Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 1 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 1

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.54 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.58 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

1. PHẨM TỰA
[549b13]Kính lạy Năng Nhân Đệ Thất Tiên[1],
Diễn thuyết Pháp[2] Thánh Hiền vô thượng.
Thế Tôn nay độ chúng quần sinh
Vốn đã từ lâu trôi sinh tử.
Tôn trưởng Ca-diếp và Thánh chúng,
Hiền triết A-nan văn quảng bác,
Cúng dường xá-lợi Phật Niết-bàn,
Từ nước Câu-di[3] đến Ma-kiệt.
Ca-diếp tư duy hành bốn đẳng,[4]
Thương xót chúng sanh đọa năm đường;
Chánh giác dẫn đường nay cách xa,
Nhớ lời dạy khéo, lòng thương khóc.
Ca-diếp nghĩ suy: Gốc Chánh pháp,
Làm sao lưu bố mãi thế gian?
Lời dạy tối tôn từ kim khẩu,
Ghi giữ trong lòng không để mất.
Ai có sức này, tập các pháp,
Nói rõ nhân duyên, gốc từ đâu?
Người trí hiện nay trong chúng này,
A-nan hiền thiện, nghe vô lượng.
Liền gióng kiền chùy họp bốn chúng;
Tỳ-kheo tám vạn bốn nghìn người,
Thẩy đều La-hán tâm giải thoát La-hán,
Giải thoát trói buộc, làm phước điền.
Ca-diếp bởi vì thương thế gian,
Báo ân quá khứ, nhớ Tôn đức.
Thế Tôn phú pháp, trao A-nan,
Nguyện pháp lưu bố mãi ở đời.
Làm sao thuận tự, không mất mối,
Kết tập Pháp bảo ba tăng-kỳ;
Để sau bốn chúng được nghe pháp,
Nghe rồi liền được lìa các khổ.
A-nan từ chối: “Sức không kham.
“Các pháp thậm thâm ngần ấy thứ,
“Há dám phân biệt lời Như Lai?
“Phẩm đức Phật pháp, vô lượng trí.
“Tôn giả Ca-diếp nay kham nhiệm,
“Đấng Thế Hùng đem pháp phú cho;
“Nay vì mọi người, Đại Ca-diếp,
“Từng được Như Lai chia nửa tòa.[5]”
Ca-diếp đáp rằng: “Tuy có vậy;
“Nhưng tuổi già yếu, đã quên nhiều.
“Sự nghiệp trí tuệ, Ông giữ hết,
“Hãy khiến gốc pháp còn mãi đời.
“Nay tôi có ba mắt thanh tịnh,
“Cũng có thể biết tâm trí người;
“Biết rõ tất cả hàng chúng sanh,
“Không ai hơn Tôn giả A-nan.”
Từ Phạm Thiên xuống đến Đế Thích,
Hộ thế Tứ vương cùng chư Thiên;
Di-lặc Đâu-suất cũng đến họp.
Hàng ức Bồ-tát không kể hết.
Di-lặc, Phạm, Thích cùng Tứ vương,
Thảy đều chấp tay mà bạch hỏi:
“Tất cả các pháp, Phật ấn chứng:
“A-nan là pháp khí của Ta.
“Nếu ai không muốn pháp tồn tại,
“Người ấy xuyên tạc lời Như Lai.
“Nguyện lưu pháp yếu, vì chúng sanh,
“Vượt qua nguy ách, thoát các nạn.
“Thích Tôn ra đời, sống rất ngắn.
“Tuy nhục thể mất, Pháp thân còn.
“Để mong pháp yếu không đoạn tuyệt,
“A-nan, chớ chối từ thuyết pháp!”
Tối tôn Ca-diếp cùng Thánh chúng,
Di-lặc, Phạm, Thích cùng Tứ vương;
Cần thỉnh A-nan mở lời cho,
Khiến lời Như Lai không diệt tận.
A-nan nhân từ, hòa bốn đẳng,
Ý chuyển vi tế sư tử hống;
Liếc nhìn bốn chúng, ngó hư không,
Khóc thương rưng lệ không ngăn được.
Nhan sắc chợt bừng ánh sáng chói,
Tỏa khắp chúng sanh như hừng đông.
Di-lặc, Phạm, Thích nhìn ánh sáng,
Chắp tay chờ nghe Pháp vô thượng.
Bốn bộ chúng lặng lẽ, tâm chuyên nhất,
Muốn được nghe pháp, ý không loạn.
Tôn trưởng Ca-diếp cùng Thánh chúng,
Nhìn thẳng tôn nhan, mắt không chớp.
Rồi A-nan nói kinh vô lượng,
Những gì đầy đủ, thành một tụ:
“Nay tôi sẽ chia làm ba phần,
“Tóm thâu mười kinh thành một kệ.
“Phần một Khế kinh, phần hai Luật,
“Phần ba lại là A-tỳ-đàm.
“Chư Phật[6] quá khứ đều phân ba,
“Khế kinh, Luật, Pháp, làm ba tạng.
“Khế kinh nay hãy phân bốn đoạn;
“Trước hết Tăng nhất, hai là Trung,
“Ba gọi là Trường, nhiều chuổi ngọc;
“Sau cùng phần bốn gọi Tạp kinh.”
[550a01]Tôn giả A-nan lại suy nghĩ:
“Pháp thân Như Lai không diệt mất,
“Còn mãi thế gian không đoạn tuyệt.
“Trời Người được nghe, thành đạo quả.
“Hoặc có Một pháp mà nghĩa sâu;
“Khó trì, khó tụng, không thể nhớ,
“Nay tôi kết tập nghĩa Một pháp;
“Một, Một, nối nhau, không mất mối.
“Cũng có Hai pháp, tập thành Hai;
“Ba pháp thành Ba, như xâu chuỗi.
“Bốn pháp thành Bốn, Năm cũng vậy.
“Năm pháp tiếp đến Sáu, Bảy pháp,
“Nghĩa Tám pháp rộng cho đến Chín.
“Mười pháp, từ mười đến Mười một.
“Pháp bảo như vậy trọn không mất;
“Hằng ở thế gian, tồn tại lâu.”
Ở giữa đại chúng tập pháp này,
A-nan tức thì thăng pháp tọa.
Di-lặc tán thán: “Khéo thuyết thay!
“Hãy nên phối hợp nghĩa các Pháp.
“Lại có các pháp nên phân bộ;
“Lời dạy Thế Tôn, mỗi mỗi khác.
“Bồ-tát phát ý hướng Đại thừa,
“Như Lai nói riêng cho pháp này:
“Có người Thế Tôn dạy sáu độ:
“Bố thí, trì giới, nhẫn, tinh tấn,
“Sức thiền, trí tuệ như trăng non;
“Vượt qua vô cực thấy các pháp.
“Có ai dũng mãnh thí đầu mắt;
“Thân thể máu thịt không thương tiếc;
“Thê thiếp, quốc thành, cùng nam nữ;
“Đó là đàn độ[7] không nên bỏ.
“Giới độ vô cực như kim cương,
“Không huỷ, không phạm không lọt mất;
“Giữ tâm hộ giới như bình tách.
“Đó gọi giới độ không nên bỏ.
“Hoặc có người đến chặt tay chân,
“Không khởi sân hận, sức nhẫn mạnh;
“Như biển dung chứa không tăng giảm,
“Đó là nhẫn độ không nên bỏ.
“Những ai tạo tác hành thiện ác,
“Cả thân, khẩu, ý không chán đủ;
“Các hành hại người, không đến đạo,
“Đó gọi tấn độ không nên bỏ.
“Những ai thiền tọa đếm hơi thở,
“Tâm ý kiên cố, không loạn niệm;
“Ví có động đất, thân không nghiêng,
“Đó gọi thiền độ, không nên bỏ.
“Dùng sức trí tuệ, đếm bụi trần,
“Trải triệu số kiếp không kể xiết;
“Số nghiệp sách ghi ý không loạn,
“Đó gọi trí độ, không nên bỏ.
“Các pháp thậm thâm, luận Lý Không,
“Khó sáng, khó tỏ, không thể quán;
“Tương lai đời sau lòng hồ nghi,
“Đức Bồ-tát này không nên bỏ.”
A-nan tự trình bày ý nghĩ:
“Người ngu không tin hạnh Bồ-tát;
“Trừ các La-hán tín giải thoát
[550b01]“Mới có tín tâm không do dự.
“Bốn chúng đệ tử, phát đạo ý,[8]
“Cùng tất cả mọi loài chúng sanh;
“Có lòng tin vững không hồ nghi.”
Di-lặc tán thán: “Khéo thuyết thay!
“Phát tâm Đại thừa, ý quảng đại.”
“Hoặc có các pháp, đoạn kết sử;
“Hoặc có các pháp, thành quả đạo.”
A-nan nói rằng: “Đây thế nào?
“Tôi thấy Như Lai tuyên pháp này.
“Có người không nghe Như Lai thuyết
“Pháp này, há chẳng có hồ nghi?
“Nếu tôi nói nghĩa này không đúng,
“Như vậy hư dối đời tương lai.
“Nay các kinh xưng: Tôi nghe như vầy,
“Phật trú thành nào, quốc thổ nào?
“Lần đầu nói pháp: Ba-la-nại.
“Độ ba Ca-diếp: Ma-kiệt-đà.
“Câu-tát, Ca-thi, giữa Thích tộc,
“Chiêm-ba, Câu-lưu, Tỳ-xá-ly,
“Cung Trời, cung Rồng, A-tu-la,
“Cung Kiền-đạp-hòa, thành Câu-thi;
“Giả sử không rõ nơi nói kinh,
“Thì nói nguyên gốc tại Xá-vệ.
“Việc ấy, một thời tôi đã nghe,
“Phật tại Xá-vệ cùng đệ tử;
“Tinh xá Kỳ-hoàn, tu thiện nghiệp,
“Vườn Cấp Cô Độc Trưởng giả cúng.
“Khi Phật ở đây, bảo Tỳ-kheo:
“Nên chuyên tâm tu tập một pháp,
“Tư duy một pháp, không buông lung,
“Sao gọi một pháp? Là niệm Phật;
“Niệm Pháp, niệm Tăng cùng niệm giới,
“Niệm thí, niệm Thiên, trừ loạn tưởng.
“An-ban hơi thở, và niệm thân,
“Niệm chết trừ loạn, tổng mười niệm.
“Đó pháp mười niệm, có thêm mười,
“Tiếp theo, lại nói Tôn đệ tử:
“Trước độ Câu-lân[9] con trưởng Phật,
“Người nhỏ cuối cùng là Tu-bạt.[10]
“Dùng phương tiện này hiểu một pháp.
“Hai từ hai pháp, ba từ ba.
“Bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười,
“Mười một:, không pháp nào không rõ.
“Từ một tăng một đến các pháp,
“Nghĩa nhiều, huệ rộng không thể tận.
“Mỗi một Khế kinh nghĩa cũng sâu,
“Cho nên gọi là Tăng nhất hàm.
“Nay tìm một pháp khó rõ ràng,
“Khó trì, khó hiểu, không thể tỏ.
“Tỳ-kheo tự nói nghiệp công đức,
“Nay phải tôn xưng là đệ nhất;
“Giống như thợ gốm làm đồ dùng,
“Theo ý mà làm không nghi ngại.
“A-hàm Tăng nhất pháp cũng vậy,
“Ba thừa giáo hóa không sai khác.
[550c01]“Vi diệu Phật kinh rất thâm sâu,
“Hay trừ kiết sử như giòng chảy.
“Tuy nhiên, Tăng nhất ở trên hết,
“Làm sạch ba nhãn trừ ba cấu.
“Người nào chuyên tâm trì Tăng nhất,
“Là người tổng trì tạng Như Lai.
“Cho dù thân này còn kết sử,
“Đời sau liền được trí tài cao.
“Nếu ai chép viết thành kinh quyển,
“Hoa lọng, lụa là đem cúng dâng;
“Phước này vô lượng không kể xiết.
“Vì Pháp bảo này, rất khó gặp.”
Khi nói lời này, trời đất động,
Trời mưa hoa thơm ngập đến gối.
Trên không chư Thiên khen: “Lành thay!
“Tôn giả nói lời đều thuận nghĩa.
“Khế kinh tạng một, Luật tạng hai,
“Kinh A-tỳ-đàm là tạng ba.
“Phương đẳng, Đại thừa nghĩa thâm thúy,
“Cùng các khế kinh là Tạp tạng.
“Ổn định lời Phật quyết không đổi.
“Nhân duyên đầu cuối đều tùy thuận.”
Di-lặc, chư Thiên cũng khen tốt:
Kinh điển Thích-ca tồn tại mãi.
Di-lặc đứng lên tay cầm hoa,
Vui mừng đem rải lên A-nan:
“Kinh này chân thật Như Lai nói.
“Cầu mong A-nan quả đạo thành.”
Bấy giờ Tôn giả A-nan, cùng Phạm thiên dẫn các trời Phạm-ca-di đều đến hội họp. Trời Hóa tự tại dẫn đoàn tùy tùng đều đến tụ hội. Trời Tha hóa tự tại dẫn đoàn tùy tùng đều đến tụ hội. Trời Đâu-suất Thiên vương dẫn chúng chư thiên đến tụ hội. Trời Diễm thiên dẫn đoàn tùy tùng đến đến tụ hội. Thích Đề-hoàn Nhân dẫn chúng chư thiên Tam thập tam đều đến tụ hội. Đề-đầu-lại-tra Thiên vương dẫn chúng Càn-thát-bà[11] đều đến tụ hội. Tỳ-lưu-lặc-xoa Thiên vương dẫn các Yếm quỷ đều đến tụ hội. Tỳ-Sa-môn Thiên vương dẫn chúng Duyệt-xoa, La-sát đều đến tụ hội.
Bấy giờ, Di-lặc Đại sĩ nói với các Bồ-tát:
“Các Khanh hãy khuyến khích các tộc tánh nam, tộc tánh nữ trong hiền kiếp phúng tụng, thọ trì Tôn pháp Tăng nhất; quảng diễn, phổ biến, khiến mọi người phụng hành.”
Sau khi nói những lời này, chư Thiên, loài Người, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lưu-la, Ma-hầu-lặc, Chân-đà-la, v.v…, đều bạch rằng:
“Hết thảy chúng tôi đều ủng hộ người thiện nam, thiện nữ mà phúng tụng, thọ trì Tôn pháp Tăng nhất ấy, quảng diễn, phổ biến, trọn không bao giờ để dứt tuyệt.”
Lúc ấy, Tôn giả A-nan [551a1] bảo Ưu-đa-la[12]:
“Nay tôi đem Tăng nhất A-hàm này phó chúc cho ông. Hãy khéo phúng tụng, đọc thuộc, chớ để sai sót. Vì sao? Vì nếu ai khinh mạn Tôn Kinh này sẽ đọa lạc xuống hàng phàm phu. Vì sao? Này Ưu-đa-la, Tăng nhất A-hàm này xuất giáo nghĩa của ba mươi bảy phẩm đạo,[13] và các pháp cũng từ đây mà phát sinh.”
Bấy giờ, Đại Ca-diếp hỏi A-nan:
“Thế nào, A-nan, Tăng nhất A-hàm này xuất giáo nghĩa của ba mươi bảy phẩm đạo, và các pháp cũng từ đây mà phát sinh?”
A-nan bạch:
“Thật vậy, Thật vậy, Tôn giả Ca-diếp! Tăng nhất A-hàm này xuất giáo nghĩa của ba mươi bảy phẩm đạo, và các pháp cũng từ đây mà phát sinh; điều này hãy gác lại. Chỉ một bài kệ trong Tăng nhất A-hàm cũng xuất sinh ba mươi bảy phẩm và các pháp.”
Ca-diếp hỏi:
“Trong bài kệ nào mà xuất sinh ba mươi bảy phẩm và các pháp?”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan liền nói kệ này:
Chớ làm các điều ác.
Vâng làm các điều.
Tự thanh tịnh tâm ý.
Là lời Chư Phật dạy.
“Sở dĩ như vậy là vì, chớ làm các điều ác, đó là gốc rễ của các pháp, từ đó xuất sinh tất cả các pháp thiện. Do sinh pháp thiện, nên tâm ý thanh tịnh. Cho nên, bạch Ca-diếp, thân, khẩu, ý hành của chư Phật Thế Tôn thường tu thanh tịnh.”
Ca-diếp hỏi:
“Thế nào, A-nan, chỉ có Tăng nhất A-hàm mới xuất sinh ba mươi bảy phẩm và các pháp, hay là bốn A-hàm khác cũng xuất sinh?”
A-nan đáp:
“Hãy gác lại điều đó, bạch Ca-diếp. Nghĩa của bốn A-hàm, trong bài kệ đã tóm thâu đầy đủ giáo nghĩa của chư Phật, và giáo nghĩa của Thanh văn, Bích-chi-phật. Sở dĩ như vậy là vì, chớ làm các điều ác, đó là sự cấm chỉ đầy đủ giới, là hành thanh bạch. Vâng làm các điều thiện, đó là tâm ý thanh tịnh. Tự thanh tịnh tâm ý, là trừ tà điên đảo. Đó là lời chư Phật dạy, trừ khử tưởng mê lầm.
“Thế nào, bạch Ca-diếp, giới thanh tịnh, há ý không thanh tịnh sao? Ý thanh tịnh thì không điên đảo. Vì không điên đảo nên tưởng mê hoặc bị diệt, và các quả do ba mươi bảy phẩm đạo mà được thành tựu. Đạo quả đã thành tựu, há đó chẳng phải là các pháp sao?”
Ca-diếp hỏi:
“Thế nào, A-nan, sao đem Tăng nhất này mà trao cho Ưu-đa-la, chứ không trao cho Tỳ-kheo khác, và tất cả ác pháp khác nữa?”
A-nan đáp:
“Tăng nhất A-hàm chính là các pháp, các pháp chính là [551b1] Tăng nhất A-hàm, chỉ là một, không có hai.”
Ca-diếp hỏi:
“Vì những nguyên nhân nào mà đem Tăng nhất A-hàm này trao cho Ưu-đa-la, chứ không trao cho Tỳ-kheo khác?”
A-nan đáp:
“Bạch Ca-diếp, nên biết, chín mươi mốt kiếp trước, Tỳ-bà-thi[14] Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở thế gian, lúc ấy Tỳ-kheo Ưu-đa-la này có tên là Y-câu Ưu-đa-la.[15] Bấy giờ, đức Phật kia đem pháp Tăng nhất trao cho người này, khiến phúng tụng, đọc thuộc. Từ đó cho đến ba mươi mốt kiếp về sau, tiếp theo lại có đức Phật tên là Thức-cật[16] Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác ra đời. Lúc đó Tỳ-kheo Ưu-đa-la này tên là Mục-già Ưu-đa-la,[17] được Như Lai Thức-cật lại đem pháp này trao cho, khiến phúng tụng, đọc thuộc. Rồi trong ba mươi mốt kiếp ấy, Tỳ-xá-bà[18] Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác lại xuất hiện ở thế gian. Lúc đó Tỳ-kheo Ưu-đa-la này tên là Long Ưu-đa-la,[19] lại được trao cho pháp này, khiến phúng tụng, đọc thuộc.
“Bạch Ca-diếp, nên biết, trong Hiền kiếp này có Câu-lưu-tôn[20] Như Lai, Chí chơn Đẳng chánh giác xuất hiện ở thế gian. Lúc đó Tỳ-kheo Ưu-đa la này tên là Điện Lôi Ưu-đa-la,[21] lại được trao cho pháp này, khiến phúng tụng, đọc thuộc. Trong hiền kiếp này, tiếp theo, lại có Phật, hiệu là Câu-na-hàm[22] Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở thế gian. Lúc đó Tỳ-kheo Ưu-đa-la này tên là Thiên Ưu-đa-la.[23] Ngài lại đem pháp này chúc lụy cho người này, khiến phúng tụng, tập đọc. Trong hiền kiếp này, tiếp theo, lại có Phật, hiệu là Ca-diếp Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở thế gian. Lúc đó Tỳ-kheo Ưu-đa-la này tên là Phạm Ưu-đa-la, lại được trao cho pháp này, khiến phúng tụng, đọc thuộc.
“Bạch Ca-diếp, nên biết, nay Thích-ca Văn Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở thế gian. Tỳ-kheo này nay tên là Ưu-đa-la. Phật Thích-ca Văn tuy đã vào Bát-niết-bàn, nhưng Tỳ-kheo A-nan vẫn còn ở thế gian. Thế Tôn đã đem pháp phó chúc hết cho tôi. Nay tôi lại đem pháp này trao lại cho Ưu-đa-la. Vì sao? Hãy xem đồ dùng, xét kỹ nguyên gốc, rồi sau mới trao pháp. Vì sao vậy? Vì vào thời quá khứ, ở trong Hiền kiếp này, đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc[24], Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu[25], Thiên nhân sư, hiệu Phật Thế Tôn[26], xuất hiện ở thế gian. Lúc đó có vua tên Ma-ha Đề-bà[27] [551c1] dùng pháp trị giáo hóa chưa từng bị sai lệch; tuổi thọ rất dài, đoan chánh vô song, ít có trong đời. Trong tám vạn bốn nghìn năm, thân làm đồng tử, tự mình vui chơi. Trong tám vạn bốn nghìn năm, thân làm Thái tử mà trị hóa bằng pháp. Trong tám vạn bốn nghìn năm, lại trị hóa thiên hạ bằng vương pháp.
“Bạch Ca-diếp, nên biết, bấy giờ Thế Tôn trú trong vườn cam lê.[28] Như pháp thường từ xưa, sau khi ăn xong, Ngài kinh hành ở sân trước, tôi làm thị giả. Lúc đó, Thế Tôn cười, miệng phát ra ánh sáng năm sắc. Tôi thấy vậy, liền quỳ trước Thế Tôn, bạch: ‘Phật không cười vô cớ. Con xin được nghe gốc gác ngọn ngành, Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác không cười vô cớ.’ Bấy giờ, bạch Ca-diếp, Phật bảo tôi: ‘Vào thời quá khứ, ở trong Hiền kiếp này, có Như Lai danh hiệu Câu-lưu-tôn, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở thế gian, cũng tại chỗ này thuyết pháp rộng rãi cho các đệ tử. Kế đến, cũng ở trong Hiền kiếp này, lại có Như Lai Câu-na-hàm, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở thế gian. Bấy giờ đức Phật kia cũng tại chỗ này thuyết pháp rộng rãi. Tiếp đến, cũng trong Hiền kiếp này, Như Lai Ca-diếp, Chí chơn, Đẳng chánh giác xuất hiện ở thế gian. Như Lai Ca-diếp cũng tại chỗ này thuyết pháp rộng rãi.’
“Bạch Ca-diếp, lúc ấy tôi quỳ trước đức Phật, bạch rằng: ‘Con nguyện sau này đức Thích-ca Văn Phật cũng tại chỗ này thuyết pháp đầy đủ cho các đệ tử. Chỗ này đã là tòa kim cương của bốn đức Như Lai, hằng không gián đoạn.’
“Bạch Ca-diếp, lúc ấy Thích-ca Văn Phật ngay tại chỗ ngồi ấy bảo tôi: ‘Này A-nan, thủa xưa, tại chỗ này, trong hiền kiếp, có vị vua sinh ra ở đời tên là Ma-ha Đề-bà, (…) cho đến, trong tám vạn bốn nghìn năm dùng vương pháp giáo hóa, lấy đức mà huấn thị. trải qua nhiều năm. Một hôm vua bảo Kiếp-tỉ[29] rằng: ‘Nếu khi nào thấy đầu ta có tóc bạc, hãy báo cho ta.’ Bấy giờ, người kia nghe giáo lệnh của vua, và phải trải qua nhiều năm mới thấy trên đầu vua có tóc bạc xuất hiện, liền quỳ trước vua tâu: ‘Tâu Đại vương, nên biết, trên đầu đã xuất hiện tóc bạc.’ Lúc ấy, vua bảo người kia: ‘Lấy nhíp vàng, nhổ tóc bạc của ta, rồi đặt vào tay ta.’ Người kia vâng lệnh của vua, liền cầm nhíp vàng nhổ tóc bạc. Bấy giờ, Đại vương thấy tóc bạc rồi, liền nói bài kệ này:
[552a1][30]
Hôm nay trên đầu ta
Đã sinh tóc suy hao.
Thiên sứ đã đến rồi.
Nên xuất gia kịp lúc.
“Hiện tại ta đã hưởng phước nhân gian rồi, phải tự nổ lực để có đức lên trời. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y; với lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, lìa bỏ các khổ.
“Bấy giờ, vua Ma-ha Đề-bà bảo thái tử thứ nhất tên là Trường Thọ: ‘Nay con biết không, đầu ta đã sinh tóc bạc! Ý ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, lìa bỏ các khổ. Con hãy nối ngôi ta, dùng pháp mà trị giáo hóa, chớ làm trái lại lời ta dạy mà làm việc phàm phu. Sở dĩ như vậy, là vì nếu có người nào trái lại lời ta, người đó làm việc phàm phu. Kẻ phàm phu thì ở mãi trong ba đường, tám nạn.’
“Bấy giờ, vua Ma-ha Đề-bà đem ngôi vua trao cho thái tử rồi, lại đem của báu ban cho Kiếp-tỉ, rồi đi đến chỗ kia cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, lìa bỏ các khổ; khéo tu phạm hạnh trong tám vạn bốn nghìn năm, thực hành bốn đẳng tâm[31] là từ, bi, hỷ, xả[32]; thân hoại mạng chung sinh lên Phạm thiên.
“Bấy giờ, vua Trường thọ nhớ những lời vua cha dạy, chưa bao giờ tạm quên, dùng pháp mà trị hóa, không để sai lệch; không đầy tuần lễ liền được làm Chuyển luân Thánh vương, bảy báu đầy đủ. Bảy báu đó là: xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, điển tạng báu, điển binh báu. Đó gọi là bảy báu. Lại có một nghìn người con trí tuệ dõng mãnh, thống lãnh bốn phương, hay trừ các khổ. Bấy giờ, vua Trường Thọ, bằng vương pháp như trên, làm bài kệ:
Kính pháp, vâng lời Tôn,
Không quên báo ân xưa.
Lại hay trọng ba nghiệp,
Điều kẻ trí quý trọng.
“Tôi, sau khi quán sát nghĩa này, đem Tăng nhất A-hàm này trao cho Tỳ-kheo Ưu-đa-la. Vì sao? Vì tất cả các pháp đều có nguyên do.”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bảo Ưu-đa-la:
“Thầy trước đây khi làm Chuyển luân Thánh vương không quên lời dạy vua cha. Nay tôi lại đem pháp này phó chúc, mong Thầy không để sai sót chánh giáo, chớ tạo hạnh phàm phu. Nay Thầy nên biết, nếu có ai trái mất thiện giáo của Như Lai, thì sẽ đọa vào trong hàng phàm phu. Vì sao? Vì lúc bấy giờ vua Ma-ha Đề-bà không đến được địa vị giải thoát cứu cánh, chưa giải thoát đến [552b1] nơi an ổn. Tuy được phước hưởng Phạm thiên, nhưng vẫn còn chưa đến được cứu cánh thiện nghiệp của Như Lai; đến đây mới gọi là nơi cứu cánh an ổn, khoái lạc cùng cực, được trời người cung kính, tất được Niết-bàn. Vì vậy cho nên, này Ưu-đa-la, hãy phụng trì pháp này, phúng tụng, đọc, niệm chớ để cho thiếu sót.”
Rồi thì, A-nan liền nói kệ:
Hãy chuyên niệm nơi pháp.
Như Lai từ đây sinh.
Pháp hiện, thành chánh giác,
Đạo Bích-chi, La-hán.
Pháp hay trừ các khổ,
Cũng hay thành quả chắc.
Niệm pháp, tâm không rời;
Hưởng báo nay, đời sau.
Nếu người muốn thành Phật,
Giống như Thích-ca Văn,
Thọ trì pháp ba tạng,
Câu cú không loạn sai.
Ba tạng tuy khó trì,
Nghĩa lý không thể cùng.
Hãy tụng bốn A-hàm,
Cắt đứt đường nhân thiên.
A-hàm tuy khó tụng,
Nghĩa kinh không thể tận.
Chớ để mất giới luật,
Đây là báu Như Lai.
Cấm luật cũng khó trì,
A-hàm cũng như vậy.
Giỏi trì A-tỳ-đàm,
Hàng phục thuật ngoại đạo.
Tuyên dương A-tỳ-đàm,
Nghĩa ấy cũng khó trì.
Hãy tụng ba A-hàm,
Không mất câu cú kinh.
Khế kinh, A-tỳ-đàm,
Giới luật, truyền khắp đời;
Trời người được phụng hành,
Liền sinh nơi an ổn.
Ví không pháp Khế kinh,
Cũng lại không giới luật;
Như mù vào trong tối,
Bao giờ mới thấy sáng?
Vì vậy phó chúc Thầy,
Cùng với bốn bộ chúng;
Hãy trì, chớ khinh mạn,
Trước Phật Thích-ca Văn.
Khi Tôn giả A-nan nói những lời này, trời đất sáu lần rung động. Chư Thiên tôn thần ở giữa hư không, tay cầm hoa trời rải lên người Tôn giả A-nan cùng chúng bốn bộ. Tất cả Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Càn-đạp-hòa, A-tu-la, Ca-lưu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già v.v... đều hoan hỷ [552c1] và tán thán:
“Lành thay, lành thay, Tôn giả A-nan. Những lời nói mà khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối, không có điều nào là không khéo léo. Hãy cung kính Pháp, thật đúng như lời. Chư thiên và người đời không ai không do Pháp mà thành tựu. Nếu ai làm ác sẽ đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.”
Lúc bấy giờ, Tôn giả A-nan, ở giữa bốn bộ chúng, cất tiếng rống của sư tử, khuyên tất cả mọi người phụng hành pháp này.
Bấy giờ, ngay tại chỗ, ba vạn Trời Người được mắt pháp thanh tịnh.
Bấy giờ, bốn bộ chúng, chư Thiên, Người đời, nghe Tôn giả thuyết xong, hoan hỷ phụng hành.
Đoạn chép phụ cuối quyển 1 trong để bản, gồm 299 chữ (Hán). So sánh đoạn văn [552a1] ở trên.
Hôm nay trên đầu ta
Đã sinh tóc suy hao.
Thiên sứ đã đến rồi.
Nên xuất gia kịp lúc.
“Hiện tại ta đã hưởng phước nhân gian rồi, phải tự nổ lực để có đức lên trời. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y; với lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, lìa bỏ các khổ.
“Bấy giờ, vua Trường Thọ bảo thái tử thứ nhất tên là Thiện Quán: ‘Nay, con biết không! Đầu ta đã sinh tóc bạc. Ý ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, lìa bỏ các khổ. Con hãy nối ngôi ta, dùng pháp mà trị giáo hóa, chớ làm trái lại lời ta dạy mà làm việc phàm phu. Sở dĩ như vậy, là vì nếu có người nào trái lại lời ta, người đó làm việc phàm phu. Kẻ phàm phu thì ở mãi trong ba đường, tám nạn.’
“Bấy giờ, vua Ma-ha Đề-bà đem ngôi vua trao cho thái tử rồi, lại đem của báu ban cho Kiếp-tỉ, rồi tại nơi khác cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, lìa bỏ các khổ; khéo tu phạm hạnh trong tám vạn bốn nghìn năm, thực hành bốn đẳng tâm là từ, bi, hỷ, xả; thân hoại mạng chung sinh lên Phạm thiên.
“Bấy giờ, vua Thiện Quán nhớ những lời vua cha dạy, chưa bao giờ tạm quên, dùng pháp mà trị hóa, không để sai lệch. Bạch Ca-diếp, ngài biết không, Ma-ha-đề-bà bấy giờ há là ai khác chăng? Chớ có quan sát như vậy. Vua bấy giờ là đức Thích-ca Văn nay vậy. Trường Thọ vương khi đó bây giờ là thân A-nan vậy. Thiện Quán khi ấy, nay là Tỳ-kheo Ưu-đa-la vậy, hằng thọ vương pháp chưa từng bỏ quen, cũng không đẻ bị cắt đứt. Bấy giờ, vua Thiện Quán lại tuân hành sắc chỉ của vua cha, bằng pháp mà trị hóa, không làm đứt vương giáo. Sở dĩ như vậy, vì khó có thể làm trái giáo huấn của vua cha.
Bấy giờ Tôn giả A-nan bèn nói kệ: trở lại văn bản trên.
2. PHẨM THẬP NIỆM
KINH SỐ 1
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Phật.[2] Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Pháp.[3] Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Chúng.[4] Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả [553a1] Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Giới.[5] Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Thí.[6] Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Thiên.[7] Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu hành một pháp. Hãy [553b1] quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm hưu tức.[8] Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm an-ban.[9] Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm thân vô thường.[10] Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm sự chết.[11] Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Bấy [553c1] giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt
Niệm Phật, Pháp, Thánh chúng,
Niệm giới, thí và thiên,
Niệm hưu tức, an-ban,
Niệm thân, chết cuối cùng.[12]


Chú thích:
[1] Năng Nhân Đệ Thất Tiên 能仁第七仙, Phật Thích-ca Mâu-ni (Pāli: Sakka-muni) được gọi là vị Tiên thứ bảy (isi-sattama). Vị thứ nhất là Phật Ti-fbà-thi (Pāli: Vipassin). Xem Trường, No 1(1); Pāli, D.14. Mahāpadāna.
[2] Hán: quỹ 軌; dịch nghĩa khác của pháp; Pāli dhamma.
[3] Câu-di 拘夷; xem rương No 1(2): Câu-thi, hay Câu-thi-na-kiệt拘 尸 那 竭. Pl.: Kusinagara, nơi Phật nhập Niết-bàn.
[4] Hán: tứ đẳng 四等, hay tứ đẳng tâm, tức bốn vô lượng tâm (Pāli:cattasso appamaññayo).
[5] Phật nhường cho Đại Ca-diếp nửa chỗ ngồi: xem Tạp 41 (tr. 302a2).
[6] Nguyên Hán: Tam-phật 三佛, phiên âm Skt. Pāli: Sambuddha, Phật chánh giác. Cũng có thể hiểu là ba Phật quá khứ: Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm Mâu-ni, Ca-diệp.
[7] Đàn độ 檀度, tức đàn ba-la-mật, hay bố thí ba-la-mật (Skt. Pl.: dāna-pāramitā).
[8] Phát đạo ý: phát bồ-đề tâm.
[9] Câu-lân 拘鄰: Kiều-trần-như. Pāli: Koṇḍañña.
[10] Tu-bạt 須拔. Pl.: Subhadaparibbājaka, ngoại đạo xuất gia Subhada. Vịđệ tử cuối cùng. Xem Trường, No 1(2).
[11] Đàn-đạp-hòa; Pāli: gandhabba (Skt. gandharva), thần âm nhạc của Đế Thích; thường quen với phiên âm càn thát-bà hơn.
[12] Ưu-đa-la 優多羅. xem phẩm 4. Đệ tử. Có thể đồng nhất với Pāli: Uttara, đệ tử và thị giả của ngài Xá-lợi-phất.
[13] Tam thập thất đạo phẩm: 37 phần bồ-đề, giác phần. Pāli: bodhipakkhiyā dhammā.
[14] Tỳ-bà-thi 毘婆尸, xem Trường No 1(1). Pl.: Vipassin.
[15] Y-câu Ưu-đa-la 伊俱優多羅.
[16] Thức-cật 式詰; xem Trường No 1(1): Thi-khí 尸 棄. Pl.: Sikkhin.
[17] Mục-già Ưu-đa-la目伽優多羅.
[18] Tỳ-xá-bà 毗 舍 婆. No 2: Tỳ-xá-phù 毗 舍 浮. No 4: Tùy-diệp 隨葉. Pl.. Vessabhū. Xem Trường No 1(1).
[19] Long Ưu-đa-la 龍優多羅.
[20] Câu-lâu-tôn hay 拘 樓 孫. No 2: Câu-lưu-tôn 俱留孫. No 4: Câu-lâu-tần 拘樓秦. Pl.: Kakusandha. Xem Trường No 1(1).
[21] Điện Lôi Ưu-đa-la 雷電優多羅.
[22] Câu-na-hàm 拘 那 含. No 2: Câu-na-hàm Mâu-ni 俱那含牟尼. No 4: Câu-na-hàm Mâu-ni 拘那[04]含牟尼. Pl. Konāgamana. Xem Trường No 1(1).
[23] Thiên Ưu-đa-la 天優多羅.
[24] Nguyên trong bản: Minh Hành thành vi明行成為.
[25] Nguyên trong bản: Đaoh pháp ngự 道法御.
[26] Nguyên trong bản: Chúng hựu 眾祐.
[27] Ma-ha-đề-bà 摩訶提婆. Xem Trung No 26(67): Đại thiên nại lâm. Pāli: Makkhādeva.
[28] Cam lê viên 甘梨園. Đây chỉ khu vườn xoài tại Di-tát-la (Pāli: Mithilā). Xem Trung No 26(67): Đại thiên nại lâm大天柰林. Pāli: Makkhādeva-ambavana.
[29] Kiếp-tỉ 劫比. Có lẽ là người hớt tóc (nāpita?).
[30] Từ đây trở xuống cho đến bài kệ tiếp theo, xem phần chép thêm của để bản, cuối quyển 1, đoạn cuối Phẩm Tựa này.
[31] Tứ đẳng tâm 四等心, tức tứ vô lương tâm.
[32] Nguyên Hán: hộ 護, một cách hiểu khác từ Skt. upekṣā (Pal. upekkā).
[1] Pāli tương đương, A. 1.16 Ekadhamma. Cf. Quang tán Bát-nhã 7, T8n222, tr.195a12
[2] Pāli: buddhānussati.
[3] Pāli: dhammānussati.
[4] Pāli: Saṅghānussati.
[5] Pāli: sīlānussati.
[6] Pāli: cāgānussati.
[7] Pāli: devānussati.
[8] Pāli: upasamānussati, niệm tịch tĩnh (của Niết-bàn).
[9] Pāli: anāpānasati, niệm hơi thở ra vào.
[10] Pāli: kāyagatāsati, niệm thân hành.
[11] Pāli: maraṇassati.
[12] Bản Hán, hết quyển 1.

« Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nắng mới bên thềm xuân


Vua Là Phật, Phật Là Vua


Sống đẹp giữa dòng đời


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.220.43.27 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập