Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Kinh nghiệm tu tập trong đời thường »» Khi có người thân qua đời »»

Kinh nghiệm tu tập trong đời thường
»» Khi có người thân qua đời

Donate

(Lượt xem: 3.239)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Kinh nghiệm tu tập trong đời thường - Khi có người thân qua đời

Font chữ:


Diễn đọc: Văn Tuấn

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Tuần thứ 3 tháng 5 năm 2017


Chỉ trong vài ngày cuối tuần qua, chúng tôi liên tục nhận được tin buồn từ nhiều thân hữu có người thân đã và sắp sửa qua đời. Sinh, trụ, dị, diệt là quy luật chung của toàn vũ trụ và sinh, lão, bệnh, tử là những điều không ai trong chúng ta tránh khỏi. Mặc dù vậy, một khi thời khắc vô thường xảy đến, ta cũng không thể không đau lòng trước sự đau thương mất mát khi người thân của mình vĩnh viễn ra đi.

Tuy nhiên, sự đau đớn tiếc thương cho dù là lẽ thường tình, lại không giúp ích được gì cho người thân sắp chết hoặc vừa quá cố. Thay vì vậy, nếu chúng ta có thể bình tĩnh ghi nhớ và làm theo những lời Phật dạy thì có thể mang đến lợi lạc đôi đường, cho cả người chết lẫn người sống. Trong lá thư tuần này, chúng tôi xin đề cập đôi điều về chủ đề này, vì cho dù không mong muốn nhưng trong tất cả chúng ta không ai tránh khỏi sẽ có lần phải đối diện với sự thật này.

Trước hết, theo lời Phật dạy, khi muốn thực hiện bất kỳ điều gì lợi lạc cho người thân đã quá cố, chúng ta cần thiết phải xác lập niềm tin vững chắc vào hai sự thật sau đây:

1. Cái chết không phải là chấm dứt tất cả

Điều này mới nghe có vẻ như thừa, vì hầu hết người Phật tử chúng ta đã tin chắc vào nhân quả thì đương nhiên phải tin vào việc có một hình thức tồn tại tiếp diễn sau khi chết. Bởi nếu không như thế thì quy luật nhân quả sẽ trở thành vô nghĩa vì không còn thời gian để hiển lộ.

Tuy nhiên, một niềm tin như thế vẫn là chưa đủ để chúng ta có thể cảm nhận, tương giao với tâm thức người chết. Vì vậy, chúng ta cần tin và hiểu cụ thể hơn về sự tồn tại như thế nào của tâm thức sau khi chết. Có như thế, ta mới có thể hình dung được sự hiện hữu của người thân mình ngay cả sau khi người ấy đã nhắm mắt lìa đời. Tất nhiên, đối với việc này thì chúng ta chỉ có thể đặt niềm tin hoàn toàn vào lời dạy trong Kinh điển, bởi tất cả chúng ta chưa ai đã từng trải qua cái chết.

Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy rằng, sau khi chết thần thức chúng sinh đi vào một trạng thái gọi là thân trung ấm. Đây cũng là một dạng tái sinh, nhưng đời sống của thân trung ấm chỉ có thể kéo dài được tối đa khoảng 7 ngày (thay vì con số 100 năm cho kiếp người). Sau 7 ngày (tức một tuần thất), thân trung ấm lại chết đi và lập tức tái sinh thành một thân trung ấm khác. Điều này có thể lặp lại tối đa là 7 lần, và như vậy đời sống trong cảnh giới trung ấm của người chết có thể kéo dài tối đa là 7 tuần lễ, tức 49 ngày.

Đây là căn bản trong lời Phật dạy để hình thành việc tổ chức tuần thất và cầu siêu cho người chết kéo dài trong 49 ngày. Cũng trên căn bản những lời dạy này và một số lời dạy rải rác trong các Kinh điển khác, các vị Tổ sư, Luận sư đã giảng giải cho chúng ta hiểu rõ hơn về những lời dạy của Phật.

Ở đây cần nhấn mạnh hai chữ “có thể”, vì không nhất thiết tâm thức người chết bao giờ cũng lưu lại đủ thời gian đó trong trạng thái trung ấm. Một người chân chánh tu tập đã liễu sinh thoát tử, có thể chỉ đi vào cảnh giới trung ấm trong một sát-na ngắn ngủi hoặc thậm chí vượt qua nó để tái sinh tức thời vào cảnh giới tương ứng với nguyện lực hay thiện nghiệp lớn lao của vị ấy. Một người có thiện nghiệp trung bình có thể lưu lại một hai tuần hoặc lâu hơn trong cảnh giới trung ấm trước khi tái sinh theo nghiệp lực. Tương tự, một người làm những điều cực ác (như ngũ nghịch tội) có thể sẽ bỏ qua cảnh giới trung ấm và tái sinh tức thời vào địa ngục, do ác nghiệp quá nặng nề. Nếu ác nghiệp có phần nhẹ hơn, họ sẽ lưu lại một thời gian trong cảnh giới trung ấm rồi tái sinh vào một cảnh giới xấu nào đó...

Nhưng cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tất cả chúng sinh đều chỉ có thể lưu lại trong trạng thái trung ấm tối đa không quá 49 ngày. Sau thời gian đó, dù họ có lưu luyến với đời sống cũ đến mức nào, họ cũng vẫn bị thôi thúc phải đi tái sinh bởi nghiệp lực đã tạo.

Cũng theo Kinh điển, trong thời gian tái sinh vào cảnh giới trung ấm, thần thức có nhiều điểm đặc thù hơn so với đời sống bình thường của mọi chúng sinh.

Do không bị trói buộc trong thân thể vật chất, thần thức có thể tức thời hiện hữu ở bất kỳ nơi đâu mà họ khởi tâm nghĩ đến; có thể nghe thấy, nhìn thấy, cảm nhận được (tất nhiên không phải bằng những giác quan như khi còn sống) khi có những chúng sinh khác nghĩ tưởng, nhắc đến họ; có thể nghĩ nhớ, luyến tiếc, cảm xúc với những gì họ nghe thấy, nhìn thấy. Điều quan trọng nhất là thân trung ấm không có cảm giác rằng đời sống cũ của họ đã chấm dứt, mà vẫn thấy như họ đang tiếp tục kéo dài đời sống cũ. Họ vẫn nhớ biết mọi việc đã xảy ra trong đời, những thiện nghiệp, ác nghiệp họ đã tạo, những niềm tin họ đã theo đuổi v.v...

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, nghiệp lực tạm thời lắng xuống. Đó là lý do khiến họ không tái sinh tức thời. Tâm bản nhiên thanh tịnh vốn luôn hiện hữu trong mọi chúng sinh nên vào lúc này có thể tạm thời tỏa chiếu và thần thức cảm thấy sáng suốt đến một mức độ nào đó, không bị che mờ bởi nghiệp lực. Điều này có thể hình dung như trạng thái cực kỳ yên tĩnh trước cơn bão lớn, cơn bão của nghiệp lực từ vô số kiếp.

Trong những giây phút yên lắng quý báu này, nếu thần thức có được sự trợ duyên từ những gì họ thấy, nghe nơi những người thân - mà do luyến ái nên họ không rời xa được - thì họ có thể hướng tâm về Phật pháp, có thể tiêu trừ nhiều ác nghiệp, thậm chí nếu hội đủ nhân duyên và niềm tin thì có thể được vãng sinh Tịnh độ.

Tất nhiên sẽ có nhiều nghi vấn nảy sinh, chẳng hạn như câu hỏi: Nếu vậy thì những ác nghiệp họ đã tạo sẽ không có kết quả, chẳng phải là trái với luật nhân quả hay sao?

Câu trả lời là: Tất cả đều do tâm thức tạo ra. Tâm có thể tạo nghiệp thì cũng có thể tiêu trừ nghiệp. Tâm thọ nghiệp là tâm phàm phu, tâm có thể tiêu trừ nghiệp là tâm giải thoát. Nếu không phải vậy thì chư Phật không thể thành Phật, vì ác nghiệp là vô số từ vô lượng kiếp, nên thời gian thọ nghiệp cũng sẽ không có lúc cùng tận! Vấn đề ở đây là làm sao để đạt đến tâm giải thoát, và Phật pháp chính là phương tiện. Do đó, chúng ta phải tin chắc vào kết quả của những việc làm tốt đẹp để hồi hướng về cho người chết, như niệm Phật, tụng kinh, bố thí, cúng dường, in ấn Kinh sách v.v...

2. Nhân quả không đơn thuần chỉ như những gì ta nhìn thấy, nhận biết

Đây là sai lầm của phần lớn những người tin nhân quả. Sai lầm này trong một chừng mực nào đó là vô hại và thậm chí còn có lợi, vì nó giúp chúng ta tiếp cận với luật nhân quả theo cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ở mức độ sâu xa hơn nó sẽ dẫn đến những hiểu biết sai lầm khác và thậm chí làm nảy sinh sự hoài nghi, phản bác nhân quả. Đây là lý do chúng ta thấy có nhiều vị trí thức hoặc thậm chí cao tăng một thời, bỗng nhiên đến một lúc nào đó quay sang phản bác nhân quả. Trong Kinh Đại Bát Niết-bàn có ghi lại trường hợp của tỳ-kheo Thiện Tinh, giảng giải được tất cả Kinh điển nhưng cuối cùng rơi vào địa ngục vì phản bác nhân quả, chính là ví dụ cho trường hợp này.

Đức Phật dạy: “Chỉ có Phật mới nhìn thấy hết nhân quả của chúng sinh. Hàng Bồ Tát Thập địa tuy thấy biết sâu rộng nhưng vẫn còn có chỗ chưa biết.”

Lời dạy này cho chúng ta thấy được rằng, những gì chúng ta thấy biết và hiểu về nhân quả là đúng nhưng chưa đủ. Kinh Hoa Nghiêm đưa ví dụ về thế giới chúng sinh hiện hữu như một tấm lưới trời Đế-thích, có vô số mắt lưới đều đính những viên ngọc sáng, mỗi viên ngọc đều phản chiếu trong nó vô số những viên ngọc khác. Như vậy, một thay đổi nhỏ của mỗi viên ngọc sẽ được phản ánh trong vô số viên ngọc. Cho nên, ngoài trí tuệ của đức Phật (Nhất Thiết Trí) thì việc nhận biết và thấu hiểu tất cả là điều bất khả.

Một số người thường dẫn lời Phật dạy trong kinh A-hàm rằng: “Cây nghiêng về hướng nào thì khi đổ sẽ ngã về hướng ấy” để bác bỏ ý nghĩa của sự cầu nguyện, cho rằng việc hộ niệm hay thực hành thiện hạnh hồi hướng cho người chết đều là vô ích. Theo họ, nếu tâm thức người chết phải tùy nghiệp tái sinh, thì những việc cầu nguyện, hộ niệm v.v... phỏng có ích gì? Như cái cây khi sống đã nghiêng về hướng đông, thì lúc bị đốn ngã không thể ngã sang hướng tây được. Cũng vậy, con người lúc sống tạo ra bao nhiêu nghiệp lành dữ khác nhau, khi chết đi tất nhiên phải theo kết quả của những nghiệp lành dữ đó mà tái sinh vào đời sống mới, tốt đẹp hoặc xấu ác, dù chúng ta có muốn giúp đỡ cũng không làm được gì.

Suy nghĩ như vậy là đúng nhưng chưa đủ, vì thật ra chúng ta không ai thấy hết được nghiệp lành dữ của một người, càng không thể lượng định được tất cả những nghiệp lành dữ của người ấy trong nhiều đời đã qua. Ngay chính như hình ảnh cái cây nghiêng trong ví dụ này, cũng đã là điều không phải dễ dàng xác định được.

Vào những năm 1978-79, bản thân tôi phải thường xuyên phải làm công việc phá rừng làm rẫy. Tự tay tôi đốn ngã cây rừng, chờ khô rồi đốt sạch đi để lấy đất trồng đậu, trồng bắp... Với những cây rừng lớn khoảng bằng thân người, việc đốn ngã phải hết sức thận trọng. Có nhiều người chết vì cây đè, do không đoán đúng được hướng ngã của cây. Nếu người đốn cây đoán sai và đứng ở hướng cây đổ thì khả năng chạy tránh là rất khó. Cây đổ xuống có khi chuyển mình trong một hai phút rồi quay đảo, lắc lư qua lại theo nhiều chiều và cuối cùng ngã ập xuống rất nhanh. Và đã bị cây đè thì phần lớn là chết ngay tại chỗ.

Chúng tôi đoán hướng ngã của cây bằng cách quan sát tán cây, phán đoán xem trọng tâm cây nghiêng về bên nào và “mở bụng” cây, tức là khoét rộng theo hình chữ V vào bên đó. Sau khi khoét vào khoảng 2/3 chiều ngang thân cây, người đốn cây mới quay sang “chích lưng”, tức là đốn vào phía ngược lại của thân cây và cao hơn vị trí mở bụng khoảng 2 - 3 tấc. Nếu mọi việc suôn sẻ, phán đoán chính xác, thì chỉ cần chích một phần, cây sẽ chuyển mình, nghiêng dần rồi đổ xuống. Nhưng nếu phán đoán sai, hoặc rủi ro khi độ nghiêng của cây quá ít và đúng lúc chuyển mình lại có gió thổi theo chiều ngược lại, ắt sẽ xảy ra tình trạng “ngã ngược”, nghĩa là cây ngã về hướng người đốn cây đang đứng.

Như vậy, để biết chính xác “cái cây nghiêng về hướng nào” cũng không phải chuyện hoàn toàn dễ dàng. Lời Phật dạy là đúng, nhưng trước hết chúng ta phải biết chắc được hướng nghiêng của cây, và cụ thể ở đây là tất cả những thiện nghiệp và ác nghiệp của người chết.

Nhưng chúng ta đâu thể nhìn thấy hết? Chuyện trong đời này cũng không thể thấy hết, mà chuyện nhiều đời trước nữa thì càng không thể biết.

Do vậy, bất kể người thân của ta khi còn sống có là người như thế nào đi chăng nữa, một suy nghĩ và niềm tin tích cực vào giờ phút ra đi vĩnh viễn của họ vẫn luôn là điều cần thiết. Đã là con người phàm tục, không ai trừ diệt hết tham, sân, si... nên trong đời sống không thể tránh khỏi có những sai lầm, vấp váp hoặc phạm vào những điều tội lỗi. Dù vậy, trong giờ phút tiễn biệt và hộ niệm cho người chết, tốt hơn là chúng ta nên suy nghĩ theo hướng tích cực để có thể đặt trọn niềm tin vào việc cầu nguyện cũng như thực hành những điều tốt đẹp hướng về người chết.

Hơn thế nữa, trong hình ảnh cây đổ như mô tả trên, có thể thấy hướng gió và sức gió thổi vào lúc cây đổ cũng là một yếu tố quyết định. Cũng vậy, cho dù có nghiệp lành dữ đã tạo, nhưng cũng có những nhân duyên thuận nghịch góp phần vào sự tái sinh của một người. Trong nhiều Kinh điển, đức Phật có dạy về cận tử nghiệp và xác định rằng đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định sự tái sinh của một người. Vì thế, khi có người thân sắp lâm chung, nếu có thể hướng tâm người ấy về với Tam bảo, về với những ý tưởng hiền thiện, vị tha, đó chính là thuận duyên tốt nhất để tạo một cận tử nghiệp tốt đẹp cho người ấy.

Dựa vào những niềm tin căn bản như trên, khi có người thân sắp qua đời, chúng ta nên tận dụng mọi cơ hội để nhắc nhở người ấy về sự hướng tâm quy y Tam bảo, nhắc nhở về những thiện nghiệp mà người ấy đã làm, khuyên người ấy nên tha thứ cho tất cả những lỗi lầm của người khác mà không để tâm phiền trách hay hờn giận. Tùy theo niềm tin của người sắp lâm chung, việc tụng kinh, niệm Phật cũng có thể giúp ích rất nhiều để tạo một cận tử nghiệp tốt đẹp.

Đối với người vừa mới qua đời, người thân cũng có thể đứng bên di hài, trò chuyện nhắc nhở như khi còn sống, nhắc nhở người ấy niệm Phật và buông xả những gì còn vướng mắc, xin họ tha thứ cho những người còn sống về những gì họ đã không phải với mình. Nếu không có niềm tin, chúng ta sẽ thấy việc này là vô ích, thậm chí là ngớ ngẩn. Nhưng với niềm tin vững chắc vào những điều đã nói ở phần trên, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng tâm thức người chết vẫn còn lưu luyến quanh ta, có thể nghe và hiểu được những lời ta khuyên nhủ. Chính trong ý nghĩa này mà nghi lễ Phật giáo có lễ Thuyết linh, là lúc vị thầy thuyết pháp cho tâm thức người vừa qua đời được nghe.

Trong thời gian 49 ngày sau cái chết, tất cả những người thân, anh chị em... nên thường xuyên niệm Phật, tụng kinh, tuyệt đối không nên nghĩ đến, nhắc đến những việc không hay trước đây của người chết, để tránh làm cho tâm thức người chết có thể sân hận khi thấy nghe những việc ấy... Cũng không nên than khóc lớn tiếng trong lúc lo tang sự, vì có thể làm cho tâm thức người chết xáo động hoặc thêm phần luyến ái. Đó là những cách thức tích cực để giúp người quá cố có thể dễ dàng hơn trong việc tái sinh về một cảnh giới tốt đẹp hơn.

Hơn thế nữa, trong thời gian 49 ngày hãy thường nghĩ nhớ đến người quá cố, và hướng tâm làm tất cả những việc hiền thiện để hồi hướng công đức cầu nguyện cho họ. Việc tổ chức cúng tuần thất cũng nên nằm trong ý nghĩa đó, tránh những hình thức rình rang vô ích, trái với tinh thần Phật dạy. Nếu có thể vì người chết làm những việc lợi lạc tha nhân như bố thí, phóng sinh, ấn tống kinh sách v.v... thì chẳng những có lợi cho người chết mà rõ ràng là cũng có lợi cho cả người còn sống nữa.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 27 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chớ quên mình là nước


Rộng mở tâm hồn


Lược sử Phật giáo


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.98.10 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...