Sách Tông kính của ngài Vĩnh Minh dạy rằng: Tâm có thể làm
Phật, có thể làm chúng sanh; tâm tạo ra thiên đường, tạo ra
địa ngục. Tâm phân biệt thì muôn điều sai lệch đua nhau sanh
khởi, tâm phẳng lặng thì toàn cõi pháp giới lặng yên. Tâm
phàm thì ba độc buộc trói, tâm thánh ắt có đủ thần thông tự
tại. Tâm rỗng không thì một bề thanh tịnh, tâm chấp có ắt
muôn cảnh rối tung. Quả thật là: Tâm sanh thì muôn pháp
sanh, tâm diệt thì muôn pháp diệt.
Như âm thanh vang dội trong hang, âm càng lớn thì tiếng dội
càng to; như soi hình trong gương sáng, hình cong thì ảnh
chiếu trong gương cũng lệch. Cũng giống như nghe nhắc đến me
chua thì trong miệng tự nhiên chảy nước miếng; nghe tả cảnh
vách núi cao sừng sững thì dưới lòng bàn chân tự nhiên có
cảm giác rờn rợn. Lại như sợi dây trong đêm tối nằm yên
không động đậy mà lòng sanh nghi liền thấy hệt như con rắn;
trong căn nhà tối vốn trống không mà lòng sợ sệt liền nghĩ
là có ma.
Thế nên phải biết rằng: “Muôn pháp tại tâm, hết thảy đều do
nơi chính mình.” Trong lòng hư dối thì cảnh ngoài không
thật; cảnh ngoài tinh tế là nhờ trong tâm không thô thiển.
Gieo nhân lành ắt sẽ gặp duyên lành, làm việc dữ khó thoát
khỏi cảnh dữ. Chỉ do nơi một niệm ban đầu mà đẩy ta vào cảnh
thăng trầm như hôm nay.
Này các vị! Nếu muốn cảnh ngoài được an hòa, chỉ cần giữ cho
trong lòng yên tĩnh. Tâm rỗng không thì cảnh vắng lặng, niệm
vừa khởi thì pháp liền sanh. Nước đục thì sóng đậm màu, hồ
trong veo thì màu nước sáng. Chỗ cốt yếu của việc tu hành
chỉ do nơi ý nghĩa này. Muốn dứt hẳn dòng nước chảy, phải
lấp ở đầu nguồn; muốn trừ tuyệt mầm chồi, phải đốn tận gốc
rễ. Đó là phương cách giản lược cốt yếu nhất, không cần phải
mất nhiều công sức.
Vì vậy, trong Thông tâm luận có nói: “Buộc trói là do tâm
nên tháo gỡ phải từ nơi tâm. Việc tháo mối trói buộc là ở
nơi tâm, chẳng liên quan đến nơi nào khác. Điểm cốt yếu của
pháp giải thoát chỉ riêng có một việc quán tâm. Quán tâm
được tỏ ngộ thì hết thảy mọi việc đều sáng rõ.”
Nếu không lìa cảnh giới chân thật duy nhất, tâm chân thành
thì biến hóa ra trăm cảnh tượng. Vì vậy mà bắn tên xuyên cọp
đá, đâu phải do sức thường làm được? Một hũ rượu đãi ba quân
say khướt, đâu phải do men rượu gây ra? Măng tre mọc nơi
hang lạnh, đâu phải nhờ khí trời ấm áp?... Những việc ấy đều
là do tâm chân thành cảm ứng mà có. Nên biết rằng, hết thảy
mọi hành vi lớn nhỏ đều là do năng lực của tự tâm. Nếu người
tu hành tin nhận mình có đầy đủ năng lực ấy thì cửa chướng
ngại tự mở thông, biển nghiệp báo phải khô kiệt.
Lại nói rằng: Do nơi tâm mà lập các pháp, tùy theo pháp mà
đặt thành tên. Cũng là tâm ấy mà ở nơi bậc thánh thì gọi là
chân, ở nơi phàm phu thì gọi là tục. Khác nào như dùng vàng
làm ra đủ món, rồi tùy món mà đặt tên: món đeo ở ngón tay
thì gọi là nhẫn, món đeo ở cổ tay thì gọi là xuyến... Như
thế, vẫn là một tâm chẳng động, chỉ do vướng chấp vào tên
gọi khác nhau mà muôn pháp thành sai biệt; vẫn là một thứ
vàng ròng không thay đổi, chỉ do nhận lấy tên gọi riêng mà
thành nhiều món khác nhau!
Nếu biết rằng hết thảy muôn pháp đều do tâm tạo, cũng như
hết thảy những món trang sức kia đều do vàng làm ra, thì tên
gọi với thể tướng thật chẳng can hệ gì với nhau, những
chuyện phải quấy làm sao có thể khiến ta lầm lạc? Cũng như
món đồ chứa tròn hay vuông thì tên gọi chẳng giống nhau,
loại vàng thô hay vàng luyện thì danh xưng cũng khác biệt.
Nhưng nếu cứu xét đến tận cùng thể tánh thì muôn pháp đều
không. Nắm được ý chỉ mà buông bỏ các duyên thì gặp việc
không vướng mắc!
Tên gọi là do nơi thể tánh mà đặt; thể tánh lại tùy theo tên
gọi mà sanh. Nếu thể tánh rỗng không thì tên gọi không do
đâu mà có; tên gọi đã không có thì thể tánh chẳng tùy nơi
đâu mà sanh. Chỉ có một tâm chân thật duy nhất, ngoài ra
không có gì nữa.
Nhân có phàm mới đặt tên gọi thánh, thật ra thánh không có
tên gọi; theo nơi tục mà hiển lộ chân, thật ra chân cũng vốn
là không có. Hết thảy đều do nơi tên gọi của thế tục, đối
đãi mà sanh ra. Tên gọi cũng là không thì nghĩa không cũng
chẳng có chỗ nương vào. Nếu thật là bậc đại sĩ căn cơ vượt
trội, lẽ nào dựa vào danh tự và thể tướng để phát triển
tuyên dương? Khi tiếp xúc với trần cảnh, lúc nào cũng nắm
được tông chỉ; gặp duyên đến thì trong tâm vẫn luôn phù hợp
với đạo. Đó gọi là Đệ nhất nghĩa, là Tối thượng thừa. Người
đạt được tông chỉ ấy trong đời rất hiếm!
Người xưa dạy rằng: Tông chỉ trọn vẹn rất ít gặp, như hạt
cải nơi đầu kim; chánh pháp khó tìm, như rùa mù gặp bộng cây
nổi. Nếu chẳng nhờ hạt giống huân tập từ nhiều đời trước,
căn lành tích lũy đã lâu, làm sao có thể gặp được văn này,
lại tự mình nhận được sự truyền thọ?
Chính vì thế mà người xưa trân trọng Chánh pháp, xem nhẹ tài
vật, mang vàng cho không giữa chợ; vì pháp quên thân, đứng
giữa sân tuyết phủ. Vàng bạc chỉ là vật chất hư dối bên
ngoài, sao bằng giáo pháp tột cùng? Thân mạng là nghiệp báo
một đời, sao sánh được với chân lý rốt ráo?
Nên biết rằng, đối với những lời dạy dỗ uốn nắn chân thật
không lúc nào được xao lãng, phải ghi tạc vào xương cốt,
khắc sâu trong tâm thức. Chính vì vậy mà xưa kia Trang vương
nước Sở xem nhẹ nước lớn ngàn cỗ xe, chỉ trọng một lời của
Thân Thúc; Phạm Hiến khinh thường muôn mẫu ruộng tốt mà quí
nửa câu của người lái thuyền. Đó chỉ là việc thế gian, người
ta còn xem nhẹ vật chất, trân trọng lời hay, huống chi đối
với sách Tông kính này, lời lời hợp lẽ vô sanh, nghĩa lý
giúp chứng thành đạo quả, há nên xem nhẹ hay sao?