Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc sống ở thế giới này trở thành nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu ác, mà bởi những con người vô cảm không làm bất cứ điều gì trước cái ác. (The world is a dangerous place to live; not because of the people who are evil, but because of the people who don't do anything about it.)Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tâm hồn cao thượng »» Phần 3: Tháng Mười Hai »»

Tâm hồn cao thượng
»» Phần 3: Tháng Mười Hai

Donate

(Lượt xem: 9.005)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tâm hồn cao thượng - Phần 3: Tháng Mười Hai

Font chữ:


17.- Tính khoe khoang

Thứ hai, ngày mồng 5
Hôm qua, tôi đi chơi với anh Vôtini và cha anh. Khi qua phố Đôra, chúng tôi thấy anh Xtađia đang quay lại đá vung mấy người bạn đã vô ý dẫm phải chân anh trong khi anh mải nhìn một bản địa đồ treo trong hiệu sách ( vì anh học cả ở ngoài trường ). Chúng tôi gọi, anh chỉ hơi chào trả, thực là thiếu lịch sự !
Chúng tôi mặc anh và thẳng đường đi. Tôi để ý nhìn anh Vôtini thì bao giờ anh cũng ăn mặc xa hoa quá thể, đối với một đứa trẻ con như anh. Giày da dê, áo nẹp thêu, mũ phớt trắng, đồng hồ vàng. Anh ra bộ giương giương tự đắc lắm, nhưng lần này thì bị nhụt !
Cha anh thủng thỉnh đi sau, còn anh và tôi thì chạy trước. Chúng tôi đến một cái ghế đá, đã thấy có một cậu bé cúi đầu ngồi nghỉ, vẻ mệt nhọc. Một người đàn ông nữa, có lẽ là cha cậu, đi tản bộ dưới bóng cây, xem báo. Hai chúng tôi cùng ngồi ghế. Anh Vôtini len ngồi giữa tôi và cậu bé và tìm cách làm cho cậu chú ý đến mình.
Anh giơ một chân lên hỏi tôi :
- Anh đã xem đôi giày bốt tin kiểu "sĩ quan" của tôi rồi chứ ?
Anh nói thế cốt để cậu bé kia nhìn đôi giày mới của anh nhưng cậu bé không hề liếc mắt.
Thấy vô hiệu, anh bỏ chân xuống rồi vừa trỏ vào những cái "lon" kim tuyến ở tay áo, vừa liếc sang cậu bé mà bảo tôi rằng :
- Này anh ! Lối viền này coi rợn quá ! Tôi định thay bằng bộ cúc bạc ! Nhưng cũng phí lời, vì cậu bé ngồi yên như thường.
Anh Vôtini liền đặt mũ lên ngón tay trỏ quay tít. Cậu bé nhất định không nhìn.
Tức mình, anh rút luôn đồng hồ , mở nắp cho tôi xem các bánh xe. Nhưng cậu hàng xóm vẫn không nhúc nhích.
Tôi hỏi :
- Đồng hồ anh mạ vàng ? Anh đáp :
- Không. Bằng vàng cả.
- Nhưng bao giờ người ta cũng pha ít bạc vào.
- Không. Tôi cam đoan với anh rằng đồng hồ tôi toàn vàng.
Rồi cố ý bắt cậu bé kia phải trả lời, anh giơ đồng hồ ngang mặt cậu và nói :
- Này anh coi, có phải bằng vàng cả không ? Cậu kia trả lời cụt ngủn.
- Tôi không biết.

Như bị trêu chọc, Vôtini kêu :
- A ! A ! Làm bộ nhỉ !
Anh vừa kêu thì cha anh lại. Ông nhìn cậu bé rồi vội bảo anh :
- Im !
Xong ông ghé vào tai anh nói nhỏ :
- Đứa bé khốn nạn này mù, con ạ !
Vôtini nhìn kỹ cậu bé thì thấy hai con ngươi trơ như cùi nhãn. Anh kinh ngạc, cứng người, mắt nhìn xuống đất, lẩm bẩm :
- Chết chửa ! Mình không biết...
Cậu bé mù, hiểu cả, nở một nụ cười tử tế thoảng qua nét buồn nói :
- Không hề gì...
Xét ra, Vôtini là một kẻ hợm mình thực, nhưng lòng anh không độc vì từ lúc ấy, anh kém vui và có vẻ nghĩ ngợi.

18.- "Chú phó nề"
Chủ nhật, ngày 11
Hôm nay "Chú phó nề" lại tôi chơi, chú mặc áo cũ của cha chữa lại, hãy còn nguyên cả vết vôi và thạch cao.
Anh Antôniô vui tính lắm, mới gặp anh lần đầu mà cha tôi đã thích.
Vừa tới cửa, anh lột mũ cát két đẫm tuyết bỏ túi rồi thủng thình bước vào như bộ người thợ mệt, nhìn bên nọ, nhìn bên kia, mặt tròn như quả táo, mũi thì tẹt. Vào phòng ăn thấy bức ảnh "Chú hề gù", anh liền "nhăn mõm thỏ" ai trông thấy cũng phải tức cười.
Chúng tôi chơi xếp nhà cửa. Anh khéo tay quá, bầy những cầu và tháp rất tài tình. Anh cặm cụi và kiên tâm như một nhà nghề. Trong khi xếp đồ chơi anh kể chuyện cho chúng tôi nghe.
Nhà anh ở một gác xép. Tối tối, cha anh đi học lớp lao động để tập đọc. Năm nay anh mới tám tuổi rưỡi. Cha anh cao lớn như người khổng lồ, vào cửa hay chạm đầu, mà người anh thì bé nhỏ trái hẳn với cha.
Coi y phục của anh thì biết cha mẹ anh thương anh lắm. Áo anh đã kép thêm cho đỡ rét : ca vát đã do tay mẹ anh thắt rất diêm dúa và sạch sẽ.

Bốn giờ chiều, chúng tôi ăn quà ngay ở ghế trường kỷ. Lúc anh đứng lên, tôi thấy một vết trắng dây vào lưng ghế chực lau đi thì không hiểu sao cha tôi giữ tay tôi lại, rồi sau nhằm lúc không ai chú ý, cha tôi tự chùi lấy.
Trong lúc nô đùa, anh đánh đứt một cái khuy áo, mẹ tôi đơm lại cho anh. Anh đỏ mặt, sững người nhìn mẹ tôi khâu và nín thở, có lẽ anh đang áy náy vì đã làm phiền mẹ tôi.
Tôi cho anh xem những bức vẽ hoạt kê, anh bắt chước những bộ nhăn nhó trong tranh rất hệt khiến cha tôi phải bật cười. Hôm nay, "chú phó nề" được một ngày vui quá, lúc về quên cả đội mũ. Ra khỏi hè, như để tỏ lòng biết ơn, chú còn quay lại "nhăn mõm thỏ" với tôi một lần nữa.
Antôniô về rồi, cha tôi bảo :
- Con ơi ! Con có biết tại sao cha không cho con chùi ghế trong lúc bạn con còn ở đó ? Vì làm thế tựa như mắng bạn đã làm bẩn ? Những vết trắng ấy, con có rõ ở đâu ra không ? Đó là ở quần áo của cha anh đã quệt phải trong khi làm việc. Những "dấu cần lao" ấy, ta phải kính trọng. Đó là cát bụi, đó là vôi, sơn : chứ không phải là dơ bẩn. Sự cần lao không bôi bẩn bao giờ. Thấy một người thợ đi làm về, con không nên nói :
- Người này bẩn ! Con phải nói :
- Trên áo người này có nhiều vết cần lao.
Những điều ấy, con nên ghi lòng. Con phải quí mến "chú phó nề" kia, trước hết vì đó là bạn con, sau nữa đấy là con một người lao động.

19.- Quả cầu tuyết
Thứ sáu, ngày 16
Tuyết xuống mãi !
Vì tuyết mà sau buổi học sáng nay đã xảy ra một chuyện đáng tiếc. Một lũ học trò ra khỏi cửa trường được một quãng, liền viên tuyết ném nhau, những hòn nặng và rắn như đá. Lúc ấy trên hè đông
người đi lại. Một người khách qua đường kêu :
- Đừng ném nữa ! Những thằng ranh kia !
Thì ngay lúc ấy, bên kia đường có tiếng rú lên, một ông già, hai tay bưng mắt, đang bước lảo đảo, cạnh có đứa bé con kêu cứu ầm ĩ.

Mọi người đổ đến. Ông già khốn khổ đã bị một quả cầu tuyết trúng mắt. Lũ học trò chạy trốn. Tôi đang đứng ở cửa một hiệu sách đợi cha tôi vào mua, thấy mấy anh bạn chạy lại đứng ngoài tủ kính giả vờ xem : nào anh Garônê, nào anh Côretti, nào "chú phó nề", nào anh Garôpphi.
Lúc ấy, mọi người đều xúm xít chung quanh ông già bị nạn : một viên cảnh binh dậm doạ hỏi :
- Đứa nào ? Đứa nào ném ? Bắt nó ra đây !
Người ta tìm những đứa trẻ con khám xem tay ai ướt. Garôpphi đứng cạnh tôi mặt xám như gà cắt tiết.
Công chúng vẫn gào :
- Đứa nào ? Đứa nào ném ?
Tôi thấy anh Garônê bảo anh Garôpphi :
- Ra đi ! Anh cứ ra nhận đi ! Đừng để người khác bị bắt oan. Garôpphi run như cầy sấy, đáp : -
Nhưng tôi có định ném ông ta đâu !
- Dù sao anh cũng phải làm bổn phận của anh.
- Tôi sợ lắm.
- Không việc gì, anh cứ theo tôi.
Viên cảnh binh và công chúng càng gào to :
- Đứa nào ? Bắt bằng được ! Nó ném vỡ kính đâm mù mắt ông già rồi ! Nghe thấy thế Garôpphi rủn người như sắp ngã xuống đất.
Garônê quả quyết giục :
- Cứ ra, tôi sẽ bênh vực cho anh.
Nói xong, Garônê đưa Garôpphi ra và ôm đỡ anh như một bệnh nhân. Trông thấy, công chúng hiểu ngay đó là tội nhân, họ hung hăng kéo đến. Garônê đứng che cho bạn và nói :
- Có phải mười người lớn định đánh một đứa trẻ con không ?
Họ đều thôi. Viên cảnh sát đến lôi Garôpphi qua đám đông người điệu vào một cửa hàng là chỗ người ta đã đưa ông già vào ngồi tạm.
Trông ông già, tôi nhận ngay ra là một người làm công trọ ở tầng gác thứ tư, nhà tôi ở. Ông ngồi tựa lưng vào ghế, tay cầm mùi soa ấp mắt người cháu đứng cạnh ông.
Garôpphi mặt tái mét vừa khóc vừa nói :
- Tôi có định ném cụ ấy đâu. Tôi lỡ tay...
Hai ba người đẩy mạnh anh vào hàng và thét :
- Phải quỳ xuống xin lỗi !
Nhưng, ngay lúc ấy, có hai cánh tay mạnh mẽ nâng anh dậy và một giọng quả quyết buông ra :
- Thưa các ngài, không được !

Đó là ông hiệu trưởng trường tôi : ông đã nhìn rõ tấn kịch ấy.
Garôpphi nức nở khóc, hôn tay ông già. Ông lão rờ đầu và xoa tóc anh, tỏ ý tha thứ cho một đứa trẻ đã biết hối.
Lát sau, người ta cho Garôpphi về.
Cha tôi cũng kéo tôi về. Đi đường cha tôi hỏi :
- Enricô ơi ! Gặp những trường hợp như thế, con có can đảm ra thú lỗi không ? Tôi đáp :
- Thưa cha, có.
- Con giữ lời chứ ?
- Vâng, con xin thề với cha như thế !

20.- Các cô giáo trường tôi
Thứ bảy, ngày 17
Hôm nay, Garôpphi ra trường có vẻ lo lắng vì chắc thế nào cũng bị thầy giáo quở phạt. Nhưng ông Perbôni nghỉ mà thầy giáo phụ cũng không đến, chỉ có bà Crôme là bà giáo có tuổi nhất trường đến dạy thay. Hôm nay bà có vẻ buồn vì con bà ốm. Bà bước chân vào lớp, học trò đã làm rầm lên. Bà chậm rãi nói : "Các con nên trọng mái tóc bạc của ta một chút ! Ta không những là một bà giáo, ta còn là một người mẹ ! ".
Ai nấy đều nín thít. Ngỗ nghịch như anh Phơranti cũng đành chịu nói thầm.
Cô Đelcati, dạy em tôi lên thay bà Crôme, còn lớp cô thì để cho cô "Mụ nhà dòng " coi giúp ; người ta hay gọi thế vì cô hay mặc đồ thâm. Cô da trắng, tóc trơn, mắt sáng, giọng lại thanh tao hình như trời sinh ra chỉ để đọc kinh cầu nguyện. Tuy nhiên cái giọng êm ái ấy cũng có oai quyền, khiến cho đám trẻ phải kinh sợ ; những trẻ nghịch ngợm nhất ở trước mặt cô cũng phải thúc thủ.
Trong trường còn một cô giáo nữa tôi rất quí mến là cô giáo lớp sơ đẳng. Cô sắc mặt hồng hào, má lúm đồng tiền, đầu đội mũ gài lông đỏ. Cô tính tình hoà nhã, trên môi lúc nào cũng nở một nụ cười, dạy học rất vui. Cô luôn luôn gõ thước xuống bàn hoặc vỗ tay cho học trò ngồi im. Lúc học trò ra, cô thường theo sau để giữa cho chúng đi thẳng hàng, xóc cổ áo cho em này, gài khuy áo cho em khác, theo ra tận đầu phố cho chúng khỏi đánh nhau, ngọt ngào nói với cha mẹ chúng về nhà đừng đánh phạt chúng. Em nào ho thì phát kẹo thuốc, em nào rét thì cho mượn bao tay. Lúc nào, cô cũng bị học

trò vây đón tíu tít, kẻ kéo khăn quàng. Người lôi cổ áo...
Cô chịu khó lắm, vưà dạy chữ vừa dạy vẽ. Cô đi làm để nuôi mẹ và em.

21.- Thăm ông già bị nạn
Chủ nhật, ngày 18
Cháu ông già bị thương hôm nọ học lớp cô giáo nhu hoà, vui vẻ mà tôi vừa kể chuyện. Hôm nay tôi cũng trông thấy anh vì anh ở với ông nuôi nấng như con đẻ. Tôi vừa chép xong câu chuyện hàng tháng nhan đề là "Chàng viết mướn thành Phirenzê" để đọc tuần sau thì cha tôi bảo :
- Ta lên tầng thứ tư xem tin tức ông già hôm nay ra sao?
Chúng tôi lên gác, tìm vào một căn phòng tối mò. Ông già đang ngồi trong giường, chống tay lên gối. Bà vợ đứng đầu giường, người cháu đang chơi. Mắt ông còn buộc băng. Thấy cha tôi đến, ông mừng rỡ mời ngồi và nói hôm nay ông đã khá nhiều. Mắt ông không việc gì, mai kia sẽ khỏi hẳn. Ông nói tiếp : "Thật là một cái hạn ! Tôi chỉ thương cho thằng bé hôm ấy bị khiếp sợ quá !"
Chợt có tiếng gõ cửa, ông tưởng bác sĩ đến thăm, nhưng cửa vừa hé tôi nhìn thấy anh Garôpphi trùm áo măng tô lù lù đứng ngoài, mắt nhìn xuống đất, không dám bước vào.
Ông già hỏi :
- Ai đấy ? Cha tôi đáp :
- Đứa trẻ ném tuyết hôm nọ đấy. Ông già gọi :
- Con vào đây. Con đến hỏi thăm người bị thương phải không ? Con hãy yên tâm. Hôm nay ta đã bớt nhiều.
Garôpphi thẹn thùng lại cạnh giường và cố nuốt nước mắt. Ông già xoa đầu anh, anh cảm động quá không nói được lời nào !
Ông già nói tiếp :
- Cảm ơn con đã đến thăm ta. Con về nói với cha mẹ con rằng ta sắp khỏi hẳn và không việc gì để người khỏi băn khoăn.
Garôpphi không nhúc nhích, coi bộ nghĩ ngợi, hình như anh có điều gì trong lòng chưa dám nói ra . Ông già hỏi :

- Con muốn gì ?
- Thưa cụ, không.
- Thôi ! Chào con ! Con cứ về đi, đừng lo lắng gì nữa.
Garôpphi trở ra, song không hiểu sao anh lại đứng lại nhìn người cháu ông già chòng chọc rồi bỗng dưng rút ở túi ra một gói giấy nhét vào tay cậu bé và bảo :
- Anh cho em.
Nói xong, anh chạy liền.
Cậu bé đem giấy lại cho ông già mở xem.
Tôi ngạc nhiên quá, vì đó chính là quyển sổ quý báu của anh : "Quyển tem các nước" mà anh đã sưu tập từ lâu, quyển sổ mà anh đã đặt bao nhiêu hy vọng và tốn biết bao nhiêu công trình ! Tóm lại, nó là cái bảo tàng của anh, nó là huyết mạch của anh xẻ ra, nay anh thành tâm đem lại để chuộc tội.

22.- Chàng viết mướn thành Phirenzê
( Truyện đọc hàng tháng )
Cậu bé là học trò lớp bốn sơ đẳng, quê ở thành Phirenzê mới 12 tuổi, người coi khôi tráng, thông minh, tóc đen, da trắng. Cậu là con đầu lòng một viên ký ga, lương ít, nhà lắm miệng ăn, vì thế sinh kế rất eo hẹp. Cha cậu quí cậu lắm, nhưng đến việc học thì rất nghiêm khắc vì cậu đã lớn, cần phải học gấp cho chóng đủ sức đi làm, kiếm đỡ gia đình.
Cha cậu đã có tuổi, lại lo nghĩ nhiều nên trông già xọm. Thế mà ngoài việc sở ra, cha cậu còn nhặt việc ngoài để kiếm thêm và đêm nào cũng thức khuya làm việc.
Ông vừa nhận được việc viết "băng" báo, cứ 500 tờ thì được 3 lira. Nhưng việc này có phần khó nhọc, nên tối đến, lúc cơm ông thường phàn nàn :
- Mắt ta độ này kém quá. Làm việc đêm hại người thực ! Một hôm cậu con nói :
- Thưa cha, để con làm đỡ vì con viết được.
Cha đáp :
- Không. Con còn phải học. Công việc nhà trường còn quan hệ hơn việc viết "băng" nhiều. Cảm ơn con. Cha không muốn thế.
Biết không thể nào làm lay chuyển được lòng cha. Cậu thôi không nài nữa và nghĩ cách khác.

Một đêm, đợi cho cha viết mỏi tay đi ngủ, cậu khẽ dậy, lần ra phòng giấy, thắp đèn rồi ngồi vào bàn bắt chước lối chữ của cha viết rất nhanh nhẹn. Tập "băng" đã thành đống cao, cậu đếm được 160 tờ. Thế là làm thêm được 1 lira. Cậu nghỉ tay rồi rón rén về buồng ngủ.
Hôm sau cha cậu vui vẻ bảo cậu :
- Giuliô ơi ! Cha còn có sức làm việc hơn là con tưởng. Đêm qua, trong hai tiếng đồng hồ, cha đã viết hơn mọi hôm đến quá một phần ba. Tay ta còn lẹ mắt ta còn tinh.
Giuliô sung sướng , tự nhủ lòng :
- Không những kiếm được thêm tiền , ta còn làm cho cha vui sướng tưởng mình trẻ ra. Ta hãy gắng lên !
Cậu làm như thế luôn một tháng. Thức nhiều sinh mệt. Một tối kia, cậu ngủ gật trong khi học bài. Hôm sau cha cậu mắng :
- Độ này con đổi tính nhiều quá, trước con có thế đâu ! Con nên nhớ rằng tất cả hy vọng của nhà ta đều đặt vào tương lai của con. Cha rất không bằng lòng con.
Bị cha mắng, cậu định từ nay thôi không viết nữa.
Nhưng đến chiều, cha cậu về, vui vẻ báo cho nhà biết rằng tháng này cha cậu lĩnh được 32 lira hơn tháng trước. Cha cậu lại mua một gói kẹo lớn về phân phát cho các con. Các em cậu vỗ tay reo mừng
. Thấy thế, cậu lại quả quyết làm như trước và tự nghĩ :
- Ta phải gắng hơn chút nữa ! Ban ngày ta học, ban đêm ta viết để cho cha và các em ta được sung sướng.
Cậu viết như thế luôn bốn tháng. Bốn tháng đêm thức ngày mệt ! Bốn tháng bị cha giày vò hắt hủi. Sang tháng thứ năm, cậu quyết lòng nghỉ viết để khôi phục lại tình yêu dấu của cha, nhưng đêm đến, cậu lại nhớ giấc dậy. Cậu muốn nhìn lại lần cuối cùng trong bầu không khí bình tĩnh ban đêm, cái phòng con kia, nơi mà cậu đã làm việc lén trong bấy nhiêu lâu. Đèn thắp, cậu đứng trước bàn nhìn tập "băng" trắng mà cậu sẽ không bao giờ được viết nữa, những tính danh và địa chỉ cậu đã thuộc làu, lòng cậu bỗng thấy bồi hồi. Rồi bất giác, cậu lại ngồi xuống làm việc. Tay cậu đụng rơi quyển sách xuống đất. Cậu rùng mình sợ hãi. Chết ! Cha cậu dậy thì sao ?
Cậu nín thở và lắng tai, nhưng không nghe thấy gì. Im cả ! Cả nhà đang ngon giấc. Cậu yên tâm cầm bút viết lia lịa.
Lúc ấy, cha cậu vẫn đứng sau cậu mà cậu không biết, vì nghe tiếng sách rơi, cha cậu nghe ngóng một lúc lâu rồi rón rén ra. Phải ! Cha cậu đứng đấy mái tóc bạc cúi trên mái tóc xanh ! Phải ! Cha cậu đứng đấy, mắt nhìn ngọn bút lòng cảm thương con !...
Bỗng cậu Giuliô thét lên một tiếng , có hai bàn tay run run ôm lấy đầu cậu. Nghe tiếng nức nở, cậu biết ngay là cha, liền nói :
- Cha ơi ! Xin cha tha lỗi cho con !

Cha cậu, cúi hôn cậu, nước mắt rỏ cả lên trán :
- Giuliô yêu quí của cha ! Con đừng giận cha nhá ! Cha đã hiểu cả. Chính cha phải xin lỗi con mới phải.
Nói xong, cha cậu ôm cậu vào giường mẹ cậu và bảo :
- Hôn con đi! Đã bốn tháng nay nó không ngủ để làm việc thay ta. Ta đã phụ bạc nó trong khi nó kiếm gạo nuôi cả gia đình !

23.- Lòng biết ơn
Thứ bảy, ngày 31
Enricô của cha,
Con ơi ! Con có ý oán thầy giáo con vì người đã nóng quá. Con nghĩ lại xem đã bao nhiêu lần con gắt gỏng, mà gắt gỏng với ai ? Với cha con, với mẹ con là những người đáng lẽ con phải kính nể. Thầy giáo con đôi khi nóng nẩy, không phải là không có cớ. Đã bao nhiêu năm, người khó nhọc dạy trẻ. Trừ một vài đứa có nghĩa và ở thuỷ chung với thầy, còn phần đông là những kẻ vong ân, chúng đã phụ lòng tốt của người và không nghĩ đến công lao của người. Hết thảy bọn chúng con đều giê cho thầy những mối ưu phiền hơn là những sự như ý. Một người hiền lành nhất trên trái đất này, ở vào địa vị thầy, cũng phải đâm ra tức giận. Lắm phen, trong mình khó xử, thầy cũng phải gắng đi làm vì không đến nỗi phải nghỉ, con có biết đâu ! Thầy gắt vì thầy đau, nhất là những khi thầy thấy các con biết rõ là thấy yếu lại thừa cơ nghịch ngợm thì thầy đau khổ biết dường nào !
Con ơi ! Phải kính yêu thầy giáo con. Hãy yêu thầy vì cha yêu thầy và trọng thầy . Hãy yêu thầy, vì thầy đã hy sinh đời thầy để gây hạnh phúc cho biết bao nhiêu đứa trẻ sẽ quên thầy. Hãy yêu thầy vì thầy mở mang trí tuệ và giáo hoá tâm hồn cho con. Rồi đây, con sẽ trưởng thành, thầy cùng cha sẽ không còn ở trên đời này nữa, lúc ấy con sẽ thấy hình ảnh thầy thường hiển hiện ở cạnh cha, lúc ấy con sẽ thấy nét đau đớn và lao khổ trên mặt thầy làm cho con phải cực lòng mặc dầu đã cách hàng 30 năm. Rồi con tự thẹn và con ân hận đã không yêu người và trái đạo với người.
Hãy yêu thầy vì thầy là người của cái gia đình giáo thụ lớn lao kia ở rải rác trên địa cầu, cái gia đình ấy dạy dỗ hàng triệu đứa trẻ cùng lớn với con. Nếu con chỉ biết yêu cha mà không nghĩ đến những vị đã làm ơn cho con mà ông thầy đứng vào bậc nhất thì cha chẳng được hài lòng.
Hãy yêu thầy như cha ; yêu thầy như những khi thầy vuốt ve con, yêu thầy cả những khi thấy mắng

mỏ con, yêu thầy khi thầy không công bằng và cả những khi con tưởng thầy có ý thiên vị ! Yêu thầy khi thầy tươi vui, nhưng càng yêu thầy khi thầy buồn bã. Và bao giờ con cũng phải đọc tiếng "thầy" một cách trân trọng vì sau tiếng "cha" thì tiếng "thầy" là tiếng cao quí hơn cả, là tiếng đẹp đẽ hơn cả mà một người có thể đem tặng người khác."
Cha con.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyền thuyết về Bồ Tát Quán Thế Âm


Những tâm tình cô đơn


Truyện cổ Phật giáo


Dưới bóng đa chùa Viên Giác

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.224.55.136 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...