Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ »» Quyển Ba: Bàn rộng để khơi mở và củng cố niềm tin »»

An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ
»» Quyển Ba: Bàn rộng để khơi mở và củng cố niềm tin

Donate

(Lượt xem: 6.573)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


An Sĩ toàn thư - Khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ - Quyển Ba: Bàn rộng để khơi mở và củng cố niềm tin

Font chữ:


Lời dẫn

Đem thuyết Tịnh độ khuyên người trí tuệ sâu rộng thì rất dễ, bởi những người ấy có phước đức sâu dày từ đời trước, căn cơ khí chất đều hơn người.

Đem thuyết Tịnh độ khuyên dạy những người ít học, chơn chất cũng rất dễ, vì những người ấy trong lòng không hề sẵn có thành kiến, như vị ngọt có thể hòa cùng, sắc trắng có thể tô thêm.

Nhưng chỉ riêng đối với hạng người đọc sách như bọn nhà Nho chúng ta, nếu đem thuyết Tịnh độ ra mà chỉ bày khuyên bảo thì thật không dễ chút nào. Đó là vì đã một phen thu góp lượm lặt những tri thức thiển cận mà cố kết trong lòng, nên dù có đạo nhiệm mầu cũng không muốn học, có lời tốt đẹp cũng chẳng muốn nghe.

Vì lẽ ấy, nay tôi cất công thâu thập những lời hay ý đẹp chỉ rõ mê lầm, hướng người quay về chánh tín, có thể làm sáng rõ ý nghĩa Tịnh độ, lại trích ra một số điều, lấy đó làm niềm vui Chánh pháp, đặt tên là “Khải tín tạp thuyết” (Bàn rộng để khơi mở và củng cố niềm tin).

Bài văn khuyên tu hành

Người người đều yêu mến xác thân, mấy ai biết được thân là gốc khổ? Mỗi giây mỗi phút đều tham muốn mưu cầu khoái lạc, chẳng biết rằng chỗ khoái lạc ấy là nguyên nhân của khổ. Kiếp người như mây nổi thoáng qua, nào có bền lâu? Thể chất huyễn ảo vốn không kiên cố, thảy đều diệt mất. Người sống thọ không quá tám, chín mươi, kẻ yểu mạng đôi, ba mươi đã chết. Sống ngày nay chẳng biết việc ngày mai, lên giường ngủ sáng ra không dậy nữa. Thở ra không hẹn thở vào, ngay lúc ấy đã ngàn thu vĩnh biệt. Thân giả tạm này thật chẳng đáng ngợi khen, sao chẳng ai thoát khỏi sự dối lừa của nó?

Gân cốt ràng rịt giữ lấy bộ xương bảy thước, một lớp da bao bọc khối thịt hồng; tóc, lông, răng, móng... cùng gồm chung một gò vô chủ; trong thân chứa đầy những nước mắt, nước mũi cùng đờm dãi, nhơ nhớp như hố xí.

Mùa đông rét buốt, mùa hè nóng bức, mỗi năm đều chịu đựng như trong cơn sốt rét; muỗi, mòng, chấy, rận... đua nhau chích đốt, tháng tháng sống chung cùng giòi bọ vây quanh.

Tấm thân này thật không thể yêu chuộng đắm say, mong mọi người sớm nguyện thoát lìa. Vì sao kẻ mê muội còn đắm chuyện phong lưu, người u tối càng sinh điên đảo? Trên đầu một khối xương sọ, có người lại cài hoa giắt lá điểm tô; thân như đẫy da chứa đầy xú uế, lắm kẻ thường thoa hương trát phấn nâng niu. Lụa là phủ che túi máu mủ, gấm vóc bao kín bọc phẩn dơ. Tận dụng trăm mưu ma chước quỷ, những mong sống mãi ngàn năm; nào hay khi đầu váng mắt hoa, vua Diêm-la đã sớm triệu hồi; hoặc vừa lúc tóc bạc răng rụng, quỷ vô thường vội vàng tìm đến.

Người người luyến mê tài sắc, đều là cách nhanh nhất đánh mất thân người. Ngày ngày đắm say rượu thịt, khác nào trồng sâu gốc địa ngục. Trước mắt mưu cầu khoái lạc nhất thời, cay đắng khổ đau muôn vạn kiếp. Một khi mạng sống vừa dứt, bốn đại phân rã như dao bén cắt xẻo toàn thân đau đớn, bên ngoài tay chân rời rã, bên trong gan ruột xé lìa. Ví bằng vợ con đớn đau than khóc, cũng không sao lưu giữ; dù cho thân quyến cốt nhục đủ đầy trước mắt, nào ai thay chết được chăng?

Khi sinh ra uổng khóc gào vô ích, lúc chết đi thần thức vội lìa. Đường trước mịt mờ tăm tối, nhìn quanh cô độc một thân. Qua cầu Nại-hà, cảnh nhìn thấy bi thương đau đớn; vào Quỷ môn quan, lòng tự nhiên thê thảm đớn đau. Lìa dương thế vừa được bảy ngày, chốn âm ty đã trải qua mọi chốn. Phán quan xét xử chẳng nương tình, ngục tốt y lệnh nghiêm mặt sắt. Kẻ làm thiện được lên cõi trời, người. Người tạo ác giải ngay vào địa ngục. Ngày trước thường nói nhân quả là chuyện hoang đường, lúc này mới biết việc báo ứng không mảy may sai chạy.

Gương nghiệp soi mọi sự rõ ràng, chốn âm ty muôn phần khổ sở. Núi đao rừng kiếm, chịu đựng khôn xiết vạn nỗi đớn đau. Mang lông đội sừng, đền trả chưa hết biết bao nợ cũ. Cứ cho là gan dạ anh hùng, cũng không khỏi cúi đầu trước quỷ tốt. Kẻ báng Phật phá Tăng, rốt cùng phải quỳ trước Diêm vương chịu tội.

Hồn phách dù đã về âm giới, thi hài còn nằm giữa áo quan. Hoặc giữ lại qua ba ngày, năm bữa; hoặc kéo dài sáu, bảy tháng ròng. Da thịt thối rữa sinh bao giòi bọ, máu mủ rỉ ra, mùi hôi thối tận trời khắp đất. Nhà nghèo khó, vùi xác dưới một gò nơi đồng nội. Kẻ giàu sang, gửi thân nơi núi hoang xa vạn dặm. Sinh thời hồng nhan diễm lệ, nay hóa thành tro cốt lạnh tanh. Một nắm xương tàn cô quạnh, dần nát thành bụi bặm cõi trần. Bao nhiêu ái ân ngày cũ, giờ đây hết thảy đều không. Hào kiệt anh hùng thuở trước, nay biết về đâu? Cỏ xanh dần che bia đá, cành dương phơ phất giấy tiền. Xét đến cùng, nào ai tránh được cảnh ấy?

Nếu muốn thoát khỏi luân hồi, phải mau quay về Chánh giác. Thôi hướng hang quỷ tìm đường sống, phải biết trong thân sẵn tánh linh. Dù nam hay nữ đều có thể tu, kẻ tăng người tục, pháp phần đều sẵn. Gấp rút tìm đường thoát khổ, phải nghĩ đến thân đời sau nữa. Nếu chẳng quay đầu, sao tránh khỏi trong mơ khởi mộng. Nếu mãi ngày này chờ sang ngày khác, thoắt chốc đã luống tuổi xuân; khiến người sau lại khóc người sau nữa, dần dần xương trắng thành non.

Khéo niệm Di-đà, đài vàng Cực Lạc sẵn chờ. Diêm chúa vô tình, đừng chuốc lấy cực hình địa ngục. Bỏ ác làm thiện, dứt quá khứ dựng lại tương lai. Giữa đại chúng tuyên dương Chánh pháp, nơi gia đình giảng thuyết đạo mầu. Sao cho chốn chốn đều tỏ ngộ, người người cùng thoát khỏi trầm luân.

Lời Phật dạy nếu không tin nhận, còn ai đáng tin hơn? Làm người nếu chẳng gắng tu, sinh đường khác muốn tu rất khó. Mong sao hết thảy mọi người, nghe qua rồi tin nhận thực hành ngay, chớ để một đời này trôi qua uổng phí.

Chướng ngại của lý còn nặng nề hơn cả tham dục

Những người mù lòa bẩm sinh thì không biết đến hình dạng con voi. Xưa có ông vua, một hôm cho tập trung những người bị mù bẩm sinh lại và hỏi: “Các ông có muốn biết hình dạng con voi hay chăng?” Những người mù đều thưa là muốn biết. Vua liền sai người quản tượng dắt một con voi ra trước sân, rồi bảo những người mù ấy cùng đến lấy tay sờ voi.

Sau khi họ đã sờ voi xong, vua hỏi: “Các ông bây giờ đã biết được hình dạng con voi hay chưa?” Tất cả đều nói là đã biết. [Vua liền bảo họ mô tả.]

Người sờ mũi voi nói: “Con voi [đầu to đầu nhỏ] giống như cây đàn [tỳ bà].” Người sờ dưới chân voi nói: “Con voi giống như cây cột đình.” Người sờ lưng voi nói: “Con voi giống như cái nhà.” Người sờ bên sườn voi nói: “Con voi giống như tấm vách.” Người sờ tai voi nói: “Con voi [tròn, mỏng] như cái sàng.” Người sờ đuôi voi nói: “Con voi giống như cái chổi lớn.”

[Những người mù ấy,] mỗi người tin theo một cách, ai cũng cho rằng mình nói đúng, ra sức tranh cãi không thôi với những người khác. Họ cãi nhau không ngừng, cho đến cuối cùng xông vào đánh nhau. Nhà vua liền cười nói: “Các ông đều chưa biết được hình dạng con voi. Người nói cây đàn, đó là mũi voi; người nói cột đình, đó là chân voi; người nói cái nhà, đó là lưng voi; người nói tấm vách, đó là sườn voi; người nói cái sàng, đó là tai voi; người nói cái chổi, đó là đuôi voi.”

Những người mù nghe vua nói tuy không dám cãi lại, nhưng trong lòng vẫn tin rằng chỗ sờ biết của mình là chính xác không sai, hết sức oán hận những người khác đều đã nói sai về con voi. Do đó nên những người mù này suốt đời không thể nào biết được chính xác về hình dạng con voi.

Ví như trước đó đừng cho họ lấy tay sờ biết về con voi, hẳn là chỉ cần mô tả đôi lời đã có thể giúp họ biết được hình dạng con voi như thế nào, đâu đến nỗi phải có sự tranh chấp không thôi. Chỉ vì một khi đã có được sự mô phỏng của riêng mình, những người ấy đều cho rằng tự mình đã thể nghiệm được chính xác điều ấy bằng tay, hoàn toàn không có gì phải nghi ngờ nữa, liền đem cái biết ấy cố kết thành một định kiến kiên cố trong tâm, không thể nào xóa bỏ đi được.

Cho nên, người không đọc sách Nho, nếu được nghe dạy pháp môn Tịnh độ thì cho dù chưa tin nhận cũng không đi đến mức phỉ báng. Nhưng một khi đã đọc qua ít nhiều sách vở Nho gia, liền cho đó là chân lý chính xác nhất, dựa vào cái biết hạn hẹp của mình mà huyênh hoang tự đắc, cho rằng pháp môn Tịnh độ kia bất quá cũng chỉ là những lời dạy của riêng nhà Phật, [không sánh được với thánh hiền Nho gia]. Vì thế mà những lời thành thật lại bị xem như thuyết hoang đường, nước cam lộ quý báu lại bị xem như rượu độc.

Vì thế mới nói rằng, sự chướng ngại của lý lẽ [cố chấp] còn nặng nề hơn cả tham dục.

Trước phải tin có ba đời

Có những người học theo sách Nho, vì không tin có kiếp trước, đời sau, nên mới không tin nhận thuyết Tịnh độ. Thật không biết rằng, kiếp trước đời sau cũng giống như chuyện hôm qua với ngày mai, đều là vốn tự sẵn có, không phải do nhà Phật tạo tác ra. Cũng giống như các cơ quan nội tạng: tim, gan, thận, phổi... đều sẵn có trong người bệnh nhân, sao có thể vì những thứ ấy được thầy thuốc mô tả rồi cho rằng đó hẳn là những vật thể trong giỏ thuốc của họ?

Văn Xương Đế quân vừa mở đầu bài Âm chất văn đã nói: “Ta trải qua 17 đời đều làm kẻ sĩ có quyền thế.” Theo lời ấy thì rõ ràng đã có kiếp trước, đời sau. Những người theo đường khoa cử công danh, ai cũng phải qua sự chưởng quản của ngài, lẽ nào lời nói ấy của ngài lại không đủ để tin nhận hay sao?

Sau phải tin sâu lý nhân quả

Người học Nho nếu không tin nhân quả, đó không phải là không tin Phật dạy, mà chính là không tin vào học thuyết của Nho gia.

Kinh Dịch [của Nho gia] nói: “Nhà làm việc thiện ắt có thừa niềm vui, nhà làm việc ác ắt gặp nhiều tai ương.” Kinh Thư [của Nho gia] cũng nói: “Người làm việc thiện thì ban cho trăm điều tốt lành. Người làm việc xấu ác thì giáng xuống trăm tai họa.”

Theo đó, làm thiện hay làm ác chính là gieo nhân, gặp việc tốt lành hay tai ương, chính là gặt quả, [chỉ là cách diễn đạt khác nhau giữa Nho và Phật đó thôi.] Cũng giống như gọi là “mặt trời” hay “vầng thái dương”, cũng đều là chỉ chung một sự vật.

Cho nên [trong đạo Phật] nói: “Muốn biết nhân đời trước, hãy xem quả đời này.” Nếu người ta tin vào thuyết nhân quả như thế thì tự nhiên không dám làm việc ác, bằng như cho rằng chuyện báo ứng chỉ là hoang đường, liền ưa thích làm chuyện dối trá, lường gạt người khác, không phải kiêng sợ gì cả.

Ví như trong một xóm làng, có một người tin nhân quả nên làm một điều thiện; một vạn người tin theo như vậy sẽ tăng thêm một vạn điều thiện. Ngược lại, có một người không tin nhân quả, làm một việc ác; một vạn người không tin như thế, sẽ tăng thêm một vạn điều ác.

Cho nên mới nói rằng: “Người người đều tin nhân quả, đó là con đường hết sức thịnh trị cho xã hội; người người đều không tin nhân quả, đó là con đường đại loạn cho xã hội.”

Khổng tử nhất định đã từng nói qua về thuyết ba đời

Về thuyết có ba đời, khảo cứu trong kinh thư, sử sách thấy ghi chép rất nhiều, nhưng theo chỗ thấy biết của người đời nay thì lại không giống nhau.

Người học theo đạo Nho, chỉ vì cho rằng Khổng tử chưa từng nói qua thuyết ấy, nên tự họ cũng không đề cập đến. Tuy nhiên, có thật là Khổng tử không nói ra thuyết ấy chăng?

Nếu nói rằng Khổng tử không biết đến thuyết ba đời thì ông ấy thật chưa đáng xem là bậc thánh nhân. Trong một bộ Luận ngữ [có mười hai ngàn bảy trăm chữ, mà] những lời do chính Khổng tử nói ra cũng chỉ có tám ngàn năm trăm lẻ ba chữ mà thôi. Như vậy, những điều Không tử nói ra mà không được ghi chép truyền lại cho hậu thế hẳn phải rất nhiều.

Nếu như đợi nhìn thấy ghi chép trong kinh sách [của Nho gia] rồi mới tin, hẳn là trong Tứ thư, Ngũ kinh, Khổng tử chưa từng nói đến cha mẹ của ông ấy, thì người học Nho cũng tránh không nói đến cha mẹ mình; Khổng tử chưa từng nói đến anh em của ông ấy, thì người học Nho cũng tránh không nói đến anh em mình; Khổng tử chưa từng nói đến nhà cửa ruộng đất của ông ấy, thì người học Nho cũng tránh không sống trong nhà cửa, phát triển sản nghiệp.

Không chỉ là vậy, cho đến bốn món nhu yếu của sự viết lách là giấy, bút, mực và nghiên mực, Khổng tử cũng chưa từng nhắc đến, vậy ngày nay tập viết chữ là sai rồi. Hơn nữa, ngoài các loại áo mỏng mùa hè, áo lông cừu mùa đông, Khổng tử cũng chưa từng nói đến các loại y phục kèm theo, vậy phải cho rằng ngày nay mặc quần là sai. Ngoài ra, như tích trượng làm ra ở Giang Nam, nhà Nho không nên sử dụng, bột màu ở Tây Thục, nhà Nho không nên dùng để vẽ. Vì sao vậy? Vì Khổng tử chưa từng nhắc đến những thứ ấy trong kinh sách Nho gia.

Nay chỉ xét những điều được truyền dạy trong kinh sách Nho gia, như Khổng tử dạy người hiếu kính cha mẹ, hòa thuận với anh chị em, thì nhà Nho lại không làm theo; Khổng tử dạy người trung thực khoan thứ, thì nhà Nho lại không trung thực khoan thứ. Khổng tử chưa bao giờ dạy người cờ bạc, thì nhà Nho bây giờ lại ưa thích các trò cờ bạc. Toàn thấy những việc như Khổng tử chưa bao giờ dạy làm thế này, thế kia... thì nhà Nho lại chạy theo làm những việc thế này, thế kia... như vậy là thế nào? Nói ngắn gọn một câu, đó là [học mà] không có sự suy xét.

Người có trí đừng nhận về mình mạng sống ngắn ngủi

Con người xét đến chỗ ban sơ vốn không có sự chết. Danh từ “chết” chẳng qua chỉ do nơi thân xác thịt này mà có. Nhưng thân xác thịt tuy có biến đổi, bản tính chân thật của ta lại chưa từng biến đổi.

Ví như người đi xa, có lúc chèo thuyền, có lúc ngồi kiệu, lại có lúc cưỡi ngựa, có lúc lái xe... [phương tiện thay đổi đủ loại, nhưng người không hề thay đổi]. Thuyền, kiệu, ngựa, xe... ấy chính là thân xác thịt, mà người chèo thuyền, ngồi kiệu, cưỡi ngựa, lái xe, ấy chính là bản tính chân thật.

Nếu xét theo thân xác thịt thì có dài lâu cũng không quá trăm năm, nhưng nếu xét về bản lai diện mục của chúng ta thì đâu chỉ là dài lâu như trời đất [mà còn hơn thế nữa]. Lắng lòng suy xét việc ấy, thật không có gì vui thú hơn.

Người đời nay không tin có kiếp sau, đó là chỉ biết tấm thân xác thịt mà không biết có bản tính chân thật. Như thế rõ ràng là tự nhận lấy về mình tuổi thọ ngắn ngủi, cũng là theo quan điểm sai lầm rồi vậy.

Người có trí không nên khép chặt quan điểm

Trong nhận thức của người nông dân nghèo thường không biết đến sinh hoạt của nhà giàu có; trong nhận thức của nhà giàu có, lại không biết đến sinh hoạt của bậc đế vương. Tuy cùng ở trong cõi người nhưng các giai cấp sang hèn, cao thấp đã khác biệt nhau rất xa, huống chi đem so con người với chư thiên cõi trời, hoặc đem cõi trời so với Tịnh độ của chư Phật.

Người ta cho rằng kẻ đọc sách nhiều hẳn chỗ thấy biết phải rộng. Nhưng không biết rằng [có những trường hợp] càng đọc sách thì chỗ thấy biết càng thêm hẹp hòi. Đó là vì cố chấp vào những kiến thức đã được tiếp nhận trước, cố kết trong lòng thành định kiến không thể xóa bỏ, thay đổi.

Nói chung, chỗ thấy biết của người ta, bất quá cũng chỉ nằm trong phạm vi của một cõi nước, không biết rằng số lượng thế giới thật nhiều không cùng tận, số lượng mặt trời, mặt trăng cũng không thể cùng tận. Người thiển cận thì chỉ biết con người ban đầu vốn sinh ra từ đời Bàn Cổ, nhưng không biết rằng từ thuở kiếp sơ thế giới vừa thành lập, từ khi Đại Bình Đẳng Vương khai sáng đất nước trở về sau, đến nay đã trải qua đến tiểu kiếp thứ chín rồi; chỉ biết riêng một xứ sở này, gọi tên là Trung Hoa, nhưng không biết chỉ trong một châu Diêm-phù-đề, chỗ mà mình tự gọi là Trung Hoa đó, vốn thật có đến mười sáu nước lớn, năm trăm nước ở hạng trung bình và mười vạn nước nhỏ; chỉ biết con người sống được đến tuổi bảy mươi đã gọi là “xưa nay ít có”, không biết rằng từ thuở kiếp sơ con người vốn đã sống trung bình đến tám vạn bốn ngàn năm mới chết; chỉ biết ở nơi đây muốn có y phục, thức ăn uống đều phải vất vả cày ruộng dệt vải, không biết rằng nơi các cõi trời hay cõi Tịnh độ của chư Phật thì chỉ cần nghĩ đến các nhu cầu ấy đã tự nhiên hiện ra; chỉ biết rằng vàng bạc tiền của ở cõi này muốn có được thật hết sức khó khăn, không biết rằng nơi các cõi Phật trong mười phương, mặt đất đều bằng bảy báu tạo thành; chỉ biết chữ viết ở cõi này theo pháp lục thư của Thương Hiệt tạo thành, không biết rằng từ sau khi sáng lập thế giới, vốn đã có đến sáu mươi bốn cách viết chữ; chỉ biết được đôi ba quyển sách như Tả truyện, Quốc ngữ, Sử ký, Hán thư... đã vội cho là bậc tôn quý văn chương uyên bác, không biết rằng trên điện Phổ Quang Minh, rương hòm chứa sách chất cao như núi; chỉ biết xác thân xương thịt của con người đều do tinh cha huyết mẹ hòa hợp mà thành, không biết đến việc thể chất gửi vào thai sen, sinh ra ở cõi thơm tho tinh khiết tột cùng, hoàn toàn không từ bụng mẹ mà ra; chỉ biết cưới được một cô vợ gầy còm vàng vọt liền hết sức thương yêu chiều chuộng, trân quý như vàng như ngọc, ngày đêm thích thú lắng nghe tiếng oanh vàng thỏ thẻ; đâu biết rằng khi Chuyển luân vương ngự giá, ngoài nàng ngọc nữ là vợ chính ra, còn có đến hai vạn phu nhân diễm lệ theo hầu, đến như Thiên vương ở cõi trời Đao-lợi thì riêng số ngọc nữ đã tính lên đến hàng vạn ức; bên cạnh mỗi một nàng ngọc nữ ấy đều hóa hiện một thân của Thiên vương để hưởng sự vui thú; chỉ biết rằng con người là loài tối linh trong muôn loài, có thể giúp dật vào sự khai hóa, nuôi dưỡng của trời đất, đâu biết rằng con người bất quá cũng chỉ là một trong sáu đường luân hồi, là một trong bốn cách sinh ra, là một pháp giới trong mười pháp giới; chỉ biết tôn sùng một vài bậc thánh nhân liền cho đó là những bậc không ai sánh kịp, ngoài ra hết thảy những thánh thần nào khác đều một mực cho là không đáng để tin theo, một mực cho rằng những gì mình chưa từng nhìn thấy đều là chuyện hoang đường, không biết rằng mỗi một đất nước đều có một số vị thánh nhân chủ trì sự giáo hóa, nhân loại có nhiều đất nước, trong cõi Diêm-phù-đề có tất cả đến sáu ngàn bốn trăm chủng tộc khác nhau, đâu chỉ riêng ở đất nước Trung Hoa này mới có thánh nhân!

Than ôi! Những cảnh giới rộng lớn bao la như thế, những kẻ chỉ biết chạy theo âm thanh, hình sắc, tiền tài vật chất, sao có thể hé thấy được đôi chút trong đó? Ví như con giun đất, chỉ biết được niềm vui ăn đất trong phạm vi một thước, không biết đến rồng xanh quẫy vọt giữa biển lớn, vẫy vùng trong muôn đợt sóng. Lại ví như con bọ hung, chỉ biết được niềm vui chui rúc trong đống phẩn dơ, không biết đến chim đại bàng vỗ cánh bay xa chín vạn dặm, cưỡi gió đạp mây.

Cho nên, người học Phật cần phải có được cái nhìn hết sức sáng suốt.

Kinh điển đạo Phật nhất định phải đọc qua

Các loài gà, chó, trâu, dê... chỉ có thể kêu thành tiếng mà không biết nói, nếu đem so với con người biết nói thì khả năng nói được của con người thật quý báu. Những người mù chữ, chỉ có thể nói mà không thể viết, nếu so với người có học được dăm ba chữ, có thể viết thư từ liên lạc giao tiếp với người phương xa, thì người học được ít chữ đó cũng đã là rất đáng quý. Người học được dăm ba chữ kia, tuy có thể viết ra để thay lời nói, nhưng không thể viết ra được những lời nói lên được suy nghĩ, tâm ý của trăm ngàn người, cũng không thể lưu lại những gì đã viết ra cho đến trăm ngàn năm sau. Nếu có thể học rộng biết nhiều, thông suốt chuyện xưa nay, viết thành sách để lại cho đời sau, ắt có thể chỉ một quyển sách được in ấn ra thành trăm ngàn quyển sách, một quyển sách có thể lưu lại cho đến trăm ngàn năm sau, người như thế lẽ nào lại chẳng đáng quý hơn nữa sao?

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là sách vở thế gian mà thôi. Nếu như ngoài những sách của Nho gia, có thể mở rộng đọc qua những Kinh điển của Phật, ắt đối với những việc khắp trên trời dưới đất, kiếp trước đời sau, cho đến [sách vở trong] kho tàng dưới biển sâu nơi Long cung, thảy đều có thể biết qua đại lược, như vậy sự thấy biết chẳng phải sâu rộng lắm sao?

Nhưng cho dù sự thấy biết đã là sâu rộng, nếu không tìm được một con đường thẳng tắt để vượt thoát ra khỏi ba cõi, hẳn là đối với hạt giống Bồ-đề vẫn còn chưa có phần.

Ví như có thể rộng hiểu được Kinh tạng, lại gặp được pháp môn Tịnh độ và hết sức tin nhận, kính cẩn thực hành theo, thì trí tuệ, phước đức của người ấy nhất định không phải chỉ tích lũy được trong năm, ba đời mà còn nhiều hơn thế nữa.

Có người nêu nghi vấn rằng: “Những văn tự trong kho tàng dưới biển sâu nơi Long Cung, tuy có liên quan đến những lời dạy chân thật của đức Như Lai, nhưng vì sao người học Nho không tin là thật?” Đáp rằng: “Những chuyện về vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ nhà Hạ, vua Thang nhà Thương, cho đến Văn vương, Vũ vương nhà Chu, nếu đem ra nói với những người không biết chữ thì họ cũng đều cho là hoang đường.” Cho nên, đối với Kinh điển đạo Phật, quả thật nhất định không thể không đọc.

Ngài Huyền Trang khơi dậy và củng cố niềm tin

Người đời vì thấy có những ông tăng không giữ theo giới hạnh nên khởi tâm khinh miệt, không tin vào pháp môn Tịnh độ. Như vậy thật sai lầm. Như thế cũng giống như thấy đạo sĩ tư cách không ra gì lại khinh khi Lão tử; thấy nhà Nho hư hỏng lại xem thường Khổng tử.

Người có trí vốn đã không nên dựa nơi tư cách con người mà đánh giá, bác bỏ lời nói của họ, huống chi lại có thể dựa vào tư cách kém cỏi của những kẻ theo học mà khinh chê Giáo pháp?

Thuở xưa, vua Đường Thái Tông có lần thưa với Pháp sư Huyền Trang: “Trẫm có ý muốn dâng lễ trai tăng, nhưng nghe rằng có nhiều vị tăng không đủ giới hạnh, vậy phải làm thế nào?”

Ngài Huyền Trang đáp: “Đất Côn Sơn có ngọc quý, cũng nằm lẫn trong bùn, cát; huyện Lệ Thủy có vàng, lẽ nào ở đó không có ngói gạch, đá sỏi? Đất sét hoặc gỗ dùng tạo tượng La-hán, khởi tâm cung kính ắt được phước; đồng, thiếc đúc thành tượng Phật, người hủy hoại nhất định có tội. Rồng nặn bằng đất sét tuy không thể làm mưa, nhưng muốn cầu mưa phải dùng rồng đất ấy. Những ông tăng phàm tục tuy không thể ban phúc, nhưng muốn cầu phúc phải biết kính trọng họ.”

Vua Đường Thái Tông nghe qua lời ấy thì kinh hoảng, thưa rằng: “Trẫm từ nay về sau dù gặp chú sa-di nhỏ cũng xin cung kính như Phật.”

Đáng khen thay, vua Đường Thái Tông cố nhiên đã sẵn có phước lành đời trước, nên chỉ dạy qua một lần liền tỉnh ngộ, nhưng ngài Huyền Trang cũng quả thật là bậc chân sư, khéo khơi dậy và củng cố niềm tin cho người.

Nên sinh tâm chán lìa thân xác thịt này

Người ta sống ở đời bị tám nỗi khổ thay nhau hành hạ, nhưng không tự biết đó là khổ, ngược lại còn cho là vui thú, tựa hồ như từ nơi cảnh khổ lại càng lún sâu vào khổ, vĩnh viễn không có hạn kỳ thoát ra.

Hãy nói về nỗi khổ sinh ra chẳng hạn. Bào thai sống trong lòng mẹ, phía dưới vùng gan, ngực, bên trên vị trí ruột già, như một lớp màng bọc chứa nước, rồi dần dần hình thành như một bọc kín, không thể tự do di chuyển. Khi người mẹ ăn thức ăn nóng, thai nhi cảm giác như bị tắm nước sôi; khi mẹ uống nước lạnh, thai nhi cảm giác như nằm trên băng giá.

Nơi ở trong bụng mẹ vốn đã không sạch sẽ, thực phẩm nuôi dưỡng qua máu huyết người mẹ cũng chẳng thanh tịnh. Thời gian ở trong thai không quá ba trăm ngày, nhưng sự khổ não phải trải qua cũng tương đương như hàng mấy chục năm.

Từ thụ thai đến vừa tròn tháng, phải chịu nỗi khổ đảo ngược hình thể, đầu quay xuống hướng về cửa mình người mẹ. Hình chất lớn dần [cho đến khi đủ ngày đủ tháng, lúc ấy] muốn thoát ra nhưng không thể được. Đây là lúc thai nhi có nhiều nguy cơ tử vong, mà cũng là lúc người mẹ chịu nhiều nguy hiểm nhất. Khi bà đỡ dùng tay kéo ra, thai nhi có cảm giác đau đớn như thân thể bị xé tung thành nhiều mảnh. Vì thế nên bất kỳ đứa trẻ nào khi vừa sinh ra cũng đều lớn tiếng kêu khóc.

Lúc vừa sinh ra, phải nằm lẫn trong phẩn dơ hôi hám, chưa hề biết đến hổ thẹn. Cho dù con nhà đại phú đại quý cũng là như vậy; cho dù bậc đại thánh đại hiền cũng là như vậy. Người đời chỉ vì quen với những điều như thế nên xem như việc đương nhiên, vì thế không hề biết được. Nếu có thể trong đêm khuya tĩnh lặng suy xét lại, lẽ nào chẳng thấy là đáng thương, đáng thẹn lắm sao?

Đức Đại Thánh Như Lai rủ lòng thương xót thế gian nên dạy người cầu sinh Tịnh độ, được hóa sinh từ hoa sen, thoát khỏi những nỗi khổ này. Vì sao ta còn đắm say trong trần tục mê lầm, không sinh tâm chán lìa thân xác thịt?

Người con hiếu thảo không muốn vào thai

Khi thần thức nhập thai, không chỉ tự mình chịu nhiều khổ não, mà người mẹ cũng phải chịu vô vàn đau khổ. Không bàn đến việc mang thai mười tháng thì mỗi ngày đều dài dằng dặc như một năm, đến lúc sinh ra thì người mẹ cũng phải chịu đủ điều thống khổ, hổ thẹn cũng như xấu hổ khó nói hết. Mỗi giây mỗi phút đều cận kề cái chết, mỗi một ý niệm đều chỉ cầu mong sống sót. Như may mắn vượt qua được sự khó khăn khi sinh nở, liền yêu quý con thơ như bảo bối. Vì thế nên lúc nào cũng bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, nuôi nấng bồng ẵm cho đến trưởng thành, tinh huyết một đời âm thầm cạn kiệt.

Thuở xưa có vị sa-di, năm lên bảy tuổi đã xin mẹ xuất gia học đạo. [Chuyên cần tu tập, đến năm 8 tuổi] chứng được đạo quả, thấy biết việc đời trước. Nhân khi nhìn thấy việc đời trước liền than rằng: “Chỉ một thân này của ta mà làm khổ lụy đến năm người mẹ! Trong đời thứ nhất, khi ta ra đời thì bên nhà hàng xóm cũng có người sinh con. Ta lại chết sớm, mẹ ta nhìn thấy con của người hàng xóm trưởng thành mà đau buồn khổ sở. Qua đời thứ hai ta sinh ra chưa được bao lâu thì chết, mẹ ta mỗi khi nhìn thấy người khác cho con bú thì lại nhớ đến ta, đau buồn khôn xiết. Sang đời thứ ba, ta được mười tuổi thì chết. Mẹ ta mỗi khi thấy những đứa trẻ cùng tuổi ăn uống thì lại nhớ đến ta, đau khổ vô cùng. Sang đời thứ tư, ta chưa đến tuổi lấy vợ thì đã chết. Mẹ ta mỗi khi nhìn thấy những người bằng tuổi ta cưới vợ thì lại nhớ ta mà sinh tâm đau buồn. Nay là đời thứ năm, ta vừa được bảy tuổi đã xin xuất gia học đạo, mẹ ta ở nhà nhớ mong, lại cũng sinh tâm đau buồn. Ta quán xét cõi luân hồi sinh tử thật mê lầm, làm khổ lụy đến người thân như thế, nên phải chuyên cần tinh tấn tu tập Chánh đạo.”

Nay trên đường đời người chen chúc nhau, tới lui không ngớt, đa phần đều là những kẻ gây khổ lụy cho cha mẹ, còn những người có thể báo đáp thâm ân cha mẹ, nào có mấy ai?

Một lần sinh ra trong đời là một lần gây khổ lụy cho cha mẹ. Sinh ra trăm, ngàn đời tức là gây khổ lụy cho trăm, ngàn cha mẹ. Nếu có thể siêu thoát vượt ngoài thế gian, được hóa sinh từ hoa sen [nơi Cực Lạc], thì vĩnh viễn không còn gây khổ lụy cho cha mẹ nào nữa, như vậy chẳng phải là bậc đại hiếu trong hàng đại hiếu đó sao?

Ngày nay những kẻ hủy báng Phật pháp, ngược lại cho rằng người xuất gia là bất hiếu. Những kẻ ấy chính là cam tâm tiếp tục việc vào thai, gây khổ lụy mãi cho cha mẹ.

Bậc tôn quý nên tự biết hổ thẹn

Người đáng gọi là tôn quý, không phải do chức vụ cao, tước vị lớn hay học nhiều biết rộng, mà chính là những người có khả năng trừ bỏ được sự thấp hèn, là người trừ bỏ được những sự đê tiện hèn kém, vốn khiến cho con người trở nên giống như loài cầm thú.

Sự đê tiện hèn kém đó là gì? Đó chính là những sự tham lam, dâm dục, giết hại, trộm cướp, là những điều khiến con người trở nên giống như cầm thú. Ngoài những điều ấy ra, còn có điểm đáng xấu hổ nhất là bao nhiêu thứ cho vào trong bụng đều hóa thành phẩn dơ hôi thối. Cho dù có là những món ăn trân quý trăm mùi vị, một khi vừa nuốt qua cổ họng liền hóa thành nhơ nhớp không khác gì đờm dãi. Khi nuốt sâu vào bụng, liền có những ký sinh trùng màu vàng chờ đón trong đó để ngày đêm ăn nuốt. Trải qua một ngày đêm thì tiến trình tiêu hóa đã xong, đưa sang ruột già đã có mùi hôi thối không ai muốn đến gần. Khi đã tích chứa đầy bụng, liền phải thoát ra theo đường đại tiện. Lúc bắn vọt ra ngoài, mùi hôi thối cũng không khác gì phẩn của loài heo, chó. Sự hèn kém như thế, như vướng phải một lần đã hết sức xấu hổ, sao có thể chịu đựng mỗi ngày đều như thế? Nếu mỗi ngày đều như thế mà không tự biết, không phát tâm chán lìa thì có khác gì loài cầm thú ngu si.

Cho nên, người biết suy xét phải lấy đó làm việc tự oán tự dừng, mỗi giây mỗi phút đều muốn trừ bỏ đi những sự đê tiện hèn kém ấy, như thế mới đáng gọi là bậc đại nhân tôn quý.

Chư thiên ở sáu cõi trời, được thọ hưởng vị ngon cam lộ cõi trời thơm tho tinh khiết, trong sạch nhẹ nhàng, không một mảy may cáu cặn, nên thân thể cưỡi trên mây hương, hóa hiện khắp nơi tùy ý muốn, trong trăm ngàn vạn cõi nước đều có thể chợt đến chợt đi, hằng ngày lại không sản sinh những chất nhơ uế như đờm dãi, phân, nước tiểu... Vì thế, chỉ một chút móng tay, móng chân của chư thiên cũng đã giá trị bằng như cõi Diêm-phù-đề này rồi. Thế nhưng vẫn chưa đáng xưng là bậc đại tôn quý, vì vẫn chưa thoát khỏi luân hồi.

Cho nên, nhất định phải siêu xuất khỏi thế gian, được hóa sinh từ hoa sen nơi Cực Lạc, thì sau đó mới vĩnh viễn dứt trừ được những điều hèn kém nói trên. Trong phạm vi những lời dạy của Khổng Mạnh thì hoàn toàn không thể đủ sức cứu giúp chúng ta đạt đến như vậy. [Muốn được giải thoát, tất yếu chỉ có thể tin nhận và làm theo Chánh pháp của đức Như Lai mà thôi.]

Ví dụ con tằm làm kén

Con tằm làm kén, nhả tơ kéo sang bên trái, bên phải, rồi kéo về phía trên, phía dưới, có bao nhiêu trong lòng đều phải rút ruột nhả ra cho bằng hết mới tạo thành cái kén, vẫn tưởng rằng nhờ vậy mới có thể được ở yên bên trong kén, không còn gì phải lo lắng. Nào đâu biết rằng những nỗ lực tự thân sắp xếp như thế của nó chính là tự trói chặt lấy thân mình? Đâu biết rằng cái phương pháp mà nó dựa vào là nhả hết tơ ra để tự bảo vệ mình, lại khiến cho con người vì mối lợi muốn dùng được những sợi tơ nó nhả ra mà mang đến họa sát thân cho nó? Hàng ngàn hàng vạn con tằm như thế, chẳng một con nào thoát khỏi thảm họa bị cho vào nước sôi. Thế mà cái phương thức nhả tơ làm kén ấy chúng vẫn truyền cho nhau từ đời này sang đời nọ, khiến cho cứ tiếp tục đi vào nước sôi, bi thảm thật không còn sự bi thảm nào hơn!

Người ở thế gian, hai cánh cửa khép lại thành cái kén gia đình bên trong cũng thế. Vắt hết sức lực ra kinh doanh trong suốt một đời, khăng khăng chỉ biết vì vợ con mà mưu cầu cơm áo, cơ mưu dối trá lọc lừa, kết oán cừu nơi này nơi khác, không một việc gì không làm. Đến khi gia nghiệp vừa được hình thành thì tự thân mình đã bị trói chặt vào trong đó, không còn cách nào thoát ra được nữa.

Hàng ngàn hàng vạn kẻ si mê trong thế gian thảy đều như thế, có ai thoát được quả báo đền trả ngày sau? Thế nhưng rồi cách làm như thế vẫn cứ truyền lại từ đời này sang đời khác, cứ tiếp tục gây tạo nhân xấu, khiến cho không ai tránh khỏi phải chịu quả báo thường bồi, thật kỳ lạ đến mức không còn gì khác có thể kỳ lạ hơn!

Cho nên, kinh Tứ thập nhị chương dạy rằng: “Con người chịu sự trói buộc của gia đình vợ con, nhà cửa, còn hơn cả tù ngục. Tù ngục còn có kỳ hạn được thả ra, còn đối với vợ con thì hoàn toàn không có đến cả một ý niệm xa rời, [làm sao thoát được?]”

Ví dụ cái lờ bắt cá

Dân quê vùng sông nước thường đặt lờ nơi dòng nước chảy để bắt cá. Dọc theo bờ nước có những chỗ cỏ xanh rậm có thể che giấu được, họ kín đáo đặt lờ bên dưới lùm cỏ, cá vào lờ rồi không thể ra được. Những con cá tìm được chỗ thích hợp thì tranh nhau chui vào, tưởng rằng có thể ẩn nấp, ở yên nơi đó, đâu ngờ đã chui vào trong lờ.

Những cái lờ [gia nghiệp] trong dòng sông ái dục cũng giống như thế. Người ta chỉ biết những lúc bình thường không bệnh tật, không hoạn nạn, thì một mái gia đình có thể an ổn ẩn náu, vợ con có thể gửi gắm, nên sinh tâm lười nhác xao nhãng, không lo không nghĩ, không hay biết gì. Đến một ngày kia Diêm vương đột nhiên xuất hiện kéo lờ lên khỏi nước, lúc ấy thì hết thảy những mối quan hệ vợ chồng, cha con, mẹ con... đều nhất thời sụp đổ, ai ai cũng có thể bị bàn tay vô thường tóm lấy. Nghĩ đến không thể không khởi tâm oán hận, nhưng oán hận cũng chỉ là vô ích. Chỉ có cách duy nhất là [đừng chui vào lờ để] không bị bắt lấy mới là khôn ngoan nhất.

Ví dụ loài ngựa

Loài ngựa có bốn hạng. Những con ngựa hạng nhất, khôn ngoan nhất thì chỉ cần thấy bóng roi đã ra sức chạy, không đợi phải đánh thúc. Hạng kế tiếp thì chỉ quất một roi đã chạy. Hạng thứ ba nếu quất nhẹ không chạy, phải đợi quất nặng tay mới bắt đầu chạy. Hạng ngựa ngu si kém cỏi nhất thì dù quất roi mạnh tay cũng không chịu đi, phải đợi khi bị người dùng dùi đâm vào da thịt, cực kỳ đau đớn, lúc ấy mới chịu cất vó.

Con người so ra cũng thế. Người có trí tuệ, rất dễ tỉnh giác. Trong vòng trăm dặm quanh mình nghe tin có người chết, lập tức kinh hãi nghĩ rằng: “Trong vòng trăm dặm quanh ta đã có người chết. Ta cũng là người, ắt hẳn rồi cũng phải chết.” Nghĩ vậy rồi liền gấp rút tu hành, cầu sự giải thoát. Như thế chính là chỉ thấy bóng roi đã chạy.

Hạng người tiếp theo thì nhân khi nghe có người thân thích trong tộc họ chết đi ở đâu đó liền tỉnh giác, lo việc tu tập.

Hạng tiếp theo nữa thì phải đợi nhìn thấy có người láng giềng kế bên nhà chết đi mới tỉnh giác, [nghĩ đến sự tu hành].

Nếu đợi đến khi chính bản thân mình già yếu, hoặc có bệnh tật mới chịu giác ngộ tu hành, thì đó chính là hạng ngựa đợi dùi đâm vào da thịt đau đớn mới chịu chạy.

Bằng như đến lúc tự thân già yếu, hoặc có bệnh tật, vẫn không chịu tỉnh giác tu hành, chẳng phải là còn kém hơn hết thảy những hạng người nói trên đó sao?

Ví dụ con chồn

Có con chồn hoang, ban đêm lẻn vào nhà bếp của người, ăn no rồi nằm ngủ say, đến sáng ra không kịp trốn chạy được nữa, liền giả chết đợi người mang vất đi.

Không bao lâu, quả nhiên có người thấy chồn đã chết muốn mang vất đi. Chợt có một người nói: “Cái đuôi đẹp quá, đợi tôi cắt lấy đuôi nó rồi hãy vất.” Chồn nghe vậy sợ lắm, nhưng phải cố gắng chịu đựng cho người cắt đuôi, vẫn nằm yên như đã chết.

Thoắt chốc lại có thằng bé đến, muốn cắt hai lỗ tai. Chồn càng sợ hơn nữa, nhưng tự nghĩ dù mất hai tai cũng không đến nỗi mất mạng, liền cố gắng chịu đựng.

Không bao lâu lại nghe có người nói: “Da con chồn này có thể dùng để vá áo cừu.”

Đến đây thì chồn hết sức khiếp hãi, tự nghĩ: “Nếu muốn lột da ta, ắt phải chặt đầu, mổ bụng, làm sao có thể chịu được?” Liền lập tức vùng dậy hướng ra bên ngoài phóng chạy, cuối cùng thoát được.

Con người sống trong ngục tù ba cõi, có khác gì [con chồn trong] căn nhà bếp kia? Đã do nghiệp lực phải thác sinh làm người, thật khó lòng tránh khỏi cái chết. Chỉ có thể nương pháp niệm Phật cầu vãng sinh, thì trong cái chết ấy mới có thể tìm ra đường thoát.

Nếu để trôi qua tuổi xuân cường tráng [mà không lo tu tập], chẳng khác gì chồn kia nằm chờ đã bị cắt đuôi. Nếu đợi đến lúc tuổi già xuống mồ, đó chính là đã nằm yên chịu cho người chặt đầu mổ bụng.

Ví như không phát thệ nguyện rộng sâu, dũng mãnh quên thân tu tập, thì làm sao có thể thoát khỏi đường mê, mong Phật tiếp dẫn?

Đổ lỗi cho Diêm vương

Có người kia sau khi chết, Diêm vương y theo những việc ác đã làm mà phán tội. Người ấy nói: “Giá như sớm biết thế này thì đã khác. Vì sao Đại vương không sớm báo cho tôi biết sẽ có hôm nay?”

Diêm vương đáp: “Đã báo tin cho ngươi rất nhiều lần rồi. Da thịt nhăn nheo là báo tin lần thứ nhất. Hàm răng lung lay rụng dần là báo tin lần thứ hai. Sức lực suy yếu là báo tin lần thứ ba. Tai điếc mắt lờ là báo tin lần thứ tư, thứ năm. Thế là đã báo tin cho người biết quá nhiều lần rồi.”

Dưới điện khi ấy có người chết trẻ, liền khóc mà nói: “Những tin báo như thế chỉ là đối với ông ta, còn như tôi thật không có.”

Diêm vương nói: “Không đúng, như ngươi cũng đã có nhiều tin báo. Thử nhớ xem lúc ngươi còn nhỏ, đã từng nghe có người chết bệnh, chết dịch hay chăng? Đã từng nghe có người chết vì đao thương, thắt cổ hay chăng? Đã từng nghe có người bị nạn lửa cháy, nước trôi hay thú dữ làm hại, rắn độc cắn mà chết hay chăng? Hết thảy những điều đó đều là tin báo cho ngươi biết đó, đâu cần phải đợi gọi đúng tên ngươi để báo tin?”

Người sống giữa đời, hãy cứ cho là có sức mạnh dời non lấp bể, cái thế anh hùng, có tài ba làm được việc long trời lở đất, nhưng liệu có thể tránh được lúc đối chất cùng Diêm vương? Có thể vượt thoát ra khỏi mọi việc, không chỉ là tránh được sự đối chất cùng Diêm vương, mà còn có thể khiến cho Diêm vương cũng phải cung kính lễ bái, duy nhất như thế chỉ có thể là người niệm Phật được vãng sinh mà thôi.

Con thiêu thân

Con thiêu thân chết trong ngọn lửa đèn, cái chết ấy thật không phải vì ngọn lửa, mà vì chỗ kiến chấp của nó. Khi người ta sợ nó chết, thương mà đưa tay đuổi đi, nó lại cố tìm chỗ khe hở mà chui vào, vì cho rằng chỗ kiến chấp bám víu của nó là đúng, chắc chắn không sai. Vì thế nên nó nhất quyết một lòng xông tới, dù chết cũng không sợ sệt.

Người sống ở đời ưa thích âm thanh, hình sắc, ưa thích tiền bạc của cải, ưa thích cờ bạc, rượu chè... đó chính là chỗ kiến chấp bám víu của họ, nên chỉ để tâm duy nhất vào những thứ ấy mà thôi. Vì thế nên cứ nhất quyết một lòng chạy đuổi theo, dù chết cũng không sợ sệt. Sao không mượn tấm gương con thiêu thân kia mà tự soi lấy mình?

Con ruồi ngu si trong cửa sổ

Có con ruồi bên trong cửa sổ dán kín giấy, loay hoay bay tới bay lui suốt ngày vẫn không thể thoát ra. Đó là vì nó quá bám chặt chỗ kiến chấp của mình, chỉ đâm đầu bay tới mãi mà không chịu lùi ra một một quãng để tìm lối khác.

Nếu có thể lùi lại một bước thì nơi nơi chốn chốn đều thênh thang rộng mở. Thế giới Ta-bà này cũng chẳng khác gì một cửa sổ lớn có dán kín giấy, từ xưa đến nay thật không biết đã giam nhốt chặt biết bao nhiêu con ruồi ngu si bên trong nó.

Chúng ta hôm nay thật may mắn biết bao, có thể lùi lại một bước nhìn thấy được con đường về Tây phương Cực Lạc rộng mở, để theo đó bay thoát được. Bay thoát được về Tây phương thật là khoan khoái thú vị biết bao!

Bốn cách thuần phục ngựa

Vào thời đức Phật còn tại thế, có một người rất giỏi thuần phục ngựa. Đức Phật hỏi ông ta dùng phương pháp gì, ông ta trả lời là dùng bốn phương pháp. Thứ nhất là ban ân, thứ nhì là ra uy, thứ ba là trước ra uy sau ban ân và thứ tư là trước ban ân sau ra uy.

Đức Phật hỏi: “Nếu dùng cả bốn phương pháp ấy vẫn không thuần phục được thì làm sao?” Người luyện ngựa đáp: “Chỉ còn cách mang ra giết thôi.”

Rồi ông ta thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Ngài dùng phương pháp gì để giáo hóa chúng sinh?”

Đức Phật đáp: “Cũng dùng bốn phương pháp. Thứ nhất là ban ân, đó là vì những người hiền thiện có đức tin mà dạy họ học đạo tu hành. Thứ hai dùng uy vũ, tức là vì những người thường làm việc ác mà đem sự luân chuyển trong ba đường ác ra chỉ dạy, khiến họ biết sợ mà không làm ác nữa. Thứ ba là trước dạy cho việc học đạo tu hành, [sau đem việc luân chuyển trong ba đường ác ra răn nhắc, khích lệ sự tu tiến.] Thứ tư là đem sự luân chuyển trong ba đường ác ra chỉ bày cho họ biết sợ sệt, [sau đó mới dạy cho học đạo tu hành.]

Người luyện ngựa thưa hỏi: “Nếu dùng cả bốn phương pháp ấy mà vẫn không giáo hóa được thì phải làm sao?”

Đức Phật nói: “Cũng mang ra giết.”

Người luyện ngựa thưa hỏi: “Đức Như Lai đại từ đại bi, sao lại ra tay giết người?”

Phật dạy: “Dùng đủ bốn phương pháp ấy mà vẫn không giáo hóa được, thì giáo hóa cũng chỉ vô ích thôi. Cho nên không nói gì với người như thế nữa. Người ấy không còn được nghe lời dạy dỗ, ấy chính là đã chết.”

Thuốc chữa lành mắt

Khi đức Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, phu nhân Ma-da ở cung trời Đao-lợi mơ thấy nhiều ác mộng. Một trong số các ác mộng đó là phu nhân mơ thấy ở cõi Ta-bà mặt trời lặn mất không mọc lên nữa, cả thế gian đều chìm trong tăm tối, lại có vô số quỷ la-sát tay cầm dao sắc đi khắp nơi tìm móc mắt người. Phu nhân mơ thấy vậy rồi liền than rằng: “Hẳn là điềm báo Thích-ca Như Lai nhập Niết-bàn rồi!” Không bao lâu, quả nhiên có Tôn giả A-na-luật lên cõi trời báo tin.

Những sách phỉ báng Tam bảo lưu hành trong chốn thế gian, đó chính là những con dao sắc móc mắt người. Người sinh ra vào thời kiếp mạt, phước đức mỏng manh cạn cợt, nên những loại sách như thế rất nhiều. Con người càng kém trí tuệ thì những sách có nội dung xấu như thế càng nhiều. Cho nên, người có phước báu ắt sẽ sớm tự tỉnh giác, không để bị những sách ấy làm hỏng đi đôi mắt của mình, như vậy là tốt nhất.

Ví như đã lỡ bị những sách có nội dung xấu ấy làm hại đến đôi mắt rồi, thì phải nhanh chóng dùng thuốc hay để chữa trị. Ở đâu tìm được thuốc hay? Như sách Tây quy trực chỉ này chính là một trong những liều thuốc hay để chữa đôi mắt bị đau vì tà kiến.

Có nguyện sẽ được thành tựu

Vào đời nhà Tống, Văn Chính công tên là Lữ Mông Chánh, tự Thánh Công, dự thi đỗ tiến sĩ thời Tống Thái Tông, đứng đầu khoa ấy. Sau làm quan trải qua nhiều lần thay đổi, thăng đến chức Tham tri chính sự, được phong tước Hứa Quốc công.

Mỗi ngày ông đều dậy sớm lễ Phật, khấn nguyện rằng: “Nếu là người không tin Phật pháp, xin đừng sinh vào nhà tôi. Nguyện cho con cháu tôi đời đời thọ hưởng bổng lộc phước đức đều sử dụng để hộ trì Tam bảo.”

Về sau, cháu ông là Lữ Di Giản được phong đến tước Thân Quốc công, vào mỗi ngày đầu năm mới, sau khi lễ bái trong nhà thờ gia tộc, đều không quên đốt hương khấu lễ thiền sư Quảng Huệ Nguyên Liễn.

Con trai của Lữ Di Giản là Lữ Công Trước sau cũng được phong tước Thân Quốc công, cũng cung kính đối đãi với thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài giống như vậy.

Sau đến [con trai Lữ Công Trước là] Lữ Hảo Vấn làm quan Tả thừa, lại cũng đối đãi cung kính với thiền sư Viên Chiếu như vậy.

Con trai của Hảo Vấn là Lữ Dụng Trung cũng cung kính đối với thiền sư Phật Chiếu như vậy...

Quả đúng như lời nguyện của Lữ Mông Chánh, con cháu đều đời đời được phú quý vinh hiển, phụng sự Phật pháp.

Lời nguyện ấy của Văn Chính công, bất quá chỉ là lời nguyện của người thế tục, mà còn có thể thành tựu như vậy, huống chi người phát tâm Bồ-đề, nguyện sinh về Cực Lạc, có lý nào lại không được như nguyện hay sao?

Người xuất gia phải tu Tịnh độ

Vào đời Tống, thiền sư Thanh Thảo Đường nghiêm trì giới hạnh, đã sống đến hơn chín mươi tuổi. Có nhà họ Tăng thường cúng dường thiền sư rất nhiều lần, đủ các món y phục, thức ăn uống... Thiền sư cảm lòng thành ấy, hứa sẽ thác sinh vào nhà họ Tăng.

Về sau, nhà họ Tăng có vị phu nhân sinh con trai, sai người đến chỗ thiền sư Thảo Đường xem thì thấy ngài đã ngồi mà viên tịch. Đứa con trai sinh ra đó, sau chính là Tăng Lỗ Công. Vì đời trước từng tu phước tuệ, nên còn trẻ tuổi đã đỗ đại khoa, sau làm một vị quan Tể tướng hiền đức.

Lại vào cuối đời nhà Minh, vùng Chiết Giang có vị tăng hiệu là Đại Thành, thường xuống núi hóa duyên rồi mang về chùa cúng dường chúng tăng. Đường về chùa đi ngang qua nhà họ Sử. Nhà ấy tin kính Phật, bất cứ khi nào có chư tăng hóa duyên đi ngang qua đều giữ lại cúng dường. Hôm nào vị tăng Đại Thành quay về chùa mà cơm không đầy bát, Sử quân lập tức vào nhà lấy cơm thêm vào cho đầy.

Nhà họ Sử từ lâu chưa có con trai. Một hôm, người vợ của Sử quân bỗng có thai. Lúc sắp đến ngày sinh nở, chợt thấy vị tăng Đại Thành đến nhà, chạy thẳng vào phòng ngủ. Mọi người nhìn thấy đều lấy làm kinh dị, vội đuổi theo vào thì không thấy gì cả. Sau đó, phu nhân hạ sinh một bé trai. Ngày hôm ấy không thấy vị tăng Đại Thành đi hóa duyên ngang qua nhà, liền lên chùa dò hỏi mới hay trong cùng ngày hôm đó ngài đã viên tịch. Sử quân nhân đó liền đặt tên cho con trai là Sử Đại Thành.

Đứa bé hết sức thông minh, hiếu hạnh, từ lúc ở trong thai đã khiến người mẹ chỉ ăn toàn thức ăn chay lạt, về sau cũng giữ giới đến suốt đời. Đến khoảng năm Ất Mùi niên hiệu Thuận Trị thi đỗ Trạng nguyên.

Theo cách nhìn của thế tục thì hai vị trên đây đều được hưởng phú quý, có công danh lớn. Nhưng nếu theo cách nhìn của người tu hành thì cả hai vị tăng ấy đều đã hết sức sai lầm. Ví như hai bậc thầy ấy biết đến pháp môn Tịnh độ, đem chỗ công phu tu hành của họ mà hồi hướng về Cực Lạc, thì cho dù không vào hàng Thượng phẩm hẳn cũng có thể được Trung phẩm, đâu đến nỗi chỉ là Trạng nguyên, Tể tướng [chốn Ta-bà]?

Bậc cao tăng cũng nên tu Tịnh độ

Đời Tùy, ở Tương Châu có vị tăng Thích Huyền Cảnh, thông hiểu cả Thiền tông và Giáo tông, đạo phong truyền rộng khắp nơi, người người kính ngưỡng. Vào tháng sáu năm thứ hai niên hiệu Đại Nghiệp, ngài sắp thị tịch, liền tắm rửa sạch sẽ, nghiêm trang tĩnh tọa, hai mắt đang mở nhìn về phía trên, bỗng tự nói rằng: “Ý ta muốn sinh về Nội viện cõi trời Đâu-suất, được gặp Bồ Tát Di-lặc, sao nay lại phải làm Thiên vương Dạ-ma?” Tăng chúng thưa hỏi là chuyện gì, ngài liền nói: “Không phải việc các ông biết được.” Trong chốc lát lại nói: “Trên cõi trời đang nhộn nhịp lắm, khách đến đây đông lắm.” Rồi ngồi yên như thế thị tịch.

Than ôi, đại sư trong lúc tu tập đã phát tâm được gặp Phật Di-lặc, đến lúc lâm chung lại không được thấy Bồ Tát Di-lặc mà chuyển sinh làm Thiên vương. Theo con mắt thế tục mà nhìn thì địa vị ấy còn cao hơn cả Thượng đế, nhưng nếu so với việc vãng sinh về Tây phương Cực Lạc thì còn thua xa, không thể sánh kịp. Cho nên có thể biết rằng, dù là bậc cao tăng cũng không thể không tu Tịnh độ.

Không thể cam tâm làm quỷ

Hết thảy con người trong cõi Ta-bà này, không kể là sang quý hay nghèo hèn, trí tuệ khôn ngoan hay ngu si mê muội, già hay trẻ, nam hay nữ, sau khi lâm chung nếu không thể theo đường xuất thế thì hầu hết đều phải sinh làm quỷ. Cho nên, khuyên người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, đó chính là khuyên người đời chớ đi vào con đường làm quỷ.

Kẻ học Nho được đôi chút, không tin pháp Phật lại hết lời phỉ báng, như thế không chỉ là tự mình cam tâm làm quỷ, mà cũng là khuyên bảo người khác làm quỷ. Trong hiện tại dù chưa phải làm quỷ, chỉ là tạm thời mà thôi. Dưới mắt nhìn thấy bao nhiêu người như thế hiện nay, nhất định sau này sẽ là bấy nhiêu con quỷ.

Người đời chỉ vì không biết cuộc sống này hết sức giả tạm, ngắn ngủi thoáng qua, nên vất vả nhọc nhằn bon chen để cầu sự giàu sang phú quý. Chưa nói đến việc không đạt được giàu sang phú quý, cứ tạm cho là được cực đỉnh sang quý, thì khi nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng mang theo được một đồng xu lẻ. Một khi quỷ vô thường đã đến, có thể ngồi yên mà hưởng phú quý mãi chăng?

Chỉ riêng người tín tâm niệm Phật, đến lúc lâm chung mới được không bệnh tật tai ách, an nhiên rời bỏ cõi đời, thân không phải chịu nỗi khổ vì bệnh tật, nạn tai, trong tâm không có bất kỳ sự tham muốn mê luyến nào. Bao nhiêu quỷ dữ vừa thấy bóng đã vội tránh xa, Diêm chúa nghe tên liền kính lễ, như vậy chẳng phải là bậc đại trượng phu siêu xuất thế gian đó sao?

Người ta chỉ có thể đạt được như thế thì về sau mới không phải rơi vào cảnh giới của quỷ. Cho nên, muốn không làm quỷ, quả thật cũng không phải việc dễ dàng.

Chín loài đều có thể vãng sinh

Chín loài là bao gồm tất cả các loài sinh ra theo một trong bốn cách: sinh ra từ bào thai, sinh ra từ trứng, sinh ra từ chỗ ẩm thấp và sinh ra bằng cách hóa sinh, cùng với các loài thuộc cảnh giới hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng và phi hữu tưởng phi vô tưởng. Nói đến chín loài như vậy tức là gồm hết cả kẻ giàu người nghèo trong nhân gian, cả cõi âm và cõi dương, cùng khắp cả trên trời dưới đất, không loại trừ bất cứ cảnh giới nào.

Trong chín loài ấy, khổ sở nhất là những chúng sinh trong ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, mà vui thú khoái lạc nhất là hai mươi tám cõi trời trong cả cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.

Bởi chưa thoát ra khỏi vòng sinh tử nên phải luân hồi mãi trong sáu đường. Các cảnh giới khổ cố nhiên đã là khổ, mà những cảnh giới vui thú, khoái lạc cũng vẫn là khổ. Ví như sinh làm chư thiên cõi trời Trường Thọ, hiện tại được hưởng những khoái lạc vô cùng, nhưng rồi phước báu cõi trời cũng có lúc hưởng hết, vẫn phải đọa sinh vào ba đường ác, làm sao có thể sánh bằng cõi Cực Lạc vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, mãi mãi lìa xa sáu nẻo?

Tôi thường mỗi khi thắp hương nơi các miếu thờ Văn Xương, Quan Đế, Đông Nhạc, sau khi lễ bái đều phát lời nguyện rằng: “Nguyện chư thần đều tôn trọng kính tin theo Tam bảo, phát tâm Bồ-đề, vãng sinh Tây phương Cực Lạc, hành đạo Bồ Tát.”

Lại mỗi khi thắp hương lễ bái Đẩu Mẫu Tôn Thiên hay Hạo Thiên Thượng Đế, tuy hết sức sợ sệt nhưng khi lễ lạy xong cũng khấn rằng: “Nguyện tất cả các vị đều niệm Phật vãng sinh, hành đạo Bồ Tát, rộng độ tất cả chúng sinh.”

Vì sao vậy? Vì người có trí tuệ quán sát khắp cõi thế gian, thấy rằng việc cao quý sáng suốt nhất không gì bằng niệm Phật; việc mang lại phước đức nhiều nhất, không gì bằng niệm Phật. Niệm Phật được vãng sinh thì dù gom hết thảy phúc đức thế gian lại cũng không thể so sánh nổi.

Đẩu Mẫu Tôn Thiên, chính là vị mà trong kinh Phật gọi là Bồ Tát Ma-lợi-chi-thiên. Hạo Thiên Thượng Đế, chính là vị trong kinh Phật gọi là Thiên vương cõi trời Đao-lợi. Đức Thế Tôn mỗi khi thuyết pháp, vị Thiên vương này đều đến lễ bái cung kính, đứng hầu hai bên Phật. Vì thế, ngày nay nghe được lời nguyện thầm của tôi ắt phải lấy làm hoan hỷ, hoàn toàn không thể do đó mà bắt tội.

Chúng ta hôm nay may mắn gặp được pháp môn niệm Phật này, nếu như không chịu suy xét kỹ để khởi tâm dũng mãnh tinh tấn tu tập, hồi hướng về quả vị Bồ-đề, chẳng phải sẽ rơi vào trường hợp mà đức Thế Tôn gọi là hết sức đáng thương xót đó sao?

Niệm Phật không hề uổng phí công sức

Những sự việc thế tục, một khi mưu tính mà không thành tựu, tất nhiên bao nhiêu công sức đều mất hết. Chỉ riêng việc niệm Phật, ví như chưa đạt được kết quả mong muốn cuối cùng [là được vãng sinh], cũng hoàn toàn không hề uổng phí công sức.

Thuở xưa có người tiều phu vào rừng đốn củi gặp cọp, leo vội lên cây, trong lúc hoảng hốt niệm một câu hồng danh Phật. Trải nhiều kiếp sau, ông nhờ nhân duyên niệm Phật ấy mà được xuất gia, tu tập dần dần cho đến lúc thành tựu quả Phật. [Niệm một tiếng Phật hiệu trong lúc hoảng hốt mà còn được như thế] huống chi là chí thành niệm Phật suốt một đời?

Ví như người niệm Phật mà ngay trong đời này chưa thể được vãng sinh, thì trong đời sau cũng nhất định sẽ thoát ly sinh tử. Cho nên, việc niệm Phật không hề giống như người thế gian đọc sách, nếu không thành tựu chỉ uổng phí tinh thần, hay như việc kinh doanh mua bán, không thành tựu ắt phải chịu mất dần vốn liếng.

Niệm Phật là điều thù thắng nhất ở thế gian

Trong kinh Thí dụ kể rằng: Xưa có một cặp vợ chồng, tế trời cầu sinh con, sau đó người vợ liền mang thai, sinh ra bốn vật: một cái đấu đựng gạo bằng gỗ thơm chiên-đàn, một bình mật cam lộ, một túi gấm đựng châu báu và một cây gậy thần bảy đốt.

Người chồng than rằng: “Ta vốn cầu con, sao lại sinh ra những thứ này?” Thiên thần liền hiện ra, hỏi: “Ngươi cầu con để làm gì?” Người ấy đáp: “Cầu con để mong sau này có người nuôi dưỡng, nương cậy.”

Vị thần nói: “Gạo trong đấu kia dùng hết lại đầy, cam lộ trong bình trừ được tất cả bệnh tật, châu báu trong túi gấm dùng không thể hết, gậy thần bảy đốt có thể phòng trị kẻ hung bạo. Những đứa con hiếu thảo trong đời, liệu có cung ứng cho ngươi được như thế không?”

Người ấy nghe xong hết sức vui mừng, từ đó được giàu sang không ai bằng. Nước láng giềng nghe biết việc ấy liền mang quân đến cướp đoạt. Người ấy cầm gậy thần bay lên không trung đuổi đánh, quân giặc cướp phải thối lui. Nhờ đó bảo vệ được tài sản đến suốt đời.

Người thế gian miệt mài bận rộn, không một phút giây nào rảnh rỗi để nghĩ đến việc tu hành, bất quá cũng chỉ vì lo lắng cho vợ con. Nhưng ví như vợ con có hết sức hiếu dưỡng cung phụng, liệu có được như bốn vật báu kia chăng?

Thế nhưng việc vãng sinh Tây phương Cực Lạc, ắt được vượt thoát sinh tử, được trang nghiêm bởi muôn điều phước lành, hết thảy mong cầu đều được như ý, thì bốn vật báu kia sao có thể sánh bằng?

Cho nên, khắp thảy trên trời dưới đất, điều thù thắng nhất không gì hơn niệm Phật.

Đại sư Ấn Quang phụ ghi chuyện lạ của người niệm Phật

Vào đời nhà Thanh, niên hiệu Quang Tự năm thứ hai và thứ ba, nhiều tỉnh miền Bắc Trung Hoa bị nạn hạn hán lớn. Tại Úy Châu có vị tăng tu Tịnh độ, pháp hiệu có chữ Liên. Ông sống trong một miếu nhỏ bên ngoài thôn xóm. Một hôm, có người dân đói ở Sơn Đông đột nhiên xông vào miếu, quát la rằng đói quá, đòi ăn cơm. Vị tăng nói: “Cơm tôi đã ăn hết rồi, không còn dư chút nào cả.” Người ấy vẫn đòi hỏi, thúc bách rất gấp, vị tăng liền nói: “Được rồi, tôi sẽ nấu cho ông một ít.”

Vị tăng ấy hành trì mỗi thời khóa niệm Phật trong ngày là sáu vạn câu Phật hiệu. Vì thế, miệng tuy đã hứa nấu cơm nhưng vẫn còn muốn tiếp tục niệm cho xong chuỗi hạt đủ số. Người kia thấy vậy, trong ý cho rằng vị tăng không muốn nấu cơm cho mình ăn, giận quá liền cầm một cái búa trở ngược bề sống đập mạnh vào đầu vị tăng, khiến ông té nhào xuống. Người kia vẫn chưa thôi, chộp lấy cái vá múc than, múc vào chỗ vết thương ấy, múc ra hai vá cả thịt lẫn não, vùi trong bếp than rồi mới hả giận bỏ đi.

Vị tăng khi ấy hôn mê bất tỉnh. Hồi lâu dần tỉnh lại, cố gắng bò đến chỗ đại hồng chung, khua liền một hồi mấy chục tiếng lớn. Trong thôn ấy, mỗi khi có việc quan vẫn thường dùng tiếng đại hồng chung làm hiệu lệnh triệu tập, nên mọi người nghe tiếng chuông liền kéo nhau đến miếu, thấy vị tăng đã nằm bất động ở chỗ bị đánh, máu chảy lênh láng quanh đó, lại thấy đoạn đường từ trong miếu đến chỗ đại hồng chung cũng đầy vết máu. Xem kỹ thấy vị tăng vẫn còn thở, liền đỡ dậy lay gọi. Vị tăng tỉnh lại, nói: “Tôi bị người ta đánh.”

Dân làng lập tức cử ra mấy chục người, chia nhau bốn hướng đuổi tìm, cuối cùng bắt được người kia. Ông ta nhận tội, xin đền mạng. Khi giải người ấy về đến miếu, vị tăng liền nói: “Tôi với người này đời trước nhất định từng có thù oán, nên hôm nay ông ta mới đánh tôi. Nay nếu các vị làm khó cho ông ta, chẳng phải đã khiến tôi chịu đánh vô ích rồi sao? Vì như thế chẳng những không giải trừ được oán thù ngày trước, lại còn gây thêm mối thù oán hôm nay. Tôi không thể nào chịu được sự thiệt thòi như vậy. Hiện tôi còn được một ngàn đồng, xin đưa ông ấy rồi thả cho đi.”

Không lâu sau, vết thương trên đầu vị tăng đã lành, chỗ ấy vẫn cứng chắc như bình thường không khác. Chỉ có điều cả đỉnh đầu không còn mọc sợi tóc nào nữa, mà chung quanh chỗ vết thương vẫn còn nhìn thấy sẹo. Quả là một sự việc hết sức lạ thường!

Vào niên hiệu Quang Tự năm thứ 13, Ấn Quang tôi cùng với sư đệ của vị tăng ấy, pháp hiệu Liên Như, đi từ núi Hồng Loa đến núi Ngũ Đài, trên đường về ghé qua ngôi miếu của vị tăng ấy. Lúc đó ngài đã được hơn sáu mươi tuổi, dung mạo rỡ ràng dường như tỏa sáng, vừa thoáng nhìn đã biết ngay là bậc chân tu. Thầy Liên Như lấy tay chỉ rõ chỗ vết thương trên đỉnh đầu sư huynh, kể lại sự việc này cho Ấn Quang được nghe. Nay xin được ghi thêm vào sách Tây quy trực chỉ này, nhằm giúp thêm việc khai mở và củng cố niềm tin.

Năm Dân quốc thứ 11
Thích Ấn Quang kính ghi


    « Xem chương trước «      « Sách này có 18 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)


Lược sử Phật giáo


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Hạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.6.58 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...