Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt,
luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Lại nữa, thiện nam tử! Thánh hạnh của Đại Bồ Tát là quán sát thân này từ đầu đến chân, trong đó duy chỉ toàn là những thứ như tóc, lông, móng tay, móng chân, răng, các thứ dơ nhớp, da, thịt, gân, xương, tỳ, thận, tim, phổi, gan, mật, ruột, dạ dày, hai tạng sanh và thục, các cơ quan đại, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng, nước mắt, những lớp mỡ, da mỏng bọc ở ngoài mỡ, tủy xương, mủ, máu, não, các mạch từ não cho đến ngón chân cái...
“Trong khi Bồ Tát chuyên tâm quán sát như vậy, liền suy xét rằng: ‘Trong những thứ đó có gì là ngã? Cái ngã thuộc về ai? Nó nằm ở chỗ nào? Cái gì thuộc về ngã?’
“Bồ Tát lại suy nghĩ rằng: ‘Bộ xương là ta chăng? Lìa bộ xương là ta chăng?’
“Lúc bấy giờ, Bồ Tát liền loại bỏ da và thịt, chỉ quán xét riêng bộ xương trắng. Lại suy xét rằng: ‘Màu sắc của xương có khác nhau như xanh, vàng, trắng... cho đến [xám tro] như màu lông chim câu. Tướng trạng của xương như vậy cũng chẳng phải là cái ngã. Vì sao vậy? Cái ngã đó chẳng phải xanh, vàng, trắng cho đến [xám tro] như màu lông chim câu.’
“Khi Bồ Tát chú tâm quán tưởng như vậy liền dứt trừ được sự ham muốn đối với hình sắc.
“Bồ Tát lại xét nghĩ rằng: ‘Bộ xương này do nhân duyên mà sanh. Nhân nơi xương bàn chân mà chống chịu xương mắt cá; nhân nơi xương mắt cá mà chống chịu xương ống chân; nhân nơi xương ống chân mà chống chịu xương đầu gối; nhân nơi xương đầu gối mà chống chịu xương đùi; nhân nơi xương đùi mà chống chịu xương mu; nhân nơi xương mu mà chống chịu xương chậu; nhân nơi xương chậu mà chống chịu xương sống; nhân nơi xương sống mà chống chịu gân cốt; lại nhân nơi xương sống mà phía trên có xương cổ; nhân nơi xương cổ mà chống chịu xương hàm; nhân nơi xương hàm mà chống chịu bộ răng, trên hết lại có xương sọ; lại nhân nơi xương cổ mà chống chịu xương vai; nhân nơi xương vai mà chống chịu xương cánh tay; nhân nơi xương cánh tay mà chống chịu xương cổ tay; nhân nơi xương cổ tay mà chống chịu xương bàn tay; nhân nơi xương bàn tay mà chống chịu xương ngón tay.’
“Khi Đại Bồ Tát quán xét như vậy, thấy hết thảy những xương hiện có trong thân đều [là những phần] tách rời riêng biệt [kết hợp trong sự phụ thuộc lẫn nhau]. Quán xét được như vậy rồi liền dứt trừ ba thứ ham muốn: một là ham muốn nhan sắc, hai là ham muốn dáng vẻ, ba là ham muốn xúc chạm.
“Khi Đại Bồ Tát quán xương màu xanh, liền thấy cõi đất này về bốn phương đông, tây, nam, bắc và bốn phương kế cận, hai phương trên, dưới, thảy đều có tướng màu xanh.
“Cũng như màu xanh, khi quán những màu vàng, trắng, xám cũng đều như vậy.
“Khi Đại Bồ Tát thực hiện phép quán như vậy, từ khoảng giữa hai chân mày liền phóng ra những hào quang xanh, vàng, trắng, xám... Trong mỗi loại hào quang ấy, Bồ Tát đều nhìn thấy có hình Phật. Thấy như vậy rồi, liền tự hỏi rằng: ‘Như thân này là do những nhân duyên bất tịnh hòa hiệp mà thành, sao lại có thể ngồi, dậy, đi, đứng, co lại, duỗi ra, cúi xuống, ngẩng lên, nhìn xem, nháy mắt, ho hen, khóc lóc, vui cười...? Ở trong thân ấy không có chủ, vậy ai sai khiến như vậy?’ Tự hỏi như vậy rồi, hình tượng chư Phật trong hào quang kia bỗng nhiên không còn nữa.
“Bồ Tát lại nghĩ rằng: ‘Hoặc giả thức là ngã chăng, cho nên khiến chư Phật chẳng vì ta mà thuyết dạy?’ Lại quán thức này lần lượt sanh diệt, dường như dòng nước chảy, cũng không phải ngã.
“Bồ Tát lại xét nghĩ rằng: ‘Nếu thức không phải ngã thì hơi thở ra vào có lẽ là ngã chăng?’ Lại xét rằng: ‘Hơi thở ra vào đó chính là tánh gió, mà tánh gió ấy cũng nằm trong bốn đại. Trong bốn đại ấy, cái nào là ngã? Đất chẳng phải ngã, nước, lửa, gió lại cũng chẳng phải ngã.’
“Bồ Tát lại nghĩ rằng: ‘Trong thân này hết thảy đều không có cái ngã. Chỉ có tâm như cơn gió hòa hiệp với các nhân duyên mà hiện ra đủ mọi thứ hành vi, sự việc. Cũng ví như những thứ do sức thần chú, ảo thuật tạo thành, lại cũng ví như cái đàn không hầu, tùy theo ý người chơi mà phát ra âm thanh. Cho nên thân này là không trong sạch như vậy, do các nhân duyên giả hợp mà thành.
“Vậy do nơi đâu mà sanh ra tham dục? Nếu bị người khác nhục mạ, lại do nơi đâu mà sanh sân khuể? Thân này của ta chứa 36 thứ, thảy đều là hôi thối, không trong sạch, vậy do nơi đâu có người bị mạ nhục?’ Nếu nghe tiếng mạ nhục, liền suy xét rằng: ‘Do nơi tiếng nào thấy được sự mạ nhục?’ Liền xét trong mỗi tiếng riêng rẽ không tiếng nào có thể thấy được sự mạ nhục. Nếu mỗi tiếng không thể thấy sự mạ nhục, thì nhiều tiếng hợp lại cũng không thể thấy sự mạ nhục. Vì nghĩa ấy mà không nên sanh tâm sân hận.’
“Nếu người khác đánh đập mình, cũng nên xét rằng: ‘Sự đánh đập đó, do đâu mà sanh?’ Lại xét rằng: “Do có tay người, dao gậy, và thân ta nên mới có cái gọi là đánh đập. Nay vì duyên cớ gì ta lại nổi giận với người khác? Chính do cái thân này của ta tự chuốc lấy tai hại ấy. Do cái thân năm ấm mà ta thọ lãnh, cũng ví như nhân cái đích mới có mũi tên bắn trúng. Thân ta cũng thế, bởi có thân nên mới có sự đánh đập. Nếu ta không nhẫn chịu, tâm ắt phải tán loạn. Nếu tâm tán loạn, ắt phải mất chánh niệm. Nếu mất chánh niệm, ắt không thể quán xét ý nghĩa thiện và bất thiện. Nếu không thể quán xét ý nghĩa thiện và bất thiện, ắt sẽ làm việc ác. Do tạo nhân duyên ác, ắt phải đọa vào những cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.
“Bấy giờ, Bồ Tát đã quán xét như vậy rồi liền được Bốn niệm xứ. Đạt được Bốn niệm xứ rồi, ắt sẽ được trụ ở địa vị Kham nhẫn. Đại Bồ Tát trụ ở địa vị ấy rồi, ắt có thể nhẫn chịu đối với sự tham dục, sân khuể, ngu si, cũng có thể nhẫn chịu đối với những sự lạnh nóng, đói khát, muỗi mòng, chí rận, gió mạnh, sự xúc chạm hung dữ, mọi thứ dịch bệnh, người ác khẩu chửi mắng hay đánh đập, hành hạ... Mọi khổ não về thân tâm đều có thể nhẫn chịu được tất cả. Vì thế nên gọi là trụ ở địa vị Kham nhẫn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Bồ Tát chưa được trụ ở địa vị Bất động, trong khi giữ giới thanh tịnh, có nhân duyên gì có thể phá giới chăng?”
“Thiện nam tử! Bồ Tát chưa được trụ ở địa vị Bất động, khi có nhân duyên có thể phá giới.”
Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn, đó là những nhân duyên gì?”
Phật bảo Ca-diếp: “Nếu Bồ Tát biết là dùng nhân duyên phá giới thì có thể khiến người khác thọ trì và ưa chuộng, ngưỡng mộ kinh điển Đại thừa, lại có thể khiến người khác đọc tụng thông suốt, sao chép trọn quyển kinh, vì người khác mà thuyết giảng rộng, không còn thối lui đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, thì vì những việc [lợi lạc] như vậy, vị Bồ Tát có thể phá giới. Lúc ấy, Bồ Tát nên nghĩ rằng: ‘Ta thà đọa vào địa ngục A-tỳ để chịu tội trong một kiếp hoặc một kiếp giảm, nhưng nhất thiết phải [dùng phương tiện] khiến cho những người như vậy không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’
“Ca-diếp! Vì nhân duyên ấy, vị Bồ Tát ma-ha-tát có thể hủy phạm giới thanh tịnh.”
Lúc ấy, Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát giữ gìn, bảo vệ những người như vậy, khiến họ không còn thối chuyển đối với tâm Bồ-đề, thì không có lý nào vì sự [phương tiện] hủy phạm giới hạnh thanh tịnh như vậy mà phải đọa vào địa ngục A-tỳ.”
Bấy giờ, Phật ngợi khen Văn-thù-sư-lợi rằng: “Lành thay, lành thay, đúng như ông vừa nói đó! Ta nhớ lại thuở xưa, ở cõi Diêm-phù-đề này ta làm một vị Đại quốc vương tên là Tiên Dự, thường ái mộ, tưởng nhớ, kính trọng kinh điển Đại thừa. Lòng vua thuần thiện, không có những điều thô ác, tật đố, tham lam keo kiệt; miệng vua thường nói ra những lời thân ái, hiền lành, thường đem thân bảo vệ che chở những kẻ bần cùng, cô độc, thường làm việc bố thí, tinh tấn, không hề lười nhác.
“Thuở ấy không có Phật, Thanh văn, Duyên giác ra đời. Ta vì ái mộ kinh điển Phương đẳng Đại thừa nên trong 12 năm lo phụng sự các thầy bà-la-môn, cung cấp mọi sự cần dùng. Qua 12 năm, việc cúng dường đã xong, ta bèn nói rằng: ‘Nay các thầy nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’
“Có thầy bà-la-môn nói: ‘Đại vương! Tánh Bồ-đề ấy vốn là không có, kinh điển Đại thừa cũng vậy. Sao đại vương lại khiến cho con người và vạn vật đồng như hư không?’
“Thiện nam tử! Thuở ấy, trong lòng ta tôn trọng Đại thừa nên vừa nghe thầy bà-la-môn ấy phỉ báng kinh Phương đẳng như vậy, ta liền giết chết ngay.
“Thiện nam tử! Nhân duyên là như vậy, mà từ ấy đến nay ta không hề đọa vào địa ngục.
“Thiện nam tử! Nhờ sự ủng hộ, giữ gìn kinh điển Đại thừa mới có được thế lực vô lượng như vậy.”
Đức Phật lại bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Ca-diếp! Còn có Thánh hạnh gọi là Tứ thánh đế. Khổ, Tập, Diệt, Đạo gọi là Tứ thánh đế.
“Ca-diếp! Khổ là tướng bức bách. Tập là tướng có sức sanh trưởng. Diệt là tướng tịch diệt. Đạo là tướng Đại thừa.
“Lại nữa, thiện nam tử! Khổ là tướng hiện ra. Tập là tướng chuyển đổi. Diệt là tướng dứt trừ. Đạo là tướng có năng lực dứt trừ.
“Lại nữa, thiện nam tử! Khổ đó, có ba tướng khổ là tướng khổ vì sự khổ, tướng khổ vì các hành và tướng khổ vì hoại diệt. Tập, là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Diệt, là dứt trừ hết thảy hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Đạo là tu tập giới, định, huệ.
“Lại nữa, thiện nam tử! Pháp hữu lậu có hai loại: pháp có nhân và pháp có quả. Pháp vô lậu cũng có hai loại: pháp có nhân và pháp có quả. Quả của pháp hữu lậu gọi là khổ. Nhân của pháp hữu lậu gọi là tập. Quả của pháp vô lậu gọi là diệt. Nhân của pháp vô lậu gọi là đạo.
“Lại nữa, thiện nam tử! Có tám tướng gọi là khổ. Đó là: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, yêu mến phải lìa xa là khổ, oán ghét phải gặp nhau là khổ, mong cầu không được là khổ, năm ấm bạo phát là khổ.
“Vì phát sanh tám tướng khổ nên gọi là tập. Chỗ không có tám pháp khổ ấy gọi là diệt. Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Ba chỗ niệm, tâm đại bi, đó gọi là đạo.
“Thiện nam tử! Sanh là tướng xuất hiện. Có năm loại: một là vừa mới xuất hiện, hai là đã thành hình, ba là ngày càng phát triển lớn lên, bốn là ra khỏi thai, năm là sanh ra thành chủng loại.
“Những gì là già? Già có hai loại: một là già đi trong từng giây phút, hai là già lúc cuối đời. Lại có hai loại: một là già trong khi tăng trưởng, lớn lên; hai là già trong khi hoại diệt. [Những trạng thái] như vậy đều gọi là già.
“Thế nào là bệnh? Đó là nói bốn đại như bốn con rắn độc không hòa hợp nhau. Lại có hai loại bệnh: một là bệnh nơi thân, hai là bệnh nơi tâm. Thân bệnh có năm loại: một là do nước, hai là do gió, ba là do sức nóng, bốn là do nhiều nguyên nhân lẫn lộn, năm là do nguyên nhân từ bên ngoài.
“Bệnh do nguyên nhân từ bên ngoài có bốn loại: một là do gắng gượng làm những việc vượt quá sức mình, hai là do sơ ý té ngã, ba là do dao gậy, gạch đá, bốn là do các loài quỷ mỵ vướng mắc.
“Tâm bệnh cũng có bốn loại: một là phấn khích, hai là khiếp sợ, ba là lo buồn, bốn là ngu si.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bệnh của thân tâm thường có ba loại. Những gì là ba? Một là do nghiệp báo, hai là do không lìa xa được những [tác động] đối nghịch xấu ác, ba là do thời tiết thay đổi.
“[Từ đó] sanh ra sự phân biệt [các bệnh] theo nhân duyên, tên gọi, cảm thọ. [Phân biệt bệnh theo] nhân duyên là như các thứ bệnh [trúng] phong, [bệnh nhiễm nước] v.v... [Phân biệt bệnh theo] tên gọi là như bệnh tâm muộn (trong lòng buồn bực) bệnh sưng phổi, bệnh thượng khí (hơi đưa lên), bệnh ho nghịch, bệnh khiếp nhược, bệnh kiết lỵ... [Phân biệt bệnh theo] cảm thọ là như bệnh nhức đầu, bệnh đau mắt, bệnh tay chân nhức mỏi... Như thế đều gọi chung là bệnh.
“Những gì gọi là chết? Chết nghĩa là xả bỏ cái thân đang có. Xả bỏ cái thân đang có, cũng có hai trường hợp: một là do thọ mạng đã hết mà chết, hai là do nhân duyên bên ngoài mà chết.
“Thọ mạng đã hết mà chết lại có ba loại: một là thọ mạng đã dứt nhưng phước đức chưa dứt, hai là phước đức đã dứt nhưng thọ mạng chưa dứt, ba là cả phước đức và thọ mạng đều dứt hết.
“Do nhân duyên bên ngoài mà chết cũng có ba trường hợp: một là chẳng phải số phần của mình nhưng tự hại mà chết, hai là bị kẻ khác hại chết, ba là cùng chết với kẻ khác.
“Lại có ba loại chết: một là chết phóng dật, hai là chết phá giới, ba là chết mạng căn hư hoại.
“Sao gọi là chết phóng dật? Nếu có người phỉ báng [các kinh] Phương đẳng Đại thừa, Bát-nhã ba-la-mật, đó gọi là chết phóng dật.
“Sao gọi là chết phá giới? Hủy phạm những giới cấm mà chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại chế định. Đó gọi là chết phá giới.
“Sao gọi là chết mạng căn hư hoại? Xả bỏ thân năm ấm. Đó gọi là chết mạng căn hư hoại.
“Như vậy gọi rằng chết là nỗi khổ lớn lao!
“Những gì gọi rằng yêu mến phải lìa xa là khổ? Những vật mình yêu mến bị phá hoại, lìa tan. Những vật mình yêu mến bị hư hoại, lìa tan cũng có hai trường hợp: một là ở cõi người, năm ấm bị hư hoại, hai là ở cõi trời năm ấm bị hư hoại. Năm ấm mà người ta và chư thiên yêu mến, phân biệt, kể đếm ra có vô số chủng loại. Như vậy gọi rằng yêu mến phải lìa xa là khổ.
“Sao gọi rằng oán ghét phải gặp nhau là khổ? [Đó là khi] những gì mình không yêu mến lại phải cùng tụ họp một nơi.
“Những gì mình không yêu mến lại phải cùng tụ họp một nơi cũng có ba trường hợp. Đó là: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Ba cảnh khổ ấy, phân biệt kể đếm ra có đến vô số chủng loại. Như vậy gọi rằng oán ghét phải gặp nhau là khổ.
“Sao gọi rằng mong cầu không được là khổ? Mong cầu không được là khổ cũng có hai trường hợp: một là đặt niềm hy vọng, mong cầu mà không thể được; hai là tốn công gắng sức rất nhiều nhưng chẳng được kết quả. Như vậy đều gọi rằng mong cầu không được là khổ.
“Sao gọi rằng năm ấm bạo phát là khổ? Cái khổ năm ấm bạo phát ấy là khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ yêu mến phải lìa xa, khổ oán ghét phải gặp nhau, khổ mong cầu mà chẳng được. [Những nỗi khổ này đều có căn bản phát sanh từ sự tụ họp, xung khắc và tan rã của năm ấm nên] như vậy gọi rằng năm ấm bạo phát là khổ.
“Ca-diếp! Do nơi sanh là căn bản mà có bảy thứ khổ kia, từ khổ già cho đến khổ năm ấm bạo phát.
“Ca-diếp! Sự già yếu không phải tất cả đều có. Như Phật và chư thiên nhất định không có sự già yếu. Còn trong nhân loại thì không nhất định: kẻ có, người không.
“Ca-diếp! Trong Ba cõi, có thọ thân thì không ai là không có sanh, nhưng tướng già thì không nhất định. Cho nên sanh là căn bản của tất cả. Chúng sanh ở thế gian vì sự điên đảo che lấp trong tâm nên tham đắm tướng sanh, ghê sợ những tướng già, chết. Ca-diếp! Bồ Tát không phải như thế, quán xét từ tướng sanh ra ban đầu đã thấy chỗ tai hại rồi!
“Ca-diếp! Như có một cô gái kia vào nhà kẻ khác. Cô gái ấy đoan chánh, vẻ mặt và hình tướng đều rất đẹp, lại còn dùng chuỗi ngọc tốt để trang điểm trên thân. Chủ nhà nhìn thấy cô liền hỏi rằng: ‘Cô tên họ gì? Là người của ai?’ Cô gái đáp rằng: ‘Tôi đây chính là Công Đức Đại Thiên.’ Chủ nhân lại hỏi: ‘Cô đến đây để làm gì?’ Cô gái đáp: ‘Những nơi tôi đến đều có thể được ban cho đủ các loại vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chân châu, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, voi, ngựa, xe cộ, tôi trai, tớ gái, kẻ hầu người hạ...’ Chủ nhà nghe xong sanh lòng vui mừng, phấn khích vô cùng, liền nói rằng: ‘Nay tôi có phước đức nên khiến cô đến nhà tôi.’ Người ấy liền đốt hương, rảy hoa cúng dường, cung kính lễ bái.
“Lúc ấy, ngoài cửa lại có một cô gái khác hình dạng xấu xí, áo quần rách nát, dơ bẩn, da thịt nứt nẻ, sắc diện già nua, nhợt nhạt... Chủ nhà thấy vậy lại hỏi rằng: ‘Cô tên họ gì? Là người của ai?’ Cô gái đáp rằng: ‘Tôi tên là Hắc Ám.’ Lại hỏi: ‘Vì sao cô có tên là Hắc Ám?’ Cô gái đáp: ‘Những nơi tôi đi đến, có thể làm cho mọi thứ của cải, đồ quý trong nhà ấy đều hao tổn, suy giảm.’ Nghe xong, chủ nhà liền cầm dao bén nói rằng: ‘Nếu cô không đi ngay ta sẽ giết chết cô.’ Cô gái đáp rằng: ‘Ông thật quá ngu si, chẳng có chút trí huệ.’ Chủ nhà hỏi: ‘Sao lại gọi là ngu si, không có trí huệ?’ Cô gái đáp: ‘Người ở trong nhà ông đó là chị của ta. Chị ấy với ta thường cùng đi với nhau. Nếu ông đuổi ta, cũng là đuổi chị ấy.’
“Chủ nhân trở vào nhà hỏi Công Đức Thiên rằng: ‘Bên ngoài có một cô gái nói là em của cô, có thật vậy chăng?’ Công Đức Thiên nói: ‘Thật là em tôi. Tôi với cô em đó thường đi chung với nhau, chưa từng xa lìa. Đến ở nơi nào thì tôi thường làm việc tốt, em tôi thường làm việc xấu, tôi thường làm lợi ích, em tôi thường gây suy giảm, tổn hao. Nếu yêu mến tôi, cũng phải yêu mến em tôi. Như cung kính tôi, cũng phải cung kính em tôi.’
“Chủ nhà liền nói: ‘Nếu có việc tốt lẫn xấu như vậy thì tôi đây không cần cả hai, các cô cứ tùy ý mà đi đi.’ Bấy giờ, hai cô gái cùng đưa nhau đi, định trở về chỗ cũ. Chủ nhà thấy họ đi rồi, trong lòng vui vẻ, phấn khích vô cùng.
“Lúc ấy, hai cô gái cùng đi với nhau, đến một nhà nghèo kia. Người nhà nghèo ấy nhìn thấy hai cô rồi, trong lòng vui vẻ, liền thỉnh mời rằng: ‘Từ nay trở đi xin hai cô cứ ở lại nhà tôi.’ Công Đức Thiên nói: ‘Trước đây chúng tôi vừa bị người khác đuổi đi. Cớ sao ông lại thỉnh mời cả hai chúng tôi ở lại?’ Người nhà nghèo đáp rằng: “Nay cô nghĩ đến tôi, tôi vì cô mà cũng cung kính cô kia. Cho nên tôi thỉnh mời cả hai cô cùng ở lại nhà tôi.’
“Ca-diếp! Bồ Tát ma-ha-tát cũng như thế, chẳng nguyện sanh lên cảnh trời, vì có sanh tất phải có già, bệnh, chết. Vì vậy nên dứt hết, chưa từng khởi lòng yêu mến. Những kẻ phàm ngu chẳng biết chỗ tai hại của già, bệnh, chết nên ham thích cả hai pháp sống và chết.
“Lại nữa, Ca-diếp! Như có đứa trẻ dòng bà-la-môn, đang lúc quá đói, thấy ở trong đống phân người có một trái am-la liền đưa tay nhặt lấy. Người có trí thấy vậy, quở trách rằng: ‘Cậu là người dòng bà-la-môn thanh tịnh, sao lại nhặt trái dơ trong đống phân?’ Đứa trẻ ấy nghe xong, thẹn đỏ mặt, đáp rằng: ‘Tôi thật không ăn, chỉ muốn lấy rửa cho sạch rồi ném bỏ.’ Người có trí kia liền bảo nó rằng: ‘Mày thật quá ngu si, nếu định ném bỏ thì trước đó chẳng nên nhặt lấy.’
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, đối với cái sanh, chẳng thọ cũng chẳng bỏ, như người có trí kia quở trách đứa trẻ. Những kẻ phàm phu ưa sống ghét chết, như đứa trẻ kia nhặt trái rồi lại vứt đi.
“Lại nữa Ca-diếp! Ví như có người mang nhiều thức ăn đủ các màu sắc, hương vị, đến chỗ ngã tư đường để bán. Có người từ xa đến, đói kém suy nhược, thấy cơm và thức ăn có đủ các màu sắc, hương vị liền dừng lại, hỏi rằng: ‘Đây là những món gì?’ Người chủ nói: ‘Đây là những thức ăn ngon nhất, có đủ màu sắc, hương vị. Như ai ăn vào thì được hình sắc tốt đẹp, có sức mạnh, trừ được đói khát, được gặp chư thiên. Chỉ có một điều tai hại là phải chết.’ Người ấy nghe rồi liền nghĩ rằng: ‘Nay tôi chẳng cần hình sắc, sức mạnh, gặp chư thiên, cũng chẳng muốn chết.’ Liền hỏi rằng: ‘Nếu ăn vào phải chết, vậy nay ông mang bán những thức ăn này làm gì?’ Người chủ thức ăn đáp rằng: ‘Người có trí chẳng bao giờ chịu mua, duy có những kẻ ngu không hiểu việc ấy, trả cho tôi nhiều tiền, vì tham mà ăn.’
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát cũng như thế, chẳng nguyện sanh lên cõi trời, được hình sắc tốt, sức mạnh, gặp chư thiên. Vì sao vậy? Vì những việc ấy cũng chẳng khỏi các sự khổ não. Những kẻ phàm ngu, tùy chỗ sanh ra đều đem lòng tham mến. Là vì không thấy được những sự [khổ là] già, bệnh, chết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như cây có độc, rễ nó có thể làm chết người, thân nó cũng có thể làm chết người, cho đến vỏ cây, hoa, trái, hạt... thảy đều có thể làm chết người. Thiện nam tử! Trong 25 cảnh giới hiện hữu, tùy chỗ thọ sanh mà thọ nhận năm ấm cũng vậy, hết thảy đều có thể làm chết người.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như phẩn dơ, dù nhiều hay ít cũng đều hôi thối. Thiện nam tử! Sự sanh ra cũng vậy, dù cho sống lâu đến tám vạn năm, hoặc chỉ được mười tuổi cũng đều là chịu khổ.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như cái hầm nguy hiểm, bên trên có cỏ che phủ, bên cạnh mép hầm lại có nhiều cam lộ. Như ai ăn được chất cam lộ ấy thì sống đến ngàn năm, trừ tuyệt các bệnh, an ổn khoái lạc. Những kẻ phàm ngu vì tham ăn món ấy, không biết là phía dưới có cái hầm rất sâu, liền đi tới để lấy, bất ngờ trượt chân, sa xuống hầm mà chết. Người trí đã biết nên lìa bỏ, lánh xa.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, cho đến những món ăn ngon nhất ở cõi trời còn chẳng tham muốn, huống gì món ăn ở cõi người? Kẻ phàm tục cho đến ở nơi địa ngục còn nuốt lấy những hòn sắt nóng, huống chi những món ăn ngon thịnh soạn ở cõi trời, cõi người, làm sao có thể không [tham] ăn?
“Ca-diếp! Bởi những thí dụ ấy, và còn vô số thí dụ khác nữa, nên biết rằng sự sanh ra thật là nỗi khổ rất lớn.
“Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét sự sanh ra là khổ.
“Ca-diếp! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét già là khổ? Sự già nua có thể khiến cho người ta phải bị ho hen, khí nghịch đưa lên; có thể làm tiêu mất sức mạnh, trí nhớ; làm mất đi tuổi thanh niên tráng kiện, sự khoái lạc, ngạo mạn tự cao, an ổn thỏa chí; làm cho lưng còng, chậm chạp biếng nhác, bị người khác khinh chê.
“Ca-diếp! Ví như trong hồ nước có đầy hoa sen nở ra đẹp đẽ, tươi tắn, trông rất đáng ưa thích. Bỗng gặp khi trời đổ cơn mưa đá xuống, phá hoại tất cả. Thiện nam tử! Cái già cũng thế, có thể phá hoại sắc đẹp tuổi thanh xuân!
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như vua kia có một vị quan trí tuệ, khéo biết cách dùng binh. Có một vua khác đối địch, chống lại. Vua liền sai vị quan có trí tuệ ấy đi đánh phạt. Vị quan bắt được vua kia đem về nộp lên. Cảnh già cũng như thế, bắt lấy cái sắc đẹp tráng kiện đem nộp cho vua chết.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như cái trục xe gãy không thể dùng vào việc gì. Cái già cũng vậy, không thể dùng vào việc gì được nữa.
“Lại nữa, Ca-diếp! Như một nhà rất giàu, có nhiều của cải, vật quý, vàng bạc, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não... Nếu giặc cướp vào nhà ấy có thể cướp giật làm cho mất sạch. Thiện nam tử! Sắc đẹp và tuổi thanh xuân tráng kiện cũng vậy, thường bị giặc cướp là cái già cướp mất.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như người nghèo tham ăn món ngon, tham mặc vải lụa tốt, tuy hy vọng như vậy nhưng không có được. Thiện nam tử! Cái già cũng vậy, tuy có lòng tham muốn thọ hưởng giàu có, vui sướng, thỏa thích trong năm món dục, nhưng không thể được.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như con rùa ở trên cạn, thường nhớ nghĩ đến nước. Thiện nam tử! Người ta cũng thế, đã bị khô héo vì già yếu thì lòng thường nhớ nghĩ đến năm món dục đã thọ hưởng thời trai trẻ.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như mùa thu có hoa sen, ai cũng muốn nhìn ngắm, đến khi héo tàn, ai cũng chán chê. Thiện nam tử! Sắc đẹp tuổi xuân cũng vậy, ai nấy đều ưa thích. Đến khi già yếu thì ai cũng chán chê.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như cây mía ép lấy nước rồi thì không còn vị ngọt. Thiện nam tử! Sắc đẹp tuổi xuân cũng vậy, khi bị cái già ép đến rồi thì không còn [thực hiện được] ba việc: một là xuất gia, hai là đọc tụng [kinh điển], ba là ngồi thiền.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như mặt trăng tròn, ban đêm sáng nhiều, còn ban ngày không được vậy. Thiện nam tử! Người ta cũng như vậy, lúc tuổi thanh xuân dáng vẻ nghiêm trang, hình mạo to khỏe; đến lúc già thì suy yếu, hình dung khô héo, tiều tụy.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như một vị vua thường dùng chánh pháp trị nước chăn dân, lòng dạ chân thật, không tà vạy, giàu đức từ bi, thường thực hành bố thí. Bấy giờ bị nước địch phá hoại, vua trôi dạt trốn tránh, cuối cùng đến một nước khác. Nhân dân nước ấy thấy vua liền sanh lòng thương xót, thảy đều nói rằng: ‘Đại vương thuở xưa trị nước theo chánh pháp, muôn dân khỏi sự oan uổng, vì sao trong sớm chiều đã trôi dạt tới đây?’ Thiện nam tử! Người ta cũng thế, khi bị sự già yếu làm cho bại hoại rồi, thường ca ngợi những việc đã làm vào thuở tráng niên.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như cây đèn cháy được nhờ nơi dầu thắp. Khi dầu sắp hết thì đèn không thể cháy được lâu. Thiện nam tử! Người ta cũng như thế, chỉ nhờ nơi loại dầu tráng niên. Khi dầu tráng niên đã hết, ngọn đèn già yếu làm sao còn cháy được lâu?
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như con sông khô cạn không thể làm lợi ích cho loài người, loài phi nhân, cho đến các loài chim, thú... Thiện nam tử! Người ta cũng vậy, bị cái khô cạn của tuổi già rồi thì không thể làm lợi ích bất cứ công việc nào cả.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như cây cao đứng cạnh mé sông, nếu gặp gió lớn ắt phải ngã nhào. Thiện nam tử! Người ta cũng như vậy, đứng ven bờ nguy hiểm là cảnh già, khi gió chết thổi tới, tất không đứng vững nữa được.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như chiếc xe bị gãy trục, không thể chở đồ. Thiện nam tử! Kẻ già rồi cũng vậy, không thể học hỏi bất cứ pháp lành nào.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như đứa trẻ con, bị mọi người xem thường. Thiện nam tử! Kẻ già cũng vậy, thường bị hết thảy mọi người khinh chê, xem thường.
“Ca-diếp! Vì những thí dụ ấy và vô số thí dụ khác, nên biết rằng sự già nua thật là nỗi khổ rất lớn.
“Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, quán sự già là khổ.
“Ca-diếp! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét bệnh là khổ? Gọi là bệnh đó, có thể làm mất hết mọi sự an ổn, vui sướng, ví như mưa đá làm tổn hại lúa mạ.
“Lại nữa, Ca-diếp! Như người có kẻ thù, trong lòng thường lo buồn mà ôm lấy sự sợ sệt. Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh lại cũng như vậy, vì sợ bệnh khổ nên trong lòng thường lo buồn.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như có người [thanh niên] tướng mạo đẹp đẽ tuấn tú, hoàng hậu [trông thấy] động lòng yêu thương, sai người ép buộc gọi đến để cùng làm việc mây mưa. Bấy giờ vua bắt được liền sai người khoét một con mắt, cắt một lỗ tai, chặt đứt một tay và một chân. Lúc ấy, người này hình dung đổi lạ, ai nấy đều chê ghét. Thiện nam tử! Người ta cũng như thế, trước thời dung mạo đoan nghiêm, tai mắt đầy đủ, đến khi đã bị bệnh khổ vây quanh bức bách thì mọi người đều ghét bỏ, chê bai.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như những loại cây chuối, cây tre, cây lau, cây sậy, con la, khi có trái hoặc có con thì phải chết. Thiện nam tử! Người ta cũng thế, có bệnh thì phải chết.
“Lại nữa, Ca-diếp! Như vua Chuyển luân, vị đại thần cầm quân thường ở phía trước, còn vua đi phía sau. Lại như vua cá, vua kiến, vua ốc, vua trâu cùng vị thương chủ thì đi phía trước, trong khi cả đoàn đều theo sau, không hề rời bỏ. Thiện nam tử! Vua chết cũng thế, thường theo sau vị đại thần là bệnh, chẳng hề rời bỏ. Cũng như các vị vua cá, vua kiến, vua ốc, vua trâu cùng vị thương chủ, vua bệnh thường đi trước và đoàn chết luôn theo sau.
“Ca-diếp! Nhân duyên của bệnh là khổ não, lo rầu, buồn nản, thân tâm chẳng yên, hoặc bị kẻ oán thù, giặc cướp bức bách, làm hại, phá hoại phao nổi, rút bỏ cầu cống, cũng có thể cướp mất căn bản chánh niệm, lại có thể phá hoại sắc đẹp, sức mạnh, sự yên vui của tuổi tráng niên, trừ bỏ lòng hổ thẹn, có thể làm cho thân tâm trở nên nóng nảy, bứt rứt.
“Bởi những thí dụ ấy và vô số những thí dụ khác, nên biết rằng bệnh khổ là nỗi khổ rất lớn.
“Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét bệnh là khổ.
“Ca-diếp! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét sự chết là khổ? Gọi là chết đó, là có thể đốt cháy, tiêu diệt.
“Ca-diếp! Như nạn lửa nổi lên có thể đốt cháy tất cả, chỉ trừ cảnh trời Nhị thiền sức lửa chẳng tới. Thiện nam tử! Lửa chết cũng vậy, có thể đốt cháy tất cả, chỉ trừ Bồ Tát trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, thế lực nó chẳng tới.
“Lại nữa, Ca-diếp! Như nạn lụt nổi lên, tất cả đều bị cuốn trôi, nhấn chìm, chỉ trừ cảnh trời Tam thiền, sức nước chẳng tới. Thiện nam tử! Trận lụt chết cũng thế, nó cuốn trôi, nhấn chìm tất cả, chỉ trừ Bồ Tát trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn.
“Lại nữa, Ca-diếp! Như nạn gió bão nổi lên, có thể thổi bay tất cả, làm cho tiêu tan, diệt mất, chỉ trừ cảnh trời Tứ thiền, sức gió chẳng tới. Thiện nam tử! Cơn bão chết cũng thế, nó thổi bay mất hết thảy mọi vật đang có, chỉ trừ Bồ Tát trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Cảnh trời Tứ thiền đó, do nhân duyên gì mà gió không thể thổi, nước không thể trôi, lửa không thể cháy?”
Phật dạy Ca-diếp: “Thiện nam tử! Cảnh trời Tứ thiền đó, trong ngoài đều dứt sạch hết thảy mọi lỗi lầm, tai họa. Thiện nam tử! Chỗ lỗi lầm tai họa ở cảnh trời Sơ thiền là bên trong có giác quan, bên ngoài có nạn lửa. Chỗ lỗi lầm tai họa ở cảnh trời Nhị thiền là bên trong có sự vui mừng, bên ngoài có nạn lụt. Chỗ lỗi lầm tai họa ở cảnh trời Tam thiền là bên trong có hơi thở gấp, bên ngoài có nạn gió bão.
“Thiện nam tử! Cảnh trời Tứ thiền đó, trong ngoài đều dứt sạch hết thảy mọi lỗi lầm, tai họa. Cho nên các nạn [gió, nước, lửa đều] không thể tới. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại cũng như thế, nhờ trụ yên ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn cho nên mọi lỗi lầm, tai họa trong ngoài đều dứt sạch. Vì vậy nên vua chết chẳng tới được.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như chim kim sí có thể nuốt vào và tiêu hóa hết thảy những loài rồng, cá, vàng, bạc cùng mọi vật báu khác, chỉ trừ chất kim cang là không thể tiêu hóa. Thiện nam tử! Cái chết cũng như chim kim sí kia, có thể nuốt vào và tiêu hóa tất cả chúng sanh, nhưng không thể tiêu được vị Bồ Tát ma-ha-tát trụ yên nơi Đại thừa Đại Bát Niết-bàn.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như ven bờ sông có các loại cây cỏ, gặp trận nước lụt tràn qua, thảy đều trôi dạt, bị cuốn vào biển cả, chỉ trừ cây dương liễu, nhờ cây ấy mềm dẻo. Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh lại cũng như thế, thảy đều cuốn theo dòng nước trôi vào biển chết, chỉ trừ Bồ Tát trụ nơi Đại thừa Đại Bát Niết-bàn.
“Lại nữa, Ca-diếp! Như [vị lực sĩ cõi trời là] na-la-diên có thể khuất phục hết thảy các lực sĩ khác, chỉ trừ cơn gió lớn mà thôi. Vì sao vậy? Vì không có chướng ngại. Thiện nam tử! Cái chết cũng như vị na-la-diên kia, có thể khuất phục hết thảy chúng sanh, chỉ trừ Bồ Tát trụ nơi Đại thừa Đại Bát Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì không có chướng ngại.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như có người kia đối với kẻ mình oán thù căm ghét lại giả làm ra vẻ thân thiện, thường theo đuổi như bóng với hình, rình rập chờ lúc thuận tiện để giết. Nhưng kẻ oán thù ấy thật cẩn thận, phòng bị chắc chắn, nghiêm ngặt, làm cho người kia không thể nào giết được. Thiện nam tử! Cái chết cũng như người có oán thù kia, thường rình rập chúng sanh, chờ dịp để giết, chỉ không giết được vị Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị Bồ Tát này không bao giờ lười nhác, buông thả phóng túng.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như [khi trời] thình lình đổ xuống trận mưa lớn bằng chất kim cang, ắt sẽ làm hư hoại mọi loài cây thuốc, cây cối nơi rừng núi, đất, cát, ngói gạch, sỏi đá, vàng, bạc, lưu ly, hết thảy mọi vật, chỉ không thể làm hư hoại chất kim cang thật. Thiện nam tử! Cái chết cũng như trận mưa kim cang kia, có thể phá hoại tất cả chúng sanh, chỉ trừ bậc Bồ Tát kim cang trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như chim kim sí, có thể ăn thịt cả loài rồng, chỉ không thể ăn thịt những chúng sanh nào đã thọ Tam quy y. Thiện nam tử! Cái chết cũng như chim kim sí kia, có thể ăn được hết thảy vô lượng chúng sanh, chỉ trừ vị Bồ Tát trụ ở ba phép định. Những gì là ba phép định? Đó là [các pháp]: không, vô tướng và vô nguyện.
“Lại nữa, Ca-diếp! Như con rắn độc ma-la, những ai đã bị nó cắn thì dù có thần chú, thuốc hay mầu nhiệm nhất cũng không cứu chữa được! Chỉ có tinh chú A-kiệt-đa mới có thể chữa khỏi. Nọc độc của cái chết cũng vậy, hết thảy mọi phương thuốc đều vô hiệu! Chỉ trừ sức chú thuật của Bồ Tát trụ ở Đại thừa Đại Niết-bàn.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như có người bị vua giận, nếu biết dùng lời dịu ngọt, hiền hòa cùng với của cải, vật quý mà dâng lên vua thì có thể thoát tội. Thiện nam tử! Cái chết chẳng giống như vua kia, cho dù có đem lời dịu ngọt, cùng với tiền tài, trân bảo mà dâng lên, cũng chẳng thoát được.
“Thiện nam tử! Người nhận lấy cái chết tức là đang ở nơi tai nạn nguy hiểm mà không có chút tiền của, lương thực nào; phải đi đến chỗ xa xôi diệu vợi mà không có bạn đồng hành, đi suốt ngày đêm mà chẳng biết đâu là bờ bến, sâu thẳm, u ám, chẳng có ánh đèn, không có cửa vào nhưng thật có xứ sở; tuy không có chỗ đau nhưng không thể điều trị, đi lại không ai ngăn cản nhưng rốt cùng không thể thoát; không có chỗ phá hoại nhưng ai thấy cũng buồn lo, căm giận; chẳng phải là hình sắc dữ tợn nhưng khiến người sợ sệt; lộ rõ bên mình mà không thể hay biết.
“Ca-diếp! Vì những thí dụ ấy và vô số thí dụ khác, nên biết rằng sự chết thật là nỗi khổ rất lớn. Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét sự chết là khổ.
“Ca-diếp! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét sự yêu mến phải lìa xa là khổ? Nỗi khổ phải lìa xa chỗ yêu mến đó có thể là căn bản của mọi nỗi khổ, như bài kệ ta thuyết đây:
“Yêu mến sanh lo buồn,
Yêu mến sanh sợ hãi,
Nếu lìa bỏ yêu mến,
Còn lo gì, sợ gì?”
“Do nhân duyên ái luyến, ắt phải sanh ra lo rầu, khổ não. Do lo rầu, khổ não, ắt phải khiến cho chúng sanh trở nên già yếu. Khổ vì phải lìa xa chỗ yêu mến là nói khi mạng sống đã hết. Thiện nam tử! Do nơi sự biệt ly mà có thể phát sanh đủ mọi khổ não nhỏ nhặt khác. Nay ta sẽ vì ông mà phân biệt nói rõ.
“Thiện nam tử! Vào thời quá khứ, người ta sống lâu vô lượng. Bấy giờ, ở thế gian có một vị vua tên là Thiện Trụ. Vua ấy từ lúc còn thơ ấu, lớn lên làm thái tử lo việc cai trị, cho đến lúc lên ngôi vua, cả thảy là tám vạn bốn ngàn năm. Bấy giờ, trên đỉnh đầu vua bỗng mọc lên một bướu thịt. Bướu ấy mềm nhuyễn như bông đâu-la-miên, loại bông mềm nhuyễn nhất thế gian. Bướu dần dần lớn lên nhưng không đau nhức chi cả. Khi đủ mười tháng, bướu ấy tự vỡ, sanh ra một bé trai hình dung kỳ lạ, đoan chánh chẳng ai sánh bằng, hình sắc dáng vẻ phân biệt rõ ràng, bậc nhất trong nhân loại. Vua cha lấy làm vui sướng, đặt tên [cho đứa con kỳ lạ ấy] là Đỉnh Sanh.
“Về sau, vua Thiện Trụ đem việc nước mà giao phó cho Đỉnh Sanh, rồi lìa bỏ cung điện, vợ con, quyến thuộc, vào núi học đạo tu hành trọn tám vạn bốn ngàn năm.
“Một hôm, nhằm ngày rằm, Đỉnh Sanh ở trên lầu cao, tắm gội thọ trai. Bỗng đâu từ phương đông có một bánh xe báu bằng vàng hiện ra. Bánh xe ấy có một ngàn cây nan hoa và có đủ các bộ phận, tự nhiên hình thành mà không phải do bàn tay thợ làm ra. Bánh xe ấy hiện ra rồi lại tự nhiên bay đến trước mặt vua Đỉnh Sanh.
“Đại vương Đỉnh Sanh liền nghĩ rằng: ‘Từ trước, ta từng nghe những vị tiên nhân đạt được Ngũ thông nói rằng: Nếu vị vua dòng sát-đế-lợi, nhằm ngày rằm ở trên lầu cao tắm gội thọ trai, có bánh xe báu bằng vàng có một ngàn cây nan hoa và có đủ các bộ phận, tự nhiên hình thành mà không phải do tay thợ làm ra, tự nhiên bay đến ứng hầu, nên biết rằng vua ấy sẽ được làm Chuyển luân Thánh vương.’
“Vua lại nghĩ rằng: ‘Nay ta nên thử xem.’ Vua liền lấy tay trái nâng bánh xe vàng ấy lên. Kế đó, tay mặt cầm lư hương, quỳ xuống phát lời nguyện rằng: ‘Nếu bánh xe vàng này là thật, chẳng phải hư dối, thì xin hãy tự đi một đường như những bánh xe của các vị Chuyển luân Thánh vương trong quá khứ đã đi.’
“Vua phát nguyện xong, bánh xe bằng vàng ấy liền bay lên hư không, đi khắp mười phương và trở về trụ nơi bàn tay trái của vua. Lúc ấy, vua Đỉnh Sanh lấy làm vui mừng phấn khích, liền nói rằng: ‘Nay ta chắc rằng sẽ làm được Chuyển luân Thánh vương.’
“Sau đó chẳng lâu, lại có con bạch tượng quý báu hiện ra, hình dung đoan nghiêm như hoa sen trắng, chân, ngà và vòi voi đều chấm đất. Vua Đỉnh Sanh liền nghĩ rằng: ‘Từ trước, ta từng nghe những vị tiên nhân đạt được Ngũ thông nói rằng: Nếu vị vua dòng sát-đế-lợi, nhằm ngày rằm ở trên lầu cao tắm gội thọ trai, có bạch tượng quý báu hình dung đoan nghiêm như hoa sen trắng, chân, ngà và vòi voi đều chấm đất, hiện ra ứng hầu, nên biết rằng vua ấy sẽ được làm Chuyển luân Thánh vương.’
Vua lại nghĩ rằng: ‘Nay ta nên thử xem.’ Vua liền nâng lư hương, quỳ xuống phát lời nguyện rằng: ‘Nếu bạch tượng quý báu này là thật, chẳng phải hư dối, hãy đi một đường như những bạch tượng của các vị Chuyển luân Thánh vương trong quá khứ đã đi.’
“Vua phát nguyện xong, bạch tượng ấy liền ra đi từ sáng đến chiều, đủ khắp tám phương, đến tận bờ biển cả, rồi trở về đứng ở chỗ cũ. Lúc ấy, vua Đỉnh Sanh lấy làm vui mừng thích ý, liền nghĩ rằng: ‘Nay ta chắc sẽ được làm Chuyển luân Thánh vương.’
“Sau đó chẳng lâu, lại có con ngựa báu màu xanh biếc tuyệt đẹp, lông đuôi màu vàng ròng [hiện đến]. Đỉnh Sanh thấy vậy rồi, lại nghĩ rằng: ‘Từ trước ta từng nghe những vị tiên nhân đạt được Ngũ thông nói rằng: Nếu có vua Chuyển luân, vào ngày rằm ở trên lầu cao tắm gội thọ trai, bỗng có con ngựa quý màu xanh biếc tuyệt đẹp, lông đuôi màu vàng ròng, hiện đến ứng hầu, nên biết rằng vua ấy tức là Thánh vương.’
“Vua lại nghĩ rằng: ‘Nay ta nên thử xem.’ Vua liền nâng lư hương, quỳ xuống phát nguyện rằng: ‘Nếu ngựa quý màu xanh biếc này là thật, chẳng phải hư dối, hãy đi một đường như những ngựa quý của các vị Chuyển luân Thánh vương trong quá khứ đã đi.’ Vua phát lời nguyện ấy rồi, ngựa quý liền ra đi từ sáng tới chiều, đi khắp tám phương, đến tận bờ biển cả, rồi trở về đúng chỗ cũ. Lúc ấy, Đỉnh Sanh lấy làm vui mừng phấn khích, liền nói rằng: ‘Nay ta chắc rằng sẽ được làm bậc Chuyển luân Thánh vương.’
“Sau đó chẳng bao lâu, lại có một mỹ nhân hình dung đoan chính, xinh đẹp bậc nhất, không cao không thấp, chẳng trắng chẳng đen. Từ các lỗ chân lông trên thân cô lại tỏa ra mùi hương chiên-đàn, trong miệng bay ra mùi thơm như hoa sen xanh. Mắt cô có thể nhìn xa đến một do-tuần, tai cũng có thể nghe xa, mũi cũng có thể ngửi xa đến như vậy. Lưỡi cô lớn rộng, khi thè ra có thể che trùm cả khuôn mặt, hình thể da dẻ mịn màng xinh đẹp, có màu như đồng đỏ. Mỹ nhân ấy lại thông minh sáng suốt, đối với chúng sanh thường nói lời êm dịu. Khi cô dùng tay sờ vào áo vua, liền có thể biết được thân vua đang an vui hay có bệnh, lại có thể biết được trong lòng vua đang nghĩ đến những điều gì. Lúc ấy, vua Đỉnh Sanh lại nghĩ rằng: ‘Nếu có người mỹ nhân khéo biết được trong lòng vua, ấy là báu vật vô giá.’
“Rồi sau đó chẳng bao lâu, trong cung vua tự nhiên xuất hiện hạt châu ma-ni quý báu, có màu xanh thuần như lưu ly, lớn bằng bắp đùi người, có thể ở trong chỗ tối chiếu ra ánh sáng xa đến một do-tuần. Nếu khi trời đổ mưa, hạt mưa lớn như trục bánh xe, hạt châu ấy có thể hóa ra cây lọng quý che khắp một do tuần, chẳng để cho hạt mưa nào có thể rơi xuống trong khoảng ấy. Bấy giờ, Đỉnh Sanh lại nghĩ rằng: ‘Như vua Chuyển luân mà được hạt châu này, ắt phải là Thánh vương.’
“Sau đó chẳng bao lâu, lại có vị quan Chủ tạng thần tự nhiên xuất hiện. Vị ấy có nhiều của cải trân bảo, giàu có vô lượng, kho báu đầy tràn, không thiếu món chi. Vị ấy có cặp mắt nhìn thấu suốt bên dưới lòng đất, thấy được kho tàng ẩn khuất ở mọi nơi, tùy ý vua cần dùng bao nhiêu, vị ấy đều có thể liệu kiếm được đủ cho vua dùng.
“Lúc ấy, Đỉnh Sanh lại muốn thử xem. Vua liền cùng ngồi thuyền với vị Chủ tạng thần ấy đi ra biển cả, bảo rằng: ‘Nay ta muốn có những món trân bảo lạ.’ Nghe xong, vị Chủ tạng thần liền lấy hai bàn tay mà khuấy nước biển. Lúc ấy, nơi mười đầu ngón tay của vị ấy bỗng xuất hiện mười kho báu, người dâng lên Thánh vương và tâu rằng: ‘Đại vương cần những thứ chi, xin tuỳ ý dùng. Còn dư bao nhiêu, xin trả lại biển cả.’ Lúc ấy, Đỉnh Sanh lấy làm vui mừng phấn khích vô cùng, lại nói rằng: ‘Nay ta chắc chắn rằng ta sẽ là Chuyển luân Thánh vương.’
“Sau đó chẳng bao lâu, lại có vị quan Chủ binh thần tự nhiên xuất hiện. Vị này dũng mãnh thao lược, mưu trí bậc nhất, khéo biết sử dụng cả bốn loại quân. Khi nhận trách nhiệm chiến đấu, ắt Thánh vương xuất hiện. Nếu không nhận trách nhiệm chiến đấu, liền rút lui chẳng hiện. Đối với những người chưa khuất phục, có thể làm cho khuất phục, đối với những người đã khuất phục, có thể đủ sức bảo vệ, giữ gìn.
“Bấy giờ, vua Đỉnh Sanh nghĩ rằng: ‘Nếu vua Chuyển luân được quân đội quý báu này, chắc chắn phải là Chuyển luân Thánh vương.’
“Một hôm, Chuyển luân Thánh vương Đỉnh Sanh hỏi các đại thần rằng: ‘Các khanh nên biết là cõi Diêm-phù-đề này đã được an ổn, phồn thạnh. Nay trẫm có đủ bảy món báu và một ngàn đứa con trai, vậy nên làm việc gì nữa?’
“Các quan tâu lên rằng: ‘Đại vương, Phất-bà-đề ở phương đông chưa qui thuận uy đức của ngài, nên đến đó thảo phạt.’
“Lúc ấy, Thánh vương cùng với bảy báu của ngài và tất cả quân binh đều bay lên hư không mà đến cõi Phất-bà-đề ở phương đông. Ở châu ấy, nhân dân thảy đều vui lòng qui thuận.
“Vua lại hỏi các đại thần rằng: ‘Châu Diêm-phù-đề và châu Phất-bà-đề đã được an ổn, phồn thạnh, nhân dân thảy đều qui thuận. Trẫm có đủ bảy báu và một ngàn đứa con trai, vậy nên làm việc gì nữa?’
“Các quan lại tâu rằng: ‘Đại vương, Cồ-đà-ni ở phương tây hãy còn chưa quy thuận đức lớn của ngài.’ Lúc ấy, Thánh vương với bảy báu của ngài và tất cả quân binh đều bay trên hư không mà đến Cồ-đà-ni ở phương tây. Khi vua ngự tới đó rồi, nhân dân cõi ấy cũng quy phục đức lớn của ngài.
“Vua lại hỏi các đại thần rằng: ‘Châu Diêm-phù-đề, châu Phất-bà-đề và châu Cồ-đà-ni nay đều được an ổn, phồn thạnh, nhân dân thảy đều quy thuận. Trẫm có đủ bảy báu và một ngàn đứa con trai, vậy nên làm việc gì nữa?’
“Các quan tâu rằng: “Đại vương! Uất-đan-việt ở phương bắc hãy còn chưa qui thuận.”
“Lúc ấy, Thánh vương với bảy báu của ngài và tất cả quân binh đều bay lên hư không mà đến châu Uất-đan-việt ở phương bắc. Khi vua ngự tới đó rồi, nhân dân ở cõi ấy đều vui lòng qui thuận đức lớn của ngài.
“Vua lại phán với các đại thần rằng: ‘Bốn cõi thiên hạ đều được an ổn, phồn thạnh, nhân dân thảy đều qui thuận đức lớn của ta. Ta có đủ bảy báu và một ngàn đứa con trai, vậy nên làm việc gì nữa?’
“Các quan đáp rằng: ‘Thánh vương! Ở cõi trời Ba mươi ba mạng sống của chư thiên rất lâu dài, an ổn, khoái lạc. Chư thiên ở đó thân hình đoan nghiêm không chi sánh bằng. Cung điện mà họ ở, giường ngủ, ghế ngồi đều toàn bằng bảy món báu. Họ dựa vào phước lực cõi trời nên chưa chịu đến quy hóa. Nay có thể đến đó mà làm cho họ khuất phục.’
“Lúc ấy, Thánh vương lại cùng với bảy báu của ngài và tất cả quân binh đều bay lên hư không, lên tới cung trời Đao-lợi, nhìn thấy một cái cây màu xanh lục. Thánh vương liền hỏi các đại thần rằng: ‘Đó là màu sắc gì vậy?’ Đại thần đáp rằng: ‘Đó là màu sắc của cây ba-lợi-chất-đa-la. Chư thiên ở cõi trời Đao-lợi này, trong ba tháng mùa hạ thường vui chơi dưới cội cây ấy.’
“Lại thấy màu trắng dường như mây bạc, vua hỏi đại thần rằng: ‘Đó là màu sắc gì vậy?’ Đại thần đáp: ‘Là màu sắc của Thiện pháp đường. Chư thiên ở Đao-lợi thường họp nhau trong đó, luận bàn việc ở cõi trời và cõi người.’
“Lúc ấy vị Thiên chủ Thích-đề-hoàn-nhân biết rằng vua Đỉnh Sanh đã đến ở bên ngoài, bèn ra nghinh tiếp. Gặp nhau rồi, nắm tay cùng lên Thiện pháp đường, phân chỗ mà ngồi.
“Lúc ấy, hai vua hình dung tướng mạo y hệt như nhau, duy chỉ cặp mắt có phần hơi khác nhau thôi. Ngay lúc ấy, Thánh vương khởi ý nghĩ rằng: ‘Nay ta có nên từ bỏ ngôi vua kia mà ở lại đây làm Thiên vương chăng?’
“Thiện nam tử! Lúc bấy giờ Đế-thích thọ trì, đọc tụng kinh điển Đại thừa, lại vì người khác mà mở mang, chỉ bảo, phân biệt giảng nói, chỉ đối với nghĩa lý sâu xa chưa thông đạt đến mức cùng tột mà thôi. Nhờ sức nhân duyên của việc thọ trì, đọc tụng, vì người khác mà phân biệt giảng rộng [kinh điển Đại thừa] nên có oai đức rất lớn.
“Thiện nam tử! Vì Đỉnh Sanh đối với Đế-thích sanh khởi lòng xấu ác nên liền bị đọa lạc, [lập tức] rơi trở lại cõi Diêm-phù-đề, ôm lòng nhớ tưởng sự chia lìa giữa cõi người và cõi trời mà phát sanh khổ não rất lớn. Sau lại mắc bệnh nặng, liền phải bỏ mạng.
“Đế-thích lúc bấy giờ tức là Phật Ca-diếp sau này, còn Chuyển luân Thánh vương thuở ấy tức là tiền thân của ta.
“Thiện nam tử! Nên biết rằng cái khổ yêu mến phải chia lìa đó thật là khổ lớn. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát còn nhớ tới những nỗi khổ vì chia lìa ấy trong các đời quá khứ của mình, huống chi Bồ Tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Niết-bàn mà chẳng quán xét nỗi khổ yêu mến phải chia lìa trong đời hiện tại này sao?
“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán xét sự khổ vì oán ghét phải gặp nhau? Thiện nam tử! Vị Bồ Tát ma-ha-tát ấy nhìn thấy ở các cõi địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, cõi người, cõi trời, thảy đều có sự khổ vì oán ghét phải gặp nhau.
“Ví như người ta xét thấy những cảnh trói giam, gông cùm nơi lao ngục là khổ lớn, Bồ Tát ma-ha-tát lại cũng như vậy, xét thấy tất cả muôn loài thọ sanh trong năm đường đều là nỗi khổ lớn vì phải gặp gỡ người mình oán ghét.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có một người kia thường sợ sự gông cùm, xiềng khóa của kẻ oán thù, bèn lìa bỏ cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, trân bảo, sản nghiệp mà trốn đi xa. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại cũng như vậy, vì sợ sệt sanh tử bèn tu hành trọn vẹn sáu pháp ba-la-mật, vào nơi Niết-bàn.
“Ca-diếp! Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát tu hành kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn quán xét việc oán ghét phải gặp nhau là khổ.
“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu hành kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn quán xét việc mong cầu không được là khổ? Nói mong cầu đó là mọi thứ đều dốc lòng cầu. Dốc lòng cầu có hai trường hợp: một là cầu pháp lành, hai là cầu pháp chẳng lành. Pháp lành chưa đạt được là khổ, pháp chẳng lành chưa dứt bỏ được là khổ.
“Đó là lược nói qua về năm ấm bạo phát là khổ. Ca-diếp! Đó gọi là Khổ đế.”
Lúc ấy Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật vừa nói về cái khổ năm ấm bạo phát, nghĩa ấy không thích hợp. Vì sao vậy? Trước đây Phật có nói với Thích-ma-nam rằng: ‘Nếu hình sắc là khổ thì hết thảy chúng sanh chẳng nên cầu hình sắc. Nếu có người cầu, tức không gọi là khổ.’
“Lại như Phật có dạy chư tỳ-kheo rằng: ‘Có ba loại cảm thọ: cảm thọ khổ, cảm thọ vui, và cảm thọ không vui không khổ.’
“Lại như trước đây Phật có dạy chư tỳ-kheo rằng: ‘Nếu có người biết tu hành theo pháp lành, ắt được hưởng sự vui thích.’
“Lại như Phật có dạy: ‘Trong thiện đạo có sáu sự xúc chạm tạo ra vui thích, như mắt thấy hình sắc đẹp liền sinh lòng vui thích. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý đối với các pháp tốt đẹp tương ứng cũng vậy.’
“Như Phật có thuyết kệ rằng:
“Giữ giới ắt được vui,
Thân không chịu các khổ,
Giấc ngủ được yên ổn,
Khi thức lòng vui vẻ.
Như lúc lãnh áo cơm,
Tụng tập rồi kinh hành,
Cô độc nơi rừng núi,
Như vậy là vui nhất!
Nếu đối với chúng sanh,
Ngày đêm thường tu từ,
Nhân đó thường được vui,
Vì không tổn hại ai.
Ít muốn, biết đủ, vui,
Nghe nhiều rõ biết, vui,
La-hán không đắm chấp,
Cũng gọi là được vui.
Bồ Tát ma-ha-tát,
Rốt cùng đến bờ kia,
Mọi việc đã làm xong,
Gọi là vui bậc nhất.
“Bạch Thế Tôn! Như trong các kinh nói về tướng vui thích, ý nghĩa là như vậy. Nay như Phật vừa nói đó, làm sao phù hợp với nghĩa ấy?”
Phật dạy Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông thật khéo hỏi Như Lai nghĩa ấy! Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh khi chịu ít khổ hơn liền sanh ra tư tưởng trái ngược cho là vui sướng. Cho nên tướng khổ mà hôm nay ta thuyết dạy so về căn bản cũng không khác biệt.”
Lúc ấy Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Như Phật dạy rằng chúng sanh khi chịu ít khổ hơn liền sanh ra tư tưởng cho là vui sướng, vậy thì những sự ít khổ khác như già, bệnh, chết, yêu mến phải lìa xa, mong cầu không được, oán ghét phải gặp nhau, năm ấm bạo phát, lẽ ra cũng đều có chỗ vui sướng.
“Bạch Thế Tôn! Sanh nơi thấp kém, đó là nói Ba cảnh dữ. Sanh nơi trung bình, đó là nói cõi người. Sanh nơi cao quý, đó là nói cõi trời. Như có người lại hỏi: ‘Nếu khi được ít vui lại sanh ra tư tưởng cho là khổ, được vui sướng trung bình sanh ra tư tưởng cho là không khổ không vui, được vui sướng nhiều liền sanh ra tư tưởng cho là vui sướng.’ Vậy phải trả lời như thế nào?
“Bạch Thế Tôn! Như nói khi chịu ít khổ hơn mà sanh ra tư tưởng cho là vui sướng, con chưa từng thấy có người nào sắp phải chịu đánh ngàn lần mà khi bị đánh một lần đầu lại sanh ra tư tưởng vui sướng! Nếu chẳng sanh tư tưởng ấy, sao nói rằng khi chịu ít khổ hơn liền sanh ra tư tưởng vui sướng?”
Phật bảo Ca-diếp: “Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Vì nghĩa ấy nên không có cái tư tưởng vui sướng. Vì sao vậy? Cũng như người kia, sắp phải chịu đánh một ngàn lần, nhưng vừa chịu đánh xong một lần liền được giải thoát. Lúc đó, người ấy liền sanh tư tưởng vui sướng. Cho nên biết rằng, [người ấy] đối với việc không vui sướng mà sai lầm sanh ra tư tưởng vui sướng.”
Ca-diếp nói: “Bạch Thế Tôn! Người ấy không phải vì chịu đánh một lần mà phát sanh tư tưởng vui sướng, chính là vì được thoát [khỏi những lần còn lại] nên sanh ra tư tưởng vui sướng.”
Phật dạy: “Ca-diếp! Cho nên ngày xưa ta vì Thích-ma-nam mà dạy về sự vui sướng trong năm ấm, chẳng phải lời hư dối.
“Ca-diếp! Có ba sự cảm thọ và ba sự khổ. Ba sự cảm thọ là: cảm thọ vui sướng, cảm thọ đau khổ, cảm thọ không vui không khổ. Ba sự khổ là: khổ vì sự khổ, khổ vì các hành và khổ vì sự hư hoại.
“Thiện nam tử! Cảm thọ đau khổ đó là [chịu đựng đủ] ba sự khổ: khổ vì sự khổ, khổ vì các hành và khổ vì sự hư hoại. Còn hai cảm thọ kia là khổ vì các hành và khổ vì sự hư hoại.
“Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy nên giữa chốn sanh tử thật có cảm thọ vui sướng. Bậc Đại Bồ Tát thấy rõ tánh thật của khổ đau và vui sướng chẳng hề lìa nhau nên mới dạy rằng: ‘Tất cả đều là khổ.’
“Thiện nam tử! Giữa chốn sanh tử thật không có gì là vui sướng. Chỉ vì chư Phật, Bồ Tát tùy thuận thế gian nên dạy rằng có vui sướng.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu chư Phật và Bồ Tát tùy thuận thế tục mà nói thì đó có phải là hư vọng chăng? Như Phật có dạy: ‘Tu hành điều thiện, ắt hưởng quả báo vui sướng; giữ giới thì được an vui, thân không chịu khổ; cho đến làm xong mọi việc thì đó là sự vui sướng tột bực. Những kinh như vậy nói về sự cảm thọ vui sướng, có phải là hư dối chăng? Nếu là hư dối, thì chư Phật Thế Tôn tu đạo Bồ-đề trong vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp lâu xa, đã lìa bỏ sự nói dối, nay lại nói ra như vậy là ý nghĩa gì?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như trên đã nói, bài kệ giảng về những cảm thọ vui sướng tức là căn bản của đạo Bồ-đề, lại cũng có thể nuôi lớn quả vị Chánh đẳng chánh giác. Bởi nghĩa ấy nên trước đây trong kinh ta có nói về tướng vui sướng như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như ở thế gian, những thứ cần đến trong đời sống có thể là nguyên nhân của vui sướng, nên gọi đó là vui sướng. Những thứ ấy là: sắc đẹp phụ nữ, rượu ngon, món ăn thịnh soạn, vị ngọt, lúc khát gặp nước uống, lúc lạnh gặp lửa ấm, áo quần, vòng chuỗi, voi ngựa, xe cộ, tôi trai tớ gái, vàng bạc, lưu ly, san hô, chân châu, kho lẫm lúa thóc... Những thứ như vậy là chỗ cần đến của thế gian, có thể là nguyên nhân của vui sướng, cho nên gọi là vui sướng.
“Thiện nam tử! Những thứ như vậy lại cũng có thể sanh ra đau khổ. Do người phụ nữ mà làm cho người đàn ông sanh ra những sự đau khổ, lo buồn, than khóc, cho đến bỏ mạng. Do nơi rượu ngon, món ăn thịnh soạn... hết thảy các thứ cho đến kho lẫm lúa thóc... mà làm cho người ta sanh mối lo lắng buồn phiền lớn. Vì nghĩa ấy, hết thảy đều là khổ, thật không có tướng vui sướng.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát đối với tám nỗi khổ, biết rõ là khổ nên không có khổ.
“Thiện nam tử! Hết thảy hàng Thanh văn, Bích-chi Phật chẳng biết nguyên nhân của vui sướng. Vì những người như vậy nên ở trong chỗ ít khổ mà nói là có tướng vui sướng. Chỉ có Bồ Tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn mới có thể rõ biết nguyên nhân của đau khổ và nguyên nhân của vui sướng như vậy.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.218.50.170 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.