Bồ Tát Ca-diếp bạch: “Thế Tôn! Theo như Phật dạy thì tánh Phật của chúng sanh như hư không. Thế nào gọi là như hư không?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Tánh của hư không chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Tánh Phật cũng thế.
“Thiện nam tử! Hư không chẳng phải quá khứ. Vì sao vậy? Vì không có hiện tại. Nếu có pháp hiện tại [để so sánh] mới có thể nói đến quá khứ, vì không có hiện tại nên không có quá khứ. [Hư không] cũng không có hiện tại. Vì sao vậy? Vì không có vị lai. Nếu có pháp vị lai [để so sánh] mới có thể nói đến hiện tại, vì không có vị lai nên không có hiện tại. [Hư không] cũng không có vị lai. Vì sao vậy? Vì không có hiện tại và quá khứ. Nếu có hiện tại và quá khứ ắt phải có vị lai. Vì không có quá khứ và hiện tại nên không có vị lai. Vì nghĩa ấy nên tánh của hư không chẳng thuộc về ba đời.
“Thiện nam tử! Vì hư không là không nên không có ba đời, chẳng phải vì có mà không có ba đời. Như hoa đốm [được nhìn thấy] giữa hư không, vì không phải có nên không có ba đời. Hư không cũng thế, vì không phải có nên không có ba đời.
“Thiện nam tử! Không có một vật gì cả, tức là hư không. Tánh Phật cũng thế.
“Thiện nam tử! Vì hư không là không nên không thuộc về ba đời. Vì tánh Phật là thường nên không thuộc về ba đời.
“Thiện nam tử! Như Lai đã chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, tánh Phật của Như Lai và hết thảy pháp Phật đều là thường trụ, không biến đổi. Vì nghĩa ấy nên [tánh Phật] không có ba đời, cũng như hư không.
“Thiện nam tử! Vì hư không là không nên chẳng phải trong, chẳng phải ngoài. Vì tánh Phật là thường nên chẳng phải trong, chẳng phải ngoài. Vì thế nên nói rằng tánh Phật cũng giống như hư không.
“Thiện nam tử! Như ở thế gian, nơi nào trống rỗng không ngăn ngại thì gọi là hư không. Như Lai đã chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, đối với tất cả pháp Phật không có gì ngăn ngại, nên nói rằng tánh Phật cũng giống như hư không.
“Vì những nhân duyên như thế nên ta dạy rằng tánh Phật giống như hư không.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai, tánh Phật và Niết-bàn đều không thuộc về ba đời nhưng được gọi là có. Hư không cũng không thuộc về ba đời, vì sao không thể gọi là có?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì không phải Niết-bàn nên gọi là Niết-bàn; vì không phải Như Lai nên gọi là Như Lai; vì không phải tánh Phật nên gọi là tánh Phật.
“Thế nào gọi là không phải Niết-bàn? Đó là nói tất cả các pháp hữu vi phiền não. Vì phá trừ hết thảy những phiền não hữu vi như thế nên gọi là Niết-bàn.
“Không phải Như Lai là nói từ hạng nhất-xiển-đề lên đến các vị Phật Bích-chi. Vì phá bỏ hết từ nhất-xiển-đề cho đến Phật Bích-chi nên gọi là Như Lai.
“Không phải tánh Phật là nói tất cả các vật vô tình như tường vách, ngói gạch, sỏi đá... Lìa khỏi [tất cả] những vật vô tình như thế gọi là tánh Phật.
“Thiện nam tử! Hết thảy thế gian không có gì là chẳng phải hư không, đối lại với hư không.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Trong thế gian cũng không có gì đối lại với bốn đại, mà vẫn có thể gọi bốn đại là có. Hư không không có gì đối lại, vì sao không thể gọi là có?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu nói rằng: ‘Niết-bàn không thuộc về ba đời, hư không cũng vậy.’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Niết-bàn là có, có thể thấy, có thể chứng đắc. Đó là dấu vết của hình sắc, ngôn ngữ văn tự; là hình tướng, là duyên, là chỗ nương về, vắng lặng an tĩnh, soi chiếu sáng tỏ, là bờ bên kia an ổn. Vì thế nên gọi là không thuộc về ba đời. Tánh của hư không chẳng có những pháp như vậy, nên gọi là không. Nếu lìa khỏi những pháp như vậy mà còn có pháp nào khác, ắt phải thuộc về ba đời. Hư không nếu đồng với những pháp có này thì không thể không thuộc về ba đời.
“Thiện nam tử! Như người đời nói rằng: ‘Hư không gọi là không có hình sắc, không có gì đối lại, không thể nhìn thấy.’ Nếu là không có hình sắc, không gì đối lại, không thể nhìn thấy, tức là [thuộc về] các pháp đối tượng của tâm. Nếu hư không đồng với các pháp đối tượng của tâm thì không thể không thuộc về ba đời. Nếu là thuộc về ba đời tức là bốn ấm. Vì thế, lìa khỏi bốn ấm rồi thì không có hư không.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ngoại đạo nói rằng: ‘Hư không là ánh sáng.’ Nếu là ánh sáng tức là pháp [thuộc về] hình sắc. Nếu hư không là pháp hình sắc như thế tức là vô thường. Vì là vô thường nên phải thuộc về ba đời. Làm sao ngoại đạo nói rằng [hư không] chẳng thuộc về ba đời? Nếu thuộc về ba đời ắt chẳng phải là hư không. Vì sao nói rằng hư không là thường?
“Thiện nam tử! Lại có người nói: ‘Hư không là chỗ trụ [của các pháp].’ Nếu có chỗ trụ tức là pháp [thuộc về] hình sắc. Nhưng hết thảy nơi chốn đều là vô thường, thuộc về ba đời. Hư không cũng là thường, không thuộc về ba đời. Nếu nói đến nơi chốn thì biết là chẳng có hư không.
“Lại có người nói rằng: ‘Hư không tức là trật tự sắp xếp.’ Nếu là trật tự sắp xếp, tức là pháp có số lượng. Nếu là pháp [có số lượng] đếm được, tức là thuộc về ba đời. Nếu thuộc về ba đời, vì sao gọi là thường?
“Thiện nam tử! Nếu lại nói rằng: ‘Hư không là không lìa ba pháp: một là không, hai là thật, ba là cả không và thật.’ Nếu nói rằng không là [hư không], nên biết rằng hư không đó là pháp vô thường. Vì sao vậy? Vì không có chỗ thật. Nếu nói rằng thật là [hư không], nên biết rằng hư không đó cũng là vô thường. Vì sao vậy? Vì không có chỗ không. Nếu nói cả không và thật là [hư không], nên biết rằng hư không đó cũng là vô thường. Vì sao vậy? Vì không có cả hai chỗ ấy. [Vì hư không lìa cả ba pháp ấy] nên hư không mới gọi là không.
“Thiện nam tử! Nếu nói rằng: ‘Hư không là pháp có thể tạo thành.’ Như nói: ‘Dẹp bỏ [hết] cây cối, nhà cửa tạo thành hư không; san bằng thành hư không; che khuất [được] hư không, [bay] lên hư không, [nhìn] khắp hư không màu sắc giống như nước biển cả. Vì thế nên hư không là pháp có thể tạo thành.’ Tất cả các pháp được tạo thành đều là vô thường, [chẳng hạn] như bình sành... Nếu hư không là như thế, lẽ ra phải là vô thường.
“Thiện nam tử! Người thế gian nói rằng: ‘Đối với tất cả các pháp không có chỗ ngăn ngại thì gọi là hư không.’ Chỗ không ngăn ngại đó, đối với tất cả các pháp là trọn vẹn hay chỉ một phần? Nếu là trọn vẹn, thì nên biết rằng ngoài ra chỗ khác không có hư không! Nếu là một phần, ắt có sự phân biệt chỗ này với chỗ kia, có thể tính đếm. Nếu là pháp có thể tính đếm thì nên biết là vô thường.
“Thiện nam tử! Như có người nói: ‘Hư không là không ngăn ngại, cùng hợp với các pháp hiện hữu.’ Lại có người nói: ‘Hư không ở nơi sự vật, cũng như trái cây đặt ở trong bát.’ Hai lẽ ấy đều không đúng.
“Vì sao vậy? Nếu nói cùng hợp lại ắt có ba trường hợp. Một là nghiệp khác nhau hợp lại, như [nhiều thứ] chim bay đến tụ tập trên cây. Hai là cùng chung một nghiệp hợp lại, như hai con dê chạm nhau. Ba là đã hợp rồi cùng hợp, như hai ngón tay sóng đôi hợp tại một nơi.
“Nếu nói [hư không và vật là có] nghiệp khác nhau hợp lại, thì chỗ khác nhau ắt phải chia hai, một là nghiệp của vật, hai là nghiệp của hư không. Nếu nghiệp của hư không hợp với vật, thì hư không là vô thường. Nếu nghiệp của vật hợp với hư không, thì vật không [hiện hữu] cùng khắp. Nếu không cùng khắp thì cũng là vô thường.
“Nếu nói hư không là thường, tánh vốn không động, hợp với vật [có tánh] động thì nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Nếu hư không là thường, lẽ ra vật cũng là thường. Nếu vật là vô thường, hư không cũng là vô thường. Nếu nói hư không vừa thường vừa vô thường thì không hợp lý.
“Nếu nói [hư không và vật là có] cùng chung một nghiệp hợp lại, nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Hư không gọi là cùng khắp [mọi nơi]. Nếu hư không hợp với nghiệp, lẽ ra nghiệp cũng là cùng khắp. Nếu là cùng khắp thì mọi nơi đều cùng khắp. Nếu mọi nơi đều cùng khắp thì lẽ ra phải hợp với tất cả, không thể nói là có hợp cùng không hợp.
“Nếu nói đã hợp rồi cùng hợp, như hai ngón tay sóng đôi hợp tại một nơi. Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Vì trước không hợp, sau đó mới hợp lại. Nếu trước không sau có thì là pháp vô thường, nên không thể nói là hư không đã hợp rồi cùng hợp. Như những pháp thế gian, trước không sau có đều là vật vô thường. Hư không nếu là như thế thì lẽ ra cũng là vô thường!
“Nếu nói: ‘Hư không ở nơi sự vật, như trái cây đặt trong bát.’ Nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Khi chưa có vật chứa thì hư không đó ở đâu? Nếu có chỗ ở, ắt phải có nhiều hư không. Nếu là nhiều, sao có thể nói rằng hư không là thường, là duy nhất, là khắp cả? Nếu cho rằng hư không lìa ngoài cái không mà có chỗ trụ, thì sự vật lẽ ra cũng có thể lìa ngoài hư không mà có chỗ trụ! Vì thế nên biết rằng [theo lập luận này thì] không có hư không.
“Thiện nam tử! Như có người nói: ‘Chỗ ngón tay [chỉ đến] gọi là hư không.’ Nên biết rằng hư không [như thế thì] là pháp vô thường. Vì sao vậy? Chỉ là [chỉ về] bốn phương. Nếu có bốn phương, nên biết rằng hư không [như vậy] cũng có bốn phương. Tất cả các pháp thường đều không có phương hướng. Vì có phương hướng nên hư không [như vậy phải] là vô thường. Nếu là vô thường thì không lìa khỏi năm ấm. Phải lìa khỏi năm ấm mới là không chỗ có.
“Thiện nam tử! Nếu có pháp do nhân duyên mà tồn tại, nên biết rằng những pháp ấy là vô thường.
“Thiện nam tử! Ví như tất cả chúng sanh, cây cối đều nhân nơi đất mà tồn tại. Vì đất là vô thường, cho nên mọi thứ nhân nơi đất cũng lần lượt đều là vô thường.
“Thiện nam tử! Như đất nhân nơi nước, vì nước là vô thường nên đất cũng vô thường. Như nước nhân nơi gió, vì gió là vô thường nên nước cũng vô thường. Như gió nương vào hư không, cái không là vô thường nên gió cũng là vô thường. Nếu là vô thường, vì sao nói rằng hư không là thường, là cùng khắp mọi nơi?
“Vì hư không là không nên chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại; cũng như sừng thỏ, vì không phải vật [thật] có nên không phải quá khứ, vị lai, hiện tại.
“Vì thế ta nói [sự khác biệt] rằng: ‘Tánh Phật là thường nên không thuộc về ba đời; hư không là không nên không thuộc về ba đời.’
“Thiện nam tử! Ta chẳng bao giờ tranh biện với thế gian. Vì sao vậy? Người trí nói có, ta cũng nói có; người trí nói không, ta cũng nói không.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch: “Thế Tôn! Bồ Tát ma-ha-tát [tu tập] có đủ bao nhiêu pháp thì không tranh với thế gian, không bị thế gian làm ô nhiễm?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát [tu tập] có đủ mười pháp thì không tranh với thế gian, chẳng bị thế gian làm ô nhiễm. Những gì là mười? Một là đức tin, hai là trì giới, ba là gần gũi bạn tốt hiền thiện, bốn là khéo suy xét nội tâm, năm là đầy đủ tinh tấn, sáu là đầy đủ chánh niệm, bảy là đầy đủ trí tuệ, tám là đầy đủ chánh ngữ, chín là ưa thích chánh pháp, mười là thương xót chúng sanh.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát có đủ mười pháp ấy thì không tranh với thế gian, không bị thế gian làm ô nhiễm, như hoa ưu-bát-la.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như lời Phật dạy: ‘Người trí nói có, ta cũng nói có; người trí nói không, ta cũng nói không.’ [Vậy] những gì gọi là có, không của người trí ở thế gian?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Nếu người trí ở thế gian nói: ‘Sắc là vô thường, khổ, không, vô ngã... cho đến thức lại cũng như vậy.’ Thiện nam tử! Đó gọi là người trí ở thế gian nói có, ta cũng nói có.
“Thiện nam tử! Nếu người trí ở thế gian nói: ‘Sắc không có thường, lạc, ngã, tịnh; thọ, tưởng, hành, thức lại cũng [không có] như vậy.’ Thiện nam tử! Đó gọi là người trí ở thế gian nói không, ta cũng nói không.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Người trí ở thế gian tức chư Phật, Bồ Tát, tất cả thánh nhân. Nếu sắc của tất cả thánh nhân là vô thường, khổ, không, vô ngã, vì sao Như Lai nói rằng sắc thân của Phật là thường hằng, không biến đổi? Người trí ở thế gian nói pháp ấy là không, vì sao Như Lai lại nói là có? Như Lai Thế Tôn đã nói như vậy, sao lại nói rằng không tranh biện với thế gian, không bị pháp thế gian làm ô nhiễm?
“Như Lai đã lìa ba sự điên đảo là tưởng đảo, tâm đảo, kiến đảo; lẽ ra phải nói rằng sắc của Phật thật là vô thường. Nhưng nay Phật lại nói là thường, làm sao có thể gọi là xa lìa điên đảo, không tranh biện với thế gian?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Sắc của phàm phu do phiền não mà sanh, cho nên người trí nói: ‘Sắc là vô thường, khổ, không, vô ngã.’ Sắc của Như Lai lìa xa mọi phiền não, nên ta nói sắc ấy là thường hằng, không biến đổi.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Thế nào là sắc [ấm] do phiền não khởi sanh?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Có ba loại phiền não là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Người có trí nên quán xét sự sai lầm tai hại của ba loại phiền não ấy. Vì sao vậy? Vì khi biết được sự sai lầm tai hại của chúng rồi, ắt có thể lìa xa. Ví như vị lương y, trước phải chẩn mạch biết bệnh ở đâu, rồi sau mới kê đơn thuốc để trị.
“Thiện nam tử! Ví như có người đưa một người mù vào giữa rừng gai góc, bỏ đó mà về. Người mù sau đó rất khó thoát ra khỏi nơi ấy. Ví như có ra khỏi được, thân thể cũng phải thương tổn nặng nề. Kẻ phàm phu thế gian cũng [như người mù kia] vậy, không thể thấy biết sự tội lỗi nguy hại của ba loại phiền não, nên mãi chạy theo chúng. Nếu thấy rõ được, ắt có thể lìa xa. Khi rõ biết được sự sai lầm tai hại [của phiền não] rồi, tuy có chịu quả báo cũng chỉ là [quả báo] nhẹ.
“Thiện nam tử! Có bốn hạng người: Hạng thứ nhất khi tạo nghiệp thì nặng, lúc chịu quả báo thì nhẹ; hạng thứ hai khi tạo nghiệp thì nhẹ, khi chịu quả báo thì nặng; hạng thứ ba khi tạo nghiệp thì nặng, khi chịu quả báo cũng nặng; hạng thứ tư khi tạo nghiệp thì nhẹ, khi chịu quả báo cũng nhẹ.
“Thiện nam tử! Như ai biết quán xét sự sai lầm tai hại của phiền não thì sự tạo nghiệp và chịu quả báo đều nhẹ.
“Thiện nam tử! Người có trí suy xét rằng: ‘Ta nên lìa xa những phiền não như vậy. Ta cũng không nên tạo những nghiệp xấu xa độc ác như vậy. Vì sao? Vì nay ta chưa thoát khỏi những quả báo trong các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người. Nếu tu học đạo, ta sẽ nhờ sức tu tập mà phá trừ được các nỗi khổ.’
“Người ấy quán xét như vậy rồi, [những tâm niệm] tham dục, sân khuể, ngu si liền trở nên yếu ớt. Khi thấy [những tâm niệm] tham, sân, si đã yếu ớt rồi, lòng người ấy rất hoan hỷ. Người ấy lại quán xét rằng: ‘Nay ta được như thế này là nhờ sức nhân duyên tu tập Chánh đạo, giúp ta có thể lìa xa những pháp bất thiện, gần gũi các pháp lành. Cho nên, hiện tại ta đã gặp được Chánh đạo, phải chuyên cần gắng sức hơn nữa để tu tập.’
“Người ấy nhờ sức chuyên cần tu tập nên lìa xa vô lượng phiền não và lìa xa những quả báo nơi các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi trời, cõi người.
“Cho nên, trong kinh ta có dạy rằng: ‘Nên quán xét tất cả phiền não [hữu lậu] và nguyên nhân của phiền não [hữu lậu]. Vì sao vậy? Người có trí nếu chỉ quán xét các phiền não mà không quán xét nguyên nhân của phiền não thì không thể đoạn trừ. Vì sao vậy? Người có trí quán xét rằng: ‘Phiền não do những nguyên nhân này mà sanh, nay nếu ta trừ dứt nguyên nhân thì phiền não sẽ không sanh khởi.’
“Thiện nam tử! Như vị lương y, nếu trừ được nguyên nhân gây bệnh từ trước thì bệnh không sanh ra. Người trí cũng vậy, trước tiên phải trừ dứt nguyên nhân của phiền não.
“Người có trí trước nên quán xét nhân, sau đó quán xét quả; nhờ đó rõ biết được rằng: nhân lành sanh ra quả lành, nhân xấu ác sanh ra quả xấu ác. Quán xét quả báo như vậy rồi, liền lìa xa các nhân xấu ác.
“Sau khi quán xét quả báo, lại nên quán xét đến các phiền não nhẹ và nặng. Quán xét rõ [các phiền não] nhẹ và nặng rồi, trước tiên phải lìa xa các phiền não sâu nặng. Lìa xa được các phiền não sâu nặng rồi, các phiền não nhẹ sẽ tự nhiên dứt mất.
“Thiện nam tử! Nếu người có trí rõ biết được về phiền não như: nguyên nhân sanh phiền não, quả báo của phiền não, [phân biệt được] phiền não nhẹ và nặng, khi ấy sẽ tinh tấn chuyên cần tu tập, không ngưng nghỉ, không chán ngán, thường gần gũi bạn lành, hết lòng nghe pháp. Đó là vì muốn trừ diệt hết thảy những phiền não như vậy.
“Thiện nam tử! Ví như người bệnh, tự biết bệnh nhẹ ắt có thể khỏi. Tuy gặp thuốc đắng vẫn uống vào không ngán. Người trí cũng vậy, siêng năng tu tập Thánh đạo, hoan hỷ không buồn, không ngưng nghỉ, không hối tiếc.
“Thiện nam tử! Nếu ai rõ biết được về phiền não như: nguyên nhân sanh ra phiền não, quả báo của phiền não, [phân biệt được] phiền não nhẹ và nặng, người ấy vì muốn dứt trừ phiền não liền siêng năng tu tập Thánh đạo. Người ấy không nương theo phiền não mà khởi sanh sắc [ấm]. Đối với [các ấm] thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy.
“Nếu ai không rõ biết được về phiền não như: nguyên nhân sanh ra phiền não, quả báo của phiền não, [không phân biệt được] phiền não nhẹ và nặng, người ấy sẽ không siêng năng tu tập, liền nương theo phiền não mà khởi sanh sắc [ấm]. Đối với [các ấm] thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy.
“Thiện nam tử! [Người nào] rõ biết được [những điều] về phiền não như: nguyên nhân sanh ra phiền não, quả báo của phiền não, [phân biệt được] phiền não nhẹ và nặng, vì dứt trừ phiền não nên tu hành đạo, [người] đó chính là Như Lai. Vì nhân duyên ấy, sắc [ấm] của Như Lai là thường tồn, cho đến thức [ấm] cũng là thường tồn.
“Thiện nam tử! [Người nào] không rõ biết được [những điều] về phiền não như: nguyên nhân sanh ra phiền não, quả báo của phiền não, [không phân biệt được] phiền não nhẹ và nặng, không thể tu tập đạo, [người] đó chính là phàm phu. Cho nên sắc [ấm] của phàm phu là vô thường, cho đến [các ấm] thọ, tưởng, hành, thức cũng đều là vô thường.
“Thiện nam tử! Người có trí ở thế gian cùng tất cả thánh nhân, Bồ Tát, chư Phật đều nói hai nghĩa ấy. Ta cũng nói hai nghĩa ấy. Cho nên ta nói là Như Lai không tranh [biện] với hàng trí giả thế gian, Như Lai không bị pháp thế tục làm nhiễm ô.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật vừa dạy về ba thứ [phiền não] lậu [hoặc], thế nào là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Dục lậu, đó là những tư tưởng xấu ác trong tâm, từ thô thiển đến tinh tế. Do nơi các duyên bên ngoài mà sanh ra dục lậu.
“Cho nên lúc trước tại thành Vương Xá ta có bảo A-nan rằng: ‘A-nan! Nay ông thọ nhận bài kệ tụng do người phụ nữ kia nói ra, mà bài kệ ấy vốn thật là do chư Phật quá khứ đã từng tuyên thuyết.’
“Cho nên, hết thảy những tư tưởng xấu ác trong tâm [khởi lên do] nhân duyên bên ngoài đều gọi là dục. Đó là dục lậu.
“Hữu lậu là chỉ chung tất cả các pháp xấu ác trong tâm và các nhân duyên bên ngoài ở Sắc giới và Vô sắc giới, trừ những những tư tưởng xấu ác bên trong và nhân duyên bên ngoài ở Dục giới. Đó là hữu lậu.
“Vô minh lậu là [sự si mê] không rõ biết đúng thật về ngã và ngã sở, không phân biệt được [các pháp] bên trong và bên ngoài. Đó là vô minh lậu.
“Thiện nam tử! Vô minh chính là cội nguồn của tất cả các phiền não. Vì sao vậy? Tất cả chúng sanh do nhân là vô minh, duyên với [năm] ấm, [mười hai] nhập, [mười tám] giới mà sanh ra [mọi sự] nhớ nghĩ suy tưởng, nên gọi là chúng sanh. Đó gọi là điên đảo về tư tưởng, điên đảo về tâm ý, điên đảo về thấy biết. Vì những nhân duyên ấy mà sanh ra tất cả các phiền não.
“Cho nên, trong Mười hai bộ kinh Phật có dạy: ‘Vô minh chính là nguyên nhân của tham lam, nguyên nhân của sân hận và nguyên nhân của si mê.’”
Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Lúc trước, trong Mười hai bộ kinh Như Lai có dạy rằng: ‘Những tư tưởng bất thiện là nhân duyên sanh ra tham dục, sân hận và si mê.’ Nay vì duyên cớ gì lại nói rằng [nhân duyên ấy] là vô minh?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Hai pháp ấy là nhân, quả cho nhau, làm tăng trưởng lẫn nhau. Những tư tưởng bất thiện sanh ra vô minh; vô minh lại là nhân duyên sanh ra những tư tưởng bất thiện.
“Thiện nam tử! Những gì có thể làm khởi sanh và phát triển các phiền não đều gọi chung là nhân duyên phiền não. Gần gũi với các nhân duyên phiền não ấy gọi là vô minh. Những tư tưởng bất thiện ví như hạt giống sanh ra mầm cây. Hạt giống là nguyên nhân trực tiếp, các yếu tố vật chất [như bốn đại] là nguyên nhân gián tiếp. [Vô minh sanh ra] phiền não cũng giống như vậy.”
Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Như Phật đã dạy: ‘Vô minh chính là lậu hoặc.’ Tại sao nay lại dạy rằng: ‘Nhân nơi vô minh mà sanh ra các lậu hoặc?’”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như ta nói vô minh lậu, đó là vô minh trong tâm, [vô minh này chính là các lậu hoặc]. [Còn] nhân nơi vô minh sanh ra các [phiền não] lậu hoặc, đó là các nhân ở cả bên trong và bên ngoài.
“Nếu nói vô minh là các lậu hoặc, đó là [chỉ đến sự] điên đảo trong lòng, không nhận thức được những lẽ vô thường, khổ, không, vô ngã. Nếu nói [vô minh là] tất cả nhân duyên phiền não, đó là [chỉ đến trường hợp] không rõ biết những gì bên ngoài ngã và ngã sở.
“Nếu nói vô minh là các lậu, đó là [nói sự si mê đã có từ] vô thủy đến vô chung. [Còn nói vô minh sanh các lậu hoặc là ý nghĩa] từ nơi vô minh mà sanh ra [các] ấm, nhập, giới... [hợp thành chúng sanh]”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như lời Phật dạy: ‘Người có trí rõ biết nguyên nhân các phiền não.’ Sao gọi là rõ biết nguyên nhân của phiền não?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Người có trí nên quán xét: ‘Do nhân duyên gì sanh ra phiền não như vậy? Tạo tác những hành vi nào sanh ra phiền não? Vào những thời điểm nào sanh ra phiền não? Sống chung với ai sanh ra phiền não? Bám chấp vào nơi nào sanh ra phiền não? Quán xét những việc gì sanh ra phiền não? Thọ nhận những chỗ ở, chỗ nằm ngồi, y phục, thuốc men... của ai sanh ra phiền não? Do những nhân duyên gì [có thể từ] bậc thấp kém chuyển lên bậc trung bình, từ bậc trung bình chuyển lên bậc cao quý; [có thể từ] nghiệp thấp kém trở thành nghiệp trung bình, từ nghiệp trung bình trở thành nghiệp cao thượng?’
“Khi Bồ Tát ma-ha-tát quán xét như vậy liền được lìa xa các nhân duyên sanh ra phiền não. Khi quán xét như vậy liền ngăn chặn những phiền não chưa sanh, khiến cho không thể sanh khởi; đối với những phiền não đã sanh khởi liền có thể dứt trừ. Vì thế, trong Khế kinh ta dạy rằng: ‘Người có trí nên quán xét các nhân duyên sanh ra phiền não.’”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Trong một thân của chúng sanh làm sao có thể sanh khởi đủ mọi thứ phiền não?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như trong một vật chứa có đủ mọi thứ hạt giống, nếu được tưới nước hoặc có mưa, mỗi thứ [hạt giống ấy] đều tự sanh. Chúng sanh cũng thế, tuy chỉ một vật chứa [là cái thân], do nhân duyên là ái dục nên sanh trưởng mọi thứ phiền não.”
Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Người có trí quán xét quả báo như thế nào?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Người có trí nên quán xét rằng: ‘Do nhân duyên phiền não có thể sanh vào các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do nhân duyên phiền não sanh làm thân người, thân chư thiên, chính là vô thường, khổ, không, vô ngã. Thân này là vật chứa, bên trong có ba loại khổ, ba loại vô thường. Các phiền não là nhân duyên khiến chúng sanh tạo tác năm tội nghịch, thọ các quả báo xấu ác, có thể làm dứt mất căn lành, phạm vào bốn trọng cấm, phỉ báng Tam bảo.’
“Người có trí lại nên quán xét rằng: ‘Ta đã được thọ thân thế này, thật không nên sanh khởi các phiền não như vậy [để rồi phải] nhận chịu những quả báo xấu ác.’”
Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! [Ngoài quả báo hữu lậu còn] có quả báo vô lậu. Phật lại dạy rằng: ‘Người có trí dứt trừ các quả báo.’ Vậy quả báo vô lậu có nằm trong số bị dứt trừ đó chăng? Những người [tu tập] đạt đạo đều có quả vô lậu. Nếu những người có trí cầu được quả vô lậu, vì sao Phật dạy rằng tất cả những người có trí nên dứt trừ hết quả báo? Nếu đã dứt trừ hết, thì nay các bậc thánh nhân vì sao lại có [quả báo]?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Đức Như Lai có khi ở trong nhân mà nói quả, có khi ở trong quả mà nói nhân.
“Như người thế gian nói đất sét là bình, sợi chỉ là áo; đó gọi là trong nhân mà nói quả. Như chỉ con bò bảo đó là nước, là cỏ; chỉ con người bảo đó là các món đã ăn vào; như vậy là trong quả mà nói nhân.
“Ta cũng như vậy, [có khi] trong nhân mà nói quả; như trước đây trong kinh ta có dạy: ‘Ta dùng [sức của] tâm mà chuyển thân đến bên Phạm thiên.’ Đó gọi là trong nhân mà nói quả. Còn như [ta có] nói sáu nhập là nghiệp quá khứ, đó là trong quả mà nói nhân.
“Thiện nam tử! Tất cả thánh nhân thật ra không hề có quả báo vô lậu. Tất cả thánh nhân tu tập Chánh đạo, quả báo [của họ là] không còn sanh khởi phiền não, cho nên gọi là quả báo vô lậu.
“Thiện nam tử! Người có trí quán xét như vậy rồi liền dứt trừ mãi mãi quả báo phiền não.
“Thiện nam tử! Người có trí quán xét rồi, vì muốn dứt trừ quả báo phiền não như vậy nên tu tập Thánh đạo. Thánh đạo tức là [các pháp môn] không, vô tướng, vô nguyện. Tu tập Thánh đạo ấy rồi có thể dứt trừ tất cả quả báo phiền não.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Tất cả chúng sanh đều do nơi phiền não mà chịu quả báo. Nói phiền não ở đây là nói sự xấu ác. Do nơi phiền não xấu ác mà sanh khởi các phiền não [khác] cũng gọi là xấu ác. Những phiền não như vậy ắt có hai loại, một là nhân, hai là quả. Vì nhân xấu ác nên sanh quả cũng xấu ác, vì quả xấu ác nên hạt giống cũng xấu ác.
“Ví như trái nhâm-bà, vì hạt giống đắng nên hoa, trái, thân cây... tất cả đều đắng. Lại ví như cây độc, vì hạt giống độc nên sanh quả cũng độc.
“[Nếu] nhân là chúng sanh [thì] quả cũng là chúng sanh; [nếu] nhân là phiền não [thì] quả cũng là phiền não. Nhân và quả của phiền não chính là chúng sanh; chúng sanh chính là nhân và quả của phiền não. Nếu theo nghĩa này thì tại sao trước đây Như Lai có đưa ra ví dụ là nơi Tuyết sơn có cỏ độc nhưng cũng có vị thuốc hay nhất?
“Nếu nói phiền não tức là chúng sanh, chúng sanh tức là phiền não, làm sao có thể nói trong thân chúng sanh [là phiền não đó] có vị thuốc hay nhất?”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, vô lượng chúng sanh đều có cùng mối nghi như vậy. Nay ông đã có thể vì họ mà thưa thỉnh, mong được giảng giải, [vậy] ta cũng sẽ [giải đáp để] dứt trừ mối nghi ấy. Hãy nghe cho kỹ, hãy lắng nghe cho kỹ và khéo suy xét, nay ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng nói.
“Thiện nam tử! Đưa ra ví dụ Tuyết sơn là nói chúng sanh; cỏ độc tức là phiền não; còn vị thuốc hay nhất tức là Phạm hạnh thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Những chúng sanh nào có thể tu tập Phạm hạnh thanh tịnh thì gọi là trong thân có vị thuốc hay nhất.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Thế nào là chúng sanh có [tu tập được] Phạm hạnh thanh tịnh?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như ở thế gian, từ nơi hạt giống mà sanh ra quả. Quả ấy lại có loại có hạt, có loại không hạt. Quả có hạt thì gọi là quả hạt; những quả không hạt thì chỉ gọi là quả, không gọi là quả hạt.
“Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy, cũng phân làm hai loại. Một là những người có quả phiền não [tạo ra] nhân phiền não, hai là những người có quả phiền não nhưng không [tạo ra] nhân phiền não. Những ai có quả phiền não nhưng không [tạo ra] nhân phiền não gọi là Phạm hạnh thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Chúng sanh quán xét cảm thọ, biết rằng đây là nguyên nhân trực tiếp của tất cả phiền não. [Nói tất cả tức là] hết thảy mọi phiền não cả bên trong và bên ngoài. Do nhân duyên là cảm thọ nên [chúng sanh] không thể dứt trừ hết tất cả phiền não, cũng không thể thoát ra khỏi chốn tù ngục là Ba cõi. Chúng sanh do cảm thọ nên vướng chấp nơi ngã và ngã sở, [từ đó] khởi sanh tâm ý điên đảo, tư tưởng điên đảo và sự thấy biết điên đảo.
“Vì thế, chúng sanh trước hết phải quán xét cảm thọ. Cảm thọ ấy là nguyên nhân trực tiếp của tất cả tham ái. [Vì vậy,] người có trí muốn dứt trừ tham ái thì trước hết phải quán xét cảm thọ.
“Thiện nam tử! Mười hai nhân duyên cùng với hết thảy những hành vi thiện ác của chúng sanh đều nhân nơi lúc [khởi sanh] cảm thọ. Cho nên ta từng bảo A-nan rằng: ‘A-nan! Mọi hành vi thiện ác của tất cả chúng sanh đều [khởi sinh] vào lúc có cảm thọ.’ Cho nên người có trí trước hết phải quán xét cảm thọ.
“Sau khi quán xét cảm thọ rồi, lại phải tiếp tục quán xét cảm thọ ấy do nhân duyên gì sanh ra? Nếu đã là do nhân duyên sanh, vậy nhân duyên ấy lại do đâu mà sanh ra? Còn nếu không do nhân mà sanh, tại sao sự không nhân ấy lại chẳng sanh ra [trạng thái] không cảm thọ?
“Lại quán xét rằng: ‘Cảm thọ này không nhân nơi vị trời Tự tại sanh ra, không nhân nơi thần thức [hay linh hồn] mà sanh ra, không nhân nơi bụi bặm sanh ra, không nhân nơi thời tiết sanh ra, không nhân nơi tư tưởng sanh ra, không nhân nơi bản tánh sanh ra; không phải tự thân nó sanh ra, không riêng do [các điều kiện] bên ngoài sanh ra, cũng không phải do tự thân hợp với [các điều kiện] bên ngoài sanh ra; lại không phải không có nguyên nhân mà [tự nhiên] sanh ra. Mọi cảm thọ đều do [đầy đủ] các duyên hợp lại mà sanh ra. Các duyên đó chính là tham ái. Trong sự hòa hợp đó chẳng phải có cảm thọ, cũng chẳng phải không có cảm thọ. Cho nên ta phải dứt trừ ngay từ sự hòa hợp [các duyên] như vậy.’ Vì dứt trừ [ngay từ] sự hòa hợp [của các duyên] nên không còn sanh ra cảm thọ.
“Thiện nam tử! Người có trí quán xét nguyên nhân [của cảm thọ] rồi, tiếp đó lại quán xét đến quả báo. Chúng sanh nhân nơi cảm thọ mà phải nhận chịu các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cho đến vô lượng khổ não trong Ba cõi. Do nhân duyên cảm thọ nên thọ nhận những khoái lạc [giả tạm,] không thường tồn. Do nhân duyên cảm thọ nên dứt mất căn lành. [Nhưng cũng] do nhân duyên cảm thọ mà đạt được giải thoát. Trong khi quán xét như vậy thì không còn tạo ra nhân của cảm thọ.
“Thế nào gọi là không tạo ra nhân của cảm thọ? Đó là nói sự phân biệt các cảm thọ, những cảm thọ nào có thể là nguyên nhân của tham ái, và những tham ái nào có thể là nguyên nhân của cảm thọ.
“Thiện nam tử! Nếu chúng sanh có thể quán xét sâu xa nguyên nhân của tham ái, nguyên nhân của cảm thọ, ắt có thể dứt trừ [những kiến chấp về] ngã và ngã sở.
“Thiện nam tử! Như người có thể thực hành các pháp quán xét như trên, ắt nên phân biệt tham ái và cảm thọ diệt mất nơi đâu. [Khi phân biệt như vậy] liền thấy được tham ái và cảm thọ [thật] có chỗ diệt mất ít nhiều, do đó biết rằng cũng có thể [dần dần] diệt sạch rốt ráo. Bấy giờ liền sanh khởi lòng tin đối với sự giải thoát. Sanh lòng tin rồi [liền suy nghĩ]: ‘Sự giải thoát này do đâu có thể đạt được?’ Nhân đó liền biết rằng nhờ Tám Chánh đạo [mà được giải thoát], liền tu tập [theo đúng] Tám Chánh đạo.
“Thế nào gọi là Tám Chánh đạo? Theo đạo này mà quán xét cảm thọ thì thấy có ba tướng trạng, một là [cảm thọ] khổ, hai là [cảm thọ] vui, ba là [cảm thọ] không khổ không vui. Ba loại cảm thọ này đều có thể làm tăng trưởng thân và tâm.
“Do nhân duyên gì mà [ba loại cảm thọ ấy] có thể làm tăng trưởng [thân và tâm]? Do nhân duyên là xúc chạm. Xúc chạm có ba loại, một là xúc chạm vô minh, hai là xúc chạm sáng suốt, ba là xúc chạm không phải vô minh, không phải sáng suốt.
“Nói xúc chạm sáng suốt tức là Tám Chánh đạo. [Trừ loại xúc chạm này ra,] còn hai loại xúc chạm kia đều làm tăng trưởng thân tâm và ba loại cảm thọ. Vì thế nên phải dứt trừ hai loại xúc chạm ấy. Khi nhân duyên xúc chạm đã dứt rồi thì không còn sanh ra ba loại cảm thọ nữa.
“Thiện nam tử! Cảm thọ như thế cũng gọi là nhân, cũng gọi là quả. Người có trí nên quán xét rằng [cảm thọ] vừa là nhân, vừa là quả. Sao gọi là nhân? Nhân nơi cảm thọ sanh ra tham ái, nên gọi [cảm thọ] là nhân. Sao gọi là quả? Nhân nơi sự xúc chạm sanh ra cảm thọ, nên gọi [cảm thọ] là quả. Vì thế, cảm thọ vừa là nhân, cũng vừa là quả.
“Người có trí quán xét cảm thọ như vậy rồi, tiếp đó quán xét tham ái. Quả báo của cảm thọ là tham ái. Người có trí quán xét tham ái có hai loại, một là tạp thực, hai là vô thực. Tham ái tạp thực là nhân của sanh, già, bệnh, chết cùng tất cả các cảnh giới hiện hữu. Tham ái vô thực dứt hết sanh, già, bệnh, chết cùng tất cả các cảnh giới hiện hữu, [chỉ] ham muốn tu đạo vô lậu.
“Người có trí lại nên suy xét rằng: ‘Nếu ta sanh khởi tham ái tạp thực, ắt không thể dứt trừ sanh, già, bệnh, chết. Tuy nay ta ham muốn đạo vô lậu, nhưng nếu không trừ dứt nguyên nhân của cảm thọ thì không thể đạt được đạo quả vô lậu. Vì thế, trước hết phải dứt trừ mọi xúc chạm. Xúc chạm đã dứt trừ rồi thì cảm thọ tự nhiên diệt mất. Cảm thọ đã diệt mất rồi thì tham ái cũng theo đó mà diệt.’
“[Tu tập quán xét như trên] gọi là [tu tập theo đúng] Tám Chánh đạo.
“Thiện nam tử! Nếu chúng sanh nào có thể quán xét như vậy, tuy mang thân độc hại nhưng trong thân đó cũng có vị thuốc diệu kỳ; cũng như nơi Tuyết sơn, tuy có cỏ độc nhưng cũng có vị thuốc hay.
“Thiện nam tử! Những chúng sanh ấy tuy do phiền não mà nhận chịu quả báo, nhưng quả báo này không tiếp tục làm nhân sanh ra phiền não. Đó gọi là Phạm hạnh thanh tịnh.
“Lại nữa, thiện nam tử! Người có trí nên quán xét cảm thọ và tham ái do nhân duyên gì sanh ra? [Quán xét như vậy rồi liền] biết rằng [cảm thọ và tham ái] đều do vọng tưởng sanh ra. Vì sao vậy? Chúng sanh trong khi thấy hình sắc không sanh tham muốn, trong khi quán xét cảm thọ cũng không sanh tham muốn, chỉ khi đối với những hình sắc [ấy] khởi sanh vọng tưởng điên đảo, cho rằng đó là thường, lạc, ngã, tịnh; rằng cảm thọ [đối với hình sắc đó] là thường còn, không biến đổi; [thì] nhân nơi tư tưởng điên đảo ấy mới khởi sanh [các tâm] tham lam, sân khuể và si mê. Vì thế nên người có trí phải biết quán xét [vọng] tưởng.
“Thế nào là quán xét [vọng] tưởng? Nên suy xét rằng: ‘Tất cả chúng sanh khi chưa đạt được Chánh đạo đều có những tư tưởng điên đảo. Thế nào là tư tưởng điên đảo? Đối với việc không thường còn mà khởi sanh tư tưởng [cho đó là] thường còn; đối với việc không phải vui mà khởi sanh tư tưởng [cho đó là] vui; đối với việc chẳng phải thanh tịnh mà khởi sanh tư tưởng [cho đó là] thanh tịnh; đối với các pháp [vốn thật là] không mà khởi sanh tư tưởng [cho đó là] có ngã; đối với [các đối tượng thật] không phải là nam, nữ, lớn, nhỏ, ngày, đêm, năm, tháng, y phục, nhà cửa, chỗ ngồi nằm... mà khởi sanh tư tưởng [cho đó là] nam, nữ... cho đến chỗ ngồi nằm...
“Tưởng có ba loại, một là nhỏ, hai là lớn, ba là vô lượng. Do nhân duyên nhỏ nên sanh ra tưởng nhỏ; do nhân duyên lớn nên sanh ra tưởng lớn; do nhân duyên vô lượng nên sanh ra tưởng vô lượng.
“Lại có [cách phân loại] tưởng nhỏ là khi chưa nhập định; tưởng lớn là khi đã nhập định; tưởng vô lượng là khi đạt đến Mười nhất thiết nhập.
“Lại có [cách phân loại] tưởng nhỏ là tất cả [vọng] tưởng trong Dục giới, tưởng lớn là tất cả [vọng] tưởng trong Sắc giới, tưởng vô lượng là tất cả [vọng] tưởng trong Vô sắc giới.
“Nếu ba loại tưởng [phân biệt như trên] đều diệt cả rồi, ắt cảm thọ cũng tự nhiên diệt mất. Vì tưởng và cảm thọ đều diệt hết nên gọi là giải thoát.”
Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Diệt tất cả pháp gọi là giải thoát, vì sao Như Lai dạy rằng tưởng và cảm thọ diệt hết gọi là giải thoát?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như Lai có lúc nhân nơi chúng sanh mà thuyết pháp, [khiến] người nghe hiểu được pháp; cũng có lúc lại nhân nơi pháp mà thuyết về chúng sanh, cũng khiến người nghe hiểu được chúng sanh.
“Thế nào gọi là nhân nơi chúng sanh mà thuyết pháp, khiến người nghe hiểu được pháp? Như trước đây ta vì Đại Ca-diếp mà dạy rằng: ‘Ca-diếp! Khi chúng sanh diệt ắt pháp lành cũng diệt.’ Đó gọi là nhân nơi chúng sanh mà thuyết pháp, khiến người nghe hiểu được pháp.
“Thế nào gọi là nhân nơi pháp mà thuyết về chúng sanh, cũng khiến người nghe hiểu được chúng sanh? Như trước đây ta vì A-nan mà dạy rằng: ‘Ta không nói việc gần gũi với tất cả pháp, cũng không nói việc không gần gũi với tất cả pháp. Nếu có những pháp mà khi gần gũi thì pháp lành phải suy yếu, pháp xấu ác trở nên mạnh mẽ, thì không nên gần gũi với những pháp như vậy. Nếu có những pháp mà khi gần gũi rồi thì pháp xấu ác suy yếu diệt mất, pháp lành tăng trưởng, thì nên gần gũi với những pháp như vậy.’ Đó gọi là nhân nơi pháp mà thuyết về chúng sanh, cũng khiến người nghe hiểu được chúng sanh.
“Thiện nam tử! Tuy Như Lai chỉ nói đến [hai pháp là] tưởng và cảm thọ diệt mất, nhưng theo đó có thể hiểu là nói chung tất cả [các pháp] đều diệt mất.
“Người có trí đã quán xét về tưởng như trên rồi, tiếp đó lại quán xét về nguyên nhân của tưởng. Như tưởng vô lượng do nhân gì mà sanh ra? [Quán xét rồi] liền biết được rằng do nhân là xúc chạm mà sanh ra.
“Xúc chạm có hai loại, một là có nguyên nhân nơi phiền não, hai là có nguyên nhân nơi giải thoát. Nhân nơi vô minh sanh ra xúc chạm gọi là phiền não xúc; nhân sự sáng suốt sanh ra xúc chạm gọi là giải thoát xúc.
“Nhân nơi phiền não xúc mà sanh ra tư tưởng điên đảo, nhân giải thoát xúc mà sanh ra tư tưởng không điên đảo. Sau khi quán xét nguyên nhân của tưởng [như vậy] rồi, tiếp đó sẽ quán xét quả báo [của tưởng].”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu do tưởng có nhân là phiền não [xúc] mà sanh ra tư tưởng điên đảo, thì tất cả thánh nhân thật ra đều có tư tưởng điên đảo, nhưng không có phiền não, nghĩa ấy là thế nào?”
Phật hỏi Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Vì sao [nói rằng] thánh nhân lại có tư tưởng điên đảo?”
Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn! Tất cả thánh nhân, khi nhìn thấy con bò, con ngựa, [tuy thật không phải là bò, là ngựa, nhưng lại khởi sanh tư] tưởng [cho đó] là con bò, con ngựa; cũng nói rằng đó là con bò, con ngựa. Đối với [tất cả các đối tượng khái niệm như] nam, nữ, lớn, nhỏ, nhà cửa, xe cộ, đi lại... cũng đều như vậy. Đó gọi là tư tưởng điên đảo.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Tất cả phàm phu có hai loại tư tưởng, một là tư tưởng thuận theo quy ước chung của thế gian, hai là tư tưởng tự mình vướng chấp. Tất cả thánh nhân chỉ có tư tưởng thuận theo quy ước chung của thế gian mà thôi, không hề có tư tưởng tự mình vướng chấp.
“Tất cả phàm phu do [trong lòng mang] tư tưởng xấu ác nên đối với những tư tưởng thuận theo quy ước chung của thế gian lại sanh ra tư tưởng vướng chấp. Tất cả thánh nhân do [trong lòng có] tư tưởng hiền thiện nên đối với những tư tưởng thuận theo quy ước chung của thế gian không sanh ra tư tưởng vướng chấp. Vì thế nên [tư tưởng của] phàm phu gọi là tư tưởng điên đảo, thánh nhân tuy rõ biết [tất cả các pháp thuận theo quy ước thế gian] nhưng không thể gọi đó là tư tưởng điên đảo.
“Người có trí quán xét nguyên nhân của tưởng [như vậy] rồi, tiếp đó lại quán xét quả báo [của tưởng]. [Quán xét rồi liền nhận biết rằng:] Quả báo của tư tưởng xấu ác này là phải nhận chịu [khổ não trong] các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi trời, cõi người. Nếu nhân nơi sự dứt trừ những tư tưởng xấu ác thì có thể dứt trừ sự xúc chạm [sanh ra bởi] vô minh, [tức phiền não xúc], do đó mà dứt trừ được tưởng. Do tưởng đã dứt mất nên quả báo cũng dứt mất.
“Người có trí muốn dứt trừ nguyên nhân của tưởng như thế, phải tu tập [theo đúng] Tám Chánh đạo.
“Thiện nam tử! Nếu ai có thể tu tập các pháp quán như trên thì gọi là Phạm hạnh thanh tịnh. Thiện nam tử! Đó gọi là trong thân độc hại của chúng sanh có vị thuốc hay nhất, cũng như nơi Tuyết sơn tuy có cỏ độc nhưng cũng có vị thuốc hay.
“Lại nữa, thiện nam tử! Người có trí quán xét về tham dục, [thấy rằng] tham dục tức là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm. Thiện nam tử! Đó chính là Như Lai trong nhân nói quả, vì do nơi năm pháp ấy mà sanh ra tham dục, chứ [tự thân] chúng thật không phải là tham dục.
“Thiện nam tử! Những kẻ ngu si vì tham muốn cảm thọ nên đối với hình sắc khởi sanh tư tưởng điên đảo, cho đến đối với âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm, cũng đều sanh tư tưởng điên đảo. Do nhân duyên là tư tưởng điên đảo mà sanh ra các cảm thọ. Cho nên người thế gian nói rằng: ‘Do tư tưởng điên đảo mà sanh ra mười loại tư tưởng.’
“Do nhân duyên tham dục nên [chúng sanh] phải lưu chuyển trong thế gian, nhận chịu các quả báo xấu ác, lại làm cả những việc ác đối với cha mẹ, sa-môn, bà-la-môn... Những việc không nên làm vẫn cố sức làm, chẳng tiếc thân mạng. Vì thế, người có trí quán xét rằng: ‘Do nhân duyên là các tư tưởng xấu ác nên sanh ra tâm tham dục.” Người có trí quán xét nguyên nhân của tham dục như vậy rồi, tiếp đó liền quán xét quả báo [của tham dục].
“Tham dục có nhiều quả báo xấu ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc trong cõi người, cõi trời. Đó gọi là quán xét quả báo. [Người có trí quán xét rằng:] ‘Nếu tư tưởng xấu ác bị trừ dứt thì không sanh ra tâm tham dục. Vì không có tâm tham dục nên không nhận các cảm thọ xấu ác. Vì không có cảm thọ xấu ác nên không có quả báo xấu ác. Vì thế, trước hết ta phải dứt trừ tư tưởng xấu ác. Dứt trừ mọi tư tưởng xấu ác rồi thì tất cả những pháp [theo sau] như vậy cũng tự nhiên dứt hết.’
“Do đó, người có trí muốn dứt trừ tư tưởng xấu ác liền tu tập Tám Chánh đạo, như thế gọi là Phạm hạnh thanh tịnh. Đó gọi là trong thân độc hại của chúng sanh cũng có vị thuốc hay nhất, cũng như nơi Tuyết sơn tuy có cỏ độc nhưng cũng có vị thuốc kỳ diệu.
“Lại nữa, thiện nam tử! Người có trí quán xét tham dục như vậy rồi, sau đó sẽ quán xét về nghiệp. Vì sao vậy? Người có trí nên suy xét rằng: ‘Cảm thọ, tư tưởng, xúc chạm, tham dục chính là phiền não. Phiền não này có thể tạo thành sanh nghiệp nhưng không tạo thành thọ nghiệp. [Nhưng khi] phiền não đi cùng với nghiệp [đã tạo] ắt có hai loại, một là tạo thành sanh nghiệp, hai là tạo thành thọ nghiệp. Vì thế, người có trí cần phải quán xét về nghiệp. [Quán xét rồi liền thấy rằng] nghiệp như vậy có ba loại là: nghiệp của thân, nghiệp của miệng và nghiệp của ý.
“Thiện nam tử! Hai nghiệp của thân và của miệng vừa là nghiệp, vừa là quả của nghiệp. Riêng nghiệp của ý chỉ là nghiệp, không thể gọi là quả; vì có nhân là nghiệp nên mới gọi là nghiệp.
“Thiện nam tử! Hai nghiệp của thân và của miệng gọi là nghiệp bên ngoài; nghiệp của ý gọi là nghiệp bên trong.
“Ba nghiệp này [nếu] đi cùng với phiền não [có thể] tạo thành sanh nghiệp và thọ nghiệp.
“Thiện nam tử! Nghiệp của ý là nghiệp [giữ vai trò] chính. Nghiệp của thân và miệng là nghiệp có hạn kỳ [phát sanh]. Cho nên nghiệp của ý phát sanh trước nhất, rồi nương theo nghiệp của ý mới phát sanh các nghiệp của thân và của miệng. Vì thế mà nghiệp của ý được gọi là nghiệp [giữ vai trò] chính.
“Người có trí quán xét nghiệp [như vậy] rồi, tiếp đó quán xét nguyên nhân của nghiệp. [Quán xét rồi liền rõ biết] nguyên nhân của nghiệp chính là sự xúc chạm [sanh ra bởi] vô minh, [tức là phiền não xúc]. Nhân nơi sự xúc chạm sanh ra bởi vô minh mà chúng sanh tham cầu sự hiện hữu, [nên] nhân duyên tham cầu hiện hữu chính là tham ái. Do nhân duyên là tham ái [nên chúng sanh] tạo tác các nghiệp của thân, của miệng và của ý.
“Thiện nam tử! Người có trí quán xét nguyên nhân của nghiệp như vậy rồi, tiếp đó liền quán xét quả báo. [Quán xét rồi liền rõ biết] có bốn loại quả báo: một là quả báo thuần xấu ác, hai là quả báo thuần thiện, ba là quả báo hỗn tạp và bốn là quả báo không thiện không ác.
“Quả báo thuần xấu ác là khi tạo nghiệp thì ô nhiễm, quả báo nhận lấy cũng ô nhiễm. Quả báo thuần thiện là khi tạo nghiệp thì trong sạch, quả báo nhận lấy cũng trong sạch. Quả báo hỗn tạp là khi tạo nghiệp thì lẫn lộn [có thiện có ác], quả báo nhận lấy cũng lẫn lộn [có tốt có xấu]. Quả báo không thiện không ác gọi là nghiệp vô lậu.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Trước đây Phật dạy rằng nghiệp vô lậu không có quả báo, sao nay lại dạy rằng quả báo không thiện không ác là của nghiệp vô lậu?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! [Tuy nói quả báo nhưng] thật có hai nghĩa. Một là có quả, có báo; hai là chỉ có quả mà không có báo.
“Quả báo thuần xấu ác là có quả, có báo. Do nhân duyên xấu ác sanh ra nên gọi là quả; [quả ấy] có thể làm nhân [sanh ra quả khác] nên gọi là báo. Quả báo thuần thiện và quả báo hỗn tạp cũng giống như vậy. Riêng quả vô lậu do nhân hữu lậu sanh ra nên gọi là quả, [nhưng] không làm nhân [cho quả] khác nên không gọi là báo. Vì thế nên [quả vô lậu chỉ] gọi là quả, không gọi là báo.”
Bồ Tát Ca-diếp lại thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Nghiệp vô lậu không phải là pháp xấu ác, do nhân duyên gì lại không gọi đó là [thuần] thiện?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì không có báo nên không gọi là thiện. Vì đối lại với xấu ác nên mới gọi là thiện. Cho nên ta có dạy rằng: ‘Vì có thọ nhận quả báo nên [phân chia] gọi là thiện, ác.’ Nghiệp vô lậu không thọ báo nên không gọi là thiện, mà gọi là vắng lặng, an tĩnh.
“Những nghiệp nói trên được xác định có nơi thọ báo, như [nghiệp của] Mười điều bất thiện nhất định [phải thọ quả báo] nơi các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nghiệp của Mười điều thiện nhất định [thọ quả báo] nơi cõi trời, cõi người.
“Mười điều bất thiện lại chia thành ba hạng: hạng nặng, hạng vừa và hạng nhẹ. Do nhân duyên [thuộc hạng] nặng nên thọ thân nơi địa ngục. Do nhân duyên hạng vừa nên thọ thân làm súc sanh. Do nhân duyên hạng nhẹ nên thọ thân ngạ quỷ.
“Nghiệp của Mười điều thiện lại có bốn hạng: hạng thấp, hạng vừa, hạng cao và hạng cao nhất. Do nhân duyên thuộc hạng thấp nên sanh ở châu Uất-đan-việt. Do nhân duyên hạng vừa nên sanh ở châu Phất-bà-đề. Do nhân duyên hạng cao nên sanh ở châu Cù-đà-ni. Do nhân duyên hạng cao nhất nên sanh ở châu Diêm-phù-đề.
“Người có trí sau khi quán xét như vậy rồi liền suy nghĩ rằng: ‘Nay ta phải làm sao để dứt trừ quả báo này?’ Rồi lại nghĩ rằng: ‘Nhân duyên sanh ra nghiệp này là sự xúc chạm [sanh ra bởi] vô minh, [tức phiền não xúc]. Nếu ta dứt trừ sự xúc chạm [sanh ra bởi] vô minh thì quả của nghiệp này phải dứt hẳn không còn sanh ra.’ Vì thế, người có trí vì muốn dứt trừ nhân duyên là sự xúc chạm [sanh ra bởi] vô minh nên tu tập Tám Chánh đạo. Đó gọi là Phạm hạnh thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Đó gọi là trong thân độc hại của chúng sanh có vị thuốc hay nhất, cũng như nơi Tuyết sơn tuy có cỏ độc nhưng cũng có thuốc quý.
“Lại nữa, thiện nam tử! Người có trí quán xét nghiệp, quán xét phiền não [như trên] rồi, tiếp đó quán xét quả báo của nghiệp và phiền não. Quả báo của hai thứ ấy chính là khổ não. Đã biết rõ là khổ ắt có thể buông bỏ lìa xa tất cả mọi sự thọ sanh.
“Người có trí lại quán xét rằng: ‘Phiền não là nhân duyên sanh ra phiền não, nghiệp cũng là nhân duyên sanh ra phiền não.
“Phiền não lại là nhân duyên sanh ra nghiệp, nghiệp là nhân duyên sanh ra khổ.
“Khổ là nhân duyên sanh ra phiền não, phiền não là nhân duyên sanh ra sự hiện hữu.
“Sự hiện hữu là nhân duyên sanh ra khổ, sự hiện hữu [cũng] là nhân duyên sanh ra sự hiện hữu [tiếp nối].
“Sự hiện hữu là nhân duyên sanh ra nghiệp, nghiệp là nhân duyên sanh ra phiền não.
“Phiền não là nhân duyên sanh ra khổ, khổ là nhân duyên sanh ra sự khổ [tiếp nối].’
“Thiện nam tử! Nếu người trí có thể quán xét như vậy, nên biết rằng người ấy có thể quán xét sự khổ của [việc thọ] nghiệp. Vì sao vậy? Quán xét như trên tức là mười hai nhân duyên của sanh tử. Nếu ai có thể quán xét mười hai nhân duyên ấy của sanh tử, nên biết rằng người ấy sẽ không tạo tác nghiệp mới và có thể phá trừ nghiệp cũ.
“Thiện nam tử! Người có trí khi quán xét sự khổ nơi địa ngục, quán xét từ một địa ngục cho đến đủ một trăm ba mươi sáu nơi [địa ngục]. Mỗi một địa ngục có đủ mọi thứ khổ, đều do nhân duyên là phiền não và nghiệp sanh ra.
“Quán xét [sự khổ nơi] địa ngục rồi, tiếp đó lại quán xét mọi nỗi khổ của [các cảnh giới] ngạ quỷ, súc sanh. Quán xét như vậy rồi, lại quán xét đến những nỗi khổ của cõi người, cõi trời. [Liền rõ biết được rằng] hết thảy những nỗi khổ như vậy đều do nơi nhân duyên là phiền não và nghiệp sanh ra.
“Thiện nam tử! Các cõi trời tuy không có sự khổ não lớn lao [như các cõi khác], nhưng thân thể mềm mại, trơn láng của chư thiên khi có năm tướng suy hiện ra thì cũng chịu sự khổ não ghê gớm, không khác gì so với nỗi khổ ở địa ngục.
“Thiện nam tử! Người trí quán xét sâu xa các nỗi khổ trong Ba cõi, [thấy rằng tất cả] đều do nhân duyên là phiền não và nghiệp sanh ra.
“Thiện nam tử! Ví như món đồ [gốm] khi chưa nung rất dễ vỡ, cái thân mà chúng sanh thọ nhận cũng vậy; khi đã thọ thân rồi thì thân ấy trở thành vật chứa đựng mọi thứ khổ não. Ví như cây lớn, hoa quả sai oằn thì các loài chim có thể đến phá hoại. Như cỏ khô chất lại nhiều, chỉ một chút lửa cũng đủ để thiêu rụi. Thân của chúng sanh bị các nỗi khổ làm cho hư hoại cũng giống như vậy.
“Thiện nam tử! Nếu người trí quán xét được tám loại khổ não [như trong phẩm] Thánh hạnh [đã giảng], thì nên biết rằng người ấy có thể đoạn trừ mọi nỗi khổ.
“Thiện nam tử! Người có trí sau khi đã quán xét sâu xa tám loại khổ ấy rồi, tiếp đó quán xét nguyên nhân của khổ. [Quán xét như vậy rồi liền biết được] nguyên nhân của khổ chính là tham ái [sanh ra từ] vô minh. Tham ái [sanh ra từ] vô minh có hai loại, một là tham cầu thân mạng, hai là tham cầu tài vật. Tham cầu thân mạng và tham cầu tài vật, cả hai đều là khổ. Vì thế nên biết rằng tham ái [sanh ra từ] vô minh chính là nguyên nhân của khổ.
“Thiện nam tử! Tham ái [sanh ra từ] vô minh lại có hai loại, một là [hướng vào] bên trong, hai là [hướng về] bên ngoài. Tham ái bên trong có thể tạo thành nghiệp, tham ái bên ngoài có thể làm cho tăng trưởng [nghiệp ấy].
“Lại nữa, tham ái bên trong có thể tạo thành nghiệp, tham ái bên ngoài có thể tạo thành quả của nghiệp. Khi dứt trừ tham ái bên trong thì dứt được nghiệp; khi dứt trừ tham ái bên ngoài thì dứt được quả [của nghiệp].
“Tham ái bên trong có thể sanh ra khổ não đời vị lai; tham ái bên ngoài có thể sanh ra khổ não trong đời hiện tại. Người có trí quán xét tham ái chính là nguyên nhân của khổ.
“Sau khi quán xét nguyên nhân rồi, tiếp đó lại quán xét quả báo [của khổ]. [Quán xét rồi liền biết được] quả báo của khổ chính là sự chấp thủ. [Vì] quả của tham ái là chấp thủ; do nhân duyên chấp thủ này [liền khởi sanh] tham ái bên trong và bên ngoài, ắt phải có sự khổ não vì tham ái.
“Thiện nam tử! Người có trí nên quán xét rằng: ‘Tham ái là nhân duyên của chấp thủ; chấp thủ là nhân duyên của tham ái. Nếu ta có thể dứt trừ cả tham ái và chấp thủ ắt sẽ không tạo ra nghiệp phải nhận chịu các nỗi khổ.’ Cho nên, người có trí vì muốn dứt trừ sự khổ do tham ái mà tu tập Tám Chánh đạo.
“Thiện nam tử! Nếu ai có thể quán xét như trên tức là Phạm hạnh thanh tịnh. Đó gọi là trong thân độc hại của chúng sanh có vị thuốc hay nhất, cũng như nơi Tuyết sơn tuy có cỏ độc nhưng cũng có vị thuốc kỳ diệu.”