Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tâm hồn cao thượng »» Phần 5: Tháng Hai »»

Tâm hồn cao thượng
»» Phần 5: Tháng Hai

Donate

(Lượt xem: 6.186)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tâm hồn cao thượng - Phần 5: Tháng Hai

Font chữ:


30.- Chiếc xe hoả máy
Thứ hai, ngày mồng 6
Hôm qua anh Prêcôtxi và anh Garônê lại nhà tôi chơi. Các anh đã được tiếp đãi rất ân cần. Anh Garônê đến nhà tôi là lần thứ nhất vì anh hơi gàn, không muốn để cho ai biết rằng mình đã lớn mà còn học lớp ba. Nghe chuông báo, chúng tôi chạy ngay ra cổng đón các anh. Mẹ tôi xoa đầu anh Prêcôtxi ; cha tôi giới thiệu anh Garônê với mẹ tôi rằng :
- Em này học khá, tâm địa lại tốt lắm. Anh Garônê cúi cái đầu to húi trọc và mỉm cười với tôi. Prêcôtxi mới được thưởng bội tinh . Anh sung sướng quá chừng .Cha anh đã đi làm và dăm hôm nay không thấy say rượu nữa. Ông đổi hẳn tính nết và lúc nào cũng muốn con ở trong xưởng với mình. Chúng tôi bắt đầu chơi. Khi tôi giở những đồ chơi của tôi ra, thấy có cái xe hoả con bằng sắt chạy được anh Prêcôtxi thích quá. Có lẽ chưa được trông thấy thứ đồ chơi ấy bao giờ, nên anh ngắm nghía cái đầu máy và các toa sơn đỏ, sơn vàng. Tôi đưa chìa khoá cho anh vặn, anh quỳ xuống thềm chơi và không ngẩng đầu lên nữa. Tôi chưa hề thấy anh được tươi tỉnh như thế bao giờ ! Anh nói luôn miệng :
- Nhờ anh tí! Tôi nhờ anh tí !
Và lấy tay gạt chúng tôi ra để lối cho xe chạy. Anh nương nhẹ cái xe như là một vật bằng thuỷ tinh, và không dám thở mạnh sợ làm mờ nước sơn. Rồi anh lau chùi, anh ngắm nghía lòng xe, đáy xe và cười một mình. Trông thân hình anh gầy gò và quần áo anh lượt thượt, tôi động lòng thương anh quá.
- Ta cho quách anh ấy cái xe.
Tôi nghĩ thế và định xin phép cha tôi. Bỗng tôi thấy một mẫu giấy nhét vào tay tôi. Tôi nhìn thấy chữ cha tôi viết bằng bút chì :
"Xem y Prêcôtxi thích cái xe của con lắm. Nó không có đồ chơi. Vậy lòng con có nghĩ gì không?" Tức thì tôi nắm lấy cái xe hoả , cầm đưa cho Prêcôtxi và nói :
- Anh cầm lấy. Của anh đấy.
Anh không hiểu, nhìn tôi. Tôi nhắc lại :
- Của anh đấy. Tôi biếu anh đấy !
Anh sửng sốt nhìn cha mẹ tôi và hỏi tôi :
- Nhưng , sao anh lại cho ? Cha tôi đỡ lời :
- Enricô cho em vì em là bạn thân , vì Enricô yêu em... và để mừng tấm bội tinh của em ! Prêcôtxi hỏi một cách thật thà :
- Thưa ông, con có thể mang về nhà được ?
- Được lắm, em ạ !
Anh Garônê liền gói chiếc xe vào mùi soa giúp anh.
Mẹ tôi cho mỗi anh một gói kẹo và gài khuy áo cho anh Garônê một túm hoa nhỏ để đem về tặng mẹ anh.

31.- Một kẻ tù phạm
Thứ hai, ngày 13
Sáng qua, tôi theo cha tôi ra ngoài châu thành, thăm một khu biệt trang cha tôi định thê để nghỉ mát trong vụ hè tới. Người giữ chìa khoá nhà này trước làm giáo dục. Ông đưa chúng tôi đi xem khắp nơi rồi mời chúng tôi vào phòng giải khát.
Trên bàn, gần cốc chúng tôi có một cái lọ mực bằng gỗ hình chóp nón, chạm trổ rất kỳ quái. Thấy cha tôi ngắm mãi lọ mực, ông giáo bảo cha tôi :
- Đấy là một kỷ niệm rất quí báu của tôi. Nếu ngài biết rõ gốc tích ,ngài cũng phải cho là hiếm có. Cha tôi bảo :
- Ông làm ơn kể lại cho tôi nghe. Ông liền thuật lại như sau :
Cách đây mấy năm, khi ông còn làm việc ở Torinô ông phải cử vào đề lao dạy tù suốt một mùa đông. Ở đấy có một phòng cao hình tròn, chung quanh tường trổ nhiều cửa sổ vuông rào sắt. Sau mỗi cửa
sổ là một buồng giam. Giáo sư đi đi lại lại trong phòng để giảng bài ; các tù phạm ngồi sau cửa sổ tì vở vào song sắt biên chép, để lộ trong bóng tối những khuôn mặt gầy gò thiểu não những chòm râu phờ rối và lốm đốm hoa râm, những con mắt tráo trưng của những quân ăn cắp và giết người.
Trong bọn, có một người đeo số 78 là chăm chú hơn cả. Hắn thích học và nhìn thầy bằng đôi mắt đầy vẻ kính trọng và biết ơn. Hắn còn trẻ, tóc rậm, râu đen, trước kia làm thợ mộc, trong lúc cãi nhau đã vớ chiếc bào ném vào đầu chủ chết tươi. Vì thế hắn bị 6 năm tội đồ.
Trong vòng ba tháng, hắn đã biết đọc, biết viết. Hắn chăm đọc sách lắm, hắn càng học được bao nhiêu thì hình như hắn càng sửa mình và tỏ ý hối hận về việc đã làm.
Một hôm, lúc gần hết giờ, hắn ra hiệu mời giáo sư lại gần cửa sổ và buồn rầu báo cho giáo sư biết hôm sau hắn sẽ phải đổi đi đề lao thành Vênêzua. Sau mấy lời từ biệt cảm động, hắn xin giáo sư cho phép hắn sờ tay...Giáo sư chìa tay, hắn nâng lấy vừa hôn vừa nói "Cảm ơn thầy" rồi chạy mất. Khi giáo sư rút tay ra thì thấy bàn tay đẫm nước mắt.
Từ đó, giáo sư không nhìn thấy người học trò ấy nữa. Giáo sư nói tiếp :
- Sáu năm qua. Tôi mãi làm ăn và cũng không rỗi công nghĩ đến người tù khốn khổ ấy. Bỗng sáng nay, có một người lạ mặt, quần áo rách rưới, chòm râu lốm đốm, đến hỏi tôi :
- Chính ngài là thầy giáo... Tôi hỏi lại :
- Bác là ai ?
Người lạ mặt đáp :
- Tôi là tên tù số 78, người mà thấy đã dạy cách đây 6 năm và sau bài cuối cùng, thầy đã vui lòng
giơ tay cho tôi... Nay hết hạn tù, tôi đến kính biếu thầy vật mọn này chính tay tôi làm trong khi ở nhà lao... Thưa thầy, gọi là một chút để tỏ lòng nhớ ơn, xin thầy nhận cho!
Tôi đứng im, người khách khốn khổ kia tưởng tôi từ chối, hắn liền nhìn tôi một cách tha thiết, như ngụ ý hỏi :
- Sáu năm đau khổ chưa đủ chuộc được danh dự sao ? Thương tình người "học trò lao tù" cũ, tôi nhận vật này.
Giáo sư cho chúng tôi xem lọ mực. Người tù đã dùng đầu cây đinh để trổ và đã dụng tâm lắm mới được thế ! Tôi nhìn thấy hình "cái bút nằm chèo trên quyển vở" và những chữ này :"Kính tặng giáo sư của tôi. - Kỷ niệm của tên 78 - Sáu năm."
Dưới cùng có hàng chữ nhỏ :"Học hành và hy vọng." Kể xong, giáo sư cũng không giữ chúng tôi nữa và để chúng tôi về.

Đi đường, óc tôi chỉ vẩn vơ nghĩ đến người tù nấp sau phên sắt, đến lời hắn từ biệt thầy giáo và đến cái lọ mực chạm tỉ mỉ trong đề lao, cái công trình này đã gợi ra cho tôi biết bao nhiêu là truyện... Đêm nằm tôi cứ mơ đến và sáng hôm sau tôi vẫn còn tưởng đến. Nào tôi có ngờ đâu một câu chuyện ngẫu nhiên nó đợi sẵn tôi ở ngoài trường ! Khi làm xong bài Toán pháp, tôi kể chuyện người tù và tả lại cái lọ mực gõ cùng những câu ghi khắc vào đó cho anh Đêrôtxi nghe. Anh giật nẩy mình rồi lần lượt nhìn anh Crôtxi và tôi.
Anh Crôtxi, con bà bán hoa quả rong, ngồi ghế trên, lúc ấy đang mải làm tính . Đêrôtxi nắm chặt cánh tay tôi và bảo nhỏ :
- Suỵt ! Sáng nay Crôtxi khoe với tôi rằng cha anh mới ở Mỹ Châu về, có cái lọ mực gỗ, hình chóp nón, ngoài khắc vở và bút... Đúng cái lọ mực anh vừa nói rồi !... Sáu năm lại hợp với thời gian mà cha anh đi vắng, đi sang Mỹ anh thường nói thế. - Thì ra ông ta đã ngồi tù! - Hồi Toà kết án, anh Crôtxi còn bé không biết, nên mẹ anh cố ý giấu chuyện ấy. Vậy ta không nên đả động việc ấy nữa và phải trọng sự không biết của anh.

32.- Làm khán hộ cho cha
( Truyện đọc hằng tháng)

Một buổi sáng về tháng Ba, giữa cơn mưa gió, một cậu bé nhà quê, quần áo ướt át và đầy bùn, tay xách gói đồ, đến bệnh viện thành Napơli và đưa cho người gác cổng phong thư.
Cha cậu làm thợ ở Pháp về, khi tàu tới bến bỗng thụ bệnh phải vào nhà thương, chỉ kịp viết mấy chữ về nhà. Được tin, mẹ cậu buồn rầu khôn xiết ! Trong nhà, mẹ già thì tàn tật, con trẻ thì thơ ngây, bà không sao đi được, đành sai cậu là con cả đi thăm và cho vài xu để uống nước. Cậu phải đi bộ 10 cây số.
Nhìn qua lá thư, người gác cổng nhờ một viên y tá đưa cậu đến phòng cha cậu. Viên y tá hỏi :
- Cha em là ai ? Cậu nói tên cha.
Viên y tá không nhớ tên ấy và hỏi :
- Có phải ông thợ già ở ngoại quốc mới về không ? Cậu đáp :
- "Thợ" thì phải, nhưng không "già". Cha tôi mới ở Pháp về.
- Cha em vào đây được bao lâu ? Cậu bé xem lại thư đáp :
- Độ năm hôm nay.
Viên y tá nghĩ một lát rồi sực nhớ ra :
- À phải rồi ! Tôi nhớ ra rồi ở buồng thứ tư, giường trong cùng...
Cậu theo lên tầng gác thứ nhì, qua hành lang vào phòng ngủ thấy hai dãy giường dài. Đến cuối phòng, viên y tá đứng lại vén màn trỏ vào giường bảo :
- Cha em đây.
Cậu vứt gói quần áo, tru lên khóc. Cậu gục đầu vào vai bệnh nhân và nắm chặt lấy cánh tay, song bệnh nhân không nhúc nhích.
Cậu đứng dậy nhìn cha rồi lại khóc. Bệnh nhân hé mắt nhìn cậu hình như hơi nhận ra - nhưng không nói được. Cha cậu chóng già quá. Cậu khó thể nhận ra. Tóc bạc, râu xồm xoàm. Mặt sưng húp, da căng bóng, mắt bé, môi to, thân hình coi rất thiễu não ! Cậu chỉ nhận được cái trán cao và đôi lông mày đen đen của cha thôi. Bệnh nhân thở ì ạch. Cậu gọi :
- Cha ơi ! Con đây ! Con là Phransexcô đây ! Cha không nhận ra con sao ? Con ở quê ra, mẹ sai lên thăm, cha không nói gì à ?
Bệnh nhân nhìn kỹ cậu, rồi mắt lại nhắm nghiền. Đến giờ bác sĩ đi khám, cậu hỏi :
- Thưa bác sĩ, cha con mắc bệnh gì ? Bác sĩ vỗ vai cậu, đáp :
- Con cứ yên tâm, cha con bị chứng đan độc. Bệnh tuy nặng song ta không thất vọng. Con cố trông nom cho cha con. Nhìn thấy con ở đây, cha con sẽ đỡ được đôi phần.
Cậu thất vọng nói :
- Nhưng cha con không biết gì .
- Rồi cha con sẽ biết. Con hãy vững lòng.
Thế rồi, cậu bắt đầu làm người khán hộ cho cha. Cậu luôn tay làm những việc lặt vặt, lúc kéo chăn, khi đuổi ruồi, lúc sờ trán, khi cầm tay cha. Mỗi khi bà phước đưa thuốc đến thì cậu đỡ lấy và cho bệnh nhân uống.
Đêm đến, cậu ngủ trên hai cái ghế ghép liền nhau ; ban ngày cậu lại làm việc bổn phận. Bốn ngày qua. Bệnh cha cậu khi thăng khi giảm, không nhất định.
Sáng ngày thứ năm, bệnh tình bỗng sinh nguy kịch. Lúc ấy, độ 4 giờ chiều, cậu đang lo lắng âu sầu, chợt nghe bên ngoài có tiếng giày đi và tiếng người đàn ông nói :
- Kính chào bà, chúng tôi xin về.
Nghe tiếng người ấy, cậu rùng mình từ đầu đến chân và đứng thẳng dậy như bị máy giật.
Người ấy đi trước bà phước, qua buồng cậu, tay xách túi đồ. Khi trông thấy người ấy, bỗng cậu bé rú lên một tiếng và đứng ngay như tượng .
Người ấy quay lại nhìn cậu rồi cũng kêu to : - Kìa ! Phransexcô !
Cậu bé chạy lại ôm choàng lấy cha. Mọi người thấy thế đều lấy làm lạ.
Cậu xúc động quá không nói nên lời. Sau khi nhìn bệnh nhân, cha cậu hôn cậu và hỏi :
- Không hiểu sao người ta lại dẫn con đến giường người khác ! Mà cha thì đỏ mắt mong con vì mẹ con viết thư nói đã sai con ra đây. Thương hại cho con quá ! Con ở đây được mấy hôm rồi ? Sao lại nhầm được đến như thế nhỉ ? Thôi, nhờ giời cha đã lành mạnh, nay cha xin ra. Vậy con sắp sửa để cùng về...
Cậu bé đáp :
- Cha khỏi rồi ! Con sung sướng quá ! Nhưng con không thể bỏ ông già mà con đã săn sóc từ mấy hôm nay. Kìa ! Cha coi ông ta đang nhìn con hình như muốn gọi con. Con không đành lòng bỏ ông ấy. Hôm nay, ông ấy trở bệnh. Con xin phép cha cho con về sau...
Viên y sinh đứng đó khen :
- Cậu em thật giàu lòng từ thiện!
Cha tôi hỏi viên y sinh :
- Thưa ngài, bệnh nhân là ai thế ? Viên y sinh đáp :
- Ông ta cũng làm thợ như ông và ở ngoại quốc về, ông ta vào đây cùng ngày với ông. Người ta chở vào đây thì ông ta đã mệt và cấm khẩu rồi. Ông ta chắc cũng có gia đình ở xa và có con... Ông ta tưởng cậu em là người nhà ông ta chăng ?
Lúc ấy, bệnh nhân cứ nhìn theo cậu Phransexcô. Người cha bảo :
- Vậy, con cứ ở đây.
Viên y sinh nói :
- Cậu sẽ chẳng phải ở đây lâu đâu!
Người cha nhắc lại :
- Con cứ ở đây. Cha rất vui lòng thấy con là một đứa trẻ có lòng nhân ái. Cha về báo tin cho nhà biết, kẻo lại nóng lòng mong đợi.
Cha cậu hôn cậu rồi ra.
Chiều hôm sau, bác sĩ vào thăm và tuyên bố bệnh nhân khó lòng qua được đến mai. Cậu thức suốt đêm ấy để nâng giấc bệnh nhân. 5 giờ sáng, bà phước vào coi qua bệnh nhân rồi chạy ra. Lát sau, bác sĩ đến, xem mạch rồi nói :
- Ông già gần chết !
Cậu Phransexcô dân dấn nước mắt, cầm tay ông già. Ông già bừng mắt nhìn cậu rồi lại nhắm nghiền. Cậu cảm thấy trong phút lâm chung, ông già đã cố đem hết sức tàn nắm tay cậu, bắt tay cậu...
Lát sau, bác sĩ lại vào, cúi nghe bệnh nhân lần nữa rồi ngẩng lên. Cậu hỏi :
- Thưa ngài, ông ấy đã "đi" chưa?
Bác sĩ đáp :
- Thôi, con về ! Việc phúc của con đến đây là trọn. Con hãy sung sướng đi vì con đáng được sung sướng !
Bà phước rút nắm hoa tươi trong bình bên cửa sổ, đưa cho cậu và bảo :
- Ta chả có gì cho em cả. Em cầm lấy bó hoa này gọi là chút kỷ niệm của nhà thương.
Cậu, một tay đỡ lấy bó hoa, một tay lau nước mắt, nói :
- Cảm ơn bà, nhà con xa quá, đem về đến nơi thì héo cả. Con xin mượn bó hoa này để viếng ông già khốn khổ!...
Nói xong, cậu ngắt những bông hoa rắc lên thi hài người bất hạnh. Đoạn, cậu chào bà phước và bác sĩ, xách gói quần áo trở ra.
Lúc ấy, vầng động đã rạng.

33.- Chú hề con

Thứ hai, ngày 20
Hội giả trang gần mãn, thành phố rất tưng bừng rộn rịp. Trên những khu đất công, chỗ nào cũng thấy dựng những rạp xiếc rong và những vòng đua ngựa gỗ. Ngay cửa sổ nhà tôi trông ra, có một rạp xiếc của người Vêneua. Họ có 6 con ngựa. Rạp dựng giữa bãi, một góc để ba xe ngựa lớn là nơi các tài tử ngủ hay đóng bộ để ra trò và ba cái nhà lăn, hai bên có cửa sổ, trên nóc có ống hơi lúc nào cũng nhả khói xanh. Nhìn qua cửa sổ thấy phơi la liệt những quần áo của trẻ con vắt trên dây. Một người đàn bà vừa nuôi con thơ, vừa làm bếp, vừa nhảy dây. Thực là một khổ cảnh đáng thương ! "Trò rong" ! Người ta thường nói hai tiếng ấy bằng giọng khinh bỉ. Nhưng thực ra họ đã kiếm ăn một cách thật thà, họ đã chịu mọi sự lao khổ để làm vui cho kẻ khác. Trời rét thế, suốt ngày họ chạy từ rạp về xe và chỉ vận phong phanh một chiếc áo đan màu hồng . Họ ăn đứng trong những giờ nghỉ, ít khi được
ngồi và ăn uống thung dung. Đôi khi rạp đã đầy người, bão nổi, lều bay, đèn tắt, thế là buổi diễn đi đời.
Phường xiếc này có hai đứa trẻ giúp việc. Đứa bé nhất là con của chủ rạp, độ 8 tuổi, coi rất đẹp trai , mặt tròn, da xạm, mớ tóc đen toả xuống dưới vành mũ nhọn.
Lúc ra trò, hắn vận một thứ bao màu xanh, hai tay viền đen, chân đi giày vải coi rất ngộ. Hắn có biệt tài đi ngựa !
Hôm nào cũng thế, sáng sớm chúng tôi đã thấy nó đầu trùm khăn vuông đi mua sữa về và dát ngựa ở chuồng ra. Xong, nó bế em đi chơi, hoặc xếp dọn vòng, dây, ghế, bức chắn, hoặc rửa xe, dóm bếp ; trừ một vài phút nghỉ ngơi, còn bao giờ nó cũng ngồi bên cạnh mẹ.
Một tối kia, chúng tôi sang xem xiếc. Trời rét quá ! Rạp vắng tanh. Chú hề bé con vẫn hết sức trổ tài để cho dúm khán giả kia khỏi chán nản. Chú nhảy lộn trên lưng ngựa, bám đuôi ngựa chạy, đứng bằng hai tay, chân ngược lên trời. Rồi chú hát, chú cười. Bộ mặt xạm nâu của chú đã đoạt được lòng yêu của công chúng.
Cha chú thì mặc áo đỏ, quần cụt trắng, đi giày ống, tay cầm roi ra lệnh, nét mặt buồn thiu. Thấy tình cảnh ấy, cha tôi động mối thương tâm. Hôm sau, có hoạ sĩ Đêlix lạichơi, cha tôi nói chuyện :
- Những người ấy làm được lấy chết mà kiếm chẳng được mấy đồng tiền ! Thương hại thay thằng bé con kháu và ngoan quá ! Ta có thể giúp đỡ họ được việc gì không ?
Hoạ sĩ ngỏ một ý kiến rất hay :
- Bác là nhà báo, viết cho họ một câu trong tờ "Tân văn". Bác kể lại những đức tính tốt và tài nghệ của đứa bé. Còn tôi, tôi sẽ vẽ hình nó ở đây, ai ai cũng đọc báo "Tân văn" , chắc sẽ được đông người đến xem.
Nói xong, thi hành ngay. Cha tôi đăng một bài rất hứng thú, nhắc lại những điều chúng tôi đã thấy qua cửa sổ, khiến ai nghe cũng muốn vuốt ve cậu tài tử bé xon. Ông Đêlix phác hoạ hình cậu bé rất giống và có duyên. Báo lên khuôn ngay chiều thử bảy. Thế rồi, buổi biểu diễn tối chủ nhật, công chúng kéo nhau đi xem đông như nước chảy. Người ta nêu trong báo là "Cuộc diễn làm phúc cho chú hề tí hon!".
Cha tôi đưa tôi vào ngồi hạng nhất. Tờ "Tân văn" in hình cậu bé dán ngay ở cửa vào. Rạp đầy người, nhiều khán giả tay cầm tờ báo, chỉ cho nhau đâu là cậu tài tử ; còn cậu bé thì hết chạy đến chỗ người này, lại chạy sang ghế người khác, hớn hở vô cùng ! Ông chủ rạp hôm nay trông cũng "tươi" lắm, vì ông không ngờ được có cái vinh hạnh ấy và từ ngày đi diễn trò đến giờ, chưa từng có báo nào nhắc đến phường ông cả.
Cha tôi ngồi cạnh tôi. Trong hàng khán giả tôi nhận thấy nhiều người quen.
Cuộc diễn bắt đầu. Chú hề đi ngựa, lộn đu và leo dây, tuyệt hay ! Hết mỗi trò lại một tràng pháo tay nổ khắp rạp .
Còn nhiều trò khác như leo dây, múa rối, đi cầu, đánh vòng, nhưng trò nào không có cậu bé là công chúng buồn.
Lúc gần tan tôi thấy ở cửa vào có người nói thầm với chủ rạp. Chủ rạp trông vào cử toạ như muốn tìm ai. Bỗng ông ta để ý đến chúng tôi. Cha tôi hiểu ngay là họ đã tìm ra ký giả bài báo hôm trước. Muốn miễn mọi sự cảm ơn, cha tôi khẽ bảo tôi :
- Enricô ơi ! Con ngồi xem cho hết. Ta đợi con ở cổng.
Rồi lén ra trước.
Chú hề sau khi nói chuyện với cha lại chạy vào làm trò.
Đứng trên mình ngựa đang phi, cậu thay đổi quần áo bốn bận và lần lượt hiện ra : người du lịch, lính thuỷ, lính tập, người múa võ ! Mỗi vòng đi qua cậu lại liếc mắt nhìn tôi.
Khi diễn xong, cậu xuống ngựa, ngửa mũ đi quanh vòng diễn. Ai nấy đều ném xu ,ném kẹo cho cậu. Tôi cầm sẵn hai xu đợi, song khi đến chỗ tôi, cậu bỏ qua và giơ mũ cho người khác. Tôi bực quá ! Sao hắn lại có cái cử chỉ vô lễ thế !
Mãn trò, chủ rạp thiết tha cám ơn khán giả. Công chúng kéo ra. Tôi bịép trong bọn, đang tìm lối ra, bỗng thấy có người kéo tay tôi. Tôi quay lại thì ra cậu hề, nét mặt tươi cười, tay cầm nắm kẹo. Tôi hiểu ý ngay .
Cậu bé nói :
- Cậu cầm lấy nắm kẹo của thằng hề ăn cho vui.
Tôi không từ chối và cầm ba, bốn chiếc. Cậu bé nói tiếp :
- Cậu nhận cả cái hôn này nữa! Tôi giơ má đáp :
- Cho tôi hai cái !
Cậu liền quệt tay trái lên mặt đầy phấn xong ôm cổ tôi hôn hai cái thật kêu và nói :
- Em gửi cậu một cái về cho ông !

34.- Ngày cuối cùng hội Giả trang
Thứ ba, ngày 22
Hôm nay lúc xe "trá hình" đi qua chúng tôi đã mục kích một tấn kịch buồn, nhưng kết cục được vô sự. Nếu không, đã xảy ra một tai hoạ.
Nơi công trường "Thánh Thượng Tư" hôm nay trang hoàng rất rực rỡ , hai bên chật ních những người đợi xem đám rước đi qua.
Nửa giờ sau, bỗng tiếng hò reo vang động một góc trời, người ta thấy một đoàn mặt nạ kéo đến, vừa đi vừa làm trò, coi rất ngộ nghĩnh, và không thể nhịn cười được. Kế đến những xe trá hình : xe nào cũng cắm cờ kết hoa và mỗi cái kết một hình : nào cối xay, tàu thuỷ, nào rạp hát, nhà lầu v.v.. Trên xe chứa nào hề, nào đầu bếp, nào lính thuỷ, nào kẻ chăn cừu. Thực là một cảnh tượng hỗn tạp làm rối mắt mọi người ! Rồi thì kèn thổi, tù va rúc, thanh la khua , như xé màng tai. Các ông tài tử trên xe uống rượu, bát nghêu. Lắm lúc hết trò, các ông quay ra thét mắng những người xem và những kẻ tò mò ở trong cửa sổ ló đầu ra. Bị chọc tức họ nhao nhao cãi lại. Đồng thời một trận mưa hoa và kẹo do người ta ném lẫn nhau, bay phơi phới, đám rước còn dài, xa trông chỉ thấy cờ bay phất phới, lông mũ lung lay và những đầu người lắc lư dưới những cái mũ nhọn khổng lồ.
Người ta có thể nói rằng : Đó là một đội người điên !
Đoàn xe đang diễu, tôi nhận thấy chiếc xe tứ mã rất tráng lễ, lưng ngựa phủ vải thêu kim tuyến và chưng những trànghoa rất rực rỡ. Trên xe có 14, 15 người trá hình ngày xưa : đầu đội mũ tam giác, tóc giả chấm vai, mình mặc áo thêu, chỉ vàng lóng lánh, vai dính băng thuỷ ba, sườn đeo gươm sáng nhoáng. Họ đồng thanh hát một bài tiếng Pháp vàném kẹo cho công chúng ; ai nấy đều vỗ tay hoan nghênh.
Chợt thấy bên tay trái chúng tôi có một người đàn ông giơ một đứa con gái 4,5 tuổi lên trời và chạy theo xe của các vị công hầu của vua Lui thứ 15. Con bé gào khóc giẫy giụa. Một vị quý phái quay lại nhìn. Ngừơi đàn ông nói :
- Xin ngài làm phúc giữ lấy đứa bé này, nó lạc, không tìm thấy mẹ. Ngài ẵm nó trong tay, mẹ nó ở xa sẽ nhìn thấy. Không còn kế gì hơn nữa.
Vị quý phái liền bế lấy đứa bé ,các ông bạn đồng hành thôi không gào hát nữa. Đứa bé khiếp quá, giãy đành đạch. Vị quý phái liền rứt bỏ mặt nạ ra và cho xe đi thong thả.
Trong lúc ấy cómột người đàn bà ở đầu phố chạy điên cuồng, rối rít, miệng kêu :
- Con ơi ! Con ơi ! Con tôi lạc rồi ! Người ta bắt con tôi rồi ! Người ta xéo chết con tôi rồi ! Bà kêu gào như thế đã hơn một khắc đồng hồ mà vẫn không tìm thấy con.
Bỗng trên xe có tiếng nói to :
- Các ông, các bà tìm hộ xem mẹ nó ở đâu ?
Nghe tiếng, bà ta chạy sầm lại, kêu lên một tiếng vừa mừng, vừa bực và giơ hai tay run lẩy bẩy chực vồ lấy con.
Xe dừng. Vị quí phái nói :
- Con bà đây !
Nói xong, vị quý phái hôn đứa bé và trao cho mẹ nó. Bà ta ôm chặt con vào lòng, mừng mừng tủi tủi... Vị quí phái kéo tay cô bé lại, rút chiếc nhẫn kim cương của mình đeo vào ngón tay tí hon cô bé và nói :
- Của hồi môn em bé đây!
Bà mẹ sững người trong khi công chúng vỗ tay khen.
Vị quí phái lại đeo mặt nạ vào, các bạn trên xe lại hát một bài bằng tiếng Pháp , chiếc xe tứ mã lại chuyển bánh trong đám công chúng hoan hô liên tục.

35.- Những trẻ em mù

Thứ năm, ngày 24
Thầy giáo chúng tôi mệt, nên cụ giáo lớp bốn xuống dạy thay. Cụ đã dạy qua trường trẻ con mù. Cụ là bậc kỳ cựu nhất trong giáo giới ở đây, tóc trắng như bông. Cụ nói giỏi và biết nhiều. Thoạt vào lớp, cụ trông thấy một cậu học trò một mắt phải đắp bông. Cụ liền lại gần hỏi thăm và khuyên rằng :
- Con phải cẩn thận về đôi mắt lắm mới được ! Nhân dịp , Đêrôtxi hỏi cụ :
- Thưa cụ, có phải trước cụ đã dạy ở trường trẻ con mù không? Cụ đáp :
- Phải, ta dạy đấy đến 5,6 năm. Đêrôtxi nói khẽ :
- Thưa cụ, cụ cho chúng con nghe qua chuyện trường ấy. Cụ vào bàn giấy ngồi. Côretti mau miệng nói :
- Thưa cụ, "trẻ mù", con biết rồi! Trường "trẻ mù" ở phố Nixơ ạ!
Cụ nói :
- Các con nói tiếng "mù" bằng giọng rẻ rúng cũng như các con nói đến những tiếng "ốm đau" hay "nghèo khó". Các con có hiểu rõ "mù" là thế nào không ? "Mù" nghĩa là suốt đời không nhìn thấy gì! Suốt đời không phân biệt ngày đêm không nhìn thấy vũ trụ, thấy mặt trời, thấy cha mẹ, thấy cảnh vật ở chung quanh mình và những đồ vật mình cầm đến ! Suốt đời phải chìm đắm trong cõi tối tăm vô tận, khác nào như bị vùi sâu trong ruột quả đất !
Các con thử nhắm mắt lại và tưởng tượng nếu các con bị như thế trọn đời thì nỗi đau khổ của các con sẽ đến mực nào ? Ta quả quyết rằng các con sẽ cảm thấy một sự áp bức đau đớn, một sự khủng bố không chịu đựng được. Các con sẽ phải phát ra những tiếng kêu tuyệt vọng...
Thế nhưng...khi người ta bước chân vào trường "kẻ mù" lần thứ nhất, trong lúc giờ chơi, khi người ta nghe tiếng cười câu nói ồn ào, trông thấy kẻ lên gác, người xuống thang, kẻ qua hành lang, người vào phòng ngủ một cách tự nhiên và vững vàng thì không ai bảo đó là những kẻ không nhìn thấy ánh nắng mặt trời ! Muốn hiểu họ một cách tường tận hơn, ta phải để tâm xét họ về mọi phương diện. Đây là những kẻ thanh niên chừng 16, 18 tuổi khoẻ mạnh và mau mắn, họ đã cam chịu mệnh trời và tỏ vẻ dửng dưng, nhưng coi nét buồn trên mặt họ ; ta có thể đoán trước khi ngậm dau, họ đã phải vật lộn với sự khổ thống thiết là dường nào?
Đây là những người hiền lành, sắc mặt xanh xao lộ vẻ nhẫn nhục âu sầu, khiến ta có thể tưởng tượng rằng đôi phen họ đã âm thầm rỏ lệ. Các con ơi ! Các con nên biết rằng một phần đông trong những người xấu số ấy đã hỏng mắt trong một thời gian rất ngắn, cũng có người phải đeo bệnh lâu năm và chịu những giờ mổ cắt rất đau đớn rồi mới mù.
Đây là những người lọt lòng ra đã phải sa vào một cái đêm không bao giờ có buổi bình minh. Họ ra đời như là bước vào một cõi âm ti thăm thẳm mà ở đó họ không phân biệt được một hình, một sắc gì. Các con thử tưởng tượng nếu họ so sánh đời tối đen của họ với đời của những người sáng thì họ khổ tâm đến thế nào ! Chắc họ phải nghĩ rằng :
- Tại sao lại có sự chênh lệch ấy? Chúng ta có làm gì nên tội?
Cụ giáo nói tiếp :
- Ta, ta đã ở lâu bên trẻ mù. Ta nghĩ đến một lớp toàn những con mắt nhắm và con người chết, rồi ta lại nhìn các con, ai nấy đều có đôi mắt long lanh như ngọc, lòng ta không thể im lặng, không bảo các con rằng : "Các con toàn là những người sung sướng!" "Các con hãy nghĩ đến : riêng một nước Italia ta có tới hai vạn sáu nghìn người mù. Hai vạn sáu nghìn! Các con đã nghe rõ chưa ?"
Cụ giáo nói dứt lời. Đêrôtxi đứng lên hỏi :
- Thưa cụ, có phải người mù có cái xúc giác linh lợi hơn người sáng không?
Cụ đáp :
- Phải đấy, tất cả những giác quan khác của người mù đều linh mẫn cả vì những giác quan ấy đã được rèn luyện hơn người thường để thay cho thị giác. Sáng dậy, một học sinh trong buồng ngủ hỏi bạn :
- Hôm nay trời có nắng không ?
Một người hoạt bát nhất trong bọn họ vận áo, ra giữa sân giơ tay khua khí trời xem có ấm không, xong chạy vào báo tin:
- Trời nắng.
Nghe tiếng nói của một người, họ có thể đoán được tầm vóc của người ấy. Ta xét đoán những người chung quanh bằng luồng mắt của họ, những người mù lại xét đoàn theo tiếng nói. Họ nhớ giọng nói của người quen hàng bao nhiều năm không quên. Trong phòng nếu có đông người, họ biết ngay, dù chỉ có một người nói còn những người khác ngồi im. Họ chỉ lấy tay sờ mà biết một chiếc thìa có sạch hay không ?
Những trẻ gái lại có tài phân biệt thứ len nhuộm với thứ len không. Khi xếp hàng đôi đi trong phố, những trẻ mù chỉ ngửi mà biết gần khắp các cửa hàng. Chúng cũng chơi đánh quay, nhờ tiếng vù vù, chúng biết của ai hơn kém và nhặt con quay của mình không sai.
Chúng cũng nhảy dây và nhảy cũng khéo như những trẻ sáng. Chúng hái hoa đồng thảo như người trông thấy.
Chúng may áo, dệt chiếu, đan thúng rất nhanh. Xúc giác là thị giác thứ hai của chúng, vì thế khi chúng được sờ, được nắn và đoán hình thể của các đồ vật thì chúng lấy làm thích lắm. Anh Garôphi giơ tay lên xin phép hỏi :
- Thưa cụ, có phải người mù học tính nhanh hơn người sáng không ? Cụ đáp :
- Phải đấy. Không những học tính, những trẻ mù còn học đọc nữa. Sách của chúng có những chữ nổi, chỉ đưa qua mấy ngón tay lên mặt chữ là chúng nhận được và đọc rất nhanh. Chúng cũng tập viết nữa. Chúng dùng những cái dùi thép nhấn trên những tờ giấy dầy thành những nét chấm trũng. Những điểm ấy học theo bản tự mẫu riêng. Nhưng chấm trũng ấy nổi sang mặt giấy bên kia thanh chữ. Học trò viết xong chỉ phải lật trang giấy lấy tay sờ lên là đọc được nhưng chữ đã viết.
Chúng có thể sờ chữ mà nhận được tự dạng của nhau. Chúng cũng làm bài thi và viết thư cho nhau. Chúng viết chữ số và làm tính theo lối nói trên, nhưng về khoa tính nhẩm thì chúng mẫn tiệp một cách lạ thường, ta không thể tưởng tượng được, đó cũng là vì chúng không đãng trí bởi những sự vật quanh mình như ta.
Không những thế, chúng lại còn thính tai nữa. Bốn năm người ngồi một ghế, không cần phải quay sang nhau, người thứ nhất có thể nói chuyện với người thứ ba, người thứ nhì nói với người thứ tư, bốn người đều nói cùng lúc và nói to cả, thế mà chúng nghe được không sót một câu nào.
Chúng chăm lo về các bài thi hơn các con và chúng yêu quí thầy giáo hơn các con nhiều. Chỉ nghe tiếng giày hay ngửi hơi là chúng nhận được các thầy giáo. Chỉ nghe giọng nói là chúng đoán được thầy vui hay buồn, khoẻ hay ốm. Được thầy vuốt ve hoặc vỗ về thì chúng sung sướng lắm : nhiều khi chúng nắm chặt lấy tay và cánh tay thầy để tỏ dấu biết ơn.
Những học trò mù thường yêu nhau lắm và ở với nhau rất trung thành vì tình hữu ái đã đem lại cho chúng bao nhiều mối an ủi và xẻ bớt cho chúng bao nhiêu nỗi buồn.
Anh Vôtini hỏi :
- Thưa cụ, những học trò mù chơi âm nhạc có khá không?
Cụ đáp :
- Chúng mê âm nhạc lắm. Âm nhạc có thế ví như bản mệnh và hạnh phúc của chúng. Những trẻ mù mới vào trường không bao giờ chán nghe người khác đánh đàn hay thổi sáo. Chúng học chóng lắm và đem hết tâm hồn vào nhạc nghệ. A ! Giá mà các con nghe thấy tiếng đàn của trẻ mù, giá mà các con được trông thấy chúng mặt ngẩng, miệng cười đầy vẻ cảm đồng và khát khao, lắng nghe bạn đang rọi một tia sáng trong cõi tối tăm vô tận mà chúng phải đầy đoạ vào, lúc ấy con sẽ hiểu âm nhạc đối với chúng là một mối an ủi rất nhiệm mầu.
Cấm chúng đọc sách hay cấm chúng chơi âm nhạc là một sự phạt rất nặng. Chúng sẽ đau đớn vô cùng, vì thế không ai có cái can đảm phạt chúng như thế. Tóm lại âm nhạc đối với con tim chúng cũng như ánh sáng đối với con mắt ta.
Đêrôtxi nói tiếp :
- Thưa cụ, người ngoài có thể vào xem trường trẻ mù được không?
Cụ đáp :
- Sao lại không ? Hiện giờ các con còn bé, ta không muốn cho các con đi. Nhưng một mai, các con đến tuổi hiểu được nỗi thống khổ của kẻ mù, đến tuổi biết động lòng trắc ẩn vì mối thương tâm chính đáng, lúc đó các con sẽ nên đi.
Các con ơi ! Thực là một cảnh tưởng bi ai ! Các con hãy trông kia là những trẻ ngồi trong cửa sổ nửa khép, nét mặt an tĩnh, thở hít khí lành, hình nhưchúng đang nhìn ra khoảng đồng ruộng non xanh mà ta ai nấy đều non rõ... Nhưng khi ta nghĩ đến chúng không trông thấy và không bao giờ được trông thấy những phong cảnh ngoạn mục kia thì lòng te se lại, khi ấy tựa hồ như ta là một kẻ đui mù !
Kẻ nào sinh ra mù sẵn thì nỗi khổ cũng giảm được đôi chút vì nó không biết những thứ nó thiếu thốn. Nhưng về phần những trẻ mới mù vài tháng nay, chúng còn ghi gói và hiểu nhớ những thứ mà chúng đã mất. Những trẻ này còn đau đớn gấp trăm lần hơn những trẻ nói trên, là vì mỗi ngày chúng thấy hình ảnh của những người thân yêu mờ dần trong trí óc. Một trẻ em, một lần đã thốt ra một câu ai nghe thấy cũng phải cảm động .
- Lạy trời cho tôi được mở mắt một phút thôi, để tôi nhận lại mặt mẹ tôi mà tôi quên mất rồi !
Đã bao nhiêu người vào thăm trường này, lúc ra phải lau nước mắt. Khi từ biệt chúng, ta tưởng tạo hoá đã biệt đãi ta vì ta được hưởng cái đặc ân là được nhìn thấy mọi người, nhìn thấy nhà cửa, nhìn thấy trời đất ! Hãy thương những trẻ mù.
Các con ơi ! Hãy thương chúng là kẻ có mặt trời mà không được nhìn ánh sáng, có mẹ mà không rõ nét mặt mẹ mình !

    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.101.193 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...