Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Sống một đời vui »» 12. Chuyển hóa tư tưởng và cảm thọ »»

Sống một đời vui
»» 12. Chuyển hóa tư tưởng và cảm thọ

Donate

(Lượt xem: 11.530)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sống một đời vui - 12. Chuyển hóa tư tưởng và cảm thọ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Từ bỏ khát vọng! Dứt sạch tham ái!

Jamgon Kongtrul
Liễu nghĩa cự (The Torch of Certainty)
Judith Hanson dịch sang Anh ngữ

Xưa thật là xưa, ở Ấn Độ có một người gần suốt đời làm việc chăn bò cho một ông chủ. Cuối cùng, khoảng năm 60 tuổi, ông tự xét: “Công việc này thật đáng chán. Ngày nào cũng vậy không thay đổi: lùa bò ra đồng, canh cho chúng ăn cỏ, rồi lùa chúng về nhà. Ta học được gì từ công việc này?” Sau một thời gian suy nghĩ về vấn đề, ông quyết định nghỉ việc và học thiền quán để ít nhất cũng tự giải thoát mình ra khỏi vòng luân hồi đơn điệu này.

Nghỉ việc rồi, ông tìm lên núi. Ngày nọ, ông gặp một vị Đại thành tựu giả ngồi trong hang động. Nhìn thấy ngài, người chăn bò rất vui mừng và đến gần hỏi ngài nên làm thế nào để học thiền. Vị Đại thành tựu giả nhận lời dạy cho ông những giáo pháp căn bản để thiền quán niệm tư tưởng. Lãnh nhận giáo pháp này xong, người chăn bò đến một hang động gần đó và bắt đầu tu tập.

Cũng như hầu hết chúng ta, ngay từ đầu ông đã gặp khó khăn. Trong suốt bao nhiêu năm chăn bò, ông đã rất yêu mến đàn bò của mình, và khi ông bắt đầu thực hành thiền quán theo lời dạy của vị Đại thành tựu giả, những ý nghĩ và hình ảnh duy nhất xuất hiện trong tâm trí ông chính là đàn bò mà ông đã chăm sóc. Tuy ông cố gắng ngăn chặn những tư tưởng ấy, nhưng đàn bò vẫn tiếp tục hiện ra; và ông càng nỗ lực thì hình ảnh chúng lại càng rõ rệt hơn.

Cuối cùng, kiệt lực, ông tìm đến thầy và nói về việc ông gặp quá nhiều khó khăn khi tu tập theo lời ngài dạy. Khi vị Đại thành tựu giả hỏi ông xem những khó khăn đó là gì, ông liền trình bày.

Vị thầy nói: Điều đó không thực sự khó đâu. Ta có thể dạy ông một phương pháp khác. Đó là phương pháp thiền quán bò.

Người chăn bò vô cùng ngạc nhiên, hỏi lại:
- Thế là sao ạ?

Vị Đại Thành tựu giả đáp lại:
- Ta nói nghiêm túc đấy. Ông không phải làm gì khác hơn là quan sát hình ảnh những con bò mà ông thấy. Quan sát chúng khi ông lùa chúng ra đồng, khi chúng gặm cỏ và khi ông lùa chúng về nông trại. Bất kỳ những tư tưởng nào về đàn bò hiện ra, ông chỉ việc quan sát chúng.

Thế là người chăn bò trở về hang động và ngồi xuống thiền tập theo những chỉ dẫn mới. Vì không còn cố gắng ngăn chặn các tư tưởng [về đàn bò] nên lần này ông thực hành thiền quán rất dễ dàng. Ông bắt đầu cảm thấy rất an bình và hạnh phúc. Ông không còn nhớ nhung đàn bò nữa. Tâm ông trở nên tĩnh lặng hơn, quân bình hơn và nhu nhuyễn hơn.

Sau một thời gian, ông trở lại gặp vị Đại thành tựu giả:
- Bạch thầy, con đã học xong phương pháp thiền quán bò. Bây giờ con phải làm gì tiếp theo?

Vị thầy đáp:
- Tốt lắm. Bây giờ ông đã học được cách tĩnh tâm, ta sẽ dạy ông cấp độ thứ hai của phương pháp thiền quán bò. Ông phải làm thế này: quán chính thân ông là con bò.

Thế là người chăn bò trở về hang động và bắt đầu hành trì theo lời thầy dạy, quán niệm rằng:
- À! Bây giờ ta là con bò. Ta có sừng và móng, ta kêu lên như bò, ta gặm cỏ...
Ông tiếp tục tu tập và thấy tâm càng an tĩnh và hạnh phúc hơn trước. Khi thấy mình đã nắm vững phương pháp này, ông trở lại gặp thầy và hỏi có cấp thứ ba cho pháp tu này không.

Vị Đại thành tựu giả chậm rãi đáp:
- Có đấy. Cấp thứ ba của pháp thiền quán bò là phải tập trung vào tư tưởng mình có sừng.

Vậy là, một lần nữa, người chăn bò trở về hang động để thực hành lời thầy dạy, chỉ tập trung vào tư tưởng là đầu mình có sừng. Ông tập trung vào kích thước của cặp sừng, vị trí và màu sắc, và cả cảm giác về sức nặng của chúng ở hai bên đầu của mình. Sau một vài tháng tu tập theo cách này, một sáng nọ ông thức dậy và ra ngoài đi vệ sinh. Nhưng lúc muốn ra khỏi hang, ông cảm giác có cái gì húc vào tường ở hai bên cửa động khiến ông bị vướng và không thể bước ra. Ông đưa tay lên xem vật chướng ngại ấy là gì và ngạc nhiên phát hiện rằng có một cặp sừng dài đã mọc ở hai bên đầu của mình.

Ông phải xoay nghiêng người mới ra được khỏi động và sợ hãi chạy đến gặp thầy. Đến nơi, ông hét lên:

- Thầy nhìn xem này! Thầy dạy con pháp thiền quán bò, và bây giờ con đã mọc sừng! Kinh khủng quá! Thật là một cơn ác mộng!

Vị Đại thành tựu giả vui vẻ cười lớn và kêu lên:
- Không, trái lại đó là một điều tuyệt vời! Ông đã thông thạo cấp thứ ba của pháp thiền quán bò rồi! Bây giờ ông phải tu tập cấp thứ tư. Ông phải nghĩ rằng ông không phải là bò và ông không có sừng.

Người chăn bò vâng lời trở về hang động để hành trì cấp độ thứ tư của pháp thiền quán bò. Ông quán niệm: “Bây giờ ta không có sừng, bây giờ ta không có sừng, bây giờ ta không có sừng...”
Sau một vài ngày tu tập như thế, một sáng thức dậy ông phát hiện mình có thể ra khỏi hang động không chút khó khăn. Cặp sừng đã biến mất!

Ngạc nhiên, ông chạy đến gặp thầy báo rằng:
- Thầy nhìn đây này, con không còn sừng nữa. Làm sao có thể xảy ra việc như thế này? Khi con nghĩ mình có sừng thì sừng mọc ra, khi con nghĩ mình không có sừng thì chúng biến mất. Tại sao thế?

Vị Đại thành tựu giả trả lời:
- Cặp sừng hiện ra và biến mất là do cách ông tập trung tâm ý. Tâm có uy lực vô cùng. Nó có thể làm cho mọi kinh nghiệm có vẻ như rất thật, và cũng có thể làm cho chúng có vẻ như không thật.

- Thế à? Người chăn bò ngạc nhiên.

Vị thầy tiếp tục giảng giải:
- Cặp sừng không phải là vật duy nhất có thể xuất hiện và biến mất tùy theo cách tập trung tâm ý. Tất cả mọi sự cũng đều như vậy: thân thể ông, người khác, toàn bộ thế giới... Bản chất của những thứ ấy đều là không tịch. Không có gì thực sự tồn tại ngoài sự nhận biết của tâm ông. Thấy biết được như vậy là chánh kiến. Trước hết ông phải an định tâm, sau đó học cách để thấy biết sự vật một cách sáng rõ. Đây là cấp độ thứ năm của pháp thiền quán bò: học cách quân bình cả sự an định tâm và chánh kiến.

Người chăn bò lại một lần nữa trở về hang và thiền tập với sự an định và chánh kiến. Vài năm sau, chính ông đã trở thành một vị Đại thành tựu giả, tâm thức ông đạt được sự an tĩnh và giải thoát khỏi sự đau khổ của luân hồi.

Thế giới ngày nay chẳng còn được bao nhiêu người chăn bò nữa, có lẽ nếu còn thì thế giới sẽ an bình hơn. Tuy nhiên, nếu dám thì bạn cũng có thể tu tập như lão chăn bò kia, nhưng dùng một đối tượng khác, như một chiếc xe hơi chẳng hạn. Sau một vài năm thiền quán xe hơi, bạn có thể trở thành một vị đại sư như lão chăn bò. Tất nhiên là bạn phải bằng lòng tu tập một vài năm để mọc ra đèn xe, cửa xe, dây an toàn và có lẽ cả thùng xe nữa, rồi học làm cho chúng biến mất. Và trong thời gian tu tập, bạn có thể gặp khó khăn lúc vào và ra khỏi thang máy của công ty, và những đồng nghiệp của bạn sẽ thấy hơi lạ lùng khi bạn trả lời những câu hỏi của họ bằng tiếng còi xe thay vì lời nói.

Tất nhiên, tôi chỉ nói đùa thôi. Có nhiều cách tu tập với tư tưởng, dễ dàng hơn là học mọc sừng bò hay mọc bóng đèn sau xe.

DÙNG TƯ TƯỞNG LÀM ĐỐI TƯỢNG THIỀN QUÁN

Khi tư tưởng phát sinh, thay vì thấy chúng là vọng tưởng, hãy nhận biết chúng vốn không tịch và để yên chúng trong trạng thái tự nhiên của chúng.

Ngài Gotsangpa
Vô thượng tục (The Highest Continuum)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Ngay cả sau khi đã làm hòa với 5 giác quan và học cách vận dụng những thông tin nhận được từ giác quan để làm đối tượng thiền quán, có thể bạn vẫn sẽ gặp đôi chút khó khăn trong việc đối phó với “con khỉ điên”, cái ý thức thích nhảy nhót lung tung, gây lẫn lộn, nghi ngờ và hoang mang. Cho dù bạn đã biết cách trụ tâm trong sự tỉnh giác đơn thuần qua các giác quan, cái ý thức khỉ điên vẫn sẽ luôn tìm những phương cách mới để quấy rối sự an tĩnh, trong sáng và rộng mở mà bạn đã đạt được, bằng cách đưa ra một lối suy diễn khác biệt và rắc rối hơn về các sự việc - một loại hoạt động tâm lý như một con khỉ liệng gối lung tung và chụp trái cây trên bàn thờ ăn. Dầu khó trị như thế, sự quấy rối của con khỉ điên ý thức không phải là một điều “xấu xa”. Đó chỉ là những mô thức thần kinh được xác lập lâu đời đang tìm cách củng cố bản thân chúng. Về bản chất, con khỉ điên ý thức vốn chỉ là một phản ứng thần kinh được lập trình sẵn khi sự sống còn của ta bị đe dọa. Thay vì nổi giận, hãy cộng tác với nó. Và tại sao không khởi lòng biết ơn đối với những hoạt động của nó vì đã giúp ta sống còn? Tuy nhiên, một khi đã học biết cách tận dụng các giác quan, bạn cần phải đối mặt với chính “con khỉ điên ý thức”, sử dụng những tư tưởng và cảm xúc do nó tạo ra như những trợ duyên để an định tâm thức. Và một khi bạn bắt đầu giải quyết được với những tư tưởng và cảm xúc ấy, bạn sẽ bắt đầu phát hiện toàn bộ một chiều kích mới của sự giải thoát ra khỏi những mô thức cố cựu đặt nền tảng trên sự sống còn. Bạn sẽ bắt đầu tiến trình bằng cách đặt nghi vấn: liệu hết thảy những tư tưởng mà ta suy nghĩ, hết thảy những cảm giác mà ta cảm nhận, có phải là sự thật hay chỉ là một thói quen?

Thông thường thì những bài học đầu tiên của chúng ta trong cuộc đời thường là những bài học quan trọng nhất. “Nhìn hai bên trước khi băng qua đường.” “Đừng nhận bánh kẹo từ người lạ.” “Đừng chơi với que diêm.”... Cha mẹ thường lặp đi lặp lại không ngừng những câu như thế, và điều này là hoàn toàn hợp lý. Ấy thế mà, cho dù những bài học thời thơ ấu ấy thực sự quan trọng, nhưng dường như ta vẫn luôn quên chúng đi. Bản chất tự nhiên của con người là chấp nhận mạo hiểm. Và đó là phương cách để chúng ta học hỏi. Nhưng một số bài học có thể nguy hiểm chết người, một số khác có thể gây khổ đau triền miên. Vì vậy, dầu đã trưởng thành ta vẫn phải lặp lại những bài học lúc còn bé, và trao truyền chúng cho con cháu ta. Có những bài học rất đáng được nhắc lại.

Vì thế, xin quý vị hãy tha thứ cho tôi nếu tôi nhắc lại một số điều tôi đã học từ những buổi đầu tu tập chính thức. Suy nghĩ là một hoạt động tự nhiên của tâm thức. Thiền quán không có mục đích ngăn chặn tư tưởng. Thiền quán chỉ là một quá trình an trụ tâm trong trạng thái tự nhiên của nó, vốn là rộng mở đón nhận và tự nhiên nhận biết tất cả những niệm tưởng, cảm xúc và cảm thọ khi chúng sinh khởi. Tâm thức giống như một dòng sông, và cũng như đối với một dòng sông, chẳng lý do gì mà ta phải cố tìm cách ngăn chặn dòng chảy của nó. Điều này cũng vô ích như thể bạn cố ngăn không cho trái tim mình đập hay không cho buồng phổi mình thở.

Nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải làm nô lệ cho bất cứ những gì do tâm thức bạn tạo ra. Khi bạn chưa hiểu được bản chất và nguồn gốc những niệm tưởng của mình, chúng sẽ luôn sai sử bạn. Khi đức Phật nhận biết được bản thể của tâm, Ngài đã đảo ngược tiến trình này. Ngài đã dạy cho chúng ta cách làm chủ những tư tưởng của mình thay vì để chúng sai sử.

Lần đầu tiên khi bắt đầu được chính thức theo học với cha tôi, tôi đã rất căng thẳng. Tôi đoán chắc rằng ngài đã thấy tâm thức tôi náo động như thế nào và có biết bao niệm tưởng điên cuồng cứ nhảy vụt vào đấy trong từng giây một, và chắc ngài sẽ đuổi tôi ra khỏi lớp vì tôi không xứng đáng theo học. Những điều tôi nghĩ chỉ đúng về một mặt. Ngài quả thật đã thấy được tâm thức tôi cuồng động như thế nào. Nhưng tôi đã sai lầm khi nghĩ rằng tôi không xứng đáng để học thiền.

Ngài đã dạy tôi và những đệ tử khác rằng, bất luận có bao nhiêu niệm tưởng đi qua đầu ta trong khi thiền tập cũng đều tốt cả. Nếu bạn có 100 tư tưởng đi qua đầu trong một phút, thì bạn có 100 trợ duyên cho buổi thiền tập. Ngài thường nói:
- Các con thật may mắn. Nếu con khỉ điên trong đầu các con đang nhảy nhót lung tung thì đó là một điều tuyệt vời. Chỉ cần quan sát con khỉ đang nhảy nhót mà thôi. Mỗi cú nhảy của nó, hay mỗi tư tưởng, mỗi vọng niệm, cũng như mọi đối tượng của các giác quan, đều là trợ duyên cho việc thiền tập. Nếu các con thấy mình đang vật lộn với vọng tưởng, các con có thể dùng mọi vọng tưởng làm đối tượng cho thiền quán. Như vậy, chúng sẽ thôi không còn là vọng tưởng và sẽ trở thành những trợ duyên cho sự thiền tập của các con.

Nhưng ngài cũng cảnh giác chúng ta không được bám lấy mỗi niệm tưởng khi chúng sinh khởi. Bất cứ niệm tưởng nào đi ngang qua tâm thức, chúng ta chỉ nên theo dõi nó đến rồi đi một cách nhẹ nhàng, không chấp thủ, theo cách chúng ta đã thực tập nhẹ nhàng đặt sự chú ý của mình lên các hình tướng, âm thanh và hương vị.

Việc quán tư tưởng có phần giống như chạy vội đến đón xe buýt. Ngay khi bạn vừa chạy đến trạm thì xe vừa chạy mất, thế là bạn phải đợi chuyến sau. Cũng vậy, thường luôn có một khoảng trống giữa các niệm tưởng, có thể là chỉ một thoáng ngắn ngủi thôi, nhưng thật có đó. Khoảng trống đó là kinh nghiệm sự rộng mở hoàn toàn của tâm bản nhiên. Thế rồi một niệm tưởng khác vụt hiện ra, và khi nó mất đi lại có một khoảng trống khác. Lại một niệm tưởng khác đến và đi, theo sau bởi một khoảng trống khác nữa...

Quá trình quán tư tưởng cứ như thế mà tiếp tục: một niệm tưởng, rồi một khoảng trống, rồi một niệm tưởng, rồi lại một khoảng trống... Nếu bạn kiên trì thực tập như thế, dần dần các khoảng trống sẽ kéo dài ra, và kinh nghiệm an trụ tâm trong trạng thái tự nhiên của nó sẽ trở nên trực tiếp hơn. Do đó, có hai trạng thái tâm thức cơ bản, một là có niệm tưởng và hai là không có niệm tưởng. Cả hai đều là đối tượng cho việc thiền quán.

Ban đầu, sự chú tâm vào niệm tưởng luôn luôn dao động. Không hề gì. Nếu bắt gặp tâm đang tản mạn, chỉ cần nhận biết là tâm đang tản mạn. Ngay cả những mơ mộng cũng có thể là trợ duyên cho thiền quán, nếu bạn để cho sự nhận biết của mình nhẹ nhàng bao trùm chúng.

Và khi bạn đột nhiên nhớ lại “Ủa, mình đang phải quan sát tư tưởng kia mà, mình đang phải tập trung trên hình dáng, mình đang phải lắng nghe âm thanh, mình đang phải quán niệm tưởng mà... ”, chỉ cần hướng sự chú tâm của bạn về đối tượng đang thực tập. Có một bí mật rất lớn về những cái “ủa” của sự “giật mình” như thế: Chúng thực sự chính là những kinh nghiệm chớp nhoáng thuộc bản thể tự nhiên của bạn.

Giá như nắm giữ được mỗi cái “ủa” mà bạn trải qua thì hay biết mấy. Nhưng bạn không thể làm như thế. Nếu bạn vẫn cố làm thì chúng sẽ cứng nhắc thành những khái niệm: ý niệm về cái “ủa” đó phải có nghĩa là gì. Tin vui ở đây là, bạn càng thực tập thì càng có khả năng trải nghiệm nhiều hơn những cái “ủa” như thế. Và dần dần những tiếng “ủa” đó sẽ bắt đầu tích lũy, cho đến một ngày kia chúng sẽ trở thành một trạng thái tự nhiên của tâm thức, một sự giải thoát ra khỏi các mô thức theo thói quen của những chuyện gẫu giữa các nơ-ron, giúp bạn có thể nhìn vào bất kỳ niệm tưởng, bất kỳ cảm giác và bất kỳ hoàn cảnh nào, một cách hoàn toàn tự do, hoàn toàn khai mở.

Những cái “ủa” thật là tuyệt vời!

Vậy thì bây giờ hãy cố gắng thực tập “ủa” bằng cách hướng sự chú ý của mình vào các tư tưởng như là những trợ duyên cho thiền tập. Giống như mọi pháp thiền khác, điều quan trọng là hãy bắt đầu bằng cách để tâm buông thư một lát trong sự tỉnh giác không đối tượng, rồi bắt đầu quan sát các tư tưởng. Đừng cố thực tập quá lâu. Hãy dành cho mình khoảng vài ba phút thôi.

Trước tiên, buông thư tâm trong một phút…

Rồi để tâm nhận biết các tư tưởng trong chừng hai phút…

Và sau đó lại buông thư tâm trong khoảng một phút…

Khi đã thực hành xong, hãy tự hỏi bạn đã trải qua những gì. Bạn có nhiều cái “ủa” như đã nói không? Bạn có thấy rõ ràng những tư tưởng của mình không? Hay là chúng mờ mờ ảo ảo, không rõ nét? Hay chúng hoàn toàn biến mất ngay khi bạn cố quan sát chúng?

Khi tôi dạy phương pháp thiền quán này cho công chúng và sau đó đặt câu hỏi về kinh nghiệm của họ, tôi đã nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau. Một số người bảo rằng khi họ cố quan sát các tư tưởng của mình, các tư tưởng này bỗng trở nên rất khó nhận biết. Chúng lập tức lặn mất và không trồi lên một cách rõ rệt. Một số người khác lại nói rằng các tư tưởng của họ trở nên rõ rệt và kiên cố, hiện ra trong đầu như những dòng chữ và họ có thể nhìn ngắm chúng đến và đi mà không nắm bắt, cũng không bị phiền nhiễu.

Bây giờ, tôi sẽ hé mở cho các bạn một bí mật lớn: Không có bí mật nào cả! Cả hai đối cực mà những người nói trên mô tả - và bất cứ điều gì ở giữa hai đối cực đó - đều là những kinh nghiệm thiền quán. Nếu bạn e sợ các tư tưởng, đó là bạn đã cho chúng quyền kiểm soát bạn, vì [bạn sẽ thấy như] chúng có vẻ kiên cố quá, thật có quá. Bạn càng e sợ, chúng càng có vẻ như mạnh mẽ hơn. Nhưng khi bạn bắt đầu quan sát chúng, sức mạnh mà bạn đã trao cho chúng sẽ yếu ớt đi. Điều này có thể xảy ra theo hai cách.

Đôi khi, như đã nói ở trước, nếu bạn quan sát kỹ các tư tưởng, bạn sẽ bắt đầu nhận ra là chúng sinh khởi và mất đi rất nhanh chóng, với một khoảng trống giữa hai tư tưởng nối tiếp nhau. Ban đầu, khoảng trống đó có thể không dài lắm, nhưng với sự tu tập, chúng sẽ ngày càng kéo dài hơn và tâm thức bạn bắt đầu trụ một cách an bình hơn, rộng mở hơn trong thiền quán không đối tượng.

Có những lúc khác, việc thực tập quán tư tưởng đơn giản trở nên giống như xem TV hay xem chiếu bóng. Trên màn ảnh có rất nhiều điều đang diễn ra, nhưng thực sự bạn không ở trên màn ảnh đó, phải không? Có một khoảng cách nhỏ giữa bản thân bạn và những gì bạn đang xem. Khi bạn thực tập quan sát tư tưởng, bạn có thể trải nghiệm cùng một khoảng cách giống như thế giữa bản thân bạn và các tư tưởng của bạn. Bạn không thực sự tạo ra khoảng cách ấy, vì nó vốn luôn luôn hiện diện; bạn chỉ để mình nhận biết nó, thế thôi. Và thông qua sự tỉnh giác về khoảng cách ấy, bạn có thể thực sự bắt đầu việc quán tư tưởng của mình một cách thích thú, ngay cả khi chúng là đáng sợ, mà không chìm đắm trong ấy hoặc bị chúng chế ngự. Cứ để những tư tưởng dàn ra theo cách của chúng, giống như người lớn nhìn trẻ con chơi đùa - xây lâu đài cát, đánh trận giả bằng lính nhựa hay chơi những trò khác. Trẻ con đặt hết tâm ý vào những trò chơi của mình, nhưng người lớn chỉ quan sát và bật cười một một cách trìu mến trước vẻ nghiêm túc của chúng.

Bất kỳ kinh nghiệm nào xảy đến cho bạn cũng tốt cả, và chắc chắn là những kinh nghiệm này sẽ thay đổi qua thời gian thiền tập của bạn. Có khi bạn sẽ quan sát tư tưởng rất chặt chẽ, nhìn thấy chúng đến và đi, nhận ra những khoảng trống giữa chúng. Nhưng cũng có khi bạn chỉ quan sát chúng với khoảng cách nhỏ như đã đề cập ở trên. Thiền quán thực sự dễ dàng hơn nhiều so với phần đông chúng ta vẫn tưởng: Bất kỳ kinh nghiệm nào bạn trải qua, miễn là bạn tỉnh giác nhận biết những gì đang xảy ra, đó chính là thiền !

Chỉ có một điểm khiến kinh nghiệm của bạn chuyển đổi từ thiền sang một cái gì khác, đó là lúc bạn cố gắng kiểm soát hay làm thay đổi bất kỳ điều gì bạn đang trải nghiệm. Nhưng nếu bạn có phần nào tỉnh giác về sự cố gắng kiểm soát kinh nghiệm như thế, thì đó cũng vẫn là thiền.

Tất nhiên, cũng có một số người không thấy được một tư tưởng nào cả. Đầu óc họ như hoàn toàn trống rỗng. Điều này cũng tốt. Bạn đang vận dụng tâm thức của chính bạn, nên không ai có thể phê phán bạn, không ai có quyền đánh giá bạn về kinh nghiệm của bạn. Thiền quán là một tiến trình độc đáo cá biệt, và không bao giờ có kinh nghiệm hoàn toàn giống nhau ở hai người.
Khi bạn tiếp tục tu tập thiền, chắc chắn bạn sẽ thấy kinh nghiệm của mình thay đổi, có khi là trong từng ngày, hoặc từ giai đoạn này đến giai đoạn sau. Có lúc bạn có thể thấy các niệm tưởng của mình rất rõ ràng và dễ quan sát, nhưng cũng có khi chúng dường như mơ hồ và khó nắm bắt. Có khi bạn thấy trong đầu trở nên u tối và mơ hồ khi ngồi xuống thiền. Tất cả những điều này đều tốt cả. Cảm giác u tối ấy không gì hơn là một chuỗi nơ-ron đang chuyện trò với nhau để đối phó với ý định ngồi thiền của bạn, và bạn chỉ cần quan sát sự u tối đó hay bất kỳ điều gì bạn cảm thấy. Thiền chính là quan sát và hướng sự chú ý đơn thuần của mình vào bất kỳ điều gì bạn đang trải nghiệm trong từng thời điểm cụ thể. Ngay cả những câu chuyện gẫu giữa các nơ-ron, hiển thị dưới dạng một niệm tưởng như “tôi không biết thiền như thế nào” cũng có thể là một đối tượng thiền quán khi bạn quan sát nó.

Chỉ cần bạn duy trì sự tỉnh giác hay chánh niệm, thì bất luận điều gì xảy ra khi bạn đang thực tập, bạn vẫn đang thiền tập. Nếu bạn quan sát niệm tưởng của mình, đó là thiền. Nếu bạn không thể quan sát được niệm tưởng của mình, đó cũng là thiền. Bất kỳ trong số những kinh nghiệm này đều có thể là trợ duyên cho thiền quán. Điều thiết yếu là duy trì sự tỉnh giác, cho dù có bất kỳ niệm tưởng, cảm xúc hay cảm giác nào sinh khởi. Nếu bạn nhớ rằng sự tỉnh giác về bất kỳ điều gì đang xảy ra chính là thiền quán, thì thiền quán sẽ trở nên dễ dàng hơn bạn tưởng rất nhiều.

TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT CỦA NHỮNG NIỆM TƯỞNG KHÓ CHỊU

Bất luận niệm tưởng nào sinh khởi, đừng cố gắng ngăn chặn nó.

Ngài Gyalwang Karmapa Đời thứ 9
Đại thủ ấn: Liễu nghĩa hải (Mahamudra: The Ocean of Definitive Meaning)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Đặc biệt với những ai mới tập thiền thì việc quan sát đơn thuần những niệm tưởng liên quan đến những kinh nghiệm khó chịu là điều rất khó khăn, nhất là những niệm tưởng tương ứng với cảm xúc mạnh như đố kỵ, giận dữ, sợ hãi hay tham muốn. Những niệm tưởng khó chịu ấy có thể quá mãnh liệt và dai dẳng đến mức độ ta dễ dàng bị cuốn hút phải chạy theo chúng. Những người đã trao đổi khó khăn này với tôi nhiều đến nỗi không thể đếm hết trên đầu ngón tay và ngón chân, đặc biệt là khi những niệm tưởng của họ có liên quan đến những xung đột với người nhà, ở nơi làm việc hay một nơi nào đó khiến họ không thể quên đi. Ngày qua ngày, họ không ngừng trở lại với những ý tưởng mà họ liên kết với những câu nói hay hành động trước đây, và họ tự thấy mình bị vướng mắc trong những suy nghĩ về việc người kia tồi tệ như thế nào, về những gì mà họ có thể hay lẽ ra phải nói vào lúc ấy, và những gì họ muốn làm để trả đũa.

Cách tốt nhất để đối phó với những loại niệm tưởng này là dừng lại một chút và buông thư tâm trong thiền chỉ không đối tượng chừng một phút, rồi hướng sự chú ý đến từng niệm tưởng và những ý nghĩ xoay quanh nó, trực tiếp quan sát tất cả trong một vài phút, giống như khi bạn quan sát hình dạng hay màu sắc của một hình thể. Hãy để mình luân phiên thay đổi giữa sự buông thư tâm trong thiền không đối tượng rồi trở lại chú tâm đến cùng những niệm tưởng trước đó, và cứ tiếp tục lặp lại như vậy...

Khi bạn đối phó với những niệm tưởng xấu theo phương cách này, sẽ có hai điều xảy ra. (Đừng lo, cả hai cách đó đều không liên quan đến việc mọc sừng!) Trước hết, khi bạn buông thư tâm trong sự tỉnh giác, tâm thức của bạn sẽ bắt đầu an định. Thứ hai, bạn sẽ thấy sự chú ý của bạn đối với những niệm tưởng hay tình tiết đến rồi đi, giống như khi bạn quán sắc tướng, âm thanh hay những đối tượng khác của năm căn. Bởi vì niệm tưởng hay tình tiết ấy bị gián đoạn bởi những vấn đề khác, như xếp quần áo đã giặt và sấy khô, đi chợ mua thức ăn, hay chuẩn bị một cuộc họp... - nên bạn sẽ mất dần sự chú ý đến những ý tưởng khó chịu. Bạn bắt đầu nhận ra rằng chúng không kiên cố hay mạnh mẽ như lúc mới xuất hiện ban đầu. Chúng gần giống như tín hiệu điện thoại khi đường dây đang bận, có thể là bực mình thật đấy, nhưng không có gì mà bạn không thể giải quyết được.

Khi bạn giải quyết những niệm tưởng khó chịu theo phương cách này, chúng sẽ trở nên hữu ích thay vì ngăn trở sự ổn định tinh thần của bạn - cũng giống như việc tăng thêm trọng lượng những quả tạ khi bạn tập cử tạ. Bạn đang phát triển sức mạnh tâm lý để đương đầu với những cấp độ căng thẳng ngày càng cao hơn.

DÙNG CẢM XÚC LÀM ĐỐI TƯỢNG THIỀN QUÁN

Chúng ta không nhất thiết phải cảm thấy mình hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc.

Ngài Kalu Rinpoche
Ôn ngôn tế ngữ (Gently Whispered)
Elizabeth Selanda biên tập bản Anh ngữ

Bởi vì cảm xúc thường sống động và dai dẳng, chúng có thể hữu ích cho thiền quán còn hơn cả những niệm tưởng. Cha tôi và các bậc thầy khác đã giúp tôi thấy rõ rằng có ba loại cảm xúc căn bản: thiện, bất thiện và trung tính. Những cảm xúc thiện - như tình thương, lòng từ, tình bạn hay tính trung trực... - làm tăng sức mạnh cho tâm hồn chúng ta, cho chúng ta thêm niềm tin và năng lực để giúp đỡ những người cần được giúp đỡ. Khi dịch sang Anh ngữ các bản văn Phật giáo, một số người gọi những cảm xúc như thế và những hành vi liên quan đến chúng là “virtuous” (hay đức hạnh). Cách dịch này, ít nhất là theo như tôi đã quan sát từ những người Âu Tây đến nghe thuyết giảng, được hiểu như là có phần nào đó thuộc về luân lý đạo đức. Thật ra, không có mối liên kết đạo đức hay luân lý nào với những cảm xúc hay hành vi này cả. Một đệ tử thông thạo ngôn ngữ học Âu Tây đã giải thích với tôi rằng, khi dùng chữ “virtue” (đức hạnh) để dịch chữ “gewa” trong tiếng Tây Tạng thì sẽ gần gũi hơn với ý nghĩa cổ xưa của “virtue” là “hữu hiệu, có hiệu quả” khi nói về năng lực trị liệu.

Những cảm xúc bất thiện như sợ hãi, giận dữ, buồn bã, đố kỵ, bi thương hay tham cầu... thường được dịch sang Anh ngữ là “nonvirtuous”, hay tiếng Tây Tạng là “mi-gewa”, là những cảm xúc có khuynh hướng làm cho tâm suy nhược, mất tự tin và tăng thêm sợ hãi.

Trong khi đó, những tình cảm ít nhiều trung tính, căn bản là những phản ứng mơ hồ lẫn lộn, giống như kiểu cảm xúc của ta đối với một cây bút chì, một mảnh giấy hay dụng cụ gỡ đinh kẹp. Bạn có thể thử xem, thật khó mà có một cảm xúc thiện hay ác đối với một cây bút chì!

Phương thức quán niệm cảm xúc có sự khác biệt tùy theo loại cảm xúc mà bạn đang trải nghiệm. Khi bạn có một cảm xúc thiện, loại cảm xúc làm tăng sức mạnh cho tâm trí bạn, bạn có thể chú ý vào cả cảm xúc lẫn đối tượng của cảm xúc đó. Thí dụ, nếu bạn cảm thấy thương yêu một em bé, bạn có thể hướng sự chú tâm của mình vào em bé và cả cảm xúc thương yêu đối với em. Nếu bạn khởi lòng bi mẫn đối với một người đang gặp khó khăn, bạn có thể hướng tâm vào người đang cần giúp đỡ đó và cả cảm xúc bi mẫn của mình. Theo cách này thì đối tượng của cảm xúc trở thành trợ duyên cho chính cảm xúc ấy, trong khi cảm xúc ấy lại trở thành trợ duyên giúp bạn chú tâm vào đối tượng đã khơi dậy nó.

Ngược lại, chú tâm vào một cảm xúc bất thiện thường có khuynh hướng củng cố thêm trong tâm trí hình ảnh về con người, hoàn cảnh hay sự vật [liên quan đến cảm xúc] ấy như thể tự nó vốn là một điều xấu xa. Cho dù bạn có cố gắng thế nào đi chăng nữa để nuôi dưỡng tâm từ bi, sự tự tin hay bất cứ cảm xúc hiền thiện nào khác, trong đầu bạn hầu như sẽ luôn tự động liên kết đối tượng với một cảm xúc xấu: “Hừm, cái đó thật xấu xa. Phải chống lại thôi! Hãy xô đuổi nó đi chỗ khác! Hãy tránh đi thôi!”

Có một phương cách hữu hiệu hơn với những cảm xúc xấu, cũng tương tự như với các niệm tưởng tiêu cực, là chỉ đơn thuần hướng sự chú tâm lên chính cảm xúc đó thay vì là đối tượng của nó. Chỉ quan sát cảm xúc đó mà không dùng lý trí phân tích nó. Đừng cố nắm giữ nó, cũng đừng cố ngăn chặn nó. Chỉ quan sát nó thôi. Khi bạn làm như thế, cảm xúc sẽ không còn có vẻ lớn lao hay mạnh mẽ như lúc nó vừa mới sinh khởi.

Đây cũng chính là phương pháp mà tôi đã luyện tập trong những năm nhập thất đầu tiên, khi nỗi sợ hãi bất an mà tôi cảm thấy khi có đông người xung quanh khiến tôi phải bỏ chạy về phòng riêng ngồi một mình. Khi tôi bắt đầu đơn thuần quan sát những nỗi sợ hãi của mình, tôi thấy chúng không phải là những quái vật kiên cố, không thể chia tách mà tôi không bao giờ có thể chế ngự; thay vì vậy, chúng là một chuỗi những cảm xúc và hình ảnh vụn vặt thoáng qua, chợt hiện chợt biến trong tâm thức một cách quá mau chóng đến nỗi tạo ra cảm giác sai lệch rằng chúng là một thực thể nguyên khối (như về sau tôi được biết, điều này cũng tương tự như một khối xoay tròn của các phân tử hạ nguyên tử lại có vẻ ngoài giống như một vật rắn chắc không thể chia tách). Và sau khi quan sát nỗi sợ của mình theo cách ấy, tôi bắt đầu nghĩ thầm: Thú vị quá! Nỗi sợ này không hề quá mức lớn mạnh. Thật ra nó hầu như vô hại. Nó chỉ là một nhóm cảm xúc thoáng hiện ra, tồn tại chừng một hai giây rồi biến mất, vậy thôi!

Đương nhiên là điều này không phải nhất thời đạt được. Tôi đã phải trải qua mấy tuần lễ hoàn toàn đắm chìm vào tiến trình quán chiếu, giống như một nhà khoa học cuồng nhiệt bị cuốn hút vào một cuộc thí nghiệm. Tôi cũng có được lợi thế nhờ vào nhiều năm tu tập trước đó.

Nhưng rồi tôi cũng vượt ra khỏi kinh nghiệm này và khởi tâm tri ân về tất cả những phương pháp mà đức Phật đã chỉ dạy từ bao thế kỷ trước để làm lợi ích cho những người mà bản thân Ngài không bao giờ gặp, giúp họ có thể vượt qua những khó khăn như thế. Về sau, khi tôi bắt đầu học thêm về cấu trúc và công năng của não bộ và về bản chất của thực tại như các nhà vật lý học hiện đại đã mô tả, tôi lại càng có ấn tượng mạnh hơn bởi những tương đồng giữa các phương pháp mà đức Phật đã đạt được qua sự quán chiếu nội tâm và những giải thích [mà khoa học] đạt được qua những nghiên cứu khách quan cho thấy vì sao các phương pháp ấy lại thực sự hữu hiệu.

Tuy nhiên, có đôi khi đối tượng liên kết với một cảm xúc xấu - dù đó là một người, một địa điểm hay một sự kiện - có thể quá rõ rệt, quá sâu sắc khiến ta không thể phớt lờ được. Trong trường hợp đó, dù sao cũng không nên tìm cách đè nén mà hãy vận dụng cảm xúc ấy. Hãy đặt sự chú ý của bạn vào hình dáng, mùi hương, vị nếm hoặc những cảm nhận khác [về đối tượng đó theo cách] mà bạn đã học trước kia. Bằng cách này, đối tượng của cảm xúc ấy có thể tự nó trở thành một trợ duyên rất mạnh mẽ cho thiền quán.

Phương pháp này rất hữu ích khi bạn bắt đầu quán chiếu trực tiếp những phiền não căn bản đã được mô tả trong chương đầu của sách này. Khi mới học về đề tài phiền não, tôi đã nghĩ: “Thôi chết! Tôi đầy khuyết điểm, tôi vô minh, tôi nhiều tham ái và sân hận. Tôi sẽ phải chịu khổ đau đến suốt đời!” Nhưng rồi tôi nghe một câu ngạn ngữ cổ xưa. Tôi không biết câu này có dựa trên thực tiễn hay không, nhưng đại khái nó có ý nghĩa thế này: “Loài công ăn chất độc và biến chất độc ấy thành những bộ lông tuyệt đẹp.”

Hầu hết thời gian ấu thời, tôi đã thu mình khép chặt trong một khối nhỏ toàn sự khủng hoảng và âu lo, nên tôi biết rõ những cảm xúc phiền não có thể mạnh mẽ đến như thế nào. Trong 13 năm trời, tôi luôn nghĩ hẳn là mình sẽ chết, và có khi tôi mong được chết, chỉ để giải thoát khỏi những cơn khủng hoảng ấy. Chỉ khi nhập thất và bắt buộc phải đối diện trực tiếp với những phiền não ấy, tôi mới học được rằng tham, sân và si chính là những chất liệu mà tôi phải sử dụng để tu tập, cũng giống như chất độc mà con công ăn vào, hóa ra lại là cội nguồn của phúc lạc vô biên!

Mỗi loại phiền não thật ra đều là nền tảng của trí tuệ. Nếu chúng ta vướng mắc trong phiền não hay cố đè nén chúng, rốt cùng rồi ta chỉ gây thêm bất ổn cho chính mình mà thôi. Nếu thay vào đó ta đối diện trực tiếp với chúng, những điều mà ta sợ là sẽ giết chết ta, dần dần sẽ được chuyển hóa thành những trợ duyên mạnh mẽ nhất cho thiền quán như ta có thể kỳ vọng.

Các tâm hành phiền não không phải kẻ thù, mà là bạn của chúng ta.

Đây là một sự thật khó chấp nhận. Nhưng mỗi lần bạn từ chối sự thật này, hãy nghĩ đến loài công. Chất độc không ngon lành chút nào, nhưng nếu bạn nuốt được vào, nó sẽ hóa thành vẻ đẹp.

Vì thế, trong bài thực tập cuối cùng này, chúng ta sẽ quan sát những phép tu đối trị trong thiền quán mà chúng ta có thể sử dụng khi phải đương đầu với những kinh nghiệm đáng sợ và khó chịu nhất. Khi nghiền ngẫm những phép tu này, bạn sẽ phát hiện ra rằng bất kỳ kinh nghiệm nào, càng đáng sợ và có vẻ như sẽ làm ta suy yếu đến một mức độ nào đó, thì cũng chính kinh nghiệm ấy sẽ càng có khả năng giúp ta mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, cởi mở hơn và tăng thêm khả năng chấp nhận những tiềm năng vô tận của tánh Phật trong ta, với mức độ tương đương như thế.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 21 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hát lên lời thương yêu


Pháp bảo Đàn kinh


Nắng mới bên thềm xuân


Đức Phật và chúng đệ tử

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.198.108 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...