Trong cuộc sống, chúng ta thường luôn cảm thấy không hài lòng vì những
gì ta có được là quá ít so với những gì ta mong muốn. Điều này không chỉ
đúng với những người nghèo khó, mà cũng là một tâm lý phổ biến ở cả
những người giàu có, thành đạt.
Kỳ thật, hạnh phúc của chúng ta lại không đến vào những lúc ta có được
trong tay thật nhiều những gì ta mong muốn. Ngược lại, chúng ta sẽ hạnh
phúc hơn rất nhiều khi có thể buông bỏ được những vật sở hữu.
Điều này được thể hiện qua những năm tháng tuổi thơ êm đềm mà hầu hết
chúng ta đều đã từng trải qua. Khi ấy, chúng ta thường không có nhiều
những thứ có thể gọi là “của riêng”, nhưng lại hạnh phúc hơn nhiều so
với khi ta đã thực sự trở thành một “ông chủ” với vô vàn những nỗi lo
toan vất vả. Mỗi năm tháng qua đi, chúng ta lại tích lũy ngày càng nhiều
hơn những thứ sở hữu cho riêng mình. Nhưng bao giờ cũng vậy, trước mắt
ta vẫn còn có rất nhiều thứ mà ta chưa có được!
Buông bỏ ý tưởng sở hữu vật chất là bước khởi đầu quan trọng giúp chúng
ta bắt đầu có thể nếm trải niềm vui của sự tự do trong cuộc sống. Bởi vì
sự tham đắm vật chất chính là nguyên nhân chủ yếu biến chúng ta thành
một tên nô lệ của lòng tham. Cho dù có vẻ như ta đang tự mình quyết định
mọi việc, nhưng thật ra đó chỉ là tuân theo những sai khiến ngấm ngầm
của sự tham lam trong lòng ta mà thôi.
Tuy nhiên, một sự tự do hoàn toàn chỉ có thể đạt đến khi chúng ta có thể
buông bỏ luôn cả những thứ sở hữu “phi vật chất” không thể nhìn thấy
được, chẳng hạn như những định kiến sai lầm, những vướng mắc tình cảm,
và cả những nhận thức không đúng về sự vật... Khi ấy, chúng ta sẽ thực
sự làm chủ được chính mình, thực sự có được những điều kiện tối thiểu để
tiếp xúc và cảm nhận được mọi niềm vui chân thật trong cuộc sống.
Buông bỏ ý tưởng sở hữu vật chất không có nghĩa là phủ nhận sự hiện hữu
và giá trị của vật chất, mà là biết nhận thức sự hiện hữu và giá trị của
chúng một cách đúng như thật, không bị chi phối bởi lòng tham muốn. Bằng
cách này, chúng ta sẽ tạo ra được một đường ranh giới phân biệt cần
thiết giữa nhu cầu sử dụng vật chất và sự tham đắm vật chất. Nhu cầu sử
dụng vật chất là có thật, còn sự tham đắm vật chất chỉ là biểu hiện của
lòng tham lam. Vì thế, nó làm sinh khởi trong ta sự thôi thúc phải sở
hữu những gì mà ta yêu thích. Ý niệm sở hữu được sự vật tạo cho ta một
cảm giác thỏa mãn giả tạo, bởi vì chỉ ngay sau khi có được sự vật, ta sẽ
lập tức nảy sinh những tham muốn khác nữa!
Nhu cầu sử dụng vật chất luôn có những giới hạn cụ thể nhất định, còn sự
tham đắm vật chất lại không bao giờ có giới hạn! Vì thế, ý niệm sở hữu
của chúng ta không dừng lại ở bất cứ đâu, mà luôn có khuynh hướng bao
trùm hầu hết mọi đối tượng mà ta nhận biết được.
Chúng ta sẽ nêu ra một ví dụ cụ thể để vấn đề có thể trở nên dễ hiểu
hơn. Khi mỗi ngày bạn phải đi hàng chục cây số để đến nơi làm việc bằng
xe đạp, thì việc mua một chiếc xe gắn máy là nằm trong nhu cầu sử dụng
vật chất của bạn. Nhưng việc cố gắng để mua một chiếc xe gắn máy đời mới
hơn thay cho chiếc xe cũ đang sử dụng tốt thì không còn là nhu cầu sử
dụng vật chất nữa. Trong trường hợp này, bạn đã bắt đầu chịu sự sai
khiến của lòng tham muốn.
Nhận thức đúng về giá trị sử dụng của vật chất sẽ giúp bạn không bị lôi
cuốn bởi lòng tham muốn, nhưng để từ bỏ ý tưởng sở hữu vật chất, chúng
ta còn phải có được một nhận thức đúng về sự hiện hữu của vật chất.
Trong một phần trước, chúng ta có đề cập đến tính chất phổ quát của hết
thảy mọi vật chất là sự không thường tồn, liên tục biến đổi và đi dần
đến sự hoại diệt:
Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng ảo, bọt nước,
Như sương sa, điện chớp.
Nên quán sát như vậy.
(Kinh Kim Cang)
Thật vậy, mọi vật chất hiện hữu trước mắt ta đều chỉ là tạm bợ, giả tạo,
như giấc mộng thoáng qua, như bọt nước hiện ra rồi tan biến... Khi ta
tham đắm một dạng vật chất nào đó, ta tự mình tạo ra một ảo giác rằng nó
sẽ mãi mãi tồn tại trong sự sở hữu của chúng ta. Nhưng thực tế lại không
bao giờ như thế. Tất cả mọi vật chất đều bị cuốn trôi đi trong dòng thời
gian. Chúng sinh ra, tồn tại, biến đổi rồi diệt mất. Không một dạng vật
chất nào có thể thoát ra khỏi quy luật ấy, ngay cả thân thể hiện nay của
ta cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta không phải là sẽ già đi sau hai,
ba mươi năm nữa... mà thực sự là đang già đi trong từng giây, từng phút.
Đời sống của chúng ta đang từng giây, từng phút bị thu ngắn dần, và thậm
chí là có thể chấm dứt bất cứ lúc nào. Đó là một thực tế mà không ai có
thể phủ nhận được, nhưng hầu hết chúng ta lại tránh né không chịu đối
diện với một sự thật như thế, vì chúng ta hoàn toàn không mong muốn nó
xảy ra! Nếu chúng ta có đủ dũng khí để chấp nhận sự thật về tính chất
giả tạo và tạm bợ của mọi dạng vật chất, ta sẽ thấy là không có một sự
vật nào có thể đáng để chúng ta tham đắm và bỏ phí đi những phút giây
quý giá đang nhanh chóng trôi qua của cuộc sống này. Nhờ sự quán xét
đúng thật như thế, chúng ta sẽ thấy được sự vô nghĩa của những ý tưởng
sở hữu vật chất. Và vì thế ta có thể dễ dàng thoát ra khỏi sự lôi cuốn,
cám dỗ của lòng tham muốn.
Nhận rõ tính chất giả tạm của đời sống không phải là một nhận thức bi
quan như nhiều người lầm tưởng. Trước hết, đó là một thực tế. Mà bản
thân thực tế không hàm chứa tính bi quan hay lạc quan. Tính chất bi quan
hay lạc quan nằm về phía chúng ta. Nếu chúng ta nhận rõ thực tế để rồi
tìm cách trốn chạy, né tránh, thì đó mới là cách ứng xử bi quan. Còn nếu
chúng ta nhận rõ thực tế để rồi nỗ lực sống tốt hơn, biết trân trọng hơn
nữa những giây phút ngắn ngủi của cuộc sống này, thì đó không thể xem là
bi quan được.
Vì thế, sự buông bỏ ý tưởng sở hữu chính là một trong những nỗ lực tích
cực để làm cho cuộc sống của chúng ta được tốt hơn. Chúng ta không thể
hoang phí những phút giây quý giá của đời sống này để chạy theo những
giá trị vật chất tạm bợ. Cho dù chúng ta có tích lũy được bao nhiêu vật
sở hữu đi nữa, cuộc sống của chúng ta cũng không vì thế mà có thể thực
sự được tốt đẹp, hạnh phúc hơn!
Có một điều mới nghe qua tưởng như là nghịch lý nhưng lại là sự thật. Đó
là, khi chúng ta thực sự buông bỏ ý tưởng sở hữu thì chúng ta lại có khả
năng sở hữu được nhiều hơn trước đó. Sở hữu được nhiều hơn nhưng lại
hoàn toàn không nảy sinh ý tưởng sở hữu sự vật, đó chính là ý nghĩa
thoát khỏi sự trói buộc của mọi giá trị vật chất.
Sở dĩ có hiện tượng này xảy ra trong thực tế, là vì khi chúng ta không
còn bị trói buộc bởi lòng tham muốn, chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn,
khôn ngoan hơn. Vì thế, mọi việc làm, mọi quyết định của chúng ta đều
trở nên có hiệu quả hơn, chính xác hơn, và do đó mà chúng ta có thể kiếm
được nhiều tiền hơn, sở hữu được nhiều vật chất hơn, cho dù chúng ta
không hề nhắm đến mục đích ấy.
Điều này giải thích vì sao hầu hết những người giàu có nhất trên thế
giới này lại là những người không tham đắm vật chất! Một trong những con
người như thế, ông Bill Gates,
[11] có lần nói
rằng: “Những đồng tiền mà thế giới đã cho tôi, tôi sẽ trả lại cho thế
giới.” Và thực tế là ông đã thường xuyên bỏ ra hàng tỷ đô-la đóng góp
cho những công việc từ thiện, công ích... Nếu một người chưa buông bỏ
được ý tưởng sở hữu, còn say đắm trong cái vị ngọt giả tạo của sự sở hữu
vật chất, người ấy sẽ không bao giờ có được những suy nghĩ và việc làm
như vậy.
Nói chung, khi bạn thoát khỏi sự chi phối của lòng tham lam, bạn không
chỉ có khả năng kiếm tiền giỏi hơn, mà còn có thể làm bất cứ việc gì
cũng tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn. Đó là vì bạn đã trở nên sáng suốt hơn,
khôn ngoan hơn và không bị trói buộc bởi những định kiến hay sự tham
đắm.
Vì thế, sự buông xả lại chính là cách tiếp nhận cuộc sống này một cách
chân thành nhất, tốt đẹp nhất. Khi bạn chưa học biết cách buông xả, bạn
không bao giờ có thể cảm nhận được hết những giá trị chân thật của đời
sống này!
Trong Phật giáo, Bồ Tát Di-lặc thường được xem là biểu tượng của sự
buông xả. Hình tượng của ngài được miêu tả một cách phóng khoáng, không
dựa theo những đường nét nghiêm trang như hầu hết các vị Phật hay Bồ Tát
khác. Vì ngài đã được Phật Thích-ca thọ ký cho là sẽ đản sinh thành Phật
trong tương lai ở cõi Ta-bà này, nên cũng thường được gọi là Phật
Di-lặc.
Trong truyền thống Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam, Phật Di-lặc thường
được mô tả với hình dáng mập mạp, mang theo một cái túi vải và thường có
sáu đứa trẻ vây quanh. Tương truyền, sự mô tả này là dựa theo một hóa
thân có thật của ngài vào khoảng đầu thế kỷ 10 ở Trung Hoa. Đó là một vị
hòa thượng mang tên Bố Đại. Vị này có nếp sống phóng khoáng, vui vẻ,
thường mang theo bên mình chỉ một cái túi vải buộc vào cây gậy quảy trên
vai và lang thang, phiêu dạt khắp nơi. Mặc dù vậy, ngài đã thực hiện vô
số những hành vi cứu nhân độ thế, đi đến đâu cũng được dân chúng mến mộ,
nhất là trẻ con thường hay tụ tập đi theo ngài thành đám đông rất vui
vẻ. Ngài nhìn thấy trước được mọi sự việc, biết trước cả thời tiết nắng
mưa. Tương truyền mỗi khi ngài nằm ngủ trên đường phố thì hôm ấy trời
không mưa, còn nếu thấy ngài tìm nơi trú ngụ qua đêm thì mọi người sẽ
biết chắc là hôm đó trời sắp mưa!
Trong các sách Tống cao tăng truyện (quyển 21), Phật Tổ thống ký
(quyển 43), Phật Tổ lịch đại thông tải (quyển 25) và Cảnh Đức truyền
đăng lục (quyển 27) đều có nhắc đến ngài như một vị danh tăng rất nhiều
người biết đến.
Ngài là người huyện Phụng Hóa, Minh Châu (nay là tỉnh Triết Giang), cũng
có người nói ngài ở huyện Tứ Minh. Trong đời hành hóa, ngài không ở lâu
bất cứ nơi nào. Người ta thường thấy ngài lang thang trên đường phố hơn
là ở trong các chùa. Ngài có thân hình mập mạp, dáng vẻ phúc hậu, hiền
từ, bất cứ lúc nào cũng nở trên môi nụ cười hoan hỷ. Thấy ai có vật gì
ngài cũng đến xin,
[12] xin được rồi thì bỏ hết vào
túi vải, không phân biệt tốt xấu, nhiều ít... Chính vì hình ảnh của ngài
luôn gắn bó với cái túi vải, nên người đương thời mới gọi ngài là hòa
thượng Bố Đại, bởi hai chữ “bố đại” có nghĩa là “cái túi vải”.
Mặc dù thị hiện hình tướng xuềnh xoàng, dung dị, nhưng ngài lại có khả
năng ứng đáp vô ngại, lời lẽ thâm sâu, khiến các vị thiền sư đương thời
đều kính phục. Một lần, ngài đang đi giữa chợ, có người hỏi ngài tìm gì,
ngài trả lời: “Ta tìm con người.” Lại một lần khác đang đi trên đường,
có vị tăng đi phía trước, ngài tiến lên vỗ vai vị ấy và nói: “Cho tôi
một đồng tiền.” Vị tăng đáp: “Nói được thì tôi sẽ cho ông.” Ngài liền
đặt túi vải xuống đất, đứng khoanh tay lặng yên.
Tương truyền có nhiều hôm ngài nằm ngủ giữa trời tuyết rơi mà chẳng có
chút tuyết nào bám được vào thân ngài. Một hôm, ngài đi ngang qua chùa
Thiên Đồng vừa đúng giờ tăng chúng sắp thọ trai, đang tuần tự tiến vào
trai đường. Ngài chẳng nói năng gì, ghé vào chùa rồi đi thẳng đến chỗ
ghế ngồi dành cho vị hòa thượng trụ trì đặt ở giữa trai đường, an nhiên
ngồi xuống. Vị tăng tri sự
[13] thấy vậy hốt hoảng
chạy đến mời ngài ra. Ngài vẫn dửng dưng như không nghe thấy. Vị này
liền cố sức để lôi ngài ra khỏi ghế ngồi. Không ngờ ngài đang ngồi với
vẻ thản nhiên mà lại vững như tòa núi, không sao lay chuyển nổi. Ngay
lúc ấy thì hòa thượng trụ trì đến. Thầy tri sự hoảng quá liền nắm chặt
lấy lỗ tai ngài mà kéo đi, ngỡ rằng ngài bị đau thế nào cũng phải rời
chỗ ngồi. Ngờ đâu ngài vẫn cứ ngồi yên trong khi lỗ tai ngài thì càng
kéo càng dài ra đến hơn một thước! Tăng chúng nhìn thấy đều kinh hãi.
Hòa thượng trụ trì vốn biết đức độ của ngài nên từ tốn bảo thầy tri sự:
“Đừng làm thế, hãy để vị này ngồi nơi ấy, tôi ngồi bên dưới là được
rồi.”
Những chuyện về ngài lưu truyền trong dân gian còn rất nhiều, nhưng tựu
trung đều muốn nêu bật tính chất phóng khoáng, hoan hỷ và tự tại vô ngại
của ngài trên đường vân du hoằng hóa. Chính vì thế mà hình tượng của
ngài được mô phỏng lại bao giờ cũng nổi bật lên những nét siêu phàm ấy.
Tháng 3 năm 916 (niên hiệu Trinh Minh thứ 2 nhà Hậu Lương), ngài dừng
nghỉ trước cổng chùa Nhạc Lâm, ngồi nghiêm trang trên một tảng đá lớn
rồi thị tịch. Trước khi thị tịch, ngài để lại một bài kệ rằng:
Di-lặc chân Di-lặc,
Phân thân thiên bách ức.
Thời thời thị thời nhân,
Thời nhân tự bất thức.
Ta thật là Di-lặc,
Hóa hiện trăm ngàn thân.
Thường chỉ dạy người đời,
Người đời không tự biết.
Sau khi ngài viên tịch, lại có người ở nơi khác vẫn nhìn thấy ngài mang
túi vải mà đi! Người đời sau tin chắc rằng ngài là hóa thân của Phật
Di-lặc, vì thế nên vẽ lại hình tượng ngài để thờ kính. Hình tượng Phật
Di-lặc ngày nay chúng ta thường nhìn thấy trong các chùa chính là được
mô phỏng theo hình tượng của hòa thượng Bố Đại thời ấy.
Ngày đầu tiên của năm mới được chọn làm ngày vía đức Phật Di-lặc. Điều
này có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi vì có hai điểm nổi bật mà chúng
ta dễ dàng thấy được khi lễ kính hình tượng của ngài. Một là sự hoan hỷ,
vui vẻ, và hai là sự buông xả, tự tại không ràng buộc. Nói như vậy không
có nghĩa là hai điều này không có ở các hình tượng Phật và Bồ Tát khác,
nhưng chỉ có điều là ở hình tượng Phật Di-lặc thì những điểm này được
biểu hiện một cách rõ nét, nổi bật nhất. Cũng tương tự như khi chiêm
ngưỡng hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm thì chúng ta sẽ thấy nổi bật nhất
là đức từ bi, còn ở hình tượng đức Phật A-di-đà thì đó lại là sự trang
nghiêm của một vị thầy tiếp dẫn.
Sự hoan hỷ, vui vẻ cũng như tính chất phóng khoáng, tự tại không ràng
buộc quả đúng là những gì mà tất cả chúng ta đều mong muốn được nhìn
thấy trong ngày đầu năm mới. Vì thế, nụ cười hoan hỷ của ngài từ lâu đã
trở thành biểu tượng ngày đầu xuân mới của hầu hết Phật tử. Những cách
gọi như “Xuân an lạc”, “Xuân Di-lặc”... từ lâu đã trở thành quen thuộc
với đông đảo những người tin Phật.
Trong dịp xuân về, lễ kính hình tượng Phật Di-lặc và suy xét về ý nghĩa
của sự buông xả chính là một cách đón xuân đầy ý nghĩa, có thể giúp mang
đến sự an vui thiết thực cho tâm hồn chúng ta. Bởi vì chỉ khi thực hành
buông xả được mọi sự tham tiếc, mọi sự trói buộc, chúng ta mới có thể nở
được một nụ cười vô tư và an ổn giống như ngài!
Đức Phật Thích-ca từng dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đều có tánh Phật.”
[14]
Vì thế, quay về với tự tâm chính là cách tốt nhất để tìm thấy Phật. Và
Phật cũng dạy rằng: “Nếu trừ sạch các phiền não thì tánh Phật liền được
hiện rõ.”
[15] Phiền não là ở nơi tự tâm của chính
ta, che lấp tánh Phật của chính ta. Nếu là phiền não ở bên ngoài, phiền
não của người khác, hẳn đã không liên quan gì đến ta! Vì thế, muốn trừ
phiền não để hiện rõ tánh Phật, nhất thiết phải bắt đầu từ nơi tự tâm
của mỗi người.
Có vô số phiền não trong cuộc sống quanh ta, không cần phải dụng công
nhiều để tìm ra chúng. Buồn, vui, sướng, khổ cho đến những được, thua,
còn, mất... tất cả đều có thể là những nguyên nhân làm cho lòng ta luôn
hướng ra ngoại cảnh, và vì thế mà che mờ đi sự sáng suốt của tự tâm.
Lòng ta hướng theo ngoại cảnh, mà ngoại cảnh thì từng phút từng giây
luôn biến động, không dừng nghỉ, nên lòng ta cũng không khỏi luôn xao
động, quay cuồng. Trong sự xao động, quay cuồng ấy, ta tự chuốc lấy bao
nỗi nhọc nhằn đau đớn, khốn khổ bi thương... Điều đó đã trở nên quá quen
thuộc đến nỗi chúng ta không thể tự nhận biết là mình đang bị cuốn trôi
trong một dòng sông đau khổ, mà đôi khi còn mê muội nhận lấy những đau
khổ ấy như là ý nghĩa đích thực cuộc sống này!
Vì thế mà những phút tạm dừng nghỉ sau một năm dài vất vả bon chen
thường có ý nghĩa rất quan trọng. Theo phong tục đã có từ nhiều đời,
những ngày cuối năm bao giờ cũng là những ngày tất bật cuối cùng dành
cho công việc và hết thảy mọi lo toan trong năm cũ, để rồi cho dù có thể
giải quyết xong hay không xong thì tất cả cũng đều phải tạm gác lại. Sau
phút giao thừa thiêng liêng tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới, tất cả
chúng ta đều trở thành những con người mới: thảnh thơi, vô sự, gạt bỏ
hết mọi lo toan, phiền muộn. Ai cũng muốn mình được hoàn toàn vui vẻ,
không để trong lòng bất cứ một mối lo nghĩ, một sự suy tính nào. Và
trong tâm trạng ấy, chúng ta bước vào năm mới!
Chính vì thế mà những giây phút đầu tiên của năm mới thường là lúc chúng
ta thấy mình rất sáng suốt và tràn đầy niềm tin, sức sống. Hầu hết văn
nhân, thi sĩ đều có tục “khai bút” đầu xuân, đó là vì họ thường có được
nguồn cảm hứng và năng lực sáng tạo rất cao vào lúc này. Ở những người
khác, tâm trạng hưng phấn được biểu hiện qua sự vui vẻ, cởi mở, sẵn sàng
bỏ qua mọi lỗi lầm của người khác cũng như của chính mình. Những người
lớn tuổi thường khuyên con cháu trong dịp đầu xuân nên giữ lòng hoan hỷ,
tránh nhắc đến tất cả những chuyện buồn, tránh gây ra khó khăn, rắc rối
cho người khác, và hãy sẵn lòng tha thứ cho mọi điều lầm lỗi. Những điều
này có ý nghĩa như một giai đoạn buông xả tạm thời để giúp chúng ta tĩnh
tâm sáng suốt nhìn lại chính mình trong dịp xuân về, nhưng đã bị không
ít người hiểu sai, cho đó là những thói tục mê tín vô căn cứ.
Chính vì để có được những giây phút thực sự thảnh thơi vô sự trong dịp
đầu xuân, nên người xưa đã đặt ra rất nhiều tục lệ mà đến nay vẫn còn
nhiều người biết đến. Chẳng hạn như đầu năm không được chẻ củi, không
được kéo nước giếng, thậm chí có nơi còn kiêng cả việc quét nhà, quét
sân... Những người buôn bán cũng cố gắng lo toan chuẩn bị mọi thứ từ
cuối năm cũ, để trong những ngày đầu năm mới không phải lo nghĩ đến bất
cứ một công việc gì, thậm chí không phải xuất tiền ra trong việc buôn
bán... Người ta chỉ muốn đưa tiền ra trong dịp đầu xuân vào những mục
đích như lì xì cho trẻ con, cúng dường chùa chiền, đền miếu... Bởi họ
quan niệm rằng những đồng tiền đưa ra ấy hoàn toàn không phải là mất đi,
mà là được dùng để làm việc tốt. Còn nếu đầu xuân mà để “mất” tiền vì
bất cứ lý do gì cũng đều là không nên...
Hầu hết những tục lệ như trên ngày nay không còn nữa, có lẽ vì người ta
không hiểu hoặc đã hiểu sai lệch đi ý nghĩa của chúng. Vì thế mà những
giây phút thảnh thơi vô sự của ngày đầu xuân cũng không còn được mấy
người trân trọng, thưởng thức một cách đúng nghĩa. Thời đại công nghiệp
hóa kèm theo với kinh tế thị trường, làm sao có được những giây phút
thảnh thơi thực sự? Khách hàng là thượng đế, nên ba ngày đầu xuân vẫn có
nhiều hiệu buôn mở cửa suốt ngày để phục vụ người mua sắm. Thiết bị máy
móc không biết nghỉ ngơi, nên công nhân nhiều nơi vẫn phải chia ca trực
để vận hành. Và cái không khí bận rộn không chỉ dừng lại ở đó mà còn lan
tỏa ra khắp mọi ngóc ngách của đời sống. Vì thế, sự trang trọng thiêng
liêng của một cái Tết cổ truyền dần trở nên xa vắng, chỉ còn trong hoài
niệm. Ngày nay, rất nhiều người xem ba ngày Tết chỉ là một dịp “nghỉ
lễ”, cũng giống như bao nhiêu ngày nghỉ lễ khác trong năm. Vì thế, ngoài
việc được tạm nghỉ để đi chơi vui vẻ thì họ không còn thấy có ý nghĩa
sâu xa nào khác!
Tôi vẫn còn nhớ mãi cái không khí nhộn nhịp chuẩn bị của những ngày giáp
Tết. Anh em chúng tôi cùng tất bật dọn dẹp, quét tước... Mọi thứ trong
nhà đều phải được lau chùi thật sạch sẽ, sắp đặt thật gọn gàng. Bên
ngoài thì phải lo chẻ củi, gánh nước, chuẩn bị sao cho đủ dùng thật thừa
thải trong cả ba ngày Tết... Khi mọi việc đều đã được làm xong, đứa nào
cũng mệt phờ ra nhưng vẫn thấy dâng lên trong lòng một sự nôn nao, háo
hức thật khó tả... Thế là chẳng đứa nào ngủ được, cùng nhau thức đến
giữa khuya để đón giao thừa.
Hồi đó nhà tôi bao giờ cũng nấu bánh tét đúng vào ngày cuối năm, nên vừa
canh lửa vừa đợi phút giao thừa đến thật thú vị, ấm áp. Ngày nay đã khác
rồi. Có năm, bánh được nấu sớm từ trước đó vài ba ngày, gọi là để cho
được thong thả, không phải vội vàng. Có năm lại không nấu mà mua bánh
người ta gói sẵn. Bây giờ cái gì cũng phải mua. Củi mua, nước mua, nếp
đậu mua, lá chuối để gói bánh cũng mua... Thôi thì mua bánh người ta gói
sẵn hóa ra lại dễ tính hơn, rẻ tiền hơn... Thế nhưng chỉ tiếc là không
sao mua được những phút giây ngồi bên bếp lửa bập bùng, đợi vớt từ trong
nồi ra từng cái bánh nóng hổi, đợi phút giao thừa chầm chậm đến gần, và
đợi tiếng chuông nhỏ trong trẻo ngân dài trong đêm vắng báo hiệu lễ cúng
gia tiên của gia đình tôi bắt đầu...
Sau lễ cúng gia tiên được bắt đầu đúng vào phút giao thừa, những người
lớn ngồi nghiêm trang bên bình trà nóng, trao đổi với nhau những câu
chuyện... người lớn. Trong khi đó, bọn trẻ lần đầu tiên được phép nhâm
nhi thoải mái đủ loại bánh mứt... thả cửa, nhưng chỉ một lát sau là
chúng tôi đã buồn ngủ đến díu mắt. Ba tôi thường trầm ngâm rất lâu vào
lúc này. Thuở ấy tôi không biết ông suy ngẫm những gì, nhưng bây giờ hóa
ra tôi lại rất thường có những phút trầm ngâm như thế sau những giây
phút đón giao thừa.
Những giây phút thảnh thơi vô sự khởi đầu cho một năm mới chính là dịp
tốt nhất để mỗi chúng ta nhìn lại chính mình. Trong suốt một năm dài tất
bật lo toan, ta thường đánh mất chính mình trong những ván cờ khắc
nghiệt của đời sống. Được, thua, hơn, kém... cứ nối tiếp nhau làm cho ta
xoay vòng theo mọi sự kiện, không một lúc nào có thể tự chủ được chính
mình. Chính những phút giây dừng nghỉ tạm thời trong dịp xuân về là lúc
chúng ta dễ dàng nhìn lại tất cả mọi việc trong một tâm trạng sáng suốt,
tự đặt ra cho mình những câu hỏi cần thiết về ý nghĩa thực sự của cuộc
sống, của những tháng năm dài xuôi ngược bon chen trong cả một đời
người.
Trên cao, tượng Phật Di-lặc vẫn lặng yên trong dáng ngồi an nhiên tự
tại, với vẻ mặt vô tư và nụ cười hỷ xả. Trong ta, đức Phật Di-lặc cũng
đang bừng dậy, tỏa sáng khi ta vừa buông đi những phiền não trần ai che
lấp quanh ngài. Tượng Phật trên cao đang mỉm cười. Đức Phật trong ta
cũng mỉm cười. Nụ mai xuân mỉm cười. Cả đất trời trong xuân mới cũng mỉm
cười. Một niềm an lạc vô biên tràn ngập khắp mười phương thế giới. Giờ
đây xuân mới thực sự trở về!
Bạn đã bao giờ có được những giây phút thảnh thơi vô sự trong ngày đầu
xuân mới và nở một nụ cười hoan hỷ? Mời bạn hãy thử xem!