Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)
Nụ cười biểu lộ niềm vui, và niềm vui là dấu hiệu tồn tại tích cực của cuộc sống.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Phải làm rất nhiều việc tốt để có được danh thơm tiếng tốt, nhưng chỉ một việc xấu sẽ hủy hoại tất cả. (It takes many good deeds to build a good reputation, and only one bad one to lose it.)Benjamin Franklin
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Tôn giáo của tôi rất đơn giản, đó chính là lòng tốt.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Sống một đời vui »» 8. Tại sao chúng ta không hạnh phúc? »»

Sống một đời vui
»» 8. Tại sao chúng ta không hạnh phúc?

Donate

(Lượt xem: 16.002)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sống một đời vui - 8. Tại sao chúng ta không hạnh phúc?

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
Tất cả chúng sinh luôn có khuynh hướng hành động theo cách bất lợi cho họ.

Ngài Jamgon Kongtrul
Liễu nghĩa cự (The Torch of Certainty)
Judith Hanson dịch sang Anh ngữ

Sau gần 10 năm đi thuyết giảng ở hơn 20 quốc gia trên thế giới, tôi đã từng được thấy rất nhiều điều kỳ thú, được nghe rất nhiều câu chuyện cũng thật kỳ thú từ những người đến nghe tôi giảng hay tìm gặp tôi để được tham vấn riêng. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là thấy rằng những người sống trong các quốc gia với đầy đủ tiện nghi vật chất lại dường như cũng trải qua những đau khổ sâu sắc không khác gì người dân của các quốc gia nghèo kém. Sự biểu hiện của khổ đau mà tôi chứng kiến [ở đây] về một số khía cạnh nào đó là khác biệt với những gì tôi đã quen nhìn thấy ở Ấn Độ và Népal, nhưng cường độ của nó thật mạnh mẽ, có thể cảm nhận được.

Tôi bắt đầu nhận biết nỗi khổ đau này trong những lần đầu đến viếng các nước phương Tây, khi những người bạn nước chủ nhà thường đưa tôi đi tham quan những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất xứ họ. Lần đầu tiên nhìn thấy tòa nhà Empire State hay tháp Eiffel, tôi không thể không cảm thấy thán phục thiên tài của tác giả thiết kế những công trình ấy, và mức độ của sự quyết tâm cũng như hợp tác giữa những người đã tạo dựng nên những kiến trúc nói trên. Nhưng khi chúng tôi lên đài vọng cảnh, tôi thấy tầm mắt bị ngăn cản bởi những vòng dây kẽm gai, và những đội lính canh đi tuần tiễu khắp nơi. Khi tôi hỏi các bạn chủ nhà về lý do phải có đội lính tuần tiễu và những vòng dây kẽm gai, họ giải thích rằng, phải cẩn thận như thế để ngăn ngừa những người muốn tự tử bằng cách nhảy từ lầu cao xuống.
Những xã hội tạo lập được những kỳ quan như thế mà lại cần đến những biện pháp nghiêm ngặt để ngăn ngừa người ta dùng chúng làm đài tự sát, thật là quá đỗi bi thảm!

Những biện pháp an ninh như thế không làm giảm đi sự ngưỡng mộ của tôi đối với vẻ đẹp của những kỳ quan này hay những kỹ thuật tinh xảo cần thiết để xây dựng chúng. Nhưng sau khi tôi đã tham quan một số nơi như thế, những biện pháp an ninh này bắt đầu tỏ ra có sự liên quan trùng hợp với một điều khác mà tôi vừa bắt đầu nhận ra. Đó là, cho dù những người sống trong xã hội tiện nghi vật chất thường dễ mỉm cười, nhưng đôi mắt họ lại hầu như luôn biểu lộ một trạng thái không hài lòng, thậm chí là tuyệt vọng. Và những vấn đề được họ nêu lên trong các buổi giảng pháp chung hay tham vấn riêng thường xoay quanh vấn đề làm sao để trở nên một người tốt đẹp hơn hay mạnh mẽ hơn, hay làm sao để vượt qua được cảm giác “tự căm ghét mình”.

Càng đi nhiều nơi tôi càng nhận thấy rõ ràng hơn, những người sống trong các xã hội có nhiều thành tựu về công nghệ và vật chất cũng có nhiều khả năng phải gánh chịu những buồn đau, lo âu, cô đơn, cách biệt và tuyệt vọng không khác gì những người sống trong các xã hội kém phát triển hơn. Sau vài năm đặt những câu hỏi có định hướng trong các buổi thuyết giảng chung hay tham vấn riêng, tôi bắt đầu nhận thấy rằng, khi mức độ phát triển ngoại vật, hay vật chất, vượt qua sự phát triển tri kiến nội tâm, dường như người ta phải chịu đựng những xung đột tâm lý mãnh liệt mà không có phương pháp nội tâm nào để đối phó. Một sự thừa thải về của cải vật chất sẽ tạo ra quá nhiều rối rắm từ ngoại cảnh, đến nỗi làm cho con người đánh mất đi mối liên hệ với đời sống nội tâm.

Lấy thí dụ, hãy nghĩ đến những người đang lao mình vào việc tìm kiếm cảm giác hứng thú bằng cách đi ăn ở một nhà hàng mới, gầy dựng một quan hệ tình cảm mới, hay thay đổi công việc làm. Trong một thời gian ngắn, sự mới mẻ quả thật dường như có đem lại phần nào cảm giác kích thích. Nhưng cuối cùng thì sự kích động lắng xuống, những cảm giác mới, bạn bè mới, hay trách nhiệm mới rồi cũng sẽ trở nên nhàm chán. Bao nhiêu hạnh phúc cảm nhận được lúc ban đầu đều tan biến hết.

Và vì thế họ lại thử qua một phương cách mới, như là đi tắm biển. Và trong một thời gian ngắn, điều này có vẻ như cũng giúp họ thỏa mãn: mặt trời ấm áp, sóng biển tuyệt vời, và có rất đông người để gặp gỡ làm quen, cũng có thể có nhiều hoạt động hứng thú mới để thử qua, như lướt ván hay treo mình dưới những cánh dù có thuyền kéo chạy như bay trên mặt biển. Nhưng sau một thời gian, ngay cả bãi biển cũng trở nên nhàm chán. Những câu chuyện cũ lặp lại mãi, cát nhám rát da, mặt trời quá nóng hoặc u ám trong mây, và nước biển trở nên quá lạnh. Thế là đến lúc phải dời chỗ, đi tìm một bãi biển khác, có thể là ở một quốc gia khác. Tâm thức tạo ra một kiểu thần chú của riêng nó: “Tôi muốn đi Hạ Uy Di... Hạ Uy Di... Hạ Uy Di...”

Về cơ bản, vấn đề của tất cả những giải pháp nói trên là chúng chỉ [có tác dụng] tạm thời. Tất cả mọi hiện tượng đều là kết quả của sự hòa hợp nhân duyên và do đó tất yếu phải thay đổi theo cách nào đó. Khi những nguyên nhân tiềm ẩn đã tạo ra và duy trì một cảm giác hạnh phúc thay đổi, hầu hết mọi người thường đi đến chỗ đổ thừa cho hoàn cảnh bên ngoài (người khác, một địa điểm, thời tiết v.v... ) hay tự trách mình “đáng lẽ nên nói điều gì đó tử tế hơn, khôn ngoan hơn”, hay “đáng lẽ nên đi đến một nơi khác”... Tuy nhiên, sự đổ lỗi như thế chỉ càng làm cho việc tìm cầu hạnh phúc trở nên khó khăn hơn, vì nó phản ánh một sự thiếu tự tin, hay mất lòng tin vào những điều mà ta học được là sẽ đem lại hạnh phúc cho ta.

Một vấn đề nan giải hơn nữa là hầu hết mọi người không có một ý niệm rõ rệt về hạnh phúc là gì, và chính vì vậy mà tự mình tạo ra những nhân duyên đem lại chính sự bất như ý mà họ đang cố hết sức để xóa bỏ. Do đó, tốt nhất là chúng ta nên khảo sát kỹ lưỡng hơn một chút về hạnh phúc, khổ đau và những nguyên nhân tiềm ẩn tạo ra hai trạng thái này.

THÂN CẢM XÚC

Không có một trung tâm [điều khiển] cảm xúc [trong thân], cũng giống như không có trung tâm [điều khiển] việc chơi quần vợt.

Richard Davidson
Trích từ: Phiền não: Làm sao đối trị? của Daniel Goleman (Destructive Emotions: How Can We Overcome Them? - Daniel Goleman

Trong việc phát sinh cảm xúc, cơ thể chúng ta giữ một vai trò quan trọng hơn so với sự nhận biết của hầu hết chúng ta. Quá trình này bắt đầu bằng sự nhận thức, như chúng ta đã biết là liên quan đến việc truyền thông tin từ các giác quan lên não bộ, nơi sẽ tạo ra một hình ảnh biểu trưng qua khái niệm của đối tượng nhận thức. Điều hoàn toàn tự nhiên là hầu hết chúng ta sẽ cho rằng, một khi đối tượng được nhận thức và xác định, một phản ứng cảm xúc sẽ phát sinh, và sẽ tạo nên một phản ứng cơ thể nào đó.

Trong thực tế thì ngược lại. Cùng một lúc khi hồi thị (thalamus) gửi thông tin lên trên vùng não có chức năng phân tích, nó cũng đồng thời gửi một “tín hiệu báo động đỏ” đến hạch hạnh nhân, cấu trúc nhỏ bé và ngộ nghĩnh hình quả hạnh nhân trong vùng hệ viền (limbic region). Như đã nói ở trước, vùng này kiểm soát các phản ứng cảm xúc, đặc biệt là sự sợ hãi và giận dữ. Bởi vì hồi thị và hạch hạnh nhân nằm rất gần nhau, tín hiệu báo động sẽ đến với nó nhanh hơn nhiều so với thông tin được gửi lên vùng não mới (neocortex). Nhận được tín hiệu này, hạch hạnh nhân sẽ ngay lập tức khởi động một loạt các phản ứng vật lý làm kích thích tim, phổi; các nhóm cơ bắp chính nơi cánh tay, ngực, bụng, chân và những cơ quan tiết ra các nội tiết tố như adrenaline. Chỉ sau khi cơ thể phản ứng rồi thì phần não bộ có chức năng phân tích mới diễn dịch những phản ứng của cơ thể như là sự biểu lộ của một cảm xúc cụ thể.

Nói cách khác, không phải bạn nhìn thấy một điều đáng sợ, nảy sinh cảm giác sợ hãi rồi mới bỏ chạy. Bạn nhìn thấy một điều đáng sợ, bắt đầu bỏ chạy (khi tim đập nhanh và chất adrenaline đột ngột tỏa khắp châu thân), rồi sau đó mới diễn dịch phản ứng cơ thể đó như là sự sợ hãi. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, một khi phần còn lại của não bộ đã bắt kịp cơ thể, trong chỉ một vài phần triệu giây, bạn sẽ có khả năng đánh giá các phản ứng của mình và quyết định xem liệu chúng có thích hợp hay không, cũng như điều chỉnh cách ứng xử cho thích hợp với hoàn cảnh cụ thể đó.

Những kết quả của sự đánh giá này có thể thực sự đo lường được nhờ một kỹ thuật mà các nhà khoa học chỉ mới có được cách đây không lâu. Một phần những cảm xúc như sự sợ hãi, ghê tởm và oán ghét được hiển thị qua một sự hoạt động tăng cường của các nơ-ron trong thùy trán bên phải, vùng thuộc về vỏ não mới và nằm ngay phía trước, bên phải của não bộ. Trong khi đó những cảm xúc như niềm vui, tình thương, lòng bi mẫn và sự tự tin có thể được đo lường qua sự gia tăng hoạt động của các nơ-ron trong thùy trán bên trái.

Tôi được nghe rằng trong một số trường hợp, khả năng đánh giá các phản ứng của chúng ta bị kiềm chế và ta sẽ phản ứng với một tình huống mà không hề suy nghĩ. Trong những trường hợp ấy, phản ứng của hạch hạnh nhân quá mạnh mẽ đến nỗi nó sẽ bỏ qua phản ứng của vùng trên não bộ. Một cơ chế “phản ứng khẩn cấp” mạnh mẽ như thế chắc chắn là có những lợi ích quan trọng sống còn, cho phép chúng ta nhận biết ngay những thức ăn đã có lần làm cho chúng ta bệnh, hoặc tránh né thú dữ. Nhưng vì các mô thức nơ-ron được lưu giữ trong hạch hạnh nhân có thể bị kích hoạt dễ dàng bởi những sự kiện chỉ có vẻ hơi giống với hoàn cảnh trước đó, nên chúng có thể làm sai lệch nhận thức của ta về những sự kiện hiện tại.

TÂM TRẠNG VÀ TÍNH KHÍ

Tất cả mọi sự đều tùy thuộc vào hoàn cảnh.

Patrul Rinpoche
Lời vàng của Thầy tôi (The Words of My Perfect Teacher)
Nhóm phiên dịch Padmakara dịch sang Anh ngữ

Theo cách nhìn của khoa học, cảm xúc được xem xét từ hai góc độ: những sự kiện ngắn ngủi (tâm trạng) và những trạng thái kéo dài (tính khí). Những cảm xúc ngắn ngủi có thể là một cơn giận dữ bùng lên khi đang sửa chữa vật gì đó trong nhà và vô ý nện búa lên ngón tay cái, hoặc cũng có thể là cảm giác thật hãnh diện khi được người khác thành thật ngợi khen... Theo cách diễn đạt khoa học, những sự kiện tương đối ngắn ngủi này thường được gọi là những tâm trạng.

Những cảm xúc kéo dài với thời gian và tồn tại trong một số hoàn cảnh khác nhau, như tình thương mà ai đó dành cho một đứa trẻ, hay một sự oán giận không nguôi đối với một sự việc xảy ra trong quá khứ, thường được xem như là những “cá tính” hay “tính khí” mà phần đông chúng ta xem như là biểu hiện cho tính cách của một con người. Thí dụ, chúng ta có khuynh hướng gọi một người tươi cười, năng động, luôn luôn nói những lời dễ mến với người khác là người [có tính khí] “vui vẻ”; còn một người luôn cau mày, tất bật, còng lưng trên bàn giấy và hay nổi cáu vì những chuyện nhỏ nhặt là người [có tính khí] “căng thẳng”.

Sự khác biệt giữa tâm trạng [nhất thời] và tính khí [tồn tại lâu dài] là khá rõ ràng, ngay cả đối với một người không hiểu nhiều về khoa học. Nếu bạn nện một nhát búa lên ngón tay cái, rất có thể là cơn giận của bạn sẽ qua đi rất mau và không làm cho bạn sợ cây búa suốt phần đời còn lại. Cảm xúc thuộc về tính khí tinh tế hơn nhiều. Thường thì mỗi ngày thức dậy chúng ta đều có khả năng nhận biết là [tâm trạng] mình lo âu hay phấn khởi, trong khi những biểu hiện về tính khí của ta thì phải trải qua thời gian mới dần dần trở nên rõ rệt đối với những người gần gũi ta.

Những tâm trạng cảm xúc là sự “bùng nổ” khá nhất thời của những câu chuyện gẫu giữa các nơ-ron. Ngược lại, tính khí thì giống như sự tương giao thân mật bền bỉ giữa chúng. Căn nguyên của những mối liên kết tồn tại lâu dài này có thể khác nhau. Một số liên kết có thể có nền tảng di truyền, một số khác có thể bắt nguồn từ một chấn thương nghiêm trọng, và một số khác nữa có thể chỉ phát triển như là kết quả của những kinh nghiệm kéo dài hay lặp lại - [chẳng hạn như] sự rèn luyện phương thức sống mà ta tiếp nhận từ thuở ấu thơ và lúc ta còn trẻ.

Nhưng dầu căn nguyên có là gì đi chăng nữa thì tính khí của một người luôn có ảnh hưởng quy định cung cách nhận định và đáp ứng của người ấy đối với những kinh nghiệm hằng ngày. Thí dụ, người có khuynh hướng sợ sệt hay trầm cảm sẽ dễ lo âu khi tiếp cận mọi tình huống, trong khi người có khuynh hướng tự tin sẽ tiếp cận với cùng tình huống ấy một cách bình tĩnh và tự tin hơn.

NHỮNG NHÂN TỐ QUY ĐỊNH

Khổ đau đi liền theo một tư tưởng xấu ác, như bánh xe đi theo con bò kéo xe.

Kinh Pháp cú (The Dhammapada)
Eknath Easwaran dịch sang Anh ngữ

Sinh vật học và thần kinh học cho ta biết những gì diễn ra trong não bộ khi ta đang trải nghiệm những cảm xúc dễ chịu hay khó chịu. Phật giáo không những giúp ta mô tả được những kinh nghiệm ấy một cách rõ ràng hơn cho chính mình, mà còn cung cấp cho ta những phương thức để tiến đến việc chuyển hóa các tư tưởng, cảm giác và nhận thức sao cho từ cấp độ căn bản của tế bào ta đã có thể trở nên hạnh phúc hơn, an lạc hơn và biết yêu thương hơn.

Dầu được nhìn một cách chủ quan thông qua sự quán chiếu với chánh niệm như đức Phật đã dạy, hay một cách khách quan bằng vào những kỹ thuật hiện có trong các phòng thí nghiệm hiện đại, thì cái mà ta gọi là “tâm thức” đó cũng đều được phát sinh qua sự giao kết không ngừng thay đổi của hai hiện tượng cơ bản: sự nhận thức đơn thuần (đơn giản nhận biết rằng có một sự việc đang xảy ra) và những nhân tố quy định (những tiến trình không chỉ miêu tả những gì ta nhận biết mà còn quyết định phản ứng của ta). Nói cách khác, mọi hoạt động tâm thức đều phát sinh từ sự phối hợp giữa nhận thức đơn thuần và mối liên kết lâu dài giữa các tế bào thần kinh.

Một trong những bài học mà thầy tôi, Saljay Rinpoche, thường nhắc lại rất nhiều lần là, nếu ta muốn hạnh phúc, ta phải học nhận biết và đối phó với các nhân tố quy định nào gây ra những phản ứng theo kiểu bị thúc bách hoặc phát xuất từ tính khí của mình. Điểm cốt yếu trong lời ngài dạy là bất kỳ nhân tố nào cũng có thể xem như thúc bách khi nó che mờ khả năng của ta trong việc nhận biết sự vật một cách như thật và không hề có sự phán xét phân biệt. Thí dụ như ai đó đang quát tháo chúng ta, rất ít khi chúng ta dành thời gian để phân biệt giữa sự nhận biết đơn thuần: “người này đang cất cao giọng và nói ra những lời này, lời kia” với sự phản ứng theo cảm xúc “thằng cha này khùng”. Thay vào đó, chúng ta có khuynh hướng kết hợp sự nhận biết đơn thuần và phản ứng theo cảm xúc của mình thành một ý nghĩ chung: “Người này quát tháo tôi vì hắn khùng!”

Nhưng nếu ta lắng lòng đôi chút để nhìn lại tình huống một cách khách quan hơn, rất có thể ta sẽ thấy rằng người đang quát tháo ta đó đã bị rối trí vì một vấn đề nào đó, có thể là không liên quan gì đến ta. Có thể họ vừa mới bị chê trách bởi cấp trên và đang lo sợ bị đuổi việc. Có thể họ mới biết được tin một người thân của họ đang bệnh nặng. Hoặc có lẽ họ đã tranh cãi với một người bạn hay đồng nghiệp nên mất ngủ sau đó. Đáng tiếc là ảnh hưởng của những điều kiện quy định quá mạnh mẽ đến nỗi chúng ta rất hiếm khi nhớ rằng mình có thể lắng lòng để nhìn lại vấn đề. Và vì sự hiểu biết của chúng ta có giới hạn nên chúng ta nhận lầm phần nhỏ bé mình thấy được là toàn bộ sự thật.

Làm sao chúng ta có được một phản ứng thích hợp khi tầm nhìn của ta quá giới hạn và ta không nắm hiểu được tất cả sự việc? Nếu chúng ta áp dụng chuẩn mực của các tòa án Hoa Kỳ và nói về đời sống hằng ngày của ta với “toàn bộ sự thật và chỉ riêng sự thật mà thôi”, thì chúng ta buộc phải thừa nhận rằng “toàn bộ sự thật” đó chính là việc tất cả mọi người đều chỉ muốn được hạnh phúc. Điều thực sự đáng buồn là hầu hết mọi người đều tìm cầu hạnh phúc theo những phương cách mà trong thực tế là hủy hoại đi mọi nỗ lực của họ. Nếu chúng ta có thể thấy được toàn bộ sự thật của bất kỳ tình huống nào, phản ứng duy nhất của chúng ta hẳn sẽ là một phản ứng đầy lòng bi mẫn.

PHIỀN NÃO

Vũ khí trong địa ngục do ai tạo ra, và bằng cách nào?

Bồ Tát Tịch Thiên
Nhập Bồ Tát hạnh (The Bodhicaryavatara)
Kate Crosby và Andrew Skilton dịch sang Anh ngữ

Trong thuật ngữ Phật giáo, những nhân tố điều kiện quy định [phản ứng của tâm] thường được gọi là “phiền não”, hay có khi là các “độc”. Tuy các bản văn tâm lý học Phật giáo khảo sát rất nhiều những nhân tố quy định này, nhưng tất cả đều đồng ý xác định ba nhân tố chính làm nền tảng hình thành tất cả những nhân tố khác đã ngăn chặn khả năng của ta trong việc nhận biết mọi sự đúng như thật. Đó là: vô minh (hay si mê), tham ái và sân hận.

VÔ MINH (SI MÊ)

Vô minh hay si mê là thiếu khả năng căn bản để nhận biết được tiềm năng vô hạn, là sự trong sáng và năng lực của tâm thức chúng ta, như thể ta đang nhìn thế giới qua cặp mắt kính màu: những gì ta thấy đều bị ngụy trang hay biến dạng bởi màu sắc của kính. Ở mức độ quan yếu nhất, vô minh bóp méo kinh nghiệm rộng mở căn bản của sự tỉnh giác thành một sự chia tách nhị nguyên giữa hai phạm trù [được xem như] tồn tại theo tự tính là “ta” và “không phải ta”.

Như vậy, vô minh là một vấn đề có hai mặt. Một khi chúng ta đã tập thành thói quen của thần kinh luôn thấy mình là một “cái ta” đơn lẻ và tự nó tồn tại một cách không phụ thuộc, thì tất yếu ta sẽ xem những gì khác với nó đều là “không phải ta”. Những gì “không phải ta” có thể là bất cứ điều gì: cái bàn, quả chuối, một người khác, hay thậm chí là một điều gì đó mà “cái ta” đang suy nghĩ hoặc cảm giác. Trong một ý nghĩa nào đó, tất cả những gì ta trải nghiệm đều biến thành một kẻ xa lạ. Và vì đã trở nên quen thuộc với sự phân biệt giữa “cái ta” và những gì “không phải ta”, chúng ta tự giam mình trong một lối nhận thức nhị nguyên, và vạch ra những hàng rào khái niệm giữa “cái ta” của mình với phần còn lại của thế giới “bên ngoài”, một thế giới dường như quá bao la đến nỗi chúng ta không thể nào không bắt đầu tự cảm thấy mình quá nhỏ bé, giới hạn và yếu đuối. Chúng ta bắt đầu nhìn vào những người khác, các vật thể v.v… như là những căn nguyên tiềm tàng của hạnh phúc và khổ đau, và cuộc sống trở thành một sự tranh giành để đoạt lấy những gì ta cần để được hạnh phúc, trước khi có ai đó chộp lấy mất.

Cuộc tranh giành này, tiếng Phạn gọi là saṃsāra (luân hồi), nghĩa đen là “bánh xe” hay “vòng tròn”. Một cách cụ thể, chữ saṃsāra chỉ cho cái bánh xe hay vòng tròn của những khổ đau, một tập khí chạy vòng vòng đuổi theo cùng một kinh nghiệm, hết lần này đến lần khác và mỗi lần lại mong đợi một kết quả khác hơn. Nếu bạn đã từng thấy một con chó hay một con mèo cứ quay vòng vòng đuổi theo cái đuôi của chính nó, đó là bạn đã thấy được phần cốt lõi của luân hồi. Và cho dầu việc nhìn một con vật đuổi theo cái đuôi của nó có thể là buồn cười, nhưng khi chính tâm thức của bạn cũng làm giống như thế thì thật không buồn cười chút nào.

Đối nghịch với luân hồi là nirvana (Niết-bàn), một thuật ngữ gần như đã bị hiểu sai hoàn toàn cũng như chữ tánh Không. Là một từ trong Phạn ngữ vốn có thể tạm dịch là “dập tắt” hay “thổi tắt” (như sự thổi tắt ngọn lửa của cây nến), nhưng nirvana lại thường được diễn dịch như là một trạng thái của sự hỷ lạc hay hạnh phúc viên mãn, sinh khởi từ sự phá trừ hay “thổi tắt” cái tự ngã hay khái niệm về “cái ta”. Cách diễn dịch này là chính xác trong một chừng mực nào đó, chỉ có điều là nó không xét đến việc hầu hết chúng ta là những chúng sinh có một cơ thể sống trong một thế giới tương đối thật của những sự phân biệt rạch ròi về luân lý, đạo đức, pháp luật và vật lý.

Việc nỗ lực để sống trong thế giới này mà không tuân theo những phân biệt tương đối của nó hẳn sẽ là điên rồ và khó khăn như thể muốn tránh những hệ quả của sự thuận tay phải hay tay trái bẩm sinh. Điều này phỏng có ích lợi gì? Một sự diễn dịch chính xác hơn về nirvana (Niết-bàn) là chấp nhận một quan điểm thoáng hơn, trong đó thừa nhận tất cả những kinh nghiệm, sướng hay khổ, đều là những phương diện khác nhau của sự tỉnh giác. Dĩ nhiên, hầu hết mọi người ai cũng chỉ muốn trải nghiệm những “nốt nhạc cao” của hạnh phúc. Nhưng như một vị đệ tử của tôi gần đây đã nói rõ, nếu loại bỏ hết những “nốt nhạc thấp” trong một bản giao hưởng của Beethoven - hay của bất kỳ một bản nhạc hiện đại nào - thì kết quả sẽ là một sự trải nghiệm nghèo nàn mờ nhạt với những âm thanh the thé.

Có lẽ tốt nhất ta nên hiểu về “luân hồi” và “Niết-bàn” như hai quan điểm. Luân hồi là quan điểm chủ yếu dựa trên sự phân biệt và đồng nhất với những kinh nghiệm như là khoái lạc hay đau khổ. Niết-bàn là một trạng thái khách quan cơ bản của tâm thức, là sự chấp nhận kinh nghiệm mà không phán đoán, giúp ta mở ra khả năng nhìn thấy được những giải pháp cũng có thể không trực tiếp liên quan đến sự sống còn của ta như một cá nhân riêng rẽ, nhưng đúng hơn là liên quan đến sự sống còn của tất cả chúng sinh.

Và điều này đưa ta đến với nhân tố thứ hai trong ba tâm hành phiền não chính.

THAM ÁI

Như đã nói ở phần trước, sự nhận thức về “cái tôi” như là tách biệt với những gì “không phải tôi” chính là một cơ chế sinh lý thiết yếu, một mô thức đã được xác lập bởi những câu chuyện gẫu của các nơ-ron, không ngừng thông báo đến những bộ phận khác của hệ thần kinh rằng mỗi chúng ta là một sinh vật cá biệt, tồn tại độc lập với những nhu cầu cần thiết nào đó để tiếp tục sự tồn tại của mình.Vì chúng ta sống trong một cơ thể vật lý, nên một số trong những điều ta cần đến như dưỡng khí, thực phẩm và nước, là những điều thực sự không thể thiếu. Hơn thế nữa, tôi được biết rằng những nghiên cứu về sự sinh tồn của trẻ sơ sinh đã cho biết rằng, sự sống còn đòi hỏi một mức độ chăm sóc vật lý nhất định. Chúng ta cần được xúc chạm, cần được nghe nói chuyện; chúng ta cần một thực tế đơn giản là sự hiện hữu của ta được công nhận.

Tuy nhiên, những bất ổn nảy sinh khi chúng ta gộp chung những nhu cầu sinh học thiết yếu như trên với những điều chẳng liên quan gì đến căn bản sống còn. Phật giáo gọi sự gộp chung lại như thế là “tham ái” hay “khao khát”. Cũng giống như vô minh, điều này có thể xem là bắt nguồn từ một cơ sở thuần túy thần kinh.

Khi ta nếm trải và thích thú một điều gì, chẳng hạn như ăn sô-cô-la, chúng ta xác lập một kết nối thần kinh đặt sô-cô-la tương đương như một cảm thọ vật lý thích thú. Điều này không có nghĩa rằng tự thân sô-cô-la là một điều tốt hay xấu. Có nhiều chất hóa học trong sô-cô-la tạo ra cảm giác khoái lạc cho cơ thể. Chính sự bám víu vào sô-cô-la của các nơ-ron mới tạo ra bất ổn.

Trên nhiều phương diện, tham ái có thể so sánh với nghiện ngập, tức là một sự lệ thuộc không cưỡng được đối với những đối tượng bên ngoài hay với những kinh nghiệm, để tạo nên ảo giác của sự đầy đủ trọn vẹn. Thật không may, cũng như những thứ nghiện ngập khác, tham ái sẽ trở nên ngày càng mãnh liệt hơn. Bất kỳ sự thỏa mãn nào ta trải nghiệm sau khi đạt được một sự vật hay một con người mà ta tham muốn cũng đều không kéo dài. Bất kỳ sự vật hay con người nào đem lại vui sướng cho chúng ta hôm nay, tháng này hay năm này, chắc chắn rồi cũng sẽ thay đổi. Sự thay đổi là điều thường hằng duy nhất trong thực tại tương đối.

Đức Phật ví tham ái như việc uống nước biển mặn: càng uống chúng ta càng khát hơn. Cũng thế, khi tâm thức ta bị quy định bởi tham ái, dầu ta có sở hữu bao nhiêu đi chăng nữa, cũng sẽ không bao giờ ta thực sự cảm thấy thỏa mãn. Chúng ta đánh mất khả năng phân biệt giữa kinh nghiệm hạnh phúc đơn thuần với bất kỳ đối tượng nào đem lại cho ta một hạnh phúc giả tạm. Kết quả là không những ta trở nên lệ thuộc vào đối tượng, mà còn củng cố thêm những mô thức thần kinh đã ràng buộc quy định ta, bắt buộc ta phải dựa vào ngoại duyên để được hạnh phúc.

[Trong ví dụ nêu trên], bạn có thể thay thế sô-cô-la bằng bất kỳ đối tượng nào. Đối với một số người, những mối quan hệ tình cảm là chìa khóa của hạnh phúc. Khi họ gặp một người mà họ thấy là lôi cuốn, họ sẽ tìm đủ mọi cách để tiếp cận. Nhưng nếu như rốt cùng họ thành công trong việc thiết lập quan hệ với người ấy, điều đó cũng sẽ không làm họ thỏa mãn như đã tưởng tượng. Vì sao? Vì đối tượng tham ái của họ không thực sự ở bên ngoài. Đó là một câu chuyện được viết bởi những tế bào thần kinh của họ, được diễn ra trên nhiều tầng bậc, từ những gì họ hy vọng đạt được khi thỏa mãn điều họ mong ước cho đến những gì họ lo sợ nếu không thành công.

Một số người khác nghĩ rằng họ sẽ thực sự hạnh phúc nếu họ thật may mắn, thí dụ như trúng số. Nhưng Philip Brinkman, theo lời một vị đệ tử của tôi, đã có một cuộc khảo cứu rất thú vị cho thấy rằng những người vừa được trúng số gần đây lại không hạnh phúc gì hơn so với những đối tượng khảo sát chưa nếm qua cảm giác phấn khích của việc bất ngờ trở nên giàu có. Trong thực tế, sau khi sự hứng khởi ban đầu lắng xuống, những người trúng số kể lại rằng họ cảm thấy ít thích thú hơn trong những thú vui hằng ngày, như tán gẫu với bạn bè, được khen ngợi hay chỉ đơn giản là đọc một cuốn tạp chí, so với những người không được trải nghiệm một sự thay đổi lớn lao như thế.

Cuộc nghiên cứu này nhắc tôi nhớ đến một câu chuyện được nghe cách đây không lâu về cụ già mua một tấm vé số mà giải trúng hơn 100 triệu Mỹ kim. Ít lâu sau khi mua tấm vé số, ông mắc bệnh tim và phải vào bệnh viện. Vị bác sĩ điều trị bắt ông phải tuyệt đối nằm nghỉ và cấm ngặt tất cả những gì có thể làm cho ông kích động mạnh. Trong khi ông nằm trong bệnh viện thì tấm vé số ông mua được trúng giải. Vì đang nằm viện nên dĩ nhiên là cụ già không biết tin vui này, nhưng vợ con ông biết được và vào bệnh viện để cho ông biết.

Trên đường đi đến phòng bệnh, họ gặp vị bác sĩ điều trị cho ông và kể hết về vận may của cụ già. Nghe xong, vị bác sĩ yêu cầu họ khoan báo cho cụ già biết. “Có thể vì quá kích động, ông cụ sẽ đứng tim mà chết.” Vợ con cụ già phản đối, cho rằng tình trạng sức khoẻ của ông sẽ khả quan hơn nhờ tin vui này. Nhưng cuối cùng họ cũng đồng ý để vị bác sĩ báo tin cho cụ một cách nhẹ nhàng và từ từ để tránh cho cụ một sự kích động quá lớn.

Khi vợ con cụ già ngồi chờ ở hành lang, vị bác sĩ vào phòng ông cụ. Ông bắt đầu hỏi cụ đủ thứ câu hỏi về bệnh tình của cụ, cụ cảm thấy thế nào v.v... Sau đó, ông vờ như tình cờ đặt câu hỏi: “Cụ có bao giờ mua vé số chưa?”

Cụ già trả lời có mua một tấm vé số ngay trước khi nhập viện.

Vị bác sĩ hỏi: “Nếu trúng số, cụ sẽ cảm thấy thế nào?”

- Nếu trúng thì tốt, mà không trúng cũng tốt. Tôi già rồi, không sống được bao lâu nữa. Trúng số hay không thực sự cũng chẳng có gì quan trọng.

Vị bác sĩ nói như thể đưa ra một giả định:
- Cụ không thể nào thực sự cảm thấy như thế đâu. Nếu trúng số, cụ sẽ bị kích động ghê gớm, đúng không?

Nhưng cụ già lắc đầu:
- Không hẳn vậy đâu. Thật ra, tôi sẽ vui lòng tặng bác sĩ một nửa số tiền trúng số nếu bác sĩ có cách nào giúp tôi thấy khỏe hơn.

Vị bác sĩ cười lớn:
- Thôi bỏ qua chuyện đó đi! Tôi chỉ hỏi thế thôi mà!

Nhưng người bệnh cứ khăng khăng:
- Không, tôi nói thật đấy. Nếu trúng số, tôi sẽ tặng bác sĩ phân nửa số tiền, với điều kiện bác sĩ có thể giúp tôi cảm thấy khoẻ hơn.

Vị bác sĩ lại cười lớn, nói đùa:
- Thế sao cụ không viết ra giấy, cam kết là sẽ cho tôi phân nửa số tiền trúng số?

- Tất nhiên, sao lại không chứ?
Cụ già đồng ý, rồi với tay lấy một tập giấy trên cái bàn bên cạnh giường. Chậm chạp, yếu ớt, cụ viết một tờ cam kết sẽ chia cho vị bác sĩ phân nửa số tiền nếu trúng bất kỳ cuộc xổ số nào. Cụ ký tên vào và trao tờ cam kết cho vị bác sĩ. Khi vị bác sĩ nhìn tấm giấy với chữ ký, quá kích động với ý nghĩ mình sắp nhận được một số tiền quá lớn, ông ngã xuống và chết ngay tại chỗ.

Khi vị bác sĩ ngã xuống, cụ già la lên kêu cứu. Nghe tiếng kêu, vợ con cụ nghĩ rằng vị bác sĩ đã nói đúng ngay từ đầu, tin trúng số đã làm cho ông cụ quá kích động nên đứng tim mà chết rồi. Họ lao ngay vào phòng thì thấy ông cụ ngồi trên giường bệnh và vị bác sĩ thì ngã gục dưới đất. Khi các y tá và nhân viên của bệnh viện đổ xô xung quanh tìm cách cứu sống vị bác sĩ, gia đình của cụ già mới bình tĩnh cho cụ biết là cụ đã trúng số. Họ ngạc nhiên biết bao khi thấy cụ hoàn thoàn thản nhiên khi biết mình vừa trúng được hàng trăm triệu mỹ kim, và tin tức này không hề làm thương tổn gì cụ cả. Sự thật là sau đó vài tuần, cụ đã phục hồi sức khoẻ và được xuất viện. Tất nhiên là cụ rất vui với đời sống giàu sang mới, nhưng cụ không quá bám víu vào nó. Ngược lại, vị bác sĩ kia quá vướng chấp vào ý nghĩ sắp có được một số tiền lớn, và sự kích động của ông quá mạnh đến nỗi quả tim ông không chịu đựng nổi và ông phải chết.

SÂN HẬN

Mọi sự tham ái mạnh mẽ đều sẽ làm sinh khởi một nỗi lo sợ cũng mạnh mẽ tương đương, hoặc sợ rằng sẽ không đạt được điều mình muốn, hoặc sợ rằng sẽ mất đi những gì mình đã có được. Nỗi sợ hãi này, thuật ngữ Phật giáo gọi là sân: một sự cưỡng lại những thay đổi không thể tránh được, vốn là hệ quả của bản chất vô thường của thực tại tương đối.

Ý niệm về một bản ngã trường tồn và độc lập thúc giục chúng ta phải nỗ lực ghê gớm để cưỡng lại sự thay đổi không thể tránh được, nhằm giữ cho bản ngã này luôn được an toàn. Khi chúng ta đạt được một điều kiện sống nào đó giúp ta cảm thấy được vẹn toàn và đầy đủ, ta muốn cho mọi thứ phải ở nguyên trạng thái ấy mãi. Càng vướng chấp nhiều hơn vào bất kỳ điều gì mang đến cho ta cảm giác ấy thì nỗi sợ hãi đánh mất nó sẽ càng lớn hơn, và nếu thực sự mất đi thì sự đau khổ của chúng ta sẽ càng khốc liệt.

Về nhiều phương diện, sân hận là một lời nguyền tự ứng nghiệm, thôi thúc ta hành động theo những phương thức mà thực tế chắc chắn sẽ dẫn đến sự thất bại trong những nỗ lực truy tìm bất kỳ điều gì ta cho rằng sẽ đem lại sự bình an, ổn định và mãn nguyện lâu dài. Chỉ cần suy nghĩ một chút về hành vi cử chỉ của bạn khi ở gần một người mà bạn cảm thấy bị thu hút mãnh liệt. Bạn có ứng xử như một người khéo léo, tinh tế và tự tin mà bạn muốn người kia để ý, hay đột nhiên bạn biến thành một người đần độn mở miệng không ra lời? Nếu người kia cười nói vui vẻ với một người khác, bạn có cảm thấy bị thương tổn hay ganh tị, và biểu lộ sự buồn đau, ganh ghét của mình bằng những cách kín đáo hay lộ liễu? Bạn có trở nên quá cuồng nhiệt bám theo người ấy đến mức họ phải cảm nhận được sự điên rồ của bạn và bắt đầu tránh né bạn?

Tâm sân hận củng cố thêm những mô thức thần kinh có chức năng tạo dựng một hình ảnh tâm lý của chính bạn như là một người hạn hẹp, yếu đuối và không toàn vẹn. Bởi vì bất kỳ điều gì có khả năng gây tổn hại cho sự độc lập của cái “ngã” do tâm cấu tạo ấy đều được nhận thức như một mối đe dọa, nên bạn không hề ý thức được việc mình đã tiêu phí rất nhiều năng lượng để truy lùng những hiểm nguy tiềm tàng. Chất adrenaline tràn ngập trong thân thể bạn, tim đập nhanh, cơ bắp căng thẳng và nhịp thở dồn dập như điên cuồng. Tất cả những cảm thọ này đều là triệu chứng của tình trạng căng thẳng (stress), và tôi nghe nhiều nhà khoa học bảo rằng tình trạng căng thẳng đó có thể gây ra rất nhiều những bất ổn, bao gồm những chứng bệnh như trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tiêu hóa, phát ban, thiểu năng thận và tuyến giáp, cao huyết áp, hoặc thậm chí là cao cholesterol.

Ở mức độ thuần túy cảm xúc, sân hận có khuynh hướng thể hiện thành sự giận dữ và thậm chí là căm ghét. Thay vì nhận biết rằng bất kỳ sự đau khổ nào của bạn cũng đều dựa trên hình ảnh [của đối tượng] do tâm bạn tạo ra, bạn lại thấy rằng việc quy lỗi cho một người khác, một đối tượng hay hoàn cảnh bên ngoài đã gây ra khổ đau cho bạn là một điều “tự nhiên”. Khi có người ứng xử theo cách có vẻ như ngăn cản bạn đạt được những gì bạn muốn, bạn sẽ bắt đầu nghĩ là người đó không đáng tin cậy hay là bần tiện, và bạn sẽ làm đủ cách để tránh né họ hoặc để trả đũa. Khi bị cơn giận chi phối, bạn nhìn mọi người, mọi vật đều như những kẻ thù nghịch. Kết quả là thế giới nội tâm và ngoại cảnh của bạn sẽ ngày càng thu nhỏ lại. Bạn sẽ mất tự tin và càng củng cố hơn nữa những mô thức thần kinh cụ thể đã tạo cho bạn cảm giác sợ sệt và dễ bị thương tổn.

PHIỀN NÃO HAY CƠ HỘI?

Hãy quán xét những lợi điểm của kiếp người quý hiếm này.

Ngài Jamgon Kongtrul
Liễu nghĩa cự (The Torch of Certainty)
Judith Hanson dịch sang Anh ngữ

Thật dễ dàng khi cho rằng các tâm hành phiền não là những tính chất khiếm khuyết của tâm thức. Nhưng làm như thế là tự hạ thấp giá trị của chính mình. Khả năng cảm xúc, khả năng phân biệt giữa đau đớn và khoái lạc, cũng như khả năng có những phản ứng “hoàn toàn theo bản năng” đều đã từng và vẫn sẽ tiếp tục giữ một vai trò thiết yếu trong sự sống còn của chúng ta, giúp ta có thể gần như tức thời thích ứng với những thay đổi tinh tế của thế giới quanh ta, và hệ thống những thích ứng ấy thành các mô thức một cách có ý thức để có thể tùy ý sử dụng lại và truyền lại cho những thế hệ về sau.

Khả năng mẫn cảm phi thường như thế củng cố [ý nghĩa của] một trong những bài học căn bản nhất mà đức Phật đã dạy. Đó là: “Kiếp người với tất cả những tự do và cơ hội trong cuộc sống là vô cùng quý hiếm, và thật khó khăn biết bao mới có được thân người này, nhưng việc mất nó đi cũng thật dễ dàng biết bao.”

Cho dù bạn có tin rằng kiếp người là một hiện tượng ngẫu nhiên của vũ trụ, là một bài học nghiệp quả hay là tác phẩm của một đấng sáng tạo thiêng liêng, điều đó không quan trọng. Chỉ cần bạn đơn giản lắng lòng một chút để nghĩ đến sự khác biệt và số lượng khổng lồ của những sinh vật đang chung sống cùng một hành tinh với chúng ta so với xác suất tương đối ít ỏi của loài người, bạn phải thấy ra được rằng cơ hội sinh ra làm người là vô cùng hiếm hoi. Và khi chứng minh sự phức tạp, mẫn cảm của bộ não con người, khoa học hiện đại cũng nhắc nhở ta rằng được sinh ra làm người là may mắn biết bao, với khả năng đặc biệt cho phép ta cảm giác và ghi nhận cảm giác của những người quanh ta.

Xét theo quan điểm Phật giáo, bản chất tự động của khuynh hướng cảm xúc con người thể hiện một sự thách thức rất thú vị. Không cần kính hiển vi mới quan sát được những tập quán tâm lý; hầu hết mọi người không cần nhìn đâu xa hơn là mối quan hệ tình cảm gần đây nhất của mình. Họ bắt đầu [mối quan hệ ấy] với ý nghĩ rằng: “Lần này sẽ khác hẳn những lần trước.” Rồi một vài tuần, vài tháng hay vài năm sau, họ vò đầu bứt tóc: “Ồ không, thế này thì cũng cùng một giuộc với những lần trước đây thôi!”

Hoặc là bạn có thể quan sát đời sống nghề nghiệp của mình. Bạn bắt đầu một việc làm mới với ý nghĩ rằng: “Lần này ta sẽ không đi đến mức làm việc quá độ từ giờ này qua giờ khác chỉ để rồi vẫn bị chỉ trích là làm việc không đủ.” Thế nhưng sau ba hay bốn tháng vào việc, bạn lại tự thấy mình phải hủy bỏ những cuộc hẹn hò hay gọi điện thoại cho bạn bè: “Tôi không đến ăn cơm tối nay được! Tôi còn quá nhiều việc phải làm!”

Bất chấp những dự tính tốt đẹp nhất của mình, rồi bạn vẫn tự thấy mình lặp lại cùng một mô thức trong khi mong đợi một kết quả khác.

Nhiều người làm việc chung với tôi trong những năm qua kể về việc họ đã mơ mộng biết bao mong cho tuần làm việc qua mau để có thể tận hưởng những ngày cuối tuần. Nhưng khi những ngày cuối tuần qua đi, họ lại trở về văn phòng bắt đầu một tuần lễ khác, rồi lại mơ mộng về một dịp cuối tuần khác. Hoặc là họ kể cho tôi nghe việc đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để hoàn tất một dự án, nhưng chẳng bao giờ tự cho phép mình tận hưởng cảm giác hài lòng với thành tựu này, vì buộc phải bắt tay vào dự án kế tiếp đang chờ đợi. Thậm chí trong lúc nghỉ ngơi, họ vẫn bận tâm vì một điều gì đó đã xảy ra từ tuần trước, tháng trước hay năm ngoái. Họ diễn đi diễn lại câu chuyện cũ trong đầu và cố nghĩ xem lúc đó lẽ ra mình nên làm những gì để có một kết cuộc mỹ mãn hơn.

May mắn thay, càng quen thuộc với việc quan sát tự tâm, chúng ta càng nhanh chóng hơn trong việc tìm ra một giải pháp cho bất kỳ bất ổn nào đến với mình, và càng dễ nhận biết rằng bất kỳ những gì ta trải nghiệm - tham chấp, sân hận, căng thẳng, lo âu, sợ hãi hay khát khao - chỉ đơn thuần là những tạo tác của tâm thức chúng ta.

Những người đã thành tâm nỗ lực khám phá kho tàng nội tâm của mình thường tự nhiên sẽ nhận được tiếng thơm, sự tôn kính và tin cậy, bất chấp hoàn cảnh của họ như thế nào. Cách ứng xử của họ trong tất cả mọi tình huống đều gợi lên nơi người khác một cảm giác tôn kính, khâm phục và tin tưởng sâu xa. Sự thành tựu của họ trong cuộc đời không hề liên quan gì đến tham vọng bản thân hay sự khát khao được chú ý. Sự thành tựu đó cũng không do nơi có được một chiếc xe hơi tốt, một ngôi nhà đẹp hay một chức vụ quan trọng trong công việc. Thay vì thế, thành tựu của họ được sinh khởi từ một trạng thái sảng khoái khoáng đạt và thanh thản, giúp họ thấy biết người khác và tình huống một cách sáng suốt hơn, đồng thời cũng duy trì một cảm giác an lạc cơ bản bất kể hoàn cảnh cá nhân của họ như thế nào.

Trong thực tế, chúng ta thường nghe những người giàu sang, nổi tiếng hay có thế lực đôi lúc cũng phải thú nhận rằng những thành tựu của họ không đem lại hạnh phúc như mong muốn. Bất chấp sự giàu sang quyền thế, họ lặn hụp trong bể khổ, có khi đau đớn đến nỗi dường như chỉ còn một cách duy nhất là tự sát để thoát ra. Nỗi khổ đau mãnh liệt đó là kết quả của niềm tin [sai lệch] cho rằng vật chất hay địa vị xã hội có thể tạo ra được hạnh phúc lâu dài.

Nếu bạn thực sự muốn tìm được một cảm giác an lành và mãn nguyện dài lâu, bạn cần phải học cách an trụ tâm thức. Chỉ bằng cách an trụ tâm thì những phẩm tính tự nhiên nội tại của tâm thức mới được hiển lộ. Cách đơn giản nhất để làm lắng trong nước bùn nhiều cặn bẩn là để nó nằm yên. Cũng như thế, nếu bạn để cho tâm thức an trụ thì tham, sân, si và tất cả những tâm hành phiền não khác sẽ dần dần lắng xuống, và lòng bi mẫn, sự trong sáng cũng như tính cách bao la vô tận của chân tâm sẽ được hiển lộ.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 21 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Rộng mở tâm hồn


An Sĩ toàn thư - Khuyên người bỏ sự tham dục


Học Phật Đúng Pháp


Chuyện Vãng Sanh - Tập 1

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.249.229 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...