Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Mất tiền không đáng gọi là mất; mất danh dự là mất một phần đời; chỉ có mất niềm tin là mất hết tất cả.Ngạn ngữ Nga
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Sống một đời vui »» Phần III: Kết quả tu tập - 15. Vấn đề và khả năng tính »»

Sống một đời vui
»» Phần III: Kết quả tu tập - 15. Vấn đề và khả năng tính

Donate

(Lượt xem: 12.091)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sống một đời vui - Phần III: Kết quả tu tập - 15. Vấn đề và khả năng tính

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Kinh nghiệm có thể chuyển hóa não bộ.

Jerome Kagan - Ba khái niệm lôi cuốn (Three Seductive Ideas)

Ban đầu tâm thức của chúng ta không thể duy trì sự ổn định và thư thái được lâu. Tuy nhiên với sự bền bỉ và kiên định, sự tĩnh lặng và an định sẽ dần dần phát triển.

Bokar Rinpoche
Thiền quán: Lời khuyên cho kẻ sơ cơ (Meditation: Advice to Beginners)
Christiane Buchet dịch sang Anh ngữ


Những kinh nghiệm tuyệt vời có thể sinh khởi khi bạn an trụ tâm trong thiền quán. Đôi khi phải mất một thời gian chúng mới sinh khởi, nhưng có khi chúng lại sinh khởi ngay lần đầu tiên bạn ngồi xuống tĩnh tọa. Những kinh nghiệm thông thường nhất là sự hỷ lạc, trong sáng và siêu việt khái niệm.

Theo như tôi từng được nghe giải thích, hỷ lạc là một cảm giác thuần túy hạnh phúc, thư thái và nhẹ nhàng trong cả thân và tâm. Khi kinh nghiệm này phát triển mạnh mẽ hơn thì dường như tất cả những gì bạn nhìn thấy đều là do tình thương cấu thành. Thậm chí những kinh nghiệm đau đớn thể xác cũng dịu đi rất nhiều và hầu như không còn cảm nhận được nữa.

Sự trong sáng là khả năng thấy được bản chất của sự vật hiện hữu như thể toàn bộ thực tại là một phong cảnh ngời sáng trong một ngày nắng đẹp không mây. Mọi thứ đều hiển hiện một cách phân minh, và mọi thứ đều trở nên có ý nghĩa. Ngay cả những niệm tưởng và cảm xúc phiền não cũng có chỗ của chúng trong phong cảnh rực sáng ấy.

Siêu việt khái niệm là một kinh nghiệm của tâm hoàn toàn rộng mở. Nhận thức của bạn là trực tiếp và không bị che mờ bởi sự phân biệt do những khái niệm như “ta” và “người khác”, chủ thể và khách thể, hay bởi sự giới hạn dưới bất kỳ dạng thức nào. Đó là kinh nghiệm của một tâm thức thanh tịnh và vô hạn như không gian, không có khởi đầu, chặng giữa và kết thúc. Cũng giống như bạn thức tỉnh trong cơn mộng và nhận biết được rằng tất cả những gì trải qua trong mộng không hề tách biệt với tâm thức người nằm mộng.

Tuy nhiên, tôi rất thường nghe những người mới học thiền kể rằng họ ngồi đó và chẳng có gì xảy ra. Đôi khi họ có được cảm giác an tĩnh nhưng rất mờ nhạt và rất ngắn ngủi. Nhưng trong hầu hết các trường hợp thì họ không cảm thấy sự khác biệt gì với trước khi ngồi thiền hay sau khi đứng dậy. Đó có thể là một sự thất vọng thực sự.

Tệ hơn nữa, một số người còn cảm thấy mất phương hướng, như thể cái thế giới quen thuộc của những niệm tưởng, cảm xúc và cảm giác của họ hơi bị nghiêng đổ, điều này có thể dễ chịu hay khó chịu.

Như tôi đã đề cập trước, dầu bạn có thể nghiệm sự hỷ lạc, trong sáng, mất phương hướng hay chẳng có gì cả, thì ý định ngồi thiền vẫn là quan trọng hơn so với những gì xảy ra khi bạn ngồi thiền. Vì sự tỉnh thức vốn luôn hiện hữu, nên chỉ riêng nỗ lực nối kết với nó cũng đủ làm phát triển sự nhận biết của bạn về nó. Nếu bạn tiếp tục tu tập, dần dần bạn sẽ cảm nhận được đôi chút về một điều gì đó, một cảm giác tĩnh lặng hay an bình của tâm thức, hơi khác trạng thái tâm thức thông thường của bạn. Khi bắt đầu thể nghiệm điều này rồi, bạn sẽ nhận hiểu được bằng trực giác sự khác biệt giữa một tâm thức bị xáo trộn và tâm thức không bị xáo trộn khi ngồi thiền.

Ban đầu, hầu hết chúng ta không có khả năng trụ tâm được lâu trong sự tỉnh giác đơn thuần. Nếu bạn trụ tâm được trong một thời gian rất ngắn cũng đã là rất tốt. Chỉ cần làm theo những chỉ dẫn đã được trình bày ở phần trước để lặp lại nhiều lần khoảng thời gian thư thái ngắn ngủi ấy trong suốt bất kỳ buổi thiền tập nào. Thậm chí việc trụ tâm trong khoảng thời gian một hơi thở vào và một hơi thở ra đã vô cùng lợi lạc rồi. Hãy làm như thế một lần nữa, một lần nữa và một lần nữa...

Mọi điều kiện quanh ta luôn biến đổi, và sự an bình thực sự nằm ở khả năng thích nghi với những thay đổi. Thí dụ, bạn đang ngồi đó, an tĩnh chú tâm vào hơi thở của mình, và rồi người láng giềng ở lầu trên bắt đầu dùng máy hút bụi, hay một con chó bắt đầu sủa ở gần đó. Có thể bạn bắt đầu đau lưng hay đau chân, hoặc là bạn có cảm giác ngứa. Hay có thể là ký ức về một cuộc tranh cãi xảy ra cách đây vài hôm không biết vì sao bỗng hiện ra trong đầu bạn. Những điều như vậy vẫn thường xảy ra, và đó là một lý do khác nữa giải thích việc đức Phật đã dạy chúng ta nhiều phương pháp thiền đến thế.

Khi những xáo trộn như trên khởi sinh, hãy biến chúng thành một phần của sự hành trì. Kết nối sự tỉnh thức nhận biết của bạn với sự xáo trộn. Nếu đang tu tập với hơi thở mà bị gián đoạn bởi tiếng chó sủa hay tiếng máy hút bụi, hãy chuyển sang thiền quán âm thanh, hướng sự chú tâm vào tiếng động. Nếu bạn thấy đau lưng hay đau chân, hướng sự chú ý của mình vào cái tâm đang cảm giác đau. Nếu cảm thấy ngứa thì cứ gãi. Nếu bạn có dịp đến chùa tham dự một buổi thuyết pháp hay một thời tụng kinh, chắc hẳn bạn đã thấy các thầy không ngừng gãi ngứa, đổi chỗ trên gối hay ho hen nữa. Thế nhưng, rất có khả năng là, nếu các vị hành trì nghiêm túc thì họ sẽ làm những điều ấy với một sự tỉnh thức và hướng sự chú tâm vào cảm giác ngứa, cảm giác khi gãi ngứa, và vào cảm giác dễ chịu sau khi gãi được chỗ ngứa.

Nếu bạn bị xáo trộn bởi những cảm xúc mạnh mẽ, bạn có thể cố gắng tập trung, như đã chỉ dẫn ở trước, vào cái tâm thức đang thể nghiệm cảm xúc ấy. Hoặc là bạn có thể chuyển sang phép tu tập tonglen, sử dụng bất cứ điều gì bạn đang cảm nhận - sự giận dữ, buồn rầu, ganh tức, ham muốn - như là cơ sở cho sự tu tập.

Trong trường hợp hoàn toàn ngược lại, tôi được biết một số người cảm thấy tâm mơ hồ và buồn ngủ mỗi khi ngồi thiền. Đối với họ, chỉ giữ được cho mắt mở và hướng sự chú tâm vào những gì đang làm đã là cả một nỗ lực ghê gớm. Họ bị thôi thúc mãnh liệt bởi ý muốn buông xuôi tất cả và nhảy lên giường ngủ.

Có vài phương pháp đối trị cho trường hợp này. Phương pháp thứ nhất chỉ đơn giản là một biến thể của sự tỉnh thức nhận biết những cảm giác của thân thể. Đó là hướng sự chú ý của bạn vào chính cái cảm giác mờ mịt hay sự buồn ngủ. Nói cách khác, hãy sử dụng tâm mờ mịt của mình thay vì để cho nó sai sử. Nếu bạn không thể ngồi dậy thì cứ nằm mà vẫn giữ xương sống càng thẳng càng tốt.

Một phương thức khác là ngước mắt nhìn lên. Bạn không cần ngẩng mặt hay hất cằm lên, chỉ ngước mắt thôi. Làm như thế thường có tác dụng đánh thức tâm. Trong khi đó, hạ tầm nhìn xuống có tác dụng xoa dịu khi tâm bạn quá náo động.

Khi cả hai phương thức đối trị sự chán nản hay xáo động này đều vô hiệu, tôi thường khuyên đệ tử hãy ngừng một chút để nghỉ giải khuây, như đi dạo một vòng, làm một điều gì đó trong nhà, tập thể thao, đọc sách hay làm vườn. Khi cả thân và tâm của bạn đều từ chối hợp tác, tự bắt buộc mình ngồi thiền là điều vô nghĩa. Nếu bạn cố gắng áp đảo sự phản kháng, cuối cùng bạn sẽ chán ghét tất cả những gì liên quan tới thiền và quyết định tìm hạnh phúc trong cuộc vui phù phiếm nào đó. Những lúc đó, tất cả các kênh truyền hình thu qua vệ tinh hay truyền hình cáp đều có vẻ vô cùng hấp dẫn.

TRÌNH TỰ TU TẬP THIỀN QUÁN

Hãy để ly nước [tâm] bị vẩn đục bởi tạp niệm được lắng trong.

Ngài Tilopa
Hằng hà Đại thủ ấn (Ganges Mahamudra)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Khi mới bắt đầu tập thiền, tôi đã hãi hùng nhận thấy mình có nhiều niệm tưởng, cảm xúc và cảm giác hơn cả trước khi tu tập. Dường như tâm tôi đang trở nên náo loạn hơn thay vì an tĩnh hơn. Quý thầy bảo tôi: “Đừng lo, không phải tâm con trở nên tệ hơn trước đâu. Điều thực sự xảy ra là con đang nhận biết nhiều hơn những hoạt động liên tục diễn ra của tâm, mà trước đây con không để ý.”

KINH NGHIỆM THÁC ĐỔ

Quý ngài ví kinh nghiệm này với hình ảnh một thác nước đột nhiên tăng nhanh lượng nước khi trời xuân trở ấm. Các ngài nói, khi những dòng nước từ băng tuyết tan ra trên các ngọn núi ào ạt đổ xuống, mọi thứ đều bị khuấy động, xáo trộn. Có hàng trăm viên đá, sỏi và đủ mọi thứ khác bị cuốn trôi theo dòng nước, nhưng ta không thể nhìn thấy hết vì nước ào ạt chảy quá nhanh và có quá nhiều cặn bẩn làm cho nước đục ngầu. Cũng vậy, ta rất dễ bị tán loạn bởi tất cả những cặn bẩn tinh thần và cảm xúc như thế. Các ngài dạy tôi một bài nguyện ngắn có tên là Dorjé Chang Tungma. Bài này đã giúp tôi rất nhiều những khi tâm tôi dường như bị chế ngự bởi những niệm tưởng, cảm xúc và cảm thọ. Một phần của bài nguyện này có thể tạm dịch như sau:

Pháp thân thiền thể không tán loạn.
Muôn ngàn niệm tưởng thảy không hư.
Nguyện con an trụ trong thực thể,
Niệm niệm tâm tâm tự như như.

Khi hướng dẫn cho rất nhiều đệ tử trên khắp thế giới, tôi nhận thấy rằng kinh nghiệm “thác đổ” như trên thường là điều họ gặp trước tiên khi mới vào thiền. Quả thật có nhiều loại phản ứng thường gặp đối với kinh nghiệm này, và tôi đã từng trải qua tất cả. Trong một ý nghĩa nào đó, tôi nghĩ mình thật may mắn, vì việc trải qua tất cả những giai đoạn này giúp tôi phát triển được khả năng cảm thông nhiều hơn với các đệ tử của tôi. Tuy nhiên, vào thời điểm đó thì kinh nghiệm “thác đổ” đối với tôi dường như là một thử thách khủng khiếp.

Phản ứng thứ nhất là tìm cách chặn đứng “dòng thác” bằng cách cố ngăn những tư tưởng, cảm xúc và cảm thọ, nhằm đạt được một cảm giác an tĩnh, rộng mở và bình an. Nỗ lực chặn đứng kinh nghiệm như thế là phản tác dụng, vì nó tạo ra một sự căng thẳng về mặt tinh thần hay trong cảm xúc mà cuối cùng sẽ biểu lộ thành sự căng thẳng nơi thân thể, nhất là phần thân trên: mắt trợn ngược, tai vểnh, vai và cổ cứng lại một cách bất thường. Tôi thường gọi giai đoạn thực tập này là “thiền cầu vồng” vì sự an tĩnh có được sau khi ngăn chặn “dòng thác tư tưởng” là hão huyền và phù du chẳng khác gì cái cầu vồng.

Một khi bạn buông bỏ ý định tự áp đặt cảm giác an tĩnh giả tạo, bạn sẽ phải đương đầu với kinh nghiệm thác nước “thô”, nghĩa là tâm bạn sẽ bị cuốn trôi bởi nhiều niệm tưởng, cảm giác và cảm thọ khác nhau mà lúc trước bạn đã cố ngăn chặn. Nói chung, đây cũng là kiểu kinh nghiệm của những cái “ủa” [tỉnh giác] đã được miêu tả ở Phần 2 - khi bạn bắt đầu cố gắng quan sát niệm tưởng, cảm xúc và cảm thọ, và rồi bị chúng cuốn trôi đi. Bạn nhận biết mình đã bị cuốn trôi, và bạn cố gắng bắt mình trở về bằng cách đơn giản là quan sát những gì đang diễn ra trong tâm thức. Tôi gọi đây là dạng “móc câu” của thiền, vì ta cố “móc dính vào” những kinh nghiệm của mình rồi cảm thấy hối tiếc khi thay vào đó đã để mình bị chúng cuốn trôi.

Có hai phương thức để đối trị tình trạng “móc câu” này. Nếu sự hối tiếc của bạn là thực sự mạnh mẽ vì đã để cho mình bị những xáo động cuốn trôi, thì chỉ nên nhẹ nhàng hướng tâm vào kinh nghiệm hối tiếc ấy. Nếu sự hối tiếc của bạn không quá mạnh mẽ, hãy buông bỏ những xáo động và hướng sự tỉnh giác nhận biết của bạn vào những kinh nghiệm hiện tại. Chẳng hạn, bạn có thể chú ý đến những cảm thọ của thân thể: có thể đầu bạn hơi nóng một chút, tim đập hơi nhanh hơn , hay cổ hoặc vai hơi cứng. Chỉ cần tỉnh thức nhận biết những điều đó hoặc những kinh nghiệm khác đang diễn ra trong hiện tại. Bạn cũng có thể cố gắng buông thư tâm trong một sự chú ý đơn thuần - như đã đề cập ở Phần 1 và Phần 2 - vào chính sự tuôn chảy ào ạt của dòng thác [tư tưởng].

Dầu bạn đối trị như thế nào đi nữa, kinh nghiệm “thác đổ” cũng mang lại một bài học quan trọng, đó là sự buông bỏ những định kiến về thiền định. Những kỳ vọng của bạn khi đến với thiền thường là những chướng ngại lớn nhất cho sự tu tập. Điều quan trọng là hãy để mình giản dị nhận biết những gì đang diễn ra trong tâm trí, đúng thật như bản chất của chúng.

Một khả năng khác nữa có thể xảy ra là, những kinh nghiệm đến và đi quá nhanh chóng khiến bạn không nhận thức được chúng. Như thể mỗi niệm tưởng, cảm giác và cảm thọ là một giọt nước rơi vào một cái hồ to rộng và hòa tan ngay trong đó. Thật ra, đó là một kinh nghiệm rất tốt. Đó là một loại thiền không đối tượng, dạng thiền chỉ tốt nhất. Vì thế, nếu bạn không hứng được từng “giọt nước”, cũng đừng tự trách mình, mà hãy hoan hỷ tự chúc mừng, vì bạn đã tự nhiên đạt đến một trạng thái thiền mà hầu hết những người khác đều thấy là rất khó đạt đến.

Sau một thời gian tu tập, bạn sẽ thấy dòng chảy ào ạt của những tư tưởng, cảm giác v.v... bắt đầu chậm dần, và bạn có thể phân biệt rõ ràng hơn những kinh nghiệm của mình. Những điều ấy vốn luôn có đó, nhưng cũng như trường hợp thác nước, khi con nước lũ khuấy động quá nhiều cặn bẩn, bạn không thể nhìn thấy gì. Cũng thế, khi những quán tính và xáo động thường che mờ tâm bắt đầu lắng xuống nhờ thiền tập, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy được những hoạt động vốn không ngừng diễn ra ngay dưới cấp độ nhận biết thông thường.

Tuy vậy, có thể là bạn vẫn không thể quan sát từng tư tưởng, từng cảm giác hay cảm thọ khi chúng đi qua, nhưng chỉ thoáng thấy chúng, khá giống với kinh nghiệm khi vừa lỡ một chuyến xe buýt, như đã miêu tả ở phần trước. Điều này cũng tốt. Cái cảm giác vừa bỏ lỡ không quan sát được một tư tưởng hay cảm giác chính là dấu hiệu của sự tiến bộ, cho thấy là tâm bạn tự nó đang trở nên sắc bén để nắm bắt những dấu vết của mọi động tĩnh, như cách của một thám tử bắt đầu nhận ra được những manh mối.

Khi tiếp tục tu tập, bạn sẽ thấy mình có khả năng nhận thức ngày càng rõ rệt hơn mỗi một kinh nghiệm khi chúng vừa sinh khởi. Các bậc thầy của tôi đã dùng một hình ảnh thí dụ để mô tả hiện tượng này như là lá cờ bay phần phật trong cơn gió mạnh. Lá cờ không ngừng phất tới phất lui tùy theo hướng gió thổi. Chuyển động của lá cờ cũng giống như những sự kiện đang trôi nhanh qua tâm thức bạn, trong khi cột cờ biểu thị tâm tỉnh giác bản nhiên: thẳng đứng và vững chãi, cắm chặt vào lòng đất, không bao giờ nghiêng ngả, bất kể gió mạnh đến đâu đang thổi lá cờ về hướng này hay hướng khác.

KINH NGHIỆM DÒNG SÔNG

Dần dần, khi cứ tiếp tục tu tập, thế nào rồi bạn cũng sẽ đến lúc có thể phân biệt một cách rõ ràng những chuyển động của niệm tưởng, cảm xúc và cảm thọ khi chúng đi qua tâm bạn. Vào lúc này, bạn bắt đầu chuyển từ kinh nghiệm “thác đổ” sang những gì mà các bậc thầy của tôi gọi là “kinh nghiệm dòng sông”, trong đó mọi thứ vẫn chuyển động, nhưng chậm chạp, nhẹ nhàng hơn. Một trong những dấu hiệu đầu tiên biểu hiện rằng bạn đã đi vào giai đoạn “kinh nghiệm dòng sông” trong thiền tập là thỉnh thoảng bạn có thể an trụ trong chánh niệm mà không cần quá cố gắng, và tỉnh thức nhận biết một cách tự nhiên tất cả những gì đang diễn ra trong nội tâm hay bên ngoài bạn. Và khi ngồi thiền theo thời khóa, bạn sẽ cảm thấy ba kinh nghiệm: hỷ lạc, trong sáng và siêu việt khái niệm xuất hiện một cách rõ rệt hơn.

Đôi khi cả ba kinh nghiệm này xảy ra đồng thời, và cũng có khi một kinh nghiệm mạnh mẽ hơn hai kinh nghiệm kia. Bạn có thể cảm giác thân thể nhẹ nhàng hơn và bớt căng thẳng. Bạn có thể thấy những cảm nhận của mình sáng rõ hơn và dường như “trong suốt” hơn ở chỗ chúng không còn có vẻ quá nặng nề hay đè nén như trước. Tư tưởng và cảm giác không còn có vẻ như quá mạnh mẽ nữa; chúng như đã được thấm nhuần cam lộ của trí tuệ trong thiền định. Chúng xuất hiện như những ấn tượng thoáng qua hơn là những sự thật tuyệt đối. Khi bạn được tắm trong “kinh nghiệm dòng sông”, bạn sẽ thấy tâm an tĩnh hơn. Bạn sẽ không thấy những chuyển động của nó là nghiêm trọng, và kết quả là bạn sẽ thể nghiệm một cảm giác tự tin hơn, rộng mở hơn, và cảm giác này sẽ không bị lay chuyển bởi những người bạn gặp, những gì bạn trải nghiệm hay những nơi bạn đến. Cho dù những kinh nghiệm như thế có thể đến rồi đi, nhưng bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới quanh bạn.

Một khi điều này xảy ra, bạn cũng sẽ bắt đầu nhận biết rõ những khoảng trống rất ngắn giữa hai niệm tưởng. Ban đầu, những khoảng trống này rất chớp nhoáng, như một thoáng hoàn toàn không khái niệm, không kinh nghiệm. Nhưng với thời gian, khi tâm bạn an tĩnh hơn, khoảng trống này sẽ ngày càng dài hơn. Đây thực sự là tâm yếu của việc tu tập thiền an trụ shinay: đó là khả năng nhận biết và an trụ vào những khoảng trống giữa các niệm tưởng, cảm xúc hay sự kiện tinh thần nào khác.

KINH NGHIỆM MẶT HỒ

Trong kinh nghiệm dòng sông, tâm của bạn có thể vẫn còn gặp lắm thăng trầm. Ở giai đoạn tiếp theo mà các bậc thầy của tôi gọi là kinh nghiệm “mặt hồ”, tâm bạn sẽ có cảm giác rất tĩnh lặng, mênh mông và thoáng đãng, như một mặt hồ không có sóng. Bạn sẽ cảm nhận hạnh phúc đích thực, không còn bất cứ sự thăng trầm nào nữa. Bạn hoàn toàn tự tin, vững chãi và thể nghiệm được một cảnh giới giác tính trong thiền định, gần như không gián đoạn, ngay cả trong lúc ngủ. Bạn vẫn còn gặp những bất ổn trong cuộc sống, như tư tưởng bất thiện hay cảm xúc mãnh liệt v.v... nhưng thay vì là chướng ngại, chúng sẽ là những cơ hội tốt để giác tính trong thiền định trở nên sâu sắc hơn, như một vận động viên điền kinh chấp nhận thách thức chạy thêm nửa dặm đường để nhờ đó vượt qua “bức tường” của sự miễn cưỡng và tăng cường sức mạnh cũng như kỹ năng của mình thậm chí còn hơn trước đó nữa.

Đồng thời thân thể của bạn sẽ cảm nhận được sự khinh an của niềm hỷ lạc, sự trong sáng tăng trưởng khiến mọi nhận thức của bạn bắt đầu trở nên nhạy bén hơn, gần như trong suốt, như tấm gương phản chiếu hình ảnh sự vật. Trong giai đoạn “dòng sông”, con khỉ điên còn phá phách một đôi chút, nhưng khi bạn đạt đến giai đoạn “mặt hồ”, nó đã hoàn toàn rút lui.

Một điển dụ truyền thống trong Phật giáo so sánh sự tiến triển qua ba giai đoạn [thiền định] này với hình ảnh một hoa sen vươn lên khỏi bùn nhơ. Sen bắt đầu mọc trong bùn và những cặn bẩn dưới đáy ao hồ, nhưng khi hoa sen nở trên mặt nước, nó không còn mang dấu vết nào của bùn nhơ. Trong thực tế, những cánh sen thực sự có vẻ như không hề bám bẩn. Cũng vậy, khi tâm bạn nở hoa trong kinh nghiệm mặt hồ, bạn sẽ không còn dấu vết nào của sự chấp trước hay bám víu, không còn bất ổn nào liên quan đến luân hồi sinh tử. Thậm chí bạn còn có thể phát triển - như chư vị đại sư xưa kia - những năng lực nhận thức rất cao, chẳng hạn như thiên nhãn thông hay thần giao cách cảm. Nhưng khi điều này thực sự xảy ra cho bạn, tốt nhất là đừng khoe khoang và đừng nói cho ai biết, trừ vị thầy của bạn và những đệ tử thân tín của ngài.

Trong truyền thống Phật giáo, người ta không nói nhiều đến những kinh nghiệm hoặc chứng ngộ của bản thân mình, chủ yếu là vì sự khoe khoang như thế có khuynh hướng làm tăng trưởng tâm kiêu mạn và có thể dẫn đến sự sử dụng sai lầm những năng lực này để đạt được quyền lực thế tục hay gây ảnh hưởng đối với người khác, vốn là điều gây hại cho chính mình cũng như cho người khác. Vì lý do này, người học thiền mặc nhiên chấp nhận một sự cam kết hay một lời nguyện - tiếng Phạn là samaya - là không sử dụng một cách bất thiện những khả năng đạt được qua việc thực hành thiền quán. Sự cam kết này cũng giống như hiệp ước không sử dụng vũ khí hạt nhân một cách bất chính. Hệ quả của việc phản bội cam kết này là sẽ mất đi bất cứ thành tựu hay khả năng nào đã đạt được qua công phu tu tập.

NHẦM LẪN KINH NGHIỆM VỚI SỰ CHỨNG NGỘ

Hãy buông bỏ những gì mình đang tham luyến.

Ngài Gyalwang Karmapa Đời thứ 9
Đại thủ ấn: Liễu nghĩa hải (Mahamudra: The Ocean of Definitive Meaning)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Mặc dầu kinh nghiệm “mặt hồ” có thể được xem như tuyệt đỉnh của phép thiền an trụ shinay, nhưng tự nó không phải là một sự chứng ngộ hay giác ngộ viên mãn. Đó là một bước tiến quan trọng trên con đường đạo, nhưng không phải là bước cuối cùng. Chứng ngộ là sự nhận biết hoàn toàn tánh Phật của mình, nền tảng của luân hồi và Niết-bàn: vượt thoát mọi tư tưởng, cảm xúc và những kinh nghiệm hiện tượng đến từ các thức của giác quan cũng như ý thức, buông bỏ được kinh nghiệm nhị nguyên phân biệt ta và người, chủ thể và khách thể; và phát triển vô hạn các phẩm tính trí tuệ, từ bi và năng lực.

Có lần cha tôi kể lại một câu chuyện xảy ra lúc ngài còn ở Tây Tạng. Một vị đệ tử xuất gia của ngài lên một hang động trên núi để tu tập. Một hôm, thầy gửi cho cha tôi một thông điệp khẩn cấp xin ngài lên thăm thầy. Khi cha tôi đến, thầy háo hức thưa:
- Con đã giác ngộ viên mãn rồi! Con bay được, con biết. Nhưng con cần sư phụ cho phép.

Cha tôi nhận biết vị tăng này chỉ vừa thoáng thấy được - một kinh nghiệm - bản tâm thôi, nên thẳng thừng đáp:
- Quên chuyện đó đi. Ông không biết bay.

- Được mà! Vị tăng vẫn phấn khích trả lời. Nếu con nhảy từ đỉnh hang động này xuống…

- Không được! Cha tôi ngắt lời.

Hai người cãi qua cãi lại một hồi, và cuối cùng vị tăng đầu hàng:
- Thôi được, nếu sư phụ đã bảo không, con sẽ không làm.

Vì lúc đó gần đến giờ ăn trưa, vị thầy thỉnh cha tôi dùng cơm. Sau khi hầu cơm cho cha tôi xong, vị thầy rời khỏi động và sau đó một thời gian rất ngắn, cha tôi nghe có tiếng động lạ như tiếng “huỵch” và tiếng gào từ phía dưới vọng lên:
- Cứu tôi với! Tôi gãy chân rồi!

Cha tôi leo xuống chỗ vị thầy đang nằm dài và hỏi:
- Ông nói ông đã giác ngộ. Vậy kinh nghiệm giác ngộ của ông đâu?

Vị thầy rên rỉ:
- Sư phụ đừng nhắc đến nữa! Con đang đau quá!

Bẩm chất vốn từ mẫn, cha tôi cõng vị thầy lên động của ông, bó chỗ xương gãy và cho ông một liều dược thảo Tây Tạng để trị vết thương. Nhưng đó là một bài học mà vị tăng ấy sẽ không bao giờ quên.

Cũng như cha tôi, các bậc thầy khác luôn cẩn thận chỉ rõ khác biệt giữa sự chứng ngộ chân thật với một kinh nghiệm nhất thời. Kinh nghiệm luôn luôn thay đổi, như những áng mây bay trên bầu trời. Chứng ngộ - tuệ giác vững chãi về bản thể tự tâm - thì giống như chính bầu trời, một nền tảng không thay đổi để các kinh nghiệm đổi thay có thể diễn ra trên đó.

Để đạt đến chứng ngộ, điều quan trọng là tự mình tu tập theo một tiến trình tuần tự: bắt đầu bằng những thời khóa rất ngắn và lặp lại nhiều lần trong ngày. Khi những kinh nghiệm an tĩnh, thanh thản và trong sáng mà bạn trải nghiệm được gia tăng trong những thời khóa tu tập ngắn như thế, điều này tự nhiên sẽ khuyến khích bạn tiếp tục với những thời khóa kéo dài hơn. Đừng tự ép mình thiền tập khi quá mệt mỏi hay tâm trí quá xáo trộn. Cũng đừng tránh né việc ngồi thiền khi tự tâm bạn lên tiếng thầm thì nhắc nhở rằng đã đến giờ.

Một điều quan trọng khác là hãy buông xả tất cả những cảm giác hỷ lạc, trong sáng hoặc siêu việt khái niệm mà bạn có thể đã trải nghiệm. Đó là những kinh nghiệm dễ chịu và là những dấu hiệu rõ ràng chứng minh bạn đã nối kết một cách thâm sâu với chân tánh của tự tâm. Nhưng khi có những trải nghiệm như thế, ta dễ bị cám dỗ muốn nắm chặt lấy chúng, muốn chúng kéo dài. Chúng ta có quyền nhớ nghĩ và trân quý những kinh nghiệm này, nhưng nếu bạn cố gắng bám giữ hay tìm cách lặp lại, cuối cùng bạn sẽ nhận lấy sự thất vọng. Tôi biết điều đó vì tôi cũng đã từng là nạn nhân của sự cám dỗ, và mỗi khi sa vào sự cám dỗ ấy, tôi đều phải thất vọng. Mỗi khoảnh khắc chớp nhoáng của hỷ lạc, trong sáng và siêu việt khái niệm là một kinh nghiệm hoàn toàn tự nhiên của tâm trong trạng thái như thật của nó ở thời điểm nhất định ấy.

Khi ta cố bám víu vào một kinh nghiệm như sự hỷ lạc hay trong sáng, kinh nghiệm ấy liền mất đi phẩm chất sinh động và tự nhiên để trở thành một khái niệm, một kinh nghiệm chết. Dầu có cố gắng tới đâu để kéo dài, chúng cũng dần dần nhạt nhòa đi. Nếu sau đó bạn cố gắng tái tạo chúng, bạn có thể nếm lại hương vị của cảm giác cũ, nhưng đó chỉ là một ký ức chứ không phải bản thân sự trực nghiệm.

Bài học quan trọng nhất mà tôi được học là không nên chấp thủ vào những kinh nghiệm tốt đẹp nếu chúng đem đến sự an lạc. Như tất cả những kinh nghiệm tinh thần khác, sự hỷ lạc, trong sáng và siêu việt khái niệm cũng đến và đi một cách tự nhiên. Bạn không tạo ra chúng, không phải là nhân của chúng, và không thể điều khiển chúng. Chúng hoàn toàn chỉ là những phẩm tính tự nhiên của tâm thức bạn. Tôi được dạy rằng khi một kinh nghiệm tốt đẹp như thế phát khởi thì phải ngừng thiền quán ngay ở đó, trước khi các cảm giác nhòa đi. Ngược lại với sự chờ đợi của tôi, khi tôi ngừng thực tập ngay khi hỷ lạc, trong sáng hay một kinh nghiệm tuyệt vời nào khác phát sinh, thì tác động của chúng sẽ kéo dài hơn so với khi tôi cố bám víu vào chúng. Và đến thời khóa thiền tập tiếp theo, tôi thấy mình hăng hái hơn rất nhiều.

Quan trọng hơn nữa, tôi phát hiện rằng nếu ngừng thiền quán đúng lúc tôi đạt được cảm giác hỷ lạc, trong sáng hay siêu việt khái niệm, thì đó là một thực tập rất tốt để học buông xả cái tập khí dzinpa, hay là chấp thủ. Chấp thủ hay bám chặt vào một kinh nghiệm tuyệt diệu là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất của thiền quán, vì người ta quá dễ dàng tưởng rằng kinh nghiệm tuyệt diệu đó là dấu hiệu của sự chứng ngộ. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, đó chỉ là một giai đoạn thoáng qua, một chút lóe sáng của chân tánh bản tâm, vốn cũng dễ bị che mờ như mây che mặt trời. Một khi khoảnh khắc ngắn ngủi của tuệ giác thuần tịnh ấy qua rồi, bạn sẽ phải đối mặt với những kinh nghiệm bình phàm như sự chán nản, tán tâm hay bực dọc. Và bạn sẽ có nhiều sức mạnh, nhiều tiến bộ khi tu tập trong những điều kiện này hơn là cố gắng bám víu vào những kinh nghiệm hỷ lạc, trong sáng hay siêu việt khái niệm.

Hãy dùng chính kinh nghiệm của mình làm người dẫn đường và tạo nguồn cảm hứng. Hãy để mình tận hưởng những phong cảnh trên con đường tu tập. Phong cảnh đó chính là tâm thức của bạn, và vì tâm bạn vốn đã sẵn tánh giác ngộ, nếu bạn biết tận dụng cơ hội để thỉnh thoảng nghỉ ngơi một chút trên con đường, cuối cùng bạn sẽ nhận ra rằng nơi bạn muốn đến chính là nơi bạn đang đứng.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 21 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sống thiền


Pháp bảo Đàn kinh


Phật pháp ứng dụng


Thiếu Thất lục môn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.27.67 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...