Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Không thể lấy hận thù để diệt trừ thù hận. Kinh Pháp cú
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 21 »»

Tăng Nhất A Hàm Kinh [增壹阿含經] »» Bản Việt dịch quyển số 21

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.37 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.49 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Tăng Nhất A Hàm

Kinh này có 51 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
Quyển đầu... ... 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 |
Việt dịch: Thích Đức Thắng

Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Font chữ:

29. PHẨM KHỔ LẠC
KINH SỐ 1
Nghe như vậy:
Một thời, đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
«Nay có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn? Hoặc có người trước khổ, sau vui; hoặc có người trước vui sau khổ; hoặc có người trước khổ sau khổ; hoặc có người trước vui, sau vui.
«Thế nào là người trước khổ sau vui? Hoặc có một người sinh nhà ti tiện, hoặc dòng sát nhân[170], hoặc giới thợ thuyền, hoặc sinh nhà tà đạo, cùng các giới bần khổ khác, áo cơm không đủ. Tuy họ sinh vào những nhà đó, nhưng người kia lại không có tà kiến, thấy rằng ‘Có bố thí, có người nhận, có đời này, có đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn, có cha, có mẹ, đời có A-la-hán, người lãnh thọ giáo pháp, cũng có quả báo thiện ác.’ Nếu thấy có nhà nào rất giàu, thì họ biết đó nhờ báo đức bố thí, báo không phóng dật ngày xưa. Hoặc họ lại thấy nhà không áo cơm, biết những người này không tạo đức bố thí thường gặp bần tiện. ‘Nay ta lại gặp bần tiện, không có áo cơm, đều do ngày xưa không tạo phước, mê hoặc người đời, hành pháp phóng dật. Duyên báo ác hạnh này, nay gặp nghèo hèn áo cơm không đủ.’ Khi thấy Sa-môn, Bà-la-môn tu pháp thiện, người ấy liền hướng về sám hối, sửa đổi những việc làm xưa. Nếu có của dư, đem chia cho người. Người này sau khi qua đời sinh về xứ thiện, lên trời. Nếu sinh cõi người thì lắm tiền nhiều của báu, không thiếu hụt. Hạng người này gọi là trước khổ sau vui.
«Hạng người nào trước vui sau khổ? Ở đây, hoặc có một người sinh vào nhà hào tộc, hoặc dòng sát-lợi, hoặc dòng trưởng giả, hoặc nhà dòng họ lớn; hoặc sinh vào các nhà giàu sang, áo cơm đầy đủ. Nhưng người đó thường ôm lòng tà kiến tương ưng cùng biên kiến. Họ thấy như vầy, ‘Không có bố thí, không có người nhận, cũng không có báo đời này đời sau, cũng không có cha mẹ, đời không có [655b01] A-la-hán, cũng không có người tác chứng, lại cũng không có báo thiện ác.’ Người đó có những tà kiến như vậy. Khi thấy nhà giàu sang, họ nghĩ, ‘Người này lâu nay vẫn có của báu này; người nam đã lâu vẫn là người nam, người nữ đã lâu vẫn là người nữ, súc sanh đã lâu vẫn là súc sanh.› Người ấy không thích bố thí, không giữ giới luật. Khi thấy sa-môn, bà-la-môn vâng giữ giới, người này nổi sân nhuế nghĩ, ‘Người ấy hư nguỵ, nơi nào sẽ có phước báo ứng?’ Người này sau khi qua đời sinh vào trong địa ngục. Nếu được làm người thì sinh vào nhà bần cùng, không có áo cơm, thân thể loã lồ, cơm áo thiếu thốn. Hạng người này gọi là trước vui sau khổ.
«Hạng người nào trước khổ sau khổ? Ở đây, có người sinh vào gia đình bần tiện, hoặc dòng sát nhân*, hoặc giới thợ thuyền; hoặc sinh vào những gia đình hạ liệt, không có áo cơm. Nhưng người này thân ôm tà kiến, cùng tương ưng với biên kiến, nên họ thấy như vầy, ‘Không bố thí, không có người nhận, cũng không có báo thiện ác đời này đời sau, cũng không có cha mẹ, đời không A-la-hán.’ Người ấy không thích bố thí, không vâng giữ giới. Khi thấy sa-môn, bà-la-môn, người ấy liền nổi sân nhuế đối với các bậc Hiền thánh. Người này thấy người nghèo thì cho rằng đã vậy từ lâu; thấy người giàu thì cho rằng đã vậy từ lâu; thấy cha, xưa đã là cha; thấy mẹ, xưa đã là mẹ. Người này sau khi qua đời sinh vào trong địa ngục. Nếu sinh cõi người thì rất là nghèo hèn, áo cơm không đủ. Hạng người này gọi là trước khổ sau khổ.
«Thế nào là hạng người trước vui sau vui? Ở đây, hoặc có một người sinh vào nhà giàu sang, hoặc dòng sát-lợi, hoặc dòng bà-la-môn, hoặc sinh vào dòng quốc vương, hoặc sinh dòng trưởng giả, cùng sinh vào gia đình lắm tiền nhiều của. Nơi sinh ra không bị thiếu hụt. Người này sinh vào những nhà như vậy, nhưng người này lại có chánh kiến không có tà kiến. Họ có cái thấy này: ‹Có bố thí, có người nhận, có đời này đời sau, đời có sa-môn, bà-la-môn, cũng có báo thiện ác, có cha có mẹ, đời có A-la-hán.’ Người này khi thấy gia đình giàu sang lắm tiền nhiều của, liền nghĩ thầm, ‘Người này có được là nhờ ngày xưa bố thí.’ Hoặc lại thấy nhà nghèo hèn thì nghĩ, ‘Người này trước kia do không bố thí. Nay ta nên tuỳ thời bố thí, [655c01] chớ để sau này sinh nhà nghèo hèn.’ Vì vậy nên người này thường thích bố thí cho người. Người này nếu thấy sa-môn đạo sĩ thì tuỳ thời thăm hỏi sức khỏe, cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh; thảy đều bố thí hết. Nếu sau khi mạng chung tất sinh xứ thiện lên trời. Nếu cõi người tất sinh vào nhà giàu sang, lắm tiền nhiều của. Hạng người này gọi là trước vui sau vui.»
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
«Con thấy chúng sanh đời này trước khổ sau vui; hoặc ở đời này có chúng sanh trước vui sau khổ; hoặc ở đời này có chúng sanh trước khổ sau khổ; hoặc có chúng sanh trước vui sau vui.»
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:
«Có nhân duyên này, khiến loài chúng sanh trước khổ sau vui; lại cũng có chúng sanh này trước vui sau khổ; lại cũng có chúng sanh này trước khổ sau khổ; lại cũng có chúng sanh này trước vui sau vui.»
Tỳ-kheo bạch Phật:
«Lại vì nhân duyên gì trước vui sau khổ? Lại vì nhân duyên gì trước khổ sau vui? Lại vì nhân duyên gì trước khổ sau khổ? Lại vì nhân duyên gì trước vui sau vui?»
Thế Tôn bảo:
«Tỳ-kheo nên biết, nếu người sống trăm tuổi. Giả sử đúng mười lần mười như vậy, người ấy sống thọ hết đông, hạ, xuân, thu. Này Tỳ kheo, người ấy trong một trăm năm tạo các công đức, rồi một trăm năm tạo các ác nghiệp, tạo các tà kiến. Một thời gian sau, người ấy mùa đông được vui, mùa hạ chịu khổ. Nếu trăm năm công đức đầy đủ chưa từng bị thiếu; rồi ở trong vòng trăm năm nữa, người ấy tạo các tà kiến, tạo hạnh bất thiện; nó trước chịu tội kia, sau thọ phước nọ.
“Nếu lúc nhỏ làm phước, lúc lớn gây tội, thì đời sau lúc nhỏ hưởng phức, lúc lớn chịu tội.
“Nếu lúc nhỏ tạo tội, lớn lên cũng tạo tội, thì người ấy khi đời sau trước khổ sau cũng khổ.
“Nếu lại lúc nhỏ tạo các công đức, bố thí phân-đàn,[171] (lớn lên cũng tạo các công đức cũng bố thí phân đàn)[172], thì đời sau người ấy trước vui sau cũng vui.
“Này chư Tỳ-kheo, đó gọi là vì nhân duyên này trước khổ mà sau vui, cũng do nhân duyên này trước vui mà sau khổ, cũng do nhân duyên này trước khổ sau cũng khổ, cũng do nhân duyên này trước vui sau cũng vui.”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Quả vậy,[173] bạch Thế Tôn, nếu có chúng sanh nào muốn trước vui mà [656a1] sau cũng vui thì nên hành bố thí để cầu trước vui sau cũng vui.”
Thế Tôn bảo:
“Thật vậy, Tỳ-kheo, như những lời ông nói. Nếu có chúng sanh nào muốn thành tựu Niết-bàn, và đạo A-la-hán cho đến Phật quả thì ở trong đó phải hành bố thí, tạo công đức.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Những gì là bốn? Hoặc có người thân vui tâm không vui; hoặc có người tâm vui thân không vui; hoặc có người tâm cũng không vui, thân cũng không vui; hoặc có người thân cũng vui tâm cũng vui.
“Những người nào thân vui tâm không vui? Ở đây, người phàm phu tạo phước, đối với bốn sự cúng dường như y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh, không gì thiếu thốn; nhưng không thoát các đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, cũng lại không thoát khỏi trong ác thú. Đây gọi là người thân vui tâm không vui.
“Những người nào tâm vui thân không vui? Chỉ những vị A-la-hán không tạo công đức. Ở đây, trong bốn sự cúng dường, tự mình không thể tự lo xong, không bao giờ có được. Chỉ thoát khỏi các đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Giống như Tỳ-kheo La-hán Duy Dụ.[174] Đó gọi là người này tâm vui thân không vui.
“Những người nào thân cũng không vui, tâm cũng không vui? Là người phàm phu không tạo công đức, không thể có được bốn sự cúng dường như y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh, lại không thoát khỏi các đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Đó gọi là người này thân cũng không vui, tâm cũng không vui.
“Những người nào thân cũng vui, tâm cũng vui? Chỉ cho các A-la-hán tạo công đức, bốn sự cúng dường không gì thiếu thốn như y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, thuốc men trị bệnh. Lại thoát khỏi các đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Đó chính là Tỳ-kheo Thi-ba-la[175].
“Này Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian có bốn hạng người này. Cho nên Tỳ-kheo nên cầu phương tiện, như Tỳ-kheo Thi-ba-la.
“Các Tỳ-kheo hãy học những điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ.
[656a29] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về bốn phước của Phạm thiên.[176] Sao gọi là bốn? Thiện nam tử, thiện nữ nhân nơi chưa dựng tháp[177], ở nơi đó mà xây tháp. Đó gọi là phước thứ nhất của Phạm thiên. Lại nữa, thiện nam tử, thiện nữ nhân tu sửa chùa cũ. Đó gọi là phước thứ hai của Phạm thiên. Lại nữa, thiện nam tử, thiện nữ nhân tạo sự hòa hợp Thánh chúng. Đó gọi là phước thứ ba của Phạm thiên. Lại nữa, khi Như Lai[178] sắp chuyển pháp luân, chư thiên, người đời khuyến thỉnh chuyển pháp luân. Đó gọi là phước thứ tư của Phạm thiên. Đó gọi là bốn phước của Phạm thiên.”
Lúc bấy giờ, có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng:
“Phước của Phạm thiên rốt ráo là nhiều hay ít?”
Thế Tôn bảo:
“Lắng nghe, lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, nay Ta sẽ nói.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Kính vâng.”
Thế Tôn bảo:
“Cõi Diêm-phù-đề[179] từ Đông Tây, bảy ngàn do tuần, Nam Bắc hai vạn một ngàn do tuần, địa hình giống như chiếc xe. Ở trong đó, công đức có được của chúng sanh cũng bằng công đức của một vị Chuyển luân Thánh vương.
“Lại có cõi tên Cù-da-ni dọc ngang ba mươi hai vạn dặm, địa hình như nửa mặt trăng. Các Tỳ-kheo nên biết, công đức của nhân dân trong cõi Diêm-phù-đề và một Chuyển luân Thánh vương so với người ở đó thì chỉ bằng phước của một người thôi.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, Phất-vu-đãi dọc ngang ba mươi sáu vạn dặm, địa hình vuông vức. Nếu tính phước của hai cõi Diêm-phù-đề và Cù-da-ni thì không bằng phước của một người cõi Phất-vu-đãi này.
“Tỳ-kheo nên biết, Uất-đơn-viết, dọc ngang bốn mươi vạn dặm, địa hình giống như mặt trăng tròn. Nếu tính phước của nhân dân trong ba cõi trên thì cũng không bằng phước của một người ở cõi Uất-đơn-viết.
“Tỳ-kheo nên biết, nếu tính phước của nhân dân bốn thiên hạ, không bằng đức của Tứ thiên vương. Nếu tính phước nhân dân bốn thiên hạ cùng cõi Tứ thiên vương thì cũng không bằng phước của cõi Tam thập tam thiên. Nếu tính phước của bốn thiên hạ, Tứ thiên vương, cùng Tam thập tam thiên, cũng không bằng phước của một vị Thích Đề-hoàn Nhân. Nếu tính phước của bốn thiên hạ, Tứ thiên vương, Tam thập tam cùng Thích Đề-hoàn Nhân, cũng không bằng phước một Diễm thiên. Nếu tính phước bốn thiên hạ, Tứ thiên vương, Tam thập tam, Thích Đề-hoàn Nhân cùng Diễm thiên thì cũng không bằng phước trời Đâu-suất. Nếu tính phước bốn thiên hạ … cho đến phước trời Đâu-suất thì cũng không bằng phước trời Hóa tự tại. [656c01] Nếu tính phước bốn thiên hạ, cho đến trời Hóa tự tại cũng chẳng bằng phước trời Tha hóa tự tại. Nếu tính phước từ bốn thiên hạ cho đến cõi trời Tha hóa tự tại cũng chẳng bằng phước đức của Phạm thiên vương.
“Tỳ-kheo nên biết, phước của Phạm thiên như vậy. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào cầu phước đó, theo đây mà suy lường. Cho nên, này Tỳ-kheo, muốn cầu phước Phạm thiên, nên tìm cầu phương tiện để thành tựu công đức này.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh có bốn loại thức ăn nuôi lớn chúng sanh.[180] Những gì là bốn? Đó là đoàn thực, hoặc lớn hay nhỏ; xúc thực[181], niệm thực và thức thực. Đây là bốn loại thức ăn.
“Sao gọi là đoàn thực? Đoàn thực là như những thức ăn của người hiện nay, vật để đưa vào miệng có thể ăn. Đó gọi là đoàn thực.
“Sao gọi là xúc thực*? Xúc thực là chỉ cho y phục, lọng dù, hương hoa, sưởi lửa, dầu thơm hay sự tụ hội với phụ nữ, và những thứ khác được xúc chạm[182] bởi thân thể. Đó gọi là xúc thực.
“Sao gọi là niệm thực? Tất cả những niệm tưởng, những gì được niệm tưởng, được tư duy trong ý, những gì được nói bởi miệng, hoặc được xúc bởi thân, cùng những pháp được ghi nhớ. Đó gọi là niệm thực.
“Sao gọi là thức thực? Những gì được niệm tưởng bởi thức, được nhận biết bởi ý, từ Phạm thiên làm đầu cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng, dùng thức làm thức ăn. Đó gọi là thức thực.
“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn loại thức ăn này. Chúng sanh do bốn loại thức ăn này mà lưu chuyển trong sanh tử, từ đời này sang đời khác. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy xả ly bốn loại thức ăn này.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại biện tài.[183] Những gì là bốn? Đó là nghĩa biện, pháp biện, từ biện và ứng biện.
“Sao gọi là nghĩa biện? Nghĩa biện là những điều nói ra của người này hay người kia, hoặc những điều nói ra từ trời, rồng, quỷ thần, [657a01] đều có thể phân biệt ý nghĩa của chúng. Đó gọi là nghĩa biện.
“Sao gọi là pháp biện? Mười hai bộ kinh mà Như Lai nói ra bao gồm: Khế kinh, Kỳ dạ, Phúng tụng, Nhân duyên, Thọ ký, Thí dụ, Bổn sanh, Bổn sự, Tự thuyết, Phương đẳng, Hiệp tập, Vị tằng hữu, cùng các pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, các pháp ấy thật không thể biến hoại, được tổng trì. Đó gọi là pháp biện.
“Sao gọi là từ biện?[184] Như ở trước chúng sanh, lời nói dài hay ngắn,[185] lời nói nam hay nữ,[186] lời Phật, lời bà-la-môn, thiên long, quỷ thần; những lời được nói bởi A-tu-la, Ca-lưu-la, Chân-đà-la nói cho họ;[187] tùy theo căn nguyên của họ mà vì họ thuyết pháp. Đó gọi là từ biện.
“Sao gọi là ứng biện? Trong lúc thuyết pháp không có khiếp nhược, không có sợ hãi, hay khiến cho chúng bốn bộ hòa vui. Đó gọi là ứng biện.
“Nay Ta sẽ bảo các ngươi, phải như ông Ma-ha Câu-hy-la.[188] Vì sao vậy? Vì Câu-hy-la có đủ bốn biện tài này, hay vì chúng bốn bộ mà rộng phân biệt giảng nói. Như hôm nay, Ta thấy trong các chúng, được bốn biện tài không có ai hơn được Câu-hy-la, như Như Lai có được bốn biện tài này. Này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thành tự bốn biện tài này.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn sự trọn không thể nghĩ bàn. Những gì là bốn? Chúng sanh không thể nghĩ bàn, thế giới không thể nghĩ bàn, quốc độ của loài rồng không thể nghĩ bàn và, cảnh giới Phật không thể nghĩ bàn.[189] Vì sao vậy? Vì không do nơi này đưa đến tận diệt Niết-bàn.
“Vì sao chúng sanh không thể nghĩ bàn? Các chúng sanh này từ đâu đến? Đi về đâu? Lại từ đâu sinh khởi? Chết ở đây sẽ sinh về đâu? Chúng sinh không thể nghĩ bàn là như vậy.
“Vì sao thế giới không thể nghĩ bàn? Những người có tà kiến hoặc cho rằng thế giới đoạn diệt, thế giới chẳng đoạn diệt; thế giới hữu biên, thế giới vô biên; mạng tức là thân, mạng chẳng phải là thân; thế giới này do Phạm thiên tạo ra, hay các đại quỉ thần tạo ra?”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
[657b01]Phạm Thiên tạo nhân dân?
Quỉ thần tạo thế gian?
Hay thế gian tạo ra quỷ?
Lời này ai sẽ định?
Bị dục sân trói buộc,
Cả ba đều đồng đẳng.
Tâm không được tự tại,
Thế tục có tai biến.
“Này Tỳ-kheo, thế gian không thể nghĩ bàn là như vậy.
“Vì sao cảnh giới rồng không thể nghĩ bàn? Mưa này là từ miệng rồng phun ra hay sao? Vì sao vậy? Vì những hạt nước mưa chẳng phải từ miệng rồng phun ra vậy. Vậy thì từ mắt, tai, mũi của rồng mà ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì hạt nước mưa không phải là từ mắt, tai, mũi của rồng phun ra mà chỉ là những gì được niệm tưởng trong ý rồng. Nếu niệm ác, cũng mưa; hay niệm thiện, cũng mưa. Do bản hành mà tạo mưa này. Sở dĩ như vậy, nay trong bụng núi Tu-di lại có trời tên là Đại Lực, biết được những ý nghĩ của tâm chúng sanh, cũng có thể tạo mưa. Nhưng mưa không ra từ miệng trời kia, hay ra từ mắt, tai, mũi mà đều do trời kia có thần lực nên có thể làm mưa. Cũng vậy, Tỳ-kheo, cảnh giới rồng không thể nghĩ bàn.
“Vì sao cảnh giới Phật quốc không thể nghĩ bàn? Thân Như Lai là do cha mẹ tạo ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai hấp thụ các khí trời, thanh tịnh không cấu uế. Là do người tạo ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì vượt qua hành động con người. Thân Như Lai là thân Trời[190] chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai không thể tạo tác, chẳng phải chỗ chư thiên với tới. Thọ mạng Như Lai là ngắn chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai có bốn thần túc. Như Lai là trường thọ chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai xoay vần cùng khắp thế gian, cùng tương ưng với các phương tiện thiện xảo, nên thân của Như Lai không thể suy lường, không thể nói cao nói thấp, âm thanh cũng không thể định chuẩn Phạm âm Như Lai. Trí tuệ biện tài của Như Lai không thể nghĩ bàn, chẳng phải là chỗ nhân dân sánh bằng. Cảnh giới của Phật không thể nghĩ bàn như vậy.
“Như vậy, Tỳ-kheo, có bốn trường hợp này không thể nghĩ bàn, chẳng phải là chỗ người thường nghĩ bàn. Nhưng bốn sự này không có gốc rễ thiện, cũng chẳng do đây mà được tu phạm hạnh, không đưa đến được chốn an chỉ,[191] [657c01] cho đến không đạt đến chỗ Niết-bàn. Chỉ khiến người tâm cuồng mê, ý thác lọan, khởi các nghi kết. Vì sao vậy?
Các Tỳ-kheo nên biết, thuở quá khứ lâu xa, trong thành Xá-vệ này có một người bình thường suy nghĩ như vầy, ‘Nay ta phải tư duy về thế giới.’ Rồi người kia ra khỏi thành Xá-vệ, ở cạnh một hồ sen, ngồi kiết già tư duy về thế giới: ‘Thế giới này thành thế nào? Hoại thế nào? Ai tạo thế giới này? Chúng sanh này từ đâu đến? Từ đâu xuất hiện? Sinh lúc nào?’ Khi người kia đang trầm tư, ngay lúc đó nó thấy trong ao nước có bốn binh chủng ra vào, nó nghĩ thầm, ‘Nay ta tâm cuồng mê, ý thác loạn, điều mà thế gian không có, nay ta thấy có.’ Người kia bèn trở vào thành Xá-vệ, đi trong một ngõ đường nói rằng, ‘Các hiền giả nên biết, điều mà thế giới là không nay tôi thấy có.’
“Bấy giờ, số đông người hỏi người kia, ‘Điều mà thế giới không có nay ông thấy nó, là thế nào?’ Người kia trả lời mọi người: ‘Vừa qua, để tư duy rằng thế giới sinh từ đâu, tôi ra khỏi thành Xá-vệ, ở bên ao sen, trầm tư rằng thế giới từ đâu đến? Ai tạo ra thế giới này? Các loài chúng sanh này từ đâu đến? Do ai đã sanh ra? Khi mệnh chung, sẽ sanh về chỗ nào? Lúc tôi đang suy nghĩ, ngay lúc đó tôi thấy trong ao nước có bốn binh chủng ra vào. Điều mà thế giới không có nay tôi thấy có.’
“Khi ấy, mọi người bảo người kia, ‘Như ông thì thật cuồng ngu. Trong ao nước làm sao có thể có bốn binh chủng. Những người cuồng mê trong thế gian, ông là tối thượng.’
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, Ta đã từng quán sát nghĩa này rồi cho nên bảo các ngươi vậy. Vì sao vậy? Vì đây chẳng là công đức của gốc thiện, không khiến tu phạm hạnh được, cũng lại dẫn đến được Niết-bàn xứ. Nhưng suy gẫm điều này, thời khiến con người tâm cuồng, ý thác loạn. Song, các Tỳ-kheo nên biết, người kia thật đã thấy bốn binh chủng. Vì sao vậy? Vì xưa kia chư Thiên và A-tu-la đánh nhau. Lúc đang đánh nhau, chư Thiên đắc thắng, A-tu-la thua trận. Khi ấy, A-tu-la cảm thấy lo sợ, nên hóa thân cực nhỏ chui vào lỗ ngó sen, mắt Phật mới thấy được, ngoài ra chẳng có ai khác thấy đến.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tư duy bốn đế. Vì sao vậy? Vì [658a01] bốn đế này có nghĩa, có lý, khiến tu phạm hạnh được, hành pháp Sa-môn, đến được Niết-bàn. Vì vậy, các Tỳ-kheo, hãy xả ly các pháp của thế gian này, nên tìm cầu phương tiện tư duy bốn đế.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn thứ thần túc.[192] Sao gọi là bốn? Đó là tự tại tam-muội hành tận thần túc, tâm tam-muội hành tận thần túc, tinh tấn tam-muội hành tận thần túc và, giới tam-muội hành tận thần túc.
“Sao gọi là tự tại tam-muội hành tận thần túc[193]? Nghĩa là những ai có tam-muội mà tự tại đối với những gì ý muốn, tâm ưa thích, khiến thân thể nhẹ nhàng, có thể ẩn thân cực nhỏ. Đó gọi là thần túc thứ nhất.
“Sao gọi là tâm tam-muội hành tận thần túc[194]? Nghĩa là tâm biết pháp phổ biến khắp mười phương, vách đá đều vượt qua không gì trở ngại. Đó gọi là tâm tam-muội hành tận thần túc.
“Sao gọi là tinh tấn tam-muội hành tận thần túc[195]? Nghĩa là tam-muội này không có lười mỏi, cũng không sợ hãi, có ý dõng mãnh. Đó gọi là tinh tấn tam-muội hành tận thần túc.
“Sao gọi là giới tam-muội hành tận thần túc[196]? Những ai có tam-muội này biết những ý nghĩ trong tâm chúng sanh, lúc sanh lúc diệt, thảy đều biết cả; có tâm dục hay không có tâm dục, có tâm sân nhuế hay không có tâm sân nhuế, có tâm ngu si hay không có tâm ngu si, có tâm ganh ghét hay không có tâm ganh nghét, có tâm loạn hay không tâm loạn, có tâm hẹp hòi hay không có tâm hẹp hòi, có tâm rộng lớn hay không có tâm rộng lớn, có tâm hạn lượng hay không tâm hạn lượng, có tâm định hay không tâm định, có tâm giải thoát hay không tâm giải thoát, tất cả đều biết rõ. Đó gọi là giới tam-muội hành tận thần túc.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, có bốn loại thần túc, nếu muốn biết những ý nghĩ trong tâm của tất cả chúng sanh, hãy tu hành bốn thần túc này.
“Các Tỳ-kheo hãy học những điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn pháp sinh khởi ái.[197] Khi Tỳ-kheo sinh khởi ái, nó liền khởi. Sao gọi là bốn? Tỳ-kheo do duyên y phục [658b01] nên có ái sinh khởi; do khất thực nên có ái sinh khởi; do chỗ nằm ngồi nên có ái sinh khởi; do thuốc men nên có ái sinh khởi. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp này sinh khởi ái, có chỗ nhiễm đắm.
“Nếu trong đây Tỳ-kheo đắm trước y phục, Ta không nói người này. Vì sao vậy? Vì khi chưa được y, người ấy liền khởi sân nhuế, khởi tưởng niệm đắm trước.
“Ở đó Tỳ-kheo đắm trước thức ăn, Ta cũng không nói người này. Vì sao vậy? Vì khi chưa khất thực được, người ấy liền khởi sân nhuế, khởi tưởng niệm đắm trước.
“Ở đó Tỳ-kheo đắm trước chỗ nằm ngồi, Ta cũng không nói người này. Vì sao vậy? Vì khi chưa được giường chiếu, người ấy liền khởi sân nhuế, khởi tưởng niệm đắm trước.
“Ở đó Tỳ-kheo đắm trước thuốc men, Ta cũng không nói người này. Vì sao vậy? Vì khi chưa được thuốc men, người ấy liền khởi sân nhuế, khởi tưởng niệm đắm trước.
“Tỳ-kheo nên biết, nay Ta sẽ nói hai việc về y phục: đáng thân cận, và không nên thân cận.
“Sao gọi là đáng thân cận? Sao gọi là không nên thân? Nếu khi được y phục, vì quá ái trước y phục nên khởi pháp bất thiện; đây không nên thân cận. Nếu khi được y phục mà khởi thiện pháp, tâm không ái trước; đây nên thân cận. Nếu khi khất thực mà khởi pháp bất thiện; đây không nên thân cận. Nếu lúc khất thực khởi pháp thiện; đây nên thân cận. Nếu được giường nằm, chỗ ngồi, mà khởi pháp bất thiện; đây không nên thân cận. Nếu được giường nằm, chỗ ngồi, mà khởi pháp thiện; đây cũng nên thân cận. Đối với thuốc men cũng như vậy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nên thân cận pháp thiện, trừ bỏ pháp ác.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy, để cho muốn khiến đàn-việt thí chủ kia được công đức, hưởng phước vô cùng, được cam lồ tịch diệt.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Y phục để bố thí,
Thức ăn, chỗ nằm ngồi,
Trong đó chớ khởi ái,
Chẳng sanh các thế giới.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay có bốn con sông lớn, nước từ ao A-nậu-đạt chảy ra.[198] Những gì là bốn? Đó là Hằng-già,[199] Tần-đầu[200], Bà-xoa[201] và Tư-đà[202]. Nước Hằng-già kia phát nguyên từ cửa khẩu Ngưu đầu,[203] chảy về hướng Đông. Sông Tân-đầu [658c01] phát nguyên từ cửa khẩu Sư tử,[204] chảy về hướng Nam. Sông Tư-đà phát nguyên từ cửa Tượng khẩu,[205] chảy về hướng Tây. Sông Bà-xoa phát nguyên từ cửa Mã khẩu,[206] chảy về hướng Bắc. Bấy giờ, nước của bốn con sông lớn sau khi chảy quanh ao A-nậu-đạt, rồi sông Hằng-già chảy vào biển Đông, sông Tân-đầu chảy vào biển Nam, sông Bà-xoa chảy vào biển Tây, sông Tư-đà chảy vào biển Bắc. Sau khi bốn con sông lớn này chảy vào biển rồi, không còn tên gọi trước nữa mà chỉ gọi chung là biển.
“Ở đây cũng vậy, có bốn chủng tánh. Bốn chủng tánh ấy là gì? Đó là sát- lợi, bà-la-môn, trưởng giả và cư sĩ. Ở chỗ Như Lai, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì, không còn dòng họ cũ nữa mà chỉ gọi là Sa-môn đệ tử Thích-ca. Vì sao vậy? Vì chúng Như Lai cũng như biển lớn, bốn đế cũng như bốn sông lớn, diệt trừ kết sử khiến vào thành Niết-bàn vô úy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, những ai trong bốn chủng tộc, cạo bỏ râu tóc, với lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, họ sẽ diệt tên họ trước kia, tự gọi là đệ tử Thích-ca. Vì sao vậy? Vì nay Ta chính là con của họ Thích-ca, từ dòng họ Thích xuất gia, học đạo.
“Các Tỳ-kheo nên biết, muốn nói về ý nghĩa của con đẻ, phải gọi là Sa-môn con nhà họ Thích. Vì sao vậy? Vì sinh đều từ Ta sinh ra, từ pháp mà khởi, từ pháp mà thành.[207] Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện để được làm con nhà họ Thích.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại tâm. Những gì là bốn? Đó là từ, bi, hỷ, xả. Vì sao được gọi là Phạm trụ[208]?
“Các Tỳ-kheo nên biết, có Phạm, Đại Phạm tên là Thiên,[209] không ai ngang bằng, không có ai trên hơn, thống lãnh ngàn quốc giới, cung điện nơi đây gọi là Phạm trụ.
“Tỳ-kheo, thế lực mà bốn Phạm trụ này có được, là có thể quan sát hàng nghìn quốc giới này, cho nên được gọi là Phạm trụ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào muốn vượt qua các trời Dục giới mà lên địa vị vô dục, chúng bốn bộ kia nên tìm cầu phương tiện thành tựu bốn Phạm trụ này.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[210]


Chú thích:
[170] Sát nhân chủng 殺人種; đây chỉ lớp tiện dân chiên-đà-la (Pāli, Skt. caṇḍāla), phần lớn làm nghề giết chó, được xem là hung dữ. Các nghề nghiệp hạ tiện, xem kinh số 5, phẩm 26.
[171] Phân-đàn bố thí 分檀布施; có lẽ phiên âm, Pāli: piṇḍa-dāyaka, người bố thí vật thực. Đoạn tiếp, TNM: bố thí phần đoạn, cùng ý nghĩa.
[172] Trong ngoặc, câu này để bản nhảy sót. Đây y theo TNM thêm vào.
[173] Để bản: Duy nguyện 唯願. TNM: duy nhiên 唯.
[174] La-hán Duy Dụ 羅漢唯喻; chưa rõ.
[175] Thi-ba-la 尸波羅. Đồng nhất với Pāli, Sīvalī, được Phật tuyên bố là đệ nhất lợi đắc cúng dường (aggaṃ lābhīnaṃ), cf. A.i. 24.
[176] Tứ phạm chi phước 四梵之福; đoạn dưới có khi nói: Phạm thiên chi phước 梵天之福, có khi nói thọ phạm chi phước 受梵之福. Có thẻ tương đương Pāli, brahmadeyya, tặng vật của Phạm thiên, được hiểu là tặng vật cao thượng nhất.
[177] Nguyên Hán dịch: Thâu-bà 偷婆, Skt. stūpa (Pāli: thūpa).
[178] Nguyên trong bản: Đa-tát-a-kiệt.
[179] Nguyên Hán dịch: Diêm-phù-lý-địa 閻浮里地, phiên âm Skt. Jambudvīpa (Jambudīpa).
[180] Xem Trường 8, kinh 9 Chúng tập (T1n1, tr. 50c2): Bốn loại thức ăn 四種食: Đoàn thực 摶食, xúc thực 觸食, niệm thực 念食, thức thực 識食. Tập dị 8 (tr. 400b2):: Đoạn thực hoặc thô hoặc tế 段食或或細; xúc thực 觸食; ý tư thực 意思食; thức thực
識食. Pāli, D 33 Saṅgīti (R. iii. 228): cattāro āhārā– kabaḷīkāro āhāro oḷāriko vā sukhumo vā, phasso dutiyo, manosañcetanā tatiyā, viññāṇaṃ catutthaṃ.
[181] Nguyên Hán dịch: Cánh lạc thực 更樂食. Được hiểu là những thứ tạo ra sự thoái mái cho xúc giác.
[182] Nguyên Hán dịch: Cánh lạc 更樂.
[183] Tứ biện 四辯. Xem trên, kinh 9 phẩm 26: Bốn biện tài. Cf. Câu-xá 27 (T29n1558, tr. 142a22): bốn vô ngại giải (Skt. catasraḥ pratisaṃvidaḥ), 1. pháp vô ngại giải 法無礙解 (dharma-pratisaṃvid); 2. nghĩa vô ngại giải 義無礙解 (artha-p.); 3. từ vô ngại giải 詞無礙解 (nirukti-p.); 4. biện vô ngại giải 辯無礙解 (pratibhāna-p.).
[184] Từ biện: Từ nguyên luận hay ngữ pháp luận. Cf. Pāli, Vin. ii. 139: có hai Tỳ-kheo, Yameḷu và Tekula, cho nhiều tỳ kheo thuộc giai câp thấp, đọc sai lời Phật về mặt ngữ pháp ( te sakāya niruttiyā buddha-vacanaṃ dūsenti), họ không phân biệt đọc âm dài, âm ngắn, giống đực, giống cái, nên muốn chuẩn hóa lời Phật theo đúng ngữ pháp cho các Tỳ-kheo. Nhưng Phật không cho phép.
[185] Hán: Trường đoản chi ngữ 長短之語; các từ ngữ có âm dài, âm ngắn.
[186] Nam ngữ, ngữ nữ 男語女語: Danh từ giống đực, giống cái.
[187] Chỉ ngữ pháp khác nhau giữa các chủng loại, các địa phương, và giai cấp.
[188] Ma-ha-câu-hy-la 摩訶拘絺羅. Pāli: Mahā-Koṭṭhika, được Phật khen là đệ nhất vô ngại giải (paṭisambhidāpattānaṃ, A.i. 24). Xem trên, kinh 3 phẩm 4.
[189] Cf. A IV 77 Acinteyyasutta (R. ii. 80), bốn điều bất khả tư nghị (acinteyyāni): 1. cảnh giới Phật của chư Phật (buddhānaṃ buddhavisayo), 2. cảnh giới thiền của những người tu thiền (jhāyissa jhānavisayo), 3. dị thục của nghiệp (kammavipāko), 4. tư duy về thế giới (lokacintā).
[190] Để bản: Đại thân 大身.
[191] Hưu tức xứ 休息處; cung dịch là tô tức xứ 蘇息處, sự phục hồi hơi thở bình thường; chỉ trạng thái an ổn của A-la-hán. Pāli: assānīya-dhamma.
[192] Bốn thần túc 四神足. Cf. Trường 8 kh 9: Chúng tập (T1n1, tr. 50c17): Tư duy dục định diệt hành thành tựu 思惟欲定滅行成就; tinh tấn định 精進定; ý định 意定; tư duy định 思惟定. Pháp uẩn 4 (T26n1537, tr. 471c13).
[193] Tự tại tam-muội hành tận thần túc 自在三昧行盡神足. Pháp uẩn, ibid: Dục tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 欲三摩地勝行成就神足. Pāli, D 33 Saṅgīti (R. iii. 221): chandasamādhipadhāna-
[194] Tâm tam-muội hành tận thần túc 心三昧行盡神足. Pháp uẩn, ibid: Tâm tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 心三摩地勝行成就神足 Pāli, ibid., cittasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti..
[195] Tinh tấn tam-muội hành tận thần túc 精進三昧行盡神足. Pháp uẩn,: Cần tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 勤三摩地勝行成就神足. Pāli, ibid., 3. vīriyasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti.
[196] Giới tam-muội hành tận thần túc 誡三昧行盡神足. Pháp uẩn, ibid.: Quán tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 觀三摩地勝行成就神足. Pāli, ibid., vīmaṃsāsamādhipadhāna-saṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti.
[197] Bốn pháp ái khởi 四起愛之法. Cf. Pāli, A IV Taṇhuppādasutta (R. ii. 10).
[198] Xem Trường 18, kinh Thế ký, phẩm Diêm-phù-đề.
[199] Hằng gìà 恒伽. Skt. Gaṅgā.
[200] Tân-đầu 新頭. Skt. Shintu (Pāli: Shindu).
[201] Bà-xoa 婆叉. Skt. Vakṣu.
[202] Tư-đà 私陀. Skt. Sitā.
[203] Ngưu đầu khẩu 牛頭口. Pāli: Usabhamukha.
[204] Sư tử khẩu 師子口. Pāli: Sīhamukha.
[205] Tượng khẩu 象口. Pāli: Hatthimukha.
[206] Mã khẩu 馬口. Pāli: Asamukha.
[207] Nghĩa là được hóa sanh từ pháp.
[208] Nguyên Hán: Phạm đường 梵堂. Thường nói là Phạm trú. Pāli: Brahmavihāra.
[209] Thiên 千: một nghìn Pāli: Sahampati (Skt. Sahāmpati), Chúa của thế giới Saha (Skt. Sahā-loka: thế giới Ta-bà hay Sa-bà); cũng thường gọi là Thế giới chủ, Ở dây, Hán dịch hiểu Sahā (Skt.) là sahaśra (Pāli: sahasa): Số một nghìn.
[210] Bản Hán, hết quyển 21.

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 51 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ


Pháp bảo Đàn kinh


Nắng mới bên thềm xuân


Thiếu Thất lục môn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.2.239 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập