Tôi có nghe rằng: Chư Phật vì một việc nhân duyên lớn nên
vào núi tu hành, chứng thành đạo quả cứu độ chúng sanh.
Những người hậu học ắt phải noi theo chỗ làm của bậc đã giác
ngộ mới có thể thấu rõ việc đại sự ấy, nên cũng phải ẩn mình
trong rừng núi mà suy xét việc này. Có người tìm đến hỏi
rằng: “Thầy ở đây làm gì?”
Nhất Nguyên đáp: “Học đạo Phật.”
Lại hỏi: “Có thể nói cho tôi nghe cái lý của đạo Phật được
chăng?”
Đáp: “Ông cứ tùy ý hỏi, tôi sẽ đáp.”
Khách nói: “Giáo pháp của hai đạo Thích, Lão vốn đều là
những sự dị đoan, thầy theo học làm gì?”
Nhất Nguyên hỏi: “Vì sao ông lại nói như vậy?”
Khách đáp: “Cái hư vô của đạo Lão, sự tịch diệt của đạo
Phật, chẳng phải đều là dị đoan đó sao?”
Nhất Nguyên cười hỏi lại rằng: “Ông đã từng đọc những sách
nói về hư vô, tịch diệt hay chưa?”
Đáp: “Đó là giáo pháp dị đoan, chẳng cần xem đến.”
Nhất Nguyên nói: “Kinh sách của họ ông còn chưa đọc, sao
biết được là đạo dị đoan? Như vậy chẳng phải giáo pháp các
đạo ấy là dị đoan, mà chính là tự ông chấp lấy sự dị đoan.
Nếu ông hiểu được Khổng tử, ắt sẽ hiểu được Phật, Lão. Vì
không hiểu Khổng tử nên mới chống báng với Phật, Lão đó
thôi. Trương Vô Tận nói rằng: ‘Ta nhờ học Phật rồi sau mới
rõ được đạo Nho.’ Lời ấy thật đúng lý thay!”
Khách chắp tay vái, hỏi tiếp rằng: “Thầy có thể nói cho tôi
nghe lý rốt ráo của cả Tam giáo được chăng?”
Đáp: “Nghe thì có thể được, chỉ sợ ông không thể làm theo.
Nếu như thường làm theo thì có thể trở thành như Khổng tử,
như Lão tử, cũng có thể thành Phật. Còn như nghe mà chẳng
tin, hoặc tin mà chẳng làm, thì có khác chi cái bánh vẽ,
không thể no lòng.”
Khách thưa rằng: “Xin thầy giảng giải, tôi nguyện sẽ làm
theo.”
Nhất Nguyên nói: “Chỗ rốt ráo trong cả Tam giáo chỉ một sự
nhất tâm mà thôi. Tâm là nguồn cội của con người. Đạo Phật
nói: ‘Tâm là vua các pháp.’ Đạo Lão nói: ‘Tâm là vua của
chúng.” Đạo Nho nói: ‘Tâm là chủ của người.’
“Tất cả pháp đều không ra ngoài tâm. Nếu vua chẳng động ắt
muôn dân đều yên ổn, tâm không rối loạn thì những điều tà
vạy không sanh khởi. Đó thật là: Tâm có chủ định ắt không
thể rối loạn.
“Đạo Phật dạy: ‘Pháp môn tâm địa không phải ở nơi sự biện
luận.’ Đạo Lão nói: “Tâm địa ra công, việc đời dứt sạch.”
Đạo Nho nói: ‘Nói không bằng làm, làm không bằng đạt tới.’
Thảy đều nói sự thiết yếu là chỗ rốt cùng chân thật, đạt tới
nguồn cội này, thấu rõ thật nghĩa, quay về cội gốc, tùy cơ
duyên mà có sự cảm ứng.
“Cho nên, đức Khổng tử lấy sự vắng lặng chẳng động làm thể,
chỗ dụng là cảm ứng mà thông suốt; đức Phật lấy tâm an định
làm thể, chỗ dụng là trí huệ. Lão tử lấy hư vô làm thể, chỗ
dụng là hiện hữu nhiệm mầu. Đều là cùng một ý như thế.
“Than ôi! Không chỉ là học giả đời nay không thấy được đạo
Phu tử, không hiểu được lòng Phu tử, cho đến trong số môn đệ
đương thời có Nhan tử được xem là đầy đủ đức hạnh của bậc
thánh, nhưng dùng hết sức bình sanh cũng chỉ nói được rằng:
‘Mới nhìn thấy trước mặt, bỗng hiện lại sau lưng...” như
đứng sừng sững đó nhưng rốt cùng chẳng thể nắm bắt, sờ mó
được.
“Tuy vậy, đức Khổng tử đã mở bày chỉ bảo rất rõ ràng. Ngài
dạy các môn đệ rằng: ‘Các ông cho rằng ta có chỗ che giấu ư?
Ta không che giấu điều chi cả.’ Theo đó mà xét ra, thánh
nhân chưa hề có sự che giấu, tránh né các đệ tử, chỉ do hàng
đệ tử tự có chỗ sai lệch, hiểu lầm đó thôi.
“Lại như trong kinh Pháp hoa, Phật dạy: “Kinh này mở cánh
cửa phương tiện, chỉ rõ tướng chân thật.” Kinh Pháp hoa này
hàm chứa sự sâu xa, kiên cố và ẩn mật, huyền nhiệm, không ai
có thể thấu triệt nổi. Vì sao vậy? Pháp này không thể dùng
sự suy lường phân biệt mà hiểu được. Hết thảy Thanh văn,
Duyên giác đều không hiểu nổi, cho đến tất cả các vị đại Bồ
Tát cũng không hiểu nổi. Chỉ riêng Phật với Phật mới có thể
cứu xét đến cùng pháp ấy.
“Than ôi! Các vị hiền thánh trong ba thừa còn không thể suy
lường trí Phật, huống chi phàm phu lại có thể xét lường được
sao? Lấy cái tình thức của người phàm mà suy lường trí Phật,
khác nào dùng chút lửa đom đóm mà đốt núi Tu-di! Thật không
chút ảnh hưởng gì, chỉ uổng công khó nhọc. Nào biết rằng
Pháp thân chân thật của Phật dường như hư không, ứng theo
vật mà hiện ra hình như trăng dưới nước, khi rộng thì bao
trùm cả pháp giới, khi hẹp thì nhỏ như hạt cải cũng khó lọt
vào, khi dùng đến thì cả pháp giới đều hiện rõ, khi buông bỏ
thì một hạt bụi cũng chẳng thành, cho đến nỗi hư không nát
nghiền, cõi đất san bằng, chìm mất, chúng ma ngoại đạo kinh
hồn, khắp hàng trời người khiếp sợ. Chỗ rốt ráo của đạo là
như thế, có thể dùng văn tự, ngôn ngữ mà suy lường được sao?
“Kinh Hoa nghiêm có ý chính rằng: ‘Chỗ rộng lớn của pháp
giới, hư không chẳng sánh bằng. Chỗ mầu nhiệm chân thật duy
nhất, dù ngàn vị thánh ra công cũng không theo kịp. Chính là
chỗ dùng, cũng lìa khỏi chỗ dùng, phấn chấn như cọp ra oai;
chỗ sáng đến, chỗ tối đến, mạnh mẽ như uy thế con trâu sắt;
ném cả thế giới Đại thiên ra ngoài tám hướng cũng không ngay
không lệch; ép núi Tu-di vào trong một hạt cải cũng không
chèn ép, chật hẹp.
“Bảo đó là không, sao riêng có sự chân thật hiển bày; còn
bảo là có, thì dù một dấu tích nhỏ nhiệm cũng không tồn tại.
Hàng Thanh văn, Duyên giác không thể thấy được bờ bến; cho
đến hàng Bồ Tát từ Sơ địa trở lên cũng chưa hiểu rõ hết chỗ
viên dung. Chỉ có bậc căn cơ cao tột mới đốn ngộ tức thời,
còn hạng căn khí nhỏ nhoi ắt phải tu tập trải qua nhiều đời
nhiều kiếp.
“Như vậy, kẻ phàm tục ngu si, thấy biết nông cạn, lẽ nào có
thể xét lường được sao?
“Kinh Kim Cang dạy rằng:
Nếu dùng sắc thấy Ta,
Dùng âm thanh cầu Ta.
Là người hành tà đạo,
Chẳng thể thấy Như Lai.
“Lại nói: ‘Không một pháp nào có thể thuyết, đó gọi là
thuyết pháp... Chẳng chấp giữ nơi tướng, như như chẳng
động.’
“Lão giáo nói: ‘Nhìn không thể thấy, nghe chẳng thể nghe,
lìa khỏi mọi giới hạn, đó gọi là diệu đạo.’ Lại nói: ‘Đạo
khó giảng nói, phải tự chứng ngộ. Pháp có thể truyền, nhưng
đạo không thể truyền.’
“Nho giáo nói: ‘Thấy không dùng mắt, nghe chẳng dùng tai,
lìa bỏ chỗ dùng của mắt và tai tự nhiên đạt được tánh.’ Lại
nói: ‘Đạo vốn không lời. Khởi nên lời nói thì chân lý tiêu
mất. Nếu dùng âm thanh, hình sắc để giáo hóa dân thì đó chỉ
là việc ở ngọn mà thôi.’
“Xét thật sâu xa chỗ rốt ráo của đạo trong Tam giáo, đều
không do nơi sự truyền dạy bằng văn tự. Trang tử nói: ‘Ví
như đạo có thể truyền được, sao người ta lại không truyền
cho con cháu? Ví như đạo mà dâng hiến được, sao người ta lại
không dâng hiến cho những người mình tôn kính?’ Sở dĩ đạo
không thể truyền, không thể dâng hiến, chỉ là vì khi bên
trong chưa làm chủ được tâm thì bên ngoài thật không có gì
để chứng đắc.
“Lại kể chuyện rằng: ‘Phu tử muốn gặp Ôn Bá Tuyết tử đã lâu.
Đến khi gặp rồi, lặng thinh không nói lời nào. Khi ra về, Tử
Lộ lấy làm lạ hỏi rằng: ‘Thầy muốn gặp Ôn Bá Tuyết tử đã
lâu, nay sao lại không nói lời nào?’ Khổng tử đáp: ‘Người ấy
chỉ cần được tận mắt nhìn thấy thì còn có đạo, không thể
chấp nhận lời nói, ngôn ngữ.’
“Nên biết rằng đạo của Phu tử thật là vượt khỏi ngôn ngữ,
không giống như người đời nay chỉ giỏi văn tự mà không tu
đạo đức, chỉ đặt nặng danh vị với con người mà không tu lấy
sự cao quý theo đạo trời.
“Sách Luận ngữ viết: ‘Trời nói gì đâu? Bốn mùa chuyển vận,
trăm vật sanh sôi. Trời có nói gì đâu?’ Lại nói: ‘Văn chương
của đức Phu tử có thể được nghe, còn lời Phu tử nói về bản
tánh cùng với thiên đạo thì không thể được nghe.” Lại nói:
‘Đức hạnh là cội gốc, văn nghệ là ngọn.”
“Trong sách Thông thư của Chu tử có nói: ‘Không chuyên đạo
đức mà giỏi văn từ, đó chỉ là cái nghề mà thôi.’ Thuở xưa,
Tề Hoàn Công đọc sách nơi thư phòng, có người thợ làm bánh
xe bảo rằng: ‘Ngài đọc sách đó chỉ là cặn bã của cổ nhân,
không thể có được cái mùi vị chân thật thuần khiết.’
“Ngài Đạt-ma từ Ấn Độ sang đây, không lập thành văn tự,
riêng truyền ngoài giáo điển, chỉ thẳng nơi tâm người, thấy
tánh thành Phật, nào có câu nệ nơi văn tự, ngôn ngữ?
“Từ trước các bậc thánh trong Tam giáo vốn là không nói,
không thuyết, chỉ vì người đời sau mê mờ chân trí nên bất
đắc dĩ mới khai mở ra giáo môn để dạy người hậu thế. Tiếc
thay, người đời sau lại chẳng làm theo, như vậy là lỗi của
ai?
“Hòa thượng Phật Nhãn Viễn nói: ‘Người học không nên câu nệ
ở văn tự, ngôn ngữ. Hết thảy văn tự, ngôn ngữ đều là dựa
theo người khác mà hiểu nên làm chướng ngại sự tỏ ngộ của
chính mình, khiến cho không thể thoát ra khỏi cái giới hạn
biểu đạt của ngôn từ.’
“Ngày trước, lần đầu ông Đạt Quan Húc gặp hòa thượng Thạch
Môn Thông, chỉ muốn tranh tài biện luận. Hòa thượng nói:
‘Những điều ông nói đều chỉ là lời ghi chép trên giấy, đều
chưa đạt tới chỗ uyên áo rốt cùng, cần phải có sự tham cứu
cho đến chỗ chân thật chứng ngộ. Đạt ngộ rồi thì siêu việt
sừng sững giữa trời, chẳng dựa theo lời nói, chẳng trói buộc
nơi câu chữ, như sư tử chúa gầm rống, các loài thú đều khiếp
sợ, quay nhìn lại cái học văn tự khác nào như lấy hàng chục
so với hàng trăm, lấy hàng ngàn so với hàng vạn.
“Này các vị! Huống chi, nguồn đạo vốn chẳng xa, biển tánh
thật không ngăn cách, chỉ cần quay lại cầu nơi chính mình,
đừng chạy theo người khác mà tìm; dù tìm cũng không có được,
dù được cũng không phải chân thật. Người có thể làm cho đạo
rộng truyền, đạo không thể làm cho người phát triển. Kinh
Dịch nói: ‘Trăm họ thường dùng hằng ngày mà không biết, thật
đáng thương thay!’
“Than ôi! Ngay trong đời này nếu không liễu ngộ, ắt phải mãi
mãi chìm trong luân hồi. ‘Sáng được nghe đạo, chiều chết
cũng vui.’
“Khổng tử dạy rằng: ‘Muốn học chỗ rốt ráo của đạo, phải dứt
mọi niệm tưởng từ khi còn chưa chớm, trị tâm ý khi chưa sanh
khởi... Đừng cho rằng giấu kín thì không thấy, việc nhỏ thì
không bày rõ.’ Đó chính là làm cho tâm ý chân thành, không
tự dối mình.
“Lão tử nói: ‘Muốn được chỗ rốt ráo của đạo, phải lìa bỏ sự
thấy, nghe, nhận biết; quên tâm, quên cảnh, cho đến quên cả
cái quên. Quên được điều không thể quên mới thật là quên.’
“Đức Phật Thích-ca dạy rằng: ‘Muốn vào được chỗ rốt ráo của
đạo, phải lìa bỏ hết mọi sự tạo tác, dừng nghỉ, nhận lấy,
diệt bỏ. Nếu nói có chỗ giác ngộ tức là chưa lìa khỏi huyễn
ảo. Ngay cả sự lìa khỏi huyễn ảo cũng lìa bỏ đi. Một mà ba,
ba mà một, đó là đạo vậy.’
“Đạo Nho dạy: ‘Không giữ ý riêng, không định thời hạn, không
cố chấp điều đã biết, không lo cho riêng mình.’ Đạo Lão dạy:
‘Không hình tướng, không tên gọi, không có người làm, không
có việc được làm.’ Nhà Phật nói: ‘Không có tự ngã, không có
người khác, không oán ghét, không luyến ái.’ Cho nên, thánh
nhân trong Tam giáo đều không vượt qua một lý đạo ấy.
“Khổng tử nói: ‘Ta biết được gì chăng? Ta không biết chi
cả.’
Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Thấy biết mà cho là biết, tức là gốc
của vô minh. Thấy biết mà không thấy biết, đó tức là
Niết-bàn.’
“Kệ Bát-nhã rằng: ‘Bát-nhã không biết nhưng không việc gì
không biết; Bát-nhã không thấy nhưng không việc gì không
thấy.
“Ngài Không Sanh lấy sự không nói để nói, Thiên đế lấy sự
không nghe để nghe. Đó là đạo nhiệm mầu của Bát-nhã chân
thật.
“Liệt tử nói: ‘Cho nên, bậc thánh nhân công cao như trời đất
mà chẳng nhân; sáng tỏ như mặt trời, mặt trăng mà thường
tối. Chẳng nhân là thi ân mà không mong sự báo đáp; thường
tối là chiếu sáng một cách vô tâm. Không làm mà trị yên cũng
là nghĩa ấy.’
“Khổng tử dạy người ‘làm tỏ rạng đức tánh sẵn có, làm cho
dân ngày càng mới mẻ, đạt đến mức chí thiện”. Nếu xét theo
lẽ ấy mà làm thì có thể được như Khổng tử.
“Lão tử dạy người ‘lấy đức chân thành mà vào, lấy sự lặng lẽ
mà giữ, lấy sự nhu thuận mà dùng’. Nếu xét theo lẽ ấy mà làm
thì có thể được như Lão tử.
“Đạo Phật dạy người ‘thi hành rộng rãi từ, bi, nguyện, lực.’
Đại từ là mang điều vui đến cho tất cả chúng sanh. Đại bi là
cứu vớt khổ đau cho tất cả chúng sanh. Đại nguyện là nguyện
cho tất cả chúng sanh đều thành Chánh giác. Đại lực là độ
cho hết thảy chúng sanh đều ra khỏi Ba cõi.” Nếu xét theo lẽ
ấy mà làm thì có thể thành Phật.
“Chỗ rốt ráo của đạo ví như vầng trăng thu lướt giữa trời
cao rộng, như đám mây bồng bềnh vừa thoát khỏi khe núi, hoát
nhiên tự tại, linh hoạt sanh động, tròn vành vạnh, sáng rỡ
rỡ, đã nhiệm mầu lại càng thêm mầu nhiệm.
“Nay tôi đã nói sơ qua chỗ rốt ráo của đạo trong Tam giáo để
ông được biết. Nếu nói về lý nhiệm mầu thì dù trọn kiếp cũng
không nói hết.
“Ôi! Thánh nhân luống phí tâm từ bi, kẻ hiểu nhau đâu cần
phải nói nhiều. Tôi khuyên mọi người hãy cùng nhau phát khởi
tâm Bồ-đề, cùng tu theo đạo Phật, cùng sanh về cõi Phật,
cùng thành tựu quả Phật.”
Khách cúi đầu bái biệt, thưa rằng: “Tôi xin tin nhận và kính
cẩn làm theo.”