Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)

Trang chủ »» Kinh Bắc truyền »» Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 3 »»

Đại Bát Niết Bàn Kinh [大般涅槃經] »» Bản Việt dịch quyển số 3

Donate


» Tải tất cả bản dịch (file RTF) » Việt dịch (2) » English version (1) » Hán văn » Phiên âm Hán Việt » Càn Long (PDF, 0.64 MB) » Vĩnh Lạc (PDF, 0.78 MB)

Chọn dữ liệu để xem đối chiếu song song:

Kinh Đại Bát Niết Bàn

Kính mong quý độc giả xem kinh cùng góp sức hoàn thiện bằng cách gửi email về admin@rongmotamhon.net
để báo cho chúng tôi biết những chỗ còn có lỗi.

Kinh này có 40 quyển, bấm chọn số quyển sau đây để xem:    
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 |
Việt dịch: Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến

Đại Tạng Kinh Việt Nam
(Download file MP3 -11.92Mb
Font chữ:

Phẩm THỌ MẠNG - Phẩm thứ nhất – Phần ba

Phật dạy các tỳ-kheo: “Đối với giới luật, nếu còn có chỗ nghi, nay các ông cứ hỏi. Ta sẽ giảng giải khiến các ông được vui lòng. Ta đã tu học tất cả [các pháp môn] nên thông đạt sáng suốt bản tánh rỗng không vắng lặng của các pháp. Nhưng này các tỳ-kheo! Các ông chớ tưởng rằng Như Lai chỉ tu học riêng về bản tánh rỗng không vắng lặng của các pháp mà thôi.”

Phật lại dạy các vị tỳ-kheo lần nữa: “Đối với giới luật, như có chỗ nghi, nay các ông nên hỏi cho cặn kẽ.”

Lúc ấy, các vị tỳ-kheo liền bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng con không có đủ trí tuệ để thưa hỏi đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri. Vì sao vậy? Vì cảnh giới của Như Lai không thể nghĩ bàn, các phép thiền định của Như Lai không thể nghĩ bàn, những điều khuyên dạy của Như Lai không thể nghĩ bàn. Nên chúng con không đủ trí tuệ để thưa hỏi Như Lai.

“Bạch Thế Tôn! Ví như có người già đến một trăm hai mươi tuổi, thân thường mang bệnh, nằm mãi trên giường, không thể ngồi dậy, khí lực hư yếu, mạng sống chẳng còn bao lâu. Có một người nhà giàu gặp việc phải ra đi đến xứ khác, liền đem một trăm cân vàng đến gửi cho ông lão ấy và nói rằng: ‘Nay con đi xứ khác, đem tài sản quý báu này đến gửi nơi cụ. Hoặc mười năm, hoặc hai mươi năm nữa con sẽ trở về. Khi ấy, cụ sẽ trả lại cho con.’ Ông lão liền nhận lãnh số vàng. Nhưng ông lại chẳng có con cháu nối dòng. Chẳng bao lâu sau, ông bệnh nặng phải bỏ mình. Những vật gửi cho ông đều phải mất hết. Khi người chủ vàng trở về, chẳng biết đâu mà đòi. Như người ấy thật ngu si, chẳng biết suy tính chỗ đáng gửi hoặc không đáng gửi. Vì vậy nên khi trở về chẳng biết đâu mà đòi. Bởi duyên cớ ấy mà mất hết tài sản quý giá.

“Thế Tôn! Hàng Thanh văn chúng con lại cũng như thế. Tuy nghe Như Lai ân cần truyền dạy giới luật, nhưng chúng con chẳng đủ sức thọ trì để làm cho Phật pháp trụ thế lâu dài, cũng như ông lão kia nhận vàng người ta trao gửi. Nay chúng con không có trí tuệ, đối với giới luật biết thưa hỏi gì đây?”

Phật dạy các tỳ-kheo: “Nay nếu các ông hỏi ta, ắt có lợi ích cho tất cả chúng sanh. Vậy nên ta bảo các ông: tùy theo chỗ nghi của mình, cứ tùy ý mà thưa hỏi.”

Lúc ấy, các tỳ-kheo bạch Phật: “Thế Tôn! Ví như người kia, tuổi vừa hai mươi lăm, khỏe mạnh, tráng kiện và là người ngay thẳng, chính trực. Người ấy có nhiều của báu, như: vàng, bạc, lưu ly... Cha mẹ vợ con, quyến thuộc, dòng họ thảy đều còn đủ. Lại có kẻ đem vật báu đến gửi cho người ấy, nói rằng: ‘Nay tôi có việc phải đi đến xứ khác, khi nào xong việc tôi sẽ trở về. Khi ấy, ông sẽ trả lại cho tôi.’

“Rồi người ấy giữ gìn của cải quý giá đó cũng như của mình. Khi có bệnh, người ấy bèn dặn người nhà rằng: ‘Số vàng này của người ta gửi. Khi nào chủ vàng đến nhận, hãy trả đủ cho người ta.’

“Người có trí là như vậy, khéo biết suy lường. Khi trở về nhận vàng được đầy đủ, không mất mát chi cả.

“Đức Thế Tôn cũng vậy. Nếu đem Pháp bảo mà phó chúc cho A-nan cùng các tỳ-kheo thì chẳng thể giữ được lâu dài. Vì sao vậy? Tất cả các vị Thanh văn và Đại Ca-diếp đều là vô thường, như ông lão kia nhận vật do người khác gửi [mà không có khả năng giữ gìn].

“Vì vậy, Thế Tôn nên đem Phật pháp vô thượng mà giao phó cho các vị Bồ Tát. Bởi các vị Bồ Tát có thể khéo hỏi, khéo đáp, nên Pháp bảo sẽ được trụ lâu ngàn đời, tăng triển lớn lao và hưng thạnh, mang lại lợi ích, an lạc cho chúng sanh, như người trẻ tuổi tráng kiện kia nhận vật do người khác gửi [rồi đủ sức giữ gìn cẩn thận không để mất].

“Vì lẽ đó, các vị Đại Bồ Tát mới có thể thưa hỏi Như Lai. Trí tuệ của chúng con nhỏ nhoi như muỗi mòng, làm sao đủ sức thưa thỉnh pháp sâu xa của Như Lai?”

Bạch Phật rồi, các vị Thanh văn lặng thinh đứng yên.

Lúc ấy, đức Phật khen các tỳ-kheo rằng: “Lành thay, lành thay! Các ông khéo được tâm vô lậu, tâm A-la-hán. Ta đã từng nghĩ, vì phải có hai duyên như trên, nên đem Đại thừa mà phó chúc cho các Bồ Tát, khiến cho diệu pháp này được trụ lâu dài ở thế gian.”

Bấy giờ, Phật bảo tất cả đại chúng rằng: “Thiện nam tử! Thiện nữ nhân! Thọ mạng của Như Lai không thể đo lường cho xiết, tài biện thuyết của Như Lai cũng không thể cùng tận. Các ông nên tùy ý hỏi ta, hoặc hỏi giới luật, hoặc hỏi chỗ nương dựa y theo.”

Phật dạy như vậy đến lần thứ hai, rồi lần thứ ba.

Lúc ấy, trong đại chúng có một vị đại Bồ Tát tuổi còn rất trẻ, gốc người bộ tộc Đa-la, họ Đại Ca-diếp, thuộc dòng bà-la-môn. Nương sức thần của Phật, vị này đứng dậy khỏi chỗ ngồi, vén trần vai áo bên tay mặt, nhiễu quanh Phật cả trăm ngàn vòng cung kính rồi quỳ gối bên mặt sát đất, chắp tay hướng về đức Phật bạch rằng: “Thế Tôn! Con nay có chút việc muốn thưa hỏi. Nếu Phật cho phép, con mới dám nói.”

Phật bảo Ca-diếp rằng: “Đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri cho phép ông tùy ý hỏi. Ta sẽ vì ông giảng thuyết, dứt chỗ nghi cho ông, làm cho ông được vui vẻ.”

Liền đó, Đại Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như Lai thương xót, đã hứa với con, nay con sắp hỏi. Tuy nhiên, trí tuệ của con nhỏ hẹp như muỗi mòng, đạo đức của Như Lai Thế Tôn thì cao vòi vọi, vây quanh ngài là đại chúng thảy đều như hương thơm chiên-đàn, như sư tử dũng mãnh khó mà chế phục, không thể hoại diệt. Thân Như Lai bền chắc như kim cang, màu sắc như ngọc lưu ly chân thật khó hoại diệt, lại có các vị đây hợp thành biển đại trí tuệ vây quanh. Trong hội chúng này, các vị Đại Bồ Tát đều thành tựu những công đức sâu xa vi diệu vô lượng vô biên, như những con voi đang sức tráng kiện. Ở trước đại chúng như vậy, con lại dám thưa hỏi sao? Nhưng nay nhờ sức thần thông của Phật và oai đức căn lành của đại chúng, con sẽ đem một ít việc mà thưa hỏi Phật.”

Liền đó, Bồ Tát Ca-diếp đối trước Phật đọc kệ thưa hỏi rằng:

Làm sao được trường thọ,
Thân kim cang chẳng hoại?
Lại do nhân duyên nào,
Được sức kiên cố lớn?
Làm sao nhờ kinh này,
Cứu cánh được giải thoát?
Nguyện đem pháp sâu kín,
Thuyết rộng với chúng sanh.
Làm sao được rộng lớn,
Làm y chỉ chúng sanh,
Thật chẳng phải La-hán,
Nhưng dự hàng La-hán?
Làm sao biết thiên ma,
Làm trở ngại chúng tu?
Phật thuyết, Ba-tuần thuyết,
Làm sao phân biệt rõ?
Làm sao bậc Điều ngự,
Vui lòng thuyết chân đế,
Thành tựu đủ chánh thiện,
Diễn thuyết bốn điên đảo.
Làm sao tạo nghiệp lành?
Nay Như Lai nên thuyết.
Làm sao các Bồ Tát,
Thấy tánh rất khó thấy
Làm sao hiểu trọn chữ,
Hoặc nghĩa lý nửa chữ?
Làm sao chung Thánh hạnh,
Như chim ta-la-ta,
Ca-lân-đề, nhật nguyệt,
Thái bạch với tuế tinh?
Làm sao chưa phát tâm,
Cũng được xưng Bồ Tát?
Làm sao giữa Đại chúng,
Được đức chẳng run sợ,
Ví như vàng diêm-phù,
Không ai chỉ được lỗi?
Làm sao giữa bùn nhơ,
Không nhiễm, như hoa sen?
Làm sao giữa phiền não,
Phiền não chẳng nhiễm ô,
Như lương y trị bệnh,
Chẳng bị bệnh lây truyền?
Làm sao như thuyền trưởng,
Vượt biển lớn sanh tử?
Làm sao lìa sanh tử,
Như rắn lột bỏ da?
Làm sao quán Tam bảo,
Giống như cây thiên ý?
Ba thừa nếu không tánh,
Làm sao thuyết diễn ra?
Như niềm vui chưa sanh,
Sao gọi là thọ lạc?
Làm sao chư Bồ Tát,
Được chúng chẳng hư hoại?
Làm sao vì người mù,
Dẫn đường làm mắt sáng?
Làm sao hiện nhiều đầu?
Xin Như Lai giảng thuyết.
Làm sao người thuyết pháp,
Tăng trưởng như trăng non?
Vì sao lại thị hiện,
Rốt cuộc vào Niết-bàn?
Làm sao bậc dũng kiện,
Dẫn lối trời, người, ma?
Làm sao hiểu tánh pháp,
Mà thường hưởng pháp lạc?
Làm sao chư Bồ Tát
Lìa xa tất cả bệnh?
Làm sao vì chúng sanh,
Diễn thuyết pháp bí mật?
Làm sao giảng rốt ráo,
Cùng pháp chẳng rốt ráo?
Như vì dứt lưới nghi,
Sao không thuyết xác định?
Làm sao được đến gần,
Đạo cao trổi hơn hết?
Con nay thỉnh Như Lai,
Vì thương chư Bồ Tát,
Xin thuyết lẽ thâm sâu,
Của các hạnh vi diệu.
Trong tất cả các pháp,
Ắt có tánh an vui.
Nguyện Như Lai Thế Tôn,
Vì chúng con giảng rõ.
Đại y chỉ chúng sanh!
Bậc đầy đủ phước trí!
Nay muốn hỏi các ấm,
Nhưng con không trí tuệ.
Chư Bồ Tát tinh tấn,
Cũng không thể biết rõ,
Cảnh giới rất sâu xa,
Của chư Phật Như Lai.

Lúc ấy, Phật khen Bồ Tát Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông chưa được trí tuệ rõ biết tất cả, còn ta đã được rồi, nhưng chỗ thưa hỏi của ông về tạng bí mật sâu xa đó cũng giống như chỗ thưa hỏi của bậc có trí tuệ rõ biết tất cả, chẳng khác gì nhau.

“Thiện nam tử! Khi ta mới thành Chánh giác, còn ngồi tại đạo tràng nơi gốc cây bồ-đề, bấy giờ có vô số chư Bồ Tát từ các cõi Phật nhiều như số cát của vô số con sông Hằng, cũng từng đến hỏi ta về nghĩa sâu xa ấy. Những chỗ thưa hỏi ấy, từ câu văn, nghĩa lý và công đức cũng giống như những chỗ hỏi của ông, chẳng khác chi cả. Thưa hỏi được như vậy có thể làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh.”

Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Con chẳng có đủ sức trí tuệ để hỏi Như Lai về nghĩa rất sâu xa ấy. Thế Tôn! Ví như con muỗi, con mòng chẳng thể bay qua tới bờ bên kia biển cả, hoặc bay khắp hư không. Con đây cũng vậy, chẳng thể hỏi đức Như Lai về nghĩa lý thăm thẳm của biển cả trí tuệ, của hư không pháp tánh như vậy.

“Thế Tôn! Ví như một vị vua, gỡ ra hạt minh châu từ nơi búi tóc của mình, giao cho quan giữ kho. Quan giữ kho nhận rồi, cung kính đội đầu, gắng sức gìn giữ. Con đây cũng thế, cung kính đội đầu, gắng sức gìn giữ nghĩa sâu các kinh Phương đẳng mà Như Lai giảng thuyết. Vì sao vậy? Vì có thể giúp cho con mở rộng trí tuệ sâu thẳm.”

Lúc ấy, Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp rằng: “Thiện nam tử! Hãy lắng nghe kỹ! Ta sẽ vì ông mà giảng thuyết về nghiệp trường thọ mà Như Lai đã được. Bồ Tát nhờ nhân duyên nghiệp này mà được thọ mạng lâu dài. Vậy ông nên hết lòng nghe và thọ lãnh. Như nghiệp này có thể là nhân của bồ-đề, ông nên thành tâm lắng nghe và nhận lấy nghĩa lý. Đã nghe nhận rồi, lại nên vì người khác mà giảng thuyết nghĩa ấy.

“Thiện nam tử! Nhờ tu tập nghiệp ấy nên ta đã được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nay ta lại vì chúng sanh mà thuyết rộng nghĩa ấy.

“Thiện nam tử! Ví như một người con của vua, phạm tội nên bị giam trong ngục. Vua rất xót xa, thương nhớ con, bèn tự mình ngồi xe đến tận nơi giam giữ. Bồ Tát cũng như thế, muốn được trường thọ nên hộ niệm tất cả chúng sanh, giống như người đời thương yêu đứa con duy nhất của mình. Bồ Tát sanh lòng đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, truyền thọ giới không giết hại, dạy tu pháp lành, lại nên làm cho tất cả chúng sanh được vững vàng trong Năm giới, Mười điều lành.

“Bồ Tát lại vào các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la... hết thảy các cảnh giới, cứu vớt những chúng sanh khổ não đang ở trong ấy. Bồ Tát giải thoát cho những chúng sanh chưa được giải thoát, hóa độ cho những chúng sanh chưa được hóa độ. Những chúng sanh chưa được Niết-bàn, Bồ Tát đều khiến cho đạt được Niết-bàn. Người an ủi tất cả những kẻ đang sợ sệt. Nhờ các nhân duyên của nghiệp như vậy, Bồ Tát được thọ mạng lâu dài, đối với các phép trí tuệ đều được tự tại; đến lúc mạng chung liền sanh về cõi trời.”

Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Đại Bồ Tát đối với chúng sanh bình đẳng như nhau, đều giống như người đời thương yêu đứa con duy nhất của mình, nghĩa ấy sâu kín quá, con chưa hiểu nổi. Bạch Thế Tôn! Như Lai chẳng nên nói rằng: ‘Bồ Tát tu lòng bình đẳng đối với các chúng sanh, đều giống như người đời thương yêu đứa con duy nhất của mình.’ Vì sao vậy? Vì trong Phật pháp cũng có những kẻ phá giới, những kẻ phạm tội nghịch, những kẻ hủy báng Chánh pháp. Đối với những kẻ ấy, lẽ nào có thể yêu thương như con một của mình hay sao?”

Phật bảo Ca-diếp: “Đúng vậy, đúng vậy! Đối với chúng sanh ta quả thật đều xem đồng như con một của ta là La-hầu-la.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Lúc trước, nhằm ngày rằm, đang khi chư tăng tụng bố-tát, chúng hội đều là những vị thanh tịnh, đã từng thọ giới cụ túc của bậc tỳ-kheo. Lúc ấy, có một đồng tử chẳng khéo tu tập ba nghiệp thân, khẩu và ý, núp sau góc một tấm bình phong để lén nghe tụng giới. Vị lực sĩ Mật Tích liền nương sức thần của Phật, dùng chày kim cang đập đồng tử ấy nát ra như bụi.

“Bạch Thế Tôn! Thần Kim cang ấy phải rất là bạo ác mới có thể lấy mạng của đồng tử kia như vậy. Làm sao Như Lai bảo là đối với các chúng sanh đều xem như nhau, đồng như con một của ngài là La-hầu-la?”

Phật bảo Ca-diếp: “Nay ông chớ nên nói như vậy. Đồng tử kia chỉ là người hóa hiện, chẳng phải thật có, vì muốn xua đuổi những kẻ phá giới hủy pháp, khiến họ ra khỏi chúng tăng. Vị Kim cang Mật Tích ấy cũng là hóa hiện.

“Ca-diếp! Những kẻ hủy báng Chánh pháp, cùng những kẻ nhất-xiển-đề, những kẻ sát sanh, cho đến bọn tà kiến cùng những kẻ cố phạm giới cấm, ta đều thương xót họ tất cả, đều xem như con ta là La-hầu-la.

“Thiện nam tử! Ví như vị vua, nếu trong các quan có người phạm luật nước thì vua chiếu theo tội mà giết phạt chẳng tha. Như Lai Thế Tôn chẳng làm như vậy. Đối với kẻ hủy báng Chánh pháp, ngài dạy các phép yết-ma, như yết-ma quở trách, yết-ma trục xuất, yết-ma khu biệt, yết-ma trách tội, yết-ma không ai được gặp, yết-ma dứt tuyệt, yết-ma chưa bỏ tà kiến xấu ác.

“Thiện nam tử! Đối với kẻ hủy báng Chánh pháp, sở dĩ Như Lai dùng nhiều phép yết-ma hàng phục như vậy là muốn chỉ rõ cho những kẻ làm việc ác biết rằng thật có quả báo.

“Thiện nam tử! Nay ông nên biết: đối với những chúng sanh làm điều xấu ác, Như Lai là bậc bố thí cho họ sự an ổn chẳng sợ. Trong khi ngài phóng ra một luồng hào quang, hai luồng, hoặc năm luồng, nếu có những ai gặp được hào quang ấy sẽ lìa khỏi các điều xấu ác. Hiện nay, Như Lai có đủ vô lượng thế lực như vậy.

“Thiện nam tử! Với pháp chưa thể thấy, nếu ông muốn thấy thì nay ta sẽ vì ông giảng thuyết tướng mạo của pháp ấy. Sau khi ta nhập Niết-bàn, bất cứ nơi nào có tỳ-kheo trì giới, đầy đủ oai nghi, hộ trì Chánh pháp, nếu thấy kẻ phá hoại Chánh pháp thì có thể xua đuổi, quở trách, trừng trị. Nên biết rằng vị ấy sẽ được phước đức vô lượng, không thể kể xiết.

“Thiện nam tử! Ví như một vị vua chuyên làm việc bạo ác, rồi bị bệnh nặng. Có một vị vua nước láng giềng, nghe tiếng ác của vua ấy, bèn kéo binh đến định tiêu diệt. Lúc ấy, vị vua đang bệnh vì không có sức lực nên trong lòng kinh sợ, liền thay đổi tâm tánh mà tu tập việc lành. Vị vua láng giềng như vậy sẽ được phước đức vô lượng. Vị tỳ-kheo bảo vệ Chánh pháp cũng giống như thế, dùng việc xua đuổi, quở trách, trừng trị những kẻ phá hoại Chánh pháp, khiến cho họ tu các pháp lành, sẽ được phước đức vô lượng.

“Thiện nam tử! Ví như một vị trưởng giả, ở nơi xứ sở mình, vườn ruộng, nhà cửa, phòng xá bỗng sanh ra những cây độc. Trưởng giả biết vậy rồi liền đốn sạch, khiến những cây ấy đều dứt tuyệt.

“Lại cũng như một người tráng kiện mà trên đầu sanh tóc bạc, lấy làm hổ thẹn, bèn dùng cái nhiếp mà nhổ hết, chẳng để cho sanh trưởng.

“Vị tỳ-kheo bảo vệ Chánh pháp lại cũng như vậy, thấy có những kẻ phá giới luật, phá hoại Chánh pháp, liền nên xua đuổi, quở trách, nêu lỗi của họ ra mà phán xử.

“Như vị tỳ-kheo làm điều lành nhưng thấy kẻ phá hoại Chánh pháp mà vẫn để yên, chẳng xua đuổi, quở trách, chẳng nêu lỗi của họ ra mà phán xử, nên biết rằng người như vậy là kẻ oán tặc trong Phật pháp.

“Như có thể xua đuổi, quở trách, nêu lỗi của kẻ phá hoại Chánh pháp ra mà phán xử thì người ấy là đệ tử của ta, là bậc Thanh văn chân chính.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Theo như lời Phật vừa dạy thì chẳng phải đối với tất cả chúng sanh bình đẳng như nhau, đều như con một của ngài là La-hầu-la!

“Thế Tôn! Như có một người dùng dao hại Phật, lại có người khác dùng hương thơm chiên-đàn mà tô điểm thân Phật. Nếu Phật có lòng bình đẳng đối với hai người ấy, sao lại dạy rằng nên trừng trị kẻ phá hủy giới cấm? Nếu trị kẻ hủy cấm, thì lời nói xem chúng sanh bình đẳng như con một của mình là chẳng đúng.”

Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Ví như một vị quốc vương, đại thần hay tể tướng, sanh dưỡng được nhiều đứa con, tướng mạo đoan chánh, thông minh trí tuệ. Những trẻ ấy, hoặc hai đứa, ba đứa hay bốn đứa đều được người cha giao phó cho một vị thầy rất nghiêm khắc và dặn rằng: ‘Thầy nên vì ta dạy bảo chúng nó cho thông thuộc các môn phong hóa, lễ nghi, kỹ nghệ, văn thơ, toán số... Bốn đứa con ta đây, từ nay theo thầy học tập. Giả như có ba đứa bị thầy đánh bằng gậy, mang bệnh mà chết. Chỉ còn một đứa, phải dạy răn nó một cách khổ nhọc lắm mới được thành tựu. Dẫu cho mất ba đứa con, ta cũng chẳng hề oán hận thầy.’

“Ca-diếp! Như vậy, người cha và người thầy có mắc tội giết hại chăng?”

“Bạch Thế Tôn! Không. Tại sao vậy? Chỉ vì thương con, muốn cho chúng được thành người chứ không có lòng ác. Dạy dỗ như vậy thì được phước vô lượng.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Như Lai cũng thế. Ngài coi những kẻ phá hoại Chánh pháp cũng đồng như con một của ngài. Nay Như Lai đem Chánh pháp vô thượng mà phó chúc cho các quốc vương, đại thần, tể tướng, tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Các vua, quan và Bốn bộ chúng ấy nên khuyến khích những ai tu học, khiến họ được tiến bộ và tăng trưởng giới, định, tuệ. Nhưng có ai chẳng tu học ba pháp ấy, biếng nhác, phá giới, hủy hoại Chánh pháp, thì các vị quốc vương, đại thần và Bốn bộ chúng nên trừng trị họ một cách nghiêm khắc.

“Thiện nam tử! Như vậy các quốc vương và Bốn bộ chúng ấy có phạm tội chăng?”

“Bạch Thế Tôn! Không.”

“Thiện nam tử! Các quốc vương và Bốn bộ chúng ấy còn chẳng có tội, huống chi Như Lai?

“Thiện nam tử! Như Lai khéo tu phép bình đẳng ấy, đối với chúng sanh đều xem đồng như con một của mình.

“Tu tập như vậy, gọi là Bồ Tát tu tâm bình đẳng, đối với chúng sanh đều xem đồng như con một của mình.

“Thiện nam tử! Bồ Tát nhờ tu tập nghiệp ấy, được thọ mạng lâu dài, lại có thể biết được mọi việc trong những đời trước của mình và của người.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như Phật vừa dạy, nếu Bồ Tát tu tâm bình đẳng, đối với chúng sanh đều xem đồng như con mình thì được thọ mạng lâu dài.

“Như Lai chẳng nên thuyết dạy như thế. Tại sao vậy? Như một người hiểu biết đạo lý, hay thuyết dạy mọi điều hiếu thuận. Khi về nhà, người ấy lấy những gạch đá mà đánh ném cha mẹ. Nhưng cha mẹ vốn là ruộng phước, có nhiều lợi ích, khó được gần gũi, đáng lẽ người con phải cúng dường món ngon vật lạ, lại gây ra những việc sầu não tai hại. Như người hiểu biết đạo lý ấy, lời nói và việc làm trái nghịch với nhau.

“Lời nói của Như Lai cũng vậy. Bồ Tát đã tu tập tâm bình đẳng, đối với chúng sanh đều xem đồng như con mình, đáng lẽ phải được trường thọ, biết rành chuyện đã qua, thường trụ ở thế, không hề có chuyện biến đổi. Nay vì nhân duyên gì mà đời sống của Thế Tôn rất ngắn, chẳng khác chi thọ mạng của người thế gian? Như vậy lẽ nào đức Như Lai không có đem lòng oán ghét chúng sanh? Ngày xưa, Thế Tôn đã làm các nghiệp ác gì, giết chết bao nhiêu sanh mạng, mà nay ngài phải chịu đoản thọ, sống chẳng được trăm năm?”

Phật bảo Ca-diếp rằng: “Thiện nam tử! Nay có duyên cớ gì mà đối trước Như Lai ông nói ra lời vụng về như thế? Sự trường thọ của Như Lai vẫn cao hơn, trội hơn tất cả mọi sự trường thọ. Pháp thường tồn mà Như Lai đã được là bậc nhất trong các pháp thường tồn.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai được thọ mạng lâu dài như thế nào?”

Phật dạy Ca-diếp: “Thiện nam tử! Như có tám con sông lớn là Hằng hà, Diêm-ma-la, Tát-la, A-lỵ-la-bạt-đề, Ma-ha, Tân-đầu, Bác-xoa và Tất-đà. Tám con sông lớn ấy với các sông con, thảy đều chảy vào biển cả.

“Ca-diếp! Những sông lớn là thọ mạng của tất cả chúng sanh trong khắp cõi trời, người, trên mặt đất, giữa hư không, thảy đều nhập vào biển cả là thọ mạng của Như Lai. Vì vậy, thọ mạng của Như Lai là vô lượng.

“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như từ ao A-nậu-đạt có bốn con sông lớn chảy ra. Như Lai cũng thế, từ nơi Như Lai mà xuất hiện tất cả các sanh mạng.

“Ca-diếp! Ví như trong tất cả mọi pháp thường tồn, hư không là hơn hết. Như Lai cũng thế, là hơn hết trong mọi pháp thường tồn.

“Ca-diếp, như trong các loại thuốc, món đề-hồ là hơn hết. Như Lai cũng thế, đối với tất cả chúng sanh, thọ mạng của Như Lai là hơn hết.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu thọ mạng Như Lai là như vậy, ngài nên trụ thế cho trọn một kiếp hoặc một kiếp giảm, thường tuyên thuyết pháp nhiệm mầu như trời đổ mưa to.”

Phật dạy: “Ca-diếp! Nay ở chỗ Như Lai ông không nên phát sanh tư tưởng [cho rằng Như Lai là] diệt tận.

“Ca-diếp! Như có tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, cho đến những người tu hành ngoại đạo, thần tiên ngũ thông đạt đến mức tự tại, nếu muốn trụ ở thế gian trọn một kiếp hay một kiếp giảm, đi lại trên hư không, ngồi và nằm trên ấy một cách tự tại, cho lửa phóng ra từ nơi hông trái, cho nước tuôn ra từ nơi hông mặt, từ nơi thân xuất hiện khói lửa, dường như có một đám lửa, hoặc muốn sống lâu, cũng đều được như ý. Các vị ấy muốn cho đời sống của mình dài hay ngắn cũng đều được cả. Những vị ngũ thông ấy còn được sức thần tùy ý như vậy, huống chi Như Lai đối với tất cả pháp, đã được sức tự tại, lại chẳng trụ được ở thế trong nửa kiếp, một kiếp, trăm kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp hay vô lượng kiếp hay sao?

“Bởi nghĩa ấy nên phải biết rằng Như Lai là pháp thường trụ, pháp không biến đổi. Thân này của Như Lai là thân biến hóa, chẳng phải thân do sự ăn uống mà thành, chẳng qua vì hóa độ chúng sanh nên thị hiện giống như loài cây độc. Vì vậy ta mới hiện cách bỏ thân là nhập Niết-bàn.

“Ca-diếp! Nên biết rằng Phật là pháp thường tồn, pháp không biến đổi. Các ông nên ra sức tinh tấn, một lòng tu tập nghĩa đệ nhất ấy. Tu tập rồi, sẽ rộng vì người khác mà giảng thuyết.”

Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Pháp xuất thế và pháp thế gian khác nhau như thế nào? Như Phật nói rằng: Phật là pháp thường tồn, pháp không biến đổi; thế gian cũng nói rằng: Phạm thiên là thường tồn, Tự tại thiên là thường tồn, không có biến đổi, ngã là thường tồn, tánh là thường tồn, vi trần cũng là thường tồn. Nếu nói Như Lai là pháp thường tồn, tại sao Như Lai chẳng thường hiện? Nếu chẳng thường hiện, thì có khác gì với [các pháp] thế gian? Vì sao vậy? Vì Phạm thiên... cho đến vi trần ở thế gian, vốn cũng chẳng thường hiện.”

Phật bảo Ca-diếp: “Ví như một trưởng giả có nhiều bò, màu sắc tuy khác nhau nhưng hợp thành một bầy. Ông giao bầy bò ấy cho một người chăn, dắt đi ăn cỏ, uống nước. Ông chỉ cần món đề-hồ mà thôi, chẳng cần món bơ sữa. Người chăn dắt bò đi, để cho chúng tự do ăn cỏ. Đến khi trưởng giả ấy qua đời, tất cả những con bò của ông đều bị bọn cướp thâu đoạt. Bọn cướp ấy được bò rồi, không có phụ nữ để trông nom, chăn dắt, thả bầy bò tự kéo nhau đi, gặp gì ăn nấy.

“Lúc ấy, bọn cướp nói với nhau rằng: ‘Ông đại trưởng giả kia nuôi bò, chẳng cần món bơ sữa, chỉ cần món đề-hồ mà thôi. Bây giờ chúng ta nên làm thế nào để có món đề-hồ ấy? Vì trong thế gian, đề-hồ là món ăn ngon nhất. Chúng ta không có bồn chậu, như có được sữa cũng chẳng có chi mà đựng.’ Rồi họ lại bảo nhau: ‘Chúng ta chỉ có bao bằng da mà thôi, bao ấy đựng sữa cũng được. Nhưng dù có đồ đựng, chúng ta cũng không biết phải để yên hay khuấy cho đúng cách. Sữa đặc còn khó được, huống chi là bơ tươi!’ Lúc ấy, những tên cướp vì muốn có đề-hồ, bèn đổ thêm nước vào. Vì thêm nước nhiều nên sữa, bơ, đề-hồ... chẳng có được món nào cả.

“Những kẻ phàm phu cũng vậy đó. Tuy họ có pháp lành, nhưng pháp lành ấy chẳng qua là món đồ thừa của Chánh pháp Như Lai. Vì sao vậy? Sau khi Như Lai Thế Tôn vào Niết-bàn, những kẻ trộm cắp pháp lành thừa thãi của Như Lai như: giới, định, tuệ, cũng giống như những kẻ cướp đoạt lấy đàn bò kia vậy. Những kẻ phàm phu tuy họ cũng được giới, định và trí tuệ này, nhưng họ không biết phương tiện, không thể hiểu biết, giảng rõ. Vì lẽ ấy, họ không thể đạt được thường giới, thường định, thường huệ, giải thoát. Cũng như bọn cướp kia, chẳng biết phương cách nên làm hư hỏng món đề-hồ. Lại cũng như bọn cướp kia, vì muốn có đề-hồ bèn đổ thêm nước vào. Những kẻ phàm phu cũng vậy. Vì muốn giải thoát, bèn nói những pháp: ngã, chúng sanh, thọ mạng, linh hồn, Phạm thiên, Tự tại thiên, vi trần, thế tánh, giới, định, trí tuệ, với giải thoát, [tin rằng] cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng tức là Niết-bàn. Thật ra họ chẳng được giải thoát, Niết-bàn, cũng như bọn cướp kia chẳng được đề-hồ.

“Những kẻ phàm phu ấy có chút ít Phạm hạnh, phụng dưỡng cha mẹ. Nhờ nhân duyên ấy, họ sanh lên các cõi trời, hưởng thọ chút ít an lạc. Cũng như bọn cướp kia thêm nước vào sữa. Những phàm phu ấy thật chẳng biết rằng nhân họ có tu chút ít Phạm hạnh và nhờ phụng dưỡng cha mẹ, nên được sanh lên các cõi trời. Họ lại cũng chẳng biết giới, định, trí tuệ, quy y Tam bảo. Vì họ chẳng biết, nên họ thuyết thường, lạc, ngã, tịnh. Tuy họ thuyết những lẽ ấy nhưng thật không hiểu. Vậy nên sau khi Như Lai xuất hiện ở đời, ngài mới diễn thuyết thường, lạc, ngã, tịnh.

“Ví như khi có Chuyển luân vương ra đời, nhờ sức phước đức của người, bọn cướp liền rút lui và tan rã, những con bò khỏi mất mạng. Rồi đó, vị Chuyển luân vương đem bò mà giao phó cho một người chăn, người này có nhiều phương tiện hay, khéo léo, liền tạo ra được món đề-hồ. Nhờ đề-hồ ấy, tất cả chúng sanh không có bệnh khổ. Cũng như thế, khi đức Pháp Luân Thánh vương ra đời, những kẻ phàm phu không diễn thuyết được giới, định, tuệ. Họ rút lui và tan rã như bọn cướp đã rút lui và tan rã do sức phước đức của vị Chuyển luân Thánh vương.

“Lúc ấy, Như Lai khéo thuyết những pháp thế gian và xuất thế gian. Ngài vì chúng sanh, khiến chư Bồ Tát diễn thuyết thích hợp. Hàng Đại Bồ Tát đã được món đề-hồ, lại khiến cho vô lượng vô biên chúng sanh cũng được món pháp cam lộ cao trổi hơn hết, đó là thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai.

“Thiện nam tử! Bởi nghĩa ấy, Như Lai là pháp thường, chẳng biến đổi, chẳng phải như những kẻ phàm phu ngu si trong thế gian gọi Phạm thiên v.v... là pháp thường. Chỉ có Như Lai mới đáng xưng là pháp thường tồn mà thôi, ngoài ra không còn pháp [thường tồn] nào khác nữa.

“Ca-diếp! Nên biết thân Như Lai là như vậy. Ca-diếp! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân thường nên lưu tâm tu tập những chữ: ‘Phật là thường trụ’. Ca-diếp! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào tu tập hai chữ [thường trụ], nên biết rằng người ấy đã đi theo đường của ta đi và sẽ đến chỗ mà ta đã đến. Thiện nam tử! Như có ai tu tập hai chữ ấy để dứt tướng, nên biết rằng Như Lai ắt sẽ ở trước mặt người ấy thị hiện nhập Niết-bàn. Thiện nam tử! Nghĩa của Niết-bàn, tức là tánh pháp của chư Phật vậy.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Tánh pháp của Phật ý nghĩa như thế nào? Thế Tôn! Nay con muốn biết nghĩa của tánh pháp, xin Như Lai đem lòng thương xót, thuyết rộng cho nghe.

“Bạch Thế Tôn! Nói tánh pháp tức là buông xả thân. Xả thân, tức không có món gì của mình. Nếu không có món gì của mình, làm sao còn có cái thân? Nếu thân vẫn còn, làm sao nói rằng: thân có tánh pháp? Thân có tánh pháp thì làm sao còn tồn tại được? Nay con nên hiểu nghĩa ấy như thế nào?”

Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Nay ông không nên nói rằng diệt mất là tánh pháp. Nói tánh pháp là không có sự diệt mất.

“Thiện nam tử! Ví như chư thiên ở cõi trời Vô tưởng, có đủ hình sắc nhưng không có tư tưởng về hình sắc. Chớ nên hỏi rằng: ‘Chư thiên ấy hưởng sự vui vẻ khoái lạc như thế nào? Các Ngài nghĩ tưởng như thế nào? Thấy, nghe như thế nào?’

“Thiện nam tử! Cảnh giới của Như Lai, hàng Thanh văn, Duyên giác không thể hiểu nổi. Thiện nam tử! Không nên nói rằng thân Như Lai là pháp diệt mất.

“Thiện nam tử! Pháp diệt mất của Như Lai là cảnh giới Phật, hàng Thanh văn, Duyên giác không thể hiểu thấu. Thiện nam tử! Nay ông chẳng nên xét nghĩ rằng: ‘Như Lai trụ ở đâu? Như Lai đi về đâu? Ở đâu thấy được Như Lai? Như Lai vui thích ở chốn nào?’

“Thiện nam tử! Những nghĩa như thế cũng là ngoài sự hiểu biết của các ông. Cũng như Pháp thân của chư Phật cùng đủ mọi phương tiện [của các ngài] đều không thể nghĩ bàn!

“Lại nữa, thiện nam tử! Đối với Phật, Pháp,Tăng đều nên khởi tư tưởng là thường tồn. Đối với ba pháp ấy, không nên khởi tư tưởng cho là khác nhau, là vô thường, là biến đổi. Như ai thường giữ tư tưởng cho rằng ba pháp ấy là khác biệt nhau, nên biết rằng những người ấy không thể nương theo Ba chỗ quy y trong sạch. Giới cấm mà họ thọ trì chẳng được đầy đủ. Rốt cuộc, họ không thể chứng các quả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-đề. Nếu có thể đối với ba pháp không thể nghĩ bàn ấy tu tập tư tưởng là thường tồn, ắt sẽ có chỗ quay về nương tựa và noi theo.

“Thiện nam tử! Ví như nhân có cây mới có bóng cây. Như Lai cũng thế, bởi ngài có thường pháp nên mới có chỗ [để chúng sanh] quay về nương tựa và noi theo, không phải là vô thường. Nếu nói Như Lai là vô thường, ắt Như Lai không phải là chỗ quay về nương tựa và noi theo của chư thiên, loài người.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như trong bóng tối thì có cây mà chẳng có bóng.”

Phật dạy: “Ca-diếp! Ông không nên nói: ‘Có cây mà chẳng có bóng.’ Chẳng qua mắt thường chẳng thấy được bóng đó thôi. Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, tánh vốn thường trụ, không biến đổi. Những con mắt không có trí tuệ chẳng thấy được tánh thường trụ ấy, cũng như trong bóng tối, người ta chẳng thấy được bóng cây. Cũng vậy, khi Phật nhập diệt rồi, những kẻ phàm phu sẽ nói rằng: Như Lai là pháp vô thường.

“Nếu nói Như Lai khác với Pháp, khác với Tăng, tức không thành Ba chỗ quy y, cũng như cha mẹ các ông vốn là khác nhau, nên là vô thường!”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Từ nay con sẽ đem việc Phật, Pháp, Tăng là thường trụ giảng giải rõ cho cha mẹ đời này cho đến bảy đời trước, khiến tất cả đều kính vâng giữ theo lẽ ấy. Hay thay! Thế Tôn! Từ nay con phải học theo chỗ không thể nghĩ bàn của Như Lai, Pháp, Tăng. Đã tự mình học rồi, lại còn sẽ vì người khác mà giảng rộng nghĩa ấy. Như ai không thể tin nhận, nên biết rằng hạng người ấy theo pháp vô thường đã quá lâu. Đối với những người như thế, con sẽ vì họ [mà phá tan mọi kiến chấp sai lầm, như] sương và mưa đá [làm dập nát mọi thứ cây cỏ].”

Lúc ấy, Phật ngợi khen Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Nay ông có thể khéo hộ trì Chánh pháp. Hộ trì Chánh pháp như vậy là không lừa dối người khác. Nhờ nghiệp duyên lành không lừa dối như thế, ông sẽ được trường thọ, khéo rõ biết được những việc từ đời trước.”

PHẨM THÂN KIM CANG
Phẩm thứ nhì

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Thân Như Lai là thân thường trụ, thân không thể hư hoại, thân kim cang, chẳng phải thân do sự ăn uống mà thành, chính là Pháp thân.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Con chẳng thấy được những thân mà Phật vừa nói đó. Con chỉ thấy duy có cái thân vô thường, cái thân hư hoại thành cát bụi, cái thân do ăn uống các thứ vào mà có đó thôi. Vì sao vậy? Vì Như Lai sắp nhập Niết-bàn.”

Phật dạy: “Ca-diếp! Nay ông không nên gọi thân Như Lai là không bền bỉ, phải chịu hư hoại như thân phàm phu.

“Thiện nam tử! Nay ông nên biết: thân Như Lai trải qua vô lượng ức kiếp vững bền, khó hoại, chẳng phải như thân của hàng trời người, chẳng phải là thân [chất chứa sự] sợ sệt, chẳng phải là thân do sự ăn uống các thứ vào mà tạo thành.

“Thân Như Lai thật chẳng phải thân mà là thân, chẳng sanh chẳng diệt, không có sự tu tập. Thân Như Lai là vô lượng vô biên, không có dấu vết, không thể nhận biết, nhìn thấy; rốt ráo trong sạch, không có sự dao động, không thọ nhận cũng không hành động; không chỗ trụ, không tạo tác, không có mùi vị, không hỗn tạp; chẳng phải hữu vi, chẳng phải nghiệp quả; chẳng phải hành, chẳng phải [hành] diệt; chẳng phải tâm, chẳng phải [tâm] sở; không thể nghĩ bàn. Sự thường tồn [của thân ấy] không thể nghĩ bàn, không [thuộc về ý] thức, vốn lìa khỏi tâm cũng chẳng lìa khỏi tâm.

“Tâm ấy bình đẳng, không có mà cũng có, không đến đi mà cũng đến đi, chẳng phá, chẳng hoại, chẳng đoạn, chẳng dứt, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng phải chủ mà cũng là chủ, chẳng có chẳng không, dứt bặt mọi niệm tưởng thô tháo hay tinh tế, chẳng thuộc văn tự cũng chẳng phải không thuộc văn tự; chẳng phải định cũng chẳng phải không định; không thể thấy mà thấy rất rõ ràng minh bạch; không có nơi chốn mà cũng có nơi chốn, không có nhà mà cũng là có nhà, không tối tăm, không sáng suốt, không tịch tĩnh mà cũng là tịch tĩnh.

“Đó là không sở hữu, không thọ nhận, không bố thí, trong sạch chẳng nhiễm ô, không tranh giành, dứt bỏ sự tranh giành, trụ yên nơi không chỗ trụ, không nắm giữ, không buông rơi, không phải pháp, không phải phi pháp, chẳng phải ruộng phước cũng là ruộng phước; không cùng tận hay bất tận, lìa cả mọi sự cùng tận.

“Đó là sự trống không lìa khỏi trống không; tuy chẳng thường trụ cũng là thường trụ, chẳng phải diệt mất trong từng niệm, không có bụi dơ, không thuộc văn tự, lìa cả văn tự, chẳng phải âm thanh, chẳng phải thuyết dạy, cũng chẳng phải sự tu tập; không thể cân nhắc đo lường, không duy nhất cũng không khác biệt; chẳng phải hình tượng, chẳng phải tướng trạng [mà đầy đủ] các tướng trang nghiêm; chẳng phải dũng cảm, chẳng phải sợ sệt; chẳng phải vắng lặng hay không vắng lặng; không có sự nóng nảy hay không nóng nảy; không thể nhìn thấy, không có tướng mạo!

“Như Lai không [khởi ý niệm đang] cứu độ bất cứ ai nên cứu độ được tất cả chúng sanh; không [khởi ý niệm đang] giải thoát bất cứ ai nên có thể giải thoát chúng sanh; không [khởi ý niệm đang] giúp cho bất cứ ai được tỉnh giác liễu ngộ, nên có thể khai ngộ cho chúng sanh. Vì không phân biệt, chia chẻ nên thuyết pháp đúng lý chân thật duy nhất. Vì là bậc Vô thượng nên không thể xét lường; đồng như hư không chẳng có hình mạo; đồng với tánh vô sanh, không [nằm trong ý nghĩa] đoạn dứt hay thường còn; thường làm theo một thừa duy nhất, [chỉ do] chúng sanh thấy có Ba thừa; không có sự thối chuyển, dứt sạch mọi sự trói buộc; không đối nghịch, không xúc chạm; chẳng phải tánh trụ nơi tánh; không có những sự hợp tan, dài ngắn, vuông tròn... không phải các ấm, nhập, giới mà [thị hiện] là các ấm, nhập, giới; không tăng thêm, không giảm bớt; không có sự hơn kém.

“Thân Như Lai thành tựu vô lượng công đức như vậy, không ai biết được mà không ai là không biết; không ai thấy được mà không ai là không thấy; chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi; chẳng phải thế gian, chẳng phải ngoài thế gian; chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác; chẳng phải chỗ nương theo hay không nương theo; chẳng phải bốn đại, chẳng ngoài bốn đại; chẳng phải [do] nhân [tạo thành], cũng chẳng phải không [do] nhân [tạo thành]; chẳng phải chúng sanh, chẳng ngoài chúng sanh; chẳng phải sa-môn, chẳng phải bà-la-môn.

“[Thân] ấy là sư tử, đại sư tử; là chẳng phải thân, chẳng phải không thân; là không thể tuyên thuyết, trừ ra một tướng của pháp; là không thể tính đếm, khi nhập Niết-bàn cũng chẳng phải nhập Niết-bàn.

“Pháp thân Như Lai thành tựu vô lượng công đức vi diệu như vậy!

“Ca-diếp! Chỉ có Như Lai mới biết được tướng ấy, hàng Thanh văn, Duyên giác không thể biết được.

“Ca-diếp! Công đức như vậy tạo thành thân Như Lai, chẳng phải là cái thân nuôi lớn bởi sự ăn uống các thứ.

“Ca-diếp! Thân chân thật của Như Lai có những công đức như vậy, làm sao có thể có những sự bệnh khổ, suy yếu, mong manh không bền chắc như món đồ gốm chưa nung?

“Này Ca-diếp! Sở dĩ Như Lai thị hiện có bệnh khổ, chỉ là vì muốn điều phục chúng sanh.

“Thiện nam tử! Nay ông nên biết, thân Như Lai chính là thân kim cang. Từ nay ông nên thường chuyên tâm suy xét nghĩa ấy, đừng nghĩ đến cái thân do sự ăn uống [tạo thành]. Ông cũng phải vì người khác mà giảng thuyết rằng thân Như Lai chính là Pháp thân.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai thành tựu công đức như vậy, làm sao thân ngài có thể bị những sự bệnh khổ, vô thường phá hoại? Từ nay con sẽ thường suy xét rằng thân Như Lai là pháp thân thường tồn, là thân an lạc. Con cũng sẽ vì người khác mà giảng rộng nghĩa này.

“Kính bạch Thế Tôn! Pháp thân Như Lai như kim cang chẳng hề hư hoại, nhưng con chưa biết nhờ nhân duyên gì có được thân ấy?”

Phật dạy: “Ca-diếp! Do nhân duyên hộ trì Chánh pháp mới được thành tựu thân kim cang như vậy!

“Ca-diếp! Thuở xưa, ta nhờ nhân duyên hộ trì Chánh pháp mà nay thành tựu thân kim cang này, thường trụ chẳng hề hư hoại.

“Thiện nam tử! Người hộ trì Chánh pháp chẳng thọ trì Năm giới, chẳng tu chỉnh oai nghi, [?] cầm đao kiếm, cung tên, mâu sóc... mà đi theo che chở, bảo vệ cho vị tỳ-kheo trong sạch giữ gìn giới hạnh.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như có vị tỳ-kheo lìa khỏi những người che chở bảo vệ, riêng ở chỗ vắng vẻ, nơi cội cây trong vùng tha ma hoang địa, nên xưng rằng đó là tỳ-kheo chân chính. Còn như người tu hành mà có người khác luôn đi theo để che chở bảo vệ thì nên biết rằng đó chỉ là hạng cư sĩ trọc đầu mà thôi!”

Phật bảo Ca-diếp: “Không được nói rằng đó là hạng cư sĩ trọc đầu! Như có vị tỳ-kheo dù đến ở nơi đâu cũng chỉ nuôi thân vừa đủ, rồi lo đọc tụng kinh điển, suy gẫm, ngồi thiền. Như có ai đến hỏi pháp, liền giảng thuyết cho nghe, như giảng về phước đức của việc bố thí và việc trì giới, biết đủ, ít ham muốn... Tuy có thể giảng thuyết đủ các pháp như vậy, nhưng không đủ sức làm hạnh sư tử hống, không được các sư tử hầu quanh, không đủ sức hàng phục những kẻ ác phi pháp. Vị tỳ-kheo như vậy không thể làm lợi ích cho mình và lợi ích cho chúng sanh. Nên biết rằng đó là hạng người nhát gan, lười biếng. Tuy có thể trì giới, giữ hạnh trong sạch, nhưng nên biết rằng người ấy không làm nên việc gì.

“Như có vị tỳ-kheo, nuôi thân đầy đủ hoặc thường được sung túc, lại có thể hộ trì những giới cấm mà mình đã thọ, đủ sức làm hạnh sư tử hống, thuyết rộng diệu pháp, như chín bộ kinh điển là: Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Thọ ký, Già-đà, Ưu-đà-na, Y-đế-mục-đa-già, Xà-đà-già, Tỳ-phật-lược, A-phù-đà-đạt-ma. Vị ấy vì người khác mà giảng rộng những kinh điển như vậy để làm lợi ích, an lạc cho chúng sanh. Vị ấy lại lớn tiếng tuyên thuyết rằng: ‘Trong kinh Niết-bàn ngăn cấm các tỳ-kheo không được nuôi dưỡng tôi tớ, bò, dê... cùng chứa trữ những vật không đúng Chánh pháp. Như tỳ-kheo nào chứa trữ những vật bất tịnh như vậy thì phải nghiêm trị.’

“Trước đó, trong các bộ kinh khác Như Lai cũng có dạy rằng: Như có tỳ-kheo nào chứa trữ những vật phi pháp như vậy thì quốc vương nên y theo pháp mà nghiêm trị, buộc phải hoàn tục.’

“Như vị tỳ-kheo trong khi dũng mãnh tuyên thuyết Chánh pháp như vậy, lại có những kẻ phá giới nghe được, cùng nhau oán hận, hãm hại pháp sư ấy. Vị pháp sư thuyết pháp ấy ví như có bị hại chết, cũng được xưng là bậc trì giới, làm lợi mình lợi người. Vì nhân duyên ấy, ta cho phép các vị quốc chủ, quần thần, tể tướng, các vị cư sĩ Theo bảo vệ người thuyết pháp. Như ai muốn hộ trì Chánh pháp, nên học theo cách đó.

“Này Ca-diếp! Những kẻ [làm tỳ-kheo mà] phá giới, không hộ trì Chánh pháp mới đáng gọi là cư sĩ trọc đầu. Không được dùng cách ấy mà gọi người trì giới.

“Thiện nam tử! Trong quá khứ cách đây vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, ở tại thành Câu-thi-na này, có Phật ra đời hiệu là Hoan Hỷ Tăng Ích, Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn.

“Thuở ấy, cảnh giới của đức Phật này rộng lớn, trang nghiêm, thanh tịnh, dồi dào, an lạc. Nhân dân phồn thạnh, không hề bị nạn đói khát, đều giống như các vị Bồ Tát ở cõi nước An Lạc. Đức Phật ấy trụ thế giáo hóa chúng sanh đến vô lượng kiếp. Sau cùng, ngài đến rừng cây sa-la có hai cây sa-la mọc sóng đôi mà nhập Niết-bàn.

“Sau khi Phật nhập Niết-bàn, Chánh pháp trụ ở thế gian vô lượng ức năm. Rồi đến khoảng hơn bốn mươi năm trước khi Chánh pháp diệt, có một vị tỳ-kheo trì giới tên là Giác Đức. Vị này có nhiều đồ đệ theo hầu chung quanh, có khả năng tuyên dương Chánh pháp, giảng rộng được 9 bộ kinh điển, nghiêm cấm các tỳ-kheo không được nuôi dưỡng tôi tớ, bò, dê... cùng chứa trữ tài vật không đúng theo giới luật.

“Khi ấy, có nhiều tỳ-kheo phá giới nghe ngài tuyên thuyết như vậy, thảy đều sanh lòng ác. Họ cầm dao, xách gậy, kéo nhau đến bức bách vị pháp sư chân chính ấy.

“Bấy giờ, vị vua trong nước tên là Hữu Đức nghe biết việc ấy, vì lòng ủng hộ Chánh pháp liền ngự đến chỗ pháp sư, chiến đấu mãnh liệt chống lại những tỳ-kheo độc ác phá giới kia để bảo vệ pháp sư khỏi sự nguy hại.

“Khi ấy, thân vua phải chịu nhiều thương tích, khắp người không còn một chỗ nào lành lặn, dù là nhỏ như hạt cải.

“Tỳ-kheo Giác Đức khi ấy khen ngợi đức vua rằng: ‘Lành thay! Lành thay! Vua quả thật là người hộ trì Chánh pháp. Đời sau thân vua ắt sẽ trở thành vô lượng pháp khí.’

“Bấy giờ, vua được nghe thuyết pháp xong, lòng rất hoan hỷ, trút hơi từ bỏ cõi trần, liền sanh về nước Phật A-súc, làm đệ tử bậc nhất của đức Phật ấy. Những nhân dân và quyến thuộc theo vua, hoặc có công chiến đấu hay có lòng tùy hỷ, tất cả đều được tâm Bồ-đề không thối chuyển, khi mạng chung đều được sanh về nuớc Phật A-súc.

“Tỳ-kheo Giác Đức sau khi mạng chung cũng được sanh về nước Phật A-súc, làm đệ tử thứ nhì trong chúng Thanh văn của đức Phật ấy.

“Như vào lúc Chánh pháp sắp diệt tận, nên thọ trì và ủng hộ như vậy đó.

“Ca-diếp! Vị vua thuở ấy, tức là ta đây. Vị tỳ-kheo thuyết pháp chính là Phật Ca-diếp.

“Ca-diếp! Người ủng hộ Chánh pháp được vô lượng quả báo như vậy đó. Nhờ nhân duyên ấy, nay ta được đủ các tướng tốt trang nghiêm, thành tựu Pháp thân, được thân không hư hoại.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Thân Như Lai [chân thật] thường trụ, [không phải pháp hoại diệt, lòng con đã tin chắc điều đó] như khắc sâu vào đá.”

Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Bởi nhân duyên ấy, các hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, nam nữ cư sĩ đều nên gắng sức hộ trì Chánh pháp. Quả báo của việc hộ trì Chánh pháp là rộng lớn khôn lường!

“Thiện nam tử! Vì vậy nên những người cư sĩ nam hộ pháp nên cầm dao, gậy mà bảo vệ, che chở vị tỳ-kheo giữ Chánh pháp. Như có những ai thọ trì Năm giới, cũng chưa được gọi là người Đại thừa. Dù chẳng thọ Năm giới, nhưng có công hộ trì Chánh pháp, có thể gọi là Đại thừa. Người hộ trì Chánh pháp nên cầm đao kiếm, gậy gộc, khí giới mà hầu bên người thuyết pháp.”

Ca-diếp bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như những tỳ-kheo làm bạn với những nam cư sĩ cầm dao gậy ấy, đó là có thầy dạy hay không có thầy dạy? Đó là trì giới hay phá giới?”

Phật dạy Ca-diếp: “Chớ nên bảo họ là những người phá giới.

“Thiện nam tử! Sau khi ta nhập Niết-bàn, đến đời trược ác, đất nước loạn lạc, người ta sẽ cướp giật lẫn nhau, nhân dân phải đói khổ. Khi ấy, sẽ có nhiều người vì đói khổ mà phát tâm xuất gia. Những người như vậy gọi là người [thế tục] trọc đầu, [chẳng phải tỳ-kheo]. Bọn trọc đầu ấy, nếu thấy các bậc tỳ-kheo trong sạch, giữ gìn giới luật, đầy đủ oai nghi, hộ trì Chánh pháp, họ liền xua đuổi hoặc giết hại.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Người trì giới, hộ trì Chánh pháp, làm sao có thể đi vào những nơi làng xóm, thành ấp để giáo hóa?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì vậy nên nay ta cho phép người trì giới [trong thời loạn lạc nhiễu nhương ấy] được nương cậy vào hàng cư sĩ cầm dao gậy, làm bạn với họ. Như có những quốc vương, đại thần, trưởng giả, nam cư sĩ lo việc hộ trì Chánh pháp, tuy cầm dao gậy nhưng ta cũng nói rằng những người ấy là bậc trì giới. Tuy cầm dao gậy nhưng chẳng [có tâm] giết hại. Nếu ai có thể làm như vậy thì được gọi là người trì giới bậc nhất.

“Ca-diếp! Người hộ pháp, nghĩa là người có đủ chánh kiến, đủ sức giảng rộng kinh điển Đại thừa, rốt cùng cũng chẳng cầm nắm lọng báu của vua, bình dầu, gạo thóc, các loại trái cây... chẳng vì chỗ lợi dưỡng mà gần gũi, thân mật với quốc vương, đại thần, trưởng giả; đối với những kẻ tín thí, giữ lòng ngay thẳng không dua nịnh; đầy đủ oai nghi, khuất phục những kẻ phá giới và những kẻ xấu ác. Đó gọi là bậc thầy trì giới và hộ pháp, có thể làm thiện tri thức chân thật của chúng sanh. Người như vậy có tấm lòng sâu rộng như biển cả.

“Ca-diếp! Như có tỳ-kheo nào vì lợi dưỡng mà thuyết pháp với người khác, lại có đồ chúng quyến thuộc cũng xưng là thầy, tham cầu lợi dưỡng, người như vậy tự làm hư hoại chúng tăng.

“Ca-diếp! Chúng tăng có ba hạng: một là hạng tăng tạp nhạp phá giới, hai là hạng tăng ngu si và ba là hàng tăng thanh tịnh.

“Hạng tăng tạp nhạp phá giới dễ bị hư hoại. Hàng tăng thanh tịnh trì giới không thể do nhân duyên lợi dưỡng mà bị phá hoại được.

“Thế nào là hạng tăng tạp nhạp phá giới? Như có những tỳ-kheo tuy giữ giới cấm, nhưng vì cầu lợi dưỡng nên quan hệ đi lại, nằm ngồi thân cận với kẻ phá giới, gần gũi và nhờ cậy họ, chung cùng việc làm với họ. Đó gọi là phá giới, cũng gọi là tăng tạp nhạp.

“Thế nào là tăng ngu si? Như có những tỳ-kheo ở nơi chỗ tu hành vắng lặng, căn tánh không lanh lợi, u ám, mờ mịt, sống bằng phép khất thực ít ham muốn. Trong những ngày tụng giới và trong khi tự tứ thì dạy đệ tử phải sám hối cho trong sạch, còn khi thấy những kẻ chẳng phải đệ tử mình phạm nhiều giới cấm thì chẳng thể dạy họ sám hối cho trong sạch, lại chung cùng với họ mà tụng giới và tự tứ. Đó gọi là tăng ngu si.

“Thế nào là hàng tăng thanh tịnh? Như có những tỳ-kheo không bị chúng ma ngăn trở làm cho hư hoại. Đó là hàng chúng tăng Bồ Tát, bản tánh thanh tịnh, có thể điều phục hai hạng tăng nói trên, khiến họ được trụ yên trong chúng tăng thanh tịnh. Đó gọi là các bậc đại sư cao trổi hơn hết ủng hộ Phật pháp. Khéo giữ theo giới luật, vì muốn điều phục chúng sanh, làm lợi ích chúng sanh nên biết rõ các tướng của giới có quan trọng hoặc ít quan trọng. Nếu không thuộc về giới luật thì các vị ấy không cần chứng biết, còn như đúng là giới luật thì các vị liền chứng biết [phân biệt rõ ràng].

“Thế nào là điều phục chúng sanh, làm lợi ích cho chúng sanh? Nếu như các vị Bồ Tát vì giáo hóa chúng sanh, thường vào những nơi làng xóm thôn ấp, bất chấp thời tiết [tốt xấu], hoặc đến nhà đàn bà góa, nhà của dâm nữ, ở chung với họ trong nhiều năm. Nếu là hàng Thanh văn thì không nên làm như vậy. Đó gọi là điều phục, làm lợi ích chúng sanh.

“Thế nào là rõ biết phần quan trọng của giới? Như thấy Như Lai nhân việc mà chế giới, dạy rằng: ‘Từ nay các ông đừng tái phạm.’ Như Bốn trọng cấm thì người xuất gia không được phạm vào. Nếu cố phạm vào thì chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là dòng Thích tử. Đó gọi là phần quan trọng.

“Thế nào là ít quan trọng? Nếu lỡ phạm vào các điều luật nhỏ nhặt, nghe người khác can gián [từ một] đến ba lần bèn từ bỏ việc đã phạm. Đó gọi là ít quan trọng. Việc không đúng giới luật thì không chấp nhận. Ví như có người nói rằng những vật chẳng thanh tịnh là đáng thọ dụng thì không gần gũi chung cùng với người ấy. Việc đúng giới luật thì nên chấp nhận, thuận theo. Người khéo học giới luật chẳng gần với kẻ phá giới; thấy ai làm theo đúng với giới luật, liền sanh lòng vui vẻ. Như vậy có thể biết được chỗ làm theo Phật pháp, có thể giảng thuyết. Đó gọi là luật sư. Như có thể giải rộng nghĩa chân thật của Đại thừa, có thể khéo gìn giữ Khế kinh, cũng là như vậy.

“Thiện nam tử! Phật pháp vô lượng, không thể nghĩ bàn như vậy. Như Lai cũng thế, không thể nghĩ bàn.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thật vậy, thật vậy! Đúng như lời Phật dạy. Phật pháp vô lượng, không thể nghĩ bàn. Như Lai cũng thế, không thể nghĩ bàn! Vậy nên biết rằng Như Lai là thường trụ, chẳng hư hoại, chẳng biến đổi. Nay con đã học hiểu được, rồi cũng sẽ vì người khác mà giảng rộng nghĩa ấy.”

Lúc ấy, Phật ngợi khen Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thân Như Lai tức là thân kim cang chẳng hoại. Bồ Tát nên học thông suốt lẽ ấy, thấy biết chân chánh. Nếu có thể thấy biết rành rẽ như vậy, tức là thấy được thân kim cang của Phật, thân không thể hư hoại, cũng như nhìn vào tấm gương mà thấy được các màu sắc hình ảnh vậy.”

PHẨM CÔNG ĐỨC DANH TỰ
Phẩm thứ ba

Lúc ấy, đức Như Lai bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Nay ông nên khéo giữ lấy kinh này, công đức sẵn có trong từng câu chữ. Người thiện nam, tín nữ nào nghe được tên kinh này, không thể sanh vào trong bốn cảnh giới xấu. Tại sao vậy? Vì kinh điển này là chỗ tu tập của vô lượng vô biên chư Phật. Nay ta sắp nói ra chỗ được công đức.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nên đặt tên kinh là gì? Chư Đại Bồ Tát nên cung kính giữ gìn như thế nào?”

Phật dạy Ca-diếp: “Kinh này tên là Đại Bát Niết-bàn. Đầu kinh, giữa kinh cho đến cuối kinh đều là những lời lành cả. Nghĩa lý sâu xa, văn chương hay khéo, tinh túy thuần khiết, đầy đủ Phạm hạnh thanh tịnh, là kho tàng kim cương quý báu trọn đủ không thiếu. Nay ông hãy nghe cho kỹ, ta sẽ giảng thuyết.

“Thiện nam tử! Nói là đại, nghĩa là thường, như tám con sông lớn đều đổ về nơi biển cả. Kinh này cũng vậy, hàng phục tất cả phiền não trói buộc cùng các tánh ma. Sau đó mới nhập Đại Niết-bàn, buông bỏ thân mạng. Vì vậy nên gọi kinh này là Đại Bát Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Lại như vị thầy thuốc kia, có một phương thuốc bí truyền, có thể thâu nhiếp tất cả các phương thuốc khác. Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, tất cả các pháp môn bí mật, sâu kín của diệu pháp mà Như Lai đã thuyết đều có đủ trong Đại Bát Niết-bàn. Vì vậy nên gọi kinh này là Đại Bát Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Ví như người làm ruộng, gieo giống vào mùa xuân rồi thì bắt đầu trông đợi. Đến khi thu hoạch rồi, liền dứt hết mọi sự trông mong. Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh cũng thế, trong khi tu học các kinh, thường trông mong được sự lợi ích. Nếu như nghe được kinh Đại Bát Niết-bàn này rồi, thì lòng trông mong sự lợi ích ở các kinh khác ắt sẽ không còn. Kinh Đại Bát Niết-bàn này có thể đưa chúng sanh thoát ra khỏi dòng sanh tử lưu chuyển.

“Thiện nam tử! Ví như trong các dấu chân, dấu chân voi là lớn nhất. Kinh này cũng thế, là cao trổi nhất trong những phép tam-muội của các kinh.

“Thiện nam tử! Ví như cày ruộng, cày lúc mùa thu là tốt nhất. Kinh này cũng thế, là hơn hết trong các kinh.

“Thiện nam tử! Ví như trong các món thuốc, món đề-hồ là bậc nhất. Vì khéo trị được lòng nóng nảy và não loạn của chúng sanh, nên pháp Đại Niết-bàn này cũng là bậc nhất.

“Thiện nam tử! Ví như món sữa ngọt có đủ tám vị, kinh Đại Bát Niết-bàn cũng có đủ tám vị. Thế nào là tám? Một là thường tồn, hai là không biến đổi, ba là yên ổn, bốn là trong sạch mát mẻ, năm là chẳng già suy, sáu là chẳng diệt mất, bảy là không nhiễm ô, tám là vui thích. Đó là tám vị. Bởi có đủ tám vị, nên gọi kinh này là Đại Bát Niết-bàn.

“Chư Đại Bồ Tát nếu trụ yên nơi kinh này thì có thể thị hiện Niết-bàn ở khắp mọi nơi, cho nên gọi kinh này là Đại Bát Niết-bàn.

“Ca-diếp! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn do nơi kinh Đại Bát Niết-bàn này mà đạt được Niết-bàn, thì nên học lẽ này: ‘Như Lai là thường trụ, Pháp và Tăng cũng là thường trụ.’”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Hay lạ thay đức Thế Tôn! Công đức của Như Lai thật không thể nghĩ bàn! Pháp và Tăng cũng vậy, không thể nghĩ bàn! Kinh Đại Bát Niết-bàn này cũng không thể nghĩ bàn!

“Nếu ai tu học kinh điển này, người ấy được pháp môn cao trổi nhất, có thể làm bậc lương y. Nếu ai chưa tu học kinh này, nên biết rằng đó là người tối tăm, không có mắt huệ, bị vô minh che khuất.”

    « Xem quyển trước «      « Kinh này có tổng cộng 40 quyển »       » Xem quyển tiếp theo »

Tải về dạng file RTF

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Những tâm tình cô đơn


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa


Vua Là Phật, Phật Là Vua

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.240.164 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập