhất của những điều tiêu cực, vì vậy tôi có động lực để tiếp tục tu tập.
Bà Virginia: Chuyện gì đã xảy ra sau khóa tu thứ hai của cô?
Cô Susan: Đến mùa hè năm 2005, cuộc sống của tôi đã trở lại bình thường. Tôi đã sử dụng lại được đôi chân mình và hoàn toàn trở lại với công việc. Tôi đang chuẩn bị nghỉ phép thì vào tháng Chín, chân tôi bị liệt trở lại. Vào ngày 1 tháng Mười, khi kỳ nghỉ phép ba tháng của tôi thực sự bắt đầu, tôi nhận thấy một khối u khác trên chân. Tôi biết đó là ung thư tái phát, thậm chí trước cả khi các bác sĩ biết được. Cả tháng Mười ấy đã cực kỳ khó khăn vì tôi biết là ung thư tái phát nhưng không biết nó có di căn đến đâu không. Hơn nữa, các bác sĩ đã không xác nhận việc ung thư tái phát và tôi thực sự không thể nói với mọi người về việc này. Phải chờ đến ngày 28 tháng Mười họ mới có thể chụp CT để xem liệu ung thư có di căn hay không.
Bốn tuần đó thật là địa ngục! Tôi biết ung thư tái phát nhưng không biết sự lan rộng của nó. Tôi sắp phải trải qua toàn bộ mọi việc một lần nữa. Công việc của tôi sẽ một lần nữa bị gián đoạn và tôi chắc rằng lần này tôi có thể bị mất đôi chân. Bạn làm gì với tất cả những ý nghĩ này? Tất cả những gì bạn có là tâm thức của bạn và nỗi sợ cứ ám ảnh không thôi. Bạn đi đâu để trốn chạy tâm mình? Tôi nghĩ, nếu tôi không học thiền chắc tôi điên lên mất. Tôi có thể dễ dàng ngã vào hố sâu tuyệt vọng và không ai có thể chê trách tôi, bởi điều đó hoàn toàn hợp lý.
Thay vì vậy, tôi thường ngồi xuống giữa những cảm xúc mạnh mẽ đang làm suy sụp mình, tập trung tâm ý và kiên nhẫn quan sát những cảm giác, đôi khi gần trọn đêm, và cuối cùng những nỗi sợ mất đi ảnh hưởng của chúng. Tôi nhận ra rằng tôi có thể sống chung với những nỗi sợ và buồn đau, giống như nhìn thẳng vào bóng tối, và cuối cùng cảm thấy chút bình an, biết rằng sự việc phải như vậy, ít ra là vào lúc này. Tôi thực sự thu xếp để làm được một việc gì có ích vào tháng đó. Tôi giúp mẹ chuẩn bị cho chuyến đi Ireland của bà và tôi đã làm được những việc khác mà tôi cần phải làm, tương đối một cách bình thường.
Tôi tìm cách để suy ngẫm về cái chết có thể đến. Ai đó đưa cho tôi quyển sách của một vị sư Phật giáo người Việt. Những tư tưởng về sống chết của ông có ý nghĩa đối với tôi, chỉ ra rằng chúng ta như những con sóng trong biển cả. Những con sóng dâng trào và biến mất nhưng biển vẫn còn đó. Mỗi người đều có quyền sống cuộc đời như một con sóng, nhưng chúng ta cũng cần sống cuộc đời mình như nước. Cuộc sống không mất đi, nó chỉ thay đổi dạng thức, giống như nước trong đại dương, không ngừng lưu chuyển. Tôi cũng đọc nhà thơ Rumi, người Ba Tư, nói lên nhiều điều tốt đẹp về sự chấp nhận. Tuy nhiên, khi gần đến ngày 28 tháng 10, tôi thấy rằng tất cả những tư tưởng tốt đẹp kia không làm được gì để xoa dịu nỗi lo sợ rằng chụp CT có thể cho tôi biết ung thư đã di căn.
Thế là vào ngày đó, khi sẵn sàng cho buổi hẹn, tôi nhận ra mình quay lại hành thiền Vipassana, bằng cách thể nghiệm đơn thuần sự sinh diệt về mọi mặt giác quan trên toàn bộ cấu trúc thân thể. Trong Vipassana, bạn thể nghiệm, thông qua việc quan sát các cảm thọ, bản chất đích thật của mọi sự tồn tại – chuyển động, tạm thời, nhưng rất thực. Khi bạn kinh nghiệm thực tại của mình như thế, làm sao bạn còn có thể lo sợ? Vì khi bạn nhận thức bản thân mình như một phần cấu thành của hiện tượng tự nhiên lớn hơn không ngừng trải rộng, thì điều không chắc chắn không còn đe dọa hay quá đáng sợ nữa. Giờ đây nó được sẵn sàng đón nhận, không xa lạ, và vì vậy dễ dàng hơn để sống với nó. Tôi đã bình tĩnh khi đến bệnh viện và thậm chí còn nói chuyện với một sinh viên về luận văn của em ấy khi đang chờ chụp CT. Hóa ra hôm đó tôi nhận được tin tốt lành.
Thật quá đỗi ngạc nhiên khi nhận ra rằng trước đây tôi đã không nghĩ nhiều về khác biệt giữa sự hiểu biết bằng lý trí và hiểu biết qua kinh nghiệm. Tôi luôn cố tìm cách chuẩn bị đón nhận những tin chẳng lành bằng cách trang bị cho mình nhiều ý tưởng. Cuối cùng, tôi khám phá ra rằng, tất cả những ý tưởng hữu ích mà tôi đã thu thập chỉ cho tôi một số hiểu biết mang tính tri thức mà thôi, nhưng không giúp xoa dịu được nỗi sợ hãi. Sự hiểu biết bằng tri thức thường không phải là hiểu biết thực sự. Sau cùng, tôi phải trực nhận sự thật về sự sống và cái chết thông qua sự tỉnh giác với các cảm thọ trên thân. Chính sự tỉnh giác thực tiễn được cảm nhận này, chứ không phải những lý thuyết thuần tri thức, đã giúp tôi vượt qua khó khăn ngày hôm đó.
Bà Virginia: Nhận thức đó có giúp cô thêm tự tin trong tiến trình tu tập của mình hay không?
Cô Susan: Vâng, đúng vậy. Tôi nhận ra sai lầm của mình là cứ luôn tìm kiếm một sự hiểu biết mang tính lý thuyết về cái chết, và không một sự hiểu biết nào đơn thuần bằng lý trí về cái chết có thể giúp tôi đối diện với nó. Tất cả chúng ta biết rằng, về mặt lý thuyết, ta có thể chết bất kỳ lúc nào, nhưng ta không tin rằng sự thật này thực sự đúng với mình. Điều này rất trừu tượng. Chúng ta tin vậy, nhưng không cảm nhận được sự thật mà chúng ta tin. Vì vậy niềm tin này không đóng vai trò thực sự nào trong cách sống của chúng ta. Đó là một sự thật chẳng có gì quan trọng đối với cuộc đời ta. Thiền là sự thể nghiệm bản chất bất định của hiện hữu từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, từ giờ này sang giờ khác. Và thông qua sự thể nghiệm như thế, cái chết không còn là trừu tượng, vì thực thể của nó hiển hiện rõ ràng trong mỗi khoảnh khắc với chánh niệm.
Tôi đã bắt đầu xạ trị tại bệnh viện Princess Margaret ở Toronto. Tôi ở lại khu nội trú của bệnh viện khoảng 5 tuần, đi đến bệnh viện mỗi ngày 2 lần để làm xạ trị, rất đau đớn. Tôi cảm giác mình không có chút cân bằng nào suốt khoảng thời gian này. Tôi rất đau đớn và không muốn xa nhà. Tôi cảm thấy thể chất mình suy nhược và mất hết hy vọng. Ta rất dễ rơi vào tuyệt vọng khi cảm thấy thể chất mình quá tồi tệ.
Vào lúc đó, tâm không mấy an ổn, nhưng tôi nhớ lời một trong những người hướng dẫn Vipassana đã nói với tôi: “Nếu bạn không duy trì được sự quân bình nơi tâm trí, chỉ cần nhận biết rõ là tâm trí bạn đang mất quân bình và rồi hãy tiếp tục hành trì.” Đây là một phần giáo huấn hết sức hiệu quả của Đức Phật. Sự thành tựu không đến ngay lập tức. Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, tôi vẫn có thể nhìn vào thực tại của tôi như nó thật là, nhận biết rõ bản chất rốt cuộc là vô thường của nó, và khởi sự trở lại ngay từ chỗ đó.
Ca phẫu thuật cắt bỏ khối u và cứu lấy chân tôi đã kéo dài 13 tiếng đồng hồ và sự hồi phục rất khó khăn. Cuối cùng, tôi trở về nhà và bắt đầu vật lý trị liệu. Lúc này là tháng Tư năm 2006. Ung thư đã qua rồi, mùa xuân cũng đã đến và tôi đã bắt đầu đi đứng được trở lại. Nhưng chỉ một tuần sau khi xuất viện, họ báo rằng ung thư đã di căn vào trong phổi. Đây là một tin khủng khiếp vì khi ung thư đã di căn thì tiên lượng rất xấu. Họ nói tôi có 20 phần trăm cơ hội sống được 5 năm nữa, và tất nhiên là điều này quá khó chấp nhận.
Tôi bấn loạn vì điều này trong khoảng ba, bốn ngày và cũng như hồi tháng 10 năm 2005, tôi lại nhận ra rằng tôi phải nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi và sự thất vọng, rồi chờ đợi. Một lần nữa, tôi rất biết ơn vì có được một phương pháp để đương đầu với tình huống này, để đối diện với tâm tôi và sự vây hãm của sợ hãi. Người khác sẽ cố gắng giúp đỡ trong những trường hợp như thế này nhưng cuối cùng bạn cũng bị bỏ lại với tâm của bạn. Bạn cô đơn trong sự bấp bênh và thống khổ. Tôi thường ngồi thiền giờ này qua giờ khác và cuối cùng tôi thấy mình có thể bình yên với nỗi khổ. Tôi có thể nói về khả năng mình sắp chết và thậm chí đùa cợt về điều đó, thật đáng kinh ngạc.
Khi tôi chấp nhận được tình huống, tôi nhận ra rằng cái khó chấp nhận của ý nghĩ về cái chết không phải ở chỗ tôi sẽ chết sớm, ở tuổi 53 thay vì là 83 như tôi luôn mong muốn, mà là ở chỗ thế nào tôi cũng phải chết. Không phải việc chết sớm là khó chấp nhận, mà chính là tự thân cái chết. Tôi nhận ra chính cái chết mới là điều tôi nghĩ sẽ không bao giờ xảy ra với tôi, chứ không phải chuyện chết sớm hay chết vì ung thư.
Một trong những tư tưởng mà tôi đã dựa vào để cố chấp nhận cái chết là điều Albert Einstein từng nói: “Chúng ta sợ chết vì chúng ta bám vào ý tưởng ta là cá biệt, nhưng nếu ta có thể thấy được mình là một phần trong sự hiển bày của vũ trụ, tuyệt vời trong sự phức hợp và huyền bí của nó, chúng ta sẽ không quá sợ hãi.” Đây là điều mà thiền tập cho phép tôi thực hiện bằng trải nghiệm, để thấu hiểu chính tôi như một phần trong sự hiển bày của vũ trụ, tuyệt vời trong sự huyền bí của nó. Điều mà chúng ta làm khi thiền tập là trải nghiệm, giờ này qua giờ khác, sự sinh và diệt, sự vô thường, của tất cả cảm giác trên thân. Thực tại của tôi, toàn bộ cấu trúc thân tâm, là vô thường, biến chuyển không ngừng từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, giống hệt như toàn thể vũ trụ. Mọi thứ tôi thuộc về cũng luôn thay đổi, từng khoảnh khắc, và hơn nữa nhờ vậy mà tuyệt vời. Vào cuối đời, Einstein nói rằng cái chết phải được tiếp cận một cách trang trọng. Đó là, không sợ hãi cái mà ta không thể trốn chạy. Bản chất sự hiện hữu của chúng ta là, mỗi chúng ta là một phần cấu thành trong sự hiển bày mầu nhiệm của vũ trụ.
Chính nhờ thông qua thực hành thiền tôi nhận ra rằng tôi có thể thể nghiệm bản thân như một phần trong sự hiển bày huyền bí và phức hợp của vũ trụ. Bây giờ tôi nghĩ rằng cái chết sẽ không quá khó khăn nếu tôi duy trì sự tỉnh giác liên tục về bản chất biến đổi không ngừng của toàn bộ cấu trúc thân tâm. Điều này phải được luyện tập. Thomas Merton nói: “Yên lặng là sự chế ngự cái chết.” Ông ta có ý chỉ sự tĩnh tâm. Yên lặng là sự chế ngự cái chết, bởi vì chính khi tâm bạn yên lặng thì bạn có thể nhận biết rõ bản chất sự tồn tại của mình. Trong những lúc đó, nỗi sợ hãi mất đi ảnh hưởng của nó.
Bà Virginia: Cô có thời gian còn lại trong đời mình, nhưng cô không biết là bao lâu; cô có mục tiêu đi dạy lại như một triết gia. Sự giảng dạy của cô đối với sinh viên có từng thay đổi theo như kinh nghiệm bản thân cô hay không?
Cô Susan: Truyền thống triết học mà chúng tôi giảng dạy trong các trường đại học ở Canada và Mỹ không đặt nặng tầm quan trọng của sự hiểu biết qua kinh nghiệm. Không phải không có những triết gia bàn luận về vấn đề này, nhưng về cơ bản chúng tôi giảng dạy cách phân tích, phân biệt các khái niệm, định nghĩa rõ ràng các thuật ngữ, lập luận và biện bác các luận cứ. Nếu khái niệm về hiểu biết qua kinh nghiệm có tồn tại trong các truyền thống triết học phương Tây thì nó cũng không quan trọng. Tôi muốn dùng hai môn học tôi đang dạy để giúp sinh viên thấy được tầm quan trọng của sự hiểu biết qua kinh nghiệm.
Thomas Merton nói rằng khảo nghiệm lớn nhất đối với sự tự do của chúng ta là cái chết. Tất cả chúng ta đều sẽ chết vào một lúc nào đó, nhưng lối tiếp cận mà chúng ta dùng để hướng đến cái chết có thể biến cái chết thành một sự lựa chọn cho sự sống, không phải cho cái chết. Tôi sẽ không bao giờ thấy vui về cái chết của mình, nhưng tôi vẫn có thể cảm thấy tự tại trong lúc không vui ấy. Tôi có thể tự do nhìn vào sự không vui ấy và chấp nhận nó, an ổn với nó.
Bây giờ, tôi đang trong tình trạng cố gắng sống cuộc đời mình với cái chết đe dọa mỗi ngày. Tôi thức dậy với thực tế là cuộc đời tôi có thể kết thúc rất sớm và tôi đã nhận ra là tôi có thể sống với điều này nếu tôi có thể duy trì sự tỉnh giác về bản chất sự hiện hữu của tôi. Tôi có thể sống không sợ hãi nếu tôi không hoàn toàn chỉ dựa vào sự hiểu biết lý trí mà dựa trên sự trải nghiệm, trên sự thật được cảm nhận.
Vì vậy, tôi muốn thách thức sinh viên của tôi suy nghĩ về tự do cùng với những gì tự do đòi hỏi, và làm cho các em thấy rằng chúng cũng nhất thiết phải tìm cầu loại trí tuệ là kết quả từ kinh nghiệm sống. Triết học là cái học yêu quý trí tuệ. Đó là ý nghĩa của từ “triết học”. Nhưng phải là trí tuệ có được từ kinh nghiệm. Tôi e rằng những gì chúng ta đang dạy thậm chí không phải triết học. Đó không phải là dạy về trí tuệ. Chúng ta không dạy người ta sống, kinh nghiệm sự thực cuộc sống của họ. Thay vì vậy, chúng ta dạy họ quan sát chính đời sống của họ và để hài lòng với khả năng kể một câu chuyện hay, một câu chuyện khôn ngoan, nhất quán một cách hợp lý về họ là ai và họ đã làm được những gì. Tôi muốn yêu cầu sinh viên suy nghĩ tại sao các nguồn tri thức của chúng ta lại thường vô ích để hiểu được những điều như cái chết, vốn cũng là hiểu về sự hiện hữu và được tự do có ý nghĩa gì.
Cuộc phỏng vấn tiếp theo, tháng Mười Hai năm 2007
Bà Virginia: Lần cuối chúng ta nói chuyện là cuối mùa xuân năm 2006. Năm đó cô đã phải phẫu thuật tiếp theo và rồi thêm nữa vào năm 2007. Làm thế nào cô có thể vượt qua những điều đó và trở lại giảng dạy – và điều gì đã xảy ra sau đó?
Cô Susan: Vào tháng Tư năm 2006, tôi biết rằng ung thư đã lan rộng và tiên lượng bệnh của tôi rất xấu, nhưng các bác sĩ không nói với tôi rằng căn bệnh không thể chữa trị được nữa. Trong một trường hợp bướu thịt, họ điều trị di căn phổi một cách tích cực bằng phẫu thuật, và một số trường hợp quả thật có sống sót. Tuy nhiên, bác sĩ nói rằng cơ hội của tôi rất mong manh. Họ thực hiện ca phẫu thuật phổi đầu tiên cho tôi vào tháng Năm năm 2006 và đã loại bỏ 7 khối u ác tính. Rồi gần như ngay sau đó, vào tháng Sáu, có thêm các bướu nhỏ xuất hiện trong hình chụp CT. Họ không đề nghị mổ lần nữa vào mùa hè đó, nên tôi trở lại với việc giảng dạy vào mùa thu.
Tôi hạnh phúc với việc trở lại giảng dạy, mặc dù tôi ý thức rõ bệnh tình của mình. Gần đây, một người bạn và là đồng nghiệp hỏi tôi tại sao tôi muốn đi dạy trở lại, dù biết rằng cuộc đời tôi rất có thể kết thúc sớm. Tôi nói với cô ta là thật ra có một khoảng thời gian vào mùa hè năm 2006, tôi đã nghĩ có lẽ tôi nên làm gì đó đặc biệt cho phần đời còn lại ngắn ngủi của tôi bây giờ – có thể là đi du lịch đến một vài chỗ mới lạ hoặc viết một quyển sách quan trọng nào đó. Nhưng rồi tôi ngẫm lại và thấy ý tưởng này thật buồn cười.
Tôi không hối tiếc khi mất đi cuộc đời mình vì những điều lẽ ra tôi đã làm hay đạt được, hay phải chi tôi đã sống. Tôi hối tiếc khi mất đi cuộc đời bởi chính cuộc đời ấy, với kinh nghiệm trong từng khoảnh khắc của nó.
Có lần tôi nghĩ thật thú vị trước câu hỏi tôi sẽ làm gì nếu biết mình chỉ còn một vài tháng để sống. Nhưng khi tình huống đó thực sự xảy ra, đó không còn là câu hỏi nữa: Tất cả những gì tôi muốn làm là những điều bình thường hằng ngày mà tôi vẫn luôn làm. Tôi không thể nói rằng tôi đi đến kết luận này vì thực hành thiền Vipassana, bởi tôi biết những bệnh nhân ung thư khác cũng có cùng kết luận này dù không hành thiền. Thế nhưng tôi nghĩ, kết quả của việc thực hành Vipassana là sự thật này quá dễ dàng để chấp nhận và áp dụng cho những gì còn lại của đời tôi. Và tôi chắc chắn rằng nhờ Vipassana mà không có gì để buồn phiền về tình trạng này. Có điều gì đó cuốn hút trong ý tưởng rằng cái chết phải đầy kịch tính, và phải làm hay nói ra điều gì đó trọng đại để đánh dấu biến cố này, như thể để nhấn mạnh “ý nghĩa” của nó. Thế nhưng tất cả những gì tôi muốn cho quãng đời còn lại rất đỗi thường tình của tôi là sự tỉnh giác hoàn toàn trong tĩnh lặng về các khía cạnh tầm thường nhất của cuộc sống – không thêm thắt những trò vui hay kích động và chắc chắn là không có những màn cường điệu hay ướt át. Những cái bình thường chính là kỳ diệu hơn cả khi cái chết đến gần. Đây là sự thật tôi đã kinh nghiệm qua công phu thực hành Vipassana.
Vậy là tôi trở lại giảng dạy và thấy dễ dàng chưa từng có. Tôi đang làm những gì tôi phải làm, những gì tôi vẫn luôn làm, và những gì tôi tin tưởng, nhưng tôi không còn quan ngại về tầm quan trọng của nó nữa. Nói vậy không có ý là nó không quan trọng. Những gì tôi đang làm và giảng dạy là quan trọng và có ý nghĩa đối với tôi, như từ trước đến nay vẫn vậy, nhưng tôi không còn xem việc nó có ý nghĩa và quan trọng là điều quan trọng nữa. Điều này có nghĩa là tôi thấy rằng tôi đang sống mà không cần để ý cách mình sống, không cần thêu dệt trong đầu những chuyện tôi phải sống thế nào và tại sao. Bằng cách nào đó, mối quan hệ giữa tôi với sinh viên trở nên dễ dàng hơn và thẳng thắn hơn.
Tôi kết thúc học kỳ mùa thu và có thêm những cuộc phẫu thuật vào mùa đông năm 2006-2007. Đây là một quãng thời gian khó khăn vì một trong những tiến trình phẫu thuật bị sai lệch và kết quả là tôi đau đớn kinh niên và đi lại khó hơn. Nhưng đến mùa thu, tôi trở lại giảng dạy, một lần nữa tự hỏi liệu tôi có qua nổi học kỳ này không.
Sau đó, vào giữa tháng Mười vừa rồi, gần như ngay sau khi tôi được thông báo bởi bác sĩ điều trị ung thư là mọi thứ đã ổn, thì tôi nhận được tin mới là có một khối u lớn gần tim. Tin tức đến từ một báo cáo X-quang. Họ đã bỏ sót nó trong 2 lần chụp trước. Một vài tuần sau đó, các bác sĩ báo với tôi rằng khối u không thể giải phẩu được, nhưng họ có thể thử một phương pháp hóa trị nào đó. Tuy nhiên, chỉ có thể giảm nhẹ thôi, nghĩa là tạm thời ngăn chặn các triệu chứng và có thể cho tôi thêm thời gian. Đó là tin tức tôi nhận được vào đầu tháng Mười Một năm 2007.
Bà Virginia: Khi bác sĩ nói với cô là chỉ có thể điều trị giảm nhẹ thôi, cô cảm thấy gì? Những mong đợi của cô là gì?
Cô Susan: Tôi đã nói chuyện với bác sĩ điều trị ung thư qua điện thoại vào chiều ngày 5 tháng Mười Một và ông ta bảo tôi rằng tôi có thể chỉ sống ba đến sáu tháng nữa nếu hóa trị không thành công – và không có nhiều khả năng nó sẽ thành công. Tôi ngạc nhiên là mình đã có thể đối thoại với bác sĩ một cách rất bình tĩnh. Tôi cố gắng thu thập càng nhiều thông tin như có thể được và cũng phàn nàn về việc khối u bị bỏ sót bởi bác sĩ X-quang vào tháng Tám. Tôi cũng nói với ông ta là tôi biết ơn ông đã cứu chân tôi, mặc dù bây giờ đây tôi không còn sống được bao lâu.
Sau khi kết thúc cuộc nói chuyện, tôi gọi mẹ tôi và báo với bà tin này một cách bình thản, cho dù điều này rất khó khăn với bà. Sau đó, tôi ngồi nơi phòng khách, trong bóng tối nhiều giờ liền, lặng lẽ và thản nhiên quan sát các cảm giác sợ hãi, thất vọng, buồn bã và lo âu. Tôi từng hy vọng được sống, giờ thì không. Tôi có thể cảm nhận khối u đè lên cuống họng và tôi chờ đợi nó cuối cùng sẽ chặn nghẹn cổ họng tôi. Tôi đã kinh nghiệm nhiều lo âu về tiến trình của cái chết và những gì phải làm để chuẩn bị cho nó. Giờ thì tôi chỉ quan sát những cảm thọ này, và sau một hồi lâu, bằng cách nào đó tôi cảm thấy dễ chịu, vì những gì tôi đang nhìn thấy và chấp nhận vào thời khắc này chính là bản chất của thực tại con người – hoàn toàn bấp bênh và cô độc, không có gì để nắm giữ ngoài khoảnh khắc thực tại. Tối hôm đó, tôi có một cảm giác tự tại và bình an, cảm giác rằng tôi đã ở vào ngay tâm điểm đích thực của đời mình, hoàn toàn tiếp xúc với toàn bộ thực tại mong manh của sự hiện hữu của mình.
Tôi vẫn còn gần một nửa học kỳ phía trước. Nhưng có thể vì tôi đã dành quá nhiều thời gian thiền tập, nhận thức về những gì đang diễn ra trong thân tôi và hiểu rằng mọi thứ trong vũ trụ đều liên tục biến chuyển, mất đi, và trở lại với cuộc sống nên cái tin chẳng lành rằng tôi chỉ còn sống được ba tháng nữa dường như cũng chẳng quan hệ gì. Dĩ nhiên, điều đó thật gây sốc và khó chấp nhận. Nhưng ít nhất trong một chừng mực khiêm tốn, tôi đã trở nên quen thuộc với ý tưởng là tôi chỉ có mỗi hiện tại này, và mọi người khác cũng chỉ có mỗi hiện tại này mà thôi.
Hồi năm 2006, tôi thoáng có ý nghĩ là nếu chỉ còn khoảng ba tháng để sống, tôi nên nói điều gì đó quan trọng với sinh viên, hoặc làm điều gì đó thật đặc biệt. Song tôi cũng đã hiểu ra rằng điều tốt nhất tôi có thể làm cho các em là nêu một tấm gương cho chúng. Không chừng trong vài tháng nữa, nếu tôi qua đời, các em sẽ biết được tôi đã sống với vấn đề gì, và hẳn tôi đã chỉ ra cho các em rằng ta có thể sống bình thường với thực tại của cái chết, vốn là điều mà tất cả chúng ta nhất thiết phải làm nếu không muốn đánh mất đời mình trong nỗi sợ hãi. Tôi không muốn trao cho các em hay bất kỳ ai khác chỉ những lời nói suông, vì như vậy có gì đó dường như không đúng. Ngôn từ không giúp tôi đối diện với nỗi sợ chết hay sống cùng cái chết một cách định tĩnh, trong chừng mực như tôi đã làm. Chính việc hành thiền Vipassana, bình thản và lặng lẽ nhìn sự vật như chúng đang là, đã giúp tôi sống chung với cái chết gần kề. Vì thế, tôi đã không nói với sinh viên hay đồng nghiệp về tình trạng của mình. Nếu tôi nói ra, hẳn tôi đã không thể tiếp tục làm việc một cách bình thường như trước, điều mà tôi mong muốn hơn cả.
Không có gì thay đổi nhiều trong cuộc sống của tôi sau khi nhận được cái tin chết chóc ấy. Tôi phải giảng dạy cho sinh viên và tôi thấy tôi có thể làm được. Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy lạ lùng khi trò chuyện với sinh viên hay nghe các em thuyết trình và tự nghĩ: “Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ chết, vậy mà tôi lại đang ngồi đây nghe những bài thuyết trình này.” Rồi sau đó tôi nghĩ: “Nhưng điều đó không liên quan, thật sự không liên quan, bởi lẽ tất cả chúng ta đều đang trong tình trạng này. Tôi đang có phút giây hiện tại, chỉ mỗi phút giây hiện tại này, và các em cũng đang có giây phút này, chỉ giây phút này. Các em không tin như thế và nếu tôi có nói, chúng cũng sẽ không tin. Nhưng đây là thực tại tất cả chúng ta cùng chia sẻ.
Tôi cảm thấy may mắn đã có một năm rưỡi để đón nhận thực tại này. Không phải do tiêu cực hay mất hy vọng, mà là tôi quyết định rằng tôi có thể sống tốt hơn với bệnh tình, một cách thực tiễn, nếu tôi sẵn sàng chấp nhận tình huống xấu nhất và sống với nó, có nghĩa là, nếu tôi sẵn sàng đón nhận cái chết và học cách sống bình thường với sự chờ đợi ấy. Khi bắt đầu thực hành Vipassana, tôi học được rằng đây chính là cách sống mà bất kỳ ai cũng nên học theo, vì đây là bản chất cốt lõi của sự hiện hữu vô cùng mong manh và tạm bợ của chúng ta.
Kết quả ba năm hành thiền Vipassana cho tôi thấy rất rõ rằng với bất kỳ ai, tất cả những gì chúng ta có trong cuộc đời này là các hoạt động bình thường đơn giản hằng ngày trong hiện tại và sự tỉnh giác về chúng. Dĩ nhiên, nói điều này thì dễ, và nhiều người đã nói thế, trước đây tôi cũng nói thế. Nhưng vì rất ít người thực sự theo đuổi sự tĩnh lặng nội tâm để có khả năng thực sự tỉnh giác về giây phút hiện tại, nên nhiều người chỉ nói suông điều này và cùng lúc vẫn đánh mất cuộc đời của họ. Như triết gia người Cuba, José Martí đã cảnh báo, chúng ta phải nỗ lực hết sức để khẳng định sự hiện hữu của mình, và nếu chúng ta không làm vậy, cuộc đời ta sẽ trôi qua như dòng sông Guadiana ở Tây Ban Nha, chảy siết âm thầm trong lòng đất không nhìn thấy được, nên chúng ta thậm chí gần như không nhận biết nó đang trôi qua.
Bà Virginia: Thay vì nói “sự nhận biết của tôi”, dường như bây giờ cô chỉ nói về “sự nhận biết”, bởi vì điều mà cô đang kinh nghiệm là sự bình tâm cảm nhận về “cái tôi” thoáng hiện này, kết nối với “cái tôi” thoáng hiện kế tiếp trong khoảnh khắc hiện tại tiếp nối và rồi với khoảnh khắc hiện tại kế tiếp nữa.
Cô Susan: Có thể đây là điều tuyệt vời nhất xảy ra khi một người thực hành thiền hằng ngày: “cái tôi” dần tan biến mà người đó không hề nhận biết. Trong thực tế, dường như đó là một phần trong bản chất của kinh nghiệm buông bỏ bản ngã và kết quả là ta trở nên ý thức rõ hơn giây phút hiện tại. Đây là điều ít ai lưu ý. Tôi nghĩ đây là lý do người ta hiểu sai về chánh niệm, hay tỉnh giác, một chủ đề rất phổ biến hiện nay. Người ta thường dụng công quá nhiều để nhận biết những gì họ đang làm đến nỗi họ chú trọng nhiều hơn vào nỗ lực của họ. Nhưng một nhà hiền triết Trung Hoa cổ đại là Trang Tử đã nói: “Khi giày vừa vặn, ta không để ý đến nó.” Khi hành thiền ngày qua ngày, tâm bạn trở nên tĩnh lặng hơn và kết quả là nhận thức nhạy bén hơn, bạn ít bận tâm hơn tới ý nghĩa của sự tỉnh giác. Bạn chính là đang tỉnh giác. Và khi bạn thực sự tỉnh giác, nhận biết rõ khoảnh khắc hiện tại, bạn không quan tâm đến “cái ngã” của bạn nữa, vì cái ngã dần mất đi. Nó buộc phải mất đi.
Song điều này chỉ xảy ra với sự hành trì qua thời gian, rất nhiều thời gian. Không có tiến trình buông bỏ bản ngã chậm chạp và kiên trì đó, bạn không bao giờ có thể thực sự sống trong hiện tại, bởi vì bạn không ngừng băn khoăn – phần lớn cho bản thân mình – đến việc thực hành chánh niệm trong hiện tại có ý nghĩa gì. Khi bạn thực sự hiểu rằng cuộc đời bạn chỉ có ý nghĩa ở hiện tại, những câu hỏi tự quan trọng hóa bản thân như thế không còn là vấn đề, và bạn được giải thoát khỏi sự tự phân tích đầy mệt mỏi và sợ hãi. Nếu nỗ lực hướng đến chánh niệm là một sự quan tâm đến tự ngã thì đó thực sự hoàn toàn không phải là chánh niệm, ít nhất là không theo nghĩa giải thoát mà đức Phật giảng dạy.
Bà Virginia: Chúng ta bị bao phủ hoàn toàn trong ý niệm về bản ngã, trong ảo tưởng về một cái “tôi”. Nếu nhu cầu kiểm soát đời sống là kết quả của ý niệm bản ngã đang cố bám víu, cô có cảm thấy nhu cầu này mất dần đi khi bản ngã tan biến? Nếu sự kiểm soát tan biến, làm sao điều này giúp cô được bình tâm, an ổn sâu sắc hơn?
Cô Susan: Viễn ảnh của cái chết làm ta khiêm tốn lại, vì khi mất cuộc sống và tương lai, ta mất đi sự kiểm soát. Khi hay tin khối u của tôi không thể mổ được, tôi cũng được biết là khối u này đã được phát hiện trong phúc trình tháng 8, nhưng bác sĩ X-quang đã bỏ sót. Các bác sĩ có thể tìm thấy khối u đó vào tháng Tám, thậm chí vào tháng Sáu, nhưng họ đã không phát hiện ra. Tôi nói với bác sĩ điều trị ung thư rằng sơ xuất này cần được nêu ra, nhưng tôi thực sự không cảm thấy giận dữ hay bực tức nhiều về chuyện này. Tôi chấp nhận cho qua.
Bà Virginia: Cô không quá giận khi họ đã để sót khối u vào tháng Sáu?
Cô Susan: Tôi nói với bác sĩ chuyên khoa ung thư là tôi không bận tâm về việc truy cứu vấn đề, nhưng phải có người nào đó lưu ý, vì ai đó sơ xuất mà tôi sắp mất mạng. Ông ta nói: “Cô nên nêu vấn đề đó lên, vì sự việc sẽ được thúc đẩy hơn khi bệnh nhân nêu lên vấn đề.” – “Ôi!”, tôi đáp lại, “nếu tôi lãng phí những tháng cuối cùng của đời tôi cho việc đó thì thật ngốc nghếch. Chính ông vừa cho hay là tôi sắp chết. Tại sao tôi phải đi truy cứu cái gã đã mắc sai lầm? Ông nên làm điều đó. Đó là việc của ông. Đây là bệnh viện của ông.” Sau đó tôi không bao giờ nghĩ về điều này nữa.
Bà Virginia: Như vậy là mất đi sự kiểm soát hay không còn bản ngã?
Cô Susan: Tôi chỉ muốn thấy sai lầm này được sửa chữa để không xảy ra cho ai khác. Nhưng rồi tôi ngạc nhiên về việc tôi đã không quan tâm hơn nữa, bởi vì sai lầm này là cực kỳ đắt giá đối với tôi. Có thể họ đã cứu được mạng sống của tôi nếu họ phát hiện khối u đó hồi tháng Sáu hay tháng Tám.
Bà Virginia: Đức Phật dạy rằng chỉ có riêng ta chịu trách nhiệm hoàn toàn về những gì ta đã làm trong quá khứ, rằng những gì xảy ra trong quá khứ quy định những gì xảy ra ở hiện tại. Những giáo pháp đó thì sao?
Cô Susan: Vâng, tôi luôn nhớ rằng ngài Goenka đã nói, chúng ta chỉ có trách nhiệm với giây phút hiện tại. Đôi khi tôi tự hỏi, tôi đã làm gì trong quá khứ mà dẫn đến tất cả những điều này xảy ra với tôi – bốn năm điều trị ung thư – nhưng rồi tôi nhớ lại rằng tôi chỉ chịu trách nhiệm cho những gì đang xảy ra lúc này, và chỉ có thế thôi. Tôi phải thực hành phần [giáo pháp] đó. Đó là phần [giáo pháp] giải thoát tôi khỏi sự ràng buộc của oán hận và giận dữ. Ở một chừng mực nào đó, tôi ghét tất cả những thứ này – những cơn đau, các buổi hẹn bác sĩ, thuốc thang, điều trị, truyền tĩnh mạch, chăm sóc y tế, lệ thuộc, nhập viện hết lần này đến lần khác... Trước đây tôi đã từng rất khỏe mạnh, tráng kiện và đầy sinh lực. Thật rất dễ dàng, thậm chí là hợp lý, để sa vào hố sâu của sự oán hận.
Bà Virginia: Khi để mình chìm ngập trong sự oán hận đó, hẳn cô đã đánh mất đi giây phút hiện tại.
Cô Susan: Đúng vậy. Vipassana là một phương tiện rất quan trọng. Tôi chỉ cần bắt đầu quan sát hơi thở. Tất cả những đêm trong bệnh viện đó – nóng bức, ngột ngạt, kín mít – không có gì vui thích cả. Nhưng khi bạn tập trung vào hơi thở và an trú vào đó trong khoảnh khắc hiện tại, thì cuối cùng mọi thứ đều qua đi. Và bạn ra về, đợi đến lần kế tiếp. Nhưng tôi phải luyện tập việc này, cũng giống như mọi việc khác thôi.
Bà Virginia: Cô có thể có 2 tháng còn lại, cô cũng có thể có 2 năm hay nhiều hơn. Trong khoảng thời gian đó, điều gì là quan trọng nhất phải làm đối với cô để hoàn thành mọi thứ tốt đẹp?
Cô Susan: Tôi tin tưởng rất nhiều vào sự đơn giản và tĩnh lặng, ý tôi là sự tĩnh lặng nội tâm. Tôi không thấy mình suy nghĩ gì nhiều về mọi thứ sẽ như thế nào cho đến lúc tôi chết. Tôi tin điều ngài Goenka nói, nếu bạn thực tập mỗi ngày thì vào phút lâm chung, bạn sẽ có những nguồn lực để đối mặt với cái chết. Tôi biết từ những lần nói chuyện với những người làm việc trong bộ phận chăm sóc đặc biệt (Palliative Care) là quá trình cận tử có thể diễn ra theo nhiều cách. Vì thế tôi chỉ muốn sống từng khoảnh khắc, với sự bình an và tỉnh thức càng nhiều càng tốt. Và tôi muốn điều đó dễ dàng giống như mang “đôi giày vừa vặn”. Tôi biết là điều này chỉ xảy ra khi có kỷ luật nội tâm, được tích lũy qua việc hành thiền tốt đẹp mỗi ngày. Tôi biết ơn là đã học được sự tĩnh lặng kỳ diệu này, không phải sự yên lặng của ngoại cảnh vốn có thể kinh nghiệm ngay cả khi tâm dao động, mà là sự tĩnh lặng nội tại thoát khỏi những độc thoại nội tâm xuất phát từ nỗi sợ hãi và sự đề cao bản ngã, làm bạn mất đi tính nhạy bén đối với [những gì đang diễn ra] ở đây và bây giờ.
Tôi thực sự không thể nghĩ gì xa hơn tháng Một, hoặc vài tuần sắp tới, khi tôi đi hóa trị lần tiếp theo. Lần đến bệnh viện gần đây nhất, bác sĩ cho biết là khối u đã phát triển và ông ấy sẽ cho tôi về nhà, không điều trị gì thêm nữa. Tôi ngồi một mình trong bệnh viện sau một lần hóa trị. Người lái xe đưa tôi đến đã rời đi vì nghĩ tôi sẽ ở lại bệnh viện trong bốn ngày điều trị. Bác sĩ bảo tôi là khối u đó không teo lại, thậm chí không ổn định như cũ mà đã to hơn. Tôi ngạc nhiên thấy mình lắng nghe bác sĩ nói mà không xúc động quá mức. Tôi không nghĩ là sẽ nhận tin xấu trong ngày đó, nhưng tin này thực sự là quá xấu. Rồi sự thể hóa ra lại đổi khác 4 giờ sau đó, khi bác sĩ điều trị ung thư yêu cầu chụp hình lần nữa và xác định rằng mặc dù khối u đã to lên, nhưng giảm đi 75% khối lượng. Vì vậy ông quyết định cho tiếp tục việc hóa trị. Lại thêm một ngày khó khăn nữa. Cách duy nhất để vượt qua những việc này là thực hành sống ngay trong khoảnh khắc hiện tại.
Bà Virginia: Cô ngạc nhiên nhưng cô không phản ứng. Có phải một phần nào đó trong tâm cô bình thản quan sát các cảm giác nhờ cô đã rèn luyện bản thân mình như thế?
Cô Susan: Có lẽ vậy. Tôi có thể hình dung người khác sẽ ngã quỵ. Tôi cũng hình dung được chính mình ngã quỵ. Đây đã là tin khủng khiếp nhất. Trước đây họ nói có chút cơ may hóa trị thành công và bây giờ bác sĩ nói cái cơ may nhỏ nhoi kia cũng không còn nữa, nó đã không xảy ra.
Bà Virginia: Cô nói rằng cô không muốn phần còn lại của cuộc đời mình, dù là bao lâu, bị lấy mất đi, và cô muốn sống từng khoảnh khắc hiện tại. Cô có thể diễn tả lại điều này bằng lời lần nữa không?
Cô Susan: Quả đúng là như vậy. Đó là một vấn đề thực tiễn. Tôi không muốn đánh mất bất kỳ thời gian nào còn lại của đời tôi trong sự sợ hãi, giận dữ, bực tức và tiếc nuối. Và cách duy nhất tôi có thể làm được như vậy là nhìn vào những gì đang xảy ra ngay vào lúc này, chứ không phải những gì tôi mong muốn xảy ra – nhìn mọi sự vật đúng thật như chúng đang hiện hữu và thoát khỏi những mong đợi rằng sự việc phải như thế nào đó.
Bà Virginia: Sự tự do của cô đến từ việc sống trong khoảnh khắc hiện tại và không phản ứng?
Cô Susan: Đúng vậy. Hiện nay tôi biết là ta cần phải cảm nhận được ý nghĩa đúng thật của ý tưởng này. Bây giờ người ta nói quá nhiều về chánh niệm. Điều này trở thành phong trào. Nhưng đó toàn là sự tự tôn tô đậm bản ngã. Tôi tỉnh thức. Tôi sống trong hiện tại. Khi bạn thực sự ý thức được chính mình đang sống trong hiện tại, bạn không ý thức được việc mình đang ý thức. Bạn không nghĩ về tự thân sự tỉnh thức đó. Đối tượng sự tỉnh thức của bạn là sự sinh khởi và diệt đi trong từng khoảnh khắc thời gian. Bạn không thể cùng lúc dính mắc vào bản thân và tầm quan trọng của bạn, bởi vì điều đó cũng đang sinh khởi và diệt mất, mãi mãi như vậy. Bản chất sự hiện hữu của chúng ta xét đến cùng là vô thường. Tất cả chúng ta đều biết vậy và nói đi nói lại mãi điều này, nhưng khi bạn chứng nghiệm được sự thực này trong từng khoảnh khắc, thì bạn cũng không còn quan tâm đến tự ngã nữa. Nó không còn quan trọng. Đây là một ý niệm đơn giản, nhưng đồng thời cũng rất nan giải. Cho dù tôi sẽ chết sớm hay không phải chết sớm, tôi thực sự chỉ có mỗi điều này, khoảnh khắc hiện tại này.
Kṣhaṇa kṣhaṇa kṣhaṇa kṣhaṇa bītate,
jīvana bītā jāya.
Kṣhaṇa kṣhaṇa kā upayoga kara,
bītā kṣhaṇa nā āya.
—Hindi doha, S. N. Goenka
Từng khoảnh khắc tiếp nối, tiếp nối,
Đời sống cứ vuột qua,
Hãy sống trọn từng khoảnh khắc,
Mỗi khoảnh khắc trôi qua chẳng bao giờ trở lại.
Thi kệ (doha) Hindi - S. N. Goenka