Lời Bạt - Nguyễn Minh TiếnBác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc viết lời giới thiệu tập sách này như những lời tâm sự, bày tỏ chỗ tâm đắc của anh với “một cõi lòng” của tác giả Văn Công Tuấn. Và anh gọi đó là chút “thốn tâm”...
Một nhà thơ họ Đỗ khác, xa lắc xa lơ từ thế kỷ 8, ông Đỗ Phủ (712-770) từng viết:
Văn chương thiên cổ sự, Đắc thất thốn tâm tri.文章千古事,
得失寸心知。
Tôi tạm dịch nôm na:
Văn chương là chuyện muôn đời, Dù được dù mất, cõi lòng biết thôi! Tôi mượn luôn chữ “cõi lòng” để dịch chữ “thốn tâm”, vì cũng như anh Đỗ Hồng Ngọc, tôi thích chữ này, cho dù hiểu sát nghĩa thì phải là “tấc lòng”. Nói cho cùng, “cõi lòng” thì dường như mênh mông hơn một “tấc lòng”, và có như vậy mới chuyên chở hết được những gì Văn Công Tuấn muốn nói cùng chúng ta qua tập sách này.
Dù vậy, tôi vẫn chưa tin hẳn khi anh thưa, chứ không phải nói, từ đầu sách rằng: “Nó không phải là công trình khảo cứu (dù có khi phải trưng dẫn vài con số), cũng chẳng là tác phẩm văn học. Nó chỉ là một cõi lòng.” Ừ, thì cứ cho là anh nói đúng, chỉ là một cõi lòng, nhưng sao ta có thể tin được rằng “một cõi lòng” này không phải là một tác phẩm văn chương? Vì thế, dù không dám quên lời nhắc nhở của anh Đỗ Hồng Ngọc rằng “hãy đọc từ một cõi lòng”, tôi vẫn còn đôi chút phân vân.
Đọc “từ một cõi lòng” có nghĩa là hãy đọc và cảm nhận bằng con tim, và theo lời thi hào Đỗ Phủ thì “đắc thất thốn tâm tri”, nên chỉ sự cảm nhận bằng con tim ấy mới có thể biết được giá trị muôn đời của văn chương. Nhưng tôi không tin là Văn Công Tuấn lại muốn tác phẩm này của anh để giá trị cho muôn đời sau. Tôi tin rằng anh rất muốn và cần tất cả chúng ta – những người đọc - phải nhận biết được những gì anh chuyển tải qua tác phẩm này ngay hôm nay, trong chính môi trường mình đang sống. Đợi đến muôn đời sau thì muộn quá rồi! Và vì vậy, đọc sách của anh với con tim là điều cần thiết nhưng dường như chưa đủ.
Cho nên, tôi muốn đọc sách này của anh không chỉ với con tim mà còn bằng cả khối óc hạn hẹp của tôi!
Nhìn từ một góc độ, tác phẩm này quả thật là “một cõi lòng” của Văn Công Tuấn. Cái cõi lòng mênh mông yêu đời thương người ấy luôn bàng bạc trong từng câu chữ đến mức quá hiển nhiên không sao phủ nhận được. Nhưng từ một góc độ khác, có thể thấy sách này cũng là kết tinh của rất nhiều nỗ lực công phu và trí não. Chỉ cần nhìn vào thư mục tham khảo cũng đủ thấy anh đã phải “ngốn” hết bao nhiêu sách vở để có thể viết nên tác phẩm này, chưa nói đến số vốn tri thức “tự có” hết sức phong phú của riêng anh được thể hiện rõ rệt trong nhiều lãnh vực. Tôi không muốn dùng chữ uyên bác ở đây vì quá biết rõ tính khiêm hạ của anh, nhưng quả thật không thể phủ nhận được sự “đi nhiều biết rộng” của tác giả qua từng vấn đề được nêu ra trong sách. Hơn thế nữa, với những khảo sát chi ly, những dẫn chứng thuyết phục, những so sánh cụ thể và thích hợp, những dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau trải dài qua thời gian lâu xa và không gian rộng khắp, chúng ta biết chắc rằng anh không tùy tiện nêu lên những vấn đề quan trọng trong sách này chỉ như một cảm xúc nhất thời. Ngược lại, cách trình bày của anh cho ta thấy một sự trăn trở, thôi thúc đã từ lâu, nên khi anh “xâu chuỗi lại những suy tư và nỗi niềm” của anh thì chúng ta thật may mắn có được tác phẩm giá trị này.
Không chỉ là những kiến thức khoa học hàn lâm hay kinh nghiệm dân gian được anh vận dụng nhuần nhuyễn và trình bày thích hợp, mà xuyên suốt và bao trùm lên toàn bộ nội dung tập sách, người đọc còn dễ dàng nhận ra những lời dạy của đức Phật được anh nhận hiểu thấu đáo và áp dụng thành giải pháp thực tiễn cho từng vấn đề. Hơn thế nữa, cách thức mà anh dùng để khơi dậy sự đồng cảm của người đọc đối với các vấn nạn môi trường không chỉ đơn thuần là lý luận hay chê trách, mà chính là tình thương yêu bao la đối với đồng loại cũng như với mọi sinh vật đồng cư trên trái đất này. Trong 16 bài viết, tôi chỉ thấy anh bốn lần rơi nước mắt, nhưng tôi lại dường như cảm nhận được dòng nước mắt thương cảm đó của anh đã chảy dài từ đầu sách đến cuối sách. Cảm xúc này rất thật khi anh vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh các nạn nhân đã và đang gánh chịu những thảm họa môi trường bằng ngòi bút chất chứa đầy từ tâm, nhân ái. Và hơn thế nữa, anh thật từ hòa nhưng không thiếu phần quả quyết khi chỉ ra rằng mỗi chúng ta đều đã và đang góp phần gây nên thảm họa. Đây chính là giải pháp cho mọi vấn đề, bởi khi mỗi cá nhân còn chưa nhận lãnh phần trách nhiệm về mình thì mọi sự hô hào cứu lấy môi trường như hiện nay đều là vô ích. Và nền tảng mà Văn Công Tuấn đã dựa vào để đi đến giải pháp này không gì khác hơn chính là lòng vị tha, là tâm từ bi theo lời Phật dạy.
Tôi tin rằng sự phổ quát của tác phẩm sẽ đến với người bình dân cũng như hàng trí thức, người ít học cũng như giới nghiên cứu, bởi bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều đang đối mặt với những tổn thất nặng nề mà nhiều năm qua cả nhân loại này đã gây ra cho ngôi nhà trái đất. Và giải pháp cho vấn đề không chỉ đến từ các bàn hội nghị quốc tế hay trong nội các của những chính phủ đang cầm quyền, mà còn phải đến từ việc mỗi chúng ta biết vặn nhỏ hơn vòi nước lúc rửa tay hay theo dõi thật kỹ càng đường đi lối về của những bà Ny-lon, những ông Mủ nhựa... Độc giả của sách chắc chắn sẽ nhận ra được điều này và nhiều điều khác nữa...
Nhà Phật dạy rằng, từ bi và trí tuệ như đôi cánh của một con chim, thiếu một trong hai thì chim không bay được. Cũng vậy, người học Phật phải có đủ từ bi và trí tuệ thì mới có thể hành xử tự lợi và lợi tha, mới có thể cứu mình và cứu người, để cuối cùng mới có thể tự giải thoát cho mình và giải thoát cho người khác.
Mặt khác, khi ta có một tình thương đủ lớn, ta sẽ có khả năng nhận thức vấn đề một cách đúng thật và giải quyết được theo cách hiệu quả nhất. Cho nên, lòng từ bi sẽ dẫn sinh trí tuệ. Ngược lại, khi có một trí tuệ đủ sáng suốt ta sẽ luôn nhận thức được mọi vấn đề trong tương quan toàn cảnh, một là tất cả và tất cả là một. Không thể có bất kỳ giải pháp tốt đẹp nào chỉ riêng cho một cá thể trong toàn cảnh, bởi sự sinh tồn là chung cho tất cả và sự diệt vong cũng sẽ không loại trừ ai. Do vậy, khi nhận thức đúng về thực tại sẽ dẫn sinh một tình thương rộng lớn đối với muôn người, muôn loài. Đó là từ bi.
Văn Công Tuấn đã xây dựng tác phẩm này trên nền tảng từ bi và trí tuệ. Anh đã viết từ “một cõi lòng” quan tâm đến đồng loại, đến muôn loài, đó là tâm từ bi rộng lớn. Anh đã nỗ lực hết sức công phu trong việc thu thập dữ liệu và khéo léo trình bày các vấn đề theo một cung cách khoa học và hiệu quả, đầy tính thuyết phục, đó là trí tuệ. Vì có đủ đôi cánh từ bi và trí tuệ nên tôi chắc rằng tác phẩm này của anh sẽ vươn cao bay xa.
Bây giờ thì tôi không còn phân vân nữa. Tôi hiểu rằng dù đọc tác phẩm này từ một cõi lòng hay bằng phân tích lý luận thì kết quả cuối cùng vẫn là sự cảm nhận một tình thương bao la và tri thức mênh mông hàm chứa trong từng câu chữ. Ta có thể đến với Văn Công Tuấn bằng con tim hay khối óc. Dù bằng cách nào, với sự chân thành thì ta đều có thể hiểu được anh.
Và tôi muốn kết thúc lời bạt này bằng cách nói của chính anh trong tác phẩm: Sách ngắn quá, đọc xong vẫn thấy thèm. Khi nào có dịp gặp anh, chắc chắn tôi sẽ “xúi” anh viết thêm một vài quyển nữa!
Nguyên Minh Nguyễn Minh TiếnWestminster, CaliforniaTháng 7 / 2019
***********************
THƯ MỤC THAM KHẢO(theo thứ tự ABC tên tác giả)
Sách Đức ngữ:● Mojib Latif: Das Ende der Ozeane, Warum wir ohne die Meere nicht überleben werden. Verlag Herder, 2014.
● Gotthilf Hempel, Kai Bischof & Wilhelm Hagen; Hrsg.: Faszination Meeresforschung. Springer Verlag, 2017.
● Klaus Lanz: Das Greenpeace Buch vom Wasser. Naturbuch Verlag, 1995.
● Solvin Zankl & Lars Abromeit: Ozeane, Expedition in unerforschte Tiefen. Springer Verlag, 2013.
● Hawking, Stephen & Mlodinnow, Leonard: Der Grosse Entwurf, eine neue Erklärung des Universums, Rowohlt Taschenbuch Verlag, 2018.
● Tuần Báo Die Zeit. Zeit Verlag Hamburg.
Sách Việt ngữ:● Trung Bộ Kinh. Hòa Thượng Thích Minh Châu phiên dịch.
● Bravermann, Arthur tuyển chọn – Thái An dịch: Bùn và Nước, tuyển tập các bài giảng của Thiền sư Nhật bản Basui, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2014 .
● Bùi Giáng: Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. NXB Tân Việt. Ghi lại theo Audiobook, Hướng Dương đọc.
● Bùi Giáng: Mưa Nguồn. NXB Hội Nhà Văn, 1993.
● Cao Huy Thuần: Đến với Phật Cùng Tôi. NXB Hồng Đức 2016.
● Cao Huy Thuần: Nắng và Hoa. NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2013.
● Đỗ Hồng Ngọc: Thơ Ngắn Đỗ Nghê. NXB Tổng Hợp TPHCM, 2018.
● Đỗ Hồng Ngọc: Như Thị. NXB Văn Nghệ, 2006.
● Đức Đạt Lai Lạt Ma, Lê Tuyên dịch: Vũ trụ trong một nguyên tử đơn. Điểm giao hòa giữa khoa học và tâm linh. NXB Tổng Hợp TPHCM, 2007.
● Đức Đạt-lai Lạt-Ma & Sofia Stril-Rever. Hoang Phong chuyển ngữ: Hãy làm một cuộc cách mạng, lời kêu gọi tuổi trẻ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. NXB Hà Nội, 2019.
● Kunga Rinpoche (Lama) & Brian Cutillo, Tha Nhân dịch: Uống dòng suối núi. NXB Thế Giới , 2019.
● Khải Đơn: Mekong Phù sa phiêu bạt. NXB Văn Học, 2018.
● Mark Kurlansky. Frank Stockton minh họa. Lê Nhật Thắng dịch. Khi loài cá biến mất. NXB Thế Giới, 2016.
● Masaru Emoto – Thanh Huyền dịch. Bí mật của Nước. NXB Lao Động, 2016.
● Ngô Trọng Thuận và Vũ Văn Tuấn: Nước và con người. NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam, 2017.
● Nguyễn Hiến Lê: Bài học Do Thái. NXB Duy Tuệ, 1974.
● Nguyễn Hiến Lê: Mười câu chuyện Văn chương. NXB Văn Học, 2009.
● Nguyễn Hiến Lê: Lão Tử, Đạo Đức Kinh. NXB Văn Hóa Văn Nghệ, 2017.
● Nguyễn Minh Tiến: Hạnh phúc là điều có thật. NXB Văn Hóa Thông Tin, 2007.
● Nguyễn Ngọc Tư: Cánh Đồng Bất Tận. NXB Trẻ, 2005.
● Satomi Myodo – Nguyên Phong phóng tác. Hoa trôi trên sóng nước, Journey in the search of the way. NXB Tổng Hợp TPHCM, 2019.
● Ông Sử Liệt & Trương Khánh Lân – Nguyễn thị Thu Hằng dịch: Năng lượng nước. NXB Bách Khoa Hà Nội, 2017.
● Petranek, Stephen – Phương Anh dịch: Cà phê trên Sao Hỏa. NXB Lao Động, 2017.
● Seth M. Segel; Nguyễn Đức Hưng, Nguyễn Đắc Lộc và Nguyễn Anh Tuấn dịch: Con đường thoát hạn, Giải pháp Israel cho một thế giới khát nước. NXB Thế Giới, 2016.
● Thích Phước An: Đức Phật trên Cõi Phù Du. NXB Hồng Đức, 2012.
● Thích Như Điển: Có và Không. TTVHXHPGVN tại CHLB Đức, 2000.
● Thích Chơn Thiện: Hoa Ngọc Lan. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1998
● Trần Đức Tuấn: Đi dọc dòng sông Phật giáo. NXB Hà Nội, 2019.
● Trịnh Xuân Thuận - Phạm Văn Thiều và Phạm Việt Hưng dịch: Sự Đầy của cái Không – La Plesnitude du Vide. NXB Trẻ, 2018.
● Trương Khánh Lân: Năng Lượng Nước. NXB Bách Khoa Hà Nội, 2017.
● Văn Công Tuấn: Cổ Thụ Lặng Bóng Soi. NXB Tôn Giáo, 2016.
● Văn Công Tuấn: Hạt nắng Bồ Đề. NXB Lao Động, 2018.
Mạng Internet: ● https://pgvn.org/p_hx4nfw
● https://pgvn.org/t_palrm6
● https://vi.wikiquote.org/wiki/
● https://pgvn.org/0_7u2qeb
● https://www.thivien.net