BuddhaSasana Home Page |
Vietnamese, with Unicode Times font |
Phật Pháp Giảng Giải
Nguyên tác: "Essential
Themes of Buddhist Lectures",
Venerable Sayadaw Ashin U Thittila
CHƯƠNG III NHỮNG BÀI GIẢNG ÐẶC BIỆT LIÊN QUAN ÐẾN ÐỊNH (SAMÀDHI) Bài 16:
CON ÐƯỜNG TRUNG ÐẠO
Thánh Ðạo Tám Ngành hay Bát Chánh Ðạo mà Ðức Phật đã thuyết trong bài pháp đầu tiên của Ngài là Trung Ðạo, vì nó không lạc quan cũng chẳng bi quan. Lạc quan có khuynh hướng đánh giá quá cao cuộc sống, trong khi đó bi quan lại có khuynh hướng đánh giá quá thấp; một đằng thì lao vào những thái quá của nhục dục và lạc thú đời thường thấp hèn, thô bỉ và vô bổ. Ngược lại, phía bên kia chủ trương khổ hạnh thái quá cũng không tốt và vô ích, đắm mê trong dục lạc làm cho người ta không phát triển được tinh thần, còn tự hành khổ mình lại làm suy yếu đi phần tri thức. Ðạo lộ chân chánh là con đường trung đạo nằm giữa hai cực đoan này, và giáo lý trung đạo chỉ có thể nắm bắt được bởi một người đã hiểu rõ mối tương quan tương duyên giữa hai cực đoan nêu trên. Tiến bộ chính là biết thay đổi qua lại trọng lực và sự nổi bật giữa hai khuynh hướng. Tuy nhiên, cũng như trọng lực của một kiếm thuật gia dường như luôn được giữ thăng bằng giữa đôi chân của ông ta, ông chỉ tựa trên một chân nào đó trong khoảng thời gian cần thiết đủ để thay đổi trọng tâm, trên lộ trình giải thoát cũng vậy, người hành đạo không nên trú ở một cực đoan nào cả mà phải cố gắng giữ quân bình ở mức trung tâm của nó, từ đó hai đối cực này đựơc quan sát một cách trung thực. Tất cả các cực đoan đều sanh ra những đối cực của nó, và cả hai đều bất lợi như nhau. Ðối với tất cả mọi người, Trung Ðạo về một cuộc sống hiền thiện trong thế gian này là cách sống tốt đẹp nhất và an toàn nhất. Ðức Phật dạy: "Có hai cực đoan mà người sống đời cao thượng của một Tỳ Khưu không nên hành theo, hai cực đoan đó là gì? Ðó là sống kết hợp với dục vọng thấp hèn, đê tiện, tầm thường, không xứng đáng với bậc Thánh và sống kết hợp với tự hành hạ mình, tự làm khổ mình, không xứng đáng với bậc Thánh và vô ích". (Samyutta Nikàya V. phẩm Chuyển Pháp Luân). Tránh xa hai cực đoan này Ðức Phật đã đạt đến trí tuệ thấy rõ Trung Ðạo, mà điều này đã làm phát sinh huệ nhãn và huệ trí cũng như hướng đến an tịnh, thắng trí và giác ngộ. Vậy thì Trung đạo là gì lại khiến phát sinh huệ nhãn? Ðó chính là Bát Chánh Ðạo bao gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh. Hai chi đầu: Chánh Kiến và Chánh Tư Duy tạo thành khởi điểm cho cuộc hành trình của đời sống chân chánh thuộc về nhóm Tuệ. Ba chi kế: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng liên quan đến những điều kiện tu tập bên ngoài thuộc nhóm Giới, và ba chi cuối Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh liên hệ đến các điều kiện tu tập bên trong. Mục tiêu trước mắt là phải đạt được sự kiểm soát hay chế ngự tâm; với sự chế ngự này mọi tham muốn vị kỷ có thể được và chắc chắn sẽ được nhổ sạch tận gốc và chấm dứt hoàn toàn, cứu cánh tối hậu là đoạn tận mọi hình thức bất toại nguyện và khổ đau qua sự chứng ngộ trí tuệ giải thoát viên mãn. Bước thứ nhất trên đạo lộ hướng đến cứu cánh giải thoát là Chánh Kiến. Chánh Kiến ở đây liên hệ đến sự hiểu biết rõ ràng về Tứ Ðế, đó là: Khổ Ðế, Tập Ðế, Diệt Ðế và Ðạo Ðế. Vậy gì là khổ? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi, khổ, ưu não là khổ; phải xa lìa những gì mình yêu mến là khổ và không đạt được điều mình mong ước cũng khổ. Cuộc sống sẽ tràn đầy khổ đau nếu như người ta không biết làm thế nào để sống cho phù hợp với nó. Về phương diện thể chất, sanh, già, chết là điều không thể tránh được, song có một phương diện khác ở đó đời sống luôn luôn sầu muộn. Tuy nhiên đó là một loại sầu muộn hoàn toàn có thể tránh được, người sống cuộc đời bình thường trong thế gian này lúc nào cũng cảm thấy mình bị vướng mắc vào đủ mọi loại phiền não. Nói rằng họ luôn luôn đau khổ thì có vẻ không thực lắm, nhưng phải nói là họ lúc nào cũng ở trong tình trạng lo lắng, bất cứ lúc nào họ cũng có thể rơi vào những tình trạng đau khổ hay lo âu thái quá. Lý do của điều này là vì trong lòng họ chất chứa đầy những tham vọng trần tục, dĩ nhiên những điều đó không nhất thiết là xấu, mà chỉ là những tham muốn đối với các pháp thế gian, bởi vì những tham muốn này mà họ bị trói buộc và giam hãm trong ngục tù thế gian, họ luôn luôn gắng sức để đạt cho kỳ được cái mà họ chưa có, nhưng khi đã đạt được rồi họ lại lo sợ rằng sẽ mất nó, điều này là sự thực không phải chỉ đối với vấn đề tiền bạc mà còn cả vơi những vấn đề khác như địa vị, quyền lực và mọi thăng tiến trong xã hội nữa. Còn có những đối tượng khác của lòng tham muốn, chẳng hạn như một người nam hay một người nữ khao khát được sự trìu mến yêu thương nơi một người nào đó nhưng không được họ đáp lại. Phát xuất từ những tham muốn bất toại nguyện như vậy thường đưa đến vô số những buồn tủi, ghét ghen, thù hận, quý vị có thể cho những tham muốn đó là điều hoàn toàn tự nhiên; hiển nhiên đó là điều hết sức tự nhiên, và nếu sự trìu mến thương yêu đó được đáp trả lại thì thật là vô cùng hạnh phúc nữa là khác. Tuy nhiên, nếu nó không được đáp trả lại thì sao? Người nam hay người nữ ấy phải có một sức chịu đựng mới có thể chấp nhận được tình trạng bẽ bàng này, và không để cho lòng tham muốn bất toại nguyện đó gây nên đau khổ. Khi chúng ta nói một vấn đề nào đó là tự nhiên, nghĩa là chúng ta muốn nói rằng đó là một việc mà chúng ta có thể trông đợi (sẽ xảy ra) đối với một người trung bình. Nhưng là một Phật tử, chúng ta phải cố gắng vươn lên trên cái mức trung bình ấy, nếu không làm sao chúng ta có thể giúp cho mọi người được? Chúng ta phải ở trên mức ấy thì khả dĩ chúng ta mới có thể mở rộng vòng tay giúp đỡ mọi người. Chân đế thứ hai là nguyên nhân của khổ. Chúng ta đã thấy ra rằng nguyên nhân gây ra đau khổ luôn luôn là vì muốn được sở hữu và khát khao muốn giữ mãi những gì mình đã có. Ðức Phật dạy rằng cái khuynh hướng muốn sở hữu của con người là kẻ thù tệ hại nhất của họ, vì lòng tham muốn tích luỹ này đã tước đi của họ lý trí và khả năng hiểu biết, dính mắc vào một vật là phải buồn khi mất nó, ghét hay thù hận một cái gì là sẽ mất vui khi phải gần nó. Tham đắm vị kỷ đối với các đối tượng vật chất thế gian đưa đến hậu quả là phải hy sinh kho báu tinh thần để giành được cái mình mong muốn, mà vật ấy có thể lại ít giá trị hơn là khác. Vì thế tham muốn ích kỷ đã huỷ diệt khả năng phán đoán về giá trị, vì lòng tham này đặt sở hữu thế gian lên trên trí tuệ, và lợi ích cá nhân trên đạo lý. Khi tuổi già ập đến, một số người tỏ vẻ buồn bực vì họ thấy là mình không còn khoẻ mạnh như trước kia nữa. Cần phải hiểu được tấm thân này đã hoàn tất tốt phận sự của nó mới thực sự là thái độ của người có trí, và nếu nó không còn làm được nhiều việc như trước đây, chúng ta sẽ làm những gì có thể làm được một cách nhẹ nhàng và an lạc, nhưng đừng tự làm khổ mình về những đổi thay vô thường đó, không bao lâu chúng ta sẽ có những cái thân mới, và cách để bảo đảm sẽ được một tấm thân tốt đẹp như ý là chúng ta phải tận dụng hết khả năng của mình để làm mọi điều thiện với tấm thân cũ này. Tuy nhiên trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần phải bình thản, an tịnh và không bối rối, muốn làm được điều này nhất thiết chúng ta phải dừng lại mọi tham muốn, vị kỷ, đồng thời hướng tâm vị tha đến mọi người, giúp cho tha nhân với hết khả năng của mình. Chân đế thứ ba là sự diệt khổ. Chúng ta đã biết làm thế nào để khổ đau dừng lại và làm thế nào để đạt đến an lạc; bằng cách luôn luôn hướng tâm đến những điều cao thượng. Chúng ta có thể sống trong thế gian này hoàn toàn hạnh phúc, nếu như chúng ta không để cho cái tham muốn điên rồ của mình dính mắc vào nó; chúng ta sống trong cuộc đời nhưng không bị cuộc đời trói buộc, ít ra cũng không đến mức bị cuộc đời gây cho ta lo lắng, phiền muộn và khổ đau. Hiển nhiên phận sự của chúng ta là để giúp đỡ mọi người trong những lúc họ khổ đau, phiền muộn, thế nhưng, để làm được điều này một cách hiểu quả, bản thân chúng ta phải đoạn tuyệt những tham muốn ích kỷ của mình. Nếu ta sống trong cuộc đời với triết lý như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy rằng mọi sầu khổ trong ta hầu như đã hoàn toàn dừng lại. Hẳn sẽ có một số người cho rằng thái độ sống như vậy là một điều không thể đạt đến nổi. Không hẳn như vậy, chúng ta có thể vươn đến đến nó và chắc chắn sẽ làm được điều này, bởi vì chỉ khi chúng ta có được thái độ sống như vậy chúng ta mới thực sự có thể giúp cho tha nhân một cách hiệu quả. NIẾT BÀN Sự diệt tận tham ái hay tham muốn ích kỷ có nghĩa là sự thủ tiêu năm triền cái, vì tất cả mọi bất thiện pháp khác tự thân chúng cũng nằm trong một yếu tố căn để này; kết quả của sự diệt tận tham ái này được gọi là Niết Bàn. Từ Pàli "Nibbàna" được lập thành bởi "Ni" và "Vàna". "Ni" là một phân từ phủ định và "Vàna" có nghĩa là tham ái hay tham muốn ích kỷ. Vì vậy, Nibbàna nghĩa đen của nó là sự vắng mặt tham ái. Từ này còn được định nghĩa như là sự diệt tận dục tham, sân hận và si mê. Phần lớn sự giải thích mang tính tiêu cực về cứu cánh tối hậu của đạo Phật, Niết Bàn, là do hậu quả của quan niệm sai lầm cho đó là "rỗng không" hay "sự huỷ diệt". Tuy nhiên, chúng ta còn tìm thấy trong kinh điển những định nghĩa rất tích cực về Niết Bàn như "nơi nương tựa tối thượng" (Paràyama), nơi "an toàn" (Tana), "nơi độc nhất" (Kevala), "thanh tịnh tuyệt đối" (Visuddhi), "siêu thế" (Lokuttara), "giải thoát" (Mutti), "an lạc" (Santi) v.v... Trong hệ Sanskrit ngữ căn "và" nghĩa là "thổi" và tiếp đầu ngữ "nir" được dùng để biểu thọ cho "tắt", nó có thể được so sánh với tiếp đầu ngữ "ex" của La Tinh. Vì vậy, Nivàna trong hình thức Sanskrit của nó có nghĩa là "thổi tắt". Cái được thổi tắt ở đây cần phải hiểu là ngọn lửa tham dục của con người. Vì vậy, Niết Bàn không phải là tiêu cực vì chính nó đang thổi tắt cái khuynh hướng tiêu cực của con người. Niết Bàn là sự giải thoát, nhưng không phải là giải thoát khỏi cuộc đời mà thoát khỏi những trói buộc do chính chúng ta tự buộc mình vào những hoàn cảnh của cuộc đời đó. Ai là người có đủ sức mạnh để tuyên bố "bất cứ điều gì xảy đến, tôi sẽ chấp nhận với hết khả năng của mình" người ấy thực sự được tự tại, bởi vì hiện tại anh ta đang sống trong tiến trình tiến hoá tinh thần của chính mình, không phải trong những lạc thú cá nhân, và anh ta có thể tận dụng mọi thứ cho mục đích tấn hoá đó. Tự tại giải thoát không có nghĩa là người ta có thể làm mọi thứ mà họ nghĩ, hay người ta có thể hạ gục một con sư tử với một cái bớp tai. Nếu hiểu một cách đúng đắn thì tự do giải thoát không dung chứa những ý niệm hung hăng như vậy. Một số người có thể cho rằng tự do ý chí phải có nghĩa là họ có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn, thế nhưng, họ đã quên một điều là ngay chính những ước muốn đó đã hạn chế tự do của họ. Tự do nghĩa là người ta không còn bị người nào hay điều gì bắt buộc họ phải làm nô lệ. Một con người tự tại là người có thể sử dụng bất kỳ người nào hay vật gì như là một điều hữu ích. Tuy nhiên, chẳng ai có thể dùng người này như nô lệ của họ, bởi vì con người ấy đã thoát khỏi mọi tham muốn giận hờn, thù hận, ngã mạn, sợ hãi và bồn chồn dao động, những thứ phát sinh từ lòng tham vị kỷ. Những cảm xúc mù quáng như thế đã bị thổi tắt giống như người ta thổi tắt tất cả mọi ngọn nến vậy. Con người ấy thực sự tự tại trong thế gian này, đã đạt đến Niết Bàn trong cuộc đời này. Chân đế thứ tư là con đường dẫn đến sự diệt tận khổ đau, đó chính là Trung Ðạo, là Bát Chánh Ðạo. Như vậy con đường tốt nhất dẫn đến đoạn tận khổ là Trung Ðạo. Giờ đây, chúng ta tiếp tục bàn đến những bước khác của đạo lộ. Bước thứ hai là Chánh Tư Duy. Chúng ta phải tư duy đến các thiện pháp và không nên suy nghĩ đến các điều tà vạy. Chúng ta phải luôn luôn hướng tâm đến những ý tưởng cao thượng và tốt đẹp. Chánh tư duy phải bảo đảm không để dính mắc một ý niệm bất thiện nào trong đó; có một số người không hề cố ý tư duy đến những điều bất thiện hay xấu xa, tuy thế họ vẫn còn ôm ấp những tư tưởng gần kề như vậy - không xác định là bất thiện nhưng chắc chắn cũng hơi khả nghi. Ở đâu có điều gì dường như hơi khả nghi hay bất chánh khởi lên, ở đó cần phải dập tắt liền. Chúng ta phải hoàn toàn chắc chắn là những tư duy của mình chỉ là những tư duy chân chánh và hiền thiện mà thôi. Chánh Tư Duy còn có một ý nghĩa khác nữa, đó là tư duy đúng đắn. Chúng ta thường suy nghĩ một cách sai lầm hay không trung thực về mọi người chỉ vì thành kiến hay si mê của mình với họ. Chúng ta thường có quan niệm cho rằng một người nào đó là người xấu, và vì thế mọi điều y làm chắc chắn phải là điều ác. Chúng ta gán cho họ những động cơ mà thường thì những động lực này hoàn toàn không có căn cứ nào cả, khi làm như vậy vô tình chúng ta đã suy nghĩ không trung thực về họ, do vậy tư duy của chúng ta không phải là tư duy chân chánh. Chúng ta chỉ nhìn vào một khía cạnh của người đó mà không để ý đến phương diện khác của họ. Do có định kiến xấu về một người thay vì nghĩ tốt về họ, chúng ta đã vô tình làm gia tăng thêm cường độ và khuyến khích điều xấu đó. Ngược lại, nhờ tư duy chân chánh chúng ta cũng có thể tạo được sự khích lệ như thế cho khía cạnh tốt của họ phát triển. Bước thứ ba là Chánh Ngữ, ở đây một lần nữa chúng ta phải luôn luôn nói về những điều thiện, hợp với chân lý. Công việc của chúng ta không phải để nói về những hành vi xấu của người khác, trong phần lớn các trường hợp thì những chuyện về người khác mà chúng ta nghe được là hoàn toàn không trung thực, cho dù chuyện đó có thực chăng nữa thì vẫn là điều sai lầm nếu chúng ta lặp lại nó. Trong một gia đình, nếu người chồng hay vợ, con cái hoặc anh em trong nhà có làm điều gì không đúng, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy rằng thật là sai lầm nếu đem phô trương điều không hay của những người mà mình thương mến đó cho thiên hạ biết, và chưa hẳn họ đã muốn nghe nữa là khác, chúng ta phải nói với lòng kính trọng đối với mọi người như điều mà ta mong rằng họ sẽ nói về ta như vậy. Một số người tự để cho mình rơi vào sự cường điệu và không trung thực quá mức, trong khi những chuyện quan trọng họ lại xem nhẹ; chắc chắn đó cũng không phải là Chánh Ngữ, người ta cũng có quan niệm cho rằng khi gặp bạn bè thì lúc nào cũng phải nói, nếu không họ sẽ cảm thấy bị tổn thương, với cái quan niệm ra vẻ khôn ngoan đó, họ liến thoắng kéo dài câu chuyện nửa đùa nửa châm chọc và hẳn là họ luôn luôn phô trương mọi thứ trong cái thái độ khôi hài lố lịch của mình, tất nhiên tất cả những lời nói như vậy đều được xếp vào lời nói hý luận hay lời nói vô ích. Nếu phải nói ít ra chúng ta cũng nên nói một điều gì hữu ích và hữu dụng. Ngôn từ cần phải nhã nhặn, trực tiếp, mang tính thuyết phục chứ đừng vớ vẩn lung tung. Bước thứ tư là Chánh Nghiệp, ngay lập tức chúng ta nhận ra tại sao ba bước này nhất thiết phải tiếp nối theo nhau. Nếu chúng ta luôn nghĩ đến những điều thiện thì chắc chắn chúng ta sẽ không nói những điều ác; nếu tư duy và lời nói của chúng ta đã thiện thì hành động tiếp theo cũng sẽ phải là hành động thiện; hành động cần phải kịp thời. Tuy nhiên, có cân nhắc kỹ lưỡng và nhất là không hẹp hòi, ích kỷ, chúng ta sẽ làm những gì có thể làm được để giúp đỡ mọi người, chúng ta không chỉ sống một mình mà sống giữa mọi người. Do đó, bất cứ điều gì chúng ta nghĩ hoặc nói hay làm nhất thiết sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều nguời, chúng ta phải nhớ rằng tư duy, lời nói và việc làm của chúng ta không phải chỉ là những phẩm hạnh thôi, mà nó còn là những sức mạnh, tất cả đều là phương tiện được dùng để phục vụ, và nếu dùng nó khác đi là chúng ta đã làm hỏng phận sự của mình. Bước thứ năm là Chánh Mạng (nghề nghiệp chân chánh) đây là một vấn đề có thể đụng chạm đến phần lớn mọi người trong chúng ta, cách sinh nhai chân chánh là cách sinh nhai không gây tổn hại đến chúng sanh khác, điều này ảnh hưởng đến những việc buôn bán của những người hàng thịt hoặc hàng cá; tuy nhiên nó còn đi xa hơn thế nữa. Chúng ta không nên nuôi sống bản thân mình bằêng cách làm hại chúng sanh khác; vì vậy chúng ta có thể thấy rằng việc bán rượu cũng không phải là phương tiện sinh nhai chân chánh, bởi vì người bán rượu sống nhờ vào sự tai hại mà họ gây ra cho người khác. Quan niệm về chánh mạng này vẫn còn đi xa hơn nữa, lấy trường hợp của một thương gia, trong quá trình mua bán của ông ta dĩ nhiên là không chân chánh, đó cũng không phải là phương tiện sống chân chánh, vì việc buôn bán của họ không công bằng và có tính cách lừa dối mọi người. Khi chúng ta tín nhiệm một vị bác sĩ hay luật sư nghĩa là chúng ta hy vọng họ sẽ đối xử với ta một cách công bằng. Cũng như vậy, người mua hàng đi đến người bán cũng mong sao họ đối xử ân cần và sòng phẳng với mình, chính vì vậy mà người thương nhân cần phải lương thiện với khách hàng như ông bác sĩ với bệnh nhân và luật sư với thân chủ của mình vậy. Chúng ta có quyền kiếm lời một cách hợp lý trong quá trình mặc cả, nhưng chúng ta cũng cần lưu ý đến phận sự của mình. Bước thứ sáu là Chánh Tinh Tấn, đây là một bước vô cùng quan trọng. Chúng ta không nên thoả mãn với cái thiện có tính tiêu cực. Vấn đề được mong đợi ở chúng ta không phải chỉ đơn thuần tiết chế hay tránh làm điều ác, mà phải là hành động thiện mang tính tích cực. Khi Ðức Phật đưa ra lời giáo huấn ngắn gọn trong bài kệ, Ngài mở đầu bằng câu "không làm các việc ác" thế nhưng câu kế tiếp Ngài nói: "Hãy làm các điều thiện". Mỗi người chúng ta có một sức mạnh, không phải chỉ ở thể xác, mà còn ở tinh thần, sức mạnh này có thể thực hiện một số công việc nào đó. Mỗi chúng ta cũng có một số ảnh hưởng nào đó giữa những bạn bè và quyến thuộc của mình. Ảnh hưởng đó có nghĩa là sức mạnh và chúng ta có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn sức mạnh này sao cho thật xứng đáng. Chung quanh chúng ta là con cái, thân quyến, kẻ ăn, người làm, và tác động trên những người này chúng ta có một số ảnh hưởng nhất định, ít nhất cũng bằng sự gương mẫu của mình. Do đó, chúng ta phải rất thận trọng đối với những gì chúng ta nói hoặc làm, vì mọi người sẽ bắt chước theo chúng ta. Bước thứ bảy là Chánh Niệm, sự chú tâm cẩn mật này dẫn chúng ta đến cái thấy đúng đắn và đạt đến chánh tri kiến. Từ đó, chúng ta thấy vượt qua những cặp đối đãi (tốt - xấu, thiện - ác..v.v...). Người không thực hành chánh niệm chẳng khác nào món đồ chơi của những ảnh hưởng phức tạp mà họ va chạm trong cuộc sống; họ như cái nút bấc nổi trôi mặc cho sóng nước dập vùi. Họ phục tùng một cách vô ý thức cho những đòi hỏi của thế xác và môi trường tâm linh của họ. Chúng ta cần phải ý thức (chú niệm) đối với những hoạt động của mình, cả ở thân lẫn tâm, không để cho những gì diễn ra bên trong chúng ta thoát khỏi mà không kịp ghi nhận. Chúng ta cũng phải ý thức được các cảm thọ khi nó sanh khởi và hiểu rõ nó. Một khi khả năng ghi nhận này tăng cao và khi người ta đã tiến đến mức, ở đây không một hiện tượng nào sanh khởi bị bỏ sót. Lúc đó, chúng ta tiếp tục quan sát để tìm ra nguyên nhân sanh khởi của các hiện tượng. Khi sân hận phát sinh, chúng ta biết rõ mình đang sân và thấy ra nguyên nhân của nó, đồng thời dự đoán trước hậu quả của nó. Bằng cách này chúng ta sẽ kiểm soát được mọi cảm thọ, đố kỵ, dục vọng và âu lo..v.v.. . của mình. Nếu có làm một hành động thiện, chúng ta cũng sẽ tự hỏi mình xem vì động cơ gì mà làm. Kết quả của việc tự vấn này thường có một ảnh hưởng mạnh mẽ để giảm thiểu hoá bản chất ích kỷ của chúng ta. Việc thực hành chú niệm hoàn hảo là một phương tiện để tự tri và để hiểu rõ cái thế giới chúng ta đang sống, kết quả sẽ đưa đến chánh tư duy. Pháp hành khác trong lãnh vực chánh niệm này là luyện tập ký ức, chẳêng hạn cuối mỗi ngày chúng ta hồi tưởng lại những việc mình đã thực hiện, những cảm thọ mình đã trải qua, những tư tưởng mình đã ấp ủ. Việc làm này được tiến hành ngược lại, có nghĩa là chúng ta bắt đầu hồi tưởng đến ý nghĩ cuối cùng mà mình đã ấp ủ trong ngày hôm đó, cứ như thế chúng ta trở lui lại cho đến khoảnh khắc đầu tiên sau khi thức dậy. Mục đích của việc luyện tập này đơn giản dạy cho chúng ta không cho phép những gì mà ngũ quan của mình đã tiếp nhận, hoặc những ý niệm thoáng qua tâm chúng ta bị mờ nhạt đi; pháp hành này khi đã phát triển đúng mức sẽ đem lại kết quả giúp ta đạt đến Túc Mệnh Minh (trí nhớ được các kiếp sống đã qua). Bước thứ tám là Chánh Ðịnh, đây chính là sự tập trung chân chánh trên một đối tượng. Thiền chỉ được thực hành sau khi có sự tập trung này. Trong thiền định chúng ta khởi sự với những đề mục đơn giản, và trong thiền quán chúng ta đưa cái ý niệm rõ ràng về đề mục đơn giản đó lên cấp độ tâm và trí cao hơn. Ðể rõ ràng hơn về điều này, chúng ta hãy tưởng tượng một người nào đó đang đổ nước từ trên vào một cái thùng, nếu cái thùng đó bị lủng lỗ hai bên hông và dưới đáy nước sẽ tuôn ra ngoài; nhưng nếu những lỗ thủng này được bịt lại, nước sẽ dâng lên. Ða số chúng ta đều giống như cái thùng đầy lổ thủng và sẵn sàng rò chảy này, vì thế chúng ta không thể tập trung tư tưởng của mình lại được. Thiền cũng như đổ nước, tập trung (Ðịnh) cũng như bịt lại các lỗ thủng. Sự tập trung hay định này giúp cho tâm chúng ta kiên cố, không bị rò chảy và thiền đổ vào đó với tri kiến rõ ràng và trí tuệ. Nhờ thiền trên một đối tượng chọn sẵn, chúng ta sẽ quan sát đối tượng đó một cách rõ ràng và hiểu được chức năng của nó trong sự liên hệ với các điều khác, vì thế cho nên nhờ hành thiền mà chúng ta mở rộng được tri kiến và trí tuệ. Khi việc hành thiền của chúng ta đã phát triển đầy đủ nó sẽ mở lối cho trí tuệ trực giác và những năng lực siêu phàm khác, những năng lực này có thể được chứng nghiệm ngay trước khi chúng ta đạt đến trạng thái Niết Bàn. Về một phương diện nào đó thì thực sự đây là những năng lực huyền bí, vì chúng rất khó hiểu đối với những người chưa phát triển tâm họ theo cách này. Mặt khác, những năng lực này hoàn toàn không có gì huyền bí, vì nó rất dễ hiểu đối với những người đã thực hành chánh định một cách tích cực và chân thành. Thực ra, chúng chỉ là hình thức mở rộng của những năng lực người ta sử dụng trong đời thường. Vào lúc những năng lực này phát triển chúng ta có thể thấy những điều mà trước đây chúng ta không thể thấy, và vì tâm của chúng ta rất thanh tịnh, giống như một gương mặt bóng láng có thể phản chiếu mọi vật xuất hiện trước nó. Nếu mặt gương không sạch, chúng ta chẳng thấy được gì trong đó,cũng vậy, không có thiền tâm chúng ta và những tư duy của chúng ta có thể bị pha lẫn với tham, sân, si. Tuy nhiên khi chúng ta đã được tịnh hoá và pháp triển bằng thiền pháp, chúng ta sẽ thấy được thực tướng của các pháp và trí tuệ của chúng ta sẽ chói sáng từ đó. -ooOoo-
Ðầu trang |
Mục lục |
01 |
02 |
03 |
04 |
05 |
06 |
07 |
08 |
09 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 | 16 |
17 |
18 |
19 |
20 | |
Chân thành cám ơn Tỳ kheo Pháp Thông đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2002)
Xem: Nguyên tác Anh ngữ
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 16-08-2002