Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo.Kinh Pháp Cú (Kệ số 1)
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 15 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 15

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.42 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.54 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

Bấy giờ, con rồng dữ kia thè lưỡi liếm tay Như Lai và nhìn kỹ mặt Như Lai. Sáng hôm sau, Thế Tôn mang rồng dữ đó đến gặp Ca-diếp và nói với Ca-diếp:
“Đây là con rồng dữ, thật hung bạo. Nay nó đã bị hàng phục.”
Khi Ca-diếp thấy được rồng dữ, trong lòng hoảng sợ, bạch Thế Tôn:
“Thôi, thôi, Sa-môn! Đừng bước tới, rồng sẽ gây hại!”
Thế Tôn bảo:
“Ca-diếp, đừng sợ! Nay Ta đã hàng phục nó rồi, sau này sẽ không gây hại nữa. Vì sao vậy? Vì rồng này đã được giáo hóa rồi.”
Bấy giờ, Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử khen ngợi:
“Việc chưa từng có! Thật là kỳ diệu! Sa-môn Cù-đàm này oai thần thật lớn, có thể hàng phục con rồng dữ này, khiến không nó làm ác. Tuy vậy, vẫn không bằng ta đắc đạo chơn[140].”
Bấy giờ Ca-diếp bạch Phật:
“Đại Sa-môn, hãy nhận lời thỉnh cầu chín mươi ngày của tôi. Những thứ cần dùng như y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh, tôi sẽ cung cấp hết thảy.”
Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu của Ca-diếp. Thế Tôn đem rồng thần này thả vào trong biển lớn. Rồng dữ kia tùy theo mạng sống dài ngắn, sau khi mạng chung sanh lên trời Tứ Thiên vương. Sau đó Như Lai trở về nghỉ tại thạch thất. Ca-diếp sắp đặt nhiều đồ ăn uống xong, đến bạch Thế Tôn:
“Đồ ăn thức uống đã chuẩn bị xong, xin mời đến thọ thực.”
Thế Tôn bảo:
“Ca-diếp về trước. Tôi sẽ đi ngay vậy.”
Sau khi Ca-diếp đi khỏi, Phật liền đến trên cõi Diêm-phù-đề, bên dưới cây diêm-phù, nhặt quả diêm-phù[141] rồi, trở về trước, ngồi trong thạch thất Ca-diếp.
Khi Ca-diếp về đã thấy Thế Tôn ở trong thạch thất, liền bạch Thế Tôn:
“Sa-môn từ đường nào đến thạch thất?”
Phật bảo Ca[620b1]-diếp:
“Sau khi Ông đi, tôi đến phía trên cõi Diêm-phù-đề, bên dưới cây diêm-phù, nhặt quả diêm-phù rồi trở về ngồi đây. Ca-diếp nên biết, quả này rất thơm ngon, hãy cầm lấy mà ăn.”
Ca-diếp đáp:
“Tôi không cần cái này. Sa-môn tự lấy ăn.”
Bấy giờ Ca-diếp lại nghĩ thầm như vầy: “Sa-môn này có thần túc siêu việt, có oai lực lớn, mới có thể đến phía trên cõi Diêm-phù nhặt trái ngon này. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc đạo chơn.”
Sau khi Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Sáng sớm Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn:
“Đã đến giờ ăn, mời đến thọ thực.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.”
Ca-diếp vừa đi khỏi, Phật liền đến phía trên cõi Diêm-phù, nhặt trái a-ma-lặc[142] rồi trở về trước, ngồi trong thạch thất Ca-diếp.
Ca-diếp hỏi Thế Tôn:
“Sa-môn từ đường nào đến chốn nầy?”
Phật trả bảo:
“Sau khi Ông đi, tôi đến trên cõi Diêm-phù, nhặt trái này lại, nó rất là thơm ngon, nếu cần thì lấy ăn!”
Ca-diếp đáp:
“Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy ăn.”
Khi đó Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn này rất có thần lực, có oai thần lớn. sau khi ta đi, đi lấy quả này về. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc đạo chơn.”
Sau khi Thế Tôn ăn xong liền trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn mà nói rằng:
“Đã đến giờ cơm, xin mời đến thọ thực.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.”
Sau khi Ca-diếp đi, Thế Tôn đến Bắc Uất-đan-viết lấy lúa tẻ chín tự nhiên,[143] rồi trở về trước thạch thất Ca-diếp.
Ca-diếp hỏi Phật:
“Sa-môn từ đường nào đến ngồi đây?”
Thế Tôn bảo:
“Sau khi ông đi, tôi đến Uất-đan-viết gặt lấy lúa chín muộn tự nhiên rất là thơm ngon. Ca-diếp cần thì lấy mà ăn.”
Ca-diếp đáp:
“Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy mà ăn.”
Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn này có thần lực lớn, có oai thần lớn. Tuy nhiên vẫn không bằng ta đắc đạo chơn.”
Sau khi, Thế Tôn ăn xong thì về chỗ kia nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn nói:
“Đã đến giờ cơm, xin mời đến thọ thực.”
Phật bảo Ca-diếp:
“Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.”
Sau khi Ca-diếp đi, Thế Tôn đến Cù-da-ni [620c1] nhặt quả a-lê-lặc,[144] về trước vào thạch thất Ca-diếp.
Ca-diếp hỏi Phật:
“Sa-môn từ đường nào đến ngồi đây?”
Phật bảo Ca-diếp:
“Sau khi Ông đi, tôi đến Cù-da-ni nhặt quả này lại rất thơm ngon. Ca-diếp cần thì lấy mà ăn.”
Ca-diếp đáp rằng:
“Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy mà ăn.”
Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn này có thần lực lớn, có oai thần lớn. Tuy nhiên vẫn không bằng ta đắc chơn đạo.”
Sau khi, Thế Tôn ăn xong thì về chỗ kia nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn bạch:
“Đã đến giờ cơm, xin mời đến thọ thực!”
Phật bảo Ca-diếp:
“Ông hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.”
Sau khi Ca-diếp đi, Thế Tôn đến Phất-vu-đãi nhặt trái tì-hê-lặc[145] rồi, về trước ngồi trong thạch thất Ca-diếp.
Ca-diếp hỏi Phật:
“Sa-môn từ đường nào đến ngồi đây?”
Phật bảo Ca-diếp:
“Sau khi ông đi, tôi đến Phất-vu-đãi nhặt quả này rất thơm ngon. Ca-diếp cần thì lấy mà ăn.”
Ca-diếp đáp:
“Tôi không cần thứ này. Sa-môn tự lấy mà ăn.”
Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn này có thần lực lớn, có oai thần lớn. Tuy nhiên vẫn không bằng ta đắc đạo chơn.”
Thế Tôn ăn xong trở về chỗ kia nghỉ ngơi.
Lúc bấy gời Ca-diếp đang chuẩn bị đại tế đàn. Năm trăm đệ tử cầm búa bửa củi. Tay nhấc búa lên nhưng búa không xuống. Lúc đó, Ca-diếp nghĩ thầm như vầy: “Đây chắc Sa-môn làm.” Khi đó Ca-diếp hỏi Thế Tôn:
“Nay muốn bửa củi, vì sao búa không hạ xuống được?”
Thế Tôn bảo:
“Muốn cho búa hạ xuống được phải không?”
Đáp:
“Muốn hạ xuống.”
Búa liền hạ xuống. Lúc búa kia đã hạ xuống, lại không nhấc lên được. Ca-diếp lại bạch Phật:
“Búa sao không nhấc lên được?”
Thế Tôn bảo:
“Muốn cho búa lên chăng?”
Đáp:
“Muốn nhấc lên.”
Búa liền nhấc lên.
Bấy giờ, đệ tử của Ca-diếp muốn nhen lửa, nhưng nhen không cháy. Ca-diếp lại nghĩ thầm như vầy: “Đây chắc Sa-môn Cù-đàm gây ra.”
Ca-diếp bạch Phật:
“Vì sao nhen lửa không cháy?”
Phật bảo Ca-diếp:
“Muốn lửa cháy phải không?”
Đáp:
“Muốn cho cháy.”
Lửa liền cháy. Sau đó muốn dập tắt, lửa lại không tắct. Ca-diếp bạch Phật:
“Sao lửa dập không tắt?”
Phật bảo Ca-diếp:
“Muốn cho lửa tắt phải không?”
Đáp:
“Muốn cho tắt.”
Lửa liền tắt ngay. Ca-diếp liền nghĩ thầm như vầy: “Sa-môn Cù-đàm này [621a1] diện mạo đoan chánh, hiếm có trong đời. Ngày mai ta có tế lễ lớn. Quốc vương, nhân dân tất cả đều tụ tập. Nếu họ thấy Sa-môn này, ta sẽ không còn được cúng dường. Sa-môn này ngày mai không đến sẽ là đại phúc.”
Thế Tôn biết những suy nghĩ trong lòng Ca-diếp. Sáng hôm sau, Phật đến Uất-đan-viết, lấy lúa chín muôn tự nhiên; đến Cù-da-ni lấy sữa; rồi đến ao A-nậu-đạt mà dùng. Trọn ngày ở chỗ đó, chiều tối về thạch thất nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn hỏi:
“Sa-môn, hôm qua sao không đến?”
Phật bảo Ca-diếp:
“Hôm qua ông đã nghĩ như vầy: ‘Sa-môn Cù-đàm này diện mạo đoan chánh, hiếm có trong đời. Ngày mai ta có tế lễ lớn. Nếu quốc vương, nhân dân thấy được Sa-môn này, sẽ cắt đứt cúng dường cho ta. Nếu ông ta không đến sẽ là đại phúc.’ Tôi biết được những suy nghĩ trong lòng của ông, mới đến Uất-đan-viết gặt lấy lúa chín muôn tự nhiên, đến Cù-da-ni lấy sữa; rồi đến bên ao A-nậu-đạt mà ăn. Trọn ngày ở chỗ đó, chiều tối về thạch thất nghỉ ngơi.”
Khi ấy Ca-diếp lại nghĩ thầm như vầy: “Đại Sa-môn này, có thần túc lớn, có thật oai thần. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc đạo chân.”
Thế Tôn ăn xong, trở về thạch thất nghỉ ngơi. Ngay đêm đó, Tứ Thiên vương đến chỗ Thế Tôn nghe kinh pháp. Tứ Thiên vương cũng có ánh sáng, Phật cũng phóng ánh sáng lớn, chiếu cả sơn động hoang dã kia tỏa sáng một màu. Đêm hôm đó Ca-diếp thấy được ánh sáng. Sáng hôm sau đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn:
“Đêm qua, ánh sáng gì chiếu sáng núi non hoang dã này?”
Thế Tôn bảo:
“Đêm qua Tứ Thiên vương đến chỗ tôi nghe Pháp. Đó là ánh sáng của Tứ Thiên Vương kia.”
Lúc đó Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn này rất có thần lực, mới khiến cho Tứ Thiên vương đến nghe kinh pháp. Tuy nhiên, thần lực này vẫn không bằng ta đắc đạo chân.”
Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Nửa đêm, Thích Đề-hoàn Nhân đến chỗ Thế Tôn nghe pháp. Ánh sáng của Thiên Đế lại chiếu sáng núi đó. Ca-diếp kia đêm dậy ngắm sao, thấy ánh sáng này. Sáng hôm sau, Ca-diếp tới chỗ Thế Tôn, hỏi:
“Cù-đàm, đêm qua có ánh sáng thật là đặc biệt. Vì sao có ánh sáng như vậy?”
Thế Tôn bảo:
“Đêm qua, Thiên đế [621b1] Thích đến đây nghe kinh. Cho nên có ánh sáng như vậy.”
Ca-diếp lại nghĩ thầm: “Sa-môn Cù-đàm này thật có thần lực, có oai thần lớn, mới có thể khiến cho Thiên Đế Thích đến nghe kinh pháp. Tuy vậy vẫn không bằng ta đắc đạo chân.”
Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Nửa đêm Phạm Thiên vương phóng ánh sáng lớn chiếu xuống núi này, đến chỗ Thế Tôn nghe kinh pháp. Đêm đó Ca-diếp thức dậy, thấy ánh sáng. Sáng hôm sau đến chỗ Thế Tôn, hỏi:
“Đêm qua, ánh sáng chiếu sáng hơn ánh sáng của mặt trời mặt trăng. Có những nhân duyên gì mà có thứ ánh sáng này?”
Thế Tôn bảo:
“Ca-diếp nên biết, đêm qua, Đại Phạm Thiên vương đến chỗ Ta nghe kinh pháp.”
Lúc đó Ca-diếp lại nghĩ thầm như vầy: “Sa-môn Cù-đàm này rất có thần lực, mới khiến Tổ phụ của ta đến chỗ Sa-môn này mà nghe kinh pháp. Tuy nhiên, vẫn không bằng ta đắc đạo chân.”
Bấy giờ, Thế Tôn được y năm mảnh cũ rách,[146] muốn giặt dũ, nghĩ thầm: “Ta sẽ giặt y này ở chỗ nào?”
Lúc đó, Thích Đề-hoàn Nhân biết được trong lòng Thế Tôn nghĩ gì, liền biến ra một hồ tắm, rồi bạch Thế Tôn: ‘Xin hãy đến đây giặt y.’
Thế Tôn lại nghĩ thầm: “Ta phải đứng chỗ nào để đạp giặt y này?”
Lúc đó, Tứ Thiên vương biết được trong lòng Thế Tôn nghĩ gì, liền nhấc một tảng đá vuông lớn đặt mé nước, rồi bạch Thế Tôn: “Xin hãy đứng chỗ này mà đạp y.”
Thế Tôn lại nghĩ: “Ta phơi y này ở chỗ nào?”
Lúc đó, Thần cây biết được trong lòng Thế Tôn nghĩ gì, liền làm oằn nhánh cây xuống, rồi bạch Thế Tôn: “Cúi xin Thế Tôn phơi y chỗ này.”
Sáng hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn:
“Chỗ này trước đây không có ao, nay có ao này? Trước không có cây, nay có cây này? Trước không có đá, nay có tảng đá này. Nguyên nhân gì mà có sự thay đổi này?”
Thế Tôn bảo:
“Đây là hôm qua Thiên đế Thích biết tôi muốn giặt y cho nên làm hồ tắm này. Tôi lại nghĩ: ‘Đứng chỗ nào để đạp giặt y này?’ Tứ Thiên vương biết tôi đang nghĩ gì, liền mang đá này đến. Tôi lại nghĩ: ‘Phơi y này ở chỗ nào?’ Thần cây biết tôi đang nghĩ gì, liền oằn nhánh cây này vậy.”
Lúc đó, Ca-diếp nghĩ như vầy: “Sa-môn Cù-đàm này tuy có thần lực những vẫn [621c1] không bằng ta đắc đạo chân.”
Thế Tôn ăn xong, trở về chỗ kia nghỉ ngơi. Nửa đêm, có nhiều mây đen nổi lên, rồi đổ mưa lớn. Sông lớn Liên-nhã bị nước lũ ngập tràn.
Lúc đó, Ca-diếp nghĩ thầm: “Nước lũ tràn sông này, Sa-môn nhất định sẽ bị nước cuốn trôi. Nay ta ra xem thử.”
Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử đi ra bờ sông. Bấy giờ Thế Tôn đang đi trên nước, chân không bị dính nước. Khi đó Ca-diếp từ xa thấy Thế Tôn đi trên mặt nước. Ca-diếp thấy vậy, liền nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Sa-môn Cù-đàm lại có thể đi trên mặt nước. Ta cũng có thể đi trên mặt nước, nhưng không thể khiến cho chân không dính nước mà thôi. Sa-môn này tuy thật có thần lực. Nhưng vẫn không bằng ta đắc đạo chân.”
Khi đó Thế Tôn bảo Ca-diếp:
“Ông không phải là A-la-hán, cũng không biết đạo A-la-hán. Ông còn chưa biết tên A-la-hán, huống chi là đắc đạo sao? Ông là người mù. Mắt không trông thấy gì hết. Như Lai đã biến hóa ngần ấy sự, mà ông vẫn cứ nói ‘Không bằng ta đắc đạo chân.’ Ông vừa nói rằng: ‘Ta có thể đi trên mặt nước.’ Bây giờ là lúc thích hợp. Có thể cùng đi trên mặt nước chăng? Ông nay hãy bỏ tâm tà kiến, đừng để phải chịu khổ não lâu dài như vậy.”
Khi Ca-diếp nghe Thế Tôn nói như vậy, liền đến trước, mặt đảnh lễ sát chân: “Con xin hối lỗi, biết rõ sai trái xúc phạm Như Lai. Cúi xin nhận sự sám hối này.” Như vậy ba lần.
Thế Tôn bảo:
“Chấp nhận sự hối lỗi của ông, đã biết tội quấy nhiễu Như Lai.”
Lúc đó, Ca-diếp bảo năm trăm đệ tử:
“Các ngươi, mỗi người hãy làm theo những gì mình thích. Ta nay tự quy y Sa-môn Cù-đàm.”
Khi ấy năm trăm đệ tử bạch Ca-diếp:
“Chúng con trước đây, lúc hàng phục rồng cũng có ý muốn quy Sa-môn Cù-đàm. Nếu thầy tự quy y Cù-đàm thì năm trăm đệ tử chúng con thảy đều tự quy y với Cù-đàm.”
Ca-diếp nói:
“Nay thật là thích hợp. Nhưng tâm ta lại chấp vào sự ngu si này, thấy ngần ấy sự biến hóa mà tâm ý vần còn không tỏ, vẫn tự xưng ta được đạo chân chánh.”
Rồi Ca-diếp cùng với năm trăm đệ tử vây quanh trước sau đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn cho phép chúng con được làm Sa-môn, tu hạnh thanh tịnh.”
Theo pháp thường của chư Phật, nếu Phật nói ‘Thiện lai, Tỳ-kheo!’ Người ấy liền thành Sa-môn.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo [622a1] Ca-diếp:
“Thiện lại, Tỳ-kheo! Pháp này vi diệu. Hãy khéo tu phạm hạnh.” [147]
Ngay khi ấy, y phục đang mặc của Ca-diếp và năm trăm đệ tử thảy đều biến thành cà-sa, tóc trên đầu tự rụng, giống như cạo tóc được bảy ngày. Rồi những dụng cụ học thuật và liên hệ đến chú thuật của Ca-diếp đều được ném xuống sông. Sau đó, năm trăm đệ tử bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn cho chúng con được làm Sa-môn!”
Thế Tôn bảo:
“Thiện lai, Tỳ-kheo!”
Tức thì, năm trăm đệ tử liền thành Sa-môn, thân mặc cà-sa, tóc trên đầu tự rụng.
Lúc bấy giờ, thuận dòng nước về hạ lưu có phạm-chí[148] tên là Giang Ca-diếp[149] sống ở bên sông. Khi Giang Ca-diếp thấy những dụng cụ chú thuật bị nước cuốn trôi, bèn nghĩ: ‘Ối! Đại huynh của ta bị nước nhận chìm rồi!’
Giang Ca-diếp liền dẫn ba trăm đệ tử theo dòng sông lên thượng lưu, tìm thi hài của đại huynh. Từ xa, thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, thuyết pháp cho Đại Ca-diếp và năm trăm đệ tử, trước sau vây quanh. Thấy vậy, ông đến trước Ca-diếp mà nói: “Việc này há tốt đẹp sao? Trước kia làm thầy người. Nay làm đệ tử. Vì sao đại huynh làm đệ tử của Sa-môn?’
Ca-diếp đáp:
“Nơi này tuyệt diệu. Không nơi nào hơn.”
Lúc đó Ưu-tỳ Ca-diếp[150] quay sang Giang Ca-diếp mà nói kệ này:
Thầy này trời người quý;
Nay ta thờ làm Thầy.
Chư Phật hiện thế gian,
Gặp được thật là khó.
Lúc đó Giang Ca-diếp nghe danh hiệu Phật, lòng rất vui mừng hớn hở khôn xiết, đến trước bạch Thế Tôn:
“Xin cho phép tu đạo!”
Thế Tôn bảo:
“Thiện lai, tỳ-kheo! Hãy khéo tu phạm hạnh để diệt tận khổ.”
Khi đó Giang Ca-diếp cùng ba trăm đệ tử liền thành Sa-môn, thân mặc cà-sa, tóc trên đầu tự rụng. Rồi Giang Ca-diếp cùng ba trăm đệ tử ném hết dụng cụ chú thuật xuống nước.
Bấy giờ thuận theo dòng nước cuối sông, có phạm-chí* tên là Già-di Ca-diếp[151] sống ở bên sông.[152] Từ xa, trông thấy dụng cụ chú thuật bị nước cuốn trôi, liền nghĩ: “Ta có hai người anh học đạo ở trên đó. Nay dụng cụ chú thuật bị nước cuốn hết. Hai đại Ca-diếp chắc bị nước hại.” Nghĩ rồi, liền dẫn hai trăm đệ tử theo sông lên thượng lưu, đến chỗ học thuật. Từ xa thấy hai anh đang làm sa-môn, liền nói: “Nơi này tốt đẹp chăng? Xưa là bực tôn kính của người, [622b1] nay làm đệ tử Sa-môn!”
Ca-diếp đáp:
“Nơi này rất tốt đẹp. Không nơi nào hơn.”
Già-di Ca-diếp suy nghĩ: “Hai anh của ta biết nhiều, học rộng. Nơi này chắc là mảnh đất tốt, mới khiến cho hai anh của ta vào học đạo. Nay ta cũng nên xin vào học đạo.”
Già-di Ca-diếp bèn đến trước, bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Sa-môn.”
Thế Tôn bảo:
“Thiện lai, tỳ-kheo! Hãy khéo tu phạm hạnh để diệt tận khổ.”
Già-di Ca-diếp tức thì trở thành Sa-môn, thân mặc cà-sa, tóc trên đầu tự rụng giống như cạo đầu được bảy ngày.
Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ở dưới cây ni-câu-loại bên sông kia, sau khi thành Phật chưa bao lâu, đã có một ngàn đệ tử, đều là các bậc bậc kỳ túc trưởng lão.
Lúc đó, Thế Tôn giáo hóa bằng ba sự. [153] Thế nào là ba? Đó là thần túc giáo hóa, ngôn giáo giáo hóa,[154] huấn hối giáo hóa.
“Sao gọi là thần túc giáo hóa? Bấy giờ Thế Tôn hoặc biến ra nhiều hình rồi hợp lại một, hoặc hiện hoặc ẩn. Đi qua vách đá mà không gì chướng ngại. Hoặc ra khỏi mặt đất, hoặc nhập vào đất giống như xuống nước mà không bị trở ngại. Hoặc ngồi kiết-già đầy khắp giữa hư không như chim bay trên không chẳng bị ngăn cản. Cũng như núi lửa lớn, phun khói vô lượng. Như mặt trời mặt trăng kia có đại thần lực, có thần lực lớn không thể hạn lượng, mà có thể dùng tay với đến. Thân cao cho đến Phạm thiên. Thế Tôn hiện thần túc như vậy.
“Sao gọi là ngôn giáo giáo hóa? [155] Bấy giờ Thế Tôn dạy các tỳ-kheo nên xả điều này, nên giữ điều này; nên gần điều này, nên xa điều này; nên nhớ điều này, nên trừ điều này; nên quán điều này, nên không quán điều này.[156]
“Sao gọi là nên tu điều này, không tu điều này? Hãy tu bảy giác chi, diệt ba kết. Sao là nên quán, không nên quán? Hãy quán ba kết, và ba thiện của sa-môn, đó là lạc do xuất yếu, lạc do không nhuế, lạc do không nộ.[157] Sao gọi là không quán? Đó là ba khổ của sa-môn. Những gì là ba? Dục quán, nhuế quán, nộ quán.[158] Sao gọi là niệm, sao gọi là không niệm? Bấy giờ, nên niệm khổ đế, nên niệm tập đế, nên niệm tận đế, nên niệm đạo đế; chớ niệm tà đế, thường kiến,[159] vô thường kiến; biên kiến, vô biên kiến; mạng khác thân khác;[160] chẳng phải mạng chẳng phải thân;[161] Như Lai mạng chung, Như Lai không mạng chung, vừa hữu chung vừa vô chung; cũng chẳng hữu chung cũng chẳng vô chung.[162] Đừng niệm như vậy.[163]
“Sao gọi là huấn hối giáo [622c1] hóa? Lại nữa, hãy đi như vầy, không nên đi như vầy; nên đến như vậy, không nên đến như vậy; nên im lặng như vậy, nên nói năng như vậy; phải thọ trì y như vậy, không được thọ trì y như vầy; nên vào thôn như vầy, không nên vào thôn như vầy. Đây gọi là huấn hối giáo giới.”
Lúc đức Thế Tôn bằng ba sự này giáo hóa một ngàn tỳ-kheo, những tỳ-kheo đó nhận được sự giáo hóa của Phật xong, trở thành một ngàn A-la-hán.
Khi ấy Thế Tôn thấy một ngàn tỳ-kheo đã đắc A-la-hán. Bấy giờ cõi Diêm-phù-đề có một ngàn A-la-hán cùng năm tỳ-kheo và Phật là sáu, Ngài quay ngồi hướng về Ca-tỳ-la-vệ.
Lúc đó, Ưu-tỳ Ca-diếp suy nghĩ như vầy: “Vì sao Thế Tôn ngồi quay lại hướng về Ca-tỳ-la-vệ?” Rồi Ưu-tỳ Ca-diếp liền đến trước, quỳ thẳng bạch Thế Tôn:
“Chẳng hiểu tại sao Như Lai ngồi quay hướng về Ca-tỳ-la-vệ?”
Thế Tôn bảo:
“Như Lai ở đời cần làm năm việc. Sao gọi là năm? Một là chuyển pháp luân; hai là thuyết pháp cho cha; ba là thuyết pháp cho mẹ; bốn là dẫn dắt phàm phu lập hạnh Bồ-tát; năm là thọ ký riêng cho Bồ-tát. Này Ca-diếp, đó gọi là Như Lai xuất hiện ở đời cần làm năm việc như vậy.”
Ưu-tỳ Ca-diếp bèn nghĩ: “Như Lai vì nhớ thân tộc xứ sở nên quay hướng đó ngồi vậy.”
Khi đó năm tỳ-kheo lần hồi đi đến bờ sông Ni-liên.[164]Đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi qua một bên.
Lúc đó Tôn giả Ưu-đà-da[165] xa thấy Thế Tôn ngồi hướng về Ca-tỳ-la-vệ. Thấy vậy liền nghĩ rằng: “Nhất định Thế Tôn muốn trở về Ca-tỳ-la-vệ để thăm thân quyến.” Ưu-đà-da liền tới trước quỳ thẳng bạch Thế Tôn:
“Nay con kham nhậm có điều muốn hỏi, xin được giải bày.”
Thế Tôn bảo:
“Muốn hỏi gì thì cứ hỏi.”
Ưu-đà-da bạch Thế Tôn:
“Xem ý Như Lai muốn trở về Ca-tỳ-la-vệ?”
“Thật vậy, như lời ông nói. Ưu-đà-da, nên biết, ông hãy tới chỗ Bạch Tịnh Vương[166] trước. Ta sẽ đến sau. Vì sao vậy? Vì phải báo cho chủng tộc sát-lợi biết tin trước, rồi sau Như Lai mới tới. Ngươi đến bẩm với Vua rằng, bảy ngày sau Như Lai sẽ về thăm Vua.”
Ưu-đà-da đáp:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”
Bấy giờ Ưu-đà-da từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục lễ [623a1] sát chân Thế Tôn, rồi biến mất khỏi Thế Tôn, hiện đến Ca-tỳ-la-vệ, tới chỗ của Chân Tịnh vương,[167] đến rồi đứng ở phía trước vua.
Khi Chân Tịnh vương đang ở trên đại điện, ngồi cùng với các thể nữ, lúc ấy Ưu-đà-da đang bay ở trên không. Rồi Chân Tịnh vương thấy Ưu-đà-da tay mang bình bát, cầm trượng, đang đứng trước mặt. Thấy vậy, trong lòng lo sợ mà nói rằng:
“Đây là người nào? Là người, hay phi nhân; trời, hay quỷ, dạ-xoa, la-sát, thiên long, quỷ thần?”
Lúc đó Chân Tịnh vương hỏi Ưu-đà-da:
“Ngươi là người nào?”
Lại nói với Ưu-đà-da bằng bài kệ này:
Là trời, hay là quỷ,
Hay càn-thát-bà chăng?
Ông nay tên là gì?
Hiện tại ta muốn biết.
Lúc bấy giờ Ưu-đà-da lại dùng kệ này đáp vua:
Tôi cũng chẳng là trời,
Chẳng phải càn-thát-bà.
Ở nước Ca-tỳ này,
Người đất nước Đại vương.
Xưa phá mười tám ức
Quân Ba-tuần xấu ác:
Thích-ca Văn, Thầy tôi.
Tôi đệ tử của Ngài.
Chân Tịnh Vương lại dùng kệ này hỏi Ưu-đà-da:
Ai phá mười tám ức
Quân Ba-tuần xấu ác?
Thích-ca Văn là ai
Nay Ông lại ca ngợi?
Ưu-đà-da lại nói kệ này:
Lúc Như Lai mới sanh
Trời đất rung động khắp.
Thệ nguyện quyết làm xong,
Nên gọi hiệu Tất-đạt.
Người thắng mười tám ức
Quân Ba-tuần xấu ác,
Người tên Thích-ca Văn.
Ngày nay thành Phật đạo.
Người kia con họ Thích,
Đệ tử thứ Cù-đàm;
Hôm nay làm Sa-môn,
Vốn tên Ưu-đà-da.
Chân Tịnh vương nghe những lời này rồi, trong lòng lvui mừng không thể tự kiềm được, hỏi Ưu-đà-da rằng:
“Thế nào Ưu-đà-da, Thái tử Tất-đạt nay vẫn còn sống sao?”
Ưu-đà-da đáp:
“Thích-ca Văn Phật nay đang hiện tại.”
Vua hỏi:
“Nay đã thành Phật rồi sao?”
Ưu-đà-da đáp:
“Nay đã thành [623b1] Phật.”
Vua lại hỏi:
“Hôm nay Như Lai đang ở đâu?”
Ưu-đà-da đáp rằng:
“Như Lai hiện đang ở dưới cây ni-câu-loại tại nước Ma-kiệt.”
Rồi vua lại hỏi:
“Những người đệ tử theo hầu là những ai?”
Ưu-đà-da đáp:
“Hàng ức chư Thiên cùng một ngàn tỳ-kheo và Tứ Thiên Vương thường ở hai bên.”
Lúc đó vua hỏi:
“Mặc những loại y phục như nào?”
Ưu-đà-da đáp:
“Y Như Lai mặc được gọi là ca-sa.”
Rồi vua hỏi:
“Ăn những loại thức ăn nào?”
Ưu-đà-da đáp:
“Thân Như Lai dùng pháp làm thức ăn.”
Vua lại hỏi:
“Thế nào Ưu-đà-da, có thể gặp Như Lai được không?”
Ưu-đà-da đáp:
“Vua đừng sầu lo, sau bảy ngày Như Lai sẽ vào thành.”
Bấy giờ Vua rất vui mừng không kiềm chế được, tự tay rót nước cúng dường Ưu-đà-da. Rồi Chân Tịnh Vương đánh trống lớn, lệnh cho nhân dân cả nước sửa bằng đường lộ, dọn dẹp sạch sẽ, rưới dầu thơm trên đất, treo lụa tràng phan, bảo cái, trổi các kỷ nhạc không thể tính kể. Lại ra lệnh trong nước những người đui, điếc, ngọng, câm đều không được xuất hiện, bảy ngày sau Tất-đạt sẽ vào thành. Sau khi Chân Tịnh Vương nghe Phật sẽ vào thành, trong bảy ngày cũng không ngủ nghỉ.
Bấy giờ đã đến ngày thứ bảy, Thế Tôn nghĩ thầm: “Nay Ta nên dùng sức thần túc đi đến nước Ca-tỳ-la-vệ.” Rồi Thế Tôn dẫn các tỳ-kheo trước sau vây quanh đi đến nước Ca-tỳ-la-vệ. Đến nơi, Ngài vào vườn Tát-lư[168] ở phía bắc thành.
Bấy giờ đó vua Chân Tịnh nghe Thế Tôn đã đến Ca-tỳ-la-vệ, ở trong vườn Tát-lư phía bắc thành. Vua bèn dẫn những người họ Thích đến chỗ Thế Tôn. Lúc đó Thế Tôn nghĩ thầm: “Nếu Vua Chân Tịnh tự thân hành đến đây, điều này không thích hợp cho Ta. Nay Ta phải đi gặp Vua. Vì sao vậy? Ân cha mẹ rất nặng, tình dưỡng dục sâu dày. Rồi Thế Tôn dẫn các tỳ-kheo đến cửa thành, bay lên hư không, cách đất bảy nhẫn. Vua Chân Tịnh thấy Thế Tôn đoan chánh không gì bằng, hiếm có trên đời, các căn tịch tịnh, không có các vọng niệm, thân có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tự trang nghiêm, liền phát tâm hoan hỷ, tức liền đảnh lễ sát chân mà nói:
“Tôi Vua dòng sát-lị, tên là Chân Tịnh Vương.”
Thế Tôn bảo:
[623c1] “Chúc Đại vương hưởng thọ vô cùng. Đại vương hãy dùng chánh pháp cai trị giáo hóa, đừng dùng tà pháp. Đại vương nên biết, những ai dùng chánh pháp để cai trị giáo hóa, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh lên cõi thiện, ở trên trời.”
Rồi Thế Tôn từ trên không trung đi vào trong cung vua Chân Tịnh. Đến nơi, ngồi lên chỗ dọn sẵn.
Khi vua thấy Thế Tôn ngồi yên ổn, tự tay châm nước, phục vụ vô số đồ ăn uống. Khi Thế Tôn ăn xong, đã dùng nước rửa rồi, vua lấy một cái ghế nhỏ, ngồi nghe pháp.
Bấy giờ đức Thế Tôn thuận tự thuyết nghĩa vi diệu cho vua Chân Tịnh; luận về thí, luận về giới, luận về sanh thiên, dục là hạnh bất tịnh, xuất yếu là an lạc.[169]
Bấy giờ đức Thế Tôn thấy tâm ‎ý vua đã giải khai. Như Pháp mà chư Phật thường thuyết; Phật giảng thuyết tường tận cho vua nghe, về khổ, tập, tận, đạo. Khi đó vua Chân Tịnh liền ngay trên chỗ ngồi, sạch hết các trần cấu, được mắt pháp trong sạch.
Thế Tôn sau khi thuyết pháp cho vua nghe xong, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
Lúc đó vua Chân Tịnh tập họp toàn bộ dòng họ Thích lại và nói:
“Các sa-môn[170] đều có mặt mày xấu xí. Dòng sát-lị mà dẫn theo chúng bà-la-môn như vậy là không thích hợp. Dòng họ Thích sát-lị phải có chúng sát-lị, vậy thì mới tốt đẹp.”
Các người họ Thích đáp:
“Thật vậy, Đại vương! Như Đại vương dạy, dòng sát-lị phải có chúng sát-lị, như vậy mới tuyệt.”
Bấy giờ vua bố cáo trong nước, những gia đình có anh em hai người thì bắt một người phải hành đạo. Ai không như vậy thì sẽ bị xử phạt nặng. Khi trong dòng họ Thích nghe vua ra lịnh, “Gia đình có hai người là anh em thì bắt một người phải hành đạo, ai không theo mệnh lệnh sẽ xử phạt nặng”, bấy giờ Thích Đề-bà-đạt-đâu nói với Thích A-nan rằng:
“Nay vua Chân Tịnh ra lệnh, ai có hai người anh em, thì phải phân một người hành đạo. Nay ngươi nên xuất gia học đạo. Ta phải ở nhà giữ gìn gia nghiệp.”
Lúc đó Thích A-nan vui mừng hớn hở nói:
“Như lời anh dạy”.
Lúc đó Thích Nan-đà[171] nói với Thích A-na-luật rằng:
“Vua Chân Tịnh ra lệnh rằng ai có hai người anh em, thì phải phân một người hành đạo, ai không như vậy thì sẽ bị xử phạt nặng. Nay ngươi xuất gia, ta sẽ ở nhà”.
Thích A-na-luật nghe được những lời như vậy rồi, vui mừng hớn hở, không thể kiềm chế, đáp lại:
“Thật vậy, như lời anh nói.”
Lúc đó vua Chân Tịnh dẫn Thích Hộc Tịnh, Thích Thúc Tịnh, Thích Cam Lộ[172] đến chỗ Thế Tôn. Vua ngự giá bằng xe tứ mã, xe màu trắng, lọng màu trắng, ngựa kéo xe màu trắng. [624a1] Vị họ Thích thứ hai đi bằng xe màu xanh, lọng màu sanh, ngựa kéo xe màu xanh. Vị họ Thích thứ ba đi bằng xe màu vàng, lọng màu vàng, ngựa kéo xe màu vàng. Vị họ Thích thứ tư đi bằng xe màu đỏ, lọng màu đỏ, ngựa kéo xe màu đỏ. Cũng có những người họ Thích khác đi bằng voi, bằng ngựa, thảy đều tập hợp đến.
Thế Tôn từ xa thấy vua Chân Tịnh dẫn dòng họ Thích đến, bèn bảo các tỳ-kheo:
“Các ông xem chúng họ Thích này, và xem những người theo vua Chân Tịnh. Tỳ-kheo nên biết, trời Tam thập tam khi ra dạo vườn cảnh cũng như vậy, không có gì khác.”
Khi đó A-nan đi voi lớn màu trắng, áo màu trắng, lọng màu trắng. Thấy vậy, Phật bảo các tỳ-kheo:
“Các ông thấy Thích A-nan này, đi voi trắng, áo trắng chưa?”
Các tỳ-kheo đáp:
“Dạ vâng, Thế Tôn, chúng con đã thấy.”
Phật bảo các tỳ-kheo:
“Người này sẽ xuất gia học đạo, trở thành đa văn đệ nhất, chịu hầu hạ gần gũi Ta. Các ông thấy A-na-luật này không?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Dạ vâng, chúng con thấy.”
Phật bảo các tỳ-kheo:
“Người này sẽ xuất gia học đạo, trở thành thiên nhãn đệ nhất.”
Khi ấy Vua Chân Tịnh, bốn anh em cả thảy, cùng A-nan-đà, đều đi bộ tới trước, cởi bỏ năm loại nghi trượng, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ vua Chân Tịnh bạch Thế Tôn:
“Đêm hôm qua tôi sanh ý niệm như vầy: ‘Chúng sát-lị không nên dẫn chúng bà-la-môn, mà dẫn chúng sát-lị, như vậy là thích hợp. Tôi liền ra lịnh trong nước, nhà nào có hai người anh em, một người phải xuất gia học đạo. Cúi xin Thế Tôn cho phép họ xuất gia học đạo.”
Thế Tôn đáp:
“Lành thay, Đại vương! Trời người được nhiều lợi ích, được an vui. Vì sao vậy? Thiện tri thức này là ruộng phước tốt. Ta cũng nhờ thiện tri thức mà thoát được sanh, lão, bịnh, tử này.”
Khi đó chúng họ Thích được xuất gia.[173] Rồi Vua Chân Tịnh bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn dạy dỗ những vị tân tỳ-kheo này cũng như dạy dỗ Ưu-đà-da. Vì sao vậy? Tỳ-kheo Ưu-đà-da này rất có thần lực. Xin Tỳ-kheo Ưu-đà-da được ở lại trong cung giáo hóa, khiến cho các loài chúng sanh được an ổn lâu dài. Vì sao vậy? Vì tỳ-kheo này rất có thần lực. Lần đầu tôi gặp tỳ-kheo Ưu-đà-da liền phát tâm hoan hỷ, tôi liền khởi nghĩ như vầy: Đệ tử còn có thần lực huống chi Như Lai kia lại không có thần lực này?”
Thế Tôn đáp:
“Thật vậy, [624b01] Đại vương, như lời đại vương dạy, Tỳ-kheo Ưu-đà-da này rất có thần lực, có oai đức lớn.”
Bấy giờ Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:
“Các tỳ-kheo, đệ tử đứng đầu việc hiểu rộng biết nhiều mà Quốc vương nghĩ đến chính là Tỳ-kheo A-nhã Câu-lân. Có thể khuyến hóa nhân dân chính là Tỳ-kheo Ưu-đà-da. Có trí mau lẹ chính là Tỳ-kheo Ma-ha-nam. thường thích phi hành chính là Tỳ-kheo Tu-bà-hưu. Đi lại trên không chính là Tỳ-kheo Bà-phá. Có nhiều đệ tử, là Tỳ-kheo Ưu-tỳ Ca-diếp. Ý đắc quán Không, là tỳ-kheo Giang Ca-diếp. Ý đắc chỉ quán chính, Tỳ-kheo Tượng Ca-diếp[174].”
Bấy giờ Thế Tôn giảng rộng pháp vi diệu cho vua Chân Tịnh nghe. Vua nghe pháp rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi lui ra về.
Các tỳ-kheo cùng Vua Chân Tịnh sau khi nghe Phật thuyết pháp, hoan hỷ phụng hành.


Chú thích:
[140] Đạo chân 道真, đây chỉ quả vị A-la-hán, chỉ chung các bậc Thánh, không riêng Thánh giả trong Phật giáo. Tứ phần 32: :Nhưng ông không bằng ta, người đắc quả A-la-hán.” Mahāvagga, Vin. i. 24: na tveva ca kho arahā yathā ahan ti, “Nhưng ông chưa phải là vị A-la-hán như ta.”
[141] Diêm-phù quả 閻浮果, Skt. jambu, một loại đào đỏ.
[142] A-ma-lặc quả 阿摩勒果. Skt. āmalika1/ āmalaka: dư cam tử (tamarindus indica); thường dễ nhầm với am-ma-lặc (la), Skt. āmra, quả xoài.
[143] Tự nhiên canh mễ 自然粳米. Pali: akaṭṭhapākasāli, lúa tự chín, không cần gieo trồng.
[144] Ha-lê-lặc quả 呵梨勒果. Skt. harītaki, trái kha tử. Ngũ phần 16: rừng ha-lê-lặc 訶梨勒林, ngoài biên cõi Diêm-phù-đề.
[145] Tỳ-hê-lặc 毘醯勒. Skt. vibhītaka, tên khoa học: Tẻminalia Belerica, một loại dược thảo, quả xuyên luyện.
[146] Pāli, ibid. Thế Tôn lượm được y phấn tảo (samayena bhagavato paṃsukūlaṃ uppannaṃ hoti).
[147] Pāli, inid., etha bhikkhavo, svākkhāto dhammo, caratha brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāyā, “Hãy đến đây, các Tỳ-kheo! Pháp đã được giảng thuyết hoàn hảo. Hãy tu hành Phạm hạnh để chân chánh diệt tận khổ.”
[148] Cũng đạo sỹ bện tóc (jaṭila), không phải Bà-la-môn.
[149] Giang Ca-diếp 江迦葉, hay Na-đề Ca-diếp. Pāli: Nadīkassapa.
[150] Ưu-tỳ Ca-diếp, tức Ưu-tỳ-la Ca-diếp.
[151] Già-di Ca-diếp 伽夷迦葉. Pāli: Gayākassapa.
[152] Theo tên gọi, nên hiểu là ông này sống trên núi Già-da hay Tượng đầu sơn (Gaya).
[153] Tam sự giáo hóa 三事教化; cf. Tứ phần 33 (T22n1428, tr. 797a13): thần túc giáo hóa 神足教化, ức niệm giáo hóa 憶念教化, thuyết pháp giáo hóa 說法教化. Đây chỉ ba thị đạo;. Cf. Tập dị 6 (T26n1536, tr. 389b17), ba thị đạo 三示導: thần biến thị đạo 神變示導, ký tâm thị đạo 記心示導, giáo giới thị đạo 教誡示導. Xem Trường A-hàm 16, kinh 24 «Kiên cố» (Đại 1, tr. 101c8), có ba thần túc: thần túc thần túc, quán sát tha tâm thần túc, giáo giới thần túc. Pāli: tīṇi pāṭihāriyāni– iddhipāṭihāriyaṃ, ādesanāpāṭihāriyaṃ, anusāsanīpāṭihāriyaṃ.
[154] Ngôn giáo hóa言教教化, từ này có thể Hán dịch sai. Xem cht. 56 ngay trên và tiếp theo dưới.
[155] Ngôn giáo giáo hóa 言教教化. Huyền Trang, ibid.,: ký tâm thị đạo. Pāli, ibid., ādesanā-pāṭihāriya. Có thể Hán dịch hiểu Pl. ādesana (Skt. ādeśana) là “thuyết giáo” thay vì “ký thuyết” từ đó có nghĩa “ký tâm” tức nói lên ý nghĩ của người khác đang nghĩ.
[156] Đoạn Hán dịch này có thể sai. Đây là đọc được ý người khác đang nghĩ như vậy, chứ không phải bảo họ nên làm hay nên nghĩ như vậy.
[157] Đây muốn nói ba thiện tầm (Pāli: tayo kusalavitakkā): xuất ly, vô nhuế, vô hại. Cf. Tập dị 3 (T26n1536, tr. 377a26).
[158] Đây muốn nói ba bất thiện tầm (Pāli: tayo akusalavitakkā): tham dục, sân nhuế, não hại; Cf. Tập dị 3 (T26n1536, tr. 377a26).
[159] Thường, vô thường, v.v.: từ đây xuống, là 14 vấn đề thuộc trí vấn, hay vô ký thuyết; những câu hỏi Phật không trả lời. Hán dịch đưa vào đây, có sự gượng ép, không phù hợp.
[160] Bỉ mạng bỉ thân 彼命彼身, nên hiểu mạng (ngã hay linh hồn) và thân là dị biệt.
[161] Phi mạng phi thân 非命非身, nên hiểu: mạng và thân không phải là một.
[162] Như Lai mạng chung 如來命終…; Hán dịch không chính xác. Nên hiểu: Như Lai sau khi chết tồn tại hay không tồn tại. Xem Trung kinh 221 Tiễn dụ (T1n26, tr. 804b4). Pāli, M 63 Cūḷa-Mālukyasuttaṃ (R. i. 1426): hoti tathāgato paraṃ maraṇā’tipi, na hoti tathāgato paraṃ maraṇā’tipi, …
[163] Nguyên đoạn này có thể không có trong nguyên văn Phạn, nhưng do dịch giả hiểu nhầm từ ādeśana là thuyết pháp, thay vì đọc ý nghĩ của người khác, thành ra là thuyết pháp, cho nên diễn giải thêm như vậy. Xem Trường kinh 24 (Kiên cố).
[164] Ni-liên 尼連, tức trên kia âm là Liên-nhã.
[165] Ưu-đà-da 優陀耶. Hán dịch có nhảy sót nên truyện kể thiếu mạch lạc. Phật bản hành 51 (T3n190, tr. 889c18): Khi hay tin Thái tử thành Phật, vua Tịnh Phạn sai Ưu-đà-di 憂陀夷, con trai của Quốc sư đi thỉnh Phật về thăm quê. Pāli: Kāḷudāyī, AA. i. 302 ff.
[166] Bạch Tịnh Vương 白淨王; đoạn dưới dịch là Chân Tịnh Vương 真淨王. Quen gọi là Tịnh Phạn Vương. Pāli: Suddhodana.
[167] Xem cht. 19 trên.
[168] Tát-lư viên 薩盧園.
[169] Xuất yếu vi lạc出要為樂; các đoạn trên kia dịch là xuất gia vi yếu.
[170] Đay chỉ các tỳ kheo đi theo Phật.
[171] Các tài liệu khác đều nói Ma-ha-nam, chứ không phải Nan-đà, là anh em với A-na-luật. Xem Tứ phần, tr. 590b.
[172] Những người em của Vua Tịnh Phạn (Pl. Suddhodana): Hộc Tịnh 斛淨 (Pl. Dhotodana), Thúc Tịnh 叔淨 (Sukkodana), Cam Lộ 甘露 (Pl. Amitodana).
[173] Tứ phần, trrr. 591a: tàm vương tử họ Thích và ngài thợ cạo Ưu-ba-li cùng xuất gia một lần: A-na-luật, Bạt-đề, Nan-đề, Kim-tỳ-la, Nan-đà, Bạt-nan-đà, A-nan-đà, Đề-bà-đạt-đa. Pāli, Vin. ii. tr. 182: tám vương tử: Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimila, Devadatta.
[174] Tượng Ca-diếp 象迦葉, tức trên kia dịch âm là Già-di Ca-diếp.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.127.190 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập


Complete your gift to make an impact