BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Phật Pháp Giảng Giải
Nguyên tác: "Essential
Themes of Buddhist Lectures",
Venerable Sayadaw Ashin U Thittila
Bài 20: NỀN TẢNG CĂN BẢN CỦA ÐẠO PHẬT Nền tảng căn bản của đạo Phật chính là Bốn Sự Thật Vĩ Ðại, đó là Chân Ðế về Khổ, Chân Ðế và Nguyên Nhân của Khổ, Chân Ðế về sự Diệt Tận Khổ và Chân Ðế về Con Ðường dẫn đến sự diệt khổ. Chân đế về khổ là gì? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, không ưa mà gặp là khổ, ưa mà phải xa lìa là khổ, không được điều mình mong muốn cũng khổ. Chân Ðế về nhân sanh khổ là gì? Ðó chính là tham ái, tham ái tầm cầu lạc thú lúc chỗ này, lúc chỗ kia, khao khát những thú vui nhục dục (Kàmatanha: Dục ái) và khao khát hiện hữu (Bhavatanhà: Hữu ái). Chân đế về khổ diệt là gì? Ðó là sự diệt tận tham ái, sự thủ tiêu hoàn toàn chính cái tham ái này, hay sự giải thoát khỏi tham ái. Chân đế về con đường dẫn đến sự diệt khổ là gì? Ðó là Bát Chánh Ðạo bao gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh. Cho dù Ðức Phật có xuất hiện trong thế gian này hay không thì Bốn Sự Thật này vẫn hiện hữu, chư Phật chỉ làm hiển lộ những Sự Thật này mà từ lâu nó đã bị chôn vùi trong vực thẳm tăm tối của thời gian. Nếu giải thích một cách khoa học thì Pháp (Dhamma) có thể đơn giản gọi là quy luật nhân quả, và quy luật này bao trùm toàn bộ những lời dạy của chư Phật. Tham ái là nhân của khổ, khổ là quả của tham ái; tôn trọng nguyên lý trung đạo là nhân của sự chứng ngộ Niết Bàn, và sự chứng ngộ Niết Bàn là quả của sự tôn trọng nguyên lý trung đạo ấy. Không ai có thể phủ nhận sự kiện khổ đau hiện hữu trong cuộc đời này. Ðiều mà chúng ta gọi là hạnh phúc hay lạc thú trong thế gian, chẳng qua chỉ là sự ban thưởng hay món thù lao của một khát vọng nào đó, nhưng ngay khi điều mơ ước vừa đạt được thì nó liền bị khinh miệt ngay. Hạnh phúc thế gian chỉ là sự khơi mào cho đau khổ. Vì thế cho nên sầu khổ không thể tách rời khỏi hiện hữu và không cách nào tránh né được, và bao lâu còn tham ái thì chừng ấy khổ đau sẽ vẫn tồn tại. Khổ chỉ có thể được huỷ diệt bằng cách bước lên con đường Bát Chánh (Bát Chánh Ðạo) và đạt đến hạnh phúc tối thượng của Niết Bàn. Bốn Sự Thật cao quý này có thể được xác chứng bằng kinh nghiệm, vì lý do đó Phật pháp (Buddha - Dhamma) được thiết lập trên nền tảng của sự thực và những sự thực này có thể được trắc nghiệm và xác chứng. Do vậy, đạo Phật rất là hợp lý và nó đối kháng lại với những hệ thống suy đoán lý luận; nó hấp dẫn đối với bậc trí hơn là với người thuần tình cảm và nó liên hệ đến chất lượng tu tập hơn là số lượng. Một dịp nọ Upàli (Ưu Ba Ly), một tục gia đệ tử của phái Nigantha (Loã Thể Ni Kiền Tử), đi đến chỗ Ðức Phật và lấy làm thoả mãn với giáo pháp của Ngài đến mức ông bày tỏ ước muốn trở thành đệ tử của Ðức Phật, nhưng Ðức Phật đã cảnh báo ông ta, Ngài nói: "Này gia chủ, trước tiên hãy thẩm tra kỹ lưỡng đã, thật là thích hợp đối với một người có tiếng tăm như ông, phải thẩm tra kỹ lưỡng trước khi quyết định một điều gì". Ưu Ba Ly vô cùng hoan hỷ trước những nhận xét bất ngờ của Ðức Phật như vậy, ông nói: "Bạch Ðức Thế Tôn, nếu con xin làm đệ tử của một tôn giáo khác, chắc chắn họ sẽ công kênh con đi diễu hành hết đường phố này đến đường phố khác và tuyên bố rằng nhà triệu phú như vầy, như vầy... đã từ bỏ tôn giáo cũ của mình và xin theo giáo phái của họ. Thế nhưng, bạch Ðức Thế Tôn, Ngài đã khuyên con nên thẩm tra thêm nữa, vì thế con rất lấy làm hoan hỷ với lời nhận xét của ngài". Lần thứ nhì ông ta lặp lại lời cầu xin "Con xin quy y nơi Ðức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng". Ðạo Phật được thấm nhuần với tinh thần tự do tìm hiểu và hoàn toàn dung thứ. Ðức Phật đã mở lượng khoan dung này đến mọi người nam cũng như nữ, cùng tất cả các chúng sanh khác. Chính Ðức Phật là người đầu tiên đã huỷ bỏ chế độ nô lệ, mạnh mẽ phản đối hệ thống đẳng cấp đã ăn rễ vững chắc trong xã hội Ấn Ðộ lúc đó. Theo lời của Ðức Phật thì con ngươi trở nên cao quý hay hạ tiện không phải đơn thuần do sinh trưởng, mà chính do những hành động của họ. Không vì đẳng cấp xã hội, không vì màu da của họ ngăn cản không cho họ trở thành một Phật tử, hay gia nhập Giáo Ðoàn (Tăng Ni); ngư dân, phu quét rác, nông dân, cùng với giai cấp chiến sĩ và Bà la môn đều được chấp nhận một cách tự do vào Giáo Ðoàn và hưởng mọi quyền bình đẳng như nhau. Chẳng hạn, như Upàli (Ưu Ba Li), một người thợ hớt tóc, đã được Ðức Phật chỉ định là đại đệ tử tinh thông Giới Luật; Sunìta, người hốt phân đã được chính Ðức Phật tiếp nhận vào Giáo Ðoàn, nhờ vậy đã có thể đạt đến thánh quả. Angulimàlà (Ăng Gu Li Ma La), tướng cướp sát nhân đã được Ðức Phật cảm hoá để trở thành một bậc Thánh đầy lòng bi mẫn. Dạ xoa Àlavaka (A La Goá Ká) quy y nơi Ðức Phật và trở thành một vị Tu Ðà Hoàn; dâm nữ Ambapàli, gia nhập giáo đoàn Tỳ Khưu ni và đắc A La Hán quả. Những trường hợp tương tự như vậy rất dễ thấy trong Tam Tạng đã chứng tỏ rằng đạo Phật mở rộng vòng tay đón nhận mọi người không phân biệt giai cấp màu da hay phái tính. Cũng chính Ðức Phật là người đã cấm chỉ việc hiến tế bằng cách giết những con vật vô tội và khuyên hoá hàng đệ tử mở lòng từ đến tất cả chúng sinh, dù nhỏ nhoi nhất cũng vậy. Một người Phật tử chân chánh sẽ thực hành tâm từ này đối với mọi loài chúng sanh và đồng cảm với muôn loài không phân biệt họ là ai, thuộc giai cấp hay màu da gì. -ooOoo-
Ðầu trang |
Mục lục |
01 |
02 |
03 |
04 |
05 |
06 |
07 |
08 |
09 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 | 20 | |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Pháp Thông đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2002)
Xem: Nguyên tác Anh ngữ
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 16-08-2002