Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Sống một đời vui »» 6. Món quà của sự trong sáng »»

Sống một đời vui
»» 6. Món quà của sự trong sáng

Donate

(Lượt xem: 15.684)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sống một đời vui - 6. Món quà của sự trong sáng

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Mọi hiện tượng đều là sự biểu lộ của tâm.

Đức Karmapa Đời thứ 3
Karmapa Chứng đạo ca: Liễu nghĩa Đại thủ ấn kỳ nguyện văn (Song of Karmapa: The Aspiration of the Mahamudra of True Meaning)
Erik Pema Kunsang dịch sang Anh ngữ

Cho dù chúng ta so sánh tính Không với hư không như một phương cách để hiểu được bản chất vô hạn của tâm thức, nhưng so sánh này không hoàn hảo. Hư không, ít nhất là theo sự nhận biết của chúng ta, không hề có tri giác. Nhưng theo cách nhìn của Phật giáo thì tính Không và tính giác không thể phân hai. Bạn không thể tách lìa tính Không và tính giác, cũng như bạn không thể tách lìa tính ướt ra khỏi nước hay tính nóng ra khỏi lửa. Nói cách khác, bản chất chân thật của bạn không chỉ là vô hạn về tiềm năng mà còn là hoàn toàn tỉnh giác.

Phật giáo gọi cái biết tự nhiên ấy là sự trong sáng hay đôi khi còn gọi là tâm quang minh. Chính khía cạnh nhận biết của tâm thức đã giúp ta nhận rõ và phân biệt sự đa dạng vô cùng của những tư tưởng, cảm giác, cảm thọ và những trình hiện không ngừng hiện khởi từ tính Không. Sự trong sáng ấy cũng hoạt dụng ngay cả khi ta không chú tâm - thí dụ khi chúng ta chợt nghĩ “tôi muốn ăn”, “tôi phải đi”, “tôi phải ở lại”. Không có tâm quang minh này, chúng ta sẽ không có khả năng suy nghĩ, cảm giác, hay nhận thức điều gì cả. Chúng ta cũng sẽ không thể nhận biết chính thân thể của mình hay thế giới chung quanh, hay bất kỳ những gì xuất hiện trong thế giới ấy.

GIÁC TÍNH TỰ NHIÊN

Các hiện tượng và tâm thức tồn tại như lửa và sức nóng.

Ngài Orgyenpa
Đại thủ ấn: Liễu nghĩa hải (Mahamudra: The Ocean of Definitive Meaning)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Các bậc thầy của tôi mô tả tâm quang minh như là tự nó chiếu sáng - như ánh lửa của ngọn nến, vừa là nguồn sáng vừa soi sáng chính nó. Sự trong sáng là một thành phần của tâm thức từ khởi thủy, một tánh giác tự nhiên. Bạn không thể làm cho nó phát triển theo cách như làm cho cơ bắp nở nang bằng cách tập thể dục. Điều duy nhất phải làm là thừa nhận nó, chỉ cần nhận ra sự kiện bạn đang nhận biết. Tất nhiên, thách thức ở đây là sự trong sáng, hay tánh giác tự nhiên, quá ư quen thuộc trong đời sống hằng ngày đến nỗi rất khó nhận biết. Như thể bạn cố nhìn thấy lông mi của mình mà không dùng gương soi.

Vậy thì làm cách nào để nhận biết nó?

Theo lời Phật dạy thì bạn phải thực hành thiền, tuy đây không hẳn là phương pháp thiền như hầu hết mọi người thường nghĩ.

Thiền ở đây là một loại “thiền chẳng phải thiền”. Không cần thiết phải quán tưởng hay chú tâm vào bất kỳ điều gì. Một số đệ tử của tôi gọi đó là “thiền sạch, thiền không phụ gia”.

Theo như trong các bài thực tập khác tôi đã học từ cha tôi, trước hết là phải ngồi thẳng lưng, thở bình thường và dần dần để cho tâm buông thư. Ông dạy chúng tôi, những đồ đệ ngồi trong căn phòng học chật chội của ông ở Népal: “Với tâm thức đã thư giãn rồi, chỉ cần giữ sự tỉnh giác về tất cả những tư tưởng, cảm giác và cảm thọ đang đi qua nó. Và khi quan sát chúng đi qua, chỉ đơn giản là tự hỏi mình: Có khác biệt gì giữa tâm thức và những tư tưởng đang đi qua nó hay không? Có khác biệt gì giữa người đang suy nghĩ và những ý nghĩ mà người này đang nhận biết hay không? Hãy tiếp tục quan sát tư tưởng và giữ những câu hỏi này trong đầu chừng 3 phút, rồi ngừng lại.”

Thế là tất cả chúng tôi ngồi, có người động đậy, có người căng thẳng, nhưng ai cũng chú tâm vào quán chiếu tự tâm và tự hỏi liệu có khác biệt gì giữa các ý nghĩ và người đang suy nghĩ hay không.

Vì tôi chỉ là một đứa bé và hầu hết những đồ đệ khác đều là người lớn, tất nhiên là tôi nghĩ rằng họ phải thực hành giỏi hơn tôi. Nhưng khi tôi quán chiếu chính những tư tưởng về sự thua kém của mình như vậy, tôi nhớ lại những lời dạy và một điều vui thú đã xảy ra. Trong một khoảnh khắc rất ngắn, tôi thoáng thấy những ý nghĩ “họ giỏi hơn tôi” chỉ là những tư tưởng, và tư tưởng không phải là những thực thể cố định mà chỉ là những hoạt động của tâm thức đang nghĩ về chúng. Dĩ nhiên, ngay khi tôi thoáng nhận biết được như vậy thì sự nhận biết ấy đã trôi qua rồi và tôi lại trở về với việc so sánh mình và những đệ tử khác. Nhưng khoảnh khắc trong sáng ngắn ngủi ấy thật là sâu sắc.

Sau khi chúng tôi hoàn thành bài tập, cha tôi giảng giải rằng, điểm chính yếu của bài tập là nhận ra được rằng không có khác biệt gì giữa tâm thức đang suy nghĩ với những ý nghĩ đến rồi đi trong tâm thức ấy. Chính tâm thức ấy và những tư tưởng, cảm xúc và cảm thọ sinh ra, trụ lại và diệt đi trong tâm đều là những hiển lộ như nhau của tánh Không - có nghĩa là, cái tiềm năng rộng mở vô hạn để bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu tâm thức không phải một “vật thể” mà là một sự kiện, vậy thì tất cả các tư tưởng, cảm giác và cảm thọ diễn ra trong cái mà ta nghĩ đến như là tâm thức ấy, cũng đều là những sự kiện. Khi chúng ta bắt đầu an trụ trong kinh nghiệm về tâm thức và tư tưởng không thể tách biệt, giống như hai mặt của một đồng tiền, chúng ta sẽ bắt đầu nắm bắt được ý nghĩa chân thật của sự trong sáng như một trạng thái tỉnh giác mở ra vô hạn.

Rất nhiều người nghĩ rằng thiền có nghĩa là đạt đến một trạng thái sinh động lạ thường, hoàn toàn khác với bất kỳ điều gì họ đã từng trải qua. Họ tự mình nén ép tâm trí, nghĩ rằng mình phải đạt đến một tầng bậc tâm thức cao hơn… phải nhìn thấy điều gì kỳ diệu, như ánh sáng cầu vồng ngũ sắc hay hình ảnh trong các cảnh giới tịnh độ… hay phát ra ánh sáng trong bóng tối.

Làm như thế là nỗ lực thái quá, và hãy tin tôi, tôi đã từng làm như thế, cũng như rất nhiều người tôi quen biết trong những năm qua đã từng làm như thế.

Cách đây không lâu, tôi gặp một người cũng đang tự chuốc lấy những bất ổn với sự nỗ lực thái quá. Tôi đang ngồi ở phi trường Delhi chờ đáp chuyến máy bay đi châu Âu thì một người đàn ông tiến đến gần và hỏi tôi có phải là tu sĩ Phật giáo không? Tôi xác nhận điều đó và ông ta hỏi tôi có biết cách tập thiền không. Và khi tôi trả lời là biết thì ông ta hỏi tiếp:
- Thầy cảm thấy thế nào khi thiền?

- Tốt lắm.

- Thầy không thấy khó khăn sao?

Tôi đáp:
- Không, cũng không khó gì lắm.

Ông ta lắc đầu thở dài:
- Đối với tôi thì ngồi thiền quá khó khăn!

Và ông giải bày:
- Sau khoảng 15 hay 20 phút, tôi bắt đầu thấy chóng mặt quay cuồng, và nếu cố ngồi lâu hơn nữa, đôi khi tôi bị nôn ói.

Tôi nói, tôi nghĩ rằng ông quá căng thẳng, có lẽ ông nên buông thư một chút trong khi ngồi thiền, nhưng ông ta đáp:

- Không, khi tôi cố gắng thư giãn, tôi lại càng chóng mặt nhiều hơn.

Vấn đề của ông ta có vẻ lạ lùng và vì ông tỏ ra thật lòng muốn tìm giải pháp, nên tôi mời ông ngồi thiền trước mặt cho tôi nhìn. Ông ngồi lên chiếc ghế đối diện với tôi, tay, chân và ngực đột ngột gồng cứng một cách quái lạ, mắt ông lồi ra, mặt cau lại một cách khủng khiếp, lông mày nhướng lên thật cao, và ngay cả hai tai ông cũng muốn tách ra khỏi đầu. Cả người ông quá căng thẳng đến nỗi ông bắt đầu run lên.

Chỉ nhìn ông thôi, tôi nghĩ có lẽ chính tôi cũng sẽ chóng mặt, nên tôi nói: “Thôi được rồi, ông ngừng lại đi.”

Ông thả lỏng cơ bắp, khuôn mặt hết nhăn nhó, mắt, tai và lông mày trở lại trạng thái bình thường. Ông nhìn tôi hăm hở chờ đợi lời khuyên. Tôi nói:

- Được rồi. Bây giờ tôi sẽ ngồi thiền. Ông hãy nhìn tôi như tôi đã nhìn ông.

Tôi chỉ ngồi trên ghế như bình thường, lưng thẳng, cơ bắp thư giãn, hay tay đặt nhẹ trong lòng, mắt nhìn thẳng về phía trước không chút căng thẳng đặc biệt nào và trụ tâm trong sự nhận biết đơn thuần về giây phút hiện tại. Tôi nhìn ông quan sát tôi từ đầu xuống chân, rồi từ chân lên đầu, rồi lại từ đầu xuống chân. Thế rồi tôi ngừng thiền và nói với ông đấy là cách tôi ngồi thiền.

Sau một lúc, ông chậm rãi gật đầu và nói: “Tôi nghĩ là tôi hiểu rồi.”

Đúng lúc ấy, chúng tôi được gọi lên máy bay. Vì chỗ ngồi của chúng tôi cách xa nhau nên chúng tôi không cùng lên máy bay, và trong suốt chuyến bay tôi không hề nhìn thấy ông.

Sau khi xuống máy bay, tôi lại thấy ông giữa các hành khách khác. Ông vẫy tay và đến gần tôi, nói:

- Thầy biết không, tôi đã thực tập như thầy chỉ cho tôi, và trong suốt chuyến bay tôi đã có thể ngồi thiền mà không chóng mặt. Tôi nghĩ là tôi đã hiểu thế nào là thư giãn trong khi ngồi thiền rồi. Cám ơn thầy nhiều nhé!

Tất nhiên là khi nỗ lực thái quá thì rất có thể là bạn cũng sẽ đạt được những kinh nghiệm sống động, nhưng thường thì có 3 loại kết quả điển hình. Một là, nỗ lực nhận biết tất cả các tư tưởng, cảm giác và cảm thọ đang ào ạt đi qua tâm trí là quá mệt nhọc, và kết quả là bạn sẽ mỏi mệt hay mất tỉnh táo (hôn trầm). Hai là nỗ lực quan sát các tư tưởng, cảm xúc hay cảm thọ sẽ tạo ra một cảm giác bồn chồn, bất an (trạo cử). Ba là bạn có thể thấy tâm thức rơi vào trạng thái hoàn toàn rỗng không: mọi tư tưởng, cảm xúc, cảm giác hay nhận thức mà bạn quan sát đều lướt qua tâm bạn quá nhanh đến nỗi hoàn toàn thoát khỏi sự nhận biết của bạn. Với bất kỳ trường hợp nào trong số đó, bạn cũng có thể kết luận một cách hợp lý là việc tập thiền như thế không phải là một kinh nghiệm tuyệt vời như bạn đã tưởng tượng.

Thật ra, điểm chính yếu của việc thực tập thiền là phải buông bỏ tất cả mọi kỳ vọng về thiền. Tất cả các phẩm tính của tâm bản nhiên như: an bình, rộng mở, thư giãn và trong sáng đều hiện hữu trong tâm như vốn có mà không cần phải làm gì khác. Bạn không cần phải dịch chuyển hay thay đổi sự nhận biết của mình. Tất cả những gì bạn phải làm khi quan sát tâm thức là nhận biết được những phẩm tính mà nó sẵn có.

THẮP SÁNG BÓNG TỐI

Bạn không thể tách biệt một vùng sáng với một vùng tối. Chúng quá gần nhau.

Tulku Urgyen Rinpoche
Như thị - Quyển 1 (As It Is, Volume 1)
Erik Pema Kunsang dịch sang Anh ngữ

Học biết về sự trong sáng của tâm thức là một tiến trình tuần tự, cũng giống như việc phát triển sự nhận biết về tánh Không. Trước hết, bạn nắm lấy điểm trọng yếu, từ từ phát triển sự quen thuộc với nó, và tiếp tục tu tập trong sự nhận biết. Nhiều bản văn đã so sánh tiến trình nhận biết chậm chạp ấy như cách tiểu tiện của một con bò già - một sự miêu tả rất hay và thực tế giúp chúng ta không còn xem tiến trình này là cực kỳ khó khăn và trừu tượng. Tuy nhiên, trừ phi bạn là dân du mục Tây Tạng hay được lớn lên trong một nông trại, bằng không thì sự so sánh này có thể sẽ không được hiểu rõ ngay, cho nên tôi sẽ giải thích điều này. Một con bò già không tiểu tiện theo cách tuôn nhanh ra một mạch, mà là một dòng chảy chậm rãi, đều đặn. Dòng nước tiểu không bắt đầu quá nhiều nhưng cũng không chấm dứt mau chóng. Trong thực tế, con bò có thể đi qua một đoạn đường dài, vừa tiểu tiện vừa gặm cỏ. Nhưng khi tiểu tiện xong, thật là nhẹ cả mình!

Cũng giống như tánh Không, bản chất chân thật của sự trong sáng không thể nào được định nghĩa đầy đủ mà không bị biến thành một kiểu khái niệm [cứng nhắc] nào đó mà bạn có thể xếp vào một xó của tâm thức để rồi suy nghĩ: “Được rồi, tôi đã hiểu, tâm thức tôi vốn là trong sáng, rồi sao nữa?” Sự trong sáng với dạng thức thuần khiết của nó nhất thiết phải được trải nghiệm. Và khi bạn đã trải nghiệm nó rồi, sẽ không còn câu hỏi “rồi sao nữa”. Bạn đã nhận hiểu, thế thôi!

Nếu bạn nghĩ đến khó khăn để trình bày một vấn đề mà về cơ bản đã vượt ngoài sự miêu tả, rất có thể bạn sẽ hiểu được phần nào thách thức mà đức Phật đã gặp phải khi cố gắng giải thích về bản thể tâm thức cho các vị đệ tử của Ngài. Những vị này chắc hẳn cũng giống như bản thân chúng ta, luôn đi tìm những định nghĩa thật rõ ràng minh bạch để có thể xếp vào một hộc tủ của kiến thức, và cảm thấy hãnh diện vì mình khôn ngoan và nhạy bén hơn tất cả những người khác.

Để tránh sự vướng mắc này, như chúng ta đã thấy, đức Phật chọn phương pháp dùng những ẩn dụ, những chuyện ngụ ngôn để diễn tả những gì không thể diễn tả. Để giúp ta hiểu được sự trong sáng của tâm trong kinh nghiệm hằng ngày, Ngài đã dùng cách so sánh giống như đã dùng để miêu tả tính Không, tức là so sánh với giấc mơ.

Ngài dạy chúng ta hãy hình dung bóng tối hoàn toàn của giấc ngủ, khi mắt nhắm, màn kéo, và tâm rơi vào một trạng thái trống rỗng hoàn toàn. Thế nhưng, ngài giảng giải rằng, trong bóng tối ấy những hình dạng và kinh nghiệm bắt đầu xuất hiện. Trong số những người chúng ta gặp gỡ, có người quen, có người lạ. Chúng ta có thể thấy mình ở những nơi đã biết hoặc ở những nơi vừa mới được tưởng tượng ra. Những sự việc ta mơ thấy có thể phản ánh những gì ta trải qua trong đời sống thật, hoặc cũng có thể là hoàn toàn mới lạ, chưa bao giờ tưởng tượng trước kia. Trong những giấc mơ, bất kỳ và tất cả mọi kinh nghiệm đều có khả năng xuất hiện, và ánh sáng chiếu soi cùng phân biệt những con người, nơi chốn, sự kiện khác nhau trong bóng tối của giấc ngủ chính là một khía cạnh từ sự trong sáng thanh tịnh của tâm thức.

Khác biệt chính giữa thí dụ giấc mơ và sự trong sáng thực sự là ngay cả trong giấc mơ, hầu hết chúng ta vẫn phân biệt giữa bản thân ta với người khác, cũng như với những nơi chốn, những sự kiện mà ta trải qua. Khi chúng ta thực sự nhận biết sự trong sáng của tâm thức, chúng ta không còn sự phân biệt như thế. Tâm bản nhiên là không thể phân chia. Vấn đề không phải như thể là tôi đang sống trong sự trong sáng ở nơi đây và bạn đang sống trong sự trong sáng ở đàng kia. Giống như tánh Không, sự trong sáng cũng là vô tận: nó không có giới hạn, không có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Càng quan sát tâm thức một cách sâu xa hơn, ta càng khó tìm thấy sự khác biệt rõ ràng giữa điểm chấm dứt của tâm mình và điểm bắt đầu của tâm người khác.
Khi bắt đầu thể nghiệm được điều này, cảm giác khác biệt giữa “ta” và “không phải ta” nhường chỗ cho một cảm giác ôn hòa hơn, nhu nhuyễn hơn trong sự hợp nhất giữa mình với mọi sinh thể khác và với thế giới xung quanh. Và chính qua cảm giác “hợp nhất” ấy mà chúng ta bắt đầu nhận ra rằng, rốt cùng thì thế giới này có lẽ không phải một nơi đáng sợ như ta tưởng: kẻ thù không phải là kẻ thù, mà cũng là con người như chính chúng ta, luôn khát khao hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc theo cách tốt nhất mà họ biết được, và ai cũng có sự hiểu biết sâu sắc, trí tuệ và khả năng nhìn thấu qua sự khác biệt bề ngoài, cũng như tìm được những giải pháp đem lại lợi ích không những cho chính bản thân mà còn cho mọi người xung quanh.

TRÌNH HIỆN VÀ HUYỄN CẢNH

Thấy được điều có ý nghĩa như là có ý nghĩa, điều vô nghĩa như là vô nghĩa, ta có được sự hiểu biết chân chính.

Kinh Pháp Cú (The Dhammapada)
Eknath Easwaran dịch sang Anh ngữ

Tuy nhiên, tâm thức giống như một nhà ảo thuật trên sân khấu. Nó có thể làm cho ta nhìn thấy những điều không thực sự hiện diện. Hầu hết chúng ta thường bị mê hoặc bởi những huyễn cảnh do tâm tạo ra, và chính ta còn tự thúc đẩy mình tạo thêm ngày càng nhiều hơn những huyễn cảnh quái dị. Màn kịch thuần túy này dần trở nên gây nghiện, tạo ra điều mà một trong những học trò của tôi gọi là “tăng cao adrenaline” hay một kiểu “ép phê”, khiến cho chúng ta, hay những vấn đề bất ổn của ta, cảm thấy [màn kịch ấy] thật lôi cuốn, thích thú hơn - ngay cả khi hoàn cảnh tạo ra chúng thật là đáng sợ.

Cũng giống như chúng ta vỗ tay cho màn biểu diễn của nhà ảo thuật lôi một con thỏ ra từ cái nón, ta xem phim rùng rợn, đọc tiểu thuyết trinh thám, lao vào những quan hệ tình cảm rắc rối, và đấu đá với cấp trên hay đồng nghiệp. Lạ lùng thay - điều này có thể là liên quan đến phần não bò sát, vùng não xưa nhất của não bộ - chúng ta thực sự thích thú với sự căng thẳng mà những kinh nghiệm nói trên mang lại. Qua việc tăng cường cái cảm giác “ta” đối nghịch với “họ”, chúng khẳng định tri giác về cá nhân của ta, mà như chúng ta đã thấy trong chương trước, vốn tự nó thực ra chỉ là một trình hiện, không có tự tính.

Một số nhà Tâm lý học nhận thức khi nói chuyện với tôi đã so sánh tâm thức con người với một máy chiếu phim. Cũng như máy chiếu phim chiếu những hình ảnh lên màn bạc, tâm thức cũng phóng chiếu các hiện tượng của giác quan lên một kiểu “màn nhận thức” - một bối cảnh mà ta cho là “thế giới bên ngoài” - đồng thời cũng phóng chiếu những tư tưởng, cảm giác và cảm thọ lên một kiểu màn bạc khác, hay bối cảnh mà ta gọi là thế giới nội tâm, hay “cái tôi”.

Điều này rất gần với cách nhìn của Phật giáo về thực tại tương đối và tuyệt đối. Thực tại tuyệt đối là tánh Không, trong đó các nhận thức của chúng ta được trực nhận như một dòng tiếp nối bất tận của những kinh nghiệm ngắn ngủi có thể xảy ra. Khi bạn bắt đầu nhận ra rằng các nhận thức của mình không phải gì khác hơn là những sự kiện thoáng qua theo từng tình huống, chúng sẽ không còn tác động mạnh đến bạn và toàn bộ cấu trúc nhị nguyên “ta” và “không phải ta” sẽ bắt đầu suy yếu dần. Thực tại tương đối là tổng hợp tất cả những kinh nghiệm sinh khởi đến từ ý niệm sai lầm rằng bất kỳ điều gì bạn nhận biết đều tự nó vốn là thật có.

Tuy nhiên, việc từ bỏ thói quen suy nghĩ rằng sự việc tồn tại trong thế giới “ngoài kia” hay “trong nội tâm này” là rất khó. Điều đó có nghĩa là bạn phải buông bỏ tất cả những huyễn cảnh mà bạn yêu thích, và nhận ra rằng tất cả những gì bạn phóng tưởng, tất cả những gì bạn vẫn cho là “khác với ta”, thật ra đều là những biểu hiện tự nhiên của chính tâm thức bạn. Điều đó cũng có nghĩa là bạn buông bỏ mọi ý niệm về thực tại và thay vào đó là thể nghiệm dòng chảy thực tại đúng thật như bản chất vốn có của nó. Nhưng đồng thời bạn cũng không cần phải từ bỏ mọi nhận thức của bạn. Bạn không cần phải tự cô lập mình trong một hang động hay lên núi cao bế quan nhập thất. Bạn có thể tận dụng những nhận thức của mình nhưng không hăm hở chạy theo chúng, chỉ nhìn chúng như cách bạn nhìn những đối tượng trong giấc mơ. Bạn có thể thực sự kinh ngạc trước sự đa dạng của những kinh nghiệm đang tự chúng trình hiện trước bạn.

Thông qua việc nhận biết được khác biệt giữa các trình hiện và huyễn cảnh, bạn có thể tự cho phép mình thừa nhận rằng một số nhận thức của bạn là sai lầm hay thiên lệch, rằng những ý niệm về việc mọi thứ phải như thế này hoặc thế khác đã trở nên kiên cố đến mức làm cho bạn không thể thấy được bất kỳ quan niệm nào khác hơn là quan niệm của chính mình.

Khi tôi bắt đầu nhận biết được tánh Không và sự trong sáng của tự tâm mình, cuộc sống của tôi đã trở nên phong phú hơn, sinh động hơn theo những cách thức mà trước đây tôi chưa từng nghĩ đến. Một khi đã buông bỏ những ý niệm về việc mọi thứ phải như thế này hoặc như thế khác, tôi bắt đầu được tự do để đáp ứng với kinh nghiệm của mình một cách hoàn toàn đúng thật như bản thể của nó và hoàn toàn đúng thật như bản thể của chính tôi, ngay vào lúc đó và nơi đó.

SỰ HỢP NHẤT CỦA TÂM TRONG SÁNG VÀ TÁNH KHÔNG

Bản thể chân thật của chúng ta là một kho tàng bất tận.

Luận sư Di-lặc
Đại thừa Vô thượng tục luận (The Mahayana Uttaratantra Shastra)
Rosemarie Fuchs dịch sang Anh ngữ

Chúng ta được nghe rằng đức Phật đã chỉ dạy 84.000 pháp môn để giúp chúng sinh với những căn cơ khác nhau đều nhận hiểu được năng lực của tâm thức. Tôi chưa học hết các pháp môn này nên không thể nói chắc được là con số đó có chính xác hay không. Cũng có thể Ngài đã dạy 83.999 hay 84.001 pháp môn. Tuy nhiên, tinh yếu trong giáo pháp của Ngài có thể quy về một điểm: “Tâm là nguồn cội của tất cả mọi kinh nghiệm, và khi chuyển hóa tâm, ta có thể thay đổi phẩm chất của tất cả mọi kinh nghiệm.” Khi bạn chuyển hóa tâm, tất cả những gì bạn trải nghiệm cũng được chuyển hóa theo. Cũng giống như khi mang vào cặp mắt kính màu vàng, bạn đột nhiên thấy mọi thứ đều màu vàng. Nếu mang mắt kính xanh, bạn sẽ thấy mọi thứ đều màu xanh.

Theo ý nghĩa này, sự trong sáng có thể được hiểu như là khía cạnh sáng tạo của tâm thức. Tất cả những gì bạn nhận thức đều là thông qua năng lực của sự tỉnh giác. Khả năng sáng tạo của tâm thức thực sự không có giới hạn. Khía cạnh sáng tạo này thật ra là hệ quả tự nhiên của sự hợp nhất tánh Không và sự trong sáng. Tiếng Tây tạng gọi đó là magakpa, có nghĩa là “vô chướng ngại”. Đôi lúc magakpa cũng được dịch là “năng lực” hay “khả năng”, nhưng ý nghĩa của nó vẫn là một, đó là sự tự do của tâm thức để thể nghiệm tất cả và bất kỳ sự việc nào.

Tùy theo mức độ nhận hiểu được năng lực chân thật của tâm, bạn có thể sẽ bắt đầu kiểm soát được nhiều hơn những kinh nghiệm của mình. Đau đớn, sầu não, sợ hãi hay lo âu, và tất cả các dạng thức của khổ đau sẽ không còn khuấy động cuộc đời bạn một cách mạnh mẽ như trước đây. Những kinh nghiệm từng được xem như chướng ngại thì nay sẽ là những cơ hội giúp bạn đào sâu sự nhận hiểu về bản chất vô ngại của tâm.

Ai cũng trải qua những cảm giác khổ đau và hạnh phúc trong suốt cuộc đời mình. Hầu hết những cảm giác này dường như đều có một căn bản thể chất nào đó. Được xoa bóp thân thể, ăn một bữa ngon, hay tắm nước nóng... nói chung thường được xem là những kinh nghiệm vui thú về mặt thể chất. Bị bỏng một ngón tay, bị kim chích hay kẹt xe vào một ngày nóng bức và trong xe không có máy lạnh... thường được xem là những khổ sở về mặt thể chất. Thế nhưng, thật ra thì việc bạn trải nghiệm những điều như trên là khó chịu hay vui thú không tùy thuộc vào tự thân những cảm thọ của thân thể, mà tùy thuộc vào nhận thức của bạn về những sự việc ấy.

Chẳng hạn, có một số người không chịu được thời tiết nóng hay lạnh. Họ nói rằng nếu phải ra đường trong một ngày oi bức, họ sẽ chết mất. Dù chỉ chảy vài giọt mồ hôi cũng đủ làm cho họ thấy bực bội khó chịu. Mùa đông, một vài bông tuyết rơi trên đầu cũng là ngoài sức chịu đựng của họ. Nhưng nếu có một bác sĩ mà họ tin cậy bảo họ phải tắm hơi nóng mỗi ngày 10 phút để cải thiện sức khỏe, họ thường sẽ nghe theo lời khuyên đó. Họ sẽ đi tìm và thậm chí trả tiền cho một kinh nghiệm mà trước kia họ không chịu đựng được. Ngồi trong phòng tắm hơi, họ sẽ nghĩ: “Tốt quá, ta đang đổ mồ hôi! Thật là tuyệt!” Họ làm như thế là vì họ đã cho phép mình chuyển đổi nhận thức tinh thần về cảm giác nóng và đổ mồ hôi. Sự nóng bức và đổ mồ hôi chỉ là những hiện tượng mà họ đã gán cho những ý nghĩa khác nhau. Và nếu vị bác sĩ trên nói thêm rằng, tắm nước lạnh sau khi ra khỏi phòng tắm hơi sẽ cải thiện sự lưu thông máu huyết, họ cũng sẽ tập ưa thích tắm nước lạnh, thậm chí sẽ thấy tắm nước lạnh quả là mát mẻ dễ chịu.

Các nhà tâm lý học thường gọi loại chuyển hóa nhận thức này là “tái cấu trúc nhận thức”. Khi cố ý chú tâm vào một kinh nghiệm, người ta có khả năng chuyển đổi ý nghĩa của kinh nghiệm đó từ trạng thái đau đớn hay khó chịu thành chấp nhận được hay dễ chịu. Với thời gian, sự tái cấu trúc nhận thức này sẽ thiết lập những lộ trình nơ-ron mới trong não bộ, đặc biệt là trong vùng hệ viền, nơi mà hầu hết các cảm thọ đau đớn hay vui thích được nhận biết và xử lý.

Nếu như những nhận thức của ta đều là những cấu trúc tinh thần tùy thuộc vào những kinh nghiệm quá khứ và kỳ vọng trong hiện tại, thì những gì được ta chú tâm và chú tâm như thế nào sẽ là những yếu tố quan trọng trong việc quyết định kinh nghiệm của ta. Ta càng tin tưởng sâu xa rằng một điều nào đó là thật có, thì điều ấy càng có nhiều khả năng trở thành sự thật trong kinh nghiệm của ta. Vì thế, nếu ta tin rằng mình yếu đuối, ngốc nghếch hay kém cỏi, thì bất luận những phẩm chất thực sự của ta có như thế nào, bất luận những người xung quanh hay bạn bè nhận xét về ta khác đi như thế nào, chúng ta cũng sẽ tự cảm nhận mình như là yếu đuối, ngốc nghếch và kém cỏi.

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn bắt đầu nhận hiểu rằng những kinh nghiệm của mình đều do chính mình phóng chiếu? Điều gì sẽ xảy ra khi bạn bắt đầu không còn sợ sệt trước những con người quanh bạn và những tình huống từng làm cho bạn khiếp sợ? Nhìn từ một góc độ thì chẳng có gì xảy ra cả. Nhưng nhìn từ một góc độ khác thì khi đó mọi thứ đều có thể xảy ra.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 21 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.211.135 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (130 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...