Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp Cú (Kệ số 8)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» QUYỂN 13 - Phẩm THÁNH HẠNH - Phẩm thứ bảy – Phần ba »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» QUYỂN 13 - Phẩm THÁNH HẠNH - Phẩm thứ bảy – Phần ba

Donate

(Lượt xem: 12.273)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Kinh Đại Bát Niết-bàn - QUYỂN 13 - Phẩm THÁNH HẠNH - Phẩm thứ bảy – Phần ba

Font chữ:


Diễn đọc: Diệu Pháp Âm
Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn mà quán sát Tập đế?

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát quán Tập đế ấy là nhân duyên của các ấm. Gọi là tập, ấy là quay lại luyến ái chỗ sở hữu. Luyến ái có hai loại: một là luyến ái tự thân, hai là luyến ái những thứ cần đến.

“Lại chia ra hai loại: một là khi chưa được năm món dục thì hết lòng mong cầu; hai là khi đã cầu được rồi thì cố chịu đựng mà mê đắm bám giữ theo.

“Lại chia ra ba loại: một là luyến ái ở Dục giới, hai là luyến ái ở Sắc giới, ba là luyến ái ở Vô sắc giới.

“Lại chia ra ba loại: một là luyến ái do nhân duyên nghiệp, hai là luyến ái do nhân duyên phiền não, ba là luyến ái do nhân duyên khổ.

“Người xuất gia bốn thứ luyến ái. Những gì là bốn? Một là y phục, hai là thức ăn uống, ba là đồ dùng nằm ngồi, bốn là thuốc thang trị bệnh.

“Lại chia ra năm loại, tức là tham đắm vướng mắc năm ấm. Tùy theo những thứ cần đến, hết thảy đều luyến ái vướng mắc, nếu phân biệt tính đếm sẽ thành ra vô số.

“Thiện nam tử! Luyến ái lại có hai loại: một là luyến ái thiện, hai là luyến ái bất thiện. Luyến ái bất thiện, chỉ có kẻ ngu mới cầu. Luyến ái thiện là chỗ cầu của các vị Bồ Tát. Về pháp luyến ái thiện, lại cũng chia ra hai loại: bất thiện và thiện. Người cầu Nhị thừa gọi là bất thiện, người cầu Đại thừa gọi là thiện.

“Thiện nam tử! Chỗ luyến ái của phàm phu gọi là tập, không gọi là đế. Chỗ luyến ái của Bồ Tát gọi là Thật đế, không gọi là tập. Vì sao vậy? Bồ Tát vì cứu độ chúng sanh nên thọ sanh, chẳng phải vì luyến ái mà thọ sanh.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như ở trong các kinh khác, Phật vì chúng sanh thuyết dạy rằng nghiệp là nhân duyên, hoặc dạy rằng lòng kiêu mạn, hoặc sáu xúc, hoặc vô minh là nhân duyên của năm ấm bạo phát. Hôm nay vì nghĩa gì mà khi thuyết giảng Bốn Thánh đế, chỉ riêng nói tánh luyến ái là nhân của năm ấm?”

Phật khen Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Như ông vừa nói, các nhân duyên đó chẳng phải làm ra, chẳng phải là nguyên nhân, chỉ vì năm ấm cần thiết phải có nhân nơi luyến ái.

“Thiện nam tử! Ví như vị đại vương nếu ra đi tuần du thì các vị đại thần, quyến thuộc đều phải theo hầu. Luyến ái cũng như vậy. Tùy chỗ có luyến ái, các kết sử cũng đều theo đến. Ví như cái áo trơn láng, khi có bụi liền bám vào, bám vào rồi liền dính mắc nơi áo. Luyến ái cũng như vậy. Tùy chỗ có luyến ái, các nghiệp kết cũng dính mắc ở đó.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như đất ẩm có thể sanh các mầm cây. Luyến ái cũng vậy, có thể sanh ra hết thảy các mầm nghiệp và phiền não.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh Đại Thừa Đại Bát Niết-bàn quán xét sâu xa sự luyến ái đó, nói chung có chín loại: Một là như món nợ chưa trả hết, hai là như người vợ La-sát, ba là như thân cây hoa đẹp có con rắn độc quấn quanh, bốn là như món ăn độc chẳng nên ăn nhưng phải gượng ăn, năm là như người đàn bà dâm đãng, sáu là như hạt ma-lâu-ca, bảy là như chỗ thịt lồi ra nơi ghẻ độc, tám là như trận gió bão, chín là như sao chổi.

“Sao gọi là như món nợ trả chưa hết? Thiện nam tử! Ví như người cùng khổ, nợ tiền người khác. Tuy có trả nợ, muốn cho hết nhưng vẫn chưa hết, nên người ấy phải bị giam trong ngục chưa được thả ra. Hàng Thanh văn, Duyên giác cũng vậy, do tánh luyến ái vẫn chưa hết nên không thể thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thiện nam tử! Đó gọi là như món nợ trả chưa hết.

“Thiện nam tử! Sao gọi là như người vợ la-sát? Thiện nam tử! Ví như người lấy vợ là la-sát nữ. La-sát nữ ấy, mỗi khi sanh con rồi liền ăn thịt con. Ăn hết thịt con rồi lại ăn thịt chồng. Thiện nam tử! Luyến ái cũng như la-sát nữ kia, bám theo chúng sanh, sanh ra con là các căn lành, nhưng sanh ra rồi lại ăn hết. Ăn hết các căn lành rồi lại ăn cả chúng sanh, khiến họ phải đọa vào [những cảnh giới] địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chỉ trừ hàng Bồ Tát mà thôi. Đó gọi là như người vợ la-sát.

“Thiện nam tử! Sao gọi là như thân cây hoa đẹp có con rắn độc quấn quanh? Ví như người ưa thích hoa đẹp, chẳng thấy nơi thân cây hoa ấy có mối nguy là con rắn độc, liền đến hái hoa. Hái rồi liền bị rắn cắn chết ngay. Hết thảy người phàm phu cũng đều như vậy, ham mê loài hoa là năm món dục, chẳng thấy mối nguy rắn độc là luyến ái, nên liền nhận lấy, bị con rắn độc luyến ái cắn mổ, chết đi đọa vào ba đường ác, chỉ trừ hàng Bồ Tát mà thôi. Đó gọi là như thân cây hoa đẹp có con rắn độc quấn quanh.

“Thiện nam tử! Sao gọi là như món ăn [có độc] chẳng nên ăn nhưng cũng gượng ăn? Ví như có người gặp món ăn [có độc] chẳng nên ăn nhưng cũng gượng ăn. Ăn xong đau bụng quặn ruột mà chết. Luyến ái cũng như món ăn độc kia, chúng sanh trong Năm đường tham đắm gượng ăn. Vì nhân duyên ấy nên phải đọa vào Ba đường ác, chỉ trừ hàng Bồ Tát mà thôi. Đó gọi là như món ăn [có độc] chẳng nên ăn nhưng cũng gượng ăn.

“Thiện nam tử! Sao gọi là như người đàn bà dâm đãng? Ví như kẻ ngu si cùng tư thông với người đàn bà dâm đãng. Người đàn bà ấy khéo dùng đủ cách vuốt ve chiều chuộng, giả cách thương yêu rồi chiếm lấy hết tiền bạc, tài sản của kẻ ngu si ấy. Khi lấy hết tiền rồi liền xua đuổi đi. Luyến ái cũng như người đàn bà dâm đãng kia, kẻ ngu si không có trí tuệ, tư thông với nó, liền bị chiếm đoạt hết thảy pháp lành. Pháp lành đã hết liền bị xua đuổi, đọa vào ba đường ác, chỉ trừ hàng Bồ Tát mà thôi. Đó gọi là như người đàn bà dâm đãng.

“Thiện nam tử! Sao gọi là như hạt ma-lâu-ca? Ví như hạt ma-lâu-ca, khi chim nuốt hạt ấy vào bụng rồi, nó theo phân chim mà rơi xuống đất. Hoặc nhân khi gió thổi bay đến bám ở phía dưới thân cây, rồi nảy nở lớn dần lên, quấn chặt quanh cây ni-câu-đà, khiến cây này không lớn lên được, cho đến phải khô chết. Luyến ái cũng như hạt ma-lâu-ca kia, nó [phát triển lên thì] trói chặt kẻ phàm phu, khiến những pháp lành không thể tăng trưởng, cho đến phải khô chết. Pháp lành đã khô chết rồi, sau khi mạng chung phải đọa vào ba đường ác, chỉ trừ hàng Bồ Tát mà thôi. Đó gọi là như hạt ma-lâu-ca.

“Thiện nam tử! Sao gọi là như thịt lồi ra trong ghẻ độc? Ví như người bị ghẻ độc đã lâu, trong ghẻ sanh ra thịt lồi. Người ấy phải siêng năng điều trị, không được buông thả. Nếu như buông thả, ghẻ độc liền lớn thêm, lại sanh trùng trong đó. Do nhân duyên ấy mà bỏ mạng. Năm ấm của người phàm phu ngu si cũng như ghẻ độc kia, trong đó sanh ra thịt lồi là luyến ái. Phải siêng năng điều trị chỗ thịt lồi luyến ái đó. Nếu chẳng điều trị, khi mạng chung sẽ đọa vào ba đường ác, chỉ trừ hàng Bồ Tát mà thôi. Đó gọi là như thịt lồi ra trong ghẻ độc.

“Thiện nam tử! Sao gọi là như trận gió bão? Ví như trận gió bão có thể dời non lật núi, nhổ bật rễ sâu của cây to. Luyến ái cũng như trận gió bão lớn kia, đối với cha mẹ mà sanh lòng dữ, có thể nhổ bật rễ sâu cây Bồ-đề vô thượng của những người như Đại trí Xá-lợi-phất, chỉ trừ hàng Bồ Tát mà thôi. Đó gọi là như trận gió bão.

“Thiện nam tử! Sao gọi là như sao chổi? Ví như khi sao chổi xuất hiện thì trong thiên hạ, hết thảy nhân dân đều đói kém, bệnh hoạn, lại thêm mọi sự khổ não. Luyến ái cũng như sao chổi kia, có thể làm dứt hết thảy các hạt giống căn lành, khiến cho người phàm phu trở nên cô độc, cùng khổ, đói kém, sanh các bệnh phiền não, lăn lộn trong vòng sanh tử, chịu đủ mọi khổ não, chỉ trừ hàng Bồ Tát mà thôi. Đó gọi là như sao chổi.

“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Niết-bàn quán sát luyến ái trói buộc có chín loại như thế.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa đó nên những người phàm phu có khổ mà không có đế; hàng Thanh văn và Duyên giác có khổ, có khổ đế mà không chân thật. Các vị Bồ Tát hiểu rõ được khổ, không khổ, nên không khổ mà có chân thật.

“Những kẻ phàm phu có tập, không có đế; hàng Thanh văn và Duyên giác có tập, có tập đế. Các vị Bồ Tát hiểu rõ tập, không tập, nên không có tập mà có chân đế.

“Hàng Thanh văn và Duyên giác có diệt, không chân thật. Bồ Tát ma-ha-tát có diệt, có chân đế.

“Hàng Thanh văn và Duyên giác có đạo, không chân thật. Bồ Tát ma-ha-tát có đạo, có chân đế.

“Thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn nhìn thấy diệt và diệt đế? Đó là nói dứt trừ hết thảy phiền não. Nếu phiền não dứt thì gọi là thường còn. Dập tắt lửa phiền não thì gọi là tịch diệt. Vì phiền não đã dứt nên được hưởng vui. Chư Phật, Bồ Tát vì cầu nhân duyên nên gọi là tịnh. Không còn trở lại trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu nên gọi là xuất thế. Vì là xuất thế nên gọi là ngã, là thường. Đối với hình sắc, âm thanh, hương vị, cảm xúc, nam nữ, sanh trụ dị diệt, khổ vui, không khổ không vui... đều không chấp giữ tướng mạo, cho nên gọi là tất cánh tịch diệt, là chân đế. Thiện nam tử! Bồ Tát trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn như vậy, quán xét Diệt thánh đế.

“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn quán xét Đạo thánh đế như thế nào? Thiện nam tử! Ví như ở chỗ tối, nhờ có ánh đèn mà thấy được các vật lớn nhỏ. Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, trụ ở kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, nhờ có Bát Thánh đạo mà thấy được hết thảy các pháp, đó là: thường, vô thường, hữu vi, vô vi, có chúng sanh, không có chúng sanh, vật, chẳng phải vật, khổ, vui, ngã, tịnh, bất tịnh, phiền não, chẳng phải phiền não, nghiệp, chẳng phải nghiệp, thật, chẳng thật, thừa, chẳng phải thừa, biết, chẳng biết, đà-la-phiếu, chẳng phải đà-la-phiếu, cầu-na, chẳng phải cầu-na, thấy, chẳng thấy, sắc, chẳng phải sắc, đạo, chẳng phải đạo, hiểu, chẳng hiểu. Thiện nam tử! Bồ Tát trụ ở Đại thừa Đại Bát Niết-bàn như vậy, quán xét Đạo thánh đế.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu Bát thánh đạo chính là Đạo thánh đế thì nghĩa chẳng hợp nhau. Vì sao vậy? Có khi Như Lai dạy rằng: Đức tin là đạo, có thể độ thoát các lậu.

“Có khi lại dạy rằng: Đạo là không phóng dật. Chư Phật Thế Tôn nhờ không phóng dật nên thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đó cũng là pháp trợ đạo của hàng Bồ Tát.

“Lại có khi dạy rằng: Tinh tấn là đạo. Như bảo A-nan rằng: Nếu người nào siêng tu tinh tấn ắt sẽ được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Hoặc có khi dạy rằng: Hãy quán thân niệm xứ. Nếu người nào chú tâm tinh cần tu tập pháp thân niệm xứ sẽ được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-đề.

“Hoặc có khi dạy rằng: Chánh định là đạo. Như Phật bảo Đại đức Ma-ha Ca-diếp rằng: Chánh định chân thật là đạo, không chánh định không phải là đạo. Nếu nhập chánh định mới có thể suy xét sự sanh diệt của năm ấm, không nhập chánh định không thể suy xét được.

“Hoặc có khi chỉ dạy một pháp, nếu người tu tập có thể làm cho chúng sanh thanh tịnh, dứt trừ hết thảy ưu sầu khổ não, dần dần chứng đắc Chánh pháp. Đó là pháp niệm Phật Tam-muội.

“Hoặc lại dạy rằng: Tu phép quán tưởng vô thường gọi là đạo. Như bảo các vị tỳ-kheo rằng: Nếu ai thường tu phép quán tưởng vô thường có thể thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Hoặc dạy rằng: Ở nơi trống không vắng lặng, ngồi một mình mà suy xét thì có thể nhanh chóng được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Có khi lại dạy rằng: Vì người khác giảng pháp, đó gọi là đạo. Nếu nghe pháp rồi, tức trừ dứt lưới nghi. Dứt nghi rồi sẽ được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

“Lại có khi dạy rằng: Trì giới là đạo. Như bảo A-nan rằng: Nếu ai tinh cần tu tập giữ gìn giới cấm, người ấy ắt sẽ vượt qua nỗi khổ lớn sanh tử.

“Hoặc có khi dạy rằng: Gần gũi bạn lành là đạo. Như bảo A-nan rằng: ‘Nếu gần gũi với thiện tri thức sẽ được đầy đủ giới hạnh thanh tịnh. Nếu có chúng sanh nào được gần gũi với ta, ắt sẽ được phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Có khi dạy rằng: Tu tâm từ là đạo. Người tu học đức từ, dứt các phiền não, được chỗ không còn xao động.

“Có khi dạy rằng: Trí tuệ là đạo. Như lúc trước Phật có vì tỳ-kheo ni Ba-xà-ba-đề mà dạy rằng: Này các vị, như các vị Thanh văn dùng gươm trí tuệ có thể chặt đứt các phiền não rỉ chảy.

“Hoặc có khi Như Lai dạy rằng: Bố thí là đạo. Như lúc trước Phật bảo vua Ba-tư-nặc rằng: ‘Đại Vương nên biết, thuở xưa ta thường làm nhiều việc bố thí rộng rãi. Nhờ nhân duyên ấy mà ngày nay được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

“Bạch Thế Tôn! Nếu Bát thánh đạo là Đạo đế thì các kinh nói như trên chẳng phải là sai trái hay sao? Nếu các kinh ấy không sai trái, vậy duyên cớ gì mà trong đó không dạy rằng Bát thánh đạo là Đạo thánh đế? Nếu trong đó không dạy, lẽ nào lúc trước Như Lai đã nhầm lẫn? Nhưng con biết chắc rằng chư Phật Như Lai từ lâu đã lìa xa mọi sự nhầm lẫn.”

Lúc ấy, đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông vì muốn biết chỗ sâu kín trong kinh điển vi diệu Đại thừa của hàng Bồ Tát nên mới hỏi như vậy. Thiện nam tử! Những kinh như vậy, hết thảy đều thuộc về Đạo đế. Thiện nam tử! Như ta đã nói, nếu có người tin đạo, lòng tin đạo này là căn bản của đức tin, có thể trợ giúp cho đạo Bồ-đề. Vậy nên những lời ta dạy đó không có sự nhầm lẫn.

“Thiện nam tử! Như Lai khéo biết vô số phương tiện, vì muốn giáo hóa chúng sanh nên tạo ra đủ mọi cách thuyết pháp như vậy. Thiện nam tử! Ví như vị lương y thấu hiểu mọi thứ nguyên nhân gây bệnh của chúng sanh, liền tùy theo từng bệnh mà pha chế các món thuốc, cũng như biết rõ những thứ cấm kỵ đối với thuốc. Chỉ có nước là chẳng nằm trong những thứ cấm kỵ. Hoặc cho uống nước gừng, nước cam thảo, nước cây tế tân, nước đường phèn đen, nước a-ma-lặc, nước ni-bà-la, nước bát-trú-la, hoặc cho uống nước lạnh, nước nóng, nước nho, nước thạch lựu... Thiện nam tử! Vị lương y ấy biết rành các chứng bệnh của chúng sanh, dù có nhiều thứ cấm kỵ đối với thuốc nhưng nước chẳng hề bị cấm kỵ. Như Lai cũng thế, khéo biết phương tiện, chỉ nơi một tướng pháp mà tùy theo các chúng sanh nên phân biệt giảng thuyết đủ mọi thứ tên gọi hình tướng. Các chúng sanh kia đều tùy chỗ giảng thuyết của Phật mà nhận biết. Nhận biết rồi liền tu tập, dứt trừ phiền não, cũng như những người bệnh kia nhờ nghe theo lời dạy của vị lương y mà trừ dứt bệnh tật.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như có người kia khéo hiểu được nhiều thứ tiếng khác nhau trong đại chúng. Mọi người trong đại chúng bị nóng khát, mỗi người đều kêu lên: ‘Tôi muốn uống nước. Tôi muốn uống nước.’ Người ấy liền lấy nước trong mát, rồi tùy theo ngôn ngữ của mỗi người mà nói rằng: Đây là nước, hoặc nói là ba-ni, uất-trì, sa-lỵ-lam, sa-lỵ, bà-da, cam lộ hay sữa bò. Người ấy dùng vô số tên gọi của nước để nói với đại chúng. Thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, ngài đem một Thánh đạo mà vì các vị Thanh văn diễn thuyết đủ mọi cách, từ các pháp như tín căn cho đến Bát Thánh đạo.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như người thợ vàng, dùng một chất vàng mà tùy ý làm ra đủ các món xâu chuỗi, trang sức, như là kẹp, khóa, dây chuyền, vòng, xuyến, thoa, mão thiên quan, tỷ ấn... Tuy các món ấy đều khác biệt nhau, nhưng cũng không ngoài chất vàng. Thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, dùng một đạo Phật mà tùy theo chúng sanh phân biệt đủ cách để vì họ giảng thuyết.

“Hoặc ngài dạy chỉ có một, đó là một đạo của chư Phật, không có hai.

“Hoặc lại dạy hai pháp, đó là định và tuệ.

“Rồi lại dạy có ba pháp, ấy là: kiến, trí và tuệ.

“Lại dạy bốn pháp: kiến đạo, tu đạo, vô học đạo, Phật đạo.

“Lại dạy có năm pháp: tín hành đạo, pháp hành đạo, tín giải thoát đạo, kiến đáo đạo, thân chứng đạo.

“Lại dạy có sáu pháp: Tu-đà-hoàn đạo, Tư-đà-hàm đạo, A-na-hàm đạo, A-la-hán đạo, Bích-chi Phật đạo, Phật đạo.

“Lại dạy có bảy pháp: Niệm giác phần, Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần, Trừ giác phần, Định giác phần, Xả giác phần.

“Lại dạy tám pháp là: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

“Lại dạy chín pháp là Tám Thánh đạo và Tín.

“Lại dạy mười pháp là Mười sức.

“Lại dạy mười một pháp là Mười sức và Đại từ.

“Lại dạy mười hai pháp là Mười sức và Đại từ, Đại bi.

“Lại dạy mười ba pháp là: Mười sức, Đại từ, Đại bi và Niệm Phật Tam-muội.

“Lại dạy mười sáu pháp là: Mười sức, Đại từ, Đại bi, Niệm Phật Tam-muội và Ba chánh niệm xứ của chư Phật.

“Lại dạy hai mươi đạo là: Mười sức, Bốn đức chẳng sợ, Đại từ, Đại bi, Niệm Phật Tam-muội và Ba chánh niệm xứ...

“Thiện nam tử! Đạo này là một thể; ngày trước Như Lai vì chúng sanh mà phân biệt đủ mọi cách.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như một thứ lửa nhưng do chất đốt khác nhau nên có rất nhiều tên, như lửa cây, lửa cỏ, lửa cám, lửa trấu, lửa phân bò, phân ngựa... Thiện nam tử! Đạo Phật cũng vậy, chỉ có một không hai, nhưng vì chúng sanh mà phân biệt ra đủ mọi cách.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như chỉ một thức mà phân biệt nói là sáu. Như ở nơi con mắt thì gọi là nhãn thức, cho đến ở nơi ý cũng gọi tên khác đi như thế. Thiện nam tử! Đạo cũng như vậy, chỉ một không hai. Như Lai vì giáo hóa chúng sanh mà phân biệt đủ mọi cách.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như sắc pháp chỉ là một, nhưng chỗ thấy của mắt thì gọi là hình sắc, chỗ nghe của tai thì gọi là âm thanh, chỗ ngửi biết của mũi thì gọi là mùi hương, chỗ nếm biết của lưỡi thì gọi là vị nếm, chỗ nhận biết của thân thì gọi là xúc chạm. Thiện nam tử! Đạo cũng như vậy, chỉ một không hai. Như Lai vì giáo hóa chúng sanh mà phân biệt đủ mọi cách.

“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy cho nên lấy Bát thánh đạo mà gọi là Đạo thánh đế. Thiện nam tử! Bốn thánh đế này được chư Phật Thế Tôn tuần tự thuyết dạy. Nhờ nhân duyên đó, vô lượng chúng sanh được thoát khỏi sanh tử.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Có một lần trước đây, khi Phật ở trong rừng Thi-thủ bên bờ sông Hằng. Lúc ấy Phật cầm một nắm lá cây, hỏi chư tỳ-kheo rằng: ‘Lá cây ta đang nắm trong tay là nhiều hay lá của hết thảy cây cỏ trên mặt đất là nhiều?’ Chư tỳ-kheo đáp rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Tất cả những lá cây cỏ trên mặt đất là nhiều, không thể tính đếm. Những lá cây mà Như Lai nắm trong tay đó thật quá ít không đáng nói.’

“Lúc ấy, Phật dạy rằng: ‘Chư tỳ-kheo! Tất cả những pháp mà ta biết rõ, ví như [số lá của cây cỏ] mọc trên mặt đất. Những pháp mà ta vì chúng sanh thuyết dạy chỉ như số lá ta nắm trong tay.’ Bạch Thế Tôn! Theo lời Phật nói lúc ấy thì Như Lai rõ biết vô lượng các pháp. Nếu các pháp ấy đều nằm trong Bốn đế, như vậy đều là những pháp đã thuyết. Còn nếu chẳng nằm trong Bốn đế, thì lẽ ra phải có đến Năm đế!”

Lúc ấy, Phật khen ngợi Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Việc ông hỏi ta hôm nay đó có thể làm lợi ích, an ổn, khoái lạc cho vô lượng chúng sanh. Thiện nam tử! Các pháp như vậy thảy đều thâu nhiếp vào trong Bốn Thánh đế.”

Bồ Tát Ca-diếp lại hỏi: “Nếu các pháp ấy đều nằm trong Bốn đế, tại sao Như Lai nói rằng không có thuyết dạy?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tuy là [có những pháp] nằm trong ấy, nhưng không gọi là đã thuyết dạy. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Hiểu biết về Bốn Thánh đế, có hai bậc trí tuệ. Một là bậc trung, hai là bậc thượng. Bậc trung là trí tuệ của hàng Thanh văn, Duyên giác. Bậc thượng là trí tuệ của chư Phật, Bồ Tát.

“Thiện nam tử! Rõ biết các ấm là khổ, đó gọi là trí tuệ bậc trung. Phân biệt các ấm có vô lượng hình tướng, thảy đều là khổ, đó không phải là chỗ biết được của hàng Thanh văn, Duyên giác, gọi là trí tuệ bậc thượng. Thiện nam tử! Những nghĩa như vậy ta chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Rõ biết các nhập là cửa vào, cũng gọi là khổ, đó gọi là trí tuệ bậc trung. Phân biệt các nhập có vô lượng hình tướng, thảy đều là khổ, đó không phải là chỗ biết được của hàng Thanh văn, Duyên giác, gọi là trí tuệ bậc thượng. Thiện nam tử! Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Rõ biết các giới, đó gọi là chỗ phân chia, cũng gọi là tánh, cũng gọi là khổ, đó là trí tuệ bậc trung. Phân biệt các giới có vô số hình tướng, thảy đều là khổ, đó không phải là chỗ biết được của hàng Thanh văn, Duyên giác, gọi là trí tuệ bậc thượng. Thiện nam tử! Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Rõ biết tướng hư hoại của sắc, đó là trí tuệ bậc trung. Phân biệt các sắc có vô số tướng hư hoại, thảy đều là khổ, đó không phải là chỗ biết được của hàng Thanh văn, Duyên giác, gọi là trí tuệ bậc thượng. Thiện nam tử! Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Rõ biết tướng nhận biết của cảm thọ, đó là trí tuệ bậc trung. Phân biệt các cảm thọ có vô số tướng nhận biết, đó không phải là chỗ biết được của hàng Thanh văn, Duyên giác, gọi là trí tuệ bậc thượng. Thiện nam tử! Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Rõ biết tướng nắm giữ của tưởng, đó là trí tuệ bậc trung. Phân biệt tưởng ấy có vô số tướng nắm giữ, đó không phải là chỗ biết được của hàng Thanh văn, Duyên giác, gọi là trí tuệ bậc thượng. Thiện nam tử! Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Rõ biết tướng tạo tác của hành, đó là trí tuệ bậc trung. Phân biệt hành ấy có vô số tướng tạo tác, đó không phải là chỗ biết được của hàng Thanh văn, Duyên giác, gọi là trí tuệ bậc thượng. Thiện nam tử! Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Rõ biết tướng phân biệt của thức, đó là trí tuệ bậc trung. Phân biệt thức ấy có vô số tướng trí, đó không phải là chỗ biết được của hàng Thanh văn, Duyên giác, gọi là trí tuệ bậc thượng. Thiện nam tử! Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Rõ biết nhân duyên luyến ái có thể sanh ra Năm ấm, đó là trí tuệ bậc trung. Sự sanh khởi luyến ái vô lượng vô biên của một người đã là chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác không thể biết được, nhưng có thể biết được chỗ luyến ái sanh khởi như vậy của tất cả chúng sanh gọi là trí tuệ bậc thượng. Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Rõ biết chỗ diệt trừ phiền não, đó là trí tuệ bậc trung. Phân biệt được các phiền não không thể đếm kể, chỗ diệt trừ phiền não lại cũng như vậy, không thể đếm kể, đó không phải chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác biết được, gọi là trí tuệ bậc thượng. Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Biết tướng của đạo thì có thể lìa phiền não, đó là trí tuệ bậc trung. Phân biệt tướng của đạo vô lượng vô biên, chỗ lìa phiền não cũng vô lượng vô biên, đó không phải chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác biết được, gọi là trí tuệ bậc thượng. Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Hiểu biết Thế đế, đó là trí tuệ bậc trung. Phân biệt Thế đế là vô lượng vô biên, không thể đếm kể, đó không phải chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác biết được, gọi là trí tuệ bậc thượng. Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.

“Thiện nam tử! Tất cả các hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết-bàn tịch diệt, đó là Đệ nhất nghĩa, gọi là trí tuệ bậc trung. Biết Đệ nhất nghĩa là vô lượng vô biên, không thể đếm kể, đó không phải là chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác biết được, gọi là trí tuệ bậc thượng. Những nghĩa như vậy ta cũng chẳng hề thuyết trong kinh khác.”

Lúc ấy Đại Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn! Thế đế và Đệ nhất nghĩa đế mà Phật dạy đó, ý nghĩa như thế nào?

“Bạch Thế Tôn! Trong Đệ nhất nghĩa có Thế đế hay không? Trong Thế đế có Đệ nhất nghĩa hay không? Nếu có, tức chỉ là một mà thôi. Nếu không, chẳng phải Như Lai đã nói lời hư dối rồi sao?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Thế đế tức là Đệ nhất nghĩa đế.”

“Thế Tôn! Nếu như vậy tức là không có hai đế.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Có phương tiện khéo léo, tùy thuận chúng sanh mà dạy rằng có hai đế. Thiện nam tử! Nếu theo như lời nói, hẳn phải có hai pháp: một là pháp thế gian, hai là pháp xuất thế gian.

“Thiện nam tử! Chỗ hiểu biết của người xuất thế gọi là Đệ nhất nghĩa đế. Chỗ hiểu biết của người thế gian gọi là Thế đế.

“Thiện nam tử! Năm ấm hòa hiệp thì gọi tên đó là người này, người kia. Chúng sanh phàm phu tùy theo đó mà gọi tên, gọi là Thế đế. Hiểu rõ trong các ấm không có những tên gọi người này, người kia; lìa khỏi các ấm cũng không có tên gọi người này, người kia; người xuất thế đối với hình tướng và thể tánh như thế có thể rõ biết, gọi là Đệ nhất nghĩa đế.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có những pháp thật có và có tên gọi; hoặc có những pháp không thật có nhưng có tên gọi. Thiện nam tử! Pháp không thật có nhưng có tên gọi, đó là Thế đế; pháp thật có và có tên gọi, đó là Đệ nhất nghĩa đế.

“Thiện nam tử! Các pháp như bản ngã, chúng sanh, thọ mạng, tri kiến, dưỡng dục, trượng phu, người tạo tác, người thọ nhận, ảo ảnh lúc trời nóng, cảnh hóa thành, lông rùa, sừng thỏ, vòng lửa xoáy quanh, các ấm, giới, nhập... đó gọi là Thế đế. Khổ, Tập, Diệt, Đạo, đó gọi là Đệ nhất nghĩa đế.

“Thiện nam tử! Thế pháp có năm loại: một là danh thế, hai là cú thế, ba là phược thế, bốn là pháp thế, năm là chấp trước thế.

“Thiện nam tử! Sao gọi là danh thế? Kẻ nam, người nữ, bình bát, y phục, xe cộ, phòng ốc..., những thứ như vậy gọi là danh thế.

“Sao gọi là cú thế? Bốn câu thành một bài kệ, các bài kệ như vậy gọi là cú thế.

“Sao gọi là phược thế? Những việc như đóng cuốn, kết lại, trói buộc, chấp tay, đó gọi là phược thế.

“Sao gọi là pháp thế? Như đánh chuông nhóm tăng, nổi trống thúc quân, thổi vỏ ốc biết giờ, đó gọi là pháp thế.

“Sao gọi là chấp trước thế? Ví như nhìn ra xa thấy người mặt áo nhuộm, liền sanh ra tư tưởng chấp trước, nói đó là sa-môn, chẳng phải bà-la-môn. Như thấy có gút dây mà choàng trên thân liền nghĩ rằng: Đó là bà-la-môn, chẳng phải sa-môn. Như vậy, gọi là chấp trước thế.

“Thiện nam tử! Đó gọi là năm loại thế pháp. Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh nào đối với năm loại thế pháp ấy mà tâm không điên đảo, hiểu biết đúng như thật, đó gọi là Đệ nhất nghĩa đế.

“Lại nữa, thiện nam tử! Như đốt cháy, cắt đứt, chết mất, hư hoại, đó gọi là thế đế. Không đốt cháy, không cắt đứt, không chết mất, không hư hoại, đó gọi là Đệ nhất nghĩa đế.

“Lại nữa, thiện nam tử! Có tám tướng khổ gọi là Thế đế. Không sanh, không già, không bệnh, không chết, không chia lìa người thương yêu, không gặp gỡ kẻ oán cừu, không mong cầu chẳng được, không năm ấm bạo phát, đó gọi là Đệ nhất nghĩa đế.

“Thiện nam tử! Ví như một người có thể làm được nhiều việc, khi chạy đua thì gọi là vận động viên, khi cắt gặt lại gọi là thợ gặt, khi nấu ăn gọi là đầu bếp, khi làm những đồ gỗ thì gọi là thợ mộc, khi làm những đồ vàng bạc thì gọi là thợ kim hoàn. Một người như vậy có nhiều tên gọi.

“Pháp cũng như thế, thật chỉ là một nhưng có nhiều tên. Do cha mẹ hòa hợp sanh ra, đó gọi là Thế đế. Do Mười hai nhân duyên hòa hợp mà sanh, đó gọi là Đệ nhất nghĩa đế.”

Đại Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn! Thật đế mà Phật dạy đó, ý nghĩa như thế nào?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nói Thật đế đó, gọi là pháp chân thật. Thiện nam tử! Nếu pháp không chân thật chẳng gọi là Thật đế.

“Thiện nam tử! Thật đế không có sự điên đảo. Không có điên đảo mới gọi là Thật đế.

“Thiện nam tử! Thật đế không có sự hư dối. Nếu có hư dối không gọi là Thật đế.

“Thiện nam tử! Thật đế gọi là Đại thừa. Không phải Đại thừa không gọi là Thật đế.

“Thiện nam tử! Thật đế chính là lời Phật dạy, không phải thuyết của ma. Nếu là thuyết của ma, không phải thuyết của Phật thì không gọi là Thật đế.

“Thiện nam tử! Thật đế là chỉ một đạo thanh tịnh, không có hai.

“Thiện nam tử! Có thường, có lạc, có ngã, có tịnh, đó gọi là nghĩa của Thật đế.”

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu lấy chân thật là Thật đế, thì pháp chân thật tức là Như Lai, là hư không, là tánh Phật. Nếu là như vậy thì Như Lai, hư không và tánh Phật đều không có khác biệt.”

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: “Có khổ, có đế, có chân thật; có tập, có đế, có chân thật; có diệt, có đế, có chân thật; có đạo, có đế, có chân thật.

“Thiện nam tử! Như Lai chẳng phải khổ, chẳng phải đế, là chân thật. Hư không chẳng phải khổ, chẳng phải đế, là chân thật. Tánh Phật chẳng phải khổ, chẳng phải đế, là chân thật.

“Văn-thù-sư-lợi! Nói rằng khổ là tướng vô thường, tướng có thể dứt đoạn, đó là Thật đế. Tánh Như Lai không phải khổ, không phải vô thường, không thể dứt đoạn, cho nên là chân thật. Hư không, tánh Phật cũng là như vậy.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nói rằng tập là có thể làm cho năm ấm hòa hợp mà sanh, cũng gọi là khổ, cũng gọi là vô thường, là tướng có thể dứt đoạn, đó là Thật đế. Thiện nam tử! Như Lai chẳng phải là tánh tập như vậy, chẳng phải do nhân các ấm, chẳng phải tướng có thể dứt đoạn, cho nên là chân thật. Hư không, tánh Phật cũng là như vậy.

“Thiện nam tử! Nói rằng diệt là diệt trừ phiền não, cũng là thường, vô thường. Chỗ chứng đắc của hàng Nhị thừa gọi là vô thường. Chỗ chứng đắc của chư Phật gọi là thường, cũng gọi là pháp chứng, đó là Thật đế. Thiện nam tử! Tánh Như Lai chẳng gọi là diệt, có thể diệt trừ phiền não, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, không gọi là chứng biết, thường trụ không biến đổi, nên là chân thật. Hư không, tánh Phật cũng là như vậy.

“Thiện nam tử! Nói rằng đạo là có thể dứt trừ phiền não, cũng là thường, vô thường, là pháp có thể tu, gọi là Thật đế. Như Lai chẳng phải đạo, có thể dứt trừ phiền não, chẳng phải thường, vô thường, chẳng phải pháp có thể tu, thường trụ không biến đổi, nên là chân thật. Hư không, tánh Phật cũng là như vậy.

“Lại nữa, thiện nam tử! Nói chân thật đó, tức là Như Lai. Như Lai là chân thật. Chân thật đó, tức là hư không. Hư không là chân thật. Chân thật đó, tức là tánh Phật. Tánh Phật là chân thật.

“Văn-thù-sư-lợi! Có đau khổ, có nguyên nhân của đau khổ, có sự chấm dứt đau khổ, có cách đối trị đau khổ. Như Lai chẳng phải là khổ, cho đến chẳng phải là đối trị đau khổ, nên là chân thật, không gọi là đế. Hư không, tánh Phật cũng là như vậy.

“Khổ, ấy là pháp hữu vi, hữu lậu, không vui sướng. Như Lai chẳng phải hữu vi, chẳng phải hữu lậu, hồn nhiên sâu lắng an vui, là chân thật, chẳng phải đế.”

Văn-thù-sư-lợi lại bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật có dạy, không có điên đảo gọi là Thật đế. Nếu vậy, trong Bốn đế có Bốn điên đảo hay chăng? Nếu có, vì sao lại dạy rằng không điên đảo gọi là Thật đế, hết thảy điên đảo không gọi là chân thật?”

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: “Hết thảy pháp điên đảo đều nằm trong Khổ đế. Như chúng sanh nào có tâm điên đảo thì gọi là người điên đảo. Thiện nam tử! Ví như có người không nhận lời dạy bảo của cha mẹ và các bậc tôn trưởng, hoặc có nhận cũng không theo đó mà làm. Những kẻ như vậy gọi là điên đảo. Những kẻ điên đảo như vậy không thể không khổ, chính là khổ vậy.”

Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Như Phật có dạy, không hư dối tức là Thật đế. Nếu vậy, nên biết rằng hư dối hẳn không phải là Thật đế.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả hư dối đều vào trong Khổ đế. Như có chúng sanh nào dối gạt kẻ khác, do nhân duyên ấy đọa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ. Những pháp như vậy gọi là hư dối. Hư dối như vậy không thể không khổ, chính là khổ vậy. Đó là chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác và chư Phật Thế Tôn đều xa lìa không làm, nên gọi là hư dối. Sự hư dối như vậy, chư Phật và hàng Nhị thừa đều đã trừ dứt, nên gọi là Thật đế.”

Văn-thù-sư-lợi lại bạch Phật: “Như lời Phật dạy, Đại thừa là Thật đế, vậy nên biết rằng các thừa Thanh văn và Bích-chi Phật hẳn là không chân thật!”

Phật dạy: “Văn-thù-sư-lợi! Hai thừa ấy cũng là thật, cũng là không thật. Hàng Thanh văn, Duyên giác dứt trừ các phiền não nên gọi là thật. Vô thường chẳng trụ, là pháp biến đổi nên gọi là không thật.”

Văn-thù-sư-lợi nói: “Như Phật có dạy: Nếu là lời Phật thuyết thì gọi là thật, nên biết rằng lời ma thuyết hẳn là không thật. Bạch Thế Tôn! Như lời ma thuyết có thâu nhiếp vào trong Thánh đế hay chăng?”

Phật dạy: “Văn-thù-sư-lợi! Lời của ma thuyết thâu nhiếp vào trong hai đế là Khổ đế và Tập đế. Nói chung hết thảy những điều không phải Chánh pháp, không phải giới luật thì không thể làm cho người ta được lợi ích. Dù có thuyết giảng suốt ngày cũng chẳng ai nhờ đó mà thấy được khổ, dứt trừ nguyên nhân của khổ, chứng được chỗ dứt trừ đau khổ, tu tập đạo giải thoát. Đó gọi là hư dối. Hư dối như vậy gọi là thuyết của ma.”

Văn-thù-sư-lợi nói: “Như Phật có dạy, chỉ một đạo thanh tịnh, chẳng có hai. Những kẻ ngoại đạo cũng nói rằng: ‘Ta có một đạo thanh tịnh, chẳng có hai.’ Nếu nói rằng chỉ một đạo là Thật đế, thì so với ngoại đạo kia có gì khác biệt? Nếu không khác biệt thì không nên nói rằng chỉ một đạo thanh tịnh!”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Những kẻ ngoại đạo có Khổ đế, Tập đế, nhưng họ không có Diệt đế, Đạo đế. Trong chỗ không phải diệt mà nảy sanh tư tưởng cho đó là diệt, trong chỗ không phải đạo mà nảy sanh tư tưởng cho đó là đạo, trong chỗ không phải quả mà nảy sanh tư tưởng cho đó là quả, trong chỗ không phải nhân mà nảy sanh tư tưởng cho đó là nhân. Vì nghĩa ấy, họ không có một đạo thanh tịnh duy nhất không phân biệt.”

Văn-thù-sư-lợi bạch rằng: “Như lời Phật dạy: Có thường, có lạc, có ngã, có tịnh, đó là thật nghĩa. Những kẻ ngoại đạo lẽ ra là có Thật đế, còn trong Phật pháp lại không có. Vì sao vậy? Vì những kẻ ngoại đạo cũng nói rằng: ‘Các hành là thường.’ Thế nào là thường? Dù vừa ý hay không vừa ý, hết thảy các nghiệp báo đều phải nhận chịu chẳng hề sai mất. Nói vừa ý, đó là quả báo của Mười điều lành. Nói không vừa ý, đó là quả báo của Mười điều ác. Nếu nói rằng ‘các hành đều vô thường’, vậy người tạo nghiệp sau khi chết mất ở nơi này, còn ai lại ở nơi kia mà chịu quả báo? Vì nghĩa ấy nên các hành chính là thường. Nhân duyên sát sanh cũng gọi là thường!

“Bạch Thế Tôn! Nếu nói rằng ‘các hành đều vô thường’, thì kẻ giết hại và kẻ bị giết hại, cả hai đều là vô thường. Nếu là vô thường, vậy ai ở địa ngục mà chịu tội báo? Nếu nói chắc chắn có người chịu tội báo nơi địa ngục, thì nên biết rằng các hành thật chẳng phải vô thường.

“Bạch Thế Tôn! Chuyên tâm ghi nhớ cũng gọi là thường. Như chỗ ghi nhớ trong mười năm, thậm chí đến trăm năm cũng chẳng hề quên mất, cho nên là thường. Nếu là vô thường thì những việc đã thấy từ trước còn ai nhớ, ai nghĩ? Vì nhân duyên ấy, hết thảy các hành đều chẳng phải vô thường.

“Thế Tôn! Hết thảy mọi sự nhớ tưởng cũng gọi là thường. Như có người trước kia đã nhìn thấy rõ một người khác từ đầu đến chân. Về sau, nếu có gặp liền nhớ lại ngay. Nếu là vô thường thì những sự nhớ tưởng việc trước kia lẽ ra phải mất rồi!

“Thế Tôn! Các nghề nghiệp, việc làm, đều nhờ sự học hỏi, rèn luyện lâu ngày, như từ khi mới học phải trải qua ba năm, hoặc năm năm... mới được thông thạo, cho nên là thường.

“Thế Tôn! Trong phép tính toán, từ số một đến số hai, từ số hai đến số ba... cho đến số trăm ngàn. Nếu là vô thường, đáng lẽ số một ban đầu phải mất. Số một ban đầu nếu mất, làm sao có đến số hai? Như vậy chỉ thường có số một, rốt cùng cũng chẳng có số hai! Vì số một không mất mới có đến số hai, cho đến số trăm ngàn, vậy nên là thường.

“Thế Tôn! Như trong phép tụng đọc, phải đọc kinh A-hàm bộ thứ nhất, kế đến A-hàm bộ thứ nhì, rồi đến bộ thứ ba, thứ tư. Nếu là vô thường, thì việc đọc tụng rốt cùng không đến được bộ thứ tư. Vì có nhân duyên là sự tụng đọc tăng dần như vậy nên gọi là thường.

“Thế Tôn! Bình bát, y phục, xe cộ... cho đến người thiếu nợ, hình tướng trên mặt đất, núi sông, rừng rậm, cây cối cỏ lá làm thuốc, chúng sanh trị bệnh... thảy đều là thường, cũng lại như vậy.

“Thế Tôn! Tất cả ngoại đạo đều nói rằng: ‘Các hành là thường.’ Nếu các hành là thường, tức là Thật đế!

“Thế Tôn! Có những ngoại đạo lại nói rằng có sự vui sướng. Vì sao biết được? Người thọ nhận, chắc chắn sẽ được quả báo vừa ý. Thế Tôn! Nói chung những người thọ nhận sự vui sướng chắc chắn sẽ được như vậy, đó là những cảnh giới Đại Phạm Thiên vương, Đại Tự Tại thiên, Thích-đề-hoàn-nhân, Tỳ-nữu thiên, cùng cõi người, cõi trời. Vì nghĩa ấy nên gọi là quyết định có sự vui sướng.

“Thế Tôn! Có những ngoại đạo lại nói rằng có sự vui sướng, vì có thể khiến chúng sanh nảy sanh lòng mong cầu: kẻ đói mong cầu thức ăn, kẻ khát mong cầu thức uống, kẻ lạnh mong cầu được ấm, kẻ nóng mong cầu được mát, kẻ cực khổ mong cầu được nghỉ ngơi, kẻ mắc bệnh mong cầu được khỏi, kẻ tham dục mong cầu sắc đẹp. Nếu không có sự vui sướng, vì sao những kẻ ấy lại mong cầu? Bởi có kẻ mong cầu nên biết rằng có sự vui sướng.

“Thế Tôn! Có những ngoại đạo lại nói rằng bố thí có thể được vui sướng. Người đời thích bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, những kẻ bần cùng khốn khổ các món áo quần, thức ăn uống, đồ ngủ, thuốc thang, voi ngựa, xe cộ, hương bột, hương thoa, các thứ hoa, phòng ốc, nhà cửa, chỗ nương dựa, đèn đuốc... Làm đủ các việc bố thí như vậy là vì muốn rằng đời sau sẽ được quả báo vừa ý. Vì vậy nên biết rằng chắc chắn có sự vui sướng.

“Thế Tôn! Có những ngoại đạo lại nói rằng vì có nhân duyên nên biết rằng có sự vui sướng. Như nói người được vui sướng là vì có nhân duyên nên gọi là cảm xúc vui sướng. Nếu không có vui sướng làm sao có nhân duyên? Như không có sừng thỏ, hẳn không có nhân duyên. Bởi có nhân duyên vui sướng, nên biết rằng có sự vui sướng.

“Thế Tôn! Có những ngoại đạo lại nói rằng vì có các cảnh giới cao, thấp và trung bình nên biết là có sự vui sướng. Cảnh giới thấp được vui sướng là cảnh Thích-đề hoàn-nhân. Cảnh giới trung bình được vui sướng là cảnh Đại Phạm Thiên vương. Cảnh giới cao được vui sướng là cảnh Đại Tự Tại thiên. Bởi có ba cảnh giới cao, thấp và trung bình như vậy, nên biết rằng có sự vui sướng.

“Thế Tôn! Có những ngoại đạo lại nói rằng có sự thanh tịnh. Vì sao vậy? Nếu không có sự thanh tịnh thì lẽ ra không khởi lòng tham muốn. Nếu có khởi lòng tham muốn, nên biết là có sự thanh tịnh.

“Lại có kẻ nói rằng: vàng, bạc, trân bảo, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, san hô, chân châu, ngọc bích, ngọc đá, suối nước chảy, ao tắm, ẩm thực, y phục, hoa hương, hương bột, hương thoa, đèn đuốc... những vật như vậy đều là pháp thanh tịnh.

“Lại nữa, có sự thanh tịnh, như nói năm ấm là vật chứa thanh tịnh, vì chứa những vật thanh tịnh như là người ta, chư thiên, các vị tiên, A-la-hán, Phật Bích-chi, Bồ Tát, chư Phật. Vì nghĩa ấy nên gọi là thanh tịnh.

“Thế Tôn! Có những ngoại đạo lại nói rằng có ngã, vì có sự nhìn thấy, có khả năng tạo tác. Ví như có người vào nhà thợ gốm, tuy chẳng thấy người thợ ấy nhưng nhìn thấy những đồ nghề làm gốm liền biết chắc rằng nhà ấy có thợ gốm. Cái ngã cũng vậy, do thấy hình sắc nên biết rằng có ngã. Nếu không có ngã thì ai nhìn thấy hình sắc? Nghe biết âm thanh cho đến tiếp xúc với các pháp, cũng là như thế..

“Lại nữa, nói có ngã, vì sao biết được? Do hình tướng mà biết được. Những gì là hình tướng? Hơi thở nhanh chậm, con mắt nhìn nháy, mạng sống, đem lòng nhận chịu những sự đau khổ, vui sướng, tham lam, mong cầu, giận dữ. Những pháp như vậy đều là hình tướng của ngã. Bởi vậy nên biết rằng nhất định có ngã.

“Lại nữa, nói có ngã là vì biết phân biệt mùi vị. Như có người ăn trái cây, nhìn thấy đã biết được vị. Vì thế nên biết rằng nhất định có ngã.

“Lại nữa, nói có ngã, vì sao biết được? Vì thực hiện được các công việc. Như cầm liềm có thể cắt cỏ, cầm rìu có thể đốn cây, cầm bình chứa nước, lên xe có thể cưỡi đi... Những việc như vậy là do cái ngã có khả năng thực hiện. Bởi vậy nên biết rằng nhất định có ngã.

“Lại nữa, nói có ngã, vì sao biết được? Ngay khi sanh ra đã muốn được bú mớm, là do thói quen từ đời trước. Bởi vậy nên biết rằng nhất định có ngã.

“Lại nữa, nói có ngã, vì sao biết được? Vì có sự hòa hiệp làm lợi ích cho những chúng sanh khác. Ví như bình bát, y phục, xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa, núi rừng cây cối, voi, ngựa, bò, dê. Những vật như vậy, nếu hòa hiệp hẳn có lợi ích. Năm ấm trong thân người cũng vậy, từ con mắt cho đến các giác quan khác nếu hòa hợp hẳn có lợi ích cho người. Bởi vậy nên biết rằng nhất định có ngã.

“Lại nữa, nói có ngã, vì sao biết được? Là vì có những pháp ngăn che. Như có vật nên có ngăn che, chướng ngại. Nếu không có vật thì không có ngăn che. Nếu có ngăn che thì biết là có ngã. Bởi vậy nên biết rằng nhất định có ngã.

“Lại nữa, nói có ngã, vì sao biết được? Vì có sự phân chia ra cùng nhóm, không cùng nhóm. Thân thiết và không thân thiết, đó chẳng phải cùng nhóm. Chánh pháp, tà pháp cũng chẳng phải cùng nhóm. Trí và vô trí, cũng chẳng phải cùng nhóm. Sa-môn, chẳng phải sa-môn; bà-la-môn, chẳng phải bà-la-môn; con, chẳng phải con; ngày, chẳng phải ngày; đêm, chẳng phải đêm; ngã, chẳng phải ngã... những pháp như vậy là cùng nhóm và không cùng nhóm. Bởi vậy nên biết rằng nhất định có ngã.

“Thế Tôn! Những kẻ ngoại đạo dùng đủ cách để nói rằng có thường, lạc, ngã, tịnh. Nên biết rằng nhất định có thường, lạc, ngã, tịnh. Thế Tôn! Vì nghĩa ấy nên những kẻ ngoại đạo cũng có thể nói rằng: Ta có chân đế.”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu có vị sa-môn, bà-la-môn nào có thường, có lạc, có ngã, có tịnh, họ chẳng phải là sa-môn, bà-la-môn. Vì sao vậy? Vì mê muội nơi sanh tử, lìa xa bậc Đại đạo sư thông hiểu tất cả. Hạng sa-môn, bà-la-môn ấy chìm đắm trong các dục, vì pháp lành của họ bị yếu ớt, mất đi. Những kẻ ngoại đạo này bị trói buộc trong ngục tù của tham dục, sân khuể và ngu si, cam tâm hưởng thụ sự vui sướng [giả tạm].

“Những kẻ ngoại đạo ấy tuy biết rằng nghiệp quả tự làm tự chịu, nhưng chưa thể lìa xa pháp xấu ác. Những kẻ ngoại đạo ấy không tự sanh sống theo Chánh pháp, chánh mạng. Vì sao vậy? Vì không có lửa trí tuệ nên không thể tiêu trừ.

“Những kẻ ngoại đạo ấy tuy tham đắm vướng chấp nơi năm món dục lạc ở hàng cao quý tốt đẹp nhưng lại có rất ít pháp lành, vì không siêng năng tu tập. Những kẻ ngoại đạo ấy tuy muốn đạt được giải thoát chân chánh nhưng không giữ đúng theo giới luật nên không thể thành tựu.

“Những kẻ ngoại đạo ấy tuy muốn được vui sướng nhưng không thể cầu được nhân duyên của sự vui sướng; tuy chán ghét mọi khổ não nhưng việc làm chưa thể lìa xa những nhân duyên gây đau khổ.

“Những kẻ ngoại đạo ấy tuy bị con rắn độc bốn đại buộc trói, nhưng vẫn còn làm việc buông thả, không thể cẩn thận. Những kẻ ngoại đạo ấy bị vô minh che lấp, lìa xa các bạn lành, vui thích ở trong đám lửa lớn hừng hực của Ba cõi vô thường mà không thể thoát ra.

“Những kẻ ngoại đạo ấy mắc phải bệnh nan y phiền não nhưng lại không cầu tìm bậc lương y có trí tuệ lớn. Những kẻ ngoại đạo ấy, trong tương lai sẽ trải qua đường xa hiểm trở vô cùng, nhưng không biết tích lũy các pháp lành để làm hành trang, lương thực mang theo, tự làm tốt đẹp cho mình.

“Những kẻ ngoại đạo ấy thường bị hại bởi tai họa độc địa và dâm dục nhưng họ lại ôm giữ lấy đám sương độc năm món dục; tuy có lòng sân hận bốc cao nhưng lại gần gũi những người bạn xấu.

“Những kẻ ngoại đạo ấy thường bị vô minh che lấp nhưng lại tìm cầu những pháp tà ác. Những kẻ ngoại đạo ấy thường bị những tà kiến mê hoặc nhưng trong chỗ ấy lại nảy sanh tư tưởng thân thiện.

“Những kẻ ngoại đạo ấy cầu được ăn trái ngọt nhưng lại gieo hạt giống đắng. Những kẻ ngoại đạo ấy ở trong nhà tối phiền não nhưng lại lìa xa ngọn đuốc sáng trí tuệ lớn.

“Những kẻ ngoại đạo ấy, tuy khổ bức vì cơn khát phiền não nhưng lại uống vào thứ nước mặn là các món tham dục. Những kẻ ngoại đạo ấy trôi dạt chìm đắm trong dòng sông lớn sanh tử không bờ bến nhưng lại lìa xa vị thuyền sư giỏi nhất.

“Những kẻ ngoại đạo ấy mê hoặc, điên đảo, nói rằng các hành là thường. Các hành nếu là thường thì thật là vô lý!

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.217.118.7 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...