Truyền thống Thế vận hội vẫn lấy ngọn đuốc hồng đang cháy rực làm biểu
tượng. Đó là một biểu tượng rất đẹp. Trước mỗi kỳ Thế vận hội, người ta
tổ chức một cuộc chạy tiếp sức để các vận động viên mang ngọn đuốc
truyền thống đến nơi đăng cai tổ chức. Và ngọn đuốc ấy sẽ cháy rực tại
đây trong suốt những ngày diễn ra Thế vận hội. Ngọn đuốc tạo cho ta ấn
tượng mạnh mẽ về tinh thần thể thao và thượng võ trong thi đấu, làm ta
dễ dàng liên tưởng đến những nỗ lực phi thường của các vận động viên đến
tham gia thi đấu và bầu nhiệt huyết luôn sục sôi của họ, nung nấu ý chí,
quyết tâm giành chiến thắng.
Cuộc sống này sẽ lý tưởng biết bao nếu có thể trở thành một vận động
trường Thế vận hội! Ở đó, tất cả chúng ta đều thi đấu trong tinh thần
thượng võ, quyết tâm vượt qua chính mình để đạt thành tích, quyết tâm
vượt qua người khác để giành chiến thắng, nhưng là bằng vào chính những
nỗ lực tự thân chứ không phải là những mánh khóe, thủ đoạn...
Này bạn, có một ranh giới rất khó phân biệt giữa ý chí, quyết tâm vươn
lên trong cuộc sống và tham vọng, hay sự ham muốn danh vọng, quyền
lực...
Ở trường hợp thứ nhất, bạn sẽ nỗ lực, cố gắng hết sức để vượt qua chính
mình và người khác, trở nên ngày càng tốt đẹp, hoàn thiện hơn.
Ở trường hợp thứ hai, bạn chấp nhận mọi phương cách, bất chấp mọi thủ
đoạn, miễn sao có thể thỏa mãn sự khát khao có được danh vọng, quyền lực
hơn người...
Cái ranh giới khó phân biệt này đôi khi có thể biến một người tốt đẹp,
cao thượng trở thành người xấu xa, hèn hạ chỉ trong phút chốc. Một vận
động viên chân chính có thể bỏ ra hàng năm trời nỗ lực rèn luyện để
quyết tâm giành chiến thắng. Nhưng nếu ý chí quyết thắng mạnh mẽ của anh
ta trong một giây phút nào đó vượt qua khỏi đường ranh giới mong manh để
trở thành một tham vọng, anh ta sẽ có thể phạm luật trong thi đấu.
Sự khó phân biệt giữa hai khái niệm này còn thể hiện cả trong phạm trù
ngôn ngữ. Hầu hết các từ điển Anh-Việt đang lưu hành của chúng ta đều
chuyển dịch từ ambition (với tính từ tương đương ambitious) là tham
vọng, và nhà trường vẫn đang dạy cho tất cả học sinh học hiểu như thế.
Nhưng đây chính là sai lầm do không phân biệt được hai khái niệm vừa nói
trên. Ambition trong tiếng Anh có nghĩa là một sự khao khát, quyết tâm
phải đạt đến thành công (the desire or determination to be
successful...), mà như vậy không phải là tham vọng – đó là ý chí, quyết
tâm vươn lên. Tham vọng là một từ mang nghĩa tiêu cực, không được mấy ai
hoan nghênh. Nếu ta bảo ai là có nhiều tham vọng, đó là một lời chê bai
hơn là khen tặng. Nhưng ngược lại, một người xin việc làm ở phương Tây
mà không có ambition thì ít có cơ may được nhận, hoặc nếu được nhận cũng
khó có cơ hội thăng tiến. Người Anh xem đây là một ưu điểm chứ không
phải một tính xấu. Hãy nghe một ông chủ người Anh nói về cô nhân viên cũ
của mình: “She was intelligent but suffered from a lack of ambition.”
(Cô ấy thông minh nhưng có nhược điểm là thiếu ý chí vươn lên.) Định
nghĩa và ví dụ Anh ngữ trên đây đều được trích ra từ Oxford Advanced
Learners Dictionary.
Ví dụ ngoài lề này cho chúng ta thấy sự mơ hồ khó phân biệt giữa một ý
chí vươn lên trong cuộc sống với một tham vọng giành địa vị, quyền
lực... Và trong nhiều trường hợp, nếu không tỉnh táo chúng ta sẽ rất dễ
rơi vào sự nhầm lẫn, đánh mất đi giá trị chân thật vốn có của mình.
Trong cuộc sống này có không ít những con người nhiều tham vọng. Họ
tranh giành nhau những gì họ muốn bằng đủ mọi mánh khóe, mưu mô... Và
những con người như thế làm cho cuộc sống trở nên đáng ngờ vực, làm cho
mọi người khác phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng...
Nhưng trong Vận động trường Thế vận hội, tham vọng không được chấp nhận.
Bạn chỉ có thể nỗ lực thi đấu hết mình với quyết tâm đạt đến thành công.
Mọi mánh khóe để giành phần thắng về mình mà không dựa vào chính năng
lực tự thân đều là phạm luật và sẽ bị loại bỏ.
Vì thế mà tôi nói rằng, cuộc sống này sẽ lý tưởng biết bao nếu có thể
trở thành một vận động trường Thế vận hội. Bởi vì khi ấy những người
nhiều tham vọng sẽ bị xem là phạm luật và bị loại trừ, chỉ có những
người nuôi ý chí vươn lên một cách chính đáng mới có thể tồn tại. Trong
một cuộc sống như thế, sẽ không ai còn phải dè chừng, cảnh giác với
những người chung quanh. Và như vậy thì cuộc sống sẽ tươi đẹp và cao quý
hơn biết bao nhiêu!
Cho dù điều đó chỉ là một giấc mơ đẹp rất khó trở thành hiện thực, nhưng
thực tế là mỗi chúng ta đều có thể trở thành một “vận động viên chân
chính” giữa cuộc sống này. Và khi trong cuộc sống có được nhiều người
như ta, điều chắc chắn là nó cũng sẽ tốt đẹp hơn.
Này người bạn trẻ, vì vậy tôi rất muốn mời bạn thắp lên ngọn đuốc hồng
cho Thế vận hội của tất cả chúng ta. Vận động trường của chúng ta ở khắp
mọi nơi, nên cuộc chạy tiếp sức của tất cả chúng ta có thể bắt đầu ngay
từ lúc này.
Ngọn đuốc của chúng ta sẽ cháy lên bằng những chất liệu mà chính ta đã
tích lũy được qua sự học tập và rèn luyện bản thân trong cuộc sống.
Những chất liệu ấy là thương yêu và tha thứ, là tri thức và đạo đức, là
ý chí và nỗ lực không ngừng học hỏi để vươn lên hoàn thiện chính mình,
là những nền tảng tâm linh được truyền lại từ bao thế hệ cha ông đã qua,
là những lý tưởng cao đẹp, những hoài bão thiết tha và những tình yêu
trong sáng, rộng lớn... Không ai có thể mang đến cho ta những chất liệu
ấy ngoài chính ta. Vì thế, khi mỗi chúng ta đều đã thắp lên một ngọn
đuốc hồng, chúng ta sẽ cần phải tiếp tục gìn giữ và vun bồi những chất
liệu ấy để giữ cho ngọn đuốc của ta có thể được mãi mãi rực sáng.
Cuộc sống này sẽ trở nên tươi đẹp với những ngọn đuốc của chúng ta. Và
bản thân chúng ta sẽ vững vàng trên bước đường đi tới trong ánh đuốc rực
rỡ tỏa sáng. Hơn thế nữa, bạn và tôi, chúng ta sẽ cùng nhau soi sáng cho
cả vận động trường thế giới quanh mình.
Cách đây hơn 25 thế kỷ, một ngọn đuốc vĩ đại của cả nhân loại đã được
thắp lên trên bầu trời Ấn Độ, và ánh sáng đó vẫn còn tỏa chiếu rực rỡ
cho đến tận ngày nay, vượt qua thời gian và lan tỏa khắp không gian, soi
sáng trên toàn thế giới. Con người vĩ đại đã thắp lên ngọn đuốc ấy là
đức Phật Thích-ca Mâu-ni, người sáng lập và truyền bá đạo Phật.
Tất cả những gì mà chúng ta đang học hỏi và rèn luyện hôm nay để có thể
giúp ta trở thành một con người tốt đẹp đều không đi ngoài lời dạy của
đức Phật. Và ngài cũng là người đầu tiên đập vỡ niềm tin sai lệch vào
những sức mạnh siêu nhiên huyền bí ban phúc giáng họa, để chỉ rõ rằng
con người chỉ có thể tự mình vươn lên hoàn thiện bản thân bằng ý chí
phấn đấu, nỗ lực học hỏi và rèn luyện đúng hướng, chứ không thể cầu
nguyện, mong chờ sự cứu giúp từ bất kỳ ai khác. Ngài đã đưa ra một lời
khuyên bất hủ cho tất cả những ai tin theo ngài: “Hãy tự mình thắp đuốc
lên mà đi.”
Vì thế, ngọn đuốc của đức Phật đã thắp lên dù là một ngọn đuốc vĩ đại
nhưng tất cả chúng ta đều không thể dựa vào đó để đi tới. Chúng ta chỉ
có thể nhận lấy ánh lửa rực rỡ từ đó, và dùng lửa ấy để thắp lên ngọn
đuốc của chính mình, soi sáng cho từng bước chân vững vàng đi tới trong
cuộc sống. Và vì ngọn đuốc cháy sáng bằng những chất liệu của chính
chúng ta, nên chất liệu càng dồi dào thì ánh đuốc sẽ càng rực sáng!
Trong đạo Phật có một pháp môn được truyền dạy trong kinh Duy-ma-cật,
gọi là Vô tận đăng. Pháp môn ấy dạy rằng, sự hiểu biết chân chánh từ một
người có thể được truyền dạy cho nhiều người khác. Mỗi một người khác
lại có thể tiếp tục truyền dạy cho nhiều người khác nữa... Giống như một
ngọn đèn có thể dùng để thắp lên nhiều ngọn đèn khác, rồi mỗi một ngọn
đèn khác lại có thể dùng để thắp lên nhiều ngọn đèn khác nữa... Nhờ đó
mà có vô số ngọn đèn được thắp lên. Nhờ đó mà có vô số con người được
hiểu biết chân chánh, được hoàn thiện, và vì thế Chánh pháp sẽ không bao
giờ diệt mất.
Này người bạn trẻ, đây là một hình ảnh đẹp và mang ý nghĩa vô cùng sâu
sắc. Một ngọn đèn dù rực sáng đến đâu rồi cũng sẽ có lúc lịm tắt. Nhưng
nếu nó được dùng để thắp lên những ngọn đèn khác thì ánh sáng sẽ không
bao giờ tắt. Sự hiểu biết chân chánh nếu được truyền dạy cho nhiều người
thì cũng sẽ không bao giờ mất đi.
Cũng vậy, ngọn đuốc của chúng ta dù đã được thắp lên, dù đã được nuôi
dưỡng bằng những chất liệu tốt đẹp để có thể ngày đêm tỏa sáng, nhưng
vấn đề không thể dừng lại ở đây, vì rồi có một ngày ngọn đuốc ấy sẽ lịm
tắt. Chúng ta còn có trách nhiệm phải giúp mọi người quanh ta cùng thắp
lên những ngọn đuốc khác, để cùng nhau soi sáng cho cả thế giới này.
Này người bạn trẻ, chúng ta đã học xây dựng cộng đồng như một trong
những phương thức để có thể đạt đến cuộc sống an vui, hạnh phúc thực sự.
Nhưng nỗ lực của mỗi chúng ta, dù rất cần thiết, vẫn là chưa đủ. Chúng
ta cần tích cực khuyến khích, động viên và nhắc nhở mọi người quanh ta
cùng tham gia việc xây dựng cộng đồng. Đó chính là ta đang thắp lên
nhiều ngọn đuốc khác để ánh sáng có thể mãi mãi không lịm tắt.
Chúng ta không nên cao ngạo hay tự mãn về những hiểu biết đã có của
mình, nhưng chúng ta phải biết cách chia sẻ những điều tốt đẹp với mọi
người chung quanh, để ai ai cũng có thể ý thức được việc tự hoàn thiện
bản thân. Mỗi người có hoàn thiện thì cộng đồng này mới thực sự được
hoàn thiện. Chúng ta không thể sống khép kín với những hiểu biết của
mình mà gọi là cao quý hơn người, bởi vì như thế chỉ chứng tỏ là ta có
học mà không có hành, không thực sự sống theo đúng với những hiểu biết
tốt đẹp của mình. Chia sẻ những điều tốt đẹp với mọi người chung quanh
cũng chính là giúp họ thắp lên vô số ngọn đuốc hồng, để ánh sáng sẽ
không bao giờ lịm tắt.
Này người bạn trẻ, cách duy nhất để bạn có thể giữ cho một giọt nước tồn
tại mãi mãi là phải cho nó vào biển nước. Khi được hỏi rằng: “Làm thế
nào để một giọt nước có thể chẳng bao giờ bị khô đi?” Đức Phật đã trả
lời: “Hãy cho nó vào biển cả.” (Dẫn theo Edward Conze – A short history
of Buddhism, bản dịch Việt ngữ nhan đề Lược sử Phật giáo của Nguyễn Minh
Tiến) Trong cái mênh mông của đại dương ấy, mỗi giọt nước đều được tồn
tại với bản chất của chính mình. Nếu không phải là nằm trong đại dương,
một giọt nước sẽ không tồn tại được bao lâu cả. Nó sẽ nhanh chóng bốc
hơi và tan biến!
Mỗi chúng ta là một giọt nước. Chúng ta chỉ có thể tồn tại trong một đại
dương quanh mình. Cá nhân ta chẳng có chút giá trị gì đáng để nhắc đến
nếu như không phải là mỗi chúng ta đều có một cội nguồn sâu xa trong
truyền thống dân tộc. Cội nguồn sâu xa đó truyền lại cho ta những giá
trị mà tổ tiên ta đã từng đạt được, và bản thân ta có trách nhiệm phải
giữ gìn, truyền lại cho những thế hệ mai sau. Mối tương quan gắn bó và
tiếp nối giữa các thế hệ quá khứ, hiện tại và tương lai chính là đại
dương mênh mông giúp ta có thể tồn tại mà vẫn giữ được những phẩm chất
của riêng mình. Đây là lý do giải thích vì sao những kẻ mất gốc quên
nguồn cội chỉ có thể sống một đời sống vật chất mà không bao giờ đạt
được những giá trị tinh thần. Họ không còn là chính họ, bởi vì đã đánh
mất đi mối liên hệ sâu xa với tổ tiên, giống nòi dân tộc. Họ như một
giọt nước đang bốc hơi, rồi sẽ tan biến đi không để lại chút giá trị gì.
Cộng đồng quanh ta cũng là đại dương mênh mông giúp chúng ta tồn tại.
Bạn không thể đạt được chút giá trị tự thân nào nếu không có những người
quanh bạn. Và xét cho cùng thì rất nhiều trong những giá trị bạn có được
là sự thừa hưởng, tiếp nhận từ người khác. Chúng ta chỉ có thể sống ý
nghĩa, sống có ích trong một cộng đồng mà không bao giờ có thể tồn tại
như một cá nhân riêng lẻ. Nhân loại là một cộng đồng lớn, một ngôi nhà
chung, trong đó hàm chứa những cộng đồng dân tộc, cho đến làng xã, dòng
tộc, gia đình... Nếu chúng ta tự tách mình ra khỏi cộng đồng hoặc không
biết cách hòa nhập vào đó, chúng ta sẽ tự phủ nhận chính mình.
Như vậy là, dù có xét theo thời gian hay không gian, dù có nhìn từ bất
cứ góc độ nào, chúng ta vẫn thấy mình là một giọt nước trong biển cả.
Nhưng sự ý thức điều này không hề làm giảm đi giá trị tự thân của mỗi
chúng ta, mà ngược lại nó còn là điều kiện để phát triển những giá trị
tự thân ấy.
Nhiều người không hiểu được điều này. Thành Cát Tư Hãn không hiểu được
điều này. Adolf Hitler không hiểu được điều này. Họ đều là những cá nhân
kiệt xuất, có được những tài năng mà hầu hết chúng ta không có. Nhưng họ
không hiểu rằng, cho dù vậy họ cũng chỉ là những giọt nước không hơn
không kém. Sự tồn tại và những giá trị tự thân của họ có quan hệ mật
thiết đến sự tồn tại và giá trị tốt đẹp của toàn nhân loại. Họ đã đi
ngược lại điều đó, đã bỏ cả một đời dùng tài năng để chinh phục người
khác và giành lấy những gì mình mong muốn thay vì là góp sức xây dựng
cộng đồng. Vì vậy, cuộc sống của họ là một sai lầm không nên lặp lại.
Không ai trong số họ có được cuộc sống an vui, hạnh phúc thực sự, và họ
cũng chẳng để lại được gì tích cực cho nhân loại, mặc dù họ là những cá
nhân rất kiệt xuất. Họ là những giọt nước đã bốc hơi!
Này người bạn trẻ, xin đừng làm một giọt nước bốc hơi! Hãy cảm nhận niềm
hạnh phúc vô biên khi được tồn tại trong một đại dương mênh mông để
không bao giờ cảm thấy cô đơn và cách biệt.
Này người bạn trẻ, mỗi một giá trị mà tự thân chúng ta đạt đến sẽ là
vĩnh hằng nếu nó có thể trở thành những giá trị của cộng đồng, của nhân
loại, và sẽ chẳng bao giờ tồn tại nếu đó chỉ là những giá trị của cá
nhân ta.
Đại thi hào Nguyễn Du đã nằm xuống từ cách đây hai thế kỷ, nhưng vẫn còn
sống mãi với tất cả chúng ta. Điều đó không chỉ là vì ông có tài văn
chương kiệt xuất, mà chính là vì ông đã biết đau những nỗi đau của người
khác, của cộng đồng quanh ông, mà không phải là than khóc cho số phận
của riêng mình. Giọt nước Nguyễn Du đã đi vào đại dương dân tộc nên
không thể bốc hơi biến mất. Rồi cả thế giới cũng công nhận tài năng và
tấm lòng của ông, thế là giọt nước Nguyễn Du lại đi vào lòng đại dương
nhân loại. Một giọt nước như thế, làm sao còn có thể bốc hơi biến mất?
Này người bạn trẻ, thỉnh thoảng ta vẫn gặp trong cuộc sống này những
giọt nước rất kiêu căng và ngu xuẩn. Khi còn được lấp lánh sáng dưới ánh
mặt trời, chúng từ chối không chịu đi vào lòng đại dương vì tưởng rằng
vẻ đẹp của mình sẽ mãi mãi trường tồn. Những giọt nước tội nghiệp ấy đã
chọn lấy con đường tự hủy diệt chính mình, bởi vẻ đẹp long lanh tạm bợ
kia chẳng bao giờ có thể tồn tại được!
Này người bạn trẻ, ý nghĩa của đời sống là gì nếu không phải là sự an
vui hạnh phúc chân thật được cảm nhận trong từng phút giây hiện hữu? Và
điều đó thì không ai có thể ban phát cho ta, mà mỗi chúng ta phải tự
mình nỗ lực đạt đến. Nếu chúng ta không tự hoàn thiện bản thân mình, ta
sẽ không bao giờ có được một cuộc sống thực sự an vui hạnh phúc.
Khi bạn hiểu được điều đó, bạn sẽ có thể vững vàng đối mặt với những trở
lực hay khó khăn trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ bình thản ngay cả khi đối
mặt với vấn đề sống chết, bởi một khi đã sống vui và sống có ích thì ta
hoàn toàn không có gì phải tiếc nuối khi rời bỏ cuộc sống này.
Bạn có bao giờ quan sát những con thiêu thân lao mình vào ánh đèn rồi
gục chết? Đời sống của một con thiêu thân thật quá ngắn ngủi so với đời
sống của chúng ta. Có lần tôi đã ngồi nhìn đời sống ngắn ngủi của những
con thiêu thân trôi qua như thế, và chợt nhận ra một điều là cuộc đời
của mỗi chúng ta dù lâu dài hay ngắn ngủi cũng chẳng có gì quan trọng
cả. Điều quan trọng chính là ở chỗ ta đã sống như thế nào, có thực sự
đạt được an vui và hạnh phúc chân thật trong cuộc sống hay không. Nếu
bạn đã biết qua thuyết tương đối của Albert Einstein, bạn sẽ thấy là
cuộc đời này dài hay ngắn thật chẳng có quan hệ gì đến ý nghĩa thực sự
của nó, bởi vì dài hay ngắn cũng chỉ là những ý niệm tương đối mà thôi!
Nhưng hạnh phúc chân thật trong đời sống lại không phải một ý niệm tương
đối, mà là một giá trị rất thật, một kết quả đạt được từ những nỗ lực
liên tục trong việc hoàn thiện bản thân. Chỉ khi nào hiểu được điều này,
bạn mới có thể cảm nhận được ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Thắp lên ngọn đuốc của chính mình là chúng ta góp phần soi sáng cả đất
nước, cả thế giới. Chúng ta nói ra điều này như một sự thật và với tinh
thần trách nhiệm đầy đủ của một con người mà không phải là cường điệu
hóa vai trò của chính mình. Bởi vì cả đất nước này, thế giới này là gì
nếu không phải là tập hợp của tất cả chúng ta – từng cá nhân riêng lẻ?
Vì thế, chúng ta cần ghi nhớ điều này: hãy tự mình nỗ lực học tập và rèn
luyện vươn lên như những cá nhân, nhưng đừng bao giờ nhận lấy về mình
những giá trị đạt được. Mỗi một giá trị đạt được chính là phần đóng góp
của chúng ta vào giá trị cộng đồng, và chỉ khi đã đi vào cộng đồng thì
những giá trị ấy mới có thể thực sự tồn tại. Hơn thế nữa, giá trị cao
nhất mà mỗi chúng ta đều hướng đến là một cuộc sống an vui hạnh phúc
chân thật, mà điều đó lại không bao giờ có thể là vấn đề của riêng một
cá nhân.
Khoa học kỹ thuật và nền văn minh công nghiệp đang phát triển như vũ
bão, và điều đó làm cho rất nhiều người quên đi vai trò đóng góp của mỗi
cá nhân, bởi vì điều đó đang ngày càng trở nên mờ nhạt.
Nhưng nếu mỗi chúng ta không tự mình thắp lên một ngọn đuốc hồng, thì
ánh sáng văn minh nhân loại tất yếu sẽ có một ngày lịm tắt. Hơn thế nữa,
không có ánh sáng từ ngọn đuốc của chính mình thì mỗi bước đi của chúng
ta trong cuộc sống không thể được soi sáng.
Này người bạn trẻ, vì thế mà sau hơn 25 thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn tha
thiết muốn nhắc lại với chính mình và với tất cả các bạn một lời khuyên
của người đi trước: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!”