Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Nắng mới bên thềm xuân »» Lời nói đầu »»

Nắng mới bên thềm xuân
»» Lời nói đầu

Donate

(Lượt xem: 23.880)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Nắng mới bên thềm xuân - Lời nói đầu

Font chữ:


Rất nhiều trong số những khái niệm và nhận thức của chúng ta được xây dựng dựa trên những định kiến và quy ước. Những gì được cho là tốt, xấu, hay, dở... ở một nơi này lại rất có thể sẽ không được đánh giá tương tự như thế ở một nơi khác. Đơn giản chỉ là vì những định kiến và quy ước khác nhau. Những phong bao đỏ lì xì trong dịp Tết chẳng hạn, rất quen thuộc ở một số nước Á Đông, nhưng lại có thể là xa lạ đối với đa số các nước Âu Mỹ. Ngược lại, hai người bạn lâu ngày gặp nhau ôm hôn trên đường phố để tỏ tình thân ái là việc rất bình thường trong xã hội Âu Mỹ, nhưng có thể mọi người đều sẽ lấy làm lạ nếu điều đó lại xảy ra trên một đường phố ở Á Đông...

Một số khái niệm khác được xây dựng thuần túy dựa trên kinh nghiệm quan sát những quy luật tự nhiên, và do đó không có sự khác biệt lớn ở những địa phương khác nhau trên thế giới, và cũng không thay đổi bao nhiêu khi thời gian trôi qua. Có lẽ mùa xuân của tất cả chúng ta là một khái niệm thuộc loại này.

Từ bao giờ con người biết đón xuân? Câu hỏi thật không dễ trả lời. Nhưng nếu xét từ những mối quan hệ giữa mùa xuân với cuộc sống, thì có lẽ điều đó phải đến từ rất sớm, ngay khi con người có đủ khả năng nhận thức về môi trường quanh mình. Bởi vì mùa xuân có vẻ như không chỉ là một sự kiện bên ngoài, mà còn là sự biểu hiện rất rõ nét của chính những thay đổi, chuyển biến từ trong tự thân con người.

Thật vậy, từ xa xưa con người đã sớm biết được rằng chu kỳ sinh trưởng, vận chuyển của cả vũ trụ này có mối  quan hệ vô cùng mật thiết với cơ thể chúng ta. Triết học phương Đông đã thể hiện điều này qua nhận xét: “Nhân thân tiểu vũ trụ.” (Con người là một vũ trụ thu nhỏ.) Sự vận hành của trời đất bao la này bao giờ cũng gắn liền với những thay đổi tưởng chừng như rất nhỏ nhoi trong tự thân mỗi người. Và chính điều đó đã mang đến cho mùa xuân những giá trị chung không gì có thể thay thế được trong nhận thức của con người, cho dù là ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cũng như vào bất cứ thời đại nào.

Tính chất bất biến của những giá trị chung này có thể được nhận ra bắt đầu từ những dấu hiệu của sự sinh trưởng. Từ thế kỷ 13, ông vua văn sĩ Trần Thái Tông đã có một đoạn văn miêu tả cảnh xuân đầy ý nghĩa triết lý như sau:

“Nhân chi sanh tướng, tuế nãi xuân thì. Tráng tam dương chi hanh thái, tân vạn vật chi tụy vinh. Nhất thiên minh mỵ, thôn thôn liễu lục hoa hồng; vạn lý phong quang, xứ xứ oanh đề điệp vũ.”[1]

Tạm dịch:

“Tướng sinh ra của đời người là mùa xuân trong năm: ba tháng xuân nồng là sự tráng kiện khỏe khoắn, vạn vật khoác áo mới là sự sum suê tươi tốt. Một trời quang đãng đáng yêu, nơi nơi liễu thắm hoa hồng; muôn dặm sáng tươi, chốn chốn oanh ca bướm lượn!”

Loại bỏ ở đây đôi chút khuôn sáo không thể tránh được của lối văn Hán học truyền thống, những hình tượng và ý tứ trong đoạn văn này quả thật đã nói lên được sức sống tươi đẹp của mùa xuân trong mối quan hệ đồng điệu với tuổi xuân của một đời người. Hơn 700 mùa xuân đã trôi qua từ đó, nhưng giờ đây so với cảnh xuân hôm nay đang về, chúng ta vẫn thấy như không có gì khác nhau cho lắm. Vẫn là một sự mới mẻ và khỏe khoắn của sức trẻ đang lên dưới nắng xuân ấm áp, ngày một vươn cao cùng vạn vật. Mỗi đời người có thể là một kịch bản hoàn toàn khác biệt khi so với người khác, nhưng chắc chắn tất cả chúng ta đều có cùng một tuổi thanh xuân với những nét giống nhau là luôn trẻ trung và đầy sức sống!

Khi còn theo học trung học, tôi rất thích một câu thơ của Thôi Hiệu trong bài Hoàng hạc lâu: “Bạch vân thiên tải không du du.” (Mây trắng ngàn năm giữa trời bay!) Hồi đó, tuy vừa đọc qua lần đầu tiên đã cảm thấy thích ngay câu thơ này, nhưng thú thật tôi vẫn không biết là vì sao mình thích! Mãi về sau mới hiểu ra được đó là vì cái ý tứ man mác trong câu thơ ấy có những điểm hết sức tương đồng với những băn khoăn, khắc khoải trong lòng mình. Và vì thế nên cứ mỗi khi có dịp dạo chơi giữa thiên nhiên bao la tươi đẹp là không thể nào không nhớ đến câu thơ ấy!  

Những đám mây trắng bềnh bồng ven sông mà ngày xưa Thôi Hiệu ngắm nhìn có lẽ cũng không khác với những đám mây trắng mà ngày nay chúng ta còn được ngắm. Chính ông cũng đã nghĩ như thế nên mới nhớ đến những đám mây trắng của ngàn năm trước đó!

Nhưng nếu như đám mây trắng ngàn năm của Thôi Hiệu vẫn bay về với chúng ta hôm nay, mùa xuân của Trần Thái Tông từ thế kỷ 13 vẫn thân quen với tất cả chúng ta khi bước vào thế kỷ 21 này, thì điều tất yếu là giữa “những  người muôn năm cũ” đó với chúng ta hôm nay không thể không có những sự đồng cảm nhất định. Với tôi, có vẻ như mỗi dịp xuân về lại là một lần gợi nhớ để suy ngẫm về sợi dây liên hệ ngàn năm ấy.

Tập sách mỏng này hình thành từ những cảm xúc bất chợt lúc xuân về, được ghi vội qua những điều tai nghe mắt thấy, mong muốn chia sẻ đôi điều với bạn đọc về mùa xuân xanh tươi của vạn vật bên cạnh một tâm xuân với những điều tốt đẹp trong lòng người.

Mỗi năm luôn bắt đầu bằng mùa xuân, và mỗi đời người bắt đầu bằng những năm tháng tuổi xuân. Chúng ta ai cũng muốn đón xuân về với một tâm trạng hân hoan náo nức, tạm gác lại muôn vàn những khó khăn bề bộn, những vất vả lo toan để mở rộng tâm hồn hòa cùng mạch sống trào dâng của đất trời trong xuân mới. Nhưng rồi xuân lại xuân qua, thời gian cứ để lại những vết nhăn hằn sâu trên vầng trán và ngày qua ngày mái tóc cứ đổi màu bạc trắng dần. Phải chăng chỉ có xuân của đất trời là mãi mãi tiếp nối, còn xuân của đời người chỉ đến có một lần? Phải chăng chúng ta ai cũng chỉ có một lần trải qua tuổi thanh xuân, để rồi sau đó chỉ có thể ngậm ngùi tiếc nuối mãi cho đến cuối đời? Nếu sự thật là như thế, thì quả thật tạo hóa đã quá bất công khi không phân biệt được sự khác nhau giữa vạn vật và con người, bởi vạn vật có thể vô tâm nhìn xuân đến xuân đi, còn chúng ta thì không thể vô tâm như thế!

Thật ra, nếu chúng ta có thể cùng nhau suy ngẫm đôi chút về mùa xuân của tạo vật và xuân trong lòng người, có lẽ chúng ta sẽ thấy ra được rằng vấn đề hoàn toàn không phải bi quan như thế. Chu kỳ đến đi của mùa xuân trong vạn vật có những lý do nhất định để diễn ra như thế, nhưng mùa xuân trong lòng người vốn không thể tự đến tự đi. Hay nói đúng hơn là mùa xuân ấy chưa từng bỏ ta đi, chỉ có những gió bụi mịt mù của kiếp nhân sinh đã thường khi khiến chúng ta lãng quên, và vì thế cũng tự mình đánh mất đi cái tươi đẹp trẻ trung của chính mình. Thiền sư Chân Không (1046-1100) một hôm đã lên tiếng nhắc nhở chúng ta về điều ấy:

Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận,
Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân.
Xuân đến xuân đi ngờ xuân hết,
Hoa tàn, hoa nở chính thật xuân!


Bốn mùa vận hành là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Hoa trước không tàn thì hoa sau không nở, thu vàng đông giá chẳng qua đi thì xuân hồng cũng không thể trở về. Vì thế, trong cái hiu hắt của thu, cái lạnh lẽo của đông, thật ra cũng đã hàm chứa chút mầm xuân. Lá úa vàng rơi là quá trình chuẩn bị để cây thay áo mới. Cỏ già không tàn rụi qua đông thì làm sao có cỏ non mơn mởn mọc lên lúc xuân về, để thi hào Nguyễn Du của chúng ta có thể động lòng viết nên hai câu thơ tả cảnh xuân bất hủ:

Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.


“Cỏ non xanh tận chân trời”, nên chúng ta biết là trời khi ấy cũng phải xanh biêng biếc, vì nếu trời không xanh thì cỏ tận chân trời không thể giữ được màu xanh! Và giữa cảnh trời đất bao la lan tỏa khắp nơi một màu xanh tươi tràn đầy sức sống, cái cành lê với vài bông hoa trắng được đặt vào đây quả thật có sức mạnh miêu tả thật diệu kỳ, vì nó như làm bật lên cái sức sống tiềm tàng ẩn chứa trong màu xanh của cả bầu trời mặt đất. Hoa ở đây không còn chỉ là hoa lê trắng, mà là hoa của mùa xuân, là kết tinh của cả đất trời trong xuân mới, khiến cho người ngắm cũng không khỏi phải say sưa hòa mình vào nhịp xuân của toàn vũ trụ. Cái tình xuân như thế thì quả thật không ai là không cảm được!

Nhưng trời đất có bốn mùa nên xuân có đến, có đi, còn đời người vốn không thể nào giữ mãi tuổi thanh xuân, làm sao có được một mùa xuân miên viễn? Vì thế, nỗi khắc khoải ưu tư lớn nhất của con người tự ngàn xưa đến nay vẫn không ra ngoài ý nghĩa tồn tại của một kiếp người! Và bi kịch lớn nhất của mỗi chúng ta chính là khả năng nhận thức về cuộc sống vượt quá thời gian giới hạn của một kiếp người!

Con thiêu thân vốn chẳng bao giờ có thể biết được đời mình là ngắn ngủi, bởi vì nó không có được tầm nhìn vượt quá vòng đời của chính mình. Con người thì khác. Chúng ta ghi lại lịch sử trong quá khứ. Chúng ta hoạch định về tương lai. Chúng ta khao khát hoàn thiện hiện tại. Qua đó, chúng ta nhận ra rằng cuộc đời là hết sức ngắn ngủi trong chuỗi thời gian vô thủy vô chung! Vì thế, càng nhận thức được nhiều điều về cuộc sống, chúng ta càng cảm thấy không hài lòng với đời sống ngắn ngủi, và với tuổi thanh xuân còn ngắn ngủi hơn nữa!

Thế nhưng, bằng vào kinh nghiệm thực chứng của tự thân, cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Phật đã chỉ ra rằng sự không hài lòng với đời sống ngắn ngủi tưởng chừng như rất hợp lý đó của tất cả chúng ta lại là xuất phát từ những ảo tưởng và nhận thức hoàn toàn sai lệch.

Trước hết, trong thế giới vật chất, sự tồn tại vĩnh viễn của bất cứ vật thể nào cũng đều là chuyện không thể có. Vì thế, trong kinh Kim Cang đức Phật đã nêu rõ chân lý này:

Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng ảo, bào ảnh,
Như lộ diệc như điển,
Ưng tác như thị quán.

Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng ảo, bọt nước,
Như sương sa, điện chớp.
Nên quán sát như vậy.


Nhưng thế giới vật chất, hay “các pháp hữu vi” không phải là toàn bộ thực tại. Nói đúng hơn, chúng chỉ là một phần của thực tại được phản chiếu, ảnh hiện trong thế giới nhận thức của chúng ta mà thôi. Vì thế, tuy những ảnh hiện đó có tồn tại và diệt mất trước mắt ta, nhưng thật ra đó chỉ là những sự biến đổi trong nhận thức của chúng ta. Cho nên, nếu quán xét toàn diện về thực tại thì sẽ thấy là mọi hình tướng, vật thể đều không hề có sự sinh ra và mất đi. Tâm kinh Bát-nhã mô tả điều này là “bất sinh bất diệt”, và vị tổ sư khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở nước ta, cũng chính là vua Trần Nhân Tông, một trong những vị vua anh minh nhất đời Trần, đã thể hiện chân lý này một cách cụ thể hơn như sau:

Nhất thiết pháp bất sinh,
Nhất thiết pháp bất diệt.
Nhược năng như thị giải,
Chư Phật thường hiện tiền,
Hà khứ lai chi hữu?[2]

Hết thảy mọi pháp tướng,
Không sinh cũng không diệt.
Nếu hiểu được như vậy,
Thường được thấy chư Phật,
Làm sao có đến, đi?


Không sinh, không diệt. Không đến, không đi. Đó chính là ý nghĩa nền tảng về một tâm xuân miên viễn. Khi chúng ta nhìn sự vật có sinh có diệt, có đến có đi, lòng ta không khỏi sinh ra những luyến lưu tiếc nuối. Nhưng trong chuỗi thời gian vô thủy vô chung, sự vật thật ra chỉ là liên tục chuyển đổi từ một dạng thể này sang một dạng thể khác. Do bị trói buộc bởi những khái niệm sẵn có, chúng ta luôn gán cho những dạng thức này là sinh ra, những dạng thức kia là diệt đi... và rồi ngỡ rằng đó là những mô tả chính xác về sự vật. Thật ra, sự mất đi của một phần nước trong sông hồ cũng chính là sự sinh ra của những đám mây bềnh bồng trôi trên bầu trời xanh kia, và sự mất đi của những đám mây lại cũng chính là sự sinh ra của những dòng suối khe trên mặt đất... Trong chuỗi biến đổi đó, không một yếu tố nào có thể vắng mặt, nếu không thì cả vũ trụ này sẽ không thể tồn tại như chúng ta hiện đang nhìn thấy. Hạ úa, thu phai, đông tàn, xuân mộng... dẫu là xanh tươi tốt đẹp hay tàn tạ thê lương, mọi thứ đều góp phần làm nên vạn hữu, đều là một phần không thể thiếu được trong thực tại viên dung. Vấn đề mang đến sự buồn đau hay thất vọng của chúng ta chính là sự phân biệt và nhận thức sai lầm về sự vật, mang những khái niệm tốt, xấu, hay, dở... của mình gán vào cho vạn hữu, rồi từ đó mới nảy sinh ra những cách nhìn sai lệch, thiên kiến.

Khi thoát ra khỏi sự trói buộc của những khái niệm và nhìn sự vật với một tâm hồn vô tư rộng mở, chúng ta sẽ thấy được mùa xuân cả trong thu vàng, đông giá... và thấy được “hoa tàn, hoa nở chính là xuân”. Chính vì thế mà không còn có đến, có đi.

Sự hiển bày của một thực tại toàn vẹn không chia cắt sẽ giúp ta thấy rõ bản chất thực sự của đời sống. Những biến chuyển trong thế giới vật chất đối với chúng ta sẽ không còn là những quy luật khắc nghiệt muôn đời bất biến, mà chỉ là sự tuôn chảy của một dòng thực tại luôn tràn đầy sức sống. Tuổi thanh xuân chỉ qua đi đối với thân xác cấu thành từ vật thể, nhưng mầm xuân luôn còn mãi trong tinh thần chúng ta, bởi vì phần tinh thần ấy vốn dĩ là không sinh không diệt.

Tôi sẽ không nói đến một phần tinh thần tồn tại sau khi xác thân này tan rã, vì điều đó có thể gây ra sự ngộ nhận và mơ hồ đối với một số bạn đọc, nhưng tôi muốn chỉ ra rằng sự suy yếu của thân xác qua thời gian là một điều tất yếu, trong khi sự suy yếu của tinh thần theo tuổi tác lại là một căn bệnh không đáng có của hầu hết chúng ta. Nếu chúng ta có thể nhận thức đúng được vấn đề, thoát khỏi sự ràng buộc gắn liền với thế giới vật chất do định kiến, ta sẽ thấy được rằng mùa xuân trong tâm hồn ta vẫn mãi mãi còn đó, không đến, không đi!

Nhận thức đúng về một tâm xuân miên viễn sẽ không làm mất đi tính thơ mộng của mùa xuân trong thế giới vật chất. Ngược lại, điều này càng giúp chúng ta hiểu đúng và trân trọng hơn nữa những thời khắc ngắn ngủi sẽ qua đi của mùa xuân xanh tươi hay tuổi thanh xuân tràn đầy sức trẻ. Chúng ta sẽ nhận thức về mùa xuân một cách toàn diện và tươi đẹp, lạc quan hơn, nhưng sẽ không còn chìm đắm trong ảo tưởng về những mơ ước viển vông không thật có. Mỗi một cảm xúc của chúng ta khi xuân về, mỗi một lời chúc tụng hay chia sẻ niềm vui với người thân đều sẽ trở nên chân thành và thiết thực hơn, không còn chỉ là những khuôn sáo trống rỗng được lặp lại qua bao đời, mà thực sự sẽ là những tình cảm chân thật xuất phát từ sự hòa nhịp cùng mùa xuân của vạn hữu.

Xuân về, muôn hoa khoe sắc. Con người cũng là một loài hoa, loài hoa đẹp nhất của cả đất trời, nên không thể không tỏa hương khoe sắc lúc xuân về. Viết tặng nhau những vần thơ, nốt nhạc... Hát cho nhau nghe những khúc hát tươi vui, tràn đầy sức sống... Và gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp về một năm mới ngập tràn hy vọng... Tất cả đều là những cách tỏa hương khoe sắc của mỗi chúng ta. Nhưng vượt hơn tất cả phải là một sự nỗ lực hoàn thiện chính mình để luôn hướng đến trở thành một bông hoa tươi thắm hơn, xinh đẹp hơn và tỏa hương thơm ngày càng xa hơn, như lời kệ số 54 trong kinh Pháp cú:

Hương các loại hoa thơm,  
Không ngược bay chiều gió.
Nhưng hương người đức hạnh,
Ngược gió khắp tung bay!


Và xin mượn ý nghĩa này để thay cho lời chúc tốt đẹp nhất gửi đến quý độc giả nhân dịp xuân về, mong sao hương hoa đức hạnh sẽ mãi mãi tỏa lan khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta, để mùa xuân không chỉ là những phút giây tươi đẹp thoáng qua ngắn ngủi mà vẫn luôn đọng lại trong tình người nồng ấm chứa chan, biết san sẻ cho nhau mọi điều tốt đẹp về vật chất lẫn tinh thần.

Hy vọng rằng những ý tưởng vụng về được ghi lại trong tập sách mỏng này sẽ có thể góp được một phần nhỏ nhoi nào đó trong việc giúp cho mỗi người chúng ta có thể tìm thấy niềm vui chân thật trong cuộc sống. Và nếu được như vậy thì đây chắc chắn sẽ là niềm vui lớn lao nhất dành cho những người đã tham gia thực hiện tập sách. Chúng tôi rất mong sẽ nhận được sự cảm thông và tha thứ của quý độc giả gần xa về những sai sót ít nhiều không thể tránh khỏi trong sách này.


Trân trọng
Nguyên Minh


« Sách này có 8 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.193.70 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...