Một trong những quyết định có tầm quan trọng nhất trong đời ta là quyết
định đi đến hôn nhân. Nhưng một trong những quyết định thường là bốc
đồng nhất lại chính là quyết định đến với tình yêu. Trong khi đó, tình
yêu và hôn nhân lại là hai vấn đề hầu như luôn đi đôi với nhau, với sự
gắn bó và tương quan chặt chẽ như một.
Nhận xét trên đây xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, nhưng cho dù
chúng ta không lý giải được những điều đó thì chúng ta vẫn rất thường có
khuynh hướng như thế.
Vì sao quyết định đi đến hôn nhân có tầm quan trọng nhất trong đời chúng
ta? Có 2 yếu tố để đưa ra nhận xét này. Thứ nhất, đây là một quyết định
có ảnh hưởng lâu dài, trong hầu hết các trường hợp thì ảnh hưởng của
quyết định này kéo dài đến suốt cuộc đời chúng ta. Thứ hai, đây là quyết
định hầu như không thể thay đổi, và một khi phải thay đổi thì luôn để
lại những thương tổn không mong muốn cho cả đôi bên.
Tất nhiên, cách nhìn của các bạn trẻ ngày nay về vấn đề hôn nhân cũng đã
có những khác biệt nhất định so với các thế hệ trước đây, nhưng những
khác biệt ấy có thực sự cải thiện được vấn đề hơn trước hay không thì
chúng ta còn phải xem xét lại.
Vì sao quyết định đến với tình yêu lại thường là quyết định bốc đồng
nhất? Tất nhiên ở đây chúng ta đang nói đến những trường hợp “thường
gặp” mà không phải là tất cả. Sự bốc đồng vốn là một trong những đặc
điểm tự nhiên của tuổi trẻ ở ngưỡng cửa vào đời, và sự bốc đồng trong
tình yêu lại là một khuynh hướng càng tự nhiên hơn nữa.
Khi chúng ta bước vào độ tuổi trưởng thành, có một bản năng tự nhiên
cuốn hút chúng ta về phía người khác phái. Tất cả chúng ta đều không thể
phủ nhận bản năng tự nhiên vốn có này, cho dù nhiều người có thể gọi nó
bằng những tên gọi khác nhau.
Điều thực tế là chúng ta chịu sự lôi cuốn của hầu hết những người khác
phái, chỉ có điều là “cường độ” của sức lôi cuốn ấy có khác nhau ở từng
người. Và khuynh hướng thông thường là ta rất hiếm khi để cho lý trí
tham gia vào quá trình phán đoán hay cân nhắc những “sức hút” này, mà
điều đó diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên đến nỗi bản thân chúng ta
cũng rất ít khi phân tích các yếu tố liên quan.
Cho dù vậy, sự phân tích vấn đề cũng có thể giúp ta nhận ra được một vài
yếu tố nổi bật đã tham gia vào việc quyết định mức độ lôi cuốn của một
đối tượng khác phái đối với chúng ta.
Yếu tố thứ nhất là ngoại hình. Thường thì chúng ta gọi đây là sắc đẹp,
nhưng nói như vậy chỉ đúng mà chưa đủ. Hơn nữa, ngoại hình của người con
trai cũng là yếu tố tạo ra sức cuốn hút đối với một người con gái, và
trong trường hợp này thì chúng ta thường không gọi là “sắc đẹp”. Ngoại
hình là một danh từ bao quát hơn, chỉ chung cho tất cả những dáng vẻ bên
ngoài mà chúng ta có thể nhìn thấy ở đối tượng.
Rất nhiều khi chúng ta thích một người nào đó nhưng vẫn phải thừa nhận
là người ấy không đẹp. Người ta thường gọi những trường hợp này là “có
duyên ngầm”. Cái “duyên ngầm” ấy được tạo ra từ nhiều yếu tố mà đôi khi
ta khó lòng nhận biết hết, chẳng hạn như dáng điệu, cử chỉ, giọng nói,
nét cười... tuy không nổi bật lắm nhưng lại có vẻ gì đó rất hài hòa, êm
ả, tạo cho ta cảm giác thích nhìn ngắm, gần gũi...
Mặt khác, chúng ta không phủ nhận vai trò của sắc đẹp trong việc tạo ra
sức lôi cuốn của một người con gái, nhưng trong thực tế thì đây lại
không phải là yếu tố quyết định. Có thể là bạn vẫn thích ngắm nhìn những
người con gái đẹp, nhưng khi thực sự rung động và chọn lựa một đối tượng
của lòng mình, bạn có chọn người con gái đẹp nhất trong số những người
mà bạn đã gặp hay chăng? Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi nếu điều
này mà đúng thật thì sẽ chẳng ai trong chúng ta dám đi xem những cuộc
thi hoa hậu cả! Như vậy, chúng ta có thể thấy là còn nhiều yếu tố khác
tạo nên sức cuốn hút của một người đối với người khác phái.
Người xưa thường nói “trai tài, gái sắc” để hàm ý nhấn mạnh tính chất
quan trọng của mỗi yếu tố đối với nam và nữ là khác nhau. Nhưng ngày nay
có khác, bởi vì cái “sắc” của người con trai cũng không phải là không
được quan tâm, và cái “tài” của người con gái cũng là điều không kém
phần quan trọng.
Yếu tố thứ hai thuộc về cái gọi là “tính tình” hay “cá tính”. Tất nhiên
chúng ta không bao giờ có thể nêu ra một khuôn mẫu lý tưởng chung cho
tất cả mọi người, bởi vì khuôn mẫu ấy sẽ không thể có trong thực tế, và
nếu có thì cũng không phải thực sự cuốn hút đối với tất cả mọi người. Ở
đây yếu tố tương thích được nhấn mạnh. Chẳng hạn, một người có tính tình
điềm đạm, kín đáo có thể là rất đáng yêu đối với tôi nhưng lại không
thích hợp đối với bạn, bởi vì bạn yêu thích một cá tính năng động và vui
tươi hơn... Vì thế, chúng ta cảm thấy lôi cuốn mạnh mẽ nhất bởi một đối
tượng là khi đối tượng ấy có tính tình, cá tính “thích hợp nhất” với ta,
chứ không phải “tốt đẹp nhất” theo những tiêu chuẩn, khuôn mẫu trong xã
hội.
Và cái gọi là “thích hợp nhất” cũng không phải là điều mà lý trí có thể
phán đoán được. Có nhiều đôi bạn cứ gặp nhau là luôn có chuyện “choảng
nhau”, nhưng lại rất “thích hợp” với nhau. Bởi vì chính cái “tương phản”
mà người ngoài nhìn thấy đó lại chính là cái mà họ cần đến và yêu thích!
Nhưng nếu chúng ta kết hợp xem xét cả hai yếu tố ngoại hình và cá tính
như trên, chúng ta cũng hoàn toàn không thể thực hiện được một phép tính
để đi đến kết quả đo lường sức hấp dẫn của một đối tượng đối với người
khác phái.
Trong thực tế thì vấn đề phức tạp hơn nhiều và thường là chúng ta không
mấy khi có cơ hội thực hiện việc phân tích, phán đoán chi ly trước lúc
trái tim ta rung động. Và vì thế mà tôi cho rằng quyết định đến với tình
yêu thường là quyết định bốc đồng nhất. Tính chất bốc đồng thể hiện rõ ở
điểm là chúng ta không thể có được sự cân nhắc do dự cần thiết, và cũng
không có – hoặc có rất ít – sự tham gia phán đoán của lý trí trước khi
đi đến quyết định.
Tình yêu là tiền đề của hôn nhân, đó là điều tất nhiên không thể phủ
nhận. Vì thế, nhận xét vừa nêu trên của chúng ta có giá trị chỉ ra một
mức độ rủi ro khá cao khi tiến đến hôn nhân. Đó cũng là điều tất nhiên
khi một quyết định quan trọng nhất lại đặt nền tảng trên một quyết định
bồng bột nhất. Tuy không phân tích rõ vấn đề như trên, nhưng hầu hết
chúng ta đều nhận biết được thực tế này. Chính vì vậy mà xưa nay người
ta vẫn thường xem hôn nhân là vấn đề “may rủi”, “trong nhờ đục chịu”, và
không mấy ai dám tự tin hoàn toàn về quyết định chọn lựa của chính mình
trong hôn nhân.
Nhưng khi nhận rõ được vấn đề, bạn có thể tự mình thắp lên một ngọn đèn
soi sáng hơn cho sự việc.
Bạn có rất ít khả năng thay đổi những cảm nhận và rung động của mình
trong tình yêu, bởi vì như đã nói, đó là vấn đề của con tim mà không
phải của lý trí. Vì thế, vấn đề quan trọng và hợp lý ở đây là cần phải
đặt một dấu nối giữa tình yêu và hôn nhân, sao cho trong sự liên kết hai
vấn đề này còn có một khoảng dừng thích hợp mà không phải là một sự tiếp
nối tự nhiên không phán đoán.
Khi chúng ta không có một khoảng dừng thích hợp, tình yêu bốc đồng của
chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng những cảm xúc bốc đồng ngày càng mạnh mẽ
hơn, và nó khống chế hoàn toàn lý trí của ta, dẫn ta đến một quyết định
tiếp theo đó với tính chất “may nhờ rủi chịu” mà hoàn toàn không có sự
tham gia phán đoán của lý trí.
Để có được cái “khoảng dừng thích hợp” như tôi vừa nói, điều trước tiên
là bạn cần phải có một nhận thức chính xác hơn về tình yêu. Bạn cần thấy
được rằng, cho dù có sự tương quan tất yếu, nhưng tình yêu vẫn chưa phải
là hôn nhân, mà nhất thiết cần phải có thêm một số yếu tố thích hợp khác
nữa.
Với nhận thức này ngay từ đầu, bạn sẽ có phần sáng suốt hơn trong tình
yêu, nhận rõ được giới hạn của nó để có thể dừng lại đúng lúc không vượt
qua.
Tất nhiên là khi yêu nhau chúng ta luôn mong muốn sẽ được chung sống mãi
mãi với người mình yêu, nhưng điều đó không có nghĩa là một sự “nhắm mắt
đưa chân” phó mặc cho “số mệnh”. Những cảm xúc mãnh liệt trong tình yêu
tự nó không thể đảm bảo một cuộc sống chung hạnh phúc lâu dài trong quan
hệ hôn nhân, mà cần có những yếu tố khác nữa. Nếu chúng ta quên đi điều
này thì tính chất may rủi trong hôn nhân của chúng ta sẽ là điều tất
nhiên không sao tránh khỏi.
Điều tự nhiên là chúng ta không muốn chia tay với người mình yêu, nhưng
khi chúng ta có thể đủ sáng suốt để nhận ra điều này là cần thiết thì nó
sẽ tốt đẹp hơn nhiều so với một cuộc chia tay sau hôn nhân.
Chính sự cân nhắc đến khả năng này là khoảng dừng thích hợp mà tôi muốn
nói. Bởi vì sự cân nhắc ấy cho bạn một cơ hội để có thể lùi lại một chút
và quan sát, phân tích những mối tương quan giữa hai người, thấy được
những yếu tố cần thiết cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc dài lâu, và cũng
đánh giá được chính xác hơn về những khả năng của chính mình trong việc
xây dựng cuộc hôn nhân sắp tới.
Việc tiến đến hôn nhân mà không có sự cân nhắc thoả đáng như trên chính
là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng vọt
trong các xã hội phương Tây, và hiện cũng đang có dấu hiệu gia tăng đáng
lo ngại ở nước ta.
Nhưng vì sao ngày nay người ta thường tiến đến hôn nhân mà không có sự
cân nhắc thoả đáng? Ngoài yếu tố tình cảm bốc đồng như đã nói, quan điểm
mới về hôn nhân và ly hôn cũng là một trong những lý do quan trọng.
Ngày xưa, quan hệ hôn nhân được xem là một sự gắn bó không thể thay đổi,
và việc ly hôn không được mấy ai tán thành. Khi một cặp vợ chồng chia
tay nhau, điều đó được xem như nỗi đau của cả dòng họ, thân tộc, vì mọi
người đều cho rằng đó là một việc rất đáng xấu hổ!
Ngày nay, việc ly hôn trở nên một chuyện “thường tình”, và điều đó giảm
nhẹ đi tầm quan trọng của quyết định đi đến hôn nhân. Bởi vì, nhiều bạn
trẻ cho rằng nếu hôn nhân không tốt đẹp thì chỉ cần “làm lại” là có thể
giải quyết được vấn đề!
Sự thay đổi trong cách nhìn về hôn nhân như thế thật ra không có vẻ gì
là “tốt hơn” hay “tiến bộ hơn” như nhiều bạn trẻ vẫn tưởng.
Trước hết, quan hệ hôn nhân để lại những dấu ấn tình cảm khó phai mờ
trong lòng bạn, và điều đó trong hầu hết trường hợp thường là một trở
lực ngăn cản một cuộc hôn nhân về sau có thể thực sự mang lại hạnh phúc
cho bạn.
Thứ hai, và điều này là nghiêm trọng hơn nhiều, nếu đã có sự gắn bó qua
con cái thì đây sẽ là một “tổn thương không hồi phục” cho cả hai người.
Và nếu bạn nghĩ xa hơn chút nữa – và rất cần phải vậy – bạn sẽ thấy là
không có bất cứ cách giải quyết nào có thể đền bù được những mất mát,
thiệt thòi cho đứa con.
Vì thế, ly hôn không bao giờ có thể được xem là một giải pháp “dự phòng”
khi hôn nhân không tốt đẹp. Có nhận hiểu được điều này bạn mới có thể
thấy hết được tầm quan trọng của quyết định đi đến hôn nhân là như thế
nào. Và chính vì thế mới thấy rằng cần phải có sự cân nhắc thoả đáng
trước khi đi đến quyết định quan trọng này.
Mặt khác, khi bạn có thể nhận rõ được sự khác biệt cần phải có giữa tình
yêu và hôn nhân, bạn cũng đồng thời nhận ra được ranh giới phân biệt
giữa hai mối quan hệ, và sự vượt qua đường ranh giới phân biệt ấy bao
giờ cũng là một hành vi thiếu sáng suốt.
Khi thực sự yêu nhau, chúng ta luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho
nhau. Vì thế, bất cứ hành vi nào mang lại đau khổ cho người mình yêu đều
không thể xem là xuất phát từ một tình yêu chân thật. Nếu chúng ta hiểu
được điều này, chúng ta sẽ giữ gìn cho nhau để quan hệ tình yêu mãi mãi
là một quan hệ hồn nhiên, trong sáng. Cho dù các bạn có thực sự tiến tới
hôn nhân hay không, thì những kỷ niệm đẹp về tình yêu ấy vẫn sẽ luôn
sống mãi không phai mờ trong ký ức. Ngược lại, nếu các bạn buông thả
phóng túng trong tình yêu, không biết gìn giữ cho nhau, thì những kỷ
niệm về một mối tình như vậy chỉ có thể là những nỗi đau rất khó lòng
xoa dịu, và hình ảnh người yêu sẽ không còn tươi đẹp trong ký ức chúng
ta khi đã xa nhau.
Này người bạn trẻ, những gì bạn đã biết là quá ít để có thể hiểu hết
được tầm quan trọng của hôn nhân. Nhưng không vì thế mà tôi khuyên bạn
phải e dè, sợ sệt khi đến với tình yêu. Những tình cảm tự nhiên không có
gì là sai trái, nhưng vấn đề là bạn cần có đủ sáng suốt để hiểu đúng về
nó. Yêu nhau và cưới nhau là hai giai đoạn cần phải có sự phân biệt, và
khoảng dừng giữa hai giai đoạn ấy chính là cơ hội để bạn có thể nhận
thức vấn đề một cách khách quan và sáng suốt hơn trước khi đi đến quyết
định quan trọng nhất của đời mình.