Sau đây là bản dịch một bài viết của ngài Goenkaji, ban đầu được đăng trên Bản tin Vipassana bằng tiếng Hindi (Hindi Vipaśhyana Patrika), số tháng 2 năm 1994. Cuộc đời tôi đã trải qua 70 mùa thu. Ai biết được sẽ còn lại bao nhiêu mùa thu nữa? Làm thế nào để thời gian còn lại có thể được sử dụng tốt nhất? Mong cho sự tỉnh giác này luôn được duy trì.
Trong dịp này, tôi chợt nhớ đến những lời dạy đầy lợi lạc của đức Phật. Những lời này được ngài nói ra ở thành Xá-vệ (Sāvatthī), trong vườn Kỳ thọ Cấp-cô-độc (Anāthapiṇḍika’s Jetavanarāma).
Vào lúc đêm tối, một vị thiên tử cõi trời đến gặp Phật. Vị này bày tỏ những cảm nghĩ của mình với đức Phật qua hình thức một bài kệ bốn câu:
Accenti kālā, tarayanti rattiyo
Vayoguṇā anupubbaṃ jahanti
Etaṃ bhayaṃ maraṇe pekkhamāno
Puññāni kayirātha sukhāvahāni
(Thời gian trôi qua, đêm tối trôi qua.
Đời sống trôi dần đến sự chấm dứt.
Quán sát nỗi sợ cái chết đang đến gần,
Hãy thực hành thiện hạnh để được thiện quả tốt đẹp.)
Ai đó đã nói rất đúng: “Sáng tối thấm thoắt thay nhau, đời sống này cũng chấm dứt nhanh như vậy.” Vì thế, đừng để kiếp người quý báu này luống qua vô ích. Thực hành thiện hạnh mang đến thiện quả, ngay cả khi ta làm điều đó chỉ vì nỗi khiếp sợ cái chết đang đến gần. Nếu ta làm những điều hiền thiện, chúng sẽ mang lại hạnh phúc. Nếu ta làm những điều xấu ác, chúng sẽ mang đến khổ đau. Đây là quy luật tự nhiên không thể chống lại. Vì vậy, để tránh khổ đau và được hưởng hạnh phúc, tốt hơn hết là hãy làm những điều tốt lành và không làm những việc xấu ác.
Chúng ta không thể biết được bao lâu ta đã từng bị nghiền dưới bánh xe luân hồi không ngừng thay đổi, không biết được mức độ hạnh phúc và khổ đau trong đời sống thế gian này, cũng không biết được vòng xoay của những hạnh phúc và khổ đau này sẽ tiếp tục bao lâu nữa trong tương lai.
Đức Phật đã khám phá ra một con đường đơn giản và trực tiếp để giải thoát hoàn toàn khỏi vòng xoay sinh tử này và tạo điều kiện dễ dàng cho bất cứ ai cũng có thể đi theo con đường ấy. Ngài dạy mọi người phương pháp Vipassana dẫn đến sự giải thoát. Bằng cách thực hành phương pháp này, người ta có thể tự cứu mình thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi và đạt đến hạnh phúc vĩnh hằng, bất biến, tối thượng của Niết-bàn tịch tịnh - nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ – niềm an lạc tối thượng của Niết-bàn – tuyệt đối siêu việt hết thảy mọi niềm vui thế tục.
Nhưng sự giải thoát này chỉ có thể đạt đến sau khi đã dứt trừ được thói quen buông thả chạy theo những dục lạc thế gian. Và đây chính là điều mà Vipassana giúp chúng ta làm được: dứt trừ những hành nghiệp (saṅkhāra) tầng tầng lớp lớp của tham lam và sân hận vốn nằm sâu trong ý thức của chúng ta. Vipassana giúp trừ bỏ những hành nghiệp của sự tham muốn dục lạc và chán ghét khổ đau. Vipassana xóa bỏ thói quen lâu đời của sự phản ứng mù quáng.
Khi sự tham muốn dục lạc vẫn còn thì sự chán ghét sẽ tiếp tục khởi sinh đối với những khổ đau thế tục. Do tham muốn và chán ghét nên bánh xe sinh tử sẽ tiếp tục luân chuyển. Chỉ khi bánh xe sinh tử bị phá vỡ thì mới có thể đạt đến sự an lạc tối thượng, [vì sự an lạc này] vốn là siêu thế - vượt ngoài thế tục, vượt ngoài luân hồi, vượt ngoài phạm trù các giác quan. Chính vì mục đích như thế mà đức Phật đã giảng dạy phương pháp Vipassana thiết yếu này.
Vì vậy, sau khi nghe qua bài kệ, đức Phật liền thay đổi dòng kệ thứ tư:
Lokāmisaṃ pajahe santipekkho
(Người mong cầu an lạc tối thượng phải từ bỏ sự tham muốn những hạnh phúc thế tục.)
Chỉ bằng cách nỗ lực nhiệt thành thực hành phương pháp Vipassana chúng ta mới có thể trừ bỏ được những tham muốn thế tục. Trong khi thực hành Vipassana, thiền sinh phải duy trì sự tỉnh giác về cái chết chắc chắn phải đến của mình, nhưng không mảy may sợ hãi. Bất cứ khi nào cái chết xảy đến, ta phải liên tục chuẩn bị đón nhận với một tâm thức bình thản.
Vào sinh nhật của mình, một thiền sinh chắc chắn phải xem xét lại quá khứ. Người ấy phải khởi lên quyết tâm mạnh mẽ không bao giờ lặp lại những lỗi lầm đã mắc phải, và tiếp tục thực hành những thiện hạnh trong suốt phần đời còn lại của mình. Thiện hạnh quan trọng nhất là sự thực hành phương pháp giải thoát Vipassana. Hãy tinh tấn thực hành Vipassana. Đừng xao nhãng. Sự thực hành của hôm nay đừng hoãn lại đến ngày mai. Hãy để những lời Phật dạy sau đây vang vọng mãi bên tai như một lời cảnh giác:
Ajjeva kiccamātappaṃ
Kojaññā maraṇaṃ suve
Hãy thực hành ngay công phu thiền định của hôm nay. (Đừng trì hoãn.) Ai biết được, cái chết có thể đến vào ngày mai. Chúng ta không mời gọi cái chết, nhưng khi nó đến cũng không cần sợ hãi. Chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng trong từng giây phút.
Thỉnh thoảng, chúng ta nên thực hành pháp tử tùy niệm (maraṇānusati - tỉnh giác về cái chết). Theo kinh nghiệm của riêng tôi, điều này rất lợi lạc. Khi thực hành pháp tu này, chúng ta nên tự quán xét tâm ý mình: “Nếu ta chết vào sáng mai, phẩm chất của tâm thức ta trong giây phút cuối cùng sẽ như thế nào? Liệu có còn bất kỳ sự bám chấp nào không, ngay cả là bám chấp vào việc hoàn tất một pháp sự nào đó?
Bất cứ khi nào hành nghiệp mãnh liệt của một cảm xúc nào đó khởi sinh trong tâm thức, chúng ta nên lập tức thực hành pháp tử tùy niệm này và nhận hiểu: “Nếu ta chết đi ngay vào giây phút tiếp theo đây, cảm xúc này sẽ làm chệch hướng dòng tâm thức tái sinh theo khuynh hướng đáng sợ nào?” Ngay khi sự tỉnh giác này khởi sinh, ta dễ dàng thoát khỏi cảm xúc đó.
Còn một lợi ích khác nữa của việc thỉnh thoảng thực hành pháp tử tùy niệm. Chúng ta suy nghĩ: “Ai biết được ta trôi lăn trong luân hồi đã bao kiếp sống rồi? Kiếp này, nhờ kết quả của thiện nghiệp nào đó, ta đã có được thân người quý giá này, ta cũng gặp được Chánh pháp thuần tịnh, ta đã phát triển được niềm tin vào Chánh pháp, thoát ra khỏi những tập tục, lễ nghi, triết lý vô nghĩa và vượt qua rào chắn phân biệt tông phái. Thế nhưng ta đã được lợi lạc gì từ những điều này?”
Sau khi có sự suy xét đánh giá như vậy, bất kỳ khiếm khuyết nào được nhận biết, ta sẽ phát triển được nhiệt tâm để tu sửa. Liệu cái chết sẽ đến vào sáng mai hay sau trăm mùa thu nữa, ta không biết. Nhưng bất kể ta còn phải sống bao nhiêu ngày nữa, ta sẽ sử dụng thời gian này để hoàn thiện các ba-la-mật (pāramitā) với một tâm mãn nguyện và làm cho cuộc đời ta đầy ý nghĩa. Bất kỳ kết quả như thế nào, cứ để chúng xảy đến. Bất kỳ khi nào chúng đến, cứ để chúng xảy đến. Và ta sẽ phó thác cho Dhamma. Về phần ta, với nỗ lực tốt nhất trong khả năng của mình, ta sẽ vận dụng tốt thời gian còn lại trong cuộc sống quan trọng này.
Với mục đích này, chúng ta hãy ghi nhớ mãi những lời khuyến hóa của đức Phật:
Uttiṭṭhe nappamajjeyya dhammaṃ sucaritaṃ care.
(Hãy nỗ lực! Sống đời Chánh pháp với tinh cần.) Cứ tiếp tục sống đời Chánh pháp thì kết quả tự nhiên sẽ là lợi lạc.
—S.N. Goenka
Tumhehi kiccaṃātappaṃ,
akkhātāro tathāgatā; paṭipannā pamokkhanti, jhāyino mārabandhanā.
—Dhammapada 20.276
Tự mình phải nỗ lực. Bậc giác ngộ chỉ là người chỉ đường. Người thực hành thiền định sẽ tự cứu mình thoát khỏi xiềng xích của cái chết.—Kinh Pháp cú, phẩm 20, kệ số 276
Sabbapāpassa akaranaṃ,
kusalassa upasampadā;
sacittapariyodapanaṃ,
etaṃ buddhāna sāsanaṃ.
—Dhammapada 14.183
Không làm các việc ác,
Thành tựu các hạnh lành.
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.
—Kinh Pháp cú, phẩm 14, kệ số 183
Đức Phật không dạy pháp khổ đau. Ngài chỉ dạy con đường dẫn đến hạnh phúc. Nhưng ta phải nỗ lực hết sức mình bước đi không do dự. Cho dù chân đau mỏi, đừng bỏ cuộc. Hãy biết rằng những bậc trí giả trong quá khứ đều đã bước đi trên chính con đường này.—Venerable Webu Sayadaw