Nhằm tạo điều kiện để tất cả độc giả đều có thể tham gia soát lỗi chính tả trong các bản kinh Việt dịch, chúng tôi cho hiển thị các bản Việt dịch này dù vẫn còn nhiều lỗi. Kính mong quý độc giả cùng tham gia soát lỗi bằng cách gửi email thông báo những chỗ có lỗi cho chúng tôi qua địa chỉ admin@rongmotamhon.net
Font chữ:
18. PHẨM TÀM QUÍ
KINH SỐ 1[72]
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai pháp tinh diệu[73] thủ hộ thế gian. Thế nào là hai pháp? Có tàm, có quí.[74] Này các Tỳ-kheo, nếu không có hai pháp này, thế gian sẽ không phân biệt có cha, có mẹ, có anh, có em, vợ con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ; sẽ cùng với lục súc heo, gà, chó, ngựa, dê … cùng một loại. Vì thế gian có hai pháp này thủ hộ, nên thế gian phân biệt có cha mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ, và cũng không cùng đồng loại với lục súc.”
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học tập có tàm, có quí. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế gian có hai hạng người vì không biết chán, đủ, mà mạng chung. Hai hạng người ấy là gì? Người được tài vật luôn cất giấu và người có được tài vật lại thích cho người. Đó gọi là hai hạng người không biết chán đủ, mà mạng chung.”
Bấy giờ, có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Bạch Thế Tôn, chúng con không hiểu nghĩa tóm lược này. Thế nào là được vật luôn cất dấu? Thế nào là được vật thích cho người? Nguyện xin Thế Tôn giảng rộng nghĩa này.”
Thế Tôn bảo:
“Hãy lắng nghe, lắng nghe, suy nghĩ kỹ! Ta sẽ phân biệt nghĩa này cho các ngươi.”
Thưa:
“Kính vâng.”
Bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ở đây có người thiện gia nam tử học các kỹ thuật, hoặc theo nghề làm làm ruộng, hoặc học tập chép sách, hoặc tập kế toán, hoặc tập thiên văn, hoặc tập địa lý, hoặc tập bói tướng, hoặc học làm sứ giả phương xa, hoặc làm thần tá vua, không tránh nóng lạnh, đói rét, cần khổ mà tự mưu sống cho mình. Người ấy làm mọi công sức như vậy mà được tài vật, nhưng người kia không thể dám ăn tiêu, cũng không cấp cho vợ con, cũng không [587c01] cho nô tì, hay những bà con quyến thuộc; tất cả đều không cho. Những tài vật có được ấy, hoặc bị vua tước đoạt, hoặc bị giặc trộm, hoặc bị lửa thiêu, nước cuốn, phân tán chỗ khác, lợi kia không được hưởng; hoặc ngay trong nhà có người phân tán vật này, không cho để yên một chỗ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là được tài luôn cất giấu.
“Kia, sao gọi là được tài vật đem phân cho? Có người thiện gia nam tử học các kỹ thuật, hoặc theo nghề làm ruộng, hoặc tập nghề chép sách, hoặc tập kế toán, hoặc tập thiên văn, hoặc tập địa lý, hoặc tập bói tướng, hoặc học sứ phương xa, hoặc làm thần tá vua, không tránh nóng lạnh, đói rét, cần khổ mà tự mưu sống cho mình. Người ấy làm mọi công sức như vậy mà được tài vật, nhưng người kia đem bố thí cho chúng sanh, phụng dưỡng cho cha mẹ, nô tì, vợ con, cũng chu cấp rộng rãi cho Sa-môn, Bà-la-môn, tạo ra các thứ công đức, gieo trồng phước cõi trời. Này Tỳ-kheo, đó gọi là được tài mà đem bố thí.
“Này Tỳ-kheo, đó gọi là hai hạng người không biết chán đủ. Như người thứ nhất, có được tài vật mà cất giấu, các ngươi nên nghĩ tưởng tránh xa. Người thứ hai, có được mà đem bố thí rộng rãi, hãy học nghiệp này. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3[75]
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy là người thừa tự pháp, chớ nên là kẻ thừa tự tài vật.[76] Vì sao vậy? Các ngươi đã có được phước báo tốt đẹp,[77] mong cho đệ tử của Ta cung kính pháp, không tham lợi dưỡng. Nếu người nào tham lợi dưỡng, người đó có lỗi lớn đối Như Lai. Vì sao? Vì chúng sanh không phân biệt được pháp, nên hủy báng lời dạy Thế Tôn.[78] Đã hủy báng lời dạy Thế Tôn, sau đó không còn đến được đạo Niết-bàn. Ta rất lấy làm xấu hổ. Vì sao vậy? Vì đệ tử của Như Lai tham đắm lợi dưỡng, không thực hành nơi pháp, không phân biệt pháp, hủy báng lời dạy Thế Tôn, không thuận chánh pháp. Đã hủy báng lời dạy Thế Tôn, sẽ không còn đến được đạo Niết-bàn.
“Này Tỳ-kheo, các ngươi nên nghĩ đến thừa tự pháp, đừng tư duy đến thừa tự vật dục[79], rồi các ngươi được danh thơm vang khắp bốn phương. Cung kính pháp, không tham tài vật, Ta sẽ không lấy làm xấu hổ. Vì sao vậy? Vì đệ tử của Như Lai chỉ mong thừa tự pháp, không ham nghĩ thừa tự vật dục.
“Cho nên, các Tỳ-kheo, nên nghĩ thừa tự pháp, chớ học thừa tự tài vật. Tỳ-kheo các ngươi, Ta nói nghĩa này, vì nhân [588a01] nghĩa gì mà nói duyên này?”
Bấy giờ các Tỳ-kheo, bạch Thế Tôn:
“Nguyện xin Thế Tôn phân biệt chi tiết.”
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Xưa kia, có một người thỉnh Ta cúng dường. Rồi bấy giờ Ta có thức ăn dư tàn,[80] có thể vất bỏ. Có hai Tỳ-kheo từ phương xa đến, thân thể mệt mỏi, nhan sắc biến đổi. Bấy giờ Ta bảo hai Tỷ-kheo kia những lời như vầy: ‘Có thức ăn dư tàn có thể vất bỏ, nếu các ngươi thấy cần thì có thể lấy mà dùng.’
“Lúc ấy, một Tỳ-kheo tự nghĩ: ‘Hôm nay Thế Tôn có thức ăn tàn dư thực có thể vất bỏ. Ai thấy cần thì có thể lấy. Nếu chúng ta không lấy ăn, thức ăn này sẽ được đem bỏ nơi đất sạch hay trút vào trong nước. Vậy, nay chúng ta nên lấy thức ăn này để lấp đầy vào chỗ đói thiếu, tăng trưởng khí lực.’
“Bấy giờ, Tỳ-kheo kia lại học điều này: ‘Phật cũng đã từng dạy: Nên sống thừa tự pháp, chớ nghĩ đến thừa tự vật dục. Vì sao vậy? Vì cao nhất trong bố thí không gì hơn thí tài, nhưng thí pháp ở trong đó được tôn trọng nhất.[81] Nay ta cam chịu suốt ngày không ăn mà vẫn cóthể qua khỏi, không cần nhận phước tín thí kia.’ Tỳ-kheo kia liền tự quyết ý không lấy vật thí kia, thân thể mệt mỏi mà không cần để ý đến mạng sống.
“Trong khi ấy, Tỳ-kheo thứ hai lại tự nghĩ: ‘Thế Tôn có thức ăn tàn dư đáng bị vất bỏ. Nếu chúng ta không lấy ăn, sẽ mệt mỏi. Nay nên lấy thức ăn này để lấp đầy vào chỗ đói thiếu, tăng trưởng khí lực, ngày đêm an ổn.’ Bấy giờ, Tỳ-kheo kia liền lấy ăn, khí lực sung mãn, ngày đêm an ổn.”
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tuy Tỳ-kheo kia đã nhận lấy đồ cúng dường kia, đã trừ bỏ được cái thiếu đói, khí lực sung mãn, nhưng không như Tỳ-kheo trước là đáng kính, đáng quí, rất đáng được tôn trọng. Tỳ-kheo ấy lâu dài tiếng khen được đồn xa, ở trong luật mà biết đủ, dễ thỏa mãn. Này các Tỳ-kheo, hãy học thừa tự pháp, chớ học nghĩ đến thừa tự vật dục. Những điều được Ta nói trước đó là do nhân duyên này.”
Sau khi Thế Tôn nói những lời này xong, rời chỗ ngồi đứng dậy ra về. Lúc ấy, các Tỳ-kheo lại tự nghĩ: “Thế Tôn vừa rồi chỉ nói tóm lược điều cốt yếu, chứ không nói rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, im lặng vào thất. Hiện tại trong chúng này, ai có khả năng kham nhận đối với nghĩa sơ lược này mà diễn giải rộng nghĩa của chúng?”
Bấy giờ, số đông các Tỳ-kheo lại nghĩ: “Hiện nay [588b01] Tôn giả Xá-lợi-phất được Thế Tôn khen ngợi. Chúng ta hãy cùng nhau đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất.” Rồi các Tỳ-kheo liền đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, vái chào nhau xong, ngồi qua một bên. Sau khi ngồi qua một bên rồi, các Tỳ-kheo đem những điều đã nghe được từ Thế Tôn trình lại hết cho Tôn giả Xá-lợi-phất.
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào là đệ tử Thế Tôn tham đắm lợi dưỡng không tu hành pháp? Thế nào là đệ tử Thế Tôn ham tu hành pháp không tham lợi dưỡng?”
Lúc đó, các Tỳ-kheo thưa Xá-lợi-phất:
“Chúng tôi là những người từ xa đến, xin hỏi nghĩa này để tu hành. Tôn giả Xá-lợi-phất có khả năng xin diễn rộng nghĩa này cho chúng tôi.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:
“Hãy lắng nghe, lắng nghe, suy nghĩ kỹ, tôi sẽ diễn rộng nghĩa này cho các vị.”
Các Tỳ-kheo thưa:
“Xin vâng.”
Xá-lợi-phất bảo:
“Cái học của đệ tử[82] Thế Tôn là tịch tĩnh, niệm an tĩnh, nhưng đệ tử Thanh văn không học như vậy.[83] Thế Tôn tuôn ra giáo pháp, những điều phải diệt, mà các Tỳ-kheo đối với các pháp đó lười biếng không chịu diệt, lại khởi lên các loạn tưởng; những điều đáng làm mà không chịu làm, những điều không nên làm, thì lại làm.
“Bấy giờ, này Chư hiền, Tỳ-kheo trưởng lão có ba trường hợp đáng hỗ thẹn. Thế nào là ba? Thế Tôn thường ưa nơi tịch tĩnh[84] nhưng các Thanh văn không học điều này, nên Tỳ-kheo trưởng lão liền có sự hỗ thẹn. Thế Tôn dạy, các ngươi hãy diệt pháp này, nhưng Tỳ-kheo lại không diệt pháp này, nên Tỳ-kheo trưởng lão có sự hỗ thẹn. Ở trong đó khởi lên niệm tưởng loạn, ý không chuyên nhứt,[85] nên Tỳ-kheo trưởng lão có sự hỗ thẹn.
“Chư Hiền giả nên biết, Tỳ-kheo trung tọa có ba trường hợp đáng hỗ thẹn. Thế nào là ba? Thế Tôn thường ưa nơi tịch tĩnh nhưng các Thanh văn không học điều này, nên Tỳ-kheo trung tọa có sự hỗ thẹn. Thế Tôn dạy, các ngươi hãy diệt pháp này, nhưng Tỳ-kheo lại không diệt pháp này, nên Tỳ-kheo trung tọa có sự hỗ thẹn. Ở trong đó khởi lên niệm tưởng loạn, ý không chuyên nhứt, nên Tỳ-kheo trung tọa có sự hỗ thẹn.
“Chư Hiền giả nên biết, Tỳ-kheo niên thiếu liền có ba trường hợp đáng hỗ thẹn. Thế nào là ba? Đệ tử[86] Thế Tôn thường ưa nơi tịch tĩnh nhưng các Thanh văn không học điều này, nên Tỳ-kheo niên thiếu có sự hỗ thẹn. Thế Tôn dạy, các ngươi hãy diệt pháp này, nhưng Tỳ-kheo lại không [588c01] diệt pháp này, nên Tỳ-kheo niên thiếu có sự hỗ thẹn. Ở trong đó khởi lên niệm tưởng loạn, ý không chuyên nhứt, nên Tỳ-kheo niên thiếu có sự hỗ thẹn.
“Này chư Hiền giả, đó gọi là tham đắm tài, không đắm pháp.”
Các Tỳ-kheo thưa Xá-lợi-phất:
“Thế nào là Tỳ-kheo tham đắm pháp, không đắm tài?”
Xá-lợi-phất nói:
“Này Tỳ-kheo, ở đây Như Lai ưa nơi tịch tĩnh, Thanh văn cũng học theo Như Lai mà ưa nơi tịch tĩnh. Thế Tôn dạy, các ngươi hãy nên diệt pháp này; các Tỳ-kheo liền diệt pháp này. Không lười biếng, không loạn, những điều đáng làm thì tu hành, những điều không đáng làm thì không làm.
“Chư Hiền giả nên biết, Tỳ-kheo trưởng lão có ba trường hợp được tiếng khen. Thế nào là ba? Thế Tôn ưa nơi tịch tĩnh, Thanh văn cũng thích nơi tịch tĩnh, nên Tỳ-kheo trưởng lão được tiếng khen. Thế Tôn dạy, các ngươi hãy diệt pháp này, bấy giờ Tỳ-kheo liền diệt pháp này, nên Tỳ-kheo trưởng lão được tiếng khen. Ở trong đó không khởi lên niệm tưởng loạn, ý thường chuyên nhứt, nên Tỳ-kheo trưởng lão được tiếng khen.
“Chư Hiền giả nên biết, Tỳ-kheo trung tọa có ba trường hợp được tiếng khen. Thế nào là ba? Thế Tôn ưa nơi tịch tĩnh, Thanh văn cũng thích nơi tịch tĩnh, nên Tỳ-kheo trung tọa được tiếng khen. Thế Tôn dạy, các ngươi hãy diệt pháp này, bấy giờ Tỳ-kheo liền diệt pháp này, nên Tỳ-kheo trung tọa được tiếng khen. Ở trong đó không khởi lên niệm tưởng loạn, ý thường chuyên nhứt, nên Tỳ-kheo trung tọa được tiếng khen.
“Chư Hiền giả nên biết, Tỳ-kheo niên thiếu có ba trường hợp được tiếng khen. Thế nào là ba? Ở đây, này Tỳ-kheo,Thế Tôn ưa nơi tịch tĩnh, Thanh văn cũng thích nơi tịch tĩnh, nên Tỳ-kheo niên thiếu được tiếng khen. Thế Tôn dạy, các ngươi hãy diệt pháp này, bấy giờ Tỳ-kheo liền diệt pháp này, nên Tỳ-kheo niên thiếu được tiếng khen. Ở trong đó không khởi lên niệm tưởng loạn, ý thường chuyên nhứt, nên Tỳ-kheo niên thiếu được tiếng khen.
“Chư Hiền giả nên biết, tham là bệnh,[87] rất là đại tai hoạn. Sân nhuế cũng vậy. Ai diệt được tham dâm, sân nhuế, liền được trung đạo,[88] sinh nhãn, sinh trí, các trói buộc được dứt trừ, đến được Niết-bàn.[89] Xan tham, tật đố là bệnh, cũng lại rất nặng, bị phiền não nấu nung. Kiêu mạn cũng sâu. Huyễn ngụy không chơn thật, không tàm, không quí, không thể lìa bỏ dâm dục, bại hoại chánh chân; mạn, tăng thượng mạn cũng không bỏ. [589a01] Nếu hai mạn[90] này diệt, liền được ở vào trung đạo, sinh nhãn, sinh trí, các trói buộc được dứt trừ, đến được Niết-bàn.”
Tỳ-kheo thưa:
“Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào là ở trung đạo, sinh nhãn, sinh trí, các trói buộc được dứt trừ, đến được Niết-bàn?”
Xá-lợi-phất nói:
“Chư Hiền giả, nên biết, đó là tám đạo phẩm của Hiền thánh: Chánh kiến, chánh tư duy*, chánh ngữ, chánh nghiệp*, chánh mạng, chánh tinh tấn*, chánh niệm, chánh định*. Đó gọi là ở trung đạo, sinh nhãn, sinh trí, các trói buộc được dứt trừ, đến được Niết-bàn.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Tôn giả Xá-lợi-phất nói, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật ở tại Ca-lan-đà trong Trúc viên, thành La-duyệt, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ đã đến giờ Thế Tôn khóac y cầm bát vào thành La-duyệt, khất thực tại một ngõ hẻm. Lúc ấy tại ngõ hẻm kia có vợ một người bà-la-môn muốn đãi cơm cho bà-la-môn, bèn ra ngoài cửa. Từ xa, trông thấy Thế Tôn, liền đến chỗ Thế Tôn, bà hỏi Thế Tôn rằng:
“Ngài có thấy bà-la-môn nào không?”
Bấy giờ Tôn giả Đại Ca-diếp đã có mặt trước nơi đó. Thế Tôn liền đưa tay chỉ, bảo rằng:
“Đó là bà-la-môn .”
Người phụ nữ bà-la-môn nhìn chăm chăm vào mặt Như Lai, im lặng không nói.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Người không dục, không nhuế,
Xả ngu, không có si;
Lậu tận A-la-hán,
Đó gọi là bà-la-môn.
Người không dục không nhuế,
Bỏ ngu, không có si;
Do bỏ tụ kết sử,
Đó gọi là bà-la-môn.
Người không dục, không nhuế,
Xả ngu, không có si;
Do đoạn mạn ngô, ngã,
Đó gọi là bà-la-môn.
Nếu ai muốn biết pháp,
Những gì Chánh giác[91] nói;
Chí thành tự quy y,
Tối tôn không gì hơn.
Rồi Thế Tôn bảo Tôn già Đại Ca-diếp:
“Ông có thể đến người phụ nữ bà-la-môn, khiến thân hiện tại của bà thoát được tội cũ.” Ca-diếp vâng theo lời Phật, đi đến nhà người vợ bà-la-môn, ngồi vào chỗ ngồi. Lúc ấy, vợ Bà-la-môn kia liền bày biện các thứ đồ ăn thức uống ngon bổ đề cúng dường Ca-diếp.
[589b01] Ca-diếp nhận đồ ăn thức uống, vì muốn độ người cho nên nói cho bà nghe bài kệ này:
Tế tự, Lửa trên hết,
Các thư, tụng[92] hơn hết;
Vua tôn quý giữa người,
Các dòng, biển là nhất.
Các sao, trăng đứng đầu,
Chiếu sáng, mặt trời trước;
Bốn bên, trên và dưới,
Ở các phương, cảnh vức,
Trời cùng người thế gian,
Phật là bậc tối thượng.
Ai muốn cầu phước kia,
Nên quy y Tam-phật*.
Vợ bà-la-môn sau khi nghe những lời dạy, vui mừng hớn hở không tự làm chủ được, đến trước Đại Ca-diếp bạch:
“Nguyện xin bà-la-môn thường xuyên nhận lời mời của tôi đến thọ thực tại nhà này.”
Đại Ca-diếp liền nhận lời mời thọ thực tại nơi đó. Vợ bà-la-môn thấy Ca-diếp thọ thực xong, liền lấy một chiếc ghế thấp đặt ngồi trước Ca-diếp. Sau đó, Ca-diếp nói pháp vi diệu cho bà như luận về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là bất tịnh, đoạn tận lậu là trên hết, xuất gia[93] là thiết yếu.
Khi Tôn giả Đại Ca-diếp đã biết tâm ý của vợ bà-la-môn kia đã được khai mở, lòng rất vui mừng, bèn nói cho vợ bà-la-môn nghe pháp mà chư Phật thường nói là khổ, tập, tận, đạo. Vợ bà-la-môn liền ngay trên chỗ ngồi mà các trần cấu đều sạch hết, được pháp nhãn tịnh. Giống như tấm lụa mới trắng tinh, không có bụi dơ, dễ bị nhuộm màu; vợ bà-la-môn cũng như vậy, ngay ở trên chỗ ngồi mà được pháp nhãn tịnh. Bà đã đắc pháp, thấy pháp, phân biệt pháp kia không còn hồ nghi, đã đắc vô uý, tự qui y ba ngôi Phật, Pháp, Thánh chúng, và thọ trì năm giới. Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp vì vợ bà-la-môn thuyết pháp vi diệu lại lần nữa, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy mà ra về.
Sau khi Ca-diếp đi chưa bao lâu, người chồng trở về đến nhà. Ông Bà-la-môn thấy nhan sắc vợ rất vui tươi, không còn như người thường. Bà-la-môn liền hỏi vợ mình. Người vợ đem nhân duyên này thuật lại đầy đủ cho chồng. Sau khi Bà-la-môn nghe những lời này xong, liền dẫn vợ mình cùng đến tinh xá, đến chỗ Thế Tôn. Bà-la-môn cùng Thế Tôn chào hỏi rồi ngồi qua một bên. [589c01] Vợ Bà-la-môn đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi, cũng ngồi qua một bên. Bà-la-môn bạch Thế Tôn rằng:
“Vừa rồi có ông Bà-la-môn đã đến nhà tôi, hiện ở đâu?”
Khi ấy Tôn giả Đại Ca-diếp hiện đang ngồi kiết già cách Thế Tôn không xa, chánh thân, chánh ý, đang tư duy pháp vi diệu.
Thế Tôn từ xa chỉ Đại Ca-diếp bảo:
“Đó là Tôn trưởng Bà-la-môn.”
Bà-la-môn nói:
“Thế nào Cù-đàm, Sa-môn tức Bà-la-môn chăng? Sa-môn cùng Bà-la-môn há không khác chăng?”
Thế Tôn bảo:
“Muốn nói Sa-môn thì chính thân Ta. Vì sao vậy? Ta tức là Bà-la-môn. Những giới luật gì mà các Sa-môn phụng trì, Ta đều đã đắc. Vậy nay muốn luận về Bà-la-môn, thì cũng chính là thân Ta. Vì sao vậy? Ta tức là Bà-la-môn. Các Bà-la-môn quá khứ, đã trì những pháp hạnh nào, Ta cũng đã biết hết.
“Muốn luận về Sa-môn, thì chính là Đại Ca-diếp. Vì sao vậy? Những luật gì của các Sa-môn, Tỳ-kheo Ca-diếp đều bao gồm cả. Muốn luận về Bà-la-môn, thì cũng chính là Tỳ-kheo Ca-diếp. Vì sao vậy? Những cấm giới gì mà các Bà-la-môn phụng trì, Tỳ-kheo Ca-diếp đều biết rõ hết.”
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ này:
Ta không nói bà-la-môn,
Người rành biết chú thuật;
Nói rằng sinh Phạm thiên,
Đây vẫn chưa lìa trói.
Không trói, không đường sinh,
Hay thoát tất cả kết;
Không còn nói phước trời,
Tức Sa-môn bà-la-môn.
Bấy giờ, bà-la-môn bạch Thế Tôn:
“Nói kết phược, những gì gọi là kết?”
Thế Tôn bảo:
“Dục ái là kết. Sân nhuế là kết. Ngu si là kết. Như Lai không dục ái này, vĩnh viễn đã diệt tận không còn. Sân nhuế, ngu si cũng lại như vậy. Như Lai không còn kết này.”
Bà-la-môn thưa:
“Nguyện xin Thế Tôn thuyết pháp thâm diệu về sự không còn các kết phược này.”
Bấy giờ, Thế Tôn lần lượt nói các đề tài vi diệu cho Bà-la-môn kia; đó luận về thí, luận về giới, luận về sanh thiên; dục là bất tịnh, đoạn tận lậu là trên hết, xuất gia* là thiết yếu.
Khi Thế Tôn biết tâm ý Bà-la-môn kia đã khai mở, trong lòng rất hoan hỷ, bèn nói cho bà-lôn-môn pháp mà chư Phật thời xa xưa đã thuyết: Khổ, tập, tận, đạo. Tức thì, [590a01] bà-la-môn ngay trên chỗ ngồi mà dứt sạch các trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh. Giống như tấm lua mớit trắng tinh, không có bụi dơ, dễ nhuộm màu; bà-la-môn cũng như vậy, ngay trên chỗ ngồi mà đắc pháp nhãn tịnh. Ông đã đắc pháp, thấy pháp, phân biệt pháp kia không còn hồ nghi, đã được vô uý rồi, tự quy y tam tôn: Phật, Pháp, Thánh chúng, thọ trì ngũ giới, là đệ tử chơn thật Như Lai, không còn thối thất nữa.
Vợ chồng bà-la-môn kia sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật ở tại Ca-lan-đà, trong Trúc viên, thành La-duyệt, cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, vua A-xà-thế có con voi tên Na-la-kỳ-lê[94] rất là hung dữ, bạo ngược, dũng mãnh, thường đánh bại kẻ địch bên ngoài. Nhờ sức voi này mà khiến không đâu không phục một nước Ma-kiệt.
Rồi một lúc, Đề-bà-đạt-đâu đi đến chỗ vua A-xà-thế, nói như vầy:
“Đại vương, nên biết, hiện tại con voi hung dữ này có khả năng hàng phục các kẻ thù. Nên dùng rượu mạnh cho voi này uống say. Sáng mai Sa-môn Cù-đàm ắt sẽ vào thành khất thực, hãy thả voi say này dẫm đạp chết ông ta!”
Vua A-xà-thế nghe lời xúi của Đề-bà-đạt-đâu, ra lệnh trong nước: ‘Sáng sớm ngày mai sẽ thả voi say, cấm không cho người dân đi lại nơi các ngã đường trong thành.’
Rồi Đề-bà-đạt-đâu nói với A-xà-thế rằng:
“Nếu Sa-môn Cù-đàm kia có nhất thiết trí biết việc tương lai, thì ngày mai ắt sẽ không vào thành khất thực.”
Vua A-xà-thế nói:
“Như lời Tôn giả dạy, nếu có nhứt thiết trí thì sáng sớm ngày mai ông ấy sẽ không vào thành khất thực.”
Bấy giờ, nam nữ lớn nhỏ trong thành đều phụng sự Phật, nghe vua A-xà-thế sớm mai sẽ thả voi say hại Như Lai. Nghe xong mọi người đều trong lòng buồn lo, liền đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, bạch Thế Tôn:
“Sáng sớm ngày mai xin Thế Tôn chớ vào thành nữa. Vì sao vậy? Vua A-xà-thế hôm nay có ra lệnh, bắt mọi người dân trong thành, ngày mai chớ đi lại nơi các ngã đường, ta muốn thả voi say hại Sa-môn Cù-đàm. Nếu Sa-môn Cù-đàm có nhứt thiết trí, thì sáng sớm ngày mai sẽ không vào thành khất thực. Nguyện xin Thế Tôn chớ vào thành nữa! Nếu Như Lai mà bỗng dưng bị hại thì người thế gian sẽ mất [590b01] con mắt, không còn ai cứu giúp.”
Thế Tôn bảo:
“Thôi! Thôi! Các Ưu-bà-tắc chớ ôm lòng sầu não. Vì sao vậy? Thân của Như Lai không phải là thân thế tục, nên không bị người khác hại được. Không bao giờ có việc này. Các Ưu-bà-tắc, nên biết, đất Diêm-phù, Đông Tây rộng bảy nghìn do tuần, Nam Bắc dài hai mươi mốt nghìn do tuần. Cù-da-ni ngang rộng tám nghìn do tuần như nửa hình mặt trăng. Phất-vu-đãi ngang rộng chín nghìn do tuần đất đai vuông vức. Uất-đơn-việt ngang rộng mười nghìn do tuần đất dai tròn như mặt trăng đầy. Ví như voi say đầy khắp trong bốn thiên hạ này, giống như lúa mè, rừng rậm; số như vậy, cũng không thể nào đụng đến mảy may sợi lông của Như Lai, huống chi là hại được Như Lai. Không bao giờ có việc này. Ngoài bốn thiên hạ ra, dù có cả nghìn thiên hạ, nghìn mặt trời, mặt trăng, nghìn núi Tu-di, nghìn nước bốn biển, nghìn Diêm-phù-đề, nghìn Cù-da-ni, nghìn Phất-vu-đãi, nghìn Uất-đơn-việt, nghìn Tứ thiên vương, nghìn Tam thập tam thiên, nghìn Đâu-suất thiên, nghìn Diệm thiên, nghìn Hóa tự tại thiên, nghìn Tha háo tự tại thiên, đó gọi là nghìn thế giới. Cho đến hai nghìn thế giới, đó gọi là trung thiên thế giới. Cho đến ba nghìn thế giới, đó gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Trong đó đầy khắp long vương Y-la-bát còn không thể động một sợi lông của Như Lai, huống lại là voi này muốn hại Như Lai được sao? không bao giờ có trường hợp đó. Vì sao vậy? Thần lực của Như Lai là bất khả tư nghì. Như Lai xuất hiện ở đời, vĩnh viễn không thể bị người đả thương được. Các ngươi hãy trở về nhà mình. Như Lai tự biết việc gì sẽ xảy ra.”
Bấy giờ, Thế Tôn đã vì bốn bộ chúng thuyết pháp vi diệu rộng rãi. Các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-tư sau khi nghe chánh pháp rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Pật, thối lui ra về.
Sáng sớm hôm đó, Thế Tôn đắp y, ôm bát tính vào thành La-duyệt khất thực. Khi ấy thiên vương Đề-đầu-lại-tra dẫn Càn-thát-bà v.v… từ phương Đông đến theo hầu Thế Tôn. Lại có Tỳ-lưu-lặc vương dẫn chúng Câu-bàn-trà, từ phương Nam đến theo hầu Như Lai. Phương Tây Thiên vương Tỳ-lưu-lặc-xoa dẫn các chúng Rồng theo hầu Như Lai. Phương Bắc Thiên vương Câu-tỳ-la dẫn chúng quỷ La-sát theo hầu Như Lai. Lại có Thích Đề-hoàn Nhân dẫn nghìn vạn chúng các chư thiên biến mất từ trời Đâu-suất mà hiện đến chỗ Thế Tôn. Lại có Phạm thiên vương [590c0] dẫn nghìn vạn chúng các Phạm thiên từ trên Phạm thiên đến chỗ Thế Tôn. Lại có Thích Phạm, Tứ thiên vương cùng nhị thập bát thiên, đại quỷ thần vương, cùng bảo nhau: “Hôm nay chúng ta phải xem hai thần voi và rồng đấu với nhau. Ai là người thắng, kẻ bại?”
Lúc này bốn bộ chúng thành La-duyệt, từ xa trông thấy Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo vào thành khất thực, mọi người dân trong thành đều cất tiếng kêu la. Vua A-xà-thế lại nghe những tiếng này, hỏi tả hữu:
“Đây là những âm vang gì mà lọt thấu nơi này?”
Thị thần đáp:
“Đây là những âm thanh phát xuất từ Nhân dân khi thấy Như Lai vào thành khất thực.”
A-xà-thế nói:
“Sa-môn Cù-đàm cũng không có Thánh đạo, không biết tâm người, rồi sẽ kinh nghiệm việc gì sẽ xảy ra.”
Vua A-xà-thế liền bảo tượng sư:
“Ngươi hãy mau đem rượu mạnh cho voi uống, cột kiếm bén vào vòi, và lập tức thả cho nó chạy.”
Bấy giờ Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đến cửa thành, vừa cất chân vào cửa, khi ấy trời đất chấn động mạnh, các chư thiên tôn thần ở giữa hư không rải xuống các loại hoa. Tức thì, năm trăm Tỳ-kheo thấy voi say đến, mọi người đều bỏ chạy, không biết theo hướng nào! Lúc đó voi hung dữ kia thấy Như Lai từ xa, nó liền chạy đến. Thấy voi say đến, thị giả A-nan sau Thế Tôn lòng không an, bạch Thế Tôn:
“Voi này dữ quá! Coi chừng bị hại! Hãy tránh xa nó!”
Thế Tôn bảo:
“A-nan, chớ sợ! Nay Ta sẽ dùng thần lực hàng phục voi này.”
Như Lai quan sát voi hung bạo với khoảng cách không gần cũng không xa, liền hóa ra các sư tử vương ở hai bên, và phía sau voi kia là một hầm lửa lớn. Lúc này voi dữ kia thấy hai bên là sư tử vương cùng thấy hầm lửa, liền té vãi phân tiểu, không biết chạy đi đâu, nó cứ nhằm phía trước hướng Như Lai mà chạy đến.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Ngươi chớ làm hại Rồng.
Rồng hiện rất khó gặp.
Do ngươi không hại Rồng,
Mà được sinh chỗ thiện.
“Lúc ấy voi hung bạo nghe Thế Tôn nói kệ này, như bị lửa đốt, liền tự gỡ kiếm hướng về Như Lai, quỳ hai gối phủ phục sát đất, lấy vòi liếm chân Như Lai. Bấy giơ, Thế Tôn đưa tay phải duỗi thẳng, sờ vào đầu voi, mà nói kệ:
Sân nhuế sinh địa ngục,
Cũng sinh thân rắn rít.
Cho nên phải trừ sân,
Chớ thọ thân này lại.
[590c25] Lúc đó các vị Thiên thần ở giữa hư không dùng hàng trăm nghìn loài hoa tung rãi trên Như Lai. Bấy giờ Thế Tôn nói pháp vi diệu cho bốn bộ chúng trời, rồng, quỷ, thần. Hơn sáu vạn nam nữ, sau khi thấy Phật hàng phục voi, mọi trần cấu đều dứt sạch, đắc pháp nhãn tịnh; và tám vạn Thiên Nhân cũng đắc pháp nhãn tịnh. Lúc đó tự trong thân voi say kia gió đao nổi dậy, thân hoại mạng chung, sinh về cung Tứ thiên vương.
Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cùng thiên, long, quỷ, thần, sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà khoác y thật đẹp với màu sắc làm hoa mắt người, mang giày dép da viền vàng, lại tô vẽ hai mắt, tay cầm bình bát, đang đi vào thành Xá-vệ.
Lúc đó, có các Tỳ-kheo từ xa nhìn thấy Tôn giả Nan-đà đắp y thật đẹp, vào thành Xá-vệ khất thực. Các Tỳ-kheo liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Sau đó ngồi thối lui, bạch Thế Tôn:
“Vừa rồi Tỳ-kheo Nan-đà đắp y thật đẹp, màu chói mắt người, vào thành Xá-vệ khất thực.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
“Ngươi hãy nhanh chóng đến chỗ Tỳ-kheo Nan-đà nói là Như Lai cho gọi.”
Thưa:
“Kính vâng, Thế Tôn!”
Tỳ-kheo kia vâng lời Thế Tôn dạy, đảnh lễ sát chân, rồi đi đến chỗ Tỳ-kheo Nan-đà, nói với Tỳ-kheo Nan-đà rằng:
“Thế Tôn cho gọi ngươi.”
Nan-đà nghe Tỳ-kheo sau khi nói, liền đến chỗ Thế Tôn. Đến rồi đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Lúc ấy Thế Tôn bảo Nan-đà:
“Vì cớ gì hôm nay ngươi đắp y thật đẹp này, còn mang giày dép da viền vàng, vào thành Xá-vệ khất thực?”
Tôn giả Nan-đà im lặng không nói. Thế Tôn lại bảo tiếp:
“Thế nào Nan-đà, ngươi há không do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo ư?”
Nan-đà Thưa:
“Thật vậy, Thế Tôn!”
Thế Tôn bảo:
“Ngươi nay là thiện gia nam tử không y luật mà hành! Do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, sao lại đắp y thật đẹp, chải chuốt dáng vóc để vào thành Xá-vệ khất thực, cùng với những kẻ bạch y kia không khác?”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Bao giờ thấy Nan-đà,
Trì hạnh a-lan-nhã;
Tâm ưa pháp Sa-môn,
[591b01]Đầu-đà đưa đến đích.
“Nan-đà, nay ngươi đừng có tạo hạnh như vậy nữa!”
Tôn giả Nan-đà cùng bốn bộ chúng sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà không kham hành phạm hạnh, muốn cởi pháp y sống đời bạch y. Lúc ấy, các Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Tỳ-kheo Nan-đà không kham hành phạm hạnh, muốn cởi pháp y, sống đời tại gia.”
Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
“Ngươi hãy đến chỗ Nan-đà nói là Như Lai cho gọi.”
Thưa:
“Kính vâng, Thế Tôn.”
Tỳ-kheo kia vâng lời Thế Tôn dạy, rời chỗ ngồi đứng dậy lễ sát chân Thế Tôn, rồi lui đi. Đến chỗ Tỳ-kheo Nan-đà kia, nói:
“Thế Tôn cho gọi Nan-đà.”
Đáp:
“Vâng.”
Lúc ấy Tỳ-kheo Nan-đà theo Tỳ-kheo này đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên.
Thế Tôn bảo Nan-đà:
“Thế nào Nan-đà? Ngươi không thích tu phạm hạnh, muốn cởi pháp y, sống đời bạch y ư?”
Nan-đà thưa:
“Thật vậy, Thế Tôn!”
Thế Tôn bảo:
“Vì sao, Nan-đà?”
Nan-đà thưa:
“Dục tâm con hừng hực, không thể tự kiềm được!”
Thế Tôn bảo:
“Thế nào Nan-đà? Ngươi không phải là thiện gia nam tử xuất gia học đạo ư?”
Nan-đà thưa:
“Thật vậy, Thế Tôn! Con là thiện gia nam tử, do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo.”
Thế Tôn bảo:
“Điều đó không thích hợp với ngươi, là thiện gia nam tử đã bỏ nhà xuất gia học đạo, tu hạnh thanh tịnh, sao lại bỏ chánh pháp mà muốn sống đời ô uế? Nan-đà nên biết, có hai pháp không biết chán đủ. Nếu có người nào sống theo hai pháp này thì không bao giờ biết chán đủ. Hai pháp gì? Dâm dục và uống rượu, đó gọi là hai pháp không biết chán đủ. Nếu người nào sống theo hai pháp này, thì không bao giờ biết chán đủ. Do bởi hành quả này mà không thể đạt đến chỗ vô vi. Cho nên, này Nan-đà, hãy ghi nhớ bỏ hai pháp này, sau nhất định sẽ thành tựu quả báo vô lậu. Nan-đà, nay ngươi khéo tu phạm hạnh; con đường dẫn đến quả đạo, không thể đều không do đây.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
[591c01]Nhà lợp không kín,
Trời mưa ắt dột.
Người không thực hành,
Dâm, nộ, si dột.
Nhà khéo lợp kín,
Trời mưa không dột.
Người hay thực hành,
Không dâm, nộ, si.[95]
Thế Tôn lại tự nghĩ: “Thiện gia nam tử này dục ý quá nhiều. Nay Ta có thể dùng lửa trị lửa.”
Rồi Thế Tôn liền dùng thần lực, tay nắm Nan-đà; trong khoảnh khắc giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, đem Nan-đà lên Hương sơn.[96] Bấy giờ trên núi có một hang đá, lại có một con khỉ cái mù loà đang ở nơi đó. Thế Tôn, tay phải nắm Nan-đà, bảo rằng:
“Nan-đà, ngươi có thấy con khỉ cái mù lòa này không?”
Thưa:
“Có thấy, Thế Tôn!”
Thế Tôn bảo:
“Đằng nào xinh đẹp? Tôn-đà-lợi cô gái họ Thích xinh đẹp hay con khỉ cái mù lòa này xinh đẹp?”
Nan-đà thưa:
“Giống như có người đả thương lỗ mũi con chó dữ, lại bôi thêm độc vào, con chó kia càng thêm dữ hơn. Ở đây cũng như vậy, Thích nữ Tôn-đà-lợi, nếu đen con khỉ cái mù lòa để cùng so sánh, thì không thể làm thí dụ được. Giống như đống lửa lớn thiêu đốt sơn dã, còn dùng củi khô bỏ thêm vào thì lửa càng trở nên hừng hực. Ở đây cũng vậy, con nhớ cô gái họ Thích kia, không rời khỏi tâm được.”
Bấy giờ Thế Tôn trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay biến khỏi núi này, hiện đến Tam thập tam thiên. Khi ấy chư thiên trên Tam thập tam thiên đều tụ họp tại giảng đường Thiện pháp. Cách giảng đường Thiện pháp không xa, lại có cung điện, năm trăm ngọc nữ đang vui đùa với nhau, toàn là người nữ không có người nam. Nan-đà từ xa trông thấy năm trăm thiên nữ, đang ca hát kỹ nhạc vui đùa với nhau; bèn hỏi Thế Tôn:
“Đây là những đâu, mà có năm trăm thiên nữ ca hát kỹ nhạc vui đùa với nhau?”
Thế Tôn bảo:
“Nan-đà, ngươi tự đến đó mà hỏi!”
Tôn giả Nan-đà liền đi đến chỗ năm trăm thiên nữ; thấy cung điện nhà cửa kia, trải hàng trăm thứ tọa cụ tốt; toàn là người nữ không có người nam. Tôn giả Nan-đà hỏi thiên nữ kia:
“Các cô, có đúng là thiên nữ đang cùng nhau vui đùa khoái lạc phải không?”
Thiên nữ đáp:
“Chúng tôi có năm trăm người, tất cả đều thanh tịnh, không có phu chủ. Chúng tôi nghe Thế Tôn có đệ tử tên là Nan-đà, là con di mẫu của Phật. Ngài đang ở chỗ Như Lai tu phạm hạnh thanh tịnh, sau khi mạng chung [591c27] sẽ sinh về cõi này làm phu chủ chúng tôi, cùng vui đùa với nhau.”
Lúc ấy Tôn giả Nan-đà lòng rất vui mừng không thể tự chế, liền tự nghĩ: “Hiện tại ta là đệ tử Thế Tôn, lại là con di mẫu. Những thiên nữ này đều sẽ làm vợ cho ta.”
Bấy giờ, Nan-đà thối lui, đi đến chỗ Thế Tôn. Thế Tôn hỏi:
“Thế nào Nan-đà, Các ngọc nữ kia nói gì?”
Nan-đà thưa:
“Các ngọc nữ kia đều nói, Chúng tôi đều không có phu chủ. Nghe có đệ tử Thế Tôn khéo tu phạm hạnh, sau khi mạng chung sẽ sinh về nơi này.”
Thế Tôn bảo:
“Nan-đà, ý ngươi thế nào? Nan-đà, ý ngươi thế nào?”
Nan-đà thưa:
“Khi ấy, con tự nghĩ, ‘Ta là đệ tử Thế Tôn, là con di mẫu của Phật. Những thiên nữ này tất cả đều sẽ làm vợ cho ta.’”
Thế Tôn bảo:
“Khoái thay, Nan-đà! Khéo tu phạm hạnh, Ta sẽ xác chứng cho ngươi, khiến cho năm trăm người nữ này đều sẽ thành những người hầu hạ ngươi.”
Thế Tôn lại bảo:
“Thế nào Nan-đà? Thích nữ Tôn-đà-lợi xinh đẹp, hay là năm trăm thiên nữ xinh đẹp?”
Nan-đà thưa:
“Giống như con khỉ cái mù lòa trên đỉnh núi ở trước Tôn-đà-lợi, không tươi sáng cũng không nhan sắc. Ở đây cũng như vậy, Tôn-đà-lợi ở trước những thiên nữ kia cũng lại như vậy, không có tươi sáng.”
Thế Tôn bảo:
“Ngươi khéo tu phạm hạnh, Ta sẽ tác chứng cho ngươi được năm trăm thiên nữ này.”
Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: “Nay Ta sẽ dùng lửa đề diệt lửa Nan-đà.” Trong khoảnh khắc giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, Thế Tôn tay phải nắm cánh tay Nan-đà, dẫn đến trong địa ngục. Lúc này chúng sanh địa ngục đang chịu ngần ấy khổ não. Khi ấy trong địa ngục kia có một cái vạc lớn, trống không có người. Thấy vậy, Nân-đà sinh lòng sợ hãi, lông áo đều dựng đứng, đến trước Thế Tôn thưa:
“Ở đây mọi chúng sanh đều chịu khổ đau, chỉ có độc nhất cái vạc này trống không có người!”
Thế Tôn bảo:
“Đây gọi là địa ngục A-tỳ.”
Bấy giờ, Nan-đà lại càng sợ hãi hơn, lông áo đều dựng đứng lên, bạch Thế Tôn:
“Đây là địa ngục A-tỳ, mà sao có một chỗ trống không có tội Nhân?”
Thế Tôn bảo:
“Nan-đà, ngươi tự đến đó hỏi.”
Tôn giả Nan-đà liền đi đến đó và hỏi:
“Thế nào ngục tốt, đây là ngục gì mà trống, không có người?”
Ngục tốt đáp:
“Tỳ-kheo nên [592b01] biết, đệ tử của Phật Thích-ca Văn tên là Nan-đà, ở chỗ Như Lai tu phạm hạnh thanh tịnh, sau khi thân hoại mạng chung sinh về chỗ lành trên trời. Ở đó, ông ta sống lâu nghìn tuổi, tự vui đùa khoái lạc, mạng chung ở đó lại sinh vào trong địa ngục A-tỳ này. Cái vạc trống này chính là nhà của ông ta.”
Tôn giả Nan-đà nghe xong những lời này, sinh lòng sợ hãi, lông áo đều dựng đứng, liền tự nghĩ, “Cái vạc trống này chính là dành cho ta chăng?” Rồi trở lại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân bạch Thế Tôn:
“Xin nhận sự sám hối tội của chính con, vì không lo tu phạm hạnh, lại còn xúc nhiễu Như Lai!”
Bấy giờ Tôn giả Nan-đà, liền nói kệ này:
Đời người không đủ quý,
Tuổi trời rồi cũng tàn.
Địa ngục chua, thống khổ.
Chỉ có vui Niết-bàn.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả Nan-đà:
“Lành thay! Lành thay! Như những gì ngươi đã nói. Niết-bàn rất là khoái lạc. Nan-đà, cho phép ngươi sám hối. Ngươi kẻ ngu si đã tự biết là mình có lỗi đối với Như Lai. Nay Ta nhận sự hối lỗi của ngươi, sau này chớ tái phạm.”
Bấy giờ, Thế Tôn trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, tay nắm Nan-đà biến khỏi địa ngục, trở về đến vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, thành Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Nan-đà:
“Này Nan-đà, nay ngươi hãy tu hành hai pháp. Hai pháp gì? Chỉ và quán. Lại phải tu thêm hai pháp. Hai pháp gì? Sinh tử không đáng vui, biết Niết-bàn là an lạc. Đó là hai pháp. Lại tu thêm hai pháp. Hai pháp gì? Trí và biện.”
Bấy giờ, Thế Tôn thuyết giảng cho Nan-đà bằng nhiều pháp khác nhau. Tôn giả Nan-đà sau khi thọ lãnh những lời dạy của Thế Tôn rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, rồi thối lui ra về; đi đến rừng An-đà. Ở đó, Tôn giả ngồi kiết già dưới một gốc cây, chánh thân, chánh ý, buộc niệm trước mặt, tư duy những lời dạy này của Như Lai. Bấy giờ Tôn giả Nan-đà ở nơi vắng vẻ, lúc nào cũng tư duy về những lời dạy của Như Lai không bỏ quên giây phút nào, vì mục đích gì mà thiện gia nam tử này, do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng, cho đến biết như thật rằng, sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Lúc bấy giờ Tôn giả Nan-đà thành A-la-hán. Sau khi thành A-la-hán, Tôn giả rời chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, [592c01] ngồi qua một bên. Tôn giả Nan-đà bạch Thế Tôn:
“Trước đây, Thế Tôn đã hứa chứng nhận năm trăm thiên nữ cho đệ tử. Nay con xả hết.”
Thế Tôn bảo:
“Nay ngươi đã dứt sinh tử, phạm hạnh đã lập. Ta cũng liền bỏ nó luôn.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Nay Ta thấy Nan-đà,
Tu hành pháp Sa-môn;
Các ác đều đã diệt,
Không mất hạnh đầu-đà.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Người đắc A-la-hán, hiện nay chính là Tỳ-kheo Nan-đà, không còn dâm, nộ, si cũng là Tỳ-kheo Nan-đà.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Ni-câu-lưu, tại Ca-tỳ-la-việt, Thích-sí-sấu,[97] cùng với năm trăm vị Đại Tỳ-kheo. Bấy giờ Đại Ái Đạo Kiều-đàm-di[98] đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Thế Tôn:
“Ước nguyện Thế Tôn sinh mạng hằng được thủ hộ để giáo hóa lâu dài những kẻ ngu tối.”
Thế Tôn bảo:
“Cù-đàm-di, không nên nói với Như Lai những lời như vậy. Tuổi thọ của Như Lai lâu vô cùng, mạng hằng được thủ hộ.”
Bấy giờ, Đại Ái Đạo Cù-đàm-di liền nói kệ này:
Làm sao lễ Tối thắng,
Đấng thế gian Tối tôn,
Để đoạn tất cả nghi?
Do vậy nói lời này.
Bấy giờ, Thế Tôn đáp lại Cù-đàm-di bằng bài kệ này:
Tinh tấn ý khó khuyết;
Thường có tâm dũng mãnh;
Xem Thanh văn bình đẳng:
Đó là lễ Như Lai.
Rồi Đại Ái Đạo bạch Thế Tôn:
“Từ đây về sau con sẽ lễ Thế Tôn. Nay Như Lai dạy xem[99] tất cả chúng sanh với ý không tăng tổn. Trên trời, trong cõi người, cùng A-tu-la, Như Lai là tối thượng.”
Khi ấy Như Lai chấp nhận những gì Đại Ái Đạo đã nói. Bà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, rồi thối lui ra về.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Trong hàng Thanh văn của Ta, đệ tử hiều biết rộng rãi đệ nhất, chính là Đại Ái Đạo.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
[593a01] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai hạng người này ở trong chúng sẽ phát sinh hủy báng Như Lai.[100] Hai hạng người nào? Hạng phi pháp nói là pháp; pháp nói là phi pháp. Đó là hai hạng người phỉ báng Như Lai.
“Lại có hai hạng người không phỉ báng Như Lai. Thế nào là hai? Hạng phi pháp nói là phi pháp; thật pháp nói là thật pháp. Đó là hai hạng người không phỉ báng Như Lai.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, phi pháp nên nói là phi pháp; thật pháp nên nói là thật pháp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có hai hạng người được phước vô lượng. Thế nào là hai? Người khen ngợi điều đáng khen ngợi; người không khen ngợi điều không đáng khen ngợi. Đó là hai hạng người được phước vô lượng.
“Lại có hai hạng người chịu tội vô lượng. Thế nào là hai? Người mà điều đáng khen ngợi, trở lại phỉ báng; người mà điều không đáng khen ngợi, lại khen ngợi. Các Tỳ-kheo chớ học điều này.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.[101] Chú thích:
[72] Tương đương Pāli, A. II. 1.9 Hirottapa (R i. 51 ).
[73] Hán: diệu pháp 妙法. Pāli, ibid. : dhammā sukkā, hai pháp tinh trắng.
[74] Hữu tàm hữu quý 有慚有愧. Pāli: hirī ca ottapañca.
[75] Pāli tương đương, M 3 Dhammadāyāda (R i. 12); Hán: Trung kinh 88.
[76] Pháp thí 法施, thực thí 食施. Hán dịch không chỉnh. dāyāda: (người) thừa tự, thừa kế; Hán hiểu là dāya: cho, bố thí. Xem nội dung dưới đây sẽ rõ. Pāli, ibid.: dhammadāyādā me, bhikkhave, bhavatha, mā āmisadāyādā, này các Tỳ-kheo, hãy là kẻ thừa tự pháp của Ta, chứ đừng là kẻ thừa tự tài vật của Ta.
[77] Pāli: atthi me tumhesu anukampā, Ta hăng thương tưởng đến các ngươi.
[78] Tham chiếu Pāli, ibid., bị chỉ trích: Thày trò bị chỉ là những kẻ thừa tự tài vật (āmisadāyādā satthusāvakā viharanti).
[79] Hán: dục thí 欲施; được hiểu là bố thí vật dục tức vật chất.
[80] Hán: di dư pháp 遺餘法; đây chỉ đồ ăn còn dư thừa. Pāli, ibid.: (piṇḍapāto) atirekadhammo, đồ ăn khất thực (thuộc loại, pháp) còn dư tàn.
[81] Câu này có thể là diễn dịch thêm của dịch giả Hán.
[82] Hai chữ đệ tử này nghi Hán chép dư. Xem cht. 12 tiếp theo.
[83] Tham chiếu Pāli: satthu pavivittassa viharato sāvakā vivekaṃ nānusikkhanti, “Tôn sư sống viễn ly, nhưng các đệ tử không học theo hành viễn ly.” Có sự trùng lặp trong bản Hán: Thanh văn và đệ tử, cả hai đều dịch tư một từ gốc: Skt. śrāvaka (Pāli: sāvaka).
[84] Tịch tĩnh xứ 寂靜之處. Pāli: viveka, viễn ly, đời sống ẩn dật.
[85] Pāli: họ sống sung túc (bahulikā), lười nhác (sāthlikā), dẫn đầu đọa lạc (okkame pubbaṅgamā), quăng bỏ hạnh viễn ly (paviveke nikkhittadhurā).
[86] Đệ tử, nghi dư. Xem văn mạch các đoạn trên.
[87] Pāli: lobho ca pāpako, tham là ác pháp.
[88] Đắc xử trung chi đạo 得處中之道. Pāli: atthi majjhimā paṭipadā.
[89] Pāli: cakkhukaraṇī ñāṇakaraṇī upasamāya abhiññāya sambodhāya nibbānāya saṃvattati, nó tác thành nhãn, tác thành trí, dẫn đến tịch tĩnh, thắng trí, chánh giác, Niết-bàn.
[90] Pāli: mada, pamāda, kiêu xa và phóng dật.
[91] Tam-phật-(đà) 三佛. Tức Pāli: sambuddha, Phật chánh giác.
[92] Tụng, chỉ các thi tụng Vệ-đà. Xem Trương, kinh 23: Cứu-la-đàn-đầu.
[93] Định cú Pāli: anupubbikathā… nekkhmme ānisaṃsaṃ pakādeti, diễn nói pháp theo thuận thứ… sích lợi của sự xuất ly. Pāli: nekkhamma, bản Hán hiểu là xuất gia; đây chỉ sự xuất ly hay ly dục, theo thuậ tự pháp đợc nói. Xem Trung (Việt), kinh 38, cht. 3.
[94] Na-la-kỳ-lê 那羅祇梨. Pāli: Nālāgiri (Dhanapāla), cf. Vin.ii. 194f.
[95] Cf. Dhp. 13, 14. Yathā agāraṃ ducchannaṃ, vuṭṭhī samativijjhati; evaṃ abhāvitaṃ cittaṃ, rāgo samativijjhati. Yathā agāraṃ suchannaṃ, vuṭṭhī na samativijjhati; evaṃ subhāvitaṃ cittaṃ, rāgo na samativijjhati.
[96] Hương sơn 香山, tức Hương túy sơn (Pāli, Skt. Gandhamādana), xem Trường, kinh 18: Thế ký.
[97] Thích-sí-sấu 釋翅瘦, hay Thích-sí 釋翅; Pāli: Sakkesu: giữa những người họ Thích. Xem kinh 10, phẩm 17.
[98] Đại Ái Đạo Cù-đàm-di 大愛道瞿曇彌. Pāli: Mahāpajāpatī Gotamī.
[99] Để bản: lễ 禮. TNM: thị 視.
[100] Lưu ý Hán dịch đảo cú. So ngữ cảnh tiếp theo để rõ. Cf. A ii. 3. 3 (R i. 60).
[101] Bản Hán, hết quyển 9.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.174.65 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.