Có một lần, vua Ung Chính nhà Thanh nghe nói rằng Phổ Đà Sơn là một
thắng cảnh nổi danh toàn quốc, bèn tỏ ý muốn thân hành lên núi lễ bái
Quán Âm để cho trăm họ trong thiên hạ biết rằng mình đây là một vị minh
quân thánh hiền đại từ đại bi. Các quan trong triều nghe thế, đều can
gián rằng Phổ Đà Sơn cách xa ngàn trùng, đường xá hiểm trở, chi bằng vua
viết một bài văn khắc lên ngự bia, phái khâm sai đến Phổ Đà Sơn cai quản
việc xây một mái đình để thờ bia văn ấy cho toàn dân có dịp kính phục
ngưỡng mộ.
Ung Chính nghe thế hết sức đẹp lòng, bèn phái khâm sai đến Phổ Đà Sơn để
xây dựng mái đình.
Mái đình che chở ngự bia phải xây ở đâu mới thích hợp? Vị khâm sai đứng
ở khung cửa sổ chùa Phổ Tế, nhìn về phía trước chỉ thấy một bãi đầm lầy,
nếu xây đình ngự bia ở bên cạnh đầm lầy thì cửa vào của chùa Phổ Tế sẽ
bị che kín, không được! Nếu xây trên bờ đối diện của cái đầm thì lại rất
thích hợp, nhưng phải đi vòng qua cầu Vĩnh Thọ, thế cũng không được!
Vị khâm sai thấy thật khó xử, ông nhíu chặt đôi lông mày, băng qua cầu
Vĩnh Thọ, bước qua rồi đột nhiên kêu lên một tiếng:
– Đúng rồi! Xây cầu mới! Ở giữa đầm thì xây cái đình tám góc (bát giác),
hai bên đình thì xây cái cầu bằng đá, khiến cho chùa Phổ Tế và đình ngự
bia thông qua lại với nhau. Như thế vừa có cầu vừa có đình, thật là hùng
tráng và trang nhã. Nếu vua mãn ý thì thế nào cũng thăng cho mình ba cấp
quan là ít!
Quả nhiên, Ung Chính nhìn qua bản tấu thư, hỏi han một phen rồi bảo ông
phải lo trông coi việc xây cất cho cẩn thận, để sớm về kinh thành phục
chỉ.
Khâm sai đắc ý vô cùng, lập tức sai người tìm thợ thuyền xa gần, nào thợ
đá, thợ mộc, thợ hồ, tới Phổ Đà Sơn nghe ông đọc thánh chỉ, và ra kỳ hạn
trong vòng 100 ngày công việc phải xong.
Đầm lầy này nước thì sâu, bùn thì dơ, đám thợ thuyền ngâm mình trong
đầm, mệt bở hơi tai sống dở chết dở, tốn một tháng tròn nền móng của
đình mới xuất hiện lên khỏi mặt nước. Nền đình mỗi ngày một cao lên,
không lâu nữa có thể dựng cột lợp ngói rồi. Khâm sai thấy tiến trình như
thế thì rất vui mừng, vuốt râu gật đầu cười lên thích chí. Nào ngờ tiếng
cười chưa dứt, chỉ nghe vọng lên “cô lô, cô lô”, bọt nước từ giữa đầm
sủi lên và “bõm”, nguyên cái móng đình đổ sụp xuống đáy không còn thấy
đâu nữa.
Khâm sai lo lắng quá hai chân nhảy cỡn, mắng người cai thợ một trận, ra
lệnh xây lại, không được trì hoãn kỳ hạn. Vị cai thợ chỉ biết ngậm đắng
nuốt cay không nói ra lời, hướng dẫn mọi người đi kiếm vật liệu khác chở
tới, lại ngâm mình trong đầm cả ngày lẫn đêm, một lần nữa mệt bở hơi tai
sống dở chết dở, một tháng sau móng đình mới xuất hiện lên mặt nước trở
lại. Khâm sai nóng ruột muốn cho mau xong, thôi thúc thợ thuyền khiêng
gỗ xây đình. Có ai ngờ, cột đình mới dựng lên xong thì cũng một lần nữa,
từ giữa đầm lại vọng lên “cô lô cô lô”, bọt nước sủi lên và “bõm”,
nguyên cái móng đình chìm xuống đáy nước không còn thấy đâu nữa.
Hai tháng đã trôi qua rồi, đừng nói gì tới cái đình tám góc, nội bóng
dáng cái móng đình vẫn chưa thấy được. Khâm sai sốt ruột như thiêu như
đốt, cả người cứ thế mà quay mòng mòng. Những tưởng mau xong việc mà về
kinh lãnh thưởng, nay sự thể như thế này, đừng nói tới chuyện đầu đội mũ
lông công (mũ của quan liêu trong lễ phục đời nhà Thanh), mà tính mạng
của cả nhà chưa chắc đã giữ được. Ông càng nghĩ càng sợ, càng sợ càng dữ
dằn, bèn hét lên ra lệnh lôi người cai thợ ra chém đầu làm gương!
– Khoan đã!
Chỉ thấy một ông già khoan thai, từ tốn đến trước mặt khâm sai, cung tay
vái chào và nói:
– Đại nhân bớt giận, đây là đất Phật thanh tịnh, làm sao có thể động dao
giết người được?
Khâm sai liếc mắt nhìn, thấy lão già đầu đội mũ cỏ, chân mang dép cỏ, áo
bằng vải thô, dáng vẻ tầm thường nhưng mở miệng nói chuyện thì giọng
thật oai hùng, sang sảng. Viên khâm sai đúng lúc đang bực bội, thấy một
ông già không biết từ đâu lại mà còn tự nhiên xía vào chuyện của mình,
lại càng thêm bực tức, lửa giận bốc lên phừng phừng gắt rằng:
– Ông là ai mà dám to gan đến thế?
Lão già không lộ ra chút gì là hoảng hốt sợ hãi, đáp rằng:
– Tôi từ vạn lý xa xăm đặc biệt tới đất Phật xây đình.
Khâm sai nghe ông lão nói mình biết xây đình vừa mừng vừa nghi, nhíu mắt
nhìn ông lão từ trên xuống dưới để đánh giá rồi quát rằng:
– Ông đừng nói xằng nói điên, người như ông mà có thể xây nổi một cái
đình tám góc sao?
– Xây một cái đình tám góc nhỏ xíu, có gì là khó? - Ông già trả lời
thẳng thắn. Nhưng phải chịu ba điều kiện của tôi.
Khâm sai thấy cử chỉ của ông không giống phàm nhân, sau một lúc dò xét,
suy nghĩ chín chắn rồi mới nói:
– Được rồi. Chỉ cần ông biết xây một cái đình tám góc, ra điều kiện gì
ta cũng chịu.
– Thứ nhất, thả ông cai thợ.
Khâm sai đáp:
– Ta bằng lòng.
– Thứ hai, tạo đình trên đất Phật thì phải lấy từ bi làm căn bản, không
được tùy tiện mắng mỏ công nhân.
Khâm sai đáp:
– Được, được!
– Thứ ba, xin đại nhân thêm cho kỳ hạn.
Đến đây khâm sai lắc đầu lia lịa:
– Không được! Phải xây đúng kỳ hạn, nếu không ta sẽ bắt tội ông!
– Ha ha!
Ông lão ngẩng mặt cười dài, rồi nghiêm sắc:
– Xử tử người thì dễ, xây đình mới khó. Bây giờ kỳ hạn 100 ngày gần tới
rồi, ông làm sao để về kinh phục chỉ đây?
Câu hỏi này đánh trúng vào chỗ yếu của khâm sai, ông suy nghĩ mãi thấy
không có cách nào khác, chỉ đành gật đầu chấp thuận.
Ngày hôm sau, ông lão không nói không rằng, một mình một thân nhảy xuống
đầm cỏ sình lầy, sờ soạn bên này, rờ rẫm bên kia, suốt cả ba ngày mới
tìm ra một cái “miệng rồng” ngay ở giữa đầm. “Miệng rồng” này thông qua
biển lớn Đông Hải, bình thường thì bị bùn dơ bịt kín, nhưng đến ngày
thủy triều lớn thì “cô lô, cô lô”, bọt sủi lên mặt nước, và bùn dơ hay
rác rưởi gì cũng đều bị hút xuống đáy biển.
Ông lão tìm ra được “miệng rồng” rồi thì hớn hở trèo lên bờ. Lúc ấy tất
cả đám thợ thuyền đều đứng chờ xem ý định của ông lão là gì, bèn vây
xung quanh ông xin giao cho việc làm. Ông lão chỉ cười mà đáp:
– Không có gì gấp, các ông hãy chuẩn bị vật liệu đi!
Mọi người nghe thế đều ngẩn người ra:
– Vật liệu đã chuẩn bị xong từ lâu rồi, bây giờ ông giao việc gì khác đi
chứ!
Ông lão nhìn mọi người rồi chỉ lên núi, chỗ có một đống đá vụn mà nói:
– Gánh hết chỗ đá vụn ấy xuống đây, chất lên hai bên bờ đầm, sẽ có lúc
cần dùng!
Mọi người không biết ông lão đang nghĩ gì trong đầu nhưng không dám
cưỡng lệnh, chỉ đành đi gánh đá vụn, không đầy một ngày, hai bên bờ đầm
chất một đống đá vụn cao thật là cao. Tuy nhiên, ông lão trốn biệt trong
một gian thiền phòng của chùa Phổ Tế, cửa đóng kín mít nhưng đèn đuốc
sáng choang, và cả ngày chỉ nghe “sầm sập, sột soạt” chẳng ai biết ông
đang làm gì trong ấy.
Sau ba ngày, mọi người vẫn thấy ông lão trốn trong thiền phòng chưa ló
mặt ra, họ bắt đầu bàn tán xôn xao, người thì nói:
– Ông già này không có tài cán gì cả, chúng ta bị lừa rồi!
Người khác cho rằng:
– Ông già này dường như không muốn sống, tới đây tìm cái chết hay sao
ấy!
Trong lúc mọi người đang bàn tán như thế thì đột nhiên nghe tiếng “cô lô
cô lô” quen thuộc từ giữa đầm vọng lên, và nước sủi bọt không ngừng.
Ông già nghe âm thanh ấy, “sầm” một tiếng từ thiền phòng phóng ra, hai
tay ôm một con rồng gỗ điêu khắc thật tinh xảo, đầu hất lên trời, duỗi
chân dương móng, hệt như một con rồng thật. Ông già chạy đến gần đầm
phóng con rồng gỗ lên trời, nghe “vù vù”, rồi có một con rồng toàn thân
dát vàng đâm đầu xuống đầm, chúi xuống đáy nước. Đám thợ thuyền há hốc
mồm ngây người ra mà nhìn, ông lão lớn tiếng giục giã họ đẩy đống đá vụn
xuống đầm. Trong nháy mắt, từ giữa đầm lầy không còn thấy nước sủi lên
nữa.
Ông lão lại nhẹ nhàng phi thân xuống ao, hướng dẫn đám công nhân khiêng
đá đắp móng đình.
Kỳ lạ, lần này móng đình xây xong vững như bàn thạch, không còn sụp đổ
nữa.
Chẳng bao lâu sau, một ngôi đình tám góc trang nhã xinh xắn được xây
lên, hai bên đình là cây cầu đá nối ngự bia với cửa chính của chùa Phổ
Tế.
Về sau người ta dọn sạch đầm lầy xung quanh đình, biến đầm trở thành một
hồ sen. Mỗi lúc hoa sen nở rộ, tòa đình tám góc này trở nên một quang
cảnh đặc biệt đẹp mắt.