Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Hào phóng đúng nghĩa với tương lai chính là cống hiến tất cả cho hiện tại. (Real generosity toward the future lies in giving all to the present.)Albert Camus
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tâm hồn cao thượng »» Phần 8: Tháng Năm »»

Tâm hồn cao thượng
»» Phần 8: Tháng Năm

Donate

(Lượt xem: 8.592)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tâm hồn cao thượng - Phần 8: Tháng Năm

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

54.- 32 độ
Thứ sáu, ngày 16

Bây giờ đã sang tiết hè, trời nóng quá! Người đã thấy nhọc và kém vẻ tươi tắn của mùa xuân. Cổ và chân đã thấy mỏi, đầu muốn ngả, mắt muốn nhắm. Anh Nêlli khổ về nóng nực, mặt mũi xanh xao thỉnh thoảng lại gục đầu xuống vở ngủ một giấc dài. Anh Garônê khôn hơn, bao giờ cũng có ý dựng sách trước mặt để thầy giáo khỏi nhìn thấy đôi mắt đỏ ngầu. Còn anh Nôbix cứ kêu ra rả rằng lớp đông người quá, không đủ không khí thở. Coi đó, có thể biết: mùa hè đến: mùa hè đến, chúng tôi đã cố gắng biết là bao nhiêu để học tập.
Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy cây cối xanh tốt, bóng rợp rung rinh như muốn khêu gợi sự nô đùa mà tôi buồn. Ngày nào cũng phải ngồi giam trong buồng học với cái nóng nung người như thế này thì thực là khó chịu quá! Tuy nhiên, mỗi khi thấy mẹ tôi đón tôi ở cửa trường có ý thương hại thì tôi lại ra vể bình tĩnh. Mỗi khi mẹ tôi thấy tôi loay hoay viết lách và hỏi tôi:"Con có nhọc không?" thì tôi lại làm bộ nhanh nhẹn thưa "không" để mẹ tôi được yên lòng.
6 giờ sáng nay, mẹ tôi gọi dậy để học bài, thấy tôi uể oải, mẹ tôi khuyên:
- Con hãy chịu khó đi học, con ạ! Chỉ còn ngót tháng nữa, con sẽ được nghỉ hè. Mẹ sẽ cho con về quê chơi. Con còn sung sướng hơn bao nhiêu trẻ không có nghỉ hè. Con chẳng xem trong lúc trời nóng như thiêu như đốt, những đứa trẻ nhà quê phải dãi thân ở giữa cánh đồng? Những đứa trẻ học nghề luôn luôn phơi mặt bên cạnh lò nấu thuỷ tinh? Những cái nóng ấy còn khó chịu gấp mấy cái nóng ở nhà trường! Cố lên! Con ạ!
Thêm vào những tấm gương nhẫn nại mà mẹ tôi vừa nói, chúng tôi còn có cái gương hoạt động nữa vẫn ngay cạnh mình. Đó là Đêrôtxi. Anh không biết nhọc mệt là gì. Mùa hạ cũng như mùa đông, bao giờ anh cũng tỏ ra nhẹ nhàng, mau mắn.
Trong lớp còn có hai người học trò nữa vẫn tỉnh táo và chăm chú là anh Xtarđi, mới chế ra được môn thuốc chữa bệnh ngủ gật là tự véo vào đùi mình và Garôpphi, anh chàng làm tiền cứ luôn tay làm những cái quạt giấy để bán cho anh em. Nhưng người can đảm nhất có lẽ là anh Côrêtti, anh Côrêtti đáng thương, ngày nào cũng phải dậy từ gà gáy để vác củi giúp cha ; vì thế cứ đến gần mười một giờ là mắt anh híp lại, đầu anh rủ xuống... Biết thế anh hết sức cựa cậy hay tự đập vào gáy cho tỉnh ngủ: có khi anh xin phép ra ngoài để rửa mặt hay nhờ người ngồi bên cạnh cấu hộ cho rõ đau. Sáng nay, không gượng được nữa, anh gục xuống bàn làm một giấc thật say.
Thầy giáo gọi:
- Côrêtti!
Anh không biết gì. Thầy giận gọi lần nữa:
- Côrêtti!
Bỗng một người bạn ở gần nhà anh đứng lên mách:
- Thưa thầy, anh ấy đội củi từ 5 giờ sáng ạ.
Thầy để yên anh ngủ và giảng tiếp bài. Nửa giờ sau, thầy sẻ xuống bàn, thổi vào trán anh, anh sực tỉnh, thấy thầy, sợ quá! Nhưng thầy vỗ vai anh bảo:
- Thầy không mắng con đâu. Giấc ngủ của con không phải là giấc ngủ của đứa trẻ lười. Sáng nay, con đã làm nhiều, thầy biết.

55.- Cha tôi
Thứ bảy, ngày 17

Enricô ơi! Chắc hẳn những bạn con như Côrêtti và Garônê không bao giờ trả lời cha mẹ một cách vô lễ như con đã đối với cha con chiều qua. Con phải thề cùng mẹ rằng từ rấy con sẽ không thế nữa. Mỗi khi cha con mắng con là y như con nói trả những câu rất vô lễ. Con nên tưởng tượng đến một ngày kia - mà ngày ấy không thể tránh được - cha con hấp hối trên giường bệnh gọi con lại giường để trăn trối. Khi đó, nghe những câu nói cuối cùng của cha, chắc lòng con sẽ phải thổn thức, ân hận vì đã có điều ở tệ với cha. Lúc bấy giờ con mới hiểu rằng: trước kia cha con thực là một người bạn tố của con ; mỗi khi bất đắc dĩ phải phạt con thì lòng cha đau đớn hơn con và chỉ vì muốn cho con sửa lỗi nên cha mới phải làm cho con khóc.
Trừ lòng yêu con, thương con, còn ngoại giả cha con giấu hết. Nào con có biết: những khi phải lao tâm lao lực quá, tưởng mình chằng còn sống được bao lâu nữa, cha con lại lo buồn cho con sau này sẽ phải chơ vơ và không nơi nương tựa! Nào con có biết: bao phen bị mối ưu phiền ấy ám ảnh, cha
con đã vào giường con đang giấc ngủ say, đứng đó nhìn con mà nghĩ ngợi! Nào con có biết: lắm khi cha con đang chán nản về việc đời không được như ý, chợt nhìn thấy con là mọi nỗi sầu đều tiêu tan cả vì người cha vất vả ấy cần đến tình yêu của con mới được yên lòng và trở nên can đảm.
Trong lúc cha con đang trông mong vào lòng hiếu thảo của con ; bỗng thấy con mang lòng lãnh đạm, tệ bạc thì cha con khổ thống biết là dường nào? Con đừng lầm lạc vào con đường bội nghĩa vong ân ấy. Con nên nghĩ rằng ở đời này không có cái gì là vững bền cả, con có thể mồ côi cha lúc còn bé... con có thể mất cha trong một năm nữa, một tháng nữa hay ngày mai cũng không biết chừng!
Ôi! đến lúc bấy giờ con sẽ thấy cảnh vật ở xung quanh con thay đổi cả, con sẽ nhìn thấy nhà ta vắng vẻ quạnh hiu, con sẽ trông thấy mẹ con đầu tang tóc rối, âm thầm chua xót! Thôi! Con ơi. Mẹ nói đã nhiều . Con hãy lên nhà tìm cha con, ôm gối cha mà xin lỗi. Mẹ con.

56.- Thú quê
Cha tôi đã tha lỗi cho tôi và cho phép tôi theo anh Côretti và cha anh về vùng quê chơi. Chúng tôi vốn khát khao chút khí trời thoáng đãng trong sạch, nay được đi chơi, thật là vui vẻ như ngày hội. Đúng hai giờ chiều hôm qua, Đêrôtxi , Garônê, Garôpphi, Precôtxi, Côretti bố, Côretti con, và tôi đều tề tựu tại vườn "Ông Tượng"... Ai nấy đều mang theo hoa quả, bánh trứng để ăn đường. Tôi mang một cái bát gỗ, một bình sắt tây, Garônê xách một bầu rượu vang trắng. Côretti đeo một cái bình toong to tướng của cha anh đi lính ngày xưa đựng đầy rượu vang đỏ, Prêcôtxi cắp bên cái yếm thợ rèn, một cái bánh hai cân. Chúng tôi đáp ô-tô hàng ra ngoại châu thành chừng năm, sáu cây số. Nửa giờ sau, chúng tôi xuống xe và rẽ vào một cánh đồng cỏ bao la, xa xa nổi mấy ngọn đồi. Trời xanh cỏ biếc! Gió thổi hiu hiu. Thực là xinh đẹp và mát mẻ vô cùng! Chúng tôi đi. Chúng tôi chạy. Chúng tôi nằm lăn ra cỏ, chúng tôi gội đầu trong suối, chúng tôi nhảy qua bờ rào ...!
Cha anh Côretti, áo vắt vai, miệng ngậm tẩu, đi sau nhìn chúng tôi, thỉnh thoảng lại thét lác cho chúng tôi đừng nghịch phá rách cả áo quần. Hôm nay anh Prêcôtxi cũng huýt còi, có lẽ trời mưa mất! Côretti mau lẹ như con nai, vừa đi vừa lấy cành cây gọt đủ thứ: cánh cối xay, thìa, đĩa, ống tiêm rất khéo! Đêrôtxi chốc chốc lại đứng lại bảo chúng tôi tên các cây cỏ và sâu bọ. Sao mà anh biết lắm thế? Không biết anh học những khoa ấy tự bao giờ Garônê im lặng gặm bánh: từ khi mẹ anh mất đến giờ, anh có vẻ kém vui, song lòng anh vẫn tốt như xưa. Anh giơ tay đón mỗi khi chúng tôi qua hố, qua cầu. Prêcôtxi sợ bò như cọp vì ngày còn bé anh bị bò húc một lần. Garônê biết ý mỗi khi gặp bò là anh đứng chắn Prêcôtxi đi qua.
Chúng tôi cứ vừa đi vừa chơi như thế cho tới địa phận làng Margơretta. Ở đây là nhiều đồi, ngọn nào cũng có cây cao bóng rợp. Chúng tôi thi nhau lên đồi, chúng tôi nhảy nhót lăn lộn...
Prêcôtxi nhảy qua bụi, rách quần, thẹn đỏ mặt. May sao Garôpphi có sẵn ghim trong túi đem ra díu lại cho bạn.
Garôpphi một mình thơ thẩn nhặt sỏi, nhặt đá, chắt chiu giấu kỹ tưởng trong có ngọc, có vàng. Đêrôtxi, Côretti và tôi, ba người hết chạy nhảy lại leo trèo hết đùa chỗ rậm lại chơi chỗ nắng, hò reo vùng vẫy như một bọn điên. Cuối cùng mệt lả, chúng tôi mới chịu lên một ngọn đồi rồi gọi nhau hội họp dưới bóng cây, trên đám cỏ để ăn uống. Đứng trên đỉnh đồi chúng tôi nhìn ra một bức toàn cảnh rất đẹp: dưới chân một cánh đồng mênh mông xanh rờn, xa xa là dãy Anpi, sườn nhuộm sắc lam, đầu phô tuyết trắng!
Chúng tôi đói quá ăn rất ngon miệng. Cha anh Côretti hái lá bi làm đĩa đựng giò và phân phát đồ ăn cho chúng tôi.
Chúng tôi vừa nói chuyện về thầy giáo, các bạn vắng mặt và bàn về chuyện thi. Cha anh Côretti uống rượu vui vẻ lắm, ông bảo chúng tôi:
- Những người hàng củi cần uống rượu hơn là các cậu học trò, vì bé mà uống rượu thì có hại. Chúng tôi đáp:
- Chúng tôi không biết uống. Mời ông uống thật say! Ông nói tiếp:
- Các cậu chơi đùa với nhau hôm nay có thích không?
Chúng tôi đồng thanh đáp "có" và "mong thỉnh thoảng lại có cuộc đi chơi này". Ông nói:
- Bây giờ còn nhỏ, các cậu chơi với nhau xem chừng thân thiết lắm. Nhưng một mai, cậu Enricô, cậu Đêrôtxi làm luật sư hay giáo sư chẳng hạn, còn các bạn khác kẻ làm thợ, người buôn, lúc ấy có lẽ "ôi thôi" tình bạn bè!
Đêrôtxi đáp:
- Đời nào! Đối với tôi, Garônê sẽ vẫn là Garônê, Prêcôtxi vẫn là Prêcôtxi , các bạn khác cũng thế, dù tôi có làm đến Hoàng đế nước Anh chăng nữa, tình cố cựu vẫn y nguyên.
Cha anh Côretti nâng cốc, nói:
- Khá lắm! Khá lắm! Cậu nói nghe được! Học đường vạn tuế! Học đường là một gia đình cho kẻ khó và cho người giàu! Tôi nâng cốc này để chúc cho tình thân ái của các cậu được lâu dài!
Chúng tôi đều vỗ tay khen.
Trời gần tối. Chúng tôi xuống đồi, dắt tay nhau vừa chạy vừa hát. Qua bờ sông Pô, chúng tôi đã thấy lập loè trăm nghìn con đom đóm giỡn bay trên cỏ và dưới sông sóng vỗ đen ngòm!
Về đến vườn "Ông Tượng", chúng tôi cùng nhau chia tay và hẹn chủ nhật tới sẽ lại gặp nhau trong cuộc phát thưởng cho thợ thuyền.

57.- Cuộc phát thưởng cho thợ thuyền
Chủ nhật, ngày 25

Y hẹn, sáng nay chúng tôi đều đến nhà hát Vittôriô dự lễ phát phần thưởng cho lớp thợ thuyền. Nhà hát cũng đông đảo như hôm 14 tháng ba mới rồi, nhưng lần này công chúng phần nhiều thuộc về phái lao động.
Trong sân rạp, hai dãy ghế đầu là học trò hội "hợp ca" ngồi. Giờ khai mạc, các cậu đồng thanh hát một bài cung tặng chiến sĩ trận vong giọng tốt, vă hay quá, nên lúc hát xong, mọi người đều đứng dậy vỗ tay và kêu "bis" , khiến cho các cậu lại phải hát một lần nữa.
Đoạn, những người được thưởng bắt đầu diễn trước mặt ông Thị trưởng, ông Quận trưởng và nhiều viên chức khác. Các ông phát cho họ sách vở, giấy ban khen va bội tinh.
Tôi nhìn thấy "chú phó nề" ngồi một góc phòng với mẹ và ở cuối rạp thấy thoáng bóng ông hiệu trưởng và thấy giáo lớp tôi.
Thoạt tiên là học trò lớp hội hoạ lên lĩnh thưởng. Chúng tôi nhìn thấy thợ kim hoàn, thợ chạm đồ kim thuộc, thợ in thạch bản, thợ mộc, thợ nề. Kế tới lớp thương mại và lớp âm nhạc. Lớp này có cả mấy cô thiếu nữ và mấy cậu công nhân ăn mặc diêm dúa như ngày hội. Trước vẻ trang trọng ấy, công chúng vỗ tay như pháo. Cuối cùng là lớp phổ thông.
Lớp này gồm đủ người trong các nghề và họ ăn mặc nhiều lối khác nhau: tóc bạc có, râu đen có, người lớn có, trẻ em có. Những người trai trẻ thì vui vẻ, mau lẹ , các ông có tuổi ra chiều bối rối ngượng ngùng. Trong số đó, tôi thấy cả cha "chú phó nề" ông được phần thưởng thứ nhì. Công chúng vỗ tay hoan nghênh tất cả, trẻ cũng như già.
Nhiều người được thưởng có cả vợ con đi theo. Khi thấy cha lên đàn lĩnh giải, mấy em bé gọi và vỗ tay reo.
Một cậu bé nạo ống khói cũng được thưởng. Mặt cậu hôm nay rửa sạch nhưng quần áo vẫn nhuộm màu than. Ông Thị trưởng hỏi han cậu ân cần và bắt tay khen ngợi. Kế đến lượt một người nấu bếp và một người quét đường: hai người này đều được gắn bội tinh.
Một cậu bé tập nghề, mặc áo của cha lụng thụng lên đàn lĩnh sách, bên dưới có mấy tiếng cười phát ra nhưng bị nhiều tiếng vỗ tay trùm át đi. Sau cậu đến một cụ già đầu hói, râu bạc rồi đến mấy người lính pháo thủ, lính đoan, lính vệ binh là hết.
Để bế mạc lễ này, các cậu trong ban "hợp ca" lại đứng lên hát bài quốc ca rất là hùng tráng.
Ra về, tôi nghĩ đến công việc của những người lao động phải làm thêm những phận sự hàng ngày đã vất vả, nghĩ đến những thời giờ cần phải nghỉ ngơi mà không được hưởng nguyên vẹn, nghĩ đến sức cố gắng của những khối óc không quen học bài, của những bàn tay chai rắn vì lao dịch, lòng tôi cảm thấy một mối như vừa kính trọng vừa thân yêu những người lao công chịu khó, những người cha gia đình xứng đáng nói trên.

58.- Lời cảm tạ
Thứ tư, ngày 24

Mỗi khi tôi nghĩ lại và so sánh học lực của tôi hồi tháng mười năm ngoái với bây giờ thì tôi thấy hình như tôi đã tiến nhiều. Trong ký ức tôi đã chứa được nhiều điều mới. Khi tôi viết hoặc nói, tôi đã phô diễn tư tưởng được dễ dàng hơn. Đọc sách tôi cũng hiểu nhiều hơn trước. Tôi lại có thể tính toán và giúp một vài việc cho cha mẹ.
Được thế, cũng là nhờ ở nhiều người. Hôm nay là ngày tôi phải cám ơn các vị ấy. Trước hết tôi cảm tạ thầy giáo tôn quý của tôi bao giờ cũng khoan dung và yêu dấu tôi, mỗi một sự tiến bộ của tôi là một sự lao tổn cho thầy.
Tôi cảm ơn anh Đêrôtxi, người bạn hiền của tôi, nhờ những lời dẫn giải sốt sắng và phân minh của anh, tôi đã hiểu thấu mọi nghĩa khó khăn và vượt những kỳ thi được dễ dàng.
Tôi cảm ơn anh Xtarđi, người bạn can đảm và khoẻ mạnh đã tỏ cho tôi biết có quả cảm mới thành công.
Tôi cảm ơn anh Garônê, một người bạn chính đại quang minh làm cho ai chơi với anh cũng phải trở nên đứng đắn nết na.
Tôi lại không quên cảm ơn các anh Prêcôtxi và Côretti, các anh đã nêu cho tôi tấm gương can đảm trong lúc biến, tấm gương bình tĩnh trong việc làm!
Nhưng cha ơi! Chính cha là người con phải cảm tạ hơn hết vì cha vừa là ông thầy thứ nhất, vừa là người bạn thứ nhất của con, cha đã khuyên con biết bao lẽ phải , đã dạy con biết bao nhiêu điều hay. Cha đã làm việc vất vả nhưng cha vẫn giấu kín nỗi ưu phiền, chỉ cốt làm cho sự học của con được dễ dàng và đời con được êm ấm.
Cả mẹ nữa, người mẹ hiền từ của con ơi! Mẹ đã chia xẻ nỗi vui, nỗi buồn của con, mẹ đã học bài, đã làm việc cho con và đã đau khổ vì con! Con xin quỳ trước mặt mẹ cũng như lúc con còn thơ, để tạ ơn mẹ.
Con xin dâng lại cha mẹ tất cả tấm yêu đương mà cha mẹ đã đặt vào trái tim con trong mười hai năm hy sinh và âu yếm để đền ơn sinh thành.

59.- Đắm tàu
( Truyện đọc hàng tháng cuối cùng )

Cách đây vài năm, trong một buổi sớm mùa đông, một chiếc tàu lwón rời bến Livơpun để sang đảo Malta. Kể cả 60 thuỷ thủ, thì trong tàu có tất cả hơn 200 người. Viên thuyền trưởng và những thuỷ binh phần nhiều là người nước Anh cả.
Trong số hành khách có mười người Italia, ba thương gia, một linh mục, vài nhạc công. Ở đầu tàu, trong số hành khách hạng ba có một cậu bé người Italia trạc 12 tuổi ; coi nét mặt nghiêm trang và quả quyết của cậu, người ta có thể biết cậu là người ở đảo Sicile. Cậu ngồi một mình trên đống dây tàu, tựa vào một cái vali cũ. Da nâu, tóc đen, quần lấm rách, vai đeo túi dết, cậu nhìn tàu, nhìn bể với một nét mặt âu sầu, nét mặt của những kẻ bị đau đớn vì cảnh ngộ suy vi của gia đình.
Tàu đi được một lúc lâu, một thuỷ thủ người Italia dắt một em gái nhỏ ra đầu tàu, lại chỗ cậu bé, bảo:
- Mariô ơi! Ta đã kiếm cho em một người bạn đồng hành đây. Rồi người thuỷ thủ đi.
Mariô hỏi cô bé:
- Em đi đâu?
- Em đi về đảo Malta, để thăm thầy đẻ em đang mong đợi, tên em là Giulietta Phagiani. Mariô không nói gì.
Một lúc sau cậu lấy bánh và quả khô ở túi dết ra. Giulietta cũng mở gói bánh "bít - quy" , hai em cùng ăn vui vẻ.
- Thú quá! Sắp được khiêu vũ bây giờ!
Người thuỷ thủ Italia đi qua nói thế, rồi gió thổi càng mạnh, tàu tròng trành ghê sợ. Nhưng hai em chưa nếm mùi say sóng bao giờ nên không để ý.
Cô bé cười nụ. Cô bằng trạc tuổi bạn, nhưng cao hơn da cũng nâu quần áo cũng tầm thường như cậu, tóc buộc khăn mù soa đỏ hai tay deo vòng bạc con, người coi mảnh dẻ, yết ớt, có lẽ cô cũng đã chịu nhiều nỗi gian truân.
Lúc rồi , hai em kể chuyện nhà cho nhau nghe. Cậu bé, mồ côi cha mẹ. Cha cậu làm thợ, mới mất ở Livơpun được mười hôm nay. Ông lãnh sự Italia thấy cậu bơ vơ liền cấp giấy cho cậu về quê ở Palermô. Cậu định về tìm mấy người họ hàng để nương nhờ.
Còn cô bé năm ngoái có bà dì đưa cô sang Luân Đôn, làm con nuôi để bớt cho cha mẹ một miệng ăn vì nhà cô thanh bạch. Được vài tháng, dì cô bị tai nạn ô tô, chết không để lại một đồng nào. Ông Lãnh sự Italia ở đây cũng cho cô về nước.
Vì thế cả hai đều được gởi người thuỷ thủ Italia trông nom. Cô bé nói:
- Như thế là em trở về tay không, mà thầy đẻ em cứ yên trí là sau này thế nào em cũng có một cái vốn to. Nhưng dù sao thầy đẻ em vẫn thương yêu em và thấy em trở về được mạnh giỏi thì vui sướng biết dường nào! Các em em cũng thế. Chúng nhớ em lắm. Em có bốn em mà em là chị cả.
Nói xong cô hỏi bạn:
- Thế anh cũng về tìm bà con?
- Anh cũng định thế, song không biết có ai chịu giúp đỡ anh không?
- Những người ấy không yêu anh à?
- Anh chưa thể biết được.
Cô bé nói tiếp:
- Đến lễ Giáng sinh này, em vừa đúng 12 tuổi.
Suốt ngày, hai trẻ ngồi cạnh nhau, khi nói chuyện tâm sự, khi nhìn mặt bể khơi, ai cũng tưởng là hai anh em. Lúc buồn, cô bé lại giở bít tất ra đan, còn cậu bé thì tư lự nhìn ra mặt bể.
Một buổi chiều kia, khi cậu đang đứng tựa bao lơn xem "động bể" bỗng một lớp sóng bạc đầu kéo đến vỗ vào mặt cậu, đồng thời tàu tròng trành, làm cậu ngã vập đầu vào ghế, máu chảy rỏng ròng. Cô bé vội chạy hỏi:
- Anh có việc gì không?
Rồi cô tháo mù soa trên đầu buộc vết thương cho bạn. Một giọt máu ở trán cậu rỏ xuống làm ố chiếc áo vàng của cô.
Cậu bé lấy làm cảm động và xin lỗi cô.
Trời tối, Mariô và Giulietta vừa xuống phòng ngủ được một lúc thì trời nổi bão.
Trên mui gió giật đùng đùng làm gãy cột buồm, rứt đứt ba chiếc sà lúp treo ở cạnh tàu và đánh bay bốn con bò buộc ở đằng mũi.
Tình trạng lúc bấy giờ thật là lộn xộn, không thể tả được. Một sự kinh hoàng lớn trên tàu:tiếng kêu, tiếng khóc, tiếng cầu nguyện nổi lên mọi chỗ nghe rất thương tâm. Đêm càng khuya gió càng mạnh. Đến gần sáng thì phong ba lại càng kịch liệt.
Sóng ngang nước ngược trùm lấp cả tàu, gặp cái gì là đánh gẫy và cuốn đi. Nóc buồng máy bị gió đánh sụp xuống, nước tràn vào ồ ồ làm tắt cả lò, khói bay mù mắt ; tài xế đều phải bỏ chạy, rồi bốn bên nước cứ cuồn cuộn chảy vào như suối, như thác.
- Bơm nước ra!
Viên thuyền trưởng vừa ra lệnh thì bỗng một trận gió giật phi thường làm đứt hết dây và phá tung các cửa, tức thì một cây nước lớn đổ vào đầy tàu.
Hành khách ai nấy rụng rời, mặt xám như gà cắt tiết, gào khóc như điên. Viên thuyền trưởng không để chậm một phút, sai buông luôn chiếc thuyền xuống bể.
Năm người lính thuỷ vào ngồi... Nhưng thuyền vừa chấm mặt nước bể thì một con sóng lớn đánh chìm nghỉm! Hai người lính thuỷ chết đuối. Còn ba người kia hết sức bình sinh phấn đấu với sóng mới với được dây leo lên tàu.
Lúc ấy, nước đã gần tới bao lơn.
Một tấn thảm kịch diễn ra ở trên boong. Mẹ thất vọng ôm chặt con vào lòng. Bạn bè hôn nhau để vĩnh quyết. Mấy người nhát gan lánh vào trong phòng để khỏi nhìn thấy cái chết không tránh được. Một hành khách tự tử bằng súng lục lăn xuống chân thang. Một số đông người nữa chen chúc vào nhau đợi chết.
Tiếng kêu khóc lẫn trong gió gào nghe rất kinh hồn.
Mariô và Giulietta , hai trẻ lúc ấy đều ôm vào cột buồm gẫy, mắt đăm đăm nhìn bể.
Bây giờ, gío đã bớt mạnh, sóng đã hơi yên, nhưng con tàu cứ dần dần chìm. Chỉ trong vài phút nữa là đắm xuống đáy bể.
- Cho sà lúp xuống bể, mau!
Theo lệnh thuyền trưởng , người ta thả chiếc sà lúp mà gió còn để sót lại. Mười bốn thuỷ thủ và hành khách được phép xuống.
Viên thuyền trưởng ở nguyên trên tàu. Bọn thuỷ thủ kêu to:
- Mời đại uý xuống đây với chúng tôi! Viên thuyền trưởng đáp:
- Ta phải chết tại nhiệm sở của ta. Bọn thuỷ thủ kêu nài:
- Xin đại uý cứ xuống, mau gặp tàu đến cứu thì ta thoát nạn. Xin đại uý cứ xuống mau! Không thì nguy đến tính mệnh!
- Ta ở lại.
Bọn thuỷ thủ nhìn hành khách trên tàu gọi:
- Còn một chỗ cho một người đàn bà. Không thấy có ai trả lời. Bọn ấy lại kêu:
- Một trẻ em vậy!
Nghe tiếng ấy, Mariô và Giulietta đều nhảy bổ ra mạn tàu như hai con thú dữ và tranh nhau kêu:
- Tôi! Tôi!
Tiếng dưới thuyền kêu lên:
- Đứa bé xuống, đứa lớn ở lại vì thuyền đã nặng lắm rồi.
Thấy nói thế, cô bé kinh ngạc, sững người nhìn Mariô bằng đôi mắt của kẻ hấp hối.
Mariô lại nhìn cô bé, trông thấy giọt máu đỏ ở vạt áo cô , nhớ ngay cái cử chỉ quí hoá của bạn, rồi một ý định cao thượng qua nét mặt cậu như một luồng chớp, cậu trả lời:
- Cô này nhẹ hơn tôi! ....Em Giulietta ơi! Em còn cha, còn mẹ. Anh chỉ có một mình... Anh nhường chỗ cho em. Em xuống mau!
Người dưới thuyền kêu:
- Chùng chình mãi! Quăng nó xuống đây!
Mariô liền ôm ngang Giulietta ném xuống.
Cô bé kêu lên một tiếng là rơi tòm ngay bể. Một người thuỷ thủ mau tay cứu được và lôi lên thuyền. Mariô đứng trên mạn tàu trông theo, trán cao ngạo tóc phất phới, vẻ bình tĩnh và trang nghiêm. Thuyền từ từ xa, Giulietta ngoảnh nhìn Mariô khóc thổn thức và đưa tay ra vĩnh biệt.
- Anh ở lại!
- Vĩnh quyết em!
Thuyền đã rời xa, nhấp nhô trong muôn nghìn lớp sóng. Trời u ám. Trên tàu không còn một tiếng kêu, nước ngập đến mui... Giulietta không dám nhìn, giấu mặt trong hai bàn tay. Khi cô bé ngẩng đầu lên, thì con tàu đã biến mất! ...

60.- Trang cuối cùng của mẹ tôi
Thứ bảy, ngày mồng 1

Enricô ơi! Thế là năm học hết rồi! Con sắp phải từ giã thầy con, bạn con. Nhân tiện mẹ cho con biết một tin buồn: cuộc từ biệt ấy không phải chỉ trong hai tháng rưỡi đâu, mà là suốt đời!
Cha con vì nghề nghiệp bó buộc phải rời Tôrinô, lẽ tất nhiên, gia đình ta phải theo cha con. Sang thu, ta sẽ dọn nhà. Con sẽ theo học trường mới. Điều đó có phần làm cho con buồn, phải không?
Mẹ chắc con quyến luyến trường cũ, ở đấy ròng rã bốn năm, con đã vui vẻ làm việc mỗi ngày hai buổi, ở đây ngày nào con cũng trông thấy thầy ấy, bạn ấy cũng trông thấy cha mẹ con đứng chỗ ấy đón con, con sẽ nhớ trường cũ, ở đấy trí tuệ con đã được mở mang, ở đấy con đã kết giao được nhiều bạn tốt và ở đấy mỗi một lời nói là một điều ích lợi cho con.
Hãy đem cái kỷ niệm ấy đi với con và để lời từ biệt chúng bạn với một mối nhiệt tình phát tự đáy lòng.
Rồi ra, bạn con bất hạnh cũng có người gặp sự không may, bị cha hay mẹ mất sớm ; cũng có người mệnh yểu cũng có người đem bầu máu anh dũng tưới trên bãi chiến trường, nhưng hầu hết bạn con sẽ là những người thợ chính trực trung hậu, những người cha gia đình cần mẫn đảm đang đáng trọng, và biết đâu trong đám bạn con sau này lại không có người ra gánh vác việc nước và lừng lẫy tiếng tăm?!
Hãy từ biệt bạn con một cách yêu dấu thiết tha, hãy để lại một chút tâm hồn vào chốn đại gia đình ấy là nơi lúc con vào hãy còn thơ ấu, lúc con ra thì đã lớn khôn, là nơi mẹ con vẫn có tình cảm vì nơi ấy con được lòng thương mến của mọi người.
Enricô ơi! Trường học ví như người mẹ, người mẹ đã dứt con ở tay ta khi con nói chưa sõi để trả lại ta một đứa con khỏe mạnh tử tế và siêng năng . Lạy Thượng đế giáng phúc cho người mẹ khoan từ ấy! Này con! Con đừng quen vị ân nhân ấy, con ơi! Mai sau con nên người, con sẽ du lịch trong thế giới con sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những lâu đài nguy nga, nhưng con phải nhớ luôn luôn đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh, vì đấy là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nảy nở. Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ của con sẽ in vào ký ức cho đến lúc cần hơi thở cũng như không bao giờ mẹ quên được dáng cái nhà cũ kỹ ở đấy mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con. Mẹ con.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chuyện Vãng Sanh - Tập 1


Đường Không Biên Giới


Tôi đọc Đại Tạng Kinh


Nắng mới bên thềm xuân

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.61.142 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (130 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...