Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
"Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi."
Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là chỗ mà thế gian không thấy, không biết, không hiểu rõ nhưng chính là chỗ Bồ Tát thấy, biết, hiểu rõ? Đó là nói sáu niệm xứ. Những gì là sáu? Đó là: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí và niệm cõi trời.
“Thiện nam tử! Thế nào là niệm Phật? Như Lai, Ứng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn thường không biến đổi, có đủ Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Đại Sư tử hống, gọi là bậc Đại Sa-môn, Đại Bà-la-môn, Đại tịnh, rốt ráo đến bờ bên kia, không ai có thể vượt hơn được. Ngài có vô kiến đỉnh, không có sự sợ sệt, không bị kinh động, duy nhất không ai sánh cùng, tự mình giác ngộ không thầy dạy, có trí tuệ nhanh nhạy, trí tuệ lớn, trí tuệ sắc bén, trí tuệ sâu xa, trí tuệ giải thoát, trí tuệ không chung cùng, trí tuệ rộng khắp, trí tuệ rốt ráo, trí tuệ như vật báu thành tựu. Giữa loài người, ngài là voi chúa, trâu chúa, rồng chúa, là bậc trượng phu, là hoa sen, hoa phân-đà-lỵ. Ngài là bậc thầy dẫn dắt người đời, là vị đại thí chủ, là bậc thầy dạy Đại pháp. Vì ngài rõ biết pháp, rõ biết nghĩa, rõ biết thời cơ, biết đủ, biết tự ngã, biết đại chúng, rõ biết đủ mọi tâm tánh của chúng sanh, rõ biết căn cơ lanh lợi, chậm lụt hoặc trung bình, thuyết giảng pháp trung đạo, nên được tôn xưng là Đại Pháp sư.
“Sao gọi là Như Lai? Như những điều mà chư Phật quá khứ đã thuyết giảng là không biến đổi. Thế nào là không biến đổi? Chư Phật quá khứ vì hóa độ chúng sanh nên thuyết giảng Mười hai bộ kinh. Như Lai cũng thế, nên gọi là Như Lai.
“Chư Phật Thế Tôn do nơi sáu pháp ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, mười một pháp không mà tiến đến Đại Niết-bàn. Như Lai cũng thế, nên xưng hiệu Phật là Như Lai.
“Chư Phật Thế Tôn vì chúng sanh nên tùy nghi phương tiện khai mở, chỉ bày Ba thừa, đời sống kéo dài vô lượng, không thể tính kể. Như Lai cũng thế, nên xưng hiệu Phật là Như Lai.
“Sao gọi là Ứng? Các pháp thế gian đều là thù oán. Đức Phật ứng hiện phá hoại các pháp ấy, nên gọi là ứng. Bốn ma là kẻ thù của Bồ Tát. Chư Phật Như Lai trong khi còn tu hạnh Bồ Tát có thể dùng trí tuệ mà phá trừ bốn ma, cho nên gọi là ứng. Lại nữa, ứng gọi là lìa xa. Trong khi tu hạnh Bồ Tát nên lìa xa vô lượng phiền não, nên gọi là ứng. Lại nữa, ứng gọi là vui. Chư Phật quá khứ trong khi tu hạnh Bồ Tát, tuy trải qua vô số kiếp vì chúng sanh chịu các khổ não nhưng không lúc nào không vui, vẫn thường được vui. Như Lai cũng thế, nên gọi là ứng.
“Lại nữa, hết thảy người và chư thiên thường nên dùng mọi thứ hương hoa, vòng chuỗi, cờ phướn, kỹ nhạc mà [dâng lên] cúng dường [Phật], nên gọi là ứng [cúng].
“Sao gọi là Chánh biến tri? Chánh gọi là không điên đảo. Biến tri là đối với bốn pháp điên đảo không có chỗ nào không thông đạt. Lại nữa, chánh gọi là khổ hạnh, biến tri là biết rằng nhân nơi việc khổ hạnh quyết định phải có quả khổ.
“Lại nữa, chánh gọi là ở trong thế gian, biến tri là cuối cùng biết chắc được việc tu tập pháp trung đạo, đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại nữa, chánh gọi là có thể tính đếm, đo lường, so sánh. Biến tri là không thể tính đếm, đo lường, so sánh. Cho nên xưng hiệu Phật là Chánh biến tri.
“Thiện nam tử! Thanh văn, Duyên giác cũng có biến tri mà cũng không có biến tri. Vì sao vậy? Biến tri đó, gọi là năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới; Thanh văn, Duyên giác cũng được rõ biết tất cả nên gọi là biến tri.
“Thế nào là không biến tri? Thiện nam tử! Giả sử người trong Hai thừa trải qua vô lượng kiếp chỉ quán riêng một sắc ấm cũng không thể rõ biết tường tận. Vì nghĩa ấy nên Thanh văn và Duyên giác không có biến tri.
“Sao gọi là Minh hạnh túc? Minh gọi là được quả lành vô lượng. Hạnh gọi là chân đi. Quả lành đó là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Chân đi đó là giới và tuệ. Nhờ nơi giới và tuệ là chân đi mà đạt đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế gọi là Minh hạnh túc.
“Lại nữa, minh gọi là chú, hạnh gọi là tốt lành, túc gọi là quả. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Chú gọi là giải thoát. Tốt lành gọi là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Quả gọi là Đại Bát Niết-bàn. Vì thế gọi là Minh hạnh túc.
“Lại nữa, minh gọi là ánh sáng, hạnh gọi là nghiệp, túc gọi là quả. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Ánh sáng gọi là không buông thả phóng túng, lười nhác. Nghiệp gọi là sáu pháp ba-la-mật. Quả gọi là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại nữa, minh gọi là ba sự sáng suốt. Một là sự sáng suốt của Bồ Tát, hai là sự sáng suốt của chư Phật, ba là sự sáng suốt của vô minh. Sự sáng suốt của Bồ Tát là Bát-nhã Ba-la-mật. Sự sáng suốt của chư Phật là Phật nhãn. Sự sáng suốt của vô minh là rốt cùng hết thảy đều là không. Hạnh là trong vô lượng kiếp vì chúng sanh mà tu các nghiệp lành. Túc là thấy rõ tánh Phật. Vì nghĩa ấy nên gọi là Minh hạnh túc.
“Sao gọi là Thiện thệ? Thiện gọi là cao, thệ gọi là không cao. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Cao, đó là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Không cao, đó là tâm Như Lai. Thiện nam tử! Nếu tâm là cao thì chẳng gọi là Như Lai. Vì thế nên tôn xưng Như Lai là Thiện thệ.
“Lại nữa, thiện gọi là thiện tri thức, thệ là quả của thiện tri thức. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Thiện tri thức là người mới phát tâm. Quả tức là Đại Bát Niết-bàn. Như Lai không bỏ chỗ phát tâm từ lúc ban đầu, đạt được Đại Niết-bàn. Vì thế nên tôn xưng Như Lai là Thiện thệ.
“Lại nữa, thiện là tốt đẹp, thệ là có. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Tốt đẹp là thấy được tánh Phật. Có, gọi là Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Tánh của Niết-bàn vốn thật là không có, Chư Phật Thế Tôn nhân nơi thế gian mà nói rằng có. Thiện nam tử! Ví như người thế gian thật không có con mà nói là có; thật không có đạo mà nói là có. Niết-bàn cũng vậy, nhân nơi thế gian mà nói là có. Chư Phật Thế Tôn thành tựu Đại Niết-bàn nên tôn xưng là Thiện thệ.
“Thiện nam tử! Vì sao gọi là Thế gian giải? Thiện nam tử! Thế gian đó là năm ấm, giải là rõ biết. Chư Phật Thế Tôn rõ biết năm ấm nên gọi là thế gian giải.
“Lại nữa, thế gian gọi là năm món dục, giải gọi là không vướng mắc. Vì không vướng mắc vào năm món dục nên gọi là thế gian giải.
“Lại nữa, thế gian giải là nói vô lượng vô số thế giới về phương đông mà hết thảy Thanh văn, Duyên giác đều không thấy, không biết, không hiểu rõ, nhưng chư Phật thấy, biết, hiểu rõ tất cả. Về các phương nam, tây, bắc và bốn phương phụ, phương trên, phương dưới cũng đều như vậy. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Thế gian giải.
“Lại nữa, thế gian là hết thảy phàm phu, giải là rõ biết nhân quả thiện ác của phàm phu. Đó không phải là chỗ biết của Thanh văn, Duyên giác, chỉ Phật mới có thể rõ biết. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Thế gian giải.
“Lại nữa, thế gian là hoa sen, giải là không bị nhiễm ô. Thiện nam tử! Đó gọi là nghĩa thế gian. Hoa sen tức là Như Lai, không bị nhiễm ô là Như Lai chẳng bị tám pháp của thế gian làm nhiễm ô. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Thế gian giải.
“Lại nữa, thế gian giải là tên gọi của chư Phật, Bồ Tát. Vì sao vậy? Chư Phật, Bồ Tát thấy rõ thế gian nên gọi là thế gian giải. Thiện nam tử! Như nhân việc ăn uống mà có mạng sống, nên gọi việc ăn uống là mạng sống. Chư Phật, Bồ Tát cũng vậy, thấy rõ thế gian nên gọi là Thế gian giải.
“Vì sao gọi là Vô thượng sĩ? Thượng sĩ là dứt trừ. Không có chỗ dứt trừ gọi là vô thượng sĩ. Chư Phật Thế Tôn không có phiền não nên không có chỗ dứt trừ. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Vô thượng sĩ.
“Lại nữa, thượng sĩ là tranh giành kiện tụng, vô thượng sĩ là không có tranh giành kiện tụng. Như Lai không có tranh giành kiện tụng. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Vô thượng sĩ.
“Lại nữa, thượng sĩ là lời nói có thể hoại mất, vô thượng sĩ là lời nói không thể hoại mất. Lời nói của Như Lai, hết thảy chúng sanh đều không thể phá hoại. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Vô thượng sĩ.
“Lại nữa, thượng sĩ là bậc đứng trên người khác, vô thượng sĩ là không có ai đứng trên. Ba đời chư Phật rốt cùng không có ai vượt hơn được. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Vô thượng sĩ.
“Thượng là mới, sĩ là cũ. Chư Phật Thế Tôn thể nghiệm Đại Niết-bàn, không mới không cũ. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Vô thượng sĩ.
“Vì sao gọi là Điều ngự trượng phu? Tự mình là trượng phu, lại điều phục các trượng phu khác. Thiện nam tử! Nói là Như Lai, thật chẳng phải trượng phu, cũng chẳng phải không trượng phu, nhân việc điều phục trượng phu nên xưng Như Lai là trượng phu.
“Thiện nam tử! Hết thảy kẻ nam, người nữ, nếu ai có đủ bốn pháp thì được gọi là trượng phu. Những gì là bốn pháp? Một là gần gũi bậc thiện tri thức, hai là có thể nghe pháp, ba là suy xét ý nghĩa, bốn là y theo lời dạy mà tu hành. Thiện nam tử! Cho dù là nam hay nữ, có đủ bốn pháp ấy thì gọi là trượng phu.
“Thiện nam tử! Nếu là nam tử mà không đủ bốn pháp ấy thì chẳng được gọi là trượng phu. Vì sao vậy? Tuy mang thân trượng phu nhưng chỗ làm cũng đồng như loài súc sanh.
“Như Lai điều phục hết thảy nam nữ, cho nên xưng hiệu Phật là Điều ngự trượng phu.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như việc cưỡi ngựa thường có bốn cách. Một là chạm vào lông, hai là chạm vào da, ba là chạm vào thịt, bốn là chạm vào xương. Tùy theo chỗ chạm vào mà ngựa tuân theo ý người cưỡi. Như Lai cũng thế, dùng bốn phép mà điều phục chúng sanh.
“Một là giảng pháp sanh ra, khiến họ nhận nghe lời Phật, như người cưỡi ngựa chạm vào lông ngựa, khiến con ngựa tuân theo ý.
“Hai là giảng pháp sanh ra và già yếu, chúng sanh liền nhận nghe lời Phật, như người cưỡi ngựa chạm vào lông và da ngựa, khiến con ngựa tuân theo ý.
“Ba là giảng pháp sanh ra, già yếu và bệnh tật, chúng sanh liền nhận nghe lời Phật, như người cưỡi ngựa chạm vào lông, da và thịt ngựa, khiến con ngựa tuân theo ý.
“Bốn là giảng pháp sanh ra, già yếu, bệnh tật và chết đi, chúng sanh liền nhận nghe lời Phật, như người cưỡi ngựa chạm vào lông, da, thịt và xương ngựa, khiến con ngựa tuân theo ý.
“Thiện nam tử! Người cưỡi ngựa điều khiển ngựa không chắc chắn có kết quả. Thế Tôn điều phục chúng sanh thì chắc chắn không sai dối. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Điều ngự trượng phu.
“Vì sao gọi là Thiên nhân sư? Thầy dạy có hai hạng, một là thầy dạy việc lành, hai là thầy dạy việc ác. Chư Phật, Bồ Tát thường dùng pháp lành dạy bảo chúng sanh. Những gì là pháp lành? Đó là nói thân, miệng, và ý đều lành. Chư Phật, Bồ Tát dạy bảo chúng sanh rằng: ‘Thiện nam tử! Các người nên lìa xa nghiệp bất thiện của thân. Vì sao vậy? Vì ác nghiệp của thân thật có thể lìa xa, nhờ đó được giải thoát. Vì thế nên ta dùng pháp ấy để dạy bảo các người. Nếu như ác nghiệp không lìa xa mà có thể được giải thoát thì ta chẳng bao giờ dạy các người phải lìa xa. Nếu chúng sanh đã lìa xa ác nghiệp mà đọa vào ba đường ác, đó là chuyện vô lý.’ Nhờ lìa xa ác nghiệp mà thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, được Đại Niết-bàn. Vì thế nên chư Phật, Bồ Tát thường đem pháp ấy mà giáo hóa chúng sanh. Về miệng và ý cũng là như vậy. Cho nên tôn xưng Phật là bậc thầy cao quý nhất.
“Lại nữa, thuở trước ta chưa thành đạo, hiện nay đã thành đạo rồi. Ta đem chỗ thành tựu đạo ấy vì chúng sanh mà thuyết giảng. Thuở trước chưa tu hạnh thanh tịnh, hiện nay đã tu hành thành tựu, liền đem chỗ tu hành của mình mà thuyết giảng với chúng sanh. Tự mình phá tan vô minh, lại vì chúng sanh mà phá tan màn vô minh cho họ. Tự mình được mắt trong sạch, lại vì chúng sanh phá trừ sự mù lòa, khiến họ được con mắt trong sạch. Tự mình rõ biết hai lẽ chân thật, lại vì chúng sanh mà thuyết giảng hai lẽ chân thật ấy. Tự mình đạt được sự giải thoát, lại vì chúng sanh mà thuyết giảng pháp giải thoát. Tự mình vượt qua dòng sông lớn sanh tử không bờ bến, lại làm cho hết thảy chúng sanh cũng đều vượt qua được. Tự mình đạt được đức không sợ sệt, lại giáo hóa chúng sanh khiến họ không còn sợ sệt. Tự mình Niết-bàn, lại vì chúng sanh thuyết diễn Đại Niết-bàn. Vì thế nên tôn xưng Phật là bậc thầy cao quý nhất.
“Thiên, đó là ban ngày. Ở cõi trời ngày dài đêm ngắn, vì thế nên gọi là thiên. Lại nữa, thiên là không sầu não. Thường thụ hưởng khoái lạc, vì thế nên gọi là thiên. Lại nữa, thiên là đèn sáng. Phá được sự tối tăm u ám, làm cho sáng rõ, vì thế nên gọi là thiên. Lại cũng phá được sự tối tăm của nghiệp xấu ác mà được nghiệp lành, sanh lên cõi trời, vì thế nên gọi là thiên.
“Lại nữa, thiên là tốt lành. Nhờ tốt lành nên được gọi là thiên. Lại nữa, thiên là mặt trời. Bởi có ánh sáng, nên gọi là thiên. Vì những nghĩa như vậy nên gọi là thiên.
“Nhân là có thể suy xét nhiều ý nghĩa. Lại nữa, nhân là thân và miệng đều nhu nhuyễn. Lại nữa, nhân là nói sự kiêu mạn, lại cũng là có thể phá trừ kiêu mạn.
“Thiện nam tử! Tuy Phật là bậc thầy dạy cao quý nhất của tất cả chúng sanh, nhưng trong kinh gọi là bậc Thiên nhân sư. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Trong các loài chúng sanh, duy chỉ có chư thiên và nhân loại là có thể phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, có thể tu Mười nghiệp lành, có thể chứng đắc các đạo quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Phật Bích-chi và quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì thế nên xưng hiệu Phật là Thiên nhân sư.
“Vì sao gọi là Phật? Phật là tỉnh giác, rõ biết. Tự mình đã tỉnh giác, rõ biết, lại có thể giúp cho kẻ khác tỉnh giác, rõ biết. Thiện nam tử! Ví như có người tỉnh giác, rõ biết có kẻ trộm, thì kẻ trộm ấy không thể làm gì được. Bồ Tát ma-ha-tát có thể tỉnh giác rõ biết hết thảy vô lượng phiền não. Khi đã rõ biết rồi, khiến cho các phiền não không thể làm gì được. Vì thế nên gọi là Phật. Vì đã tỉnh giác rõ biết, nên không còn sanh, già, bệnh, chết. Do đó gọi là Phật.
“Sao gọi là Bà-già-bà? Bà-già là phá trừ; bà là phiền não. Vì phá trừ phiền não nên gọi là Bà-già-bà; lại vì có thể thành tựu được các thiện pháp; lại vì có thể giảng rõ ý nghĩa các pháp; lại vì có công đức lớn, không ai hơn được; lại vì có danh tiếng lớn truyền khắp mười phương; lại vì có thể ra ơn lớn bố thí đủ mọi thứ; lại vì trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp đã trừ bỏ nữ căn; vì các lẽ ấy nên tôn xưng hiệu Phật là Bà-già-bà.
“Thiện nam tử! Dù là nam hay nữ mà có thể niệm tưởng đến Phật như thế thì trong lúc đi, đứng, ngồi, nằm, ngày, đêm, sáng, tối đều thường được thấy Phật Thế Tôn.
“Thiện nam tử! Vì sao gọi là Như Lai, Ứng, Chánh biến tri... cho đến Bà-già-bà, có vô lượng công đức và danh xưng lớn như thế? Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát từ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp đã từng cung kính cha mẹ, hòa thượng, các bậc thầy, thượng tọa, trưởng lão. Trong vô lượng kiếp thường vì chúng sanh mà thực hành bố thí, giữ bền giới cấm, tu tập nhẫn nhục, chuyên cần thực hành tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, cho nên ngày nay mới được thân kim cang với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.
“Lại nữa, từ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp Bồ Tát đã từng tu tập các pháp căn bản: tín, niệm, tinh tấn, định, tuệ, cung kính cúng dường các bậc sư trưởng, thường vì sự lợi ích trong Chánh pháp, chẳng vì món lợi ăn uống. Bồ Tát nếu được gìn giữ Mười hai bộ kinh, khi tụng đọc vẫn thường vì chúng sanh mà khiến cho được giải thoát, an ổn, khoái lạc, chẳng bao giờ vì bản thân mình.
“Vì sao vậy? Bồ Tát thường tu tâm xuất thế gian cùng với các tâm xuất gia, tâm vô vi; không có tâm tranh tụng, không có tâm nhiễm bẩn, không có tâm trói buộc, không có tâm nắm giữ vướng mắc, không có tâm che lấp, không có tâm đắm chấp lẽ không, không có tâm sanh tử, không có tâm nghi ngờ, không có tâm tham dục, không có tâm sân khuể, không có tâm ngu si, không có tâm kiêu mạn, không có tâm uế trược, không có tâm phiền não, không có tâm khổ; [đầy đủ các] tâm vô lượng, tâm quảng đại, tâm hư không, tâm không; không có tâm không, không có tâm không điều phục, không có tâm không phòng hộ, không có tâm không che giấu, không có tâm thế gian; [đầy đủ các] tâm thường định, tâm thường tu, tâm thường giải thoát, tâm không báo trả, tâm không mong cầu, tâm nguyện lành, tâm không nhầm lẫn, tâm nhu nhuyễn, tâm không trụ, tâm tự tại, tâm vô lậu, tâm đệ nhất nghĩa, tâm chẳng thối lui, tâm vô thường, tâm chánh trực, tâm không nịnh hót, tâm thuần thiện; không có tâm [phân biệt] nhiều ít, không có tâm ương ngạnh, không có tâm phàm phu, không có tâm Thanh văn, không có tâm Duyên giác, [chỉ có những] tâm khéo rõ biết, tâm rõ biết giới, tâm rõ biết giới sanh ra, tâm rõ biết sự trụ yên nơi giới, tâm rõ biết sự không trói buộc vào giới.
Vì những lẽ ấy nên ngày nay được Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Đại bi, Ba niệm xứ, thường, lạc, ngã, tịnh. Cho nên được tôn xưng là Như Lai... cho đến Bà-già-bà. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát niệm Phật.
“Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát niệm Pháp? Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát suy xét chỗ thuyết pháp của chư Phật là mầu nhiệm nhất, cao cả nhất. Do nơi pháp ấy có thể khiến chúng sanh được hưởng quả trong hiện tại. Chỉ riêng Chánh pháp ấy không có thời tiết, là chỗ thấy của con mắt pháp chứ chẳng phải mắt thường, không thể dùng các thí dụ mà so sánh: không sanh ra, không xuất hiện; không trụ, không diệt; không khởi đầu, không kết thúc; vô vi, vô số. Vì kẻ không nhà mà tạo nên nhà cửa, vì kẻ không có chỗ nương về mà tạo ra chỗ nương về, vì kẻ không có ánh sáng mà tạo ra ánh sáng, vì kẻ chưa đến được bờ bên kia mà khiến cho đến được bờ bên kia, vì chỗ không có hương thơm mà tạo ra hương thơm vô ngại; ở chỗ không thể trông thấy mà trông thấy rõ ràng, không động chuyển, không dài ngắn, mãi mãi dứt trừ các thú vui mà được niềm vui an ổn, chỗ rốt ráo nhiệm mầu; chẳng phải sắc hay dứt trừ sắc nhưng cũng là sắc... cho đến chẳng phải thức hay dứt trừ thức nhưng cũng là thức; chẳng phải nghiệp hay dứt trừ nghiệp, chẳng phải gút mắc hay dứt trừ gút mắc, chẳng phải vật hay dứt trừ vật nhưng cũng là vật; chẳng phải giới hay dứt trừ giới nhưng cũng là giới; chẳng phải hiện hữu hay dứt trừ hiện hữu nhưng thật hiện hữu; chẳng phải nhập hay dứt trừ nhập nhưng cũng là nhập; chẳng phải nhân hay dứt trừ nhân nhưng cũng là nhân; chẳng phải quả hay dứt trừ quả nhưng cũng là quả; chẳng phải hư, chẳng phải thật, dứt trừ hết thảy chỗ thật nhưng cũng là thật; chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, mãi mãi dứt trừ sanh diệt nhưng cũng là diệt; chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng, dứt trừ hết thảy tướng nhưng cũng là tướng; chẳng phải dạy bảo, chẳng phải không dạy bảo nhưng cũng là bậc thầy; chẳng phải sợ sệt, chẳng phải an ổn, thường dứt trừ hết thảy sự sợ sệt nhưng cũng là an ổn; chẳng phải nhẫn, chẳng phải không nhẫn, thường dứt trừ mãi mãi sự không nhẫn nhưng cũng là nhẫn; chẳng phải dừng, chẳng phải không dừng, thường dứt trừ hết thảy sự dừng lắng nhưng cũng là dừng; hết thảy chỗ cùng tột của pháp đều có thể dứt trừ mãi mãi; hết thảy phiền não đều thanh tịnh; không tướng trạng, mãi mãi thoát khỏi các tướng trạng; là chỗ an trụ rốt ráo cho vô lượng chúng sanh; có thể diệt trừ hết thảy những ngọn lửa sanh tử mãnh liệt; chính thật là chỗ chư Phật dạo chơi dừng bước, thường không biến đổi. Đó gọi là Bồ Tát niệm Pháp.
“Thế nào là niệm Tăng? Chư Phật và các vị thánh tăng y theo Chánh pháp mà an trụ, nhận giữ Chánh pháp, tùy thuận tu hành, không thể nhìn thấy, không thể nắm giữ, không thể phá hoại, không thể nhiễu hại, không thể nghĩ bàn; là ruộng phước tốt đẹp của hết thảy chúng sanh. Tuy là ruộng phước nhưng không thọ nhận, không nắm giữ; thanh tịnh không cấu uế, vô lậu, vô vi, rộng khắp vô cùng; tâm điều hòa nhu nhuyễn, bình đẳng không phân biệt, không rối ren hỗn loạn, thường không biến đổi. Đó gọi là niệm Tăng.
“Thế nào là niệm giới? Bồ Tát suy xét thấy rằng thật có giới luật, không phá [giới], không sơ suất [đối với giới], không hoại [mất giới], không làm hỗn tạp [giới]. Tuy [giới] không hình sắc nhưng có thể hộ trì; tuy không thể xúc chạm, đối đãi nhưng khéo tu phương tiện có thể được trọn đủ, không lỗi lầm; chư Phật, Bồ Tát thường khen ngợi. Đó là nhân của kinh Đại Phương đẳng Đại Niết-bàn này.
“Thiện nam tử! [Bồ Tát xem giới luật] ví như mặt đất lớn, tàu thuyền, vòng chuỗi, muôn dân, biển cả, nước tro, nhà cửa, đao kiếm, cầu cống, thầy thuốc, thuốc hay, thuốc a-già-đà, ngọc báu như ý, chân, mắt, cha mẹ, bóng mát... không ai cướp lấy, không thể nhiễu hại, lửa không thể đốt cháy, nước không thể làm trôi, là nấc thang để bước lên núi lớn, là cây cờ báu nhiệm mầu của chư Phật, Bồ Tát. Nếu trụ ở giới luật này thì chứng được quả Tu-đà-hoàn; ta cũng có phần nhưng không cần đến. Vì sao vậy? Nếu ta được quả Tu-đà-hoàn ấy thì không thể rộng độ hết thảy chúng sanh. Nếu ai trụ ở giới này thì đạt được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề; ta cũng có phần và đó là chỗ mong muốn của ta. Vì sao vậy? Nếu đạt được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, ta sẽ vì chúng sanh mà rộng thuyết pháp nhiệm mầu để cứu vớt, bảo hộ. Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát niệm giới.
“Thế nào là niệm thí? Bồ Tát ma-ha-tát quán xét sâu xa rằng việc bố thí chính là nhân của quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Chư Phật, Bồ Tát đều thân cận, tu tập hạnh bố thí như vậy. Ta cũng thân cận, tu tập hạnh bố thí như vậy. Nếu không mở rộng lòng bố thí thì không thể trang nghiêm cho Bốn bộ chúng. Bố thí tuy rốt ráo không thể dứt trừ mọi sự trói buộc, nhưng có thể phá trừ những phiền não trong hiện tại. Do nhân duyên bố thí nên thường được sự ngợi khen, xưng tụng của chúng sanh ở vô số thế giới trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng.
“Bồ Tát ma-ha-tát khi bố thí món ăn cho chúng sanh, sẵn sàng thí cả thân mạng. Do quả báo của việc bố thí nên khi thành Phật thường không biến đổi. Do việc bố thí sự vui mừng nên khi thành Phật thường được an vui. Bồ Tát khi bố thí luôn cầu tài vật đúng theo như pháp, chẳng lấy của người kia mà thí cho người này. Vì thế nên khi thành Phật được Niết-bàn thanh tịnh. Bồ Tát khi bố thí luôn khiến chúng sanh chẳng cầu mà được, nên khi thành Phật được chân ngã tự tại. Do nhân duyên bố thí khiến cho kẻ khác được sức lực, nên khi thành Phật liền được Mười sức. Do nhân duyên bố thí khiến cho kẻ khác được nói, nên khi thành Phật được Bốn pháp không ngăn ngại. Chư Phật và Bồ Tát tu tập hạnh bố thí này làm nhân Niết-bàn. Ta cũng tu tập hạnh bố thí như vậy làm nhân Niết-bàn. Giảng rộng ra thì cũng như trong kinh Tạp hoa đã nói.
“Thế nào là niệm cõi trời? [Bồ Tát thường nghĩ rằng:] ‘Có các cõi trời Tứ thiên vương cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng. Nếu có đức tin thì được sanh ở cõi trời Tứ thiên vương, ta cũng có phần; nếu có trì giới, đa văn, bố thí, trí tuệ thì được sanh ở từ cõi trời Tứ thiên vương cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, ta cũng có phần, nhưng đó không phải những chỗ mong muốn của ta. Vì sao vậy? Từ cõi trời Tứ Thiên vương cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng đều là vô thường. Vì là vô thường nên phải chịu sanh, già, bệnh, chết. Vì nghĩa ấy nên ta không mong muốn. Ví như trò ảo hóa [chỉ có thể] dối gạt người ngu si, chẳng phải chỗ mê chấp của người có trí tuệ. Nói như trò ảo hóa, đó là từ cõi trời Tứ Thiên vương cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng. Nói người ngu si, đó là hết thảy những kẻ phàm phu.
“Ta không đồng với những kẻ phàm phu ngu si. Ta từng nghe có cõi trời Đệ nhất nghĩa, đó là nói chư Phật, Bồ Tát thường tồn không biến đổi. Vì là thường tồn nên không có sanh, già, bệnh, chết. Ta vì chúng sanh mà tinh cần cầu được cõi trời Đệ nhất nghĩa. Vì sao vậy? Cõi trời Đệ nhất nghĩa có thể khiến chúng sanh dứt trừ phiền não, cũng như cây như ý. Nếu ta có đức tin... cho đến có trí tuệ, ắt sẽ có thể đạt được cõi trời Đệ nhất nghĩa ấy, sẽ vì chúng sanh mà phân biệt giảng rộng về cõi trời Đệ nhất nghĩa.’ Đó gọi là Bồ Tát ma-ha-tát niệm cõi trời.
“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát, chẳng phải thế gian. Đó là chỗ mà thế gian không biết, không thấy, không hiểu nhưng là chỗ thấy, biết, hiểu rõ của Bồ Tát.
“Thiện nam tử! Nếu đệ tử của ta [có ai] cho rằng việc thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng thuyết Mười hai bộ kinh cũng không có gì khác biệt với việc thọ trì, tụng đọc, sao chép, giải bày giảng thuyết kinh Đại Niết-bàn, như vậy là không đúng. Vì sao vậy?
“Thiện nam tử! Kinh Đại Niết-bàn là tạng rất sâu kín của hết thảy chư Phật Thế Tôn. Vì là tạng rất sâu kín của chư Phật nên là cao trổi hơn hết. Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên kinh Đại Niết-bàn là hết sức kỳ lạ, đặc biệt, không thể nghĩ bàn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Con cũng biết rằng kinh Đại Niết-bàn này là rất kỳ lạ, đặc biệt, không thể nghĩ bàn. Phật, Pháp, Chúng tăng cũng không thể nghĩ bàn. Bồ-đề, Đại Bát Niết-bàn của Bồ Tát cũng không thể nghĩ bàn. Bạch Thế Tôn! Vì nghĩa gì lại nói rằng Bồ Tát là không thể nghĩ bàn?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát không có người dạy bảo mà có thể tự mình phát tâm Bồ-đề. Khi phát tâm rồi liền chuyên cần tu tập tinh tấn. Ví như có bị lửa dữ thiêu đốt toàn thân cũng chẳng hề cầu cứu, buông bỏ lòng nhớ nghĩ Chánh pháp. Vì sao vậy? Bồ Tát ma-ha-tát thường tự nghĩ rằng: ‘Ta trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, hoặc ở những cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi người, cõi trời, từng bị ngọn lửa phiền não trói buộc thiêu đốt, nhưng chưa từng được một pháp quyết định. Pháp quyết định đó, chính là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Ta vì A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì chẳng bao giờ tiếc giữ thân tâm, mạng sống. Ta vì A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên dù cho thân thể có nát tan thành bụi nhỏ cũng không bao giờ buông bỏ sự chuyên cần tinh tấn. Vì sao vậy? Lòng chuyên cần tinh tấn tức là nhân của quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Vị Bồ Tát như thế, khi chưa thấy A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề còn chẳng tiếc thân mạng, huống chi khi đã được thấy. Vì thế nên Bồ Tát là không thể nghĩ bàn!
“Lại nữa, không thể nghĩ bàn là nói việc Bồ Tát ma-ha-tát thấy được vô số tội lỗi trong vòng sanh tử, hàng Thanh văn, Duyên giác không thể theo kịp. Tuy biết trong vòng sanh tử có vô số tội lỗi, nhưng [Bồ Tát] vì chúng sanh mà vẫn ở trong đó nhận chịu khổ não chứ không chán nản xa lìa. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn.
“Bồ Tát ma-ha-tát vì chúng sanh nên tuy ở tại địa ngục nhận chịu các khổ não mà vẫn vui thích như đang ở cảnh Thiền thứ ba. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn.
“Thiện nam tử! Ví như vị trưởng giả thấy nhà mình bị cháy liền vội ra khỏi nhà. Những đứa con của ông còn ở lại sau, chưa thoát ra khỏi đám cháy. Bấy giờ, vị trưởng giả biết rõ sự nguy hại của lửa, nhưng vì các con nên quay vào cứu, bất kể nguy hiểm. Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, tuy biết trong vòng sanh tử có nhiều tội lỗi ác hại, nhưng vì chúng sanh mà ở lại trong đó không nhàm chán. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Có vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ-đề, thấy trong vòng sanh tử có nhiều sự lầm lỗi, ác hại nên sanh lòng thối lui, chỉ làm Thanh văn hoặc Duyên giác. Nếu Bồ Tát nào nghe được kinh này thì không bao giờ thối lui hay để mất tâm Bồ-đề mà làm Thanh văn, làm Phật Bích-chi. Vị Bồ Tát như vậy dù chưa bước đến thềm địa vị ban sơ là Bất động địa nhưng lòng bền chắc, quyết không thối lui hay để mất tâm Bồ-đề. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Nếu có người nói: ‘Tôi có thể lội qua biển cả.’ Lời nói ấy có thể nghĩ bàn được chăng?”
Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn! Lời nói như vậy hoặc có thể nghĩ bàn, hoặc không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Nếu là con người lội qua được, đó là không thể nghĩ bàn; nếu là loài a-tu-la lội qua được, đó là có thể nghĩ bàn.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta không nói a-tu-la, chính là đang nói về con người.”
Bồ Tát Ca-diếp nói: “Bạch Thế Tôn! Trong loài người cũng có thể nghĩ bàn hoặc không thể nghĩ bàn. Thế Tôn! Người có hai hạng, một là thánh nhân, hai là phàm phu. Nếu là phàm phu thì không thể nghĩ bàn, nếu là bậc hiền thánh thì có thể nghĩ bàn.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta đang nói về phàm phu, chẳng nói bậc thánh nhân.”
Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn! Nếu là phàm phu thì [lời nói ấy] thật không thể nghĩ bàn!”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Người phàm phu thật ra không thể lội qua biển cả; nhưng vị Bồ Tát như vậy thật có thể vượt qua biển lớn sanh tử, cho nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Như có người dùng sợi tơ của ngó sen mà treo núi Tu-di, việc ấy có thể nghĩ bàn được chăng?”
Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn, không thể!”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát chỉ trong khoảnh khắc có thể tính lường hết thảy sanh tử, [còn khó hơn cả việc ấy]. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trải qua vô lượng a-tăng-kỳ kiếp thường quán sanh tử là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, nhưng vì chúng sanh mà phân biệt diễn thuyết là thường, lạc, ngã, tịnh. Tuy thuyết giảng như vậy nhưng chẳng phải tà kiến. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Như có người vào nước chẳng bị cuốn trôi, vào lửa chẳng bị đốt cháy, việc như vậy thật không thể nghĩ bàn. Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, tuy ở trong sanh tử nhưng chẳng bị sanh tử não hại. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Con người [nhập thai] có ba hạng: hạng cao, hạng trung bình và hạng thấp.
“Những người hạng thấp khi mới nhập bào thai nghĩ rằng: ‘Nay ta đang ở trong nhà xí, nơi quy tụ của mọi thứ dơ nhớp, như ở trong cái xác chết, như ở giữa những gai góc, là nơi hết sức tối tăm, u ám.’ Khi vừa ra khỏi bào thai lại nghĩ rằng: ‘Nay ta ra khỏi nhà xí, ra khỏi chỗ quy tụ của mọi thứ dơ nhớp... cho đến ra khỏi nơi hết sức tối tăm, u ám.’
“Những người hạng trung bình khi mới nhập bào thai nghĩ rằng: ‘Nay ta vào giữa rừng cây, giữa dòng sông trong sạch, giữa phòng ốc, nhà cửa. Khi ra khỏi bào thai, cũng nghĩ là ra khỏi những nơi ấy.
“Những người hạng cao khi mới nhập bào thai nghĩ rằng: ‘Nay ta bước lên cung điện, nhà lớn, ở giữa chốn rừng hoa, cưỡi ngựa, cưỡi voi đi lên núi cao. Khi ra khỏi bào thai, cũng nghĩ là ra khỏi những nơi ấy.
“Bồ Tát ma-ha-tát khi mới nhập bào thai tự biết là nhập bào thai, khi ở trong bào thai tự biết là ở trong bào thai, khi ra khỏi bào thai tự biết là ra khỏi bào thai, chẳng bao giờ sanh lòng tham muốn hay sân hận, nhưng vẫn chưa bước đến thềm địa vị ban sơ là Bất động địa. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn!
“Thiện nam tử! Thật không thể dùng thí dụ để so sánh với A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Thiện nam tử! Cũng như không thể dùng thí dụ để so sánh với tâm, nhưng những điều đó đều có thể giảng nói được. Bồ Tát ma-ha-tát không có thầy để thưa hỏi, thọ học, nhưng vẫn có thể đạt được pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Khi được pháp ấy rồi, lòng không tham tiếc, keo lận, thường vì chúng sanh mà giảng thuyết. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát có các pháp là: thân lìa xa miệng chẳng lìa xa, miệng lìa xa thân chẳng lìa xa, hoặc chẳng phải thân, chẳng phải miệng nhưng cũng lìa xa.
“Thân lìa xa là nói việc lìa xa sự giết hại, trộm cướp, dâm dục. Đó gọi là thân lìa xa miệng chẳng lìa xa.
“Miệng lìa xa là nói việc lìa xa sự nói dối, nói hai lưỡi, nói lời ác độc, nói lời vô nghĩa. Đó gọi là miệng lìa xa thân chẳng lìa xa.
“Pháp lìa xa mà chẳng phải thân, chẳng phải miệng là nói việc lìa xa sự tham lam, sân khuể, tà kiến. Thiện nam tử! Đó gọi là chẳng phải thân, chẳng phải miệng nhưng cũng lìa xa.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát chẳng thấy có pháp nào là thân, là nghiệp cùng với người lìa bỏ, nhưng quả thật có sự lìa bỏ. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn. Đối với miệng cũng là như thế.
“Thiện nam tử! Do nơi thân mà lìa thân, do nơi miệng mà lìa miệng, do nơi sự sáng suốt mà lìa xa là chẳng phải thân, chẳng phải miệng. Thiện nam tử! Thật có sự sáng suốt ấy nhưng không thể khiến cho Bồ Tát lìa xa. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Không một pháp nào có thể hoại mất hay tạo tác. Tánh thật của các pháp hữu vi là sanh diệt đổi khác, cho nên sự sáng suốt ấy không thể lìa xa.
“Thiện nam tử! Sáng suốt không thể phá trừ, lửa không thể đốt cháy, nước không thể cuốn trôi, gió không thể lay động, đất không thể ôm giữ, sanh không thể làm cho sanh ra, già không thể làm cho già đi, trụ không thể làm cho trụ lại, hoại không thể làm cho hoại mất, tham không thể làm cho tham đắm, sân không thể làm cho sân hận, si không thể làm cho ngu si, đều do nơi tánh thật của các pháp hữu vi là sanh diệt đổi khác. Cho nên Bồ Tát ma-ha-tát chẳng bao giờ nghĩ: ‘Ta dùng sự sáng suốt này phá trừ phiền não.’ Nhưng tự nói rằng: ‘Ta phá trừ phiền não.’ Tuy nói như vậy nhưng chẳng phải là hư dối. Vì thế nên gọi là không thể nghĩ bàn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch rằng: “Thế Tôn! Nay con mới biết rằng Bồ Tát ma-ha-tát là không thể nghĩ bàn. Phật, Pháp, Chúng tăng, kinh Đại Niết-bàn với người thọ trì, Bồ-đề, Niết-bàn là không thể nghĩ bàn!
“Bạch Thế Tôn! Pháp Phật vô thượng còn bao lâu nữa sẽ dứt mất?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu trong các đệ tử ta còn có người có thể thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng thuyết nghĩa lý kinh Đại Niết-bàn cho đến năm hạnh: Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh, Bệnh hạnh, Anh nhi hạnh, được chúng sanh cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường bằng mọi cách, thì nên biết rằng lúc ấy pháp Phật còn chưa dứt mất.
“Thiện nam tử! Như kinh Đại Niết-bàn được lưu hành đầy đủ, rộng khắp, vào lúc các đệ tử của ta có nhiều kẻ hủy phạm giới cấm, làm mọi điều ác, không thể tin kính kinh điển như thế này. Bởi không tin nên họ không thể thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng thuyết ý nghĩa, không được mọi người cung kính, tôn trọng, tán thán, cúng dường; [người khác] thấy người thọ trì kinh này liền khinh chê, phỉ báng rằng: ‘Ông là ngoại đạo, chẳng phải đệ tử Phật.’ Nên biết rằng vào lúc ấy pháp Phật sắp dứt mất.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Chính con trong khi theo hầu bên Phật có được nghe rằng: ‘Chánh pháp của Phật Ca-diếp trụ thế bảy ngày rồi dứt mất. Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai Ca-diếp có kinh này chăng? Nếu có, vì sao nói là dứt mất? Còn nếu không có kinh này, sao Thế Tôn lại dạy rằng kinh Đại Niết-bàn là tạng sâu kín của [tất cả] các đức Như Lai?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Lời ta nói trước đây chỉ có Văn-thù-sư-lợi hiểu được nghĩa. Nay ta sẽ thuyết giảng lần nữa, ông hãy hết lòng lắng nghe.
“Thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn có hai pháp: một là pháp thế gian, hai là pháp đệ nhất nghĩa. Pháp thế gian ắt có hư hoại, dứt mất. Pháp đệ nhất nghĩa không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh; hai là thường, lạc, ngã, tịnh. Vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh ắt có hư hoại, dứt mất; thường, lạc, ngã, tịnh không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là pháp hàng Nhị thừa gìn giữ, hai là pháp hàng Bồ Tát gìn giữ. Hàng Nhị thừa gìn giữ ắt có hư hoại, dứt mất; hàng Bồ Tát gìn giữ thì không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là bên ngoài, hai là bên trong. Pháp bên ngoài ắt có hư hoại, dứt mất; pháp bên trong không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là hữu vi, hai là vô vi. Pháp hữu vi ắt có hư hoại, dứt mất; pháp vô vi không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là có thể được, hai là không thể được. Pháp có thể được ắt có hư hoại, dứt mất; pháp không thể được không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là pháp chung cùng, hai là pháp không chung cùng. Pháp chung cùng ắt có hư hoại, dứt mất; pháp không chung cùng không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là ở cõi người, hai là ở cõi trời. Ở cõi người thì có hư hoại, dứt mất; ở cõi trời không có hư hoại, dứt mất.
“Lại có hai pháp: một là Mười một bộ kinh, hai là kinh Phương đẳng. Mười một bộ kinh ắt có hư hoại, dứt mất; kinh Phương đẳng không có hư hoại, dứt mất.
“Thiện nam tử! Nếu như đệ tử của ta còn thọ trì, tụng đọc, sao chép, giảng thuyết kinh điển Phương đẳng, cung kính cúng dường, tôn trọng, tán thán, nên biết rằng lúc ấy pháp Phật không dứt mất.
“Thiện nam tử! Ông vừa hỏi ta rằng: Đức Như Lai Ca-diếp có kinh này hay không? Thiện nam tử! Kinh Đại Niết-bàn là kho tàng sâu kín của tất cả chư Phật. Vì sao vậy? Chư Phật tuy có Mười một bộ kinh, nhưng trong đó không thuyết dạy về tánh Phật, về thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai, về việc chư Phật Thế Tôn không bao giờ dứt hết tất cả mà vào Niết-bàn. Vì vậy nên kinh này gọi kho tàng sâu kín của Như Lai. Vì là chỗ mà Mười một bộ kinh không nói đến nên gọi là kho tàng.
“Như người kia có bảy món quý báu, không mang ra dùng, đó gọi là kho tàng. Thiện nam tử! Người ấy sở dĩ tàng trữ những vật đó, là vì việc tương lai. Những gì là việc tương lai? Đó là khi gặp những lúc như lúa gạo đắt đỏ, quân giặc xâm chiếm đất nước, hoặc gặp vua bạo ác thì dùng [tài sản ấy] để chuộc lấy mạng sống. Hoặc khi đường sá đi lại khó khăn, tiền bạc khó kiếm thì sẽ lấy ra mà tiêu dùng.
“Thiện nam tử! Kho tàng sâu kín của chư Phật Như Lai cũng giống như vậy, chính là vì những tỳ-kheo xấu ác đời vị lai. Họ chứa trữ những vật bất tịnh, họ nói với Bốn chúng rằng Như Lai đã buông bỏ hết tất cả mà vào Niết-bàn, họ tụng đọc những sách thế gian, chẳng cung kính Kinh điển của Phật. Khi những việc xấu ác ấy xảy ra ở thế gian, Như Lai vì muốn trừ dứt những việc ác ấy, khiến người ta lìa xa bọn kiếm sống tà vạy, mưu cầu lợi dưỡng, liền diễn thuyết kinh này. Nếu vào lúc ấy kho tàng sâu kín là Kinh điển này lại diệt mất chẳng hiện ra, nên biết rằng pháp Phật ắt là dứt mất.
“Thiện nam tử! Kinh Đại Niết-bàn là thường còn, không biến đổi. Vì sao ông lại cật vấn rằng vào thời Phật Ca-diếp có kinh này hay không? Thiện nam tử! Vào thời Phật Ca-diếp, chúng sanh ít tham dục, nhiều trí tuệ, các vị Đại Bồ Tát đều điều hòa nhu thuận, dễ giáo hóa, có oai đức lớn, được phép tổng trì không quên mất, như voi chúa lớn. Thế giới thanh tịnh, hết thảy chúng sanh đều biết rằng Như Lai không bao giờ dứt hết tất cả để vào Niết-bàn, mà là thường trụ, không biến đổi. [Vì thế,] tuy có kinh điển này nhưng không cần diễn thuyết.
“Thiện nam tử! Đời nay chúng sanh nhiều phiền não, ngu si, mừng giận, không có trí tuệ, nhiều sự nghi ngờ, căn bản lòng tin không vững chắc, thế giới không thanh tịnh. Hết thảy chúng sanh đều cho rằng Như Lai là vô thường, biến đổi, dứt hết tất cả để vào Đại Bát Niết-bàn. Vậy nên Như Lai [cần phải] diễn thuyết kinh này.
“Thiện nam tử! Pháp của Phật Ca-diếp thật cũng không dứt mất. Vì sao vậy? Vì là thường còn không biến đổi.
“Thiện nam tử! Nếu có những chúng sanh thấy ngã là vô ngã, thấy vô ngã là ngã; thấy thường là vô thường, thấy vô thường là thường; thấy lạc là vô lạc, thấy vô lạc là lạc; thấy tịnh là bất tịnh, thấy bất tịnh là tịnh; thấy diệt là bất diệt, thấy bất diệt là diệt; thấy tội là không tội, thấy không tội là tội; thấy tội nhẹ là nặng; thấy tội nặng là nhẹ; thấy thừa là chẳng phải là thừa, thấy chẳng phải thừa là thừa; thấy đạo là chẳng phải đạo, thấy chẳng phải đạo là đạo; thật là Bồ-đề thấy chẳng phải Bồ-đề, thật chẳng phải Bồ-đề thấy là Bồ-đề; thấy khổ là chẳng phải khổ, thấy tập là chẳng phải tập, thấy diệt là chẳng phải diệt, thấy thật là chẳng thật; thật là Thế đế thấy là Đệ nhất nghĩa đế, thật là Đệ nhất nghĩa đế thấy là Thế đế; thấy quy là chẳng quy, thấy chẳng quy là quy; thật lời của Phật mà gọi là lời của ma, thật là lời của ma lại cho là lời Phật; vào thời đại như vậy, chư Phật mới thuyết diễn kinh Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Thà nói rằng vòi con muỗi hút cạn biển cả chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất. Thà nói rằng dùng dây trói được cơn gió mạnh chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất. Thà nói rằng dùng miệng thổi tan nát núi Tu-di chứ không thể nói rằng pháp Như Lai dứt mất. Thà nói rằng từ nơi lửa than khư-đà-la sanh ra hoa sen chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất. Thà nói rằng thuốc a-già-đà trở thành thuốc độc chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất. Thà nói rằng mặt trăng có thể làm cho nóng, mặt trời có thể làm cho lạnh, chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất. Thà nói rằng Bốn đại đều mất đi tính chất riêng chứ không thể nói rằng pháp của Như Lai dứt mất!
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi nhưng chưa có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu; đức Phật Thế Tôn ấy liền vào Niết-bàn, nên biết rằng Chánh pháp sẽ không trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu; tuy Phật vào Niết-bàn, nên biết rằng Chánh pháp sẽ còn trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, tuy có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, nhưng không có hàng cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng pháp Phật; đức Phật liền vào Niết-bàn. Như vậy, nên biết rằng Chánh pháp chẳng trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng pháp Phật; tuy Phật vào Niết-bàn, nên biết rằng Chánh pháp sẽ còn trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, tuy có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng Phật pháp, nhưng những đệ tử của ngài vì tham lợi dưỡng mà diễn thuyết kinh pháp, chẳng vì cầu Niết-bàn. Đức Phật ấy diệt độ rồi, nên biết rằng Chánh pháp chẳng trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng Phật pháp; hàng đệ tử của ngài khi diễn thuyết kinh pháp không vì tham lợi dưỡng, chỉ vì cầu Niết-bàn. Đức Phật ấy tuy diệt độ, nên biết rằng Chánh pháp sẽ còn trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, tuy có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng Phật pháp, nhưng những đệ tử của ngài thường tranh giành kiện tụng, tranh nhau chuyện phải quấy. Đức Phật ấy vào Niết-bàn rồi, nên biết rằng Chánh pháp chẳng trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng Phật pháp; hàng đệ tử của ngài tu phép hòa kính, không tranh phải quấy, cùng tôn trọng lẫn nhau. Đức Phật ấy tuy vào Niết-bàn nhưng nên biết rằng Chánh pháp của ngài còn trụ lâu chẳng mất.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi, tuy có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng pháp Phật, hàng đệ tử của ngài vì Đại Niết-bàn mà diễn thuyết pháp, tôn trọng lẫn nhau, chẳng khởi lên việc tranh giành kiện tụng, nhưng lại chứa giữ những thứ bất tịnh, tự khen ngợi mình rằng: ‘Ta được quả Tu-đà-hoàn’... cho đến quả A-la-hán. Đức Phật ấy vào Niết-bàn rồi, nên biết rằng Chánh pháp chẳng trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu, lại có nhiều cư sĩ dốc lòng tin tưởng và kính trọng pháp Phật, hàng đệ tử của ngài vì Đại Niết-bàn mà diễn thuyết pháp, khéo tu pháp hòa kính, tôn trọng lẫn nhau, không chứa giữ hết thảy những thứ bất tịnh, cũng không tự nói rằng: ‘Ta được quả Tu-đà-hoàn’... cho đến quả A-la-hán. Đức Thế Tôn ấy tuy diệt độ rồi, nên biết rằng Chánh pháp sẽ trụ lâu ở thế gian.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu... cho đến không chứa giữ hết thảy những thứ bất tịnh, cũng không tự nói là đắc quả Tu-đà-hoàn... cho đến quả A-la-hán, nhưng mỗi người đều chấp giữ chỗ thấy biết của mình, nói ra đủ mọi thuyết khác nhau, như nói rằng: ‘Trưởng lão! Chư Phật có chế định từ Bốn tội nghiêm trọng cho đến Bảy pháp dứt sự tranh cãi, vì chúng sanh nên có khi ngăn cấm, có khi khai mở. Mười hai bộ kinh cũng là như thế. Vì sao vậy? Phật biết rằng thời tiết ở mỗi cõi nước đều khác nhau, chúng sanh chẳng đồng, có lanh lợi, có chậm lụt. Vì thế nên Như Lai hoặc ngăn cấm, hoặc khai mở, khi nói là nhẹ, khi nói là nặng. Thiện nam tử! Ví như lương y vì trị bệnh mà cho uống sữa, cũng vì trị bệnh mà cấm uống sữa. Bệnh nóng nhiệt thì cho uống, bệnh hàn lạnh thì cấm uống. Như Lai cũng vậy, quán xét căn bệnh phiền não của mỗi chúng sanh, có khai mở cũng có ngăn cấm. Trưởng lão! Chính tôi từng theo Phật nghe được nghĩa như vậy. Chỉ có tôi biết nghĩa, các ông không thể biết. Chỉ có tôi hiểu luật, các ông không thể hiểu. Tôi rõ biết các kinh, các ông không thể rõ biết.’ Đức Phật ấy diệt độ rồi, nên biết rằng Chánh pháp chẳng trụ lâu ở thế gian.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu khi Phật vừa ra đời, đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi liền có những đệ tử hiểu được ý nghĩa rất thâm sâu... cho đến không nói rằng: ‘Ta đắc quả Tu-đà-hoàn.’... cho đến quả A-la-hán. Cũng không nói rằng: ‘Chư Phật Thế Tôn... vì chúng sanh mà ngăn cấm hoặc khai mở. Trưởng lão! Chính tôi từng theo Phật nghe được ý nghĩa như vậy, Chánh pháp như vậy, giới luật như vậy.’ [Ngược lại, họ thường bảo nhau rằng:] ‘Trưởng lão! Chúng ta nên y theo Mười hai bộ kinh của Như Lai. Nếu ý nghĩa đúng như vậy, chúng ta nên thọ trì. Nếu không đúng như vậy, chúng ta nên loại bỏ.’ Đức Phật Thế Tôn ấy tuy diệt độ rồi, nên biết rằng Chánh pháp sẽ trụ lâu ở thế gian.
“Thiện nam tử! Vào lúc Chánh pháp sắp dứt mất, sẽ có những đệ tử Thanh văn hoặc nói là có thần, hoặc nói là vô thần; hoặc nói có thân trung ấm, hoặc nói không có thân trung ấm; hoặc nói có Ba đời, hoặc nói không có Ba đời; hoặc nói có Ba thừa, hoặc nói không có Ba thừa; hoặc nói tất cả đều có, hoặc nói tất cả đều không; hoặc nói chúng sanh có khởi đầu, có kết thúc; hoặc nói chúng sanh không có khởi đầu, không có kết thúc; hoặc nói Mười hai nhân duyên là pháp hữu vi, hoặc nói các nhân duyên ấy là pháp vô vi; hoặc nói Như Lai có bệnh khổ, hoặc nói Như Lai không bệnh khổ; hoặc nói Như Lai không cho phép tỳ-kheo ăn mười loại thịt. Những gì là mười? Đó là thịt người, thịt rắn, thịt voi, thịt ngựa, thịt lừa, thịt chó, thịt sư tử, thịt heo, thịt chồn, thịt khỉ. Ngoài ra những loại thịt khác đều cho phép ăn. Hoặc nói là hết thảy các loại thịt đều không cho phép ăn. Hoặc nói rằng tỳ-kheo không làm năm việc. Những gì là năm? Đó là không buôn bán các thứ: loài vật còn sống, vũ khí, rượu, sữa đặc, dầu mè. Ngoài ra đều cho phép làm. Hoặc họ nói rằng tỳ-kheo có năm chỗ không được vào. Những gì là năm? Đó là: nơi giết mổ súc vật, nơi mua bán dâm, quán rượu, cung vua, nhà của người thuộc hạng chiên-đà-la. Ngoài ra những nơi khác đều được phép vào. Hoặc nói rằng tỳ-kheo không được mặc áo lụa kiêu-xa-da, ngoài ra các thứ vải khác đều cho phép. Hoặc nói Như Lai cho phép tỳ-kheo thọ nhận và chứa trữ y phục, thức ăn, giường nằm, giá trị mỗi thứ mười muôn lượng vàng, hoặc nói là không cho phép. Hoặc nói Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh, hoặc nói Niết-bàn chính là dứt hết phiền não trói buộc, không còn pháp nào khác, gọi là Niết-bàn; ví như dệt sợi lại thì gọi là áo, khi áo rách nát gọi là không áo, thật không có một pháp riêng biệt gọi là không áo. Thể của Niết-bàn cũng là như vậy.
“Thiện nam tử! Vào lúc ấy, trong số các đệ tử của ta, người thuyết giảng Chánh pháp thì ít, kẻ thuyết tà pháp thì nhiều; người thọ nhận Chánh pháp thì ít, kẻ thọ nhận tà pháp thì nhiều; người thọ nhận lời Phật thì ít, kẻ thọ nhận lời của ma thì nhiều.
“Thiện nam tử! Bấy giờ ở nước Câu-thiểm-di có hai hạng đệ tử: một là hạng A-la-hán, hai là hạng phá giới. Những đồ chúng phá giới có năm trăm người, số đồ chúng A-la-hán là một trăm. Những kẻ phá giới nói rằng: ‘Như Lai đã dứt hết tất cả mà vào Niết-bàn. Chính tôi từng theo Phật nghe được nghĩa như vậy. Bốn tội nghiêm trọng do Như Lai chế định, giữ theo cũng được, phạm vào cũng không có tội. Nay tôi cũng đã đắc quả A-la-hán, được Bốn trí không ngăn ngại. Nhưng A-la-hán cũng phạm vào Bốn tội nghiêm trọng ấy. Nếu Bốn tội nghiêm trọng quả thật là tội thì A-la-hán lẽ ra không bao giờ phạm vào. Khi Như Lai còn tại thế nói rằng phải kiên tâm giữ giới, nhưng khi vào Niết-bàn thì buông bỏ tất cả.’
“Khi ấy các tỳ-kheo A-la-hán sẽ đáp rằng: ‘Trưởng lão! Các ông không nên nói rằng Như Lai dứt hết tất cả mà vào Niết-bàn. Tôi biết rằng Như Lai là thường còn, chẳng biến đổi. Dù khi Như Lai còn tại thế hay sau khi Phật nhập Niết-bàn, việc phạm vào Bốn tội nghiêm trọng vẫn có tội như nhau. Nếu nói A-la-hán phạm vào Bốn tội nghiêm trọng, thật không đúng nghĩa. Vì sao vậy? Bậc Tu-đà-hoàn còn không phạm những giới cấm ấy, huống chi là A-la-hán? Nếu trưởng lão nói mình là A-la-hán, thì A-la-hán không bao giờ nghĩ rằng: Ta đắc quả A-la-hán. A-la-hán chỉ nói pháp thiện, chẳng nói pháp bất thiện. Những gì trưởng lão nói chỉ toàn là không đúng pháp. Nếu ai đã được xem Mười hai bộ kinh đều biết chắc rằng trưởng lão không phải A-la-hán.
“Thiện nam tử! Khi ấy đồ chúng tỳ-kheo phá giới liền cùng nhau giết chết các vị tỳ-kheo A-la-hán. Thiện nam tử! Bấy giờ Ma vương nhân khi cả hai chúng tỳ-kheo ấy sanh tâm sân hận liền làm hại tất cả sáu trăm tỳ-kheo ấy. Lúc ấy, những kẻ phàm phu cùng nhau than tiếc rằng: ‘Buồn thay cho pháp Phật đã đến lúc diệt mất!’ Nhưng Chánh pháp của ta thật không diệt mất.
“Bấy giờ, trong nước ấy có mười hai muôn Đại Bồ Tát khéo giữ pháp ta. Như vậy, sao có thể nói rằng pháp ta diệt mất? Khi ấy trong cõi Diêm-phù-đề không có một tỳ-kheo nào là đệ tử của ta. Ma Ba-tuần dùng lửa lớn đốt cháy tất cả kinh điển hiện có. Nếu có kinh điển nào còn sót lại thì những người bà-la-môn liền cùng nhau trộm lấy, đi khắp nơi mà thu góp, nhặt nhạnh rồi đưa vào trong kinh điển của họ. Vì lẽ ấy nên khi Phật chưa ra đời, những vị Bồ Tát kém cỏi đều nhẹ dạ tin theo lời lẽ của những người bà-la-môn. Tuy những người bà-la-môn nói rằng: ‘Chúng tôi có trai giới’ nhưng thật ra thì những kẻ ngoại đạo đều không có. Tuy những kẻ ngoại đạo cũng nói rằng họ có ngã, lạc, tịnh, nhưng thật ra họ không hiểu được ý nghĩa của ngã, lạc, tịnh. Chính từ trong pháp Phật họ lấy ra được một chữ, hai chữ... một câu, hai câu... rồi nói rằng: ‘Kinh điển của chúng tôi có những nghĩa như vậy.’”
Lúc ấy, khi Phật dạy những lời như vậy rồi, ở thành Câu-thi-na, giữa hai cây sa-la mọc sóng đôi có vô số người nghe được, thảy đều cùng nhau than tiếc rằng: “Than ôi! Thế gian trống rỗng! Thế gian trống rỗng!”
Bồ Tát Ca-diếp liền bảo đại chúng: “Xin các vị đừng sầu não khóc lóc. Thế gian chẳng phải là trống rỗng, [vì] Như Lai là thường tồn, không biến đổi. Pháp, Tăng cũng vậy.”
Khi đại chúng nghe được lời ấy rồi liền ngưng không than khóc nữa. Hết thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.220.226.147 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.