Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; Tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến Lão Tử
[ 1 ]Sự tuyệt diệu của nước nói không bao giờ hết. Chẳng phải cụ Khổng đã có lần giật mình đó sao, lúc Ngài cùng học trò đứng nhìn dòng nước chảy rồi hoảng hốt: Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ - Trôi chảy ngày đêm không ngừng nghỉ thế này ư?
Trí tuệ như cụ Khổng Khâu mà còn không rõ hết đầu đuôi, huống chi cỡ như mình. Nhưng chúng ta lại có may mắn là sinh sau cụ hơn 2.500 năm, khi khoa học đã mang đến cho ta một số phương tiện tân tiến. Biết bao nhiêu máy móc, dụng cụ khoa học kỹ thuật đã phát triển, đưa đời sống con người vượt qua nhiều chướng ngại để cuộc sống thêm phần thoải mái, dễ chịu hơn.
Tôi đã thử áp dụng những phương tiện hiện đại nhất của y khoa hiện nay để tìm hiểu xem Nước là gì? Trong nước chứa vật thể gì? Biết đâu chừng y khoa có thể khám nghiệm xem Nước của tôi đang bị bệnh gì đây.
Không thể đem cả thau nước đưa vào máy. Bởi lẽ khi chiếc “giường” nằm của bệnh nhân di chuyển thì nước sẽ đổ tràn ra ngoài, nên tôi đã nói các nhân viên dùng chai nước lọc để khám nghiệm. Nước đựng trong chai thì cũng giống như cả khối nước lớn trong thân thể con người được “đựng” trong các bộ phận tim gan phèo phổi… của cơ thể vậy thôi.
Vậy là tôi cho lập ngay hồ sơ bệnh lý “bệnh nhân” của tôi có tên là “Nước” họ là “Chai”. Đưa bệnh nhân vào khám nghiệm ở 4 loại máy tân tiến nhất của y khoa thời nay là CT, MRI, XRAY và PET-CT. Dù đã phỏng đoán sơ bộ kết quả từ trước các cuộc khám nghiệm nhưng vẫn cho tiến hành. Khoa học mà, có tận mắt nhìn thấy kết quả thì mới tin. Trăm nghe không bằng một thấy.
Kết quả khám nghiệm, “Hội Đồng Y Khoa” đã nhóm họp và tuyên bố: KHÔNG THẤY GÌ CẢ. Bệnh gì kỳ lạ!
Trong lúc nói chuyện với những bác sĩ chuyên khoa ngành Radiology, chúng tôi phát hiện ra, hình chụp qua máy PET/CT thì thấy có rất nhiều dấu chấm với các màu sắc khác nhau trong đó (xem hình ở phần sau), chúng tôi phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa Nuclear để hỏi. Ông bác sĩ trưởng của khoa này tức cười cho ý tưởng khám nghiệm của tôi và giải thích rằng, đó chính là những “hạt phóng xạ”. Các hạt này có mặt khắp nơi trong không khí. Dễ sợ chưa, kể cả những hạt vi tế nhất như thế mà máy còn phát hiện được, duy chỉ có dấu chân của nước là vắng bặt.
Nhưng không. Không phải vậy. Máy khám nghiệm với cả những phương tiện tinh xảo hiện đại nhất không thấy. Nhưng chúng tôi thấy. Tôi nhìn thấy và anh, chị cũng nhìn thấy. Chúng ta thấy cái “Không” hiển hiện trước mắt. Ta thấy NƯỚC ở trong hình thể cái vỏ đựng của nó, nghĩa là cái chai nước. Chúng ta thấy nước trong ta, trong cái “khung” gọi là cơ thể con người.
Ô hô, cơ duyên nào đưa mình giẫm lên ngay dấu chân của Ngài A Nan ngày xưa. Câu chuyện này được ghi lại rành mạch trong Kinh Lăng Nghiêm. Xin mở ngoặc kể câu chuyện thú vị này ra đây trước đã.
Chuyện kể rằng: Một hôm, Đức Thế Tôn muốn dạy Ngài A Nan điều chi đó. Phật gọi ngài A Nan đến, đưa một tay lên rồi hỏi: “Này A Nan, ông có thấy không?” Tôn giả A Nan đáp ngay: “Bạch Phật, con thấy.” Rồi Đức Phật rút tay lại, và hỏi: “Ông có thấy không?” Ngài A Nan thật thà nói: “Dạ thưa, con không thấy.” Phật đằng hắng một tiếng rồi dạy tiếp: “A Nan, ông đã quên mình theo vật. Ta đưa tay lên là lúc đó thấy có tay. Khi ta rút tay lại là lúc đó thấy không có tay, chớ đâu phải không thấy.”
Mình cứ theo thói quen, lúc nhìn thấy tay gọi là thấy, rút tay lại nói không thấy. Như vậy mình đã lầm. Mình tưởng cái tay là cái thấy. Cái thấy dù có tay hay không tay gì vẫn thấy.
Cũng như thế đối với cái nghe.
Cũng kinh Lăng Nghiêm. Khi Phật bảo ngài La Hầu La đánh một tiếng chuông “boong.” Rồi hỏi Tôn giả A Nan: “Ông có nghe không?” Tôn giả A Nan đáp: “Dạ thưa, con nghe.” Khi tiếng chuông vắng lặng, Phật lại hỏi: “Ông có nghe không?” Ngài A Nan đáp: “Thưa, con không nghe.”
Phật lại nhắc Tôn giả: “Tiếng chuông có thì nghe có tiếng chuông. Tiếng chuông lặng thì nghe không có tiếng chuông, đâu phải không nghe?”
Hòa thượng Thanh Từ đã giảng thêm: “Chúng ta cứ nói không có tiếng chuông thì không nghe. Nghiệm ra chúng ta cũng như vậy. Đó là chúng ta đã lệ thuộc vào sắc trần, thanh trần. Có sắc trần gọi là có thấy, có thanh trần gọi là có nghe. Như vậy chúng ta không tự chủ chút nào hết. Cả ngày bị trói buộc bởi sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), mà đã bị trói buộc thì Phật gọi đó là trầm luân. Nó lôi cuốn, nó dẫn dắt, nó làm chủ mình rồi. Cho nên giải thoát là giải thoát cái gì? Là giải thoát sáu trần, nghĩa là sống với sáu trần mà không bị lệ thuộc nó. Làm sao để không lệ thuộc nó? Tôi nói gần nhất như lỗ mũi của chúng ta, ngửi mùi thơm thì thích, còn ngửi mùi hôi thì ghét. Tai chúng ta nghe tiếng hay thì chịu, nghe tiếng dở thì tránh. Lưỡi cũng vậy, cái gì ngon chúng ta thích, cái gì dở không ưa. Như vậy cả ngày chúng ta thế nào? Cứ tìm những gì vừa ý với cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm v.v...”
Tìm được những thứ đó thì gọi là thỏa mãn, hạnh phúc…
●●●
Như vậy đó! Cũng như bây giờ, nước đang có mặt trong ta, có mặt khắp quanh ta. Khoa học nói cho ta biết, nước có mặt ít nhất trong 2/3 cơ thể con người. Vậy mà chúng ta thường hay quên nó vì không thấy, không nghe nó.
Nước hiện cũng ở quanh tôi, quanh anh chị. Nó ở ngay trang sách này mà ta đang đọc. Ở trong màn hình tôi đang nhìn, trong bàn phím máy computer tôi đang gõ, ở trong cái áo cái quần tôi đang mặc, trong bức tranh treo trên tường…, kể cả trong cái đinh đóng trên đó. Tôi không thấy nó vì tôi ít khi chịu khó nhìn kỹ để thấy nó. Nhưng có điều bây giờ tôi biết rất rõ rằng: không có nước thì cái thằng tôi này cũng không có; không có nước thì cũng không có anh, không có chị ngồi đó mà đọc trang sách này. Cái bàn, cái ghế, cái cây, cái đám mây ngoài kia… cũng không tuốt.
Ơn nước lớn biết chừng nào!
Đây là những kết quả tôi còn giữ lại trong “hồ sơ khám nghiệm” của một chai nước sạch qua bốn loại máy y khoa tân tiến đến thời điểm hôm nay (2019). Tôi thấy nước đang ở trong chai. Tôi cũng thấy luôn chỗ nước không ở trong chai.
a. Chai nước nhìn qua máy CT scanner, 256 lát cắt (Siemens)b. Chai nước nhìn qua máy MRI với 3 Tesla (Philips)c. Chai nước nhìn qua máy XRAY (Carestream Health)d. Chai nước nhìn qua PET/CT-Scanner (Biograph mCT 40 Siemens)Xin lỗi, có phải tôi đang làm chuyện tào lao? Nếu đây chỉ là chuyện bệnh lý y khoa thì tìm bác sĩ là đúng. Nơi tôi đang làm việc số này nhiều lắm. Đằng này, chuyện ở đây không phải chỉ thuần túy y khoa. Lý ra, nếu muốn bàn thêm chuyện nhân sinh thì tôi phải đi gõ cửa Thiền gia. Còn chuyện thơ mộng cuộc đời thì phải tìm cho bằng được thi sĩ. May quá, tôi có một ông đại sư huynh rành sáu câu cả ba việc ấy. Đường sá quá xa xôi tôi không thể gởi “con bệnh” của tôi đi đến được. Nhưng cái “bệnh án” ấy ông anh tôi thừa biết, ông đã công bố một “Paper” viết ra từ lâu giấy trắng mực đen. Cũng không phải mất công đi tìm đọc trong PubMed của Y học mà chỉ tìm một tập thơ. Ôi, sao thi vị một tập thơ! Vì vậy xin mạn phép mượn bài thơ của thi sĩ, mà cũng là một giáo sư y khoa: Ông nhà-thơ-bác-sĩ-thiền-gia Đỗ Hồng Ngọc.
Bài thơ này nằm trong tập “Thơ Ngắn Đỗ Nghê” mà anh gởi tặng tôi, như đã nói ở phần đầu sách.
NướcNước từ đâu đếnNước trôi về đâuTừ con suối nhỏTừ dòng sông sâuTừ khe núi lởTừ dưới nhịp cầuTừ cơn thác lũTừ giọt mưa rơiNước đến từ đâuNước trôi về đâuTừ cơn gió thoảngTừ làn mây trôiTừ hơi biển mặnTừ phía mặt trờiNước vẫn muôn đờiKhông đi chẳng đếnAi người nỡ hỏiNước đến từ đâuAi người nỡ hỏiNước trôi về đâu...Paris, 1997
Thơ Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc)
Xin học theo bài học này từ anh Đỗ, như bao nhiêu bài học tôi đã từng học được khi đọc các sách của anh.
Xin mạn phép chuyển gởi thông điệp của nước ấy đến các độc giả gần xa:
Nước vẫn muôn đời, Không đi chẳng đến…