Bồ Tát Quán Âm thâu Long Nữ và Thiện Tài rồi thì Phổ Đà Sơn, đạo tràng
của Ngài trở nên càng ngày càng hưng thịnh, khách hành hương càng ngày
càng đông đảo, xa gần ai cũng nghe danh và còn gọi đảo này là Hải Thiên
Phật Quốc.
Bốn đại Thiên Vương hộ vệ cửa Nam Thiên nghe thế, quyết định chính mắt
mình nhìn thấy mới tin, thế là mỗi vị cầm vũ khí của mình, cưỡi mây lành
hướng về Phổ Đà Sơn.
Bốn đại Thiên Vương còn được gọi là bốn đại Kim Cang.
Quan điểm nhà Phật chia vũ trụ này làm ba cõi là cõi Dục, cõi Sắc và cõi
Vô sắc. Ở cõi Dục có Lục dục thiên, và tầng trời thứ nhất của Lục dục
thiên, gần với thế gian nhất, chính là Tứ Thiên Vương Thiên, là nơi ngự
trị của bốn vị Kim Cang này. Kinh Phật nói các vị này trụ ở lưng chừng
núi Tu Di, ở đấy có ngọn Kiên Đà La, và ngọn này có bốn đỉnh tên là Tu
Di Tứ Bảo Phong (bốn đỉnh báu của núi Tu Di).
Nhiệm vụ của bốn Đại Thiên Vương là mỗi ngài bảo hộ một phương của thế
gian, vì thế bốn Thiên Vương còn được gọi là Hộ thế Tứ Thiên Vương.
Vị Thiên Vương ở phương đông tên là Trì Quốc Thiên Vương, âm Phạn là Đa
La Sất (Dhṛtarāṣṭra), thân màu trắng, mang áo giáp mũ sắt, tay cầm cây
đàn tì bà. Trì Quốc có nghĩa là giữ gìn bảo vệ cho cõi nước, vì ngài lấy
từ bi làm đầu, bảo hộ chúng sinh. Vị này là thần âm nhạc nên tay cầm cây
đàn tì bà, lấy âm nhạc để cảm hóa chúng sinh quy y Phật giáo. Thiên
Vương này có tên khác là “Điều”.
Thiên Vương ở phương nam tên là Tăng Trưởng Thiên Vương, âm Phạn là Tỳ
Lưu Ly (Virūḍhaka), thân màu xanh, mang áo giáp mũ sắt, tay nắm bảo
kiếm. Vị Thiên Vương này có nhiệm vụ là làm cho chúng sinh tăng trưởng
thiện căn, hộ trì Phật giáo, nên tay cầm bảo kiếm để bảo vệ cho Phật
Pháp không bị xâm phạm. Vị này còn có tên là “Phong”.
Thiên Vương của phương tây tên là Quảng Mục Thiên Vương, âm Phạn là Tỳ
Lưu Bác Xoa (Virūpākṣa), thân màu đỏ, tay có quấn con rồng. Quảng Mục
có nghĩa là dùng tịnh thiên nhãn để luôn luôn quán sát thế gian, hộ trì
nhân dân. Tay cầm con rồng, hay cũng có thể coi như sợi dây thừng màu
đỏ, nghĩa là dùng dây thừng trói người không tin Phật, khiến cho họ quy
y Phật giáo. Vị này còn có tên là “Thuận”.
Thiên Vương của phương Bắc tên là Đa Văn Thiên Vương, âm Phạn là Tỳ Sa
Môn (Vaiśravaṇa), thân màu đen, mang mũ giáp, tay cầm dù báu. Vị này
dùng phúc đức để nghe ngóng khắp bốn phương, dù báu là để chế phục chúng
ma, bảo hộ tài sản của nhân gian. Vị này còn có tên là “Vũ”.
Bốn vị Thiên Vương, hay còn gọi là bốn đại Kim Cang, hợp nhau để mang
lại “phong điều vũ thuận” cho nhân gian.
Bốn vị Thiên Vương này là những vị thiên tướng lừng lẫy, người cao lớn,
so với bậc thần tiên thường thì cao lớn gấp mười lần.
Bốn vị Kim Cang uy phong lẫm lẫm bước xuống bãi cát Thiên Bộ Sa, lấy
đường Vân Đầu, dọc theo đường Ngọc Đường vừa đi vừa ngắm cảnh núi. Họ
thấy trên núi tự viện hùng tráng, chùa chiền mọc như rừng, cây cổ thụ
cao chọc trời, hoa cỏ xanh rì rậm rạp, sóng biếc, cát vàng bủa quanh tứ
bề, nên bị cảnh Hải Thiên Phật Quốc làm cho mê đắm, thật quả danh bất hư
truyền, nên trong lòng ngầm thán phục.
Họ vừa đi vừa thưởng ngoạn,vừa đi vừa say sưa nhìn ngắm nên đến giờ ăn
cơm trưa lúc nào mà không hay. Họ đã ra đi lúc trời tảng sáng, đi không
biết bao nhiêu là dặm đường, đến giờ là đã hơn nửa ngày trời nên cảm
thấy bụng đói cồn cào, ruột sôi sùng sục, vội lo tìm xuôi tìm ngược xem
có chỗ nào bố thí cơm chay mà tìm mãi không có. Trên thiên giới, bốn đại
Kim Cang vốn quen muốn gì được nấy ngay, chưa bao giờ phải chịu cảnh đói
khát như thế này nên tìm hoài mà không có gì ăn đâm ra cáu kỉnh, một vị
Thiên Vương nổi giận la lên:
– Đạo tràng của vị Bồ Tát này chỉ là hư danh, cái gì mà một bát cơm chay
cũng không có chỗ nào bố thí cả!
Bốn đại Thiên Vương bản tánh vốn nóng nảy, gặp điều không vừa ý là lửa
giận bùng lên ngay, thế là cả bốn nhao nhao đả kích:
– Đại sĩ với chẳng tiểu sĩ, thật là không biết điều chút nào, bốn đại
Kim Cang chúng ta giá lâm mà tại sao lại không ra đón tiếp!
– Đại sĩ dỏm, không biết nể mặt anh em chúng ta gì cả, khi nào gặp thì
thế nào cũng phải làm cho bà ta biết tay mới xong!
Bồ Tát Quán Âm thật ra đã biết sự có mặt của bốn đại Kim Cang từ lâu,
nay nghe họ càu nhàu như thế, trong lòng không khỏi buồn cười, lập tức
nảy ra một ý kiến.
Đương lúc bốn vị Kim Cang đang lớn tiếng mạt sát, bỗng nhiên từ rừng
trúc tím trước mặt bay ra một làn khói bếp. Họ bèn rảo bước về phía rừng
trúc tím, tìm quanh một lúc mới thấy khói bếp ấy là từ một căn nhà bé
nhỏ, vừa thấp vừa hẹp bay ra. Bốn đại Kim Cang nhìn qua khe cửa thì thấy
trong nhà có một thiếu phụ đang ngồi trước bếp nhóm lửa thổi cơm.
Thiếu phụ trạc ngoài 30 tuổi, khuôn mặt thanh tú, cử chỉ an tường, trang
nhã. Cơm thổi đã chín, từng cụm, từng cụm khói thơm phức bay lọt ra
ngoài khiến cho bốn đại Kim Cang càng cảm thấy đói thêm, không chờ được
nữa, bèn gõ cửa nói:
– Cô nhỏ ơi, chúng tôi là bốn đại Kim Cang từ thiên giới xuống đây, xin
cô bố thí cho chúng tôi nồi cơm ấy đi!
Người thiếu phụ chẳng tỏ vẻ gì là kinh sợ, trả lời:
– Mời quý vị vào nhà. Nồi cơm này là để đãi khách, đủ cho bốn vị dùng.
Bốn đại Kim Cang muốn bước vào nhà nhưng người nào cũng cao lớn, nhà lại
nhỏ hẹp cao không tới đầu gối của họ, làm sao chui vào cho lọt đây? Họ
còn đang lúng túng, người thiếu phụ mỉm cười thúc giục:
– Quý vị vào đi chứ, tại sao lại không vào?
Bốn vị quá muốn ăn cơm nên đành cúi đầu uốn lưng tiến vào nhà. Kỳ lạ
thay, bước vào rồi thì căn nhà bé nhỏ ấy dường như được nới rộng ra, bốn
vị Kim Cang có thể cử động thư thái, không thấy nhà nhỏ hẹp nữa mà còn
thấy rộng rãi thoải mái là khác.
Người thiếu phụ mời họ ngồi xung quanh một cái bàn vuông và nói:
– Tôi xới cơm cho quý vị dùng.
Một vị Kim Cang nói:
– Cô nhỏ à, chúng tôi đói rã rời rồi, anh em chúng tôi lại ăn rất khoẻ,
xin cô làm ơn nấu thêm cơm chứ cái nồi bé tí thế kia sợ không đủ cho
chúng tôi no.
Ba vị còn lại cũng phụ họa:
– Đúng rồi, đúng rồi, nồi cơm bé tí ăn không đủ no.
– Xin bốn vị tướng quân yên lòng, đừng thấy nồi nhỏ mà lo sợ, cơm trong
nồi ấy đủ cho quý vị ăn no bụng.
Người thiếu phụ nói rồi, xới cơm vào bốn cái bát đem đến bàn rồi tiếp:
– Nồi hãy còn cơm, quý vị dùng xong hãy tự tiện xới thêm, tôi ra ngoài
giặt quần áo một chút, không ở lại hầu chuyện với quý vị được. Mời quý
vị tự nhiên ăn cơm cho no.
Nói xong cô bèn xách một cái giỏ bước ra khỏi nhà. Bốn đại Kim Cang vội
vàng nâng bát, vừa ăn vừa canh chừng nồi, ai cũng nghĩ “cái nồi có chút
xíu, cơm này thì đủ cho ai ăn, ta nên ăn cho mau để xới trước”. Cả bốn
người đều nghĩ như nhau nên ai nấy đều ăn thật mau. Kết quả là vị Kim
Cang mặt trắng ăn xong trước, chỉ và mấy cái là cả bát cơm đã vào bụng,
thế là vị này chạy mau như bay đến trước bếp lửa mở nồi xúc cơm. Nào ngờ
cái vung như thể bị gắn dính vào nồi, không cách nào dở lên. Ông bèn
buông bát xuống, dùng hai tay để mở nồi, dùng hết cả sức lực mà cái vung
vẫn trơ trơ bất động.
Vị Kim Cang mặt trắng đỏ mặt tía tai, đứng ngây người ra. Vị Kim Cang
mặt đen cũng vừa ăn xong bát cơm bèn qua xúc thêm, thấy vị Kim Cang mặt
trắng mở vung không ra bèn cười chế nhạo và đẩy vị ấy sang một bên, tự
mình đến giở nồi. Ông những tưởng việc này dễ như trở bàn tay mà thử mấy
lần không xong, bèn đứng dạng hai chân, dồn hết sức mạnh nắm chặt vung,
nhưng vì dùng sức quá mạnh, vung đã không nhúc nhích mà nồi lại vuột ra
khỏi bàn tay khiến ông ngã lăn đùng xuống đất, giận quá chửi toáng lên.
Hai vị Kim Cang còn lại cũng đến thử và cũng thất bại, họ dùng sức đến
đâu đi nữa vung vẫn dính chết vào nồi, trơ trơ bất động!
Cuối cùng, bốn vị Kim Cang bèn đứng xếp thành hàng, vị đứng đầu cầm
vung, vị đứng sau ôm bụng vị đứng trước, hễ nghe hiệu lệnh thì cùng nhau
kéo về phía sau: “dô ta! dô ta!”. Họ dùng hết sức lực để “nhổ” cái vung
ra khỏi nồi như người ta nhổ một củ cải ra khỏi đất, nhưng cái vung vẫn
không hé ra chút xíu nào! Bốn vị cứ kéo tới kéo lui một hồi lâu, mệt quá
nằm dài xuống đất thở phì phò, không còn nhúc nhích được, thật là xấu
hổ!
Bỗng có tiếng cửa mở, người thiếu phụ bước vào phòng, thấy bốn đại Kim
Cang nằm la liệt dưới đất nhăn răng méo miệng, buồn cười quá mà vẫn phải
làm bộ kinh ngạc:
– Hẳn là bốn vị tướng quân ăn no rồi nên nằm xuống nghỉ ngơi chăng?
Vị Kim Cang mặt đỏ vội vàng cải chính:
– Không phải, không phải, chúng tôi chưa ăn xong, mới chỉ ăn được có một
bát cơm mà thôi!
Người thiếu phụ nói:
– Tại sao quý vị không ăn cho xong? Hay là quý vị chê nồi nhỏ, cơm trong
nồi hãy còn đầy mà, sao quý vị không múc ăn thêm?
Vị Kim Cang mặt đỏ đáp:
– Vì mở vung không ra!
Thiếu phụ nói:
– Sao lạ vậy? Cái vung bé tí ti thế này, bốn vị tướng quân sao lại mở
không ra? Bốn vị là thiên tướng lừng danh trên thiên giới, sức mạnh vô
địch, làm gì dở không lên một cái vung?
Bốn đại Kim Cang không trả lời được, người nào cũng cảm thấy ngượng
ngùng, nhìn nhau không nói mà trong lòng phát hoảng.
Mọi người còn đang nghĩ ngợi thì người thiếu phụ bước đến trước bếp, đưa
tay ra nhẹ nhàng nhấc vung lên và nói:
– Vung dễ mở lắm mà, bốn vị tướng quân, xin mời dùng thêm cơm!
Bốn đại Kim Cang sững sờ nhìn người thiếu phụ nhấc cái vung một cách ung
dung nhẹ nhàng, nghĩ lại ban nãy bốn anh em phí bao nhiêu sức mà giở mãi
không ra, cảm thấy thật là bất khả tư nghì!
Vị Kim Cang mặt trắng cuối cùng nhanh trí nhất, trong thoáng chốc hiểu
rõ ngọn nguồn, biết người thiếu phụ này không phải là người phàm, sau đó
thoắt nhiên tỉnh ngộ la lên:
– Ối! Tôi hiểu rồi! Ngài là Quán Âm đại sĩ, anh em chúng con không thấy
núi Thái Sơn, xin Bồ Tát thứ lỗi!
Ba đại Kim Cang kia cũng lớn tiếng nói:
– Bồ Tát thứ lỗi! Xin Bồ Tát tha thứ cho bọn chúng con ngu si!
Nói rồi, bốn đại Kim Cang quỳ xuống trước mặt người thiếu phụ dập đầu
lạy liên tiếp. Quán Âm Đại sĩ mỉm cười:
– Xin bốn đại tướng quân đứng dậy, đứng dậy đi, dùng cơm xong hãy nói
chuyện.
Ăn cơm xong, bốn đại Kim Cang nói:
– Đa tạ Đại sĩ, hôm nay chúng con nhờ ơn từ bi của Bồ Tát, vô vàn cảm
tạ, bây giờ xin phép Đại sĩ cho chúng con trở về thiên đình.
Quán Âm Đại sĩ nói:
– Bốn đại tướng quân còn muốn trở về sao? Bốn vị muốn trở về thì không
có vấn đề gì, tuy nhiên uy danh của bốn vị chấn động thiên đình, hôm nay
chỉ có một cái vung mà nhấc không lên, chỉ e... thiên binh thiên tướng
có còn tôn trọng quý vị chăng? Hay là họ sẽ cười chê? Theo ta nghĩ, hay
là các vị ở lại đây theo ta tu hành, các vị nghĩ sao?
Sự thật, khi Bồ Tát Quán Âm biết có bốn đại Thiên Vương đến Phổ Đà Sơn,
Ngài nghĩ rằng đất này đang thiếu thần hộ Pháp, nếu có cách nào giữ bốn
đại Kim Cang này ở lại thì thật là thích hợp! Vì thế Ngài đã lập ra một
kế kích thích ngạo khí của họ để giữ họ ở lại.
Bốn đại Kim Cang nghe Quán Âm Đại sĩ nói như thế thì không có lời lẽ nào
để trả lời, thật sự họ không còn mặt mũi nào mà trở về thiên đình nữa.
Trải qua chuyện này rồi họ mới được thấy uy lực của Phật Pháp và thần
thông vô tỉ của Bồ Tát Quán Âm. Họ vô cùng kính phục Đại sĩ, đồng lòng
chấp thuận ở lại Phổ Đà Sơn, theo ngài Quán Âm học Phật Pháp và hộ vệ
Phổ Đà Sơn.
Từ đấy, ở hai bên trái và phải của Thiên vương điện xuất hiện những bức
tượng uy vũ hùng tráng của bốn đại Thiên Vương.