Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chớ quên mình là nước »» Bởi vì chiều buồn chiều về dòng sông »»

Chớ quên mình là nước
»» Bởi vì chiều buồn chiều về dòng sông

Donate

(Lượt xem: 3.529)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Chớ quên mình là nước - Bởi vì chiều buồn chiều về dòng sông

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Mancher findet sein Herz nicht eher,
als bis er seinen Kopf verliert –

Có kẻ không tìm thấy trái tim mình,
mãi đến khi cái đầu họ bị mất đi.
(Friedrich Nietzsche)

[ 1 ]

Một hôm tôi tình cờ đọc được một bài giới thiệu sách của Phạm Thị Thủy viết về tác phẩm Đi Dọc Dòng Sông Phật Giáo của tác giả Trần Đức Tuấn. Thú thật, thấy sao bài viết ngắn quá, đọc xong vẫn thấy thèm. Tôi phải nhắn người nhà tìm mua cho bằng được cuốn sách ấy và gởi sang. Lúc đọc được sách mới giật mình, lòng ngưỡng mộ một dòng sông trải dài qua các truyền thống Phật Giáo càng thêm lên. Tôi thèm, ước chi mình có lần được như tác giả Trần Đức Tuấn, đi dọc chiều dài của dòng sông ấy. Tác giả đã đi tổng cộng 15 lần để thực hiện phim Mê Kông Ký Sự.

Dòng sông Mê Kông trải dài trên các miền đất Phật, kinh qua tất cả truyền thống Phật Giáo. Khởi đi từ Kim Cương Thừa tận trên núi cao của miền đất Tây Tạng (nay là vùng tự trị thuộc miền bắc tỉnh Vân Nam, Trung quốc), từ đó sông chuyển mình qua truyền thống Đại Thừa Phật Giáo ở tỉnh Vân Nam, Trung quốc. Rồi Mê Kông lại uốn khúc đi vào truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy của các nước Miến Điện, Lào, Thái Lan và Cam Bốt. Từ đây Mê Kông tách làm hai nhánh (Tiền và Hậu giang) đi vào Việt Nam, nơi có cả hai truyền thống Nam truyền (Nguyên Thủy) và Bắc truyền (Đại Thừa) sống hòa nhập như hai anh em ruột. Đây cũng là điểm rất đặc biệt của dòng sông Mê Kông với hai nhánh sông Tiền, sông Hậu mà cũng là điểm đặc biệt của hai truyền thống Phật Giáo vùng đồng bằng sông Cửu Long. Rồi Cửu Long lại vươn mình hóa thành chín con rồng đổ vào lòng biển cả Thái Bình Dương.

Viên thành một đại nguyện!

Tôi lại còn có thêm một ước mơ nữa. Mơ được một lần nếm lại vị (ngọt, chát, bùi bùi) của một “giọt nước đầu nguồn”. Ngày xưa cũng đã từng nhiều lần đi thuyền trên sông, sao không nhảy ùm xuống tắm một lần cho thỏa thích, sao không bơi lội, không ngụp lặn trong dòng nước đục của Cửu Long Giang. Thời ấy còn trẻ quá nên ham chơi, chưa ý thức được điều đó. Bây giờ thì hối tiếc.

Định bụng chờ sách đến sẽ đọc một mạch cuốn ký sự Đi Dọc Dòng Sông Phật Giáo hấp dẫn ấy. Vậy mà khi nhận được, xem Mục Lục tôi đã lật ngay đến gần cuối sách, đọc 40 trang cuối, rồi tự dưng thấy sao… nước mắt tự động chảy ra. Rồi đọc lại. Đó là Phần V- Trên Đất Nước Việt Nam. Hôm sau vào văn phòng in ra giấy lớn tấm bản đồ của dòng sông Cửu Long, dùng bút màu tô tô vẽ vẽ, ngồi đếm, đối chiếu những chi tiết tác giả viết trong sách.

Cửu Long là chín con rồng bay lượn với Tiền và Hậu Giang, mang phù sa nuôi sống những cánh đồng màu mỡ rồi cùng hẹn nhau ở đại hải Thái Bình Dương. Tác giả Trần Đức Tuấn và đoàn làm phim đã dùng máy bay trực thăng M18 lượn vòng trên cao để quan sát thì chính xác rồi.

Không còn nghi ngờ gì nữa: chín con rồng “Cửu Long” giờ đây đã chết mất đi một con (sau này còn nghe chết thêm một con nữa).

Cái chết của một cửa sông

Từ bao giờ con người đã biết rằng muốn sống thì phải biết sống thuận theo thiên nhiên. Triết lý của Trung Hoa xưa, từ Lão, Khổng, Trang… đều nói không biết bao nhiêu lời khuyên như thế.

Thi sĩ Tô Đông Pha có thời đến một khu đất có tên là Đông Pha, nằm về phía đông của Hoàng Châu và làm ruộng ở đó. Ông có sáng tác tám bài thơ thuật sự tại đây để tả cảnh sinh hoạt thường ngày của mình, trong đó có bài thơ thứ năm, ông nhắc về việc làm ruộng:

“Lương nông tích địa lực
Hạnh thử thập niên hoang
Tang giá vị cập thành
Nhất mạch thử khả vọng…”

Tuệ Sỹ dịch:

Nhà nông giỏi thì biết tiếc sức đất.
Đất này nhờ mười năm bỏ hoang
Dâu đỏ dâu đen chưa đến lúc lớn,
Có thể mong được một mùa lúa mạch.

Vâng, làm ruộng mà không cho đất nghỉ, không “biết tiếc sức đất”, chẳng khác nào mình tự mang cái nghèo đeo lên cổ mình vậy. Cụ Tô Đông Pha chỉ mới nói về đất, với nông nghiệp thì nước cũng thế, cũng phải “biết tiếc sức nước”. Vậy mà hậu duệ của cụ đang muốn đeo cái gông ấy lên cổ mình đây.

Đó là chuyện một dòng sông, một đại trường giang, Đại trường giang Mê Kông xuất phát từ thượng nguồn xứ Tây Tạng. Tôi biết tìm đâu “ngụm nước đầu nguồn” của dòng sông Phật Giáo kỳ vĩ và bí ẩn này.

Xin nhắc lại vài dữ kiện địa lý. Mê Kông - một trong những đại trường giang vĩ đại của địa cầu, với chiều dài hơn 4.880km. Thượng nguồn Mê Kông, từ cao nguyên Tây Tạng chảy qua 6 nước là Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và đổ ra biển Đông bằng chín cửa sông nên gọi là Cửu Long. Người Tây Tạng nói rằng linh hồn sông nằm ở nơi mà họ gọi là “Dza Chu” (dòng sông của những tảng đá), chảy ra từ các hồ Zaxiqiwa thần bí ở cao nguyên Tây Tạng rất cao và rất khô, nằm ở một vùng hẻo lánh của tỉnh Thanh Hải thuộc Trung Quốc. (Theo BBC Travel)

Từ Phnom Penh (Campuchia), sông Mê Kông tách ra làm hai nhánh đổ vào Việt Nam là sông Tiền và sông Hậu, cả hai đều chảy ra biển với chiều dài mỗi sông chừng 250 cây số.

Theo An Nam Đại Quốc Họa Đồ của Taberd năm 1838, sông Cửu Long có 9 cửa lần lượt từ đông bắc xuống tây nam gồmː

Sông Tiền đổ ra biển bằng sáu cửa: cửa Tiểu (1), cửa Đại (2), cửa Ba Ray (3), cửa Bãi Ngao (4), cửa Băng Côn (5), cửa Cổ Chiên (6).

Sông Hậu đổ ra biển bằng ba cửa: cửa Vam Rây (7), cửa Cha Vang (8), cửa Ba Thắc (Bát Sắc hay Bassac) (9).

Một phần bản đồ các cửa sông của hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang (sông Cửu Long) theo An Nam Đại Quốc Họa Đồ của Taberd năm 1838

Đoàn làm phim của ông Trần Đức Tuấn nói, trên máy bay trực thăng họ cố ý định hình cho ra cửa Bát Sắc nhưng không thấy được. “Chúng tôi đem câu chuyện tám cửa trình bày với các nhà chuyên môn, các học giả và đã làm tất cả ngạc nhiên vô cùng bởi họ đinh ninh Mê Kông còn đủ chín cửa.” (Sđd, tr. 335)

Và thêm: “Đoàn làm phim Mê Kông Ký Sự đã khảo sát thực địa bằng cả đường bộ, đường thủy và trực thăng nhưng đều không thể tìm thấy cửa Bát Sắc mà bản đồ thuộc Pháp còn ghi lại nằm giữa hai cửa Định An và Trần Đề trên địa phận Cù Lao Dung. Tất cả mọi cư dân địa phương, từ già tới trẻ, khi được chúng tôi hỏi đều nói rằng họ không hề thấy hoặc nghe nói về một cửa sông Bát Sắc nào cả. Vậy là dòng sông kỳ vĩ nhất chứa muôn vàn bí ẩn lạ lùng suốt từ thượng nguồn đến phút chót của lộ trình ngàn dặm phủ lên bờ Thái Bình Dương một bức màn bí mật. Phải chăng đó là một trong những nét hấp dẫn vĩnh cửu của dòng sông Phật giáo: thơ mộng, kì vĩ, linh diệu, bí ẩn và mơ màng.”

Vậy một con rồng của Tiền Giang đã chết. Ở Hậu Giang thì hiện nay, cửa sông Ba Lai được thay thế bằng hệ thống cống đập ngăn mặn chặn vĩnh viễn dòng chảy, chỉ xả lũ ra cửa biển khi cần.

Cửu Long bây giờ là 7 con rồng. Nói sao nghe khó lọt lỗ tai quá.

Hèn chi chật chội. Hèn chi sinh sự!

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Đại học Cần Thơ) phân tích, việc cửa Ba Lai “chết” rất đáng lo ngại, bởi sự bồi lắng ở cửa sông này là do con người tác động. Hệ thống cống - đập Ba Lai được xây dựng nhằm mục tiêu ngăn mặn giữ ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của nó là gây nhiễm phèn ở các vùng sản xuất lúa ngày càng nghiêm trọng hơn, trong khi lượng nước ngọt lại không đủ dùng trong sản xuất. Bên cạnh đó là quá trình ô nhiễm môi trường từ các chất thải sinh hoạt và sản xuất diễn ra nhanh hơn đã tác động ngược lại đến sinh hoạt và sản xuất của con người. Cũng theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, sự việc 2 trong 9 cửa Cửu Long đang chết đi có thể sẽ là tiền đề để mở ra những cửa sông khác. Vì nếu lượng nước đổ ra 7 cửa còn lại quá lớn thì theo quy luật tự nhiên nó sẽ mở thêm các cửa sông khác để phục vụ việc tiêu thoát nước.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là trong khoảng hai thập niên gần đây, hiện tượng sạt lở ở đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long diễn ra nhanh hơn nhiều năm về trước, đặc biệt ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Tổng cục Môi trường Việt Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh An Giang, khu vực ven sông Tiền có 13 điểm sạt lở, với cung trượt 2 - 30m/năm và 25 điểm sạt lở dọc bờ sông Hậu, mức độ sạt lở ngày càng tăng. Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 99 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 172 km, nhiều nơi sạt lở ăn sâu vào bờ đến 25m. Không chỉ ở đầu nguồn, sạt lở còn đe dọa nhiều địa phương khác như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau...

Thế giới đang báo động về thảm họa do con người tạo ra làm hư hại môi trường thiên nhiên. Thế nhưng đâu phải chỉ các nước Fidschi, Kiribati… thuộc châu Đại Dương, hay những quốc gia ở châu Phi đang bị cuốn trôi vào lòng biển cả. Ngay trên quê hương mình, ngay trên dòng sông Cửu Long hiền hòa bao nhiêu đời nay, bây giờ cũng đang bị tai họa ấy. Chỉ có điều, những người dân miền Tây chất phát hiền hòa, thấp cổ bé họng không kêu la gì nên không ai hay biết đến. Còn có kẻ hay biết đến thì lại lo bỏ đầy túi nên phớt lờ đi.

Đại Học Thủy Lợi ở Hà Nội có đăng tải một Clip Video bài thuyết trình của Tiến sĩ Tô Văn Trường với đề tài “Tác động môi trường của hệ thống đập thủy điện trên sông Mê Kông” đưa ra ba mối đe dọa cho đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta. Ba mối đe dọa ấy là: các đập chắn, khai thác cát và mực nước biển dâng.

Ba mối đe dọa ở đồng bằng sông Cửu Long

Về mối đe dọa 1: Các đập chắn phục vụ thủy điện. Có thể đây là mối đe dọa bậc nhất, không những đối với dòng sông, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự sống còn của bao nhiêu con người ở hạ nguồn Mê Kông.

Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã áp dụng chính sách phát triển kinh tế bằng mọi giá và họ đã nhận ra rằng chính sách không khôn ngoan này đã ô nhiễm nghiêm trọng không khí, nước và môi trường. Trong hai mươi năm qua có một chương trình khai thác thủy điện trên sông Mê Kông (Richard Cronin, 2010; Scott Pearse-Smith, 2012). Tính đến năm 2014, có 26 đập thủy điện trên dòng chính, 14 đập trên sông Lan Thương (tên của thượng nguồn Sông Mê Kông ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và 12 đập trên hạ nguồn Mê Kông. Lớn nhất và đắt giá nhất (khoảng 10 tỷ USD) trên sông Mê Kông cho đến nay là đập Nuozhadu, được hoàn thành vào năm 2014 với chiều cao 261m, một hồ chứa dài 226 km và công suất 5.850 MW. Ít nhất tám đập lớn khác cũng đang được lên kế hoạch ở Trung Quốc (Theo Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh: Cái chết của Mekong, Dòng Sông Phật Giáo).

Người Trung Quốc làm thì người Lào cũng bắt chước theo. Hiện nay họ đã và đang xây dựng 4 đập nước là Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng và Pak Lay.

Đứng trước ba mối đe dọa chết người ấy, tôi, một người Việt đang ngồi bình an giữa châu Âu còn có lời nào để nói thêm đây? Tôi đi lại bằng xe hơi trên các đường nhựa êm ả, tôi ngồi viết các dòng này trong một căn phòng ấm áp, vân vân và vân vân. Tôi chưa từng lạnh với mình trần của người dân Lục tỉnh, chưa đói với cái bao tử của đồng bào tôi. Do vậy, làm sao tôi có thể nói hết được nỗi lòng của người dân hạ nguồn Mê Kông? Có chăng, tôi chỉ có thể để cho những giọt nước mắt của mình chảy dài để chia sẻ nỗi thống khổ của người dân miền Tây hiền lành chất phát.

Tôi cũng không có tham vọng viết bài này như sự tổng hợp các nguồn nghiên cứu, số liệu đã có sẵn trong sách vở hay trên mạng Internet. Chỉ xin nói bằng nỗi lòng của một con người đã từng có những ngày bình yên với Cửu Long ở Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Sóc Trăng… cũng từng có những ngày hồi hộp, lo sợ cho những chuyến vượt sóng ra khơi ở Bến Tre, Vĩnh Long.

Tôi phải mượn những lời này (xin phép các tác giả) của những người con Lục tỉnh miền Tây. Vì chỉ có các anh, chị... những người đang sống ở đó, mới cảm nhận tê tái những cái mất mát đang gặm nhấm tâm hồn, như con người mất dần mỗi ngày từng ngón tay, ngón chân, hay tế bào trong mình.

Về mối đe dọa 2: Khai thác cát dưới lòng sông phục vụ xây dựng trong suốt hơn 20 năm qua đã làm lở đất sập nhà của những người sống ở mé sông, xin mượn lời của tác giả Khải Đơn trong tác phẩm Mekong Phù Sa phiêu bạt. Xin đọc vài đoạn văn ngắn của nữ ký giả này, người có nhiều quan hệ với sông nước miền Tây.

Chết ở Cửu Long (tr. 193)

“Người đàn ông dong chiếc đò mỏng manh ra khỏi cửa sông. Ngoài kia là nước biển. Không lẫn được. Nước sông đục, trong khi biển sạm dần rồi xanh biếc ra. Thuyền lả lướt như mảnh lá không định điểm rơi. Ông đi tìm mộ đứa con mình ngoài kia. Cái cồn đó là doi đất vừa biến mất dưới dòng nước sau một đợt lở bờ dữ dội.

“Hình ảnh đó, thầy giáo tôi thu vào một cuốn phim. Tôi muốn hỏi xem người đàn ông ấy có tìm được mộ con không nhưng đã im lặng. Trong phim, người đàn ông trở vào. Mất xác con. Mất cồn. Mất mái lá xanh xao đọng trong mắt. Xanh thẳm có thể nuốt chửng cả vùng đất tím dài kéo ra tới biển.

“Mộ phần là biểu tượng nhắc người sống nhớ về sự tồn vong của gốc rễ. Họ từng yêu lắm một ai. Họ từng có cha đứng chờ trên đó. Họ từng có má phơi cá trên đồng nắng. Người chuyển động. Thở. Mất đi. Đã có mộ phần làm mỏ neo. Người sống nhận ra mình không chỉ vì một ai đó còn thở, mà còn sống trong lưu dấu của người đã rời cõi trần. Nhưng ở Mekong thì sao? Nếu mộ phần rã theo làn nước và trôi ra biển.”

Người Cồn Lở (tr. 200)

“Miền Tây mỗi năm lở 891 km. Không dừng lại. Đầu tiên là đường sụt xuống một hố nước. Đứng trên bờ nhìn xuống, người ta chờn chợn tóc gáy. Rồi cả con đường bị nuốt chửng giữa trưa hè êm ả. Rộp. Rồi ầm. Ầm. Ầm. Như thủy quái trong hốc nước sâu trồi lên, há miệng và nhai rau ráu.

[…] Sau khi con đường biến mất là đến nhà cửa…

“Đứng giữa tưởng niệm là đổ nát, tôi ghép nối Tân Châu với bờ kè mới, ghép Hồng Ngự với phố mới ở Long Khánh A, ghép nối công viên bờ kè trong trấn với cồn Châu Ma đã biến mất vĩnh viễn giữa sông Tiền. Dòng sông này là sinh vật đầy cảm xúc. Nó yên lặng như một ông lão đánh cá già nua. Nó giận dữ như một con người đầy khao khát trả đũa. Nó mím môi ngừng khóc như người sống ở kè lở chịu đựng số phận bị xóa sổ nơi sinh tồn. Nó không trừng phạt (như cách người ta hay mô tả thiên nhiên phẫn nộ), mà chỉ là không thể rướn mình chịu đựng thêm những vỡ vụn xác thịt đã xảy ra suốt nhiều chục năm…”

(Ghi chú: Thu hoạch cát chính trong hơn 20 qua là để phục vụ cho các công trình xây cất nhà cửa. Các chủ thầu đã đưa các xà lan tới, dùng xáng cạp bằng kim loại, tra trên đầu cần cẩu, nhúng mình vào dòng nước đục, hốt những nắm cát vàng đổ vào xà lan rồi chở đi).

Con người cần phải sống. Và như suốt ngàn năm nay, họ tìm đến sông để vớt lên những thứ cần cho sinh tồn. Không phải chỉ có cá, nước, hay rau… mà còn là cát. Họ đâu ngờ rằng cát này ra đi cũng đã cuốn đi bao nhiêu xác đồng loại.

Về mối đe dọa 3: Mực nước biển dâng cao. Mực nước biển dâng, nước mặn tràn vào ruộng. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong nhiều năm qua đã nói nhiều về việc cho nước mặn vào đồng ruộng để nuôi tôm bán xuất khẩu. Xuất khẩu đâu không thấy, chỉ thấy tôm đi đường tôm, người và ruộng đất đi đường đất ruộng, và người dân vẫn cứ nghèo cứ khổ (Hội Chợ Sách Frankfurt 2018 đã trao giải thưởng “LiBeraturpreis” cho nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư của Việt Nam qua tác phẩm Cánh đồng bất tận).

Nguyễn Ngọc Tư viết:

“Những cánh đồng trở thành đô thị, những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát, những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hắt hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ). Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng. Tôi đã gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi…”

Nhiều bình luận gia thế giới đánh giá là vấn đề tranh chấp ở Mê Kông sẽ là một vấn đề gay go như tranh chấp Biển Đông. Nếu 6 quốc gia dày xéo một dòng sông như thế thì đâu khác chi 6 đứa con đang dày xéo thân thể người mẹ, vốn đã đang bệnh tật và đang đau khổ.

Ngày xưa, hơn 2.600 năm trước, tại xứ Ấn cũng từng có mối tranh chấp về nước. Và người ta đã ngồi lại giải quyết cùng nhau. Ngày ấy vì chưa có những phương tiện kỹ thuật tiến bộ nên có thể việc tranh chấp dễ giải quyết hơn. Xin kể lại một câu chuyện về việc tranh chấp nước dòng sông.

[ 2 ]

Nước quý hay mạng người quý

Đó là câu chuyện tranh chấp về quyền sử dụng nước sông Rohini giữa bộ tộc Sakya và tộc Koliya trong thời Đức Phật còn tại thế. Đức Phật đã hòa giải vụ tranh chấp nguồn nước sông Rohinī (nay là Rowai) giữa hai dòng tộc Sakya và Koliya. Nhân đó, Ngài đã giảng kinh Tranh Luận (Kalaha Vivada) khiến 500 thanh niên dòng họ Thích Ca cảm kích xuất gia.

Số là năm ấy trời không mưa mà cả hai quốc gia đều thiếu nước tưới ruộng. Mực nước sông Rohini cũng rất thấp. Nước không đủ cho cả hai bên dùng, mà bên nào cũng muốn đắp đập dẫn hết nước sông về phía mình. Từ đó sinh ra xung đột.

Vốn có liên hệ thân tộc sâu xa với cả hai dòng họ Sakya và Koliya, Đức Phật sắp đặt một cuộc gặp gỡ giữa hai vị quốc vương: quốc vương Mahanama và quốc vương Suppabuddha. Vương tộc Sakya ở Kapilavastu và vương tộc Koliya ở Devadaha vốn từng có quan hệ hôn nhân mật thiết, nhiều đời đã kết thành thông gia. Đến thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, phụ vương Ngài là Tịnh Phạn đã cưới cả hai chị em công chúa Mayadevi (Ma Da) và Prajapati (Ma Ha Ba Xà Ba Đề), còn chính Thái tử Tất Đạt Đa cũng đã kết hôn với công chúa Yasodhara (Da Du Đà La) xinh đẹp của vương tộc Koliya.

Đức Phật mời hai vị quốc vương đến thảo luận để tìm một giải pháp hòa giải. Đầu tiên Đức Phật đặt câu hỏi:

– Thưa các đại vương, nước sông quý hơn hay mạng người quý hơn?

Cả hai vị vua đều trả lời là mạng người quý hơn, mạng người là vô giá.

Đức Phật nói:

– Các vị đại vương, nước tưới là đầu mối của cuộc tranh chấp giữa hai nước, nhưng nếu không có lòng tự ái và sự căm giận thì sự tranh chấp về nước tưới sẽ không đủ để đưa tới một cuộc chiến tranh. Các vị đại vương! Chúng ta phải xét lại tâm ý chúng ta. Chúng ta đừng vì lòng tự ái và sự căm giận lẫn nhau mà làm tổn phí máu xương của dân chúng hai nước. Buông bỏ tự ái và giận hờn là chúng ta tháo gỡ được guồng máy chiến tranh. Giải quyết vấn đề tranh chấp về nước tưới không khó. Chúng ta chỉ cần ngồi lại thương thuyết với nhau. Có bao nhiêu nước trong dòng Rohini thì ta chia cho cả hai phía, dù nước không đủ cho cả hai bên. Chúng ta sẽ tìm giải pháp để bên nào cũng được thừa hưởng đồng đều số lượng nước tưới.

Nhờ sự can thiệp của Phật mà hai bên đã đi tới một sự thỏa thuận về vấn đề nước tưới và thiết lập liên lạc ngoại giao thân tình như cũ, chăm sóc nước cho dòng sông Rohini. (Phỏng theo Nhất Hạnh: Đường Xưa Mây Trắng)

Có thể đọc đến đây có người cho rằng sự kiện hai nước tranh nhau dòng sông Rohini khác với thảm họa sáu quốc gia ở Mê Kông hiện nay. Đúng vậy, ngày xưa đánh nhau thì chỉ nhiều nhất vài ngàn người vác đao vung kiếm đâm chém nhau. Bây giờ thì ôi thôi, tàu chiến, máy bay và bom đạn. Không chừng có cả bom nguyên tử nữa. Nhưng, có điều chắc chắn, những vũ khí giết người ấy đều bắn ra từ “lòng” của con người chúng ta. Tôi vẫn tin tưởng rằng, cái chất “nhân” trong con người dù ít dù nhiều cũng khác cái thú tính. Mà ngay cả thú đi nữa thì nó cũng còn có tấm lòng thương yêu. Thêm vào đó, tôi vẫn tin rằng, không một thế lực nào có thể phá tiêu được dòng sông thiêng liêng này. Dòng sông chảy dài gần 5.000 cây số, từ cội nguồn tâm linh Tây Tạng, đi ngang hàng trăm ngôi tu viện, hàng ngàn ngôi chùa Phật Giáo lớn nhỏ. Hàng triệu Phật tử đã dùng nước của Mê Kông cho bao nhiêu nghi lễ tôn giáo.

Hãy cùng hồi tâm lắng nghe lời dạy này của một bậc đạo sư.

“Trái đất là ngôi nhà duy nhất của chúng ta. Hình ảnh trái đất được chụp từ không gian là hành tinh xanh trôi bồng bềnh trong không gian sâu thẳm, đẹp như mặt trăng tròn trong bầu trời đêm quang đãng, hình ảnh này luôn gợi nhắc trong tôi rằng tất cả mọi chúng ta thực sự là những thành viên của đại gia đình loài người cùng chia sẻ ngôi nhà nhỏ này. Tôi miên man với suy nghĩ về việc tại sao loài người lại luôn luôn có những bất hòa và mâu thuẫn lẫn nhau, họ làm thế để làm gì trong khi họ vẫn đang sống trong cùng một ngôi nhà!?”

[ 3 ]
Sao nghe lòng quá đìu hiu!

Xin một lần nữa quay lại chuyện con sông Cửu Long uốn khúc như chín con rồng vươn tới Thái Bình Dương. Trong tôi còn cất giữ, còn ôm ấp không biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp với dòng sông ấy. Từ vùng đất giá lạnh Âu châu xa xôi, cứ mỗi lần có dịp đi đến và đứng bên các bờ sông, dù bất cứ nơi đâu trên trái đất – có thể là sông Elbe (Hamburg), sông Rhein (Koblenz), sông Seine (Paris), sông Donau (Budapest), sông Volga (Moskau-Nga), sông Nil (Cairo-Ai Cập), hay sông Hằng (Varanasi-Ấn)… lúc nào tôi cũng đều nghĩ về các con sông ở Việt Nam. Mười lần như chục. Mỗi lần như thế tôi đều nhận ra những ấn tượng mà mỗi con sông quê nhà để lại trong tôi qua các bài học lịch sử thời còn cắp sách đến trường. Sông Hồng dồn dập đi kèm theo bước chân hào hùng chống ngoại xâm gìn giữ bờ cõi của ông cha. Sông Bến Hải đau thương vì hơn một lần chia cắt hai miền đất nước. Sông Thu Bồn ấp ủ vùng đất cằn cỗi quê hương Quảng Nam. Sông Hương của xứ Huế mộng mơ, gió đưa cành trúc la đà v.v... Còn Cửu Long? Cửu Long hiền hòa như bà mẹ quê chỉ biết thương đàn con dại, thương không một điều kiện nào cả, thương đám con chỉ vì nó là con. Cửu Long mộc mạc như tấm lòng của người dân miền Tây. Cửu Long còn thơ mộng như mối tình của những chàng trai làng và các thôn nữ. Như lời nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy:

Chiều buông trên giòng sông Cửu Long
Như một cơn ước mong, ơi chiều

(…)

Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ
Có khi vui lững lờ; Có khi tuôn sầu u
Bởi vì chiều buồn chiều về giòng sông
Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán
Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn
Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo

(…)

Ngày mai sông về quê mến yêu
Cho trùng dương cũng theo hương chiều
Bể sầu không nhiều nhưng cũng (ư) đủ yêu.

Có phải vì vậy mà người Khmer gọi Mê Kông là Dòng Sông Mẹ? Tiếng Miên chữ “Mê” là “mẹ” còn “Kông” là “sông”. Tại sao? Vì những chàng, những nàng có tên gọi “Buổi chiều Lục tỉnh” hay ham vui, hay dzô dzô ba xị đế, hay hò ơ dí dầu, hay đàn ca tài tử... Nhưng khi buồn quá thì những trò vui đó không khỏa lấp hết nỗi buồn, những chàng hay nàng “Chiều” mới tìm về với Cửu Long. Tâm sự với dòng sông. Yên lặng với dòng sông. Như chàng Tất Đạt của Hermann Hese đã về với dòng sông và lắng nghe dòng sông. Chỉ có dòng sông mới nghe, mới hiểu nỗi buồn của Chiều. Chỉ có dòng sông mới cho đi nhờ một khúc đường đưa người vượt qua cái đoạn buồn ấy. Gọi là “quá giang” – Bác ơi, cho tôi quá giang khúc đường.

Ngày xưa sao thơ mộng vậy. Bây giờ thì…

Bể sầu không nhiều, sao quá đìu hiu?

Ừ, sao thấy đìu hiu quá!

Nhớ da diết đám lục bình trôi trên sông Tiền, sông Hậu. Không biết giờ này chúng lưu lạc ở đâu?




    « Xem chương trước «      « Sách này có 19 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Học Phật Đúng Pháp


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


Kinh nghiệm tu tập trong đời thường


Tự lực và tha lực trong Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.40.53 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...