Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương; cũng vậy, lời khéo nói, có làm, có kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 52)
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tâm hồn cao thượng »» Phần 6: Tháng Ba »»

Tâm hồn cao thượng
»» Phần 6: Tháng Ba

(Lượt xem: 5.153)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tâm hồn cao thượng - Phần 6: Tháng Ba

Font chữ:


36.- Lớp học tối
Thứ năm, ngày mồng 2
Hôm qua, cha tôi dẫn tôi ra trường để xem lớp học tối. Khi chúng tôi đến thì đèn các lớp đều thắp sáng trưng và học trò đang lục tục kéo đến.
Ông hiệu trưởng đang bực tức vì có người vừa ném đã vào vỡ mất miếng kính.
Người gác cổng chạy xổ ra và bắt được một đứa trẻ, nó kêu khóc và cãi không phải mình. Anh Xtanđi, nhà ở trước cửa trường, thấy thế liền chạy sang và bảo người gác cổng :
- Không phải thằng bé này đâu. Chính thằng Phơranti nó ném, mắt tôi trông thấy. Nó doạ nếu mách nó sẽ đánh tôi, song tôi không sợ.
Người gác cổng buông ngay đứa bé kia và ông hiệu trưởng bảo cha tôi rằng mai ông sẽ thẳng tay đuổi Phơranti ra, không thể dung thứ được nữa.
Tôi chưa được xem lớp học tối bao giờ. Thực là một cảnh tượng rất hứng thú.
Trong trường có tới 200 người thợ đủ các hạng tuổi, từ trẻ con 12,13 tuổi cho đến những người lớn đã có râu, đi làm về, đến để học thêm, nào thợ mộc, nào thợ nề, nào thợ máy, nào thợ sơn, v.v... Trong bọncó cả mấy người lính pháo thủ do viên cai dẫn đến.
Cửa các lớp để ngỏ. Giờ học bắt đầu. Nhìn vẻ chăm chú của các "ông học trò" ngồi nghe giáo viên dẫn giảng, tôi rất lấy làm thán phục ! Tôi thấy chỗ thì mấy người cầm vở lên bàn giấy hỏi nghĩa lại, chỗ thì 4,5 người thợ quây quần một giáo viên đang chấm bài. Thầy giáo trẻ nhất trường tôi mà, chúng tôi đặt tên là "Tiểu luật sư" cũng có mặt ở đấy. Tôi thấy thầy chìa quyển vở loang lỗ những vết đỏ, vết xanh cho cậu học trò thợ nhuộm xem và cười...!
Trong bọn thợ học tối nay, cũng có nhiều người chưa kịp về ăn cơm nên trông có vẻ mệt nhọc.
Mấy cậu bán bánh vào học được nửa giờ thì gục xuống bàn ngủ. Giáo viên lại gần lấy đuôi bút lông ngỗng khẽ quệt vào má để đánh thức các cậu. Còn những người lớn thì chú ý lắm,mắt đăm đăm nhìn giáo viên cắt nghĩa : người ta có thể nghe được tiếng ruồi bay.
Tôi rất lấy làm đắc ý trông thấy những người lớn ngồi vào chỗ cúng tôi. Nếu chúng tôi bắt chước được như những người thợ ấy, ngồi im lặng học chăm chú thì thích biết dường nào !
Chỗ tôi ngồi là một người trẻ tuổi có râu ria, có lẽ là người thợ máy vì người ấy bị thương ở một ngón tay bên phải còn quấn bông ; tuy nhiên, người ấy cũng cố viết nắn nót như các người khác ! Thực là một tấm gương nhẫn nại cho tôi.
Còn chỗ "chú phó nề" thì buồn cười quá ! Tôi thấy cha chú ngồi. Ông phó người to lớn ngồi vào chỗ con khí hẹp quá, nên có vẻ "câu thúc" nhưng ông ta thích thế vì ông ta đã xin phép ngồi vào chỗ thân yêu ấy !
Cha tôi và tôi đứng ngoài xem cho đến lúc mãn giờ. Đó cũng là một bài học thực hành cho tôi, một bài học dạy về "ý tứ" về "cử chỉ" rất có ích lợi.
Ở cửa trường có nhiều bà ẵm con đến đón chồng. Thấy cha ra, đứa bé giơ tay theo, người cha bế lấy và hôn một cách rất yêu dấu. Còn bà vợ thì cầm đỡ sách vở cho chồng và giục :
- Nhanh lên ! Cái ăn nguội cả !
Họ đi từng toán về nhà . Phố xá đông đúc và rộn rịp một lúc rồi lại yên lặng, vắng tanh. Tôi chỉ còn nhìn thấy bóng ông hiệu trưởng trường tôi đi lừ thừ ra vẻ mệt nhọc.
Ông là người đến sớm nhất và cũng là người về sau nốt. Ông hiệu trưởng đáng tôn quí ấy, thực là một người cúc cung tận tuỵ với nghề !
Trông gương học trò tối trước, sáng nay tôi cố ngồi im và hết sức chăm chú khiến ông Perbôni phải lấy làm lạ và để ý đến tôi.

37.- Đám đánh nhau
Chủ nhật, ngày mồng 5

Phơranti bị đuổi rắp tâm trả tù Xtanđi. Nó đứng đợi ở đầu phố, là lối Xtanđi thường đón em học ở trường Nữ học Đôra Crôtxa về, để gây chuyện. Xilvya, em tôi, thấy đám đánh nhau sợ hãi chạy một mạch về nhà không đợi tôi.
Việc xảy ra như sau này :
Phơranti đội mũ cát két lệch che cả tai, rón rén theo sau Xtanđi, tới nơi, nó liền cầm đuôi tóc em gái Xtanđi giật thật mạnh để sinh sự. Cô bé bị kéo giật một cách bất ngờ ngã lăn ra đất. Xtanđi quay lại thấy Phơranti, giận quá sấn lại đánh luôn, không sợ nó vừa to vừa khỏe hơn. Vì thế, Xtanđi bị đánh trả rất đau. Trong phố lúc bấy giờ chỉ có toàn học trò con gái nhỏ không ai là người lớn để gỡ chúng ra.
Hai đứa trẻ đánh nhau kịch liệt, Xtanđi đổ cả máu mũi, nhiều lần bị ngã, lại cố đứng dậy chống đỡ. Cuối cùng hai đứa vật lộn nhau trên mặt đất, Xtanđi hết sức bình sinh vật ngửa được Phơranti ra và lấy đầu gối đè lên ngực. Một tiếng bên ngoài kêu :
- Chết chửa thằng ngốc khốn nạn nó rút dao !
Xtanđi biết thế liền cắn mạnh vào cánh tay Phơranti làm cho con dao rơi ra.
Mọi người chạy lại gỡ và lôi chúng dậy. Bị công chúng xỉ vả, Phơranti chạy thẳng. Đứng giữa bãi chiến trường, Xtanđi tuy mặt đầy máu, mắt sưng húp, nhưng thắng trận. Cô em đứng khóc bên cạnh. Mấy cô học trò nhặt hộ sách vở rơi tung toé trên hè. Xtanđi thu thập sách vở bỏ cặp, lấy khăn chùi mặt rồi dắt em về.
Mọi người đều tấm tắc :
- Không sợ kẻ mạnh hơn mình, bênh vực cho em như thế, thực đáng khen thay!

38.- Người tù số 78
Thứ tư, ngày mồng 8

Hôm qua tôi đã được mục kích một tấn kịch cảm động. Đã mấy hôm nay, mỗi khi bà hàng bán hoa quả đi qua là bà nhìn anh Đêrôtxi một cách rất yêu quí, vì tự khi anh Đêrôtxi khám phá ra câu chuyện "người tù số 78 với cái lọ mực gỗ", anh liền đem lòng thân yêu Crôtxi là con người tù nói trên và là một trẻ mắc bệnh bại tay. Anh giúp Crôtxi trong khi làm bài hoặc trả lời, anh cho Crôtxi giấy, bút và bút chì, tóm lại, anh coi Crôtxi như em để đền bù lại những nỗi đau khổ của người cha lao tù mà Crôtxi không biết.
Bà mẹ Crôtxi là một người rất thương con, nay thấy có cậu bé học trò đầu lớp để tâm dắt díu con mình thì lòng bà cảm mộ vô cùng.
Bà cứ nhìn anh Đêrôtxi chòng chọc như muốn thổ lộ điều gì song không dám nói ra. Mãi đến sáng qua, bà giữ anh Đêrôtxi ở gần cổng trường à nói rằng :
- Xin lỗi cậu, cậu là một người rất tốt đối với con tôi. Không lấy gì tạ lòng cậu được, gọi là có chút quà này biếu cậu, xin cậu nhận cho.
Nói xong, bà rút trong thúng ra một hộp bọc giấy vàng. Anh Đêrôtxi đỏ mặt, lắc đầu từ chối :
- Bà để dành cho anh Crôtxi, tôi không dám nhận. Bà hàng hoa quả có vẻ ngượng ngùng, xin lỗi :
- Xin cậu đừng giận. Đây là gói kẹo nhỏ biếu cậu thôi. Nhưng Đêrôtxi ra vẻ khó chịu quay mặt đi.
Bà kia rụt rè bó củ cải trong thúng ra nói :
- Thôi, ít nhất cậu cũng nhận cho bó cải này, còn tươi nguyên, để đem về biếu bà... Đêrôtxi cười đáp :
- Cảm ơn bà ! Tôi không muốn nhận gì cả. Tôi sẽ hết lòng đỡ anh Crotxi mãi mãi và không bao giờ tôi lại nhận một vật gì bà cho, cảm ơn bà !
Bà kia có ý ân hận, hỏi :
- Tôi làm cậu mếch lòng sao? Anh mỉm cười đáp :
- Thưa bà, không phải thế.
Rồi anh đi. Bà Crôtxi lẩm bẩm :
- Thực là một tấm lòng vàng ! Tôi chưa từng thấy một trò em nàolại giỏi giang và đứng đắn như cậu này !
Ai cũng tưởng thế là thôi ; nhưng đến chiều, vào khoảng 4 giờ, đang lo gặp bà hàng quả thì Đêrôtxi lại phải chạm trán cha anh Crôtxi đã đợi sẵn ở cổng trường nét mặt buồn rầu tư lự. Ông ta giữ Đêrôtxi lại, thái độ luống cuống hình như ông ta biết Đêrôtxi hiểu rõ chuyện bí mật của mình. Ông nói bằng giọng âu yếm :
- Cậu yêu em Crôtxi lắm. Tôi không rõ tại sao cậu lại đem lòng thương em ?
Đêrôtxi mặt đỏ như gấc, lòng anh như muốn bảo rằng :
- Tôi yêu anh Crôtxi vì anh ấy khổ sở, vì chính ông, ông cũng là người khổ sở hơn là kẻ tội nhận, vì ông đã chuộc tội rồi, vì ông còn chút lương tâm...
Nhưng cổ anh nghẹn ngào vì anh không đủ can đảm phát ra câu nói.
Thực ra, anh cảm thấy một sự hãi hùng, một sự ghê tởm đối với một kẻ sát nhân, một kẻ đã ngồi 6 năm tù !
Nhưng dù anh chẳng nói ra kẻ tội nhân kia cũng đoán được cả. Hắn lại gần anh, giọng run run, hắn nói nhỏ bên tai anh :
- Cậu yêu em, nhưng cậu không ghét, không khinh cha em chứ ? Đêrôtxi vội trả lời :
- Không. Không bao giờ có thế !
Kẻ tội nhân hai tay chực ôm lấy Đêrôtxi, nhưng lại dụt lại, đành lấy tay vuốt ve món tóc đỏ của anh rồi dân dấn nước mắt, tự để hai ngón tay lên môi "hôn gửi" cho anh. Rồi hai cha con dắt nhau về.

39.- Trước ngày 14 tháng Ba
Thứ hai, ngày 13

Hôm nay, ngày 13 tháng Ba, trường tôi có vẻ rộn rịp, vì mai là ngày phát phần thưởng cho các học
trò tại nhà hát Vittôriô, một ngày hội lớn nhất trong năm học. Năm nay những trẻ em cử lên sân khấu trình danh sách học sinh được phần thưởng cho các quan chức phải lựa chọn kỹ càng.
Sáng nay, ông hiệu trưởng vào lớp bảo chúng tôi :
- Ta báo cho các con biết một tin mừng!
Rồi ông gọi :
- Côrasi đâu?
Cậu bé xứ Calabrya đứng dậy.
- Mai con có muốn cầm sổ tên học sinh được thưởng trình các nhà chức trách ở nhà hát không? Cậu bé xứ Calabrya thưa "có".
Ông hiệu trưởng nói :
- Tốt lắm ! Thế là ta sẽ có một đại biểu của xứ Calabrya, Thành phố năm nay muốn rằng: 10 hay 12 trò em đệ danh sách và phần thưởng cho các quan chức phải là người thuộc các tỉnh khác nhau trong nước Italia và chọn trong các trường công ở thành phố Tôrinô. Ở đây, ta có 20 trường chính, 5 trường phụ với 7 nghìn học sinh. Như thế, sự lựa chọn cũng không khó gì.
Trường Torquatô Tatxô đã tìm được hai đại biểu ở đảo: một là dân Xarđênha, một là dân Xixilya. Trường Buôncompanhi cho cậu La Mã, mấy trường nữa đã tìm được những cậu ở Vênêzya ,ở Lôngbarđya, ở Rômanha. Trường Mônvizô trình cậu người Napôli là con một sĩ quan ; còn trường ta cử một cậu thành Giênôva và một cậu xứ Calabrya. Như thế kể cũng hay đấy chứ ? Nghĩa là toàn thể anh em ở tất cả các tỉnh trong nước Italia đến đưa phần thưởng. Khi các cậu đại biểu lên sân khấu trình diện, các con phải chú ý và phải hoan hô. Tuy là trẻ con thực, nhưng chúng thay mặt cho cả quê hương chúng thì khác gì người lớn. Một cái băng tam tài nhỏ kia có phải là biểu hiệu của nước Italia cũng như lá cờ lớn không? Các con hãy tiếp rước các bạn đại biểu cho nồng nàn để tỏ rằng cái trái tim mười tuổi, trái tim non nớt của các con cũng biết phấn khởi trước hình ảnh thiêng liêng của tổ quốc !
Nói xong, ông hiệu trưởng ra, thầy giáo chúng tôi mỉm cười nói thêm :
- Côrasi nhớ chưa ? Con sẽ là ông nghị viên của xứ Calabrya đấy !
Chúng tôi đều vỗ tay reo cười. Khi ra phố, chúng tôi xúm lại kẻ ôm chân, người kiệu Côrasi lên vai và hò reo khác nào như người ta hoan nghênh một tướng quân thắng trận. Có anh hô :
- Hoan nghênh ông nghị xứ Calabrya !
Đó là họ đùa chứ không phải là chế giễu. Họ mừng cho anh Côrasi cũng đáng vì anh là một người bạn ai cũng ưa, anh bị kiệuvà lôi kéo ra đến đầu phố thì chạm phải một ông mày rậm, râu đen, ông này thấy thế đang đứng cười .
- Cha tôi đấy !
Thấy anh Côrasi nói vậy, chúng bạn liền ôm anh trao cho cha anh đỡ lấy rồi giải tán mỗi người một nơi.

40.- Lễ phát phần thưởng
Thứ ba, ngày 14 tháng Ba

Khoảng hai giờ chiều, nhà hát lớn chật ních những người .Các ghế hạng nhất , hạng nhì , hạng ba , ghế hai bên và trên diễn đàn đều có người ngồi cả .Trong rạp có tới vài nghìn người : nào các cô , các cậu , các bà , các ông , nào giáo sư, nào thợ thuyền . Nhìn xuống sân rạp người ta trông thấy một lớp đầu và tay chuyển động , một làn sóng lông mũ dập dờn , một làn dải mũ, tóc tơ phất phới và những tiếng rì rầm vui vẻ khiến lòng ta hớn hở vô cùng .
Trong rạp treo những tràng hoa kết theo sắc cờ rất rực rỡ . Ở chỗ dàn nhạc người ta đã đặt thêm hai bậc lên xuống : bên phải là lối học sinh được thưởng lên đàn , bên trái là lối xuống . Trên sân khấu, người ta đặt một dãy ghế bành nệm nhung, trên lưng ghế giữa có treo một vòng hoa nguyệt quế . Bên cạnh là một cái bàn phủ thảm xanh , trên bày la liệt sách vở buộc bằng những dải tam tài đẹp đẽ quá khiến các cậu học trò nhìn bằng đôi mắt thèm muốn .
Phường nhạc vẫn ở chỗ ngày thường, nghĩa là đối diện với sân khấu . Các thầy giáo, các cô giáo đứng chật chỗ đầu hành lang là nơi đã dành sẵn . Sau phường nhạc có hơn trăm cậu bé ngồi trên những chiếc ghế dài giúp việc hát, mỗi cậu cầm một bài hát trong tay. Các giám thị đi đi lại quanh phòng để giữ trật tự và xếp học trò .Ở đây cuối cùng, mấy bà đang nắn nót mũ, áo cho con.
Đúng hai giờ, âm nhạc bắt đầu .Đồng thời, người ta trông thấy ông thị trưởng, ông quận trưởng, ông đốc học và nhiều vị khác vận lễ phục mầu thâm lên đàn , ngồi vào những ghế đỏ . Khi các tân khách yên vị và phường nhạc dứt bài thì một nhạc sư , tay cầm đũa nhịp đứng dậy ra hiệu cho các cậu bé hát . Các cậu đứng lên đồng thanh hát một bài rất là hùng tráng .Cử toạ đều lắng nghe và ra chiều cảm động .Hát hết bài, công chúng vỗ tay nhiệt liệt .
Cuộc phát phần thưởng bắt đầu .Thầy giáo cũ tôi, ở lớp hai, tóc đỏ mắt sáng, bước lên sân khấu giữ việc đọc danh sách các học sinh trúng giải .Người ta nóng lòng đợi xem 12 cậu giữ việc dâng sách cho các quan khách . Các báo đều đăng tin 12 người ấy sẽ là 12 cậu quê quán ở khắp các tỉnh nước Italia.
Chợt người ta thấy đoàn đại biểu xếp hàng đi đến và nhanh nhẹn bước lên sân khấu, rồi 12 cậu đại biếu đứng quay mặt ra, cậu nào cũng tươi tỉnh, nhưng hơi có vẻ ngượng nghịu .Cử toạ, chừng 3 nghìn người đều đứng cả dậy, tiếng vỗ tay và tiếng hoan hô nổi lên như sấm .Các cậu bé càng bối rối. Tôi nhận ra ngay anh Côrasi, đại biểu xứ Calabrya, mặc y phục đen như mọi ngày. Một ông Hội viên thành phố ngồi cạnh chúng tôi, quen mặt mấy cậu đại biểu khác bèn chỉ dẫn cho mẹ tôi nghe :
- Cậu bé tóc đỏ kia là đại biểu thành phố Venêzya, cậu lớn tóc quăn kia là đại biểu thành La Mã. Còn cậu bé nhất quàng cái băng xanh là đại biểu thành Phirenzê.
Trong bọn 12 cậu, có hai, ba cậu ăn mặc sang trọng, còn những cậu khác tuy là con nhà thợ thuyền nhưng cũng ăn vận sạch sẽ và chỉnh tề.
Các cậu xếp hàng một và diễu qua ông thị trưởng, một giáo sư đứng cạnh xướng danh ; nghe mỗi tên thì ông thị trưởng lại hôn một cậu :
- Phirenzê, Napoli, Bôlônha, Palermô...
Mỗi cậu đi qua trên đài, quan khách lại vỗ tay một loạt. Các cậu đại biểu diễu xong ra đứng cả lên bên cạnh bàn sách. Thầy giáo bắt đầu xướng tên trường, tên lớp và tên các cậu được thưởng. Các cậu lần lượt lên sân khấu, coi rất đẹp mắt.
Một bài âm nhạc êm ái dịu dàng ở trong buồng trò phát ra, nghe tựa như những tiếng âu yếm của các bà mẹ, các thầy giáo và các cô giáo đang rủ rỉ khuyên lơn, khích lệ con em.
Những cậu được thưởng lần lượt lại chỗ các quan trưởng và các vị thân hào để lĩnh thưởng, mỗi lần trao sách, các ngài đểu nói với các cậu một câu âu yếm hoặc xoa đầu tỏ ý thân yêu. Mỗi khi thấy những cậu còn bé mà được phần thưởng to hay những cậu nghèo mà chiếm phần thường danh dự hay những cậu bé quá lên đàn cuống quít không biết đi đâu hoặc vướng chân vào mép thảm bị ngã, thì công chúng lại vỗ tay và cười reo rất vui vẻ !
Bây giờ đến lượt trường chúng tôi. Trước tiên tôi thấy gọi tên anh Côrasi. Hôm nay anh ăn mặc mới từ đầu đến chân, nét mặt nở nang, nụ cười tươi thắm để lộ đôi hàm răng trắng như ngà. Biết đâu sáng nay anh lại không vác củi đỡ cha mẹ. Ông thị trưởng vỗ vai anh hỏi tại sao trên trán anh lại có vết đỏ. Tôi đưa mắt nhìn cha và mẹ anh ngồi ở sân rạp thấy hai người bưng miệng cười. Thứ nhì là anh Đêrôtxi. Anh mặc bộ áo xanh thẫm, cúc kền sáng nhoáng, người mảnh dẻ, bộ thanh nhã trán cao, làn tóc đỏ toả xuống hai vai ; coi anh xinh xắn quá chừng , ai trông thấy cũng phải yêu. Các vị đều nắm tay hỏi han. Kế thầy giáo gọi :
- Giulyoo Rôbetti !
Người ta thấy cậu con quan Ba pháo thủ chống nạng lên đàn. Người ta hỏi nhau và biết ngay nguyên nhân cái tai nạn đã xảy ra cho cậu, tức thì một tràng pháo tay nổ ran làm chuyển động cả rạp. Các ông thì đứng cả dậy, các bà thi vẫy mùi soa, nhao nhao cả rạp khiến cậu Rôbetti bối rối và cảm động run cả người đứng ỳ giữa sân khấu... Ông thị trưởng kéo cậu lại gần, hôn cậu, xong lấy vòng hoa nguyệt quế treo ở lưng ghế mắc vào đầu cái nạng cậu cầm ở trước ngực. Xong quan thị trưởng đưa cậu lại chỗ cha cậu ngồi ở hàng ghế thứ nhì, cha cậu liền đỡ cậu vào trong. Cử toạ đều vỗ tay khen ngợi.
Phường nhạc vẫn cử những bài êm ái du dương. Các học sinh vẫn kế tiwps lên đàn lĩnh thưởng. Đây là học trò trường Lacônxôlât, phần nhiều là con nhà buôn bán. Đây là học trò trường Vaukilya, con cái thợ thuyền. Nọ là trường Buôncompanhi, phần nhiều là con nhà làm ruộng. Cuối cùng là trường Ranhêri.
Phần thưởng phát xong, một trăm cậu học trò ở sân rạp lại đồng thanh hát nghe rất hùng hồn. Đoạn ông thị trưởng đọc một bài diễn văn ngắn. Ông đốc học nói tiếp :
- Các con ơi ! Trước khi ở đây ra về, các con không được quên không để lời kính chào và lời cảm ơn những người đã chịu bao nỗi khó nhọc vì các con, những người đã hy sinh tất cả tâm trí cho các con, những người đã sống vì các con và sẽ chết vì các con, đó là những vị đang đứng ở bên cạnh các con đấy !
Ông đốc vừa nói vừa chỉ sang chỗ các thầy giáo và các cô giáo đứng. Cảm động về lời hiệu triệu ấy, mấy nghìn đứa trẻ đứng lên một loạt và giơ tay về chỗ các giáo viên. Các thầy và các cô đều vẫy mũ, vẫy tay để trả lời và có vẻ bùi ngùi về sự biểu lộ chân tình của lũ con em.

41. Lòng cháu
( Truyện đọc hàng tháng )

Hôm ấy, nhà thằng Pherucsiô lặng ngắt hơn ngày thường. Cha nó là chủ một hiểu tạp hoá nhỏ, ra Phorli cất hàng, mẹ nó cũng theo đi, nhân tiện để chữa mắt cho một đứa cháu gái, đến hôm sau sau hai người mới về được. Người vú già, cơm chiều xong cũng xin phép về thăm con. Vì thế ở nhà chỉ còn một bà cụ già liệt chân với đứa bé 13 tuổi, tên gọi Pherucsiô.
Nhà này nhỏ, thấp ở chơ vơ cạnh đường cái ra Phorli ly sở tỉnh Rômânh. Sau nhà có vườn trồng rau, xung quanh rào giậu. Cạnh nhà là một toà khách sạn cháy đổ đã hai tháng nay, bỏ không. Bốn mặt là những cánh đồng dâu, xa xa thấp thoáng mấy làng xóm cô tịch.
Đêm ấy, đồng hồ sắp điểm 12giờ, bên ngoài trời tối như mực, mưa rơi tầm tã, gió thổi ào ào. Bà lão vẫn còn thức, ngồi tựa lưng trong cái ghế bành ở buồng ăn, là một gian bày lủng củng những bàn ghế cũ và chỉ cách vườn rau có một bức vách mỏng. Bà cụ có vẻ lo buồn và nóng ruột, mỗi tiếng động lại làm cho bà phải lắng tai.
- Cạch ! cạch !
Có tiếng gõ cửa. Lần này đích thực là thằng Pherucsiô đi chơi về. Người ướt như chuột, đầu tóc rũ rượi vì mũ bị gió đánh bay xuống hố ! Trán nó sưng vếu bằng quả ổi vì nó đi đánh nhau bị ném đá phải. Không những thế nó còn thua bạc nữa, trong túi có đồng nào hết sạch !
Ánh sáng ngọn đèn dầu tuy lù mù leo lắt, bà cụ cũng nhìn thấy vẻ tiều tuỵ của cháu. Bà hỏi chặn mấy câu, hiểu ngay "ông cháu" đã đi đánh nhau và bị thua bạc. Biết không thể giấu được nữa, Pherucsiô liền thú mọi tội. Bà cụ vốn thương cháu nhất nhà nên nức nở khóc.
- Cháu ơi ! Thực là cháu chẳng thương bà, không thế sao cháu nhân lúc cha mẹ vắng nhà đi chơi bời lêu lỏng như vậy ? Để bà ro ró một mình ở nhà, cháu thực nhẫn tâm ! Này Pherucsiô ơi ! Ta bảo cháu đã sa vào con đường đen tối nó sẽ đưa cháu tới những chốn xấu xa nhơ nhớp ! Ta đã trông thấy nhiều đứa trẻ bắt đầu lêu lỏng như cháu rồi sau thành ra những kẻ bất lương. Trước hết trốn nhà đi chơi, đánh nhau với bạn, ham mê cờ bạc rồi dần dần từ cái đấm đi đến lưỡi dao, từ cờ bạc đến việc làm xằng, từ việc làm xằng đến việc ăn cướp !
Pherucsiô tựa lưng vào tủ, cúi gằm mặt đứng nghe. Bà cụ vừa khóc vừa nói tiếp :
- Từ chỗ cờ bạc đến chỗ ăn trộm, ăn cướp không xa đâu cháu ạ. Cháu không trông gương thằng Môzini ở vùng này là một thằng đầu trộm đuôi cướp, mới 24 tuổi đã hai lần ngồi tù. Mẹ nó, ta cũng quen. Bà ta buồn rầu về con rồi mất. Cha nó thất vọng cũng bỏ sang Thuỵ Sĩ. Ta biết nó từ khi nó hãy còn nhỏ. Thằng Môzini lúc đầu cũng lêu lỏng như cháu, rồi mỗi ngày một hư đốn thêm. Nếu cháu không nghe bà thì sau này cha mẹ cháu cũng sẽ phải chịu một số phận như cha mẹ thằng Môzini, chứ chẳng không !
Pherucsiô đứng im. Thực ra nó cũng là một đứa trẻ cũng có chút lương tâm, chỉ phải cái tính bướng bỉnh và khó bảo.
Thấy Pherucsiô đứng im bà cụ lại nói :
- Cháu ơi, cháu không có một câu gì để hối hận à ? Cháu thử trông kỹ thân hình bà xem có còn sống được bao lâu nữa ? Cháu không nên nhẫn tâm làm cho người sinh ra mẹ cháu đã quá già yếu,suy nhược, đang nằm kề miệng lỗ, còn phải đau lòng, còn phải rơi lệ ! Ngày còn bé sao cháu yêu bà, quí bà thế ? Đến bây giờ bà già yếu không đi lại được là lúc cần có cháu để an ủi thì cháu lại...
Nghe đến đây Pherucsiô cảm động quá toan chạy lại với bà, bỗng có tiếng sột soạt ở ngoài vườn, nó dừng lại lắng tai.
Trời mưa nặng hạt.
Cửa vườn lại có tiếng động, lần này bà cụ nghe thấy, giật mình hỏi cháu : Pherucsiô nói khẽ :
- Thưa bà, mưa !
Bà cụ lau nước mắt nói tiếp :
- Cháu hãy hứa với bà: từ nay về sau, cháu sẽ không làm cho bà phải đau lòng nữa ! Bỗng cửa vườn lại có tiếng kẹt ! Bà cụ xám ngắt kêu :
- Cháu ra xem. Không phải trời mưa...
Song bà lại bảo :
- Nhưng thôi, cháu cứ đứng đây.
Rồi bà cầm tay Pherucsiô kéo lại cạnh bà.
Cả hai bà cháu đều nín thở. Chỉ thấy tiếng mưa ào ào.
Một lát sau, hai bà cháu đều phát run lên vì có tiếng người đi ở gian bên cạnh. Pherucsiô cất giọng run run hỏi :
- Ai đấy?
Không tiếng trả lời.
Pherucsiô mặt tái mét, hỏi dồn :
- Ai đấy ? Ai đấy ?
Vừa hỏi xong, thì hai bà cháu đều rú lên một tiếng: Có hai người đàn ông nhảy vào trong buồng ! Một người sấn lại, một tay nắm chặt lấy Pherucsiô, một tay bịt miệng nó; còn người kia thì chạy lại bóp cổ bà già.
Người thứ nhất nói :
- Muốn sống thì im mồm ! Người thứ hai giơ dao và kêu:
- Suỵt !
Cả hai người đều đeo mặt nạ đen, người thứ nhất hỏi khẽ Pherucsiô :
- Tiền bạc bố mày để đâu ?
Pherucsiô , hai hàm răng lập cập thưa :
- Ở đằng kia... trong tủ.
Người kia bảo :
- Mày theo tao !
Rồi lôi nó lại trước tủ giúi nó xuống đất,lấy hai chân kẹp lấy cổ , còn một tay cầm đèn lồng, một tay cạy tủ.
Vơ vét xong, chúng dọa hai bà cháu nếu kêu cứu, chúng sẽ lộn lại "sửa" cả hai.
Chợt có tiếng người đi và hát ở ngoài đường cái. Tên trộm thứ hai vung mặt ra ngoài mạnh quá làm rơi mặt nạ.
Bà lão kêu to:
- Môzini !
Tên trộm thét lớn :
- Đồ khốn nạn! Không thể để mày được! Nói xong, giơ dao thẳng cánh đâm bà lão!
Đồng thời, Pherucsiô chạy ôm choàng lấy bà để chắn mũi dao.
Hai tên trộm đạp tắt đèn tẩu thoát, Pherucsiô bỏ bà ra và thụt xuống đất, hai chân quỳ, đầu gục vào lòng bà.
Bà lão hoàn hồn gọi cháu :
- Pherucsiô ơi ! Cháu đáp :
- Bà ơi!
- Chúng đi cả rồi chứ !
- Vâng.
- Chúng không giết bà.
- Vâng.
- Chúng không giết bà.
- Không... bà thoát nạn. Chúng chỉ lấy tiền thôi. Nhưng cha cháu đã mang gần hết số tiền đi cất hàng, chả còn gì !
Bà cụ thở một hơi dài như trút một gánh nặng. Pherucsiô vẫn quỳ và ôm lấy bà, thở hổn hển nói:
- Bà ơi ! Bà yêu quý của cháu ơi ! Bà vẫn yêu cháu chứ ? ...Thế mà, cháu cứ làm phiền lòng bà...
- Không, cháu đừng nói thế, bà không nghĩ đến chuyện ấy nữa, bà quên cả rồi, bà yêu cháu bà vô cùng !
Bằng giọng run run, cậu bé gắng sức nói tiếp :
- Cháu cứ làm phiền lòng bà, nhưng...bao giờ cháu cũng yêu bà trên tất cả mọi người. Bà có tha thứ cho cháu không? Tha cho cháu, bà ạ !
- Ừ, bà tha lỗi cho cháu. Bà hết lòng tha lỗi cho cháu. Cháu chưa tin à ? Cháu yêu dấu của bà ơi ! Cháu hãy đứng dậy. Bà không mắng cháu nữa đâu ! Cháu giỏi lắm ! Đi thắp đèn đi... Cố lên ! Đứng dậy, Pherucsiô ơi !
Cậu bé đáp, giọng yếu dần :
- Cám ơn bà. Bây giờ cháu yên lòng lắm. Bà ơi ! Bà có nhớ cháu bà không ? Bà không bao giờ quên cháu Pherucsiô của bà chứ ?
Thấy cháu nói vậy, bà cụ thất kinh vỗ vai cháu gọi :
- Pherucsiô ơi !
Và cúi xuống nhìn mặt cháu.
Cậu bé nói thì thào trong hơi thở :
- Bà nhớ cháu nhá ! Cháu nhờ bà hôn mẹ cháu...cha cháu...em Luygina...Lạy bà...bà ơi!
Bà cụ kinh ngạc lay đầu cháu và kêu :
- Pherucsiô ơi ! Cháu làm sao thế ? Trời ơi ! Không biết làm sao cháu tôi lại thế này ? Tội nghiệp cháu tôi ! Ai cứu cháu tôi với... Tỉnh dậy, cháu ơi !
Nhưng Pherucsiô không trả lời. Cậu bé anh hùng ấy, bị lưỡi dao đâm suốt lưng, máu ra lênh láng vừa thở hơi cuối cùng, trong lòng rất sung sướng vì đã cứu bà thoát chết !

42.- Chú phó nề trong phút hiểm nghèo
Thứ bảy , ngày 18

Bệnh tình "chú phó nề" mấy hôm nay có phần trầm trọng. Thầy giáo bảo chúng tôi lại thăm. Garônê, Đêrôtxi và tôi, ba người rủ nhau đi. Chúng tôi có hỏi thử cậu quý phái Nôbix, quả nhiên cậu chối từ một cách lãnh đạm. Cả đến anh Vôtini cũng thoái thác nữa, có lẽ anh sợ đến đấy, vôi sẽ giây bẩn bộ quần áo mới của anh chăng ?
Tan học chiều, chúng tôi ại thăm anh Antôniô tức "chú phó nề" mà chúng tôi thường gọi đùa. Trời mưa như trút ! Garônê đứng dừng ở giữa phố, lắc mấy đồng xu trong túi bảo chúng tôi :
- Các anh định mua gì cho Antôniô ?
Đêrôtxi và tôi liền bỏ thêm tiền mua được 3 quả cam lớn. Chúng tôi leo cầu thang đến "rầm thượng". Đến cửa nhà anh Antôniô, Đêrôtxi liền tháo bội tinh bỏ túi. Tôi hỏi anh:
- Sao lại tháo ra? Anh đáp :
- Cất mề đay, vào người không, có lẽ tiện hơn.
Chúng tôi gõ cửa, cha anh Antôniô ra mở, người cao lớn, nét mặt đầy vẻ lo lắng buồn rầu. Ông hỏi:
- Các cậu là ai? Garônê đáp :
- Chúng tôi là bạn cùng lớp với anh Antôniô, chúng tôi lại thăm và biếu anh mấy quả cam. Ông phó nề lắc đầu đáp :
- Tội nghiệp cho em! Không chắc em còn ăn được quà của các cậu cho nữa không !
Nói xong, ông lấy tay áo gạt nước mắt rồi dẫn chúng tôi vào chỗ anh Antôniô nằm. Mẹ anh đang quỳ và gục đầu bên cạnh giường không biết chúng tôi vào.
Trên tường treo mấy cái bàn chải , một cái cuốc và một cái sàng để sàng vôi.. Ở góc nhà có cái thùng sắt và mấy cái bay.
Anh Antôniô sao mà còm và xanh thế ? Anh nằm đờ và thở khò khè. hai chân anh ủ dưới cái áo ngoài của cha anh hãy còn loang lỗ những vết vôi.
Ngày thường bạn tôi xinh thế, vui thế, bây giờ nom khác hẳn đi, biết đến bao giờ anh mới lại có trò "nhăn mõm thỏ" với chúng tôi ?
Garônê đặt một quả cam bên gối, cạnh mặt Antôniô . Ngửi thấy hơi, anh quay lại cầm quả cam rồi lại bỏ rơi xuống và nhìn Garônê không chớp mắt.
Garônê lên tiếng :
- Tôi là Garônê đây ! Anh có nhận ra không ?
Một nụ cười nhợt nhạt thoáng qua trên miệng, bệnh nhân cố đưa tay ra, Garônê đỡ lấy và đưa lên miệng hôn rồi nói :
- Anh Antôniô ơi ! Cố lên ! Anh ạ. Mai kia anh khỏi, anh lại đi học với chúng tôi. Thầy giáo sẽ cho anh ngồi cạnh tôi. Anh có bằng lòng không ?
Cậu "phó nề" không nói gì.
Mẹ cậu bỗng dưng nức nở khóc :
- Antôniô ơi !Nếu con có mệnh hệ nào thì mẹ cũng không sống được ! Ông chồng gạt đi nói :
- Thôi, im đi ! Khóc mãi tôi đến phải điên mất. Rồi ông quay lại bảo chúng tôi :
- Cảm ơn các cậu. Xin các cậu hãy trở về nhà, ở đây buồn lắm ! Antôniô lại nhắm nghiền đôi mắt lại như người sắp chết . Garônê nói :
- Thưa ông, có việc gì tôi xin làm giúp . Ông đáp :
- Cảm ơn các cậu có lòng quí hoá... Chúng tôi không có việc gì cả.
Nói xong, ông đưa chúng tôi ra cửa. Nhưng xuống đến lưng chừng cầu thang chúng tôi nghe có tiếng gọi !
- Anh Garônê, anh Garônê ơi ! Chúng tôi vội lộn lên.
Ông phó hơi mừng, chạy ra bảo :
- Cậu Garônê ! Cháu vừa gọi cậu. Đã ba hôm nay cháu không nói năng gì, thế mà vừa rồi cháu gọi được cậu hai lần : Thực là một triệu chứng hay !
Anh Garônê liền bảo chúng tôi :
- Các anh về trước. Tôi ở lại .
Nói xong, anh theo ông phó vào nhà.
Ra về, thấy mắt anh Đêrôtxi rỏ lệ, tôi hỏi :
- Anh thương Antôniô lắm, phải không ? ... Anh ấy đã nói được, tất sẽ khỏi. Đêrôtxi đáp :
- Tôi cũng tin thế, nên không nghĩ đến Antôniô...Tôi đang nghĩ đến anh Garônê, anh ăn ở với bầu với bạn như thế thực đã chí tình, ai trông thấy cũng phải đem lòng quí mến.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Đừng bận tâm chuyện vặt


Vầng sáng từ phương Đông


Tiếp kiến đức Đạt-lai Lạt-ma

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.





Quý vị đang truy cập từ IP 18.209.229.59 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Ngọc Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Thiện Diệu Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Văn Minh Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Thiền Khách Rộng Mở Tâm Hồn nước Rộng Mở Tâm Hồn Bui Tuyet Lan Rộng Mở Tâm Hồn Xuân Thôn Rộng Mở Tâm Hồn Nguyên Độ Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn Pháp Tâm Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Yduongvan Rộng Mở Tâm Hồn Trí Tuệ Từ Bi Rộng Mở Tâm Hồn Tiến Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Hoat Khong ... ...

Hoa Kỳ (395 lượt xem) - Việt Nam (123 lượt xem) - French Southern Territories (5 lượt xem) - Senegal (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Philippines (2 lượt xem) - Algeria (1 lượt xem) - Uzbekistan (1 lượt xem) - Kenya (1 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hà Lan (1 lượt xem) - Mauritius (1 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - ... ...