Khi cái chết cướp đi một đứa con của chúng ta, bất kể đứa con ấy bao nhiêu tuổi, điều đó luôn là một nỗi đau không sao nói hết. Nỗi đau này quá lớn đến nỗi trong nhiều trường hợp, các bậc cha mẹ không thể tiếp tục là nguồn sức mạnh nâng đỡ cho nhau và cuộc sống hôn nhân suy sụp hoàn toàn.
Đau khổ là một tâm hành khắc sâu và khó chịu, nhưng hành thiền có thể giúp ta đối phó với sức mạnh của nó. Thông qua thực hành thiền hằng ngày, sự hiểu biết về vô thường cũng như sự phát triển mức độ bình tâm của ta đối trước sự vô thường sẽ trở thành nơi an trú, một nơi an trú giúp ta lấy lại sự quân bình và sức mạnh để tiếp tục sống.
Sự thực hành của chúng ta có năng lực chữa lành những cảm xúc và làm quân bình tâm trí. Trên con đường bình tâm chấp nhận [vô thường] có sự giải thoát rốt ráo khỏi khổ đau.
Attanā hi kataṃ pāpaṃ,
attanā saṃkilissati;
Attanā akataṃ pāpaṃ,
attanāva visujjhati.
Suddhī asuddhi paccattaṃ,
nāñño aññaṃ visodhaye.
—Dhammapada 12.165
Tự mình làm điều ác
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình không làm ác,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai!
—Kinh Pháp Cú, Phẩm 12, kệ số 165
Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu
Quà tặng vô giá Sau cái chết đột ngột của đứa con trai, một người mẹ viết thư cho thầy Goenkaji bày tỏ lòng biết ơn về món quà tặng Dhamma vô giá. Con muốn kể với thầy về một sự kỳ diệu của pháp thực hành [thiền] này mà con có được ngay trong biến cố thảm khốc nhất của cuộc đời con.
Con là một phụ nữ góa chồng có hai đứa con. Một buổi tối Chủ nhật, con nhận được điện thoại báo tin con trai con đã chết trong một tai nạn xe hơi. Nó vừa được 30 tuổi. Thằng bé cũng là người bạn thân thiết nhất của con. Nó có sự gắn kết hoàn hảo với Giáo pháp, với nghệ thuật cũng như mọi lãnh vực trong đời sống.
Con gái con đến thăm đúng lúc con vừa nhận được hung tin và cả hai chúng con đều như tê liệt hoàn toàn. Ngay lúc đó, những ý nghĩ đầu tiên là: “Thôi hết rồi! Đây là một sự vô thường quá khốc liệt và mình không thể làm gì được cả!”
Cú sốc ban đầu của hung tin khiến cho tâm thức phản ứng bằng sự đau đớn khủng khiếp. Điều này ngay lập tức tác động vào cơ thể, và tuyến thượng thận tiết ra một loại độc tố khiến con rất yếu ớt, cộng thêm vào chứng mỏi mệt kinh niên sẵn có.
Ngày đầu tiên sau đó, con khóc rất nhiều lần, nhưng con nhận ra là những lần khóc thương này chỉ kéo dài trong vài giây. Con nghĩ, tâm thức con đã tự động hướng về những cảm giác, trái hẳn với trước đây con thường khóc lóc trong nhiều giờ.
Nhưng vào ngày thứ hai, điều kỳ diệu đã xảy ra. Đột nhiên con cảm thấy rất an ổn, hoàn toàn chấp nhận sự việc đã xảy ra và tâm thức không còn cảm thấy như lăn lộn trong đau khổ. Cảm giác rất giống như con vừa qua nhiều ngày tu tập thiền ānāpāna (quán niệm hơi thở). Con không hiểu điều gì đã xảy ra với con. Con chưa từng trải qua trạng thái tâm thức như vậy sau khi bấn loạn. Trong thực tế con đã từng là một người rất đa cảm và con phải tự hỏi mình: “Phải chăng mình đã trở nên vô cảm hay thờ ơ?”
Trong tất cả những năm thực hành pháp thiền này, con chưa từng thực sự nhận ra một sự bình tâm rõ rệt trước những thăng trầm đổi thay trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng con cảm thấy dường như việc thực hành đúng đắn và kiên trì đã dần dần tích lũy nên sự bình tâm một cách lặng lẽ, từng chút một trong tiềm thức. Đột nhiên, sau cú sốc nặng nề, toàn bộ khả năng bình tâm ấy đã vươn lên bề mặt ý thức và hiện hữu ở đó.
Thật là mầu nhiệm! Đã trải qua hai tháng sau biến cố và khả năng bình tâm vẫn còn nguyên đó. Tất nhiên, thỉnh thoảng cũng có một mẩu ký ức đột nhiên hiện về như nhát dao đau nhói chém vào mạn sườn hay đâm vào lồng ngực. Nhưng nhờ sự thực hành thiền, ngay lập tức tâm thức liền nhớ hướng đến “thở vào, thở ra, quan sát cảm giác”. Và qua ba hoặc bốn hơi thở như vậy, con thoát ra khỏi cơn đau và duy trì được một thời gian dài.
Chúng ta có một phương pháp thật kỳ diệu biết bao! Một số người nhìn thấy con trong trạng thái tinh thần như vậy thì nghĩ là có lẽ con vẫn không chấp nhận sự thật, hoặc con đang cố kiềm nén tiếng khóc – có lẽ để chứng tỏ mình là một thiền sinh Vipassana. Nhưng con đã tự phân tích tâm mình và không thấy có dấu hiệu nào của những ý tưởng như vậy.
Vì thế, thưa thầy Goenkaji, con muốn được nghe ý kiến của thầy, liệu trạng thái tâm thức như vậy có phải là một hiện tượng bình thường, đến với mọi thiền sinh vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời họ? Nếu đúng là như vậy thì kinh nghiệm của con là một bằng chứng thực tế cho thấy kỹ thuật thiền Vipassana có hiệu quả kỳ diệu.
Bằng chứng này không cần thiết với con, vì con chưa bao giờ nghi ngờ điều đó, nhưng nó cần thiết cho những người vẫn còn hoài nghi.
Con trai con đã thọ trì giới luật rất nghiêm cẩn trong 8 năm qua. Cháu cũng hiểu biết rất sâu xa về Giáo pháp, không chút nghi ngờ. Cháu là một người rộng lượng và rất bình tâm. Con hy vọng tất cả những phẩm tính đó sẽ cho cháu cơ hội được tái sinh làm người trong Giáo pháp Phật-đà để có thể tiếp tục thanh lọc tâm thức.
Con cảm thấy vô cùng vinh hạnh và may mắn trong cuộc đời này khi gặp được thầy là bậc minh sư mà con học hỏi được quá nhiều. Con cầu mong thầy được kiện khang trường thọ. Con thành kính tri ân đức Phật Thích-ca, các bậc đạo sư truyền thừa, và đặc biệt là thầy, Goenkaji, người đã ban cho con một món quà vô giá.
Với tất cả tâm từ,
Gabriela Lonita