Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi.
Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
PHẨM TÁNH NHƯ LAI
Phẩm thứ tư - Phần năm
Thiện nam tử! Kinh Phương đẳng như chất cam lộ, mà cũng như thuốc độc.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Vì sao Như Lai nói rằng kinh Phương đẳng ví như cam lộ mà cũng như thuốc độc?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ông có muốn biết nghĩa chân thật của tạng Như Lai sâu kín hay chăng?”
Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Nay con quả thật muốn biết nghĩa chân thật của tạng Như Lai sâu kín.”
Lúc ấy, đức Phật liền thuyết kệ rằng:
Có kẻ uống cam lộ,
Hại mạng mà chết yểu,
Có kẻ uống cam lộ,
Đời sống được lâu dài.
Kẻ uống thuốc độc, sống,
Người uống thuốc độc, chết.
Vô ngại trí cam lộ,
Ấy là kinh Đại thừa.
Kinh Đại thừa như vậy,
Cũng gọi là độc dược.
Như bơ sữa, đề-hồ,
Cùng các món đường phèn.
Tiêu hóa được là thuốc,
Không tiêu hóa thành độc.
Kinh Phương đẳng cũng thế:
Cam lộ với người trí,
Kẻ ngu mê tánh Phật,
Nếu dùng hóa thành độc.
Với Thanh văn, Duyên giác,
Đại thừa là cam lộ.
Như trong các món ăn,
Sữa là ngon hơn hết.
Cũng vậy người tinh tấn,
Nhờ nương theo Đại thừa,
Đạt cảnh giới Niết-bàn,
Thành bậc thánh kiệt xuất.
Chúng sanh rõ tánh Phật,
Đều như Ca-diếp đây,
Uống cam lộ vô thượng:
Không sanh cũng không chết.
Ca-diếp! Các ông nên,
Khéo phân biệt Tam quy.
Tánh của Tam quy đó,
Thật là tánh của ngã.
Nếu biết quán sát kỹ:
Tánh ngã có tánh Phật.
Nên biết người như vậy,
Được vào tạng sâu kín,
Biết ngã và ngã sở,
Người ấy đã xuất thế.
Tánh Tam bảo, Phật pháp
Đáng tôn kính hơn hết.
Như ta vừa thuyết kệ,
Tánh ấy nghĩa như vậy.
Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp liền đọc kệ rằng:
Con quả thật không biết,
Chỗ quy y Tam bảo.
Làm cách nào quy ngưỡng,
Bậc cao nhất chẳng sợ?
Chẳng biết chỗ Tam bảo,
Làm sao tu vô ngã?
Nương Phật như thế nào,
Cho được sự an ổn?
Nương theo pháp thế nào?
Xin vì con giảng rõ.
Làm sao được tự tại?
Làm sao không tự tại?
Quy y Tăng thế nào,
Được lợi ích cao nhất?
Thuyết chân thật thế nào,
Đời sau thành Phật đạo?
Nếu đời sau chẳng thành,
Làm sao nương Tam bảo?
Con nay chưa dự biết,
Thứ tự việc quy y.
Vì sao chưa mang thai,
Đã khởi ý có con?
Nếu đang khi có thai,
Gọi đó là có con.
Như con ở trong thai,
Ngày sanh còn không lâu,
Đó là nghĩa có con.
Nghiệp chúng sanh cũng thế.
Theo như lời Phật thuyết,
Kẻ ngu không hiểu nổi.
Do chỗ không hiểu đó,
Chịu sanh tử luân hồi.
Giả danh ưu-bà-tắc,
Chẳng biết nghĩa chân thật.
Xin Phật rộng phân biệt,
Trừ dứt sạch lòng nghi.
Như Lai đại trí huệ,
Xin xót thương phân biệt.
Thuyết dạy tạng Như Lai,
Quý báu và sâu kín.
Đức Phật liền nói kệ đáp rằng:
Ca-diếp! Ông nên biết:
Nay vì ông khai mở,
Tạng vi diệu sâu kín,
Khiến ông dứt lòng nghi.
Hãy hết lòng lắng nghe.
Ông và chư Bồ Tát,
Cùng đức Phật thứ bảy,
Là đồng một danh hiệu.
Người quy y nơi Phật,
Ưu-bà-tắc chân chánh,
Suốt đời chẳng quy y,
Với các vị thiên thần.
Người quy y nơi Pháp,
Liền bỏ việc giết hại.
Người quy y Thánh tăng,
Chẳng cầu nơi ngoại đạo.
Nương Tam bảo như vậy,
Được chỗ không sợ sệt.
Bồ Tát Ca-diếp liền đọc kệ bạch Phật rằng:
Con nương theo Tam bảo,
Gọi đó là đường chánh.
Cảnh giới của chư Phật,
Tam bảo đều như nhau.
Thường có tánh đại trí.
Tánh ngã cùng tánh Phật,
Vốn không hai, không khác.
Đạo này, Phật khen ngợi,
Chỗ chánh tấn ở yên,
Cũng gọi Chánh biến kiến,
Nên được Phật ngợi khen.
Con theo đường Vô thượng,
Bậc Thiện thệ ngợi khen,
Là cam lộ bậc nhất,
Vạn hữu thật không có!
Khi ấy, Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Nay ông chẳng nên phân biệt Tam bảo [theo cách] như hàng Thanh văn và phàm phu. Trong pháp Đại thừa không có tướng phân biệt Ba pháp quy y. Vì sao vậy? Ở trong tánh Phật vốn đã có Pháp, có Tăng. Vì muốn hóa độ hàng Thanh văn, phàm phu nên mới phân biệt nói các tướng khác nhau giữa Ba quy y.
“Thiện nam tử! Nếu muốn tùy thuận pháp thế gian thì phải phân biệt có Ba pháp quy y. Thiện nam tử! Bồ Tát nên suy xét như thế này: ‘Nay ta đem thân này quy y với Phật. Ví như với thân này ta được thành Phật đạo, khi thành Phật rồi ta chẳng nên cung kính lễ bái, cúng dường chư Thế Tôn. Vì sao vậy? Vì chư Phật đều bình đẳng như nhau, đều là chỗ quy y của chúng sanh.
“Nếu muốn tôn trọng pháp thân xá-lợi, thì nên cung kính các tháp miếu Phật. Vì sao vậy? Vì muốn hóa độ chúng sanh, ta cũng khiến cho chúng sanh đối với thân ta tưởng là tháp miếu mà lễ bái cúng dường. Những chúng sanh như vậy lấy pháp thân ta làm chỗ quy y. Tất cả chúng sanh đều quy y pháp tà ngụy chẳng chân, ta sẽ lần lượt thuyết cho họ nghe những pháp chân thật. Lại có những kẻ quy y tăng không chân thật, ta sẽ làm vị tăng chân chánh cho họ quy y.
“Như có những ai phân biệt Ba chỗ quy y, ta sẽ là chỗ quy y duy nhất cho họ, không có ba chỗ khác nhau.
“Đối với kẻ mù từ thuở mới sanh, ta sẽ là mắt của họ.
“Đối với hàng Thanh văn, Duyên giác, ta cũng sẽ là chỗ quy y chân thật của họ.
“Thiện nam tử! Vị Bồ Tát như vậy, vì muốn cứu độ vô lượng chúng sanh tà ác cũng như hàng trí giả cho nên làm mọi Phật sự.
“Thiện nam tử! Ví như có người khi vào trận chiến đấu khởi lên ý nghĩ rằng: ‘Ở đây ta là người tài giỏi nhất, tất cả quân lính đều nương cậy nơi ta.’
“Lại như có vị vương tử suy nghĩ rằng: ‘Ta sẽ khuất phục tất cả các vương tử khác, ta sẽ nối nghiệp bá vương của Đại vương mà được tùy ý hành xử, làm cho các vị vương tử khác đều phải nương tựa theo ta. Bởi vậy không nên sanh tâm thấp hèn yếu kém.’ Như các vị vua, vương tử, đại thần cũng đều như thế.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại cũng như thế, khởi ý nghĩ này: ‘Làm sao đem cả ba việc đồng vào một thể với ta?’ Thiện nam tử! Ta chỉ bày ba việc, tức là Niết-bàn. Như Lai đó, gọi là bậc Vô thượng sĩ. Ví như thân người ta, cái đầu là cao nhất, chẳng phải các chi tiết khác như tay, chân... Phật cũng như thế, là bậc cao trổi hơn hết, chẳng phải là Pháp, là Tăng. Vì muốn hóa độ hết thảy chúng sanh trong thế gian nên thị hiện các tướng trạng khác nhau, ví như các nấc trong một cái thang vậy. Vì thế nay ông chớ nên thọ trì [theo cách] như kẻ phàm phu ngu si, hiểu biết [phân biệt các] tướng khác nhau của Tam quy. Ở trong Đại thừa, ông hãy quyết đoán một cách mạnh mẽ, nhanh lẹ, như con dao cứng rắn sắc bén vậy.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Con vốn đã biết mà thưa hỏi chứ chẳng phải không biết. Đó là con vì hàng Bồ Tát rất dũng mãnh mà thưa hỏi về chỗ hạnh thanh tịnh không uế nhiễm, muốn được Như Lai vì chư Bồ Tát mà phân biệt rộng thuyết sự việc lạ lùng đặc biệt, xưng dương kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Nay Như Lai đem lòng đại bi khéo thuyết giảng, con cũng được trụ yên như vậy trong đó. Chỗ hạnh thanh tịnh của Bồ Tát mà Như Lai thuyết giảng, tức là tuyên thuyết kinh Đại Niết-bàn này vậy.
“Bạch Thế Tôn! Nay con cũng sẽ vì chúng sanh mà hiển dương tạng Như Lai sâu kín ấy, con cũng sẽ rõ biết Ba chỗ quy y chân thật. Nếu chúng sanh nào có thể tin nhận kinh Đại Niết-bàn này, liền tự nhiên thấu rõ được Ba chỗ quy y. Vì sao vậy? Vì tạng Như Lai sâu kín vốn có tánh Phật. Những ai tuyên thuyết kinh điển này, thảy đều nói rằng: ‘Trong thân chúng ta đây đều có tánh Phật.’ Những người như vậy, ắt chẳng tìm cầu ba chỗ quy y ở đâu xa. Vì sao vậy? Trong tương lai, tự thân mình sẽ thành tựu Tam bảo. Vì thế mà hàng Thanh văn, Duyên giác và những chúng sanh khác thảy đều nương theo mình, cung kính lễ bái.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Chính vì nghĩa ấy nên phải khéo học hỏi tu tập kinh điển Đại thừa.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch rằng: “Tánh Phật như vậy không thể nghĩ bàn! Ba mươi hai tướng tốt với tám mươi vẻ đẹp cũng không thể nghĩ bàn!”
Lúc ấy, Phật ngợi khen Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Ông đã thành tựu trí huệ sâu xa sáng suốt. Nay ta lại sẽ vì ông giảng rõ sự thể nhập vào tạng Như Lai.
“Nếu ngã là tồn tại, vậy là pháp thường còn chẳng lìa sự khổ. Nếu không có ngã thì việc tu hành thanh tịnh thật chẳng có ích lợi gì.
“Nếu nói các pháp thảy đều không có ngã tức là đoạn kiến. Nếu nói rằng có cái ngã tồn tại, tức là thường kiến.
“Nếu nói rằng hết thảy các hành đều không thường còn tức là đoạn kiến. Nếu nói rằng các hành đều thường còn, lại cũng là thường kiến.
“Nếu nói [tất cả các pháp đều là] khổ tức là đoạn kiến, nếu nói [tất cả các pháp đều là] vui, lại cũng là thường kiến.
“Tu tập [theo tư tưởng] tất cả các pháp đều thường tồn sẽ rơi vào đoạn kiến. Tu tập [theo tư tưởng] tất cả các pháp đều đoạn diệt sẽ rơi vào thường kiến. Ví như con sâu đo, phần thân sau phải di chuyển nương theo phần thân trước. Người tu tập [theo các tư tưởng] thường hay đoạn cũng giống như vậy, phải phụ thuộc vào nhân đoạn hay nhân thường.
“Vì nghĩa ấy, tu tập các pháp [môn] khác, khổ gọi là bất thiện; tu tập các pháp [môn] khác, lạc gọi là thiện; tu tập các pháp [môn] khác, vô ngã là phiền não; tu tập các pháp [môn] khác, thường gọi là tạng sâu kín của Như Lai, đó là nói Niết-bàn không có nơi nương náu trú ngụ; tu tập các pháp vô thường khác tức là tiền của; tu tập các pháp thường khác là nói Phật, Pháp, Tăng và giải thoát chân chánh.
“Nên rõ biết chỗ trung đạo của Phật pháp là như vậy, lìa xa cả hai bên [chấp thường và chấp đoạn] để thuyết pháp chân thật. Những kẻ phàm phu ngu si, nếu đối với pháp này không sanh nghi ngại thì như người bệnh gầy yếu được ăn váng sữa, khí lực liền trở nên nhẹ nhàng, nhanh nhẹn.
“Các pháp hữu, vô thể tánh không nhất định, ví như bốn đại, tánh chẳng giống nhau, thường trái ngược nhau. Người thầy thuốc khéo biết được yếu tố nào thái quá thì làm cho nó suy yếu đi.
“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, đối với chúng sanh cũng như người thầy thuốc, biết được thể tướng khác nhau của các phiền não, bèn vì chúng sanh mà dứt trừ, khai mở chỉ bày tạng Như Lai sâu kín, tánh Phật thanh tịnh thường còn không biến đổi.
“Nếu nói [tánh Phật] là có, trí huệ lẽ ra không thể nhiễm ô. Nếu nói [tánh Phật] là không tức là nói dối.
“Nếu nói [tánh Phật] là có, lẽ ra chẳng nên lặng thinh, cũng chẳng cần tranh luận biện giải, chỉ cần hiểu thấu được tánh chân thật của các pháp.
“Người phàm phu thường tranh luận biện giải nên không hiểu được tạng Như Lai vi diệu sâu kín. Nếu nói lẽ khổ, người ngu liền cho rằng thân này là vô thường, rằng hết thảy đều là khổ, nhưng không biết rằng trong thân vẫn có tánh lạc.
“Nếu nói lẽ vô thường, người phàm phu lại cho rằng hết thảy các thân đều là vô thường, ví như ngói gạch, đồ gốm chưa nung. Người có trí nên phân biệt, chẳng nên cố chấp rằng hết thảy là vô thường. Vì sao vậy? Vì trong thân ta vốn có hạt giống tánh Phật.
“Nếu nói lẽ vô ngã, kẻ phàm phu sẽ cho rằng hết thảy pháp Phật đều không có ngã. Người có trí nên phân biệt, nói vô ngã đó chỉ là tên gọi không thật. Biết như vậy rồi, chẳng nên sanh lòng nghi ngại.
“Nếu nói rằng tạng Như Lai sâu kín là rỗng không, vắng lặng, người phàm phu nghe vậy bèn nảy sanh quan niệm đoạn diệt. Người có trí nên phân biệt, [rõ biết] Như Lai là thường tồn, không hề biến đổi.
“Nếu nói rằng giải thoát ví như ảo hóa, kẻ phàm phu sẽ cho rằng đạt được giải thoát chân thật là dần dần diệt mất. Người có trí nên phân biệt, bậc Sư tử trong loài người tuy có đến có đi nhưng vẫn thường trụ không biến đổi.
“Nếu nói rằng vô minh là nhân duyên của các hành, kẻ phàm phu nghe rồi liền phân biệt, nảy sanh ý tưởng [phân biệt] hai pháp minh và vô minh. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng phân hai đó tức là tánh thật.
“Nếu nói rằng các hành là nhân duyên của thức, kẻ phàm phu liền cho rằng đó là hai pháp: hành và thức. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng phân hai đó tức là tánh thật.
“Nếu nói các pháp thập thiện, thập ác, nên làm, chẳng nên làm, nẻo lành, nẻo dữ, thiện pháp, ác pháp, kẻ phàm phu sẽ cho rằng đó đều là những pháp đối đãi. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng phân hai đó tức là tánh thật.
“Nếu nói rằng nên tu hết thảy các pháp khổ, kẻ phàm phu sẽ cho rằng có hai pháp phân biệt. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng hai đó tức là tánh thật.
“Nếu nói rằng hết thảy các hành đều là vô thường, tạng Như Lai sâu kín cũng là vô thường, kẻ phàm phu sẽ cho đó là hai pháp đối đãi. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng phân hai đó tức là tánh thật.
“Nếu nói rằng hết thảy các pháp đều không có ngã, tạng Như Lai sâu kín cũng không có ngã, kẻ phàm phu sẽ cho đó là hai pháp đối đãi. Người có trí hiểu thấu được tánh ấy chẳng phải hai. Tánh chẳng phân hai đó tức là tánh thật.
“Ngã và vô ngã, tánh chẳng phải hai. Ý nghĩa của tạng Như Lai sâu kín cũng là như vậy, không thể suy lường, vô lượng vô biên, chư Phật thường khen ngợi. Nay trong kinh này ta đã thuyết dạy hết thảy mọi công đức thành tựu.
“Thiện nam tử! Ngã và vô ngã, thể tánh với tướng trạng chẳng phân hai pháp, ông nên cung kính thọ trì như vậy.
“Thiện nam tử! Ông cũng nên bền chí thọ trì, niệm tưởng những kinh điển như thế này. Như trước đây trong kinh Đại Bát-nhã Ba-la mật ta cũng đã có thuyết dạy rằng ngã và vô ngã không có hai tướng trạng.
“Thiện nam tử! Cũng như do nơi sữa mà sanh ra kem sữa, do nơi kem sữa mà có bơ sống, do nơi bơ sống mà có bơ chín, do nơi bơ chín mà có được đề-hồ. Như vậy, kem sữa là do nơi sữa mà sanh ra, hay là tự nó sanh ra, hay là do món khác mà sanh ra? Cho đến đề-hồ, cũng lại như vậy. Nếu do món khác mà sanh ra, tức là do món ấy làm ra, chẳng phải do nơi sữa mà sanh ra. Nếu chẳng phải do sữa mà sanh ra, thì sữa chẳng có tác dụng gì. Nếu như tự nó sanh ra được, lẽ ra không có việc tuần tự nối tiếp nhau từng món sanh ra! Nếu nối tiếp nhau mà sanh ra, ắt là chẳng sanh ra cùng nhau. Nếu chẳng sanh ra cùng nhau thì năm món ấy ắt chẳng sanh ra cùng lúc. Dù chẳng sanh ra cùng lúc, nhưng nhất định là không phải từ nơi khác mà đến.
“Nên biết rằng trong sữa trước đã có sẵn tướng bơ, nhưng vì chất ngọt ở trong đó nhiều nên tướng ấy tự nó chẳng hiện ra được. Cho đến món đề-hồ cũng lại như vậy. Con bò cái kia nhờ ăn uống, nhờ nhân duyên là nước và cỏ, huyết mạch trong thân chuyển biến mà thành sữa. Nếu nó ăn cỏ ngọt, sữa liền trở nên ngọt. Như nó ăn nhằm cỏ đắng, sữa của nó ắt phải đắng. Ở Tuyết Sơn có một thứ cỏ tên là phì-nhị, nếu con bò cái ăn thứ cỏ đó thì sữa liền hóa toàn đề-hồ, chẳng có những màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen. Do nhân duyên là lúa và cỏ, nên màu sắc và mùi vị của sữa có khác.
“Các chúng sanh ở đây, vì nghiệp nhân duyên là sáng suốt và vô minh nên mới phát sanh hai tướng. Nếu vô minh được chuyển hóa thì biến thành sáng suốt. Tất cả các pháp thiện và bất thiện cũng đều như vậy, [thật] không có hai tướng [phân biệt].”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật vừa nói: ‘Trong sữa có kem sữa.’ Nghĩa ấy là thế nào? Thế Tôn nếu nói rằng trong sữa nhất định có tướng kem, nhưng vì tướng ấy tinh tế nên không thể thấy, vì sao lại nói do nhân duyên là sữa mà sanh ra kem sữa? Như pháp vốn không có, mới gọi là sanh; nếu đã sẵn có, sao gọi là sanh? Nếu nói rằng trong sữa nhất định có tướng kem, thì ở trong hết thảy các loại cỏ, lẽ ra cũng sẵn có chất sữa. Cũng vậy, trong sữa lẽ ra cũng sẵn có cỏ. Như nói rằng trong sữa nhất định không có kem sữa, vì sao nhờ nơi sữa lại sanh ra kem? Nếu [kem sữa] là pháp vốn không có, sau đó mới sanh ra, vậy sao trong sữa lại chẳng sanh ra cỏ?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Không thể nói nhất định rằng trong sữa có kem hay trong sữa không có kem. Cũng không thể nói rằng do thứ khác mà sanh ra. Nếu nói rằng trong sữa nhất định có kem, tại sao hai món ấy hình thể và mùi vị khác nhau? Vậy nên không thể nói chắc rằng trong sữa đã có sẵn tánh chất kem. Nếu nói rằng trong sữa nhất định không có kem, tại sao từ nơi sữa chẳng sanh ra [những thứ khác như] sừng thỏ? Khi người ta bỏ chất độc vào sữa thì món kem có thể làm chết người. Vậy nên không thể nói rằng trong sữa nhất định không có tánh chất kem. Nếu nói rằng kem do thứ khác mà sanh ra, tại sao nước lã chẳng sanh ra kem? Vậy nên không thể nói rằng kem do thứ khác sanh ra.
“Thiện nam tử! Do nhân duyên là cỏ mà con bò cái đã ăn vào, máu của nó chuyển hóa ra màu trắng; khi cỏ và máu đã không còn nữa, nhờ phước lực của chúng sanh mà [chúng] chuyển hóa thành sữa. Sữa ấy do nơi cỏ và máu [bò] mà ra, nhưng không thể nói là hai [thứ khác biệt], chỉ có thể nói là do nhân duyên mà sanh ra thôi. Từ món kem cho tới món đề-hồ cũng đều như vậy. Vì nghĩa ấy cho nên gọi là món ăn do loài bò cung cấp. Món sữa ấy không còn nữa khi có đủ nhân duyên chuyển thành món kem. Nhân duyên là những gì? Như men, như hơi ấm... Vậy nên gọi là do nhân duyên mà có. Cho đến món đề-hồ cũng là như vậy. Cho nên không thể nói nhất định rằng trong sữa không có tướng kem. Nếu nói ngoài món sữa mà có thể do nơi món khác sanh ra từ món kem cho đến món đề-hồ thì thật là vô lý!
“Thiện nam tử! Sự sáng suốt với vô minh cũng vậy. Nếu kết hợp với các mối phiền não trói buộc, đó gọi là vô minh. Nếu kết hợp với tất cả pháp lành, đó gọi là sáng suốt. Cho nên ta nói rằng không có hai tướng. Bởi nhân duyên ấy, trước đây ta có nói rằng: Tuyết sơn có thứ cỏ tên là phì-nhị, nếu bò cái ăn thứ cỏ ấy thì sữa của nó biến thành đề-hồ. Tánh Phật cũng là như thế.
“Thiện nam tử! Vì chúng sanh bạc phước nên chẳng thấy loài cỏ ấy. Tánh Phật cũng vậy, do phiền não che lấp nên chúng sanh chẳng thấy được. Ví như biển cả, tuy cùng một vị mặn, nhưng trong đó lại có một thứ nước ngon quý có vị như sữa. Ví như Tuyết sơn, tuy thành tựu đủ các công đức, sanh ra nhiều loại thuốc, nhưng cũng có loài cỏ độc. Thân chúng sanh cũng vậy, tuy có bốn đại như loài rắn độc, nhưng trong thân ấy cũng có loài thuốc cực kỳ hay quý: đó là tánh Phật, chẳng phải là pháp do người làm ra, chỉ vì phiền não từ bên ngoài che lấp mất mà thôi. Nếu người dù thuộc hàng sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá hay thủ-đà, có thể dứt trừ những phiền não ấy thì đều thấy được tánh Phật, thành đạo Vô thượng.
“Giống như khi trời có sấm sét chuyển mưa thì trên tất cả ngà voi đều sanh ra những vân hoa. Nếu chẳng có sấm sét, vân hoa ấy tất không sanh ra, cũng chẳng có tên gọi. Tánh Phật của chúng sanh cũng vậy, thường bị hết thảy phiền não che lấp, không thể thấy được. Cho nên ta nói rằng chúng sanh không có ‘ngã’.
“Nếu được nghe kinh điển vi diệu Đại Bát Niết-bàn này, ắt sẽ thấy được tánh Phật, như vân hoa trên ngà voi. Tuy được nghe hết thảy Tam-muội của khế kinh nhưng chẳng nghe được kinh này thì chẳng biết được tướng vi diệu Như Lai, cũng như không có sấm sét thì chẳng thấy được vân hoa trên ngà voi.
“Nếu nghe được kinh này tức là biết được tánh Phật trong tạng sâu kín mà hết thảy các vị Như Lai đều thuyết dạy, cũng như khi trời có sấm sét liền thấy vân hoa trên ngà voi.
“Nếu nghe được kinh này liền rõ biết hết thảy vô lượng chúng sanh đều có tánh Phật. Vì nghĩa ấy nên nói rằng Đại Niết-bàn gọi là tạng sâu kín của Như Lai, làm cho pháp thân tăng trưởng, cũng như khi có sấm sét thì những vân hoa trên ngà voi có thể phát triển.
“Vì nghĩa lớn lao ấy nên gọi là Kinh Đại Bát Niết-bàn. Như có kẻ nam người nữ nào có thể học hỏi làm theo kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này, nên biết rằng những người ấy có thể báo đáp ơn Phật, thật là đệ tử Phật.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Kỳ lạ thay, Thế Tôn! Tánh Phật mà Phật thuyết dạy đó rất thâm sâu, khó thấy, khó thể nhập, như sức của hàng Thanh văn, Duyên giác thật chẳng thấu nổi.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Đúng vậy, đúng vậy! Như chỗ xưng tán của ông đó không trái lời dạy của ta.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Tánh Phật ấy thế nào là rất thâm sâu, khó thấy, khó thể nhập?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như có trăm người mù, vì trị bệnh mắt nên tìm đến lương y. Lúc ấy, vị lương y dùng mũi kim vàng mà khơi vào màng mắt, rồi đưa lên một ngón tay, hỏi rằng: ‘Thấy không?’ Người mù nói: ‘Tôi còn chưa thấy.’ Lại đưa lên hai ngón, ba ngón, người mù mới nói rằng đã thấy chút ít.
“Thiện nam tử! Kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn này cũng như vậy đó, khi Như Lai chưa thuyết dạy, vô lượng Bồ Tát tuy đã thực hành đủ các hạnh ba-la-mật, cho đến hàng Thập trụ vẫn còn chưa thấy được tánh Phật sẵn có. Đến khi Như Lai thuyết dạy rồi, họ liền thấy được đôi chút. Các vị Đại Bồ Tát ấy được thấy [tánh Phật] rồi, thảy đều nói rằng: ‘Lạ thay, Thế Tôn! Chúng con lưu chuyển biết bao lần trong sanh tử, thường bị lẽ vô ngã làm cho lầm lạc, mê loạn.’
“Thiện nam tử! Các vị Bồ Tát như vậy, chứng đắc Thập địa còn chưa thấy rõ được tánh Phật, huống chi hàng Thanh văn, Duyên giác lại có thể thấy được hay sao?
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như người nhìn lên con ngỗng trời, con nhạn đang bay trên không. Đó là hư không chăng? Là ngỗng trời, là nhạn chăng? Nhìn kỹ hồi lâu mới thấy phảng phất hình con ngỗng trời, con nhạn. Hàng Bồ Tát Thập trụ lại cũng như thế, đối với tánh Như Lai, chỉ thấy biết đôi chút mà thôi, huống chi người trong hàng Thanh văn, Duyên giác lại thấy biết được sao?
“Thiện nam tử! Ví như người say rượu kia, chân muốn đi xa, nhưng mắt chỉ thấy mập mờ đường đi. Hàng Bồ Tát Thập trụ cũng vậy, đối với tánh Như Lai chỉ thấy biết đôi chút mà thôi.
“Thiện nam tử! Ví như người khát nước đi giữa đồng hoang. Người ấy khổ bức vì khát, đi khắp nơi tìm nước, thấy một đám cây, trên có những con hạc trắng. Tinh thần người ấy đang mê loạn, không phân biệt được ấy là cây hay là nước. Nhìn kỹ hồi lâu mới biết là hạc trắng với đám cây. Thiện nam tử! Hàng Bồ Tát Thập trụ cũng vậy, đối với tánh Như Lai chỉ thấy biết một phần rất nhỏ mà thôi.
“Thiện nam tử! Ví như có người ở giữa biển cả, rộng đến vô lượng trăm ngàn do-tuần. Người ấy từ xa trông thấy một chiếc thuyền lớn, có đủ lầu gác và những mái chèo, liền nghĩ rằng: ‘Đó là lầu gác, mái chèo hay là hư không?’ Nhìn hồi lâu mới chắc quyết trong lòng, biết đó là lầu gác và những mái chèo. Hàng Bồ Tát Thập trụ, tự trong thân mình thấy được tánh Như Lai cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như có vị vương tử thân thể rất yếu đuối, suốt đêm đi chơi bời, thức cho đến sáng trắng. Bấy giờ, mắt nhìn tất cả chẳng thấy gì tỏ rõ. Hàng Bồ Tát Thập trụ, tuy nơi thân mình thấy được tánh Như Lai nhưng cũng như vậy, không được tỏ rõ.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như một người thư lại của vua, vì bận việc giúp vua đến giữa đêm mới trở về nhà. Nhân khi trời chớp lóe, nhìn thấy một bầy bò, liền nghĩ rằng: ‘Đó là bò chăng? Hay là đám mây, nhà cửa?’ Nhìn một hồi lâu, rồi tuy cũng cho đó là bò nhưng vẫn còn chưa chắc quyết. Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy nơi thân mình thấy được tánh Như Lai, nhưng cũng như vậy, vẫn còn chưa chắc quyết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như vị tỳ-kheo trì giới, nhìn vào bát nước không có trùng nhưng lại thấy tướng trùng. Bèn nghĩ rằng: ‘Trong này có vật lay động, đó là trùng chăng? Hay là bụi đất?’ Nhìn một hồi lâu, tuy biết đó là bụi nhưng cũng không biết một cách thật tỏ rõ. Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy nơi thân mình thấy được tánh Như Lai, nhưng cũng giống như vậy, chẳng thấy thật tỏ rõ.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như một người ở trong bóng tối, thoáng thấy đứa trẻ liền nghĩ rằng: ‘Đó là con bò, chim thứu, hay là người ta?’ Nhìn một hồi lâu, mặc dù thấy là đứa trẻ nhưng cũng không thấy được một cách tỏ rõ. Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy ở nơi thân mình thấy được tánh Như Lai, nhưng cũng như thế, không thấy được một cách tỏ rõ.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có người ở trong đêm tối, thấy bức tượng vẽ Bồ Tát liền nghĩ rằng: ‘Đó là tượng Bồ Tát, tượng Tự Tại Thiên hay là tượng Đại Phạm Thiên mặc áo nhuộm vậy?’ Nhìn một hồi lâu, tuy trong ý biết là tượng Bồ Tát, nhưng cũng không quyết định một cách tỏ rõ. Hàng Bồ Tát Thập trụ tuy ở nơi thân mình thấy được tánh Như Lai, nhưng cũng như thế, không thấy được một cách tỏ rõ.
“Thiện nam tử! Tánh Phật sẵn có như vậy rất thâm sâu, khó thấy biết được, chỉ có Phật thấy biết rõ được, còn hàng Thanh văn, hàng Duyên giác không thể đạt tới. Thiện nam tử! Người có trí nên biết phân biệt hiểu tánh Như Lai như thế.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Tánh Phật như vậy thật vi tế, khó thấy. Làm sao mắt phàm có thể thấy được?”
Phật bảo Ca-diếp: “Thiện nam tử! Như cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng kia, người trong Hai thừa cũng không biết nổi, nhưng nhờ có lòng tin theo [những điều thuyết dạy trong] Khế kinh mà có thể biết được.
“Thiện nam tử! Hàng Thanh văn, Duyên giác nhờ tin theo kinh Đại Niết-bàn này mà tự biết trong thân mình có tánh Như Lai, việc này cũng vậy. Thiện nam tử! Vậy nên phải tinh cần tu tập kinh Đại Niết-bàn. Thiện nam tử! Tánh Phật như vậy chỉ có Phật mới biết được, chẳng phải hàng Thanh văn, Duyên giác có thể đạt tới.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Hàng phàm phu có tánh chúng sanh chưa chứng thánh thảy đều nói là có ngã. [Nghĩa ấy là thế nào?]”
Phật dạy: “Ví như có hai người bạn thân, một người là con vua, người kia con nhà nghèo hèn. Hai người ấy cùng qua lại chơi thân với nhau. Bấy giờ, người nghèo thấy vị vương tử có một con dao rất tốt, xinh đẹp vô cùng, trong lòng lấy làm ham thích. Về sau, vương tử mang dao ấy trốn sang nước khác. Người nghèo lại đến nhà khác ngủ nhờ một đêm, khi nằm mộng nói mê rằng: ‘Dao! Dao!’ Người gần bên nghe vậy, liền bắt mang đến chỗ vua. Lúc ấy, vua hỏi người ấy rằng: ‘Nhà ngươi nói dao, vậy dao đó ngươi được ở đâu?’ Người ấy đem việc trước thuật lại đầy đủ, tâu rằng: ‘Như nay bệ hạ có cắt xẻo thân thể tôi, phân rã tay chân tôi để tìm dao ấy, thật cũng chẳng có. Vị vương tử kia với tôi vốn là bạn thân, trước cùng nhau chung sống. Tuy mắt tôi thường trông thấy dao, nhưng chẳng dám sờ đến, huống chi là giữ lấy?’ Vua lại hỏi: ‘Trong lúc ngươi nhìn thấy dao, hình dạng nó giống như cái gì?’ Đáp rằng: ‘Đại vương! Thần trông thấy giống như cái sừng dê đen.’ Vua nghe vậy rồi, vui cười nói rằng: ‘Nay ngươi có thể tùy ý ra đi, đừng lo sợ chi cả. Trong kho tàng của ta còn không có con dao như vậy, huống chi ngươi lại thấy nó khi ở bên vương tử?’
“Lúc ấy, vua liền hỏi quần thần rằng: ‘Các khanh có từng thấy con dao như thế không?” Vua vừa hỏi xong thì băng hà. Triều đình lập một vị vương tử khác lên nối ngôi vua. Vua mới lại hỏi các quan triều thần rằng: ‘Các khanh có từng thấy con dao như thế trong kho chăng?’ Các quan đáp: ‘Chúng tôi đã từng thấy.’ Vua lại hỏi: ‘Hình dạng nó giống như cái gì?’ Đáp rằng: ‘Đại vương! Nó giống như cái sừng dê đen.’ Vua nói: ‘Trong kho tàng của ta, chỗ nào lại có con dao hình dạng như thế?’ Lần lượt bốn vị vua nối tiếp nhau đều tra tìm nhưng không biết được gì.
“Sau đó một thời gian, vị vương tử đã trốn đi ngày trước lại từ nước ngoài trở về, được lập làm vua. Khi đã lên ngôi vua rồi lại hỏi các quan rằng: ‘Các khanh có thấy con dao ấy chăng?’ Đáp rằng: ‘Đại vương! Chúng tôi đều có thấy.’ Vua lại hỏi: ‘Nó giống như vật chi?’ Đáp rằng: ‘Đại vương! Màu sắc nó trong sạch như hoa ưu-bát-la.” Lại có người nói: ‘Nó như cái sừng dê.’ Lại có người khác nói: ‘Màu sắc nó đỏ hồng như lửa.’ Lại có kẻ nói: ‘Nó giống như con rắn đen.’ Lúc ấy vua bật cười lớn, nói rằng: ‘Các khanh thảy đều chẳng thấy được hình dạng thật con dao của ta.’
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát lại cũng như vậy, xuất hiện ở đời thuyết dạy tướng thật của cái ngã. Thuyết xong liền rời đi, cũng ví như vị vương tử cầm con dao quý đẹp mà trốn sang nước khác. Kẻ phàm phu ngu si nói rằng: ‘Tất cả đều có ngã, có ngã’, cũng ví như người nghèo ngủ ở nhà người khác nói mê rằng: ‘Dao! Dao!’ Hàng Thanh văn, Duyên giác hỏi chúng sanh rằng: ‘Tướng của cái ngã như thế nào?’ Đáp rằng: ‘Tôi thấy tướng cái ngã lớn bằng ngón tay cái.’ Có kẻ lại nói: ‘Nó như hạt gạo, hoặc như hạt lúa lép.’ Cũng có kẻ nói: ‘Cái ngã ở trong tim, chiếu sáng như mặt trời.’ Những chúng sanh ấy chẳng biết tướng của cái ngã, cũng như các vị quan kia chẳng biết hình dạng của con dao. Bồ Tát thuyết dạy tướng ngã như vậy, kẻ phàm phu chẳng hiểu biết, phân biệt ra nhiều cách, tự tạo ra tướng ngã, cũng như hỏi về hình dạng con dao mà đáp rằng giống như sừng dê! Những kẻ phàm phu ấy nối tiếp nhau mà khởi lên các tà kiến. Vì muốn dứt trừ các tà kiến ấy, nên Như Lai mới thị hiện thuyết dạy lẽ vô ngã, cũng như vua kia nói với các quan rằng: ‘Trong kho tàng của ta chẳng hề có con dao như vậy.’
“Thiện nam tử! Cái ngã chân thật mà hôm nay Như Lai thuyết dạy gọi là tánh Phật. Tánh Phật như vậy trong Phật pháp ví như con dao quý đẹp. Thiện nam tử! Như có kẻ phàm phu có thể khéo giảng nói tánh Phật, tức là tùy thuận pháp Phật vô thượng. Nếu có kẻ khéo phân biệt, tùy thuận tuyên thuyết giảng giải tánh Phật, nên biết rằng đó chính là Bồ Tát hiện tướng.”
[Phật bảo Bồ Tát Ca-diếp]: “Thiện nam tử! Hết thảy các môn luận khác, cùng những chú thuật, ngôn ngữ, văn tự, đều là thuyết của Phật, chẳng phải của ngoại đạo.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là Như Lai thuyết dạy căn bản của chữ?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Ban sơ ta thuyết dạy nửa chữ, lấy đó làm căn bản. Thọ trì các sách luận, chú thuật, văn chương, pháp thật của các ấm. Kẻ phàm phu học căn bản của chữ như vậy, rồi sau mới có thể phân biệt được là đúng pháp hay không đúng pháp.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Chữ mà Phật dạy đó ý nghĩa như thế nào?”
“Thiện nam tử! Có mười bốn âm, gọi là nghĩa của chữ. Chữ được nói ở đây gọi là Niết-bàn, thường trụ nên không lưu chuyển. Nếu không lưu chuyển ắt là không dứt mất. Nếu là không dứt mất tức là thân kim cang của Như Lai. Mười bốn âm này gọi là căn bản của chữ.
“Âm ác nghĩa là không bị phá hoại. Không bị phá hoại gọi là Tam bảo, ví như chất kim cang. Lại nữa, ác nghĩa là không lưu chuyển, rỉ chảy. Không lưu chuyển, rỉ chảy, tức là Như Lai. Chín lỗ của Như Lai không có những chất rỉ chảy, cho nên gọi là không rỉ chảy. Lại nữa, không có chín lỗ nên không lưu chuyển. Không lưu chuyển tức là thường. Thường tức là Như Lai. Như Lai không tạo tác cho nên không lưu chuyển. Lại nữa, ác nghĩa là công đức. Công đức tức là Tam bảo. Vì thế nên gọi là ác.
“Âm a tức là A-xà-lê. A-xà-lê nghĩa là gì? Nghĩa là ở trong thế gian được xưng là thánh. Sao gọi là thánh? Thánh, gọi là không dính mắc, ít ham muốn, biết đủ, cũng gọi là trong sạch, có thể cứu độ chúng sanh vượt ra ngoài Ba cõi, vượt khỏi biển lớn sanh tử. Đó gọi là thánh.
“Lại nữa, a nghĩa là tiết chế điều độ, tu trì giới hạnh trong sạch, thuận theo oai nghi. Lại nữa, a nghĩa là nương theo bậc thánh, nên học mọi oai nghi trong việc tới lui, cử động, cúng dường, cung kính lễ bái Tam Tôn, hiếu dưỡng cha mẹ, tu học Đại thừa. Những kẻ nam người nữ lòng lành giữ đủ các giới cấm cùng các vị đại Bồ Tát đều gọi là bậc thánh. Lại nữa, a gọi là răn dạy, như nói rằng: ‘Các ông nên làm việc như thế này, đừng làm việc như thế này.’ Như ai có thể ngăn chặn những pháp trái oai nghi, gọi là bậc thánh. Vì thế nên gọi là a.
“Âm ức tức là tánh Phật, là hạnh trong sạch rộng lớn không nhơ bợn, dường như vầng trăng tròn. [Đó là nghĩa phân biệt] các ông nên làm như thế này, không nên làm như thế này; thế này là đúng nghĩa, thế này là trái nghĩa; thế này là Phật thuyết, thế này là ma thuyết. Vì thế nên gọi là ức.
“Âm y tức là pháp Phật vi diệu, thâm sâu khó được. Như pháp của các vị vua trời Tự Tại, vua trời Đại Phạm thì gọi là tự tại. Như có thể gìn giữ pháp tất được xưng là hộ pháp. Lại nữa, tự tại cũng gọi là bốn vị hộ thế. Bốn vị tự tại như vậy ắt có thể gìn giữ bảo vệ kinh Đại Niết-bàn, lại cũng có thể tuyên thuyết giảng rộng một cách tự tại.
“Lại nữa, y nghĩa là có thể vì chúng sanh thuyết pháp một cách tự tại. Nhưng y nghĩa là tự tại mà thuyết những gì? Đó là thuyết việc tu tập kinh điển Phương đẳng. Lại nữa, y nghĩa là dứt trừ tật đố, cũng như người ta nhổ bỏ cỏ xấu, khiến cho tất cả đều trở nên tốt lành. Vì thế nên gọi là y.
“Âm úc nghĩa là cao quý nhất, vượt hơn tất cả, phát triển cao nhất trong hết thảy các kinh là Đại Niết-bàn. Lại nữa, úc nghĩa là tánh Như Lai, hàng Thanh văn, Duyên giác chưa từng được nghe. Ví như trong khắp thảy các chốn, cõi Uất-đan-việt về phương bắc là vượt trội hơn hết; nếu Bồ Tát được nghe và thọ trì kinh này thì vượt trội hơn hết trong tất cả chúng. Vì nghĩa ấy, kinh này được gọi là cao quý nhất, vượt trội hơn hết. Vì thế nên gọi là úc.
“Âm ưu, ví như vị của sữa bò là hơn hết trong các vị. Tánh Như Lai lại cũng như thế, là cao quý nhất, hơn hết trong tất cả các kinh, nếu có ai phỉ báng thì nên biết rằng người ấy chẳng khác chi loài bò. Lại nữa, ưu nghĩa là người như thế không có trí huệ, chánh niệm, phỉ báng tạng vi diệu sâu kín của Như Lai. Nên biết rằng người này rất đáng thương xót, lìa xa tạng sâu kín của Như Lai mà nói pháp vô ngã. Vì thế nên gọi là ưu.
“Âm yên tức là Niết-bàn, tánh pháp của chư Phật. Vì thế nên gọi là yên.
“Âm huề là nghĩa Như Lai. Lại nữa, huề tức là trong mọi việc tới lui dừng nghỉ, co lại duỗi ra, mọi cử động của Như Lai không gì là không lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Vì thế nên gọi là huề.
“Âm ô gọi là nghĩa phiền não. Phiền não gọi là các lậu. Như Lai đã vĩnh viễn đoạn trừ hết thảy phiền não. Vì thế nên gọi là ô.
“Âm bào là nghĩa Đại thừa, là nghĩa rốt ráo trong mười bốn âm. Kinh điển Đại thừa lại cũng như vậy, là rốt ráo trong các kinh luật. Vì thế nên gọi là bào.
“Âm am là có thể ngăn che hết thảy những vật bất tịnh, ở trong Phật pháp có thể xả bỏ hết thảy vàng bạc, vật báu. Vì thế nên gọi là am.
“Âm a là nghĩa thừa vượt trội hơn hết. Vì sao vậy? Kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn này là vượt trội hơn hết trong các kinh. Vì thế nên gọi là a.
“Âm ca là khởi lòng đại từ bi đối với chúng sanh, xem như con ruột của mình, như Phật đối với La-hầu-la, tạo nên ý nghĩa mầu nhiệm hiền thiện. Vì thế nên gọi là ca.
“Âm khư gọi là chẳng phải bạn hiền. Chẳng phải bạn hiền gọi là dơ xấu, tạp nhạp, chẳng tin vào tạng sâu kín của Như Lai. Vì thế nên gọi là khư.
“Âm già gọi là kho chứa. Kho chứa đó là tạng Như Lai sâu kín: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Vì thế nên gọi là già.
“Âm kính là âm thanh thường còn của Như Lai. Cái gì gọi là âm thanh thường còn của Như Lai? Đó là Như Lai thường trụ chẳng biến đổi. Vì thế nên gọi là kính.
“Âm nga là tướng hư hoại của tất cả các hành. Vì thế nên gọi là nga.
“Âm già tức là nghĩa tu sửa. Điều phục hết thảy chúng sanh nên gọi là nghĩa tu sửa. Vì thế nên gọi là già.
“Âm xa là Như Lai che mát hết thảy chúng sanh, ví như cái lọng lớn. Vì thế nên gọi là xa.
“Âm xà là giải thoát chân chánh, không có tướng già yếu. Vì thế nên gọi là xà.
“Âm thiện là phiền não bao che rậm rạp, ví như rừng rậm. Vì thế nên gọi là thiện.
“Âm nhã là nghĩa trí huệ, biết tánh pháp chân thật. Vì thế nên gọi là nhã.
“Âm trá là trong cõi Diêm-phù-đề thị hiện một nửa thân mà diễn thuyết pháp, ví như một nửa mặt trăng. Vì thế nên gọi là trá.
“Âm thoa là pháp thân đầy đủ, ví như trăng tròn. Vì thế nên gọi là thoa.
“Âm trà, ấy là hạng tăng ngu si, chẳng biết những lẽ thường, vô thường, ví như trẻ con. Vì thế nên gọi là trà.
“Âm tổ là chẳng biết ơn thầy, ví như con dê đực. Vì thế nên gọi là tổ.
“Âm noa là chẳng phải nghĩa thánh, ví như ngoại đạo. Vì thế nên gọi là noa.
“Âm đa là nghĩa Như Lai ở nơi đó bảo các vị tỳ-kheo rằng: ‘Nên lìa sự kinh sợ, ta sẽ vì các ông mà thuyết pháp vi diệu.’ Vì thế nên gọi là đa.
“Âm tha gọi là nghĩa ngu si. Chúng sanh lưu chuyển sanh tử, quay lộn như con tằm, con bọ hung. Vì thế nên gọi là tha.
“Âm đà gọi là bố thí lớn, là nói Đại thừa. Vì thế nên gọi là đà.
“Âm đàn là xưng tán công đức, đó là nói Tam bảo, như núi Tu-di cao ngất, rộng lớn, không thể nghiêng ngã. Vì thế nên gọi là đàn.
“Âm na là Tam bảo trụ yên, không nghiêng ngã lay động, ví như cái then cửa. Vì thế nên gọi là na.
“Âm ba gọi là nghĩa điên đảo. Như nói rằng: ‘Tam bảo thảy đều diệt hết’, nên biết rằng người này tự sanh nghi hoặc. Vì thế nên gọi là ba.
“Âm pha là tai ương của thế gian. Như nói rằng: ‘Lúc thế gian khởi tai ương, Tam bảo cũng diệt mất.’ Nên biết rằng người này ngu si không trí huệ, trái nghịch ý thánh. Vì thế nên gọi là pha.
“Âm bà gọi là Mười sức của Phật. Vì thế gọi là bà.
“Âm phạm gọi là gánh vác việc nặng nề, có thể nhận lãnh gánh vác Chánh pháp vô thượng. Nên biết người này là Đại Bồ Tát. Vì thế nên gọi là phạm.
“Âm ma là sự tiết chế, điều độ nghiêm ngặt và cao cả của các vị Bồ Tát, đó là nói Đại thừa Đại Bát Niết-bàn. Vì thế nên gọi là ma.
“Âm da là nghĩa các vị Bồ Tát bất kỳ ở đâu cũng vì chúng sanh giảng nói pháp Đại thừa. Vì thế nên gọi là da.
“Âm ra là nghĩa có thể phá trừ tham dục, sân khuể, ngu si, giảng nói pháp chân thật. Vì thế nên gọi là ra.
“Âm la gọi là Thanh văn thừa chuyển động chẳng dừng, còn Đại thừa trụ yên nên không nghiêng ngã lay động. Lìa bỏ thừa Thanh văn, tinh cần tu tập Đại thừa vô thượng. Vì thế nên gọi là la.
“Âm hòa là nghĩa Như Lai Thế Tôn vì chúng sanh tuôn mưa pháp lớn, đó là nói các loại chú thuật, kinh sách của thế gian. Vì thế nên gọi là hòa.
“Âm xa là nghĩa lìa xa ba mũi tên. Vì thế nên gọi là xa.
“Âm sa gọi là nghĩa đầy đủ. Như ai nghe được kinh Đại Niết-bàn này, hẳn là đã được nghe và thọ trì hết thảy kinh điển Đại thừa. Vì thế nên gọi là sa.
“Âm ta là nghĩa vì chúng sanh diễn thuyết Chánh pháp, khiến cho trong lòng vui vẻ. Vì thế nên gọi là ta.
“Âm ha gọi là nghĩa trong lòng vui vẻ. Lạ thay, đức Thế Tôn lìa tất cả các hành. Lạ thay! Như Lai nhập đại Niết-bàn! Vì thế nên gọi là ha.
“Âm trà gọi là nghĩa của ma. Vô số các ma không thể hủy hoại tạng Như Lai sâu kín. Vì thế nên gọi là trà. Lại nữa, trà là nghĩa cho đến việc tùy thuận thế gian, thị hiện có cha mẹ, vợ con. Vì thế nên gọi là trà.
“Về bốn chữ ‘lỗ, lưu, lư, lâu’ có bốn nghĩa: Phật, Pháp, Tăng và pháp đối đãi. Nói pháp đối đãi tức là tùy thuận thế gian. Ví như Điều-bà-đạt thị hiện phá hoại chúng tăng, hóa ra mọi thứ hình sắc tướng mạo [xấu ác] vì [để nhân đó Phật mới] chế định giới luật. Người có trí huệ thông suốt chẳng nên sanh lòng sợ sệt đối với việc ấy. Đó gọi là hạnh tùy thuận thế gian. Vì thế nên gọi là lỗ, lưu, lư, lâu.
“[Khi người ta phát âm thì] không khí được đưa vào, lưỡi lại [chuyển động kết hợp] với khoang mũi tạo thành âm thanh khác nhau có dài, có ngắn, tùy theo đó mà hiểu nghĩa. Đều là do ở lưỡi và răng mà có sự khác biệt nhau. Nghĩa của chữ như thế có thể làm cho khẩu nghiệp của chúng sanh trở nên trong sạch. Tánh Phật của chúng sanh chẳng phải như vậy, chẳng phải nhờ ở văn tự rồi sau mới trở nên trong sạch. Vì sao vậy? Vì tánh vốn là trong sạch. Tuy ở trong các ấm, nhập, giới, nhưng chẳng đồng với ấm, nhập, giới. Vì thế mà chúng sanh đều nên quy y nơi tự tánh.
“Các vị Bồ Tát do nơi tánh Phật nên nhìn tất cả chúng sanh không có sự khác biệt nhau. Do đó mà nửa chữ là căn bản của kinh thư, ký luận, văn chương. Lại nữa, nghĩa của nửa chữ tức là căn bản của những lời thuyết dạy về phiền não. Vì thế nên gọi là nửa chữ. Còn trọn chữ mới là căn bản của tất cả những lời thuyết dạy về thiện pháp.
“Ví như ở thế gian, kẻ làm điều ác thì gọi là ‘chẳng nên người’, kẻ tu điều thiện được gọi là ‘nên người’. Hết thảy kinh thư, ký luận như vậy đều là do nơi nửa chữ là căn bản. Nếu nói rằng Như Lai và giải thoát chân chánh đều ở trong nửa chữ thì thật vô lý. Vì sao vậy? Vì lìa khỏi văn tự. Cho nên Như Lai đối với hết thảy các pháp đều không ngăn ngại, không vướng mắc, thật được giải thoát.
“Sao gọi là hiểu rõ nghĩa của chữ? Có người biết rằng Như Lai xuất hiện ở thế gian có thể trừ bỏ nửa chữ, nên gọi là hiểu rõ nghĩa chữ. Như có người chấp chặt nơi nghĩa của nửa chữ, người này chẳng hiểu được tánh Như Lai.
“Sao gọi là nghĩa không có chữ? Người thân cận, tu tập các pháp chẳng lành, đó gọi là không có chữ. Lại nữa, người không có chữ tuy thân cận và tu tập các pháp lành nhưng không biết được Như Lai là thường còn hay không thường còn, lâu dài hay chẳng lâu dài, cùng hai ngôi báu là Pháp và Tăng, đúng luật hay không đúng luật, là kinh hay chẳng phải kinh, là ma thuyết hay Phật thuyết. Nếu không thể phân biệt như vậy thì gọi là chạy theo nghĩa không có chữ. Nay ta đã thuyết xong việc chạy theo nghĩa không có chữ.
“Thiện nam tử! Vậy các ông nên lìa khỏi nửa chữ, khéo hiểu được trọn chữ.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Chúng con thật nên học rành số chữ. Nay chúng con đã được gặp bậc thầy vô thượng, được đức Như Lai ân cần khuyên dạy.”
Phật khen Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Kẻ hâm mộ Chánh pháp nên học hỏi như vậy.”
Bấy giờ, Phật bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Có hai loài chim, một loài tên ca-lân-đề, một loài tên uyên ương, dù khi bay đi hay ngừng đậu đều theo cùng với nhau, chẳng lìa được nhau. Những pháp: khổ, vô thường, vô ngã lại cũng như vậy, chẳng lìa được nhau.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Vì sao những pháp khổ, vô thường, vô ngã này lại giống như chim uyên ương và chim ca-lân-đề kia?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Có những pháp khổ, vui khác nhau; có những pháp là thường, vô thường khác nhau; có những pháp khác là ngã, vô ngã khác nhau.
“Cũng ví như hạt nếp khác với hạt mè, hạt mè lại khác với hạt đậu, hạt lúa và cây mía... Các loại ấy, từ phôi mầm cho đến lá hoa đều là vô thường. Đến khi hạt trái khô chín, dùng được mới gọi là thường. Vì sao vậy? Vì là tánh thật.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu những vật ấy là thường thì đồng với Như Lai hay sao?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nay ông chẳng nên nói ra lời ấy. Vì sao vậy? Như nói [ví dụ rằng] đức Như Lai [lớn lao] như núi Tu-di, nhưng có lẽ nào đến lúc kiếp hoại núi Tu-di sụp đổ, Như Lai lại cũng hư hoại như vậy sao?
“Thiện nam tử! Nay ông chẳng nên nhận giữ ý nghĩa như vậy. Thiện nam tử! Trong tất cả các pháp, chỉ trừ tánh Phật và Niết-bàn, ngoài ra không một pháp nào là thường cả. Chỉ vì thuận theo lẽ thế gian nên mới nói hạt trái là thường.”
Phật bảo Ca-diếp: “Đúng vậy, đúng vậy! Thiện nam tử! Tuy là tu tập hết thảy các phép định trong Khế kinh mà chưa nghe được kinh Đại Bát Niết-bàn, đều nói rằng hết thảy là vô thường. Nghe kinh này rồi thì dù có phiền não cũng như không phiền não, liền có thể làm lợi ích cho hết thảy trời, người. Vì sao vậy? Rõ biết thân mình vốn có tánh Phật. Đây mới gọi là thường.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như cây am-la, khi vừa trổ hoa gọi là tướng vô thường. Đến khi có hạt trái, được nhiều lợi ích, mới gọi là thường. Như vậy đó, thiện nam tử! Tuy là tu tập hết thảy các phép định trong Khế kinh nhưng lúc chưa nghe kinh Đại Bát Niết-bàn đều nói rằng hết thảy là vô thường. Nghe kinh này rồi thì dù có phiền não cũng như không phiền não, liền có thể làm lợi ích cho hết thảy trời, người. Vì sao vậy? Rõ biết tự thân vốn có tánh Phật. Đây mới gọi là thường.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như chất khoáng vàng, khi nung chảy ra gọi là tướng vô thường. Nung chảy xong đã [tinh luyện] thành vàng ròng, được nhiều lợi ích, mới gọi là thường. Như vậy đó, thiện nam tử! Tuy là tu tập hết thảy các phép định trong Khế kinh, nhưng lúc chưa nghe kinh Đại Bát Niết-bàn đều nói rằng hết thảy là vô thường. Nghe kinh này rồi thì dù có phiền não cũng như không phiền não, liền có thể làm lợi ích cho hết thảy trời, người. Vì sao vậy? Rõ biết tự thân vốn có tánh Phật. Đây mới gọi là thường.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như những hạt mè khi chưa mang đi ép gọi là vô thường. Khi ép xong thành dầu mè, được nhiều lợi ích, mới gọi là thường. Như vậy đó, thiện nam tử! Tuy là tu tập hết thảy các phép định trong Khế kinh, nhưng lúc chưa nghe kinh Đại Bát Niết-bàn đều nói rằng hết thảy là vô thường. Nghe kinh này rồi thì dù có phiền não cũng như không phiền não, liền có thể làm lợi ích cho hết thảy trời, người. Vì sao vậy? Rõ biết tự thân vốn có tánh Phật. Đây mới gọi là thường.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như các dòng sông đều chảy về nơi biển. Hết thảy các phép định Tam-muội trong Khế kinh đều quy về kinh Đại thừa Đại Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì rốt ráo khéo dạy rằng có tánh Phật.
“Thiện nam tử! Vì vậy nên ta nói rằng: Có những pháp là thường, vô thường khác nhau, cho đến [ngã], vô ngã cũng là như vậy.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai đã lìa xa mũi tên độc là sự lo nghĩ thương tưởng.
“Lo nghĩ thương tưởng gọi là chư thiên; Như Lai chẳng phải hàng chư thiên. Có lo nghĩ thương tưởng gọi là người; Như Lai chẳng phải là người. Lo nghĩ thương tưởng gọi là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Như Lai chẳng phải [thuộc về] hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Vì vậy Như Lai không có lo nghĩ thương tưởng. Vì sao [con từng nghe Phật] nói rằng Như Lai có lo nghĩ thương tưởng?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! [Ví như] cõi trời Vô tưởng gọi là không có sự nghĩ tưởng. Nếu không có sự nghĩ tưởng, ắt là không có thọ mạng. Nếu không có thọ mạng, làm sao có ấm, giới, nhập? Vì nghĩa ấy nên mạng sống ở cõi trời Vô tưởng không thể nói là có chỗ xác định.
“Thiện nam tử! Ví như vị thần cây, nương theo cây mà ở. Người ta không thể nói nhất định rằng vị ấy nương theo cành cây, lóng cây, thân cây hoặc lá cây. Tuy không có chỗ xác định, nhưng không thể nói là không có. Mạng sống ở cõi trời Vô tưởng cũng là như vậy.
“Thiện nam tử! Pháp Phật cũng như thế, rất sâu xa khó hiểu. Như Lai thật không có sự lo buồn, khổ não, nhưng đối với chúng sanh khởi lòng đại từ bi, thị hiện có lo nghĩ thương tưởng, xem tất cả chúng sanh như La-hầu-la, [như đứa con duy nhất của ngài.]
“Lại nữa, thiện nam tử! Mạng sống ở cõi trời Vô tưởng chỉ riêng Phật mới có thể biết rõ mà thôi, ngoài ra không ai biết được. Cho đến ở cõi Phi tưởng phi phi tưởng cũng vậy.
“Ca-diếp! Tánh Như Lai là thanh tịnh, không nhiễm ô, như thân biến hóa, sao lại có sự lo buồn, khổ não ở nơi nào? Nhưng nếu nói rằng Như Lai không có sự lo nghĩ thương tưởng, làm sao Ngài có thể làm lợi ích hết thảy chúng sanh, rộng truyền pháp Phật? Nếu nói là không có [sự lo nghĩ thương tưởng], sao có thể nói rằng Như Lai xem tất cả chúng sanh đồng như La-hầu-la? Nếu [nói Như Lai] không xem chúng sanh đồng như La-hầu-la thì đó ắt là lời nói dối trá.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên Phật không thể nghĩ bàn, Pháp cũng không thể nghĩ bàn; tánh Phật của chúng sanh không thể nghĩ bàn, mạng sống ở cõi trời Vô tưởng cũng không thể nghĩ bàn. Như Lai có lo nghĩ hay không lo nghĩ, đó là cảnh giới của Phật, không phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể biết được.
“Thiện nam tử! Ví như ở giữa không trung thì nhà cửa, bụi đất không thể đứng vững, nhưng nếu nói rằng nhà cửa không nương nơi hư không mà trụ thì thật vô lý. Vì nghĩa ấy, không thể nói rằng nhà cửa trụ nơi hư không hoặc chẳng trụ nơi hư không. Những kẻ phàm phu tuy nói rằng nhà cửa trụ nơi hư không, nhưng hư không ấy thật không có chỗ trụ. Vì sao vậy? Vì tánh [thật vốn] là không trụ.
“Thiện nam tử! Cái tâm cũng thế, không thể nói rằng có trụ nơi ấm, giới, nhập hoặc là không trụ. Mạng sống ở cõi trời Vô tưởng cũng là như vậy, sự lo nghĩ thương tưởng của Như Lai cũng là như vậy. Nếu không có lo nghĩ thương tưởng, sao lại nói rằng xem tất cả chúng sanh đồng như La-hầu-la? Còn nếu nói rằng có, sao có thể nói rằng tánh [Như Lai] đồng với hư không?
“Thiện nam tử! Ví như một ảo thuật gia, dùng phép hóa ra mọi thứ cung điện, các việc như giết hại, nuôi dưỡng, trói buộc, buông thả, cùng là hóa ra vàng, bạc, lưu ly, vật báu, rừng rậm, cây cối... thảy đều không có tánh thật. Như Lai cũng thế, tùy thuận thế gian mà thị hiện sự lo nghĩ thương tưởng, nhưng [đều là] không thật có.
“Thiện nam tử! Như Lai đã vào Đại Niết-bàn, làm sao lại có sự lo buồn, khổ não? Nếu [ai] cho rằng Như Lai vào Niết-bàn là vô thường, nên biết rằng người ấy ắt có sự lo buồn. Nếu [ai] nói rằng Như Lai chẳng vào Niết-bàn, thường trụ không biến đổi, nên biết rằng người ấy không có sự lo buồn. Như Lai có lo buồn hay không, thật không ai có thể biết được.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như người hạ lưu chỉ có thể biết việc hạ lưu, không biết được việc của hàng trung lưu, thượng lưu. Người trung lưu biết việc trung lưu, chẳng biết được việc của hàng thượng lưu. Còn người thượng lưu chẳng những biết việc thượng lưu, lại còn biết luôn các việc của hàng trung lưu và hạ lưu.
“Những người trong hàng Thanh văn, Duyên giác cũng vậy, đều chỉ hiểu biết trong phạm vi của mình mà thôi. Như Lai không phải thế, ngài biết được cả phạm vi của mình và phạm vi của mọi người khác. Cho nên Như Lai gọi là trí huệ không ngăn ngại, tùy thuận thế gian mà thị hiện mọi sự ảo hóa. Phàm phu mắt thịt cho [sự ảo hóa] đó là chân thật nhưng lại muốn biết được hết trí vô ngại vô thượng của Như Lai, việc ấy thật vô lý. Có lo buồn hay không, chỉ riêng Phật có thể biết mà thôi. Bởi nhân duyên này, [ta nói] có những pháp hữu ngã, vô ngã khác nhau. Vì thế nói là như tánh của chim uyên ương và chim ca-lân-đề.
“Lại nữa, thiện nam tử! Phật pháp ví như [đôi] chim uyên ương cùng đi với nhau. Chim ca-lân-đề và chim uyên ương, vào giữa mùa hạ, lúc nước dâng lên thì chọn vùng đất cao mà đặt chim con để tiện việc nuôi dưỡng. Sau đó mới trở lại chốn cũ mà yên ổn dạo chơi. Như Lai xuất hiện ở đời cũng vậy, giáo hóa vô lượng chúng sanh, làm cho trụ nơi Chánh pháp. Cũng như chim uyên ương và ca-lân-đề kia chọn vùng đất cao mà đặt chim con, Như Lai cũng vậy, khiến cho chúng sanh làm xong công việc của họ rồi, ngài mới nhập Đại Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Đây gọi là có những pháp khổ, vui khác nhau. Các hành đều là khổ, Niết-bàn là vui, nhiệm mầu bậc nhất vì đã phá trừ hết thảy các hành.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Vì sao chúng sanh được Niết-bàn gọi là vui nhất?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như ta có dạy, các hành hòa hợp gọi là già chết.
Cẩn thận không phóng dật,
Chính là thuốc trường sanh.
Phóng dật, không cẩn thận,
Là đi vào cõi chết.
Nếu ai không phóng dật,
Sẽ đạt sự bất tử,
Những ai thường phóng dật,
Luôn đi theo đường chết.
“Nếu người phóng dật thì gọi là pháp hữu vi; pháp hữu vi đó là khổ bậc nhất. Nếu người không phóng dật thì gọi là Niết-bàn, Niết-bàn ấy gọi là cam lộ, an vui bậc nhất. Nếu chạy theo các hành thì gọi là chỗ chết, chịu khổ bậc nhất. Nếu đạt tới Niết-bàn thì gọi là bất tử, thọ hưởng sự an vui mầu nhiệm bậc nhất. Nếu không phóng dật, tuy có gồm tụ các hành cũng gọi là thường, vui, bất tử, thân không bị phá hoại. Thế nào là phóng dật? Thế nào là không phóng dật? Những kẻ phàm phu chưa chứng thánh gọi là phóng dật, là pháp thường [chịu sự già] chết. Thánh nhân xuất thế là không phóng dật, không có sự già chết. Vì sao vậy? Vì vào cảnh Niết-bàn thường tồn, an vui bậc nhất. Vì nghĩa ấy nên có những pháp khổ, vui khác nhau; có những pháp ngã, vô ngã khác nhau.
“Ví như người đứng ở mặt đất ngước nhìn trên không, chẳng thấy dấu chân chim. Thiện nam tử! Chúng sanh cũng thế, [vì] không có thiên nhãn [nên] ở trong phiền não không tự thấy có tánh Như Lai. Cho nên ta mới chỉ dạy lẽ vô ngã sâu kín. Vì sao vậy? Những kẻ không có thiên nhãn chẳng biết được cái ngã chân thật, nên cố chấp sai lầm là có ngã. Do nơi các phiền não tạo ra những việc hữu vi, tức là vô thường. Cho nên ta nói rằng có những pháp thường, vô thường khác nhau.
Bậc tinh cần dũng mãnh,
Khi ở tại đỉnh núi,
Đất bằng hay đồng hoang,
Thường thấy hàng phàm phu.
Lên điện trí huệ lớn,
Đài vô thượng vi diệu,
Tự dứt trừ buồn khổ,
Còn thấy chúng sanh khổ.
“Như Lai đã dứt hết vô lượng phiền não, vững vàng trên núi trí huệ, nhìn thấy chúng sanh thường ở trong vô lượng phiền não.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Như bài kệ Phật vừa thuyết dạy đó, nghĩa lý không hợp. Vì sao vậy? Vào Niết-bàn rồi thì không có lo buồn, không có vui vẻ. Làm sao lại lên điện đài trí huệ? Làm sao lại vững vàng trên đỉnh núi mà nhìn thấy chúng sanh?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Điện trí huệ đó tức là Niết-bàn. Người không lo buồn ấy là Như Lai. Người có lo buồn gọi là phàm phu. Vì phàm phu có lo buồn nên Như Lai không lo buồn. Đỉnh núi Tu-di là nói giải thoát chân chánh. Người chuyên cần tinh tấn ví như núi Tu-di không hề động chuyển. Mặt đất là hạnh hữu vi. Những người phàm phu ở yên trên đất ấy mà tạo tác các hành. Người trí huệ gọi là Chánh giác, lìa khỏi chấp hữu, thường trụ nên gọi là Như Lai. Như Lai thương xót vô lượng chúng sanh thường bị trúng tên độc chấp hữu, cho nên nói là Như Lai có sự lo nghĩ thương tưởng.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu nói Như Lai có sự lo nghĩ thương tưởng thì không thể xưng là bậc Chánh giác!”
Phật dạy: “Ca-diếp! Đó đều là có nhân duyên, tùy nơi nào chúng sanh muốn được giáo hóa, Như Lai thị hiện thọ sanh nơi đó. Tuy thị hiện thọ sanh, nhưng thật không có sanh. Vì vậy Như Lai gọi là pháp thường trụ, như các loài chim ca-lân-đề, uyên ương.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.146.176.112 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.