HÒA THƯỢNG THÍCH NHƯ ĐIỂNĐọc sách “Chớ quên mình là Nước” của Nguyên Đạo Văn Công TuấnSau những ngày Đại Lễ tại chùa Viên Giác Hannover được tổ chức từ ngày 27 đến 30 tháng 6 năm 2019 vừa qua, tôi vẫn chưa khởi động lại việc làm như đọc sách hay tham cứu v.v… Tuy nhiên khi nhận được bản thảo “Chớ quên mình là nước” của Nguyên Đạo Văn Công Tuấn tôi đã đọc một mạch hết 147 trang A4 trong niềm an vui và đồng cảm với tác giả về nhiều phương diện.
Tác giả là một Phật Tử thuần thành, nên nói gì thì nói, viết gì thì viết, cũng không ra ngoài lời Phật dạy. Mặc dầu trong những chương chứng minh có dùng đến toán học, khoa học, môi trường v.v… nhưng ở góc độ nào thì Nguyên Đạo Văn Công Tuấn cũng cho thấy lời dạy của Đức Phật vượt trên cả khoa học, đã chứng minh về những lẽ có, không, hữu biên và vô biên v.v... Và điều này thì nhà Bác học Albert Einstein cũng đã từng nói: “Phật Giáo không cần khẳng định tính cách khoa học của mình, vì tất cả lời Phật dạy đều vượt lên khỏi sự chứng minh của khoa học rồi.” Hoặc giả nhà Bác học Stephen Hawking cũng đã chứng minh là: “Thời gian không có điểm bắt đầu và cũng không có điểm cuối cùng.” Họ là những người đã lặp lại lời Phật dạy cách đây hơn 2.563 năm về trước.
Tất cả 16 chương, hầu như chương nào cũng có đề cập đến nước và Nguyên Đạo đã tha thiết với nước còn hơn hơi thở của mình, mong rằng mọi người nên trân quý nước, dầu ở bất cứ thời gian, không gian hay hoàn cảnh nào, để bảo vệ môi trường sống trên quả đất này cho được tươi mát hơn. Lúc tôi dịch quyển “Phật nói luận A Tỳ Đàm về việc thành lập thế giới” từ trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, tôi đã thấy và rõ biết là Đức Phật đã chỉ cho chúng ta, mọi ngọn ngành đều bắt đầu từ hơi nước và tứ đại bắt đầu hình thành cũng từ đó, và cuối cùng chúng ta cũng sẽ bị nước cuốn trôi khi con người không còn hiện hữu trên hành tinh này nữa.
Tôi thích bài “Thề Non Nước” của Cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Bài này tôi học thời Trung học ở Việt Nam và nay vẫn còn thuộc nằm lòng. Hôm nay đọc thêm lời bình của Thi sĩ Bùi Giáng, tôi lại còn rõ nghĩa nhiều hơn ở bài thơ này. Dĩ nhiên là mỗi người sẽ có một phong cách khác nhau để nhìn, đánh giá về thơ và văn học, nhưng tất cả đều không thể tách rời khỏi nhân duyên và nghiệp thức. Do vậy, sự hiểu của anh không phải là sự hiểu của tôi. Chỉ có chân lý mới là điều không có cũng không không, không còn cũng không mất, còn chúng ta chỉ là những hiện tượng tương đối trong cuộc đời này mà thôi.
Tôi muốn viết thêm nữa, nhưng vài lời thô thiển nhận định như vậy của tôi hẳn cũng không làm tăng thêm nhiều giá trị cho tác phẩm vốn đã rất hay này. Chỉ muốn nói thêm rằng, dù nước sông Hằng hay sông Mê Kông, sông Nils hay sông Dương Tử cũng vậy thôi, khi thân dơ thì có thể lấy nước để tẩy rửa, nhưng khi tâm bị ô nhiễm thì chỉ có thể dùng sự sám hối mới gột rửa được. Ngày nay, với những sự thật đau lòng mà Nguyên Đạo Văn Công Tuấn đã nêu ra trong tác phẩm này, tất cả chúng ta nên sám hối lỗi lầm của mình, vì chúng ta đều đã vô tình hay cố ý làm cho Mẹ của Đất hay Nước của Sông bị vẩn đục. Hãy nhận ra điều này thì sẽ thấy được chân lý của cuộc sống.
Thích Như Điển Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác Hannover Đức Quốc. Viết xong vào lúc 17 giờ ngày 3.7.2019 tại Thư phòng chùa VG.
********************
HÒA THƯỢNG THÍCH PHƯỚC ANLời Nhắn Phương XaTrong 16 bài viết của tập sách này, có lẽ bài Du Ký Chiếc Bình Bát là bài đã khiến tôi nghĩ nhiều về Văn Công Tuấn.
Dù anh đã học và làm việc tại nước Đức gần 4 thập niên qua, nhưng dường như lúc nào anh cũng cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó nơi đất nước được gọi là văn minh tiến bộ hàng đầu của Âu châu này.
Anh nhớ màu nắng của đất trời Ấn Độ, nhớ nhất là ngôi làng nghèo khổ gần Bodh Gaya. Ngôi làng mà cách đây trên 25 thế kỷ đã từng “chứng kiến những bước chân của Sa môn Gotama”. Anh rủ một thanh niên đã sanh ra tại làng này cùng anh đi tìm lại nhưng nơi còn được lưu truyền trong kinh sách. Chẳng hạn, đây là nơi mà mục nữ Sujata đã dâng cúng bát sữa, còn kia là nơi người Bà La Môn cúng bó cỏ Kusa. Và tất nhiên anh cũng không quên tìm đến bên dòng sông Ni Liên Thuyền để xác định nơi Sa Môn Gotama đã quăng bình bát xuống dòng sông, khẳng định sẽ tìm ra chân lý v.v…
Nghĩa là theo lời anh, “…nơi nào chúng tôi cũng đứng yên lặng tại địa điểm rất lâu. Mỗi người chìm đắm trong suy nghĩ của mình.”
Trong tập sách này anh đã bắt đầu bằng mấy câu thơ của Bùi Giáng, nên tôi cũng xin chép tặng anh 4 câu nữa cũng của Bùi Giáng:
Tìm theo dấu chân người xưa tư lựỞ bên đường ngóng dõi khánh vân bayMờ con mắt một lần lên tiếng thửEm ồ em anh nói một lời này●●●
Tôi nhớ có đọc đâu đó nói rằng, ngày nào trên đời này còn có người đi tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời, thì ngày ấy cuộc đời vẫn còn tươi đẹp, vẫn tràn đầy thơ và mộng, phải không người bạn tận thuở anh niên?
Thích Phước AnĐồi Trại Thủy, Nha Trang Tháng 7. 2019
***********************
LƯƠNG NGUYÊN HIỀNĐọc sách “Chớ quên mình là nước” Hôm nay tôi mới đọc xong cuốn “Chớ quên mình là nước” của tác giả Văn Công Tuấn. Như hai cuốn sách trước mà tôi đã đọc qua, “Hạt nắng bồ đề” và “Cổ thụ lặng bóng soi, dấu ấn những bậc thầy” do anh viết, văn phong của Văn Công Tuấn trước sau như vậy. Tôi vẫn thích lối văn của Văn Công Tuấn, anh viết không gò bó, viết một lèo như mình nghĩ, như ngồi bên nhau kể một câu chuyện, đơn giản như vậy thôi mà lại thành sách. Sách lại có giá trị, để người đọc suy ngẫm, hay nói theo kiểu thời thượng, là phải tư duy để chuyển hóa mình. Đó là điều thành công của Văn Công Tuấn. Bởi anh viết từ “cõi lòng” của mình.
Cuốn sách “Chớ quên mình là nước” là một Tạp-/ Khảo luận về nước như anh đã viết. Nhưng tôi thấy chẳng “Tạp” chút nào, đây là những công trình khảo cứu sâu sắc, kỹ lưỡng, nhiều tài liệu, về nhiều vấn đề liên quan đến nước, đến môi trường chung quanh, đến thiên nhiên và cuối cùng là đến sự sống còn của con người. Nước chiếm đến 2/3 địa cầu, nên rất dơn giản như 1+1= 2, một khi nước không còn nữa, thì thiên nhiên cũng không còn và loài người cũng không có lý do để còn tồn tại.
Viết về vấn đề bảo vệ môi trường là điều khó vì dễ gây nhàm chán, bởi nó bị gò bó trong một số công thức, một số định luật nhất định. Nhưng dưới ngòi bút của Văn Công Tuấn, người đọc không cảm nhận như vậy, anh dẫn người đọc vào vườn thơ của Bùi Giáng, của Tản Đà,.. Nhắc lại lời “Thề non nước”, “Nước non nặng một nhời thề“. Anh còn dẫn đi thăm nhà khoa học Thales xứ Milet (sinh năm 625 TCN), cha đẻ của toán học, cả ngàn năm trước Thales đã nhận ra được quan trọng của nước: “Không có gì có thể xuất phát từ không có gì, tất cả xuất phát từ nước rồi sẽ trở về nước”. Và còn nhiều đề tài hấp dẫn khác trong 16 bài viết ngắn của anh. Nhưng trên tất cả, đến giờ tôi vẫn không quên khi đọc bài của Văn Công Tuấn, viết về dòng sông Cửu Long (Mê Kông) với 9 con rồng, mà người Khmer gọi là dòng sông Mẹ, nay chỉ còn 7 con. 2 con rồng còn lại, một con (cửa Bát Sắc) đã biến mất từ lâu, còn con thứ hai là sông Ba Lai ở Hậu Giang sắp chết cạn. Tôi không ở miền nam Việt Nam nhiều, nhưng cảm nhận được nỗi đau mất mát lớn lao của người dân ở đó.
Sách “Chớ quên mình là nước”, có thể xem như một tiếng kêu cứu cuối cùng trước khi quá trễ, trước khi trái đất bị lạm dụng quá mức đến mất đi sức phục hồi của nó. Tác giả viết “Bây giờ không phải là vấn đề nhận thức mà là vấn đề luân lý, đạo đức và trách nhiệm”. Và cuối cùng anh tha thiết: “Xin cùng nhau bắt tay ngay cứu hành tinh của chúng ta” .
Lương Nguyên Hiền(Đức quốc - Tháng 7/2019)
****************************
LỜI CUỐI SÁCH - Nguyễn Hiền ĐứcDUYÊN HỘI NGỘ QUA MỘT QUYỂN SÁCH Trong bài “DUYÊN” (sách Hạt Nắng Bồ Đề), Văn Công Tuấn kể lại những cái duyên dẫn đến việc vợ chồng anh xuống tóc gieo duyên tại Bồ Đề Đạo Tràng đã làm tôi liên tưởng đến những cái “duyên” của tình-anh-em hội ngộ qua cuốn sách Chớ Quên Mình Là Nước này. Anh em chúng tôi gồm Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Hiền-Đức, Văn Công Tuấn và Nguyễn Minh Tiến. Tôi nhớ và ghi lại đôi điều như sau.
Tôi vẫn nghĩ, từ khi “nghiền ngẫm” Thơ Ngắn Đỗ Nghê được anh Đỗ Hồng Ngọc gửi tặng, Văn Công Tuấn như viết nhanh hơn, hăng say hơn, dường như có một sự thôi thúc nào đó. Từ việc chọn nhan đề sách, viết Lời Thưa… và tất cả. Tôi cảm nhận được sự quý mến, trân trọng và chân thành của Văn Công Tuấn đối với Anh Đỗ Hồng Ngọc. Và rồi khi nhận được Lời tựa do anh Ngọc viết, Văn Công Tuấn đã hồi âm với tất cả sự vui mừng:
Kính Anh, [Đỗ Hồng Ngọc]“Em vô cùng xúc động được Ông Anh đoái hoài đến và nhanh chóng như vậy (dù đã được anh Hiền báo cho biết rằng anh rất bận - nên muốn Về thu xếp lại). Nói CÁM ƠN nghe như hơi vô lễ với tấm lòng ấy, nhưng em không biết làm sao nên cứ nói bừa vậy. Anh tha lỗi. Và cám ơn nhiều, nhiều, nhiều ... nhiều lắm.“Hôm qua em nhận được Email của anh lúc đang ở Chùa, [Chùa Viên Giác – Đức quốc] tìm một góc đọc vội và cười mãi. Một em trong GĐPT phát hiện, và nói sao chú cười hoài, đẹp vậy. Em nói: Học hạnh Phật Di Lặc đó cháu ơi.“Em sẽ lo tiếp để tác phẩm xứng đáng những ân tình của ông anh lớn và 2 vị Nguyên Tánh, Nguyên Minh ở Cali…”Còn tôi, khi nhận được Lời tựa này, tôi cũng hết sức vui mừng viết ngay cho anh Ngọc: “Bài của anh ngoài sự mong đợi của chúng em.”
Khoảng tháng 2/2015, tôi gửi tặng anh Ngọc các file Word tập tài liệu gồm rất nhiều bài viết của anh mà tôi đã cặm cụi, rị mọ “gõ” vào máy gần 3.000 trang; lại bạo gan viết bài khá dài “Thử sơ phác chân dung Đỗ Hồng Ngọc” và “Nhân sinh quan Đỗ Hồng Ngọc”. Anh Ngọc thấy lạ liền đăng một vài đoạn lên Trang Nhà của anh và khen tôi là “... một người nghiêm túc, cẩn mật, nhiệt tâm và rất dễ thương…” Tôi xem đó là lời dặn dò của một người anh cả.
Tình-anh-em giữa tôi và Văn Công Tuấn đã hơn 50 năm rồi, và chúng tôi đã thưa trình điều này trong 2 cuốn sách đã xuất bản của anh. Tôi chỉ xin thưa thêm điều này: Phải chi chúng tôi “gặp lại” sớm hơn thì anh ấy có thể đã viết thêm được nhiều tác phẩm hơn. Vì rằng chúng tôi luôn cần nhau, có nhau, tin nhau trong cuộc sống.
Trong Lời Giới Thiệu cuốn Vằng Vặc Một Mảnh Lòng do tôi tuyển chọn, Nguyễn Minh Tiến viết:
“... nhưng người thực hiện thì quả thật chưa hề quen biết. Thế nhưng, đọc qua những lời trình bày về việc thực hiện tuyển tập này rồi, tôi dường như cảm nhận được một sự gần gũi và đồng cảm thật sâu sắc.” ... ... “Và quả thật như đã sẵn có tình thân từ kiếp nào, chỉ qua vài lần trao đổi điện thư trong lúc chỉnh sửa sách, chúng tôi đã trở thành những người bạn thân thiết trong đạo pháp cũng như trong văn chương, học thuật. Nói đúng hơn là tình anh em...” “Và quả thật như đã sẵn có tình thân từ kiếp nào.” Câu nói ngắn gọn, dung dị mà sâu sắc, lay động tâm can, dường như Nguyễn Minh Tiến đã viết cho cả bốn anh em chúng tôi qua lần hội ngộ đầu tiên trong cuốn Chớ Quên Mình Là Nước.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin nói thêm vài điều:
Tôi đọc lại Hoàng Tử Bé - bản dịch thơ mộng và tuyệt vời của Bùi Giáng - vì cứ hình dung Văn Công Tuấn, qua cuốn sách Chớ Quên Mình Là Nước, như một “Hoàng Tử Bé” mải mê một cách ân cần, chu đáo, chí tình, chí nghĩa trong việc chăm sóc và giữ gìn môi trường sống quanh mình. Không yêu thương ngôi nhà của mình, không yêu thương môi trường, thiên nhiên, không trăn trở với chuyện Nước Nước Non Non thì làm sao yêu thương được đồng loại? Xin gửi tặng Văn Công Tuấn những đóa hồng đẹp nhất từ tiểu hành tinh của Hoàng Tử Bé. Đó là những đóa hoa tâm linh.
Tôi nhớ đã đọc đâu đó đoạn văn này: “Đối với Hoàng tử bé là trách nhiệm với tiểu hành tinh B612, cũng chính là nhà của cậu. Chuyện này khiến tôi liên tưởng đến con ốc sên mỗi ngày mang cái vỏ nặng nề của mình đi đây đi kia. Cái vỏ ấy làm cho ốc chậm chạp biết bao, nhưng ốc không thể bỏ xuống. Bởi vì đó là nhà của mình, nặng mấy cũng phải mang.”
Chúng tôi gọi tắt cuốn sách này của Văn Công Tuấn là SÁCH NƯỚC, và bây giờ xin gọi thêm là SÁCH ƯỚC.
Và điều này không chỉ của riêng tôi!
Nguyên Tánh Nguyễn Hiền-ĐứcNhư một món quà trước cuộc hội ngộ Tam nguyên. Santa Ana, California, chiều 23.07.2019
**************
Đôi nét về tác giả Văn Công TuấnKỹ sư, Chuyên viên về Điện toán ứng dụng trong Y khoa. Hiện sống và làm việc tại Cộng Hòa Liên Bang Đức
Tác phẩm đã xuất bản:
* Xuôi dòng Cửu Long đậu bến Elbe/ Vom Mekong an die Elbe (song ngữ Đức Việt, viết chung với Olaf Beuchling) NXB Abera Verlag Hamburg, 2013.
* Cổ Thụ Lặng Bóng Soi. NXB Tôn Giáo, 2016
* Hạt Nắng Bồ Đề. NXB Lao Động, 2018.