Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tâm hồn cao thượng »» Phần 7: Tháng Tư »»

Tâm hồn cao thượng
»» Phần 7: Tháng Tư

Donate

(Lượt xem: 5.848)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tâm hồn cao thượng - Phần 7: Tháng Tư

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

43.- Viện dục anh
Thứ ba, ngày mồng 4

Sáng qua cơm nước xong, tôi theo mẹ tôi lại viện dục anh (1) để nhờ bà Giám đốc trông nom giúp em gái anh Prêcôtxi. Tôi chưa được vào viện dục anh lần nào hôm nay đến đây, tôi lấy làm thích lắm.
Viện này có tới 200 trẻ em vừa con trai con gái. Chúng tôi đến gặp giờ ăn của các em bé. Hai cái bàn dài bày giữa phòng, hai bên mép bàn đều đục những lỗ tròn, mỗi lỗ đựng một chiếc bát gỗ màu nâu đầy cơm và đậu, cạnh đặt cái thìa thiếc con.
Lúc chúng tôi bước vào, thấy hai ba em bé ngã và cứ nằm xoài ra đất cho đến lúc cô giáo đến đỡ dậy. Nhiều em vừa vào bàn ngoài thấy cơm tưởng phần của mình cầm luôn thìa xúc ăn, nhưng cô giáo vội kêu: "vào nữa đi!" chúng liền bỏ thìa, kéo nhau vào bàn trong.
Chúng bắt đầu ăn. Cảnh tượng vui mắt làm sao! Em này ăn bằng hai thìa em kia ăn bốc ; nhiều em nhặt từng hột đậu bỏ túi, trái lại cũng có em gói đậu vào đầu khăn ăn, lấy tay nghiền nát vứt đi. Chỗ này mất em mải nhìn ruồi bay quên cả ăn, chỗ kia, mấy em vừa ăn vừa ho: cơm bắn ra bàn như mưa. Người ta sẽ bảo đó là một cái chuông gà! nhưng dù sao, hai dãy dài gồm những trẻ em dung mạo hồng hào với những mớ tóc đỏ buộc dài màu sặc sỡ đã bày ra một bức hoạ linh động và vui mắt vô cùng!
Một cô giáo hỏi:
- Đố các em biét: cây lúa mọc ở đâu?
Chúng đồng thanh đáp như giọng đọc sách:
- Lúa - mọc - trong - ruộng.
Tôi đoán câu này có lẽ ở trong một bài tập đọc. Cô giáo lại bảo:
- Giơ tay lên!
Tức thì một loạt cánh tay xinh nhỏ với những cánh tay hồng, trắng như những con bươm bướm giơ lên.
Ăn xong đến giờ chơi. Các em đều chạy lại lấy giành đồ ăn treo ở tường và xách ra vườn. Chúng tản mác mỗi em một nơi để lấy thức ăn trong giành như bánh tây, kẹo, phó mát, trứng luộc, đỗ luộc, đùi gà ra ăn tiệc nữa.
Trong nháy mắt, mặt vườn đã rắc đầy những mảnh bánh chẳng khác chi người ta vãi mồi để nhử chim. Chúng ăn bằng nhiều kiểu lạ lùng gặm , nhấm, la liếm, mút mát như những giống thỏ, chuột và mèo. Ba bốn em lấy que chòi chiếc trúng luộc như để tìm của bên trong, chúng làm rơi đến nửa chiếc xuống đất xong lại cúi xuống kiếm từng miếng một như tìm hạt ngọc, chẳng để sót tí nào.
Em nào có món gì ngon hoặc là thì hàng chục em khác đến quây quần chung quanh, ra vẻ thèm thuồng. Một cậu bé có chiếc bánh ngọt, bạn đến xin, cậu chỉ giơ tay dính đường cho mút. Mẹ tôi ra giữa vườn, xoa đầu em này rồi lại vuốt ve em kia. Các em khác đua nhau chạy lại vây lấy mẹ tôi, em nào cũng ngẩng mặt lên chực mẹ tôi hôn. Một cậu cho mẹ túi múi cam cắn giở, cậu thứ nhì cho cái vỏ bánh, cô thứ ba biếu mẹ tôi một chiếc lá cây.
Trong sân, lúc ấy hết chỗ này đến chỗ kia có chuyện, cô giào phải chạy đi chạy lại để xử kiện. Một cô bé chu lên khóc vì không tháo được nút khăn mùi xoa. Mấy cô nữa tranh nhau hai hột táo, cào cấu nhau rồi kêu khóc rầm rĩ. Một cô bé trèo lên ghế ngã, bị ghế đè không sao đẩy ra được, khóc hét lên! Lúc sắp về, mẹ tôi ôm ba , bốn em bé vào lòng, tức thì các em ở bốn phía, miệng còn dính kẹo hoặc nhớt nhát nước cam, kéo lại muốn được mẹ tôi bế như các em kia ; rồi em này nắm lấy mẹ tôi để xem nhẫn, em kia kéo dây để xem đồng hồ, em khác nhảy lên với bím tóc mẹ tôi. Các cô giáo bảo mẹ tôi:
- Bà phải để ý, kẻo chúng làm hỏng áo bà.
Nhưng mẹ tôi không lấy điều ấy làm quan trọng, cứ đùa với chúng và vuốt ve chúng nhue thường. Lúc chúng tôi chào bà Giám đốc và các cô giáo để ra về, cả bọn dều chạy lại, tranh nhau đến trước, túm lấy mẹ tôi và đồng thanh kêu:
- Lạy bà ạ! (Cám ơn bà)
Sau cùng chúng tôi được ra thoát. Các em nhỏ còn xát mũi vào hàng rào sắt để nhìn theo. Chúng thò tay ra ngoài vẫy chào:
- Cám ơn bà ạ! Mai bà lại đên chơi nhé!
Qua bức giậu do những bàn tay đâm ra tua tủa như những đoá hoa hồng, mẹ tôi bắt tay suốt lượt . Ra ngoài phố, mẹ tôi rơm rớm nước mắt, có ý nhớ bầy trẻ vừa thăm, nhưng trong lòng thấy sung sướng như đi xem một đám hội về và bên tai vẫn còn vẳng nghe thấy tiếng riu ríu:
- Mai bà lại đến chơi nhá! Cám ơn bà!
*************************
(1) Viện dục anh: nơi nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.

44.- Thầy học cũ của cha tôi
Thứ ba, ngày 11

Hôm kia, cơm trưa xong, cha tôi đang xem nhật báo bỗng kêu lên một tiếng ngạc nhiên rồi bảo chúng tôi:
- Ta cứ tưởng cụ mất đã hơn 20 năm nay rồi Cụ Crôxetti là cụ giáo khai tâm cho ta ngày xưa hiện còn sống và đúng 80 tuổi. Ta vừa xem báo thấy tin cụ được thưởng "danh dự bội tinh" vì cụ đã tận tâm với chức vụ trên 60 năm. Cụ mới về hưu được 2 năm nay. Cụ ở thành Cônđôvê cách đây độ một giờ xe lửa, tức là quê bác làm vườn nhà ta ngày xưa ấy.
Cha tôi nói tiếp:
- Enricô ơi! Mai ta sẽ đi thăm cụ.
Rồi cả buổi chiều hôm ấy, cha tôi chỉ nói đến chuyện cụ giáo Crôxetti. Cái tên của thầy học "vỡ lòng" đã làm sống lại trong ký ức của cha tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm về thuở thiếu thời, kỷ niệm của các bạn cũ và nhất là kỷ niệm của bà cụ thân sinh ra cha tôi.
Cha tôi kể lại rằng:
- Hình ảnh cụ giáo đáng tôn kính ấy vẫn còn in trong óc ta. Khi ta học cụ độ 40 tuổi. Cụ người nhỏ nhắn, lưng hơi gù, mắt sáng, không râu, tính hồn hậu và thương yêu học trò như con. Sinh trưởng ở một nhà nông. Cụ đã chịu bao nhiêu nỗi thiếu thốn và đã tốn bao nhiêu công phu mới thành được một vị giáo viên. Cha mẹ ta rất yêu mến cụ và đãi cụ như một người bạn thân trong nhà. Không hiểu sao quê ở Tôrinô cụ lại về nghỉ ở Cônđôvê? Gặp ta, chắc chắn cụ quên rồi, nhưng không ngại, ta còn nhớ và nhận được cụ 40 năm! 40 năm qua rồi! Chóng thật!... Mai ta sẽ đi thăm cụ.
Hôm sau, độ 9 giờ, chúng tôi đã ra ga Xuxa. Cảnh xuân như vẽ. Chúng tôi qua những cánh đồng xanh, tốt và những bờ giậu đương hoa , mùi thơm ngào ngạt. Cha tôi có vẻ khoan khái, vừa ngắm cảnh, vừa nói với tôi:
- Ngoài cha ta thì cụ giáo Crôxetti là người yêu ta hơn hết và đã làm ơn cho ta nhiều nhất. Ta không bao giờ quên được những lời cụ khuyên và cả đến những câu cụ quở, mặc dầu những câu ấy có khi làm cho ta trở về phải phát khóc. Ta hãy còn nhìn rõ những lúc cụ vào lớp, cụ tựa gậy một góc, treo áo lên mắc rồi ngồi vào bàn: hôm nào cũng như hôm nào chẳng sai. Cụ là người điềm đạm, cẩn thận, chịu khó và hết lòng... buổi nào cụ cũng dạy đầy đủ và cẩn thận như buổi ban đầu.
Ta còn nhớ những lúc cụ gọi ta:
- Bôttin! Ngón tay trỏ quập vào quản bút kia mà!
Xuống ga Cônđôvê, chúng tôi tìm nhà bác làm vườn cũ nhưng chỉ có người vợ ở nhà. Chị ta có cái cửa hàng nhỏ trong ngõ. Lúc chúng tôi đến thì chị đang bận trông con. Gặp chủ cũ, chị mừng rỡ quá kể chuyện rằng chồng chị sang thành Giênôva làm thợ đã ba năm nay cũng sắp về và đứa con gái đầu lòng bị bệnh câm điếc đang cho học tại trường Câm điếc ở Tôrinô. Sau cùng chị chỉ giúp nhà cụ giáo Crôxetti mà ở làng này không một ai không biết.
Chúng tôi theo một con đường gồ ghề, hai bên giậu hoa đương nở, để đến nhà cụ.
Cha tôi không nói chuyện nữa vì mãi ngẫm nghĩ những truyện ngày xưa ; thỉnh thoảng tôi lại thấy cha tôi mỉm cười hoặc lắc đầu thở dài.
Thình lình, cha tôi đứng dừng lại nói:
- Kia rồi! Đích thị là cụ rồi! May quá!
Quả nhiên ở đằng xa, một cụ già lưng còng, râu bạc, đầu đội mũ nỉ, tay chống gậy trúc, đang thủng thỉnh đi về phía chúng tôi.
Cha tôi bước rảo và nhắc lại:
- Chính cụ!
Khi chúng tôi đến gần cụ thì đứng dừng lại. Cụ cũng không bước nữa và ngẩng nhìn cha tôi. Cha tôi cất mũ hỏi:
- Xin cụ tha lỗi, có phải cụ là cụ giáo Crôxetti không? Cụ già đáp:
- Sao ngài lại biết tôi? Vâng, chính tôi là Crôxetti. Cha tôi cầm tay cụ và nói:
- Vậy xin cụ cho phép học trò cũ bắt tay cụ. Tôi ở Tôrinô về thăm cụ.
- Tôi hân hạnh quá! Vậy ông học tôi vào hồi nào? Xin lỗi ông, ông cho tôi biết tên.
Cha tôi xưng danh và nói đã học cụ năm ấy năm nọ. Cụ cúi đầu nghĩ và nhắc đi nhắc lại tên cha tôi đến 3, 4 lần. Bỗng cụ sực nhớ ra, ngẩng lên hỏi:
- Anbertô Bottini có phải là con cụ kỹ sư Bôttini ở phố La Côxôlata không? Cha tôi giơ hai tay ra, nói:
- Thưa cụ, phải đấy!
- Quí hoá quá!
Cụ vừa nói vừa ôm lấy cha tôi. Xong cụ nói tiếp:
- Mời ông về nhà tôi chơi.
Chúng tôi theo cụ về nhà. Một lát sau, chúng tôi đến một cái vườn rộng, trong có ngôi nhà hai gian. Cụ mở cửa gian đầu mời chúng tôi vào một cái buồng chung quanh quét vôi trắng. Góc phòng kê một cái sập trên có cái mền bọc vải kẻ xanh và trắng, bên cạnh là cái bàn giấy có ngăn chứa sách, giữa kê cái bàn con và 4 cái ghế tựa, trên tường treo một tấm bản đồ cũ: đó là tất cả đồ đạc trong phòng.
Chúng tôi ngồi. Cha tôi và cụ giáo nhìn nhau một lúc, không nói gì.
Trong phòng, nền lát gách vuông, mặt trời rọi vào như một cái bàn cờ lớn. Cụ đăm đăm nhìn xuống nghĩ ngợi rồi hình như sực nhớ ra, cụ nói to:
- Anbertô! Thôi! Tôi nhớ ra rồi! Bà cụ thân sinh ra ông là người tử tế lắm. Năm đầu ông ngồi bàn nhất bên trái, cạnh cửa sổ.
Cụ nghĩ một lúc như để lục lại những ký ức năm xưa, xong cụ lại nói:
- Ngày xưa ông là một cậu bé lanh lợi lắm! Năm thứ nhì, ông bị chứng yết hầu suýt nguy, sau được lành mạnh, bà cụ lại đưa ông ra trường, người trông hãy còn còm gầy và đầu trùm một cái khăn vuông to tướng. Từ bấy đến nay, đã 40 năm rồi, phải không? ... Nay ông lại có lòng tốt đến thăm thầy cũ thực là quí hoá! Mấy năm trước cũng có nhiều học trò cũ đến thăm tôi, kẻ là Linh mục, người làm Đại tá và nhiều người nữa đều có địa vị khá cả.
Cụ giáo nhân hỏi cha tôi nay làm nghề nghiệp gì, cha tôi đáp xong, cụ vui vẻ nói to:
- Một chức nghiệp tự do (Theo bài "Chú hề con" ông Anbertô là ký giả) có ích cho quốc dân! Tôi rất vui lòng.
Xong cụ bùi ngùi nói:
- Đã đến gần một năm nay, tôi không được tiếp ai cả. Có lẽ ông là người khách cuối cùng của tôi, ông ạ.
Cha tôi vội nói:
- Cụ đừng nói thế. Trông cụ còn khoẻ mạnh nhiều. Giáo sư giơ bàn tay cho cha tôi xem và nói:
- Ông không trông thấy tay tôi run à? Đó là một triệu chứng dỡ... Tôi bị chứng này đã ba năm, khi tôi còn đang dạy học. Trước tôi tưởng không can gì, sau bệnh ấy một ngày một tăng làm cho tay tôi không thể viết được nữa. Tôi phải xin nghỉ. Sau 60 năm vui trong cõi học, bỗng dưng phải từ biệt nhà trường từ biệt học trò và cả công việc, lòng tôi không khỏi đau đớn ngậm ngùi. Sau buổi học cuối cùng, tất cả học trò theo về nhà tôi và ăn mừng. Tuy nhiên tôi vẫn thấy buồn, vì tôi nghĩ thế là cái đời của tôi đã tàn. Năm ngoái bà giáo nhà tôi tạ thế, kế đến đứa con một cũng qua đời. Hiện giờ tôi chỉ còn hai đứa cháu gái thôi. Ruộng, vườn không có, tôi sống với một số lương hưu trí vài trăm lira, tần tiện cũng đủ. Ngồi không thấy ngày dài quá. Cái thú tiêu khiển độc nhất của tôi là cái thú xem sách cũ, đọc học báo và các pho sách truyện mà người ta biếu tôi. Đằng kia... (Cụ trỏ vào ngăn sách trên bàn) ...đằng kia đã xếp tất cả những kỷ niệm, những quá khứ của đời. Ngoài những tập ấy ra, tôi không còn có gì là của báu trên đời này nữa.
Nghỉ một lúc, bỗng cụ vui vẻ bảo cha tôi:
- Ông Anbertô ơi! Ông có muốn tôi đem lại cho ông một sự ngạc nhiên không?
Nói xong, cụ chạy lại bàn viết, mở ngăn kéo ra, trong có vô số những buộc giấy bên ngoài đánh ghi cẩn thận.
Cụ bới tìm một lúc lấy một buộc tháo ra trở vài tờ rồi rút một mảnh giấy cũ ra cho cha tôi. Đó là một "bài luận" của cha tôi làm đã bốn mươi năm nay. Trên đầu, tôi thấy mấy giòng chữ này:
"Anbertô Thứ hai, ngày 3 tháng 4 năm 1838
Luận
...."
Nhận ngay ra nét chữ nguệch ngoạc hồi còn nhỏ, cha tôi cầm đọc và mỉm cười. Đang xem, cha tôi bỗng dân dấn nước mắt. Tôi hỏi tại sao thì cha tôi ôm chặt tôi vào lòng và bảo:
- Con ơi! Con hãy xem trang này. Con nhìn kỹ những chữ L và T mà chính tay bà nội con đã dạm lại cho ngay ngắn, dòng cuối cùng, hoàn toàn do tay bà viết vì thuở ấy bà tập viết giống chữ ta để mỗi khi ta mệt hay buồn ngủ không làm hết bài thì bà lại làm nốt cho ta. Mẹ ta thực đã thương ta vô cùng!
Nói xong, cha tôi kính cẩn nâng trang giấy lên miệng hôn. Cụ giáo trỏ vào các buộc giấy còn lại nói:
- Đó là những cuốn sổ tay của tôi. Mỗi năm tôi lấy một bài của mỗi người học trò cất đi, xếp thứ tự và đánh số. Đôi khi trở ra xem lại: chỗ này một câu, chỗ kia một câu thì muôn điều lại hiển hiện ra trong óc tôi và tựa hồ như sống lại cuộc đời dĩ vãng.
Ông Anbertô ơi! Từ ngày tôi đi dạy đến giờ, kể biết bao nhiêu học trò! Nhắm mắt lại, tôi nhìn thấy một đám đầu xanh của trăm nghìn đứa trẻ, lớp nọ kế tiếp lớp kia. Trong số ấy, biết đâu lại không có kẻ thành ra người thiên cổ rồi! Tôi nhớ dai nhất là những học trò tốt nhất và những học trò xấu nhất, những người đã làm cho tôi vui lòng và những người đã làm cho tôi buồn bực. Nhưng tôi bây giờ cũng như người đã sang bên kia thế giới rồi, tôi yêu tất cả, ai cũng như ai.
Cha tôi mỉm cười hỏi cụ:
- Còn con, ngày xưa có nghịch lắm không? Thưa cụ!
- Về phần ông à! Không, ngày ấy tuy có nhỏ tuổi, nhưng ông đã tỏ ra một đứa trẻ đứng đắn và có nết. Tôi còn nhớ bà cụ nhà là người rất hiền hậu và yêu dấu ông vô cùng... Thế nào? Ông bỏ cả công việc để về thăm một nhà giáo thanh bần, tuổi tác?
- Thưa cụ nhắc đến mẹ tôi, tôi lại nhớ đến buổi học đầu tiên của tôi. Mẹ tôi dẫn tôi đến trường. Hôm ấy là lần thứ nhất mà mẹ tôi phải dời tôi trong hai tiếng đồng hộ và giao tôi trong tay người lạ. Đối với mẹ tôi, việc đi học coi như một việc ra đời, một bước đầu trong những kỳ ly biệt liên tiếp nhau sau này không thể tránh được và sẽ làm cho mẹ tôi thương nhớ. Xã hội sẽ lôi kéo con bà ra và không bao giờ giả lại nguyên vẹn. Vì thế, mẹ tôi rất cảm động, kêu xin với thầy để thầy chăm chú cho. Ra về, mẹ tôi còn nhìn qua khe cửa, mỉm cười với tôi, hai mắt long lanh giọt lệ. Cụ ra hiệu cho mẹ tôi về và có ý bảo mẹ tôi cứ yên tâm. Cái nét mặt khoan từ ấy,cái cử chỉ hoà nhã ấy, cái cảm tình thân ái ấy đã ghi sâu vào trong cõi lòng, khiến tôi không bao giờ quên được. Ngày nay, chính vì mối kỷ niệm ấy mà tôi phải dời Tôrinô lại đây để thưa với cụ, sau một kỳ xa cách hơn 40 năm trời, rằng:"Cảm ơn thầy đã dạy dỗ con!"
Cụ không nói gì chỉ lấy bàn tay run vuốt ve đầu tôi và trán tôi.
Trong khi ấy, cha tôi đưa mắt nhìn bốn bức tường trơn, chiếc giường gỗ tạp, một miếng bánh tây để cạnh chai dầu ở bệ cửa sổ, rồi có vẻ nghĩ ngợi .
- Sau 60 năm tận tuỵ với nghề, phải chăng đó là tất cả những phần thưởng của thầy?
Gặp người cũ, xem chừng cụ hài lòng lắm. Cụ nói chuyện về gia đình chúng tôi, về các cụ giáo đồng thời và những bạn học của cha tôi.
Cha tôi ngắt chuyện và ân cần mời cụ ra thành phố Cônđôvê xơi cơm hiệu với chúng tôi: Cụ đáp:
- Cảm ơn ông, tôi không đi được.
Cha tôi liền cầm lấy hai tay cụ mời tha thiết. Cụ nói:
- Tay tôi run thế này, ăn làm sao được. Như thế sẽ là cái tội cho tôi và cho cả mọi người nữa.
Cha tôi nói:
- Thưa thầy, lúc ăn, con sẽ hầu thầy, không ngại.
Cụ bất đắc dĩ phải nhận lời, vừa đóng cửa vừa nói:
- Ông Anbertô ơi! Hôm nay thực là một ngày vui vẻ cho tôi! Tôi quả quyết với ông rằng tôi sẽ ghi nhớ mãi cho đến khi tôi không còn sống nữa.
Cha tôi dắt cụ giáo theo đường cũ trở ra.
Đến hàng cơm thì vừa đúng 12 giờ. Chúng tôi vào bàn.
Cụ giáo ngồi giữa cha tôi và tôi. Tiệc ăn bắt đầu. Cụ giáo tay đã run lại bị xúc động nên không thể lấy được đồ ăn. Cha tôi cắt thịt, cắt bánh, và lấy muối bỏ vào đĩa cho cụ. Uống rượu, cụ phải dùng cả hai tay cầm cốc mà vẫn còn run, làm cho rượu đổ xuống áo gi lê. Cha tôi đứng dậy cầm khăn chực lau, cụ gạt ra, bảo:
- Không được. Tôi kiêng...
Rồi cụ cười và đọc một câu dài bằng tiếng La Tinh. Cuối bữa, cụ nâng cốc, trịnh trọng nói:
- Ông Anbertô thân quí của tôi ơi! Tôi uống cốc này để chúc cho ông cho các cháu được mạnh giỏi và để tưởng niệm cụ nhà!
Cha tôi liền bắt tay cụ và nói:
- Thưa thầy, cảm ơn thầy, con cũng xin chúc thầy được trường thọ.
Ở cuối phòng, chủ tiệm và người nhà xúm xít đứng nhìn, hình như họ lấy làm sung sướng thấy vị giáo sư thân yêu của họ được ưu đãi.
Hai giờ, chúng ta ra ga. Cụ giáo tỏ ý muốn tiễn chân. Cha tôi lại khoác tay cụ, còn tôi thì dắt tay cụ và vác gậy cho cụ. Những khách qua đường đều đứng lại trông vì ở đây ai cũng biết cụ và kính cụ như cha.
Qua một ngõ kia, nghe có tiếng trẻ con đánh vần và đọc sách. Cụ đứng lại, nét mặt rầu rầu, bảo cha tôi:
- Ông Anbertô ơi! Tôi buồn quá! Nghe tiếng trẻ học, tôi lại nhớ đến trường cũ , nơi 60 năm ròng, tôi đã quen bén thứ âm nhạc bằng tiếng trẻ thơ ấy... Than ôi! Bây giờ tôi không có gia đình, tôi không có học trò nữa!
Cha tôi đáp:
- Thưa thầy, xin lỗi thầy, có lẽ thầy lầm rồi! Thầy còn có biết bao nhiêu là học trò hiện ở rãi rác trong cõi đời này! Chúng vẫn nhớ tới thầy cũng như con không bao giờ quên được thầy.
Cụ già buồn rầu nói:
- Không, không. Tôi không có trường học nữa. Tôi không có học trò nữa. Mà không có học trò thì tôi không có cái thú sống ở đời!
- Thầy đừng nói thế. Giáo trạch của thầy đã đầm thấm khắp nơi. Thầy đã hy sinh đời thầy một cách rất cao thượng.
Cụ giáo không nói gì, gục đầu vào vai cha tôi. Khi chúng tôi đến ga thì xe lửa sắp chạy. Cha tôi vội vàng hôn cụ và nói:
- Thôi! Chào thầy ở lại, con về.
Cụ nắm tay cha tôi ép vào ngực cụ, dân dấn nước mắt nói:
- Thầy chào con và cảm ơn con.
Trước khi lên xe, cha tôi đỡ lấy cái gậy trúc của cụ đưa cái gậy cán bạc có khắc tên tắt của cha tôi cho cụ và nói:
- Xin thầy giữ lấy cái gậy này gọi là chút kỷ niệm của người học trò cũ.
Cụ không chịu nhận, nhưng cha tôi đã nhảy lên xe và quay ra nói:
- Kính thầy ở lại.
Cụ đáp:
- Con ơi đi đường thận trọng nhé! Ta cầu trời phù hộ cho con đã có lòng quí hoá đối với thầy cũ.
Cha tôi cảm động. Chào cụ lần nữa.
- Thôi! Lạy thầy! Con mong lại có ngày được gặp thầy!
Xe chuyển bánh chúng tôi trông thấy cụ lắc đầu như có ý bảo:
- Thầy trò ta, có lẽ không bao giờ gặp nhau nữa!
Cha tôi thấy vậy liền nói thêm:
- Xin thầy đừng ngại, thầy trò ta còn nhiều dịp gặp nhau.
Xe chạy, cụ giơ bàn tay run lên để chào và để trả lời.
45.- Kỳ dưỡng bệnh
Thứ năm, ngày 20

Nào ai biết trước được rằng sau cuộc lữ hành vui vẻ kể trên, bỗng dưng tôi bị cầm giữ ở trong nhà mất mươi hôm không trông thấy trời đất chi cả. Toi vừa bị bệnh thoát chết! Mẹ tôi thất vọng, đã bưng mặt khóc, cha tôi nhìn tôi có vẻ xót thương, các em tôi không dám nói to. Thầy thuốc ngồi luôn bên cạnh tôi nói những câu gì tôi không nhớ. Tôi thực chỉ còn việc vĩnh quyết mọi người.
Ba, bốn hôm qua, tôi không nhớ rõ, chỉ biết tôi đã qua một giấc mộng tối tăm và lộn xộn.
Hình như cô giáo lớp đồng ấu có đến cạnh giường tôi, tay cầm mùi soa che miệng, nín ho. Tôi lại nhớ láng máng rằng thầy giáo tôi đã cúi xuống hôn tôi, râu đâm vào cả vào má. Tôi lại trông thấy nhởn nhơ như ở trong đám sương mù:nào đầu đỏ của anh Crôtxi, nào tóc vàn của anh Đêrôtxi, nào bộ áo thâm của cậu học trò xứ Calabrya. Sau cùng, anh Garônê đã đem cho tôi một quả quít còn cả lá rồi anh trốn thẳng vì mẹ anh ở nhà cũng ốm nặng. Như ngủ một giấc đại dài, hôm nay tôi đã tỉnh thức và biết rằng tôi đã thoát nguy vì tôi thấy cha mẹ tôi tươi cười, em Xilvya ca hát vang nhà.
Hôm nay tôi đã khá nhiều! Chú "phó nề" vừa đến thăm tôi. Chú đã làm tôi bật ra tiếng cười thứ nhất bằng cái "mõm thỏ" của chú nhăn ra! Anh Côretti cũng đến, anh Garôphi cũng đến. Hôm qua, anh Prêcôtxi lại thăm gặp lúc tôi ngủ, anh sẻ hôn tay tôi rồi lui ra. Lúc dậy tôi thấy vết than đen in vào tay áo, tôi rất lấy làm sung sướng và biết ngay là Prêcôtxi đã đến thăm tôi.
Trong khoảng có mươi hôm mà cây lá đã xanh tốt khác thường! Cha tôi bế tôi ra cửa sổ, nhìn thấy trẻ con cắp sách đi học, tôi thèm quá!
Trong mấy hôm nữa, tôi cũng sẽ được đi học, sẽ được trông thấy thầy tôi, bạn tôi, lớp tôi, ghế tôi, thấy vường và thấy phố. Tôi sẽ biết những sự đã xảy ra trong khi tôi ốm. Tôi sẽ lại được cầm đến sách, vở bỏ xó bấy lâu. Nghỉ học mới có mươi hôm mà tôi tưởng tượng như là một năm chưa được trông thấy nhà trường.
Thương hại cho mẹ tôi, lo lắng quá sinh ra xanh xao gầy yếu! Thương hại cho cha tôi ra vào mệt nhọc! Cảm lòng cho chúng bạn đã nhớ và đến thăm tôi! Tôi lại nghĩ đến ngày phải "chia tay" các bạn mà tôi buồn. Chúng tôi còn được xum họp cùng nhau một năm nữa. Sang năm, học hết bậc, nhiều bạn như Garônê, Prêcôtxi và Côretti sẽ thôi học. Thế là anh em phải xa nhau. Tôi có cái tưởng tượng: một ngày kia rủi mà tôi lại bị đau, có lẽ anh em sẽ không biết mà đến thăm tôi.
Thiệt thòi thay những khi phải "xa cách" các bạn thân yêu!

46.- Bạn ta là thợ
Thứ hai, ngày 24

Enricô ơi! Như thế sao lại gọi là "xa cách"? "Xa cách" hay không là ở như lòng con. Sau khi tốt nghiệp lớp bốn con sẽ lên trường Trung học (1) Bạn con nhiều người sẽ ra làm thợ, nhưng các con sẽ cùng ở một tỉnh với nhau trong nhiều năm nữa, như thế sao lại không có dịp gặp nhau? Khi con lên trường tiểu học rồi, những ngày nghỉ, con sẽ tìm bạn con trong cửa hàng hay xưởng thợ, con sẽ lấy làm thú vị trông thấy bạn học con đã ra người lớn, đã làm được việc. Đi lại với bạn luôn, con sẽ học thêm được nhiều điều bổ ích về nghệ thuật, về xã hội công nhân, về xứ sở của con mà ngoài bạn con ra không ai có thể chỉ dẫn cho con hơn được. Con nên nhớ rằng lúc bé, con không có tình thân ái vói bạn đồng học thì khi lớn lên con sẽ khó lòng tìm được những bạn giống thế ở ngoài lớp con học ngày xưa. Như thế, con sẽ chỉ sống trong một giai cấp xã hội cũng như một người chỉ chuyên đọc một quyển sách, như thế, đời con sẽ buồn tẻ, kiến văn sẽ hẹp hòi. Con nên giữ tình hữu ái với các bạn con ngay từ bây giờ thì sau này dù có kẻ bắc người nam, tâm tình ấy sẽ không vì thế mà phai nhạt. Con phải biết rằng: người thượng lưu ví như sĩ quan mà thợ thuyền ví như binh lính. Trong xã hội cũng như trong quân gia, người lính cũng đáng quí trọng như ông quan vì các giá trị con người là ở việc làm chứ không hải ở lương bổng: ở tài năng chú không phải ở giai cấp. Con phải biết yêu mến và quí trọng những con thợ thuyền tức là những con binh lính trong đạo quân "cần lao"! Con phải tôn kính chúng vì cha mẹ chúng đã chịu bao nhiêu nỗi khó nhọc bao nhiêu sự hy sinh. Con hãy yêu Garônê, Côretti, Prêcôtxi và cậu phó nề vì trong lòng ngực thợ thuyền của chúng đã ẩn những trái tim vàng. Con phải thề rằng sau này dù số phận có đổi thay, con phải giữ vững mối tình hữu ái thuở anh niên. Và 40 năm sau, nếu con qua một ga xe lửa kia lại gặp bạn cũ, như Garônê chẳng hạn, trong bộ áo nhọ đen của người tài xế, thì mặc dầu lúc ấy con là một vị thượng thư, cha chắc rằng con sẽ nhảy lên tàu hôn bạn không e lệ gì.
Cha con.
47.- Bà mẹ anh GARÔNÊ
Thứ sáu, ngày 28

Tôi đã khỏi hẳn và đi học được. Sáng qua tôi vừa ra trường thì được ngay một tin buồn. Đã hơn tuần lễ nay, anh Garônê không đi học, vì mẹ anh ốm nặng. Mẹ anh đã mất hôm thứ tư. Học trò vào lớp đông, thầy giáo bảo chúng tôi:
- Cái tai hoạ to lớn nhất đời của một đứa trẻ, vừa mới xảy ra cho anh Garônê: anh đã mất mẹ. Ngày mai, Garônê sẽ đi học, vậy thầy khuyên các con nên kính trọng sự khổ thống của Garônê. Khi Garônê đến trường, các con nên hỏi han một cách ân cần, nhất là phải đứng đắn, đừng cười, đứng nói chơi. Thế mới gọi là người biết lễ.
Sáng nay, chúng tôi vào học được một lúc thì quả nhiên, anh Garônê đến. Thấy anh xanh xao, mắt đỏ, chân bước không vững, tôi thương tâm quá. Anh trông như người ốm mới dậy, nhiều người không nhận ra, anh ăn mặc toàn đồ thâm, ai trông thấy thế cũng động lòng...
Đến cổng trường, nhìn thấy chỗ mẹ anh đứng đón anh mọi khi, vào trong lớp, trông thấy cái bàn mà mới đây mẹ anh cúi xuống dặn dò anh trước khi làm bài thi, anh lại nức nở khóc.
Cả lớp im lặng như tờ.
Ông Perbôni kéo tay, ôm anh vào lòng và bảo anh:
- Con ơi! Cứ khóc, khóc đi, nhưng con phải cố can đảm mới được. Mẹ con tuy không có ở trên đời này nữa, nhưng mẹ con vẫn trông thấy con, vẫn sống bên mình con và một ngày kia, con sẽ lại trông thấy mẹ con vì con có một tâm hồn tử tế và thành thực như mẹ con. Can đảm lên con ạ!
Nói xong, thầy theo anh về ghế, cạnh chỗ tôi. Anh mở sách ra, trúng ngay bài có bức vẽ "người mẹ dắt con" anh lại gục đầu xuống bàn, âm thầm khóc...
Thầy giáo ra hiệu cho chúng tôi để mặc anh, buổi học bắt đầu..
Tôi muốn an ủi anh một vài câu, nhưng không biết nói thế nào, tôi liền vỗ vai anh và nói nhỏ:
- Anh Garônê ơi! đừng khóc nữa!
Anh không trả lời và cũng không ngẩng đầu lên, chỉ đưa tay nắm chặt lấy tay tôi.
Lúc tan học, không ai dám nói chuyện với cậu bé đáng thương ấy, mọi người đều lượn quanh cậu im lặng và kính cẩn. Trông thấy mẹ tôi ở cửa trường, tôi chạy ra ôm lấy mẹ tôi thì mẹ tôi gạt tôi ra. Tôi chưa hiểu tại sao thì thấy anh Garônê nhìn tôi bằng đôi mắt rầu rầu, hình như muốn bảo tôi:
- Anh cùng về với mẹ anh. Còn tôi, từ nay phải thui thủi một mình! Anh còn mẹ! Tôi mất mẹ! Lúc đó tôi mới hiểu tại sao mẹ tôi lại gạt tôi ra và tôi đi một mình không để mẹ tôi dắt tay nữa.

48.- Lòng nghĩa hiệp
(Truyện đọc hàng tháng)

Trưa nay, thầy giáo đã dẫn chúng tôi ra dinh ông quận trưởng để dự lễ gắn "Công dân giá trị bội tinh" cho một cậu bé đã cứu bạn thoát chết đuối ở sông Pô.
Một lá cờ tam tài lớn bay phất phới ở bao lơn công thự.
Chúng tôi vào sân, trong ấy đã có đông người. Trong cùng tôi trông thấy một cái bàn kê ở giữa phủ thảm đỏ, đằng sau có một dãy ghế bành thiếp vàng là chỗ ông Quận trưởng và các ông hội viên ngồi. Ngoài sân, một bên là toán lính đứng bồng súng, một bên là phường nhạc. Học trò và thầy giáo các trường đều có mặt. Ngoài ra lại có một số đông các bà, các ông, các sĩ quan, những dân quê và trẻ con đứng quây quần tựa hồ như trong một rạp hát lớn vậy.
Bỗng dưng có tiếng vỗ tay nổi ran từ ngoài cửa vào trong sân. Tôi kiễng chân lên xem thấy mọi người giạt ra nhường lối cho một người đàn bà và một người đàn ông dắt tay một cậu bé tiến vào. Cậu bé ấy là người đã cứu bạn.
Người đàn ông kia là cha cậu, làm thợ nề, ăn mặc như ngày Tết ; người đàn bà mẹ cậu, người nhỏ nhắn vận áo chùng thâm ; còn cậu bé, da trắng tóc vàng, mặc áo màu tro.
Trông thấy đông người và nghe tiếng vỗ tay rầm rập cả ba đều bối rối, không bước được nữa và không dám nhìn ai. Một viên thừa phát lại (1) phải chạy đến dẫn vào. Cha mẹ cậu đứng nghiêm chỉnh mắt nhìn vào bàn. Cậu bé đứng cạnh, mũ cầm tay.
Bỗng có tiếng hô lớn:
- Nghiêm!
Hai hàng lính vừa đứng chỉnh tề thì ông Quận trưởng ngang lưng thắt dải tam tài, đi vào, có nhiều quan chức khác theo sau. Ngài đứng trước bàn, các quân tuỳ tùng theo ngôi thứ đứng hai bên. Phường nhạc cử hết bài, ông Quận trưởng ra hiệu, mọi người im lặng.
Ngài bắt đầu nói. Đoạn đầu tôi không nghe rõ, nhưng đoán là ngài kể lại việc làm của cậu bé. Dần dần ngài cất cao giọng, những người ở ngoài sân đều nghe rõ, ngài nói:
...Đứng trên bờ, trông thấy bạn nhấp nhô theo sóng, sắp làm mồi cho Thuỷ thần, cậu vội vứt quần áo chạy xuống. Người ta kêu:"Sâu đấy! Xuống thì chết!". Cậu không trả lời. Người ta giữ cậu lại, cậu đẩy mọi người ra. Người ta gọi giật lại, cậu đã nhảy xuống nước rồi. Sông to sóng cả, nguy hiểm vô cùng! Người lớn trông thấy cũng phải sờn lòng thế mà cậu đem hết sức tấm thân thể bé nhỏ để phấn đấu với tử thần. Cậu bơi theo và nắm kịp nạn nhân bấy giờ đã đuối sức và đành cho ngọn nước cuốn đi. Cậu một tay cắp lấy nạn nhân giơ lên, một tay hăng hái bơi vào. Nước ngược sóng to! Nhiều lần cậu đã bị chìm rồi lại cố ngoi lên được. Sau bao nhiêu phút hồi hộp và lo lắng của những kẻ đứng trông cậu kéo được nạn nhân vào bờ. Rồi cậu lại hiệp lực cùng mọi người để cứu chữa, không bao lâu nạn nhân được hồi tỉnh.
Xong, cậu im lặng và một mình thủng thỉnh về nhà.
Thưa các ngài, cái hào khí của con người ta bao giờ cũng đẹp và đáng kính ; nhưng cái hào khí ấy ở một đứa trẻ chưa có óc hiếu danh hay vụ lợi, ở một đứa trẻ sức yếu mà gan to, ở một đứa trẻ chưa phải bó buộc làm những bổn phận quá cao ấy, ở một đứa trẻ nếu có chỉ hiếu nghĩa vụ phải hy sinh và không đủ sức thực hành cũng đã đủ khiến ta đáng quí, đáng khen, cái hào khí ở một đứa trẻ như thế, thực là tuyệt đỉnh! Thưa các ngài! Tôi không nói thêm gì nữa, vì đối với một việc lớn lao như vậy, bao nhiêu lời khen cũng là thừa.
Cái người có hành động anh hùng ấy, cái người có lòng nghĩa hiệp ấy, thưa các ngài, đây! Hỡi các binh sĩ! Các người hãy chào y như một người em. Hỡi các bà mẹ! Các bà hãy cầu phúc cho y như một người con. Hỡi các học sinh! Các con hãy nhớ lấy tên y, hãy ghi lấy cái nghĩa cử ấy vào tim, óc các con.
Con ơi, đứng gần lại đây! Khâm phụng hoàng đế nước Ý, ta trao cho con tấm "Công dân giá trị" này!
Tiếng hoan hô vang động một khu trời. Ông Quận trưởng cầm tấm bội tinh trên bàn đính vào ngực cậu bé, xong hôn cậu ba, bốn lần.
Sau khi bắt tay cha cậu và mẹ cậu, ông Quận trưởng cầm đạo sắc lệnh về huy chương ấy trao cho mẹ cậu và quay lại nói với cậu:
- Ta mong rằng cái ngày rất vẻ vang cho con, cái ngày rất sung sướng cho cha mẹ con này sẽ duy trì con trên con đường đạo đức và danh dự mãi mãi. Chào con!
Nói xong, ông Quận trưởng trở ra giữa những tiếng kèn hùng tráng. Ai cũng tưởng đến đây là hết. Hốt nhiên, đám công chúng ở ngoài rẽ ra mở lối cho một cậu bé độ 8, 9 tuổi chạy vào ôm lấy cậu bé vừa được Bội tinh.
Tiếng vỗ tay và tiếng reo lại nổi lên khắp sân. Mọi người đều hiểu dó là cậu bé bị nạn vào cảm ơn người đã cứu mình.
Khi hai cậu dắt nhau ra, một trận mưa hoa ở bao lơn rơi xuống như trăm nghìn con bướm bay mừng!
-------------------
(1) Viên chức làm việc bàn giấy trong các công sở.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyện tích Vu Lan Phật Giáo


Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm


Hoa nhẫn nhục


Ai vào địa ngục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.11.233 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...