1. Định nghĩa Tứ Diệu Đế?
Tứ là 4; diệu là hay, đẹp; đế là sự thật vững chắc; Tứ diệu đế là bốn sự thật chắc chắn, quý báu, để người tu hành có thể từ chỗ tối tăm, mê mờ tiến lên quả vị giác ngộ.
2. Tứ Diệu Đế gồm những gì?
Tứ diệu đế gồm có Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
3. Khổ đế là gì?
Khổ đế là chân lý chắc thật cho ta thấy tất cả nỗi khổ đau trên thế gian này, mà mỗi chúng sanh đều phải chịu.
4. Tập đế là gì?
Tập đế là chân lý chắc thật cho ta thấy nguyên nhân những nỗi khổ của chúng sanh.
7. Sự khổ của thế gian có bao nhiêu loại?
Nếu xét theo nguyên nhân và mức độ gây khổ thì có 3 loại (gọi là tam khổ), còn xét theo hình thức sự việc thì có 8 loại (gọi là bát khổ). Thật ra, cả 8 loại khổ phân theo hình thức sự việc này đều nằm trong mức độ thứ nhất của Tam khổ.
8. Hãy trình bày tam khổ?
Tam khổ gồm có: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.
Ÿ Khổ khổ: nghĩa là khổ vì những sự việc đau khổ, không vui của thế tục. Sự cảm thọ của mỗi chúng sinh có ba loại là cảm thọ khổ, cảm thọ vui và cảm thọ không khổ không vui. Sự khổ ở tầng bậc này chính là khổ vì những cảm thọ khổ, thí dụ như: đói cơm, khát nước, dơ bẩn, rét lạnh, nhiễm độc... hoặc rơi vào những hoàn cảnh khổ như bão lụt, chiến tranh, sưu cao thuế nặng v.v... Đây là mức độ khổ thấp nhất mà tất cả chúng sinh đều có thể nhận biết dễ dàng.
Ÿ Hoại khổ: Vạn vật đều bị chi phối bởi luật vô thường, nên rất nhỏ bé, phù du. Có sức mạnh, giàu có, quyền thế, nhưng cuối cùng cũng bị tan hoại. Thân trẻ rồi cũng già, cũng bệnh, chết như nhau. Ở mức độ khổ này, ngay cả những cảm thọ vui cũng được nhận biết là khổ, vì chúng không thường tồn. Thí dụ, khi được giàu sang, khỏe mạnh, người đời cho là vui sướng, không khổ, nhưng nếu xét kỹ thì sự giàu sang đó, sức khỏe đó cũng đều phải dần dần mất đi. Do nhận biết sự mất đi đó mà thấy được chúng là khổ.
Ÿ Hành khổ: là sự khổ được nhận biết từ tính chất liên tục thay đổi, biến chuyển của sự vật, do các nhân duyên tan hợp không nhất định, nên cũng gọi đây là duyên sinh khổ. Sự nhận biết về khổ ở mức độ này là sâu sắc nhất, vì đây là cái khổ triền miên kéo dài từ đời này sang đời khác, không giống như hai mức độ kể trên chỉ là sự khổ trong một lúc, một đời.
9. Hãy trình bày Bát khổ?
Bát khổ gồm có: sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ.
1. Sanh khổ: là nỗi khổ trong sự sanh sống của chúng sinh.
Ÿ Người mẹ mang thai con thì rất khổ nhọc, nào nôn ói, suy nhược, đau đớn, dơ uế. Con nằm trong bụng mẹ cũng khổ sở, vì bị giam trong cảnh tối tăm, chật hẹp, khi sanh ra cũng bị đau đớn.
Ÿ Sanh ra rồi, con người phải khổ sở vì tìm cách sinh nhai, đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn, chỗ ở. Về tinh thần, tìm được kiến thức, đạo đức cũng gian nan. Phải siêng năng, vất vả, có khi bị lừa gạt, chèn ép đủ điều.
2. Lão khổ: là nỗi khổ khi già. Thân thể khi già nua thì khổ đủ điều, như mắt mờ, tai điếc, chân run, lại còn lú lẫn tinh thần.
3. Bệnh khổ: là nỗi khổ khi bệnh. Những cơn đau đớn hành hạ thân xác, lại tốn tiền chạy chữa, buồn rầu, lo sợ.
4. Tử khổ: là nỗi khổ khi chết. Cái chết làm con người lo sợ nhất, tâm thần rối loạn, còn thân thể thì tan rã, đau đớn, tanh hôi.
5. Ái biệt ly khổ: là nỗi khổ khi phải chia lìa những gì mình yêu thương, thân thiết. Có thể đó là những người trong gia đình, quyến thuộc. Có thể đó là những nhu cầu trong đời sống như địa vị, của cải, nhan sắc. Ái biệt ly khổ có 2 loại:
– Sanh ly: là nỗi khổ chia lìa khi còn sống. Thí dụ, những người trong gia đình bị tan tác vì chiến tranh, vì đi làm ăn xa, vì tai hoạ thình lình.
– Tử biệt: là nỗi khổ chia lìa khi phải chết. Sanh ly thì còn hy vọng ngày đoàn tụ, chứ chết đi rồi thì vĩnh viễn không gặp lại.
6. Cầu bất đắc khổ: là nỗi khổ vì mong cầu mà không toại nguyện. Người đời thường thất vọng vì công danh, phú quý, tình duyên, có khi dẫn đến tự tử.
7. Oán tắng hội khổ: là nỗi khổ vì cứ phải gặp gỡ những thứ mình không ưa thích. Thí dụ, gặp người hàng xóm hay gây gổ với mình thì mình bực bội, hoặc mình không ưa thuốc lá mà lên xe phải ngồi gần người hút thuốc lá.
8. Ngũ ấm xí thạnh khổ: là nỗi khổ vì trong thân thể có sự xung đột, lúc lừng lẫy, tham dục, lúc lại yếu ớt, tan hoại.
10. Tại sao Đức Phật nói lên những nỗi khổ ấy?
Đức Phật là đấng từ bi, muốn cho chúng sanh hiểu rõ những nỗi khổ trên đời, để có lợi ích sau đây:
Ÿ Gặp nghịch cảnh không khiếp sợ: Chúng sanh tránh được ảo tưởng rằng cuộc đời là thơ mộng hoàn toàn, cho nên khi gặp cảnh khổ, thất vọng thì không lấy làm ngạc nhiên, hay lo lắng, có can đảm để đối mặt với sự thật.
Ÿ Không nuôi tham vọng: Chúng sanh biết rõ cuộc đời vui ít buồn nhiều, thì sẽ tiết chế ham muốn (thiểu dục tri túc), để không bị hoàn cảnh chi phối, vùi dập.
Ÿ Gắng sức tu hành để thoát khổ: Chúng sanh biết cuộc đời là khổ thì mới chịu lo tu hành tìm về cõi khác tốt đẹp hơn.