Hoàng hậu Tùy Văn Ðế
Hoàng hậu của Tùy Văn Đế, họ Độc Cô, tuy ở vương cung nhưng chán lìa thân nữ, thường niệm Phật A-di-đà, cầu vãng sinh Tịnh độ.
Vào ngày Giáp Tý tháng 8, hoàng hậu qua đời, hương thơm lạ tỏa lan đầy trong cung, tất cả nhạc khí tự nhiên phát âm vang rền khắp nơi. Hoàng đế hỏi Xà-đề-tư-na vì sao có điềm lành ấy. Ông đáp: “Hoàng hậu chuyên tu Tịnh độ, được vãng sinh nước Phật nên có điềm lành ấy.”
Người vợ Ôn Tĩnh Văn
Ôn Tĩnh Văn sống vào đời Đường, vợ ông người Tịnh Châu, mắc bệnh nằm liệt giường rất lâu. Ôn Tĩnh Văn khuyên bà niệm Phật, bà tin theo liền chuyên tâm niệm Phật suốt một năm.
Một hôm, bà bỗng nhiên nhìn thấy thánh cảnh Tịnh độ, liền nói với Ôn Tĩnh Văn: “Tôi đã được thấy Phật, tháng sau sẽ đi.” Bà cũng từ biệt, dặn lại cha mẹ, [khuyên họ niệm Phật để] cùng được sinh về Tây phương Cực Lạc. Đúng ngày, bà an lành ra đi.
Bà họ Lý
Bà họ Lý ở Hồ Môn sống vào đời Tống, người Thượng Ngu. Sau khi chịu tang chồng, bà chuyên tâm sớm hôm niệm Phật và tụng kinh A-di-đà, kiên trì đến hơn mười năm.
Một hôm, bà gặp một vị tăng che lọng đỏ, nói: “Giờ tý, ngày rằm sắp tới bà sẽ vãng sinh.” Bà Lý thưa hỏi thầy là ai, vị tăng đáp: “Cô thường niệm danh hiệu ta đó.”
Bà họ Lý từ biệt hết mọi người thân, đúng ngày giờ liền ngồi ngay ngắn, an nhiên qua đời. Mọi người chung quanh đều nhìn thấy ánh hào quang rất lạ, tỏa sáng đến chói mắt. Sau bảy ngày mang đi hỏa thiêu, lúc ấy sáu căn vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi hỏa thiêu, nhìn thấy xá-lợi nhiều không đếm hết. Sau đó một ngày, nơi thiêu xác bỗng mọc lên một cây hoa, hình dạng giống hoa anh túc trắng.
Bà họ Trịnh
Bà họ Trịnh sống vào đời Tống, quê ở Tiền Đường, hằng ngày tụng kinh Phổ Môn, thường niệm Phật không thôi.
Về sau, bà có bệnh, bảo người nhà tắm rửa. Tắm xong, ngồi quay mặt về hướng tây, hỏi người nhà: “Các người có nghe tiếng khánh không? Phật và Bồ-tát sắp đến.” Giây lát lại vui mừng nói: “Phật và Bồ-tát đều đã đến rồi.” Nói xong liền chắp tay cung kính rồi qua đời.
Phu nhân họ Vương
Kinh Vương đời Tống, có người phu nhân họ Vương, chuyên tâm tu Tịnh độ, sớm tối hết sức tinh cần. Những người theo hầu đều noi gương tu tập, chỉ duy nhất một người thiếp thường giải đãi, lười nhác. Phu nhân quở trách, cô ấy liền tỉnh ngộ tu tập tinh tấn.
Sau, người thiếp ấy bỗng không bệnh mà chết, báo mộng cho một người thiếp khác rằng: “Nhờ phu nhân dạy bảo, nay tôi đã được sinh về Cực Lạc.” Phu nhân nghe chuyện vẫn chưa tin. Không bao lâu, phu nhân cũng nằm mộng thấy cùng với người thiếp kia dạo chơi bên ao báu, nhìn thấy một hoa sen có áo trời tung bay, ghi tên Dương Kiệt; một hoa khác có dáng người mặc triều phục đang ngồi trên, ghi tên Mã Vu. Lại thấy một đài sen vàng có ánh hào quang chiếu sáng rực rỡ, người thiếp kia chỉ tay vào đó nói: “Đây là chỗ phu nhân sẽ sinh về.”
Sau khi tỉnh mộng, Vương phu nhân càng thêm tinh tấn tu tập. Đến năm 81 tuổi, vào buổi sáng ngày sinh nhật, người chung quanh vừa định dâng lễ nghi mừng thọ thì phu nhân tay cầm hương đèn hướng về trước tượng Bồ Tát Quán Âm, đứng ngay ngắn mà tịch.
Bà Nghi nhân họ Lục
Bà Nghi nhân họ Lục sống vào đời Tống, là vợ quan Triều thỉnh Vương Dư. Bà thường tụng kinh Pháp Hoa, hết lòng hướng về pháp môn Tịnh độ, mỗi lần lễ sám đều niệm danh hiệu Phật đến cả vạn lần, kiên trì như vậy suốt ba mươi năm.
Một hôm, bỗng nghe có tiếng trống trời tự kêu, người chung quanh đều cảm thấy kinh ngạc dị thường, thì ngay lúc ấy bà liền ngồi ngay ngắn quay mặt về hướng tây, hai tay kết ấn, an nhiên mà tịch.
Bà họ Cung
Bà họ Cung sống vào đời Tống, người Tiền Đường, ngày đêm chuyên tâm niệm Phật và tụng kinh A-di-đà.
Về sau bà có bệnh, thỉnh ngài Luật sư Hanh đến thuyết dạy. Mọi việc còn sắp xếp chưa xong thì bà đã ngồi ngay ngắn, an nhiên mà tịch.
Có người thiếp già nhìn thấy như vậy, cũng chuyên tâm niệm Phật không thôi. Một hôm, bỗng mộng thấy bà họ Cung nói rằng: “Tôi đã sinh về Tịnh độ, trong bảy ngày nữa bà cũng được vãng sinh.”
Đúng ngày ấy, quả nhiên người thiếp già không bệnh mà an ổn qua đời.
Bà họ Hạng
Bà họ Hạng sống vào đời Tống, tên là Diệu Trí. Chồng chết, bà thủ tiết nuôi hai con gái, về sau đều xuất gia.
Bà chuyên cần tinh tấn niệm Phật. Lúc lâm chung có mùi hương thơm lạ tỏa khắp nhà, bà quay mặt về hướng tây, tay kết ấn, mỉm cười mà tịch.
Bà họ Bùi
Bà họ Bùi sống vào đời Tống, ở Phần Dương, chuyên tâm bền chí niệm Phật, dù thời tiết thay đổi nóng bức hay rét lạnh cũng không gián đoạn. Khi lâm chung, gọi người nhà mang lửa đến thắp hương rồi nói: “Phật mang đài sen đến đón, tôi sắp vãng sinh.” Vừa dứt lời bỗng thấy hoa trời rơi xuống bay bay, bà ngồi ngay ngắn, an ổn mà qua đời.
Bà họ Trầm
Bà họ Trầm sống vào đời Tống, từ thuở nhỏ đã ăn chay niệm Phật. Sau lập gia đình, về làm dâu ở nhà họ Chương, thường cứu giúp những người đói thiếu.
Về sau, bà có bệnh nhẹ, càng tinh tấn nỗ lực niệm Phật. Một hôm bà nhìn thấy chư vị Bồ Tát, chư thiên cùng thánh chúng hiện ra trước mắt, liền ngay trong ngày đó an lành mà đi.
Bà họ Tôn
Bà họ Tôn sống vào đời Tống, người ở Tứ Minh, góa chồng. Bà chuyên tâm kiên trì niệm Phật đến 30 năm không hề biếng trễ.
Về sau, bà có bệnh nhẹ, mộng thấy mình cùng lễ sám với tám vị tăng. Tỉnh dậy liền tắm rửa, thay y phục, thỉnh tăng đến lễ sám. Bà ngồi ngay ngắn tụng kinh trước đại chúng, cho đến lúc nhất tâm bất loạn, tay trái kết ấn mà ra đi. Lúc ấy, người xa kẻ gần đều nghe rõ có tiếng nhạc trong không trung.
Bà họ Lâu
Bà họ Lâu sống vào đời Tống, tính tình điềm đạm, có trí tuệ, lập gia đình với Tự Bạc Chu Nguyên Khanh. Bà đã từng nghiền ngẫm sách Truyền đăng lục, có chỗ nhận hiểu tỏ ngộ. Từ đó lại càng hướng về pháp môn Tịnh độ, chuyên tâm niệm Phật không ngừng nghỉ.
Về già, bà có bệnh, bỗng nhìn thấy hoa sen màu đỏ tía cùng vô số các vị hóa Phật. Khi ấy có mùi hương thơm lạ tỏa lan khắp nhà. Bà liền bảo người nhà hãy mau mau cùng niệm Phật giúp bà. Chỉ phút chốc sau liền ngồi ngay ngắn, an ổn mà tịch.
Bà họ Tần
Bà họ Tần sống vào đời Tống, tính tình kiên định, thích sạch sẽ, chán ghét thân nữ, theo chồng đi đến nhiều nơi đều kiên trì trai giới tinh chuyên.
Bà thường đọc các kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Quang Minh, Bát-nhã, không một ngày nào để luống qua vô ích. Mỗi ngày sớm tối đều tu tập sám pháp Di-đà, lạy Phật đến một ngàn lạy.
Về sau, bà nhìn thấy hào quang soi chiếu vào nhà, liền ngồi ngay ngắn quay mặt về hướng tây mà tịch.
Bà họ Lương
Bà họ Lương sống vào đời Tống, người ở Phần Dương, mù cả hai mắt, may gặp một vị sa-môn khuyên niệm Phật, bà nghe theo.
Trải qua ba năm, đôi mắt bà bỗng dưng sáng lại. Về sau, bà nhìn thấy Phật và Bồ Tát, cờ phướn, lọng báu đến nghênh đón, liền ngay trong hôm ấy ngồi ngay ngắn mà qua đời.
Bà họ Tưởng
Bà họ Tưởng sống vào đời Thanh, người ở Hưng Hoá. Năm 40 tuổi thì chồng chết. Tang lễ xong, bà khóc nói với con trai rằng: “Khi vô thường đến, không ai có thể thay thế cho nhau. Ví như hôm nay mẹ cũng chết, con cũng đành chịu chứ không biết làm sao. Từ nay về sau, mẹ phát tâm ăn chay niệm Phật, không quan tâm đến bất kỳ việc gì khác.”
Người con vâng lời mẹ, liền dựng một am tranh ngay bên cạnh nhà. Bà sống trong am, đóng cửa chuyên tu niệm Phật, dù thời tiết nóng bức hay rét lạnh cũng không quan tâm.
Trải qua 5 năm, đến năm Canh Tý thuộc niên hiệu Thuận Trị, vào ngày 20 tháng 5, bà bỗng nói với con: “Hôm nay mua gỗ đóng quan tài được rồi, vào giờ ngọ ngày 23 sắp tới mẹ sẽ về Tây phương Cực Lạc.”
Sau đó bà đến từ biệt hết các nhà hàng xóm. Đúng ngày, bà an nhiên niệm Phật mà đi. Sau đó còn tự phóng lửa Tam-muội để thiêu quan tài.
Bà họ Hạ
Bà họ Hạ sống vào đời Thanh, người ở Tỳ Lăng, là vợ của cư sĩ Phan Hướng Cao. Hướng Cao hết lòng tin Phật, cùng bà Hạ tu tập pháp môn Tịnh độ. Hằng ngày bà tụng kinh Kim Cang, sớm tối thường lễ bái, niệm Phật, hồi hướng cầu vãng sinh Tây phương Cực Lạc.
Vào tháng bảy năm Canh Thân thuộc niên hiệu Khang Hy, bà có bệnh, nói trước rằng giờ ngọ ngày 29 tháng ấy sẽ vãng sinh.
Đúng ngày, con trai con gái đều về đủ, lại thỉnh các vị thiện hữu đến, tất cả cùng đồng thanh niệm Phật, bà chắp tay an lành ra đi.
Bà họ Lục
Bà họ Lục ở Thái Thương, Côn Sơn, là vợ Trương Quý Tư ở Đại Tây, Quan Ngoại. Từ năm 17 tuổi đã ăn chay trường, tu tập niệm Phật, tụng kinh Kim Cang, chú Đại Bi, đều hồi hướng cầu vãng sinh Tây phương Cực Lạc. Mỗi khi nhìn thấy người khác giết hại vật mạng liền phát nguyện cứu độ.
Vào tháng 9 thuộc niên hiệu Khang Hy năm thứ 42, bà bỗng nhiên nhìn thấy trên không trung rất nhiều thuyền và kiệu cùng đi về hướng tây, mà những người khiêng kiệu, chèo thuyền đều là tăng sĩ. Chưa được ba hôm sau, bà an nhiên niệm Phật mà đi vào ngày 26 tháng 9.