Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 7 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 7

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.52 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.64 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

14. PHẨM NGŨ GIỚI
KINH SỐ 1
[576a14] Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà thành hạnh địa ngục, thành hạnh súc sanh, thành hạnh ngạ quỷ, nếu sinh vào cõi người mà thọ mạng ngắn ngủi: đó là sát sinh.
“Này các Tỳ-kheo, nếu có người nào có ý thích sát sinh, liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh vào cõi người thì thọ mạng ngắn ngủi. Vì sao vậy? Vì họ đã dứt sinh mạng kẻ khác. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học chớ sát sinh.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu hành, tu hành nhiều, mà hưởng phước cõi người, hưởng phước cõi trời, chứng đắc Niết-bàn: đó là không sát sinh.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có người nào không hành sát sinh, cũng không nghĩ đến sát sanh, thọ mạng sẽ dài lâu. Vì sao vậy? Vì không bức hại. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học chớ sát sinh.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
[576b01] Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà thành hạnh địa ngục, thành hạnh súc sanh, thành hạnh ngạ quỷ; nếu sinh vào cõi người rất là nghèo túng, áo không đủ che thân, ăn không đầy miệng: đó là trộm cướp.
“Này các Tỳ-kheo, nếu có người nào có ý thích trộm cướp, lấy tài vật của người khác, liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh vào cõi người rất là nghèo túng. Vì sao vậy? Vì đã dứt sinh nghiệp người khác. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học xa lìa lấy của không được cho.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu hành, tu hành nhiều, mà hưởng phước cõi người, hưởng phước cõi trời, chứng đắc Niết-bàn: đó là bố thí rộng rãi.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có người nào hành bố thí rộng rãi, trong đời hiện tại được sắc đẹp, được sức khỏe, được đầy đủ tất cả; cõi trời, cõi người, hưởng phước vô lượng.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy hành bố thí, chớ có lòng keo lẫn.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà thành hạnh địa ngục, thành hạnh súc sanh, thành hạnh ngạ quỷ; nếu sinh vào cõi người, sống tại gia gian dâm không có tịnh hạnh, bị người chê bai, và thường bị phỉ báng. Một pháp gì? Đó là tà dâm.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có người nào dâm dật vô độ, thích xâm phạm vợ người, liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh vào cõi người thì khuê môn dâm loạn.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thường chánh ý, chớ khởi ý tưởng dâm. Cẩn thận chớ xâm phạm vợ người.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
[576c01]Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu hành, tu hành nhiều, mà hưởng phước cõi người, hưởng phước cõi trời, chứng đắc Niết-bàn: đó là không tà dâm vợ người.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có người nào trinh khiết, không tà dâm, thân thể hương khiết, cũng không có tưởng tà vạy, sẽ hưởng được phước cõi người, cõi trời.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, chớ hành tà dâm, khởi ý dâm loạn.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà thành hạnh địa ngục, thành hạnh súc sanh, thành hạnh ngạ quỷ; nếu sinh vào cõi người, thì hơi miệng hôi hám, làm người chán ghét: đó là nói dối vậy.
“Này các Tỳ-kheo, nếu có người nào nói dối, nói thêu dệt, gây tranh cãi phải quấy, thì liền bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vì sao vậy? Vì sự nói dối ấy.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, phải chí thành không được nói dối.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu hành, tu hành nhiều , mà hưởng phước cõi người, hưởng phước cõi trời, chứng đắc Niết-bàn. Một pháp gì? Đó là không nói dối.
“Này các Tỳ-kheo, người nào không nói dối, thì hơi miệng thơm tho, tiếng tốt đồn xa.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy thực hành không nói dối.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào đã tu, tu nhiều, mà chịu tội địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ; nếu sinh vào cõi người thì cuồng si, ngu muội, không biết chân ngụy: đó là uống rượu.
“Này các Tỳ-kheo, nếu có người nào tâm ham uống rượu, thì sẽ sinh vào nơi [577a01] không có trí tuệ, thường chịu ngu si.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ uống rượu.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong chúng này Ta không thấy một pháp nào hơn pháp này, nếu đã tu hành, tu hành nhiều, mà hưởng phước cõi người, hưởng phước cõi trời, chứng đắc Niết-bàn. Một pháp gì? Đó là không uống rượu.
“Này các Tỳ-kheo, nếu có người nào không uống rượu, sinh ra liền thông minh, không có ngu muội, biết rộng kinh sách, ý không lầm lẫn.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Thứ năm, kinh địa ngục,
Đây gọi hành bất thiện;
Năm là trời cùng người,
Hãy biết theo thứ tự.
15. PHẨM HỮU VÔ
KINH SỐ 1
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nên biết, có hai kiến này. Thế nào là hai? Đó là hữu kiến, vô kiến.[1] Các Sa-môn, Bà-la-môn nào đã tập, đã đọc tụng ở nơi hai kiến chấp này, mà trọn không hề theo pháp đó, không như thật biết; thì nên biết đó không phải là Sa-môn, Bà-la-môn. Với Sa-môn thì phạm pháp Sa-môn, với Bà-la-môn thì phạm pháp Bà-la-môn. Các Sa-môn, Bà-la-môn này không bao giờ tự thân tác chứng mà tự an trú.[2]
“Các Sa-môn, Bà-la-môn nào đã tập, đã đọc tụng ở nơi hai kiến chấp này, mà đáng xả thì biêt xả, như thật biết, thì đó là Sa-môn trì hạnh Sa-môn; là Bà-la-môn biết hạnh Sa-môn, tự thân tác chứng mà tự an trú, và biết như thật rằng, ‘Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, không còn tái sinh đời sau nữa.’
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, đối với hai kiến này không nên tập hành, không nên đọc tụng, nên lìa bỏ tất cả. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, [577b01] rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai kiến này. Thế nào là hai kiến? Đó là hữu kiến, vô kiến. Thế nào là hữu kiến? Thấy dục có thật; thấy sắc có thật; thấy vô sắc có thật[3]. Thế nào là thấy dục có thật? Đó là năm dục. Năm dục là những gì? Sắc được thấy bởi mắt, rất khả ái, rất khả niệm mà người đời tôn thờ chưa từng lìa bỏ. Thanh được nghe bởi tai, hương được ngữi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, mượt láng được xúc chạm bởi thân, pháp được nhận biết bởi ý. Đó là hữu kiến.
“Thế nào là vô kiến? Thấy có thường, thấy vô thường; thấy có đoạn diệt, thấy không đoạn diệt; thấy có biên, thấy không biên; thấy có thân, thấy không thân; thấy có mạng, thấy không mạng; thấy thân khác, thấy mạng khác. Sáu mươi hai kiến này gọi là vô kiến, và cũng chẳng phải là chân kiến. Đó gọi là vô kiến.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy xả bỏ hai kiến này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai thí này. Những gì là hai? Pháp thí, tài thí. Trên hết trong bố thí, không gì hơn pháp thí.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, thường nên học pháp thí. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai nghiệp này. Thế nào là hai nghiệp? Có pháp nghiệp, có tài nghiệp.[6] Trên hết trong nghiệp, không gì hơn pháp nghiệp.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên học pháp nghiệp, không học tài nghiệp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai ân này. Thế nào là hai? Pháp ân, tài ân.[8] Trên hết trong ân, không gì hơn pháp ân.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên tu hành pháp ân. Như vậy, này các [577c01] Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Người ngu có hai tướng để nhận diện mạo. Những gì là hai? Ở đây, với người ngu những việc không thể làm xong mà vẫn làm, những việc làm sắp xong thì chán bỏ.[9] Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người ngu có hai thứ tướng mạo.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, người trí có hai tướng để nhận diện mạo. Những gì là hai? Ở đây, với người trí những việc không thể làm xong được thì không làm, những việc làm sắp xong, cũng không chán bỏ.
“Cho nên, này các Tỷ-kheo, hãy gạt bỏ hai tướng của người ngu; hãy nương hai tướng của người trí mà tu hành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai pháp này, mà bên trong tự tư duy, và chuyên tinh nhất ý lễ kính Như Lai. Thế nào là hai pháp? Một là trí tuệ, hai là diệt tận. Tỳ-kheo, đó gọi là bên trong tự tư duy, và chuyên tinh nhất ý lễ kính Như Lai. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai pháp này, bên trong tự tư duy, và chuyên tinh nhất ý kính lễ pháp bảo, hay kính lễ thần miếu Như Lai. [10] Thế nào là hai pháp? Có lực, có vô úy. Tỳ-kheo, đó gọi là có hai pháp này, bên trong tự tư duy, và chuyên tinh nhất ý lễ kính pháp bảo, hay thần miếu Như Lai. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai pháp này, bên trong tự tư duy, và chuyên tinh nhất ý kính lễ chùa Như Lai. [11] Thế nào là hai pháp? Như Lai không đồng đẳng với người thế gian. Như Lai có đại từ, đại bi, [578a01] thương tưởng mười phương. Tỳ-kheo, đó gọi là có hai pháp này, bên trong tự tư duy, và chuyên tinh một ý lễ kính chùa Như Lai. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai nhân, hai duyên khởi lên chánh kiến. Những gì là hai? Nhận pháp giáo hóa, bên trong tư duy chỉ quán.[12] Tỳ-kheo, đó gọi là có hai nhân, hai duyên này khởi lên chánh kiến. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Hai kiến, và hai thí
Kẻ ngu có hai tướng,
Lễ pháp, miếu Như Lai,
Chánh kiến, kinh sau cùng.
16. PHẨM HỎA DIỆT
KINH SỐ 1[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà ở trong vườn Tượng hoa,[14] tại thành Vương xá. Lúc ấy, Tôn giả Nan-đà ở nơi vắng vẻ, tự nghĩ: “Như Lai xuất hiện ở đời, thật là khó gặp; ức kiếp mới xuất hiện, thật không thể gặp. Một thời thật lâu dài, Như Lai mới xuất hiện. Giống như hoa Ưu-đàm-bát thỉnh thoảng mới xuất hiện. Cũng vậy, Như Lai xuất hiện ở đời, thật là khó gặp; ức kiếp mới xuất hiện, nên thật là khó gặp. Trường hợp này cũng khó gặp: Tất cả các hành đều tĩnh chỉ, ái diệt tận không còn, cũng không nhiễm ô, diệt tận, Niết-bàn.”
Bấy giớ có một thiên tử Ma Hành,[15] biết những ý nghĩ trong tâm Tôn giả Nan-đà, liền đến cô gái Thích Tôn-đà-lợi[16]; bay trên hư không, dùng kệ tán thán rằng:
Nay cô hãy vui mừng,
Trang điểm, tấu ngũ nhạc.
Nan-đà bỏ pháp phục,
Sẽ đến cùng hưởng vui.
Cô gái họ Thích Tôn-đà-lợi, sau khi nghe những lời này của ông trời, vui mừng phấn khởi, không thể tự chế được, liền tự trang sức, sửa sang dọn dẹp nhà cửa, trải tọa cụ tốt, trổi kỹ nhạc như lúc Nan-đà còn ở nhà không khác.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc tập họp tại giảng đường Phổ hội, nghe đồn Tỳ-kheo Nan-đà trả lại pháp phục sống đời gia nghiệp. Vì sao vậy? Vì có vị trời ở không trung mách bảo cho [578b01] vợ ông biết. Vua Ba-tư-nặc sau khi nghe những lời này xong, trong lòng ưu sầu, liền đóng xe bạch tượng, đi đến khu vườn kia. Đến nơi rồi, vua đi vào trong ao Hoa tượng. Từ xa, vua thấy Tôn giả Nan-đà, liền đến trước chỗ Nan-đà, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà hỏi vua Ba-tư-nặc:
“Đại vương, vì sao đến đây mà mặt mày đổi sắc? Lại có việc gì đến chỗ tôi vậy?”
Vua Ba-tư-nặc đáp:
“Tôn giả nên biết, nơi giảng đường Phổ hội, tôi nghe Tôn giả xả bỏ pháp phục trở về làm bạch y. Nghe xong những lời này, nên tôi đến đây. Không biết Tôn giả chỉ dạy thế nào?”
Lúc đó Tôn giả mỉm cười, rồi từ từ bảo vua:
“Không thấy, không nghe, cớ gì Đại vương nói những lời này? Đại vương, há không nghe từ Như Lai rằng tôi đã trừ các kết, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa, đã biết như thật, nay thành A-la-hán, tâm được giải thoát sao?”
Vua Ba-tư-nặc nói:
“Tôi chưa nghe từ Như Lai nói Tỳ-kheo Nan-đà sinh tử đã dứt, đắc A-la-hán, tâm được giải thoát. Vì sao vậy? Vì có vị trời đến báo cho cô gái họ Thích Tôn-đà-lợi như vậy. Phu nhân Tôn-đà-lợi sau khi nghe những lời này rồi, liền trổi kỹ nhạc, sửa sang phục sức, trải các tọa cụ. Tôi nghe những lời này rồi liền đến chỗ Tôn giả.”
Nan-đà bảo:
“Vua không biết, không nghe, sao Đại vương lại nói những lời này? Các Sa-môn, Bà-la-môn, không ai là không vui thú với cái vui do tịch tĩnh, cái vui Thiện thệ, cái vui của Sa-môn, cái vui Niết-bàn, mà không tự quán sát cái dâm này như hầm lửa, lại phải đi đến đó! Việc này không đúng. Dâm dục như bộ xương, như miếng thịt, như đống đá, như mật bôi trên dao, chỉ mắc phải tham cái lợi nhỏ, không lo cái tai hoạn về sau. Cũng như trái xum xuê làm cho cành gãy; cũng như đồ vay mượn không bao lâu rồi sẽ phải bồi hoàn; cũng như rừng kiếm, cũng như thuốc độc hại, cũng như lá độc, như hoa quả độc. Đã quán sát dâm dục này cũng lại như vậy, mà ý còn nhiễm trước; việc này không xảy ra. Từ dục như hầm lửa cho đến quả độc, không quán sát những điều này mà muốn vượt qua được dục lưu, hữu lưu, kiến lưu, vô minh lưu[17] mà muốn được nhập vào vô dư Niết-bàn giới mà Bát-niết-bàn, thì việc này không xảy ra. Đại vương, [578c01] nên biết, những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã quán sát đây là cái vui của tịch tĩnh, vui Thiện thệ, vui Sa-môn, vui Niết-bàn, thì điều ấy tất xảy ra. Những vị ấy do quán sát như vậy, hiểu rõ dâm dục như hầm lửa, giống như bộ xương, đống thịt, mật bôi đao bén, trái xum xuê làm cành gãy, vật mượn không lâu phải trả; cũng như rừng kiếm, như thuốc độc hại; đã quán sát, đã biết rõ, trường hợp ấy có xảy ra; tức là, đã hiểu rõ, biết chỗ nổi dậy của lửa dâm, thì liền có thể vượt qua được dục lưu, hữu lưu, kiến lưu, vô minh lưu, điều này tất xảy ra. Các vị ấy đã vượt qua dục lưu, hữu lưu, kiến lưu, vô minh lưu, việc này tất như vậy.
“Vậy thế nào Đại vương, lấy gì để thấy, gì để biết mà nói như vậy? Này Đại vương, nay tôi đã thành A-la-hán, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa, tâm được giải thoát.”
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc lòng tràn đầy vui vẻ, tâm thiện phát sinh, bạch Tôn giả Nan-đà rằng:
“Nay tôi không còn chút mảy may hồ nghi nào nữa, mới biết Tôn giả thành A-la-hán. Nay xin cáo từ, vì việc nước đa đoan.”
Nan-đà đáp:
“Nên biết đúng thời.”
Vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi cáo lui ra về.
Vua Ba-tư-nặc đi chưa bao lâu, Ma thiên kia đến chỗ Tôn giả Nan-đà, đứng giữa hư không, lại dùng kệ này nói với Nan-đà rằng:
Phu nhân, mặt như trăng;
Thân đeo vàng, chuổi ngọc;
Nhớ dung nhan dáng kia,
Ngũ nhạc hằng vui hưởng.
Gảy đàn, đánh trống ca,
Âm vang thật uyển chuyển,
Khiến trừ các sầu lo.
Vui gì trong rừng này?
Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà liền tự nghĩ: “Đây là trời Ma Hành.” Biết vậy rồi, lại dùng kệ đáp:
Xưa ta có tâm ấy,
Dâm dật không biết chán;
Bị dục trói vào trong,
Không biết già, bệnh, chết.
Ta qua vực ái dục,
Không ô, không nhiễm trước;
Tươi thắm kia rồi khổ;
Nay vui pháp chân như.
Ta đã trừ các kết,
Dâm, nộ, si đều sạch;
Không sống pháp ấy nữa.
Người ngu nên biết rõ.
[579a01]Sau khi trời Ma Hành nghe những lời này, trong lòng ưu sầu, liền biến mất.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo đoan chánh đẹp đẽ không ai hơn Tỳ-kheo Nan-đà. Có các căn trầm lặng cũng chính là Tỳ-kheo Nan-đà. Không có dục tâm cũng là Tỳ-kheo Nan-đà. Không có sân nhuế cũng là Tỳ-kheo Nan-đà. Không có ngu si cũng là Tỳ-kheo Nan-đà. Thành A-la-hán cũng là Tỳ-kheo Nan-đà. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo Nan-đà đẹp trai, các căn tịch tĩnh.”
Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
“Trong hàng Thanh văn của Ta, đệ nhất[18] đoan chánh đẹp đẽ, đó chính là Tỳ-kheo Nan-đà; các căn tịch tĩnh cũng là Tỳ-kheo Nan-đà.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai Niết-bàn giới này.[19] Những gì là hai? Hữu dư Niết-bàn giới, vô dư Niết-bàn giới. Kia sao gọi là hữu dư Niết-bàn giới? Ở đây, Tỳ-kheo đã diệt năm hạ phần kết, rồi bát-niết-bàn ở kia,[20] không còn trở lại thế gian này nữa. Đó gọi là hữu dư Niết-bàn giới.[21] Kia, sao gọi là vô dư Niết-bàn giới? Cũng vậy, Tỳ-kheo đã diệt tận hữu lậu, thành vô lậu, tâm giải thoát,[22] tuệ giải thoát,[23] tự thân tác chứng mà tự an trú, biết như thật rằng, ‘Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần là đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa.’ Đó gọi là vô dư Niết-bàn giới.[24] Đây là hai Niết-bàn giới.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện để đến vô dư Niết-bàn giới. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này."
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói thí dụ về quạ, cũng sẽ nói thí dụ về heo. Hãy suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói cho các ngươi nghe.”
Bạch:
“Kính vâng, Thế Tôn!”
Sau khi các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, Thế Tôn bảo:
“Kia, sao gọi là người ví như quạ? Ở đây có người sống nơi vắng vẻ, thường tập hành dâm dục, có hành vi xấu ác; sau đó hổ thẹn, tự hối lỗi, [579b01] đem những việc đã làm trình bày cho người. Vì sao vậy? Hoặc bị những vị đồng phạm hạnh thấy mà chê trách rằng, ‘Người này tập hành dâm dục, có hành vi xấu ác. Nó sau khi làm hành vi xấu ác, tự biết hổ thẹn, hối lỗi với người.’
“Giống như con quạ kia thường xuyên bị khổ vì đói, bèn ăn đồ bất tịnh, sau đó quẹt mỏ, sợ có các loài chim khác thấy nói rằng quạ này ăn đồ bất tịnh. Ở đây cũng như vậy, có một người ở nơi vắng vẻ, tập hành dâm dục, làm các hành vi bất thiện. Sau đó hổ thẹn, tự hối lỗi, đem những việc đã làm trình bày cho người. Vì sao vậy? Hoặc bị những vị đồng phạm hạnh thấy mà chê trách rằng, ‘Người này tập hành dâm dục, có hành vi xấu ác.’ Đó gọi là người giống như quạ.
“Kia, sao gọi là người như heo? Hoặc có một người sống nơi vắng vẻ, lâu dài tập hành dâm dục, có hành vi xấu ác, cũng không hổ thẹn, lại không hối lỗi. Đối với người thì tự khen mình, cống cao, tự đắc, nói rằng ‘Tôi có được ngũ dục tự vui chơi, còn những người kia không có được ngũ dục.’ Nó tạo ác mà không biết hổ thẹn. Người này dụ như heo, thường ăn đồ bất tịnh, nằm chỗ bất tịnh, chạy theo chân các con heo khác. Ở đây cũng vậy, có một người lâu dài tập hành dâm dục, có hành vi xấu ác, cũng không hổ thẹn, lại không hối lỗi. Đối với người thì tự khen mình, cống cao, tự đắc, nói rằng ‘Tôi có được ngũ dục tự vui chơi, còn những người kia không có được ngũ dục.’ Đó gọi là người như heo.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy trừ bỏ, hãy tránh xa. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này."
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về có người giống lừa, có người giống bò. Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ kỹ.”
Các Tỳ-kheo thưa:
“Kính vâng, Thế Tôn.”
Sau khi các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, Thế Tôn bảo:
“Kia, sao gọi là người giống lừa? Có người cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, vì lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Bấy giờ người ấy các căn không định, khi mắt thấy sắc thì theo đó khởi lên sắc tưởng, dong ruổi vạn mối, lúc bấy giờ mắt không thanh tịnh, sinh ra các loạn tưởng, không thể ngăn giữ các ác khắp nơi đến, và cũng không thể phòng hộ được [579c01] nhãn căn. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết trơn nhuyễn, ý biết pháp, theo đó khởi lên bệnh thức, dong ruổi vạn mối, lúc bấy giờ ý căn không thanh tịnh, sinh ra các loạn tưởng, không thể ngăn giữ các ác khắp nơi đến, cũng lại không thể giữ được ý căn, không có oai nghi lễ tiết, bước lên, dừng lại, co duỗi, cúi ngước; khoác y, ôm bát, đều trái cấm giới, bị đồng phạm hạnh bắt gặp chê trách rằng: ‘Ôi, người ngu này giống như Sa-môn!’ Nó liền bị hạch tội: ‘Nếu là Sa-môn, đáng ra không nên như vậy.’ Nó lại nói như vầy: ‘Tôi cũng là Tỳ-kheo! Tôi cũng là Tỳ-kheo!’ Giống như con lừa vào trong bầy bò mà tự xưng là: ‘Tôi cũng là bò! Tôi cũng là bò!’ Nhưng hai lỗ tai của nó xem ra lại không giống bò, sừng cũng không giống, đuôi cũng không giống, âm thanh đều khác.
“Bấy giờ, bầy bò hoặc dùng sừng húc, hoặc dùng chân đá, hoặc dùng miệng cắn. Nay Tỳ-kheo này cũng lại như vậy, các căn bất định; khi mắt thấy sắc, theo đó khởi lên sắc tưởng, đuổi theo vạn mối, bấy giờ nhãn căn không thanh tịnh, sinh ra các loạn tưởng, không thể ngăn giữ các ác khắp nơi đến, lại cũng không thể giữ được nhãn căn. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân rõ trơn nhuyễn, ý biết pháp, theo đó khởi lên bệnh thức, đuổi theo vạn mối, bấy giờ ý căn không thanh tịnh, sinh ra các loạn tưởng, không thể chế ngự các ác khắp nơi đến, lại cũng không thể giữ được ý căn, không có oai nghi lễ tiết, bước lên, dừng lại, co duỗi, cúi ngước, khoác y, ôm bát, đều trái cấm giới,[25] liền bị đồng phạm hạnh bắt gặp quở trách chỉ trích rằng: ‘Ôi, người ngu này giống như Sa-môn!’ Nó bị chỉ trích, hạch tội: ‘Nếu là Sa-môn đáng ra không nên như vậy.!’ Nhưng nó tự nói: ‘Tôi là Sa-môn!’ Giống như con lừa vào trong bầy trâu. Đó gọi là người giống lừa.
“Kia, sao gọi là giống bò? Có một người cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, vì lòng tin kiên cố xuất gia học đạo. Bấy giờ người kia các căn tịch định, ăn uống biết tiết chế, kinh hành cả ngày chưa từng lìa bỏ, ý nghĩ đến pháp ba mươi bảy đạo phẩm. Khi mắt thấy sắc, người ấy không khởi sắc tưởng, niệm cũng không dong ruổi. Bấy giờ nhãn căn thanh tịnh, sinh ra các tưởng thiện, cũng có thể chế ngự không còn các thứ ác nữa, thường phòng hộ nhãn căn. Tai đối tiếng, mũi đối mùi, lưỡi đối vị, thân đối trơn nhuyễn, ý đối [580a01] pháp, không khởi lên bệnh thức, bấy giờ ý căn thanh tịnh. Người kia liền đến chỗ các vị đồng phạm hạnh. Các vị đồng phạm hạnh từ xa trông thấy đến, ai cũng đều kêu lên: ‘Thiện lai, đồng học!’ Tùy thời cúng dường không để thiếu. Giống như bò tốt vào trong đàn bò, mà tự xưng: ‘Hiện tại ta là bò.’ Vì lông, đuôi, tai, sừng, âm thanh của nó tất cả đều đúng là bò. Những con bò khác thấy đều đến liếm mình nó. Ở đây, cũng như vậy, người ấy cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, vì lòng tin kiên cố xuất gia học đạo. Bấy giờ, các căn người ấy tịch định, ăn uống biết tiết chế, kinh hành cả ngày chưa từng lìa bỏ, ý nghĩ đến pháp ba mươi bảy đạo phẩm. Khi mắt thấy sắc, không khởi sắc tưởng, niệm cũng không dong ruổi. Bấy giờ nhãn căn được thanh tịnh, sinh ra các tưởng thiện, cũng có thể chế ngự không còn các thứ ác nữa, thường ủng hộ nhãn căn. Tai đối tiếng, mũi đối mùi, lưỡi đối vị, thân đối trơn nhuyễn, ý đối pháp, không khởi lên bệnh thức, bấy giờ ý căn được đầy đủ. Người này gọi là giống bò.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học như bò, chớ giống như lừa. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này."
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về thiện hành, bất thiện hành. Hãy lắng nghe, lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ.”
Các Tỳ-kheo thưa:
“Xin vâng, Thế Tôn!”
Thế Tôn bảo:
“Kia, sao gọi là bất thiện? Sao gọi là thiện? Sát sinh là bất thiện, không sát sinh là thiện. Không cho mà lấy là bất thiện, cho mới lấy là thiện. Dâm dật là bất thiện, không dâm dật là thiện. Nói dối là bất thiện, không nói dối là thiện. Nói thêu dệt là bất thiện, không nói thêu dệt là thiện. Hai lưỡi là bất thiện, không hai lưỡi là thiện. Loạn đấu kia đây là bất thiện, không loạn đấu kia đây là thiện. Tham của người là bất thiện, không tham của người là thiện. Khởi sân nhuế là bất thiện, không khởi sân nhuế là thiện. Tà kiến là bất thiện, chánh kiến là thiện. Như vậy, các Tỳ-kheo, hành những điều ác này sẽ đọa vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nếu người nào hành thiện sẽ sinh về cõi người, cõi trời, cùng các đường thiện trong A-tu-la.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy lìa xa ác hành, tu tập thiện hành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy [580b01] học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ nói pháp vi diệu cho các ngươi, đầu thiện, giữa thiện, cho đến cuối cũng thiện, có nghĩa, có vị, tu các pháp phạm hạnh đầy đủ. Đó là hai pháp. Hãy lắng nghe, lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói đầy đủ cho các ngươi nghe.”
Các Tỳ-kheo thưa:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn!”
Sau khi các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy xong, Thế Tôn bảo:
“Kia, sao gọi là hai pháp? Tà kiến, chánh kiến; tà tư duy*, chánh tư duy; tà ngữ, chánh ngữ; tà nghiệp, chánh nghiệp; tà mạng, chánh mạng; tà tinh tấn*, chánh tinh tấn; tà niệm, chánh niệm; tà tam-muội, chánh tam-muội. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là hai pháp. Nay Ta đã nói hai pháp này cho các ngươi. Những điều cần làm, nay Như Lai đã chu toàn xong. Các ngưoi hãy khéo nhớ nghĩ, quán sát, phúng tụng chớ có lười mỏi. Hiện tại, nếu người nào không hành, sau này hối không kịp.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay, Ta sẽ nói về pháp đuốc sáng, cũng sẽ nói về nhân đưa đến nghiệp đạo đuốc sáng. Hãy lắng nghe, lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ!”
Các Tỳ-kheo thưa:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn!”
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Kia, sao gọi là đuốc sáng? Diệt tận tham dâm, sân nhuế, ngu si. Kia, sao gọi là nhân đưa đến nghiệp đạo đuốc sáng? Chánh kiến, chánh tư duy*, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn*, chánh niệm, chánh tam-muội. Đó là nhân đưa đến nghiệp đạo sáng. Ta cũng nhân đây, đã nói về đuốc sáng, cũng đã nói về nhân đưa đến nghiệp đạo đuốc sáng. Những việc cần làm, nay Như Lai đã chu toàn. Các ngươi hãy khéo nhớ nghĩ, phúng tụng, chớ có lười biếng. Hiện tại nếu không hành, sau này hối không kịp.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai lực này. Thế nào là hai lực? Nhẫn lực, tư duy lực.[26] Nếu Ta không có hai lực này, đã không thành Vô thượng, Chánh chơn, Đẳng chánh giác.
“Lại nữa, nếu không có hai lực này, [580c01] Ta đã không hề có sáu năm khổ hạnh ở xứ Ưu-lưu-tỳ, lại cũng không thể hàng phục ma oán, thành đạo Vô thượng Chánh chơn ngồi nơi đạo tràng. Vì Ta có nhẫn lực, tư duy lực này, nên mới có thể hàng phục chúng ma, thành đạo Vô thượng Chánh chơn ngồi nơi đạo tràng.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tu hai lực này: nhẫn lực, tư duy lực, để thành đạo Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, ở vô dư Niết-bàn giới mà Bát-niết-bàn. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này."
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật trú tại Bản sinh địa,[27] nước Câu-thi-na-yết.[28] Lúc ấy, Thích, Phạm, Tứ thiên vương cùng năm trăm chư thiên và, hai mươi tám đại quỷ thần vương đến chỗ Tôn giả A-na-luật. Đến nơi, họ đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên, lại dùng kệ này tán thán A-na-luật:
Quy mạng bậc trên người,
Đấng mọi người tôn kính;
Nay chúng tôi không biết,
Ngài đang trú thiền nào?
Khi ấy, có bà-la-môn* tên Xà-bạt-tra[29] là đệ tử của Phạm-ma-dụ[30], lại đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bà-la-môn kia hỏi A-na-luật rằng:
“Xưa kia tôi sinh tại vương cung, chưa từng nghe mùi hương tự nhiên này. Có người nào đến nơi này? Là trời rồng quỷ thần, Nhân, phi Nhân?”
A-na-luật vowis ông bà-la-môn rằng:
“Mới đây có Thích, Phạm, Tứ thiên vương cùng năm trăm chư thiên, hai mươi tám đại quỷ thần vương vừa đến chỗ tôi, đảnh lễ lễ sát chân, đứng qua một bên, lại dùng kệ này tán thán tôi:
Quy mạng bậc trên người,
Đấng mọi người tôn kính;
Nay chúng tôi không biết,
Ngài đang trú thiền nào?
Bà-la-môn hỏi:
“Sao nay tôi không thấy bóng dáng họ? Thích, Phạm, Tứ thiên vương đang ở chỗ nào?”
A-na-luật đáp:
“Vì ông không có thiên nhãn cho nên không thấy Thích, Phạm, Tứ thiên vương cùng năm [581a01] trăm chư thiên, hai mươi tám đại quỷ thần vương.”
bà-la-môn hỏi:
“Nếu tôi được thiên nhãn, có thể thấy Thích, Phạm, Tứ thiên vương cùng năm trăm chư thiên, hai mươi tám đại quỷ thần vương không?”
A-na-luật đáp:
“Nếu ông được thiên nhãn, ông có thể thấy Thích, Phạm, Tứ thiên vương cùng năm trăm chư thiên, hai mươi tám đại quỷ thần vương. Nhưng, này bà-la-môn, thiên nhãn này nào đủ để cho là lạ. Có Phạm thiên tên là Thiên Nhãn. Ông ấy thấy nghìn thế giới này. Như người có mắt tự xem mũ báu của mình trong lòng bàn tay. Phạm thiên vương này cũng như vậy, thấy nghìn thế giới này không có chướng ngại. Nhưng vị Phạm thiên này không tự thấy y phục mặc trên người mình.”
Bà-la-môn hỏi:
“Vì sao Phạm thiên Thiên Nhãn không tự thấy đồ phục sức mang trên người mình?”
A-na-luật đáp:
“Vì vị Thiên kia không có con mắt trí tuệ vô thượng, nên không thể tự thấy đồ phục sức mang ở trên người mình.”
bà-la-môn hỏi:
“Nếu tôi được con mắt trí tuệ vô thượng, có thấy đồ phục sức mang trên thân này hay không?”
A-na-luật đáp:
“Nếu ông có thể được con mắt trí tuệ vô thượng, ông có thể thấy đồ phục sức mang trên thân mình.”
Bà-la-môn hỏi:
“Xin Tôn giả nói pháp cực diệu cho tôi nghe, để tôi đạt được mắt trí tuệ vô thượng.”
A-na-luật bảo:
“Ông có giới không?”
Bà-la-môn hỏi:
“Thế nào là giới?”
A-na-luật nói:
“Không tạo các tội, không phạm phi pháp.”
bà-la-môn thưa:
“Nếu giới như vậy, tôi kham vâng giữ giới này.”
A-na-luật nói:
‘Này bà-la-môn, nay ông hãy giữ giới cấm không một mảy may khuyết thất, và cũng nên từ bỏ kết sử kiêu mạn, chớ chấp ngô, ngã, sinh tưởng đắm nhiễm.”
Lúc đó, bà-la-môn lại hỏi A-na-luật:
“Sao là ngô? Sao là ngã? Sao là kết sử kiêu mạn?”
A-na-luật nói:
“Ngô là thần thức. Ngã là đầy đủ hình thể.[31] Ở trong đó khởi thức sinh ngô ngã, đó là kết kiêu mạn.
“Cho nên, này bà-la-môn, hãy tìm cầu phương tiện loại trừ các kết này. Này bà-la-môn, hãy học điều này như vậy."
Bà-la-môn liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân A-na-luật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Trên đường chưa đến nhà, ông tư duy về nghĩa này, tức thì các trần cấu sạch hết, được con mắt pháp thanh tịnh.
Bấy giờ, có vị trời xưa kia là bạn thân của bà-la-môn này, biết trong tâm của bà-la-môn mọi trần cấu đã được dứt sạch, được con mắt pháp [581b01] thanh tịnh. Vị trời kia lại đến chỗ Tôn giả A-na-luật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, liền dùng kệ này tán thán A-na-luật:
Bà-la-môn chưa đến nhà,
Giữa đường được dấu đạo;
Trần cấu, pháp nhãn tịnh,
Không nghi, không do dự.
Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật dùng kệ báo vị trời kia:
Ta trước quán tâm kia,
Trung gian ứng dấu đạo;
Kia, thời Phật Ca-diếp,
Từng nghe dạy pháp này.
Bấy giờ Tôn giả A-na- luật rời khỏi nơi ấy, du hành trong Nhân gian, lần hồi đến chỗ Thế Tôn. Đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Thế Tôn dùng pháp ngữ dạy A-na-luật đầy đủ. A-na-luật sau khi thọ trì lời Phật dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi thối lui.
Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Đệ tử trong hàng Thanh văn của Ta, người được thiên nhãn đệ nhất, đó chính là Tỳ-kheo A-na-luật.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la[32], phụng trì giới cấm, không điều vi phạm, tội nhỏ còn tránh huống là lớn; nhưng tâm không giải thoát khỏi hữu lậu. Bấy giờ các Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên. Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Tỳ-kheo La-hầu-la phụng trì giới cấm, không điều vi phạm; nhưng tâm không giải thoát khỏi hữu lậu.”
Bấy giờ Thế Tôn liến nói kệ này:
Pháp giới cấm đầy đủ;
Các căn cũng thành tựu;
Dần dần sẽ đạt được,
Sạch hết cả kết sử.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy luôn nhớ nghĩ tu tập chánh pháp không có sơ sót. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này."
Các Tỳ-kheo sau nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Nan-đà, Niết-bàn, quạ,
Lừa, bất thiện có hai,
Xúc, và nhẫn tư duy,
bà-la-môn và La-hầu-la.
17. PHẨM AN-BAN
KINH SỐ 1[33]
[581b15] Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, đã đến giờ, Thế Tôn đắp y ôm bát, dẫn La-hầu-la[34] vào thành Xá-vệ để khất thực[35]. Khi ấy Thế Tôn quay qua bên phải bảo La-hầu-la:
“Ngươi nay hãy quán sắc là vô thường.”
La-hầu-la thưa:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn, sắc là vô thường.”
Thế Tôn bảo:
“Này La-hầu-la, thọ*, tưởng, hành, thức đều là vô thường.”
La-hầu-la thưa:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn, thọ, tưởng, hành, thức đều là vô thường.”
Khi ấy, Tôn giả La-hầu-la lại tự nghĩ: “Ở đây có nhân duyên gì, hôm nay mới đi vào thành để khất thực, đang trên đường đi, cớ sao Thế Tôn trực tiếp dạy dỗ ta? Bây giờ ta hãy trờ về trú xứ, không nên vào thành khất thực.”
Khi ấy, Tôn giả La-hầu-la, đang giữa đường liền trở về tinh xá Kỳ-hoàn, cầm y bát đến dưới một bóng cây, chánh thân, chánh ý, ngồi kiết già, chuyên tinh nhất tâm suy niệm sắc vô thường; suy niệm thọ*, tưởng, hành, thức vô thường.
Bấy giờ, Thế Tôn khất thực ở thành Vương-xá xong. Sau khi ăn rồi, một mình kinh hành tại tinh xá Kỳ-hoàn, lần hồi đến chỗ La-hầu-la. Đến đó rồi, Phật bảo La-hầu-la rằng:
“Ngươi hãy tu hành pháp an-ban[36]. Tu hành pháp này, có tâm tưởng sầu ưu đều sẽ trừ diệt hết. Nay ngươi lại nên tu hành tưởng bất tịnh ghê tởm, nếu có tham dục, thì sẽ trừ diệt hết. Này La-hầu-la, nay ngươi phải tu hành từ tâm. Đã hành từ tâm rồi, nếu có sân nhuế, thì sẽ trừ diệt hết. Này La-hầu-la, nay ngươi phải tu, hành bi tâm. Đã hành bi tâm rồi, nếu có tâm hại, thì sẽ trừ diệt hết. Này La-hầu-la, nay ngươi phải tu hành hỷ tâm. Đã hành hỷ tâm rồi, nếu có tâm tật đố, thì sẽ trừ diệt hết. Này La-hầu-la, nay ngươi phải tu hành tâm xả.[37] Đã hành tâm xả* rồi, nếu có kiêu mạn, thì sẽ trừ diệt hết.”
Bấy giờ, Thế Tôn hướng về La-hầu-la, liền nói kệ này:
Chớ luôn khởi tưởng đắm,
Thường phải y thuận pháp.
Người hiền trí như vậy,
Danh đồn vang khắp nơi.
Cầm đuốc sáng cho người,
Phá màn vô minh lớn;
Trời, rồng thảy phụng kính,
Tôn thờ bậc sư trưởng.
Lúc ấy Tỳ-kheo La-hầu-la dùng kệ này thưa Thế Tôn rằng:
Con không khởi tưởng đắm,
Hằng tùy thuận theo pháp.
[582a01] Người hiền trí như vậy
Kính thờ là sư trưởng.
Sau khi Thế Tôn dạy bảo xong, trở về tĩnh thất. Lúc ấy, Tôn giả La-hầu-la lại tự nghĩ: “Tu hành an-ban như thế nào để trừ bỏ sầu ưu, không có các tưởng?” Rồi La-hầu-la từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi rồi, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Ngay sau đó, ngồi lui, bạch Thế Tôn rằng:
“Tu hành an-ban như thế nào để trừ bỏ sầu ưu, không có các tưởng, được quả báo lớn, được vị cam lồ?”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, lành thay, La-hầu-la! Ngươi có thể ở trước Như Lai rống tiếng rống sư tử hỏi mà hỏi nghĩa này: ‘Tu hành an-ban như thế nào để trừ bỏ sầu ưu, không có các tưởng, được quả báo lớn, được vị cam lồ?’ Này La-hầu-la, nay ngươi hãy lắng nghe, hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ phân biệt nói đầy đủ cho ngươi.’
Thưa:
“Kính vâng, Thế Tôn!”
Tôn giả La-hầu-la vâng lời dạy từ Thế Tôn. Thế Tôn bảo:
“Này La-hầu-la, ở đây Tỳ-kheo ưa thích ở nơi vắng vẻ không người, chánh thân chánh ý, ngồi kiết già, không có niệm khác, buộc ý trên chóp mũi. Thở ra dài, biết hơi thở dài. Thở vào dài, cũng biết hơi thở dài. Thở ra ngắn, cũng biết hơi thở ngắn. Thở vào ngắn, cũng biết hơi thở ngắn. Hơi thở ra lạnh, cũng biết hơi thở lạnh. Hơi thở vào lạnh, cũng biết hơi thở lạnh. Hơi thở ra ấm, cũng biết hơi thở ấm. Hơi thở vào ấm, cũng biết hơi thở ấm. Quán toàn thân, hơi thở vào, hơi thở ra; thảy đều biết rõ. Có lúc có hơi thở, cũng lại biết là có. Có lúc không có hơi thở, cũng lại biết là không. Hoặc hơi thở từ tâm ra,[38] cũng lại biết từ tâm ra; hoặc hơi thở từ tâm vào*, cũng lại biết từ tâm vào.
“Như vậy, La-hầu-la, ai tu hành an-ban, sẽ không có tưởng sầu ưu, não loạn, được quả báo lớn, được vị cam lồ.”
Sau khi nghe Thế Tôn nói pháp vi diệu đầy đủ xong, La-hầu-la từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, nhiểu quanh ba vòng rồi, rồi đi. Đến dưới một bóng cây trong rừng An-đà[39], chánh thân, chánh ý ngồi kiết già, không có một niệm nào khác, buộc tâm trên chóp mũi. Thở ra dài, biết hơi thở dài. Thở vào dài, cũng biết hơi thở dài. Thở ra ngắn, cũng biết hơi thở ngắn. Thở vào ngắn, cũng biết hơi thở ngắn. Hơi thở ra lạnh, cũng biết hơi thở lạnh. Hơi thở vào lạnh, cũng biết hơi thở lạnh. [582b01] Hơi thở ra ấm, cũng biết hơi thở ấm. Hơi thở vào ấm, cũng biết hơi thở ấm. Quán toàn thân, hơi thở vào, hơi thở ra; thảy đều biết rõ. Có lúc có hơi thở, cũng lại biết là có. Có lúc không có hơi thở, cũng lại biết là không. Hoặc hơi thở từ tâm ra, cũng lại biết từ tâm ra; hoặc hơi thở từ tâm vào*, cũng lại biết từ tâm vào.
Bấy giờ, La-hầu-la tư duy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục,[40] không còn các thứ ác, có tầm, có tứ,[41] có hỷ lạc do viến ly sinh,[42] chứng và an trú[43] sơ thiền. Tầm từ đã dứt,[44] nội tâm tịch tĩnh,[45] chuyên tinh nhất tâm[46]; không tầm, không tứ, có hỷ lạc do định sinh,[47] chứng nhập và an trú* nhị thiền. Lìa hỷ, an trú xả,[48] giác tri thân lạc, điều mà các Hiền thánh nói, xả, niệm, an trú lạc,[49] chứng nhập và an trú an trú* tam thiền. Khổ và lạc kia đã diệt, ưu hỷ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc; xả, niệm thanh tịnh,[50] chứng nhập và an trú* tứ thiền.
Với tâm tam-muội[51] này, thanh tịnh không bụi nhơ, thân thể nhu nhuyến,[52] La-hầu-la biết mình từ đâu đến, nhớ những việc đã làm trước kia, tự biết đời trước, những việc trong vô số kiếp trước; cũng biết một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, nghìn đời, vạn đời, hàng nghìn vạn đời, kiếp thành, kiếp bại, vô số kiếp thành, vô số kiếp bại, ức năm không thể kể xiết: Ta đã từng sinh nơi kia, tên gì, họ gì, ăn thức ăn như vậy, hưởng khổ vui như vậy, thọ mạng dài ngắn, chết kia sinh đây, chết đây sinh kia.
Với tâm tam-muội này,* thanh tịnh không tì vết, La-hầu-la cũng không còn các kết, cũng biết chỗ khởi của tâm chúng sanh. Bằng thiên nhãn thanh tịnh không tì vết, La-hầu-la quán biết như thật các loài chúng sinh, người sống, kẻ chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường dữ, hoặc tốt, hoặc xấu, điều đã làm, điều đã tạo. Hoặc có chúng sanh thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác, phỉ báng Hiền thánh, thường hành tà kiến, tạo hạnh tà kiến, thân hoại mạng chung. sinh vào địa ngục. Hoặc lại có chúng sanh thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện, không phỉ báng Hiền thánh, thường hành chánh kiến, tạo hạnh chánh kiến, thân hoại mạng chung sinh lên trời cõi thiện. Đó gọi là thiên nhãn thanh tịnh không tì vết, quán biết như thật các loài chúng sanh, người sống, kẻ chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường dữ, hoặc tốt, hoặc xấu, điều đã làm, điều đã tạo.
Rồi lai vận dụng ý, thành tâm vô lậu. La-hầu-la lại quán biết như thật đây là khổ; lại quán biết như thật đây là tập khởi của khổ, cũng quán biết như thật đây là [582c01] sự diệt tận khổ, cũng quán biết như thật đây là xuất yếu của khổ. La-hầu-la quán biết như thật như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu; được giải thoát khỏi hữu lậu, vô minh lậu. Đã được giải thoát, nên liền được trí giải thoát, biết rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau. Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la thành A-la-hán.
Sau khi Tôn giả La-hầu-la thành A-la-hán rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, bạch Thế Tôn rằng:
“Sở cầu của con đã đạt được, các lậu đã tận trừ.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Trong những vị đắc A-la-hán, không có ai bằng La-hầu-la. Luận về người mà các hữu lậu đã dứt cũng là Tỳ-kheo La-hầu-la. Luận về người trì giới cấm cũng là Tỳ-kheo La-hầu-la. Vì sao vậy? Vì chư Như Lai Đẳng Chánh giác đời quá khứ cũng có Tỳ-kheo La-hầu-la này. Muốn nói con Phật cũng là Tỳ-kheo La-hầu-la, đích thân từ Phật sinh, là người thừa tự pháp.”
Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Trong hàng Thanh văn của Ta, đệ tử bậc nhất trì giới cấm chính là Tỳ-kheo La-hầu-la.”
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Pháp cấm giới đầy đủ,
Các căn cũng thành tựu;
Dần dần sẽ cũng được,
Sạch tất cả kết sử.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [53]


Chú thích:
[1] Tham chiếu Pāli, A. II. 9. 5 (R i. 83): bhavadiṭṭhi ca vibhavadiṭṭhi ca, hữu kiến và phi hữu kiến.
[2] Hán: thân tác chứng nhi tự du hý 身作證而自遊戲, tức là, tự thân chứng ngộ (chứng tri) và an trú (trong pháp đó). Ở trên kia, Hán dịch: nhi tự ngu lạc 而自娛樂; xem cht. 12 kinh 1, phẩm 12. Pāli: kāyena sacchikaraṇīyā, cf. A. ii. 182.
[3] Hán: dục hữu kiến, sắc hữu kiến 欲有見.色有見.無色有見.
[4] Tham chiếu Pāli. A. II. 13. 1 (R i. 91).
[5] Tham chiếu Pāli, như trên.
[6] Pháp nghiệp 法業, tài nghiệp 財業. Pāli, ibid. : āmisayāgo ca dhammayāgo, hiến tế tài vật, và hiến tế pháp.
[7] Tham chiếu Pāli, như trên.
[8] Pháp ân法恩, tài ân 財恩. Pāli: āmisacāgo ca dhammacāgo ca, thi ân (huệ thí) bằng tài vật và thi ân bằng pháp.
[9] Tham chiếu Pāli, A. ii. 10.1 (R i. 84).: yo ca anāgataṃ bhāraṃ vahati, yo ca āgataṃ bhāraṃ na vahati, gánh nặng chưa đến thì mang, gánh nặng đã đến lại không mang.
[10] Như Lai thần miếu 如來神廟. Skt. Caitya (Pāli: cetiya), thường âm là chi-đề, chế-để, chế-đa. dịch là miếu hay linh miếu. Luật Tăng-kỳ 33 (tr. 498b20): “Có xá-lợi, gọi là tháp. Không có xá-lợi, gọi là chi-đề 枝提.
[11] Như Lai tự 如來寺.
[12] Tham chiếu Pāli, A. II. 15. 10 (R i. 95): samatho và vipassanā.
[13] Tham chiếu, Thera 279.
[14] Tượng hoa viên 象華園. Khppng thấy tên Pāli tương đương về khu vườn này trong thành Vương xá.
[15] Ma Hành 魔行天子. Cf. There 179: Mārapakkha; Sớ giải: do phàm phu u tối, không từ duy chân chánh, phiên não ma tăng trưởng, do đó thiên ma thừa cơ xâm nhập.
[16] Tôn-đà-lợi 孫陀利. Skt. = Pāli: Sundarī. Truyền thuyết phương Bắc nói cô là người vợ hụt của Nan-đà. Truyền thuyết Pāli gọi cô này là Janapadakalyāṇī Nandā. Về sau cô cũng theo Di mẫu Pajāpati xuất gia và cuối cùng thành A-la-hán. Các truyền thuyết cũng có thể lẫn lộn cô với Sudarī-Nandā, em gái của Trửong lão Nandā, con gái vua Sudodhana với bà Gotami.
[17] Bốn bộc lưu.
[18] Để bản: đệ tử 弟子. TNM: đệ nhất 弟一.
[19] Tham chiếu Pāli. Itiv. 44: dveme… nibbānadhātuyo. .. sa-upādisesā ca nibbānadhātu, anupādisesā ca nibbānadhātu.
[20] Thánh A-na-hàm nhập niết-bàn tại một trong năm cõi trời Tịnh cư.
[21] Pāli, ibid., nói khác: A-la-hán lậu tận (arahaṃ hoti khīṇāsavo), nhưng các căn còn tồn tại (tiṭṭhanteva pañcidriyāni), vị ấy còn có cảm thọ lạc và khổ (sukhadukkhaṃ paṭíaṃvedeti).
[22] Nguyên Hán: ý giải thoát 意解脫. Pāli: cetovimutti.
[23] Nguyên hán: trí tuệ giải thoát 智慧解脫. Pāli: paññāvimutti.
[24] Pāli, ibid., A-la-hán lậu tận, … tất cả cảm thọ không còn hoan hỷ, trở thành nguội lạnh (sabbavedayitāni anabhinanditāni sīti bhavissanti ).
[25] Hán: chấp trì cấm giới 執持禁戒, đoạn văn bị nhảy sót. Y theo văn mạch trên, sửa lại.
[26] Cf. A. II. 2 (R. i. 52): dvemāni balāni: paṭisaṃkhānabalañ ca bhāvanābalañ ca, có hai lực: tư trạch lực và tu tập lực.
[27] Bản sở sinh xứ 本所生處, tức Lực sĩ Sinh xứ, hay Sinh địa (Pāli: Upavattana), quê hương của người Mạt-la (Malla), một bộ tộc, chủ nhân của Câu-thi-na (Pāli: Kusinārā), nơi Phật Niết-bàn. Sinh xứ (địa) hay Uapavattana cũng là tên gọi của khu rừng Sala, nơi Phật nhập Niết-bàn.
[28] Câu-thi-na-kiệt 拘尸那竭國. Pāli: Kusinārā.
[29] Xà-bạt-tra 闍拔吒. Xem cht. 18 tiếp theo dưới.
[30] Phạm-ma-dụ 梵摩喻, xem Trung kinh 161: Phạm-ma 梵摩(Pāli: Brahmāyu), người ở Di-tát-la (Pāli: Mithila). Ông có đẹ tử là Ưu-đa-la優多羅(Pāli: Uttara). Cf Pāli, M. ii. 133. Brahmāyu-sutta.
[31] Có lẽ đây là lối diễn giải thêm của dịch giả chứ không phải trực tiếp dịch từ nguyên bản Phạn.
[32] Nguyên trong bản: La-vân 羅雲.
[33] Tham chiếu Pāli, M. 62. Rāhulovāda (R i. 421).
[34] La-vân 羅雲. Pāli: Rāhula.
[35] Phân-vệ 分衛. Pāli: piṇḍapāta.
[36] An-ban 安般. Pāli: ānāpāṇa, hơi thở ra vào.
[37] Nguyên Hán: hộ tâm 護心.
[38] Tức tùng tâm xuất 息從心出, Hán dịch mơ hồ. Tất nhiên đây không có nghĩa từ trái tim. Tham chiếu Pāli: cittapaṭisaṃvedī assasissāmi, với cảm giác nhận biết tâm, tôi sẽ thở ra.
[39] An-đà viên 安陀園. Pāli: Andhavana. Cf. M. 147 Cūla-Rāhulovāda-sutta.
[40] Đay chỉ ly dục của sơ thiền, trừ ngũ dục của dục giới, không phải ly dục vô lậu của A-la-hán. Xem kinh 1 phẩm 12 trên.
[41] Hữu giác hữu quán, về sơ thiền cho đến tứ thiền, định cú, và các cht, liên hệ, xem Phẩm 12, kinh 1, từ cht. 42 và tiếp.
[42] Hán: niệm trì hỷ an 念持喜安. Trên kia, kinh 1 phẩm 12, Hán dịch: hữu ỷ niệm lạc 有猗念樂.
[43] Hán: du 遊. Nơi khác dịch: tự ngu lạc ; hiểu là an trú. Pāli: vihārati.
[44] Trạng thái không tầm (giác) không tứ (quán) của thiền thứ hai.
[45] Nên hiểu là nội đẳng tịnh. Xem cht. 42-50 kinh 1 phẩm 12 trên.
[46] Nên hiểu là tâm nhất cảnh tính. Xem cht.42-50 kinh 1 phẩm 12 trên.
[47] Nên hiểu là định sinh hỷ lạc, tức trạng thái hỷ lạc phát sinh bởi định.
[48] Trên kia, ibid., Hán dịch: xả ư niệm, tu ư hộ 捨於念。修於護. Nên hiểu là “ly hỷ, trụ xả.” Vì thiền thứ ba được nói là “ly hỷ diệu lạc địa. Xem cht.42-50 kinh 1 phẩm 12 trên.
[49] Hán: hộ niệm hỷ 護喜念. Nên hiểu là an trú lạc với niệm và xả.
[50] Nên hiểu là xả và niệm thanh tịnh. Xem cht. 42-50 kinh 1 phẩm 12 trên.
[51] Hán: tam-muội tâm 三昧。心; chỉ tâm định tĩnh do chứng tứ thiền; y tâm này mà chứng tam minh. Lưu ý ngắt chữ không đúng trong để bản. Pāli, định cú: so evaṃ samāhite citte parisuddhe…
[52] Bản Hán có thể nhầm do gán hình dung từ không đúng với chủ từ. Nên hiểu, với tâm định tĩnh, thanh tịnh…, (và) nhu nhuyến. Pāli: so evaṃ samāhite citte parisuddhe…mudubhūte…
[53] Bản Hán, hết quyển 7.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.23.103.14 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập